Chạy ùa vào giữa đám đông, bà Tâm sợ hãi trốn sau lưng họ. Phía sau, Mai Trâm vẫn bám theo một bước. Đã có kinh nghiệm với Vân Phi, chàng thanh niên lúc nãy lại dùng cây đánh cho Mai Trâm té xỉu, rồi lắng nghe bà Tâm thuật lại đầu đuôi câu chuyện. Diễn biến xảy ra hệt như câu chuyện của Vân Phi.
- Làm sao bây giờ? - Đám dân làng xôn xao bàn tán. Rõ ràng những người bị ma hút máu đều đã bị biến thành ma. Cái đà này... chẳng bao lâu nữa cái làng này sẽ biến thành ma hết mất, theo cấp số nhân.
Suy nghĩ, suy nghĩ mãi không tìm ra cách giải quyết, đám đông đành chịu đưa Vân Phi và Mai Trâm vào bệnh viện. Hy vọng sẽ tìm ra thuốc chữa.
- Có chuyện này thật sao? - Vị bác sĩ khám cho họ tỏ ý nghi ngờ về câu chuyện kể sặc mùi hoang đường.
Đến khi xem kết quả khám nghiệm ông mới tặc lưỡi hít hà vì một hiện tượng quá lạ lùng.Cả Vân Phi và Mai Trâm đều bị thiếu hồng cầu một cách trầm trọng. Và... đây là lý do khiến họ thèm máu sống.
Trong tình trạng của Vân Phi, Mai Trâm bây giờ thật nguy cấp. Hơi thở nhanh, mạch chậm và cách duy nhất để cứu cả hai bây giờ là phải truyền gấp cho mỗi người hai đơn vị máu.
Giọt cuối cùng của bịch máu truyền hết vào người thì cũng là lúc Vân Phi mở bừng mắt dậy. Đầu óc anh tỉnh táo bình thường, anh như người vừa rơi từ cung trăng xuống. Tất cả sự việc đã diễn ra với mình lúc nãy, anh hoàn toàn không nhớ được nữa.
Cả Mai Trâm cũng thế, cứ ngơ ngơ ngác ngác như mới vừa tỉnh mộng. Bác sĩ dặn mọi người giấu kín chuyện này nên Vân Phi và Mai Trâm cứ tin rằng mình chỉ bị một cơn bệnh xoàng thôi.
Thời gian trôi, con ma vẫn tiếp tục hoành hành. Mỗi tháng tìm hút máu một người (từ khi hút máu Vân Phi, nó đã không còn tìm đến hút máu gà vịt nữa. Dường như nó thấy hút máu người thú vị hơn). Cả làng quê bé nhỏ sống trong tâm trạng hoang mang, lo sợ. Tới tối không một ai dám ra ngoài đường. Nhất là những đêm trăng tròn,cửa kín, then cài, đèn đuốc đều tắt hết đi. Cả ngôi làng như bất động, chìm lỉm trong bóng đêm ghê rợn. Nhưng... con ma thật tinh khôn quái quỷ, càng lúc nó càng lộng hành hơn, dám trổ cả mái nhà xuống để hút máu người. Hành tung của nó cũng trở nên kỳ ảo, bí mật hơn. Ngoài kẻ bị hút máu ra, không một ai nhìn thấy được.
Một lần, để từ chối đi dạo với Vân Phi, Trinh Trinh đã để lộ cho anh biết điều bí mật bác sĩ đã dặn mình và mọi người giấu kín.
- Có lẽ nào lại như thế! - Vân Phi nghe choáng váng trước tiết lộ của người yêu.
Chạy tìm khắp hết các thầy bùa, thầy pháp, anh cầu mong họ hãy giúp mình giải trừ ma tính. Không... anh không muốn, không bao giờ muốn trở thành một con ma hút máu người. Thà chết còn hơn...
Nhưng... ma thuật của con ma thật là siêu huyền bí. Các đạo bùa linh, các phép màu của những bậc thầy cao tay ấn đều tỏ ra vô hiệu. Mỗi tháng trăng tròn, Vân Phi phải vật vã với cơn khát máu của mình. Những lúc như thế, dân làng chỉ biết đập cho anh bất tỉnh rồi đưa vào bệnh viện. Bác sĩ lại phải truyền qua đường tĩnh mạch cho anh hai đơn vị máu.
Truyền máu xong, Vân Phi trở lại làm một con người bình thường. Nhưng giờ đây, trong mắt mọi người anh không còn là một anh nông dân hiền lành chất phác, được trên yêu, dưới mến nữa. Họ xa lánh, sợ hãi không dám đến gần. Thậm chí những người ở cạnh nhà anh cũng vì sợ mà dọn đi nơi khác.
Và điều làm cho Vân Phi phải đau lòng, khổ sở nhất vẫn là lời từ hôn của Trinh Trinh. Vì dù có rất yêu anh cô cũng không đủ can đảm làm vợ một con người có nữa phần ma như anh được.
Đau khổ, buồn chán một thời gian, Vân Phi quyết định rời bỏ làng quê đi xứ khác. Anh không thể sống mãi trong mặc cảm bị xa lánh và ghê sợ....
Vân Phi kể xong câu chuyện, cũng đúng vào lúc con tàu cập bến. Mọi người xôn xao, ùn ùn kéo nhau ra cửa. Tiếng gọi con, tiếng chửi bới cằn nhằn vang
động cả một góc trời. Vậy mà... trong góc con tàu, Kỳ Phương và Vân Phi vẫn cứ ngồi yên bất động. Mỗi người đuổi theo một suy nghĩ của riêng mình.
Vân Phi nghĩ đến những tháng ngày sắp đến của mình. Trên bước đường lưu lạc tha phương, liệu anh có tìm được một quý nhân giúp mình cởi bỏ những phần ma trong bản thân. Có quên được Trinh Trinh, cô vợ sắp cưới đẹp nết, đẹp người?
Trong lúc đó, Kỳ Phương lại thấy lòng đầy ắp nỗi nghi ngờ. Anh không tin ma quỷ... nhưng câu chuyện của Vân Phi vừa kể thì sao? Không thể không tin vào tính chân thật của câu chuyện được. Rõ ràng trên cổ Vân Phi còn hằn sâu vất thẹo. Lẽ nào... thế gian này... có tồn tại một sinh vật vô hình mà mọi người quen gọi là ma? Xưa nay... có ai trông thấy nó bao giờ đâu?
