Giả Sử Con Và Cậu Út Yêu Nhau (Nhật Ký Của Cậu Út)
|
|
Sài Gòn, ngày … tháng … năm 2013 (59)
Kim chi Ngọc Diệp dẫn hai cậu cháu tôi đến một quán trà sữa xinh xinh nằm trong khu Miếu Nổi. Khi chúng tôi bước vào thì tôi đã thấy có cái gì đó vướng vướng trong đầu. Chừng ngồi xuống một lúc thì tôi hiểu cái cảm giác đó. Trong quán có một hội nhóm gay nào đó của một diễn đàn nào đó tụ tập offline. Khoảng chừng không tới hai mươi người. Và các bạn gay lộ thì chẳng còn e dè gìn giữ gì nữa. Bất giác tôi quay sang nhìn con nhỏ Ngọc Diệp, thấy nó chống tay gác cằm, chăm chú nhìn cái hội kia đùa giỡn và chỉ cười nhàn nhạt khó đoán. Quay sang lén nhìn thằng Thịnh, thì thấy nó có vẻ gì đó bực bực không hài lòng, không thoải mái. Tự nhiên tôi thấy có chút gì đó sợ sợ, có chút gì đó không ổn sẽ xảy ra, cứ bất an và nhìn ngó lung tung.
- “Cậu Út có biết cộng đồng “eo gi bi ti” (LGBT) không ạ?” – Nhỏ Ngọc Diệp đột nhiên quay qua nhìn tôi hỏi
- “Cộng đồng gì cháu?” – Tôi vẫn còn đủ trấn tĩnh để hỏi lại câu hỏi mà tôi đã nghe rất rõ
- “Anh Thịnh có nghe qua cộng đồng “eo gi bi ti” chưa? – Con nhỏ này không trả lời tôi mà nhoẻn cười hỏi thằng Thịnh
Thằng Thịnh lắc đầu không trả lời. Và cũng chẳng hỏi lại như tôi. Nó chợt quay sang nhìn tôi một cái thật nhanh và theo chiều quay đầu đó, ánh mắt của nó chuyển sang khung cửa sổ mở ra ngoài đường. Nó giữ yên ánh mắt ở vị trí đó nhìn những dòng xe cộ, còn tay thì cứ khuấy cái ly trà sữa trân châu hương dưa lưới của mình. Lúc ấy tôi chợt liên tưởng thằng Thịnh đến người yêu cũ. Cả hai đều thích hương dưa lưới khi uống trà sữa, cũng cùng cung hoàng đạo Kim Ngưu. Và cũng hay giữ sự im lặng bất thường, mặc kệ đối diện chung quanh mình là ai, có vai trò gì với mình.
Nhỏ kim chi Ngọc Diệp này không lẽ đáo để đến thế. Không lẽ con nhỏ cố tình dẫn tôi và thằng Thịnh đến đây, để cho thằng Thịnh nhìn những người bạn cùng khuynh hướng tình dục với tôi nhưng có sự biểu hiện ra bên ngoài quá nhiều khiến cho những người straight đôi khi cảm thấy khó chịu? Không lẽ nó muốn thằng Thịnh nhìn những người này mà liên tưởng đến bên cạnh nó, ăn chung, ngủ chung với nó, là một người y chang những người ngồi kế bên kia? Một cách để lộ thân phận của cậu Út nhẹ nhàng thật sự.
- “Mấy người kia là đồng tính đấy cậu Út” – Con nhỏ Ngọc Diệp lại khuấy động sự im lặng bao quanh ba chúng tôi – “Có lẽ sắp tới nhà nước cho phép họ sống chung, tổ chức cưới. Việt Nam lúc này văn minh quá cậu nhỉ?”
Tôi chỉ mỉm cười không đáp. Trong lòng thấy đắng cay. Tôi hơn con ranh kia bao nhiêu tuổi, trải đời biết là bao, thế mà hôm nay chỉ có thể phản ứng bằng một nụ cười thua trận. Có lẽ, khi bị chạm vào cái khuyết tật lớn nhất, cái điểm yếu lớn nhất, trí não của người ta sẽ bị trì trệ, hoạt động rất là kém. Cái nỗi sợ trong đầu tôi từ nãy giờ đã dần dần định hình, rõ nét hơn và nhiều hơn. Tôi sợ thân phận của mình bại lộ ư? Không phải, điều tôi lo sợ chính là cách cư xử của thằng Thịnh dành cho tôi sau này, sau khi biết được thân phận thật sự của cậu Út.
Một nỗi sợ khác nhẹ nhàng hơn nhưng cũng làm tôi nao núng. Tôi sợ con nhỏ đáo để kia sẽ dùng một cách thức gì để làm lộ ra tình cảm mà tôi dành cho thằng Thịnh. Tôi hối hận đã đi uống trà sữa hôm nay. Tôi hối hận đã đánh giá con nhỏ Ngọc Diệp quá thấp. Cũng vì tôi quá chủ quan, mới mười sáu mười bảy tuổi đầu, lại là con gái nữa, ai mà ngờ con nhỏ sắc sảo và thông minh đến như vậy. Tôi phải làm gì tiếp theo đây? Không lẽ cứ ngồi đây để con Ngọc Diệp xem mình là củ hành tây thảm hại, lấy con dao nhíp lột ra từng mảnh vỏ, để lộ đến cái lõi trong cùng, và lôi kéo sự khinh bỉ kỳ thị của thằng Thịnh hướng vào.
