Đông Cung (Phỉ Ngã Tư Tồn)
|
|
Tôi nhân cơ hội quay sang nháy mắt giục A Độ mau hạ gục Vĩnh Nương. Không ngờ Vĩnh Nương khẽ buông tiếng thở dài trước khi tôi kịp nháy mắt, bà ấy chẳng nói chẳng rằng lách qua chúng tôi, rồi xách lồng hương đi thẳng.
Vĩnh Nương đi được vài bước, chợt ngoái đầu nói với tôi một câu. Bấy giờ tôi đang rất bối rối, khó xử.
- Trời khuya trở gió lạnh, Thái tử phi thăm Điện hạ xong nhớ về sớm, chớ để nhiễm lạnh.
Tôi vô cùng tức tối, thì ra bà ấy tưởng tôi đi gặp riêng Lý Thừa Ngân!
Chuyện này… chuyện… này…
Thôi vậy!
Tôi dẫn A Độ tiến về phía tẩm điện của Lý Thừa Ngân, ngày nào chưa cho hắn một trận thì ngày đó tôi khó mà sống được với mối nhục này.
Dừng trước bờ tường bao ngoài tẩm điện, A Độ nhẹ nhàng kéo tôi nhảy vọt lên chóp tường. Cả hai đang loay hoay giữ thăng bằng, bỗng có tiếng quát lớn:
- Có thích khách!
Liền đó là tiếng binh khí sắc lẹm chém vào không khí, tiếng cung nỏ lên dây… Mưa tên ào ào bắn đến, chẳng khác gì đàn châu chấu bay kín trời kín đất, còn tôi vẫn đang ngơ ngác. Đèn đuốc vụt sáng chỉ trong nháy mắt, A Độ che trước mặt tôi, vung đao chặn đứng làn tên bay. Chỉ e A Độ cũng không trụ được bao lâu, vào lúc túng quẫn, tôi loay hoay toan nhảy tường quay về, tránh làm A Độ bị thương. Ai ngờ chỉ sau một cái sảy chân, tôi ngã nhào xuống.
Bờ tường cao chót vót!
Gió vun vút lướt qua tai, phen này… Ngã phen này thể nào cũng tan xương nát thịt.
Tôi ngã ngửa ra sau, vẫn đủ để thấy vẻ mặt hốt hoảng của A Độ. Muội ấy phi thân lao xuống toan đỡ tôi, sau lưng muội ấy là vòm trời đen kịt điểm vài đốm sao thưa thớt như hạt vừng rơi vãi, mỗi lúc một cao, một xa, chẳng mấy chốc vầng trăng đã mất hút sau góc điện…
Bụng bảo dạ A Độ không kịp bắt mình rồi, tôi ngã bất ngờ mà chóng váng quá. Đúng lúc tôi tuyệt vọng, đột nhiên có người ôm lấy eo tôi, tốc độ rơi chậm dần, người ấy xoay người ôm gọn cơ thể tôi vào lòng. Búi tóc trên đầu bị gió đánh sổ tung, lòa xòa trước mặt, tôi chỉ nhìn thấy bộ giáp bạc của chàng phản chiếu ánh lửa bập bùng, chúng lướt qua như những bông hoa nhỏ xinh nở rộ trên thân áo. Hoa lửa li ti phản chiếu trong đôi mắt chàng, đôi mắt ấy đang chăm chú nhìn tôi.
Đúng là cảnh anh hùng cứu mỹ nhân như bao lần tôi từng mơ, chàng ôm lấy tôi cùng làn gió đêm xoay vòng… xoay vòng… xoay rồi cứ xoay… Sao điểm đầy trời tưởng giọt mưa sa… Giữa đất trời bao la, hai mắt chàng vẫn đắm đuối nhìn vào mắt tôi.
Đôi mắt ấy đong đầy bóng hình tôi…
Mình say mất, say thật rồi. Được nằm trong vòng tay chàng, đúng là chàng rồi…
- Bẩm Thái tử phi!
Chân tôi đáp xuống mặt đất, tôi ngỡ ngàng bừng tỉnh nhìn người trước mặt. Người đó mặc một bộ giáp bạc, mặt mày sáng sủa, khí phách hiên ngang, lẽ nào chính là chàng? Chính chàng là người bao lần xuất hiện trong giấc mơ của tôi, là người anh hùng kiệt xuất bao lần cứu tôi khỏi hiểm nguy?
Bốn bề đã ngừng bắn tên, Bùi Chiếu thả tôi xuống đất, đoạn khom người hành lễ, bấy giờ tôi mới để ý tay mình vẫn đang níu chặt tay hắn. A Độ lao đến kéo tay tôi, cẩn thận kiểm tra xem tôi có bị thương chỗ nào không. Tự nhiên tôi thấy lúng túng, khó xử. Người anh hùng tôi thường mơ thấy lẽ nào là Bùi Chiếu? Thế nhưng… sao đến chính tôi cũng không nhớ nhỉ? Mà Bùi Chiếu cũng khôi ngô, võ công cũng thuộc dạng cao cường, chỉ là… sao lại có thể là gã nhỉ? Tai tôi nóng bừng, đoạn liếc mắt về phía đó.
Tối nay xuất quân đúng là thất bại, thoạt đầu đụng phải Vĩnh Nương, sau lại chạm mặt Bùi Chiếu.
Bùi Chiếu khẽ phẩy tay, cung thủ và thị vệ của Vũ lâm quân nháy mắt đã rút lui mất dạng. Tôi thấy mình cũng nên nói gì đó, nghĩ một đằng lại khen một nẻo:
- Khá khen Bùi Tướng quân dụng binh như thần…
- Mong Thái tử phi không trách mạt tướng manh động. – Bùi Chiếu chắp tay vái lễ. – Mạt tướng không biết Thái tử phi sẽ vượt tường vào, xin Thái tử phi thứ tội.
- Cái này không trách ngươi được, tại ta trèo tường vào, khiến các ngươi tưởng lầm có thích khách.
- Không rõ đêm hôm khuya khoắt, Thái tử phi đến đây có việc gì ạ?
Tôi có phải kẻ ngốc đâu, dại dột gì mà lại khai ra tôi đến tìm Lý Thừa Ngân tính sổ. Tôi bèn cười giả lả:
- Lý do ta đến, không nói cho ngươi biết được.
Vẻ mặt Bùi Chiếu vẫn lạnh tanh, gã cúi đầu thưa:
- Vâng ạ!
