Đêm Qua Gác Nhỏ Lại Gió Đông
|
|
★ Đêm Qua Gác Nhỏ Lại Gió Đông ★ Tác Giả: Princeoftherain ★ Truyện được đăng tại website kenhtruyen.com
Đời người như thoi đưa, dệt một góc thời gian Lặng lẽ ngắm nhìn những người từng yêu, từng hận Tùy hứng mà lãng quên hay khắc sâu vào tâm thức Hồi ức những năm tháng ấy lại một lần nữa thức tỉnh...
***
Hà Nội một buổi sớm mùa Đông.
Mấy ngày hôm nay trời bắt đầu trở gió, tối qua tôi có nghe trên đài báo đợt rét đậm rét hại sẽ kéo dài hơn một tuần. Làm cách nào đây? Cơn lười biếng của tôi lại kéo đến, nó thậm chí còn lì lợm hơn mùa Đông ở đất Hà Nội này cơ đấy. Tôi khẽ co mình, chui vào trong chăn ấm, miệng ngáp dài một cái đến phọt cả nước mắt; ngoài trời mưa phùn nhè nhẹ đã bắt đầu giăng, qua khung cửa sổ tôi cảm nhận được cái giá buốt ghê người ấy, vậy nên con sâu lười này quyết định đánh một giấc tới tận trưa.
Hà Nội những ngày này thật dễ chịu (à, thực ra nó chỉ đúng với những con sâu lười như tôi), khi mà mọi người trở dậy làm việc tôi vẫn còn đang vùi mình trong chăn ấm, sự lười biếng của tôi đã trở thành trường niên, chính vì vậy tôi tự phong cho mình một danh hiệu tâm đắc: sâu lười.
Dưỡng khí trong chiếc chăn ấm đã gần cạn, tôi bắt đầu ngửi thấy một loại mùi vị rất kì quái, sau vài phút đấu tranh tư tưởng cuối cùng sâu lười đành thò đầu ra khỏi chăn nghe ngóng một chút tình hình dưới phố. Khu phố này là nơi cư trú của hầu hết người lao động; từ bác bán bánh mỳ, chị bán thịt nướng, chú chạy xe ôm, cô bé bán báo…mỗi người một việc nhưng họ đều kiếm sống bằng mồ hôi nước mắt, bằng sức lao động của bản thân – họ là những con người tốt.
Bây giờ là sáu rưỡi sáng, trời vẫn còn hâm hẩm tối, có lẽ vào những ngày tháng mùa đông giá rét này ông mặt trời cũng muốn ngủ nướng thêm ít phút. Dưới phố, những ánh đèn độc mộc vẫn le lói sáng.
Tìm mãi chẳng thấy nguyên do, tôi bỗng nghe tiếng lạch cạch dưới bếp, cái mùi vị ấy ngày càng dày đặc lan tỏa trong không gian, nó từng chút từng chút một thấm vào mọi tế bào trong căn gác xép nhỏ này. Lâu sau đó, tôi cuối cùng cũng nhận ra thứ mùi vị ấy – mùi chua ngai ngái của dưa hành ngày tết, phải rồi đúng là nó. Vậy mà khi nãy tôi còn tưởng mùi chân thối.
|
Gia đình họ không biết từ lúc nào đã chuẩn bị một lọ dưa hành thơm lừng như vậy, không lẽ sắp đến tết rồi sao? Tôi giật thót, vội vàng lục tìm dưới gối mấy tờ lịch cũ nhàu nát, để xem...
"Ồ! Cũng chẳng còn bao nhiêu thời gian, vỏn vẹn một tháng nữa là đến tết"
Gấp gấp tấm lịch trên tay, tôi vừa nhét trở lại dưới gối vừa lẩm nhẩm suy tính. Hóa ra một thằng con trai như tôi, sau bao nhiêu ngày tháng sống đơn độc một mình cuối cùng cũng đã đạt đến cảnh giới thiên ngoại - bỏ mặc cả không gian thời gian. Nghĩ đến đó, tôi liền cảm thấy mình thật phi thường, bèn bò ra khỏi đống chăn ấm xách cơ thể lười biếng xuống dưới lầu.
