Lời Hứa Với Ngọn Hải Đăng
|
|
- Thi Ân!
- Thầy gọi em?
- Về trường cũng được một tháng nay rồi, em thấy môi trường ở đây thế nào, có ổn không?
Cô ngước lên nhìn người đàn ông vạm vỡ trước mặt:
- Có thế nào thì đó cũng đã là sự lựa chọn của mình rồi ạ! Mình phải xem những khó khăn là thứ để vượt qua và chinh phục chứ!
Thầy Chí Huy cười giả lả:
- Em đúng là một cô gái mạnh mẽ, chỉ mới có mấy tiết dạy thôi, nhưng em đã làm đảo lộn gần như tất cả mọi thứ rồi đó cô gái ạ!
Cô chớp mắt:
- Ý của thầy...muốn nói đến em Thiên Nga?
Thầy Chí Huy nhướng mày:
- Cũng không hẳn! Vì còn nhiều lắm, từ khối 6 đến cả khối 12, cô Thi Ân mới về, nghiêm khắc, khó chịu quá thể, đà này học sinh giỏi chắc sẽ bị khống chế môn sinh!
Cô trầm tĩnh nói:
- Em nghĩ trường chúng ta nên thay đổi suy nghĩ và tư tưởng rằng, môi trường và điều kiện không cho phép thì buông lỏng các em học sinh, như thế các em sẽ quen với sự dễ dàng đó và đến khi bước vào cánh cửa tương lai sau này, các em sẽ bị hụt hơi rồi dần bị đào thải bởi cái đang phát triển của xã hội!
Thầy Chí Huy gật nhẹ đầu:
- Đó là cách nghĩ tốt, tôi ủng hộ, còn việc thay đổi vị trí lớp trưởng của Thiên Nga, tôi có thể biết lý do không?
Cô lặng đi một lúc rồi dè dặt:
- Thầy đã chủ nhiệm lớp của Thiên Nga từ cấp hai rồi đúng không? Em nghĩ thầy phải là người hiểu hơn ai hết! Em ấy không xứng đáng thì em phải tìm người xứng đáng để thay thế! Muốn cả đàn chim không bay lạc hướng thì con đầu đàn phải bay đúng hướng, và người nuôi chim phải sáng suốt để chọn đúng con đầu đàn! Em xin phép về văn phòng trước!
Cô nói rồi cúi đầu quay đi. Thầy Chí Huy câng câng nhìn theo, vẻ hứng thú vì bản lĩnh của cô gái phía trước, vẻ như thách thức xem một mình em thì có thể làm nên trò trống gì, trong khi hiện giờ dường như cả trường đang không hề có thiện cảm với em, một giáo viên khó tính không đúng chỗ.
***
Cô dắt xe đạp len qua hai hàng cùm rụm chi chít trái rồi dừng trước ngôi nhà mái thiếc vách đất nhưng nghênh ngang, vững chắc. Lúc mới chuyển về đảo, cô còn buồn nôn bởi trăm nghìn mùi tanh và mặn mòi của biển, nhất là khi bất kỳ nhà nào trên hòn đảo này cũng sinh sống bằng nghề đánh bắt, làm khô, nhận mắm, thi thoảng còn có vài ba ruộng muối vào mùa nắng gắt. Làng chỉ có một ngôi trường duy nhất là nơi cô đang công tác và một cái chợ bán lai rai suốt ngày nhưng nói đúng hơn là những hộ có kinh phí chuyển nhu yếu phẩm từ đất liền về bán kiếm lời. Đi đến đâu cô cũng bắt gặp những sào phơi cá đủ cỡ, đủ kiểu, mấy tấm phên bắt trên ghế đẩu hay có khi là mấy cái nong lớn nhỏ hoặc những tấm bạc nối tiếp nhau trải dài trên cát. Và trước sân của ngôi nhà này cũng không ngoại lệ.
Một bà cụ đội nón lá trông còm cõi đang hì hục dưới nắng trở mấy con khô. Nghe tiếng bước chân trên cát, bà vịn nón lá, nheo mắt nhìn lên:
- Cô giáo đến mua cá hay có chuyện gì không?
Cô vội vã đá chống xe rồi cầm giỏ bước vào:
- Dạ cháu đến để tìm mua mắm mực thưa bà! Hôm trước đi chợ, cháu nghe bảo mắm mực của bà có thính với con men thơm lắm, mực lại dai vừa phải chứ không mềm oặt, thối như mắm mực ở nhà khác!
Bà cụ giở nón lá đứng dậy, mặt lo âu:
- Cô giáo có mua thì cứ đến mua chứ đừng nói của nhà tôi ngon hơn nhà nào, xung quanh xưa nay người ta đã có hiềm khích với nhà tôi rồi, người ta nghe được người ta ghét luôn cả cô giáo đấy! Cô giáo lấy nhiều không?
- Dạ, cháu mua trước một ký ạ, cháu sợ mang về không biết bảo quản, hư thì lại phí! Nhưng mà...người ta có hiềm khích là sao ạ, cháu không hiểu lắm!
Bác cụ lắc lắc đầu:
- Chuyện đó cô giáo đừng quan tâm, mà tôi bán bốn mươi ngàn một ký, cô giáo có vui lòng không?
- Dạ vâng ạ!
- Cô giáo đi theo tôi!
Bà cụ nói rồi đi thẳng xuống gian bếp, nơi có mấy cái khạp lớn nhỏ chất chồng lên nhau. Cô chậm rãi bước theo bà.
- Trong lớp cô giáo ráng để ý con Thuận An giúp tôi, từ nhỏ nó đã học kém lại nghịch ngợm, chẳng biết rồi năm sau có được tốt nghiệp như người ta không nữa!
Cô giúp bà cầm bịch mủ:
- Sao bà biết cháu là giáo viên của em Thuận An ạ?
Sau khi ôm một lượt mấy cái khạp bỏ xuống đất, bà mới hài lòng mở nắp một cái khạp đã mất gần hết lớp men. Và lạ thay, một mùi thơm vô cùng kích thích vị giác lập tức bốc lên, tuy là mắm nhưng những con mực lại căng nõn, còn nguyên râu nằm phơi mình chất chồng lên nhau trông rất đẹp. Bà cho tay vào một cái bịch khác khéo léo dở từng con mực đã ngấm gia vị lên xem xét rồi bỏ vào cái bịch trên tay cô.
- Cái đảo này chỉ bằng cái lỗ mũi, cô giáo về cả xóm chẳng ai là không biết, và nhất là cô giáo lại nhỏ nhắn, trắng trẻo, vừa nhìn qua thì đã biết người thành phố, không đen đúa, nhăn nheo và khô đét như người ở đây!
Cô cười hiền lành:
- Bà quá khen rồi ạ, do cháu từ lúc sinh ra chỉ biết có ăn rồi đi học, đi dạy, còn người lao động ở đây từ lúc sinh ra đã biết cần cù, sinh nhai, cháu làm sao dám so sánh ạ!
Bà cụ chỉnh lại cái cán cân tróc sơn rồi cầm bịch mực bỏ lên giá.
- Được rồi, tôi cân dư cho cô giáo đó, nếu nhà cô giáo có lọ thủy tinh hay vại sành thì bỏ vào sẽ giữ được lâu lắm, đừng bỏ vào hủ nhựa, muối mặn ăn nhựa sẽ rất độc!
Cô mở giỏ xách lấy tiền đưa cho bà rồi lễ phép cầm bịch mực:
- Dạ vâng, cháu biết rồi ạ, cháu cảm ơn bà nhiều lắm! Cháu xin phép! Hôm khác cháu sẽ lại đến mua nhiều hơn!
Cô nói rồi quay lưng ra về. Bà cụ nhanh chóng nhét tiền vào túi áo, lúc chuẩn bị đậy lại nắp khạp bỗng rút thêm cái bịch mủ:
- Cô giáo bỏ thêm cho chắc chắn, trên đường không khéo nó lại vỡ ra!
Cô cười hiền lành bỏ bịch mực vào cái bịch bà cụ dở sẵn rồi cảm ơn, thầm cảm thán bà thật chu đáo và tốt bụng, chỉ tội không nói được đứa cháu gái cứng đầu, chắc bà phải buồn lòng lắm.
Cô cầm bịch mực đi ra thì cũng vừa lúc An cho xe đạp vào trong sân. Thấy cô xuất hiện ở nhà mình, An hất hàm:
- Cô ăn uống gì mà tới đây?
Cô trầm tĩnh mỉm cười nhìn An:
- Em vừa tan học đó hả, cô nghe bảo ngoại em làm mắm mực rất ngon nên hôm nay cô đến để mua về dùng thử! Đúng là trăm nghe không bằng một lần thấy, chỉ mới ngửi mùi thôi mà đã thấy nhớ nhiều như vậy rồi!
- Chẳng bằng ăn cho nát cái xóm này bị đau bụng mới mò tới đây!
An nói rồi câng câng dắt xe đạp vào nhà, đoạn cầm cái cặp quăng lên chõng tre.
- Từ nhỏ đến lớn, cô thật sự chưa biết mắm mực là món ăn như thế nào!
An gầm gừ quay lại:
- Vậy thì định tới đây mua về ăn rồi hôm sau lại la toáng lên là mắm mực nhà tôi gây ngộ độc chứ gì?
Cô kiên nhẫn nhìn An:
- Dù sao em cũng là học sinh của cô, em nhỏ tuổi hơn cô rất nhiều, sao em lại ăn nói với cô như vậy?
An khinh khỉnh:
- Ở lớp thì cô có quyền nói tôi này nọ, chứ còn ở đây...- An nhổ nước bọt- Xin lỗi, ở đây là nhà tôi, cô đừng hòng dạy đời! Chuyện cô làm với Thiên Nga, tôi sẽ không bỏ qua đâu!
An nói rồi đi thẳng vào nhà. Cô thở dài nhìn theo cái dáng cao lêu khêu nhưng lại như có một gánh nặng gì đó luôn phủ trên bờ vai cô độc.
- Giá như Thiên Nga có thể giúp em thay đổi để tốt hơn!
Cô nói rồi lặng lẽ quay đầu xe đạp, leo lên yên và cắm cúi chạy. Mấy con cá khô trên sào đung đưa trong gió mỏng tang như những tấm rèm lụa. Đâu đó cô đã lại nghe hơi gió muối tràn về. Chắc là mùa hạn trên đảo sẽ lại đến.
***
- Được rồi, bài học của hôm nay như thế này là hoàn tất! Các em nhớ về xem bài trước, tuần sau lớp chúng ta sẽ có tiết thực hành nhóm, cô mong rằng các em sẽ cố gắng để có số điểm thật tốt!
