Đông Cung (Phỉ Ngã Tư Tồn)
|
|
May là hôm nay Bùi Chiếu không phải đi tuần, vừa mời đã đến ngay.
Hôm nay Bùi Chiếu mặc võ phục thay vì giáp trụ như mọi ngày. Xưa nay tôi và gã chỉ chạm mặt nhau đôi lần, đều là lúc Bùi Chiếu đi tuần trong Đông cung với bộ giáp trụ trên người, hôm nay là lần đầu tiên tôi gặp gã ăn vận kiểu này, thành thử gã bước vào mà tôi cũng không nhận ra. Vẻ nho nhã kiểu thư sinh này khiến gã khác hẳn ngày thường.
Thấy tôi và A Độ, gã tỏ ra tỉnh bơ. Huyện lệnh huyện Vạn Niên rời ghế nghênh tiếp, mặt mày tươi rói, thưa:
- Vạn bất đắc dĩ mới nhờ đến Tướng quân, âu cũng là vạn bất đắc dĩ.
- Nghe nói người của tôi vô duyên vô cớ xô một đứa trẻ xuống sông, hiển nhiên tôi cũng phải đến xem thế nào.
- Vâng, vâng! Mời Tướng quân ngồi ghế thượng tọa!
- Nơi đây là nha môn huyện Vạn Niên, xin đại nhân cứ tiếp tục thẩm tra, bản Tướng quân ngồi bên cạnh nghe là được rồi.
- Vâng, vâng!
Huyện lệnh huyện Vạn Niên lại tái diễn màn truy hỏi bị cáo, nguyên cáo từ đầu chí cuối.
Tôi thấy thật là chán ngắt.
Nhất là đoạn lão huyện lệnh nói:
- Con người ta quen thói ích kỷ, ham sống sợ chết, ngươi và đứa trẻ vốn không quen biết, ngươi cũng không biết bơi, cớ gì lại lao xuống cứu nó, há chẳng phải chột dạ ư? Nếu bảo ngươi không làm, hà tất phải có tật giật mình? Một khi đã có tật giật mình, vậy chuyện ngươi đẩy nó xuống sông không còn nghi ngờ gì nữa!
Tôi quăng cho lão một cái lườm sắc ngọt.
Cho đến tận cùng, hai đứa trẻ kia vẫn kiên quyết cho rằng tôi đã đẩy thằng anh xuống sông, trong khi tôi một mực phủ nhận.
Lão huyện lệnh cố tình hỏi khó Bùi Chiếu:
- Bùi tướng quân, ngài xem…
Bùi Chiếu nói:
- Tôi có thể hỏi hai đứa trẻ vài lời không?
Lão huyện lệnh thưa:
- Vâng, mời Tướng quân!
Bùi Chiếu bèn nói:
- Vậy nhờ đại nhân tạm đưa bé gái này lui ra sau, lấy hoa quả, bánh trái cho cô bé ăn, đợi tôi hỏi xong anh trai của cô bé, rồi hãy gọi ra.
Đương nhiên lão huyện lệnh đồng ý ngay lập tức. Đợi đứa bé gái kia đi khuất, Bùi Chiếu mới hỏi đứa trẻ bị rơi xuống nước:
- Cháu vừa mới nói, cháu đang nghịch nước ở ven sông, chính gã này đẩy cháu?
Thằng bé gan lì đáp lại:
- Đúng ạ!
- Gã đẩy cháu từ đằng sau?
- Đúng ạ!
- Gã đẩy cháu từ đằng sau, sau lưng lại không có mắt, sao cháu biết chính hắn đẩy mà không phải là người bên cạnh?
Thằng nhóc líu lưỡi, mắt đảo một vòng:
- Thảo dân nhớ nhầm ạ, thực ra hắn đẩy thảo dân từ phía trước khiến thảo dân ngã ngửa xuống sông.
- À, ra là ngã ngửa. – Bùi Chiếu hỏi xong, đoạn quay sang bảo. – Xin phép huyện lệnh đại nhân dẫn đứa bé này đi thay quần áo, thằng bé ướt sũng, không khéo lại nhiễm lạnh.
Huyện lệnh bèn sai người dẫn thằng bé đi. Bùi Chiếu cho gọi đứa bé gái ban nãy ra công đường, chỉ vào tôi hỏi rằng:
- Cháu nhìn xem đây có phải kẻ đã đẩy ca ca cháu xuống sông không?
- Chính hắn ạ!
- Ca ca cháu đang chơi bên bờ sông, hắn đẩy ca ca cháu kiểu gì?
- Thì cứ đẩy thôi ạ, tại hắn, ca ca cháu mời ngã xuống sông.
Bùi Chiếu hỏi:
- Người ta đẩy vai hay là đẩy lưng anh trai cháu?
Con bé nghĩ một hồi rồi nói chắc nịch rằng:
- Hắn đẩy vai ạ!
- Cháu cứ nghĩ cho kĩ đi, rốt cuộc là vai hay lưng?
Nó do dự một lúc lâu rồi mới nói:
- Không phải vai mà là lưng ạ, hắn bước tới từ đằng sau, đẩy anh cháu lộn cổ xuống sông.
Bùi Chiếu chắp tay hướng lên trên:
- Thưa đại nhận, bản Tướng quân đã hỏi xong, lời khai của hai đứa trẻ này không đồng nhất, câu trước không khớp câu sau, điểm nghi vấn còn nhiều, xin đại nhân phán quyết rõ ràng.
Sắc mặt lão huyện lệnh hết tái lại đỏ bừng, lão luống cuống thưa:
- Tướng quân nói chí phải!
Rồi lão vỗ phách, sai người dẫn thằng bé ra rồi trách cứ nó cớ gì lại nói dối. Thoạt đầu thằng bé còn chối đây đẩy, sau khi huyện lệnh dọa đánh đòn, nó liền bật khóc kể bằng hết, thì ra cha mẹ nó vốn sống ở ven sông, thường xuyên tái diễn thủ đoạn này.
Nó và em gái từ nhỏ đã biết bơi song vẫn cố tình đóng giả chết đuối để lừa người đến cứu. Một khi có người vớt lên, chúng liền lăn đùng ra ăn vạ, kêu người ta đẩy nó xuống sông, cặp vợ chồng họ Giả kia thừa cơ bắt vạ đòi bồi thường. Những người nhảy xuống cứu thường ngậm đắng nuốt cay, bấm bụng trách cứ mình đen đủi rồi bỏ tiền cho qua chuyện. Không ngờ hôm nay gặp phải đứa khó chơi như tôi, đòi kéo nhau lên nha môn bằng được. Đến nha môn mà cặp vợ chồng họ Giả kia cũng không biết sợ, bởi lẽ phần đông người qua đường đều đinh ninh trẻ con biết gì mà nói dối, chứ đừng nói đến việc giở trò lừa gạt trắng trợn đến vậy.
Tôi chết lặng người khi nghe câu chuyện chúng kể, thật không ngờ trên đời lại có loại cha mẹ dã man đến thế, nhưng thủ đoạn lừa đảo mới khiến tôi bất ngờ hơn cả.
Bùi Chiếu nói:
- Bây giờ chân tướng sự việc đã rõ ràng, thuộc hạ của tôi vốn tốt bụng cứu người song lại bị vu cáo, hãm hại, quá thực oan uổng, mong đại nhân có phán quyết rõ ràng, bản Tướng quân xin được đưa người về.
Lão huyện lệnh chắp tay nói bằng vẻ sượng sùng:
- Xin tùy ý Tướng quân!
Tôi liền lên tiếng:
- Thảo dân vẫn có lời muốn thưa.
Bùi Chiếu đưa mắt nhìn tôi, tôi nhanh nhẹn tiến lên nói với lão huyện lệnh:
- Ngài vừa nói, con người ta quen thói ích kỷ, ham sống sợ chết, thảo dân và đứa trẻ vốn không quen biết, thảo dân cũng không biết bơi, cớ gì lại lao xuống cứu nó, há chẳng phải chột dạ? Xin thưa, ngài nói sai rồi! Thảo dân liều mình cứu đứa bé, bởi nó nhỏ tuổi hơn thảo dân rất nhiều. Bảo vệ trẻ nhỏ, cứu người nguy nan vốn là những đạo lý nhân nghĩa ở đời. Thảo dân cũng ham sống sợ chết như ai, nhưng không ngờ trên đời này lại có kẻ thấy người sắp chết ngay trước mắt mà lại ngoảnh mặt làm ngơ, không ra tay cứu giúp. Thoạt đầu đại nhân hồ đồ phán quyết phạt tiền thảo dân, há chẳng phải răn đe những tấm lòng hảo tâm trong thiên hạ chớ nên lo chuyện bao đồng, sau này liệu còn ai dám đứng ra hành hiệp trượng nghĩa, cứu nhân độ thế nữa? Thảo dân không dám nhận mình đã làm chuyện gì lớn lao, nhưng dám nói rằng, thảo dân không thẹn với lòng mình. Nói để ngài rõ, mặc dù lần này không may gặp phải bọn lừa đảo, nhưng nếu lần sau gặp lại chuyện này, thảo dân vẫn ưu tiên cứu người!