Tôi dẫn A Độ ngông nghênh tiến về phía trước, bỗng bị Bùi Chiếu gọi giật lại:
- Bẩm Thái tử phi!
- Gì thế?
- Tẩm điện của Điện hạ ở đằng này, không phải bên đó ạ!
Tôi thẹn quá hóa giận, bèn ném cho gã một cái lườm, vậy mà gã vẫn cung kính đứng đó như thể không nhận thấy cái lườm của tôi. Tôi đành quay lại, đi theo con đường gã vừa chỉ.
Dừng trước cửa tẩm điện của Lý Thừa Ngân, tôi dặn A Độ:
- Muội ở ngoài canh cửa, cấm cho kẻ nào lại gần.
A Độ gật đầu dùng tay làm dấu, ý bảo tôi cứ an tâm.
Tôi tiến vào tẩm điện, cung nữ trực đêm vẫn thức chơi đố chữ dưới ánh đèn, tôi rón rén luồn qua lưng họ, không ai phát hiện ra tôi, rồi tôi mon men mò vào trong nội điện.
Góc phòng thắp một ngọn đèn, ánh nến hư ảo, mịt mùng đổ bóng lên tấm màn, tựa sóng nước dập dềnh khẽ vỗ. Tôi nín lặng, từ từ bước đến bên giường, khẽ vén màn lên, cẩn thận để không gây ra bất kỳ tiếng động nào. Bỗng một tiếng “vút” ập đến, tôi nghiêng mặt né theo bản năng, làn gió lạnh sượt qua mặt, chà vào gò má ran rát. Tôi bị ghì chặt trên giường, chỉ kịp thấy đất trời nghiêng ngả. Trước khi kịp thốt lên bất cứ câu nào, một lưỡi đao sắc lẹm đã kề sát cổ, chỉ e một lát nữa thôi cái thứ ấy sẽ rạch toác họng mình. Tóc gáy tôi dựng đứng cả lên.
Trong bóng tối, tôi thấy Lý Thừa Ngân với vẻ mặt rắn đanh lạ lùng như vừa biến thành một kẻ nào đó chứ không phải là hắn thường ngày. Ánh mắt hắn đóng đinh vào tôi, có nằm mơ tôi cũng chẳng ngờ Lý Thừa Ngân lại thủ đao bên mình, thậm chí ngủ trên giường mà cũng đề cao cảnh giác.
- Là cô à?
Lý Thừa Ngân thu lại thanh đao, dáng dấp trở về với tác phong quen thuộc. Hắn hỏi tôi, dáng vẻ uể oải:
- Nửa đêm nửa hôm cô mò tới đây làm gì?
- Hả… Không làm gì cả.
Tất nhiên tôi không thể nói mình mò đến để gói hắn thành cái bánh chưng, rồi giã cho một trận tơi bời, hòng trả mối thù bị hãm hại kia.
Hắn cười mà như không, rồi liếc mắt nhìn tôi:
- À, ta biết rồi, cô nhớ ta nên mò tới thăm chứ gì?
Tôi tức tối, lập tức nhớ lại chuyện hắn dùng lụa uyên ương hãm hại tôi, khiến tôi bị Hoàng hậu mắng một trận tơi bời rồi còn phạt chép sách. Này thì chép sách! Tôi căm thù chép sách! Tôi rút phắt thanh đao giấu trong áo ra, nghiến răng nghiến lợi bảo:
- Điện hạ đoán đúng rồi đấy, thần thiếp nhớ Điện hạ quá!
Hắn vẫn vênh mặt, thậm chí còn khẽ cười:
- Hóa ra con gái Tây Lương thường xách đao đi tìm người thương!
- Đừng luyên thuyên. – Tôi kề đao vào cổ hắn. – Giao nộp đao của ngươi ra đây.
Hắn sáp lại gần:
- Cô bảo thì ta phải đưa cô chắc?
- Này, đừng có qua… Á…
Nửa câu sau của tôi bị đẩy trôi tuột xuống bụng, rồi vai bị ghì chặt. Không để tôi kịp trở tay, hắn đã gặm môi tôi!
Thật… thật quá đáng!
Lần này hắn gặm khá từ tốn, như thể đang giải quyết một con cua. Hồi trước tôi từng thấy Lý Thừa Ngân ăn cua, phải nói là… quá giỏi. Ăn xong phần thịt ở mai, hắn còn có thể ghép lại y nguyên hình dáng ban đầu của con cua, lợi hại hơn cả đám con gái thạo thêu thùa ở Trung Nguyên. Tôi khoa tay múa may thanh đao sau lưng hắn, chỉ hận không thể xọc cho hắn một nhát. Thì tôi cũng chẳng sợ gì, chỉ sợ có chiến tranh, cha già lắm rồi, chỉ e không đủ sức đánh nhau với Trung Nguyên, lúc đó Tây Lương khó mà thắng nổi. Mình phải nhịn… phải nhịn… Hắn gặm chán chê rồi mới chịu rời môi tôi, nhưng không để tôi kịp thở lấy hơi, hắn liền rà môi xuống cổ. Xong rồi, xong rồi, nhất định hắn tính gặm sạch mình như gặm cua đây mà. Hắn gặm nhấm làm cổ tôi ngưa ngứa, buồn buồn, khó chịu không sao kể hết. Sau đó, hắn lại mon men lên tai, phen này chết mất thôi, tôi sợ nhất có người chọc tôi buồn. Hắn cứ thở bên tai tôi như thế, chỉ thiếu điều tôi cười lên sằng sặc, toàn thân bủn rủn, thậm chí thanh đao trên tay cũng bị hắn giành mất. Hắn quẳng thanh đao sang một bên, rồi lại lần tìm môi tôi.
Tôi thấy là lạ, rồi không biết từ lúc nào, tay hắn đã luồn vào lớp áo trong của tôi. Cánh tay siết chặt eo đến nỗi tôi không cựa quậy được, bèn la toáng lên:
- Ngươi… Ngươi… Bỏ tay ra! Không ta gọi A Độ bây giờ!
Lý Thừa Ngân cười, bảo:
- Cứ gọi đi! Cô có gọi cả Đông cung đến, ta cũng chẳng bận tâm. Nửa đêm nửa hôm chính cô mò vào giường ta cơ mà.
Tôi tức đến suýt ngất xỉu. Quá… quá… quá đáng ghét! Miệng hắn hở ra câu nào là chướng tai câu nấy. Mò vào giường hắn cái gì chứ? Tôi… tôi… tôi phen này có nhảy xuống sông Hoàng Hà cũng không rửa được nhục.
