Lời Hứa Với Ngọn Hải Đăng
|
|
- Dầu với muối em để ở đây, nó tuy hơi hôi một chút nhưng hay lắm, nếu cô thấy khó chịu lúc nào thì cứ mang hai thứ trộn lại rồi xoa lên chỗ bầm sẽ dễ chịu hơn! Cô ngồi dựa lưng trên thành giường, lo lắng nhìn Vy: - Hay để cô xuống bếp nấu ít cháo, em ăn rồi hãy về! Vy bật cười: - Chân cô thế này mà đòi nấu cháo, chẳng lẽ bắt em bế cô xuống bếp hay sao? Khuôn mặt cô xụ xuống sau lớp khẩu trang: - Cô xin lỗi! Làm mất thời gian của em cả một buổi chiều, lại không có hạt cơm trong bụng, chắc là em đói lắm! Vy yên lặng không nói mà chỉ mỉm cười đi thẳng xuống bếp rồi nhanh chóng trở lên, trên tay là một tô cháo nghi ngút khói. Cô ngạc nhiên: - Em nấu khi nào thế hả Vy? Vy đặt tô cháo lên một cái ghế rồi kéo lại gần cô: - Cô lo em đói mà sao không nghĩ mình cũng đang đói cơ chứ? Lúc nảy thấy cô có vẻ mệt nên thiếp đi, em tranh thủ xuống bắt ít gạo rồi sẵn cá khô cô để dưới bếp, em cắt vào thôi, cô ăn nhanh đi cho nóng! Cô ngước đôi mắt ngập nước lên nhìn Vy: - Em chu đáo quá! Vy ngồi mớm xuống mép giường: - Cô là giáo viên của em mà, cô không khoẻ thì bài học của em cũng không thể trọn vẹn, thế nên, lo cho cô nếu có thể chính là nghĩa vụ của em! - Em ăn chung với cô nha! Vy gật đầu mỉm cười. - Để em xuống lấy chén muỗng! Cô nhớ ra gì đó nên hồ hởi gọi Vy: - Hôm trước cô có sang mua ít mắm mực của ngoại An, để cô lấy mình ăn chung với cháo! Vy ngạc nhiên quay lại: - Cô sang nhà An khi nào sao em không nghe nó bảo? Mà chân cô như vậy làm sao đi được, cô để ở đâu em lấy luôn thể! Cô bật cười: - Cô lại quên mất, cái chân này không biết đến khi nào thì mới hết! À, cô để trong cái vại có nắp đậy ở góc bếp, em cứ bước xuống, nhìn xiên về phía tay trái của mình thì thấy ngay! Vy dùng kéo cắt con mực căng nõn thành nhiều miếng nhỏ bỏ vào tô cháo. - Cô không mở khẩu trang thì ăn thế nào? Cô cúi đầu chần chừ một lúc rồi ngước lên nhìn Vy: - Cô mở ra rồi...em có sợ không? Vy đang múc ít cháo từ cái tô sang cho mình bỗng bật cười: - Em đã thấy khuôn mặt của cô rồi mà, đâu phải em chưa thấy? Cô dè dặt: - Cô sẽ quay sang hướng khác để ăn! - Vậy mà cô bảo em ăn chung với cô, cô quay sang hướng khác thì ăn chung thế nào? - Cô... Vy lại bật cười: - Em đùa thôi, em sẽ sang bên kia ăn, cô cứ thoải mái đi, em sẽ không khiến cô khó chịu đâu! Vy nói rồi cầm chén cháo đứng dậy thì cô lên tiếng: - Em...không cần phải đi đâu, ở lại đây ngồi ăn với cô! Vy chớp mắt nhìn cô. Cô chần chừ thêm một lúc nữa rồi run run giở khẩu trang bỏ vào túi áo. Đây là lần thứ hai Vy lại được nhìn cận khuôn mặt này. Thật sự nó cũng bắt đầu quen với Vy rồi nhưng sao những vết loang lổ đó vẫn còn khiến Vy cảm thấy dè dặt khi đối diện. Người ta nói đúng, cái hoàn hảo thì luôn thu hút tất cả mọi thứ, còn cái không tròn vẹn thì có ai cảm thấy dễ chịu với nó bao giờ. Vy suy tư một lúc rồi buồn bã cúi đầu múc cháo ăn như né đi. Cô cầm muỗng quấy quấy tô cháo thơm lừng mùi mắm mực, thi thoảng có len lén nhìn Vy nhưng hình như Vy có vẻ không muốn nhìn mình nên cô cũng buồn bã múc ăn trong yên lặng. Được một lúc, tiếng canh cách của chiếc muỗng va vào tô nghe khô khốc khiến cô không chịu được nữa đành lên tiếng: - Mắm mực của ngoại An đúng là ngon thật đó, mùi tỏi, ớt, hành phi có đủ! Vy chỉ nhướng mắt lên một chút rồi cụp mi không buồn nhìn cô: - Nếu cô để ý kỹ thì trong mắm còn có cả sả nữa! Ngoại An rất khéo, cá khô nhà nó phơi nắng xong con nào cũng chín đều, nguyên vẹn, thịt chắc, trong, vàng ươm nhìn rất ngon! - An chỉ ở với mình bà ngoại thôi hả Vy? - Ông ngoại nó mất lâu rồi, nó không có ba, còn má nó...má nó thì... Cô nheo nheo mắt: - Má An, có phải là cái người mà mấy em học sinh lớp dưới hay nhắc đến rồi chế giễu không? Vy khéo léo vét muỗng cháo cuối cùng: - Thật ra, má nó làm gái trên thành phố, hình như từ lúc sinh nó ra tới bây giờ, má nó chỉ về thăm nó có đúng một lần vào năm nó lên sáu tuổi, tặng cho nó một con búp bê rồi lại đi biền biệt, không thấy về nữa! Cô lặng đi: - Tội nghiệp cho em ấy, chắc em ấy cảm thấy bị tổn thương nhiều lắm! Nghe đến đây Vy bỗng bật cười: - Em không biết nó có hận má nó nhiều rồi hoá tỉnh luôn hay không, mà mỗi khi nghe được có người bỡn cợt chuyện của má nó, nó còn tung hứng theo rồi vui vẻ pha trò nữa là! Cô chớp đôi mắt nặng trịch: - Cô nghĩ An còn vô tư lắm, mọi chuyện hành xử thì cứ y như một đứa con nít, không chịu tìm rõ nguyên nhân mà lúc nào cũng ăn thua đủ thì mới thôi, hay đốp chát, cụt mịt, không có giống như em! Vy ngước mắt lên nhìn cô. Khuôn mặt cô tuy tối thật nhưng lại như ánh lên sau câu nói đó. - Không có giống như em, nghĩa là sao hả cô? Lúc nảy ăn cháo cô còn mong Vy ngước lên nhìn mình nhưng sao tự dưng lúc này ánh mắt Vy lại khiến cô cảm thấy vô cùng xấu hổ và tự ti, cô cúi đầu, dè dặt: - An không giống như em, vì tuy tuổi đời hai đứa đều ngang bằng nhau nhưng em lại trưởng thành, hiểu chuyện, cách ứng xử cũng chậm rãi, từ tốn, vừa mình vừa người! Cô thật sự rất thích điều đó ở em! Vy cười hiền lành: - Em thấy vẫn có rất nhiều người giống như em mà, chỉ có An mới là cá biệt thôi! Cô ngẩng mặt lên: - Nhưng ngoài em, cô không còn biết có ai khác nữa cũng giống như vậy! - Nếu không có vết bớt này, chắc chắn là cô sẽ đẹp lắm! Vy thình lình nhìn sâu vào mắt cô rồi lên tiếng khiến cô giật mình, theo quán tính, cô vội vã lấy khẩu trang đeo lên mặt. Rồi như lớp vỏ vững chắc của ốc mượn hồn, qua lớp khẩu trang, cô bỗng tự tin thấy rõ: - Cô biết mình đang ở đâu mà! Em không cần phải nói như thế cho cô vui đâu! Vy chớp mắt nhìn cô: - Cô biết em thích nhất điểm gì nhất trên khuôn mặt cô không? Chính là đôi mắt những lúc tự tin và kiên nghị giống như thế đó, nó biên biếc như ánh lên cả đại dương mênh mông! Thôi cũng tối rồi, để em đỡ cô xuống rửa mặt rồi em về! Cô lại thấy áy náy dâng lên tròng mắt: - Em cứ yên tâm về đi đừng lo cho cô! Cô tự đi được mà, hình như đã bớt sưng nhiều rồi, nhờ em xoa dầu lúc chiều đó! Vy cười trìu mến: - Vậy thì em yên tâm rồi, để em dọn mớ này rồi tranh thủ về để còn sang lấy cái xe của cô nữa! Cô nhíu mày lo lắng: - Ý chết, em không nói cô cũng quên mất, rồi làm sao em mang xe cô về nhà em được? Vy bật cười: - Em có cách của em mà, cô đừng lo, miễn hôm sau em mang qua đây một chiếc xe nguyên vẹn và an toàn cho cô là được! Vy nhanh chóng ôm mớ tô chén xuống sàn nước rửa sạch, úp lên cẩn thận sau đó lấy một ly nước lọc quay trở lên: - Cô uống nước rồi nghỉ ngơi đi, lát nữa có muốn tắm nhớ cẩn thận, bây giờ em phải về rồi! Cô gật nhẹ đầu: - Cô biết rồi, em về cẩn thận đó! Vy lặng lẽ dắt xe ra về, không quên giúp cô đóng cổng. Trong bóng đêm lác đác mấy con đom đóm soi tỏ, bóng Vy chập chờn trên cát. Còn lại mình cô trong ngôi nhà ấm áp của bác Quân, cô bỗng thấy con tim mình rộn rã, vậy là Vy vẫn còn lo lắng và để ý đến cô nhiều lắm chứ không lạnh nhạt như mấy ngày qua cô đã tự suy diễn rồi thất vọng. Thôi thì cô đã không cần quan tâm rốt cuộc là ai đã cố tình tháo ốc xe đạp của mình vì bây giờ chắc cô còn phải biết ơn người đó nữa. Cô lật chăn lấy lọ thủy tinh đã đựng được khá nhiều vỏ ốc ruốc mà buổi tối cô hay ôm để ngủ, chợt nhớ đến cái vỏ mình mới nhặt thêm được hôm nay, cô với tay kéo giỏ xách thì ôi thôi nó đã vỡ mất. Cô nhíu mày tiếc nuối rồi theo thói quen lại cẩn thận đổ cái lọ ra giường và ngồi đếm- 200, 201! Vy ơi, cô đã để được 201 chiếc rồi này!- Cô lẩm nhẩm một mình, hạnh phúc và hy vọng chợt vẽ lên nụ cười trong ánh mắt.