Nói rồi tôi liền quay phắt người bước đi, dân chúng đứng xem xử án nãy giờ vỗ tay rầm rầm, có người còn gọi với theo tôi hoan hô hỉ hả.
Mặt tôi hớn hở, dương dương tự đắc, chắp tay cảm tạ những người vỗ tay cổ vũ mình.
Bùi Chiếu ngoảnh lại nhìn, tôi bèn lè lưỡi, đoạn rảo bước đi theo gã.
Thì ra gã cưỡi ngựa đến, tôi nom con ngựa ấy thần thái sáng sủa, ưa nhìn, không cầm được xao lòng:
- Bùi Tướng quân, cho ta mượn ngựa cưỡi một lúc nhé?
Kể từ lúc ra khỏi công đường, Bùi Chiếu tỏ ra lễ độ hơn hẳn:
- Bẩm công tử, con ngựa này tính tình ương ngạnh, mạt tướng sẽ chọn con ngựa khác để người cưỡi…
Lời chưa dứt, tôi liền tung người nhảy phắt lên yên ngựa, con ngựa vểnh tai khẽ hí, rồi ngoan ngoãn để tôi cưỡi. Bùi Chiếu nói, giọng thảng thốt:
- Công tử thật bản lĩnh, tính khí con ngựa này ương bướng, khó chiều, người bình thường đành bó tay chịu thua. Ngoại trừ mạt tướng ra, nó không để ai lại gần.
- Con ngựa này do người Tây Lương chúng ta tiến cống. – Tôi vỗ vào gáy ngựa, rồi vuốt ve cái bờm dài mướt của nó, thể hiện lòng yêu thương vô hạn. – Hồi ở Tây Lương, ta cũng có một con ngựa nhỏ rất ngoan, bây giờ chắc tầm bảy tuổi.
Bùi Chiếu sai người dắt thêm hai chú ngựa nữa, một nhường cho A Độ, một để mình tự cưỡi. Thấy gã phi thân lên ngựa, tôi không khỏi thốt lên tán thưởng. Đàn ông Tây Lương chúng tôi rất coi trọng bản lĩnh khi ở trên lưng ngựa, nom dáng dấp vừa rồi của Bùi Chiếu, tôi biết gã là kẻ có tài.
Phố phường đông đúc, ngựa không phi nhanh được, tôi đành giữ cương thong dong tiến dần về phía trước. Thượng Kinh phồn hoa, náo nhiệt dưới sắc trời thu trong xanh, người qua người lại đông như mắc cửi, Bùi Chiếu định rong ngựa theo sau tôi và A Độ, nhưng con ngựa tôi đang cưỡi gần gã bấy lâu, không nỡ đi nhanh, chẳng mấy chốc chúng tôi đã đi ngang hàng. Tôi thở vắn than dài:
- Hôm nay ta mới được mở rộng tầm mắt, chẳng ngờ trên đời này lại có loại cha mẹ như vậy, còn lừa đảo trắng trợn thế nữa chứ!
Bùi Chiếu khẽ cười, nói:
- Lòng người nham hiểm khó lường, sau này công tử ắt phải đề cao cảnh giác.
- Nhưng ta không biết phải đề phòng thế nào. – Tôi nói. – Tính cách người Thượng Kinh quá phức tạp, mà con gái Tây Lương ai nấy như một, vui vẻ hay không đều hiển hiện trên mặt, bảo ta phải bắt chước người Thượng Kinh, thà giết ta đi còn hơn.
Bùi Chiếu vẫn cười nhạt nhẽo.
Thấy mình lỡ miệng, tôi liền vồn vã bổ sung:
- Nhưng Bùi Tướng quân thì khác, ngươi là người tốt, ta nhìn là biết.
- Công tử quá khen rồi!
Lúc ấy có cơn gió lùa, quần áo trên người tôi vốn ướt nhẹp, vừa nãy nhùng nhằng ở nha môn cũng khô được phần nào, nhưng áo trong vẫn ẩm. Cơn gió lạnh buốt thổi qua, tôi không kìm được cơn hắt xì.
Bùi Chiếu nói:
- Trước mặt có quán trọ, nếu công tử không chê, mạt tướng xin giúp công tử đi mua vài bộ y phục, thay bộ đồ khô ráo rồi hãy đi tiếp có được không ạ? Tiết trời này mặc đồ ẩm chỉ e sẽ ốm.
Sực nhớ A Độ cũng đang ướt sũng từ trong ra ngoài, tôi liền đồng ý.
Bùi Chiếu đưa chúng tôi đến quán trọ, thuê một gian nhà trên, bẵng đi một lúc, đích thân hắn mang hai bọc quần áo bước vào, nói:
- Mạt tướng đã cho đám người đi theo mình lánh đi chỗ khác, tránh bọn họ nhòm ngó lung tung. Xin hai vị cứ tự nhiên, mạt tướng ở ngay bên ngoài, có gì xin cứ truyền gọi.
Hắn bước ra ngoài, tiện tay khép cửa lại. A Độ cài then cẩn thận xong, chúng tôi mới mở bọc quần áo ra xem, từ áo trong đến áo ngoài, thậm chí giày, tất đều được gấp gọn gàng và mới tinh. Chúng tôi thay bộ đồ khô ráo, A Độ giúp tôi chải lại tóc. Giờ thì thoải mái rồi.
|
Tôi mở cửa, gọi:
- Bùi Tướng quân!
Bên ngoài là một dãy mái hiên, Bùi Chiếu đứng ở tận đầu hành lang. Mới một lát không gặp, gã đã thay sang một bộ thường phục, tóc vấn gọn gàng, trông càng đậm nét thư sinh. Gã quay mặt về phía cửa sổ, chắc đang lặng ngắm phố phường. Nghe tiếng tôi gọi, Bùi Chiếu liền ngoái lại, nhìn tôi và A Độ thoáng vẻ ngẩn ngơ.
Bụng bảo dạ chắc gã đang thả hồn đi đâu đó, ánh mắt trông có vẻ thất thần, nhưng chỉ một thoáng, gã nhanh chóng nhìn lảng đi nơi khác, mặt hơi cúi xuống:
- Mạt tướng hộ tống công tử trở về.
- Đợi mãi mới có cơ hội lẻn ra ngoài, bây giờ ta chưa muốn về!
Tôi nhoài mình ra cửa sổ, ngắm con phố sầm uất trải dài tăm tắp.
- Chúng ta đi uống rượu đi, ta biết một quán rượu ngon, uống đã lắm.
- Tại hạ còn có nhiệm vụ khác phải làm, mong công tử thứ lỗi, xin công tử mau mau quay về.
- Hôm nay có phải ca trực của ngươi đâu, thế nên hôm nay ngươi không phải là Kim ngô tướng quân, mà ta cũng chẳng phải Phi phi gì cả. Huống hồ, bữa nay ta đen đủ đường, suýt thì chết đuối, lại bị lão quan huyện vu oan giáng họa suýt hại chết ta nữa… Giờ phải đi làm vài chén an ủi, không thì bứt rứt, khó chịu lắm.
Bùi Chiếu thưa:
- Vì sự an toàn của công tử, xin công tử theo mạt tướng quay về.
Tôi hậm hực, rạp mình trên bệ cửa sổ, không thèm để ý hắn nữa. Bụng tự nhiên réo ùng ục, tôi sực nhớ từ sáng tới giờ chưa có gì lót dạ, bụng tôi lép kẹp tưởng như da bụng dán vào da lưng. Mặt Bùi Chiếu thoắt đỏ, chắc cũng biết cái bụng tôi sôi réo rồi đấy. Gã đứng cách tôi đến vài bước chân, nhờ ánh sáng lọt qua cửa sổ rọi lên khuôn mặt gã, tôi có thể nhìn rõ mồn một.
Từ bé tới giờ chưa gặp một nam tử đại trượng phu nào đỏ mặt, tự nhiên tôi thấy hay hay, là lạ, liền cười, bảo:
- Nào Bùi Tướng quân, bây giờ ngươi có tình nguyện đưa ta đi ăn không?