- Tàu cập bến lâu rồi. Thôi chào anh, tôi đi nhé.
Vân Phi chợt đứng lên, tay đập mạnh vào vai Kỳ Phương từ giã.
- Khoan đã. Kỳ Phương giật mình ngẩng đầu lên.
Trong lúc nhất thời không tìm ra được câu gì, anh chỉ nhớ đến mối bận tâm duy nhất của mình. Anh có thể cho tôi xin địa chỉ làng quê của anh không?
- Để làm gì? - Vân Phi ngơ ngác. - Anh định đến đấy à?
Không trả lời, Kỳ Phương nhẹ gật đầu. Vân Phi xua tay sợ hãi:
- Đừng... anh đừng đến đó làm gì. Mọi người đang kéo nhau bỏ làng mà đi đấy. Nguy hiểm lắm.
- Không sao đâu. - Kỳ Phương mỉm cười. Nghề của tôi mà.
- Vậy... - Ngập ngừng một chút, Vân Phi cầm lấy cây bút trên tay Kỳ Phương ghi vội vào quyển sổ của anh mấy chữ. - Anh đến đó nhớ cẩn thận. Có gặp Trinh Trinh xin nhắn lại giùm. Dù đi đâu... tôi cũng nhớ và yêu cô ấy lắm.
- Tôi sẽ nhắn. - Kỳ Phương hứa hẹn.
Vân Phi không chờ nghe anh nói dứt câu đã xách vali phóng vội qua khung cửa. Một chiếc honda ôm trờ tới. Chẳng cần nói giá và nói địa chỉ, anh nhảy lên bảo nó chở đi ngay.
Sự việc diễn ra nhanh quá, Kỳ Phương chẳng kịp có phản ứng gì. Nhìn theo bóng Vân Phi khuất vào con đường trước mặt, Kỳ Phương giật mình chợt nhớ. Anh đã quên không hỏi địa chỉ nơi Vân Phi sẽ đến.
Một chút ngậm ngùi rồi cũng trôi qua. Cúi nhìn dòng địa chỉ Vân Phi ghi trên quyển sổ tay, Kỳ Phương quyết định ngược vào nhà ga mua vé quay trở lại. Bài phóng sự của anh là ở vùng quê có ma kia, chẳng phải nơi này.
Chắc hẳn sẽ ly kỳ và hấp dẫn lắm đây... linh tính đã bảo với Kỳ Phương như vậy...
* * *
Chiều nay bác sĩ Tùng về sớm hơn ca trực một tiếng đồng hồ. Không phải vì lười biếng mà ông chỉ muốn dưỡng sức cho ngày mai có nhiều việc phải làm thôi.
Tám tháng rồi, kể từ ngày con ma xuất hiện. Cứ đến ngày rằm là ông và tập thể y bác sĩ ở bệnh viện phải điên đầu, rối óc. Lớp cứu chữa nạn nhân mới, lớp lo truyền máu cho bệnh nhân cũ.
Cấp cứu bệnh nhân, truyền máu chỉ là những thao tác quen thuộc, không lấy gì làm khó khăn. Cái làm cho ông, cho các bác sĩ ở đây rối trí là số lượng máu dự trữ không đủ truyền cho số bệnh nhân ngày cứ tăng lên.
Mỗi ngày trăng tròn, con ma chỉ hút máu một người, nhưng... những người bị nó hút máu không chết. Tất cả đều mang chung một chứng bệnh là bị... cơn khát máu.
Mỗi lúc như vậy... nếu không kịp truyền vào người họ một số lượng máu cần thiết là họ lập tức trở nên hung hăn, tìm người hút máu ngay. Họ rất nguy hiểm và cũng là người truyền bệnh lớn. Bởi... những bệnh nhân bị họ hút máu, cũng trở nên gần giống như vậy.
- Nguy hiểm quá... phải giết họ chết để cắt đứt nguồn lây lan. Một lần trong cuộc họp, viên cảnh sát trưởng đã đưa ra yêu cầu nhưng ông bị bác bỏ đi ngay.
- Không thể giết họ được. Dù hung hãn, dù đi hút máu người, họ vẫn không phải là ma. Cách duy nhất chấm dứt tình trạng này là phải tiêu diệt con ma và tìm ra phương pháp cứu chữa cho những bệnh nhân này.
Không có vi rút, vi trùng hay một loại vi khuẩn lạ nào được phát hiện ra trong máu những người nhiễm bệnh. Kết quả xét nghiệm cho thấy máu của họ
vẫn bình thường. Điều này đã làm cho mọi người thêm hoang mang tin tưởng đúng là ma ám thật rồi.
Bác sĩ Thanh Tùng không tin vào ma quỷ. Nhưng chuyện này là thế nào? Ông không giải thích được... Cùng với mọi người, ông đã tìm đủ cách diệt trừ cái sinh vật được tạm gọi là ma. Song... con ma thật tinh khôn. Nó không bao giờ lọt bẫy, cũng chẳng để lại chút dấu vết nào. Cả bùa linh, cả súng đạn đều không chạm được vào người nó. Cuối cùng... chỉ còn một cách để giải quyết thôi. Theo lời ông, vào ngày rằm, mọi người phải trốn hết vào trong nhà. Cài kín then cửa để con ma không vào được. Hừ!... nếu đêm nay... nếu vẫn còn người bị con ma hút máu thì...có lẽ ông phải khuyên mọi người mau nhanh chân sơ tán khỏi nơi này.
- Ba mới về.
Giọng người con gái trong trẻo chợt cắt ngang dòng suy nghĩ của ông Tùng. Giật mình ngẩng dậy ông mới hay mình đang đứng trước cửa nhà. Như thường lệ, Nguyệt Cầm, cô con gái cưng duy nhất của ông đang đón cha ở cửa với nụ cười xinh như hàm tiếu.
- Ờ...
Bao giờ cũng vậy, mỗi lúc gặp con là ông nghe tinh thần phấn chấn hẳn lên. Những cơn mệt mỏi, những nỗi bực mình toan tính trong đầu đều biến cả. Môi ông nở nụ cười hiền hậu.
- Ba đã về rồi đây, con yêu à.