Đúng lúc tôi tức tối tính xọc cho hắn một nhát đao thì đột nhiên có luồng gió từ ngoài mành xộc thẳng vào. Nhanh như cắt, Lý Thừa Ngân vội đẩy tôi văng vào góc giường, bấy giờ mới nhìn kĩ, thì ra là một thanh trường kiếm. Nhờ cú đẩy của hắn mà tôi thoát, còn hắn thì trúng một nhát kiếm xuyên qua ngực phải. Tôi hét lên thất thanh, A Độ liền sộc vào, gã thích khách rút kiếm chĩa vào Lý Thừa Ngân. Đao của A Độ đã đưa tôi cầm rồi còn đâu, lúc ấy tình thế gấp rút, muội ấy chỉ kịp rút chân nến trên bàn phi về phía thích khách. Cánh tay của A Độ rất khỏe, giá nến như một cây trâm dài xé gió lao vút trong không khí, song tên thích khách vẫn kịp né. Tôi liền gọi:
- Người đâu! Có thích khách!
Ngay lập tức, Vũ lâm quân trực đêm phá cửa lao vào. A Độ vẫn mải vật lộn với gã thích khách. Tiếng la hét vang vọng khắp nơi ngoài tẩm điện, trước sân nhốn nháo. Người ùa tới ngày càng nhiều, gã thích khách thấy tình thế bất lợi liền nhảy vọt qua cửa sổ, A Độ lập tức đuổi sát theo sau.
|
Phần 2: Vẻ xuân Chương 04
Tôi dìu Lý Thừa Ngân dậy, nửa bên người hắn sẫm màu máu tươi, máu không ngừng túa ra từ miệng vết thương. Trong khi tôi vừa cuống vừa sợ, hắn còn hỏi tôi:
- Nàng có bị thương…
Câu nói còn bỏ ngỏ, miệng hắn đã ứa máu, máu của hắn bám đầy trên vạt áo tôi. Mắt tôi nhòa ướt, miệng thốt lên tên hắn:
- Lý Thừa Ngân!
Dù tôi ghét Lý Thừa Ngân thật đấy, nhưng xưa nay tôi nào có nguyền rủa hắn phải chết.
Hắn hoang mang nắm lấy tay tôi, khóe miệng đẫm máu, vậy mà còn cười được:
- Xưa nay ta chưa từng thấy nàng khóc bao giờ… chẳng lẽ nàng sợ… sợ làm góa phụ trẻ…
Lúc nào rồi mà hắn còn đùa được, nước mắt tôi cứ mặc sức trào ra. Chân tay tôi lóng ngóng định cầm máu cho hắn, nhưng phải cầm ở chỗ nào đây, máu len qua kẽ tay nhỏ xuống, những dòng máu ấm nóng, tanh nồng ấy, biết bao nhiêu là máu đã chảy. Tôi vô cùng hoảng sợ. Nhiều cung nữ nghe thấy tiếng động lạ liền chạy vào, có người vừa nhìn thấy máu đã hét lên hãi hùng rồi lăn ra ngất xỉu, trong điện tức khắc nhốn nháo, tán loạn. Tôi nghe bên ngoài có tiếng Bùi Chiếu đang xẵng giọng phát lệnh, thế rồi gã xông vào điện. Trông thấy gã, tôi tưởng chừng gặp được vị cứu tinh:
- Bùi Tướng quân!
Bùi Chiếu thoáng thấy tình hình, lập tức sai người:
- Mau truyền ngự y!
Nói rồi gã lao tới, trỏ ngón tay điểm toàn bộ huyệt đạo xung quanh vết thương trên ngực Lý Thừa Ngân. Gã thấy tôi vẫn ôm chặt Lý Thừa Ngân, bèn nói:
- Thái tử phi, xin người cứ đặt Điện hạ xuống, như vậy mạt tướng mới kiểm tra được thương tích của Điện hạ.
Đang hoang mang lo sợ mà thấy Bùi Chiếu vẫn trấn tĩnh như thế, sự bình tĩnh của gã khiến tôi được xoa dịu. Tôi nghe lời, đặt Lý Thừa Ngân nằm xuống, lúc vạch áo Lý thừa Ngân ra, Bùi Chiếu hơi chau mày. Thoạt đầu tôi không hiểu cái chau mày ấy nghĩa là sao, nhưng thấy ngự y tức tốc chạy tới, rồi quá nửa Thái y viện được điều tới Đông cung, rất nhanh tôi đã hiểu. Tin tức được báo về trong cung, cửa phía đông rộng mở lúc nửa đêm đón Hoàng đế và Hoàng hậu trong trang phục vi hành, thân chinh xa giá đến Đông cung.
Tôi nghe ngự y bẩm với Hoàng thượng:
- Bẩm Bệ hạ, vết thương quá sâu, xin Bệ hạ thứ lỗi cho thần ngu muội, bất tài, chỉ e… chỉ e vết thương của Điện hạ… vô cùng đáng ngại…
Hoàng hậu rưng rưng rồi bật khóc trong câm lặng, tay cầm khăn liên tục chấm nước mắt. Bệ hạ cũng xây xẩm mặt mày. Còn tôi không nhỏ lấy một giọt nước mắt, tôi phải đợi A Độ trở về.
Bùi Chiếu phái rất nhiều người truy đuổi thích khách, không biết đã truy cứu được gì chưa. Tôi đâu chỉ lo cho mình Lý Thừa Ngân, còn nỗi lo về A Độ cứ canh cánh trong lòng.
Hôm sau, cuối cùng người của Bùi Chiếu cũng khiêng A Độ về, khi ấy A Độ bị thương rất nặng. Tôi thốt gọi tên A Độ, muội ấy khẽ hé mắt nhìn tôi, định nhấc tay lên, nhưng cánh tay không còn chút sức lực, chỉ có những ngón tay khẽ động đậy. Tôi nhìn theo ánh mắt muội ấy, ánh mắt đăm đăm trên vạt áo tôi.
Tà áo tôi dính bê bết máu nhưng đều là máu của Lý Thừa Ngân. Tôi hiểu A Độ nghĩ gì, tôi siết chặt tay muội ấy rồi nuốt nước mắt, nói:
- Ta không sao đâu!
Dường như A Độ vừa buông tiếng thở phào nhẹ nhõm, muội ấy nhét vào tay tôi một vật cứng, rồi người lả đi.