***
Chủ nhật ngày nắng rất chói chang nhưng cô lại thong thả đạp xe và hướng mắt xuống cát. Cứ thấy lấp lánh thì lại mừng rỡ bóp thắng rồi cời cát để nhặt. Từ sáng đến giờ cô đã tìm được mười mấy chiếc vỏ ốc rồi. Xem ra hôm nay cô may mắn quá. Cô cẩn thận thổi cho hết cát rồi nâng niu bỏ vào ngăn giỏ, đoạn lắc lắc lại bình dầu trong vắt, xốc xốc lại mớ ngũ cốc ngon lành cô mới mua được trên huyện lúc sáng. Nhìn về ngọn hải đăng vẫn còn chìm trong màn sương giăng mắc, cô tăng tốc bàn đạp, lòng bỗng thanh thản nghĩ đến bác Quân và Châu Phụng. Ra đến mé biển, cô dừng xe đạp để đợi quá giang sang ngọn hải đăng. Giờ này đã nửa trưa, tàu thuyền đánh bắt vừa về lúc khuya cũng lại ra khơi mất rồi, giờ chắc chỉ còn những người trong xóm mang thuyền thúng đi giăng lưới. Biển dưới nắng sóng sánh lạ lắm. Cứ chốc chốc lại xô những làn sóng con con trông như bức màn bạc. Trên cát lấp lánh, cô ngẩn người đứng dưới làn nước mát lạnh, bọt trắng xoá có lúc vô tình mang vào chân cô những con ốc phù du chỉ nhỏ bằng đầu bút bi. Cô cúi xuống nhặt, đưa lên mắt thích thú quan sát, đoạn lại tranh thủ cời cát tiếp tục tìm vỏ ốc ruốc. Cô say mê đến nổi có lúc sóng lớn ập đến tắp vào mặt mặn chát như một cơn mưa rào, vậy mà cô vẫn như một đứa trẻ con, vuốt qua một cái rồi tiếp tục lạc vào thiên đường của mình. Hôm nay là ngày gì thế nhỉ, chúng không trốn khỏi mắt cô như thường ngày nữa mà cứ nằm trơ trơ phơi mình ra đó. Chỉ trong một chốc mà cô đã lại nhặt được hơn mười chiếc nữa rồi. ... Hôm nay cô cũng đứng ở ngọn đèn nhưng không vì trách nhiệm như lần trước mà là vì cô nhớ bác Quân, nhớ Châu Phụng. Kính cẩn thắp nhang xong xuôi, cô nhanh chóng mở gói giấy có đủ thứ loại hạt rồi hướng mắt sang Châu Phụng đang niểng niểng đầu nhìn cô trên ô cửa sổ. - Châu Phụng ngoan nào, xuống đây, cô có quà cho Châu Phụng nè! Châu Phụng rụt rè bay vút sang chỗ bác Quân như đứa bé gái mắc cỡ nép vào lòng ba. - Châu Phụng ngoan, là cô giáo cho con đó, mau sang bên đó cảm ơn cô giáo đi! Bác Quân nói rồi gật gật đầu hài lòng nhìn Châu Phụng ngoan ngoãn bay tới chỗ cô. Nó thích thú ngắm nhìn những hạt ngũ cốc bóng mẩy: - Cám ơn cô! Cám ơn cô! Cô vuốt nhẹ lên bộ lông Châu Phụng và đứng nhìn nó xốc ăn ngon lành. Chiếc mỏ đen tuyền xinh xắn mổ rất khéo, không văng đi hạt nào. Tiếng đẽo đá của bác Quân ngoài kia thình lình vang lên khiến cô hiếu kỳ. - Hôn nay cô giáo lại lên huyện nữa à? Cô cẩn thận bước trên từng mảng đá tai mèo xấp xổm tiến tới gần chỗ bác Quân. - Tự dưng cháu nhớ Châu Phụng nên muốn mang ra đây cho nó một ít ngũ cốc! Cô nói rồi tập trung quan sát. Bác Quân đang đẽo bớt đá để nhường chỗ trống cho cái cây phía dưới. - Ở đây chỉ toàn đá trơ xám lại thiếu nước ngọt, nhưng chúng vẫn xanh tốt bác nhỉ? Bác Quân sửa lại nhánh cây theo hướng sáng: - Chúng tuy trông xanh tốt thế mà lại không khoẻ bằng những thân cây tự mình cựa quậy trong đá để đứng lên! Cô khụyu chân nâng một ngọn cây khỏi khe đá: - Để sống được ở nơi khắc nghiệt như thế, chắc là chúng phải vận hết nội lực để chắt chiu từng chút một! Bác Quân vẻ rất hài lòng với đám cây của mình: - Chắc cũng nhờ vậy mà tất cả chúng đều có dược tính tốt! Cô quan sát tỉ mẫn từng nhánh cây khó khăn cựa mình len lỏi trong đá, thầm ngưỡng mộ sức sống phi thường của những sinh vật lạc loài trên vùng đảo đá vôi cằn cỗi giữa mênh mông trời biển khô mặn, bên ngọn đèn bỏ hoang đã đổ nát gần hết, một con vẹt bị bỏ rơi đã mù mất một bên mắt và một người đàn ông đã dành gần hết một đời để thương nhớ về người vợ đã khuất của mình. Cô lại hiếu kỳ leo qua những mảng đá để tiến tới gần những chiếc thuyền thúng đã thủng đi nhiều chỗ hoặc vỡ mất đáy nhưng lại được ai đó cố dùng dây mạng lại, chống cọc dựng thành những mái nhà cho đám cây nảy mầm phía dưới. Cô vừa bước đến gần thì Châu Phụng thình lình bay tới rồi thích thú nhảy qua nhảy lại trên những mái nhà được sắp xếp một cách ấn tượng đó như muốn khoe với cô rằng đây là nhà của nó. - Hình như lần trước lúc cháu đến đây, cháu không hề nhìn thấy những mái nhà này bác nhỉ? Bác Quân ngừng tay nhìn Châu Phụng nghịch ngợm: - Con bé biếu dầu trong suốt cho tôi giống cô giáo đã làm cho tôi đấy! Nó tuy còn nhỏ mà thật khéo! Mới tuần trước nó còn khoe với tôi mấy cái tờ giấy nhàu nó vẽ được công trình thiết kế gì đấy, mắt tôi yếu rồi nên không nhìn được rõ lắm, thế mà nó đi gom thuyền thúng hư người ta bỏ thế nào rồi đóng cọc, dựng lên được tuyệt vời như thế đấy! Cô tròn xoe mắt thích thú nhìn những chiếc thuyền thúng đã bị móp méo, thậm chí còn không rõ hình dạng vì mục nát, vậy mà ai đó thật tài giỏi đã khéo léo dựng chúng thành một dãy nhà nhỏ. Hình như còn có một chỗ dành cho Châu Phụng. - Em ấy chắc chắn phải có đôi bàn tay khéo và khả năng sáng tạo rất phong phú mới có thể dựng nên được một kỳ công như thế! Bác Quân cười hài lòng: - Vì ngày nó còn đi học và phụ giúp việc tôm cá nên đã phải mất hai đêm thức trắng để hoàn thành cái đấy, tôi còn chọc nó chắc hẳn sau này nó sẽ thành một kiến trúc sư hay một nhà thiết kế nào đó thật tài năng! Cô như bị thôi miên bởi từng cách mạng dây trên những chiếc thuyền thúng. Từ đơn giản hình một ngôi sao, một đoá hoa đang nở đến cả hình một con chó, con mèo và cả một mái nhà với vườn tược xung quanh. Chỉ là dùng dây để vá lại những chỗ thủng và vỡ nát thôi nhưng có cần phải giăng mắc thành đủ hình dạng xinh xắn đến như thế không. Cô chìm trong một lúc đến nổi bác Quân đã mang ấm trà nghi ngút khói đến bên cạnh lúc nào cô cũng không hay. Bác Quân lên tiếng khiến cô giật mình. - Châu Phụng rất thích cái nhà mà con bé làm cho nó! Trời chưa tối nữa nó đã lại bay vù vào trong đó rồi nhảy nhót và ngủ lúc nào không hay! Cô đưa hai tay nâng tách trà nóng hổi từ bác Quân: - Chắc Châu Phụng rất mến em ấy bác nhỉ? Bác Quân ngồi xuống đá, hớp một chút trà rồi gật nhẹ đầu: - Châu Phụng ít tiếp xúc với người lạ nên nó rất nhát, hoạ may chỉ là những người thường hay ra đây để biếu dầu cho tôi hoặc xin dược liệu về làm thuốc thì nó còn nhảy nhót ở đâu đó để nhìn, chứ còn là người lạ thì nó sẽ trốn ở đâu mất đấy! Cô chớp mắt nhìn Châu Phụng: - Cũng giống như lần đầu cháu mang tiền nhà ra đây, nếu như giữa thình lình bác không gọi thì cháu cũng chẳng biết ở nơi này có sự hiện diện của Châu Phụng! Bác Quân cười hiền lành, đôi mắt díp lại xô hết những nếp nhăn về một phía: - Thế mà mỗi lần con bé ấy chèo thúng ra đến, chưa kịp gác mái chèo nữa là thì nó đã bay vù đến rồi tía lia, khiến có lúc ông già này còn phải ganh tị với cả một con bé! Cô vẫn không rời mắt khỏi dãy nhà bằng những chiếc thuyền thúng ấy, định bụng sẽ hỏi bác Quân con bé ấy tên gì nhưng không biết nghĩ thế nào cô lại thôi. - Con bé ấy đang học lớp mấy rồi bác nhỉ? - Hình như nó đang học 11 thì phải, tôi cũng không rõ lắm, chắc là học trò của cô giáo! Bác Quân nói rồi khom người nhặt một con thòi lòi không biết bằng cách nào lại vào được đây, giơ ngang tầm mắt: - Mi ngốc thật, đi kiểu gì lại chọn vào chỗ chết thế này, lạc vào đám đá thì đường nào mi ra, nếu không có ta thì mi thành thức ăn cho đám cây của ta rồi đấy nhé! Cô bật cười nhìn con thòi lòi người nâu xầm, vây vảnh lên trông rất xấu xí lại dính đầy cát, lòng nghĩ người bác già nổi tiếng khó chịu ở xóm chài chẳng đúng mà thật sự rất hiền lành và đáng yêu. - Chắc là nó thích được lên đảo chơi với Châu Phụng và những cái cây này, vì nó biết nhỡ có chẳng may lạc đường không tìm về được biển thì chắc chắn sẽ có một người bác hiền lành giúp nó trở lại! Bác Quân lại bật cười díp hết cả mắt bởi câu nói của cô. Thật sự nếu không có Châu Phụng thì chắc là thường ngày bác phải cô đơn lắm. Cô theo bác Quân ra sát mé biển để thả con thòi lòi trở lại nơi ở. Nhìn bác cúi xuống dặn dò nó trước khi buông tay mà cô thấy lòng hạnh phúc thế nào. Bác thật sự là một dáng hình mà nếu không can đảm để rời bỏ thành phố ồn ào ấy về đây thì chắc là đến suốt cuộc đời cô cũng không bao giờ tin là có thật. Cả hai đứng lặng người nhìn con thòi lòi mừng rỡ lách trên cát cho đến khi nó thoăn thoắt chùn xuống mất dạng. Vừa rồi chắc hẳn sẽ là một chuyến đầy phiêu lưu của nó. Vừa hay có một chiếc thuyền đã cuộn buồm về ngang. Cô tiếc nuối tạm biệt bác Quân và Châu Phụng để xin quá giang trở về nhà. Mặt trời bắt đầu xuống thấp hơn, tiếng sóng vỗ cũng dần trở nên nhẹ nhõm. Ở xóm chài đã bắt đầu râm ran khói bếp.