- Lạnh quá nhỉ, chú Ba!
Tôi vừa cúi đầu qua khỏi lớp sàn gỗ, xỏ chân vào dép vừa tranh thủ chào người đàn ông lớn tuổi đang lúi húi trong bếp.
- Tao có nhầm không vậy?
Người đàn ông kia trên người còn đeo một tấm tạp dề lớn, đang khua tay múa chân chuẩn bị bữa sáng cho gia đình, nhìn thấy tôi tức thì lú lẫn mất mấy giây, đến cả thức ăn trong nồi cũng quên không đảo sau đó giật nảy mình la oai oái.
- Hôm nay không khéo mưa to. Haha.
Việc tôi dậy sớm quả thực kỳ quái, đến tôi còn chẳng nhận ra mình trong gương nữa là. Trong lúc đánh răng tôi thấy mấy đứa nhỏ tíu tít thúc giục nhau chuẩn bị gì đó, chúng dường như cũng bị chi phối bởi cái sự vội vã của cả khu phố buổi sáng.
- Tối qua mày về muộn, sáng đã dậy sớm như vậy. Tao để bát canh ở đây, ăn xong hẵng đi.
Ông chú hất hất cái chảo trên tay, đổ đồ ăn vào mấy cái đĩa lớn trước mặt, chẳng thèm nhìn tôi miệng cứ lẩm bẩm như phát cuồng.
- Đợt này gió mùa về, lạnh cắt da cắt thịt. Tao chạy xe mấy hôm nữa cố mua cho bọn nhỏ thêm cái áo ấm. Nhìn bọn nó co ro tội lắm, nhất là con Mít!
Mít là đứa con đầu lòng của chú, nó mười hai tuổi. Năm ngoái đã bỏ học đi bán vé số.
- Ra đường nhớ mặc thêm áo ấm vào, đừng phong phanh. Lão Tiền chở nước mới trúng gió nằm liệt giường, giờ vợ con đều khổ cả. Chậc chậc.
Nói đến đó, mấy nếp nhăn trên khuôn mặt khắc khổ chợt xô ép lại. Chỉ một cái nhíu mày cũng đủ hiện lên bao nỗi lo toan vất vả của người đàn ông sống đơn độc nửa đời người.
Tôi rửa mặt xong quay sang phía chú Ba chợt mỉm cười, nhận thấy vẻ mặt tươi cười của tôi, tâm trạng dường như đã tốt hơn một chút.
- Thôi, không càm ràm nữa. Tao ra phố đây, đi đâu nhớ khóa cửa cẩn thận.
Sau câu nói ấy, ông chú hô mấy đứa nhóc khẩn trương rồi nổ máy chở ba niềm hi vọng đến cánh cổng ước mơ - nơi mà niềm tin của ông gửi gắm. Ba đứa đi học, một đứa bán vé số, một đứa ở nhà cơm nước. Tôi nhìn theo bóng dáng người đàn ông cho đến khi tiếng xe nổ máy im bặt.
Như tôi đã nói, cuộc sống ở đây hầu hết đều không tốt đẹp. Công việc hằng ngày của họ rút cuộc chỉ xoay quanh bốn chữ "Cơm áo gạo tiền". Chính vì điều đó họ có thể làm mọi thứ để tiếp tục tồn tại, tôi cũng vậy.
...
Sáng đầu Đông, nhiệt độ đột ngột giảm xuống. Trên cửa sổ đọng đầy tầng hơi nước nhàn nhạt khiến cho cảnh vật bên ngoài mờ mờ ảo ảo. Tôi cầm bát canh nóng trên tay lặng lẽ húp từng chút một, vừa húp đến ngụm thứ hai đã nhận thấy tay nghề của ông chú thật không tồi, bát canh đầy hương vị này quả thực khiến con người ta xúc động.