- Hôm nay ba về sớm! Nhưng có vẻ mệt mỏi hơn thường bữa. Ôm lấy tay cha, Nguyệt Cầm mừng ríu rít. Của đáng tội, cô năm nay đã mười chín tuổi rồi, nhưng lúc nào cũng nhõng nhẽo, đeo bám cha như con nít vậy.
- Bệnh viện nhiều việc phải làm lắm phải không ba?
- Không sao đâu, con cưng! - Ngồi xuống chiếc xích đu trước hòn non bộ, ông nheo mắt nhìn con. Trong bộ đồ lụa trắng, mái róc buông dài óng mượt trên lưng, Nguyệt Cầm đẹp tuyệt vời. Hệt như mẹ nó! Ông thầm nhủ rồi chợt nhận ra, con gái của mình nay lớn quá. Phổng phao, xinh đẹp, đầy sức sống. Chà! Đến lúc... ông phải lo chọn cho nó một tấm chồng xứng đáng rồi đây.
Ba uống nước đi rồi tắm rửa, ăn cơm. Con đã reo sẵn một bộ pijama cho ba trong phòng tắm đấy. - Trao ly nước cho ông, Nguyệt Cầm nói dịu dàng.
Rồi thấy cha cứ ngồi im chăm chú nhìn mình, cô lạ lẫm:
- Ba... làm gì mà nhìn con ghê vậy?
- Con đẹp quá! - Chớp mắt, ông tự hào... - Ba thầm nghĩ, anh chàng nào diễm phúc được làm chủ đoá tử đinh hương đẹp nhất đời này...
- Á! Đôi má ửng đỏ lên, Nguyệt Cầm đấm mạnh tay xuống người cha nũng nịu. Không cho ba nói bậy, nghĩ bậy đâu... con còn nhỏ xíu mà...
- Không nhỏ, không nhỏ nữa đâu. - Nghiêng mình né những cú đấm yêu của con, ông cười vui. - Quả thật con của ba đã lớn, lớn thật rồi.
Nguyệt Cầm giậm mạnh chân hờn dỗi:
- Ư... nếu ba còn nói nữa, con sẽ giận ba luôn đó.
- Ồ không... không, đừng giận... - Nhìn mặt con xụ xuống, ngỡ nó giận thật, ông Tùng quýnh lên. - Ba không nói, không nói nữa mà. Vào tắm rồi ăn cơm phải không nào?
- Dạ phải! - Nguyệt Cầm tươi ngay nét mặt. - Vào tắm lẹ đi ba, nước nguội hết cả rồi. Để con vào thay cho ba thau nước mới.
- Không sao... ba tắm nước nguội cũng được mà! Ông đưa tay ngăn lại, nhưng không kịp, Nguyệt Cầm đã co chân chạy đi rồi.
Sau một ngày mệt nhọc, được ngâm mình trong nước ấm thật thoải mái vô cùng. Bao mệt mỏi ưu phiền tan biến, ông thầm cảm ơn trời đã ban cho mình một đứa con hiếu thảo.
Vợ mất khi hãy còn là một trung niên chưa đến tuổi bốn mươi, nhưng ông không đi bước nữa. Mặc cho bao người mai mối, bao cô gái đẹp thầm yêu, trộm nhớ. Cuộc đời của ông đã dành trọn cho con và sự nghiệp.
Ông không phải là người xứ này, dù ông đến đây định cư hơn mười tám năm rồi. Mọi người ở đây đều yêu thương, quý trọng đức tính của ông. Nhưng... họ không thể nào hiểu được hoàn cảnh của ông, cũng như quê quán của ông nơi nào, tại sao lại đến đây cư ngụ. Họ chỉ thầm thắc mắc với nhau thôi. Rằng... một bác sĩ giỏi tay nghề như ông sao không tiến thân ở thành phố, ở những nơi dân cư đông đúc, đầy đủ tiện nghi, lại đến đây, đến cái làng quê nhỏ bé và lạc hậu này cư ngụ.
Dẫu sao thắc mắc vẫn là thắc mắc. Mười tám năm rồi, mọi người như đã quen dần cách sinh hoạt khác người của cha con ông. Như một con ốc nhỏ,cha con ông sống trầm tư cách biệt mọi người. Ngoài những lúc ở bệnh viện ra, trở về nhà, ông hầu như chẳng tiếp xúc giao thiệp cùng ai cả.
Cô con gái Nguyệt Cầm thì khỏi nói. Xinh như một đoá hồng nhung... Các gã trai làng đừng mơ mà để mắt. Cả cái nhìn chiêm ngưỡng dung nhan kiều
diễm của cô cũng không có được. Cả ngày giam mình trong ngôi biệt thự, cô chỉ xuất hiện bên cửa rào một ngày đúng hai lần. Đó là lúc tiễn cha đi làm và lúc mở cửa đón ông về mà thôi. Khiến cho bao kẻ si tình, ngưỡng mộ đâm ra chán nản, không còn dám hy vọng nữa.
Tất cả những lời bàn tán của mọi người, ông Tùng đều biết. Cũng như biết rõ cách sinh hoạt kỳ lạ của mình đã làm cho mọi người ở đây khó chịu. Nhưng... thà vậy.
Ông không thể thay đổi nếp sống một khi đã trở thành thói quen rồi.
Ông vẫn biết, một tài năng hiếm hoi như mình bị chôn vùi mãi ở cái vùng quê này là một sự phí phạm. Một thiệt thòi lớn cho mình và con gái. Lẽ ra... cha con ông không phải sống thiếu thốn thế này.
Thật tội nghiệp Nguyệt Cầm, mười tám năm sống bên cha chẳng khác gì bị cầm tù. Ngoài căn biệt thự lớn này ra, nó chẳng biết thế gian còn bao điều thú vị.
Nhiều lúc nhìn con nói những câu ngớ ngẩn, lòng ông đau nhói. Thương con quá. Cuộc đời nó đâu đáng bị thế này. Trong khó khăn nhưng ông vẫn có thể cho nó một cuộc sống khá hơn nhiều. Nó phải được đến trường, phải trở thành cô sinh viên đại học tương lai xán lạn. Vậy mà... nó chỉ là một cô gái quê ngốc nghếch chỉ học hết quyển đánh vần. Tại sao... tại sao ông không thể thả nó ra ngoài bầu trời rộng bao la làm con chim tự do mặc tình ca hát, tự làm chủ cuộc đời mình. Liệu... ông có còn sống mãi để bảo bọc cuộc đời con. Nó mỏng manh như hoa hồng, dễ vỡ như trứng mỏng, làm sao có thể đối phó với cuộc đời đầy sóng gió thăng trầm.
