Đêm. Mưa
|
|
Thành và Long thân thiết hơn. Họ còn tắm cùng nhau, chăm sóc nhau như một đôi vợ chồng hạnh phúc. Trường gặp nó thì chỉ đơn giản vì sex. Quan hệ xong là ông bỏ đi. Ông không để lại cho nó nhiều tiền như mấy lần đầu, nhưng với nó vẫn là quá dư thừa để sống khoáng đạt. Nó đã tăng đến gần một chục cân, chưa từng trông khá khẩm đến thế trong đời. Mỗi lần nó ra ngoài đường, hay đôi lúc cùng Thành ra hàng net đánh HoN, Dota, nó lại thấy con gái nhìn theo chúng nó. Một lần nó đi cắt tóc, cô gái phục vụ đã nhìn nó đỏ cả mặt. — Mùa hè đến cùng cái nắng, cái nóng dai dẳng, khó lòng tan đi trong phút chốc. Nhưng một cơn gió nam, trời nặng nề muốn chuyển mưa. Mưa mùa hạ nhanh đến, nhanh đi, không thể lường trước, không thể thấu hiểu. An thấy vui vẻ khi mở cửa và luồng gió nam ùa vào mát rượi, dù chút hầm hập của cả tuần lễ nắng nôi vẫn còn âm âm dưới mặt sân. Nó đi rút quần áo, gấp và là khi đã nghe thấy tiếng sấm chớp ầm ầm. Thành ra ngoài, bảo đi siêu thị mua thức ăn. Mới nghĩ đến thế An đã nghe tiếng lạch cạch mở cánh cổng sắt kín đặc. – Anh mua được gì thế? – Nó hỏi – Tối nay anh Long có qua ăn tối không? Nó không thấy Thành liến thoắng nói chuyện như mọi khi. Anh đến khu bếp, mở tủ lạnh cất đồ rồi cứ ngồi đó trân trân nhìn. – Anh sao thế? Nóng trong người à? – Nó giễu. – À không – Thành đóng cửa tủ lạnh lại, đứng dậy mở vòi nước rửa tay – Anh mới gặp người quen. – Chà. – Là người yêu anh ngày xưa. – Cái tay hơn anh ba tuổi hả? – An hỏi vô tư. – Ừ. – Có gì đặc biệt không? Trời đổ mưa. Ào ào. – Em đóng cửa rồi. Rút quần áo rồi – An nói. – Đảm thế? – Thành nói giọng trêu đùa nhưng không cười. – Thì loanh quanh có mấy việc. – Anh em mình đúng là đang sống nhàn hạ nhỉ? – Lại chả. Đời vui vẻ mà. – Hồi anh mới gặp chú em, chú em không biết nổi nghĩa của từ vui vẻ – Anh ta tặc lưỡi – Cái mặt lúc nào cũng nặng trình trịch, buồn muốn khóc. – Hồi ấy xa rồi – Nó gạt tay – Đúng như anh nói còn gì. Có tiền, có thuốc là sướng hết. Thành không nói cười như mọi khi. Trái lại gương mặt anh trầm xuống, ưu sầu. — Thành không phải một người quá điển trai nhưng ưa nhìn, trắng trẻo, vóc người cân đối, không béo, không gầy. Anh chăm tập tành nên trông cũng cứng cáp, khỏe mạnh. Nhưng điểm mạnh hơn cả của anh là anh rất khéo léo, khéo trong mọi thứ. Anh khéo tay, nấu ăn ngon, làm việc nhà chu tất, con gái thời này nhiều cô thua xa. Thành hình như có kinh nghiệm trong mọi thứ liên quan đến gia chánh, từ khâu vá, sắm sửa, cắm hoa, trang trí nhà cửa, đến cả sửa xe, sửa đồ điện, không có gì không làm được, và lại còn làm đâu ra đó. Anh còn khéo cả trong cư xử. Những lúc anh nổi nóng lên thì không nói làm gì. Nhưng bình thường anh rất giỏi làm người khác vui lòng, cả quen lẫn không quen anh. Đi siêu thị, anh giúp các bà cô chọn đồ, xách đồ hộ, nói chuyện luyên thuyên tài tình. Với hàng xóm, anh tử tế nhún nhường, đến độ An không ngờ được rằng những người bình thường lại có thể cười và đứng lại