Eternal Sorrow - Nỗi Buồn Vĩnh Cửu
|
|
Tôi đứng tần ngần. Tôi không lo về quãng đường về nhà ướt như chuột lột, tôi sợ bị mẹ trách móc. Và tôi buồn vì chiếc áo mới mà tôi mới chỉ được mặc một lần duy nhất. Tôi buồn hơn khi nghĩ rằng, người lấy áo của tôi là một ai đó trong lớp. Ngay cả Yến cũng khiến tôi nghi ngờ. Tôi đã lần đầu tiên thấu hiểu cái cảm giác mất hoàn toàn lòng tin vào con người.
Chẳng cần nói cũng biết mẹ tôi nổi giận với tôi thế nào khi thấy tôi đội mưa về nhà. Bà tát tôi, chửi mắng tôi, nhưng không hề vì tôi bị ướt, mà chỉ vì chiếc áo mưa mới. Tôi đứng yên ngoài sân nhà, vai vẫn đeo cặp sách, cúi đầu lĩnh cơn thịnh nộ của bà.
- Từ nay trở đi, tao cấm mày sờ tới cái áo mưa nào nữa! - Bà nói - Đi mưa về!
Rồi bố tôi về, không cần biết chuyện, đánh tôi đập mặt xuống sân, phạt tôi đứng ngoài đường tới khuya. Tôi cứ cúi gằm mặt che đi giọt nước mắt tủi thân trước những người qua đường. Tôi nghĩ nếu mình cứ dùng chiếc áo mưa cụt tay kia đã chẳng có những chuyện này. Rồi tôi càng thấu hiểu rằng cuộc đời này chẳng có lý lẽ công bằng nào. Cái tâm tư trẻ con khiến tôi càng ấm ức khi nghĩ đến việc trong lúc tôi phải chịu đựng tất cả những hình phạt, kẻ ăn cắp kia lại được che mưa về nhà, có khi còn được mẹ nó khen lanh lợi, khôn ngoan.
Tôi bị ốm mất mấy ngày sau hôm ấy và kể từ đó, không bao giờ được mẹ tôi sắm sửa cho thứ gì nữa.
"Nếu có đi ăn cắp vào một ngày trời mưa - Tôi viết trong quyển lưu bút của lớp - ít nhất hãy để yên cho chiếc áo mưa của người khác. Vì kẻ bất hạnh đó có thể sẽ phải đội mưa suốt cuộc đời."
Câu chuyện áo mưa tưởng đơn giản ấy cũng đã là một quân domino trong chuỗi đổ ngã sóng gió của cuộc đời tôi. Bắt đầu bằng việc tôi quá căm giận lớp học của tôi và quyết thi cho thật tốt. Cả lớp tôi đợt đó chỉ có tôi và một thằng bạn khác thi chuyên đỗ. Nhưng tôi không có cơ hội học. Mẹ tôi mất trước khi tôi kịp nhập trường và bố tôi nhất quyết tống tôi vào một trường công hạng bét cách nhà tôi tới 45 phút đạp xe.
Rồi trong một đêm khi tôi bất mãn trước tất cả những gì bố tôi đối xử với tôi đến nỗi bỏ ra ngoài ngủ, tôi gặp Hải Tặc. Cuộc đời tôi rơi xuống đáy từ đó tới nay. Đến nỗi, mười mấy năm đã trôi qua, tôi cuối cùng vẫn chẳng sao thoát được những cơn mưa phùn lạnh lẽo thấm da thấm thịt.
*
Tôi ốm nặng, tim phổi, ruột gan đau như cứa, lại chẳng biết đi đâu về đâu. Khi tình cờ nhìn vào một tấm cửa kính, tôi không còn nhận ra chính mình. Tôi mặc một chiếc áo thun đen, cổ cao cáu ghét đã cứng lại, khoác ngoài một chiếc áo vest đen cũ lấm bùn, tóc dài phủ gáy, mặt mũi tối tăm hốc hác, da dẻ nhăn nhúm, râu ria lởm chởm, không một chút giống với bản tính ưa sạch sẽ của mình. Tới lúc đó tôi mới nghĩ có khi nào đây mới chính là cái bộ dạng của tâm hồn mình, thứ mà trước nay tôi vẫn cố che đậy bằng sự ngăn nắp tinh tươm kia.