Trong căn nhà kiểu cũ tồi tàn, gác xép nhỏ dường như đang được sưởi ấm bởi trái tim nóng hổi của thằng con trai ấy. Chẳng ai ngờ rằng sự nghèo túng luôn đồng hành cùng thứ gì đó thật ấm áp.
|
Giữa trưa, tôi quấn thêm một chiếc khăn quàng cổ vội đến lớp học. Đó là một lớp dạy nghề cơ khí, khi tôi vừa đến hầu hết học viên đều trong trạng thái mụ mị, thời tiết này khiến con người ta có thể thiu thiu ngủ ở bất cứ đâu. Tôi khẽ lách người qua mấy bàn đầu đi xuống cuối lớp, không khí tĩnh lặng đến mức có thể nghe thấy tiếng bút của ai đó ghi rột rột trên giấy.
Tôi đã theo học ở đây được hai năm, nơi này hoàn toàn không phải mộng ước nhưng nó là thực tại. Trong lúc lơ đãng hình như tôi đã vấp phải chân ai đó.
Lão Nhị đang thiu thiu ngủ bị tôi làm cho thức giấc, khịt mũi một cái sau đó há miệng ngáp dài. Nhìn tôi ngờ nghệch hỏi:
- Mắt mày để đâu? Không thấy tao đang ngon giấc à?
Tôi cười, trong lòng chợt nảy ra vài ý nghĩ tinh quái vội đá mắt qua lão Tam. Lão Nhị dường như hiểu ý tôi liền đó nhổ một sợi tóc nhẹ nhàng xoáy vào lỗ tai kẻ ngồi bên cạnh. Trong nháy mắt, tên con trai ấy bị chọc cho tỉnh cả ngủ, giật nảy mình tiện miệng văng mấy câu tục tĩu:
- Mẹ kiếp, đi chết đi.
Vừa nói vừa đấm vào vai lão Nhị. Hắn ta bị đấm còn cười khoan khoái, chỉ thẳng vào mặt tôi nói:
- Là ý của nó.
Lão Tam trừng mắt nhìn tôi, bỗng dưng nhếch mép cười đểu một cái
- Mày chán sống rồi hả nhóc.
Tôi lè lưỡi, quay mặt đi chỗ khác.
- Thằng nhóc này thật là...
Lão Nhị hơn tôi bốn tuổi, tầm vóc cao lớn khuôn mặt có vẻ hơi hung dữ, trước đây từng làm bảo vệ cho một công ty vận tải nhỏ, theo học ở đây đã được ba năm. Lão Tam hai năm trước từng gia nhập quân đội, hiện tại đang sống trong một tiểu khu ở gần đây, thể hình tốt khuôn mặt cũng khá anh tuấn.
Hai người họ ngoài miệng lúc nào cũng ăn nói tục tĩu nhưng thực ra đều là những con người tốt, đối với tôi một mực tử tế. Năm ấy lão Nhị bị người ta đánh trọng thương, nghe nói vì trót yêu con gái của một gia đình danh gia, sau bao lần ngăn cấm cuối cùng đành xuống tay định khiến cho lão Nhị trở thành tàn phế, không ngờ người con gái kia khi biết chuyện đã uống thuốc ngủ tự vẫn. Lão Nhị được tôi và lão Tam bắt gặp khi đang trong tình trạng vô cùng nguy cấp, may mắn thoát chết. Những ký ức năm ấy mãi mãi lưu lại trong tâm khảm ba thằng chúng tôi, lão Nhị sau khi biết tin cô gái kia đã tuyệt mệnh vô cùng đau xót, rút cuộc lại một lần nữa đâm đầu vào hiểm nguy.
Lần này lão tử định cùng cả gia đình kia sống chết một phen, nhưng không ngờ chưa kịp liều mạng thì đã bị tóm. Gia đình đó cũng thật không đơn giản, biết rằng lão Nhị là mối hiểm họa tiềm tàng, vì thế đã lên kế hoạch thủ tiêu từ trước. Ai ngờ lão Nhị lại tự đem mạng đến nộp, cũng may con người này phước lớn mạng lớn, trong hoàn cảnh nguy hiểm gian nan ấy lại được hiền nhân phù trợ cứu thoát khỏi đó. Người ra tay tương trợ chính là lão Đại.