buôn chuyện với anh trước cửa nhà thoải mái mà không kì thị rằng anh là gay, được người khác nuôi ăn nuôi ở. Với Long, Thành chiều chuộng hết sức. Đấm bóp, massage, cơm nước, giặt ủi … Chính Thành cũng nói Long muốn ở với Thành còn hơn cả ở nhà. Vì lão vợ đẹp, con khôn nhưng vợ lão không bao giờ động tay vào hầu hạ chồng, ỷ cho có osin, thích làm gì thì ra tiệm. Mà đàn ông thì đơn giản lắm, họ sẽ chẳng bao giờ rời được vợ nếu như có một người vợ như Thành, việc gia đình giỏi tất tần tật, đến chuyện phòng the thì càng cao thủ, không một thằng đàn ông nào từng ngủ cùng mà không quấn lấy chân. – Anh nhẽ ra nên làm con gái mới phải – An thở dài. – Ờ. Đúng là sai sót kĩ thuật. Anh mày mà làm con gái, đời anh đã chả thế này. An cười, nhận bát cơm từ Thành. Lại một bữa ăn ngon, thịnh soạn. Mấy mươi năm nó ở nhà dì dượng, dì cũng là người đảm, nhưng bận đi làm, bận chăm con, lại phải tính toán chi tiêu nên thường ăn uống không cầu kì. Từ khi quen Thành nó mới biết thức ăn hóa ra có thể biến thành nhiều kiểu đến thế, sặc sỡ hoa lá cành, cùng một món mà mỗi cách chế biến lại một vị, một cách ăn, thế nào cũng hấp dẫn. Nó có thể ăn liền bốn, năm bát cơm, cứ như ăn bù cho cả tuổi thiếu niên. Nhưng hôm nay Thành có tâm sự gì đó. Anh chỉ ăn qua vài miếng, rồi chống đũa nghĩ ngợi. – Anh gặp người yêu cũ của anh, có chuyện gì à? – Thôi. Chuyện riêng. Anh không muốn nói cho mày. – Đừng giữ làm gì. Nói ra cho nhẹ. – Không. Nói ra cũng không ích gì. Thôi ăn cơm đi. Anh làm một liều cái đã. Cả tối hôm đó, Thành cũng im lặng. Nó gặng hỏi thế nào anh cũng không nói. Cuối cùng đến chín giờ tối, nó tới ngồi lên lòng anh. – Thế anh chiều em đêm nay đi. Hôm nay em tự nguyện. – Thôi nào – Anh đẩy nó ra – Không cần phải làm thế với anh. Tự nhiên anh thở dài. – An này. Có lần anh đã nói, anh thấy mày ngạo mạn, phải không? – Vâng. – Thật ra anh rất thích cái tính đó của mày. Nhưng vì anh không có, nên anh mới buông lời ghét bỏ thế. – Anh nói cái tính cách đó làm em khổ. – Ừ. Kiểu gì cũng khổ. Nhưng ở trên đời, làm sao tránh được cái khổ. Có điều, anh thấy phải được như mày, không thể gật đầu trước tất cả mọi thứ. Mày cũng đừng nghe anh. Biết nói “Không” là một hạnh phúc, một tính cách đáng quý. Mày phải biết giữ gìn cái tính cách đó. – Sao tự nhiên anh nói thế? – À không. Anh nghĩ mông lung vậy. Mà, với tay Trường, mày cũng giữ khoảng cách thôi. Anh vẫn biết đấy là bạn Long, nên anh nể. Chứ thật ra lão không phải người quý trọng chúng mình. Lão có thể vứt bỏ mày đi lúc nào cũng được. Tốt nhất là từ bây giờ mày nên nghĩ đến việc tìm một người khác, hoặc có sẵn tiền ở đó, xoay sở vốn liếng làm một cái khác. Anh mày sinh ra đã là thằng hèn, không có ý chí, không làm được những việc lớn. Mà một thằng đàn ông chỉ biết loanh quanh việc nhà và chiều chuộng người khác, thì chẳng thể nào sống tử tế hơn được. – Kìa anh? – Thôi. Giữ lấy mà suy nghĩ. Đừng thắc mắc. Lên đi ngủ đi. Anh ở dưới này làm ván HoN đã.
