Diary in Grey Tower
|
|
– Chương thứ hai tám – Bên ngoài lớp kính cửa sổ hành lang, trời đã âm u tối, những cột đèn khí vàng ở ngã tư được thắp lên. Trong văn phòng tác chiến nội các cũng bật đèn sáng trưng. Giữa cuộc chiến nghẹt thở, người ta ôm những túi tài liệu vội vàng đến và đi, giống như bánh răng trong một cỗ máy khổng lồ. C mở cửa phòng giúp tôi: “Ta sẽ cho xe đưa cậu về.” Tôi đã chực đồng ý, đột nhiên có tiếng nói vang lên sau lưng: “Không cần, tôi sẽ đưa Alan về.” Tôi quay lại, là Andemund. Anh ấy đứng khoanh tay, dựa lưng vào tường hành lang, hình như đã đợi ở đây lâu lắm rồi. Bộ lễ phục đen nổi bật trên màu giấy dán tường vàng cũ kĩ, khiến làn da tái nhợt của anh ấy như được đồ lên một lớp tao nhã ảm đạm. “Anh mới ở Văn phòng Quốc hội về, vừa vặn ngang qua đây.” Anh ấy mỉm cười với tôi, nụ cười thật dịu dàng. “Alan, em ra ngoài trước đi, Peter đợi em trong xe. Anh có chuyện muốn nói với C.” Tôi không biết anh ấy và C đã nói chuyện gì, chỉ biết rằng cuộc trò chuyện ấy kéo dài khá lâu. Chiếc Rolls-Royce Phantom màu trắng đậu sẵn dưới bậc thang lên sảnh. Lúc sau tôi thấy Andemund bước ra, vệ binh gác hai bên cửa cúi đầu chào anh ấy. Sau cuộc trò chuyện anh ấy có vẻ mệt mỏi. Chiếc Phantom lẳng lặng phóng qua ngã tư như một bóng ma, rất lâu sau anh ấy mới lên tiếng: “Alan, trước kia anh đã nói với em rồi, không thể hoàn toàn tin tưởng C.” “Em biết.” tôi hỏi: “Vừa rồi anh nói chuyện gì với ông ta?” “Bọn anh đã thống nhất được một điều, Alan ạ.” “Về cái gì?” tôi hỏi tiếp. Andemund nghiêng đầu nhìn tôi, nheo mắt đáp: “Về em.” Tôi nhoài sang, giơ tay bắt cằm ảnh: “Cưng à, hôn một cái nào.” Peter mặt lạnh như tiền, đánh tay lái, tôi suýt ngã bổ chửng. Tôi bấu thành ghế trước để nhỏm dậy: “Hôn một cái thôi mà, rồi em đảm bảo tốc độ giải mã của phòng 1 sẽ nhanh gấp bội.” Andemund lắc đầu: “Alan, trông em tệ quá.” Anh ấy bảo Peter dừng xe trước một quán bar. Những bức ảnh cũ của London treo đầy trên tường, đến giờ tôi vẫn nhớ rõ vị đắng chát của bia đen ở đó. Mà tôi lại không nhớ cuối cùng mình đã gọi bao nhiêu vại bia, chỉ biết cứ uống hết vại này đến vại khác, tận đến khi quán chuẩn bị đóng cửa, người phục vụ lắc cái chuông trên quầy và nói lớn: “Last order!” Andemund không hề ngăn tôi uống, nhưng anh ấy không gọi một ly nào. Anh ấy chỉ ngồi bên cạnh nhìn tôi. Lúc bọn tôi vào quán không có một ai, chắc ảnh lại lạm quyền lần nữa. Vì từ đó đến khi chúng tôi ra về cũng chẳng còn khách nào khác đến. Tôi lặp lại những gì C nói với tôi cho Andemund nghe. Nói đến đoạn rốt cuộc mẹ tôi lại phục vụ Berlin, anh ấy đứng dậy, dịu dàng vòng tay ôm lưng tôi. Câu chuyện ấy chắc hẳn anh ấy biết trước tôi rất lâu rồi. Andemund không nói gì, cũng không an ủi tôi, chỉ ôm tôi như thế… ôm rất lâu. Chà, Andemund của tôi. Sáng hôm sau, Raphael mặt mày hầm hầm sang gặp tôi: “Alan, trên bàn tôi là cái gì?” “Tài liệu về máy giải mã ‘Mê’. Tiến độ làm việc của tôi và Andemund nữa.” “Tại sao nó lại nằm trên bàn tôi?!” “Vì từ hôm nay cậu sẽ được điều sang văn phòng số 1, phụ trách chế tạo máy giải mã… thủ tướng Churchill yêu cầu chúng ta hoàn thành nó trước cuối tháng sáu, Andemund không có thời gian, nên chỉ còn trông cậy vào tôi và cậu thôi.” “Tôi đã bảo cậu tôi có dòng máu Do Thái.” Tôi cười, vỗ vai cậu ta: “Giờ tôi là người phụ trách phòng 1.” “Thế thì cậu làm trò gì hả, Alan?” “Trước khi cậu làm xong máy giải mã, tôi đã cam kết tốc độ làm việc của phòng 1 sẽ ngang bằng tốc độ máy.” Raphael trợn mắt bước lui mấy bước: “Alan, cậu điên rồi! Không thể làm được thế!” Raphael nói đúng, không thể làm được. Tốc độ giải mã thủ công của phòng 1 hiện nay là vài chục tin một ngày, mà mục tiêu cho một máy giải mã là mỗi ngày trên ba trăm tin. Chưa nói đó vẫn chỉ là một phần ít ỏi trong số hàng ngàn tin tình báo chúng tôi chặn được. Ban ngày tôi giải mã, tối thì sang phòng 7 nghiên cứu máy giải mã với Raphael. Những ngày thê lương như địa ngục. Bầu trời chiến tranh đen tối. Không ai ngờ được ngay sau khi đội quân cơ giới của Đức vượt qua chiến tuyến Maginot, quân Đồng minh đã trở tay không kịp. Gót sắt Đức quốc xã gần như biến nước Pháp thành bình địa, mười ngày sau Bỉ đầu hàng. Quân đội Anh buộc phải rút về nước. Báo chí đăng nhan nhản tin chúc mừng “Cuộc rút lui lịch sử Dunkerque”, nhưng rất ít người nhận ra rằng điều ấy có nghĩa là ngọn lửa chiến tranh đã lan đến tận nước Anh. Dân chúng mỏi mắt chờ đợi tin tức mới. Nhờ giải mã “Mê”, tôi biết thêm được vài điều: Lễ mừng thắng lợi của Hitler, nhân dân Đệ tam đế quốc diễu hành ăn mừng, khẩu hiệu phản Do Thái và luận bàn chủng tộc. Đầu óc tôi chưa bao giờ phải làm việc với tần suất chóng mặt đến thế. Giấc ngủ đã hoàn toàn vô nghĩa. Tôi học được thói quen uống cà phê đen của Andemund, hết tách này đến tách khác, râu ria để mọc xồm xoàm, quần áo tóc tai lôi thôi lếch thếch. Tôi chỉ có thể cố gắng khoét sâu vào nhược điểm của “Mê” để rút ngắn thời gian giải mã. Tin tình báo của quân Đức có một điểm chung, những mẩu tin tương tự nhau thường được gửi đi vào cùng một thời điểm. Ví dụ như sáu giờ sáng sẽ phát dự báo thời tiết, nếu máy bay của chúng tôi lượn một vòng trên căn cứ quân Đức, ngay sau đó sẽ xuất hiện những đoạn mã chỉ có mấy từ “máy bay”, “do thám”. Tôi phát hiện ra một nguyên tắc của “Mê”: từ đơn không thể mã hóa bằng chính nó. Nói cách khác không thể mã hóa A thành A, B thành B. Như vậy khi đã đoán được đoạn tin này chứa từ “máy bay”, tôi có thể so sánh từ này với đoạn mã nguyên văn, loại bỏ tất cả chữ cái giống nhau và những chữ cái lân cận. Tôi báo phương pháp này cho Andemund, ảnh chỉ cười. Trang trại Plymton có người liên lạc với không quân, kể từ đó nhật ký hành trình của không quân cũng được gửi đến phục vụ công việc giải mã của tôi. Tương tự còn khá nhiều quy tắc giống vậy, ví như để giảm thiểu việc tính toán trên các băng đục lỗ, tôi chồng tất cả chúng lên nhau, lỗ hổng cuối cùng còn lại chính là khóa mã. Những điều này giờ nghĩ lại có lẽ thật tức cười, nhưng trong hoàn cảnh khẩn trương ấy chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Tháng sáu, Pháp đầu hàng. Ngày cuối cùng của tháng sáu, máy giải mã hoàn thành. Bản vẽ được chọn sử dụng chính là thiết kế của Andemund, cực kỳ giản tiện, nhưng lại cho tốc độ giải mã cao nhất. Lúc nghe Raphael báo tin máy giải mã đã khởi động thành công, toàn thân tôi bỗng chốc nhủn ra. Cậu ta vội đỡ tôi dậy: “Alan? Alan cậu sao thế này?!” Andemund đưa tôi rời khỏi Plymton, đến nghỉ dưỡng ở biệt thự trong nội thành London của ảnh một tuần. Phần lớn thời gian tôi chỉ ngủ, vì đã lâu lắm rồi tôi chẳng biết ngủ là gì. Andemund cương quyết khóa trái cửa, nói: “Quên ‘Mê’ đi, Alan. Em cần phải nghỉ ngơi.” Bao lâu không đến đây. Đồ đạc hình như chẳng hề thay đổi, giống hệt như ngày bọn tôi mới yêu nhau. Bộ sô-pha bọc bao chống bụi, những bức tranh nổi tiếng, phòng đọc sách, cây đàn dương cầm màu trắng đơn độc trong phòng khách lầu hai. Tôi bước đến đứng trước cây đàn, thấy hình ảnh mình soi trên nắp đàn bóng loáng. Hai má hõm sâu, mặt cắt không còn hột máu, mắt thâm quầng, râu coi bộ nghìn năm chưa cạo. Tôi chống tay trên nắp đàn săm soi nửa ngày, thở dài ngao ngán: “Người gì như quỷ.” Andemund tiến đến cạnh tôi. Ảnh gật đầu tán đồng, rồi đột nhiên lột đồ tôi ra quẳng tôi vào bồn tắm, tắm xong lại quẳng lên giường, đoạn bưng một chậu nước vào phòng rồi xòe con dao cạo với chai xà phòng ra. Tôi bấu chặt ra giường: “Cưng nè, anh tính làm gì đó?” “Nhắm mắt lại.” “Ai nha, cưng ơi! Không cho làm thế đâu.” “Im lặng nào.” Một lát sau ảnh hỏi: “Đau hả?” Tôi hít hà, vỗ vỗ ót ảnh: “Vớ vẩn, chảy máu rồi đây này. Tình yêu ơi, anh chưa cạo râu cho ai bao giờ hở?” Ảnh thẳng thắn đáp: “Chưa bao giờ.” “Anh anh… anh làm gì đó?” “Biến thái!” Andemund không nói gì, ảnh cúi xuống liếm vết thương bị lưỡi dao cạo cứa rách trên mặt tôi. Tôi có thể cảm giác được đầu lưỡi mềm mại ấm áp của anh ấy. Không phải hôn, là liếm một cách hung bạo. Thứ cảm giác nhồn nhột ngứa này khiến người ta không chịu nổi. Tôi nằm ngửa trên cái giường trải ga trắng rộng thênh thang, anh ấy ngồi bên cạnh, quỳ nửa gối trên mép giường, đẩy hai chân tôi giạng ra. Cả người Andemund bao trùm trên thân thể tôi, mùi bạc hà mát rượi trên áo anh ấy mê hoặc mọi giác quan của tôi. Đến khi anh ấy với khăn lau mặt cho tôi rồi bắt đầu tuột thắt lưng, tôi mới nhận ra tư thế này hơi không ổn. Cơ mà đã muộn. Andemund cho tôi hai lựa chọn. Ảnh hôn hôn trán tôi: “Alan, muốn anh còng tay em lại hay em sẽ ngoan ngoãn nghe lời?” Tôi ở biệt thự của Andemund một tuần. Ngày nghỉ của tôi được Andemund đích thân phê chuẩn, nhưng tôi không biết ngày nghỉ của ảnh là ai phê. Bảy ngày thì ảnh ở biệt thự với tôi liền bốn ngày, chúng tôi thử làm tình trong mọi loại tư thế… trên giường, trong bồn tắm, trên đàn dương cầm. Andemund dạy tôi đánh “For Elise”, lúc tôi đàn ảnh sẽ đứng sau hôn tôi, nụ hôn trượt dài theo xương sống. Hôn đến khi toàn thân tôi run rẩy, hoàn toàn không biết tay mình đang đánh cái gì nữa. Có một bữa tôi thấy Andemund đánh đàn. Anh ấy hơi rũ đầu, đàn thật chăm chú. Tôi không biết ảnh đang chơi bản gì, chỉ cảm thấy giai điệu du dương và dáng cổ anh ấy thon dài cong cong sao mà mỹ lệ. Tôi rón rén tới sau lưng ảnh, bắt đầu hôn lưng ảnh qua lớp áo sơ-mi, định bụng nếu ảnh phản đối mình sẽ cãi lần trước coi như hòa. Dè đâu Andemund ngừng chơi ngay lập tức, anh ấy đứng bật dậy, quay lại bế bổng tôi lên đặt trên cây đàn, không khoan nhượng banh hai chân tôi ra. Mặt đàn dương cầm thật ra chẳng rộng rãi gì, tôi phải rướn thẳng thắt lưng, cố sức bấu chặt lấy anh ấy. Theo những cử động của Andemund, phím đàn ngân vang trầm bổng. Tôi nhớ rõ mồn một sự đau đớn lẫn sung sướng khi anh ấy tiến vào cơ thể mình, khoái cảm vượt quá sức tưởng tượng. London tháng sáu bắt đầu oi bức. Mỗi sáng tôi mặc áo ngủ mở cửa sổ hít khí trời, có thể nghe tiếng còi ô tô trên đường xa xa vọng lại. Hiện giờ xăng đã bị hạn chế, chạy trên phố hầu hết là xe quân đội hoặc xe vận chuyển vật tư cho chính phủ. Chỉ có lúc này tôi mới cảm thấy được chiến tranh đang xáp tới gần. Andemund khoác áo sơ-mi bước ra từ nhà bếp, đưa cho tôi một tách cà phê rồi vòng tay ôm ngang eo tôi, cùng tôi ngắm cảnh vật bên ngoài: “Alan, không sao, còn có anh.” Tôi đề nghị: “Tình yêu này, thỉnh thoảng anh nằm dưới cũng được đó. Ở dưới thật ra cũng dễ chịu lắm.” Ảnh nghiêm túc suy nghĩ một lát rồi bất thần ném tôi lên giường: “Anh sẽ cho em càng dễ chịu.”