Trong lúc bối rối ấy, tôi chợt nghĩ đến thằng Kha. Tôi liền đi vào toilet gọi phone cho nó. Nhà thằng Kha, cũng là phòng mạch của nó, cũng gần ở đây. Tôi nhờ nó đến cứu viện. Chưa khi nào tôi sợ ngồi cạnh thằng Thịnh vào lúc này đến như vậy. Trời cũng còn thương tôi, thằng Kha bắt máy và nhận lời. Khi tôi từ toilet ra ngồi được chừng dăm phút thì thằng Kha “vô tình” bước vào quán. Tôi mừng quá, giả bộ ngạc nhiên rồi tách sang ngồi cùng bàn với nó, để mặc cho thằng Thịnh ở lại với con Ngọc Diệp kim chi. Thật là ê chề nhục nhã. Ngẫm lại, cái cảm giác là kẻ bại trận với cái cảm giác làm củ hành tây bị lột đến lõi, cảm giác nào mới đớn đau và đáng sợ hơn?
- “Út ơi, Út về giờ chưa?” – Thằng Thịnh hỏi với sang khi mà tôi qua bàn thằng Kha được chừng nửa tiếng đồng hồ
- “Thịnh muốn về hả?” – Tôi hỏi rồi giả đò quay sang thằng Kha – “Về giờ chưa ông?”
- “Thịnh với bạn về trước đi, lát cậu đưa cậu Út về sau cho” – Thằng Kha trả lời thay tôi
- “Dạ! Vậy con về trước!”
Thằng Thịnh đứng lên bước ra khỏi quán, con nhỏ đáo để kia lẽo đẽo theo sau. Con bánh bèo đó quay lại quăng cho tôi một nụ cười ngầm định như kiểu của người chiến thắng. Tôi cũng nhìn nó, nhưng ánh mắt vô cảm, kiểu như là sự phản ứng tự nhiên khi có ai nhìn mình. Trong đầu tôi đang bận rà lại xem thái độ của thằng Thịnh từ đầu đến giờ thế nào, đã nói những gì. Tôi muốn đánh giá lại tình hình vừa xảy ra mà sao đầu óc cứ bùng nhùng bùng nhùng không xâu chuỗi sự kiện gì được hết. Gương mặt tôi ỉu xìu thấy rõ.
Thằng Kha mọi khi cũng hoạt bát vui nhộn mà sao hôm nay nó chẳng tâm lý tâm liếc gì hết. Nó cứ để cho tôi chìm đắm trong cảm xúc mà chẳng góp một lời nào. Ăn hết phần trân châu trong ly của nó, thằng Kha tóm lấy cái ly còn đầy nước của tôi mà húp tụp tụp và hì hụi moi mấy viên trân châu lên ăn tiếp. Sau khi xử lý xong cuộc chiến Trân Châu cảng, nó gõ cái muỗng xuống bàn và lôi tôi ra khỏi sự lặng im:
- “Thôi kệ mẹ nó ông ơi! Cho tới đâu thì tới! Cái quan điểm của MC Kỳ Duyên mà ông tâm đắc đâu rồi?”
Nghĩa là, trước khi thằng Thịnh lên nhà tôi ở, tôi đang có con số không. Nó xuất hiện lấp đầy số không tròn trĩnh ấy. Giờ giả như mọi chuyện đổ bể nó chẳng muốn đối diện với cậu Út nữa thì tôi lại trở về với con số không. Nghĩa là tôi chẳng mất mát cái gì hết. Nhưng mà, nói thì nói vậy chứ làm thì khó lắm. Chỉ khoảng một năm ngắn ngủi, cái số không của tôi đã đầy ngập tình cảm dành cho thằng Thịnh và tôi đã mặc định là xuất phát điểm ban đầu của tôi là con số không đầy ngập ấy.
- “Con chạy qua nhà cậu Năm chơi nha Út! Khi nào Út muốn về thì gọi con quay lại đón khỏi mắc công cậu Kha.” – Thằng Thịnh chợt nhắn cho tôi cái tin như thế
|
Sài Gòn, ngày … tháng … năm 2013 (60)
Đường về khuya không lạnh mà sao tôi cứ muốn co người để dựa vào lưng thằng Thịnh. Vậy mà sự im lặng bao quanh hai cậu cháu trên suốt quãng đường đã trở thành bức tường vô hình ngăn tôi thực hiện mong mỏi của mình. Chợt nhớ câu nói của ai đó mà tôi từng nghe qua, “cô đơn ngay trên chiếc giường của mình sau ngày đám cưới”. Có khi nào, tôi cũng đang bước từng bước một vào tình trạng này hay không? Đôi mắt tuy ngó nghiêng lơ đãng mà hai tai căng và bộ não xử lý liên tục để giúp chủ nhân ước đoán xem phía trước tấm lưng rộng lớn vững vàng kia, nét mặt của thằng Thịnh như thế nào, nó đang suy nghĩ gì.
Bỗng nhiên có một cơn mưa không lớn nhưng đủ làm lành lạnh phía trước áo người lái xe. Chung quanh, mọi người chợt hối hả hơn. Hối hả đến đích trước khi cơn mưa trở nặng. Hối hả tìm một chỗ mặc áo mưa. Trong cốp xe tôi luôn có sẵn chiếc áo mưa hai đầu mà thằng Thịnh đã hai lần lôi ra mặc. Nhưng cháu tôi đã lựa chọn luồng hối hả thứ nhất, cố nhanh chóng về đến nhà trước cơn mưa nặng hạt.