Tôi vừa đau đớn vừa ăn năn, hối hận.
Vì đẩy tôi ra mà Lý Thừa Ngân bị thích khách tấn công ngay trước mặt tôi, chính mắt tôi chứng kiến thanh trường kiếm ấy găm sâu vào cơ thể hắn. Giờ đây, gã thích khách lại đả thương cả A Độ.
Là tại tôi, tại tôi bảo A Độ đưa đao cho mình. Đến đao cũng không cầm theo, muội ấy đã vội truy sát gã thích khách kia.
Bấy lâu nay, A Độ luôn theo sát bên tôi, người dám liều mạng bảo vệ tôi chỉ có mình muội ấy.
Lúc nào tôi cũng là người có lỗi với muội ấy, lúc nào tôi cũng gây chuyện, để muội ấy phải chịu khổ thay mình.
Tôi bật khóc nức nở.
Không ai đến an ủi tôi, Đông cung thì đang hỗn loạn, người nào người nấy chạy đôn chạy đáo, tất tả lo chạy chữa cho Lý Thừa Ngân, vết thương rất nặng, có thể sẽ không qua khỏi. A Độ sắp chết rồi, và cả Lý Thừa Ngân, chồng tôi… cũng sắp chết.
Tôi khóc mãi, khi Bùi Chiếu đến, gã khẽ khàng lên tiếng:
- Bẩm Thái tử phi, người của mạt tướng báo lại, lúc bọn họ truy sát tên thích khách, chỉ thấy A Độ cô nương hôn mê bất tỉnh ở đó mà không thấy tăm tích của tên thích khách đâu nên buộc phải đưa A Độ về trước. Hiện nay, chín cổng thành đã đóng chặt, Thượng Kinh đang giới nghiêm, thích khách không thể tẩu thoát được. Ngự lâm quân đã bắt đầu lục soát khắp kinh thành, xin Thái tử phi an tâm, tên thích khách khó lòng chạy thoát.
Tôi nhìn vật A Độ vừa đưa, vật đó lạ lắm, chỉ là một miếng gỗ có khắc hoa văn khó hiểu trên bề mặt, tôi không nhận ra nó là thứ gì.
Tôi giao cho Bùi Chiếu:
- A Độ đưa ta thứ này, ta đoán nó có liên quan đến hành tung của thích khách.
Bùi Chiếu bỗng giật mình, nhất định hắn biết vật này. Tôi gặng hỏi:
- Đây là gì thế?
Bùi Chiếu thoái lui một bước, gửi trả tôi miếng gỗ ấy, đoạn thưa:
- Đây là việc hệ trọng, xin Thái tử phi cứ đệ trình lên Bệ hạ.
Tôi cũng nghĩ, mình phải tấu trình vật này lên Hoàng thượng, tốt xấu sao thì người cũng là Thiên tử, là thân sinh ra phu quân tôi, là vị đế vương có quyền lực tối cao khắp thiên hạ. Người sẽ giúp chúng tôi truy xét đến cùng, xem kẻ nào dám ám sát con trai của người, dám sát hại A Độ.
Tôi quệt nước mắt, sai cung nữ thân cận đi trình bẩm, tôi muốn yết kiến Hoàng đế Bệ hạ.
Cả Hoàng thượng và Hoàng hậu vẫn ngự ở tẩm điện, chẳng mấy chốc Hoàng thượng đã cho triệu tôi, tôi bước vào vái lạy người:
- Phụ hoàng!
Rất ít khi tôi có dịp tiếp kiến Hoàng đế Bệ hạ, lần nào gặp, người cũng ngự trên ngai vàng ở một khoảng cách rất xa. Ở khoảng cách gần như thế này thì đây quả là lần đầu tiên. Tôi chợt nhận ra, người cũng trạc tuổi cha tôi, tóc ở hai bên thái dương đã chớm bạc.
Người đối với tôi rất ôn tồn, đoạn sai tùy tùng:
- Mau đỡ Thái tử phi dậy!
Tôi từ chối cái đỡ của nội quan:
- Khởi bẩm Phụ hoàng, tùy tùng của nhi thần là A Độ vừa truy đuổi tên thích khách, không may bị trọng thương, mới được Vũ lâm lang cứu về. Muội ấy giao cho nhi thần vật này, nhi thần không rõ là gì, nay tấu dâng lên Phụ hoàng, nhi thần trộm nghĩ, vật này ắt hẳn có liên quan đến thân phận của thích khách.
|
Tôi dâng miếng gỗ lên rồi dập đầu:
- Mong Phụ hoàng phái người kiểm chứng.
Nội quan đón lấy vật trên tay tôi, trình lên cho Bệ hạ xem, tôi thấy nét mặt người sa sầm ngay tức thì.
Người quay sang nhìn Hoàng hậu:
- Mai Nương!
Lúc ấy tôi mới biết tên cúng cơm của Hoàng hậu là Mai Nương.
Sắc mặt Hoàng hậu tối sầm, bà ấy bật dậy, chỉ vào tôi:
- Ngươi… ngươi dám vu cáo, hãm hại bản cung!
Tôi ngơ ngác nhìn bà ấy. Hoàng hậu khẩn thiết quay người, quỳ sụp xuống:
- Xin Bệ hạ minh xét, Ngân Nhi là do một tay thần thiếp nuôi nấng trưởng thành, tâm huyết cả đời của thần thiếp đều dồn vào Ngân Nhi, thần thiếp tuyệt đối không bao giờ làm hại Hoàng nhi!
Hoàng thượng không buông lời, Hoàng hậu lại quay ra trách cứ tôi:
- Kẻ nào đã xúi bẩy ngươi dùng thủ đoạn này, hòng vu khống lật đổ bản cung?
Tôi đây đến mặt chữ Trung Nguyên còn không nhớ hết, khúc củi khô ấy khắc gì tôi nào có biết, thậm chí xưa nay còn chưa từng nhìn thấy nó, thế nên tôi chỉ biết thuỗn mặt nhìn Hoàng hậu.
Cuối cùng, Hoàng thượng lên tiếng:
- Mai Nương, chỉ e ngay bản thân con bé cũng không biết đây là thứ gì, sao có thể vu khống hòng lật đổ nàng được?
Hoàng hậu cả kinh:
- Bệ hạ, xin Bệ hạ chớ cả tin những điều xằng tấu này. Cớ sao thần thiếp phải ám hại Thái tử? Ngân Nhi do một tay thần thiếp nuôi nấng nên người, thần thiếp coi Hoàng nhi như con ruột…
Hoàng thượng lạnh nhạt nói:
- Con ruột…? Chưa chắc.