Sau một ngày lang thang ngoài đường, tôi quyết định sẽ về nhà trọ, thu xếp dọn đồ. Thằng béo có lần nói với tôi chủ nhà đã đem hết đồ đạc có giá trị của tôi lên nhà họ và vứt hết những thứ vớ vẩn khác ra một góc sân. Họ chỉ chờ tôi về trả tiền nhà để có thể tống khứ tôi đi. Tôi cũng nghĩ rằng tôi sẽ bán hết đồ đạc, được bao nhiêu sẽ đưa cho Phương. Và tôi sẽ chờ đợi cho cuộc phán xét cuối cùng đưa tôi đến thế giới của mẹ tôi, của mẹ con Hải Tặc, của Thuận, của đứa con chưa thành hình của tôi. Mặc dù phần lý trí khốn nạn của tôi một mực nghĩ rằng con người ta chết là hết, là tất cả mục rữa cho sâu bọ đục rỗng, tôi vẫn xót xa muốn có một cuộc trùng phùng, một sự chuộc lỗi.
Tôi ngồi lơ mơ trên chuyến xe bus trước khi rùng mình tỉnh dậy. Bụng giữa tôi đau dữ dội, đau đến mức tôi chỉ kịp kêu rên một tiếng trước khi nằm quằn quại trên xe và khiến đám đông xung quanh nhốn nháo. Tôi bóp chặt bụng mình, thấy như có lưỡi dao đâm xuyên người, chẳng khác nào lưỡi dao đã đâm chết Hải Tặc, đâm chết Thuận. Tôi tái người nghĩ đến sự trùng hợp mà số phận trêu ngươi ấy. Và tưởng như ngay lúc này đây, thần chết đã tới bên cạnh mình, buộc tôi chịu đựng hồi cáo chung đã dành cho những người tôi hằng yêu quý.
Nhưng bản năng sống của tôi không chịu thua. Nó khiến tôi rơi nước mắt trước ánh mắt hiếu kỳ của mọi người, khiến gương mặt tôi vặn vẹo rên rỉ xin cứu giúp, khiến sâu trong lòng tôi, sự khiếp sợ trước cõi chết vĩnh hằng trỗi dậy.
Tôi được lái phụ xe bus gọi gấp một chiếc xe ôm để lắt léo qua con đường tắc nghẹt giờ sáng và đưa vào bệnh viện. Cả người tôi lạnh run, ướt đẫm mồ hôi, bụng đau như đang muốn phanh thây mình từ bên trong.
Người tài xế xe ôm, sau khi gọi bác sĩ đến xem cho tôi, hỏi tôi như đã quen:
- Quê ở đâu? Có số người nhà hay bạn bè không?
|
Làm sao tôi có thể trả lời rằng tôi chẳng có một ai bấu víu trên đời. Vì tôi đang khiếp sợ sự đau đớn này như khiếp sợ cái chết. Thứ đau đớn mà những cuộc hành xác của Quân chẳng thấm tháp vào đâu khiến tôi không còn nghĩ được đến tự trọng, quá khứ hay hậu quả của nó.
Tôi hổn hển nhờ ông gọi cho một số điện thoại trong máy tôi như van lơn.
- Số không liên lạc được - Ông bảo tôi - Có đúng không?
Tôi ứa nước mắt, đau đến nỗi khóc được, hoảng loạn trước cơn đau ngày một nặng hơn, lan rộng khắp cơ thể mình.
Sau cả tiếng trời khám sơ qua, chụp chiếu, một nữ bác sĩ già tới vỗ về tôi:
- Cháu bị thủng dạ dày rồi. Giờ bác sẽ cho cháu thuốc giảm đau. Nhưng cháu phải mổ, tối đa trong mấy tiếng nữa. Cháu có người nhà hay bạn bè nào để làm thủ tục ngay bây giờ được không?
Cả sự ấm áp lẫn câu hỏi không có lời đáp của bà đều khiến tôi đau quật hơn. Chính lúc này đây, tôi không có tiền, không có người thân, cửa sống như bị đóng chặt lại sau những cuộc gọi không có hồi âm.