Thế rồi có hai sự vội vã nhưng ngược chiều gặp nhau tại một điểm. Hai chiếc xe cùng ngã lăn ra đường. Tôi bị chiếc SH nặng trịch vẫn còn nặng tay ga nổ máy rào rào đè lên chân đau điếng. Thằng Thịnh hốt hoảng dựng xe lên, đỡ tôi ngồi dậy. Sau khi xem xét sơ qua chóng vánh, thằng cháu tôi để cho cậu Út vẫn còn đang nhăn mặt vì đau ngồi xuống vệ đường, lao đến tọng cho cái thằng hối hả ngược chiều một cái bạt tai như trời giáng. Nó gầm to như con hổ say mồi:
- “ĐM đụng ngã người ta mà tính bỏ đi khơi khơi vậy hả?”
Thằng kia tuy nhỏ con hơn một chút nhưng gặp đúng thế “chó đến đường cùng” cũng không ngại gì mà phang thẳng tay vào ngực thằng cháu tôi. Thế rồi cuộc hỗn chiến giữa hai chiếc nón bảo hiểm diễn ra chóng vánh. Rốt cuộc kẻ mạnh hơn cho kẻ yếu hơn một cái cú đá vào bụng té nhào xuống chiếc xe vừa được dựng lên nên lại ngã chỏng chơ ra đất. Thằng cháu tôi chỉ mặt thằng kia quát:
- “Má mày lần sau tao đập cho chết!”
Người hùng của tôi quay lại với chiếc áo sút hai cái cúc nhăn nhúm dơ bẩn. Nó ngồi xổm xuống nhìn mặt tôi chăm chú như để định lượng xem cơn đau của cậu Út còn bao nhiêu. Lại là một lúc cậu Út trở nên nhỏ bé cả về thể xác lẫn tâm hồn. Tôi bỗng nhớ nét mặt của ba tôi nhìn tôi mỗi khi tôi đang lu loa khóc vì té ngã hồi còn bé thơ. Những lúc đó, ba tôi sẽ ôm tôi vào lòng, vuốt ve lưng tôi và dỗ dành cho tôi nín khóc. Tôi thì chỉ chăm chăm tựa má vào bờ ngực rộng lớn của ba mà khóc cho đến khi chẳng còn chút đau đớn gì nữa.
Trong khung cảnh yên bình đó, chợt tôi cảm giác có gì đó bất an và nguy hiểm đang ùa đến như cơn lốc. Tôi vội dùng hết sức mình đẩy thằng cháu cao lớn qua một bên. Chiếc nón bảo hiểm bị trật mục tiêu định sẵn nên cũng giảm đi khá nhiều sức mạnh. Nhưng hẳn cũng đủ làm cho thằng cháu tôi cảm thấy chung quanh đầy những ngôi sao nhấp nháy và rồi ngất đi.
Khi thằng cháu tôi tỉnh lại, tôi vẫn còn đang ngủ gục trên chiếc giường của nó. Thằng Thịnh khẽ xoay mặt qua nhìn về phía tôi thì tôi cũng đã thức dậy nhưng cứ nằm yên đó xem sao. Tôi chỉ thấy không gian cứ lặng im, lâu lâu mới có một hơi thở dài phát ra từ thằng Thịnh. Tiếng thở dài đó tôi không đoán được ý nghĩa là gì. Rồi một lúc sau, nó lay tôi dậy, hỏi câu đầu tiên mà tôi thấy xao xuyến trong lòng:
- “Út có bị thằng chó kia đánh luôn không?”
- “Không... Út lấy lời hơn lẽ thiệt nói cho nó nghe nên nó xin lỗi và bỏ đi rồi”
- “Trời đất, có thiệt không vậy?” – Thằng Thịnh tròn xoe mắt
- “Thiệt!” – Tôi nhẹ nhàng nói – “Không phải lúc nào cũng đánh đấm nhau mới giải quyết được vấn đề đâu!”
- “Tự nhiên con không biết gì hết chứ nếu không con đập nó tan xác” – Thằng Thịnh có vẻ không hài lòng, vừa nói vừa đưa tay rờ phía sau ót – “Hên là không có băng bó gì!”
- “Ừa cũng không có bị gì! Nhưng bác sĩ kêu tốt nhất là nằm lại theo dõi một đêm”
- “Vậy mình về đi Út” – Thằng Thịnh nhìn cái đồng hồ treo tường
Nó lật đật đứng lên, tôi đứng lên theo. Chợt nó quay lại nhìn phía sau lưng chiếc áo của cậu Út đang nhem nhuốc màu đất cát rồi xoay người lại nhìn tôi từ đầu đến chân như thể chụp scanner cắt lớp. Rồi nó nói khẽ khàng:
- “Út xạo quá chừng!”
- “Gì nói Út xạo?” – Tôi ngạc nhiên hỏi
- “Út đánh lộn với thằng chó đó hả?”
Tôi nhìn nó một cách kiêu hãnh rồi khẽ nhún vai nhoẻn cười. Tối qua sức mạnh tình yêu đã khiến tôi đập cho thằng kia tới bến. Cũng may là có người chung quanh đông dần ngăn cản và tôi lại cần rảnh tay để đưa thằng Thịnh đi cấp cứu nên tôi mới ngưng lại mà thôi. Hết chuyện đi đánh người mà tôi yêu thương ngất xỉu như thế hỏi sao tôi không sống mái với nó. Mà khi người ta đã quyết sống mái rồi thì mức độ nguy hiểm cũng như sức mạnh tăng gấp bội. Đấy là “lời hơn lẽ thiệt” của tôi đó.
