Cho anh yêu em thêm lần nữa
|
|
– “Ngon ha?” Thuận nhè nhẹ gật đầu, vẫn đang bận đánh giá anh con trai của chú A Bổn – “Ba tui nấu cháo ngon lắm” – “Sao nãy giờ anh toàn nói trống không với tui vậy?” – “Không biết kêu bằng gì” – A Gấu ngây thơ đáp – “Không biết sao không không hỏi. Anh tên gì?” – “Tên là A Gấu !” – “Tui tên Thuận. Mai mốt mình ở chung nhà có gì giúp đỡ tui với nheng.” – “Thuận hả?” – A Gấu cười gật đầu.- “Ừ, mai mốt có gì cần giúp Thuận cứ kêu A Gấu nha” “Cũng biết nói chuyện như vậy thì không đến nỗi ngốc lắm”, Thuận nghĩ thầm trong bụng. Ăn xong, Thuận đón bus về thu dọn đồ đạc. Trở về căn hộ nằm trong một khu chung cư cao cấp, Vương không có nhà. Đêm qua chắc anh ta cũng không về nhà vì sợ đối mặt với cậu chăng? Nhát gan thật! Anh ta có gan đòi chia tay mà không có gan đối diện sự thật sao? Thuận nhanh chóng vào phòng ngủ gom vài bộ quần áo, lấy dụng cụ cá nhân và giấy tờ. Cậu tức giận ném hết tất cả những gì anh mua cho cậu vào vali. “Hừ! Phải lấy hết đi cho bõ tức, không chừa lại một thứ gì hết” Còn album hình thì để lại, phải để anh ta mỗi lần nhìn thấy phải nhớ đến mình, nhớ đến tội lỗi đã gây cho mình như thế nào, không thể để anh ta quên hết mọi chuyện mà sống nhẹ nhõm được. Thuận khệ nệ ôm chiếc vali to, đeo balô trên vai ra khỏi căn hộ mà cậu không có cảm tình gì mấy Trước khi bước ra cửa, Thuận quay lại nhìn căn phòng sang trọng lần cuối. “Triệu Minh Vương, tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho anh” Thuận quyết định nấu một bữa ăn liên hoan mừng “tân gia” phòng mới, cho dù là phòng thuê thì cũng nên làm một bữa tiệc ra trò. Sau một hồi quét dọn căn gác cũ và xếp tất cả vật dụng vào chỗ của nó thì Thuận kéo A Gấu đi chợ. Không ngờ chỗ ở này rất tiện, gần chợ, gần trường, gần công viên nữa. – “A Gấu thích ăn món gì?” – Thuận hỏi – “Tui hả? Tui thích nhiều lắm” – “Tui hỏi A Gấu thích món gì nhất tui nấu đãi nha” – Thuận bắt chước cách nói chuyện của A Gấu và chú A Bổn. – “Tui thích ăn thịt gà hề hề” – “Ok! Vậy tui sẽ nấu món gà nướng sốt đậu cho A Gấu ăn thử nha.” A Gấu vui vẻ gật gật đầu Ra chợ, mua gì cũng đưa cho A Gấu xách. Công nhận là cao lớn cũng có lợi ghê, mua 3kg rau ăn lẩu, 2kg thịt gà rồi nước mắm, xì dầu, sữa tươi, nguyên liệu gia vị linh tinh để làm đồ tây đều do một tay A Gấu xách. Mấy cô dì ở chợ có vẻ thích A Gấu nên mua gì cũng được giảm giá. Thuận và A Gấu tay xách nách mang về đến nhà, cùng nhau vào bếp. Vừa đeo tạp dề vào chuẩn bị xuất chiêu, Thuận vừa nháy mắt : – “A Gấu giúp tui nấu ăn nha” – “Ờ” – A Gấu gục gặc đầu – “A Gấu đem gà rửa sạch đi, xong rồi làm cá nha.” – “Ờ ờ” – A Gấu gật đầu lia lịa Một hồi sau, A Gấu vẫn đang loay hoay với mấy con cá, xoay qua xoay lại vẫn không biết làm thế nào đành phải mếu máo: – “Giờ tui làm cá sao đây Thuận?” – “Cá hả? Mổ bụng ra rồi bỏ ruột bỏ đuôi đi” – Thuận vẫn tập trung làm món sốt, không nhìn mà trả lời. Thuận nấu nấu nướng nướng xong, bắc chảo xuống nếm thử món sốt đậu, rồi hài lòng gật gù. Xong cậu nhìn qua A Gấu cũng đang chăm chú nhìn cậu, tay cầm cái rổ cá : – “Muốn thử không…” Chưa dứt lời, Thuận nhìn thấy mấy con cá đáng thương mà A Gấu mới “mổ bụng”. Đúng nghĩa là “mổ bụng”, con cá điêu hồng bây giờ trên thân đầy lỗ. Thuận chậm rãi đưa khuôn mặt đau khổ lên nhìn A Gấu – “Tui làm sai rồi sao?” – A Gấu vẻ mặt có lỗi hỏi Thuận thấy vẻ mặt A Gấu như đứa bé sắp chịu phạt nên cố gắng nở nụ cười đúng chuẩn – “À không, như vậy thì nấu sẽ thấm gia vị hơn. Nhưng lần sau A Gấu đừng có đâm tùm lum lỗ vậy nha, A Gấu rạch một đường từ chỗ này đến chỗ này nè, rồi lấy hết ruột ra. Cắt bỏ cái đuôi, như vậy là xong rồi.” – “Dzậy hả” – A Gấu đáp ngây thơ Thuận khẽ khép hờ một nửa con mắt, nghĩ trong lòng: “A Gấu có phải con nhà lao động không vậy? Cho dù ngốc thế nào cũng không thể không biết rạch bụng cá chứ?” Tối hôm đó, chú A Bổn từ ngoài đầu hẻm đã ngửi thấy mùi thức ăn ngon đến chảy nước miếng nhưng không ngờ nơi phát ra lại ngay trong nhà mình. – “Thơm quá, nhìn đẹp như vậy chắc là ăn ngon lắm đây nha” – Chú A Bổn chưa kịp rửa mặt đã chạy đến bàn thức ăn hít hà – “Hôm nay có chuyện gì mà có nhiều đồ ăn ngon dữ zậy cà?” – “Hôm nay cháu đãi chú với A Gấu ăn “tiệc tân gia” haha. Chú mau vào rửa mặt rồi ra ăn cơm. Chắc chú đói lắm rồi.” – “Dzậy ha! Dzậy phải đi rửa mặt nhanh