|
– Chương thứ hai chín – Andemund luôn tao nhã và xinh đẹp, mỗi lần thấy ảnh tôi sẽ kìm lòng không đậu rồi giở trò lưu manh, và mỗi lần giở trò lưu manh hậu quả luôn là bị ảnh quẳng lên giường. Ảnh sẽ dịu dàng hôn từ cổ tôi, cởi khuy áo tôi rồi nói: “Anh sẽ cho em càng dễ chịu.” Tôi thì chỉ muốn phun ra một từ: “Shit!” Bữa nay anh ấy đã mặc đồ tử tế, chuẩn bị ra ngoài, tôi lồm cồm bò dậy khỏi giường, thắt lưng đau tưởng như sắp đứt làm đôi. Ảnh quay lại lấy mũ, chào tôi bằng vẻ rất chi lịch lãm: “Em yêu.” “Chiều nay em về Plymton.” Anh ấy nghĩ nghĩ một lát: “Nếu muốn, em nghỉ thêm ít ngày cũng được.” “Vậy văn phòng số 1 thì sao?” Andemund cười ôn hòa: “Còn có anh.” Buổi chiều cuối cùng của bảy ngày nghỉ, tôi ngồi xe bus một mình về trang trại Plymton. Cửa ký túc xá tôi ở đã bị sơn thành màu xanh lục, lớp sơn mới chưa gì đã tróc loang lổ. Người gác cổng đưa cho tôi lá thư của Edgar. Giấy viết thư ô li đỏ chuyên dụng của không quân Hoàng gia, chữ viết hoa quen thuộc bằng mực nước xanh thẫm. Nội dung không khác mấy những lá thư trước. Cậu ấy nói gần đây sân bay bị vài cuộc không kích quy mô nhỏ của máy bay Đức Quốc xã. Rồi cậu ấy hỏi tôi còn làm việc cho Hội nghiên cứu golf và bóng chày gì đó không, nghe nói Viện nghiên cứu của không quân Hoàng gia ở Uxbridge đang trống vị trí chuyên gia toán học, cậu ấy có thể giới thiệu tôi với họ. Cuối thư viết: Vì nước Anh. Edgar không biết tôi làm việc cho cơ quan tình báo chính phủ, tôi cũng chẳng thể nói cho cậu ấy biết được. Tôi đành hồi âm đúng phép, bảo cậu ấy rằng tôi sống khá ổn, nhắc cậu ấy chú ý bay an toàn. Hàng ngày văn phòng thường trú của không quân Hoàng gia ở trang trại Plymton sẽ gửi sang phòng 1 tình hình công tác trong ngày của họ để phục vụ chúng tôi giải “Mê”, bởi vậy tôi có thể tra được cả nhật ký hành trình của trung đội Edgar. Cậu ấy thuộc trung đội 3, đại đội 11 không quân Hoàng gia, dưới sự chỉ huy của tướng Parker, Bộ tư lệnh đóng tại Uxbridge, chuyên trách bảo vệ khu vực Đông Nam đất nước gồm cả London. Đó là một trong hai đội bay ưu tú nhất nước Anh, tôi thấy tự hào vì Edgar. Một tuần tôi nghỉ, Andemund đã phục chế được năm cỗ máy giải mã “Mê”, mỗi tổ chuyên gia của phòng 1 được trang bị một máy. Máy giải mã cao khoảng năm foot, vỏ màu đồng, bề ngoài trông như một cái tủ đứng có gắn bảng mẫu tự nhập vào và phát ra. Tốc độ giải mã của nó có thể đạt hai mươi phút một tin, nếu cho cả năm máy hoạt động liên tục hai tư giờ thì một ngày giải được tối đa 360 tin. Có điều máy giải mã chỉ có thể tự động giải các thuật toán, còn khóa mã vẫn phải mò thủ công. Hầu hết thời gian tôi đều ngồi trong phòng mò khóa mã, sau đó đưa vào máy giải tự động. Rảnh ra thì giúp Raphael hiệu chỉnh máy. Bọn tôi ngồi xổm trước cái máy bị trục trặc, Raphael vừa mở nắp lưng máy vừa hỏi tôi: “Cậu nghĩ ông ta biết mình giải được “Mê” không?” “Tình báo Berlin á?” tôi nói: “Như tình hình hiện nay thì chắc là chưa.” “Không, tôi nói người sáng tạo ra “Mê”, thiên tài mật mã của Đức kia.” Tôi thừa nhận là xưa nay mình chưa từng nghĩ về chuyện này. “Tôi nghĩ ông ta biết.” tôi nói: “Ông ta biết rõ “Mê” có nhược điểm, vậy sớm muộn gì cũng có người giải được. Chẳng qua ổng không ngờ chúng ta giải ra sớm vậy thôi.” “Vậy cậu không thấy nghịch lý sao? Trừ phi ông ta cuồng tín rằng mật mã của mình vĩnh viễn không thể giải được, nếu không tại sao lại để cả cục tình báo Đức dùng nó như thế… hiện giờ đến thuyền dự báo khí tượng cũng trang bị máy truyền tin “Mê”. Nhưng từ tài năng đáng sợ thể hiện qua “Mê” của người đó mà nói, tôi không tin là ông ta không để ý đến khiếm khuyết của mình…” “Ít nhất ông ta nên hạn chế phạm vi áp dụng loại mã này mới phải.” “Tôi không biết người đó đang nghĩ gì nữa.” Raphael thở dài. “Mê” không phải một thành trì bất biến. Dường như đoán được chúng tôi đang tiến cận nó, đối phương cũng đang không ngừng cải tiến phương thức phát tin “Mê”, gia tăng vòng chuyển hoán, điều chỉnh dạng thức của bảng phản xạ. Một thời gian ngắn cuối tháng sáu, đột nhiên “Mê” không thể giải được nữa. Sau đó tôi mới phát hiện đó là vì máy giải mã của họ được bổ sung một vòng chuyển hoán. Tôi và cả phòng 1 bù đầu nghiên cứu suốt một tuần, liên tục điều chỉnh tham số, thay đổi sơ đồ mạch máy giải mã, đến khi vấn đề được giải quyết tất cả chúng tôi đều hoàn toàn kiệt sức. Rốt cuộc là ai, ai đang thao túng “Mê”? Trong một khoảnh khắc tôi nghĩ đến người mẹ đang làm việc cho Berlin của mình. Tài năng, sự thận trọng, tỉ mỉ và trí tưởng tượng táo bạo khủng khiếp của bà… Nhưng là một người Anh, không đời nào bà được quyền tiếp xúc với những thứ cơ mật đến thế. Có lẽ bà có tham gia thẩm định độ bảo mật của “Mê”, rồi nhận định rằng nó “không thể giải được”… Nhiều hơn nữa thì tôi tin là cơ quan tình báo Berlin sẽ không dễ dàng cho phép bà can dự vào. Sau cuộc rút quân lịch sử Dunkerque, Đức dừng công kích, đưa ra yêu cầu đàm phán với chúng tôi. Tờ “Times” và tờ “Chim Ó” liên tục đăng bài tranh luận về tính khả thi của cuộc đàm phán. Tôi hỏi Andemund, ký kết Hiệp ước hòa bình với Hitler mà được sao? Bọn tôi đang ngồi trong phòng ăn nhỏ trên tầng hai gác đỏ, Andemund vẫn uống cà phê đen. Những ngón tay thon dài của ảnh mân mê cái tách sứ trắng, ảnh nhẹ nhàng đáp: “Hơn một nửa thành viên nội các ủng hộ đàm phán, người phản đối chỉ có anh, hầu tước Gending và tướng Fred Leigh. Em bảo chúng ta nên duy trì chiến tranh hay đồng ý nghị hòa?” “Chà, Andemund.” tôi nhìn anh ấy: “Anh biết Đức chắc chắn sẽ tấn công mà. Anh đọc tất cả tin giải mã rồi đấy thôi, đàm phán chỉ là cái cớ giả dối của họ.” “Alan, nếu mọi người đều thông minh như em thì tốt biết mấy.” anh ấy thở dài: “Chiến tranh là không thể tránh được, nhưng Churchill bảo anh rằng ông ấy vẫn thiếu một thông tin quyết định, thứ có thể cho chúng ta biết ý đồ thực sự của quân Đức.” “Anh có thể liên lạc với Churchill sao?” tôi kinh ngạc hỏi. “Máy điện thoại thứ hai trong phòng làm việc dưới lầu của anh nối thẳng với văn phòng Thủ tướng.” “Thế C thì sao? Ông ta nói gì?” Andemund mỉm cười. Ảnh cười thực tình là đẹp, cặp mắt xanh biếc như hai viên ngọc mắt mèo, khóe miệng câu thành một đường cong dịu dàng. Tôi nhìn ảnh chằm chằm mất một hồi lâu. “C?” ảnh nhẹ nhàng lắc đầu: “Ông ta ủng hộ đàm phán với Đức Quốc xã.” “Alan.” Andemund nói: “Nếu phòng 1 giải được bất cứ tin gì cho thấy ý đồ đích thực của Đức, em không cần giao cho chuyên gia phân tích, phải gửi thẳng cho anh.” Mỗi ngày lượng điện tín ồ ạt gửi về văn phòng số 1 đã đạt đến vài ngàn, dù có máy giải mã chúng tôi cũng chỉ có thể chọn lựa giải hơn một nửa số đó. Trong đó tuyệt nhiên không có tin tình báo nào thể hiện rõ ràng ý đồ của Hitler với nước Anh. Tin từ không quân là “thận trọng với Anh”, ban chỉ huy lục quân nói “tạm thời đình chiến”, hải quân đang chờ đợi động thái từ Quốc trưởng. Có một bữa tôi đang mò khóa mã thì chợt phát hiện ra một đoạn tin ghi chú khóa mã tìm được là “USW”. Đây là lần thứ ba tôi thấy loại tin được mã hóa bằng khóa này. Tất