Bao nhiêu lần rồi... ông muốn trở về với con người thật của mình. Rồi cũng bao nhiêu lần ông lắc đầu sợ hãi.
Không... với những gì đã xảy ra trong quá khứ,ông không có quyền tồn tại. Giáo sư tiến sĩ Trịnh Thanh Tùng đã biến mất khỏi cuộc đời. Không phải bây giờ mà là từ hơn mười tám năm về trước.
- Ba ơi, tắm xong chưa? Cơm canh nguội hết cả rồi.
Tiếng Nguyệt Cầm vọng lên ngoài cửa, ông giật mình thoát cơn suy tưởng, khoác bộ pijama xanh biển vào người, ông bước ra vui vẻ.
- Ừ, ba xong rồi đây, con cưng ạ.
- Mời ba dùng cơm. - Nguyệt Cầm kéo nhẹ chiếc ghế ra khỏi bàn. Hôm nay có món thịt bò bít-tết với khoai tây chiên, món ba thích ăn nhất đó.
- Ồ, vậy sao? - Mắt ông sáng bừng lên thích thú. - Thật ngon quá! À... mà khoan đã, vừa ngồi xuống bưng chén cơm lên, ông như chợt nhớ vội đặt xuống bàn rồi đứng bật nhanh trở dậy.
- Ba sao thế - Nguyệt Cầm nghiêng đầu lạ lẫm. - Có chuyện gì cứ bảo con làm.
- Không được... Chuyện này ba phải tự tay làm mới cảm thấy an tâm. Vừa nói, ông vừa bước đến bên các cửa sổ cài then thật chặt.
Nguyệt Cầm mỉm cười:
- Chỉ có đóng cửa thôi mà ba làm con sợ hết hồn.
- Nhưng... tại sao hôm nay ba lại đóng cửa sớm như vậy hả?
- Ờ...có gì đâu. - Không muốn đầu óc ngây thơ của con phải sợ hãi chuyện ngoài đời đang xảy ra,ông lắc đầu khoả lấp. - Chẳng qua là ba nhớ lúc nào làm việc lúc đó thôi. Nào...con gái cưng, mau đến xới cho ba một chén cơm.
- Con biết rồi... - Nguyệt Cầm bước trở về bàn, vừa xới cơm vừa ranh mãnh nói. - Có phải ba sợ con ma đêm nay sẽ vào nhà của mình không?
- Hả? Ngụm cơm như nghẹn lại nửa chừng, ông nhìn con lo lắng. - Con nghe đâu mấy chuyện nhảm nhí như vậy hả?
- Chẳng phải nhảm nhí đâu. Nguyệt Cầm ôm cổ cha cười nhí nhảnh. Là sự thật đó, chính chị Lan đã kể cho con nghe đó.
- Chị Lan nào? - Đôi mày chợt nhíu, ông giận dữ. - Con dám cãi lời ba giao du với dân làng phải không?
- Con không dám cãi lời ba... nhưng... Hai bàn tay xoắn vào nhau, mắt Nguyệt Cầm hoe đỏ. - Suốt ngày bị nhốt trong nhà, con buồn quá. Mà chị Lan có phải là ai xa lạ..., chị ở cạnh nhà mình đây nè. Chị vui tính lắm, kể cho con nghe đủ thứ chuyện. Nhất là chuyện con ma hút máu... Ba à!... có phải đêm nay trăng tròn ma lại xuất hiện không?
Biết chẳng thể giấu con, ông đành nhẹ gật đầu:
- Phải... nhưng con đừng sợ, nhà mình chắc chắn thế này, con ma chẳng thể vào được đâu.
- Con không sợ đâu. Nguyệt Cầm nhẹ lắc đầu. - Con chỉ tò mò, muốn biết hình dạng con ma ấy thế nào thôi. Ba à... nó ra sao hả ba?
- Nó ra sao thì mặc nó... - Chợt cảm thấy bất an, ông nạt con. - Con muốn biết làm gì, nguy hiểm lắm.
- Ba à! - Nguyệt Cầm lại thỏ thẻ. - Con nghe chị Lan bảo mọi người đang muốn giết chết con ma đó phải không ba?
Ông chưa kịp trả lời, cô đã nói luôn:
- Nghe nó ác, giết nhiều người vậy, sao con muốn phụ một tay để giết con ma ấy quá.
Mồ hôi chợt rịn ra khắp thái dương, ông buông chén cơm lắp bắp:
- Thôi... thôi con đừng nói vậy. Mau vào phòng ngủ sớm cho ba nhờ... Từ nay cấm con nhắc đến chuyện con ma nữa đó.
- Ba... - Nguyệt Cầm tỏ vẻ không đồng ý. - Trời còn sớm mà... con muốn...
- Không muốn gì cả... - Nắm tay kéo con về phòng ngủ, ông ấn mạnh nó vào trong rồi cài kín cửa. - Ngủ đi... có động tĩnh gì cũng không được mở đâu.
- Ba... - Nguyệt Cầm dộng tay vào cửa ầm ầm. - Thả con ra... con muốn đi giết con ma...con đã hẹn chị Lan rồi...
Toàn là những lời nói khủng khiếp, ông chẳng muốn nghe một chút nào. Đứa con gái ngây thơ này, sao hôm nay lại tỏ ra liều lĩnh thế? Chắc cô gái tên Lan nào đó đã nhồi nhét nhiều thứ vào đầu óc nó lắm rồi. Ngày mai... ông phải bịt lối cửa rào, để nó không còn nói chuyện được nữa.
Nghĩ rồi tạm an tâm, ông bước vào phòng tìm cây đèn pin kiểm tra cửa nẻo. Trời đã tối từ lúc nào và không bao lâu nữa, con ma sẽ xuất hiện trên đường. Mọi người đều vào nhà hết thảy. Thử xem đêm nay nó còn hút máu được ai nữa chứ?
