Đông Cung (Phỉ Ngã Tư Tồn)
|
|
Đông Cung
Tác giả: Phỉ Ngã Tư Tồn
Dịch giả: Quỳnh Phương
Thể loại: Ngôn tình cổ đại, cung đình, chiến tranh, SE
Độ dài: 1 tập – 16 chương + 1 phiên ngoại
(bản xuất bản)
Giới thiệu
Nàng, vốn là cửu công chúa của Tây Lương quốc, ở Tây Lương nàng được vô vàn ân sủng, chỉ vì cầu thân mới phải lên đường đến Trung Nguyên.
Hắn, thân là đương kim thái tử, địa vị chỉ khom lưng dưới một người mà đứng trên cả ngàn vạn kẻ khác, vì hôn nhân chính trị, bất đắc dĩ mới phải lấy công chúa của dị quốc.
Hắn có ái phi của riêng mình, Triệu lương đệ. Nàng cũng có cuộc sống của riêng nàng, ấy là lén xuất cung, chặn ngựa lồng dở chứng, trừ gian diệt ác, đuổi trộm cắp, tiễn trẻ lạc về tận nhà, lại còn có uống rượu, ngao du kỹ viện….
Họ tưởng đâu chỉ là 2 đường thẳng song song vĩnh viễn không bao giờ giao nhau. Thế rồi những tranh đoạt địa vị trong Đông Cung, những phải trái vô duyên cớ, những nham hiểm ngấm ngầm, lại cứ từng bước từng bước cuốn nàng công chúa ấy vào dòng nước xoáy.
Có con cáo nhỏ cô đơn,
ngồi trên cồn cát ngắm trăng một mình,
cơ mà đâu phải ngắm trăng,
cáo đang mong đợi cô nàng chăn dê.
có con cáo nhỏ bơ vơ,
ngồi trên cồn cát thẩn thơ sưởi mình,
nào đâu cáo muốn sưởi mình,
cáo đợi cô mình cưỡi ngựa đi qua
…
Hóa ra cứ mãi đợi mãi chờ, con cáo ấy lại chẳng thể đợi được người mà nó muốn…
|
Phần 1: Thẳng tắp
Có con chồn bước lang thang
Ở trên đập đá đắp ngang sông Kỳ
Lòng em luống những sầu bi,
Nơi chàng quần thiếu ai thì may cho?
Lang thang chồn bước một mình
Sông Kỳ đã thấy băng ghềnh chỗ sâu.
Lòng em luống những bi sầu,
Nỗi chàng thiếu nịt, ai đâu may giùm?
Có con chồn bước một mình,
Lang thang đi dọc ở bên sông Kỳ
Lòng em lo ngại sầu bi,
Áo quần chàng thiếu, ai thì may cho?
(Hữu hồ – Kinh thi)
Dịch thơ: Tạ Quang Phát)
Chương 01
Tôi và Lý Thừa Ngân lại vừa cãi nhau. Sau mỗi bận lục đục, bao giờ hắn cũng chơi trò phớt lờ, thậm chí cấm cả những người xung quanh không được phép tiếp chuyện tôi.
Ngồi không cũng chán, tôi bèn lén ra ngoài chơi. A Độ vẫn theo sát tôi như hình với bóng, bất kể là đi đâu cũng đố thoát nổi. Được cái tôi cũng quý A Độ, ngoài cái tính lúc nào cũng lầm lầm lì lì ra thì cái gì cũng tốt, đã thế võ nghệ còn cao cường, có thể giúp tôi đánh đuổi bọn xấu.
Chúng tôi đến quán trà nghe kể chuyện, vị tiên sinh kể chuyện hăng đến nỗi nước miếng văng tứ tung, đang đến đoạn Tiên Kiếm chém bay đầu người từ khoảng cách nghìn dặm, tôi quay sang hỏi A Độ:
- Này, muội bảo chuyện Tiên Kiếm có thật không?
A Độ lắc đầu.
Tôi cũng thấy khó mà tin được.
Nhưng phải công nhận cao thủ võ lâm thì có thật, như chuôi Kim thác đao của A Độ đây, tôi từng chứng kiến bản lĩnh nhanh như chớp của muội ấy rồi. Theo tôi, cái kiểu chém bay đầu người ở khoảng cách cả nghìn dặm chỉ là khoác lác, rặt thêm mắm dặm muối cả.
Chúng tôi rời quán trà, tình cờ thấy một đám người tụ họp rất đông ở đầu đường. Trời sinh tôi vốn tính ham vui, lẽ đương nhiên cũng chen vào đó xem thế nào. Chuyện là, bên đó có một cô nương cả người vận đồ tang đang quỳ gối khóc lóc sụt sùi, phía sau là manh chiếu rách cuộn tròn, đầu bó chiếu lộ ra hai bàn chân duỗi thẳng của một xác chết, đến giày cũng không có. Người qua đường chỉ biết lắc đầu thở dài trước bốn chữ viết bằng mực đen: “Bán thân chôn cha” trên vải bố trắng của cô gái ấy.
- Ôi! Bán thân chôn cha! Dám hỏi cô nương định bán mình giá bao nhiêu?
Đám người xung quang lập tức trừng mắt nhìn tôi vẻ phẫn nộ. Tôi bèn lè lưỡi, rụt cổ, quên béng mất là mình đang mặc đồ nam. A Độ liền kéo kéo vạt áo tôi, tôi hiểu ý ngay tức thì. A Độ thường lo tôi gặp rắc rối, suốt ngày tôi chạy nhong nhong ngoài đường thật đấy, nhưng trừ một lần chặn ngựa điên, hai lần đánh bọn nhóc con hỗn láo, ba lần đưa trẻ lạc về tận nhà, tầm bốn, năm lần đuổi bọn trộm cắp vặt ra thì bản tính tôi thực sự không phải loại hay lo chuyện bao đồng…
Tôi bèn lách ra phía sau cô gái, ngắm nghía xác chết được bó trong manh chiếu rách một hồi, rồi khuỵu gối ngồi xuống, tiện tay rút một cọng cói trên manh chiếu, khẽ cù vào lòng bàn chân cứng ngắc kia.
Cù này, cù này, này thì cù…
Tôi nhẫn nại chọc chọc không ngừng. “Xác chết” được bó trong manh chiếu bắt đầu run lên bần bật, càng chọc càng buồn, càng buồn càng run… Đám người xung quang cũng thấy lạ, có kẻ hét lên, nói không thành tiếng… Kẻ khác thì gào toáng lên: “Xác chết trá hình!” Số kẻ đực mặt, trố mắt nhìn mỗi lúc một đông. Tôi vẫn không nao núng, tiếp tục chọc chọc, đến lúc “xác chết” nằm trong bó chiếu không chịu được, ló đầu ra khỏi chiếu, chửi toáng lên:
- Thằng chó nào cù chân ông?
Tôi cũng chua ngoa đốp lại:
- Thằng chó chửi mày đấy!