|
An nghe lời, đi lên trên. Nhưng trằn trọc mãi nó vẫn không ngủ được. Đến mười một rưỡi đêm, nó đi xuống, vẫn thấy Thành lách cách gõ máy tính. Nó không dám làm phiền anh. Và nó lên nhà, cố gắng ngủ một giấc thật say. — Sáng hôm ấy, An ngủ dậy lúc bảy giờ như mọi khi, khỏe khoắn như mọi khi. Nó đánh răng, rửa mặt, hắng tiếng gọi Thành. Bình thường anh vừa đi tập về, dùng phòng tắm và sau một lúc, rủ nó đi ăn sáng. Nhưng nó nghe mãi cũng không có tiếng trả lời. Ngôi nhà hoàn toàn im ắng. – Anh Thành? Nó xuống dưới. Thành nằm trên ghế sô pha, cái laptop vẫn để mở bên cạnh. – Anh làm gì mà thức ghê thế? Lên nhà ngủ đi cho đỡ mỏi. Nó rót một cốc nước, ngồi trên một cái ghế khác, bật tivi. Nó nhìn qua đôi mắt nhắm nghiền của Thành đến lần thứ ba thì làm rơi cái cốc xuống vỡ tan. – Anh Thành? – Nó vội vàng tới lay người anh – Anh Thành! Một ống tiêm rơi từ trên ghế xuống đất. An kinh ngạc nhìn vào cái laptop, chỉ còn một dòng chữ: Format Complete. 15. Vẫn là mùa đông, mùa đông xao xác. Mùa đông đã chứng kiến biết bao nhiêu con người đến và đi, biết bao nhiêu thế hệ biến mất không còn mảy may một hạt bụi. Thời gian vẫn vô tình như thế. Sự sống, cái chết của con người chẳng hề có tuần hoàn. Chỉ có thời gian, chỉ có mùa đông là trường tồn bất diệt. Mọi thứ đều đổi khác. Từng góc phố chỉ hôm trước hôm sau đã không còn nguyên vẹn. An đi qua những con đường tấp nập, những bóng cây cằn cỗi, nhìn lên một vầng trăng vàng ngơ ngác. Hồ sen ngậm cả mùa thu trong đáy nước, giờ hao mòn nhìn mùa đông lạnh lẽo thổi qua. Sao mùa đông luôn luôn buồn đến thế. Buồn như tiếng thở dài thay cho nhân sinh, như đôi mắt cạn khô nước mắt của nhân sinh. Trời tối mịt, lạnh ngắt. An đã đứng nhìn hồ sen suốt một buổi. Nhìn thấy mình dưới mặt nước lạnh trong vắt. Nhìn thấy những cọng sen đã tàn úa nằm im như chết đuối. Nó muốn với tay chạm vào tầng nước ấy nhưng lan can cao đến lưng người, họa chăng chỉ được nếu nó trèo qua và ngã xuống. An đứng đến mỏi chân, ngồi phịch xuống đất. Đất lạnh, trời lạnh. Gió lạnh, nước lạnh. Lòng người cũng tê lạnh. Nó nhìn những con người cười nói đi qua, thấy mình mãi mãi như một đứa trẻ con đứng ngoài rìa thế sự. Chỉ biết đứng một chỗ, gọi mẹ và khóc lóc mãi không thôi. Rồi, nó thấy anh. Vẫn thế. Vẫn mái tóc cạo cao, vẫn gương mặt hiền hòa. Vẫn dáng đi lẻ loi cô quạnh ấy. Nó đứng dậy, đi theo anh mà anh không hay biết. Anh mở cánh cửa ngõ, đi qua những căn phòng trọ, chào hỏi mọi người trước khi đứng lại. Vẫn căn phòng ấy. Vẫn chưa đến mười mét vuông ấy. Và lúc mở cửa phòng, anh nhìn thấy nó. Nó vẫn đứng ngoài cửa ngõ, nhìn anh ngây ngốc. Nhìn anh với đôi mắt rưng rưng muốn khóc, với đôi chân đã chôn lại một chỗ không bước được thêm. Trong cái bóng tối nhá nhem chỉ có ánh đèn từ những căn phòng trọ, nó được nhìn thấy anh mồn một, rõ ràng. Không còn là những khoảnh khắc trong mơ. Giữa cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa đông tàn khốc, nó được với lấy bờ vai ấm áp, cứng cỏi và to lớn của anh. Khi anh bước vội đến bên nó và ôm chặt nó vào lòng. Ba