thôi a.” – Dáng người thấp bé nhanh chóng đi vào bếp. Suốt bữa cơm, chú A Bổn và A Gấu cứ tấm tắc khen món ăn, ăn món nào là khen món đó. – “Chú với a Gấu đừng khen cháu nữa. cháu bỏ công ra học nấu ăn mà, nấu đúng công thức nên vừa miệng thôi.” Thuận cũng không quen được khen nhiều như vậy, từ ngày cậu đi học nấu ăn, cậu và Vương cũng không có dịp nào cùng ngồi ăn cơm nên anh chưa từng được ăn món cậu nấu. – “Không có đâu á. Ngon thiệt mà. Rất ngon đó. Thuận mở quán ăn là đắt lắm luôn đó nha” – A Gấu nhiệt tình khen nhất – “Đúng a! Đúng a.” – Chú A Bổn cũng hưởng ứng theo – “Cháu cũng rất muốn mở quán ăn. Ước mơ lớn nhất của cháu là mở một nhà hàng lớn. Nhưng mà chắc phải trúng vé số mới có tiền mở nhà hàng quá”
|
Cảm thấy hai cha con này gần gũi nên Thuận buột miệng nói ra ước mơ mình ấp ủ bấy lâu lúc nào không hay.. – “Chú cũng muốn mở quán lớn bán hủ tíu nha, chứ không muốn cứ đấy xe hoài, lúc nào cũng phải thấp thỏm lo khi nào sẽ bị bảo vệ khu phố bắt vì lấn chiếm lòng lề đường. Ai dà!! Chú cũng có muốn dzậy đâu, nhưng mà không có vốn biết làm sao bây giờ. Muốn kiếm sống đành phải làm liều thôi.” Thuận nhìn chú A Bửu với ánh mắt đồng tình. Cậu cũng biết việc này, những người bán rong ở Sài Gòn suốt ngày ngó trái ngó phải, không phải để canh khách hàng mà là canh lỡ đâu có một xe trật tự đến “hốt” là coi như mất hết vốn, khỏi còn đường làm ăn. Biết là mình làm sai, nhưng trong cái đất Sài Gòn này lấy đâu ra vốn mà thuê đất thuê nhà chứ. Cậu cũng luôn mong muốn mở được một quán ăn nên cũng dò hỏi giá cả thị trường thường xuyên. Vương có tiền nhưng cậu không muốn hỏi mượn, cậu không thích cuộc sống dựa dẫm vào người khác. Thuận phùng một bên má, lắc lắc đầu, tự dặn mình “không được nghĩ đến Vương nữa”. Cuộc sống của Thuận cùng với hai cha con chú A Bổn những ngày sau đó rất vui vẻ, sáng nào ngủ dậy cậu cũng được ăn cháo hoặc xôi miễn phí của chú A Bổn, bù lại, buổi tối cậu sẽ xắn tay áo vào bếp nấu ăn. Ba người sống giống như một gia đình hòa thuận. Cậu cảm thấy mình thật may mắn vì không phải sống cô đơn một thân một mình như cậu đã tưởng tượng.Cho dù quyết tâm từ bỏ Vương nhưng những lúc vô tình nhớ tới thì Thuận cũng không thể nào ép buộc bản thân vui vẻ được. Thuận không thể kìm chế sự trống rỗng và mất mát len lỏi trong lòng. Ngày mới chia tay, cậu buồn một đêm nhưng đến bây giờ đã một tháng rồi, cơn đau lòng đến khó chịu vẫn cứ cách vài ngày lại đến tìm. Chiếc tivi cũ đang chiếu phim TVB, Thuận cùng với hai cha con chú A Bổn cười nghiêng ngả, thỉnh thoảng lại bàn tán đoán trước những hành động của nhân vật trong phim, tự nhiên Thuận nhớ lại những lúc cùng Vương xem phim TVB. Cả hai đều ghiền phim TVB đến mức quen cả cô Kim bán đĩa, mỗi khi có phim mới là cô alô cho Vương liền. Thuận không hiểu sao trong bụng xuất hiện một quả bóng đầy khí, khó chịu vô cùng, lúc này lại nghe tiếng cười của người khác, cảm giác bực bội trong người lại càng tăng “Chú A Bổn con lên lầu đi ngủ nha” – Thuận cố trấn tĩnh bản thân mình “Ờ ờ” – Chú A Bổn mắt vẫn dán vào tivi xem hăng say mà trả lời “Coi tiếp đi Thuận, phim đang hay mà”– A Gấu nắm lấy tay Thuận, không cho đi “Hôm nay tui mệt, tui muốn đi ngủ sớm” – Bây giờ cậu chỉ muốn lên gác ở một mình “Mới 8h hà. Ở lại coi cho dzui” Thuận giật tay mình ra, không nói gì bước lên gác bỏ lại ánh mắt ngơ ngác của A Gấu nhìn theo bóng lưng cậu. Lên gác, cậu nhoài người, nằm úp vào chiếc nệm mỏng, cảm giác buồn tủi và cô đơn xâm chiếm. Cậu không muốn thừa nhận rằng lúc này mình đang nhớ đến con người đã bỏ rơi mình nhưng lại không thế lừa gạt bản thân là cậu nhớ anh. Cậu nhớ chuyện đã rất lâu rồi… Cứ buổi tối nào cậu vào phòng đi ngủ sớm đều vì hôm đó Vương đã làm cậu giận, ngay lập tức Vương sẽ “biết điều” mà vào phòng năn nỉ cậu tha thứ. Thuận nằm trên giường xoay mặt vào trong, Vương rón rén vào phòng và nhẹ nhàng sờ lên tóc cậu, khẽ gọi : “Thuận…em sao vậy?” “Thuận sao dzậy?” Một âm thanh trong trẻo vang lên bên tai làm Thuận giật mình, quay mặt lại nhìn thì khuôn mặt của Vương đã biến thành khuôn mặt lạ của một người cậu mới quen không lâu – A Gấu Tình cảnh này khiến Thuận vô cùng bối rối. Ánh mắt màu đỏ pha với nước chính là bằng chứng cậu vừa khóc xong, nước mắt rơi trên má vẫn chưa kịp lau khô. Thuận không muốn để người khác thấy sự yếu đuối