Quả nhiên hắn mắc bẫy:
- Thằng chó chửi mày đấy!
Tôi vỗ tay cười:
- Quả nhiên có thằng chó đang chửi mình!
Hắn vùng dậy định đạp tôi. A Độ nhanh như chớp đứng chắn ở giữa. Tôi lè lưỡi lêu lêu hắn:
- Đồ lừa đảo! Giả chết mà cũng chỉ đáng giá ba đồng kẽm thôi à?
Tay lừa đảo cáu tiết, cả đứa con gái vận đồ tang cùng phe với hắn cũng nhảy bổ về phía tôi. Xưa nay A Độ vốn dè chừng chuyện đánh nhau ngoài đường, vội kéo tôi chạy như bay.
Nhiều lúc tôi chẳng muốn đi chơi cùng A Độ chút nào, bởi mỗi lần chuyện hay còn dang dở, muội ấy đã kéo tôi chạy trốn. Đã thế, cánh tay muội ấy lại cứng như gọng kìm, tôi có giãy giụa thế nào cũng không thoát được, đành chạy thục mạng theo sau, suốt chặng đường không khỏi chân nam đá chân chiêu. Chúng tôi chạy đến giữa chợ, hòa vào dòng người thì tình cờ bắt gặp ánh mắt đăm đăm dõi theo mình của một gã đàn ông ngồi trong quán trà phía trước.
Gã có tướng mạo khá ưa nhìn, vận áo choàng màu xanh lơ, con ngươi đen láy, nhìn tôi chằm chằm.
Không hiểu sao, tim tôi chợt nhói một cái.
Chạy đến chân miếu thờ, A Độ mới chịu nới lỏng tay, ngoảnh đầu nhìn lại, gã đàn ông nọ đã đi đâu mất hút.
A Độ không hỏi tôi đang nhìn gì, muội ấy được cái trước nay không quen hỏi này hỏi nọ. Tôi cảm thấy có chút bồn chồn, mà có lẽ nguồn cơn cớ sự cũng từ trận lớn tiếng gần đây với Lý Thừa Ngân. Đành rằng khi đấu khẩu, hắn chưa bao giờ thắng tôi, trái lại, tôi thường xuyên khiến hắn phải cứng họng, nhưng hắn sẽ dùng cách khác để đáp trả, tỉ dụ như cấm kẻ khác không được đếm xỉa đến tôi, như thế tôi là một người “có mà như không”… Cảm giác đó thực không dễ chịu gì, nếu tôi không lẻn ra ngoài chơi, sớm muộn gì cũng có ngày chết vì bức bối.
Tôi thấy buồn rầu, cúi đầu đá hòn sỏi, hòn sỏi bay nảy tưng tưng như quả cầu. Nói về cao thủ đá cầu thì phải kể đến Lý Thừa Ngân, quả cầu bằng da nhỏ xíu nhảy nhót trên mũi chân hắn như một con vật bé nhỏ, phó mặc hắn xoay vần đủ kiểu. Trong khi tôi mù tịt món đá cầu, cũng không có cơ hội được học, Lý Thừa Ngân không thèm dạy tôi mà còn cấm người khác dạy, tên này đúng là ích kỷ.
Tôi vung chân đá mạnh, hòn sỏi bay xuống cống, kêu “tõm” một tiếng, bấy giờ tôi mới nhận ra mình đã lạc vào một con ngõ nhỏ tự lúc nào. Tường cao chót vót chạy dọc hai bên, nhà ở đây rất cao với kiểu bờ tường quái dị, tự dưng tôi thấy rợn tóc gáy…
Ngoảnh lại không thấy A Độ đâu, tôi liền gọi to:
- A Độ!
Trong con ngõ vắng chỉ thấy vọng lại tiếng của chính mình. Chưa bao giờ tôi thấy hoang mang như lúc này, mấy năm qua A Độ luôn theo sát tôi như hình với bóng, thậm chí khi tôi đi nhà cầu, muội cũng bám gót theo sau. Lúc tôi ngủ, muội ấy thường nằm canh trước giường, mở mắt là thấy nhau. Xưa nay A Độ chưa từng rời xa tôi quá một trượng[1] mà chẳng nhắn nhủ câu nào, vậy mà giờ chẳng thấy A Độ đâu.
[1] Trượng là một đơn vị đo chiều dài cổ của Trung Hoa. Nó nằm trong các đơn vị đo độ dài cổ theo hệ thập phân dựa trên một cây thước cơ bản. Một trượng bằng mười thước, hơn ba mét.
Bỗng dưng tôi thấy kẻ đó, gã đàn ông mặc áo xanh lơ xuất hiện ở đầu ngõ, đăm đăm nhìn về phía tôi.
Lòng tôi rối bời, bèn quay đầu gọi toáng lên:
- A Độ!
Tôi không quen gã này, vậy mà vừa nãy ở trên đường, gã đã nhìn tôi với ánh mắt khó hiểu. Đến tận bây giờ, cái kiểu gã nhìn tôi vẫn rất kỳ quái.
Tôi hỏi gã:
- Này! Huynh có thấy A Độ không?
Thay cho câu trả lời, gã lững thững tiến về phía tôi. Gương mặt khôi ngô được ánh nắng chiếu rọi của gã nom có vẻ ưa nhìn hơn cả Lý Thừa Ngân. Đôi chân mày hình lưỡi mác, cặp mắt đen láy như bảo thạch, sống mũi cao, làn môi tuy mỏng nhưng viền môi thanh tú… Tóm lại, đó là một gã rất đẹp trai. Gã bước một mạch đến trước mặt tôi, bỗng nhiên cười toe, hỏi:
- Xin hỏi tiểu thư tìm A Độ nào?
Lẽ nào trên đời lại có hai A Độ? Tôi nói:
- Đương nhiên là A Độ của tôi rồi, huynh có thấy muội ấy không? Muội ấy mặc áo vàng, nhìn giống chim hoàng oanh.
Hắn nói kiểu õm ờ:
- Mặc áo vàng, nhìn giống chim hoàng oanh… Ta có gặp một người như thế.
- Đâu? Người đó ở đâu?
- Thì đang ở trước mặt ta đây.
Gã sát lại gần, sát đến nỗi tôi có thể nhìn thấy quầng hào quang sáng quắc như có thần trong đôi mắt ấy.
- Lẽ nào không phải muội ư?
Tôi cúi đầu nhìn bộ đồ trên người, tôi vận đồ nam màu vàng nhạt giống hệt A Độ. Gã này cũng gớm thật!
Hắn nói:
- Tiểu Phong, mấy năm không gặp, muội vẫn vậy, chẳng thay đổi gì cả.
Tôi không giấu được sự sửng sốt, Tiểu Phong là tên mụ của tôi, từ ngày tới Thượng Kinh, chưa một ai gọi tôi bằng cái tên đó. Tôi chớp chớp mắt nhìn gã, tỏ ra bối rối:
- Huynh là ai?
Gã cười nhạt, bảo:
- Ồ, muội không biết ta là ai ư?