Bùi Chiếu thoáng tần ngần rồi thưa:
- Xin vâng!
Giọng điệu khách sáo, xa cách của gã khiến tôi lấy làm khó chịu. Có lẽ vì gã từng cứu tôi hai lần nên thực lòng tôi thấy cảm kích.
Tôi và A Độ dẫn Bùi Chiếu đi băng qua một con ngõ nhỏ hẹp, sau mấy khúc ngoặt mới đến được quán rượu của Mễ La.
Thấy tôi đến, Mễ La niềm nở chạy ra đón tiếp, mắt cá chân đeo chuông vàng ngân nga theo mỗi bước đi, thậm chí chạm hoa tai leng keng đệm nhạc. Mễ La ôm tôi, cười nói:
- Tỷ phần đệ hai hũ rượu ngon rồi đấy!
Mễ La liếc mắt nhìn Bùi Chiếu đứng sau A Độ, người ngoài thoạt nhìn cặp mắt xanh biếc của Mễ La luôn có cảm giác ngần ngại, sợ hãi, thế mà Bùi Chiếu vẫn bình thản như không. Sau này tôi nghĩ, nhà họ Bùi cũng là thế gia vọng tộc ở Thượng Kinh, ắt gặp nhiều biết nhiều. Thượng Kinh vốn sầm uất, trên phố thiếu gì con gái người Hồ[7] bán rượu, Bùi Chiếu hẳn có thấy cũng không lấy làm lạ.
[7] Người Hồ theo nghĩa hẹp dùng để chỉ các sắc dân ngoại lai tại Trung Á và Tây Á.
Quán rượu này không chỉ có rượu ngon mà món thịt bò cũng đậm đà, vừa miệng. Mễ La sai người thái một cân thịt bò cho chúng tôi nhắm rượu. Chúng tôi vừa vào, ngồi chưa ấm chỗ thì trời bất chợt đổ mưa.
Trời thu trút nước, dai dẳng, đập lên ngói trúc trên mái nhà. Bàn kế bên có vài vị khách là thương nhân Ba Tư, lúc bấy giờ lấy ra một ống sáo bằng sắt, tiếng sáo dìu dặt cất lên, bắt đầu một giai điệu kỳ lạ, hòa cùng tiếng nước vỡ òa trên mái hiên, tạo thành nhịp điệu da diết khó nói thành lời.
Mễ La nghe thấy tiếng sáo liền đặt phịch hũ rượu xuống, nhảy vọt lên bàn, nhón chân trần nhảy múa. Dáng tỷ mềm mại, khêu gợi, buông lơi như cơ thể không xương trong khúc nhạc, yêu kiều không sao tả xiết. Tiếng chuông vàng dưới mắt cá chân, trên cườm tay tựa cơn mưa rào, đắm chìm trong âm điệu của sáo, lại gợi hình ảnh về một con rắn vàng mải mê uốn lượn. Đám thương nhân Ba Tư vỗ tay tán thưởng, Mễ La sẽ sàng trườn xuống bên bàn, bắt đầu những điệu quay tròn đu đưa, vây lấy ba người chúng tôi.
Xa Tây Lương bấy lâu, lúc này tôi mới được cười thoải mái. Động tác của Mễ La uyển chuyển, nhịp nhàng tựa dải lụa đang quấn quýt lấy thân tôi, rồi lại tung tăng, dập dờn vờn quanh như cánh bướm. Tôi bắt chước tỷ ấy, tay cũng hòa với nhạc đệm múa máy kiểu này kiểu nọ, ngặt nỗi cơ thể không dẻo dai bằng tỷ ấy. Mễ La xoay vài vòng, A Độ lấy trong áo ra một cây kèn tất lật[8] đưa cho tôi, tôi mừng quýnh, cũng làm vài điệu góp vui.
[8] Tất lật: loại kèn đằm có ba lỗ, miệng kèn mạ vàng, hay còn gọi là kèn pili.
Lái buôn người Ba Tư thấy tôi thổi kèn liền vỗ tay bắt nhịp. Thổi được một bài, thịt bò trên đĩa dậy mùi thơm phức, tôi liền dúi chiếc kèn vào tay Bùi Chiếu:
- Ngươi thổi đi! Thổi đi!
Thế rồi tôi cầm đũa, mau chóng ngốn đồ ăn.
Chẳng ngờ Bùi Chiếu không những biết thổi kèn mà còn thổi rất hay. Tiếng kèn vốn dìu dặt mà có vẻ đau thương, tiếng sáo kia lại lanh lảnh, mãnh liệt, hai loại nhạc khí hòa quyện rất nhịp nhàng. Mở đầu, tiếng kèn của Bùi Chiếu họa theo tiếng sáo, về sau, tiếng sáo của thương nhân người Ba Tư dần hòa quyện với tiếng kèn. Giai điệu du dương chuyển sang sục sôi, hùng dũng, như thể mây mù đặc quánh trên đại mạc bao la của Ngọc Môn Quan[9], xa xăm có tiếng lục lạc, một đoàn lạc đà xuất hiện trên cồn cát. Tiếng lục lạc đong đưa càng lúc càng gần, gần kề đến mãnh liệt, thế rồi cửa ải hiểm yếu đột nhiên rộng mở, thiên binh vạn mã phất cờ dàn trận, tiếng gào thét, tiếng vó ngựa, khiên giáp va chạm bật thành tiếng, tiếng gió, tiếng thở ra, hít vào… Vô số âm thanh hòa thành chương nhạc ngùn ngụt đất trời, cuồn cuộn kéo đến. Mễ La múa mỗi lúc một nhanh, rong đuổi theo nhịp điệu mỗi lúc một tăng, lượn vòng tựa một cánh thiêu thân lấp lánh ánh vàng, điệu múa xoay tròn của tỷ ấy khiến tôi xây xẩm.
[9] Ngọc Môn Quan thuộc tỉnh Cam Túc ngày nay, là trạm biên giới xa nhất về phía tây của Trung Hoa lúc đó. Tên Ngọc Môn Quan là do tất cả đá ngọc sản xuất ở Hòa Diên, Tân Cương thời xưa đều phải đi qua cửa ải này.
Âm điệu mỗi lúc một thê lương, gợi nhớ cánh diều hâu chao lượn trên tầng không trông xuống thiên binh vạn mã dưới sa mạc, nó càng bay càng cao, bay cao mãi, gió rít gào thốc dậy bụi mù… Bao giờ tôi kễnh bụng vì no, chắc con diều hâu ấy đã bay vút lên đỉnh núi tuyết cao tít rồi cũng nên, tuyết liên[10] trên đỉnh núi bung nở, diều hâu sải cánh vút qua. Có chiếc lông vũ bứt khỏi thân chim, phiêu bồng theo gió, gió đặt chiếc lông chim nằm kề bên bông tuyết liên. Nhánh lông vũ đáp xuống tuyết, bị gió vùi trong tuyết. Cánh tuyết liên mơn mởn khẽ rung rinh. Gió bụi vạn dặm như lắng mình tĩnh lặng nơi đỉnh núi…
[10] Tuyết liên, hay còn gọi là hoa sen tuyết, một loại sen quý hiếm trong tự nhiên, chỉ mọc trên các vách núi đá phủ đầy tuyết.
Tiếng sáo, tiếng kèn bỗng im bặt, trong quán trầm lặng đến nỗi tiếng giọt ranh ngoài hiên vọng vào nghe rõ mồn một. Mễ La nằm mọp trên bàn thở dốc, đôi mắt xanh biếc như chực tuôn trào dòng nước, tỷ ấy bảo:
- Ta không thể tiếp tục được nữa!
Đám thương nhân Ba Tư cười ồ, có người rót chén rượu, đưa cho Mễ La. Lồng ngực vẫn phập phồng, Mễ La uống một hơi cạn chén rượu, đoạn quay sang, cười tươi với Bùi Chiếu:
- Huynh thổi kèn rất hay!
Bùi Chiếu không đáp lời, chậm rãi lau sạch cây kèn bằng rượu, sau đó giao lại cho tôi.
Tôi nói:
- Thật khó tin, hóa ra ngươi cũng biết thổi kèn, chẳng mấy người Thượng Kinh biết trò này đâu.
Bùi Chiếu đáp:
- Cha mạt tướng từng đi sứ đến Tây Vực, trong số nhạc khí đem về có kèn tất lật, hồi nhỏ, mỗi lần rỗi rãi, mạt tướng thường tự học thổi kèn.