Có lẽ là lâu lắm rồi, hai cậu cháu mới trở lại những sinh hoạt thường nhật. Thằng Thịnh tắm dưới tầng trệt còn tôi thả hồn theo mây gió trong cái bồn tắm trên lầu. Tôi lại để ý lắng nghe những âm thanh dưới nhà để rồi trần truồng bước ra lấy khăn, lấy quần áo. Nghĩ cũng buồn cười, tính ra hai cậu cháu chẳng còn gì để mà che giấu nhưng sao tôi vẫn hành động lén lút như sợ bị thằng Thịnh bắt gặp. Có lẽ nhiều điều đã trở thành thói quen, và cứ hễ thành thói quen thì rất là khó bỏ.
Tôi bước xuống nhà, thằng Thịnh không mặc cái áo màu trắng có huy hiệu trường Đại học Công nghiệp như thói quen trong đầu tôi mà gọn gàng khoẻ mạnh trong chiếc áo thun màu đỏ truyền thống của đội bóng mà nó yêu thích MU.
- “Con về quê luôn nha Út?”
|
Sài Gòn, ngày … tháng … năm 2013 (61)
Tôi chỉ có thể cản được thằng Thịnh không đi về bằng xe máy. Nó cứ nằng nặc phải về để phụ mẹ bán hàng. Chủ yếu tôi lo cho nó về một mình bằng xe máy, lỡ có chuyện gì thì ai giúp đây? Nó mới bị đánh vào đầu đến ngất xỉu, tuy là bác sĩ bảo không có gì và cũng đồng ý cho xuất viện nhưng tôi không tin tưởng lắm vào bác sĩ Việt Nam đâu. Thôi thì đành chịu, tôi chở thằng Thịnh ra bến xe đón xe khách về, vào làm muộn một chút cũng được. Tiễn nó lên xe, nhìn chiếc xe lăn bánh rồi tôi mới yên tâm mà đi làm. Cái bến xe này có lần tôi ra đón thằng Thịnh, nó mừng vẫy vẫy cả hai tay. Còn lần này đưa nó về quê, chắc nó không vui nên chỉ có vẫy hai cái khi xe bắt đầu lăn bánh.
- “Tiệm lúc này bán được lắm hả chị Hai?” – Tôi nói chuyện qua điện thoại
- “Cũng được Út!” – Chị Hai tôi nói – “Mà Út hỏi chi vậy?”
- “Thì lỡ mai mốt hết hè thằng Thịnh đi học tiếp thì ai phụ Hai bán?” – Tôi thắc mắc
- “Trời đất, Hai bán một mình cũng được.” – Chị Hai tôi cười ngất – “Tuy là có cực hơn nhiều nhưng Hai cũng kham nổi mà!”
- “Ờ, không ấy bán được thì Hai kiếm ai phụ bán cho rảnh tay” – Tôi đề nghị
- “Hai cũng tìm được rồi, chờ thằng Thịnh đi học lại thì Hai kêu đứa cháu bên ngoại của anh Hai ra bán phụ”
- “Ờ! Xe thằng Thịnh bị hư nên để lát em xách đi bảo hành” – Tôi nói – “Nên em đưa nó ra bến xe hồi sáng! Chừng nào nó tới nhà thì báo em nghen”
- “Ừa! Sao nó không ở lại đi bảo hành để Út đi mắc công không!”
- “Bữa nay em rảnh mà” – Tôi đáp, chào chị Hai rồi cúp máy
Hôm nay công việc cũng hơi nhàn. Một phần thì tâm trí tôi hơi lãng đãng nên cũng chẳng muốn đụng tay vào công việc nhiều. Chỉ trừ mấy việc cần kíp thì ưu tiên giải quyết, cái nào không quá gấp thì để tôi refresh cái đã rồi sẽ xử lý sau. Hôm nay sao tôi muốn đi bar nghe nhạc cho nổ cái đầu ra quá. Đang chất chứa nhiều trong não mà chả biết cách làm sao giải toả đi nên mệt mỏi vô cùng.
Rủ thằng Kha đi bar thì nó bảo nhức đầu, thích đi “trà sữa” nữa thì nó tiếp. Nghe “trà sữa” là hết muốn đi rồi. Rủ chung quanh cũng chẳng có đứa nào chịu đi chung. Gọi đến thằng Luân cầu may, thằng này chỉ thích nhậu nhẹt thôi. Đúng như dự đoán, nó rủ đi nhậu trước cho tưng tưng rồi chuyện đi bar tính tiếp. Tôi đang phân vân suy nghĩ thì có tiếng nhạc chuông quen thuộc vang lên. Không phải là tiếng nhạc chuông của thằng Thịnh đâu!