- Huynh là người do cha ta cử đến à?
Tôi lại chớp chớp mắt nhìn gã. Trước lúc ra đi, cha từng hứa sẽ cử người mang đặc sản tới cho tôi. Rốt cuộc cha chỉ hứa suông, bao lâu nay có thấy ai đến đâu!
Gã không trả lời, chỉ hỏi:
- Muội có muốn về nhà không?
Đương nhiên muốn chứ, trong mơ tôi cũng thấy mình được về nhà.
Tôi hỏi:
- Hay ca ca ta phái huynh tới à?
Gã mỉm cười, hỏi tôi:
- Muội còn có ca ca à?
Đương nhiên, chẳng những vậy mà tôi còn có tới năm ca ca. Người thương tôi nhất là ngũ ca của tôi. Khi tôi sắp phải xa nhà, huynh ấy khóc một trận rõ to, còn dùng roi da quất tung tóe cát trên sa mạc. Tôi biết huynh ấy không nỡ rời xa tôi, không nỡ để tôi đến một nơi xa xôi, cách trở như thế này.
|
Đến ca ca của tôi mà gã cũng không biết, xem ra không phải người mà nhà tôi phái đến rồi. Tôi thoáng thất vọng hỏi:
- Sao huynh biết tên tôi?
Gã nói:
- Chính muội từng nói với ta mà.
Chính tôi nói á? Lẽ nào tôi quen hắn ta?
Sao tôi chẳng có chút ấn tượng nào thế nhỉ?
Ma xui quỷ khiến thế nào mà tôi lại có cảm giác gã không phải kẻ lừa đảo. Chắc bởi trên đời này không kẻ lừa đảo nào quái gở như gã, trong khi bọn lừa đảo thường cố sắm vai người bình thường, bọn chúng không bao giờ tỏ ra khác người, bởi lẽ càng khác người càng dễ lộ tẩy.
Tôi nghiêng đầu nhìn gã chằm chằm rồi hỏi:
- Nói tóm lại, huynh là ai?
Gã nói:
- Ta là Cố Kiếm
Gã không nói gì thêm, dường như bốn từ ấy đã nói lên tất cả.
Cái tên lạ hoắc, xưa nay tôi chưa từng nghe, bèn nói:
- Ta phải đi tìm A Độ đã.
Gã nói:
- Ba năm qua, ta chỉ đi tìm muội, muội không thể nói thêm với ta mấy câu sao?
Tôi thấy khó hiểu quá đi mất!
- Huynh tìm ta làm gì? Sao lại tìm những ba năm? Ba năm trước chúng ta quen nhau à?
Gã cười nhạt, nói:
- Ba năm trước muội giận ta rồi bỏ đi, ta đi tìm muội suốt, hôm nay mới gặp lại. Nhưng muội đã quên ta mất rồi.
Gã này rõ bịp bợm. Đừng nói là chuyện ba năm trước, cho dù là chuyện của hai mươi năm trước tôi vẫn nhớ rõ rành rành. Trí nhớ của tôi rất tốt đấy. Năm ba tuổi, tôi mới bắt đầu biết nhận thức, nhưng từ đó tới giờ, tôi đã nhớ được rất nhiều chuyện rồi. Ví dụ mẹ từng đút cho tôi ăn một thứ quả nghiền chua ngoét mà tôi ghét cay ghét đắng, hoặc lúc tôi nằm trong vòng tay mẹ, ngóng nhìn cha phi ngựa trở về, nắng ban mai mạ vàng cơ thể người, dường như người đang mặc bộ khôi giáp lấp lánh ánh kim, oai phong lẫm liệt…
Tôi quyết định không thèm nói chuyện với gã nữa. Tôi quay người bỏ đi, con bé A Độ này trốn đằng nào không biết. Vừa nghĩ, tôi vừa ngoái đầu nhìn lại, gã Cố Kiếm nọ vẫn đứng đó dõi theo tôi, không chớp mắt. Thấy tôi quay đầu lại, gã liền nhoẻn miệng cười. Lần thứ mấy gã cười với mình rồi? Đột nhiên tôi có cảm giác nụ cười ấy tựa như lớp băng vụn phiêu du trên mặt nước, như thể chuyện khiến gã buồn nhất không gì khác là cười với tôi.
Đồ dở hơi, còn già mồm bảo tôi quen gã, chẳng lẽ tôi lại quen loại điên như gã ta?
Ra khỏi ngõ tôi mới để ý thấy A Độ đang ngồi bên cầu. Nom muội ấy ngây thuỗn nhìn mình, tôi hỏi:
- Muội chạy đi đâu thế hả? Làm ta lo muốn chết đây này.
A Độ ngồi im như phỗng, tôi lay mấy cái mà muội ấy vẫn im thin thít. Lúc này gã Cố Kiếm kia bước tới, búng nhẹ tay về phía A Độ. Sau tiếng “hự” nhẹ bẫng, A Độ liền nhảy dựng lên, một tay tuốt đao, một tay kéo tôi ra sau lưng mình.
Gã Cố Kiếm kia thủng thẳng cười, nói:
- Ba năm trước chúng ta từng giao đấu, vừa nãy ta chỉ dùng một ngón tay đã điểm được huyệt đạo của cô, lẽ nào cô chưa rõ ư? Nếu ta thật sự muốn làm gì, cô lựa sức mình có cản được ta không?
A Độ không nói gì, mắt gườm gườm, thủ thế như thể gà mẹ bảo vệ gà con. Có lần Lý Thừa Ngân thật sự làm tôi tức điên, A Độ cũng trừng trộ kiểu này.
Không ngờ tay Cố Kiếm này có khả năng điểm huyệt A Độ. Thân thủ của A Độ vốn cao cường, người bình thường đừng hòng tiếp cận muội ấy, đừng nói đến việc quấy quá vài phát đã khống chế được. Nhưng võ công của gã Cố Kiếm này quả là đáng nể, tôi không khỏi nghẹn họng nhìn gã trân trối.
Thế mà gã chỉ thở dài sườn sượt, nhìn A Độ với thanh đao đã tuốt vỏ đang lăm lăm trong tay, rồi ánh mắt dừng ở người đang thụt thò sau lưng A Độ là tôi… Gã nhìn lần cuối, cuối cùng quay người bỏ đi.
Tôi đứng trông theo bóng gã xa dần. Tay Cố Kiếm quái đản đó cuối cùng khuất dạng nơi con ngõ nhỏ vắng lặng. Tôi hỏi A Độ:
- Muội không sao chứ? Có bị thương không?
A Độ lắc đầu, lấy tay ra dấu hỏi.
Tôi hiểu muội ấy đang hỏi tôi có buồn không.
Sao tôi phải buồn chứ?
Tôi lấy làm lạ, liền ném về phía muội ấy một cái lườm thật sắc.
Trời nhập nhoạng tối, tôi dẫn A Độ lên Vấn Nguyệt lầu dùng cơm.