Tôi vỗ tay rồi cười, nói:
- À, ta biết, cha ngươi là Đại tướng quân Bùi Huống dũng mãnh. Cha ta và Bùi lão Tướng quân từng giao đấu một phen, cha ta cũng khen tài dụng binh của Bùi lão Tướng quân.
Bùi Chiếu nói:
- Khả hãn quá khen rồi!
Tôi bảo:
- Cha ta không tùy tiện khen người khác bao giờ đâu, cha ta khen cha ngươi là bởi ông ấy biết đánh trận thực sự.
Bùi Chiếu nói:
- Vâng!
Một câu “vâng” của hắn làm tôi tụt hứng ngay tức thì. May mà nhóm người Ba Tư lại bắt đầu ca hát, giai điệu du dương, thăm thẳm như chạm vào nỗi lòng người nghe. Mễ La uống thêm một chén rượu, biết chúng tôi không hiểu ý nghĩa của ca từ, tỷ ấy khẽ hát lại bằng giọng phổ thông ngọng líu ngọng lô. Thì ra, đám thương nhân ấy đang hát rằng:
“Trăng kia vằng vặc
Rọi khắp quê ta
Trăng tròn rồi khuyết
Chưa thấy quê nhà.
Sao kia lấp lánh
Chiếu khắp cố hương
Sông Ngân rực rỡ
Khó về quê hương.
Gió kia dìu dịu
Thổi khắp quê ta
Vầng dương lộng lẫy
Tỏa khắp quê nhà.
Nào đâu ai biết
Chôn mình núi cao
Nào đâu ai biết
Chôn ta sông nào.”
|
Tôi cất lời, hát theo Mễ La, lòng không khỏi bùi ngùi, nghe những người Ba Tư ấy hát mới buồn làm sao, bất giác tôi đưa tay cầm chén rượu uống cạn. Bùi Chiếu gật gù nói:
- Nỗi niềm nhớ quê hương ai mà chẳng có. Những thương nhân người Hồ này đã nhớ nhà đến vậy, cớ sao không quay về?
Tôi thở dài:
- Trên đời này đâu phải ai cũng giống ngươi, từ bé tới lớn không phải xa xứ, bọn họ tha phương cầu thực, âu cũng là bất đắc dĩ thôi.
Bùi Chiếu thoáng đăm chiêu, thấy tôi rót đầy chén rượu, hắn buột miệng bảo:
- Công tử uống nhiều rồi.
Tôi dõng dạc nói:
- Để giải ưu sầu chỉ có Đỗ Khang.[11]
[11] Dịch nghĩa: “Lấy gì giải sầu, chỉ có rượu mà thôi.” Câu thơ trích trong Đoản ca hành, thuộc Tương họa ca, Tào Tháo sáng tác bài thơ này trước khi lâm trận Xích Bích. Trong câu thơ, Tào Tháo ám chỉ rượu là Đỗ Khang. Đỗ Khang thường được xem là ông tổ nghề rượu.
Thấy Bùi Chiếu nhìn mình có vẻ kinh ngạc, tôi chìa ba ngón tay, nói:
- Đừng tưởng ta tài giỏi gì, thực ra ta thuộc tổng cộng có ba câu thơ, câu vừa nãy là một trong ba câu đấy.
Nghe xong, hắn bật cười.
Rượu Mễ La bán quả nhiên lợi hại. Hôm nay tôi uống hơi nhiều, lúc rời quán, mặt đất dưới chân mềm nhũn, cứ như vừa giẫm lên một đụn cát trên sa mac. Ngoài trời gió mưa tầm tã, bóng chiều dần buông, mưa về giăng bụi, dềnh lên quầng trắng mịt mùng phương xa, mưa bụi giăng mờ thủy các[12], cầu hoa đôi bờ sông đào, nhấn chìm mười vạn hộ dân trong tòa thành tĩnh mịch phủ làn hơi mưa. Gió rắc hạt mưa đậu lên gò má nóng ran, cảm giác mát lạnh, khoan khoái chợt ùa về, tôi chìa tay đón hạt mưa phùn li ti như bụi lưu ly sà xuống lòng bàn tay, mưa khẽ khàng chạm vào da thịt dậy cơn ngứa ngáy. Đốm lửa thấp thoáng, dập dờn từ nhà dân ở phía xa, tửu lâu, quán trà nơi lề đường phố thị chong đèn sáng trưng. Thân đò trên sông đã kịp khoác lên mình chuỗi chuỗi những đèn lồng đỏ, ánh lửa soi tỏ sợi khói tỏa lên từ bếp nhà, bảng lảng trong làn mưa rả rích.
[12] Thủy các: gác lầu làm trên mặt nước sông, hồ để ngồi thưởng ngoạn.
Thượng Kinh lất phất mưa bay đẹp tựa như tranh, dù họa sư[13] ở Tây Lương có tài năng đến mấy cũng không thể mường tượng ra được cảnh sắc phồn hoa nơi này. Nơi đây giống như kinh đô của thiên hạ, thành trì tiên cảnh mà thần tiên ưu ái ban cho. Nơi đây là Thượng Kinh của thiên triều, là đô thị sầm uất, phồn thịnh, khắp thiên hạ không đâu sánh bằng, Thượng Kinh khiến vạn nước thuần phục, vạn dân cảm mến, song tôi biết mình không quên được Tây Lương. Thượng Kinh có đẹp đến mấy thì cũng không phải là Tây Lương của tôi.
[13] Họa sư: một tên gọi khác của từ “họa sĩ”, thường được gọi ở thời phong kiến, thường vẽ tranh trong cung đình.
Bùi Chiếu tiễn tôi đến cửa hông của Đông cung. Thấy chúng tôi lẩn được vào hắn mới quay gót rời đi. Tôi ngà ngà say, chếnh choáng chỉ muốn nôn. A Độ vỗ nhẹ vào lưng tôi, chúng tôi ngồi xổm trong hoa viên một lúc lâu, hứng gió cho tỉnh táo phần nào rồi mới rón rén về cung.
Vừa đặt chân qua cửa, tôi sững người nhìn Vĩnh Nương đang đợi mình trong điện. Bà ấy nhìn tôi, tuyệt nhiên không mắng tôi lại lẻn ra ngoài chơi lấy nửa câu, cũng không trách móc mùi rượu trên người tôi nồng nặc, càng không có ý kiến gì về bộ đồ nam tôi mặc, thay vào đó, bà ấy sầm nét mặt, hỏi:
- Thái tử phi có biết trong cung xảy ra chuyện rồi không?
Tôi tò mò hỏi:
- Xảy ra chuyện gì thế?
- Đứa con của Tự Nương… không còn nữa rồi.
Tôi giật mình trong khi mặt mày Vĩnh Nương vẫn đanh lạnh, bà ấy chỉ nói:
- Nô tì vừa tự ý sai người tiến cung thăm hỏi Tự Nương rồi. Chỉ e chốc nữa Hoàng hậu sẽ vời Thái tử phi vào cung hỏi chuyện.
Tôi lấy làm lạ, bèn hỏi:
- Hoàng hậu muốn hỏi gì à?
- Hoàng hậu là người đứng đầu hậu cung, phàm khi hậu cung có chuyện, đương nhiên sẽ do Hoàng hậu phán xử. Đứng đầu Đông cung là Thái tử phi, bây giờ Đông cung xảy ra chuyện lớn, đương nhiên Hoàng hậu sẽ hỏi tới Thái tử phi.
Nhưng tôi đã gặp cô Tự Nương kia bao giờ đâu, hỏi tôi cái gì chứ?
Ngặt nỗi từ xưa đến nay Vĩnh Nương phán đâu trúng đó, bà ấy bảo Hoàng hậu sẽ vời tôi thì chắc chắn người của Hoàng hậu sắp đến rồi. Bây giờ người ngợm tôi thành ra nông nỗi này, sao dám đi gặp Hoàng hậu đây? Tôi lo đến cuống cuồng, nhảy cả lên:
- Mau! Mau lên! Ta phải tắm rửa! Mau đi sắc cho ta một bát canh giải rượu thật đặc!
Cung nữ tất tả giúp tôi chuẩn bị, chưa bao giờ tôi lại nôn nóng muốn lao ngay vào nhà tắm như hôm nay. Nước nóng đã sẵn sàng, tôi liền nhảy bổ vào thùng, trầm mình trong làn nước. Thấy tôi cuống cuồng, Vĩnh Nương bảo:
- Giá mà hằng ngày Thái tử phi chịu tuân thủ nội quy trong cung thì bây giờ đâu đến nỗi “gặp nạn mới ôm chân Phật”?