|
Thứ bảy, tiết sinh hoạt các lớp lần lượt kết thúc, học sinh hồ hởi chen lấn ra về nhưng lớp Thiên Nga vẫn ngồi yên không động tĩnh. Đã quá mười lăm phút mà tiếng cô vẫn đều đều vang lên không có dấu hiệu kết thúc khiến An đứng nép ngoài cửa sổ càng bực mình. Vy nắm vai An: - Về thôi, kiểu này chắc còn lâu lắm Thiên Nga mới về! An cau mày: - Sao mà bả lắm chuyện vậy chứ, nói cái giống gì cả tiết vẫn chưa xong! - Chắc sắp thi cuối học kỳ một nên cô dặn dò lớp này kia thôi! Mày cứ đứng ở đây như vậy, cô thấy được sẽ không hay đâu! An thụt lùi xuống một chút: - Dặn dò cái gì mà hơn mười lăm phút rồi, không định cho con cái người ta về ăn cơm à? Vy đưa mắt nhìn cô: - Hình như cô có vẻ không được khoẻ! An bỉu môi: - Không được khoẻ của mày là như vậy đó hả, không được khoẻ mà bả nói ào ào như gió lại còn không tính sẽ dừng lại, lúc bả khoẻ chắc như con trâu rống! Vy chép miệng: - Mày cứ thích nói quá lên, tao vẫn thấy cô nói chuyện quãng đãi mà, chỉ có điều sao cô lại cứ ôm bụng! An lăm lăm đôi mắt: - Chắc là đói bụng sôi ruột rồi chứ gì, vậy mà cứ cứng đầu đứng đó nói hoài! - Người ta như vậy gọi là trách nhiệm, chứ cô chủ nhiệm của mình, sinh hoạt lớp thì giao phó hết cho con Thùy rồi ngồi làm việc riêng, như vậy thì ngày tháng nào lớp có tiến bộ! An trề môi: - Sinh hoạt lớp là tiết để giải lao, bà chủ nhiệm của mình làm như vậy là đúng chứ chả sai tí nào, trước thầy Chí Huy còn cho lớp về sớm nữa là chứ ai lại tạo không khí căng thẳng như vậy, trưa nắng rồi, ai cũng đói cũng mệt, chiều đến lại còn phải học thể dục, quốc phòng, phụ đạo các kiểu! Lối đó áp dụng cho bọn thành phố ăn trắng mặc trơn thì được, chứ đám học sinh nhọc nhằn tụi mình mà còn làm khó thì chỉ có ở lại lớp hết! Vy thở hắt ra: - Tao chấp nhận ở thành phố có điều kiện hơn tụi mình nhưng trí tuệ thì ở đâu cũng như nhau cả thôi! Sao mày không tự nghĩ tụi mình tuy không đủ điều kiện vật chất nhưng tụi mình lại bỏ xa được khả năng chịu cực, chịu khổ, nếu cứ mải đổ cho vì không đủ điều kiện thì thật bất công cho trí tuệ của mình! An nhăn mặt khổ sở: - Lần nào nói chuyện với mày cũng toàn ba cái triết lý dài thườn thượt đó, biết chừng nào mới áp dụng được, sao mày không thực tế một chút đi? Vy lắc nhẹ đầu: - Thôi tao không đôi co với mày nữa, tao lấy xe đạp về trước, chút nữa mày về với Thiên Nga đi! - Ủa không ở lại xem chừng cô yêu của mày ra sao hả, mới lúc nảy còn để ý nói bả ôm bụng mà? - Chắc như mày nói, cô đói bụng thôi! Cái gì mà cô yêu, điên khùng! Vy nói rồi quải cặp bỏ đi. An định nói với theo để chọc Vy thì cũng vừa lúc cô kết thúc tiết sinh hoạt. Cả lớp mừng rỡ chen lấn ùa ra như vỡ trận. An thụt lùi xuống thêm mấy bước nữa để đợi Nga nhưng hình như Nga vẫn ngồi yên một chỗ, vẻ xanh xao thấy rõ. Đợi lớp về hết An lao vào chỗ Nga. - Nga bị sao vậy, không khoẻ chỗ nào hả? Sao mặt mày xanh lè hết vậy? Nga mặt tái nhợt: - An ơi, Nga tới tháng, bị dính ra quần hết rồi! - Hả, rồi Nga có thấy khó chịu chỗ nào không, có bị đau bụng không? Nga lắc đầu, đoạn nhích qua một bên để lộ vết máu nhây dưới ghế: - Nga không có bị đau bụng, nhưng Nga không biết phải làm sao hết, bây giờ Nga mà đứng dậy rồi ra nhà xe thì mọi người sẽ nhìn thấy! An chau mày: - Nga bị từ tiết mấy tới bây giờ, phải chi An biết sớm An chạy về nhà lấy băng vệ sinh cho Nga! - Từ hồi ra chơi tới bây giờ! Thường thì Nga canh ngày để mang theo băng vệ sinh, nhưng mà không biết tại sao tháng này nó lại tới sớm như vậy! - Trời ơi, vây ra ghế hết cả như vầy...tội nghiệp Nga quá... An nói rồi thình lình quăng cặp xuống bàn vụt chạy đi. Một lúc sau An nhanh chóng trở vào với cái áo khoác. - Được rồi, Nga đừng lo nữa, đứng dậy An cột cái này vào rồi An chở Nga về! Nga ngần ngại: - Này là áo khoác của An mà, nó dính vào thì phải làm sao? An chậc lưỡi: - Lo được cho Nga thì cái áo khoác này có đáng gì, về giặt kỹ rồi phơi nắng là xong! Nga đứng dậy đi! Nga rụt rè đứng dậy với cái quần bê bết máu: - Lúc cô vào Nga cũng không dám đứng lên chào, không biết lúc nảy có bạn nào nhìn thấy không nữa! An khéo léo cột áo khoác vào hông Nga rồi lục cặp xé vội một mớ giấy nháp: - Nga đừng lo lắng quá, con Yến ngồi bên cạnh không thấy thì thôi chứ tụi nó không đứa nào để ý đâu, lúc nảy Nga nhích qua An mới thấy máu dính xuống ghế! Nga qua bên đó ngồi đợi An một chút nha, để An lau sạch chỗ này! An vò hết mớ giấy nháp vừa xé thành một đống bự rồi kỹ càng lau sạch từng vết máu. Một lúc sau An đã mỉm cười quay lại nhìn Nga: - Được rồi, không sao nữa rồi, kể từ ngày mai Nga cứ bỏ sẵn một mớ trong cặp để phòng hờ sẽ tốt hơn, chứ canh ngày kiểu đó thì hên xui lắm! Nga cười hiền lành: - An nói Nga thì An cũng phải nhớ cho mình nữa đó! An bật cười, cốc vào trán Nga: - An nhớ, An nhớ mà! Tối nay về An sẽ bỏ liền mấy miếng vào trong cặp! Con bé ngốc này, đã bị như vậy mà còn tâm trạng lo cho người khác được nữa! Mà...Nga lo cho An thật hả? Nga cúi đầu, mặt đỏ ửng khiến An càng thêm mơ hồ vào trong vẻ đẹp kiêu sa đó. - An mà là con trai, chắc là Nga sẽ đổ mất! An nhìn Nga không chớp mắt: - Vậy còn bây giờ thì sao? Nga không thích An hả? - Nga thích...nhưng mà...Nga chỉ thích An là con trai thôi! An cười lờ đi: - An hiểu mà, Nga không cần phải ngần ngại đâu! Nga không chấp nhận An cũng được, nhưng phải nhớ là cứ để An lo cho Nga thế này là An thấy hạnh phúc lắm rồi! Thôi, để An chở Nga về! Nga nhìn xung quanh: - Ủa Vy đâu? Vy về trước rồi hả? - Nó về trước rồi, lúc nảy nó còn kêu An về nhưng An vẫn cứ muốn đợi Nga! Mà đúng thật nếu lúc nảy An về với nó thì Nga sẽ thế nào? Đúng là linh cảm của An luôn chính xác mà! Nga đi trước đi, để An cầm cặp cho! Nga cười gật đầu rồi quay đi, nhưng lúc vừa ra đến cửa thì tiếng thở dốc của ai đó thình lình vang lên khiến Nga giật mình. - Hả? Cô Thi Ân, cô bị làm sao kìa An? An theo quán tính nhìn theo hướng Nga. Cô đang ngồi bệt dưới bàn giáo viên, một tay ôm mặt. - Bả làm cái gì mà ngồi luôn xuống đất vậy? An cứ tưởng bả về nảy giờ rồi chứ? - Nga cũng vậy, Nga cứ nghĩ là cô đã ra khỏi lớp từ nảy giờ rồi, không ngờ cô vẫn còn ở đây! An cau có: - Vậy là từ nảy đến giờ An với Nga nói chuyện, bả đã nghe hết rồi còn gì? Nga nhăn mặt: - Chắc là không đâu, hình như cô đang bị cái gì đó! Hình như cô bị choáng rồi ngã xuống đất không tự đứng dậy được thì phải! An bỉu môi, mắt lườm lườm: - Mới lúc nảy còn hăng say nói như cá mập táp mà choáng rồi ngã cái gì? Thôi kệ bả, An chở Nga về để Nga còn tắm rửa thay quần áo rồi lót băng vệ sinh nữa, để máu ra như vậy không có tốt! Nga cắn môi: - Nhưng để cô ở lại một mình như vậy có sao không? An thở hắt ra: - Bả năm lần bảy lượt làm khó Nga, vậy mà Nga cũng vẫn lo lắng cho bả là sao? Nga phân trần: - Nga không có lo lắng, mà tự nhiên khi không thấy bả ngồi dưới đất một mình như vậy, Nga thấy tội quá, nhỡ xảy ra chuyện gì thì sao? - Còn lớp buổi chiều nữa mà Nga lo cái gì, mình không lo thì có người khác lo, với cả nếu bả bị choáng thì ngồi một lát rồi cũng khoẻ thôi! Mình về đi! Nga níu tay An: - Hay mình qua xem bả thế nào đi rồi hãy về, không thì lên báo cho cô hiệu trưởng cũng được mà! An lại thở hắt ra: - Được rồi, An nghe lời Nga đó, chứ nếu một mình An thì An đã mặc xác bả rồi, phải chi con Vy còn ở đây thì tốt biết mấy, đảm bảo là nó sẽ lo tới xoắn cả đít! An tỉnh bơ tiến tới gần cô. Cô đổ mồ hôi như tấm, áo dài ướt đẫm đến nổi thấy cả áo lót bên trong. An cất tiếng gọi nhưng mãi không thấy cô trả lời ngoài tiếng thở dốc như người ngạt nước. An chần chừ một lúc rồi tháo luôn khẩu trang của cô. Khuôn mặt với vết bớt kinh tởm khiến An nhăn mặt né đi một cái mới lấy hết can đảm nhìn lại làm An giật mình. Mũi cô đang chảy rất nhiều máu. Là máu cam. An lao tới đỡ cô ngồi dậy, tay vỗ vỗ vào mặt, tay ấn mạnh vào nhân trung: - Cô ơi! Cô ơi! Cô có sao không vậy? Cô nửa mê nửa tỉnh: - Em mau đưa Thiên Nga về thay quần áo đi, con gái tới kỳ người rất yếu, nếu gặp gió độc thì không hay, cô hay bị như vậy cũng quen rồi, ngồi đây một chút sẽ khoẻ thôi! An chép miệng: - Vậy để em đỡ cô lên phòng y tế rồi em về, chứ ngồi ở đây một mình nhỡ xảy ra chuyện gì em lại mang tiếng là nhìn thấy mà không giúp đỡ! Lần này hình như cô ngất luôn. Mắt nhắm nghiền, đôi môi khô không còn sức trả lời An nữa. An quay lại nhìn Nga: - Nga lấy giúp An chai nước trong cặp đi, cho bả uống một ít xem thế nào! Nga đứng cách chỗ An và cô một khúc xa, đoạn nhanh chóng lục cặp An lấy chai nước. Nga bước tới gần nhưng vẫn giữ khoảng cách: - Nhìn bả thấy ghê quá An! Cái mặt nhát ma đã đành, lại còn thêm chảy máu cam nữa! An với tay lấy chai nước: - Chứ biết làm sao bây giờ, lúc nảy An bảo mặc kệ bả thì Nga không chịu, bây giờ bả như vậy, bỏ đi làm sao được! Nhỡ mà bả có chuyện gì, chết luôn ở đây thì mình áy náy suốt đời! Nếu Nga sợ thì qua góc bàn bên kia ngồi đi, đợi An một lúc, An cho bả uống nước, đưa lên phòng y tế rồi An chở Nga về! Nga ngần ngại: - Thôi, để Nga ra nhà xe trước luôn, An tranh thủ nha! - Để cặp ở đó lát An cầm cho, Nga ra đó nhớ tìm chỗ khuất gió đợi An, không khéo lại bị cảm lạnh! - Nga biết rồi, An nhớ nhanh đó! An mở nắp chai nước khéo léo đổ từng chút vào miệng cô. Hình như cô khát nước thật. Cô run rẩy đón lấy hớp nước một cách khó khăn. An thấy cô uống được nên nhanh tay đẩy cho nước đi vào thì cô bỗng co rút người rồi sặc sụa, ọc luôn cả mớ nước lên người An, nhễu nhão. An nhăn mặt nắm cái áo giũ giũ: - Chết thật, đúng là làm ơn mắc oán, toàn nước bọt như vậy, kinh chết đi được! An đang lảm nhảm thì cô yếu ớt lên tiếng khiến An giật mình: - Cho cô xin lỗi! An ngờ ngợ: - Cô không sao rồi chứ? Cô thở dốc thêm một lúc nữa: - Cô đã không sao rồi, em mau về đi kẻo trưa trật, cô cám ơn em nhiều lắm! - Hay để em đỡ cô lên ghế ngồi, chứ ngồi như vậy... Cô xua tay: - Cô không sao đâu, em cứ yên tâm về đi, cô ngồi một lúc nữa sẽ khoẻ thôi, đừng để Thiên Nga đợi! - Vậy em về, cô cẩn thận đó! An nói rồi mừng rỡ cầm chai nước đứng lên như trút được gánh nặng. Quải hai cái cặp đi ngang thùng rác, An tiện tay ném luôn chai nước: - Không khéo lại quên mang luôn về nhà, hứng nước uống lúc nhớ ra chắc ói chết! Sực nhớ đến cái áo vẫn còn dính mớ ói của cô, An nhăn mặt tiếp tục giũ giũ, miệng láp dáp chửi rồi vụt chạy ra nhà xe. Tiếng chân An tan mau trong tiếng sóng vỗ xa xa ngoài kia. Còn lại một mình, cô cố định hình thêm một lúc nữa mới run rẩy vịn tay lên cạnh bàn, nhoài người đứng dậy. Trước mặt không hiểu sao vẫn là một khoảng tối âm u rồi sau đó là những đốm sáng xoay vòng khiến cô choáng váng. Cô ngã khuỵu xuống một lần nữa, cả người đau đớn như trăm nghìn mũi kim châm vào. Tự nhiên cô thèm sự quan tâm của ai đó dành cho mình giống như An đối với Nga đến cùng cực, cô lại nhớ đến chút lo lắng cỏn con của An lúc nảy, môi mỉm cười mãn nguyện. Dù chỉ là gắng gượng và trách nhiệm nhưng chẳng hiểu sao cô vẫn thấy hạnh phúc chen ngang. Rồi trong cơn mơ hồ nhất, cô bỗng gọi tên Vy.