của bản thân mình. “Lên đây làm gì?” – Thuận gần như hét lên Tiếng hét bất ngờ của Thuận cũng khiến A Gấu giật mình, mất một lúc mới có thể trả lời “Tui nghe nói Thuận mệt nên lên coi Thuận bệnh làm sao” Mặc dù biết là mình vừa mới không đúng nhưng Thuận không thèm nói xin lỗi, cậu cứng đầu nói : “Không cần” rồi lập tức quay mặt đi chỗ khác để che đi đôi mắt đỏ “Tôi không sao” “Mệt mà không uống thuốc liền là bị nặng hơn đó. Hôm bữa tui cũng không chịu uống thuốc nên mới phải nằm ở nhà mấy ngày. Thuận nói Thuận đau chỗ nào đi, tui đi mua thuốc cho” – A Gấu lo lắng “Mệt quá!! Tui đã nói không cần là không cần mà! Sao phiền phức quá vậy!!!!” Thuận thật sự đã hét lên, sự quan tâm của A Gấu càng khiến cậu thêm mệt mỏi, cậu chỉ muốn ở một mình, cũng không có bệnh gì mà cứ lải nhải khiến Thuận không chịu nổi “Tui chỉ lo cho Thuận thôi mà” – Khuôn mặt A Gấu cũng xuất hiện sự bối rối và sợ hãi như khi trẻ con phạm lỗi. “Không cần! Đi xuống đi” Câu nói tuy không lớn nhưng rất dứt khoát và chứa đựng sự tức giận lần này lại có tác dụng. A Gấu bước chậm xuống cầu thang và còn không quên quay lại dặn Thuận: “Nếu có bị đau gì thì Thuận nhớ nói cho tui biết nha. Tui đi mua thuốc cho” Không nghe thấy tiếng đáp trả, A Gấu mang vẻ mặt buồn bã đi xuống. “Sao tự nhiên Thuận lại tức giận với mình như vậy?” Sáng hôm sau thức dậy, Thuận cảm thấy đỡ hơn rất nhiều, nỗi lòng bực tức ngày hôm qua đều biến mất chỉ còn lại áy náy. Thuận chợt cảm thấy mình thật có lỗi với A Gấu, đúng ra không nên làm như vậy. Cậu đứng ở đầu cầu thang cả buổi, suy nghĩ xem mình nên nói gì nếu gặp A Gấu ở dưới lầu? Vừa xuống nhà, Thuận thấy A Gấu đang ngồi một mình bên bàn ăn, đầu gối lên cánh tay trông thật là rãnh rỗi. – “A Gấu” – Thuận lên tiếng gọi – “Thuận dậy rồi hả?” – A Gấu nghe tiếng gọi thì quay mặt lại, trên mặt là nụ cười có hàm răng trắng, không có vẻ gì là còn giận chuyện ngày hôm qua bị mắng oan. – “Thuận hết mệt chưa? Ăn sáng đi. Hôm nay baba cho ăn xôi” – “Uhm…hết mệt rồi. Cảm ơn A Gấu nha.” – Thuận trả lời, câu xin lỗi cũng không nói ra được. Cậu quyết định cư xử với A Gấu như không có chuyện gì xảy ra vì dù sao A Gấu ngốc ngốc cũng không để ý. – “Hôm nay A Gấu không ra phụ chú bán xôi hả?” – Thuận tìm chuyện khác nói để thoát khỏi cảm giác ngượng ngùng – “Ừ! Baba nói ở nhà chờ coi Thuận có bị gì hông. Thuận khỏe dzậy là được rồi. Hề hề” Thuận nghe câu nói như vậy thì thấy cảm động trong lòng. Dù sao chú A Bổn với A Gấu cũng không phải người thân của cậu, lại vừa mới quen chẳng bao lâu mà đối xử tốt với cậu như vậy. Trong khi Vương từ khi đi làm thì không còn quan tâm cậu như trước nữa, thậm chí những lúc Thuận bị bệnh thì Vương cũng chỉ mua thuốc để đó rồi đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Thuận không thể ngăn được cảm giác tự nhiên lòng chùng xuống. Đến A Gấu nhìn thấy khuôn mặt “ruột để ngoài da” đó cũng biết được là cậu đang không vui, anh nghĩ ra chuyện làm cho cậu vui vẻ lên. – ““Thuận biết hôm nay là ngày gì không?” – “Ngày gì?” – Thuận ngơ ngác nhìn lên tấm lịch treo tường thấy một con số 30 to màu đỏ – “30 tháng 9? Hôm nay ngoài là chủ nhật ra cũng đâu có gì đặc biệt đâu. Sinh nhật A Gấu hả?” – “Không phải” – “Vậy là sinh nhật chú A Bổn?” – “Cũng không phải luôn. Hôm nay là Tết Trung Thu đó” – A Gấu nói như thể vừa chỉ cho Thuận một “bí mật thú vị” lắm. Một người con trai hai mươi ba tuổi mà còn khoái trung thu như vậy sao? Nhưng nghĩ bụng vậy thôi chứ Thuận cũng không nói ra. Cậu nhìn sự vô tư của A Gấu mà ghen tị, A Gấu lớn hơn cậu nhưng tâm hồn thì không hề có những gánh nặng như cậu đang mang. Cậu nhớ lại trung thu cách đây hai năm trước mình đã buồn như thế nào vì Trung thu là tết đoàn viên, còn cậu lại không dám quay về nhà vì bản thân đã bỏ nhà đi cùng với Vương. Tuy vẫn chưa dám công khai với gia đình rằng mình là gay nhưng mặc cảm và sợ hãi cũng không cho cậu dũng cảm để về gặp mặt bố mẹ và em gái. Ngày hôm đó, để làm Thuận vui, Vương đã chở cậu đi chơi trên chiếc xe dream cà tàng. Hai người đi dạo phố lồng đèn, ăn chè khúc bạch – đặc sản nổi tiếng của phố người Hoa. Tuy phải chen chúc rất đông người, ngồi đợi chè rất lâu nhưng Thuận lại cảm thấy rất vui được cùng đón tết đoàn viên với Vương vì cậu xem Vương chính là gia đình của mình. Cậu đang nghi hoặc sự tin tưởng như gia đình đó dành cho anh có phải là sai lầm? Thuận làm thêm phụ bếp ở nhà hàng nên ngày lễ hay chủ nhật cũng không được nghỉ, ngược lại càng bận rộn hơn nên khi Thuận về đến nhà thì đã quá 12 giờ khuya rồi. Đoán chắc giờ này chú A Bổn và A Gấu đều đã ngủ, Thuận nhón chân đi rất nhẹ nhàng vào nhà. Cậu không bật đèn mà cố mò đường đi trong bóng tối. Đến tới vị trí cầu thang, Thuận đưa tay xác định vị trí các thanh gỗ để bước lên thì chạm phải cái gì đó mềm mềm Thuận giật mình rụt tay lại nhưng vẫn cố kìm chế giọng nói không quá to: “Cái gì vầy nè?” “Vật thể lạ” ngọ nguậy rồi lên tiếng: “Thuận về rồi hả?”