Mỗi lần trốn ra ngoài chơi, chúng tôi thường ghé Vấn Nguyệt lầu ăn cơm bởi món vịt nướng ở đây ngon vô cùng.
Vừa ngồi xuống ăn thịt vịt nướng, tình cờ gặp Bá Hà hát rong dẫn theo cô con gái Phúc Thư lên lầu. Bá Hà bị mù nhưng ngón nghề kéo đàn nhị thì không chê vào đâu được, lần nào tới Vấn Nguyệt lầu ăn cơm, tôi cũng nói Phúc Thư hát một khúc ngắn.
Đôi bên đã thân quen từ lâu, Phúc Thư cúi đầu chào tôi và A Độ:
- Chào Lương công tử!
Tôi lịch sự mời Phúc Thư hát hai bài, muội ấy liền chọn khúc Hái lá dâu.
Nhắm thịt vịt nướng chính tới, thêm một hũ rượu hoa sen âm ấm, lại được nghe Phúc Thư hát, đời người còn gì tuyệt vời hơn!
Món thịt nướng xèo xèo trên bếp, A Độ cầm đũa xé thịt thành từng miếng nhỏ, rưới nước tương lên miếng thịt chín già, rồi gắp sang đĩa của tôi. Tôi ăn thịt nướng, ních vào bụng một chén rượu hoa sen, bỗng thấy cầu thang rầm rập tiếng bước chân cùng với tiếng cười nói hô hố của một đám người. Thật chướng mắt!
Tôi quay sang bảo A Độ:
- Muội xem lũ kia, vừa nhìn đã biết ngay là loại không ra gì.
A Độ nhìn tôi có vẻ khó hiểu.
Tôi bảo:
- Bọn này tuy mặc thường phục nhưng chân xỏ ủng đế mỏng, đao dắt kề hông, ngón cái quấn da hươu, kẻ nào cũng đeo bao cổ tay… Hẳn bọn này đã quen đi loại giày dễ xỏ, lại thạo cung ngựa, thêm kiểu vác đao kiếm ngông nghênh đi từ đầu đường tới cuối chợ… Bọn này đích thị là Vũ lâm lang[2] đây mà.
[2] Vũ lâm là tên gọi chỉ đội quan quân có nhiệm vụ bảo vệ vua và hoàng thành. Vũ lâm lang chỉ người có chức sắc cao trong Vũ lâm quân.
A Độ vốn không ưa bọn Vũ lâm lang, tức thì muội ấy cũng gật gật đầu.
Bọn Vũ lâm lang vừa ngồi xuống, lập tức một gã trong đám xẵng giọng gọi:
- Này, hát rong! Qua đây hát bài Lên dốc nhớ chàng cho mấy ông nghe!
Bá Hà run rẩy nhận lỗi với chúng, thưa rằng:
- Vị công tử này vừa chọn hai bài, mới hát xong một bài. Đợi lát hát xong, lũ tiểu nhân sẽ qua hầu mấy vị lang quân ạ!
Gã Vũ lâm lang đập mạnh xuống bàn:
- Láo toét! Xong với cả không xong cái quái gì! Khôn hồn thì qua đây hầu bọn ông, không ông chém chết con mụ đui mù nhà mày bây giờ!
Có kẻ liếc mắt nhìn tôi, nhếch môi cười, bảo:
- Mấy anh em nhìn tên kia kìa, da mịn như con gái, trông khôi ngô gớm!
Gã vừa nãy cũng đảo mắt nhìn tôi, cười hềnh hệch:
- Cũng khôi ngô đấy, nom xinh xắn hơn cả con bé hát rong. Này! Thằng kia, qua đây tiếp các ông một chén xem nào!
Tôi thở dài đánh sượt, thực tình hôm nay không muốn động tay động chân nhưng xem ra, trời không chiều lòng người mất rồi. Tôi buông đũa, cất giọng chán chường:
- Tiệm ăn ngon thế này, tự nhiên mọc đâu ra cái loại không biết nói tiếng người? Mất cả hứng!
Lũ người đó vừa nghe thấy vậy đã nổi cơn tam bành, đập bàn rầm rầm:
- Mày chửi ai?
Tôi cười nhìn chúng:
- Ồ, xin lỗi nhé, hóa ra mấy người không phải loại đó à?
Kẻ mất bình tĩnh đầu tiên chính là gã vừa buông tiếng chửi, gã tuốt đao lao về phía chúng tôi. A Độ vỗ nhẹ xuống bàn, bát đĩa trên bàn vẫn nằm im không hề lay động, chỉ có ống đũa nảy lên. Muội ấy nhanh tay rút một chiếc, ống đũa chưa kịp chạm mặt bàn, mũi đao sáng lóa đã sờ sờ ngay trước mặt. Nhanh như chớp, A Độ xọc đũa xuống, tiếng thét cất lên tức thì đi liền với tiếng trường đao rơi đánh “keng” xuống sàn, lòng bàn tay gã bị chiếc đũa ghim vào bàn, máu tuôn xối xả. Gã vừa tru tréo kêu gào vừa loay hoay rút chiếc đũa, nhưng chiếc đũa vững chãi như một chiếc đinh dài xuyên qua lòng bàn tay gã, đóng chặt xuống bàn, rút thế nào cũng không xê dịch.
|
Đồng bọn của gã nhất loạt tuốt kiếm, định xông lên. Tay A Độ đặt trên ống đũa, ánh mắt lạnh lùng quét qua chúng. Thấy A Độ khí thế phừng phừng, bọn chúng thấy chợn rồi nhùng nhằng không dám đến gần.
Kẻ bị đóng đinh trên bàn vẫn kêu la oai oái như heo bị chọc tiết. Thấy đinh tai nhức óc, tôi đâm bực bèn gắp miếng bánh quế tống vào miệng gã. Gã trợn ngược mắt vì nghẹn, mãi mới chịu im miệng.
Tôi vỗ nhẹ đôi đũa vừa gắp bánh quế vào lòng bàn tay, đảo mắt một vòng, hỏi:
- Bây giờ các ngươi, kẻ nào muốn ta hầu rượu?
Chúng giật mình không dám thở mạnh. Tôi đứng dậy, tiến lên một bước, chúng bèn giật lùi một bước. Tôi cứ tiến, chúng cứ lùi, đến khi cả lũ bị dồn đến đầu cầu thang thì một gã hô:
- Chạy mau!
Rồi cả lũ hốt hoảng như ong vỡ tổ chạy xuống lầu.
Mất cả hứng… Quên không bảo chúng, tôi có biết dùng đũa đâm người như A Độ đâu, tôi chỉ dọa chút thôi mà!