***
- Vy! Vy ơi! Vy lo lắng giữ tay cô: - Cô ơi, em ở đây rồi! Cô ơi, cô có nghe em nói không? Cô yếu ớt mở mắt, khuôn mặt nhợt nhạt rạng rỡ thấy rõ: - Vy? Vy đỡ vai cô: - Cô đừng có ngồi dậy, cô nghỉ thêm một chút nữa đi! Cô mệt mỏi nhìn xung quanh: - Ở đây là đâu hả Vy? Vy cười hiền lành: - Ở đây là trạm xá của đảo mình, cô thấy trong người thế nào rồi, dễ chịu hơn chút nào chưa? Vy vừa dứt lời thì tiếng rao của xe bánh khọt, bắp nổ và trứng gà nướng quen thuộc vang lên. Vy dịu dàng nhìn cô: - Cô chờ em một chút nha! Nhìn ra cây gòn trước trạm xá hình như trời đã sập tối. Cô lại nhắm nghiền mắt, gõ tay lên trán rồi lắc lắc đầu mấy cái cho tỉnh táo. Cảm giác choáng váng đã mất dần đi rất nhiều. Vừa định hình được một lúc thì mùi sữa đậu nành lá dứa đâu đó bỗng thoang thoảng vào mũi khiến cô dễ chịu. Vy mở thun bịch sữa đổ vào cái ca rồi đưa cho cô: - Sữa đậu nành lá dứa ở đây ngon lắm, sẵn còn nóng, cô uống một ít đi, bao tử trống hoác rồi! Cô cười hiền lành đón lấy ca sữa nâng lên miệng uống: - Em mua ở đâu hay thế hả Vy? - Lúc nảy cô có nghe tiếng rao không? Cái xe đẩy đó vừa có bán bánh khọt mắm nêm, trứng gà nướng, bắp nổ đường, vừa có sữa đậu nành lá dứa và đậu phụng nấu nữa! À, có cả khoai lang nướng nữa này! Vy nói rồi mở túi cầm lên một củ khoai lang cháy vỏ nghi ngút khói, đảo qua đảo lại trên tay. - Coi chừng nóng đó! Cô lên tiếng rồi bật cười nhìn Vy. Vy vừa thổi vừa lột một lúc liền trao vào tay cô một củ khoai màu lòng đỏ trứng ngon lành: - Cô ăn đi, lát nữa bác sĩ xuống kiểm tra, cho cô uống thuốc sẽ xót ruột lắm! Cô bẻ củ khoai ra làm hai: - Em ăn với cô nha! Vy lắc đầu cười, tay vỗ vỗ vào bịch đựng mấy trứng gà nướng: - Em có cái này rồi, cô ăn đi không kẻo đói! - Vậy cô ăn nha! Cô ái ngại nói rồi bẻ củ khoai ăn ngon lành. Chắc là cô đói lắm. Vy thấy cách cô ăn mà tội. Cô chuyển về đây một mình không người thân thích, sức khoẻ lại yếu vậy mà cô vẫn một mình gắng gượng. Cô đang ăn bỗng nghẹn rồi sặc. Vy rót vội ca nước, vuốt lưng cô: - Cô ăn từ từ thôi! Cô uống ngụm nước rồi ngước lên nhìn Vy: - Cô nhớ là lúc trưa cô vẫn còn ở lớp, là ai đưa cô vào đây thế hả Vy? Vy ngồi xuống cái ghế đối diện: - Là con An lúc chở Nga về có ghé sang nhà em nói cô bị chảy máu cam, ngất trong lớp, lúc đó em vừa ăn cơm trưa xong nên xách xe chạy vào trường, vừa hay lúc đó bác bảo vệ và thầy hiệu phó đang dìu cô ra chuẩn bị đưa cô lên trạm xá nên em theo luôn! Cô nhìn xung quanh: - Vậy bác bảo vệ với thầy hiệu phó đã về hết rồi hả Vy? - Họ đưa cô ra đây thì tranh thủ về hết cả rồi! Cô cúi gục đầu: - Cô tệ quá, làm phiền đến bác bảo vệ và thầy hiệu phó như thế, lại còn mất luôn cả một buổi chiều của em, bây giờ trời lại tối sẫm thế này! Vy nắm bàn tay lạnh ngắt của cô: - Cô không sao thì tốt rồi, sao lại nói như thế chứ? Lần sau nếu có bị choáng như vậy thì cô phải nhờ ai đó giúp đỡ, một mình chịu như vậy nguy hiểm lắm! - Lúc trước trong thành phố cô cũng vẫn thường hay bị như vậy, chắc do trời nóng cô không thích nghi được! Vy thở hắt ra: - Bác sĩ nói là do cô ăn uống thiếu chất, máu không đủ để nuôi cơ thể! Từ nay cô phải gắng ăn uống cho điều độ vào, đừng bao giờ để xảy lại trường hợp như vậy, nguy hiểm lắm cô biết không? Cô gật nhẹ đầu, tay vẫn tham lam để yên trong bàn tay Vy không muốn dứt ra. Vy ngồi yên lặng với cô một lúc rồi sực nhớ nên với tay đổ muối, nặn tắt, lấy trứng gà bóc vỏ: - Cô ăn cái này với em nha! Bình thường em thích ăn cái này lắm! Mùi tắt dậy lên thơm nức mũi làm cô đói bụng. Nhưng cô chớp mắt nhìn cái trứng gà đen sì: - Nó bị hư rồi mà Vy? Vy bật cười: - Không đâu, là nó như vậy đó! Trước khi nướng, người ta sẽ khui bỏ một ít vỏ, dùng ống hút hết lòng bên trong rồi nêm nếm gia vị, khuấy khuấy kiểu gì sau đó bơm trở lại cái vỏ ban đầu, nướng nó lên nên nó mới có màu đặc trưng như vậy! Cô ngần ngại: - Xưa giờ cô cứ nghĩ, trứng gà nướng là người ta chỉ mang cái trứng gà bỏ lên vỉ nướng thôi chứ? Không ngờ nó lại cầu kỳ như vậy! - Vậy là cô chưa ăn qua món này bao giờ? Cô lắc đầu: - Lúc ở thành phố cô nghe người ta rao bán đến thuộc lòng luôn, nhưng chưa ăn thử cũng chẳng để ý người ta ăn bao giờ, vì cô cứ nghĩ nó giống y như trứng gà luộc! Vy nhặt ít rau răm trong bịch rồi đẩy sang cô: - Vậy bây giờ cô ăn thử đi, rồi cho em ý kiến! Cô theo quán tính ngửi ngửi cái trứng gà rồi mới chấm muối bỏ vào miệng cắn. Nhìn hành động đó của cô mà tự nhiên Vy thấy đáng yêu vô cùng, lại thầm nghĩ, nếu không có vết bớt lì lợm đó thì chắc chắn cô sẽ đẹp lắm. Tự nhiên Vy lại thấy căm ghét nó vô cùng. Đôi mắt cô rạng rỡ lên trông thấy: - Nó ngon quá Vy! Vy cười hài lòng, đoạn cũng nhanh chóng bóc một trứng chấm muối bỏ vào miệng cắn ăn ngon lành. - Người ta nêm cái gì vào trong này hả Vy? Hình như cô thấy có muối, đường, bột ngọt rồi cả tiêu nữa! - Chắc là như vậy, em cũng không rõ nữa, vị của nó ngon mà lạ quá cô nhỉ, em thích mấy lúc trời sập tối thế này, mua vài trứng bóc vỏ ăn rồi uống sữa đậu nành lá dứa thì không gì bằng! Cô cười nhìn Vy: - Nhờ Vy mà cô biết rồi, hôm sau có nghe tiếng rao cô nhất định sẽ mua! Vy rót thêm một ly nước cho cô: - Nhìn cô tươi cười nảy giờ, chắc là khoẻ hơn lúc trưa nhiều rồi đúng không? Cô như vậy em vui lắm! Cô đón lấy ly nước uống ngon lành, chắc lúc nảy chấm hơi nhiều muối: - Bây giờ cô thấy thoải mái lắm, không còn khó chịu như lúc trưa nữa! Cô cảm ơn em nhiều lắm, Sang Vy! - Sao lại cảm ơn em? Bao nhiêu người giúp cô cơ mà, nhưng kể đến đầu tiên phải là Thuận An mới đúng! Nếu không có nó thì em ở nhà cũng chẳng