. Thì ra là A Gấu ngồi đây ngủ gật. Thuận khẽ hỏi: – “Sao A Gấu không lên giường ngủ mà ngồi đây?’ – “Thì đợi Thuận về đó” – A Gấu nói bằng giọng ngái ngủ – “Đợi tui về làm gì?” – Thuận cũng ngạc nhiên – “Tui đợi Thuận về đón trung thu nè” – A Gấu vừa nói, hai tay vừa đưa ra hai thứ gì đó mà ánh đèn đỏ trên bàn thờ không đủ sáng để Thuận nhìn rõ. – “Rồi cái gì đây?” – Thuận chỉ tay vào thứ trong lòng A Gấu, thắc mắc – “Lồng đèn với bánh trung thu đó. Thuận tắm lẹ lên đi rồi lên ăn bánh trung thu nha”
|
You are here: Home / Truyện đồng tính nam / Cho anh yêu em thêm lần nữa ; Chap 1 – 10 Cho anh yêu em thêm lần nữa ; Chap 1 – 10 November 8, 2014 By ctltvoz 2 Comments 19 người thích truyện này
Thấy A Gấu ngồi chờ mình tới giờ này và còn nể chuyện ngày hôm qua cậu không kìm chế được quát với A Gấu nên Thuận cũng không nỡ từ chối tấm lòng của anh. Thuận tắm xong, hai người leo lên gác xép ra ban công ngồi đốt lồng đèn, ăn bánh trung thu. A Gấu vừa ăn vừa khoe thành tích của mình
– “Hồi nãy A Gấu phải xếp hàng lâu lắm mới lấy được lồng đèn với bánh trung thu ăn đó”
– “Hả?? Hôm nay đông người mua dữ vậy sao?”
– “Không phải, mấy chị trong ủy ban khu phố cho đó”
– “Hả???? “ – Thuận không tin và tai mình
– “Lúc chiều, A Gấu thấy mấy chị phát bánh trung thu với lồng đèn ở trước ủy ban nhưng phải xếp hàng mà A Gấu cao nhất nên phải đứng chót đó”
Thuận nhăn mặt tưởng tượng cảnh một thanh niên hai ba tuổi cao to phong độ đứng xếp hàng tranh giành bánh trung thu và lồng đèn với mấy đứa con nít thì chịu không nổi mà phì cười. A Gấu này đúng là bị ngốc thật rồi! Nghĩ vậy nhưng nhìn cái đèn lồng hình tròn xoe và nửa cái bánh trung thu trên tay, rồi lại thấy A Gấu đang ăn bánh trung thu một cách thích thú thì mỉm cười : “ước gì mình cũng ngốc như A Gấu thì khi thất tình sẽ không đau lòng như vậy đâu nhỉ?”. Thuận ngẩng mặt lên bầu trời không có bóng dáng một ngôi sao, đã rất nhiều lần cậu bị mảng trời đen thăm thẳm như thế này hút vào tưởng chừng không cách nào thoát ra được. Cậu gọi nó là sự bất lực của nỗi cô đơn. Nhưng hôm nay, có lẽ vì có người ở bên cạnh nên sau khi hít một hơi sâu đem khí trời mát lạnh nuốt vào lòng, cậu cảm thấy thật dễ chịu. Tuy hai thằng con trai chơi đèn lồng và ăn bánh trung thu thế này rất kì khôi nhưng nhờ A Gấu mà trung thu này Thuận không phải liệt kê vào danh sách thêm một kỷ niệm buồn. Và cũng thoát khỏi cảnh trung thu cô đơn như trong tưởng tượng
– “Cảm ơn nha, A Gấu”
A Gấu được khen khoái chí cười hề hề.
– “Mà sao A Gấu không ăn bánh trung thu với chú A Bổn mà chờ tui về khuya vậy?” – Thuận quay sang hỏi
– “Baba bị tiểu đường không ăn đồ ngọt được, mà tui cũng muốn ăn với Thuận nữa. Chơi với Thuận vui lắm”
– “Vậy hả” – Thuận cười rồi như sực nhớ điều gì đó. – “Hình như dạo này chú A Bổn không được khỏe lắm”
– “Baba tui bị nhiều bệnh lắm. Tui kêu baba đi khám bác sĩ mà baba không chịu đi gì hết”
– “Tội nghiệp chú A Bổn, chắc chú sợ đi khám bệnh tốn nhiều tiền.”
A Gấu gật gù, mặt mày cũng ủ ê. Thuận nhìn nghiêng nhận thấy A Gấu có một khuôn mặt góc cạnh, lông mày rậm, sóng mũi cao, thích nhất là cái chóp mũi cong cong, nét nào trên gương mặt anh cũng đẹp. Trong đầu Thuận lại hiện lên khuôn mặt thân thiện của chú A Bổn, nghĩ thầm : “Hai cha con đúng là không giống nhau tí nào, chắc là A Gấu giống mẹ”. Thuận buột miệng hỏi:
– “Mẹ A Gấu chắc là đẹp lắm?”
– “Không biết nữa. Tui chưa bao giờ thấy bả. Bả bỏ đi rồi. Bả bỏ tui với baba đi lấy chồng Đài Loan rồi.” – A Gấu lạnh lùng trả lời
Thấy A Gấu có vẻ không vui, Thuận cũng không hỏi tiếp nữa. Hai người ngồi nhìn lên bầu trời trong một không gian yên lặng được một chút thì A Gấu lên tiếng:
– “Còn ba mẹ của Thuận đâu?”