Trước kia, tôi chẳng bao giờ để lọt tai những lời Vĩnh Nương nói, bây giờ phải công nhận câu “gặp nạn mới ôm chân Phật” quả nhiên đúng. Tôi nói:
- Ngày nào cũng phải tuân theo mấy nội quy ấy, khéo ta chết vì chán mất thôi. Thì có gặp nạn mới nhớ tới Phật Tổ chứ! Phật Tổ ơi, xin ngày hãy phù hộ độ trì cho con!
Tuy Vĩnh Nương vẫn đanh nét mặt nhưng tôi biết bà ấy đang cố nhịn cười. Tôi giơ cánh tay ướt sũng khỏi thùng nước, kéo góc áo Vĩnh Nương, nói;
- Vĩnh Nương à, ta biết bà là người tốt, hằng ngày bà vái Phật Tổ nhớ khấn hộ ta mấy câu nhé, đa tạ!
- A di đà phật! Há lại lấy Phật Tổ ra làm trò đùa! – Vĩnh Nương chắp tay trước ngực. – Thật tội lỗi, tội lỗi!
Tuy ngoài miệng nói thế nhưng Vĩnh Nương vẫn không nén được cười, đón bát canh giải rượu từ tay cung nữ, nói với tôi:
- Xin Thái tử phi mau uống, để nguội sẽ chua lắm đấy!
Canh giải rượu chua ngoét, tôi bịt mũi uống một hơi hết sạch. Vĩnh Nương cắt đặt người xông hương y phục, tôi tắm rửa sạch sẽ, thay bộ quần áo mới. Vừa vấn xong mái tóc, chưa kịp cài trâm, khoác áo, cung nữ do Hoàng hậu phái đến đã chạm cổng Đông cung.
Tôi bảo Vĩnh Nương ngửi thử xem trên người tôi còn mùi rượu không. Vĩnh Nương hít hà cẩn thận một hồi, xịt thêm cả lọ dầu thơm lên người tôi xong, lại bảo tôi ngậm một viên hương hoàn trắng như tuyết. Bỏ viên thuốc đắng ngắt vào miệng, quả nhiên hơi thở thơm mát hơn nhiều, hiệu nghiệm thật.
Bữa nay Hoàng hâu tuyên triệu cả tôi và Lý Thừa Ngân.
Mấy ngày không gặp Lý Thừa Ngân, hôm nay gặp, thấy hắn dường như lại cao thêm một chút, chắc bởi hôm nay nhập cung nên hắn đội thêm chiếc mũ tiến đức[14], mặc lễ phục, mang cứu ngọc, thêm trang sức bằng vàng. Hắn bước thẳng lên xe, chẳng buồn liếc nhìn tôi lấy một cái.
[14] Mũ mão ban cho cận thần ở thời nhà đời Đường.
Lúc triệu kiến Hoàng hậu, tôi mới hay thì ra Tự Nương bất ngờ đau bụng, ngự y chẩn đoán nguyên nhân là do uống nhầm thuốc trợ sản. Hoàng hậu bèn tống giam cả đám cung nữ hầu hạ Tự Nương, kế đó niêm phong toàn bộ thực phẩm, nước uống để Dịch đình lệnh[15] tiến hành kiểm tra. Cuối cùng điều tra ra cơm kê bị bỏ độc khiến Tự Nương sảy thai. Hiển nhiên Hoàng hậu nổi cơn lôi đình, hạ lệnh phải tìm cho ra nhẽ, về sau, có cung nữ không chịu được hình phạt của Dịch đình lệnh nên đã thú nhận có kẻ xúi bẩy ả.
[15] Dịch đình lệnh là chức danh dành cho hoạn quan.
Vẫn lời lẽ mềm mỏng, Hoàng hậu từ tốn nói:
- Nói gì thì nói, dẫu sao đứa con trong bụng Tự Nương cũng là cốt nhục đầu tiên của Thái tử, ta chỉ sợ mẹ con Tự Nương có bề nào nên mới đưa vào cung. Chẳng ngờ ngay trong cung, có ta ngồi đây mà kẻ khác vẫn ngang nhiên hãm hại mẹ con Tự Nương. Thiên triều ta hơn trăm năm nay, chưa từng để xảy ra chuyện hoang đường này!
Tuy Hoàng hậu nói với ngữ khí ôn hòa, nhẹ nhàng nhưng ngôn từ lại nghiêm khắc, nặng nề. Chưa bao giờ tôi nghe Hoàng hậu nói như thế, bảo sao tôi không dám thở mạnh. Mà không chỉ tôi, tất cả những ai có mặt trong điện đều khúm núm, bọn họ nín thở nghe Hoàng hậu nói:
- Hai con có biết, cung nữ kia đã khai nhận kẻ nào sai khiến ả không?
Tôi đánh mắt liếc nhìn Lý Thừa Ngân, hắn không buồn nhìn tôi lấy một cái, lãnh đạm trả lời:
- Nhi thần không rõ.
Hoàng hậu sai cung nữ:
- Đọc khẩu cung cho Thái tử và Thái tử phi cùng nghe.
Cung nữ dõng dạc đọc khẩu cung của cung nữ nọ, thoạt đầu tôi nghe bập bõm, cố nghe thêm vài câu nữa liền luýnh quýnh phân trần:
- Bẩm Hoàng hậu, việc này không phải do con làm! Con không hề sai người mua chuộc ả hạ độc Tự Nương.
Hoàng hậu lạnh lùng phán rằng:
- Hiện tại nhân chứng, vật chứng đều đủ, con nói không phải mình làm, vậy có chứng cớ gì không?
Rõ ràng tôi bị người ta vu oan, tôi nói:
- Cớ gì con phải hạ độc mẹ con Tự Nương? Con và Tự Nương không hề quen biết, cũng chưa từng gặp gỡ, vả lại, từ lúc Tự Nương nhập cung, thị ở đâu, con cũng không biết…
Thực sự tôi bị oan! Chẳng hiểu tai bay vạ gió ở đâu lại bị kẻ khác vu oan giáng họa thế này.
Hoàng hậu hỏi Lý Thừa Ngân:
- Ngân Nhi, con thấy thế nào?
Lý Thừa Ngân liếc tôi một cái rồi quỳ xuống, thưa:
- Xin tùy mẫu hậu định đoạt.
Hoàng hậu nói:
- Tuy Thái tử phi có thân phận đặc biệt, lại là công chùa của Tây Lương, nhưng vì nhất thời hồ đồ mà gây ra chuyện lớn này, xem ra không thích hợp làm chủ Đông cung nữa.
Lý Thừa Ngân lẳng lặng làm thinh.
Tôi ức quá, toàn thân run rẩy:
- Chuyện này không phải con làm, con thà chết chứ không nhận, kể cả mấy người giết con cũng vậy thôi! Đông cung với Tây cung gì chứ, con chẳng thiết, nhưng con quyết không để kẻ khác vu oan giáng họa cho mình!
Hoàng hậu nói:
- Khẩu cung ở ngay đây. Ngân Nhi, con nói xem?
Lý Thừa Ngân thưa:
- Xin tùy mẫu hậu định đoạt.
Hoàng hậu khẽ cười, bảo:
- Một ngày phu thê, trăm năm ân nghĩa, con không nể tình vợ chồng bấy lâu nay sao?
Lý Thừa Ngân chùng giọng, nói:
- Nhi thần không đành, nhưng quốc có quốc pháp, gia có gia quy, nhi thần không dám vì tình riêng mà bất chấp.
Hoàng hậu gật gù nói:
- Được, được lắm! Quốc có quốc pháp, gia cho gia quy. Nói hay lắm!
Vẻ tươi cười trên gương mặt Hoàng hậu chợt vụt tắt.
- Phế Triệu Lương đệ xuống làm thường dân, lập tức trục xuất khỏi Đông cung!
Tôi giật mình sửng sốt, Lý Thừa Ngân mặt mày tái mét như thể bị sét đánh:
- Mẫu hậu!
- Khẩu cung vừa rồi quả thực không sai dù chỉ một chữ, hiềm nỗi sau khi khai xong, cung nữ kia đã cắn lưỡi tự vẫn. Đừng tưởng chết là hết nhân chứng. Dịch đình lệnh đã mất rất nhiều công sức để điều tra, hóa ra trước kia, cung nữ này từng chịu ơn nhà họ Triệu. Tội ả đáng phải tru di cửu tộc, nhưng truy ra mới biết, ả không có họ hàng thân thích, trừ một người mẹ nuôi, Dịch đình lệnh vừa tìm được một trăm đĩnh bạc trong hầm đất nhà ả, một trăm đĩnh bạc này đều là tiền của công, mở sổ khắc tra được ngay… Sau khi bắt giam và dùng hình đối với bà mẹ nuôi kia, bà ta đã khai rằng Triệu Lương đệ từng sai người đến nhà mình. Chiêu này của Triệu Lương đệ một mũi tên trúng hai đích, lại gắp lửa bỏ tay người. Kẻ lòng lang dạ sói như thế thật đáng hận. Cứ tiếp tục dung túng ả, chẳng phải sẽ đẩy hoàng tộc ta đến bờ tuyệt tự hay sao?