Tôi ngồi xuống bàn, tiếp tục ăn món thịt nướng, mùi máu tanh xộc lên từ lòng bàn tay rớm máu của gã Vũ lâm lang kia khiến tôi cau có, khó chịu. A Độ hiểu ý, liền rút phăng chiếc đũa, bồi cho gã thêm một cú đạp. Gã ôm lòng bàn tay bị thương, bò lê bò toài toan tháo chạy, quên không lấy thanh đao về. A Độ khều nhẹ mũi chân, thanh đao này lên tay, dâng tôi xem. Chỗ tôi có lệ, kẻ bại trận phải bỏ lại vũ khí, A Độ theo tôi tới Thượng Kinh đã ba năm nhưng vẫn chưa quên tập tục cũ.
Thấy mấy chữ đồng khắc trên chuôi đao, tôi bất giác nhíu mày.
A Độ không hiểu tôi nhíu mày là có ý gì. Tôi bèn đưa thanh đao cho A Độ, bảo:
- Trả hắn đi!
Gã đã bò đến đầu cầu thang. A Độ phất tay, thanh đao cắm phật vào cây cột nhà gần đó đánh “coong” một tiếng. Gã rú lên kinh hãi, rồi lộn cổ xuống gác như một trái tú cầu, không kịp ngoái đầu nhìn lấy một cái.
Khi chúng tôi rời Vấn Nguyệt lầu cũng là lúc phố phường nhuộm kín ánh trăng bàng bạc, mảnh trăng lưỡi liềm nằm vắt vẻo trên ngọn cây như chiếc bánh gạo bị ai gặm mất một miếng, tỏa sáng khắp nơi nơi. Tôi vừa đánh chén một bữa no nê, mặt mày ủ rũ vác cái bụng kễnh, lếch thếch lê bước theo sau A Độ. Cứ bò như ốc sên thế này, chỉ e sáng mai mới về được đến nhà. May mà A Độ có tính nhẫn nãi, muội ấy miết từng bước rất chậm chờ tôi theo kịp. Vừa đến ngã rẽ đầu đường, đột nhiên một đám người nhảy xổ ra từ trong bóng đêm, bọn dẫn đầu tay lăm lăm đao kiếm sáng lóa, có đứa gào toáng lên:
- Chính chúng nó!
Nhìn kĩ mới thấy, thì ra bọn Vũ lâm lang kéo theo viện binh.
Tại sao lần nào ra đường, chỉ đi loanh quanh mà cũng phải đánh nhau thế nhỉ? Ngẫm thấy mình từ xưa tới nay nào có phải kẻ thích gây sự gì đâu cơ chứ!
Nhìn đám người cũng phải đến mấy trăm tên ấy mà tôi không khỏi thở dài ngao ngán.
A Độ dằn thanh đao, nhìn tôi ướm hỏi.
Tôi chưa kịp nói gì với A Độ thì mấy chữ khắc trên chuôi đao ban nãy làm tôi cụt cả hứng đánh nhau. Mà đã không đánh thì đương nhiên phải giở bài… chuồn.
- Chạy thôi!
Tôi và A Độ ba chân bốn cẳng chạy, về lĩnh vực gây lộn, chúng tôi tuyệt nhiên không dám nhận xằng nhận bậy mình là đệ nhất thiên hạ, nhưng luận đến tháo chạy, hễ chúng tôi xưng danh đệ nhị kinh thành, đố kẻ nào dám vỗ ngực bảo mình là đệ nhất đấy! Ba năm qua, ngày nào chúng tôi chẳng lang thang ngoài đường, kinh nghiệm bị đuổi quả thực nhiều lắm, lúc chạy toàn chọn những con ngõ nhỏ vắng vẻ, cứ lòng vòng bốn phương tám hướng, chẳng mấy chốc đã cắt được đuôi.
Có điều, bọn Vũ lâm lang này cũng gớm thật, chúng bám ngay sau chúng tôi, tôi và A Độ lượn lách mấy vòng rồi mà cái đuôi vẫn bám riết. Tôi vác cái bụng kễnh rong ruổi khắp nơi, chạy trốn bọn khốn này nãy giờ, sắp ói đến nơi rồi. Từ một ngõ nhỏ, A Độ kéo tôi chạy ra đường lớn, thế mà ngay trước mặt lại có một đám binh mã đang phăm phăm lao về phía này, xa xa ngó thấy đám ấy hình như cũng là người của Vũ lâm lang.
Chẳng lẽ lũ khốn này lại mai phục sẵn từ lâu? Tôi ôm đầu gối thở hồng hộc, kiểu này xem ra phải đánh nhau thật rồi.
Tiếng lạo xạo sau lưng mỗi lúc một gần, lũ khốn ấy đã đuổi đến nơi. Đám quân binh lăm lăm đèn đuốc cũng đã ở ngay trước mắt, kẻ dẫn đầu cao to cưỡi một con bạch mã, bỗng nhớ ra mình quen gã này, tôi mừng ra mặt:
- Bùi Chiếu! Ê Bùi Chiếu!
Bùi Chiếu ngồi trên mình ngựa, đưa mắt nhìn về phía tôi vẻ ngờ vực, gã chưa kịp nhìn rõ xem tôi là ai. Tôi nhảy cẫng lên, gào tên gã, tùy tùng theo hầu nhấc đèn lồng tiến lên soi tỏ mặt tôi.
Ngay lập tức, Bùi Chiếu từ trên ngựa phi xuống, chỉnh tề hành lễ với tôi:
- Thái…
Không để gã nói nốt hai từ tiếp theo, tôi vồn vã ngắt lời:
- Thái cái gì mà thái? Đằng sau có lũ vô lại đang đuổi ta, mau giúp ta cản chúng đi!
Bùi Chiếu thưa:
- Tuân lệnh!
Rồi gã đứng lên, trút vỏ thanh trường kiếm bên mình, gằn tiếng ra lệnh:
- Nghênh địch!
Binh sĩ sau lưng gã cũng đồng loạt tuốt đao, vừa lúc lũ khốn kia đuổi đến nơi, thấy phía này đèn đuốc sáng trưng một góc đường, có Bùi Chiếu giương kiếm đón đầu, chúng buộc phải ghìm bước chân. Mấy gã đi đầu còn cười gượng gạo, nhưng răng lợi đập vào nhau lạch cạch:
- Bùi… Bùi… Bùi Tướng quân…
Thấy cả tốp Vũ lâm lang, Bùi Chiếu không giấu nổi vẻ thảng thốt:
- Các ngươi đang làm gì ở đây?
Bùi Chiếu là Kim ngô tướng quân, chuyên cai quản Vũ lâm lang, phen này bọn mạt hạng kia chết là cái chắc. Nhân lúc bọn chúng không để ý, tôi hớn hở kéo A Độ đánh bài chuồn.
Tôi và A Độ trèo tường quay trở về, khinh công của A Độ đúng là phi phàm, tường cao đến mấy chỉ cần muội ấy ôm tôi, khẽ nhảy vọt qua, không gây một tiếng động. Đêm về khuya, bốn bề lặng ngắt đến sợ. Chỗ này vừa rộng lại vắng, quanh năm suốt tháng chìm trong tĩnh mịch.