Câu hỏi của A Gấu làm Thuận chột dạ. “Ba mẹ tui đều ở quê”
– “Vậy khi nào Thuận về thăm ba mẹ Thuận cho tui đi với nha, chắc ba mẹ Thuận đều đẹp lắm”
Thuận lắc đầu, nỗi buồn lại một lần nữa dâng lên, giọng nói của cậu cũng khàn đi
– “Tui chắc không bao giờ được gặp lại ba mẹ”
– “Sao vậy?”
– “Vì tui đã bỏ nhà đi. Ba mẹ tui sẽ tức giận lắm”
– “Ba mẹ giận nhưng chắc là sẽ lo lắm đó. Nếu Thuận về thì chỉ bị la thôi, ba mẹ nào mà không thương con. Chắc chắn sẽ tha thứ cho Thuận mà.”
Ngay cả A Gấu còn biết thì sao mà Thuận không biết chứ. Nhưng mà sự sợ hãi của Thuận là khi ba mẹ biết được chuyện tình cảm của cậu thì sẽ phản ứng như thế nào. Cậu không biết làm sao đối mặt với ba mẹ, những người đã rất yêu thương và đặt bao nhiêu hy vọng vào cậu. Thuận cũng từng nghĩ, hay là giờ mình trở về nhà, cố gắng yêu và cưới một người con gái về cho ba mẹ yên lòng nhưng Thuận không dám làm như vậy. Cậu cũng lên mạng và đọc những câu chuyện chia sẻ từ những người trong giới, cuộc sống giấu giếm và giả dối như vậy rất khổ sở nhiều khi còn gây ra cả tội ác. Không chỉ làm cho bản thân chịu đau khổ mà còn gây đau khổ cho những “cô vợ bất đắc dĩ” của họ nữa.
Cuối cùng cậu vẫn không thế nào làm được điều đó đặc biệt là trước đây khi còn yêu Vương.
Dòng suy nghĩ của Thuận bị cắt đứt bởi âm thanh lục tục của chú A Bổn ở dưới nhà, không ngờ mới ngồi chút xíu đã tới 3 giờ sáng rồi. Chú A Bổn chuẩn bị hâm lại xôi để sáng đem ra chợ bán. Xôi bò của chú A Bổn rất ngon, tuy bảy phần đều là gan bò chỉ có ba phần thịt bò thôi nhưng vị rất vừa ăn nên chú bán rất đắt khách. A Gấu phải xuống phụ baba còn Thuận cũng phải đi ngủ nếu không mai cũng không có sức đi làm.
Khi Thuận dậy thì trời cũng đã trưa, ánh nắng từ ban công chiếu thẳng vào mặt chứ Thuận không đành lòng thức dậy. Đang định xuống nhà dưới đánh răng thì ở đầu cầu thang Thuận đã nghe một giọng hát: “…ngày mai em đi cồn đá rêu phong rũ buồn. Đèn phố nghe mưa tủi hờn. Nghe ngoài trời giăng mây luôn…”
Bài hát này nghe rất quen, Thuận toàn nghe nhạc trẻ nên cậu không biết nhiều bài hát nhạc xưa nhưng cậu chắc chắn đó là một bài hát của Trịnh Công Sơn. Câu lẩm nhẩm lại giai điệu và lời bài hát. À đúng rồi! Bài “Biển nhớ’. Cũng may từ nhỏ ba Thuận đã thích mở đĩa karaoke những bài nhạc Trịnh nên cậu cũng biết được một ít. Thuận nghĩ chắc hôm nay nhà có khách nhưng xuống tới thì không có ai ngoài A Gấu.
– “Thuận”
– “Hồi nãy tui nghe tiếng hát là của A Gấu hả”
– ‘Ờ!” – A Gấu cười gật gật đầu.
Thuận cảm thấy ông trời này thật là công bằng. Ổng ban cho A Gấu sắc đẹp và giọng hát hay như vậy mà lại làm cho A Gấu ngốc đi nếu không chắc A Gấu đi làm ca sĩ thì còn gì là công bằng với những đứa con trai như cậu?
– “A Gấu hát lại cho tui nghe đi” – Thuận năn nỉ
“…..”
Thuận ngồi nghe A Gấu hát hết bài này lại đòi tới bài khác. Cậu không ngờ A Gấu sống cuộc sống ở khu xóm này lại thuộc nhiều bài nhạc Trịnh thuần Việt như vậy. Bởi vì trong tiềm thức của Thuận khu xóm này là những bài nhạc tàu vui vẻ nghe thấy từ đầu hẻm đến cuối hẻm. Mỗi sáng sớm cũng chỉ các ông, các cụ cũng ngồi đọc báo tiếng hoa, toàn là những chữ cậu không hiểu gì. Buổi tối đi làm về, nếu tình cờ nghe được cặp tình nhân nào ngồi nói chuyện trước nhà thì cũng không biết họ đang nói gì. Thuận bật cười thì A Gấu ngừng hát, A Gấu nói tại vì Thuận cười A Gấu nên không chịu hát lại nữa.
Từ ngày đó trở đi, A Gấu trở thành cái máy mp3 “cỡ bự” phát bài hát cho Thuận nghe.
Trước cổng trường trung cấp dạy nghề Sài Gòn, Thuận huýt sáo, đang chuẩn bị ra trạm xe bus đón xe về nhà thì nhìn thấy một người mà cậu chẳng bao giờ muốn gặp lại, đó là Vương. Anh ta đứng bên một chiếc xe SH mới cáu, chắc là vừa mới sắm. Giờ ảnh đã trở thành đại gia rồi, chạy SH luôn cơ đấy. Bình thường cậu tan trường lúc 10h nhưng hôm nay ở lại tham dự buổi phỏng vấn của một nhà hàng năm sao đang tìm vị trí đầu bếp, khóa của cậu chỉ còn một học kỳ nữa là kết thúc nên cũng được tham gia. Có lẽ anh ta đã chờ rất lâu rồi, nhưng lỡ may anh ta đang chờ cô bạn gái cũng học ở đây thì sao? Cậu không thèm nhìn về phía Vương mà đi về hướng ngược lại thì nghe tiếng anh gọi phía sau:
– “Thuận ! Thuận ơi!!”