Cô nói rồi từ tốn đứng dậy chào cả lớp. Phía sau lớp khẩu trang, nụ cười hiền lành lại bừng lên trên đôi mắt. Những lần như vậy Vy thấy mắt cô như ánh lên cả đại dương mênh mông, tuy sâu thẳm nhưng biên biếc, long lanh đến lạ thường. Vy đang lặng người nhìn theo dáng cô chuẩn bị bước đi rồi liên tưởng đến khuôn mặt giấu sau lớp khẩu trang đó thì An bên cạnh bỗng thình lình lên tiếng:
- Cô ơi, em không hiểu chỗ này, cô giải thích giúp em được không?
Vy giật mình nhìn sang An rồi chau mày khó hiểu. Tính An Vy hiểu hơn ai hết, có đời nào nó chịu quan tâm đến thầy cô giảng dạy cái gì mà hôm nay lại còn chủ động nhờ cô giải thích, hơn nữa còn là người mà nó đã công khai đối chọi, cạch mặt mấy tiết học liền. Vy thụi chỏ An:
- Mày lại muốn giở trò gì đây hả?
An nhếch miệng cười:
- Trò gì, tao chỉ muốn nhờ bả giải thích cái tao đang cảm thấy khó hiểu thôi mà!
Vy định nói thêm câu nữa nhưng cô đã bước xuống cạnh An:
- Hôm nay em chủ động hỏi bài cô, là một tiến bộ rất tốt, cô rất hoan nghênh việc này, hy vọng rằng câu hỏi của em và câu trả lời sắp tới đây của cô sẽ giúp em cảm thấy môn học này hay ho hơn là những tiêu cực mà em đã từng suy nghĩ trước đó!
An nhếch miệng cười:
- Cô không cần phải giả tri thức rồi dài dòng như vậy đâu! Vì cái mà em cần giải thích là thứ đang tồn tại sau lớp khẩu trang của cô kìa!
Dứt lời, An thình lình chồm về phía trước rồi với tay giật mạnh khẩu trang của cô vứt xuống đất. Ngay lập tức, cả lớp như nín lặng nhìn về một hướng. Vy há hốc miệng, mở to mắt đứng hình nhìn cô. Cô như một cú trời giáng làm cho bất ngờ không thể định hình trong một lúc. Cô lảo đảo rồi suýt té ngã nhưng hình như đâu đó đã có thứ gì mặn chát đang lưng tròng trong đôi mắt biên biếc mà Vy vẫn còn thấy long lanh lúc nảy, nhưng lúc này nó đã không còn long lanh nữa mà như vỡ tràn ra tung toé. Tổn thương, chua chát và xấu hổ thình lình tuôn trào ra. Cô bật khóc, một tay ôm lấy khuôn mặt rồi ứa nước mắt lao đi. Cả lớp bắt đầu xì xầm, lao nhao bàn tán.
- Đã vừa lòng, hả dạ mày chưa?
Vy thình lình quát lớn rồi vội vã quải cặp lên vai lao ra khỏi lớp. Vy đuổi theo cô.
An hướng ánh mắt đắc ý nhìn theo, cười khinh miệt:
- Thì ra mang khẩu trang bao nhiêu lâu nay là để giấu đi khuôn mặt quỷ! Tưởng tốt lành gì, vậy mà cứ tỏ ra kiêu hãnh! Để xem cô còn can đảm nào quay lại đây không? Là cô tự mình chuốc lấy, đừng trách học sinh tại sao hỗn láo!
Hết chương 1
|
Chương 2. Vì con tim chưa lớn
Vy lặng lẽ luồn hai bàn chân xuống từng lớp thủy triều lạnh ngắt, mắt lưng tròng hướng về tấm lưng mỏng manh đang không ngừng run lên từng đợt. Cô ngồi thụp trên lớp cát ướt, tà áo dài đã bị sóng đánh cho ướt sũng và nhàu nhừ từ lúc nào. - Cô! Cô yếu ớt đứng dậy, khuôn mặt tím ngắt vì gió biển lạnh buốt giờ này đã đường hoàng hiện lên trước mắt Vy, không khẩu trang, không né tránh, cũng không gục đầu. - Cô...nhìn đáng sợ lắm phải không? Vy cùng ánh mắt thương hại xót xa nhìn sâu vào khuôn mặt sở hữu những đường nét không hề nhạt nhoà nhưng lại bị che phủ đến gần nửa một màu nâu sẫm, chi chít vết sần sùi của những lần can thiệp thất bại. - Em xin lỗi, vì nó tệ hại thật sự! Cô nhướng đôi mắt đỏ quạch về phía chân trời, nơi lác đác những cánh chim lạc đường mệt mỏi. - Lúc nhỏ, vì vết bớt này mà ba mẹ đưa cô đi dường như đến khắp mọi nơi, người ta dùng laser, người ta đốt, người ta cắt, người ta châm chít, thậm chí có nơi người ta còn thoa một thứ gì đó trong suốt lên mặt cô, nóng lắm, đau thật sự, mãi về sau thì cô mới biết người ta còn muốn dùng axít để hủy hoại nó! Lúc ấy bé lắm, cô không mong gì hơn ngoài việc người ta nhìn vào sẽ không sợ hãi một đứa bé có khuôn mặt quỷ nên ba mẹ đưa đi đâu thì cô đến đó, rồi khi trưởng thành cô mới biết, bao nhiêu công sức, thì giờ và tiền bạc của ba mẹ đã đổ ra cho cô có cả đời cô cũng không đền đáp được thì công sinh thành biết đến bao giờ! Rồi ba mẹ vẫn không chịu bỏ cuộc nhưng cô thấy mình đã nợ ba mẹ quá nhiều, cũng phải đến lúc cô dùng chiếc khẩu trang để mỉm cười tự tin nói với ba mẹ rằng, con không cần phải chữa trị nữa! - Cô luôn luôn phải mang khẩu trang như thế này sao? - Chỉ một lần đường hoàng đối mặt với một người mà không phải khiến họ giật mình hoảng sợ, thì cũng đã là điều mà chắc có lẽ suốt cuộc đời này cô sẽ không bao giờ làm được! Cô ngước nhìn Vy. Đôi mắt màu nâu mỗi khi nhìn Vy biên biếc không còn nữa mà thay vào đó là hai áng sương mờ đục. - Em không cần phải cố tỏ ra trầm tĩnh như thế đâu, vì cô biết, sự thật này tồi tệ đến thế nào mà! Hãy cứ giật mình, hoảng sợ thì cô mới cảm thấy lòng mình thanh thản hơn! Cô chỉ mong, sau hôm nay, bên cô vẫn sẽ còn một cô bé vẫn hay quan tâm, giúp đỡ cô mọi lúc! Cô nói rồi lặng lẽ dắt xe đạp. Bóng cô in hằn trên cát mênh mông một vệt dài cô độc. - EM XIN LỖI! Vy bỗng hét lớn. Cô dừng lại, nuốt ực xuống cổ họng rồi leo lên yên xe đạp đi vội vã. Cô thật sự không hiểu câu xin lỗi của Vy là cho câu nói lỡ lời trước đó hay là để kết thúc những quan tâm, lo lắng giống như một tháng vừa qua Vy đã từng vì kể từ hôm nay sẽ không thể tiếp tục. Tối hôm ấy, Vy cứ trằn trọc mãi. Tự dưng vết bớt xa lạ đó lại ám ảnh Vy làm Vy không thể nào chợp mắt. Khuôn mặt sau lớp khẩu trang mà hơn một tháng nay Vy cứ tưởng tượng giờ đã đường hoàng đối diện trước mắt nhưng lại không như Vy từng mơ mộng. Thật đáng tiếc cho một thân hình nhỏ nhắn cùng làn da trắng ngần và mái tóc đen dài. Vy nằm nhớ lại những bộ truyện mà Vy từng đọc, mỗi khi có giáo viên mới về trường, dù thầy hay cô đều tuyệt đối hoàn hảo, nhưng sao khi nó thật sự xảy đến với Vy lại dở khóc dở cười như vậy? Những thứ tròn vẹn đúng thật sự chỉ xuất hiện trong tiểu thuyết còn cuộc đời lúc nào cũng là những thứ không ngay ngắn. Nhưng tại sao Vy lại thấy hụt hẫng vì khuôn mặt đó không như mình nghĩ? Rốt cuộc thì mình đang trông đợi và đòi hỏi điều gì? Chẳng lẽ mình cũng giống An? Mình đang muốn tìm hiểu, chinh phục và sở hữu những thứ cũng giống mình? An một mực theo đuổi Thiên Nga vì Nga trong mắt mọi người là một hình tượng gần như hoàn hảo, xinh đẹp, dịu dàng lại tài năng. Còn cô của Vy thì thế nào, Có phải Vy đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào cô để rồi giờ này thất vọng không? Vy ngẫm nghĩ lại những lời nói và hành động của mình trong những ngày qua với cô. Tại sao Vy lại dành nhiều quan tâm và nghĩ về cho một giáo viên xa lạ như thế, mà hơn nữa còn là một người phụ nữ, điều mà hiển nhiên Vy phải biết. Thi Ân! Cô có cái tên thật hay y như Vy vậy nhưng lại không hề hoàn hảo như Vy từng nghĩ. Và nếu thật sự Vy có tình cảm với con gái giống An và cô chính là điểm chinh phục thì hình như tình yêu này chẳng có một động lực nào để vượt qua những rào cản của bản thân và định kiến của xã hội. Không được, ba mẹ sẽ thế nào nếu biết mình như vậy, mình nhất định phải tránh xa cô, mình không thể vướng vào thứ tình yêu bệnh hoạn với một người phụ nữ chẳng những đã có chồng mà hơn nữa lại còn có khuôn mặt khó nhìn như vậy. Vy tấm tức lăn qua lăn lại một lúc nữa rồi mệt mỏi chợp mắt lúc nào cũng không hay.