cả chúng đều bị các cộng sự của tôi cho là không quan trọng rồi vứt vào thùng giấy loại. Tôi bới ra, đưa vào máy giải mã, nguyên văn đoạn tin bắt đầu chạy ra. Nội dung điện tín này cực kỳ dài, đây là kỷ yếu một hội nghị. Tôi miễn cưỡng đọc được dòng tiếng Đức đầu tiên: Unternehmen Seelwe (USW), chiến dịch Sư Tử Biển. Hình như là một phần kỷ yếu hội nghị từ Bộ tư lệnh của Hitler. Tôi giao bản giải mã cho Andemund, nguyên văn dài đến ba trang, ảnh chỉ giở coi một tờ mặt đã biến sắc, lập tức nhét chúng vào cái cặp táp đen rồi vội vàng rời khỏi trang trại Plymton. Theo biên bản hội nghị, Hitler đưa ra “Chiến dịch Sư Tử Biển” (USW), vạch ra chi tiết bước đầu tiêu diệt không quân Hoàng gia, sau đó đổ bộ vào lãnh thổ Anh trong tháng mười. Tin tình báo này rốt cuộc được trình lên trước hội nghị nội các thời chiến, và trở thành yếu tố chủ chốt quyết định việc Anh từ chối đàm phán. Sau đó chúng tôi còn phát hiện ra nhiều điện tín mã hóa tương tự như vậy nữa. Đó là sai lầm trí mạng của hệ thống tình báo Berlin, họ sử dụng khóa mã USW cho tất cả các văn kiện liên quan đến Chiến dịch Sư Tử Biển. Andemund bế tôi ngồi lên bàn làm việc, cảm thán: “Anh thật không dám tin, Alan, em lại tìm ra nó… em đã quyết định con đường chính xác của cuộc chiến.” Tôi mò mẫm thắt lưng ảnh: “Cưng nè, vậy có khi nào cho em ở trên một lần không?” Andemund đờ người, đột nhiên ảnh rút súng ra, dí dưới cằm tôi. Ảnh cúi xuống liếm yết hầu tôi, tuột áo sơ-mi của tôi ra, híp mắt cười: “Em yêu, không được. Nhưng mình có thể đổi tư thế.” Đó là một quãng thời gian hạnh phúc. Tôi và Andemund yêu nhau. Không ai nhắc lại những tổn thương đã gây cho nhau trước kia. Andemund nuông chiều tôi đến hầu như dung túng. Chúng tôi dùng phòng chiếu tầng một gác đỏ để xem phim, đêm khuya vắng lặng tôi và ảnh cùng xem bộ phim “Waterloo Bridge” đang nổi như cồn ngoài rạp. Tôi thích câu Roy lặp đi lặp lại về người yêu mất tích: “Tôi sẽ tìm cô ấy mãi mãi.” Andemund không còn cố đẩy tôi ra khỏi vòng xoáy tình báo nữa. Có những hôm tôi và anh ấy ở lì trong gác đỏ làm việc đến khuya. Chúng tôi thảo luận về những mật mã khác ngoài “Mê”, phán đoán giá trị tình báo của chúng rồi hoàn thiện hệ thống mật mã của chính mình. Andemund là đồ cuồng công việc, lắm khi tôi nằm trên sô-pha dịch điện tín rồi ngủ mất tiêu, mà bao giờ mở mắt dậy cũng thấy đèn áp tường còn sáng, ảnh thì ngồi chăm chú đọc tài liệu. Tôi rón rén đến sau lưng ảnh, hôn ảnh. Andemund không quay đầu lại, chỉ nghiêng người vòng tay ôm eo tôi, hôn lại tôi. Tôi hỏi anh ấy: “Em biết nhiều lắm đúng không?” Andemund khẽ gật đầu: “Alan, đúng là em đã biết rất nhiều.” Sau đó anh ấy đứng hẳn dậy, ôm lưng tôi bằng cả hai tay, tựa cằm lên hõm vai tôi: “Không sao cả, nếu chuyện gì xảy ra còn có anh.”
– Chương thứ ba mươi – Sau ngày duyệt binh tháng sáu, công việc của Andemund bận lu bù. Edgar gửi liền hai lá thư, khuyên tôi nhận việc ở Viện nghiên cứu của không quân Hoàng gia. Lá thư thứ hai cậu ấy thậm chí còn có vẻ sốt ruột đến lạ, tôi phải hồi âm cho cậu ấy rằng lúc này tôi kiếm được việc cũng khá lắm, đừng có lo. Trong quá trình tập hợp lại đống điện tín gửi đến hàng ngày, tôi phát hiện ra một bức điện máy giải mã không thể giải được. Đặc tính của nó rất giống với “Mê”, ban đầu hầu như không thể phân biệt được nên sau khi bị chặn nó đã bị gửi về văn phòng số 1 ngay lập tức, cuối cùng là đến tay tôi cùng với hàng đống điện mật khác. Tôi đoán đây là một loại mật mã mới, tần suất sử dụng còn thấp nên chỉ ghi chú lại rồi tiện tay thảy qua một bên. Sau “Chiến dịch Sư Tử Biển”, chúng tôi lại giải mã được “Ngày Đại Bàng”. Nếu nói “Chiến dịch Sư Tử Biển” là toan tính đổ bộ lãnh thổ Anh trước tháng mười của Hitler, thì “Ngày Đại Bàng” chính là khúc dạo đầu của nó – một cuộc không kích quy mô lớn. Theo tin tình báo trong tay tôi, ban đầu trận không kích được ấn định vào ngày 5 tháng 8, sau đó bị hoãn đến ngày 10 tháng 8. Suốt tháng 7 máy bay Đức đảo quanh eo biển Anh, đánh chìm tàu khu trục và tàu vận tải của chúng tôi. Chúng còn oanh tạc các trạm ra-đa, làm tê liệt tạm thời hệ thống tình báo nội bộ qua vô tuyến điện. Andemund có vẻ lo lắng. “Chúng đang thử ta. Kết quả tình báo hiện nay đều là ước lượng sức chiến đấu của chúng ta.” anh ấy mệt mỏi nói. Tôi kiểm tra lịch bay hàng ngày, trung đội Edgar bị điều đến eo biển Anh, chuẩn bị đối phó với “Ngày Đại Bàng” của Đức. Ngày 10 tháng 8, thời tiết khu vực eo biển hết sức u ám. Đức chỉ điều động lèo tèo vài chiếc máy bay ném bom và máy bay tiêm kích. Tôi thở phào, thầm cầu nguyện Edgar được bình an. Ngày 14 tháng 8, thời tiết thay đổi, Đức Quốc xã huy động toàn bộ lực lượng tổng tấn công. “Ngày Đại Bàng” chính thức bắt đầu. Hai nghìn máy bay Đức xuyên qua eo biển xâm nhập lãnh thổ Anh. Chúng tôi chỉ chăn lại được không đến một nửa số đó. Bến tàu và sân bay bị oanh tạc tan hoang, thậm chí đã có máy bay Đức áp sát ngoại thành London và bị không quân Hoàng gia bắn hạ. Trận không chiến mở màn trên toàn nước Anh. Tôi nằm mơ thấy máy bay rơi sáng chói như sao băng. Đuôi bắt lửa cháy rực, đầu cắm xuống mặt nước biển đem ngòm. Tôi mơ thấy những thi thể sưng phù trôi nổi trên biển. Gương mặt mỗi người đều mơ hồ không trông rõ, ai cũng giống như Edgar. Nửa đêm tôi choàng dậy trên giường, thở hồng hộc kinh hoàng, lưng đẫm mồ hôi lạnh. Andemund an ủi tôi rằng không quân Hoàng gia thực sự rất giỏi. Bằng lực lượng mỏng hơn nhiều nhưng họ đang cản được hàng tốp máy bay Đức Quốc xã trước rìa không phận Anh. Báo chí và radio liên tiếp đưa tin không quân chiến thắng. Anh ấy bảo tôi không quân Hoàng gia vẫn áp dụng chế độ nghỉ phép luân phiên, bạn tôi sẽ không phải liên tục ở tiền tuyến. Andemund nói không sai, ngày 20 tháng 8, Edgar thực sự được về phép. Cậu ấy gửi cho tôi một bức điện báo, tôi xin Andemund cho nghỉ, ra ga xe lửa đón cậu ấy. Hai năm không gặp, suýt nữa tôi đã không nhận ra Edgar. Vẫn mái tóc quăn màu hạt dẻ, cái mũi như người Hy Lạp, nhưng những đường nét trên gương mặt đã trở nên rắn rỏi hơn rất nhiều, da cũng bắt nắng đen đi. Cậu ấy mặc quân phục không quân Hoàng gia màu xanh biển, tay xách cặp táp đen, vẫy tay gọi tôi từ trong đám đông: “Alan!” Edgar đặt phòng ở khách sạn Enfield Hoàng Gia London, tôi giúp cậu ấy mang hành lý về khách sạn rồi cùng sang quán cà phê gần đó ăn trưa. Thấy tôi đưa sổ lương thực cho bồi bàn Edgar có vẻ rất ngạc nhiên. “Lệnh quản chế vật phẩm thời chiến, mua đồ phải xài tem phiếu nhà nước cấp, cậu không biết hở?” tôi hỏi. “Chế độ trong quân đội tốt lắm.” cậu ấy ngẩn ra: “Tôi không biết tình hình ở ngoài lại nghiêm trọng thế này.” “Miếng bơ dày bằng đồng năm xu vầy nè, cà phê thì trong leo lẻo… có vậy mà mắc kinh hồn.” tôi đề nghị: “Thử bánh mì đi.” Edgar cắt một lát bánh, nhíu mày hỏi: “Cái gì đây?” “Bánh mì ái quốc.” tôi nói: “Bổ sung vitamin và canxi, vừa khô vừa cứng, chẳng ma nào thèm ăn. Bọn tôi gọi nó là ‘vũ khí bí mật của Hitler’.” Cậu ấy cắn thử một miếng, bật cười. Edgar là nhóm phi công