Thuận quay lại phía Vương, nếu anh ta thật sự đến gặp cậu thì cậu cũng không sợ hãi mà đối mặt đâu. Cậu không phải người thích trốn tránh.
– “Tới gặp tôi làm gì?’ Thuận nói lạnh lùng
– ‘Em đi uống café được không?” – Vương cũng dè dặt hỏi, anh không chắc liệu Thuận sẽ chịu đi cùng anh
|
Chương 3: Bước tiếp hay quay lại Quán café gần trường Thuận luôn luôn đông khách, hầu như lúc nào cũng có các nhóm bạn tụ tập ở đây. Tiếng nhạc toàn là những bài hát thị trường, những bài nhạc Hàn sôi động mới nổi gần đây chứ không yên tĩnh và dễ chịu như quán café mà Vương đã nói lời chia tay với cậu. Nhưng Thuận thà chọn chỗ này còn hơn đến một nơi khác mà phải ngồi lên chiếc xe SH đắt tiền đó.
– “Em dạo này khỏe không?” – Vương phá vỡ không khí căng thẳng giữa hai người từ đầu đến giờ
– “Anh đến gặp tôi làm gì?” – Thuận không muốn trả lời câu hỏi khách sáo đó
– “Dạo này em sống ở đâu?”
– “Anh cần biết làm gì”
– “Anh lo cho em. Anh gọi điện về quê hỏi bé Thư nhưng nó nói em không có về nhà”
– “Anh nghĩ rằng tôi sẽ về nhà sao? Sau khi bỏ đi với anh và bị đá hả?” – Thuận gằn giọng , đôi lông mày nhăn lại
– “Dù sao thì ở quê vẫn chưa ai biết chuyện của tụi mình…”
– “Anh gặp tôi chỉ để nói chuyện này sao? Lúc muốn thì anh kêu tôi lên thành phố với anh. Không muốn thì bắt tôi phải về nhà sao? Nếu vậy thì thôi, tôi về đây.” – Thuận đứng lên đeo cặp chuẩn bị ra ngoài
– “Không phải . Anh còn chuyện khác nữa”
– “Chuyện gì?” – Thuận ngồi xuống nhưng hết kiên nhẫn, hỏi cộc lốc
Vương ấp úng một lúc rồi lấy từ trong cặp ra một phong bì đỏ đưa cho Thuận. Cậu tròn mắt nhìn dòng chữ trên chiêc phong bì đó “ Thân mời Em Thuận & người yêu”. Nhìn chữ “người yêu” Thuận cảm thấy chua xót mặc dù biết kiểu ghi thiệp mời như vậy là truyền thống rồi, với lại dòng chữ trên phong bì cũng không phải chữ của Vương. Cầm lấy phong bì cậu mở ra, cảm thấy không tin được. Không phải không tin anh ta sẽ cưới vợ mà không tin được anh ta sẽ đến gặp cậu để đưa thiệp mời. Cậu cười cười
– “Đám cưới ở White Palace. Tôi không có đủ tiền đi đâu”
– “Em không cần bỏ phong bì gì cả. Chỉ cần em đến là được rồi.”
Thuận không muốn tỏ vẻ yếu đuối. Cậu phải mạnh mẽ cho anh ta thấy là cậu cũng không cần và không phải không có anh ta thì cậu không sống được trên đất thành phố, không phải không có anh ta thì cậu phải về quê mới được. Cậu mỉa mai cười:
– “Tôi sẽ đến đó, chắc chắn đến”
– “Anh cũng chỉ mong em đến, dù sao tụi mình cũng là anh em với nhau bao nhiêu năm.”
Thuận thắc mắc tại sao anh ta không nói “người yêu cũ” mà lại thay vào bằng từ “anh em”? Thật là buồn cười! Cậu cầm phong thư từ từ đứng lên:
– “Cảm ơn anh đã nhớ tới mà mời em. Em sẽ đến tham gia”
Khi Thuận đi ngang qua người Vương, anh nắm lấy tay giữ cậu lại
– “Dạo này em sống như thế nào? Em ở đâu”
Thuận từ trên cao nhìn thẳng vào mặt anh ta, không ngờ cậu có thể nhìn thẳng vào mắt vương mà không bối rối, không sợ hãi
– “Dạo này tôi sống rất tốt. Tôi có thể tự nuôi sống bản thân mình. Không phải không có anh tôi sẽ chết.”
– “Anh chỉ muốn biết em đang sống ở đâu thôi”
– “Anh không cần biết đâu”
– “Anh…”- Vương muốn nói gì nhưng lại thôi, cũng buông tay Thuận ra
Cuối cùng, Thuận cũng đã ra khỏi nơi đó. Lại thêm một quán café mà cậu không bao giờ muốn đến lần nữa. Cậu không nghĩ rằng mình có thể bình tĩnh đón nhận tin Vương lấy vợ như vậy. Cậu cũng đã đọc nhiều câu chuyện như vậy trên diễn đàn, những cuộc tình của gay đa phần đều kết thúc như thế này. Chia tay nhau rồi người ta đi lấy vợ. Rào cản gia đình vẫn là một rào cản to lớn mà rất hiếm cặp đôi nào có thể vượt qua. Đó là nguyên nhân vì sao, bất kỳ cặp gay nào có thể công khai kết hôn với nhau đều trở nên nổi tiếng. Họ được hâm mộ, được yêu thích bao nhiêu thì càng bị ghen tị bấy nhiêu. Chúng tôi ngưỡng mộ hạnh phúc của họ, cũng thèm có được sự hạnh phúc đó.
Thuận ngồi trên xe bus, cũng không biết mình có lên đúng xe hay không, cứ ngồi cho đến trạm cuối cùng. Đi hết 3 tuyến. Rồi về mất 3 tuyến nên đến tối Thuận mới về đến. Vừa ló mặt vào nhà, nhìn thấy mặt cậu thì A Gấu đã hỏi:
– “Thuận sao buồn vậy?”