Lão Đại trước đây là vệ sĩ luôn bên cạnh bảo vệ người con gái kia, sau khi biết được tình cảm chân thành năm đó thì vô cùng cảm động, không ngờ cô chủ nhỏ lại vì chuyện này mà quyên sinh. Từ đó đem lòng căm hận gia đình nọ, vì vậy khi biết lão Nhị bị bắt đã quyết tâm giải thoát.
|
Sau này bốn người chúng tôi kết nghĩa huynh đệ, thề sống chết có nhau. Lão Đại sau khi cùng lão Nhị bỏ trốn biết không thể quay về chốn cũ đành nhận công việc bốc vác cho một nhà máy sản xuất thực phẩm ở ngoại thành. Tôi cùng lão Tam tiếp tục theo lão Nhị học tại lớp cơ khí này. Cuộc sống cứ thế chậm rãi trôi, mới đó đã hơn ba năm kể từ cái ngày hai chúng tôi tìm thấy lão Nhị bê bết máu ven đường.
...
- Mày nghĩ vẩn vơ gì thế thằng nhóc.
Lão Nhị bẹo má tôi một cái đau điếng, tôi định đấm ngược lại hắn nhưng vừa giơ nắm đấm đã bị hắn ta tóm gọn.
- Ơ thằng nhóc này, có chí khí.
Nói rồi định vặn tay tôi nhưng sau đó đột ngột buông ra, tôi hậm hực thu tay về xoa xoa chỗ bị gọng kìm kẹp cứng. Lẩm bẩm trong miệng:
- Để xem lão Đại xử lý các người ra sao.
Lão Nhị cười hềnh hệch, khoái chí nói:
- Được lắm nhóc con, dám mang cả lão Đại ra đây dọa ta. Đằng nào cũng chết, hôm nay chúng ta thanh toán hết nợ nần đi.
Tôi còn chưa kịp định thần đã bị tên quỷ ấy thơm trộm vào má, mặt mũi chợt ửng đỏ lên. Lão Nhị thấy tôi như vậy vỗ vai lão Tam cười lớn.
- Trông nó kìa. Haha.
Tôi lúc ấy chẳng biết làm cách nào, ngượng chín cả mặt đành giả vờ tập trung đọc sách. Hai tên quỷ sau khi chọc ghẹo tôi hả hê liền quay sang bàn về trận bóng tối qua.
Mười mấy phút sau, giảng viên vào lớp. Giờ học bắt đầu trong trạng thái vô cùng tĩnh lặng, mấy chục thành viên trong lớp ai nấy đều lơ mơ bị cơn buồn ngủ vấn vít chẳng buông.
Lão Tam vừa đó đã ngáp đến ba lần, tôi nhìn hắn hai mắt lại sắp sửa sập xuống bèn dùng tay chọc vào bên mạn sườn bên trái khiến cơ thể lập tức co rút lại. Lần này có vẻ lão Tam đã tỉnh hẳn, đưa mắt liếc nhìn thầy giáo đang giảng bài trên lớp sau đó lấy tay liên tiếp chọc vào hông tôi. Cứ mỗi lần bị hắn chọc cơ thể tôi lại oằn lên như con sâu đo, bất quá đành bật ra mấy tiếng cười lớn «Hahaha».
Động thái vừa nãy của tôi đã khiến cả lớp học đang im phăng phắc bỗng dưng đổ dồn mọi sự chú ý vào khu bàn cuối. Thầy giáo già nãy giờ giảng bài thao thao bất tuyệt trên bục giảng cũng dừng lại, tháo đôi mắt kính dày cộp xuống, giọng the thé cất lên:
- Hai anh kia ra ngoài cho tôi.