đầu tiên nghênh tiếp Ngày Đại Bàng, vừa từ chiến trường đặt chân xuống đất thì nhận được thông báo nghỉ phép, liền ngồi xe lửa đi thẳng từ Uxbridge về London. Cậu ấy nói muốn về thăm Cambridge, xem nơi ngồi vẽ ngày trước, cả phòng thuyết trình và thư viện nữa. “Chiến tranh sẽ thay đổi con người.” cậu ấy hít một hơi, bỏ lát bánh khô xuống: “Alan, cậu sẽ về cùng tôi chứ?” “Tôi còn phải đi làm.” tôi hơi áy náy: “Việc lúc này bận quá. Nhưng tôi có thể đi chơi quanh London với cậu.” Edgar có vẻ thất vọng. Cậu ấy cũng không phản đối, chỉ điềm đạm gật đầu rồi bắt đầu kể chuyện ở căn cứ không quân. Cậu ấy chế nhạo giàn máy bay tiêm kích Đức cồng kềnh vô dụng, còn nói phi công của ta chửi thề câu nào ra câu đó. Rồi thì ngay ngoài căn cứ không quân có một quán bar nhỏ tên “Lucy”, ngày nghỉ mọi người toàn qua đó uống bia tán gái. Chúng tôi rời khỏi quán cà phê đã là hoàng hôn. Tôi đứng bên đường chờ xe điện, Edgar hỏi tôi đang ở đâu, tôi không thể nói với cậu ấy về ký túc dành cho chuyên gia của trang trại Plymton, đành phải bịa bừa ra một chỗ. “Lúc trước cậu còn tán giáo sư ở trường chứ… ổng tên gì nhỉ? Andemund Wilson thì phải?” cậu ấy nói bâng quơ, hai tay đút túi quần kiểu như đang thấy rất tức cười: “Hồi ấy tôi cứ do dự mãi không biết có nên tán cậu không. Giờ thì sao rồi, có bạn gái ổn định rồi hả?” Trong một giây tôi chợt thấy có lỗi: “Tôi đang sống với Andemund.” Edgar thoáng chốc tái mặt, đột nhiên cậu ấy vồ lấy cánh tay tôi: “Hồi đó cậu nghiêm túc sao?” “Tôi bao giờ chẳng nghiêm túc.” tôi hỏi cậu ấy: “Thế cậu tìm được cô nào rồi chứ?” Edgar nhìn tôi rồi lắc đầu tự giễu: “Alan, trước kia tôi vẽ bao nhiêu chân dung cậu… tôi đã tự dặn mình không thể sa vào, đồng tính luyến ái là phạm pháp. Tôi thì chẳng sao, nhưng cậu thì khác… giờ thì sao, cậu sống cùng một người đàn ông. Cậu nói xem, tại sao Thượng Đế lại sắp đặt như vậy chứ?” “Cậu có biết tôi theo đuổi Andemund…” “Tôi nghĩ cậu chỉ đang đùa cợt.” Chúng tôi cùng im lặng… cho đến khi nắng chiều rải khắp ngã tư đường, tiếng chuông xe điện leng keng vang lên, đám đông đứng chờ xe bắt đầu xôn xao nhốn nháo. Edgar buông thõng hai tay, nghiêng đầu hôn má tôi như muốn giảng hòa: “Thật muốn được cùng cậu về Cambridge một lần. Tôi ghét chiến tranh, giá ta lại được sinh ra lần nữa bên bờ sông Cam.” Tôi nghe thấy mình nói: “Xin lỗi.” Hôm sau Edgar không gọi lại cho tôi. Tôi chủ động gọi cho cậu ấy, hỏi kỳ nghỉ được bao lâu. “Năm ngày. Bốn hôm nữa tôi phải về đơn vị.” Tôi hỏi cậu ấy có muốn cùng về thăm Cambridge không, cậu ấy có vẻ rất mừng rỡ: “Cậu xin nghỉ được hả, Alan?” Tôi chỉ nói để thử xem sao. Đầu dây bên kia Edgar chợt im lặng, một lát sau mới nói tiếp bằng giọng khàn khàn: “Alan, đúng ra cậu nên nhận việc ở Viện nghiên cứu không quân. Thật sự…” Tôi vừa kịp hỏi tại sao điện thoại đã chỉ còn tiếng tút tút vô vị. Tôi xin Andemund cho nghỉ hai ngày, nói rằng có người bạn trong không quân được về phép, tôi muốn cùng cậu ta về thăm Cambridge. Andemund hỏi tôi: “Bạn em học gì?” “Edgar ấy, có khi anh cũng nhớ. Cậu ấy học mỹ thuật.” Andemund cười hiền hòa: “Để anh lái xe đưa em đi.” Tôi hôn hôn ảnh: “Không cần đâu cưng, trên giường anh dịu dàng một chút là được rồi.”
|
– Chương thứ ba mươi mốt – Edgar ở lại London giải quyết việc riêng một hôm, ngày thứ ba chúng tôi cùng ngồi xe về Cambridge, dự định nghỉ đêm ở nhà trọ, chiều hôm sau quay lại London. Ngoài sự khan hiếm hàng hóa, Cambridge dường như chẳng thay đổi gì so với thời trước chiến tranh. Ở đây chúng tôi không nghe thấy tiếng máy bay ném bom gầm rú trên bầu trời, không nhìn thấy đội tự vệ quốc dân quân trang đầy mình luân phiên trực gác. Mái vòm sảnh đường khoa học và đỉnh giáo đường sừng sững giữa bầu trời màu lam, pho tượng đá vẫn giữ nguyên dáng dấp từ hàng thế kỷ nơi ngã tư đường. Tháng tám cuối hạ, những vụn hoa trắng li ti không tên rắc đầy dưới hàng bóng râm ven phố, mùi hương ngọt ngây ngấy lan tỏa trong không gian. Nhìn những người trẻ tuổi vội vã băng qua đường, tôi như quên rằng mình đang ở giữa cuộc chiến tranh. Edgar đeo giá vẽ sau lưng, tuần tự dạo qua các quán cà phê và quán bar chúng tôi thường lui tới ngày trước, dùng bút chì phác lại từng hàng ly đế cao chùi sáng bóng và chùm chuông gió lanh canh trên cửa sổ. Cậu ấy vẽ cả tôi, chúng tôi ngồi dưới tàng cây rợp bóng, cậu ấy cười hiền hậu: “Alan, cậu vẫn đẹp như thế.” Cậu ấy hỏi tôi: “Cậu và Andemund hạnh phúc chứ?” Tôi ôm cuốn tập: “Hạnh phúc.” Cậu ấy cuộn bức tranh lại, thật cẩn trọng cất nó vào ba lô, nói: “Vậy hạnh phúc của tôi giữ ở đây.” Tôi theo Edgar đến khu nhà trọ cậu ấy ở hồi trước. Chủ nhà mở cửa cho chúng tôi vào, tiếng chìa khóa tra vào ổ rỉ sét nghe rin rít. Đồ đạc cậu ấy để lại khi ra đi đã bị dọn sạch, trong phòng chỉ còn một cái bàn gãy chân. Sàn nhà trước cửa sổ có bốn vết lõm nhỏ nhỏ, ấy là nơi cậu ấy vẫn đặt giá vẽ ngày xưa. Tôi nhìn quanh phòng, thấy trên màu giấy dán tường vàng ố còn lưu dấu vết nhiều khung tranh vuông vắn treo dạo nọ. Hồi đó sau khi Edgar đi, tôi đến đây dọn đồ đạc giúp cậu ấy, lúc ấy mới thấy bốn bức tường treo đầy tranh, bức nào cũng là tôi. Tôi đang cười, tôi ngồi dưới tàng cây đọc sách, tôi hí hoáy giải toán, tôi lởn vởn quanh mấy cô em xinh đẹp. Tóc tôi không phải màu vàng sáng, màu mắt xanh xám của tôi hình như cũng chưa bao giờ đẹp như trong những bức tranh sơn dầu ấy, nhưng dưới ngòi bút của Edgar tôi chính là người đó, rực rỡ đến mức khiến mọi thứ xung quanh trở nên ảm đạm lu mờ. Edgar đứng giữa căn phòng trống trải, chỉ vết khung tranh nâu nâu trên tường: “Chỗ này từng mang đầy hạnh phúc của tôi.” “Lần này tôi trở về là để thu nhặt hạnh phúc.” Cậu ấy nói: “Alan, cậu vẫn nhớ ngày chúng ta ở bên nhau, phải không?” Một giây lúc ấy tôi không biết phải đáp ra sao. “Đừng nói thế chứ, nghe cứ như lần này đi cậu không về nữa ấy! Chiến tranh kết thúc nhất định cậu sẽ được về mà. Nếu cậu thích chỗ này thì mua lấy một căn nhà nhỏ mà ở. Rồi cậu sẽ gặp được cô gái cậu thực sự thích ở đây, giống như chúng ta gặp nhau hồi đó…” Tôi có chút bối rối: “Tôi mới ngó thấy quảng cáo rao bán nhà đó, ở khu quảng trường đẹp lắm, cậu mà ưng thì mình đi xem luôn.” Cậu ấy bước tới, nhẹ nhàng ôm tôi: “Có lẽ rồi tôi sẽ không trở lại.” “Không, không đâu, cậu sẽ sống chứ. Không phải cậu bảo máy bay Đức cũ rích còn bọn phi công thì rõ đần độn hả, đời nào chúng bắn hạ cậu được, đúng thế không?” tôi chộp lấy cánh tay cậu ấy, hỏi dồn. Edgar không đáp, cậu ấy chỉ chăm chú nhìn tôi. Gương mặt cậu ấy đượm buồn. Rất lâu sau đó, Edgar thở dài: “Alan, cậu mãi mãi không biết được. Tôi đã thực sự hy vọng mọi chuyện không trở nên thế này.” Được nghỉ tôi mới có thời gian từ từ ngẫm lại về bức điện máy giải mã không dịch được. Tôi chép nó ra tập vở, nhân lúc Edgar ngồi vẽ để lôi ra xem. Thế này làm tôi chợt thấy như thời gian đã trôi ngược dòng về nhiều năm trước, khi tôi mới gặp Andemund. Lúc ấy tôi và Edgar cũng thường ngồi bên nhau như vậy, cậu ấy vẽ, tôi mày mò nghiên cứu mật mã của