Thói quen đúng là khó bỏ nhưng đôi khi người ta vẫn bỏ được một vài thói quen. Khi tôi đến quán, thằng người yêu cũ đã ngồi đó từ trước rồi. Nhưng thói quen uống bia Saigon Special thì hắn chưa bỏ được. Cũng như thói quen để tôi chọn đồ ăn cũng vẫn còn là thói quen. Lâu lâu mới gặp nên chúng tôi vẫn cứ khách sáo, hỏi nhau những câu hỏi như “anh/em khoẻ không?”, “dạo này anh/em thế nào”, “công việc ổn chứ”, “thu nhập có tăng lên gì không”…
- “Ủa nhẫn đâu sao không đeo?” – Tôi chợt hỏi
- “Em không thích đeo nhẫn” – Hắn đáp
Ừ phải rồi. Hồi trước, hắn có cái nhẫn do mẹ hắn tặng nhân dịp hắn đậu đại học. Mẹ hắn tặng để hắn phòng thân khi đi học, có gì cần thì bán đi. Giờ tôi đang đeo cái nhẫn ấy. Khi đưa cho tôi, hắn cũng bảo “em không thích đeo nhẫn” và nhờ tôi giữ giùm. Bất giác cả hai cùng nhìn vào bàn tay đeo cái nhẫn ấy của tôi. Cái nhẫn ấy ở trên tay tôi là một thói quen. Nhưng lúc này thì nó là cái gì đó khác biệt.
- “Có chuyện gì không vui phải không?” – Tôi hỏi cái câu mà tôi muốn hỏi nãy giờ
- “Đâu có gì!” – Hắn đáp dửng dưng
- “Đâu có gì thì đã không gọi anh ra đây!” – Tôi nói khẽ
- “Lâu không gặp anh nên muốn gặp chơi ấy mà!” – Vẫn tiếp tục giọng điệu lạnh lùng
- “Ba năm lâu vậy cũng đâu có gặp lần nào” – Tôi dịu dàng nói – “Có chuyện gì buồn bực cứ nói đi, xem anh có giúp được gì không”
Hắn nhìn tôi bằng ánh mắt của thằng Thịnh lúc biết món quà sinh nhật của cậu Út tặng. Trước mặt tôi cũng là một Kim Ngưu. Có lẽ những người cung Kim Ngưu thích che giấu tình cảm thật của mình. Tệ hơn, họ còn bịa ra bên ngoài những điều ngược lại. Như mỗi lúc hứng tình lên cũng thế, Kim Ngưu cần ai đó đẩy nằm xuống giường, cởi giùm tất cả áo quần, cho đến khi trần truồng hết rồi thì mới chịu giang vòng tay ra ôm đối tác. Rồi không lẽ chỉ có Song Ngư mới có đủ sự kiên nhẫn với những người mang cung hoàng đạo cứng đầu cứng cổ ấy?
Thế rồi cũng như những thời gian qua, tôi đã làm tròn vai trò người mang cung hoàng đạo Song Ngư. Một con bò và hai con cá đang ở cùng một phòng trong khách sạn. Kim Ngưu đang đi tắm. Song Ngư sẽ là người tắm sau. Những chai bia Saigon Special đã thôi chạy loạn trong máu huyết của tôi và thôi làm làm hai bên thái dương giật giật. Nhìn vào gương, cặp mắt đỏ ngầu, trần truồng. Chiếc khăn tắm vò bừa nằm thành một cuộn trên chiếc giường nệm. Có khác ngày xưa một chút, tôi không nuốt hết tinh dịch của con bò kia vào miệng mà để mặc nó bắn tứ tung lên cơ thể mình rồi lau đi bằng chiếc khăn nằm cuộn tròn kia.
Rồi khi tôi tắm táp xong và chui vào cái mền to để tránh những hơi lạnh phả ra từ bức tường bên tay trái, hắn lại ôm tôi vào lòng, rúc cái đầu vào cổ của tôi. Kim Ngưu gác một chân lên một chân của Song Ngư rồi cứ thế mà miết chặt, chà sát cái vật mà Song Ngư một thời ghiền đến mức không thể rời xa, cho đến khi cái vật ấy cứng trở lại, dài trở lại, và kéo theo một vật khác cùng cứng và dài trở lại. Hai cơ thể trần truồng quấn chặt vào nhau. Cứ thế rồi những chuyện trong quá khứ lại xảy ra như vừa xảy ra lúc nãy. Chỉ trừ việc Song Ngư làm sạch hết tinh dịch của Kim Ngưu. Việc ấy lại được chiếc khăn kia thay thế.
Sao tôi lại chịu lên giường với một người đã có vợ thế này?
|
Sài Gòn, ngày … tháng … năm 2013 (62)
Hôm nay là thứ Bảy nhưng tôi phải đi làm bù. Bữa đám giỗ chị Sáu, thấy thằng Thịnh tự nhiên xuất hiện, tôi đã rất vui mừng, định bụng xin nghỉ luôn ngày thứ Bảy làm bù này để theo thằng cháu về Vĩnh Hưng, hoặc là rủ rê nó đi đâu đó chơi. Miễn là có nó, đi đâu tôi cũng thấy ổn cả. Đúng là tương lai nhiều khi không định trước được. Y như sáng nay chẳng hạn, sáng sớm thức dậy thấy đang trần truồng nằm quấn quýt một gương mặt vừa lạ vừa quen, một hơi thở cũng vừa quen vừa lạ. Hơn ba năm qua, tôi mới lại có dịp làm tình với cái thằng ấy, cảm giác lạ ít hơn quen. Điều gì mình không còn chờ đợi nữa thì đến dễ làm sao, và ngược lại.