biết ất giáp gì! Cô mơ hồ nhớ lại lúc An đưa nước vào miệng cô rồi nhìn ra bầu trời đầy sao: - Lúc trưa cũng tại vì cô mà em ấy với Thiên Nga phải về muộn! Hình như cô còn ói trên áo em ấy nữa, chắc em ấy ghét cô lắm! Vy cười gạt đi: - Nếu nó ghét cô thì nó không ghé sang cho em biết đâu! An tuy hơi nóng nảy nên thô tục chứ bình thường nó rất biết điều! Cô gật nhẹ đầu: - Cô biết mà, nhìn cái cách em ấy chăm sóc cho Thiên Nga, thật sự cô ngưỡng mộ Thiên Nga nhiều lắm! - Hình như bác sĩ xuống rồi kìa, để bác sĩ khám lại cho cô thêm một lần nữa, nếu tất cả đều ổn em sẽ đưa cô về! - Chết mất, xe đạp của cô vẫn còn ở trường đúng không Vy? - Ngày mai cô có dạy buổi sáng không? Hay cô nghỉ thêm một hôm nữa cho người khoẻ hơn hãy trở lại trường! - Ngày mai cô có, cô đã khoẻ nhiều rồi, cô dạy được mà! Vy cười hiền lành: - Vậy cô cứ yên tâm, sáng ngày mai em sẽ đến đón cô đi dạy, rồi buổi chiều cô tự đi xe về bình thường! Cô đồng ý không? Cô gật nhẹ đầu, lại ái ngại cảm ơn Vy thêm một lần nữa. Trăng treo trên cây gòn rũ bông trắng xoá bỗng rực sáng hơn.
|
Thi cuối học kỳ một, cô gác lớp mình chủ nhiệm khá nhiều môn. Hôm ấy là môn toán, năm nay có giáo viên mới chuyển về nên sắp xếp và bốc thăm thế nào cô lại tiếp tục gác lớp mình chủ nhiệm. Sự nghiêm khắc của cô tạo ra khá nhiều bức xúc. Theo lẽ thường khi gặp phải câu bí thì đứa này chép bài của đứa kia, giáo viên gác thi sẽ cố tình làm ngơ nhưng với cô thì chẳng đứa nào dám hó hé. Suốt buổi thi cô cứ khoanh tay đi lên đi xuống, cẩn trọng quan sát từng ánh mắt, cử chỉ rồi thái độ của từng đứa, thi thoảng lại gõ tay xuống bàn nhắc nhở hoặc gọi tên một đứa nào đó không nghiêm túc. Cái lớp có mười mấy đứa nên dễ dàng lọt hết vào tầm mắt cô. Rồi buổi thi dài như cả một thế kỷ cũng sắp đến hồi kết thúc. Cô đang trở lên bụt giảng để chuẩn bị báo hết giờ và thu bài thì bỗng dừng lại chỗ Thiên Nga. - Tô Khanh Thiên Nga! Nga giật mình dừng bút đứng lên: - Dạ thưa cô! - Cái gì ở trong hộc bàn của em? Nga tái mặt: - Thưa cô em không biết! Cô trầm tĩnh lôi từ hộc bàn Nga một quyển sổ nhỏ được kết tinh tế rất dễ lật. Đang đinh ninh chắc chắn sẽ là những công thức toán thì cô bỗng chau mày khi đó lại chính là đáp áp của đề thi toán hôm nay. Cô đặt quyển sổ lên bàn: - Ở đâu em có được thứ này? Nga vần vò góc giấy bài làm: - Thưa cô, cái...cái này không phải của em, cái này là gì, thật sự em không biết! Cô khoanh hai tay: - Không phải của em, vậy tại sao nó lại nằm trong hộc bàn của em? Đề thi toán hôm nay ngay cả cô còn chỉ mới nhận được vào sáng hôm nay, thì bằng cách nào em lại có tất cả những đáp án một cách chi tiết đến như thế này? Cả lớp bỗng lao nhao thấy rõ. Cô gõ tay xuống bàn: - Các em trật tự, đã sắp hết thời gian làm bài, bạn nào vẫn chưa làm xong thì tập trung làm bài, bạn nào đã làm xong thì kiểm tra lại chuẩn bị nộp! Cô nói rồi quay lại nhìn Nga: - Em ngồi xuống tiếp tục làm bài đi, cô sẽ trình bày lại việc này với cô hiệu trưởng! Nga mặt đỏ bừng: - Em đã nói cái này không phải của em, có thể nó là của một bạn nào đó ném vào hộc bàn em! Cô cũng thừa biết, năm nào em cũng là học sinh giỏi của lớp, chưa khi nào điểm trung bình một toán của em dưới chín, em cần gì đến những thứ vớ vẩn đó chứ? Cô gật nhẹ đầu: - Được rồi, cô sẽ trình bày việc này lại với cô hiệu trưởng một cách cụ thể nhất, nếu em bị oan, cô sẽ đứng trước mặt cả lớp xin lỗi em, còn nếu như đó là của em, thì bài làm hôm nay của em sẽ không được công nhận và em sẽ bị kỷ luật! Còn bây giờ em cứ tiếp tục làm bài rồi nộp bài như bình thường! Nga không cam tâm: - Nhưng cô sẽ trình bày cái gì với cô hiệu trưởng cơ chứ? Cô sẽ giải oan cho em thế nào khi cô chỉ có thể nói được rằng cô tìm thấy thứ này trong hộc bàn của em? Hay cô chỉ đích thị với cô hiệu trưởng là em xem tài liệu để bài làm hôm nay em bị điểm 0 và em sẽ bị kỷ luật? Chưa hết, cô đứng trước cả lớp xin lỗi thì em được cái gì, trong khi chưa gì thì cô đã làm mất thời gian của em từ nảy đến giờ rồi đó! Chuông báo hiệu hết giờ làm bài. Cô vỗ hai tay vào nhau đề nghị cả lớp dừng bút và nộp bài cho lớp trưởng Yến Thanh, đoạn quay lại trầm tĩnh cầm bài làm của Thiên Nga lên xem rồi gật đầu nói: - Em vẫn còn một câu cuối cùng, bây giờ cô sẽ giữ quyển đáp án này và bù thêm cho em 10 phút để em tiếp tục làm bài, cô nghĩ với khả năng chưa bao giờ dưới chín của em thì 10 phút cho câu cuối cùng này là như trở bàn tay! Nga lăm lăm ánh mắt nhìn cô vẻ tức tối nhưng giọng đã không còn tự tin như lúc nảy: - Em nộp bài, em không muốn làm nữa! Cô chớp mắt: - Em đã suy nghĩ kỹ chưa? Chẳng phải lúc nảy em còn bảo rằng cô làm mất thời gian của em, vậy thì bây giờ cô đã cho em thêm thời gian rồi đó! Nga nuốt nước bọt xuống cổ họng: - Em nghĩ mình đã dư điểm khống chế cho học kỳ này rồi, bây giờ điểm cao hay thấp không quan trọng với em, quan trọng lúc này cô hãy làm thế nào để chứng minh thứ vớ vẩn đó không phải là của em đi! Cô nghiêm túc nhìn Nga: - Điểm thi học kỳ nhân cho hệ số 3, trong khi câu cuối cùng này chiếm đến tận 2 điểm, nếu thật sự em bị oan thì chẳng có gì phải buồn lòng để bỏ mất 2 điểm này cả, mà đổi lại đáng lý ra em còn cần phải làm để chứng minh thực lực của mình! Nga cau có nhìn cô: - Đó là suy nghĩ của riêng cô, còn em, em suy nghĩ khác, cô có vẻ quan tâm hơi thái quá đến chuyện của người khác rồi đó! Em nộp bài! Nga nói rồi thu dọn bút viết bỏ vào bóp. Cô không nói gì nữa mà chỉ nhận bài từ lớp trưởng rồi kiểm tra lại và cho cả lớp ra về, không quên dặn dò các em nhớ học bài cho môn thi ngày mai.