năm rồi, nó mới được khóc như thế. Khóc như đêm giao thừa gió mùa kia, nó, một đứa trẻ bị người thân bạc đãi, chạy tới anh để được ăn vạ, để được dỗ dành. Và khóc như buổi tối mùa đông tái xám này, nó, một người sai lầm bị cả cuộc đời trách tội, tìm tới anh để được van lơn, để được tha thứ. Ba năm trước, nó mặc cái áo khoác dì mới cho, đầu tóc bờm xờm bám bụi bẩn vì những lê lết trên đường. Giờ, nó chỉ có một cái áo sơ mi thô cứng, một cái áo gió mỏng tang, một cái đầu cua bị cắt trụi lủi chưa kịp mọc lại cho dày dặn. – Sao em trông khổ sở thế này? Anh đỏ hoe mắt nhìn nó. Ba năm nay em đi đâu, em làm gì? Cũng như cái ngày của ba năm trước, An chỉ biết cắn lấy mu bàn tay không sao nói được thành lời. Nói thì sẽ đau, càng nói sẽ càng khóc. – Em biết em không nên tới đây nữa. Nó úp cả hai bàn tay che lấy miệng mình, nhìn anh trào nước mắt. Em không còn mặt mũi nào gặp anh nữa … Nhưng nếu như em chết, em chỉ muốn được nhìn lại anh một lần … – Em nói gì thế? Sao em lại chết? Em ốm đau gì à? Em có bệnh tật gì em cứ nói anh, anh sẽ đưa em đi chạy chữa. Nó khóc, khóc đến nấc, khóc đến run lên bần bật. Nó những mong anh cứ đánh, cứ mắng, cứ chửi, như người đời vẫn làm với nó. Nó sẽ thấy dễ chịu hơn, sẽ thấy mình có can đảm hơn, để có thể một lần nữa, và là lần chót, quyên sinh để tự giải thoát mình. —
|
An đã quyết định sẽ nhảy lầu, hoặc lao vào đường tàu tự vẫn. Không còn một mảnh thân xác nào vẹn nguyên cũng được, không có một ai tới nhận nó cũng được. Hơn hai năm trong trại, nó đã cố tự tử năm lần, tất cả đều không thành, chỉ để lại những vết sẹo dài ngoằng, nổi cục trên cổ tay nó, như những con sâu hợm hĩnh đang bò trườn trêu ngươi nó. Kiên đã nắm lấy hai cổ tay nó và bật khóc. Anh khóc thật, không chỉ là đôi mắt đỏ hoe cố giấu nước mắt của những người đàn ông mạnh mẽ. Nước mắt của anh đã rơi xuống những vết sẹo của nó, nóng hổi. Nó không kể cho anh một lời về những năm tháng qua, anh hiểu và không gạn hỏi. Anh dỗ dành nó, bảo nó lên giường nằm nghỉ, hoặc ít nhất cũng ngồi trong chăn cho ấm người trong lúc anh nấu cơm, đun nước. Ba năm, phòng trọ của anh đã khác hơn. Anh mua bếp ga, mua tivi, mua đệm. Cái tủ vải thì vẫn vậy, dù đã sờn hết các viền và một bên khóa kéo đã hỏng, khiến tấm vải làm cửa tủ rủ xuống để lộ giá treo bên trong. – Để anh đun nước cho em tắm. Hôm nay anh chưa mua được quần áo cho em, em cứ mặc tạm quần áo của anh nhé. – Anh … – Đừng nói gì cả. Anh đang rất giận em. Nếu em có một chút gì đó thương anh, thì hãy nghe lời anh đi. Cho dù em không còn thương em đi chăng nữa. Kiên ra ngoài mua thêm đồ ăn, bảo nó trông ấm nước. Sôi thì đổ phích, đặt thêm một ấm nước nữa. Nó lại gần cái bếp, chạm tay lên mớ rau cải, miếng thịt nhỏ xíu chắc chỉ chừng hai lạng. Một bữa cơm của anh là thế, anh chẳng khác gì ba năm trước. Nhưng còn nó, nó đã thay đổi đến nhường nào. Chỉ cần nghĩ lại thời gian đã qua, An đã thấy mình bải hoải muốn đổ gục xuống, co quặn như một con sâu bị giày vò chà đạp. Nó đã quằn mình như thế hơn hai năm nay, kinh ngạc khi thấy mình