Tôi chưa kịp hiểu rốt cuộc Hoàng hậu nói thế nghĩa là gì thì Lý Thừa Ngân đã cướp lời:
- Xin mẫu hậu nguôi giận, nhi thần nghĩ, chuyện này ắt hẳn có kẻ gài nẫy hãm hại Triệu Lương đệ, cần phải cho người từ từ truy cứu. Xin mẫu hậu bớt nóng giận, kẻo ảnh hưởng đến ngọc thể.
Hắn không nói thì còn đỡ, mở miệng nói là đổ thêm dầu vào lửa.
- Quả nhiên ả hồ ly tinh ấy làm con mụ mị đầu óc mất rồi! Trước kia vì chuyện Tự Nương mang thai mà ả Triệu Lương đệ này đã làm ầm ĩ một trận, bây giờ lại mua chuộc người hãm hại Tự Nương! Chưa kể ả còn vu oan giáng họa cho Thái tử phi, có tội khắc phải nghiêm trị!
Lý Thừa Ngân luýnh quýnh nói:
- Xin mẫu hậu nguôi giận, nhi thần biết Triệu Lương đệ tuyệt đối không phải loại người đó, mong mẫu hậu minh xét.
- Minh xét cái gì? Đứa con trong bụng Tự Nương nào có gây tổn hại đến ai? Vậy mà ả lại xem như cái gai trong mắt! Loại người như ả sống trong Đông cung chính là mầm mống đại họa của quốc gia! – Hoàng hậu càng nói càng gay gắt. – Vừa rồi, ta đưa khẩu cung của cung nữ kia ra, con không biện bạch hộ Thái tử phi lấy nửa lời, giờ ta nói với con chân tướng sự việc, con lại liếng thoắng nói ả hồ ly kia bị oan. Bây giờ con là Thái tử, sau này sẽ làm vua, sao lại thiên vị tình riêng đến vậy? Con cứ như thế, làm sao có thể trị vì đất nước! Loại mầm mống này tất phải diệt trừ. Không giết ả, chỉ e sau này con sẽ bị mê hoặc đến độ bỏ bê thiên hạ!
Lý Thừa Ngân sợ xanh mặt, tôi đành quỳ xuống, thưa:
- Xin mẫu hậu bớt giận, Triệu Lương đệ nhất thời hồ đồ, nếu xử Triệu Lương đệ tội chết, chỉ e… e là…
Vế sau tôi không biết phải nói thế nào, Lý Thừa Ngân liền tiếp lời:
- Xin mẫu hậu cân nhắc, cha và đại huynh của Triệu Lương đệ đều là cận thần trong triều, được phụ hoàng trọng dụng, xin mẫu hậu cân nhắc.
Hoàng hậu cười gằn:
- Chính con vừa nói, quốc có quốc pháp, gia có gia quy, con không dám vì tình riêng mà bất chấp!
Mặt mày Lý Thừa Ngân tái xám, hắn chết trân, miệng chỉ thốt được một câu:
- Mẫu hậu!
Hoàng hậu nói:
- Chuyện Đông cung đáng lý phải do Thái tử phi xử lý. Ta bao biện làm thay, âu cũng là bất đắc dĩ, song loại người lòng dạ độc ác này, ta đành phải giải quyết vậy.
Nói đoạn, Hoàng hậu liền sai cung nữ đi truyền lệnh. Tôi thấy sự tình căng thẳng, bèn ôm gối Hoàng hậu, thưa:
- Mẫu hậu cho phép con nói vài lời được không ạ? Mẫu hậu đã nói, chuyện Đông cung do con toàn quyền quyết định, con biết xưa nay mình chểnh mảnh nhưng hôm nay xin mẫu hậu cho con được thưa vài lời.
|
Dường như Hoàng hậu đã nguôi ngoai phần nào:
- Con nói đi!
- Điện hạ thật lòng yêu mến Triệu Lương đệ, nếu mẫu hậu xử Triệu Lương đệ tội chết, chỉ e cả đời này Điện hạ sẽ buồn bã không thôi. – Tôi rối ruột quá nên câu cú lộn xộn. – Nhi thần và Điện hạ kết nghĩa phu thê đã ba năm, dẫu không được Điện hạ yêu quý nhưng con vẫn biết, Điện hạ không thể sống thiếu Triệu Lương đệ. Bây giờ Triệu Lương đệ phải chết, Điện hạ sẽ càng căm ghét con. Hơn nữa, có rất nhiều việc con không cáng đáng được, đều do một tay Triệu Lương đệ vun vén, như sổ sách của Đông cung, con không hiểu đành giao cả cho Triệu Lương đệ. Nếu không có Triệu Lương đệ, Đông cung không thể yên ổn như ngày hôm nay…
Tôi luống cuống không biết phải nói tiếp thế nào, bèn quay ra gọi Vĩnh Nương:
- Vĩnh Nương, bà giải thích với Hoàng hậu giúp ta!
Vĩnh Nương kính cẩn thưa “vâng” rồi dập đầu, nói:
- Bẩm nương nương, ý Thái tử phi muốn nói, Triệu Lương đệ hầu hạ Thái tử bao năm, dẫu không bỏ công thì cũng bỏ sức. Vả chăng hằng ngày Triệu Lương đệ đối nhân xử thế ôn hòa, đối với Thái tử phi một mực tôn kính, lại dốc sức trợ giúp Thái tử phi quản lý Đông cung, xin nương nương niệm tình Triệu Lương đệ nhất thời lầm lỡ mà mở lòng khoan dung.
Hoàng hậu từ tốn nói:
- Nói gì thì nói, cũng khó giữ Triệu Lương đệ lại được, giữ ả lại chính là mầm họa của Đông cung. Xưa kia, tại đại lễ sắc phong Thái tử phi, Hoàng thượng từng nói, dâu hiền con thảo quả thực là phúc của hoàng tộc ta. Các con thành hôn đã ba năm, chỉ hiềm đến nay vẫn chưa có một mụn con nỗi dõi, bây giờ lại xảy ra chuyện của Tự Nương, thật khiến ta phiền não.
Lý Thừa Ngân dán mắt nhìn xuống sàn nhà, lí nhí nói:
- Nhi thần bất hiếu!
Hoàng hậu nói:
- Nếu con thực lòng muốn báo hiếu, vậy tranh thủ dành thời gian gần gũi Thái tử phi, tránh xa ả tiện nhân kia ra.
Lý Thừa Ngân khẽ dạ:
- Vâng ạ!
Mình nên nói gì nữa nhỉ? Vĩnh Nương quỳ phía sau cứ kéo váy tôi mãi, ý dặn tôi chớ nên nhiều lời. Khóe môi Lý Thừa Ngân hơi giật giật, song vẫn không thốt ra lời nào.
Hoàng hậu nói:
- Đứng dậy cả đi!
Nhưng Lý Thừa Ngân cứ chết trân ở đó, tôi cũng không đành đứng dậy.
Hoàng hậu không buồn nhìn hắn lấy một cái, song vẫn bảo:
- Chuyện Tự Nương, con đừng quá đau buồn, dẫu sao các con vẫn còn trẻ.
Lý Thừa Ngân lặng thinh, tôi nghĩ bụng, hắn thì đau buồn cái nỗi gì, nếu có đau buồn, âu cũng là vì Triệu Lương đệ.
Hoàng hậu lại nói:
- Tự Nương đúng là đáng thương, sau này phong nàng ta làm bảo lâm[16] vậy.
[16] Bảo lâm là danh hiệu dành cho thiếp của thái tử, địa vị đứng sau Thái tử phi và lương đệ.
Lý Thừa Ngân có vẻ ngán ngẩm trong lòng:
- Nhi thần không đồng tình… Nhi thần còn trẻ, ngự thể[17] tại Đông cung còn nhiều, nhi thần cảm thấy không tương xứng.
[17] Ngự thể là tên gọi chung của các thị thiếp của nhà vua.
Tôi biết hắn từng hứa với Triệu Lương đệ sẽ không nạp thêm bất kỳ thê thiếp nào nữa, hèn gì hắn quả quyết thế. Hoàng hậu lại nổi giận đùng đùng, nói:
- Tương lai con sẽ làm hoàng đế, cớ gì mà lại nông cạn, hời hợt thế?