***
Thằng Phước, thằng Hậu, con Yến, cả đám tụm năm tụm bảy ngoài lan can, mỗi đứa buông một câu: - Má tao nói, mấy người bị cái bớt bự như vậy là sau này sẽ bị ung thư rồi chết sớm! - Cái đó thì tao không biết, nhưng hồi đó tao nghe nội tao nói không ai khi không lại có khuôn mặt quỷ xấu xí hết, trừ khi kiếp trước họ ăn ở ác nên kiếp này mới bị trừng phạt! Là do tạo nghiệp mà ra đó! - Mà sao nhìn sần sùi cứ y như bị bỏng, không biết ngoài cái bớt ra bả có bị thêm cái gì nữa không mà nó xù xì thấy phát kinh! - Chắc là đi đốt bỏ mà không thành, với không chừng bẩm sinh nó như vậy! Nhìn người xinh xắn, trắng trẻo vậy mà... - Chắc cũng do vậy mà bả bỏ thành phố trốn ra đây đó tụi bây! Nhưng nghe nói bả bị chồng bỏ, vậy là đã có chồng rồi mà? - Nhìn cái mặt là thấy phát khiếp rồi, ai mà dám cưới bả? Bả lấy chồng được, chắc chồng bả cũng có cái mặt y chang bả hay tàn tật cũng không chừng! - Có khi chồng bả cũng đẹp trai bình thường, nhưng bị bả lừa bắt cưới rồi kinh tởm chịu không nổi nên ly dị thì sao? - Chắc cô hiệu trưởng biết rõ chuyện này nên mới để bả đeo khẩu trang giới thiệu với học sinh như vậy! Xem ra cũng nhờ con An đốp chát nên tụi mình mới được hưởng soái, không thì bả cứ đeo khẩu trang suốt như vậy, ai đâu mà ngờ! - Tao nghĩ phen này con An khỏi tốt nghiệp là chắc rồi, tội xúc phạm giáo viên chứ chẳng chơi! Hôm đó tao nghe nói bả khóc dữ lắm, bả tự ti không nói, nhưng trước sau gì cũng sẽ tới tai cô hiệu trưởng! - Con An nổi tiếng lì vô phương, nó cũng chẳng cần tốt nghiệp để làm gì, xưa nay cô hiệu trưởng vì thương nên có làm gì được nó, mới lại, má nó đứng khắp mọi nẻo đường làm ra tiền phủ phê, cần chi phải học cho cực khổ! Ha ha! - Thôi vô học rồi kìa, giải tán, giải tán đi tụi bây! ... Sau ngày đó, vì cô không lên tiếng nên cô chủ nhiệm chỉ nhắc nhở rồi cho An viết bảng kiểm điểm. Còn cô, cô vẫn tiếp tục mang khẩu trang, nhưng dường như những ánh mắt dè bỉu, hiếu kỳ nhìn cô đã mỗi lúc một nhiều. Những lời săm soi, dèm pha bắt đầu inh ỏi, người nhìn được thì thêm thắt, người không nhìn được thì suy đoán lung tung, họ âm ỉ mỗi ngày, trước mặt có, sau lưng có, thậm chí cả những giáo viên lớn tuổi tuy tỏ ra cảm thông nhưng cũng không thể không mang chuyện khuôn mặt khó nhìn của cô giáo trẻ mới về ra thành chủ đề bàn tán mỗi ngày. Những bài giảng sau đó gần như là sự thoi thóp của một tinh thần gần như tắt thở. Cô đứng lớp không còn tự tin và kiên định như một tháng qua, những quy định và mục tiêu cô đặt ra để học sinh của mình có thể tự lập và vững vàng hơn về sau cũng dần biến mất. Cô không còn nghiêm khắc và nhắc nhở học sinh giống như trước nữa. Để rồi những tiết dạy của cô gần như chỉ còn là sự yên lặng đến đáng thương của người đứng lớp để nhường chỗ cho những câu nói gây tổn thương không biết suy nghĩ của kẻ ngồi phía dưới. Và hơn hết, đôi mắt biên biếc ngày nào giờ đã không còn là thứ để Vy ngắm nhìn và mơ mộng nữa, mà thay vào đó là những lần đôi mắt ngập nước hướng nhìn Vy để dần nhận ra rằng Vy cũng đã thực sự sợ hãi khuôn mặt dạ xoa này.
|
Gần trạm xá trên đảo có một cây gòn. Không ai biết chính xác nó đã được bao nhiêu năm tuổi. Nó lớn lắm, gốc xù xì màu tối xịt như đám đá tai mèo trơ xám dưới chân ngọn hải đăng. Thân nó đầy vết cắt sau những trận lấy mủ của đám trẻ con trong xóm. Cứ canh mùa mưa xuống, lá non nhẻo xum xuê một tí thì cả đám rủ nhau đi lấy mủ. Mủ gòn rất dễ lấy, chỉ cần dùng dao rạch một đường trên thân cây sẽ thấy có nhiều mủ chảy ra. Đám trẻ con chỉ việc dùng cái gô hay thau hứng mủ chia nhau đem về. Mủ mới chảy ra rất mềm và dẻo, màu nâu sóng sánh. Một thời gian sau mới đông cứng lại thành từng mảng lớn. Hôm nào nắng gắt đem ngâm nước lạnh rồi quậy đường uống thì hết sẩy. Mùa này gần hạn, cây gòn khô đét đi, lá thưa thớt nhưng được cái bông rũ trắng xoá. Mỗi lần có gió biển thổi vào làm trái rụng, An hay rủ Vy ra nhặt đem về để dành dồn gối. Hôm ấy Vy đang tập trung tìm cách giải cho một đề toán đại học mấy năm về trước Vy vô tình thấy được trong mớ báo cũ nên hơi cộc tính. Vậy mà An cứ lảm nhảm rồi liên tục chọc phá làm Vy cứ thấy ong ong trong đầu. Vy bực mình thật: - Mày muốn thì ra lụm trước đi, tao đã nói là để giải xong câu này cái đã! Cứ đi qua đi lại càm ràm phiền chết đi được! An vặn vẹo: - Cái đề này nếu không giải thì nó cũng nằm ở đây chứ có mất đi đâu mà sợ, còn bông gòn không lụm, người ta lụm hết thì phải làm sao! Lúc nảy gió lớn như vậy chắc chắn là nó rụng nhiều lắm! Vy bực mình chậc lưỡi, vò tờ giấy nháp thứ mấy chục quăng sang một bên rồi ngã lưng xuống thành ghế, trừng mắt nhìn An. An xụ mặt xuống: - Có cần phải nhìn tao bằng ánh mắt như vậy không? Đâu phải tại tao, tại cái đề đó nó khó thật chứ bộ, mày không đi thì tao đi một mình! An nói rồi vừa đi vừa lảm nhảm mãi đến lúc mình đã đứng kế gốc gòn từ lúc nào. Quả thật khi nảy có gió lớn nên gòn rụng nhiều nhưng người ta ra sớm đã nhặt hết rồi. An ngửa cổ nhìn lên cái tán bao trùm cả một vùng trời, quả chưa rụng vẫn còn lủng lẳng trông phát ghét. Cây gòn mà có nhiều nhánh với không giòn, An thề sẽ leo lên vặt hết không chừa một trái. Sẵn mấy cục đá nằm lăn lốc gần đó, An cúi xuống lụm rồi nheo mắt nhắm ngay mục tiêu chọi mấy phát. Mấy quả gần rụng rớt lộp bộp, mấy quả còn xanh lì lợm không chịu rớt. An chọi chán chê một lúc rồi giũ cái bịch mủ lom khom đi gom thành quả mình vừa có được. - 1, 2, 3, 4,...11, 12, một mớ này cũng ra trò phết, đủ về nhét thêm vào cái gối của ngoại ngon ơ! Đang thích thú ôm bịch gòn lổm xổm hài lòng quay đi thì An bỗng dừng lại khi vô tình nghe được mấy lời buôn dưa lê quen thuộc. - Có con nào bị ngâm mắm tới thúi ra mà còn trong bóng, mấy bà tin nổi không, không biết bà cháu nó bỏ cái bột gì của Tàu vô trong mực nữa! - Tui nghe đài kêu ăn phải cái bột đó có ngày bị lủng bao tử với ung thư chết, bà cháu nó, coi vậy mà ác! - Nhà đó đẻ con gái không làm đĩ cũng bị bịnh mà trơ mặt không biết tích đức, về sau chết tới cây nhang cũng không có mà cặm! - Mấy bà ác mồm quá, bà cháu nó tuy côi cút nhưng giỏi lắm, không thấy khô nhà đó cũng chín dưới nắng như mình mà vàng hanh tới tươm mật luôn không thì xá gì cái mắm mực thơm lừng, căng nõn! - Bà cháu nó làm gì có mực mà mần, toàn đi theo đít thuyền lụm mấy con mực ma chát đắng về nhận mắm, mà mực ma thì dai như cao su nên mới nguyên con nguyên xác như vậy chứ tài lẻ gì! An nuốt nước bọt xuống cổ họng rồi cắn môi bỏ đi giữa cuộc mồm miệng còn giang dở. Nhưng rồi một giọng nói quen thuộc bỗng vang lên từ phía sau lưng. - Em không cảm thấy khó chịu về những lời nói đó một chút nào sao? An quay lại, trừng mắt: - Việc gì phải khó chịu, người ta nói đúng mà! Cô nhíu mày bước tới gần An: - Chẳng lẽ, số mắm mực ngon nức mũi của ngoại em đó, đều là nhờ vào hoá chất hết cả? An gằn giọng: - KHÔNG HỀ! - Thế chẳng phải vừa nảy em bảo rằng người ta nói đúng nên việc gì phải khó chịu? - Họ nói mắm nhà tôi làm từ mực ma thì đúng, nhưng dùng hoá chất thì không đúng! Tuy làm từ mực ma nhưng ngoại tôi rất khéo, thịt mắm không còn chát đắng, thơm và ngọt là từ gạo chứ không phải nhờ những chất độc hại kia! Còn đỡ hơn bọn họ, có tiền, có sức đánh bắt được mực nang, mực trứng nhưng khi mang làm mắm thì chỉ toàn những thứ thối rửa, nhiễm ký sinh trùng, như vậy còn độc hại hơn gấp trăm nghìn lần hoá chất của bọn thương buôn! An nói như dốc sức trút hết nghẹn đắng trong cổ họng từ nảy đến giờ rồi chớp mắt bỏ đi. Cô lại lên tiếng nói: - Rõ ràng là em có tức giận, nhưng tại sao em không giải thích cho họ biết? An đứng lại, nhếch miệng cười: - Một hạt cát không lấp đầy được biển! Bọn họ vốn dĩ nói ra cho sướng cái mồm độc địa, nói chán thì thôi, dư hơi đâu mà giải thích! An nói rồi đi một hơi nhưng suy nghĩ gì đó nên đứng lại. - Con Vy đang ở nhà giải mấy cái bài toán đại học gì đó, rảnh hơi quá thì sang nhà nó mà tìm! Đứng ở đây kẻo rớt khẩu trang lại nhát ma người khác! Lần này An nói rồi đi thẳng. Dưới nắng loang loáng, cái dáng dong dỏng với chùm tóc đuôi gà in hằn lên cát trông cô đơn và dài thượt. Có lẽ sự chèn ép và phỉ báng đến quá đáng đã dồn người ta vào đường cùng đến nổi đấu tranh người ta cũng không còn sức. Cô đứng lặng người nhìn theo bóng An rồi lại nhớ đến bóng dáng còm cõi của bà cụ khiến cô chạnh lòng trong lần ghé mua mắm mực lần đó. Tự dưng cô lại thấy thương cho hai số phận côi cút vốn dĩ phải được che chở nhưng lại bị chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình vùi dập.