Andemund, tiêu phí tất cả thời gian trên đời trong quán cà phê lộ thiên bên bờ sông Cam. Cậu ấy hỏi tôi: “Lại toán à?” Tôi gật gật: “Ờ, khó nhăn răng.” Tối đến, chúng tôi nghỉ lại một quán trọ có ban công rộng thênh thang. Thời chiến ăn uống rất xoàng xĩnh, sau bữa cơm chiều bọn tôi chỉ còn mỗi việc đứng dựa lan can ngắm cảnh. Không biết có phải tôi bị ảo giác không, nhưng hình như sắc mặt Edgar bỗng thật ảm đạm. Tôi thì bận nghĩ đến vô số phương thức biến ảo của “Mê” nhưng không cách nào biên ra được đầy đủ ý nghĩa của bức điện nọ. Tôi bắt đầu đoán hệ thống nào đòi hỏi phải sử dụng loại mật mã mới này… tiếc là trong tay tôi hiện giờ chỉ có một bức điện, giá kể chặn được thêm mấy tin nữa, tình hình có lẽ sẽ khả quan hơn nhiều. Giữa bữa cà phê sáng hôm sau, tôi xuống buồng điện thoại của khách sạn gọi về tổng đài trang trại Plymton, yêu cầu nối máy cho thượng úy Colin, liên lạc viên của không quân, hỏi anh ta liệu không quân Đức có dấu hiệu đổi mới hệ thống tình báo không. Tiếng thượng úy Colin hơi khó nghe, coi bộ đang nhai thịt rán cho bữa sáng. Anh ta gắt: “Mẹ ơi, như giẻ rách. Rán miếng thịt tử tế bộ khó khăn lắm sao? Đợi tí tôi sắp sang phòng 1 đưa lịch bay hôm nay rồi, rồi từ từ mình bàn nhé.” “Tôi đang nghỉ.” tôi nói: “Bạn tôi ở căn cứ không quân Hoàng gia mới về phép, tôi xin nghỉ đi loanh quanh với cậu ta.” “À cái gã vẫn thư từ qua lại với cậu đấy hả… mà tên gì ấy nhỉ?” “Edgar. Edgar Hilsenrath. Chậc, vừa rồi hai tháng trời không nhận được lá thư giấy đỏ nào, thật tôi cuống gần chết.” “Giấy đỏ à?” Colin cao giọng. “Thì giấy viết thư chuyên dụng của không quân chứ gì, góc dưới bên phải có in hình vương miện Nữ hoàng đó.” tôi lơ đễnh đáp. Đầu dây bên kia đột nhiên im lặng một lúc lâu, mãi sau mới có tiếng thượng úy Colin ngập ngừng vang lên: “Alan, giấy viết thư màu đỏ không được sử dụng từ lâu rồi. Hiện nay chúng tôi dùng giấy màu xanh, dưới cùng in chữ nhỏ: Nước Anh muôn năm.” Giữa mùa hè nước Anh, mà đột nhiên tôi thấy toàn thân lạnh toát. “Loại giấy cậu nói chúng tôi bỏ ba năm nay rồi.” Vậy tức là từ cái ngày Edgar ghi danh vào không quân, họ đã không còn dùng thứ giấy đó nữa. Tôi nghe giọng mình run rẩy: “Anh ở đó có tra được danh sách phi công đang phục vụ không? Tìm giúp tôi Edgar Hilsenrath. Cậu ấy hưởng ứng lệnh triệu tập mùa hè năm 1939.” Trở về phòng, bữa sáng đã được dọn ra trên bàn phòng sinh hoạt chung, sandwich đơn giản, trứng ốp la và cà phê. Chúng tôi ở cùng phòng, Edgar rót cho tôi một tách cà phê đen, có chút tiếc nuối nói: “Có ngần này thôi, chẳng mong đợi gì hơn được đâu. Nhà bếp nói bít-tết chỉ phục vụ bữa trưa với bữa tối thôi.” Tôi cầm tách cà phê ngồi xuống sô pha, nhìn Edgar vào buồng thay đồ và trở ra với một bộ lễ phục đen. Đúng kiểu cổ áo phanh hở tôi thích, trang trí bằng một chiếc ghim cài đính kim cương, rất hợp với gương mặt Hy Lạp và mái tóc quăn của cậu ấy. Tôi lại cảm thấy toàn thân ớn lạnh. “Tình yêu ơi, xấu hở?” cậu ấy quay lại nhìn tôi. “Hợp với cậu lắm, mặc vào một cái là khác liền.” tôi nói: “Bữa nay tính đi đâu?” Cậu ấy bước tới, cúi xuống hôn trán tôi: “Không đi đâu hết, hôm nay ở lại khách sạn với tôi cả ngày nhé. Chà, Alan, hôm nay cậu cũng đẹp lắm.” “Tôi muốn đi thăm thư viện hồi trước nữa.” “Đừng đi, tình yêu à.” cậu ấy nhìn tôi: “Sao cậu không uống cà phê.” “Vì có độc.” Edgar sững người, cậu ấy lập tức bước lùi lại, khoanh tay thủ thế. Gương mặt cậu ấy cũng nhanh chóng lộ vẻ kinh ngạc: “Sao cậu biết?” “Tôi đoán.” tôi chỉ bộ lễ phục trên người cậu ấy: “Cậu đã thay đồ đen đưa tiễn tôi rồi đấy thôi. Tôi vừa gọi cho người bạn ở Bộ chỉ huy không quân Hoàng gia, anh ta nói trung đội 13, đại đội 11 do thiếu tướng Parker chỉ huy chẳng có ai là Edgar Hilsenrath. Bạn thân mến ơi, hai năm nay rốt cuộc cậu đã đi đâu?” Tôi nghe thấy Edgar chửi thề: “Quỷ tha ma bắt cục tình báo.” Nhưng rất nhanh sau đó, cậu ấy trấn tĩnh lại và cương quyết tiến về phía tôi: “Alan, uống hết cà phê đi. Ngoan, uống xong tôi sẽ nói cho cậu nghe.” Tôi đứng dậy ném tách cà phê qua cửa sổ. Kiến trúc quận Cambridge thường không cao lắm, nhưng chúng tôi ở tầng trên cùng, từ đây nhìn xuống người đi dưới ngã tư chỉ li ti như quân cờ vua. Tôi cố làm ra vẻ bình thản: “Cậu biết cục tình báo sao?” “Tôi biết cậu làm việc cho cục tình báo.” “Từ bao giờ?” tôi hỏi. “Ngay từ đầu. Kể từ khi cậu theo đuổi Andemund Garcia.” cậu ấy thở dài: “Đúng ra cậu nên nghiêm túc nghĩ về điều tôi nói trong thư, nhận công việc ở viện nghiên cứu, Alan ạ. Nếu cậu chịu rời khỏi hệ thống tình báo Anh từ khi đó, sự việc có lẽ đã không đến nước này.” “Cậu theo Đức à?” “Tôi họ Hilsenrath. Có lẽ cậu chưa bao giờ để ý, đó là một cái họ Đức. Cha tôi là người Đức.” Với bộ lễ phục đen trên người, Edgar chậm rãi bước từ khoảng tối xấp bóng trong phòng đến bên cửa sổ rực nắng. Cậu ấy đang an ủi tôi, vì giọng cậu ấy vẫn vô cùng dịu dàng. “Alan, tay cậu đang run kìa.” “Thực ra chẳng có gì đáng sợ cả, uống đi, sẽ xong nhanh thôi.” “… cậu sẽ có một giấc ngủ tuyệt vời.” Edgar chỉ cao hơn tôi gần một cái đầu, tôi nghĩ chúng tôi đánh nhau chắc là ngang ngửa. Đợi cậu ấy tiến đến đủ gần, tôi bật dậy, gồng mình thụi vào bụng cậu ấy. Cậu ấy lạng người tránh được. Tôi thì mất đà, lảo đảo chúi về phía trước, vừa lúc ấy tôi cảm thấy đau nhói sau gáy. Cơn đau lan tỏa khắp toàn thân khiến tay chân tôi như nhũn ra, không thể đứng vững được và cứ thế gục xuống. Buồng phổi giống như đang kháng cự lại cơn tê dại bằng cách phập phồng hớp không khí hoàn toàn không theo chủ định của tôi. Edgar kịp đỡ được tôi. Cậu ấy nhét cái máy chích điện vào túi, nhẹ nhàng xoa lưng tôi: “Cường độ điện hơn 10 mili-am-pe, cậu sẽ bị tê liệt một lát.” Sau giây phút run rẩy, toàn thân tôi thực sự tê liệt. Tôi chỉ có thể để mặc Edgar một tay ôm vai tay kia vòng xuống chân, bế bổng mình lên. Cậu ấy bế tôi vào phòng ngủ, gạt cái chăn lông dê nhàu nhĩ sang một bên và đặt tôi xuống giường. Cậu ấy lại rót một tách cà phê, tự uống rồi cúi xuống áp môi lên môi tôi. Cơ mặt tôi tê dại, cà phê đen chảy tràn theo khóe miệng xuống vải trải giường trắng. Edgar kiên nhẫn bắt tôi uống thêm mấy ngụm nữa rồi rút khăn tay chậm rãi lau miệng cho tôi. “Tôi đã cảnh báo cậu cẩn thận với quân áo đen, Alan. Cậu không nên dính vào bọn họ.” “Yên tâm, chỉ là thuốc ngủ thôi, cậu sẽ không chết đâu. Tôi không thể chống lệnh cấp trên, nhưng tôi sẽ đưa cậu đến một nơi không ai có thể tìm tới. Cậu sẽ không phải đau khổ, và cũng sẽ mãi mãi không rời bỏ tôi.” “Nếu ban nãy cậu uống hết cà phê mà không biết gì cả thì hoàn hảo biết bao. Cậu sẽ ngủ một cách vô tư và thuần khiết, chà, Alan.” cậu ta hôn trán tôi: “Người đẹp say ngủ của tôi.” Cơn mê ập đến. Tôi có thể nhận biết được Edgar đang cởi nốt khuy áo ngủ của mình, đôi môi dày của cậu ấy lướt trên cổ tôi. Nhưng tôi không làm gì được, chỉ còn biết buông mình vào cõi hư vô hỗn độn. Giây cuối cùng trước khi bị ý thức bỏ rơi, tôi thương tâm nghĩ… có lẽ mình sẽ không bao giờ được gặp lại Andemund nữa. Andemund của tôi.
|
– Chương thứ ba mươi hai – Tôi mơ một giấc mơ dài. Trong mơ chiến tranh đã kết thúc. Tôi trở về Cambridge dạy học, Andemund thì ở Hội nghiên cứu toán học Hoàng gia. Chúng tôi sống chung ở số 73 đường Bồ Câu Xám quận Cambridge. Andemund trồng đủ loại hoa kim tước bên cửa sổ, mỗi mùa xuân chúng sẽ trổ hoa vàng ấm áp. Bọn tôi có một phòng sách, một phòng đặt đàn dương cầm và một khoảng ban công rộng mênh mông. Buổi sáng Andemund mở cửa sổ phòng ngủ, chăm chú ngắm ngã tư yên tĩnh đằng xa. Tôi lượn đến ôm lưng ảnh, nói: “Cưng ơi, rốt cuộc chiến tranh cũng kết thúc rồi.” Giấc mơ ấy kéo dài thật lâu, lâu đến mức tôi tưởng như mình đã sống trong đó rất nhiều năm. Tôi và Andemund cùng già đi, tóc tôi bạc trắng, ảnh thì chống ba-toong, bọn tôi thong thả tản bộ trên con đường râm mát, trò chuyện về đám thanh niên đương thời nồng nàn nhiệt huyết, rồi cùng cảm thán: “Không còn chiến tranh thật là tốt quá.” Mở mắt dậy, tôi thấy mình không còn ở khách sạn nữa. Edgar đưa tôi đến một căn phòng không có cửa sổ. Mới đầu trông giống như phòng ở bỏ hoang, nhiều mảng tường màu xám bong tróc để lộ cả màu gạch bên trong, không thấy trét xi măng. Bóng đèn lù mù là nguồn sáng duy nhất trong phòng. Chính giữa phòng là một cái giường màu trắng, đèn treo ngay đầu giường. Trong các góc bày la liệt rương, hòm, một trong số đó đang mở nắp, bên trong là đủ loại quân trang. Tôi nhận ra quân phục hải quân Ý, lục quân Đức và cả bộ đồng phục không quân Hoàng gia Anh Edgar đã mặc đến gặp tôi bữa nọ. Thứ thu hút ánh mắt người ta nhất trong gian phòng tối tăm ấy là bức họa trên tường. Đó là một bức tranh rất lớn, lồng khung kính trắng tinh xảo. Gã thanh niên trong tranh đương nằm dài trên cỏ, dưới bóng cây, tay gối sau đầu, ánh nắng xế trưa len qua kẽ lá để rơi lấm tấm trên mặt gã. Tán lá bên trên có những bông hoa đã nở, những đóa hoa lớn màu trắng rụng đầy dưới thảm cỏ quanh gã trai, có một đóa đậu lại trên mớ tóc ngắn màu nâu nhạt của gã. Gã trai nọ đang nhắm mắt, có vẻ thích thú hưởng thụ giấc ngủ trưa yên ả. Hình ảnh ấy không khỏi làm tôi nghĩ đến hình minh họa từ tập “Thơ tình Wordsworth”. Phòng rất tối nên ánh nắng trong bức tranh sơn dầu kia dường như càng rực rỡ hơn. Tôi vẫn nhớ nó. Đó là mùa hè năm 1939, chúng tôi đi nghỉ ở biệt thự nông thôn Cambridge. Tôi nằm dưới tàng cây nở đầy loài hoa không rõ tên, cậu ấy ngồi xổm xuống cạnh tôi, nói rằng cậu ấy sẽ tham gia không quân Hoàng gia, rồi cậu ấy cúi xuống hôn mi mắt tôi đang khép hờ. “Tôi đã nói tôi muốn hoàn thành một tác phẩm vĩ đại. Giờ cậu gặp nó rồi đấy, Alan.” Edgar đẩy cửa bước vào, đặt khay đồ ăn có thịt hun khói và bánh mì đầu giường rồi gật đầu với tôi: “Cảm thấy thế nào?” Tôi để ý thấy thứ cậu ấy mang tới là thịt chân giò hun khói thượng hạng và bánh mì trắng nướng xốp mềm hiếm có từ thời trước chiến tranh, bên cạnh còn cả một ly nhỏ rượu nho. “Tháo còng ra được không?” “Xin lỗi, không được.” Edgar ngồi xuống cạnh giường. Ung dung vặn nút dò sóng cái radio nhỏ mang theo, đài đang phát ca khúc chủ đề “My own true love” của “Cuốn theo chiều gió”. Edgar hình như rất thích bài hát này, cậu ta say sưa nhắm mắt lại, khẽ ngâm nga theo nhạc. “Rốt cuộc cậu là ai?” tôi hỏi cậu ta. Giai điệu hoài cổ lan khắp gian phòng, giọng Edgar trầm trầm chậm rãi kể cho tôi nghe sự thật. “Edgar Hilsenrath. Tôi không hề lừa cậu.” cậu ấy nhìn tôi: “Thế giới này không chỉ có Andemund Garcia sở hữu hai thân phận. Cha tôi là người Đức, mẹ là người Ý lớn lên ở Anh… Họ đều làm việc cho tình báo Berlin.” “Họ cho cậu đến Cambridge học vẽ sao?” tôi không dám tin. “Không, sao có chuyện đó được? Họ gửi tôi đến Cambridge giám sát Andemund Garcia. Hắn ta chính là giáo sư Wilson, kẻ luôn giữ liên hệ chặt chẽ với giới khoa học ở Cambridge. Chúng tôi nghi ngờ rằng bằng cách nào đó hắn vẫn chiêu mộ nhân tài từ Cambridge. Giờ thì cậu biết rồi đấy, tại sao ngày đó tôi thích cậu đến vậy mà vẫn phải để cậu theo đuổi Andemund. Vì chỉ khi cậu tiếp cận hắn, tôi mới có thể thông qua cậu để điều tra hắn.” “Cậu đã lợi dụng tôi.” “Không thể nói như thế, Alan. Tôi luôn yêu cậu. Nếu tôi từng dao động trước một điều gì, thì đó chính là tình cảm dành cho cậu. Tôi đã nói rằng tôi yêu cậu, Alan.” “Cậu chưa bao giờ nói thế.” “Vì cậu cũng chưa bao giờ nghiêm túc cả.” “Tôi đã nghiêm túc.” tôi phản đối. “Với Andemund Garcia chứ gì?” cậu ta cười giễu cợt rồi đưa tay vuốt má tôi: “Từ khi cậu vào cái ổ giải mã khốn kiếp ấy, Andemund Garica dám giấu cậu đi. Tai mắt của tôi không tìm thấy cậu, tôi thậm chí không biết rằng các người yêu nhau… Cách duy nhất để liên lạc với cậu là viết thư cho cậu như một thằng bạn. Cậu còn nhớ tôi đã cảnh báo cậu cẩn thận với Quân Áo đen chứ… lá thư nào tôi cũng nói.” “Phải.” “Còn nhớ Lena Celman không? Cô ả người Anh tóc vàng ấy, đúng là một con mèo hoang.” “Cô ta là vị hôn thê của Andemund.” tôi nói. “Phải, cô ta là một trong các cơ sở của chúng tôi ở Anh. Hẳn cậu cũng biết, cô ta bị chết cháy trong dinh thự.” “Có đọc trên báo.” “Trước khi chết cô ta gửi một bức điện rất dài cho tổng cục tình báo Berlin. Nội dung bức điện ấy có nhắc đến cậu, cô ta cho rằng cậu là chuyên gia giải mã ưu tú nhất cơ quan tình báo Anh, nếu cậu chết, sự nghiệp mật mã tình báo của nước Anh sẽ thụt lùi ít nhất mười năm. Bức điện này không qua tôi mà đến thẳng đầu não tối cao ở Berlin, quyết sách cuối cùng được đưa ra là phải ám sát cậu. Tôi chủ động nhận nhiệm vụ ấy. Alan, lúc ấy tôi… vô cùng đau đớn. Nhưng không còn lựa chọn nào khác, tôi không muốn ai khác làm việc này.” “Tôi vẫn muốn bảo vệ cậu.” Edgar mỉm cười một cách quái dị: “Thậm chí tôi từng ra lệnh phải giữ cậu còn sống.” Đột nhiên tôi nhớ đến một câu nói của Lena… Ưng Non bảo phải để mày sống. “Cậu là Ưng Non?!” Cậu ấy không trả lời, chỉ cúi xuống ôm tôi: “Xin lỗi, tôi không thể chống lệnh. Nhưng tôi có thể tiêm LSD cho cậu, chỉ cần dùng đủ liều cậu sẽ không cảm thấy đau đớn chút nào cả. Sẽ là một trải nghiệm tuyệt diệu, lý trí sẽ vĩnh viễn rời bỏ cậu, Alan Castor tôi yêu cũng sẽ vĩnh viễn biến mất trên cõi đời… chỉ còn thể xác của cậu, ngày ngày mỉm cười với tôi.” Arnold từng nói với tôi về LSD. Nó là loại thuốc thần kinh chủ yếu được sử dụng để tẩy não trong các trại tập trung của Đức Quốc xã. Thời gian tôi bị giam ở Z vì đồng tính luyến ái, Lindon từng trộn một lượng nhỏ chính LSD vào liều thuốc hàng ngày của tôi. Tôi không thể quên được cảm giác bồn chồn bất ổn khi ấy, quả thực giống như một cơn ác mộng. “Tôi sẽ trở thành ngu ngốc.” tôi nói với cậu ta. “À, phải.” Edgar tán đồng: “Nhưng không sao, bạn thân yêu. Tôi đã vẽ lại Alan Castor tôi yêu rồi, tôi đã cất giấu tất cả cậu ở đây rồi.” Một lần nữa tôi cảm nhận được sự tuyệt vọng. Tôi khao khát được thấy Andemund, muốn nói cho anh ấy mọi chuyện, đó là Ưng Non, là Lena, tôi muốn cho anh ấy biết Edgar đã biết về trang trại Plymton. Nhưng giờ tôi chỉ có thể ở đây, chờ đợi trong tuyệt vọng. Ngày nào Edgar cũng đến với tôi ba lần, mang theo điểm tâm, bữa trưa và bữa tối. Cậu ta ngồi trò chuyện với tôi, nói về những chuyện xảy ra từ ngày chúng tôi còn ở trường đại học, mấy cô gái tôi theo đuổi hồi đó giờ đã lấy ai. Nếu không có chiếc còng nặng trịch trên tay, có lẽ tôi đã lại tưởng rằng thời gian trôi ngược, chúng tôi vẫn đang sống trong những ngày tháng hòa bình xưa cũ. Nhưng tôi đang chết dần trong tuyệt vọng. “Vẫn chưa bắt liên lạc được với bác sĩ nhận điều chế LSD cho tôi, có lẽ cậu phải đợi vài ngày nữa, Alan.” cậu ta ôn hòa nói với tôi như thế. “Cậu điên rồi.” “Phải, tôi điên rồi.” cậu ta luôn đồng ý với mọi điều tôi nói.
|