Chúng tôi như hai con chuột nhắt rón rén lẻn vào. Xung quanh tối như hũ nút, chỉ ở nơi xa xa kia mới thấp thoáng ánh đèn đuốc. Sàn nhà phủ một lớp thảm rất dày, giẫm lên mềm mại lại không hề phát ra tiếng động, tôi mò lên giường. Ôi chiếc giường yêu quý của tôi… Hễ nhớ đến nó là tôi không kìm được ngáp dài:
- Buồn ngủ quá…
A Độ bỗng nhảy dựng lên làm tôi hết hồn. Bốn bề chợt sáng bừng, kẻ nào đó vừa châm nến. Vĩnh Nương dẫn đầu một tốp người cầm đèn lồng ùa vào. Từ đằng xa tôi thấy bà ấy quỳ sụp xuống, nước mắt lưng tròng:
- Thái tử phi, xin người ban cho nô tì cái chết.
Tôi chúa ghét cái trò quỳ lạy, lại càng ghét Vĩnh Nương, ghét người ta gọi mình là Thái tử phi, ghét luôn cả cái trò hở một tí lại tội chết này tội sống nọ.
- Ôi dào, chẳng phải ta đã bình an trở về đấy thôi.
Lần nào trở về, Vĩnh Nương cũng tái diễn màn này, bà ta không chán nhưng tôi thì đã chán đến tận cổ. Y như rằng, Vĩnh Nương liền lau nước mắt, sai cung nữ hầu tôi tắm gội, chải đầu. Bọn họ chẳng nói chẳng rằng, lột phăng bộ quần áo nam trên người tôi, thay bằng một bộ y phục ba lớp trong, ba lớp ngoài mà tôi căm ghét nhất, choàng hết áo này đến áo nọ như cái thân tôi là chiếc bánh nhiều lớp, bóc mãi vẫn chưa thấy đậu phộng đâu.
Vĩnh Nương bẩm với tôi:
- Mai là sinh nhật Triệu Lương đệ[3], Thái tử phi chớ quên, dẫu sao vẫn phải có chút quà.
[3] Lương đệ là danh hiệu ban cho thiếp của thái tử, có địa vị khá cao trong số thê thiếp của thái tử, chỉ xếp sau thái tử phi.
Tôi quấn một chiếc khăn to ngang ngực, ngoẹo đầu gà gật trong lúc cung nữ vẫn loay hoay giúp tôi rửa mặt. Mái tóc dài thả xõa ngang lưng được bọn họ dùng lược ngà chải chuốt cẩn thận, càng chải càng khiến tôi lừ đừ buồn ngủ. Tôi thấy mình chẳng khác nào con rối, muốn giật dây ra sao là tùy ở họ. Vĩnh Nương luôn miệng nói bên tai tôi một đống chuyện, nhưng tôi cứ trôi dần vào giấc ngủ, chẳng nghe lọt câu nào.
Sau một bữa no nê và dù nửa đêm vẫn phải chạy tới chạy lui trốn người ta rõ cực, bây giờ tôi đánh một giấc say không biết trời trăng gì. Đang say sưa, tôi bỗng choàng tỉnh vì có tiếng “uỳnh” cực lớn dội vào tai, mở mắt thấy trời sáng trưng mới biết, vậy ra mình đã ngủ một mạch đến tận trưa. Tôi thấy Lý Thừa Ngân đùng đùng xông vào, Vĩnh Nương tá hỏa dẫn theo đám cung nữ quỳ lạy nghênh tiếp.
Tuy tóc tai còn đang xõa xượi, mặt mũi vừa ngủ dậy chưa kịp lau nhưng tôi vẫn vùng dậy khỏi giường, cơ mà không phải vì sợ Lý Thừa Ngân đâu nhé, đơn giản chỉ bởi nằm trên giường mà cãi nhau với hắn thì thật là lép vế, mất hết cả khí thế.
Hiển nhiên hắn khởi giá đến chỉ để vấn tội, đanh mặt nhìn tôi:
- Cô vẫn ngủ được cơ à?
Tôi ngáp dài một cái rồi bảo:
- Có gì mà không ngủ được chứ?
- Cái loại đàn bà như cô sao lại nham hiểm đến thế hả?
Hắn cau có nhìn tôi, ánh mắt tựa như hai mũi tên vô hình cắm phập thành hai cái lỗ trên người tôi:
- Cô thôi cái trò giả nhân giả nghĩa đi!
Giọng điệu này xem ra không giống những lần gây gổ thường ngày, tôi chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì cả:
- Điện hạ làm sao vậy?
- Sao vậy à? – Hắn nghiến răng nghiến lợi, nói. – Triệu Lương đệ vừa ăn xong mì trường thọ cô ban liền nôn thốc nôn tháo. Sao lòng dạ cô có thể hiểm ác đến thế?
Tôi trừng mắt với hắn:
- Thần thiếp chẳng ban mì trường thọ cho ai cả, ai ăn đau bụng thì mắc mớ gì đến thần thiếp!
- Dám làm mà không dám nhận à? – Hắn nói bằng giọng khinh khỉnh. – Thì ra con gái Tây Lương toàn hạng vô liêm sỉ!
|
Suốt ba năm qua, Lý Thừa Ngân và tôi thường xuyên cãi vã, hục hặc, hắn thừa biết cách khiến tôi tức điên. Tôi nổi đóa, nhảy dựng lên:
- Con gái Tây Lương chẳng đời nào dám làm mà không dám nhận, thần thiếp chẳng làm gì cả, sao phải nhận chứ? Con gái Tây Lương xưa nay vốn ngay thẳng, đừng nói chỉ một mình Triệu Lương đệ, một khi đã muốn giết ai, thần thiếp sẽ đích thân xách kiếm đi liều mạng với người đó, chứ không thèm chơi trò hạ độc sau lưng hèn hạ này đâu! Nào có như Điện hạ đây, chưa hỏi rõ phải trái, trắng đen đã vu oan cho người khác, người như Điện hạ thì hảo hán Thượng Kinh cái quái gì chứ?
Lý Thừa Ngân hằm hè:
- Cô đừng tưởng ta không dám phế cô! Dù có phải liều mình với ngôi vị thái tử này, ta cũng không khoan dung nổi loại người lòng dạ hiểm độc như cô!
Tôi dứt khoát nói:
- Điện hạ muốn sao thì làm như vậy đi!
Lý Thừa Ngân tức tối phẩy áo bỏ đi, tôi cũng tức giận đến tỉnh cả ngủ, bụng cũng âm ỉ đau, A Độ đành xoa hộ tôi. Vĩnh Nương vẫn quỳ một chỗ, người run bần bật, hiển nhiên là bà ta sợ chết khiếp. Tôi nói:
- Mặc xác hắn, năm nào hắn chẳng phao tin sẽ phế ta, năm nay còn chưa nói đấy.