vẫn sống, trong những căn phòng lạnh ngắt, hun hút, chìm nghỉm trong mê man tuyệt vọng. An lại đặt tay lên lưỡi dao sắc lạnh. Mỗi lần chạm vào một thứ như thế nó lại thấy tâm hồn được xoa dịu, như được lại gần với cánh cửa thoát thai, chấm dứt số phận bi thương này. Những lần rạch sâu cái cổ tay đến tận xương, điếng người vì cơn đau thắt tim, thấy máu lạnh đi trên tay mình, nó thấy mình thỏa mãn, phiêu lạc. Như lại được nằm gọn trên bầu ngực tròn căng, mềm ấm của mẹ, trong vòng tay yên lành của Kiên. Dù sau đó, nó tỉnh lại, chỉ thấy mình trong căn phòng bệnh viện sực mùi thuốc sát trùng, đau đớn, chuếnh choáng, buồn nôn vì cái ống xông dạ dày chặn ngang họng, chai da thịt vì những mũi kim truyền vỡ cả ven. Nó ra khỏi trại, tiều tụy, xác xơ. Người ta đưa nó về nhà, dượng không mở cửa. Nó đã quá lớn để xin ông một thứ gì đó bố thí. Khi biết nó nghiện ngập, làm đĩ, ông thậm chí không nói, không cười. Sự im lặng của ông là trách nhiệm cuối cùng của ông với nó. – Anh đi đi. Vũ ra nói với nó. Bố em vứt hết đồ của anh đi rồi. Ảnh thờ của mẹ anh cũng đưa về nhà ngoại anh dưới quê rồi. – Cho anh gửi lời cảm ơn gia đình. Nó bần thần nói. Vì đã nuôi anh mấy mươi năm. Rồi còn gửi đồ cho anh khi anh trong trại. – Anh cố gắng đừng để nghiện nữa. Nếu mưu sinh vất vả quá, anh cứ về đây những lúc không có bố em ở nhà. Em không giúp gì được cho anh chuyện tiền bạc. Nhưng cơm nước thì chắc không sao. Mẹ em cũng nhờ em đưa anh một ít tiền, anh sống tạm. – Thôi. Dì tốt với anh quá. Anh không sao đâu. Chúc cả nhà mạnh giỏi. – Anh cũng giữ gìn. Đừng phạm pháp nữa đấy. Thế là nó đi lang thang, đã đói ăn vật vờ suốt hai ngày. Suy nghĩ về cái chết đã gần với nó hơn bao giờ hết. Đi qua cầu, nhảy xuống sông. Leo lên một tòa chung cư mấy chục tầng, gieo mình xuống, đâm đầu vào một cái xe tải, một đường tàu. Cái chết của nó sẽ được đảm bảo toàn phần, chưa chắc đã có nổi một người đứng lại xem xác nó. Và đúng lúc ấy, nó nhớ tới Kiên. Mẹ nó đã chết. Thành đã chết. Những con người tự chọn cho mình cái chết, chẳng cần tới một bức thư tuyệt mệnh, chẳng cần đến một lời từ biệt. Nó biết chỉ có thế người ta mới đủ mạnh mẽ để ra đi, để không một ai có thể ngăn mình lại. Nhưng nó lại nghĩ tới Kiên. Dù biết bao lần tự sát trước đó, nó đã cố gắng không phải nghĩ về anh, để không còn gì luyến tiếc. Nó đã đi trên những con đường, nhìn những cuộc sống. Cái không khí mùa đông khiến kỉ niệm về anh ập về da diết. Nó nghĩ anh đã lấy vợ. Không chừng đã có con. Có thể anh đã đang ở một căn hộ chung cư nào đó với một gia đình hạnh phúc. Nó đến khu trọ của anh chỉ để vớt vát lại kỉ niệm, để ôn lại những giây phút hạnh phúc hiếm hoi nó có trong đời. Nó đã định hết đêm nay nó sẽ chết. Nó đã chuẩn bị hết tất cả cho mình, một đứa trẻ mồ côi không còn nổi một mái nhà, không còn nổi một người thân quen. Đã đói khát đến mức ruột gan không còn cảm giác. Sẽ ra đi như biết bao người quyết tâm quyên sinh khác, không một lời chào, không một lời giải thích. Đến và đi khỏi cuộc đời như một cơn gió thoảng. Chẳng ai hay biết.