- Bình tĩnh nào - Bà lau nước mắt cho tôi - cháu có địa chỉ nhà người quen nào? Bác sẽ nhờ chú xe ôm này tới gọi hộ.
Tôi gật đầu, đọc địa chỉ. Bà bác sĩ già ân cần động viên tôi trước khi một y tá tới cạnh tôi. Vừa đặt tay lên mặt tôi, cô đột nhiên dừng lại.
- Liên, phải không?
Tôi dùng chút ý thức còn lại để nhận ra gương mặt của cô, sau khi cô kéo chiếc khẩu trang xuống.
- Yến à?
Cô thẹn thùng cúi đầu khiến tôi không nhầm lẫn được. Rồi cô vội quay về công việc của mình khi thấy tôi vật vã với cơn đau.
Quý chạy hớt hải tới chỗ tôi cỡ một tiếng sau đó, khi tôi đã ngấm thuốc và chỉ có thể cố mở mắt đáp lại những lời nói cuống cuồng của anh:
- Anh xin lỗi máy anh bị hết pin. Em sao thế này? Sao rồi? Bác sĩ ở đâu?
Tôi chập chờn ít lâu trước khi một liều thuốc nữa làm tôi nhẹ người đi hẳn. Tôi có thể thấy hai chân đang co quắp lấy thân mình mềm và duỗi được ra. Khi tôi vừa có cảm giác rợn người như thật sự có lưỡi dao lạnh buốt dí xuống da bụng mình, tôi đã mở mắt và nhìn thấy màu trắng ngà quen thuộc của những bức trần bệnh viện và ngửi ra mùi thuốc sát trùng nồng nặc khắp không gian.
Bên cạnh tôi, Quý đang ngồi trên ghế với một chiếc Ipad. Tôi thấy dễ chịu khi cảm thấy rõ mình đã được thay đồ sạch sẽ, nằm dưới một lớp chăn gối ấm áp. Cơn đau của tôi cũng đã giảm nhiều, dù có một cơn đau khác đang dần thay thế nó.
Tiếng ho của tôi làm Quý giật mình ngẩng lên và liền đến cạnh tôi.
- Em đỡ hơn chút nào chưa?
Tôi mệt không trả lời nổi. Anh nhìn tôi rơm rớm.
- Anh nợ em nhiều quá ...
Tôi nghĩ mình đang nợ anh hẳn cái mạng thì thôi, anh còn nói với tôi như thế, quả thật khiến tôi uể oải tới mấy cũng phải cố nói:
- Cảm ơn anh.
Anh lắc đầu, cầm lấy tay tôi áp vào bờ má cũng đã gai gai một lớp râu của anh:
- Rốt cuộc, em đã trải qua chuyện gì? Vì sao không liên lạc với anh một câu?
Tôi cảm nhận được hơi ấm từ cơ thể anh, thấy trìu mến đến buồn rầu.
|
ES.13
Tôi gặp Đức chỉ ít lâu sau đó. Quý nói ông vừa đi thăm mộ mẹ tôi về, có thể muốn tâm sự gì đó với bà. Lúc đến, ông mang theo hoa quả, bánh kẹo, đường sữa, chăn màn quần áo, cứ như chuẩn bị cho đại chiến.
- Quý nó đi xét nghiệm ADN rồi mới nói với chú - Ông chủ động bắt chuyện với tôi sau khi Quý có việc đi khỏi - Nó nói:"Anh có biết cái thằng nhóc hôm trước là ai không?". Chú nói:"Là Liên, con trai người yêu anh". Rồi nó thở dài đưa chú tờ xét nghiệm: "Nó là con trai ruột của anh đấy." Chú hoàn toàn bị sốc. Chú vội đến nhà cháu nhưng người ta nói cháu đã chuyển đi rồi.
Nếu chú sớm biết cháu là con của chú, chú sống chết cũng đã đòi nuôi cháu, dù mẹ cháu có cố chấp thế nào. Nhưng vì mẹ cháu khăng khăng nói cháu là con đẻ của cô ấy với bố cháu ... Chú đâu có biết chú đã làm hại cả cuộc đời con ruột của mình ...
Ông cúi đầu bần thần, hai bàn tay đan chặt.