Vĩnh Nương lại khóc rưng rức:
- Thái tử phi thứ tội… Mì trường thọ đó là do nô tì sai người ban tặng…
Thấy tôi thảng thốt, Vĩnh Nương bèn thưa:
- Nhưng quả thực nô tì không có âm mưu gì cả, nô tì chỉ trộm nghĩ, hôm nay mừng sinh nhật Triệu Lương đệ, nếu Thái tử phi không tặng quà thì hình như có chút… có chút… Thái tử phi còn đương giấc, nô tì đã sai người ban ít mì trường thọ, chẳng ngờ Triệu Lương đệ ăn vào lại nôn thốc nôn tháo… Xin Thái tử phi phạt nô tì tội chết…
Tôi dửng dưng bảo:
- Chúng ta không giở trò gì, vậy ả bị đau bụng thì mắc mớ gì đến chúng ta, cái gì mà tội sống với cả tội chết? Bà mau đứng lên, quỳ mãi ở đó, ta nhìn ghét chết đi được!
Vĩnh Nương đứng dậy, nước mắt vẫn lưng tròng, thưa:
- Thái tử phi, chữ đó là kiêng kỵ, người không thể nói bừa thế được.
Dào ơi, có chữ “chết” thôi cũng nhiều chuyện. Ai mà chẳng phải chết? Mấy cái quy củ, phép tắc ở Đông cung thật đáng ghét, cái này không được nói, cái kia không được làm, ta bức bối, sắp chết đến nơi rồi đây này!
Sinh nhật Triệu Lương đệ mất vui chỉ bởi trận nôn thốc nôn tháo đó. Lý Thừa Ngân không nuốt nổi cục tức bèn làm ầm lên. Hắn muốn phế tôi cũng khó, chưa cần phụ hoàng hắn lên tiếng thì bên thái phó đã ngăn cản. Lý Thừa Ngân bèn mách lẻo với Thái hoàng thái hậu, Thái hoàng thái hậu liền sai người ban vài bộ sách, nào làNữ huấn[4], Nữ giới[5], phạt tôi mỗi cuốn phải chép mười lần. Cái số tôi thật đen đủi! Tôi bị nhốt trong phòng, hì hục chép phạt suốt mấy ngày liền, kêu trời, trời không thấu, gọi đất, đất chẳng thưa, chép đến nhũn cả tay, mãi mà chưa xong.
[4] Nữ huấn là áng văn của Thái Ung – nhà văn, nhà sử học và là một vị quan cuối thời Đông Hán, viết để răn dạy con gái mình là Thái Diễm.
[5] Nữ giới là một bộ quy phạm lễ giáo hoàn chỉnh dành cho phụ nữ Trung Quốc, giải thích về hàm nghĩa của “tứ đức”, bao gồm công, dung, ngôn, hạnh của người phụ nữ do Ban Chiêu, nữ sử gia, nhà văn thời Đông Hán biên soạn.
Đang cặm cụi chép lần thứ năm thì Vĩnh Nương vào thưa rằng, một cung nữ hầu hạ Lý Thừa Ngân là Tự Nương đã có tin vui, phen này Triệu Lương đệ hẳn phải ngậm bồ hòn làm ngọt rồi.
Tôi ngu ngơ hỏi bà ấy:
- Có tin vui là gì thế?
Vĩnh Nương suýt chút thì tắc thở, bà ấy vòng vo giải thích cả buổi, tôi mới vỡ lẽ, ồ, thì ra có tin vui chính là có em bé đấy à?
Đến Thượng Kinh đã mấy năm rồi, tôi chưa thấy ai quanh mình sắp sinh em bé cả, chuyện hiếm hoi thế này đương nhiên tôi phải đi xem cho biết chứ. Tôi hớn hở định đi xem trò vui, vậy mà Vĩnh Nương sống chết can bằng được.
- Thái tử phi ơi, người chớ đi! Nghe đâu Thái tử Điện hạ từng hứa với Triệu Lương đệ rằng, tuyệt đối sẽ không hai lòng. Ngày hôm đó, chắc Thái tử Điện hạ say không biết trời đất gì nên mới có chuyện sủng ái Tự Nương. Triệu Lương đệ đang khóc lóc om sòm ở phủ bên đó, chẳng vui vẻ gì đâu. Bây giờ Thái tử phi mà đi thăm Tự Nương, thế nào Triệu Lương đệ cũng cho rằng Thái tử phi đang cố tỏ thị uy…
Tôi thật chẳng hiểu sao Vĩnh Nương lại nghĩ thế, bọn người ở Đông cung này rặt một kiểu khó hiểu như nhau, lối suy nghĩ của bọn họ lúc nào cũng quẩn quanh, toan tính. Tôi thở dài đánh sượt, Vĩnh Nương nói thế nào Triệu Lương đệ cũng nghĩ như vậy, có khi cô ả nghĩ thế thật cũng nên. Mà tôi thì chán cảnh cãi nhau với Lý Thừa Ngân lắm rồi, giả sử hắn lại mách lẻo với Thái hoàng thái hậu, thế nào tôi cũng bị phạt chép sách đến chết cho mà xem…
Tối hôm đó, Hoàng hậu triệu tôi tiến cung.
Ngày thường rất hiếm khi tôi đến vấn an Hoàng hậu mà chỉ có một mình, lần nào cũng kè kè Lý Thừa Ngân bên cạnh. Những gì Hoàng hậu hay nói với tôi thường chỉ giới hạn trong vòng ba câu: “Bình thân”, “Ban ngồi”, Lui về nghỉ ngơi đi”, vậy mà hôm nay lại triệu kiến mình tôi. Vĩnh Nương nhấp nhổm không yên, buộc lòng phải theo tôi tới tham kiến Hoàng hậu.
A Độ không muốn gỡ thanh đao khỏi người, lại càng không nỡ rời xa tôi, bèn đứng đợi trước cửa Vĩnh An điện.
Nói đúng ra thì Hoàng hậu là người sắc nước hương trời, bà không phải là mẹ ruột của Lý Thừa Ngân, thân sinh ra Lý Thừa Ngân là Thục phi, nghe đồn đó là một mỹ nhân tài mạo song toàn, được Hoàng đế hết mực sủng ái, tiếc thay vừa hạ sinh Lý Thừa Ngân không được bao lâu đã yểu mệnh mà qua đời. Hoàng hậu không có con, liền ẵm Lý Thừa Ngân vào cung nuôi nấng đến lúc trưởng thành, sau đó Lý Thừa Ngân danh chính ngôn thuận trở thành thái tử.
Hoàng hậu nói với tôi một tràng dài những lời lẽ uyển chuyển mà hàm súc, khiến tôi nghe mà ù ù cạc cạc, câu được câu chăng… Chắc Hoàng hậu thấy vẻ mặt tôi ngu ngơ như kẻ đi lạc, đành buông tiếng thở dài ảo não:
- Chung quy cũng bởi con quá thơ dại, chuyện ở Đông cung, sao chẳng bao giờ thấy con bận tâm? Thôi được rồi, ta sẽ cho người chỉnh đốn chuyện trong cung, truyền Tự Nương kia tiến cung chờ sinh vậy. Còn chỗ Triệu Lương đệ, con cũng nên có lời động viên, đừng để Ngân Nhi phiền lòng.