***
Một tuần sau, - Tao không thể tin được chuyện Thiên Nga xem tài liệu môn toán, Thiên Nga là trò cưng của thầy Chí Huy, mà bài toán nào của thầy Chí Huy đưa ra Thiên Nga cũng giải được hết thì làm sao có chuyện đó được, thật là khó tin quá đi! - Điểm thi cuối học kỳ môn toán mà bị điểm 0, thêm cái hạnh kiểm không tốt nữa, thầy Chí Huy lại chọn cách yên lặng, kỳ này con Thiên Nga bị xếp loại trung bình là chắc rồi! - Mà tụi mày nghĩ xem cái quyển đáp án đó là của ai cơ chứ, là của Thiên Nga thật hay là của đứa nào ganh ghét nên cố tình ném vào hộc bàn Thiên Nga? - Thiên Nga nổi tiếng học giỏi từ xưa đến giờ, cần gì đến ba cái thứ vớ vẩn đó, xem ra bị người ta ném vào là một trăm phần trăm! - Nhưng là đứa nào mới được? Ngay cả bà Thi Ân là người gác thi mà còn mới chỉ biết đề lúc mở niêm phong thì làm sao học sinh tụi mình lại có đứa biết được rồi giải sẵn đáp án ghi vào một cuốn sổ kỳ công như vậy? - Mà chuyện này từ xưa đến nay có xảy ra bao giờ, sao tự nhiên năm nay bà Thi Ân gác thi thì lại bị như vậy? Có khi nào... Cả đám đang nhỏ to xì xầm đứng ở hành lang bàn tán thì thằng Hậu ở đâu thình lình bước tới. - Tao vừa nghe được thông tin chính là bà Thi Ân đã làm ra cuốn sổ đó để vào hộc bàn Thiên Nga rồi tự biên tự diễn chứ không ai khác! Nó lớn tiếng nhấn mạnh khiến cả đám trố mắt nhìn nhau. Con Yến run run: - Nhưng tại sao bả lại làm như vậy? Hậu sung sướng nói: - Là bả ganh tị với Thiên Nga, từ việc cách chức lớp trưởng rồi liên tục đôi co với Thiên Nga cho đến việc tự tạo ra thứ tài liệu điên rồ đó để đổ tội hãm hại Thiên Nga, đủ thấy bả là một con người nham hiểm thế nào! Cả đám ồ lên như giải toả được những gút mắt: - Thằng Hậu nói tao mới nhận ra đó tụi bây, đúng là chỉ có bà Thi Ân mới đủ sức làm ra quyển đáp án đó, chứ đám học sinh tụi mình xưa giờ chỉ biết cặm cụi học bài, bí bách quá thì vài ba cái công thức giấu ở đâu đó, xem bài hoặc chép bài của nhau chứ ở đâu ra cái tài liệu lợi hại như vậy ở trong hộc bàn cơ chứ? Thằng Tuấn nhiều chuyện: - Bả coi vậy mà ác như phù thủy, thấy Thiên Nga xinh đẹp lại học giỏi thì nổi lòng ganh tị, như vậy trời phật nào thương, bởi có cái mặt dạ xoa như vậy cũng đáng mà! - Nếu nói như thế thì nguyên cái trường mình, đứa nào nổi bật sẽ không xong với bả? Con Yến đảo mắt nhìn xung quanh: - Tụi mày nói nhỏ nhỏ thôi, không khéo bả nghe được, báo lên cô hiệu trưởng thì kỷ luật cả đám! Tao nghe nói dạo này cô hiệu trưởng nghe lời bả lắm! Thằng Hậu đá mắt sang thằng Phước: - Kỳ này chắc chắn sắp có kịch hay để coi rồi! Thằng Tuấn, con Yến vẻ ngây thơ chưa hiểu lắm nên đồng thanh nói: - Kịch hay gì? Thằng Phước nhún vai: - Tụi mày nghĩ xem, con An sẽ như thế nào nếu chuyện này đến tai của nó? Kỳ này, nó chỉ có nước xé xác bả ra! Con Yến gật gù tỏ ý đã hiểu: - Nhưng có con Vy luôn kè kè theo bả, mà con Vy lại chơi thân với con An như vậy, chắc con An cũng không làm được gì bả đâu! - Tụi mày đoán xem con Vy với bả có cái gì với nhau chưa? Cả đám trề môi nhìn nhau. - Không lẽ gu con Vy mặn như vậy? Cứ thử nghĩ buổi tối giật mình thức giấc nhìn thấy cái mặt của bả chỉ có té xỉu! Nếu bị bê đê thì ít ra cũng phải như con An mê Thiên Nga, Thiên Nga vừa xinh đẹp lại vừa tài giỏi! Còn đằng này... Con Yến suýt xoa: - Nhớ ba tao nói mấy thằng bóng lãi cái õng ẹo xổ lô tô ở hội chợ trên huyện mới kêu bê đê, còn con gái khoái con gái hình như đâu có kêu bê đê? Thằng Phước gạt ngang: - Mấy đứa bệnh hoạn đó là bê đê hết, không bê đê đực thì cũng là bê đê cái, thắc mắc gì ba mớ vớ vẩn đó cho cực thân! Thôi thôi vô tiết rồi kìa, vô lớp, vô lớp đi tụi bây!
|
Xe Thiên Nga vẫn còn ở nhà xe nhưng An đợi mãi vẫn không thấy bóng Nga đâu. Nóng lòng chịu không được An đành quay trở vào tìm. Giờ này thầy cô trong trường đã về hết. Những dãy phòng học vắng tanh, thỉnh thoảng chỉ lác đác mấy chiếc lá bàng rơi lộp bộp trên cát khiến An sốt ruột. An chạy vào nhà vệ sinh bất chấp đẩy cửa từng phòng nhưng dường như xung quanh vẫn không có âm thanh nào ngoài tiếng sóng vỗ. Đang đinh ninh không biết có ai đã chở Nga về rồi không thì tiếng khóc thút thít sau vách tường làm An giật mình. - Thiên Nga, sao lại ngồi ở đây? An lo lắng đạp lên mớ cây khô khiến chúng gãy răng rắc lao tới nắm tay Nga. - Nga khóc hả? Nga mặt đỏ ngạch, đưa tay quẹt nước mắt, giọng mếu máo: - Bài thi toán của Nga bị điểm 0 rồi, cả hạnh kiểm cũng bị hạ luôn rồi, từ đó tới giờ Nga chưa bị hạnh kiểm khá bao giờ hết, học kỳ này Nga bị xếp loại trung bình thì năm nay Nga sẽ không thể nào đạt được loại giỏi! An xót xa vuốt mớ tóc bết trên trán Nga: - Vẫn chưa có quyết định chính thức, thầy Chí Huy chắc chắn sẽ đòi lại công bằng cho Nga mà! Nga đừng khóc nữa, nhìn Nga như vậy An đau lắm! Nga lắc lắc đầu: - Không đâu An, lần này không ai giúp Nga được đâu! - Chẳng phải thầy Chí Huy là cháu của cô hiệu trưởng sao, trong khi thầy Chí Huy lại thương Nga như vậy, chỉ cần thầy nói rõ chuyện này với cô hiệu trưởng thì Nga sẽ được giải oan thôi mà? Nga nấc lên: - Nhưng cô hiệu trưởng lại rất thân với bà Thi Ân, An không biết đâu, từ lúc bà Thi Ân chuyển về đây, dường như mọi nề nếp của trường mình đều bị thay đổi theo ý kiến của bả hết! An đấm mạnh nắm tay xuống đất. Nga nhướng đôi mắt đỏ hoe: - Nga thật sự không hiểu, tại sao bả lại cứ nhắm vào Nga hết lần này đến lần khác trong khi Nga chẳng làm gì sai cả! Mới tuần trước, nếu như không có Nga năn nỉ An ở lại giúp bả, thì liệu bây giờ bả có đủ sức khoẻ để đứng gác thi rồi làm khó tụi mình đủ thứ giống như thế không? An mắt lừ lừ: - Đúng là làm ơn mắc oán! Biết sớm vậy hôm đó An dứt khoác kéo Nga đi về, bỏ bả chết quách cho rồi! Đã vậy lúc về còn dư hơi ghé qua báo cho con Vy chạy lên giúp bả nữa chứ! Nga sụt sịt: - Nếu cứ đà này, không biết về sau Nga sẽ còn phải đối mặt với những chuyện gì nữa! An đặt tay lên vai Nga: - Nga yên tâm đi, có An ở đây, An sẽ không để ai đụng đến Nga đâu! Còn bây giờ ngoan, nghe lời An, đừng khóc nữa, để An đưa Nga về! Nga đưa tay dụi mắt: - Nga để xe ở lại, An chở Nga về nha! An cười hiền lành: - Đương nhiên rồi, An sẽ nói con Vy sáng mai tự lấy xe đi, An tới rước Nga đi học!