Sự xúc động của ông làm tôi nhói ngực. Tôi không rõ đó có phải phải ứng thường tình của những người cha hay không. Nó lạ lẫm với tôi đến mức tôi chỉ biết ngoảnh mặt đi thở dài.
Yến - cô bạn thời cấp 2 mà tôi tình cờ gặp lại khi thấy cô làm y tá cho bệnh viện tôi đang nằm - vẫn thỉnh thoảng đến gặp tôi. Đến ca, cô thường tự là người chăm sóc cho tôi. Cũng có khi hết ca cô lại ngồi hỏi chuyện tôi.
Tôi nằm viện hơn một tuần. Bác sĩ nói bệnh tình không quá nặng nhưng tôi dính bệnh phổi và ốm lặt vặt sa sút từ trước đó, tôi hồi phục chậm hơn. Đến ngày tháo chỉ, tôi thấy mình cũng khỏe hơn nhiều, nhưng bụng còn đau và người sụt đi trông thấy.
Trước đó đúng một ngày, Yến tới cạnh tôi sau khi tan ca. Đức đi làm, còn Quý cũng ra ngoài để chúng tôi có thể thoải mái nói chuyện.
- Cậu thế nào rồi? - Cô hỏi.
Tôi sẽ trả lời nếu như đấy không phải là câu mà cô thường hỏi tôi cả chục lần mỗi ngày.
- Vết mổ đỡ rồi. Chắc mai là cậu tháo chỉ ra viện được thôi. Về nhà, nhớ ăn lỏng trước cho quen rồi hãy ăn đặc. Nếu còn đau nhiều, nhớ phải đến viện ngay.
Loạt câu dặn dò này, tôi cũng đã nghe cỡ năm lần.
Im lặng một lúc, cô nói tiếp:
- Nhớ năm ấy, tớ nói với cậu rằng tớ muốn làm giáo viên nhỉ? Cậu có thắc mắc vì sao giờ tớ lại làm nghề này không?
Tôi lắc đầu.
- Nhà tớ rất nghèo - Cô nói - Bố tớ mất năm tớ 5 tuổi. Mẹ tớ thì cậu biết đấy, chỉ là một cô giáo làng, một mình nuôi 2 chị em tớ. Em tớ khi nhỏ bị chó dại cắn, lớn lên nó cũng kém khôn ngoan, năm tớ vào đại học thì nó bệnh mất. Từ đó đến nay chỉ có 2 mẹ con tớ sống với nhau.
Tôi gật đầu cảm thông với cô.
- Hồi đó, tớ vừa mến vừa ghen với cậu. Vì nhà cậu giàu có, cậu lại rất thông minh, trong lúc tớ phải cặm cụi học mới đuổi được cậu thì cậu cứ rảnh ra lại nghe nhạc, đọc sách ...
Tôi nghĩ hình như chiếc máy nghe nhạc Đức mua tặng tôi, ở cái thời tôi đi học, khiến chúng bạn có suy đoán rằng gia đình tôi giàu lắm vậy.
- Mãi tớ mới đủ can đảm để bắt chuyện với cậu. Nhưng nói chuyện rồi mới thấy cậu ở xa tớ quá. Cậu hoàn toàn ở trên tầm của tớ ... - Cậu lấy cái áo mưa của tớ, phải không?
Yến mân mê những ngón tay thoải dài của mình, ngập ngừng gật đầu:
|
- Ừ. Tớ chỉ muốn lưu giữ được thứ gì đó của cậu ... Sau khi biết cậu bị ốm và nhất là sau khi đọc câu cậu viết trong quyển lưu bút, tớ rất hối hận. Tớ chỉ muốn có một ngày được thú nhận và trả lại cậu nhưng lại sợ cậu ghét bỏ, trách móc.
Tôi chưa kịp mở miệng nói "Cậu không thể tưởng tượng được hành động của cậu đã làm tớ khổ sở thế nào", Yến đã tiếp câu chuyện của mình:
- Rồi như ông trời trừng phạt tớ. Tớ thi cấp 3 trượt, vào một trường rất tệ. Hồi thi đại học tớ cũng thi trượt. Mãi rồi mẹ tớ bảo tớ đi học trung cấp Y, kiếm một cái nghề. Tớ đi học, đi làm từ đó tới nay. Vì tủi hổ, mặc cảm, đến giờ tớ cũng chưa từng có người yêu ...