– Chương thứ ba mươi ba – Tôi nhớ đến Edgar luôn câu nệ và lịch lãm đến cổ lỗ sĩ ngày nào ở Cambridge, không sao liên hệ chàng trai mười chín tuổi mới quen hồi đó với Ưng Non mình vẫn thường biết đến qua điện mật. Tôi thử nhớ lại lần đầu tiên tiếp xúc với tin tình báo về Ưng Non, khi đó là năm thứ hai ở Cambridge, trong mật mã Bacon cải tiến Andemund đưa cho tôi, một trang giấy chi chít trăng sao: “Ngài phải nhanh chóng đến London, tới chỗ tướng quân F lấy báo cáo tình hình diễn tập ngày 5 của quân Anh, giao cho Ưng Non.” Lối mã hóa bằng hình vẽ ấy quả là ngây thơ, lại đầy lãng mạn. Đột nhiên tôi nhận ra chúng thật phù hợp với thẩm mỹ của Edgar. Giờ nghĩ lại, tướng F hẳn là tướng Celman cha Lena. Khi đó Ưng Non mới chỉ là một trung gian liên lạc, tôi đoán nhiệm vụ của cậu ta chính là báo cáo lại tình hình các tổ chức thân Đức ở Anh cho Berlin. Tôi đã đọc rất nhiều tin tình báo về Ưng Non, gần như biết rõ từng bước “trưởng thành” của tên gián điệp Đức này… hắn ta được sắp đặt ở cạnh một nhân vật quan trọng, có thể tiếp xúc với tin tức có giá trị, từng được Berlin đặc biệt khen thưởng. Nhưng ai mà tin được nhân vật quan trọng ấy là Andemund, và trung tâm cơ mật họ nói đến chính là trang trại Plymton. Tôi hỏi thẳng cậu ta. Edgar đang ngồi bên giường tôi chỉnh radio, bài hát xưa cũ lại vang lên. Cậu ta trả lời không chút lảng tránh. “Alan, khi đó tôi vừa trẻ vừa non nớt, thành tích trong trường đào tạo tình báo rất tốt nhưng lại chẳng có chút kinh nhiệm gì…” cậu ấy nói: “Tôi nghĩ đó chính là lý do tổng bộ đặt bí danh ‘Ưng Non’ cho tôi. Tôi đã nói cha mẹ tôi đều là người của cơ quan tình báo rồi phải không? Mẹ tôi muốn tôi ở lại Đức, cha thì ép tôi đến Anh. Ông ấy nói công tác gián điệp là tối khắc nghiệt, nếu không tôi luyện bản lĩnh khi đối diện với nguy hiểm thực sự chỉ có mất mạng. Nhiệm vụ của tôi là ngụy trang làm sinh viên để thu thập và chuyển tiếp tin tình báo khu vực London. Cambridge an toàn hơn London nhiều, ít mật vụ chính phủ, mà có thân phận rõ ràng càng dễ hành động hơn. Tôi từng nhận được một mệnh lệnh: phải tiếp cận Andemund Garcia khi có cơ hội. Cậu biết hắn ta có tên giả là Andemund Wilson, viện sĩ viện nghiên cứu toán học Hoàng gia và thường được mời đến các buổi tọa đàm của khoa toán King’s College Cambridge chứ gì. Chà, Alan, tất nhiên vụ tọa đàm đó thì cậu không biết rồi. Hầu như toàn tôi lên lớp thay cậu, phải không?” Tôi không thể phủ nhận. “Lần đầu tiên tôi thấy cậu là ở thư viện. Lúc ấy cậu đang đứng dựa cửa sổ, lăm le muốn tiếp cận một nữ sinh xinh đẹp. Đến giờ tôi vẫn nhớ như in ánh nắng lúc ấy xuyên qua kính thủy tinh và nhuộm mái tóc cậu thành màu vàng sáng, chúng mới thật óng ả mềm mại. Alan, cậu quá đẹp để dành cho phụ nữ, thế nên đứa con gái đó chỉ ôm sách cắm đầu đi vội qua cậu… cặp mắt màu lam xám của cậu lập tức trở nên buồn nản. Lúc ấy tôi đang tìm kiếm một nam sinh khoa toán nhanh nhẹn năng động, cậu thật là thích hợp. Chuyện này thật khiến người ta dở khóc dở cười… năm đầu Andemund Garcia đến giảng ba lần mà cậu đâu có biết… May mắn sao từ năm thứ hai hắn trở thành giáo sư thỉnh giảng khoa toán. Tôi lên lớp thay cậu, nhưng tôi chẳng có chút thiên phú nào với toán học. Lúc ấy tôi đã gần như bỏ cuộc rồi. Nhiệm vụ chính của tôi là chuyển tin, nếu có cơ hội mới phải tiếp cận hắn. Berlin chỉ biết Andemund Garcia là nhân vật quan trọng của cơ quan tình báo, nhưng cụ thể hắn phụ trách cái gì thì không ai biết.” Edgar nhìn tôi chăm chú, ánh mắt cậu ta thậm chí có thể coi là dịu dàng: “Khi ấy tôi đã gần như bỏ cuộc. Tôi tưởng như mình chỉ là một sinh viên bình thường, học khoa mỹ thuật tạo hình, mải mê vẽ và ở bên người mình thích. Tôi luôn nhìn cậu, mà cậu thì chỉ nhìn những kẻ khác. Tôi thậm chí đã nghĩ nếu có một ngày Đế quốc chiếm được nước Anh, tôi sẽ dùng thủ đoạn nào đó… ví dụ như hiện giờ… để giữ cậu ở bên cạnh mãi mãi.” Chuyện cũ êm ả qua lời kể của Edgar không hiểu sao chỉ khiến tim tôi đập dồn đầy lo sợ. “Nhưng tôi lại theo đuổi Andemund.” tôi hối hận nói. “Phải, mà khiến người ta kinh ngạc là hắn lại đáp lại cậu.” ánh mắt Edgar đượm chút thống khổ: “Tôi không biết nên mừng vì hắn ta đáp lại cậu hay nên phá đám các người. Vì thế tôi chọn cách im lặng. Có lẽ cậu không nhớ, có lần tôi đã nhắc cậu tốt hơn là nên tránh xa Andemund.” “Tôi không nhớ.” tôi thừa nhận. Cậu ấy thở dài: “Tôi thậm chí đã khuyên cậu, đồng tính luyến ái là phạm pháp.” Edgar nói với chút tiếc nuối: “Chậc, Alan của tôi ơi. Cậu chẳng biết cảnh giác chút nào. Cậu viết mọi chuyện vào nhật ký.” Tôi nhớ lại ngày chia tay với Andemund, Edgar đưa tôi đến quán bar. Cậu ta nhìn tôi uống rượu rồi lẳng lặng xốc tôi đã say bí tỉ về nhà, lục túi quần tôi lấy chìa khóa mở cửa rồi nằm trên sô-pha đợi tôi tỉnh rượu. Giờ tôi mới chợt ý thức được… tôi không hề biết cậu ta làm gì suốt thời gian đó. Có lẽ cậu ta tìm thấy cuốn nhật ký bị khóa trong ngăn kéo bàn tôi, trong đó có cả đống mật mã tôi đang giải thử và cuộc hẹn cuối cùng của tôi với Andemund. Cảm giác khiếp sợ ập đến, tôi bắt đầu tự hỏi rốt cuộc mình đã phạm bao nhiêu sai lầm. Andemund từ chối để tôi vào trang trại Plymton có lẽ là chính xác, ngay từ đầu tôi đã không hề có chút ý thức giữ bí mật nào. Andemund không tin cả tôi, vậy mà tôi tin Edgar. “Cậu căn bản không vào không quân Hoàng gia, cậu đã về Đức.” tôi nghe giọng mình nặng như đeo đá: “Chuyện về căn cứ không quân cậu viết trong thư chỉ là rác rưởi. Tôi là một thằng ngu mới đi tin cậu.” Edgar mỉm cười: “Chà, Alan, đó là vì tôi không muốn làm cậu tổn thương. Đúng là tôi đã về Đức, nhưng tôi có bạn ở không quân Hoàng gia… tôi nhờ nó lấy giúp một ít giấy viết thư của không quân, không ngờ nó lại cho tôi một mớ giấy bỏ đi. Sai lầm kiểu này tôi sẽ không phạm lần nữa đâu.” “Tôi chỉ ở Đức nửa năm, sau đó thì đi Ba Lan và Nam Phi. Alan, cậu sẽ không muốn nghe về chuyện ấy đâu, cuộc sống ở đó là địa ngục, đến ma quỷ cũng không chịu đựng được… khi được điều động trở lại Anh tôi đã là người chịu trách nhiệm tối cao ở London.” cậu ấy lắc đầu: “Chiến tranh có thể thay đổi một con người từ cội rễ linh hồn.” Những ngày kế tiếp Edgar có vẻ nôn nóng. Cậu ta thường xuyên ra ngoài, lần nào về cũng lầm lì, gã bác sĩ hứa hẹn điều chế LSD cho cậu ta vẫn chưa xuất hiện. Cậu ta tức tối nói: “Tôi không hiểu rốt cuộc Berlin muốn gì nữa!” Rồi cậu ta bắt đầu dọn dẹp căn phòng, lôi những thứ vô dụng ra ngoài thiêu hủy. Tôi hỏi cậu ta chúng ta sẽ rời khỏi đây sao, cậu ta gật đầu đáp: “Ngày nào tôi cũng liên lạc với tổng bộ. Mấy lão già ở Berlin cương quyết đòi cậu phải chết, bọn họ không tin vào tác dụng của LSD.” Cậu ta bước tới hôn trán tôi: “Alan, cậu không thể biết được tôi đã trả giá những gì vì cậu.” Khi đó tôi đã chìm sâu trong tuyệt vọng. Trước khi Edgar lựa chọn thay tôi, tôi sẽ tự quyết định. Tôi bắt đầu tuyệt thực. So với tuyệt vọng chờ đợi bị tiêm LSD để rồi trở thành đần độn vô tri, tôi thà chọn con đường có thể giữ lại cho mình chút danh dự. Mới đầu Edgar kiên nhẫn dỗ tôi ăn. Cậu ta đem cháo loãng đến, xốc tôi dậy ngồi dựa đầu giường, tự húp cháo rồi vặn cằm bắt tôi mở miệng, kề miệng ép tôi uống. Tôi cự tuyệt không nuốt, nước chảy tràn từ khóe miệng xuống vải trải giường. Cuối cùng cậu ta rút súng ra dí vào trán tôi, hỏi tôi muốn ăn hay muốn gặp Thượng Đế. Cậu ta đè tôi xuống giường, họng súng dằn lên trán tôi, giống như một con báo điên. Tôi nghĩ đây mới là Edgar đích thực sau lớp vỏ ngoài lịch lãm. Ngày tuyệt thực thứ ba, tôi thều thào nói với cậu ta: “Bạn yêu ạ, từ khi Thượng Đế cho tôi đến thế giới này… tôi đã chẳng định còn sống trở về gặp ổng rồi.” Chúng tôi giằng co khá lâu, cuối cùng cậu ta chán nản ném khẩu súng đi, vơ lấy cái còng khác còng cả tay phải tôi lại. Cậu ta quyết định tiêm dinh dưỡng cho tôi. Khi ấy cậu ta cưỡi trên lưng tôi, dùng cả cơ thể để ngăn tôi giãy giụa. Tiêm xong thay vì leo xuống cậu ta lại lột bỏ áo sơ-mi của tôi, đưa tay lần sờ quanh thắt lưng tôi rồi luồn cả vào trong quần. “Chà, Alan.” cậu ta hôn mi mắt tôi. “Tôi không có hứng.” tôi nói: “Cậu ra ngoài tự giải quyết đi.” Edgar không đáp, cậu ta định hôn tôi, tôi cắn đầu lưỡi cậu ta, cậu ta lại hôn tôi còn hung hãn hơn nữa. Tôi không ngừng chống cự, rốt cuộc miệng chúng tôi nhoe nhoét máu, không biết là tôi cắn cậu ta chảy máu nhiều hơn hay cậu ta cắn tôi nghiêm trọng hơn. Cuối cùng cậu ta thô bạo lột nốt cả quần dài tôi, tôi vùng vẫy, cậu ta nhét gối xuống dưới thắt lưng tôi, hùng hổ xốc hai chân tôi gác lên vai mình, ép tôi oằn mình trong một tư thế nhục nhã. Tôi đã gần như van xin cậu ta đừng làm thế. Tôi xin cậu ta buông ra, tôi nguyền rủa cậu ta chết đi bằng tất cả ngôn từ thô tục độc địa mình biết, nhưng cậu ta vẫn quỳ trên giường, banh rộng hai chân tôi, nhìn xuống tôi và nói: “Alan, cậu thế này rất đẹp.” Cậu ta hỏi tôi: “Lúc cùng với Andemund Garcia, cậu thích tư thế này chứ?”