Hoàng hậu bưng mặt, nước mắt lã chã:
- Bệ hạ nói vậy tức là người cũng tin vào những điều sàm tấu. Tuy thần thiếp không mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày nhưng có khác nào thân sinh ra Thái tử đâu? Ngày Ngân Nhi mới ba tháng tuổi, thần thiếp đã ẵm vào cung, một tay thần thiếp nuôi nấng, chỉ bảo Hoàng nhi nên người, kèm cặp Hoàng nhi học hành đến nơi đến chốn. Cũng chính thần thiếp trình tấu mong Bệ hạ lập Hoàng nhi làm thái tử, thần thiếp đã dồn tâm huyết cả đời vào Ngân Nhi, cớ gì thần thiếp phải sai người hãm hại con mình?
Bệ hạ phá lên cười:
- Vậy Tự Bảo lâm vô tội thì sao, cớ gì nàng phải ra tay với Tự Bảo lâm?
Hoàng hậu giật thót mình ngước lên, bà ấy ngơ ngác nhìn Hoàng thượng.
- Chuyện hậu cung, trẫm không hỏi tới không có nghĩa là trẫm không biết. Nàng đã tạo đủ nghiệp chướng rồi. Cớ sao nàng xuống tay với Tự Bảo lâm mà không phải muốn trừ khử Triệu Lương đệ? Gia tộc họ Triệu nắm giữ trong tay binh quyền hùng hậu, tương lai sau này Ngân Nhi đăng cơ, cho dù không lập Triệu Lương đệ làm hoàng hậu, ắt cũng phải phong quý phi. Có đằng ngoại như thế, vậy mà nàng không hề coi như mối hiểm họa từ bên trong. Nàng chỉ canh cánh một nỗi bất an sau này Ngân Nhi ổn định giang sơn, điều gì đã khiến nàng sợ hãi? Sợ hoàng nhi sẽ chống lại mẫu hậu là nàng ư?
Hoàng hậu ấp úng:
- Cớ gì thần thiếp phải bất an…? Ý của Bệ hạ, thần thiếp không tài nào hiểu…
- Đúng, sao nàng phải bất an? – Hoàng đế lạnh nhạt nói. – Chẳng phải vì e sợ Ngân Nhi biết, mẫu thân sinh ra nó, Thục phi năm đó… vì sao qua đời ư?
Sắc mặt Hoàng hậu tái mét, chân tay bủn rủn, ngã phịch xuống sàn.
Hoàng đế tiếp lời:
- Trách chăng nàng quá nóng vội, đợi thêm hai mươi năm nữa thì có hề gì? Bao giờ trẫm băng hà, Ngân Nhi đăng cơ, lập Triệu Lương đệ làm hoàng hậu, tất sẽ trở mặt với Tây Lương. Đến lúc ấy, giả sử Hoàng nhi dấy can qua với Tây Lương, nếu thắng, thâm tình giữa thiên triều ta và Tây Lương từ đó mãi mãi rạn nứt, chỉ e chiến tranh liên miên, hai nước rơi vào cảnh lầm than, rồi sẽ có ngày lòng dân oán hận sục sôi. Còn nếu chúng ta thua, nàng tranh thủ mượn gió bẻ măng, phế Ngân Nhi, lập tân đế mới cũng chưa biết chừng. Nước cờ này, phải chăng nàng đã tính thấu đáo từ lúc khuyên trẫm để Ngân Nhi cầu thân với Tây Lương. Đang yên đang lành, cớ gì nàng lại nóng vội đến vậy? Lẽ nào vì Thái tử và Thái tử phi bỗng nhiên gắn bó quấn quýt, hai đứa trẻ phải lòng nhau, há chẳng ngoài dự đoán của nàng hay sao?
Hoàng hậu thì thào:
- Thần thiếp cùng Bệ hạ kết tóc se duyên nên nghĩa phu thê đã ba mươi năm, thì ra trong lòng Bệ hạ, thần thiếp là người quá quắt vậy ư?
Hoàng thượng lạnh lùng giáng lời:
- Không phải trẫm nghĩ quá quắt về nàng, mà chính nàng đã làm những chuyện quá quắt. Gieo nhân nào gặt quả nấy, ác giả ắt ác báo. Nàng hại chết Thục phi, trẫm không hề đổ oan cho nàng. Nàng hại Tự Bảo lâm sẩy thai, giam lỏng Triệu Lương đệ, trẫm cũng không đả động. Trẫm luôn tự bảo mình, nàng làm tất cả chỉ để tự vệ, nếu Hoàng nhi của trẫm không ứng phó nổi mấy trò vặt này, chứng tỏ nó không xứng làm thái tử. Thế mà hôm nay, nàng lại táng tận lương tâm muốn ám sát Ngân Nhi. Con giun xéo lắm cũng quằn, huống hồ hổ dữ còn không nỡ ăn thịt con, dẫu nàng không phải người mang nặng đẻ đau hạ sinh Ngân Nhi, nhưng suy cho cùng, chính tay nàng đã nuôi nấng nó nên người, sao nàng có thể nhẫn tâm đến vậy?
Hoàng hậu thảng thốt, hàng nước mắt chảy dài:
- Thần thiếp không làm… Dẫu Bệ hạ không muốn tin, nhưng quả thực thần thiếp không làm… Thần thiếp không sai người hãm hại Ngân Nhi…
Trong lòng tôi trào dâng cảm xúc, thật không dám tin vào tai mình, tôi không dám tin vào những gì mình đang nghe. Hoàng hậu cao quý thường ngày, Hoàng hậu ôn tồn thường ngày… Lẽ nào lòng dạ người đàn bà ấy lại thâm độc đến vậy?
Hoàng thượng nói:
- Chẳng lẽ trẫm lại phải đưa nhân chứng, vật chứng ra hòng vạch mặt những chuyện nàng từng làm, lẽ nào trẫm phải hạ chỉ sai Dịch đình lệnh đến thẩm vấn nàng hay sao? Nếu nàng thành thật khai nhận, trẫm sẽ niệm tình phu thê ba mươi năm nay, không truy cứu nàng tội chết.
Nước mắt Hoàng hậu lã chã:
- Bệ hạ, oan uổng cho thần thiếp quá! Thần thiếp bị oan!