Tôi sực nhớ ra một người con gái ở cái tuổi tôi bây giờ, như Phương đã có con trai 3 tuổi đầu, việc Yến còn chưa có một người yêu quả thật cũng rất bất ngờ.
Cô vén tóc mai để lộ vành tai đỏ bừng, nói:
- Lần này tình cờ gặp cậu, tớ nghĩ cũng có thể là do ông trời sắp đặt để tớ được xin cậu tha thứ.
Nhẽ ra, với đúng tính cách mình, tôi sẽ lôi ra những loạt truyện dẫn đến bi kịch của cực điểm của tôi để cô hiểu điều sai trái mà cô làm với tôi. Nhưng bất giác tôi đồng cảm với cô trong hầu hết mọi chuyện. Tưởng như, những gì tôi và cô trải qua, tuy không có gì giống nhau, nhưng đều chung nhau những thứ tình cảm dày vò đày ải và sự cô đơn đến tận giờ phút cuối cùng.
- Mà phải, giờ cậu đi làm gì? - Cô ngẩng lên nhìn tôi - Năm đó tớ chỉ biết cậu đỗ, nhưng không biết cuối cùng cậu học thế nào. - Hè năm đó mẹ tớ mất - Tôi nói - Tớ không học trường chuyên nào cả. Lớn lên tớ đi học lập trình. Giờ thì đang thất nghiệp. Cậu cứ nhìn tớ bây giờ đây thì biết đời tớ chẳng hơn cậu chút nào, thậm chí còn tệ hại hơn.
Cô lấy tay gỡ giọt nước mắt đang đọng trên cằm.
- Lúc mới gặp cậu, tớ cũng nghĩ rất nhiều. Tớ không biết liệu tớ có nhầm không. Hoặc cậu chỉ vô tình gặp một tai nạn nào đó ... - Không đâu - Tôi chua chát - Đời tớ cũng lâm vào khốn cùng. Nếu như ngày hôm đó, 2 người đàn ông kia không tới đây, chắc giờ này tớ chết rồi. Thế mà họ, trên danh nghĩa, thậm chí còn không có quan hệ gì với tớ.
Nếu nói tất cả chuyện này chỉ từ cái áo mưa thì hẳn quá vô lý. Tất cả bi kịch trên cõi thế này hẳn đều xuất phát từ một lý do phổ quát hơn.
- Vậy thì ... - Cô nói - Mấy ngày nữa ở nhà, nếu nhà cậu chưa thuê được ai qua thuốc thang cho cậu, cậu cứ gọi tớ. Tớ sẽ thu xếp qua. - Làm phiền cậu quá - Tôi nói khách sáo. - Không sao đâu. Tớ ở nhà với mẹ cũng buồn lắm.
Tôi thở dài, nhân lúc Quý quay lại nói ý của Yến. Anh lập tức đồng ý, còn vui vẻ nói:
- Tốt quá. Anh cũng đang lo chuyện ấy.
Tôi nhìn Quý, nhìn Yến, thấy đầu óc đã linh mẫn hơn phần nào, sớm dự liệu được những chuyện không hay có thể xảy ra. Nhưng sức khỏe kiệt quệ làm tôi không muốn nói chuyện hay tranh cãi. Và tôi lại thở dài với suy nghĩ:"Thôi mặc đời".
*
Ra viện, tôi về nhà Đức ở. Quý chưa dọn về, vẫn ở căn hộ bên kia cầu Vĩnh Tuy với lý do gần chỗ làm hơn, dù tôi nghĩ lý do chính là để tôi không phải giáp mặt người yêu anh. Sau khi tôi bệnh, bác sĩ nói tôi tránh suy nghĩ, tránh áp lực, nên dù thật lòng tôi chẳng màng gì đến chuyện của cá nhân Quý nữa, anh vẫn cứ sợ vu vơ như thế.