May mà tôi hiểu mấy câu này. Hoàng hậu vẫn dùng kiểu nói câu nệ, ý tứ căn dặn Vĩnh Nương thêm mấy câu, tôi đoán người đang phê bình Vĩnh Nương chỉ bảo tôi không đến nơi đến chốn, trông Vĩnh Nương quỳ sụp một chỗ, mặt cắt không còn giọt máu, miệng không ngừng lẩm nhẩm:
- Nô tì đáng chết! Nô tì đáng chết!
Đến vấn an Hoàng hậu đã chán lắm rồi, nghe những lời răn dạy còn tẻ nhạt hơn. Tôi lén di mũi chân xuống thảm, thảm trải sàn trong cung thường là cống phẩm của Thổ Hòa Lỗ, lớp nhung dài mượt chạm vào chân êm như chạm vào tuyết. Khoanh một vòng, hoa văn trên thảm chuyển màu trắng, khoanh ngược lại, hoa văn trở lại màu sắc ban đầu… Cứ dùng mũi chân vẽ vời, hoa nở rồi lại tàn… tôi thỏa lòng nghịch ngợm, đột nhiên nghe Hoàng hậu ho khan một tiếng, ngẩng lên thấy người đang nhìn mình chằm chằm. Tôi vội chỉnh lại tư thế, khép nép rụt chân, giấu vào trong váy.
Từ Vĩnh An điện đi ra, Vĩnh Nương than với tôi:
- Thái tử phi ơi, người thương nô tì với, người cứ hấp tấp, gây chuyện như thế, nô tì chết cũng chẳng ai thương…
Tôi gắt:
- Biết rồi, biết rồi! Mấy hôm nay ta bị nhốt trong phòng chép sách, có gây chuyện gì đâu cơ chứ!
Vĩnh Nương dỗ dành, thưa:
- Đúng là mấy ngày nay Thái tử phi trầm tính đi nhiều, nhưng Hoàng hậu đã dặn Thái tử phi đi an ủi Triệu Lương đệ, Thái tử phi nhất định phải đi mới được.
Tôi chán chường vặn ngón tay, hậm hực nói:
- Lý Thừa Ngân không cho ta lân la lại gần nơi ả sống đâu, đừng đi thì hơn, kẻo Lý Thừa Ngân lại kiếm chuyện, phiền lắm.
- Lần này khác, Thái tử phi phụng ý chỉ của Hoàng hậu, có thể quang minh chính đại đến thăm Triệu Lương đệ. Hơn nữa, Thái tử phi nên tranh thủ cơ hội đứng về phía Triệu Lương đệ, Triệu Lương đệ đang phiền não về việc của Tự Nương, chỉ cần Thái tử phi hơi tỏ ý kết giao, ắt hẳn Triệu Lương đệ sẽ lấy làm cảm kích. Thái tử phi thân với Triệu Lương đệ rồi, sau này dù Tự Nương sinh được con trai thì cũng chưa chắc làm nên trò trống gì…
Tôi không hiểu nổi Vĩnh Nương đang nghĩ gì nữa, nhưng xưa kia bà ấy là cung nữ thân tín bên Thái hoàng thái hậu, trước lễ sắc phong tôi làm Thái tử phi, Vĩnh Nương được cử đến dạy tôi các lễ nghi cần thiết trong đại lễ sắc lập. Rồi sau này, chính bà ấy là người ở bên tôi trong những năm tháng vất vả nhất tại Đông cung, lúc đó Lý Thừa Ngân chẳng hỏi han, ngó ngàng gì tới tôi. Hồi chân ướt chân ráo tới Đông cung, nơi đây rặt những kẻ bợ đỡ, tôi là người Tây Lương nên động một tí lại bị người ta cười nhạo, đến kẻ hầu người hạ của nội cung cũng cả gan ức hiếp tôi. Tôi rất nhớ nhà, cả ngày chỉ biết ôm A Độ khóc, khóc miết rồi lăn đùng ra ốm. Bấy giờ, Lý Thừa Ngân vẫn quả quyết cho rằng tôi giả vờ, không cho người báo phủ Thái y lẫn trong cung. Đến lúc tôi nằm liệt giường, không ăn uống được gì, chỉ có Vĩnh Nương và A Độ chầu chực bên gối, bón từng thìa thuốc, cướp tôi từ chỗ Diêm Vương trở về.
Thế nên, mặc dù nhiều lúc cách nghĩ của bà ấy khá kỳ quái, song tôi vẫn chấp nhận. Nói cho cùng, ở Đông cung này, ngoài A Độ ra, chỉ có Vĩnh Nương là thật lòng nghĩ cho tôi.
- Thôi được rồi, ta đi thăm ả vậy!
- Thái tử phi chớ đi người không, người cũng nên ban cho Triệu Lương đệ vài món quà quý, rồi từ từ lôi kéo thị.
Quà quý? Thứ gì mới là quà quý nhỉ?
Tôi trầm tư suy nghĩ.
Sau cùng, tôi trịnh trọng chọn ra một bộ cung tên của Cao Xương tiến cống, hai hộp cờ ngọc thạch, vài đôi tay nạng cầm chơi, còn có rượu thược dược Bài Di dâng nạp. Lúc thấy những thứ đó, mặt Vĩnh Nương méo xệch.
- Chậc… Ờ thì ta cảm thấy mấy món này cũng khá quý. – Tôi liếc nhìn sắc mặt Vĩnh Nương. – Bà cảm thấy không ổn à?
Vĩnh Nương thở dài, thưa:
- Dạ bẩm, để nô tì giúp Thái tử phi chọn quà vậy.
Sau đó, tôi cũng không kiểm tra lại những đồ Vĩnh Nương đã chọn, cái gì mà xuyến ngọc Hòa Điền[6] dát vàng, trâm vàng, vàng điểm thúy[7], trâm san hô đính hồng ngọc lưỡi liềm, chuỗi ngọc cẩn ly long[8], lại còn cao yến, bột hoa nhài gì gì nữa, không vàng rực thì cũng phải thơm nồng… Nói thực, tôi chẳng hiểu những thứ ấy quý báu ở chỗ nào, vậy mà Vĩnh Nương lại khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng:
[6] Ngọc khai thác ở Hòa Điền đẹp nổi tiếng nên được gọi là “ngọc Hòa Điền”. Hòa Điền là một trong những nước văn minh cổ kính nổi tiếng khu vực miền Tây, nằm trong vùng lòng chảo lục địa Á – Âu, nơi xung yếu phía nam trên Con đường tơ lụa.
[7] Điểm thúy: dùng lông của chim phỉ thúy (chim trả) gắn lên đồ trang sức, một kiểu chế tác trang sức từ đời xưa.
[8] Ly long: tức rồng không sừng trong truyền thuyết, để được trang trí trên các công trình kiến trúc hoặc đính trên trang sức, phục sức…
|