Bước ngang phòng con gái, lòng ông lại nao nao. Dường như lúc nãy ông kéo con hơi mạnh. Chắc nó... giận ông nhiều lắm. Nhưng... biết làm sao... Dám đòi đi giết ma... Nguyệt Cầm đúng là ngây thơ quá. Nghĩ đến cảnh cái cổ trắng ngần của con bị hàm răng nanh của con ma cắn phập vào, ông sợ quá, hai chân run rẩy đứng không vững nữa.
- Nguyệt Cầm, Nguyệt Cầm... - Ông nhẹ gõ tay vào cánh cửa, thầm nghĩ để chắc ăn, để tuyệt đối an toàn, ông quyết định đêm nay sẽ ở lại phòng của con.
- Mở cửa, ba có chuyện muốn nói với con đây... ngoan nào, đừng giận nữa.
Một phút, hai phút, rồi ba phút trôi qua, mặc cho ông hết lời năn nỉ, bên trong cánh cửa vẫn im lìm.
Nguyệt Cầm đã ngủ rồi ư? Không đâu... mồ hôi bắt đầu rịn ra khắp thân thể ông. Nguyệt Cầm không ngủ nhanh thế, càng không giận ông dài như vậy. Nhất định đã có chuyện gì rồi.
Quýnh quáng, ông chạy đi tìm cây búa, cố hết sức bình sinh với tấm lòng cực mạnh của người cha lo lắng cho con, chưa tới năm phút, ông đã đập tan ổ khoá.
- Nguyệt Cầm. - Cây búa rơi đúng chân ông làm giập một ngón nhưng không đủ khiến ông đau điếng. Mà hai mắt ông mở tròn, chết dại đi khi nhìn phòng con trống rỗng. Cánh cửa sổ mở toang hoang. Trời ơi... sao ông không nghĩ đến điều này nhỉ? Nguyệt Cầm đã dám trốn ông leo cửa sổ ra ngoài.
* * *
Thường khi lên dốc, trèo đèo, đi chơi hàng trăm cây số không sao cả. Vậy mà, đùng một cái, vào thời điểm quan trọng nhất lại bộc phát ra hàng tỉ bệnh. Hết bể bánh đến hư suppap. Hỏi có điên được không trời?
Co chân đá mạnh vào chiếc môtô 250 phân khối của mình, Kỳ Phương lầm bầm mắng. Suốt chặng đường dài từ Sài Gòn xuống đây, không quá hai trăm kilômét, chiếc xe khốn kiếp này đã hại anh bầm giập điêu đứng non bốn lần rồi. Tức nhất vẫn là chuyện hết xăng đúng vào lúc đoạn đường rừng vắng vẻ, cheo leo không ai bán xăng. Báo hại anh đẩy bộ hàng mấy cây số liền. Mệt bở hơi tai, chân lại phồng dộp cả lên đau chết người.
Vậy là cuối cùng mình cũng đến được rồi. Kỳ Phương đưa tay lau mồ hôi trán thở phào mừng rỡ. May mà...trước khi đi, anh có đem theo vỏ ruột xơ cua, không thì... lỡ mất cơ hội được chứng kiến cảnh con ma hút máu người rồi.
Chà! Không biết hôm nay nó xuất hiện hướng nào để còn phục kích chứng kiến cho tường tận. Chụp được một pô hình càng hay. Nếu đúng là ma thật, anh sẽ là người có được tấm ảnh độc nhất vô nhị. Ban biên tập sẽ tròn mắt ra nhìn anh thán phục. Tiếng tăm của anh càng nổi như cồn.
Vui vì lời khen ngợi sắp có, Kỳ Phương cúi xuống xem lại chiếc máy ảnh treo lủng lẳng bên hông. Tuy nó cũ lắm rồi, nhưng Kỳ Phương không bao giờ có ý định thay nó. Vào hiểm ra nguy, bao phen anh và chiếc máy ảnh cận kề gắn bó. Lắm lúc tưởng nguy tính mạng, anh vẫn không định lìa xa người bạn thân nhất đời này, với độ chính xác cao, nó từng cho anh nhiều pô không thể nào ngờ được.
- Lần này cũng thế nhé máy ảnh thân yêu! - Kỳ Phương nhẹ vỗ vào chiếc máy ảnh thầm thì. Rồi đẩy chiếc xe đi dọc trên con đường nhỏ, ánh trăng trên đầu lung linh sáng tỏ, soi rõ bóng Kỳ Phương chập chờn trên bóng lá. Đêm dần trở về khuya. Cả ngôi làng im lìm trong giấc ngủ.
Á!!!
Một tiếng hét thất thanh chợt vang dài trong đêm vắng. Kỳ Phương giật mình nghiêng đầu định hướng. Nó dường như được phát ra từ một lùm cây gần đó.
- Con ma! Ý nghĩ vụt loé lên trong đầu. Không kịp suy nghĩ, anh phóng như bay đến nơi vừa vang lên tiếng thét. Chiếc mô tô ngã nhào xuống ruộng tạo nên một tiếng động kinh hồn. Những ngôi nhà cửa vẫn im lìm đóng kín chẳng ai dám phản ứng.
- Ôi!
Nếu không tận mắt nhìn, Kỳ Phương chẳng tin đâu. Rõ ràng trên thảm cỏ, một người, một ma đang quay tròn lăn lộn. Người bị hại là một người trung niên, tuổỉ đã cao, nhưng xem ra vẫn còn khoẻ lắm. Nên... giằng co nãy giờ khá lâu rồi mà con ma vẫn chưa thể cắm phập chiếc răng nanh của mình vào.
- Lẽ ra... phải lo việc cứu người trước, nhưng phản xạ của một phóng viên đã khiến Kỳ Phương làm điều ngược lại. Không vội bước ra chỗ nấp, anh tìm một góc tốt, đưa máy ảnh ra chộp lẹ.
Ánh đèn flash loé sáng rực đã thu hút sự chú ý của con ma. Nó buông thõng tay, quay đầu tìm kiếm. Thừa cơ hội, người bị nạn vùng thoát ra, bỏ chạy. Con ma không đuổi theo, nó dường như phát hiện ra sự ốm yếu của Kỳ Phương, tấn công anh dễ dàng hơn.
Con ma lừng lững tiến lên từng bước một, ánh trăng sáng tỏ đủ cho Kỳ Phương nhìn thấy mặt nó rõ ràng hơn. Không giống mặt người, cũng không giống như lời của Vân Phi. Con ma có gương mặt của một con vật quen thuộc. Nhưng con gì... trong lúc nhất thời quýnh quáng Kỳ Phương không kịp nhớ.