Tôi cũng nhờ Quý tới nhà trọ cũ của tôi, giải quyết những lằng nhằng ở đó. Khi anh về, tôi thấy gương mặt anh thẫn thờ, biết người ta đã nói cho anh chuyện tôi gây ra. Nên mỗi lần gặp tôi, tôi thấy anh như có cả tấn câu hỏi mà rồi vẫn vì sợ ảnh hưởng tới sức khỏe của tôi, nuốt lại trong lòng.
Một hôm cuối tuần, chỉ có tôi và anh ở nhà, anh chuẩn bị đồ ăn cho tôi như thường lệ, tôi chủ động gỡ rối cho anh:
- Nếu anh có thắc mắc - Tôi nói - thì tôi đã đến gặp cô ấy rồi.
Quý giật mình. Anh lúng túng như gà mắc tóc:
- Vì sao ... Ý anh là ... Anh tưởng em không quan hệ với phụ nữ. - Một lúc nào đó trong đời, tôi đã nghĩ rằng đời tôi có thể có ý nghĩa hơn khi tôi có một người vợ và một đứa con. Nhưng tôi đã lầm, dù tôi có làm gì, có yêu ai, đời tôi vẫn chó má như thế. Chắc bà bác sĩ cũng nói với anh về mấy vết trên người tôi rồi. Đó là do sau đó tôi tự trừng phạt mình. Nó giúp tôi tỉnh ngộ và nhận ra tôi rốt cuộc là ai trên đời này. Hạng người như tôi, chẳng đáng có được hạnh phúc. - Sao em lại có thứ suy nghĩ như thế? - Bản năng của tôi lúc nào cũng xung đột với ý chí của tôi. Tôi quả thực cần cái chết hơn bất cứ điều gì. Và tôi đã nỗ lực để nó đến với mình. Nhưng đến phút cuối cùng, bản năng của tôi lại cầu viện đến anh.
Lần đầu tiên, Quý tát tôi. Tôi nghĩ anh lại sắp rao giảng cho tôi một bài về sinh mạng, như những thứ sáo rỗng người đời vẫn hay nói. Nhưng anh lại mím môi im lặng rồi nói lảng sang một chuyện khác:
|
- Thôi ăn đã.
Mãi một lúc sau, khi tôi chuẩn bị đi ngủ, anh mới nói:
- Liên ạ, em cần phải sống trước khi đi tìm hạnh phúc.
Tôi thở dài trước câu nói đó:
- Nếu anh vin vào việc tôi và Phương để cố vun vén cho Yến, tôi nghĩ anh nên quên đi. Vì sau những chuyện này, tôi thấy cuộc đời còn lại của tôi, chỉ là chuyện đấu tranh lại với bản năng sinh tồn. Tôi nhất định phải kết thúc cái kiếp sống này trước khi nó kết thúc tôi.
*
Tôi quả thật không thấy mình phù hợp với cuộc sống gia đình. Sự quan tâm, chăm sóc và sự kiểm soát bó buộc kỳ thực chỉ cách nhau gang tấc.
Đức làm cho một cơ quan nhà nước, thường có vài đợt công tác xa một tháng. Tôi không gặp ông nhiều, và có gặp cũng không có nhiều vấn đề. Tình cảm phụ tử giữa tôi và ông rất hời hợt, dù ông cố gắng tới thế nào. Đến nay, đã ở nhà ông gần tháng, tôi vẫn chưa một lần gọi ông bằng bố mà vẫn xưng hô chú cháu như thế.
Quý cũng thường đi làm cả ngày, chỉ có buổi tối sang gặp tôi đôi chút. Cuộc sống của tôi do đó, như lời Đức đã nói trước đây, khá thoải mái, không ai làm phiền. Tuy nhiên tất cả sự chu đáo của họ với tôi chẳng khác gì xiềng xích. Tôi nói với Quý khi thấy không thể chịu được nữa:
- Tôi cảm ơn hai anh em anh đã giúp em chạy chữa. Giờ tôi đã khỏe hơn nhiều. Các anh để tôi ra ngoài, tự do sinh sống. Tôi không muốn phụ thuộc 2 người thêm nữa. - Không được - Quý dứt khoát - Nhìn cuộc sống của em bấy lâu nay, sao anh có thể yên tâm được? Giờ em còn là máu mủ duy nhất của anh trai anh ... - Sao anh không nói với Đức tôi là gay? - Tôi gắt - Máu mủ gì thứ như tôi. - Em càng có thứ suy nghĩ như thế, anh càng không thể để em đi được.