Hôm nay, tôi chợt mong ngóng một động thái từ thằng Thịnh, chẳng hạn như một tin nhắn báo “Út ơi con tới nhà rồi”, một cú phone để cậu Út nghe được cái giọng nói thân thương khoe rằng “xe bữa nay chạy nhanh lắm Út”. Thế nhưng cái tin báo ấy chắc chắn là không tới nữa vì chị Hai đã làm thay như lời tôi dặn qua điện thoại. Vậy sao tôi lại cứ chờ mong làm gì? Cái thằng bác sĩ tâm lý của tôi thì bảo nhân chuyện này về nói rõ ràng với thằng cháu một lần để cháu nó tiện sắp xếp cho năm học mới.
Nghe thế tôi lại càng không muốn về. Giả sử cháu không thể yêu cậu Út thì sẽ ra sao? Nó sẽ ở đâu trong ba năm học còn lại? Đang yên đang lành, nó làm sao nói với cha mẹ cho dọn ra ngoài ở được. Ngay cả việc chuyển qua nhà cậu Tư, cậu Năm ở nhờ, khả năng chị Hai tôi đồng ý gần như bằng zero. Ban đầu, tôi định cứ để mọi chuyện trôi như vậy, cho đến khi thằng Thịnh nhận ra tình cảm của tôi và chấp nhận dần dần hoặc là một trong hai chúng tôi tìm ra giải pháp thoát ra khỏi tình cảm ấy mà chẳng cần ai phải nói ra một lời nào cả.
- “Sắp tới em được điều đi công tác ngoài Bắc, khoảng ba tháng mới kết thúc” – Tôi gọi điện cho chị Hai tôi – “Không ấy Hai hỏi thử thằng Thịnh coi nó chịu qua nhà anh Tư hay anh Năm ở đỡ không?”
- “Thôi cứ để nó ở coi nhà cho Út!” – Chị Hai tôi gạt đi – “Chứ qua bên đó nhà vợ tụi nó mình ở nhờ coi kỳ lắm”
- “Có gì đâu mà kỳ, chị Tư với chị Năm tốt lắm mà” – Tôi nói – “Nếu họ xấu tính thì đâu có để cho anh Tư và anh Năm ký tên cho em đứng tên căn nhà này đâu.”
- “Biết vậy nhưng mà Út cứ để nó ở canh nhà cho” – Chị Hai bàn ra tiếp – “Nó lớn rồi coi cái nhà bộ không được hả?”
- “Được thì được rồi đó” – Tôi nói – “Nhưng qua bển có cậu ruột canh chừng nhắc nhở, ở Sài Gòn mà không có ai kềm cặp là dễ hư lắm đó!”
- “Sao Út không hỏi nó mà kêu Hai hỏi” – Chị Hai tôi xuôi xuôi rồi nhưng vẫn còn ái ngại
- “Bà là mẹ nó hay tui hả?” – Cậu Út nổi máu “đanh đá” – “Nói chứ Út nhờ Hai hỏi chứ Út tự hỏi lỡ nó nghĩ Út không muốn cho nó ở trong nhà này nữa thì làm sao?”
- “Ờ thôi để Hai dọ ý nó coi sao” – Chị Hai tôi nói rồi cúp máy
Thôi thử xa nó một thời gian xem sao. Hồi nãy tôi vào facebook một người bạn thấy có ghi là “cái gì của mình, chẳng cần giành, cũng vẫn là của mình; cái gì không phải, cố cho lắm, cũng mãi mãi là không phải”. Nghe hơi thụ động nhưng tôi nghĩ áp dụng cho tình huống của tôi chắc là phù hợp. Giống như thằng người yêu cũ vậy đó, tưởng là mất rồi hoá ra vẫn là của tôi đấy thôi dù rằng phần lớn thời gian vợ hắn sở hữu thân xác của hắn. Buồn cái là thời gian ba năm qua khiến tôi chai rồi và không còn muốn sở hữu con người đó nữa.
Cuộc làm tình với hắn tối qua chỉ làm tôi phân vân một lẽ, có phải là tôi yêu thằng Thịnh hay là tôi chỉ đam mê thể xác của thằng Thịnh quá mức đến nỗi lầm tưởng là tình yêu. Với thằng người yêu cũ, tình yêu của tôi dành cho hắn xem như đã chết, chỉ còn lại những khát khao bản năng mà ba năm qua tôi cố kềm giữ trong lòng nên không thể nào khống chế được trước cơ thể hấp dẫn đó. Và rồi sau những cuộc mây mưa ấy, tôi chỉ thấy mệt mỏi và muốn gục xuống giường ngủ cho thẳng giấc. Không còn muốn ôm ấp, vuốt ve, nói chuyện thâu đêm suốt sáng.
Tôi nghĩ, phải có một trải nghiệm tình dục thật sự với thằng Thịnh thì tôi mới có thể xác định chính xác, mình đang trao cho thằng Thịnh cái gì. Tiếc là cái trải nghiệm đó, có vẻ là xa vời và khó thực hiện được.
Buổi chiều cuối tuần xe cộ tấp nập. Người ta xúng xính áo quần, tay trong tay đi dạo phố về đêm. Tôi chẳng ghen tị, cũng chẳng buồn khi thấy những hình ảnh ấy. Quá quen rồi, và cảm xúc cũng chai mất rồi còn đâu. Nhưng trong lòng thì vẫn có một nỗi buồn nhè nhẹ. Tôi bắt đầu nghĩ đến khoảng thời gian ba tháng mà tôi sẽ tạm lánh khỏi căn nhà của mình.