– “Đâu có” – Thuận cố gắng tạo ra một nụ cười bất đắc dĩ
– “Nhìn mặt Thuận thiếu điều viết lên ba chữ “tôi không vui” thôi. Buồn thì đi ra ngoài chơi”
– “Baba tụi con đi chơi nha”
Không kịp chờ chú A Bổn trả lời thì A Gấu đã nắm tay Thuận đi rồi. Qua hết các con hẻm nhỏ ra đường lớn, băng qua đại lộ Đông Tây đến bờ sông Sài Gòn thì dừng lại. Kéo Thuận ngồi xuống một bậc xi măng, A Gấu cũng ngồi bên cạnh rồi cười ngây ngô. Giữa lòng Sài Gòn xô bồ, đông đúc đến mức đi dạo công viên cũng toàn thấy người thì ngồi ở đây lại cảm thấy vô cùng thoải mái. Cậu cầm lấy tấm thiệp mời của Vương xoay xoay, nhìn nó rầu rĩ. Cậu buồn cũng không hoàn toàn vì chuyện Vương cưới vợ mà còn vì suy nghĩ chẳng lẽ sau này cũng có ngày mình đưa thiệp cưới cho người khác ư?
A Gấu nhìn tấm thiệp đỏ trên tay Thuận, cầm lấy xem.Thấy Thuận buồn như vậy, A Gấu cũng đoán ra được vì sao.
– “Người yêu Thuận đám cưới hả?”
Thuận gật gật đầu
– “Người Yêu Thuận tên là Ngọc Anh hả?”
Thuận lắc đầu
Thấy A Gấu ngơ ngác, Thuận cười chua chat
“Anh ấy tên là Minh Vương.” – Không hiểu tại sao Thuận không muốn giấu A Gấu. Cậu chưa từng nói cho ai biết chuyện mình là gay cho bất kỳ ai ngoại trừ những người bạn không biết mặt trên mạng. Cậu mong mỏi có thể chia sẻ chuyện này với một ai đó, một người có thể lắng nghe cậu và không cười nhạo cậu. Thuận tin rằng A Gấu chính là người như vậy:
– “Người yêu Thuận là con trai?” – A Gấu nhấn mạnh
– “Ừm” – Thuận cũng không biết nói gì nữa
– “Con trai có thể yêu con trai được sao?” – A Gấu trợn tròn mắt tỏ vẻ như vừa mới nghe được một chuyện “động trời” lắm
Thuận gật gật đầu, rồi ngừng lại. Cậu lại lắc đầu. Song Thuận cũng không biết nói sao cho A Gấu hiểu. Thuận nhìn dòng xe cộ ở bên kia sông, nhớ lại chuyện cũ cho A Gấu nghe
– “Tui với ảnh ở gần nhà nhau, hồi nhỏ thì cùng chơi đồ chơi siêu nhân đến lớn thì cùng chơi điện tử, đá bóng. Tui biết mình là gay năm học lớp 11 sau khi có một bạn gái viết thư tình cho tui, kêu hai đứa quen nhau đi.”
Thuận ngước nhìn lên nhìn bầu trời rất tối có vài đốm sao, khẽ thở dài rồi tiếp tục câu chuyện
– “Có chuyện gì tui đều kể cho ảnh nghe rồi hỏi ý kiến của ảnh. Hôm đó, sau khi nghe tui kể chuyện người bạn gái đó thì ánh giật lấy lá thư xé đi. Tui giận ảnh mấy ngày, vì đó là đồ cá nhân của tui mà, sao ảnh làm vậy được. Rồi mấy ngày sau, ảnh tới xin lỗi tui, năn nỉ tui và nói là tại vì ảnh thích tui nên mới làm vậy. Bữa đó tui hết hồn, còn không dám gặp ảnh mấy tuần. Sau mấy tuần đó, tui nhớ ảnh, muốn gặp ảnh không chịu được….”
Thuận quay lại nhìn A Gấu đang chăm chú nghe cậu kể – “Dù ép bản thân mình là không được như vậy nhưng khi ảnh cố tình đến gặp tui, đứng ở trước nhà chờ tôi, lên trường ngày nào cũng sang lớp đòi gặp tui nên tui cũng không trốn được nữa. Sau đó tụi tui yêu nhau lén lút. Lúc ảnh phải lên đại học nói rằng không muốn xa tui, muốn tui đi lên Sài Gòn với ảnh. Tui cũng không chịu được nếu phải xa ảnh nên bỏ học đi theo. Tui trốn nhà bỏ đi, mấy bữa còn thấy tin tìm người thân ba mẹ đăng trên đài truyền hình nhưng không dám về. Giờ tui còn không có mặt mũi để về hơn, nếu như ba mẹ tui biết tui là gay nên trốn nhà theo trai chắc tăng xông quá.”
Cậu nắm tay A Gấu- “ Hôm nay ảnh mời tui đến dự đám cưới của ảnh với người ta mặc dù chia tay nhau đã 4 tháng rồi tui vẫn không thể nào vui vẻ chúc mừng ảnh. À, tui quên mất. Đáng lẽ ra phải nói là “chúc mừng anh” mới chứng tỏ là tui không cần ảnh nữa đúng không?”
A Gấu đưa tay vỗ vỗ vai Thuận, dù không hiểu hết chuyện của Thuận kể nhưng A Gấu thấy thuận rất tội nghiệp, anh ôm cậu, dỗ dành cậu. Thuận dựa vào vai A Gấu khóc rất nhiều. Tuy A Gấu không biết nhưng Thuận biết, hai thằng con trai ôm nhau ngay ngoài đường như vậy sẽ bị người ta dòm ngó, cậu và Vương chưa từng dám như vậy, chỉ có thể đi bên cạnh nhau, lén nắm tay nhau thôi nhưng lúc này Thuận không thể khống chế được bản thân mình. Bởi vì chia tay với Vương, cậu không chỉ mất đi một người yêu, mà còn mất một người anh thân thiết.