|
Thế mà, nó lại gặp anh. Dù ba năm đã qua. Dù từng con đường, góc phố cũng đã đổi thay. An cầm con dao đặt lên cổ tay mình, cái cổ tay gầy trơ xương, chỉ béo mẫm những vết sẹo. Một vết cắt nữa, hay nên tự đâm nó vào ngực mình. Cho trái tim này thôi thổn thức. – An! Tiếng quát của Kiên làm nó giật mình để con dao rơi xuống leng keng dưới sàn. Anh hoảng hốt nắm chặt lấy hai cổ tay nó, lật đi lật lại. Rồi anh ôm lấy nó, người anh run bắn lên. – Em không được thế! Em không được thế nữa! Bất cứ chuyện gì, em hãy nói cho anh. Anh nhất định không bỏ em, nhất định không làm em phải khổ thêm nữa. Tiếng nước sôi o o. Ấm nước đã cạn quá nửa từ bao giờ. — An ngồi co gối, lim dim mắt. Những dòng nước ấm nóng dội vào đầu nó, trôi trên lưng nó. Biết bao nhiêu người đang xì xầm ngoài kia, khi bên trong một phòng tắm, Kiên sắn tay áo ngồi cùng với nó. Anh gội đầu cho nó, xoa xà phòng lên cánh tay nó, lưng nó, người nó. Anh kì cọ cho nó, dội nước cho nó. Hơi nước nóng cũng làm bốc đi những khói bụi ám vào người nó. Và khi anh trùm cái khăn tắm lên lau khô cho nó, nó thấy mình thơm lành, dễ chịu. Nó mặc bộ quần áo của anh, rộng thùng thình, man mát mùi của sáp thơm để tủ. Nó thấy mình đã muốn ốm một trận. Ốm hóa ra là một hạnh phúc. Vì khi ốm là khi con người ta được tẩy sạch những cơn bệnh bại hoại trong người mình. Như một cơn giông mùa hè, sau khi đã gom đủ hơi ẩm bốc lên từ mặt đất, xả xuống thành một cơn mưa với đầy sấm chớp. Rồi phía sau, một bầu trời mát mẻ, trong trẻo. Nó hắt hơi, ho, rỉ nước mắt, nước mũi khi vẫn cuộn chặt cái chăn bông, nhìn anh loay hoay trong góc bếp, thỉnh thoảng lại quay lại mỉm cười với nó. Rồi anh dọn cơm, bật tivi xem một bộ phim. Anh đút cơm cho nó từng thìa, cười nói những chuyện không đâu chỉ để nó có thể tạm quên tâm sự. Anh pha sữa cho nó, bóc vỉ thuốc cảm cho nó. Rồi nằm sát cạnh nó, xoa đầu, vỗ vai cho nó ngủ yên. – Anh đừng ngủ dưới đất nữa. Nó nói. Nằm một mình em lạnh, em sợ. Người nó gầy gò, mỏng dính, cho dù có hai nó ở đây, anh cũng vẫn nằm vừa giường. Và nó thì lạnh, sợ thật sự. Rất lâu rồi nó chưa từng có một giấc ngủ ngon. Mỗi đêm với nó chỉ chập chờn một, hai tiếng. Rồi nó tỉnh, nhìn chằm chằm vào màn đêm đặc quánh, chờ đợi ánh sáng ban ngày từng giây, từng giây. Để hình ảnh của Thành không hiện về ám ảnh tâm trí nó. Nó luôn có cảm giác Thành vẫn ở đâu đây quanh nó, nhìn nó vừa thương, vừa giận. Chẳng phải chính anh đã nói với nó rằng Trường bạc bẽo, chẳng phải chính anh đã nói nó phải ương ngạnh, phải ngạo mạn, nói Không với cuộc đời để sống. Thế mà nó cứ để mình tuột mãi, rồi rơi xuống vực sâu thăm thẳm. Những lúc lên cơn, cuồng dại trong phòng, nó chửi anh, nó chửi anh đã đưa nó vào đời, rồi bỏ nó, cũng y như những gì mẹ nó đã làm với nó. Rặt những kẻ tham lam, ích kỉ. Ích kỉ ngay cả trong cái chết của mình. Rồi nó lại khóc. Khóc không bao giờ thành tiếng. Nằm lết trên sàn, kiệt sức, chỉ có thể để nước mắt lăn dài và tự hỏi, kiếp trước mình đã làm gì sai? Để kiếp này cuộc đời hành hạ nó đến thế. Bị đối xử còn tệ hơn một con chó. Mà vì nó là người, chứ đâu phải chó. Chó đâu đã đau khổ vì mình là chó. Nó lại thương cho mẹ nó, thương cho Thành, thương cho nó, những con người cũng chỉ vì trái tim thèm khát yêu thương mà đau khổ. Nó giật mình tỉnh dậy giữa đêm. Tất cả lại yên ắng, đen đặc, khiến nó rùng mình sợ hãi. Nhưng, bàn tay của anh lại nằm trên vai nó, vỗ nó nhè nhẹ. Dù anh đã ngủ say, anh vẫn làm động tác giúp nó yên ổn ấy, cứ như chở che đã đi vào trong cả vô thức của anh.
