Tôi để lại xe máy, vài thứ có chút giá trị khác để bù phần nào cho số tiền chạy chữa và đi khỏi nhà Đức, bắt đầu lại tất cả, như chờ cho vòng tuần hoàn của đời mình cứ thế diễn ra, trống rỗng, vô nghĩa, vô mục đích. Sự từng trải của tôi chỉ nằm vỏn vẹn trong cuộc sống ngày một bó hẹp hơn, tránh né người đời hơn. Tôi đã quyết rằng mình sẽ chẳng bao giờ yêu, và chẳng bao giờ coi trọng đời mình nữa.
Dẫu vậy, tôi vẫn dự định đi làm và dành một khoản tiền hàng tháng gửi nặc danh cho Phương, như một cố gắng của tôi để đền trả cho tất cả những gì tôi gây ra.
Tôi sống rất xa nơi ở cũ, trong một căn phòng tầng áp mái được xây quây lại tạm bợ. Nhà mái tôn, còn đôi chỗ khe trống, không tránh được hết mưa nắng khiến giá phòng hợp với thu nhập eo hẹp của tôi. Bạn cùng tầng với tôi gồm 1 con mèo con lông vàng hoe bị chủ nhà ném lên để dọa chuột và tất nhiên, một đàn chuột.
Lũ chuột xâu xé đồ đạc của tôi không thương tiếc, luôn đánh thức tôi dậy với tiếng động chạy qua chạy lại, chí chít ban đêm và mùi phân dậy lên khắp các xó nhà. Thế nhưng đó lại là cuộc sống tôi hài lòng.
Mỗi buổi tối, sau một công nhật mệt mỏi, tôi trở về nhà cùng một suất cơm mua gần cổng một trường đại học. Tôi ăn đủ, còn phần con mèo một ít. Rồi tôi tắm rửa, dọn dẹp, giặt giũ. Rồi tôi cùng con mèo con nhìn xuống những ngõ nhỏ bận rộn, chen chúc, nhìn lên bầu trời hiu quạnh, vô hồn. Tôi thấy mình già, cũ, khắc kỷ, như một con mèo đã sống đến 9 kiếp đời.
Và thứ tình cảm ngọt ngào duy nhất mà tôi còn cảm nhận được, nằm trong cái dụi đầu mềm mại của con mèo con lông vàng mà tôi sẽ đặt tên cho nó một cái tên ý nghĩa hơn:"Thuận."
|
Kết.
Cái tên Eternal Sorrow tôi lấy từ một bản nhạc dòng epic của Two Steps From Hell. Bạn có thể dễ dàng nghe nó trên Youtube. Bản nhạc không hay lắm, hơi ngắn, có thể không hợp với những bạn thích nghe nhạc thị trường. Nhưng nghe kỹ, nghe đi nghe lại, ít nhiều cũng cảm thấy được ý nghĩa của nó.
Thật kỳ lạ là bản nhạc thì tên Eternal, mà toàn bộ chỉ kéo dài 1 phút 44 giây. Cũng giống như Stille của ColdWorld chỉ kéo dài 1 phút 22 giây hay Edward Undecided 1 phút 34 giây của Saint Etienne, đều khiến người ta phải mất nhiều thời gian nghĩ ngợi về nó hơn là lắng nghe nó.
Tôi biết rằng phần lớn những gì tôi viết ra đều chỉ khiến các bạn thấy mất thời gian. Và tuy không thường giao tiếp với người khác, tôi cũng hiểu rằng mình là loại người mà chẳng ai muốn tiếp xúc. Tôi hơi đớn hèn, hơi vin vào các trầm luân của cuộc sống để đổ vấy cho những tội lỗi mình phạm phải. Tôi còn ăn nói rất dở, hễ nói chuyện là sẽ mất lòng. Sống như thế trong xã hội vốn phức tạp là một nhiệm vụ rất, rất nặng nề. Và đôi khi tôi chỉ muốn viết ra thứ gì đó để được nhẹ người.
Nói về cuộc sống, tôi không biết mọi người có như tôi không, nhưng tôi thấy tràn ngập mệt mỏi, thất vọng, sợ hãi. Người ta càng lớn lên, càng già đi, càng không thể hiểu lý do tồn tại của mình. Vì cuối cùng, ai mà chẳng chịu sự hủy diệt. Nhưng chống chọi với cái quy luật tồn vong không thể tránh khỏi đó chưa đủ, mà người ta còn phải tạo ra vô số bi ai khổ sở cho nhau.