Hoàng thượng vẫn lạnh nhạt nói:
- Hai mươi năm trước, nàng sai người hạ độc mã tiền[1] vào thuốc của Thục phi, gói thuốc mã tiền đến giờ vẫn còn một nửa, đang cất tại ô tủ chìm thứ hai trong chính cung của nàng. Hay nàng muốn trẫm phái người đến đó lục soát, rồi ép nàng phải nuốt chỗ mã tiền đó?
[1] Cây mã tiền có trái trông giống trái cam nhưng trong hạt chứa nhiều alcaloid độc. Nếu ăn nhầm sẽ bị co giật toàn thân và tê liệt cơ hô hấp gây ngạt thở dẫn đến tử vong.
Hoàng thượng nói dứt câu, Hoàng hậu liền bủn rủn, ngã vật xuống sàn, ngất lịm.
Tôi có cảm giác, tất thảy mọi chuyện xảy ra trong đêm nay chẳng khác nào tiếng sấm giữa trời quang, đến giờ tiếng sấm vẫn bập bùng bên tai, liên miên từng hồi không dứt, vang dội tới mức tôi chết lặng người, đứng đờ đẫn, như trời trồng.
Hoàng thượng quay sang vẫy tay gọi tôi. Tôi dè dặt tiến lại gần, quỳ trước mặt người. Người vươn tay, dịu dàng xoa đầu tôi, nói:
- Con ngoan đừng sợ, có Phụ hoàng ở đây, không kẻ nào dám làm hại con đâu. Thoạt đầu để Ngân Nhi lấy con, thực ra cũng là ý của ta, bởi lẽ ta biết con gái Tây Lương đối nhân xử thế rất thật lòng và ân cần.
Thú thực, tôi không hề thấy sợ, bởi bàn tay người ấm áp như bàn tay cha. Hơn nữa, người có nét giống Lý Thừa Ngân, mà xưa nay tôi có bao giờ e sợ Lý Thừa Ngân đâu.
Hoàng thượng nói với tôi:
- Gắng chăm sóc Ngân Nhi, nó từ nhỏ đã mồ côi mẹ. Nếu con thật lòng với nó, nó sẵn sàng móc cả trái tim trao cho con.
Dẫu người không dặn, tôi cũng sẽ chăm nom Lý Thừa Ngân chu đáo.
Thế nhưng sự tình đêm nay quả thực vẫn khiến tôi thảng thốt không thôi, tự đáy lòng tôi thấy sợ. Tất thảy những thứ trong cung đều đáng sợ, lòng người sao lại phức tạp đến thế? Như Hoàng hậu kia, có chết tôi cũng không ngờ bà ấy lại hại đứa trẻ trong bụng Tự Nương, chỉ vì muốn giáng họa cho Triệu Lương đệ thôi ư? Sinh mạng con người trong mắt bọn họ thật sự rẻ mạt thế thôi sao? Lại còn Thục phi, người thân sinh ra Lý Thừa Ngân nữa, vì sao Hoàng hậu phải hại chết Thục phi, chỉ vì muốn tước đoạt đứa con trai của Thục phi hay sao?
|
Mọi chuyện thật kinh hoàng, chúng khiến tôi phải ớn lạnh rùng mình.
Vết thương của Lý Thừa Ngân vô cùng nguy hiểm, đã ba ngày rồi mà hắn vẫn trong trạng thái hôn mê bất tỉnh. Tôi túc trực bên hắn không kể ngày đêm.
Tình hình vết thương có chuyển biến xấu, Lý Thừa Ngân sốt cao, không ăn uống được gì, đến thuốc thang cũng phải cạy răng, bón từng thìa.
Tôi nghĩ phen này hắn khó lòng qua khỏi.
Song tôi không hề khóc. Hắn đẩy tôi ra vào đúng lúc nguy hiểm nhất. Nếu hắn chết, cùng lắm tôi sẽ tự tử theo hắn.
Con gái Tây Lương chúng tôi không ưa kiểu sướt mướt, tôi đã khóc một chặp rồi, bây giờ không muốn khóc thêm nữa.
Trong cơn mê man, Lý Thừa Ngân luôn miệng thì thào gì đó, tôi ghé tai nghe, mới rõ hắn đang gọi “mẹ” giống như lần trước bị ốm.
Ngẫm tới những gì Bệ hạ nói, tôi lại thấy mủi lòng, thì ra hắn cũng đáng thương biết bao, tuy địa vị là Thái tử đấy, song từ lúc ra đời chưa một lần được biết mặt mẹ. Trong khi tâm địa Hoàng hậu lại thâm độc đến nhường này, nếu để Lý Thừa Ngân biết bà ta là người hại chết mẹ ruột mình, hẳn hắn sẽ đau lòng lắm.
Rất nhiều ngự y được cử tới để theo dõi bệnh tình của Lý Thừa Ngân. Cùng lúc đó, Hoàng thượng hạ chiếu thư phế truất ngôi vị Hoàng hậu, việc này đã gây chấn động cả trong và ngoài triều, ngặt vì chiếu thư đã chỉ ra quá nhiều tội trạng của Hoàng hậu, nhất là hiện nay Lý Thừa Ngân còn chưa rõ sống chết thế nào nên chúng đại thần cũng khó lòng can gián. Tôi nghe mấy cung nữ rủ rỉ nói, nhà ngoại của Hoàng hậu vốn nắm nhiều quyền hành trong tay, hiện họ đang xúi giục đám quan viên Môn hạ tỉnh[2]không phê chuẩn chiếu thư, hòng phản đối việc phế bỏ Hoàng hậu. Tôi vốn không hiểu chuyện triều chính, giờ mới biết hóa ra thân là Hoàng đế không phải muốn làm gì cũng được.
[2] Môn hạ tỉnh: một trong ba cơ quan đứng đầu triều đình thuộc tam tỉnh chế, lo thu nhận những báo cáo từ các nơi gửi về, đồng thời chuyển những mệnh lệnh, sắc chỉ của vua tới các quan thừa hành.
Buổi sáng, tôi đến thăm Lý Thừa Ngân, buổi chiều lại về chăm A Độ.
Trên người A Độ có nhiều vết thương, thâm chí nội thương cũng khá nghiêm trọng. A Độ giỏi võ đến thế mà vẫn bị tay thích khách kia đánh đến nông nỗi này, xem ra gã không phải loại tầm thường. Do phải thường xuyên thay thuốc nên tôi lục tìm túi A Độ, lấy hết đồ để lên bàn. Vậy ra tôi đã đưa cho A Độ cầm biết bao nhiêu là thứ, toàn mấy thứ tôi thấy hay thì mua, như cái còi đất sét nặn hình chim non này, hay bông hoa bằng len đỏ kia… Mua được cái gì tôi lại đưa cho A Độ cầm, muội ấy thường xuyên dắt bên mình, phòng lúc tôi cần dùng.