|
16. Chuyến xe khách bon bon chạy. Cảnh vật đìu hiu trôi qua mắt nó. Nó dựa vào vai anh, bàn tay anh xoa tóc nó, nắm chặt bàn tay nó khiến lòng nó trùng trình, trĩu nặng. Kiên đã chuyển nhà khỏi khu trọ, sau khi nhiều người tỏ vẻ nhức mắt với thái độ của anh với nó. Một vài người nổi khùng lên với những lý do nó không hiểu được. – Khu này không chứa chấp được cái kiểu như thế! – Bà chủ nhà trọ, người mà Kiên nói vốn rất điềm đạm, không biết đã nghe ai và mắng vốn anh như thế. Anh chuyển đi. Lên tầng bốn một ngôi nhà năm tầng. Căn phòng khoảng ba mươi mét vuông, rộng rãi, khu phụ riêng. Nó dán tường, anh làm điện, anh lắp giường, kê tủ, nó lau dọn. Khi căn phòng tươm tất, nó cùng anh nấu cơm, xem tivi, ăn một bữa ấm cúng. Bích, cô em gái cùng trại trẻ với Kiên, đã sang bên căn phòng mới một lần. Cô nhíu mày nhìn nó, rồi lại lờ nó đi, nói chuyện với anh về những ngày gần đây, cô ốm nghén, chồng cô chăm chút, mẹ chồng sốt sắng. Cô tươi cười rạng rỡ: – Mẹ Hải giờ ngày nào cũng gọi điện cho em. Hỏi ăn uống thế nào, ngủ nghỉ thế nào. Ôi chao mới có mấy tháng. Không hiểu đến lúc em sinh xong mẹ có sang hẳn nhà em mà ở không. – Mẹ chẳng từng nói là sinh được cháu cho mẹ mẹ sẽ đến tận nhà bế cháu cho còn gì – Kiên cười. – Em cứ nghĩ người mẹ sẽ đến chăm cháu hộ là anh kia – Cô trầm xuống. – Thôi em. Anh không xứng với cô ấy. – Nó là đứa ích kỉ – Bích thở hắt một tiếng – Nó phụ anh mà anh còn bênh vực nó. – Nhưng Quyên nói đúng. Anh không làm giàu được. Biết bao giờ anh mới mua nổi một căn nhà. Bích ứa nước mắt, vòng tay ôm anh từ phía sau. An bó gối trên giường, khẽ nhắm mắt ngoảnh đi. Chiếc xe khách vẫn chạy đều đều, tăng tốc trên con đường quốc lộ thẳng tăm tắp. Hôm nay là ngày giỗ của mẹ nó. Nó đã sống với Kiên được một tháng. Hàng ngày, anh đi làm sau khi đã đặt cơm, nấu sẵn thức ăn cho nó ăn sáng, ăn trưa. Tối muộn anh mới về, anh đi chợ, nấu bữa tối. Nó nhốt mình ở nhà, không ra ngoài. Một đêm, nó tỉnh dậy lúc ba giờ, vào phòng tắm, mở nước lạnh đầy lavabo. Nó nhúng hai bàn tay của mình đến đỏ au, cứng đơ, rồi bịt lên tai, cúi đầu xuống dưới mặt nước. Nước mắt nó không còn nóng hổi, hơi thở nó lặn thành những bọt nước. Rồi nó vớt đầu mình lên, đập đầu vào bức tường nhà tắm mà khóc. Nó mơ thấy Thành, mơ thấy anh vẫn dịu dàng như thế, nhanh nhảu trẻ con như thế, vừa như yêu thương nó, vừa như trêu ghẹo nó. Nó mơ thấy cái bữa tối anh chống đũa nhìn đi mông lung, mơ thấy buổi sáng mùa hè trời nắng rực rỡ, và anh nằm lạnh trên chiếc ghế salon ấy. Nó gào khóc. Ôm chặt bụng mà khóc. Những ngày tháng ấy không