***
- Cô Thi Ân! Mình qua bên kia nói chuyện một lúc! Thầy Chí Huy thình lình lên tiếng từ sau lưng khi cô chuẩn bị xuống lớp dạy khiến cô giật mình. Cô chau mày quạy lại: - Hình như giữa mình đâu có chuyện riêng tư gì để nói, sao lúc nảy trong văn phòng có đông đủ thầy cô thầy không nói luôn? Thầy Chí Huy lẳng lặng đi thẳng một hơi về phía phòng thực hành, nơi dường như không có ai qua lại. Tuy cô nói vậy nhưng vẫn đi theo. Lúc dường như hoàn toàn an tâm vì không có ai khác ngoài hai người, thầy Chí Huy mới lên tiếng nói: - Em thừa biết Thiên Nga là trò cưng của tôi mà, sao em hình như vẫn cứ cố tình nhắm vào em ấy? Cô chớp mắt: - Hoàn toàn không có sự cố tình gì ở đây, chắc là thầy cũng đã rõ, chuyện để Yến Thanh thay em ấy làm lớp trưởng là em ấy tự từ bỏ vị trí đó, em chỉ đề cử bạn có khả năng tiếp tục đảm nhiệm để đưa lớp vươn lên, còn chuyện gần đây nhất, thì công bằng mà nói, học lực trên sổ của Thiên Nga lâu nay, hoàn toàn không phải là thực lực của em ấy! Thầy Chí Huy tái mặt thấy rõ: - Em nói như vậy là có ý gì? Em chỉ là một giáo viên non nớt mới chuyển về đây, em có kinh nghiệm còn không bằng một nửa của những thầy cô ở đây, mà em lại dám nhận định rằng một học sinh giỏi nhất khối như Thiên Nga lại có học lực giả hay sao? Cô trầm tĩnh: - Em nghĩ thầy là người rõ nhất chuyện này nhưng sao thầy lại cứ cố tình tỏ ra không hiểu? Quyển sổ ghi đầy đủ đáp án đó, thực tế chỉ có người ra đề mới có khả năng làm nên nó thôi! Nếu thầy tự cho mình có kinh nghiệm giảng dạy tốt hơn người khác thì tốt nhất đừng nên tiếp tục làm hỏng hóc bộ môn của mình như vậy, hơn nữa, toán lại là bộ môn cơ sở và quyết định để các em thi tốt nghiệp! Thầy Chí Huy gật nhẹ đầu: - Em có bản lĩnh lắm, lời lẽ rất sắc bén! Thật không hổ danh là giáo viên chuyển từ trường thành phố về! Được, cứ cho rằng tôi bảo bọc được em ấy bộ môn do tôi giảng dạy, nhưng sao em không tự ngẫm lại, nếu một học sinh hoàn toàn không có thực lực thì bằng cách nào em ấy có thể vượt mặt được tất cả các môn, chẳng lẽ là tôi lại học giúp em ấy cơ à? Cô nhướng mày: - Đơn giản, vì tất cả những thầy cô ở đây vốn đã không hề nghiêm túc với điểm số của các em học sinh, hơn nữa tất cả họ đều bị một áp lực đè nặng, trò Thiên Nga là trò cưng của thầy Chí Huy, và thầy Chí Huy lại là cháu ruột của cô hiệu trưởng, nếu không được giảng dạy ở ngôi trường này nữa thì họ chỉ còn một con đường duy nhất là về nhà nhận mắm, cào muối, chấp nhận đốt bỏ tri thức mà sống thôi! Thế nên, tâng bốc một em học sinh để cuộc sống của mình ổn định hơn dường như là con đường duy nhất mà lại rất dễ dàng thực hiện! Thầy Chí Huy vẻ đã vô cùng căm phẫn nhưng vẫn gắng gượng nhìn cô mỉm cười: - Nếu có quá nhiều thời gian rảnh rỗi, thì tôi nghĩ em nên tìm cho mình những đồng minh giữa lúc đã có khá nhiều phong ba với em thế này sẽ tốt hơn là việc em cứ liên tục chen vào chuyện người khác, nó vốn dĩ chẳng có lợi ích gì cho em, mà hơn nữa, em lại ngày càng mang vô số những tiếng xấu hơn đó cô gái ạ! Chắc em cũng đã nghe phong phanh chuyện học sinh các khối đang chuyền tai nhau, việc khi không lại có một quyển sổ đáp án từ trên trời rớt xuống trong hộc bàn của Thiên Nga, là do chính em tự biên tự diễn? Cô phồng mũi: - Cô hiệu trưởng rất sáng suốt trong những chuyện này, chẳng qua trước đây, không một thầy cô nào dám lên tiếng! Thầy cũng nên nhớ nếu cứ tiếp tục tạo ra bức tường cho Thiên Nga như thế sẽ ngày càng khiến em ấy ảo tưởng về khả năng thực sự của mình! Em ấy đang hoàn toàn không nhận biết được khó khăn của những con điểm cao chót vót đó, trong khi những em học sinh có khả năng khác đều phải vận dụng hết sức lực để có được thì em ấy chỉ cần bình thản ngồi yên nhận lấy! Với những thầy cô khác chỉ cần là Tô Khanh Thiên Nga thì không chín sẽ là mười, nhưng với em, khả năng của em ấy đến đâu, thì điểm số của em ấy sẽ đến đó! Em nhất định mang chuyện này ra ánh sáng trước buổi chào cờ vào đầu tuần tới! Cô nói rồi quay gót bước đi. Thầy Chí Huy vặn vẹo sau tiếng nghiến răng: - Em nghĩ chỉ có mình chuyện đó mới phải cần mang ra ánh sáng thôi à cô gái nhỏ? Vì em thử nghĩ xem, chuyện một cô giáo dụ dỗ một học sinh nữ sắp sửa phải thi tốt nghiệp quan hệ đồng tính thì có cần thiết không nhỉ? Và khi ông bà, ba mẹ, thầy cô, bạn bè của em học sinh ấy biết chuyện, cả cái đảo này biết chuyện, thì sẽ như thế nào? Cô thở mạnh, quay lại nhìn người đàn ông đang lăm lăm cợt nhã phía trước: - Sang Vy là một học sinh nghiêm túc và giỏi thực sự, thầy không được loan chuyện hàm hồ như thế làm ảnh hưởng đến em ấy! Dường như bắt đúng được điểm yếu của cô, thầy Chí Huy nhanh chóng lấy lại uy thế: - Từ nảy đến giờ tôi vẫn chưa hề nhắc đến cụ thể tên của bất kỳ một em học sinh nào, và là cô giáo nào, sao em lại trở nên mất bình tĩnh như vậy? Hơn nữa, nếu đúng như em vừa nói lúc nảy, quan hệ đồng tính là một thứ quan hệ hàm hồ? Vậy thì, tôi sẽ chuyển suy nghĩ này của em, đến trò Sang Vy! - THẦY? Thầy Chí Huy cười nhếch môi: - Tôi chỉ muốn đùa với em một chút xem em với trò ấy có thật sự giống như lời đồn mà lâu nay tôi đã nghe được không, chứ tôi cũng không rảnh mà quan tâm đến thứ tình cảm bệnh hoạn đó, ở ngôi trường này trước đây, một mình trò Thuận An đã đủ làm tôi thấy kinh tởm lắm rồi, không ngờ khi em về đây, sự kinh tởm ấy lại phải nhân lên gấp đôi! Chuyện của trò Thiên Nga em cứ tự nhiên mang ra ánh sáng, tôi nhất định sẽ không có ý kiến, miễn là, em không được nhắc đến tên của tôi! Tất cả, là do trò ấy tự làm, tự chịu! Thầy Chí Huy nói rồi nghênh ngang xách cặp bước đi. Nhìn phong thái điển trai và uy nghi đó, cô thật sự không thể tin được thầy lại là kẻ ném đá giấu tay như thế. Giữa lúc Thiên Nga gặp sóng gió và đang cần thầy nhất thì thầy lại vô tình bỏ rơi em ấy. Là một bậc tri thức của toán học, tại sao thầy lại có thể thốt ra được những lời nhẫn tâm như vậy? Là do trò ấy tự làm, tự chịu! Tự dưng cô lại thấy Thiên Nga thật đáng thương. Cô có nên mang chuyện học lực thực sự của Thiên Nga ra ánh sáng không? Hình ảnh Thuận An lo lắng và bất chấp tất cả vì Thiên Nga đâu đó tự dưng lại cắt ngang qua trí óc. Tình cảm của An đối với Nga là thật, nếu Nga gặp chuyện thì An nhất định sẽ lồng lên, nhưng cô lại không thể để cho những ảo tưởng của Thiên Nga tiếp tục lớn thêm được nữa, em ấy cần phải biết khả năng và sức lực của mình đến đâu, việc học thật sự khó khăn đến mức độ nào thì khi bước vào đại học em ấy mới có thể tự tin trưởng thành. Cô lặng đi một lúc rồi buồn bã xách giỏ trở về lớp học. Hôm ấy cô vào lớp trễ mười lăm phút.