Đám cưới Vương, Thuận thuê một chiếc áo vest đến tham dự. Vừa đến cửa, Vương thấy Thuận liền mừng rỡ cười và giới thiệu cậu với cô dâu
– “Đây là Thuận, là người em thân từ nhỏ mà anh kể cho em đó”
Rồi anh nhìn Thuận, câu nói như được tua chậm hơn một chút
|
– “Đây là Ngọc Anh, vợ anh”
Thuận đã chuẩn bị tâm lý cả tuần trước nên hôm nay cậu rất bình tĩnh, mỉm cười : – “Chúc anh chị trăm năm hạnh phúc”
Cô dâu rất đẹp. Nghe nói cô ấy là con gái tổng giám đốc công ty anh đang làm vừa mới tốt nghiệp đại học. Thuận nhìn ngắm xung quanh, cậu cũng không phải giữ kẽ và tỏ vẻ như những người khác vì cậu biết mình chẳng có quen người bạn nào của anh cả. Nhưng sau đó cậu cũng tìm được hai khuôn mặt quen thuộc, là ba mẹ của anh. Lễ cưới được tổ chức rất trang hoàng, tại nơi sang trọng nhất nhì ở Sài Gòn, hai bác chắc là rất tự hào. Nghĩ gì đó rồi Thuận lại chột dạ và trốn vào nhà vệ sinh.Từ nhỏ đã chơi với nhau nên ba mẹ của Thuận và cô chú cũng quen thân. Nếu gặp cậu ở đây thì ba mẹ Vương chắc chắn sẽ nói cho ba mẹ cậu biết, nhưng cậu lại rất muốn biết cha mẹ như thế nào, sức khỏe ra sao. Gia đình không tìm được cậu có nghĩ rằng cậu đã chết rồi không? Thuận tự đấu tranh tâm lý và cuối cùng cũng quyết định không gặp cô chú, cậu vẫn chưa đủ tự tin để nói cho cha mẹ biết giới tính thật của mình. Ba mẹ chắc sẽ đau lòng lắm. Khi Thuận đi ra thì tiệc cưới sắp bắt đầu, vì là tiệc buffet nên cậu cũng thoải mái chọn một chỗ đứng xem lễ cưới. Sau khi xem cô dâu chú rể trao nhẫn cưới cho nhau thì cậu ra về, ở lại để làm gì chứ, nếu gặp được người quen thì không biết phải làm sao.
Sau ngày đó, Thuận cũng không có thời gian để cảm thấy cô đơn hay buồn tủi gì nữa vì chú A Bổn bị bệnh nặng. Một hôm hai người vừa đi chợ về thì có bé Ly nhà ở đầu hẻm hớt hơ hớt hải chạy lại nắm tay A Gấu
– “Chú A Bổn bị xỉu ngoài kia dzồi, người ta đưa lên bệnh viện dzồi”
Thuận và A Gấu gấp gáp mượn xe đạp chạy lên bệnh viện An Bình thì chú A Bổn đang trong phòng cấp cứu, người thân không được vào. Thuận giúp A Gấu làm thủ tục giấy tờ cho chú. Hai tiếng sau, bác sĩ cấp cứu cho chú xong, lại làm thủ tục nhập viện ở khoa tim mạch. Bác sĩ cần phải theo dõi bệnh tình của chú để đưa ra kết quả cuối cùng. Sau hôm đó, Thuận và A Gấu thay nhau đến bệnh viện chăm sóc chú A Bổn, các cô y tá, bác sĩ và những người bệnh cùng phòng chú đều tưởng chú A Bổn có hai đứa con đẹp trai. Nghe nói vậy, Thuận thì ngại còn A Gấu cười hề hề. Một ngày, bác sĩ thông báo là bệnh chú A Bổn rất nguy kịch, phải mổ, chi phí mổ lên đến 100 triệu. Với tình hình nhà A Gấu thì con số đó quả thật quá lớn. Chú A Bổn nói chú đi làm cả đời cũng để dành được một số tiền trong ngân hàng, nhưng chỉ có tám mươi mấy triệu. A Gấu tuy ngốc ngốc nhưng giờ cũng biết lo lắng chuyện nhà, mặt mày suốt ngày rầu rĩ. Thuận an ủi:
– “A Gấu, tui có một số tiền để dành mua dụng cụ cho học kỳ sau. A Gấu lấy cho chú mỗ trước rồi trả cho tui sau cũng được”
A Gấu chuyện gì cũng nghe lời thuận nhưng lần này lại một mực lắc đầu
-“Tui không lấy tiền của Thậun được. thuận ở có một mình có bao nhiêu tiền thì để dành đi”
Thuận không ngờ A Gấu suy nghĩ được như vậy. Cậu cứ tưởng A Gấu ngốc ngốc nói gì nghe nấy
– “Nhưng mà giờ tui cũng không có cần đâu, Gấu lấy đỡ cho chú mổ nếu không hối hận không kịp”
– “Không được.”
– “Thiệt ra tiền của tui cũng không đủ bù vào phần thiếu đâu, nhưng mà có nhiêu hay nhiêu, giờ chữa bệnh cho chú A Bổn là quan trọng nhất”
– “Tui không muốn nhận tiền của Thuận.” – Thuận thuyết phục mãi cũng không lay chuyển đươc A Gấu. “Nhìn vậy mà cũng cứng đầu ghê”
Tết Nguyên Đán càng ngày càng đến gần thì bệnh tình của chú A Bổn ngày càng nặng, Thuận và A Gấu chạy khắp nơi để xoay sở tiền vẫn không đào đâu ra con số 15 triệu. Chú A Bổn sống một mình, không có người thân nào, hàng xóm cũng không ai khá giả để vay mượn, mà Thuận biết rõ nếu có chưa chắc họ sẵn sàng giúp đỡ như ở quê Thuận. Người Sài Gòn được ví như những chiếc bình giữ nhiệt, trong là nước nóng nhưng bên ngoài sờ vẫn lạnh tay, họ sống theo kiểu “mạnh ai nấy lo, đèn nhà ai nấy sáng”. Còn Thuận lại không thể liên lạc với gia đình và bạn bè cũ. Bạn bè ở trường thì cậu cũng không quen thân với ai. Chợt trong đầu Thuận chợt hiện lên hình ảnh của một người. Nhưng suy nghĩ này đã cướp đi nụ cười trên môi cậu, giờ Thuận không muốn liên lạc với anh ta nữa nhưng đến nước này chỉ có Vương có thể giúp được cậu thôi. Thuận hạ quyết tâm, “Đành vậy! Bỏ lòng tự trọng đi! Chuyện cứu chú A Bổn vẫn quan trọng hơn hết”. Thuận quyết định ngày mai sẽ gọi điện cho số điện thoại mà lâu nay vẫn nằm in lìm một chỗ trong danh bạ và hẹn gặp Vương.
|