bao giờ phai đi trong nó, thứ nhấn nó chìm hơn vào nghiện ngập, tù ngục, tù ngục thể xác, tù ngục lý trí, tù ngục tâm hồn. Nước lạnh ngấm vào những vết sẹo của nó trườn đến tim, đau quằn quại. Nó muốn chặt phăng hai bàn tay của nó đi, muốn đâm bấy trái tim của nó, muốn đập đầu nó đến vỡ nát. Kiên lại tới bên cạnh nó, ôm lấy nó. Nhưng tình cảm của anh chỉ làm vết thương của nó thêm tấy xót. Nó nhớ ánh mắt của Bích, cái ánh mắt như muốn nói, sao cậu lại ở đây, cậu tranh thủ lòng thương của Kiên hay sao, cậu không biết chính Kiên là một người mất mát đến thế nào sao. Sao cậu còn bắt anh phải lo lắng cho cậu? Biết bao giờ anh mới có gia đình. Biết bao giờ anh mới thoát khỏi cảnh côi cút. Làm khổ một người như anh, cậu có đang tâm không? Nó đã đập đầu mình vào tường đến rách trán, bờ tường trôi tuột những vệt máu, và nó ngã ngất. Kiên đưa nó đi bệnh viện, đi khám, mua thuốc thang. Khi một lần bần thần nó nói, sắp đến giỗ mẹ, anh bảo nó:” thế thì ta về quê của em.” Xe đi cả một buổi sáng. Đến nơi, nó không nhớ được đường. Kiên hỏi người qua đường. – Cái con Huệ nhà bà Tiếp chứ gì? – Ông già trả lời – Đi đường kia. Đến hết đường thì rẽ, nhà có cây bưởi to ngay cửa ấy. Mặt đất đường làng rêu phong, nứt nẻ. Những hàng rào thâm thấp, lộ những cái sân khô khốc và vài con gà, con chó loanh quanh trong góc. Gió mùa đông bắc thổi rì rào, lạnh buốt. Bác nó, một người đàn ông đã hơn năm mươi tuổi, nhìn xéo nó. – Mày là thằng An? Tao tưởng mày nghiện hút chết mẹ nó rồi. Tao có biết đ.éo đâu giỗ mẹ mày. Đ.éo bao giờ nhà này làm giỗ cho con đĩ ấy. Ảnh thờ thì ở trên kia. Kiên vỗ vai nó. Anh đi rửa hoa quả, nhấc đĩa xôi, những thứ anh mua từ trên Hà Nội, bày biện lên bàn thờ. Anh lau bàn thờ, thay nước. – Thắp hương đi em. Nó lấy nén hương từ tay anh, ngẩng đầu nhìn mẹ nó. Người phụ nữ có gương mặt nhỏ xinh, nụ cười bẽn lẽn ngượng nghịu, rời tay khỏi trần thế khi mới hai mươi lăm tuổi. Vào một ngày mùa đông trơ trọi, bỏ đứa con trai ngủ say trong ngôi nhà tập thể vốn của dượng nó, băng qua đường ray khi con tàu vùn vụt lao đến. Nó cùng anh ra nghĩa địa, thắp hương cho mẹ, cho ông ngoại, bà ngoại. Anh dọn cỏ, lại bày biện, khấn vái. Anh lẩm bẩm gì nó nghe không rõ, nhưng nó cũng bập bõm nghe thấy anh cầu các vong linh đã khuất phù hộ người sống, phù hộ cho nó mạnh khỏe. – Mẹ em liệu có được siêu thoát không? – Nó nói bâng quơ – Em nghe nói những người tự sát thì không siêu được. – Anh không biết chuyện tâm linh. Nhưng anh tin mẹ em là người tốt. Người tốt thì sẽ được siêu thoát. Kiên là người đầu tiên nói thế về mẹ nó.
|