|
Bình mình len lỏi giữa màn sương giăng mắc, cô khó khăn leo lên từng mỏm đá tai mèo nhọn hoắt nằm xấp xổm, dây muống chằng chịt. Sóng biển lúc dập dềnh, đằm thắm, lúc giận dữ, xô bồ, cứ liên tục đập vào những âm thanh inh ỏi tưởng chừng muốn kéo trôi bờ đá ra ngoài khơi nhưng dường như luôn thất bại. Bờ đá đen ngòm lẩn nhẩn rêu xanh tím và vỏ ốc vỡ vẫn ngày đêm hiên ngang nằm đó chờ những con sóng mới di cư đến, có lúc tham lam muốn bỏ đảo rời đi nhưng lại không nỡ vì nó còn phải ở lại để bảo vệ ngọn hải đăng. Cô lặng lẽ sắp ít trái cây lên một bàn thờ nhỏ có hai chiếc bài vị, kính cẩn thắp nhang. Lặng người nhìn không gian chẳng có gì ngoài tấm chiếu đã sờn, mấy cuốn sách dày cộm nhưng cũ lắm, ống nhòm, la bàn, cái nón cối, mấy bộ quần áo màu bộ đội cùng những thứ linh tinh đơn giản khác, cô chợt chạnh lòng ngừng mắt bên những bình đựng dầu thắp đèn. Một trăm tám mươi hai bậc thang bằng đá ong xám tuy rêu mốc, ghồ ghề nhưng vẫn rất kiên cố dẫn cô đi vòng quanh đường xoắn ốc. Khối trụ tối ọp ẹp có lúc khiến cô giật mình vì con ểnh ương lạnh ngắt nhảy vào chân. Cô cẩn trọng lẩm nhẩm chính xác số bậc thang mình đã bước qua, lúc cố nín lặng bước một hơi đôi khi thở hổn hển dừng lại quẹt mồ hôi rít cả da mặt. Không khí ẩm thấp hắt mùi muối mặn loang qua những ô gạch bị tàn phá. Run rẩy bước nốt những bậc thang cuối cùng, cô thở phào nhẹ nhõm khi gió biển đã lồng lộng táp vào người. Thấy bóng dáng bác Quân lom khom trên ngọn đèn phía trước, cô thanh thản nở nụ cười sau chiếc khẩu trang. - Cháu chào bác ạ, hôm nay cháu đến để gửi bác tiền thuê nhà! - Mới đó mà đã hai tháng rồi sao? Bác Quân đang chăm chú sửa cái tim đèn. Một lúc sau, dường như có vẻ đã hài lòng bác mới quay lại cầm lấy phong bì, khoan thai mở ra đếm. - Ai đưa cô giáo ra đây? - Là cháu xin đi nhờ thuyền câu mực của hai vợ chồng nhà ở cuối xóm thưa bác! - Hai tháng nay ở nhà của tôi, cô giáo có thấy bất tiện hay gặp phải khó khăn gì không? - Tất cả mọi thứ đều tốt lắm ạ! - Vậy thì ổn rồi! Cô lặng nhìn bác Quân một lúc rồi dè dặt: - Hôm nay cháu ra đây, trước là để gửi bác tiền thuê nhà, sau là để xin phép bác được trồng thêm hoa với dây leo trước cổng và hai bên hông thay vì chỉ là vườn rau như trước đó đã thoả thuận! Bác Quân gật nhẹ đầu, cẩn thận cất phong bì vào túi áo bộ đội rồi lấy ống lửa thắp cái tim đèn vừa mới sửa để kiểm tra: - Cô giáo cứ tự nhiên nếu cảm thấy việc đó giúp cô giáo thoải mái hơn mỗi khi trở về ngôi nhà đó! Cô gật đầu cảm ơn bác Quân rồi lại dè dặt đưa thêm gói đồ: - Cháu có ít trà hương sen, cháu biếu bác uống cho ấm người, với cả cháu có mua một ít dầu để bác dành châm đèn, cháu để ở đây! Bác Quân chớp mắt ngắm nghía bình dầu trong suốt, dưới nắng sớm còn thấy cả váng cầu vồng: - Dầu này ở xóm chài đâu có bán? Cô cười hiền lành: - Bác đúng ạ, dầu này là hồi tháng trước cháu có việc lên Hải Phòng nên mua được! Bác Quân thích thú tiến lại, lắc lắc bình dầu: - Cái mớ này châm cũng được cả đêm ấy nhỉ, dầu trong thế này, lửa đốt lên cũng ít bồ hóng hơn! Đắt đấy! Cô nhướng mắt ngước nhìn cái máng đèn to bằng tấm phản ở tít trên bụt cao che phủ gần mấy trăm tim đèn, tuy đã gỉ sét nhưng lại không có chút bồ hóng nào, thầm ngưỡng mộ người bác tuy đã già nhưng vẫn cần mẫn chăm chút cho ngọn đèn bỏ hoang không người công nhận. - Nếu như bác thích, cháu sẽ tranh thủ lên Hải Phòng tìm mua đúng loại dầu này để bác châm đèn! - Một con bé trong xóm chài cũng thường mang loại dầu này ra đây biếu tôi giống như cô giáo, mặc dù nó vẫn còn đi học và không có nhiều tiền! - Có phải con bé tên Sang Vy không ạ? Cô thình lình thốt lên rồi bỗng cúi đầu vì mình đã nói hớ. Xóm chài này có biết bao nhiêu con bé vậy mà chẳng biết tại sao vừa nghe đến đó cô lại nghĩ đến Vy. Có phải từ lúc về đây đến giờ chỉ có duy nhất một mình Vy là hay chủ động gặp gỡ, nói chuyện rồi quan tâm nên cô mới có suy nghĩ như thế trong tâm trí. Cô thật hàm hồ. - Cháu...cháu xin lỗi vì chỉ vô tình nghĩ đến một học sinh của mình nên mới tùy tiện nói ra thôi ạ! Ấm nước đã sôi sùng sục, bác Quân cời than ra bớt rồi nhấc lên chậm rãi chế vào cái bình trà bằng gỗ: - Mấy hôm trước về xóm để mua ít đồ dùng, tôi cũng có nghe qua chuyện của cô giáo! Sao không biết mang khẩu trang cho cẩn thận vào! Cô gục đầu nói: - Là một học sinh đã giật khẩu trang của cháu! Bác Quân trầm tĩnh rót một tách trà đẩy sang cô. - Cháu xin ạ! - Ở đây xưa giờ bọn trẻ con rất nghịch ngợm, các giáo viên thì chỉ quen làm công ăn lương nên không ai quản chúng cả! Cô giáo là người lạ mới về đảo, đừng dại nghiêm khắc với chúng làm gì, không ai ghi nhận, chỉ tội chuốc vào thân thôi! Cô đứng lẩm nhẩm đếm số tim đèn nhưng dường như vẫn không tài nào nhớ nổi. - Theo cháu được biết thì ngọn đèn này đã bị bỏ hoang từ lâu lắm rồi, thậm chí tường còn bị đổ nát gần hết, nhưng không ai ghi nhận, bác vẫn lặng lẽ ở đây thắp hết tất cả những tim đèn, trong khi, những ngọn hải đăng kia giờ đã là đèn điện, ánh sáng loang xa đến mấy chục hải lý! Bác Quân nhấm thêm một hớp trà nóng hổi: - Tàu thuyền từng đi qua đây đều đã quen với ngọn đèn này! Tuy nó không sáng và xa như những anh em của nó, không còn được nhớ đến, không còn được ghi nhận, thậm chí cả hình dáng cũng không còn, nhưng nó vẫn luôn tự hào vì nhiệm vụ thiêng liêng của nó chưa bao giờ là ngừng lại! Đã có rất nhiều tàu thuyền mất phương hướng ngoài khơi, nhờ nó mà trở về đất liền! Bất cứ thứ gì cũng có giá trị rất riêng của bản thân dù có lúc đã tưởng chừng như không ai nhớ đến và chấp nhận! Cánh buồm dù luôn tham lam biển cả bỏ rơi bờ cát, nhưng khi gặp phong ba bão táp thì bờ cát lại luôn chính là nơi duy nhất nó muốn tìm về! Cô không đáp mà chỉ lặng lẽ nâng tách trà lên miệng uống, vị đắng, thanh rồi ngọt lần lượt loang trong cuống họng những cung bậc lạ thường. Đương nhiên cô hiểu những điều ẩn ý mà bác Quân muốn nói đến. Chợt nhớ lại không gian sống cạnh bàn thờ vợ con của bác Quân phía dưới ngọn đèn, hình như tất cả đồ đạc đều rất cũ kỹ ngoại trừ một thứ khiến cô không thể không chạnh lòng khi ngừng mắt. - Dường như tất cả gia tài của bác đều chỉ dành để đổi lấy dầu thắp đèn? - Ai bảo với cô giáo như vậy? Bác Quân nói rồi đưa tay huýt sáo, một con vẹt ngực hồng điểm trên bộ lông xanh lá pha chút vàng của nắng gió thình lình bay vút từ bên ngoài vào qua ô cửa sổ đổ nát rồi nhanh chóng đậu lên vai bác Quân. Cái mỏ khoằm xuống như móc câu màu đen tuyền, nó niểng niểng đầu nhìn cô gái xa lạ: - Cô gái! Cô gái! Xinh đẹp! Xinh đẹp! Cô bật cười thích thú nhìn nó: - Con vẹt này lém lỉnh thật, biết nịnh người lạ nữa cơ đấy! Bác Quân chuyền con vẹt xuống tay rồi thò vào túi hốt một nắm hạt ngô xoè ra trước mặt nó. Nó long lanh hai mắt, niểng niểng đầu rồi xốc ăn ngon lành. - Tên của nó là Châu Phụng! Nó tuy nghịch ngợm nhưng lại rất biết nghe lời! - Là bác mua nó từ trong đất liền ạ? Bác Quân lắc nhẹ đầu: - Khoảng ba bốn năm trước, nó mới chỉ là một con vẹt còn khá bé, lông xấu xí như quạ, một bên mắt đã bị mù, nó thình lình bay đâm vào ngọn đèn rồi rớt xuống nơi này! Ngày nào nó cũng đậu trên ngọn đèn để chờ tàu thuyền đi qua! Có lẽ chủ nó là dân đánh bắt từ nơi khác tới đây neo đậu nhưng đã bỏ rơi nó! Cô vẫn không rời mắt khỏi Châu Phụng: - Nó bị mù một bên mắt sao? Tội nghiệp nó quá! Bác Quân khoan thai vuốt ve lông nó: - Nó vẫn thường hay ăn cơm chung với tôi, nhưng thỉnh thoảng có dịp về xóm chài, tôi hay mua cho nó ít hạt ngô và mấy loại ngũ cốc! Bằng kiến thức của mình, cô tự tin nhìn Châu Phụng: - Nó là giống mái bác nhỉ? Có nó chắc là bác cũng đỡ cô đơn hơn! Bác Quân gật nhẹ đầu: - Lúc mới nuôi nó, nó rất lạnh lùng và cộc tính, nó chỉ ăn một ít hạt cơm rồi bay nấp vào máng đèn, đêm tới khi tôi bắt đầu châm dầu rồi thắp lửa thì nó mới chịu bay ra nhưng lại tiếp tục nấp vào hốc cửa, có thể phần vì nó vẫn chưa tin tưởng tôi, phần vì, nó bị ảnh hưởng tâm lý từ người chủ cũ! Lúc nuôi nó được hơn bốn tháng, nó bay về xóm chài rồi trốn trong vườn rau của một người dân trong xóm, lúc ấy, tôi đi tìm nó khắp nơi nhưng không thấy, còn nghĩ rằng chắc nó đã tiếp tục bay đến nơi nào đó rồi gặp được người chủ mới và ở lại, tìm nó ròng rã suốt một tháng trời, tôi nghĩ chắc nó không thích và không có duyên với mình, nên tôi quyết định không đi tìm nó nữa, nhưng rồi một đêm mưa lớn lắm, nó bỗng bay về đậu trên máng đèn, lông ướt sũng nước, nó nhìn tôi rồi bỗng thốt lên mấy chữ bập bẹ mặc dù tôi chưa dạy nó nói bao giờ. - Con thương ông! Con thương ông! Bác Quân nói đến đây, Châu Phụng bỗng thình lình lên tiếng khiến cô giật mình. Cô vừa nhớ ra trong giỏ xách có một gói bạc còn ít nho khô, cô nhanh chóng lấy ra để xuống nền gạch nứt: - Cô cho Châu Phụng nè! Nó vẻ thích thú nhìn chằm chằm những quả nho khô vàng ươm đang tươm mật nằm phơi mình trên giấy bạc nhưng lại không xốc ăn ngay như mớ hạt ngô của bác Quân lúc nảy, nó nhìn một lúc rồi niểng niểng đầu nhìn sang bác Quân. Lúc bác gật nhẹ đầu, nó mới mừng rỡ dùng cái mỏ khoằm màu đen tuyền xốc ăn ngon lành. Cô hiền lành nói: - Lúc bay trở về trong mưa lớn và đậu trên máng đèn, nó đã nói với bác như vậy sao? Bác Quân gật nhẹ đầu rồi mỉm cười nhìn nó thích thú với món ăn mà sống với bác bao nhiêu năm rồi, bác vẫn chưa có khả năng cho nó dù chỉ một lần. Trong đáy mắt của bác cô thấy đâu đó lấp lánh một niềm hạnh phúc và mãn nguyện, như một người ba nhân từ nhìn con gái đang ngày một tốt hơn và trưởng thành. - Tại sao bác lại gọi nó là Châu Phụng? - Đó là tên vợ tôi muốn đặt cho con gái của chúng tôi khi nó ra đời, nhưng thật không may mắn, vì sinh khó nhưng tôi lại không có đủ chi phí đưa hai mẹ con lên thành phố... Cô xót xa thấu hiểu: - Vì tự trách mình mà bác cứ ở một mình như vậy đến tận bây giờ sao? Bác Quân lôi bịch thuốc rê, dứt một nắm rối mù sau đó lấy tờ giấy quấn quấn mấy tuôn rồi châm lửa lên hút. - Bà ấy đã dành cả thanh xuân của một người con gái để chờ tôi hoàn thành nghĩa vụ của đất nước trở về, vậy mà ngay cả cho bà ấy một cuộc sống no ấm khi quê hương đã yên bình tôi cũng không có khả năng! Năm đó, cá tôm khó đánh bắt, lúc bà ấy chuyển dạ, nếu không nhờ có tiền của bà con trong xóm giúp đỡ, tôi cũng không đưa nổi bà ấy lên huyện! - Giá như, bác gái được đưa lên thành phố, nơi lúc đó y học đã phát triển và đầy đủ hỗ trợ y tế, thì có lẽ... - Ngày xưa, bà ấy rất thích ngắm nhìn ngọn đèn này mỗi khi nó rực sáng! Lúc bà ấy mất, tôi đã hứa là sẽ vẫn luôn giữ lửa cho ngọn đèn này đến hơi thở cuối cùng! Giờ thì, tôi chẳng sợ gì cả ngoài việc một ngày nào đó tôi không còn trên cõi đời này nữa, vì lúc đó không có ai lo cho Châu Phụng và chăm chút tiếp tục cho ngọn đèn này! - Bây giờ thì cháu hiểu rồi, cả gia tài của bác có được, là chỉ dùng để đổi lấy dầu thắp đèn và thức ăn cho Châu Phụng! Bác Quân cúi xuống nhìn Châu Phụng đã no căng bầu diều và giấu mỏ vào trong cánh say ngủ rồi lặng người hướng nhìn lên máng đèn: - Người dân trong xóm cũng thường mang dầu ra đây biếu tôi, dĩ nhiên là chúng không trong và đẹp như của cô giáo và con bé đó, nhưng lửa bén nhanh lắm, coi nhiều vậy chứ, chỉ một đêm đã vơi hết sạch! Lúc nhỏ, con bé đó vẫn thường hay nói với tôi, khi nó lớn lên và kiếm được thật nhiều tiền, nó sẽ mua cho tôi một cái máng đèn mới, to hơn cái cũ để chắn gió được tốt hơn! Nó còn nói với tôi rằng, nó sẽ dựng lại hình dáng của ngọn hải đăng! Tôi biết, những điều ấy là không bao giờ có khả năng thực hiện được, nhưng đó là hoài bão, là niềm tin của một con bé đang tuổi ăn, tuổi lớn, tôi thấy rất vui vì cũng có một người biết trân trọng và yêu quý ngọn đèn không thân phận này! Muốn mở miệng hỏi lại bác Quân thêm một lần nữa tên con bé nhưng khi nghĩ đến lúc nảy cô đã tùy tiện nhắc đến Vy, tự dưng cô lại thấy xấu hổ nên đành yên lặng. Chắc là cô phải lựa một dịp khác tốt hơn để hỏi rõ bác Quân xem con bé mà bác đang nhắc đến đó có đúng là Vy không. - Cháu có thể mua cho bác một cái máng đèn mới, bác có vui lòng không ạ? Bác Quân đưa tay sửa lại mớ dây chặc chìu mọc lổn ngổn trên các khe nứt: - Tất nhiên tôi sẽ nhận, và một năm tiền nhà cô giáo không cần phải trả cho tôi! Cô xua hai tay: - Không ạ, ý của cháu là... Bác Quân cắt ngang: - Tôi hiểu ý cô giáo, nhưng nếu có điều kiện và cơ hội để chính tôi có thể thực hiện, thì tôi xin không nhận từ người khác! Bác Quân nói rồi lại tiếp tục vặt mấy chiếc lá vàng trên dây chặc chìu ném qua cửa sổ. - Cũng không còn sớm nữa, hôm nay cô giáo không đi dạy à? Cô nghe đến đó bỗng lại thấy nhoi nhói trong lòng, vì hôm nay là ngày đầu tuần và cô không có tiết dạy nào khác ngoài tiết cuối của một cái lớp có con bé đã không màng kỷ luật giật khẩu trang của cô, và hơn hết còn một con bé vốn từng có rất nhiều quan tâm cho cô nhưng giờ đây dường như đã vơi dần kể từ hôm nó được nhìn rõ khuôn mặt này.