Con ma tiến đến gần Kỳ Phương lắm rồi, Kỳ Phương đảo mắt nhìn quanh suy tính. Không thể đấu vật tay đôi được. Kỳ Phương tự biết sức mình. Người trung niên to con vạm vỡ lúc nãy đấu với nó còn chật vật, huống chi anh... Từ nhỏ đã không quen làm nặng, phải chạy thôi... Nghĩ đến đó, như bừng tỉnh, Kỳ Phương co chân chạy nhanh về phía chiếc môtô. Hy vọng con ma sẽ không đuổi kịp tốc độ của chiếc xe... chuyên dùng để đua này.
Ôi trời! Nhìn chiếc môtô té ngã nhào nằm chỏng gọng dưới thửa ruộng đầy nước, Kỳ Phương than thầm trong bụng. Phóng ngược trở lên đường, anh chạy vòng quanh một lùm tre. Con ma chỉ biết chạy thẳng thôi. Kỳ Phương nhớ có lần một người đã nói với mình như vậy.
Nhưng... Kỳ Phương đã tính lầm. Không chỉ việc chạy vòng tròn, mà cả việc dùng môtô để thoát khỏi sự săn đuổi của con ma cũng là khó. Bởi nó không chỉ dễ dàng chạy vòng tròn mà còn chạy với tốc độ lớn hơn tốc độ của chiếc môtô nhiều lần nữa.
Sau khi chơi trò rượt đuổi với Kỳ Phương một lúc lâu. Con ma như thấm mệt, dừng chân không đuổi nữa. Kỳ Phương cũng dừng chân hồng hộc thở. Mồ hôi chảy đầm đìa khắp thái dương. Lần đầu tiên trong cuộc đời, anh biết thế nào là sợ hãi.
Đứng yên một phút, con ma bất thần bay vọt lên cao và sà xuống người Kỳ Phương nhanh như tên bắn. Hai bàn tay đầy móng nhọn và lông lá của nó thít lấy Kỳ Phương siết chặt.
- Trời ơi!... - Kỳ Phương té ngửa ra sau chới với, không hiểu sao tay anh lại quơ trúng nhằm chiếc máy ảnh bên hông, đưa chiếc máy ảnh lên ngang mặt con ma, không cần ngắm, chụp ngay một pô hình. Mong để lại cho đời một cái gì đó trước khi chết.
Nhưng... thật bất ngờ... ánh đèn đã làm con ma sợ hãi. Hàm răng nhọn chưa kịp cắm xuống cổ Kỳ Phương đã rút về. Thừa thắng, Kỳ Phương giơ chiếc máy ảnh lên nhá đèn liên tục. Quả nhiên, con ma sợ hết hồn. Thụt lùi và sau mấy bước, nó phóng mình lên cây cao mất dạng. Cùng lúc, người trung niên kia quay trở lại cùng bốn thanh niên lực lưỡng. Thì ra... nãy giờ ông đi tìm người cứu viện. Thấy Kỳ Phương còn đứng ngẩn người ra nhìn bóng con ma, ông chạy đến bên anh mừng rỡ.
- Cậu thanh niên trẻ cậu có sao không?
- Dạ... không sao. Buông cho chiếc máy ảnh rơi lủng lẳng bên hông, Kỳ Phương quay đầu lại nhìn mọi người vui vẻ. Con ma đã bị ánh đèn flash của tôi xua đi rồi.
- May mắn. Thật là may mắn quá! Đưa tay ôm ngực, ông và mọi người cùng thở phào ra. Rồi nắm lấy tay Kỳ Phương ông nói với vẻ biết ơn. - Cậu thanh
niên, vô tình cậu đã cứu tôi thoát đấy. Nếu lúc nãy không có cậu... có lẽ ta đã bị con ma hút máu rồi.
- Bác sĩ... ông đi đâu giữa đêm khuya như vậy? - Một thanh niên tò mò hỏi. Ông đã bảo chúng tôi vào nhà đóng cửa rồi mà.
- Tôi đi tìm con gái tôi. - Nói rồi như chợt nhớ, ông ngước đầu lên sợ hãi. Trời ơi, Nguyệt Cầm, con gái của tôi, không khéo bây giờ nó đã bị con ma hút máu rồi...
- Mau... phụ tôi đi tìm nó.
- Vâng. - Thái độ quýnh quáng của ông đã làm mọi người hốt hoảng theo. Quên mất sự sợ hãi của mình với con ma, bốn thanh niên hăng hái chia nhau mỗi người một hướng. Đứng nhìn theo họ một lúc lâu, Kỳ Phương quay sang ông:
- Bác sĩ, tôi sẽ đi cùng ông.
- Cám ơn cậu. - Cúi nhặt một cành cây to, ông Tùng lật đật bước đi trước dẫn đường. Kỳ Phương lẳng lặng theo sau. Linh tính một phóng viên lành nghề như báo cho anh biết mình đã điều tra đúng hướng.
* * *
-Tôi phải vào bệnh viện đây, cậu cứ tự nhiên như ở nhà vậy... - Đẩy đĩa điểm tâm sang bên, bác sĩ Tùng thân mật bảo Kỳ Phương. - Chiều về, chúng ta sẽ cùng bàn luận vấn đề này. Chà! Lâu lắm tôi mới gặp được một người thông thái như cậu đấy. Nguyệt Cầm, ra đóng cửa cho ba, ở nhà nhớ tiếp đãi anh chu đáo.
- Dạ... - Một tiếng dạ nhỏ, thanh thanh rồi Nguyệt Cầm bước ra sau bức rèm hồng.
Thì ra... có người nãy giờ đã trộm nhìn mình và ông Tùng ăn sáng. Đưa tay lên che miệng. Kỳ Phương bỗng lo lo, thèn thẹn. Mình đã quá háu ăn trước mặt Nguyệt Cầm.
Từng quen nhìn các cô gái mạnh dạn, tự tin ở thành phố, Kỳ Phương rất ngạc nhiên và thích thú trước vẻ rụt rè, nhút nhát của Nguyệt Cầm. Cô đúng là khuôn mẫu của lá ngọc cành vàng, một người con gái kín cổng cao tường, ngây thơ, toàn bích như một viên ngọc không tì vết.