Sự căng thẳng làm bụng tôi đau lại. Quý nhìn tôi nhăn mặt ôm bụng, lại càng có thêm lý do:
- Vậy đấy! Vậy mà em đòi ra ngoài sống. Trong vấn đề này, anh đứng cùng phía bản năng sống của em. Không tranh cãi nữa.
Ức chế của tôi lây sang Yến khi tôi gặp cô vào sáng hôm sau:
- Cậu không phải qua đây nữa - Tôi nói - Thuốc thang quanh quẩn chỉ có thế. Tự tớ có thể lo được.
Tôi biết anh em Quý cố tình sắp đặt để tôi có nhiều thời gian với cô, rồi cách nào đó có thể lập gia đình với cô. Cô thân tình với tôi, chấp nhận hy sinh cho tôi vô điều kiện, luôn quan tâm lo lắng cho tôi, ngần ấy thứ khiến ai cũng hiểu rằng cô muốn gắn bó với tôi.
Cô lại cúi đầu bối rối, thứ thái độ nhu nhược đánh vào tình cảm làm tôi càng tức giận:
- Cậu năm nay 27, 28 rồi. Đừng vì bà mẹ già khó tính đăm đăm mà mất cơ hội của mình. Tớ chỉ nghe qua về gia đình cậu, nhưng tớ đoan chắc cậu bị mẹ cậu áp đặt. Ngay cả chuyện với tớ có thể cũng chỉ là mẹ cậu thúc giục cậu và cậu chẳng biết bám vào với ai ngoài tớ. - Không phải thế đâu Liên ... - Cậu chăm sóc tớ từ ngày đầu nhập viện, cậu thấy những vết thương trên người tớ rồi. Chắc tớ không cần nói cậu cũng biết, tớ là người đồng tính. - Thế thì sao? Người đồng tính thì không được lấy vợ sao?
Tôi kinh ngạc nhìn cô.
- Cậu bị sao thế? - Tôi hỏi - Cậu cam tâm lấy một thằng như tớ vì điều gì? Nếu chỉ để cho một tấm chồng thì cậu thật sự có vấn đề đấy.
Cuộc nói chuyện của chúng tôi rơi vào im lặng. Rồi tôi nói:
- Đàn ông còn nhiều. Cậu có nghề nghiệp, có nhan sắc, vẫn còn có thể lựa chọn. Đừng đánh canh bạc của cả đời mình vào một kẻ như tớ, dù thâm tâm cậu thấy có lỗi thế nào. Thời gian qua, cậu tận tâm với tớ là ân huệ quá lớn rồi. - Tớ yêu cậu, chứ không chỉ vì cảm giác tội lỗi kia đâu - Cô nhìn ra ngoài cửa sổ bên cạnh mình, nói - Tớ có lẽ là con ngốc khi cứ ôm mãi thứ tình yêu con nít đó đến tận bây giờ ... - Tớ không đáng để cậu yêu. Hãy ngừng mơ mộng đi.
Trên đời, quả thực, chỉ có phụ nữ mới hoang đường về tình yêu của đàn ông, mới nghĩ rằng nó đẹp đẽ, lãng mạn. Tôi cảm thấy nực cười trước tất cả suy nghĩ và mộng tưởng như thế. Straight, gay, hay bi, chỉ cần có máu đàn ông trong người, đều chỉ rặt bạo lực, tàn khốc, chiếm hữu, và tất cả những kẻ không như thế, đều hoặc hèn nhát, nhu nhược, hoặc sẽ cả đời bi lụy vì hiếu nghĩa.
Sau khi Yến đi khỏi, tôi rốt cuộc cũng hiểu rõ rằng tôi không thể có gia đình, không thể thuộc về một gia đình. Mọi ước vọng của tôi từ trước đến nay để cố gắng có một thứ như gia đình và cuộc sống êm ả là bất khả với con người tôi. Tự tôi đã tạo ra chính mình, và giờ cũng chỉ có mình tôi phải chịu trách nhiệm cho con người đó.
|