A Độ của tôi, A Độ đối với tôi tốt biết bao, tại tôi khiến muội ấy phải khổ.
Lúc thấy mũi tên reo, tôi sực nghĩ đến một chuyện. Thế rồi tôi cầm theo nó, lẳng lặng đi ra ngoài.
Kẻ hầu người hạ trong Đông cung đều dồn về phía tẩm điện của Lý Thừa Ngân, trong hoa viên quạnh quẽ, vắng tanh, không có bóng dáng ai.
Tôi bắn tên lên trời, rồi ngồi đợi ở đó.
Bẵng đi một lúc, chợt có cơn gió hiu hiu thổi khẽ, Cố Kiếm lặng lẽ đáp xuống trước mặt tôi.
Thấy tôi, gã có vẻ sửng sốt:
- Kẻ nào động đến muội?
Tôi cũng biết người ngợm mình bây giờ rất tệ, mấy hôm trước khóc một trận đã đời, mắt mũi sưng húp cả lên, cộng thêm mấy đêm liền mất ngủ khiến mặt mày xám xịt.
Tôi thuật lại sự tình một cách đơn giản cho gã nghe, Cố Kiếm trầm ngâm một lúc rồi hỏi:
- Muội muốn ta đi giết Hoàng hậu à?
Tôi lắc đầu.
Đúng là Hoàng hậu đã sát hại quá nhiều người, bà ta không xứng đáng sống tiếp trên đời này, nhưng Hoàng đế sẽ có phán quyết riêng của mình, không xử tội chết thì cũng phế truất rồi tống bà ta vào lãnh cung. Đối với loại người như Hoàng hậu, làm vậy đã đủ giết bà ta.
Tôi van lơn:
- Ngươi nghĩ cách cứu A Độ được không? Muội ấy bị nội thương nặng lắm, hôn mê từ bấy đến giờ.
Cố Kiếm bất chợt phá lên cười:
- Ngộ thật, muội không nhờ ta cứu chồng muội mà lại van xin ta cứu A Độ. Thế tóm lại, muội yêu chồng muội hay A Độ?
- Lý Thừa Ngân bị thương bên ngoài, là thần tiên cũng đành bó tay, qua được hay không là số của hắn. Nhưng vì tôi, A Độ mới truy đuổi thích khách để rồi bị nội thương, tôi biết thế nào huynh cũng có cách.
Cố Kiếm sầm mặt, bảo:
- Đúng, ta có cách, nhưng cớ gì ta phải cứu muội ấy chứ?
Tôi cáu bẳn, nói:
- Huynh từng bảo, nếu có gì nguy hiểm thì cứ gọi huynh, bây giờ huynh lại giở quẻ không giúp!
Cố Kiếm đáp:
- Đúng thế, nhưng ta không hứa sẽ giúp muội cứu kẻ khác.
- Bây giờ, sinh mệnh A Độ là chuyện đáng lo hơn cả, mạng của A Độ cũng là mạng của tôi. Vì tôi mà muội ấy có thể liều mình bất chấp tất cả, vết thương của muội ấy cũng là vết thương của tôi, huynh không cứu A Độ… – Tôi tuốt đao kề vào cổ mình. – Tôi sẽ chết cho huynh xem!
Cố Kiếm vẩy nhẹ hai ngón tay, thanh đao khẽ nảy lên, tuột khỏi tay tôi, rơi đánh “coong” xuống đất.
Tôi luýnh quýnh toan nhặt đao lên nhưng gã phất nhẹ tay áo, hất văng thanh đao đi chỗ khác. Tôi cáu tiết vung tay về phía gã, gã lập tức ghì chặt cổ tay tôi, trước khi nó kịp chạm vào vạt áo. Mắt cay sè, tôi nói:
- Không cứu thì huynh đi đi, sau này đừng gặp nhau nữa!
Cố Kiếm nhìn tôi trong chốc lát, sau đành buông tiếng thở dài rồi nói:
- Thôi đừng giận nữa, ta sẽ cứu muội ấy.
Tôi kiếm cớ đuổi hết người hầu trong phòng A Độ ra ngoài, rồi vẫy tay gọi Cố Kiếm đang đứng ngoài cửa sổ. Từ bên ngoài, hắn nhảy vọt vào trong mà không hề gây tiếng động. Kiểm tra vết thương xong, gã bảo tôi:
- Kẻ nào ra tay thật ác độc, đến kinh mạch cũng đứt gần hết.
Thấy tôi rùng mình sợ hãi, gã tiếp lời:
- Nhưng ta vẫn có cách.
Nói đoạn, mắt gã liếc qua tôi:
- Có điều, nếu ta cứu A Độ, muội định báo đáp thế nào đây?
Bụng dạ nóng như lửa đốt, tôi nói:
- Lúc này rồi mà huynh còn nói kiểu ấy! Huynh cứ cứu A Độ trước đi, cần bao nhiêu tiền bạc, tôi sẽ đưa.
Hắn khinh bỉ đáp:
- Ta cần tiền bạc làm gì? Muội coi thường ta quá đấy!
Tôi hỏi:
- Vậy huynh muốn gì?
Hắn cười cười:
- Trừ phi… trừ phi muội hôn ta.
Tôi suýt ngất xỉu, sao giống đàn ông lại thích gặm môi thế nhỉ?
Chẳng những Lý Thừa Ngân mà ngay cả gã cao thủ thoát tục Cố Kiếm này cũng vậy ư?
Tôi nghiến răng nghiến lợi tiến lại gần, ôm bờ vai gã, kiễng chân gặm môi gã một hồi.
Không ngờ hắn lại đẩy phắt tôi ra, gắt hỏi:
- Ai dạy muội cái trò này?
Tôi lấy làm khó hiểu:
- Gì cơ?
- Trước kia muội chỉ biết thơm má ta thôi, kẻ nào đã dạy muội? – Gã sầm mặt. – Lý Thừa Ngân?
Chỉ sợ gã giở chứng không chịu cứu A Độ nữa, tôi bèn bấm bụng không dám cãi nhau với hắn.
Mặt gã đanh lại:
- Muội để Lý Thừa Ngân hôn muội ư?