|
Xe bánh khọt mắm nêm của cô Tám ở cuối xóm bốc mùi thơm phức tới nổi cách cả cây số đã nghe thấy. An mừng rỡ thắng xe khi thấy Nga đang ngồi ăn ngon lành. - Xin lỗi Nga nha, nảy chở con Vy về nó nhờ An cột phụ mấy bao ruốc nên ra trễ! Nga cười hiền lành, giúp An gỡ cái ghế mủ. - Để An, Nga kêu thêm đi! An nói rồi ngồi xuống chống cằm nhìn Nga ăn. Nga chau mày, mặt đỏ xị: - An ăn mấy cái, kêu luôn để cô Tám làm! - Mấy cái cũng được, Nga cứ kêu đi, An ăn ké thôi! Nga chu môi nhìn An rồi quay sang cô Tám: - Cho con thêm hai cái nữa! An chau mày: - Sao Nga kêu ít vậy, An nói bữa nay An trả mà! - Nga kêu cho An đó, nảy giờ Nga ăn đủ rồi! - Nga kêu thêm đi, An trả, Nga đừng có lo! An nói rồi nhìn lên cô Tám: - Tám làm cho con thêm 5 cái nữa đi! Nga nhìn An săm soi: - Bữa nay tiền ở đâu An có mà đòi trả cho Nga ăn vậy? An gãi đầu cười: - Là tiền An kiếm được, Nga đừng quan tâm, An đã nói rồi, An sẽ ráng làm kiếm tiền, Nga thích ăn cái gì An dẫn Nga đi ăn cái đó! Cuộc sống của An bây giờ, chỉ có ngoại và Nga thôi đó! Nghe đến đây, Nga im lặng không nói mà chỉ cầm đũa chọc chọc vào chén mắm nêm rồi gắp một con mắm bỏ vào miệng. Đoạn nhớ ra gì đó liền hồ hởi mở cặp lấy cái điện thoại giơ lên trước mặt An, lắc lắc. - An coi nè, cái này không giống cái trắng đen cùi bắp của ba Nga đâu nha, cái này vừa chơi game, vừa nghe nhạc, vừa chụp hình được An với Nga luôn đó! À, còn có thể quay video nữa! An mở to mắt: - Ba mua cho Nga hả? Nga lắc nhẹ đầu, cúi xuống bấm bấm bàn phím. - Ba nói chừng nào Nga vào đại học ba mới mua cho Nga! An chau mày: - Vậy cái này ở đâu Nga có? - Là của thầy Chí Huy cho Nga đó! Thầy nói có nó thầy sẽ dễ liên lạc với Nga hơn! An vẻ buồn buồn: - Vậy là tối nào thầy cũng nhắn tin với Nga hết hả? Nga gật đầu cười: - Thầy gọi điện nữa, nói đủ thứ chuyện, vui lắm! An ngồi xích lại đi, Nga chụp cho! Nga xoay mặt sau điện thoại bấm liền mấy tấm có An và Nga rồi mở lại từng ảnh đưa cho An xem. - Tấm này dễ thương quá nè An! Tấm này nhìn mũi An cao ghê nè! Ơ tấm này sao An không cười, tấm này Nga bị mờ rồi! Tấm này hai đứa mình đen quá! An chớp mắt nhìn cái điện thoại xa lạ. Nào giờ An chỉ toàn được vô tình thấy chứ có tận tay cầm lấy bao giờ. Đúng là nó trông thích thật, cứ hay hay làm sao ấy, vừa chơi game được, vừa nghe nhạc được, vừa chụp ảnh được và nhất là vừa gọi điện thoại, nhắn tin được nữa. Nếu như An cũng có một cái thì chẳng phải đêm nào An cũng được gọi điện thoại rồi nhắn tin với Nga sao? Nhưng tại sao thầy Chí Huy lại tặng nó cho Nga? Chắc chắn sẽ không đơn giản chỉ là tình thầy trò mà khi không thầy lại tặng Nga một món quà đắt tiền như vậy? Tự dưng An lại loé lên trong đầu một mục tiêu mới rằng mình phải cố gắng kiếm tiền để mua được một cái điện thoại, dù có đắt mấy cũng phải cố gắng. - Nga có biết một cái giống như vậy nhưng chỉ dùng để nghe, gọi, nhắn tin thôi thì rẻ nhất là bao tiền không? Nga suy nghĩ một lúc rồi lên tiếng: - Nếu không có chụp ảnh thì rẻ nhất cũng khoảng vài trăm! Bộ An định mua một cái giống như vậy hả? An lẩm nhẩm số tiền mình lên huyện vác lúa thuê cho nhà máy mỗi đêm cả tiền vác cá mỗi khi có tàu lớn đi biển về mỗi tháng còn không đến vài trăm. Đã vậy An còn phải dùng số tiền đó mua thuốc cho ngoại, tự đóng học phí, mua gạo và còn cả... Tự dưng An thấy cái điện thoại trông cỏn con vậy mà cao sang với xa vời quá. An cười gượng: - À không, An chỉ hỏi cho biết vậy thôi! Mà cái này là thầy Chí Huy mua tặng Nga khi không vậy hả? Nga lắc đầu: - Đâu có khi không, thầy nói là quà sinh nhật sớm cho Nga đó! An có thấy là thầy thương Nga không? Thầy đúng là vừa đẹp trai, vừa có tiền lại tốt bụng nữa! Dĩa bánh khọt đã nguội mất từ lúc nào. An lẳng lặng móc mớ tiền lẻ trong túi ra đếm rồi trả cho cô Tám. Cầm đôi đũa gắp bánh bỏ vào miệng nhai mà quên cả mình phải chấm mắm nêm rồi kẹp thêm rau nữa. Cái ngọn hải đăng mà đêm nào An cũng phải than thở với Vy mới chỉ lể được mớ vỏ ốc nhỏ xíu chắc có lẽ chẳng là gì so với thứ xa hoa này. Nếu không mang tặng cho Nga mà đem vứt chắc cũng chẳng ai thèm lụm. Tự nhiên An thấy sóng mũi mình cay cay. An nhìn Nga vẫn đang thích thú bật qua bật lại mấy tấm hình, giọng khàn đặc: - Nga muốn ăn thêm gì nữa không, An dẫn Nga đi ăn! Tiếng chuông điện thoại của Nga thình lình vang lên. - Là thầy Chí Huy gọi cho Nga đó! Lúc sáng thầy nói trên huyện có hội chợ triển lãm bán đủ thứ hết, chắc là thầy bảo sắp sang đón Nga! An nuốt nước bọt: - Nga đi với thầy như vậy có ổn không? Nga cười hiền lành: - An yên tâm đi, thầy Chí Huy là người rất chu đáo, những lần thầy chở Nga lên huyện, sợ tay Nga lạnh nên lần nào thầy cũng kéo tay Nga lên phía trước để nắm, có lần thầy còn nhường cả áo khoác của thầy cho Nga nữa! Tự nhiên An thấy tim mình đập nhanh và lồng ngực thở mạnh. Thì ra bấy lâu nay Nga không hề đơn giản chỉ là học sinh giỏi nên được chú ý của thầy mà tệ hại hơn Nga lại chính là mục tiêu mà thầy đang nhắm đến. Nếu đem lên bàn cân so sánh, trong khi thầy Chí Huy chỉ cần một tay che cả đại dương thì An lại chỉ là một con hải âu bị bỏ rơi cố vỗ đôi cánh mỏi để băng qua đại dương vô cùng tận. An tự cười chính bản thân mình. Ngay cả cái thân này An còn lo không xong, một đứa cù bất không cha không mẹ, không nghề nghiệp ổn định, học hành thì chẳng ra gì, nhà cửa có khi giông bão còn run rẩy lo nó đổ và hơn hết một thứ An mãi mãi không thể có được chính là đường hoàng đến với Nga như bao thằng con trai khác. An có gì mà đòi tranh giành với thầy Chí Huy cơ chứ, ngay cả ganh tị An còn không đủ tư cách thì đường nước nào An có thể thay đổi được cục diện. Nga đứng dậy ra dắt xe từ lúc nào. - An về sau nha, hôm nào mình đi ăn tiếp, bây giờ Nga phải về tắm rửa thay quần áo kẻo thầy qua tới Nga lại để thầy đợi! Lên đó nếu có gì hay ho Nga sẽ mua về tặng An! Nga nói rồi leo lên xe hối hả đạp trên cát. Chỉ trong một chốc bóng Nga đã khuất sau mấy rặng bằng lăng núi mà An vẫn thấy được Nga hồ hởi trông chờ điều thầy Chí Huy sắp mang tới đến nhường nào. Nhìn mấy cái bánh nguội ngắt còn lại trên dĩa, An nuốt mặn đắng xuống cổ họng. Một con kiến đang vùng vẫy trong xô nước rửa tay đầy váng mỡ. An lấy chiếc đũa bắt qua cái xô. Con kiến mừng rỡ đu lên chiếc đũa rồi bò vùn vụt lên thành xô, chuyền nhanh xuống cát, mất dạng. Tự nhiên An bật cười. Nếu mình chính là con kiến đang vùng vẫy đó và biết đâu ai đó bất chợt đưa mình chiếc đũa thì sẽ thế nào. Một luồng sáng thình lình loé lên trong đầu An. Không sao cả, mình vẫn còn cả một tương lai phía sau. Đời người ai biết trước được chuyện gì. Có khi sau này thầy Chí Huy lụm khụm vì già đi thì mình lại trở thành một người được mọi người săn đón. Lúc đó nhất định mình sẽ đủ sức lo được cho Nga tất cả và chắc chắn Nga sẽ cảm thấy tự hào khi ở bên mình. An đứng dậy chào cô Tám rồi huýt sáo leo lên xe đạp lao vút đi. *** Thằng Phước thích chí nhìn An cầm phấn vẽ hình lên bảng nhưng vẫn làm bộ nói: - Mày vẽ bài trước cho bà Thi Ân à? An cười nhếch miệng: - Mày nghĩ xem ngoài Thiên Nga, tao còn có hứng để giúp đỡ người nào khác à? Thằng Phước được nước: - Mày làm quá, bả sẽ nghỉ dạy ở đây sớm thôi! An phấn khích: - Đó là điều tao đang muốn làm! Thằng Phước cười thách thức: - Cẩn thận vì nếu như không khéo lại thêm một con 0 xinh đẹp! - Tao đang muốn công khai tống cổ bả ra khỏi cái đảo này để cuộc sống của tao bớt khốn nạn chứ không phải âm thầm, sau lưng như ai đó, nên chẳng cần phải cẩn thận, khéo léo, và sợ! An nói rồi nhanh chóng về chỗ. Thằng Phước liếc nhìn cái hình An vừa vẽ xong trên bảng rồi cũng khinh khỉnh về chỗ ngồi. Cô xuống lớp, Thùy lớp trưởng và Vy cũng giúp cô ôm theo mớ dụng cụ mô phỏng bài học hôm nay xuống tới. Vừa bước vào lớp, thấy cô khựng lại và lặng đi, Thùy nhạy bén nhìn theo hướng cô thì bỗng tái mặt vì hình vẽ trên bảng. Nó hô cả lớp đứng lên rồi lo lắng: - Hôm nay tổ trực nhật sao không xoá bảng? Ai vẽ linh tinh cái gì thế kia? Cả lớp bỗng lao nhao, xì xầm có, cười cợt có. Vy chau mày nhìn chầm chầm cái hình vẽ một bà phù thủy có khuôn mặt bị tô đen gần nửa, bên cạnh là những chú thích thô tục. Vừa