– Chương thứ ba mươi tư – Edgar hỏi tôi: “Lúc cùng với Andemund Garcia, cậu thích tư thế này chứ?” Tôi chỉ muốn hạ nhục cậu ta. Tôi đáp: “Tôi yêu Andemund. Ít khi tôi từ chối tư thế nào anh ấy muốn.” Gương mặt Edgar lập tức trở nên méo mó. Cậu ta hạ giọng, bàn tay bất thần chẹn trên yết hầu tôi: “Alan, cậu không biết tôi đã làm những gì vì cậu. Đừng bao giờ nói cậu yêu Andemund trước mặt tôi.” Cảm giác nghẹn thở thô bạo ập đến. Tôi nghe thấy tiếng cười của Edgar. “Cậu có biết khi tôi đưa cậu đến đây, trong cơn mê sảng cậu đã gọi tên ai không? Chà, Alan, nếu làm thế này mà moi được Andemund Garcia ra khỏi tâm trí cậu thì tôi sẵn sàng bóp cổ cậu đến chết…” Nếu không phải đột nhiên có tiếng súng nổ bên ngoài, tôi nghĩ mình sẽ cứ thế này mà chết thật. Vĩnh viễn lìa xa khỏi chiến tranh, cõi đời và người tôi yêu. Edgar lập tức chồm dậy, lăn xuống giường, lao đến áp mặt vào cửa. Tiếng súng bên ngoài vọng đến rõ hơn. Cậu ta nghe ngóng một lát rồi sầm mặt quay lại bên giường, mở còng cho tôi, vừa mặc đồ cho tôi vừa chửi: “Tổng bộ khốn kiếp, họ nhanh tay thật.” Tim đập thình thịch, tôi khao khát ngóng nhìn cửa ra vào, tưởng tượng rằng chỉ chốc lát nữa nó sẽ bật mở và Andemund đã đứng đó. Tôi không biết ai đang đến nhưng tôi gần như phát điên với niềm mong mỏi ai đó sẽ đến cứu tôi ra khỏi căn phòng tăm tối này, đưa tôi về dưới ánh nắng ấm áp của mặt trời tháng tám. Edgar vừa chửi thề vừa dí súng vào đầu tôi. “Alan, cậu mà hé một lời tôi sẽ bóp cò.” Tiếng đã nghẹn ngay cổ họng mà không sao phát ra được. Đột nhiên cậu ta mỉm cười, cúi đầu hôn má tôi: “Thư giãn đi, không phải Andemund của cậu đâu.” Bức tường đối diện vẫn treo bức tranh vẽ tôi lồng trong khung kính trắng chạm trổ, đó là thứ tươi sáng duy nhất trong phòng. Tôi nghĩ đó chỉ là sở thích cá nhân của Edgar. Nhưng cậu ta đi đến trước bức tranh, ngắm nhìn gã trai nằm dưới gốc cây một lát rồi gỡ nó xuống. Sau khung tranh là một cái hốc nhỏ, vừa đủ cho hai người nấp. Edgar dùng súng thúc tôi vào. Bức tranh lại được treo lên, xung quanh tôi tối đen như mực. Không gian nhỏ hẹp khiến chúng tôi phải ép sát vào nhau, hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài. Tiếng động bắt đầu xuyên thủng cả lớp màu dầu để luồn vào trong hốc cùng với cảm giác ong ong như vô thực. Đầu tiên là tiếng súng phá cửa. Sau đó là tiếng gót giày da đàn ông đồ sộ nện trên sàn xi măng. Tôi nghe thấy người ta nói bằng tiếng Đức. Tiếng Đức của tôi là do Andemund dạy ngày trước, không giỏi lắm, chỉ nghe hiểu đại khái. “Ưng Non giấu Alan Castor ở đây hả?” người nói chuyện là người Anh, tiếng Đức lơ lớ: “Làm gì có ai.” Tiếp nữa là tiếng lục lọi đồ đạc, hình như giường cũng bị lật lên. “Từ khi tổng bộ yêu cầu giết Alan Castor, ba ngày nay ta không liên lạc được với Ưng Non rồi.” kẻ vừa bị hỏi trả lời bằng tiếng Đức rất chuẩn. Sau đó hắn ta im lặng một lát, như thể đang nghiền ngẫm điều gì đó: “Hành vi này đã bị xem là phản bội.” Có tiếng mũi giày da cứng đạp vào tường: “Mẹ kiếp, đ. thể tin được bọn Ý lai! Nó bị lú ruột vì thằng nhãi Anh đây mà! Á à, Ludwig, mày xem, chính thằng nhãi này đây!” Bọn họ đứng ngay trước bức tranh. Tôi chỉ sợ tiếng hít thở nặng nề của chúng tôi sẽ lọt qua khe hở. Trong bóng tối, Edgar ghì chặt lấy tôi, một tay bịt miệng tôi lại. Sau đó tôi hỏi Edgar, tại sao phải làm như vậy. Cậu ấy nói rằng lúc đó tôi thật sự quá tuyệt vọng, cậu ấy lo sợ tôi sẽ lựa chọn chết dưới họng súng của tổ chức. Hình như gã đàn ông tên Ludwig đang gõ ngón tay lên bức tranh: “Không rỗng.” Hắn ta đánh giá bức vẽ: “Ờ, trông ngon thật.” Không biết chúng tôi đã đợi bao lâu trong bóng tối, rốt cuộc bọn họ cũng rời đi. Họ để lại một người canh trước cửa đón lõng chúng tôi rồi bỏ đi kiểm tra nơi khác. Edgar lẳng lặng gỡ khung tranh xuống, nhảy ra trước, chỉ chốc lát sau tôi nghe thấy một âm thanh khô khốc. Rồi cậu ấy nói: “Alan, ra được rồi.” Căn phòng lúc này đã bừa bộn ngổn ngang, thùng nào cũng có vết lưỡi lê. Giường bị lật ngược, vải trải giường nhàu nhĩ trên sàn. Gã người Đức ở lại nằm sấp trong vũng máu… còn Edgar đang cầm trên tay một khẩu súng giảm thanh. Về lý mà nói, người đàn ông đó là đồng bọn của cậu ta. Cậu ta đã bảo vệ tôi. Tôi nhớ đến lời Edgar từng nói. “Chà, Alan. Cậu không biết tôi đã làm những gì vì cậu…” Cậu ấy không vội đi ngay mà mò mẫm trong đống đổ vỡ dưới đất để bới ra một cái túi nhỏ đựng đường glucose rồi dốc vào một cái ly đã bể non nửa, rót đầy nước từ bồn rửa trong góc phòng. Cậu ấy tiến đến, đỡ lưng tôi, kề ly vào miệng tôi, nói bằng giọng gần như cầu khẩn: “Nào, Alan, uống đi, cậu phải sống.” Quá mất sức sau những ngày tuyệt thực, chưa bao giờ tôi cảm thấy nước đường glucose lại ngọt ngào đến thế. Edgar có vẻ rất hài lòng, cậu ấy nhìn tôi uống cạn, ném cái ly đi rồi mở cửa phòng. Lần đầu tiên tôi được thấy cảnh trí bên ngoài. Đây hẳn là tầng hầm một tòa nhà hoang phế, sau cánh cửa chỉ có những bậc xi măng nối lên trên. Cuối dãy bậc này hẳn phải có cửa nữa, tiếng súng đầu tiên chúng tôi nghe thấy chính là lúc gián điệp Đức phá cánh cửa ngoài đó… giờ nó đang khép hờ, ánh mặt trời mong manh hắt vào tựa như ánh sáng từ thiên đường. Quá nửa sức lực của tôi đến từ Edgar, tôi gần như bị cậu ấy lôi ra khỏi tầng hầm. Lại được đứng dưới mặt trời, hai mắt tôi sắp lòa đi vì ánh sáng. Trên đỉnh đầu có tiếng máy bay gầm rú, tiếng loa phòng không báo động rạch toạc không gian. Mất một lúc lâu tôi mới thích ứng được. Tôi thấy mình đang đứng giữa một quảng trường đổ nát. Một nửa ngã tư đằng xa đã không còn nhìn ra hình dạng nữa, mặt đất ngổn ngang thê thiết. Những ô cửa sụp xuống, một con ngựa gỗ đồ chơi lăn lóc bên đống phế tích. Máu ở khắp mọi nơi, và đặc biệt chói mắt trên những cái xác vắt ngang bờ gạch đổ xám tro. Edgar đứng sau lưng tôi, khoác một tay lên vai tôi, nói: “London bắt đầu bị không kích từ nhiều ngày nay rồi.” Sau đó là quãng thời gian trốn chui trốn nhủi, chúng tôi phải đổi chỗ ở không biết bao nhiêu lần. Edgar chạy trốn sự truy lùng từ chính tổ chức của cậu ta, nhóm gián điệp Đức Quốc xã ẩn mình giữa lòng nước Anh. Nếu bị phát hiện, cậu ta sẽ bị bí mật giải về Berlin để chịu phán quyết, còn tôi sẽ bị bắn chết tại chỗ. Tôi hỏi cậu ta, có hối hận không? Edgar không trả lời, cậu ta chỉ cười cười, bước tới dịu dàng ôm tôi. Rất lâu sau đó cậu ta mới nói như thể hối lỗi: “Alan, tôi không thể để cậu giải mật mã cho nước Anh, nhưng tôi cũng không thể giao cậu cho Berlin được.” Tiếng còi báo động máy bay rú lên ngoài cửa sổ, chúng tôi ở trong căn phòng cũ kĩ với bốn bức tường loang lổ, máy bay Đức đảo qua trên bầu trời sẵn sàng ném bom bất cứ lúc nào. Edgar vẫn còng tôi, tôi bỏ ý định chết, bắt đầu ăn trở lại. Cậu ta có vẻ rất vừa ý. Dưới trận không kích khốc liệt, vật phẩm ở London khan hiếm hơn vàng, dòng người xếp hàng chờ mua bánh mì ái quốc và bơ phân phát giới hạn có khi nối dài từ đầu phố này vắt sang phố kia, thế nhưng Edgar luôn có cách kiếm được đồ ăn cho cả hai chúng tôi, có khi còn có cả sữa. Có một lần cậu ta đem về một túi kẹo bọc giấy bóng kính, những viên kẹo tròn nho nhỏ mùi hạnh nhân nằm trong lớp giấy trong suốt màu lam nhạt. Khi ấy không trung luôn chỉ là một màu xám thảm đạm và tiếng máy bay chiến đấu thét gào suốt đêm ngày. Cậu ấy nhét một viên kẹo vào miệng tôi rồi vuốt phẳng mảnh giấy gói, giơ lên trước cửa sổ cho tôi nhìn. “Alan, xem này, bầu trời màu xanh lam, giống Cambridge không?” Tôi giữ lại miếng giấy ấy, giơ lên trước cửa sổ lúc ở một mình. Qua lớp bóng kính, hoa hồng trên bậu cửa sổ bị nhuộm thành màu lam nhạt, nhưng lên cao một chút nữa sẽ là mảnh trời nho nhỏ xanh thẳm trong veo. Tôi không biết trong những ngày mình bị nhốt Andemund đang làm gì, không biết anh ấy bận rộn đối phó với cuộc không chiến hay vẫn bớt được thời gian đi tìm tôi. Tôi biết thời gian của Andemund không thuộc về bản thân anh ấy, nên dần dà mỗi lần nghe tiếng cửa mở cọt kẹt, tôi không còn mơ tưởng rằng anh ấy sẽ xuất hiện nữa. Edgar không còn nhắc đến LSD. Cậu ta đã hoàn toàn mất liên lạc với gã bác sĩ nọ, nhưng tôi biết điều đó không có nghĩa là cậu ta đã bỏ cuộc. Cậu ta luôn nhìn tôi bằng ánh mặt chứa chan tình cảm, như thể muốn khắc hình ảnh lúc ấy vào trong đầu, bởi vì rất có thể ngày mai, hoặc chỉ vài giờ nữa, Alan Castor sống động mà cậu ta từng yêu sẽ vĩnh viễn biến mất vì thuốc độc. Để đề phòng không kích, nhà dân phải tắt đèn từ chập tối. Cậu ta luôn về đúng giờ ấy, còng nốt tay kia của tôi vào thành giường, rồi cởi áo khoác leo lên giường. Gió chiều thổi lung lay tấm rèm cửa sổ trắng, tôi trông thấy hoàng hôn đổ xuống ngã tư cuối đường, nhuộm đỏ ối cả con phố tiêu điều. Hoàng hôn ngày nào cũng bắt đầu bằng trận cưỡng bức, cho đến khi dải đỏ cam mờ ảo tắt lụi ngoài cửa sổ, thế giới và ý thức của tôi cùng chìm vào hắc ám. Edgar chưa bao giờ dịu dàng. Chúng tôi ngồi trên giường, cậu ta thích giữ chặt hông tôi, xâm nhập cơ thể tôi từ phía sau. Chưa bao giờ cậu ta nhìn thẳng vào tôi khi làm tình, nhưng cậu ta buộc tôi phải gọi tên cậu ta hết lần này đến lần khác. Nếu tôi gọi Andemund, cậu ta sẽ trở nên hung bạo khủng khiếp, sáng hôm sau tỉnh lại vải trải giường sẽ lại dây đầy vết máu. Cậu ta ép tôi phải nói tôi và Andemund đã làm những tư thế nào, để rồi lặp lại tất cả chúng trong bóng đêm, bằng cái cách kịch liệt và thô bạo gấp bội. Khoảng thời gian ấy, ngày trống rỗng đến đáng sợ, mà đêm đáng sợ đến trống rỗng. Suy nghĩ của tôi như phiêu du trong không trung, không buồn quay lại với cái xác rã rời này nữa. Edgar thậm chí còn vẽ lại cảnh chúng tôi làm tình trong tập ký họa của cậu ta, với lối vẽ tả thực đến trần trụi. Cậu ta luôn buộc tôi phải xem những tác phẩm ấy, rồi ôm ghì lấy tôi, nói rằng: “Alan, tôi yêu cậu.” Tôi cũng không biết những ngày trống rỗng và thống khổ ấy đã kéo dài bao lâu. Cho đến một buổi sáng, Edgar vội vã trở về, tháo còng cho tôi, dí súng dưới cằm tôi và nói: “Alan, đi Hoa Kỳ với tôi. Lên ca-nô đêm nay, đi ngay bây giờ.” Tôi đáp ngay: “Cút đi!” Tôi để ý thấy cậu ta lại thay bộ lễ phục màu đen đó, và gương mặt lại thật bi thương. Cậu ta nói: “Alan, tôi đã liên lạc được với bác sĩ rồi, cậu sẽ được tiêm LSD ngay bây giờ.”
|