Hoàng hậu chuyển sang tôi, nói:
- Thái tử phi đứng dậy đi, con giúp ta đi thăm nom, an ủi Tự Nương mấy câu.
Tôi có phải kẻ ngố đâu, cũng rõ ý người muốn xua tôi đi để giáo huấn Lý Thừa Ngân. Tôi bèn đứng dậy, hành lễ rồi cáo lui.
Tiểu Hoàng môn[18] dẫn tôi đến một ngự hoa viên vắng lặng, nơi Tự Nương ở, lúc này tôi mới được gặp người con gái tên Tự Nương ấy. Cô ấy nằm trên giường, thần sắc võ vàng, song không che giấu được nét mỹ miều vốn có. Nghe cung nữ hầu hạ bẩm báo: “Thái tử phi tới!”, cô ấy liền lóp ngóp bò dậy. Vĩnh Nương theo sau tôi vội vàng tiến lên, ấn Tự Nương nằm xuống.
[18] Tiểu hoàng môn là chức quan trong cung, thường là hoạn quan.
Tôi cũng chẳng biết phải an ủi ra sao, đành bắt chước Hoàng hậu, nói:
- Muội đừng quá đau buồn, dẫu sao muội vẫn còn trẻ…
Mắt Tự Nương ngấn lệ, nói:
- Đội ơn Thái tử phi, nô tì phúc phận bạc bẽo, giờ chỉ mong được chết.
Tôi ngượng ngập nói:
- Thực ra… có gì đâu mà cứ đòi chết thế! Muội xem, không phải ta vẫn sống vui vẻ…
Tôi nghe Vĩnh Nương đằng hắng một tiếng, biết ngay mình lại nói sai mất rồi. Tôi hỏi để lấp liếm:
- Muội muốn ăn gì không? Ta sẽ bảo người làm rồi đem đến.
Đợt trước tôi ốm liệt giường, Hoàng hậu cũng phái người đến thăm và thường xuyên hỏi tôi thèm ăn món gì, có thiếu thốn gì không. Thực ra Đông cung thì thiếu gì chứ! Chắc người ta thường dùng những câu như vậy để tỏ ý quan tâm. Tôi không biết nên thăm hỏi người ốm thế nào, đành bắt chước theo khuôn sáo ấy.
Tự Nương thưa:
- Đội ơn Thái tử phi!
Tôi trông dáng vẻ tê tái của Tự Nương, dường như có phần âu sầu, ngán ngẩm. Sau vẫn để Vĩnh Nương tiếp lời, tuôn một tràng những câu an ủi. Tự Nương liên tục đưa tay gạt nước mắt, lúc chúng tôi ra về, cô ấy vẫn còn thút thít.
Tôi và Vĩnh Nương quay về cung, bấy giờ Hoàng hậu đã sai người soạn chiếu sắc phong bảo lâm. Mặt mũi Lý Thừa Ngân xầm xì như đeo đá, Hoàng hậu nói tới đoạn:
- Đông cung trước nhất phải hòa thuận, ấm êm. Tính tình Thái tử phi còn nông nổi, bồng bột, nhiều khi thiếu chu toàn, có thêm người trợ giúp âu cũng là ý hay.
Người ngước lên, thấy tôi bước vào, liền vẫy tay ra hiệu. Tôi bước lại gần, hành lễ với người, người không để cung nữ hầu cận dìu tôi dậy, mà đích thân vươn tay đỡ tôi đứng lên. Khi ấy tôi quả thật vừa mừng vừa lo. Thường ngày, Hoàng hậu vốn đoan trang, quý phái, chẳng mấy khi thân mật thế này.
- Còn Triệu Lương đệ, tội chết có thể miễn nhưng tội sống khó tha. – Hoàng hậu lạnh nhạt nói. – Phế thành thường dân, giam lỏng ba tháng, Thái tử không được phép thăm nom, bằng không ta sẽ hạ chỉ trục xuất ả khỏi Đông cung.
Tôi để ý thấy khóe mắt Lý Thừa Ngân giật liên hồi, song hắn vẫn cúi gằm mặt, ủ rũ lên tiếng:
- Vâng ạ!
Vừa rời cung, Lý Thừa Ngân giáng thẳng vào mặt tôi cái bạt tai. Bấy giờ tôi đang mải lơ đễnh, bất thình lình bị ăn tát liền đờ đẵn như trời trồng.
A Độ tuốt dao nhảy vọt lên, sau một tiếng soạt nhanh như cắt, lưỡi đao sắc lẹm đã kề cổ hẳn. Vĩnh Nương giật mình gào toáng lên:
- Không được!
Không để Vĩnh Nương nói dứt câu, tôi đã vả lại Lý Thừa Ngân một cái không thương tiếc. Tuy mù mịt khoản võ công nhưng tôi không phải kẻ dễ chọc, hắn dám đánh tôi, đương nhiên tôi phải đánh trả!
Lý Thừa Ngân buông tiếng cười khẩy, chỉ thẳng vào tôi, nói:
- Có giỏi thì giết ta đi! Cô là loại đàn bà nham hiểm, ta biết chính cô là kẻ đầu trò! Cô gài bẫy khử đứa con trong bụng Tự Nương, đồng thời hãm hại Sắt Sắt.
Người tôi run lên vì tức, tôi đáp lại ngay:
- Điện hạ dựa vào đâu mà dám nói vậy?
- Cô luôn giả vờ đáng thương, làm bộ làm tịch trước mặt mẫu hậu, lại còn giả ngơ! Đừng tưởng ta không biết, chính cô mách lẻo với mẫu hậu, bảo ta hắt hủi cô. Vì ghen với Sắt Sắt nên cô bày trò hãm hại nàng ấy, con người cô độc địa hơn tất thảy loài rắn độc trên thế gian này! Bây giờ cô vừa lòng rồi chứ! Rõ ràng cô muốn tống cổ Sắt Sắt, cô muốn chia cắt bọn ta! Nếu Sắt Sắt có mệnh hệ gì, đừng hòng ta tha cho cô. Ta nói để cô biết, chỉ cần ta đăng cơ hoàng đế, ta sẽ phế truất cô ngay lập tức!
Ba máu sáu cơn nổi lên khiến tôi mụ người, tôi gạt phăng A Độ sang một bên, sấn đến trước mặt Lý Thừa Ngân:
- Giỏi thì phế truất ngay đi, ngươi tưởng ta thích lấy ngươi lắm à? Ngươi tưởng ta báu cái địa vị Thái tử phi này lắm à? Đàn ông Tây Lương chúng ta hàng vạn người, người nào người nấy anh hùng xuất chúng, nào có giống loại người ăn hoang mặc hại như nhà ngươi! Ngoài thi văn ra, ngươi thì biết cái gì? Bắn tên thua ta! Cưỡi ngựa cũng thua ta! Cái loại người như ngươi mà sống ở Tây Lương thì chẳng ai thèm lấy!
Lý Thừa Ngân phủi áo bỏ đi trong tức tối, hậm hực.
Lòng tôi ngùn ngụt tức giận, chúng tôi cãi nhau liên miên suốt ba năm nay, vẫn biết hắn không ưa gì mình nhưng tôi không ngờ hắn lại hận mình, ghét mình, rủa sả mình bằng những từ ngữ tồi tệ nhất trên đời. Vĩnh Nương dìu tôi lên xe, dịu giọng vỗ về:
- Vì Triệu Lương đệ mà Thái tử giận cá chém thớt với Thái tử phi, Thái tử phi đừng để bụng.
Tôi biết chứ, sao lại không biết? Hắn thương Triệu Lương đệ phải chịu oan uổng nên mới thỏa sức trút giận lên tôi. Nhưng khổ nỗi tôi có làm gì đâu, hắn là cái thá gì mà dám giận cá chém thớt với tôi!
Hắn bảo tôi đố kỵ với Triệu Lương đệ, thì đúng là tôi có hơi ghen tỵ thật. Tôi ghen là bởi có người yêu thương ả, lúc nào cũng tin tưởng, săn sóc và bảo vệ ả, nhưng ngoại trừ việc đó ra, tôi không thèm ghen tỵ chứ đừng nói đến việc rắp tâm hãm hại ả.