Nhìn khuôn mặt nghiêm khắc ấy tôi quả thực không chịu nổi, đang loay hoay chuẩn bị đứng dậy thì lão Nhị bên cạnh chợt ghì chặt xuống ghế, sau đó đứng dậy dõng dạc nói:
- Là tôi cười.
Thầy giáo già nghiêm khắc đưa cặp kính lên, mắt chăm chú nhìn tên học sinh cá biệt vừa đứng dậy chẳng thèm bận tâm nữa bèn quay người đi, nhẹ nhàng nói:
- Vậy cả ba cùng ra ngoài đi.
Tôi không nhịn được cười bèn chọc vào hông lão Nhị một cái, khúc khích. Thầy giáo già nghe thấy liền bực tức cất cao giọng:
- Còn không mau ra ngoài.
Ba chúng tôi chẳng nói chẳng rằng đành cúi mặt lẳng lặng ra khỏi lớp.
|
Đầu đông, những cơn gió lạnh thường luẩn quẩn cái mùi khen khét như nhà ai đốt rơm rạ cháy. Ba chúng tôi bị phạt đứng dưới chân cầu thang tranh thủ tán dóc.
- Còn kêu ca, không phải tại mày sao?
Lão Nhị tựa vào lan can, rút bao thuốc trong túi ra châm lửa hút. Tôi liều mạng giật điếu thuốc mới được một hơi từ miệng hắn, vứt xuống đất.
- Thứ này không tốt. Bỏ đi!
Lão Nhị chau mày, sau đó vứt luôn bao thuốc vào thùng rác.
- Dạo gần đây lão Đại có liên lạc với mày không?
Lão Tam ngồi trên lan can chăm chú nhìn tôi, miệng liên tục nhai singum.
- Có một lần, lão Đại dường như đang lo lắng.
- Lo lắng?
Lão Tam hỏi vặn lại, tôi khẽ gật đầu.
- Lần ấy lão Đại gọi vào một buổi tối muộn, nói với tôi dăm ba chuyện chẳng đâu vào đâu. Hình như lúc đó còn say rượu, cuối cùng dặn tôi sau này phải cẩn trọng.
Không khí giữa ba chúng tôi bất chợt rơi vào một khoảng không vô tận tưởng chừng không cách nào cứu vãn nổi. Gió Đông thổi ngày càng mạnh, một đôi chim nhỏ vừa vặn từ đâu bay tới quấn quýt đậu trên cành cây gần đó. Quầng gió lạnh vừa thổi tới khiến tôi rét run lên một chập, đành phải đứng nép vào người lão Nhị. Thấy vậy, hắn ta bèn cởi phăng áo khoác ngoài vứt cho tôi.
- Mau mặc vào.
Tôi đón lấy chiếc áo khoác còn hơi ấm nhanh chóng chui vào bên trong, liền cảm thấy khá hơn rất nhiều. Lâu sau đó lão Tam cuối cùng cũng phá tan bầu không khí tĩnh lặng đáng sợ ấy.
- Lát nữa học xong chúng ta cùng đi ăn. Tối tao đưa mày về.
Tôi chẳng có ý kiến gì, ngay lập tức gật đầu đồng ý. Lão Nhị nãy giờ còn đang mải suy nghĩ vẩn vơ cũng gật gù chấp thuận.
Giờ giải lao, ba chúng tôi nhanh chóng trở về vị trí cũ. Lần này đành ngồi yên vị, lão Tam một tay vòng qua ôm lấy hông tôi thiu thiu ngủ. Lão Nhị không rõ kiếm từ đâu một cây bút ngồi vẽ nguệch ngoạc lên giấy, thỉnh thoảng liếc nhìn trên bảng tiện tay vẽ luôn mấy hình chiếu máy móc rắc rối.
Tôi cố gắng chăm chú nghe giảng, đôi lúc cảm thấy những kiến thức đang học trở nên mơ hồ, đôi lúc lại suy nghĩ mông lung về lão Đại. Cả tiết học chẳng thể nào tập trung nổi, cuối giờ ghi chép vỏn vẹn hai trang giấy.
...
|