Chưa bao giờ Kỳ Phương được nhìn thấy một vẻ đẹp tinh khiết như vậy. Làn da trắng ngần, khuôn mặt trái xoan thanh tú. Đôi mắt liễu, chiếc mũi cao và đôi môi mộng đỏ, Nguyệt Cầm đẹp như tranh vẽ các nàng công chúa Trung Hoa thời cổ. Cô đẹp như Tây Thi vậy, Kỳ Phương thầm so sánh dù chưa từng gặp Tây Thi bao giờ cả.
Chẳng phải phường háo sắc, nhưng không hiểu sao từ sáng đến giờ Kỳ Phương cứ nhìn mãi vào Nguyệt Cầm. Cô đúng là có một nét đẹp thu hút quá, khiến người ta khó có thể cầm lòng. Ồ không, đừng nghĩ bậy. Cái không thể cầm lòng ở đây là cầm lòng sáng tác. Cô đúng là một nguồn cảm hứng mênh mông cho các thi nhân nghệ khách. Kỳ Phương chỉ muốn chụp ngay nàng một pô hình... Nhưng không dám.
- Mời anh dùng nước.
Đặt ly trà nóng xuống bàn, trước mặt Kỳ Phương, Nguyệt Cầm vội nhanh chân lui bước. Mái tóc dài óng mượt trên lưng càng khiến Kỳ Phương bồi hồi nhớ chuyện đêm qua. Anh và ông Tùng đã tìm được cô trong tình huống buồn cười đến thế nào.
Giữa lúc mọi người cuống cuồng lo lắng chia nhau đi tìm từng bụi cây, bụi rậm thì Nguyệt Cầm cùng cô bạn gái ôm nhau ngủ ngon lành trong một cái chòi canh lúa giữa đồng.
Nghe tiếng chân người rộn rịp, cả hai mới giật mình mở choàng mắt dậy. Cây gậy trên tay đập tứ tung. Đập cả vào đầu anh giờ hãy còn người một cục đây này.
Thì ra... cả hai đi rình bắt con ma rồi ngủ quên đi. May mà... con ma chưa tìm tới. Không thì... nghĩ đến cái cổ cao trắng ngần của cô bị đôi hàm răng nanh của con ma cắm phập vào Kỳ Phương nghe xót lòng không chịu nổi.
- Thôi, lạy trời, lạy trời... Ai nấy thở phào ra mừng rỡ, ông bác sĩ Tùng vội đưa con gái về nhà, không quên mời luôn Kỳ Phương về tạm nghỉ khi biết anh là khách quá đường lỡ bước. Trên đường về, họ không tìm thấy một nạn nhân nào, ngoại trừ một con chó bị hút hết máu chết tươi. Con ma không tìm được người buộc lòng đã phải hút máu chó.
Về nhà... dùng mấy chung trà, đàm đạo vài câu, biết Kỳ Phương chính là phóng viên Minh Trí, người từng khám phá ra vụ con ma truyền kiếp và bác sĩ Tùng mừng rỡ như bắt được vàng. Suốt đêm không ngủ, ông cứ mải miết nói chuyện với anh như thể trong đời chưa từng được nói bao giờ.
Kiến thức của ông thật uyên thâm, hiểu biết cũng hơn người. Qua trò chuyện, Kỳ Phương nhanh chóng nhận ra điều đó cũng như cảm nhận được từ ông những điều thật bất thường.
Căn biệt thự của ông là điều bất thường thứ nhất. Đứng lên khỏi ghế, Kỳ Phương rảo bước quanh nó. Tuy cũ kỹ, xây cất từ lâu lắm, nhưng Kỳ Phương vẫn nhận ra vẻ kiên cố đáng ngờ. Linh cảm nghề nghiệp như báo cho anh biết, bên trong cái màu xám xịt, u ám, căn biệt thự ẩn chứa nhiều điều bí mật, cũng như bên trong cái vẻ nhân hoà, bác ái của vị bác sĩ kia.
Giọng nói ông vui về, cử chỉ hoạt bát, bình thường, nhưng thỉnh thoảng Kỳ Phương vãn nhận ra từ mắt ông vẻ tối sầm lại như sợ hãi hay hoang mang một điều gì đó.
- Thôi, cậu ra một mình đi, tớ không đám đâu... kỳ lắm.
- Không sao đâu, ra đại đi... có gì đâu mà sợ... anh ta cũng là người như tụi mình mà.
Tiếng con gái từ xa văng vẳng cắt ngang dòng suy nghĩ của Kỳ Phương. Ngẩng đầu lên, môi anh thoáng nở nụ cười, khi nhìn thấy trước thềm tam cấp của căn biệt thự, hai cô gái đang kéo đẩy nhau.
Hai cô gái, một là Nguyệt Cầm mà anh đã biết, và... một cô nữa cũng không lạ với anh, đó là Lan, cô gái đã ngủ cùng với Nguyệt Cầm khi cả hai đi rình bắt con ma.
Nghĩ cũng nực cười, hai cô gái này đúng là gan trời có một không hai. Giữa lúc bao nhiêu thanh niên trai làng rúc trong nhà trốn ma thì cả hai lại dám ra giữa chòi ruộng hoang rình đập con ma... Lòng dũng cảm ấy đến Kỳ Phương còn phải chịu thua luôn. Nhất là Nguyệt Cầm, với một người con trai trẻ đẹp như anh không dám gặp, lại dám gặp con ma. Đúng là kỳ lạ thật.
Đang giằng qua, kéo lại, chợt bắt gặp tia nhìn từ Kỳ Phương, Nguyệt Cầm xấu hổ quá vội vàng giấu gương mặt đỏ bừng vào đôi bàn tay búp măng thon đẹp...
- Anh ta nghe hết rồi kìa. Tất cả cũng tại cậu thôi. - Nguyệt Cầm thốt lên.
- Nghe thì nghe, có sao đâu. - Trái với vẻ xấu hổ của Nguyệt Cầm, Thu Lan thản nhiên đưa mắt ngó Kỳ Phương. Rồi còn đưa tay lên vẫy. - Anh nhà báo ơi... làm gì đi lang thang một mình buồn vậy. Lại đây nói chuyện đi.