Triệu Lương đệ nhìn thì có vẻ dịu dàng, mềm mỏng, mấy lần đến chỗ tôi chơi bài, tôi thầm đánh giá cô ả cùng lắm cũng thuộc loại sắc sảo chứ không hơn, sao có thể làm ra chuyện động trời ấy nhỉ? Với lại, tôi không thấy cách làm của Hoàng hậu có gì là hay ho. Tự Nương có vẻ là người yếu đuối, nhu nhược, dù được phong làm bảo lâm, nhưng nếu Lý Thừa Ngân không ưa nàng ta thì trong Đông cung chỉ thêm một người đáng thương nữa mà thôi!
Đêm đến, tôi mải nghĩ ngợi linh tinh nên mất ngủ, liền bật dậy, hỏi A Độ:
- Em thấy Triệu Lương đệ có giống người xấu không?
A Độ gật, rồi lại lắc lắc.
- Ta chẳng hiểu nổi con gái Trung Nguyên nghĩ gì. Mặc dù đàn ông Tây Lương chúng ta cũng năm thê bảy thiếp, nhưng nếu sống với nhau không hợp, vẫn có thể đi lấy người khác cơ mà.
A Độ gật đầu.
- Hơn nữa, Lý Thừa Ngân chẳng được nết gì, trừ cái vẻ ngoài cũng tàm tạm ra, còn lại xấu tính xấu nết, nhỏ nhen, ích kỷ… – Tôi buông mình nằm xuống. – Nếu được chọn, đừng hòng ta lấy hắn.
Tôi nói những lời từ tận đáy lòng. Nếu cho tôi quyền lựa chọn, không bao giờ tôi để bản thân mình rơi vào bước đường thê thảm thế này. Rõ ràng hắn thích người con gái khác, còn tôi bắt buộc phải lấy hắn, bảo sao hắn ghét tôi, tự nhiên cuộc sống của tôi trở nên bức bối, khó chịu. Giờ Triệu Lương đệ rơi vào cảnh bị giam cầm, hẳn Lý Thừa Ngân phải ghét tôi lắm, mà tôi có muốn lấy một người chồng lúc nào cũng thù hằn mình đâu cơ chứ! Nếu để tôi tự chọn lựa, tôi thà lấy một người đàn ông Tây Lương bình dị, chí ít chàng cũng thương tôi thật lòng, chàng sẽ rong ngựa trở tôi, đưa tôi đi săn bắt, thổi kèn cho tôi nghe, rồi tôi sinh cho chàng những đứa con đáng yêu, cả nhà bên nhau êm ấm qua ngày…
Thực ra tôi biết, cuộc sống ấy mãi mãi chỉ gặp trong mơ mà thôi.
|
Chương 03
Bỗng A Độ kéo tay tôi, trỏ về phía cửa sổ.
Tôi lấy làm lạ, bèn mở cửa, thấy có bóng người ngồi trên mái ngói lưu ly ở tòa điện đối diện.
Người đó vận đồ trắng, ngồi chễm chệ trên mái ngói lưu ly đen, rất nổi bật.
Tôi nhận ra kẻ đó, lại là gã Cố Kiếm đó!
Đang phân vân có nên hô: “Có thích khách” hay không thì đột nhiên gã cưỡi gió trượt xuống từ nóc điện như một cánh chim, khẽ khàng đáp xuống bậu cửa sổ ngay trước mặt tôi.
Tôi trợn mắt nhìn gã:
- Huynh muốn làm gì?
Thay vì đáp lời, ánh mắt hắn dán trên mặt tôi. Vừa về đến Đông cung, Vĩnh Nương lập tứclấy trứng gà luộc xoa cho tôi suốt buổi, thế mà má vẫn in sưng hằn dấu tay đỏ lựng, mãi không chịu tan. Nhưng tôi cũng chẳng thiệt thòi lắm, cái tát kia của tôi đảm bảo sẽ khiến mặt hắn sưng lên, lúc đó tôi đã tát bằng tất cả sức lực, mạnh đến mức tay tê rần không thôi.
Giọng gã thoáng ưu tư, dương như đang gồng mình kìm nén điều gì đó:
- Ai đánh muội thế?
Tôi xoa gò má rồi nói:
- Không sao, tôi cũng đánh trả hắn rồi.
Gã khăng khăng truy hỏi băng được:
- Là ai?
Tôi hỏi:
- Huynh hỏi làm cái gì?
Mặt hắn lạnh tanh:
- Đi giết hắn!
Tôi hết hồn. Hắn lại hỏi:
- Muội đã là Thái tử phi rồi, ai còn dám đánh muội? Là Hoàng đế? Hay Hoàng hậu? Hoặc kẻ nào khác chăng?
Tôi lắc đầu, nói:
- Huynh đừng hỏi nữa, tôi không nói đâu.
Vậy mà hắn vẫn hỏi:
- Muội bằng lòng đi cùng ta không?
Gã này đúng là quái đản thật! Tôi lắc đầu, định đóng cửa lại, gã giơ tay chặn đứng cánh cửa, hỏi tôi:
- Muội vẫn giận ta ư?
Tôi chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì cả:
- Sao tôi phải giận huynh?
- Lẽ nào muội không giận ta chuyện ba năm trước?
Tôi đành nói thẳng với gã:
- Quả thực tôi không quen huynh, huynh đừng nửa đêm nửa hôm mò đến đây nói mấy chuyện khó hiểu này nữa. Đây là Đông cung, nếu để người khác biết, họ sẽ tưởng huynh là thích khách rồi bắn chết dưới làn mưa tên thì khổ.
Gã cười vẻ thách thức:
- Đông cung thì sao? Kể cả là Hoàng cung, ta thích thì vào, không thích thì ra, ai làm gì được ta nào!
Tôi trợn tròn mắt nhìn gã, tên này ngông cuồng quá hóa điên rồi. Song với võ công của gã, xem chừng Hoàng cung đúng là nơi “thích thì vào, không thích thì ra” thật. Tôi thở dài:
- Rốt cuộc huynh muốn gì?
- Ta đến thăm muội. – Rồi gã lại hỏi. – Muội bằng lòng đi cùng ta chứ?
Tôi lắc đầu.
Gã tỏ ra tức giận, bỗng nắm chặt tay tôi:
- Muội sống ở đây chẳng vui vẻ gì, cớ sao không chịu đi theo ta?
- Ai bảo tôi sống không vui vẻ? Vả lại huynh là ai, sao cứ bận tâm chuyện tôi sống vui hay không vui thế?
Gã vươn tay kéo tôi, tôi khẽ gắt:
- Bỏ tay ra!
A Độ nhảy vọt lên, nhưng chỉ một cái phẩy nhẹ tay áo của gã, A Độ liền loạng choạng lùi vài bước. Không đợi A Độ kịp trở tay, tôi có cảm giác người nhẹ bẫng như con diều bị gã kéo ra khỏi cửa sổ. Khinh công của gã đúng là không có gì để nói, vác theo tôi mà chẳng khác nào cưỡi mây lướt gió. Tiếng gió không ngừng vỗ bên tai, chẳng mấy chốc dưới chân tôi đã có điểm hạ, hiềm nỗi thay vì mặt đất thì đây lại là mái ngói lưu ly vừa trơn vừa lạnh. Gã bắt cóc tôi phi lên tận nóc chính điện, vốn là nơi cao nhất trong Đông cung. Phóng tầm mắt nhìn quanh, cung khuyết thâm trầm, đền điện trập trùng, đấu củng[1] mái cong, những gờ mái ngói bằng lưu ly, tất thảy dương như đang ẩn mình trong sắc đêm im lìm đen tựa nghiên mực.
[1] Đấu củng: một loại kết cấu đặc biệt của kiến trúc Trung Hoa, gồm những thanh ngang từ cột trụ chìa ra gọi là củng và những trụ kề hình vuông chèn giữa các củng gọi là đấu.
Tôi vùng khỏi tay gã, suýt thì trượt chân, bèn trợn mắt nhìn gã:
- Tóm lại huynh muốn gì?
Gã chỉ xuống cung điện trập trùng ngay dưới chân chúng tôi nói:
- Tiểu Phong, muội nhìn xem, muội nhìn nơi này mà xem, nơi đây tường cao chót vót, bốn bề kín mít, nơi đây như miệng giếng sâu không thấy được mặt trời, nơi này sao có thể giam giữ muội?
Tôi thấy khó chịu mỗi lần gã gọi tên mình, điều đó khiến tôi có cảm giác bức bối, tôi nói:
- Chẳng mắc mớ gì tới huynh.
Gã bảo:
- Phải làm sao thì muội mới chịu theo ta?
Tôi lườm gã:
- Tôi không theo huynh đâu, huynh đừng tưởng mình có võ là giỏi, tôi mà la lên gọi Vũ lâm quân tới là huynh thành con nhím chỉ sau một phát tên đấy.
|