***
Giữa trưa, mặt trời đứng bóng chênh chếch trên đỉnh đầu. Nắng mang theo hơi muối đổ xuống rát cả da thịt. Loanh quanh mấy rặng bằng lăng núi bông lia chia tím ngắt, trên cát mênh mông, tiếng cót két phát ra từ chiếc xe đạp làm cái bóng dài thượt của cô bớt cô đơn hơn. Hôm nay cô không có tiết dạy buổi chiều nên tranh thủ ra chợ chở nước ngọt. Không biết mớ rau mới nhú mầm bên hè của cô đã ra sao rồi nữa. Mấy hôm trước cô có nhờ Vy giúp xin người ta mớ lưới cũ làm giàn che. Vy nói năm nay không hiểu sao trên đảo nắng gắt hơn năm trước. Cá tôm đem phơi nếu không canh trở thì khô đét, muối đọng trắng mốc. Cô vừa đạp xe vừa đưa tay lau mồ hôi chảy dài xuống mắt, ngước nhìn hai bên mà thương đám cây xác xơ. Nước ngọt còn không đủ nấu cơm thì lấy đâu ra để chia cho chúng. Tiếng cót két vẫn đều đều vang lên khô khốc. Cô còng lưng đạp cố tránh những đụng cát cao có thể làm mình bị ngã khi gió ngược bất cứ lúc nào. Hai bên đường, mấy bàn tay gầy còm đã sẫm đen vì nắng muối vẫn miệt mài thoăn thoắt trở khô làm cô thấy nhói. Giá như trên huyện có những chính sách nào đó để người dân nơi này bớt nhọc nhằn. Vậy mà không. Thậm chí những trợ cấp đã nghe phát thanh còn chẳng bao giờ xuất hiện vì bỗng đột nhiên bốc hơi không lý do. Dường như họ là những con người bị cố tình bỏ quên nhưng vẫn cứ đặt niềm tin, chờ bằng hy vọng và chấp nhận ngậm đắng nuốt cay đạp lên cơ cực mà sống. Cô nuốt ực xuống cổ họng. Mùa này nước ngọt khan hiếm đến mức người dân trong xóm chỉ để dành làm nước uống và nấu ăn. Hộ bán nước ngọt là hộ có kinh phí nhất trong xóm, nghe đâu cũng là người nhà của thầy Chí Huy. Để có đủ nước ngọt bán cho người cần, họ chuyển nước từ đất liền ra đây rồi chứa trong một cái bồn lớn mấy chục ngàn lít. Khi có người mang bình tới mua họ chỉ việc mở vòi bơm vào rồi thu tiền. Dưới cái nóng mỗi lúc càng hun ác, cô có vẻ khó khăn hơn với bình nước sau yên xe. Gặp gió ngược, dây ràng lỏng nút thắt, cái bình nước nghiêng sang một bên, mấy lần cô gái yếu ớt phải dừng xe để sửa nhưng xem ra cái bình vẫn không chịu hợp tác. Cuối cùng, cô không đạp nữa mà quyết định xuống xe dắt bộ. Cát nóng lẫn vào đôi bàn chân làm cô có lúc phải nhảy cẫng lên vì ngỡ mình bị bỏng. Gió vẫn không ngừng hắt hơi muối vào mặt, cô dừng xe đưa tay quẹt mớ mồ hôi lại vừa chảy xuống làm cô cay mắt, đang cố định hình vì những đốm sáng phía trước cứ xoay vòng thì An không biết từ đâu thình lình nắm yên xe đẩy mạnh khiến chiếc xe tuột khỏi tay cô ngã ình xuống cát, cái bình nước bung nắp, đổ ra ùng ục. Cô giật mình nhìn cái bóng cao hơn mình gần nửa thân người, đoạn lo lắng dựng lại bình nước thì An đã dùng chân hất tay cô rồi đá cái bình khiến nước tiếp tục chảy. Cô nhíu mày quay lại: - Tại sao em lại làm như vậy? An trừng đôi mắt căm phẫn: - Cô phải tự hỏi mình mới đúng! Cô nhướng đôi mắt cay xè lên nhìn An: - Em có biết nước ngọt ở đảo mình quý báu đến nhường nào không? Nó đổ ra cát hết cả rồi, làm sao lấy lại được đây? An khinh khỉnh dùng chân đá bình nước thêm một lần nữa khiến nó lăn lông lốc, đập vào bụi dứa dại gần đó. - Đúng là nó quý báu, nhưng chỉ quý báu đối với những con người thấp cổ bé họng, cả đời bị xem thường, chèn ép kia kìa... An cười nhếch miệng: - Đảo mình? Cô lấy tư cách gì mà nói hai chữ đảo mình? Cô chẳng qua là thứ cặn bã bị người thành phố gạn bỏ mới trôi dạt về đây, đảo bọn tôi là nơi trong lành, thà nhọc nhằn cơ cực chứ không chất chứa những thứ cặn bã như cô! Cô chớp mắt nhìn An: - Em ăn nói với cô vậy sao? Cô đã làm gì khiến em phải nặng lời với cô đến như thế chứ? An giật khẩu trang của cô quăng xuống cát. - EM? An câng câng. Cô giật mình lấy tay che mặt. - Sao? Cô có giỏi thì nhặt lại rồi đeo vào! An vừa nói vừa dùng chân di di lên chiếc khẩu trang, mặt vẫn ngênh ngang nhìn cô. Cô nuốt ực xuống cổ họng: - Cô không ngờ, em lại có cách cư xử tồi tệ như vậy! Em nghĩ lại xem, em có xứng đáng là cháu của ngoại, là bạn thân của Vy hay không? An tát mạnh vào mặt cô: - Cô lấy quyền gì mà dạy đời tôi? Có xứng đáng là cháu của ngoại, là bạn con Vy, thì đến lượt cô lên tiếng sao? Cô nói tôi tồi tệ, vậy còn cô thì thế nào? Sao cô không tự nhìn lại bản thân mình? Nổi lòng ganh tị với Thiên Nga, một học sinh đáng tuổi con mình, bất chấp tất cả để gây bất lợi năm lần bảy lượt, và tệ hại hơn, không ngờ cô đê tiện đến nổi tự mình ngụy tạo ra thứ tài liệu vớ vẩn đó rồi đổ tất cả lên đầu Thiên Nga? Tôi thật sự không ngờ, ngoài khuôn mặt dạ xoa kinh tởm của cô, cô còn có một lòng dạ rắn độc đáng nguyền rủa! Cô ứa nước mắt nhìn An: - Tại sao em không chịu tìm hiểu và nhìn nhận lại vấn đề trước khi đánh giá một người mà lại có thể vô tâm thốt ra những lời như vậy? Em có biết đó là những lời xúc phạm nặng nề đến người khác hay không? An nhổ nước bọt: - Là ai, chứ là người vừa đê tiện vừa đáng nguyền rủa như cô thì có xá gì hai chữ xúc phạm? Người ta nói ở đời, đẹp người không đẹp lòng, đẹp lòng không đẹp người thì cũng còn cái để cứu vớt, còn cô, là thứ gì mà cả hai thứ đều không đáng mang ra cho chó ăn! An vừa nói vừa cúi xuống cầm giỏ xách của cô mở dây kéo, trút ngược tất cả xuống cát. Mớ vỏ ốc cô nhặt được lúc sáng cũng theo đó rơi ra. An cười khinh bỉ đạp lên khiến chúng vỡ nát. - Người như cô mà cũng muốn có ốc ruốc để ước ao à? Cô muốn ước điều gì? Ước tất cả mọi thứ trên đời này đều phải nghe theo và khuất phục cô sao? Con Vy nó ngu ngốc nên mới bị cô qua mặt, còn con An này... An vỗ ngực, đá mạnh vào xe đạp cô: - Nó chỉ biết điều với người đáng để nó trân trọng, còn những hạng người sống thối nát thì sẽ thấy nó lưu manh tới cỡ nào! Cô nên nhớ, tôi là con của một con đĩ, tôi sống được tới bây giờ là nhờ vào nắm đấm, những khinh bỉ và phỉ nhổ, đụng đến ai, chứ đừng đụng đến người quan trọng của con An! Cút khỏi cái đảo này để trả lại sự bình yên cho học sinh bọn tôi càng sớm càng tốt, còn nếu không thì, cô sống không yên với tôi đâu! An trừng mắt hất mạnh vào vai cô khiến cô xiêu vẹo giữa cái nóng vẫn không ngừng hun ác rồi đạp lên giỏ xách của cô lăm lăm bỏ đi. Cô run rẩy cúi xuống nhặt lại từng thứ đồ đạc, đôi mắt đỏ quạch nhìn mớ ốc nát rũ đã lẫn vào với cát rồi ngước lên nhìn theo bóng An. - Tại sao vì một người hoàn toàn không xứng đáng mà em khiến bản thân mình trở thành như vậy? Em muốn nói cô, nghĩ về cô thế nào cũng được nhưng sự thật thì em nhất định phải biết! Cô lặng lẽ dựng lại xe đạp. Nhìn cái bình nước chỉ còn đọng lại ít ỏi dưới đáy rồi nhìn con đường cát dài như thăm thẳm, cô quẹt mớ mồ hôi đâu đó đã trộn lẫn với nước mắt. Nơi nhà cô đã gần đến và nơi bán nước vốn dĩ đã xa với nơi này lắm rồi nhưng bình nước giờ chẳng còn. Tất cả những gì tốt đẹp nhất mà cô luôn thầm lặng dành cho nơi này tưởng chừng như sẽ đến hồi sáng tỏ nhưng cuối cùng cũng như nước đổ đi. Cô đặt cái bình lên sườn xe đạp rồi lầm lũi quay lại con đường cô vừa mới đi qua. Những đốm sáng cứ liên tục xoay vòng trước mắt khiến cô mấy lần ngã xuống cồn cát. - Vy ơi, cô phải bắt đầu từ đâu khi cô càng lúc càng tệ hại trong mắt mọi thứ như thế này? Vy ơi, cô phải làm gì bây giờ đây?
Hết chương 2
|
Truyện này có 10 chuong thui ạ, b nào có đọc rùi cho mh động lực up tiếp an, tks all
|