- “Thằng Thịnh nói Út muốn sắp xếp sao thì nó sẽ làm theo như vậy” – Chị Hai tôi chuyền quả banh từ thằng Thịnh cho tôi
- “Vậy chứ nó không nói nó muốn gì sao?” – Tôi mệt mỏi hỏi lại
- “Không có! Út biết thằng này ít nói mà” – Chị tôi đáp – “Nhưng mà bữa nay nó hơi kỳ kỳ. Nhìn nó giống cái hồi Hai cho nó lên ở với Út đó. Chắc nó buồn. Thằng Thịnh tình cảm lắm có điều nó ít nói ra cũng ít biểu lộ ra. Chắc nó chỉ muốn ở nhà của Út thôi!”
- “Nó có nói gì nữa không?” – Tôi giấu sự nghẹn ngào trong bụng
- “Trước đó nó hỏi Hai hồi Út còn nhỏ, Hai có thương Út giống như thương nó không?”
- “Rồi bà nói không có cho nhanh chứ gì” – Tôi châm chọc
- “Ừa! Biết luôn hen” – Chị Hai tôi cười he he
- “Rồi nó nói làm sao nữa?”
- “Nó hỏi giờ có nó rồi mà cậu Út cũng lớn rồi, Hai có còn thương Út giống như thương nó không” – Chị Hai tôi đáp
- “Thằng khùng hết sức! Thương em khác, thương con khác chứ! Rồi bà trả lời sao?”
- “Thì trả lời y như Út nói vậy đó!”
|
Sài Gòn, ngày … tháng … năm 2013 (63)
Thường thì thằng Thịnh hay có những cử chỉ hành động khó hiểu chứ khi đã thể hiện bằng lời nói thì khá đơn giản. Mấy câu hỏi nó đặt ra cho chị Hai tôi, có lẽ nó đang băn khoăn tìm cách phân biệt tình cảm mà nó dành cho cậu Út. Có lẽ con nhỏ Ngọc Diệp đã khiến thằng Thịnh nhận ra nó có dành một tình cảm đặc biệt cho cậu Út mà bấy lâu nó cứ ngầm định là tình thân thuộc như nó dành cho mẹ nó hoá ra lại là một thứ tình cảm khác. “Thương con khác, thương em khác”. Cũng như “thương mẹ khác, thương cậu khác”. Trong lòng tôi bỗng có chút xúc động và hồi hộp.
Tôi gọi cho chuyên gia tâm lý riêng kể cho nó nghe sự việc ấy. Thằng Kha ngơ ngẩn hỏi tôi kể chuyện ấy cho nó nghe có ý gì. Cái thằng bình thường tâm lý mà sao bữa nay ngu ngơ thế không biết. Nó bảo nó chẳng nhận ra dấu hiệu tình cảm gì từ thằng Thịnh hết. Thôi không cần phải nghe ý kiến của ai nữa cả. Cuộc sống là của tôi, tình cảm là của tôi, và hạnh phúc là của tôi. Tôi phải tự suy xét rồi quyết định cách xử sự để như lỡ có chuyện gì không vừa ý thì cũng chính là lỗi của tôi chứ không thể trách ai được.
- “Sếp cho em xin nghỉ phép thứ Hai nha sếp?” – Tôi xin xỏ
- “Gì mà tháng này nghỉ hoài vậy?” – Sếp tôi cau mày
- “Dạ em có việc quan trọng lắm ạ, tương lai hạnh phúc của em!” – Tôi cười nịnh nọt – “Nên có khi xin nghỉ cả ngày thứ Ba luôn á”
- “Hay ghê ha! Chưa cho nghỉ ngày thứ Hai đã xin luôn ngày thứ Ba. Nhớ thu xếp công việc cho ổn thoả đấy!” ” – Sếp tôi lườm – “Không cho anh nghỉ rồi anh ế thì lại oán tôi! Ráng lần này cưới vợ luôn đi để còn chuyên tâm công tác, dạo này lơ là lắm đấy nhé!”
Nghe sếp tôi nói tôi chợt nhớ anh bạn ngoài Đà Nẵng kể chuyện nằm mơ thấy làm đám cưới với một cô gái, anh thức dậy mà sợ toát mồ hôi hột rồi sướng rơn vì biết vừa trải qua một giấc chiêm bao. Tôi thì không đến nỗi sợ như thế nhưng mà bây giờ cứ nghe nói cưới vợ thì lại nhớ anh bạn ấy và lại nhìn xem mình có toát mồ hôi hột hay không, ha ha! Vậy là quyết định nhé, lần này thà trắng thà đen một lần. Nếu trắng thì dẹp cái vụ đi ra Bắc công tác, còn nếu đen thì, bán căn nhà đau thương của ba má tôi để lại luôn cho rồi đi!
Tôi lên đường về Vĩnh Hưng ngay sau khi hết giờ làm buổi sáng. Lần này tôi không đi xe của mình mà cỡi chiếc Wave RSX của thằng Thịnh. Có một chút kiêu hãnh khi bữa nay tạm thời làm chủ nhân của chiếc xe này. Tôi vỗ vỗ vào mặt đồng hồ xe và nói với chiếc xe, “ráng chở người yêu của chủ mày về tới nơi an toàn nhé”. Hơi không quen mỗi lúc trả số như khi dừng đèn đỏ hoặc sa vào những chỗ đông người.