Mỉm cười, Kỳ Phương chậm rãi bước về phía hai cô gái. Tay vung vẫy cành dạ lý anh nheo đôi mắt ngắm hài cô gái tương phản nhau trước mặt mình.
Thật thú vị, thật khéo sắp đặt làm sao, Nguyệt Cầm, Thu Lan đúng là một sự tương phản hoàn toàn đồng diện. Nếu như Nguyệt Cầm là hiện thân của vẻ đẹp mỹ miều, toàn bích của một tiểu thơ khuê các thì Thu Lan là đại diện cho sức sống trẻ trung của một cô gái nông dân lao động cần cù.
Gương mặt tròn, đôi mắt sáng dưới cặp chân mày rậm. Chiếc mũi gãy hỉnh lên, đôi môi dày không có vẻ gì đặc sắc ấy lại được tạo hoá sắp xếp một cách hài hoà khiến cô trở nên thu hút và có duyên một cách lạ lùng. Làn da màu đồng, thân hình tay chân thô kệch do phải lao động nhiều trên đồng ruộng, khiến cô trông xấu hơn Nguyệt Cầm đôi chút, nhưng bù lại cô có một sức khoẻ dồi dào, nụ cười cùng phong thái tự tin đầy sức sống rất dễ thu hút người đối diện.
- Anh nhà báo, anh mau giải thích đi. Nguyệt Cầm nó cứ cãi. Có phải chuyện "Chuyến tàu đêm" này do anh viết ra không? - Chìa một tờ báo trước mặt Kỳ Phương, Thu Lan hỏi với vẻ nắm chắc trong tay phần thắng.
- À, phải rồi! - Đưa tay cầm tờ báo, Kỳ Phương nhận ra tờ thời báo Tin sáng của mình. - Là do tôi sáng tác đó. Hai cô thấy thế nào? Có được không?
- Hay lắm. - Thu Lan khen ngay trong khi Nguyệt Cầm mở to đôi mắt nhìn anh đầy ngưỡng mộ.
- Anh nhà báo biết không? - Kéo tay Nguyệt Cầm ngồi phệt luôn xuống cỏ, Thu Lan vui vẻ. - Hôm đó em đi mua thuốc bắc cho ba trên chợ, ông thầy gói bằng tờ báo này đó.
- Vậy sao? - Kỳ Phương cảm thấy bất ngờ. Anh cứ ngỡ, họ vì mến mộ mà cất giữ tờ báo. Thì ra... là quê một cục! Cứ tưởng lúc nào người ta cũng mến mộ mình.
- Dạ... - Như không để ý đến vẻ mặt thèn thẹn của Kỳ Phương, Thu Lan kể tiếp. - Thường khi, em không thích đọc báo đâu. Bỏ thuốc vào niêu xong là cho luôn mảnh giấy vào nhóm lửa. Nhưng hôm đó... buồn buổn, em cầm đọc thử. Thấy chuyện "Chuyến tàu đêm" hay quá em đem qua cho Nguyệt Cầm đọc. Sao câu chuyện trùng hợp với chuyện ma ở đây thế! Anh nhà báo à?Câu chuyện thế nào? Kể cho tụi em nghe đi... đọc mất đầu mất đuôi thế này... chẳng hiểu gì hết...
- Đừng gọi tôi là anh nhà báo. - Kỳ Phương mỉm cười ngồi xuống cạnh hai cô gái. Hãy gọi tôi là anh Phương cho thân mật.
- Anh Phương. - Thu Lan gọi ngay không khách sáo.
Nguyệt Cầm bẽn lẽng giấu tia nhìn vào sau mái tóc buông xoà. Đẹp như tranh tố nữ. - Anh kể đi, câu chuyện ra sao hả? Con ma cuối cùng có bị giết không?
- Được rồi. - Kỳ Phương gật đầu hào hứng. Đừng nôn nóng... từ từ tôi sẽ kể.
- Vâng! - Thu Lan thu gọn người lại ngay. Ngoan như một con thỏ, cả hai ôm lấy đôi má tròn bầu bĩnh, cô nghe như nuốt lấy từng lời. Đôi mắt của Nguyệt Cầm chơm chớp, không nói ra nhưng Kỳ Phương biết cô quan tâm đến câu chuyện của anh. Và... bỗng nhiên, điều đó làm anh miệt mài kể hay hơn...
- Vậy đó... - Đúng vào lúc câu chuyện trở nên ly kỳ, hấp dẫn nhất, Kỳ Phương lại không thể nào kể tiếp. Nhìn hai đôi mắt mở to háo hức, anh muốn hư cấu kể luôn phần kết. Nhưng... không được. Cả phần kết cuộc này thật ra là khó quá. Giết con ma bằng cách nào đây? Anh tìm mãi không ra tình tiết hợp lý để dẫn dắt câu chuyện.
- Anh chưa nghĩ được ư? - Thu Lan thở dài tiu nghỉu. Đôi mắt Nguyệt Cầm cụp nhanh đầy thất vọng.
Kỳ Phương chuyển đề tài:
- À... hay là ta chụp hình đi, cảnh ở đây đẹp quá.
- Chụp hình ư? Ô tuyệt quá. Thu Lan nhảy cẫng lên mừng rỡ, nắm tay Nguyệt Cầm kéo đến bên một góc cau kíểng, cô hí hửng như một đứa trẻ. - Kỳ Phương chụp cho tụi em một pô đi.
- Được rồi. Kỳ Phương đưa ống kính lên. Nào, cười... ánh đèn loé lên rồi mà Kỳ Phương vẫn còn đứng yên trong bàng hoàng bất động. Nụ cười của Nguyệt Cầm... Sao mà đẹp, sao mà nên thơ quá! Nó làm cho nửa hồn anh xao động rụng rời. Ước gì cả đời này được nhìn nụ cười hồn nhiên ấy.
- Anh Phương ơi, xong chưa? Sao mà lâu quá vậy?
Tiếng Thu Lan nheo nhéo.
Kỳ Phương giật mình, lơ lửng:
- Ờ xong rồi...
Vậy mình đến khóm hoa này chụp nữa đi. Thu Lan lại hồn nhiên nắm tay Nguyệt Cầm chạy đi. Kỳ Phương bước theo như chiếc máy, tâm trí nhớ mãi nụ cười của Nguyệt Cầm.
Vote Điểm :12345