về đến chỗ ngồi Vy gay gắt quay sang An: - Là mày vẽ đúng không? An chưa kịp trả lời thì cô đã lấy bông bảng tự mình xoá đi rồi trầm tĩnh cầm thước, ghi tựa đề bài học. - Hôm nay bài khá dài nên cô sẽ không kiểm tra bài cũ mà bắt đầu luôn! Các em có 5 phút để nắm sơ bộ nội dung của bài học hôm nay! An lúc bấy giờ mới tấm tức: - Uổng công tao vẽ cả buổi vậy mà bả cũng vẫn không hề hấn gì! Vy bực mình thật: - Được rồi đó An, chuyện mày giật khẩu trang khiến cô bị xúc phạm, cô đã bỏ qua và xem như không có chuyện gì vẫn còn chưa đủ hả? An lườm Vy: - Mày đừng nói với tao là mày thích bả rồi? Vy bỗng đỏ bừng mặt: - Mày điên à? Tao là đứa con gái bình thường chứ không bệnh hoạn như mày! An cau mày: - Mày vừa nói cái gì? Hôm nay đến ngay cả mày là đứa thân nhất với tao, là đứa hiểu tao nhất, là đứa luôn ra sức giúp đỡ và bảo vệ tao mà cũng nói tao là đứa bệnh hoạn à? Được rồi, thế thì từ nay, nếu việc hoàn toàn không ảnh hưởng đến mày, thì đừng xen vào! Vy thở ra: - Tao xin lỗi, nhưng tất cả cũng chỉ là tao muốn tốt cho mày! An à, nghe lời tao, dừng ngày mấy cái trò xúc phạm người khác như vậy đi! An thách thức: - Mày yên tâm, đó chỉ là mới bắt đầu thôi! Và nếu chưa diễn biến phức tạp để gây ra hậu quả thì tao sẽ không bao giờ kết thúc nó dễ dàng như vậy! Vy nuốt ực xuống cổ họng: - Vậy thì cái hải đăng nhảm nhí gì đó, mày tự mình làm cho Thiên Nga đi! - Thuận An! Sang Vy! Cô thình lình lên tiếng. An vẫn khinh khỉnh ngồi yên vị trí. Vy trầm tĩnh đứng lên: - Cô gọi em! Cô hiền lành nói: - Nảy giờ trông hai em trao đổi khá say mê, bây giờ hai em hãy mang theo sách chia nhau lên bảng tóm gọn ý bài học hôm nay giúp cô, nếu chính xác, em sẽ có cột kiểm tra miệng và em Thuận An sẽ có cột kiểm tra miệng khác thay vì điểm 0 trước đó! Vy mừng rỡ nhìn sang An: - Mày có đang nghe cô nói gì không? Đây là cơ hội để mày gỡ điểm đó! An lườm lườm, vẻ bất cần: - Cơ hội gì, mày không thấy bả đang móc méo tao với mày hả? Cái gì mà trao đổi khá say mê? Mày muốn thì cứ lên một mình đi! - Được rồi, mày muốn nghĩ sao thì nghĩ! Tao mặc kệ mày! Vy nói rồi tức tối cầm sách đi thẳng lên bảng. Những con chữ ngay ngắn bắt đầu hiện lên tấm bảng lổm chổm mối ăn và ghồ ghề vì sơn lại nhiều lần, cho thấy dù có xảy ra chuyện gì thì với việc học Vy luôn nghiêm túc. Cô hài lòng nhìn Vy bằng đôi mắt ngập nước, không biết có phải vì hình vẽ thô tục lúc nảy hay vì con bé đứng trước mặt nhưng sao giờ lại thấy xa vời. Lặng đi một lúc, cô bỗng giật mình chớp mắt cho thứ gì đó thật đáng ghét rớt ra rồi vội vã dùng ống tay lau đi. - Thuận An, sao em không lên bảng? An vẫn ngồi câng câng nhìn ra cửa sổ như không nghe thấy. - Thuận An, nếu cô nói một lần nữa mà em không lên bảng, thì cô sẽ báo lại với cô hiệu trưởng, năm sau em không cần dự tốt nghiệp, em đồng ý chứ? Lần này An mới chịu mang ánh mắt căm ghét sang nhìn cô rồi đứng dậy đi thẳng lên bảng. - Sang Vy, em xong rồi thì cứ về chỗ, nhường lại sách cho bạn! Phía dưới lớp bắt đầu có những tiếng xì xầm. Thằng Hậu nhăn mặt: - Sao tự nhiên bữa nay bả khó lại vậy mày? Con Yến cũng cau mày: - Hay là bả tức cái hình vẽ lúc nảy? - Cũng có khi mấy ngày qua là bả giả vờ dễ tính, không để ý xem tụi mình thế nào, chết rồi, có khi nào mấy ngày qua bả đã nghe và nhớ hết những gì tụi mình nói không? Bả mà báo lại với cô hiệu trưởng thì tụi mình chết là cái chắc! - Chắc không đâu, con An giật khẩu trang của bả mà bả còn không nói năng gì, bả đâu có dại mang chuyện tụi mình xài xể bả ra kể cho thiên hạ! - Mà công nhận bữa đó nhìn mặt bả thấy ghê thiệt, cái bớt gì mà y như bị người ta đánh ghen tạt axít! - Coi bà Phượng già hơn vậy chứ mà còn dễ nhìn hơn bả, thấy bả trắng trẻo, nhỏ nhắn, ai cũng nghĩ bả đẹp, vậy mà... - Lúc bả mới về con An là người háo hức nhất, ai dè bây giờ nó lại là người ghét với muốn tống cổ bả đi sớm nhất! - Nghe đâu con Vy thích bả hay gì đó, bữa trước tao làm cá bên nhà nó, thấy bả tới kiếm nó rồi nó xách xe đạp chạy theo bả luôn! Thằng Phước thở dài: - Lớp mình xuôi xẻo có mình con An bệnh hoạn đã đành, bây giờ lại thêm một con Vy! Đúng là những đứa bệnh hoạn thường chơi chung với nhau! - Chắc con Vy bị lây từ con An, chứ trước giờ nó chỉ toàn lo học, có yêu đương nhăng nhít gì đâu! - Mà hình như lúc đầu con Vy cũng giống tụi mình, tưởng bả đẹp nên mới tính theo đuổi hay gì đó, nhưng từ khi thấy cái mặt quỷ của bả, nó cũng bơ bả luôn rồi! Ủa, đang nói ngon lành mà, bộ tao nói có gì không đúng hả? Thằng Hậu vừa nói đến đó thì cô lên tiếng từ phía sau lưng: - Các em nói đủ chưa? Thằng Hậu giật mình rụt tay khiến quyển sách của nó rớt xuống đất. Cô trầm tĩnh cúi xuống giúp nó nhặt lại để lên bàn. Thằng Hậu rụt rè đứng lên: - Thưa cô, em xin lỗi! - Xem bài đi! Lát nữa cô sẽ hỏi! Cô nói rồi đi thẳng lên bụt giảng. Cả lớp lặng thinh. ... Tan học, cô vào nhà vệ sinh thì bắt gặp Thiên Nga đang nói điện thoại và cười một mình. Cô không cố ý nghe lén nhưng thật sự những câu chữ đó lại vô tình lọt vào tai cô. Nga giật mình tắt điện thoại khi biết được có người đi vào. - Thưa cô! - Giờ cũng muộn rồi, sao em còn chưa về? - Dạ...em về đây ạ! Nga nói rồi vội vã quay lưng chạy đi nhưng cô đã kịp lên tiếng: - Thầy Chí Huy mua điện thoại cho em sao? Nga chau mày vì không hiểu tại sao cô lại biết: - Là cái cũ thầy không dùng tới thôi ạ! Cô bước tới gần Nga: - Dù là cũ hay mới, nhưng cái quan trọng cô muốn em hiểu... Nga cắt ngang: - Em hiểu rồi ạ, em xin phép! - Nói thật lòng cho cô biết, em có thấy ấm ức chuyện cô để em Yến Thanh làm lớp trưởng thay em không? Nga cúi gục đầu: - Không...không hề ạ! Cô gật đầu nói: - Vậy...em có biết chuyện em Thuận An đã vì chuyện của em mà càng lúc càng có thái độ không tốt hay không? Nga yên lặng. Cô bước tới gần hơn: - Em không hề có tình cảm với người đồng giới, nhưng tại sao em lại không nói rõ việc này với Thuận An mà còn luôn tỏ ra đón nhận? Nga ngẩng đầu lên: - Em có nói rõ, nhưng là bạn ấy tự cố chấp theo đuổi em thôi! Mà nhất là khi không tự nhiên lại có người giúp đỡ mình thì dại gì mà từ chối hả cô? - Nhưng em không có tình cảm thì đừng gây lầm tưởng cho người khác như vậy chứ? Em có biết bởi vì em mà em Thuận An đã liên tục có những hành động gây ảnh hưởng đến hạnh kiểm và học lực của bản thân em ấy hay không? - Là bạn ấy tự chuốc lấy thôi, em không ép buộc cũng không hề sai khiến bạn ấy phải làm bất cứ chuyện gì cho em cả! Tự dưng khi không cô lại chỉ trích em, cô đã có những việc làm hơi thái quá rồi đó! Mà...cô nói em nhưng sao không tự nhìn lại bản thân mình đi, hình như bạn Vy cũng đang có ý với cô và cô cũng đón nhận những quan tâm của bạn đấy một cách ích kỷ đó thôi! - Cô không có! - Vậy là...cô có tình cảm với người đồng giới chắc? - Cô... - Em đã từ chức lớp trưởng để đổi lấy bình yên cho bản thân, thế là đủ lắm rồi, cho nên, mong cô về sau đừng xen vào chuyện của em! Cô định nói gì đó để phản bác điều Thiên Nga vừa nói thì phía sau lưng, giọng của An đã thình lình vang lên: - Thì ra là cô đã tạo sức ép để Thiên Nga tự từ chức lớp trưởng? Tại sao cô lại làm như vậy? Cô giật mình nhìn sang An: - Em đã đến đây từ lúc nào? Sao từ nảy đến giờ em không lên tiếng? Rốt cuộc em đã nghe thấy được điều gì rồi? An đẩy Nga ra sau lưng mình: - Cô không cần biết tôi đến đây từ lúc nào và đã nghe được những gì, nhưng tiện đây, tôi muốn lặp lại cho cô hiểu, đừng tưởng từ thành phố về đây thì tự do lên mặt, muốn làm gì thì làm, cô đụng ai thì được, nhưng đụng tới Thiên Nga thì không xong với tôi đâu! An nói rồi kéo Nga bỏ đi. Cô lặng người nhìn theo, dường như muốn thốt lên gì đó nhưng không thể. ... - Sao muộn như vậy mà An còn chưa về? Nga nhớ bữa nay An đâu có học phụ đạo? - An ra nhà xe, thấy xe Nga vẫn còn đó mà đợi lâu quá không thấy Nga nên mới đi tìm! Mà tại sao Nga với bả lại đôi co trong nhà vệ sinh, có phải bả bảo Nga vào trong đó để cảnh cáo riêng không? Nếu không thể chịu đựng được nữa thì Nga có thể báo lên để cô hiệu trưởng đổi chủ nhiệm mà, tội gì phải tự làm khó bản thân như vậy? Nga thở hắt ra: - Cô hiệu trưởng có vẻ rất thân thiết với bả nên không phải Nga