Đường về Vĩnh Hưng mùa này hơi cực khổ một chút. Lâu lâu lại đổ mưa, đang có bão ngoài Trung ngoài Bắc gì đó nên trong miền Nam mưa cũng dầm dề. Cũng vì thế mà tôi không thể trổ tài tay lái lụa như mọi khi được. Mà thôi kệ, nhờ vậy mà không có nắng oi ả chói chang. Cà lết cà lết vậy chứ một hồi cũng tới thôi, chỉ trễ hơn bình thường chừng nửa tiếng chứ mấy. Đang say sưa tính toán, nguyên chiếc xe hơi ở đâu hất một mớ nước vào người tôi ướt tẹp nhẹp. Moá tức quá, biết vậy nãy xin luôn sếp cho đi xe hơi là khỏi mang nhục như vậy rồi. Tôi học thuộc cái bảng số xe để chửi bới thằng lái xe cho đỡ ức chế!
Trong tiệm chỉ có mỗi chị Hai tôi ngồi đếm ruồi. Mùa mưa nên khách khứa vắng teo. Chị Hai tôi bảo về sao không báo trước, thằng Thịnh có bạn từ thành phố xuống chơi nên dẫn bạn đi chơi rồi. Bạn giàu có lắm, đi xe hơi luôn đấy. Đừng có mà ăn mắm ăn muối rồi đoán ra cái xe té nước cho tôi ướt là bạn thằng Thịnh nhé. Tôi ngồi chơi với chị Hai một chút rồi phi xe về nhà. Thấp thoáng cái màu xe hơi quen thuộc đậu trên con lộ cái, trước cái lối mòn phủ đầy cỏ xanh mát dẫn vào nhà thằng Thịnh. Rồi cái bảng số mà tôi vừa thuộc nằm lòng. Haiz, sao tôi nghĩ mình trúng số độc đắc mà lại chẳng bao giờ trúng hết vậy?
Phía mé sông có tiếng con gái cười nghịch ngợm. Tôi tò mò bước ra xem là ai? Tay chân như muốn rụng rời. Con kim chi Ngọc Diệp như cái hồn ma bám theo cậu cháu tôi đến tận đây. Con nhỏ ngồi trên xuồng, té nước về phía thằng Thịnh. Còn cháu tôi thì đang hì hục khua mái chèo. Rồi nó chợt ngước lên nhìn thấy tôi, giống như thời gian ngừng lại. Bốn mắt cứ trân trối nhìn nhau. Tôi nên phản ứng như thế nào trong hoàn cảnh này nhỉ?
Chỉ có con nhỏ Ngọc Diệp còn tỉnh táo. Nó xoay người lại, lấy bàn tay trắng xinh che ánh nắng chiều chiếu ngang gương mặt cũng trắng xinh. Miệng con nhỏ nhoẻn cười duyên dáng. Rồi nó lại quay về phía thằng Thịnh, cất giọng trong trẻo dễ thương:
- “Út về kìa anh! Mình đưa Út đi hái bông điên điển chung luôn nhé!”
Bộ vi xử lý của thằng cháu tôi chắc cũng tạm thời ngừng hoạt động. Thế nên nó cứ theo lời con nhỏ Ngọc Diệp mà đưa con xuồng tấp vào bờ. Bộ vi xử lý của tôi cũng không hơn gì thằng cháu, chắc là di truyền của dòng họ nhà tôi. Nhìn con xuồng trôi dần về phía mình mà ánh mắt của tôi vẫn không rời ánh mắt thằng Thịnh. Trong ngực như đeo chì mà còn bị ai vò bóp đớn đau. Câu nói của con nhỏ Ngọc Diệp sao cứ vang vang mãi trong đầu tôi như thể khẳng định đó là một gia đình còn tôi chỉ là kẻ hành khất lạnh lẽo cô đơn được cưu mang nhằm qua tạm mấy ngày đông giá rét.
- “Cậu Út đi hái bông điên điển với chúng cháu nhé!” – Ngọc Diệp lại cất giọng trong trẻo
- “Được rồi cháu, cái này cậu đi hoài nên cũng không thích lắm” – Tôi tần ngần nói mà sao chẳng thấy những âm thanh đó lọt vào tai mình
- “Vậy chúng cháu đi một tí rồi về nhé cậu Út?” – Ngọc Diệp đáp lời – “Lại quay ra thôi anh”
- “Út vô nha ngồi chơi chờ con chút” – Thằng Thịnh đã chịu mở miệng
Tôi thôi nhìn thằng Thịnh. Đầu đã ngoảnh vào trong nhà. Tôi chẳng muốn nhìn con xuồng đang từ từ trôi ra xa và sẽ mất hút dần vào trong những cánh đồng mênh mông biển nước. Trên con xuồng đó có người mà tôi yêu thương nhất trên đời, đang khua mái chèo đưa một người con gái ngân nga câu cải lương bằng giọng Bắc nghe gương gạo và vô vị làm sao, “chiếc xuồng nhỏ đưa em về xóm nhỏ”. Hôm nay tôi tìm về đây để làm gì? Có còn nhiều ý nghĩa nữa hay không? Vừa dợm bước đi vào trong thì trái tim rung động vì những tiếng nước lao xao theo nhịp mái chèo. Tôi vội vã quay lại đón thằng cháu của mình.
- “Út có muốn đi một vòng cho khuây khoả hay không?” – Thằng Bình nhà bên kia sông đang nhìn tôi bằng ánh mắt hiền từ, thông cảm và cất giọng nói trầm trầm – “Út cũng có chiếc xuồng sẵn sàng chở Út đến bất cứ nơi đâu”
|