Cả ngày tôi vật lộn với kiếm sống, luôn phải nghĩ đến ngày mai, ngày kia, tháng sau, tháng sau nữa. Sáng ra uể oải đến mấy cũng phải gồng dậy với ý nghĩ rằng không đi làm thì sẽ mất việc, sẽ không có tiền. Lúc làm luôn phải cật lực mà vẫn cứ lo ngay ngáy nếu mình không được việc, áp lực đến mấy cũng chỉ biết câm miệng mà chịu đựng.
Chuyện gia đình, chuyện tình cảm cá nhân thì càng không ra gì. Người phản bội, tôi phản bội. Người tệ bạc, tôi tệ bạc. Mà vốn tôi và người đời chẳng hợp gì với nhau, ở với nhau chỉ càng nhìn ra những chuyện chướng tai gai mắt. Đến lúc nào đó, dù cô đơn quạnh quẽ đến mấy, cũng phải dằn lòng rằng tình cảm muôn đời chỉ dẫn đến đau khổ.
Trong các loại triết thuyết, tôi thích thuyết duy lý của Kant, thích chủ nghĩa hiện sinh của Camus, nhưng có lẽ tôi tâm đắc với thuyết khắc kỷ như của Seneca hơn cả. Người ta chỉ trích thuyết khắc kỷ chỉ biết giữ khư khư mình và đổ hết đau khổ lên cho kẻ khác. Rồi thì chẳng đau khổ hơn, nhưng cũng có hạnh phúc hơn đâu. Nhưng tôi thấy, việc ý nghĩa nhất tất cả các tôn giáo trên đời này làm là để người ta không còn cảm thấy khổ nữa. Nếu thuyết khắc kỷ làm được như vậy, nó hẳn còn tốt hơn cả tôn giáo, vì nó chẳng bắt người ta phải thờ phụng ai ngoài chính bản thân mình.
Dù sao thì, cảm nhận đau khổ là một phần quan trọng trong cuộc sống con người, và theo tôi, người cả đời đau khổ là người sẽ ra đi an lành nhất. Chí ít, họ sẽ coi lúc chết đi thật sự là giải thoát.
Tôi không cổ vũ cho hành vi tự sát, cho các thói đời như giả dối, trăng hoa, phản trắc, bạo dâm/khổ dâm, và cũng không bao biện cho sự yếm thế, thiếu bản lĩnh. Tôi coi đó là những phần tất yếu của kiếp làm người. Ai không có những thứ đó, mà trái lại, có niềm vui, giàu có, sự yêu thương, thủy chung, hạnh phúc, tôi mong các bạn hãy quý trọng chúng hơn. Vì qua những gì tôi trải qua, tôi đọc được, chiêm nghiệm được, tôi nghĩ trên đời bất hạnh nhiều hơn hạnh phúc.
Bất cứ thời điểm nào trong lịch sử loài người có tư duy, có tri thức, tôi đều dễ dàng gặp được những con người yếu ớt, hoài nghi, chịu đựng thống khổ. Tôi tin rằng tương lai dù có rực rỡ tráng lệ đến thế nào, dù một xã hội viễn tưởng (utopia) có thể thành hiện thực, sẽ vẫn có những góc tối nơi hàng triệu con người phải rơi lệ hàng ngày vì sự sống.
Thôi hãy biết chấp nhận, chịu đựng. Endure, endure, endure, endure ... Đó là câu thần chú tôi thường nhẩm trong đầu mỗi khi cắm mặt đi qua một đoạn trường mà tôi khiếp sợ. Đôi khi khốn nhục có thể lên đến cực điểm và khiến tôi có những hành động mạt hạng, điên rồ, phản lại tất cả, tháo chạy cho bản thân mình. Nhưng ít ra, tôi vẫn sống. Cay đắng là thế.
Kết thúc cho câu chuyện này, tôi một lần nữa lặp lại phần lớn trang cuối có hậu nhất dành cho những kẻ như tôi: Sống tiếp, chịu đựng tiếp.
Hết.
|