muốn báo những thứ linh tinh gì là báo đâu! An gằn giọng: - Chẳng lẽ vì thế mà Nga chịu đựng để bả tiếp tục lấn lướt Nga như thế? Có chủ nhiệm như vậy làm sao Nga có thể yên tâm học tốt được? Nga bỏ cặp vào rổ xe: - Thôi cứ kệ bả đi, dù sao lúc nảy Nga cũng đã nói rõ và An cũng đã cảnh cáo bả rồi còn gì, chắc bả không làm gì Nga nữa đâu! An nắm cổ xe Nga: - An học dở lại nằm trong tốp học sinh cá biệt, bả nhắm vào An đã đành, còn Nga, tại sao bả lại nhắm vào Nga như vậy chứ? Vì Nga xinh đẹp, Nga học giỏi hay sao? Là bả đang ganh tị với Nga? Như vậy thì quá đáng vô cùng! Nga lặng đi một lúc rồi hướng An: - Hình như bả thích Vy đó, An thấy Vy nghĩ sao về bả? An chớp mắt không quan tâm nhưng vẫn trả lời Nga: - Cả trường này đâu phải mình An, học sinh tất cả các khối đâu ai ưa gì bả, chỉ là do hạnh kiểm với điểm số nên tụi nó còn nể mặc, không ai dám làm gì bả, có con Vy chẳng hiểu vì sao từ lúc bả về đây cứ lẽo đẽo kè kè theo bả, không biết có phải để lấy lòng bả vì sau này môn nó phải thi để vào được trường y là môn của bả hay không, nhưng mà An có thể khẳng định một điều là nó không hề thích bả, nó mắng An là đồ bệnh hoạn vì An thích con gái nên An với nó chút nữa đã trở mặt nhau, với cả, nếu như nó có giống như An và thật sự có tình ý gì với bả thì chẳng qua do nó nghĩ bả đẹp thôi, vì từ khi thấy được khuôn mặt quỷ của bả, hình như nó cũng không còn quan tâm bả như trước nữa! Nga đẩy nhẹ tay An: - An! Bả ở đằng sau kìa! An theo quán tính quay lại thì thấy cô đang dắt xe đạp ra khỏi nhà xe nhưng hình như lại lựng khựng cái gì đó. An khinh khỉnh không quan tâm: - Sao lúc nào An với Nga đứng ngoài này cũng đều gặp bả hết vậy? Nga liếc nhìn cô rồi giải thích: - Bả hay ở lại văn phòng làm giấy tờ gì đó nên về trễ hơn mấy thầy cô kia! Mà...hình như cái xe của bả bị cái gì thì phải? An cười nhếch mép: - Là An đó! Nga chau mày: - An nói gì Nga không hiểu? An kề sát vào tai Nga: - Lúc nảy đợi hoài không thấy Nga ra, quay qua quay lại sẵn thấy cái xe của bả, An tháo mất một con ốc ở ngay cổ xe, lát nữa thế nào lúc chạy lên mấy cồn cát gặp gió ngược bả cũng bị té lộn cổ cho mà coi! Nga nhăn mặt: - Sao An dám làm như vậy? Nhỡ như bả có chuyện gì thì phải làm sao? An bụm miệng Nga: - Nga nói nhỏ nhỏ thôi, bả nghe được bây giờ! An chỉ muốn cho bả nghỉ dưỡng ở nhà vài ngày thôi mà! Nga liếc nhìn cô thêm một lần nữa rồi dắt xe. - Nga về trước đây, An chơi xấu quá, nhỡ mà bả có xảy ra chuyện gì thật thì... Úi! Nga nhăn mặt lấy từ từ ống quần ra khỏi cái cột. Một mẩu kẹo gum ai đó nhai rồi dán lên cột làm Nga đụng phải. - Chết cái quần của Nga rồi! - Nga ở yên đó, để An lấy ra cho! An xé giấy tập cúi xuống khéo léo kéo từ từ kẹo gum ra khỏi quần Nga. Một cơn gió không biết từ đâu vô tình thổi tới làm cát bay lên mắt An, An hơi choáng liền đưa một tay lên dụi mắt nhưng tay còn lại vẫn không rời khỏi miếng kẹo gum đáng ghét làm Nga khó chịu. Không biết vô tình thế nào mà cùng lúc đó cô lại nhìn sang An và Nga. Rõ ràng đây không phải lần đầu cô thấy An chăm sóc chu đáo cho Nga như vậy, và mặc dù thừa biết đó là chuyện tình cảm không nên có nhưng chẳng hiểu tại sao cô vẫn thấy ấm lòng và ngưỡng mộ mỗi khi nhìn thấy cảnh tượng ấy. Không biết trong đó có ganh tị không mà cô biết chắc chắn vì đã lâu lắm, kể từ lúc người chồng mà cô yêu thương đã tàn nhẫn bỏ rơi cô đến nay, cô không còn nhận được bất kỳ một yêu thương nào từ ai đến nổi có lúc cô thấy mình thèm thuồng một bàn tay nào đó có thể nắm chặt lấy tay mình đến móp méo con tim. Tự dưng trong đầu cô lại bỗng hiện lên hình ảnh của Vy, nụ cười của Vy và cả giọng nói của Vy nữa. Cô lạc vào trong cơn mơ một lúc rồi bỗng tỉnh giấc lắc lắc đầu. Không được, cô đã lại đang nghĩ cái gì thế này. Có phải vì cô đã thèm thuồng tình yêu đến mức có ảo tưởng với cả người đồng giới, mà hơn nữa lại còn là học sinh của mình, có tuổi đời nhỏ hơn mình rất nhiều và thậm chí bây giờ còn tỏ ra xa lánh mình. Những lần như thế này, cô vẫn không thể nào ngừng vô thức đặt tay lên một bên mặt như nhắc nhở, qua lớp khẩu trang, tự dưng cô lại thấy những kinh tởm trong mình trỗi dậy. Một cái vỏ ốc ruốc lấp lánh dưới chân cô. Cô cúi xuống nhặt lên cẩn thận bỏ vào ngăn giỏ. Từ lúc Vy bảo với cô rằng nếu có được một nghìn chiếc vỏ ốc ruốc nguyên vẹn thì điều ước của mình sẽ thành hiện thực, ngày nào cô cũng nhìn xuống cát rồi tìm vỏ ốc mang về bỏ vào lọ đến hoa cả mắt, thậm chí có người còn nghĩ cô bị đánh rơi vật gì đó nên cố tìm. Thế mà hôm nay cô lại không buồn đi tìm cái vỏ ốc nào mà chỉ vô tình nhặt được một chiếc ngay dưới chân. Liệu rằng điều ước như Vy nói đó có khả năng trở thành hiện thực khi cô có được một nghìn chiếc vỏ ốc không? Nhưng cô sẽ ước gì bây giờ? Là có một khuôn mặt hoàn hảo để người đời không xa lánh hay một tình yêu để đôi tay cô sẽ không còn lạnh? Cô leo lên yên xe rồi cắm cúi đạp lúc nào không hay. Cô thấy mình cô đơn quá. ... Chạy đến ngã ba, cô định rẽ qua chợ để mua thêm ít gia vị thì thấy Vy từ xa đang đạp xe vào một con hẻm nhỏ, sau yên là cuộn lưới to nhưng rối mù, có lẽ là lưới cũ Vy xin được từ nhà ai đó. Cô cố tăng tốc bàn đạp để gọi Vy nhưng dường như cô càng muốn nhanh thì bánh xe càng chậm lại. Cát dày cộm khó di chuyển có lúc khiến cô suýt đâm vào mấy bụi dứa dại thò ra gần đó. Chạy được một lúc, chiếc xe đạp bỗng phát ra những âm thanh canh cách khó hiểu, trước khiến cô không làm chủ được tay lái, sau bắt đầu đảo và cổ xe dời khỏi bánh trước. Cô ngã nhào xuống cát. Tiếng đau thất thanh khiến Vy đang tập trung nghĩ gì đó giật mình bóp thắng. Theo quán tính Vy quay lại nhìn hướng vừa có tiếng người. Vy vòng tay mình qua vai cô: - Cô, cô có sao không? Sao lại ngã đến như thế này? Cô có ngồi dậy được không? Hình như chân cô đau nhưng cô đang phải dùng cả hai tay dụi mắt. - Cát bay vào mắt cô rồi Vy! Vy lo lắng gỡ tay cô: - Cô đừng dụi nữa, để em xem nào, cô dụi mạnh sẽ làm tổn thương mắt đó! Cô cố mở đôi mắt đỏ ngầu lên nhìn Vy rồi nhíu lại: - Nó xốn quá, cô không mở được! Vy nâng khuôn mặt cô lên sát mặt mình rồi nhẹ nhàng dùng tay vạch hai mí, kê miệng lên thổi, vừa thổi vừa quan sát. Sẵn vạt áo, Vy kéo một góc chấm lên mắt cô. - Được rồi, cô thấy đỡ hơn chưa? Cô chớp chớp, dụi dụi một lúc: - Hết rồi, cô không còn thấy xốn nữa! Cô cảm ơn Vy nhiều lắm! Ơ...xe đạp của cô! Cô định ngồi dậy để dựng xe đạp thì một cơn đau khác lại ập đến khiến cô phải nhăn mặt lại, ôm lấy chân mình: - Mình lại làm sao nữa thế này? Vy nhìn chân cô rồi thở dài: - Trời ạ, sưng húp cả lên, cô bị bong gân mất rồi, cô đừng cử động, để em qua nhà bên kia xin ít muối xoa cho cô thử xem sao! Cô níu tay Vy: - Thôi Vy, cô ngồi một chút xem có đỡ hơn không! - Được rồi, để em xem cái xe cô thế nào rồi em đưa cô về, phải lấy dầu thắp đèn trộn với muối mang bóp liền không thì cố gắng cử động lại ảnh hưởng tới xương! Vy nhíu mày dựng cái xe lên xem xét: - Chẳng phải hôm trước ba em đã kiểm tra ốc vít hết cả rồi sao, sao hôm nay lại ra thế này? Cô áy náy: - Cô cũng không biết nữa, lúc nảy vẫn đang chạy bình thường, tự nhiên có tiếng lạch cạch rồi sau đó chiếc xe lảo đảo... - Hình như có ai đó tháo mất một con ốc trên xe cô rồi! Mất cả cái ron thế này, đúng ra cô sẽ gặp nguy hiểm nhưng cũng may là cô chỉ bị bong gân! Cô nhíu mày: - Hay có khi nó lỏng rồi tự rớt ra không hả Vy? Mà nếu có người tháo thì là ai đã làm như vậy với cô chứ? Vy lắc đầu: - Ở vị trí này dù có lỏng thế nào thì con ốc và cả miếng ron cũng không thể rớt ra rồi biến mất như vậy được, nảy giờ em có nhìn thử xung quanh nhưng không thấy! Mà thôi không nói nhiều làm gì, để em gửi cái xe vào nhà bên đó rồi em đưa cô về, xong xuôi em sẽ quay lại lấy cái xe về nhà để ba kiểm tra kỹ xem có còn chỗ nào nguy hiểm nữa hay không! Cô ái ngại: - Khi không cô lại bị như thế này, làm phiền em hết lần này tới lần khác! Vy ôm cái xe lên trông nhẹ tơn: - Là ai trong trường hợp này cũng sẽ giúp cô giống như vậy thôi, không phải chỉ riêng một mình em nên cô đừng nghĩ ngợi gì nhiều, huống chi em lại còn là học sinh của cô, cô chờ em một tí em sẽ quay lại ngay!
|