Lý Thừa Ngân là chồng tôi, chẳng lẽ lại không được hôn? Thực ra tôi rất sợ Cố Kiếm, sợ gã tức lên sẽ đi giết Lý Thừa Ngân. Gã gồng mình, chỉ e sẽ phát điên bất cứ lúc nào, sắc mặt cực kỳ khó coi, ánh mắt bám xoáy vào tôi.
|
Tôi cáu tiết, gắt lên:
- Chính huynh cũng nói rồi đấy thôi, xưa kia tôi đợi huynh ba ngày ba đêm, là do huynh không đến đấy chứ! Bây giờ thôi thì không nói tới việc tôi đã quên sạch mọi chuyện, nhưng giả sử tôi vẫn còn nhớ thì chúng ta cũng đâu thể ở bên nhau, tôi đã lấy người khác rồi. Nếu huynh tình nguyện cứu A Độ rồi thì mau cứu đi, còn không thì thôi, tôi cũng chẳng ép huynh, ngoài ra không bao giờ có chuyện tôi phản bội phu quân của mình. Con gái Tây Lương chúng tôi tuy không giống con gái Trung Nguyên đề cao trung trinh tiết liệt, nhưng tôi đã lấy Lý Thừa Ngân rồi thì chàng chính là chồng tôi, không cần biết chúng ta trước đây thế nào, bây giờ giữa tôi và huynh không còn gì nữa.
Cố Kiếm nghe xong liền giật lùi một bước, tôi có cảm giác trong đôi mắt ấy chứa đầy vẻ phẫn nộ và xót xa nào đó không nói lên lời chăng?
Song tôi bấm bụng mặc kệ tất thảy. Từ lâu tôi đã muốn nói để Cố Kiếm hiểu. Lý Thừa Ngân tử tế hay không, với tôi cũng thế cả thôi, tôi lấy hắn vì Tây Lương, hắn cứu tôi thoát chết trong gang tấc, thực lòng tôi không nên phản bội hắn.
Tôi nói:
- Thôi huynh đi đi, tôi không cần huynh cứu A Độ nữa.
Bất thình lình, gã buông tiếng cười;
- Tiểu Phong… thì ra đây là báo ứng.
Gã đỡ A Độ dậy, áp lòng bàn tay lên lưng A Độ, bắt đầu trị thương.
Trời sắp sập tối rồi mà Cố Kiếm vẫn mải chữa trị cho A Độ. Tôi ngồi án ngữ trước cửa, chỉ sợ có người xông vào quấy rầy bọn họ. Chỉ có điều mấy ngày rồi tôi không được một giấc ngủ ngon, tôi tựa vào cột trụ, mơ màng ngủ gật, may mà chỉ chợp mắt được chốc lát, sau cái cộc đầu vào cột thì tỉnh luôn. Thấy Cố Kiếm bước ra, tôi hỏi:
- Sao rồi?
Gã đáp một câu nhạt nhẽo:
- Chết sao được!
Tôi chạy vào xem A Độ đang nằm trên giường, sắc mặt muội ấy đã khá hơn, tôi bèn thở phào nhẹ nhõm.
Tôi luôn miệng cảm ơn Cố Kiếm, gã vẫn lầm lì không nói gì, sau đó rút từ trong ngực áo ra một bình thuốc rồi đưa tôi:
- Muội nói Lý Thừa Ngân bị thương rất nặng đúng không, thuốc này trị thương ngoài rất hiệu nghiệm, cho hắn dùng xem sao.
Chẳng hiểu sao bỗng nhiên gã lại tốt bụng đến thế. Chắc bởi mặt tôi thoáng vẻ ngờ vực, gã liền cười khẩy:
- Sao thế, sợ ta hạ độc hắn à? Vậy trả đây.
Tôi cuống quýt giấu bình thuốc vào ngực áo:
- Đợi hắn khỏe lại, tôi sẽ trả ơn huynh sau.
Cố Kiếm cười gằn, nói:
- Không cần cảm ơn ta, ta chưa định dừng lại đâu. Đợi hắn khỏe lại, ta mới đi giết hắn. Xưa nay ta không quen xuống tay với kẻ yếu thế, lúc hắn khỏi mới là lúc hắn mất mạng.
Tôi lè lưỡi với gã:
- Tôi biết huynh không làm thế đâu, đợi vết thương của hắn đỡ hơn, tôi sẽ mời huynh uống rượu.
Cố Kiếm không nhùng nhằng với tôi thêm nữa, phẩy tay một cái đã biến mất.
Mặc dù nói thế nhưng tôi vẫn đưa bình thuốc cho ngự y kiểm tra. Bọn họ lấy thuốc ra ngửi thử, ngắm thử, mãi vẫn không hiểu đó là thứ gì, cũng không dám cho Lý Thừa Ngân dùng bừa. Tôi do dự hồi lâu, sau mới trốn ra chỗ vắng, lấy một ít thuốc bôi thử lên cánh tay mình, ngoài cảm giác mát mát ra, tôi cũng chẳng thấy có gì khác thường, hôm sau thức giấc liền rửa sạch, da chỗ đó trơn láng, không vấn đề gì cả. Tôi thấy yên tâm phần nào, võ công của gã Cố Kiếm này rất cao cường, mấy kẻ cái thế chắc hẳn phải có một ít linh đơn thần dược, chưa biết chừng bình thuốc này là của hiếm. Sang ngày hôm sau, nhân lúc không ai để ý, tôi lén bôi ít thuốc lên vết thương của Lý Thừa Ngân.
Cũng không rõ vì thuốc này hiệu nghiệm hay thuốc do Thái y viện kê đã phát huy công hiệu, dẫu sao, đến xế chiều ngày thứ tư, Lý Thừa Ngân đã có dấu hiệu hạ sốt.
Ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm khi biết tin hắn hạ sốt. Có người khuyên tôi về chợp mắt một lúc. Tôi mơ màng chưa được bao lâu, Vĩnh Nương đã hốt hoảng gọi tôi dậy, bà ấy nói:
- Thái tử Điện hạ có chuyện rồi.
Tôi vội vàng qua tẩm điện của Lý Thừa Ngân, bên đó đã có không ít người. Thái y thấy tôi vào thì vội vã nhường đường, tôi bước đến bên giường, chỉ thấy sắc mặt Lý Thừa Ngân trắng nhợt, thở dồn dập từng cơn, miệng vết thương rỉ ra nhiều mủ, mà hắn vẫn hôn mê bất tỉnh, tuy cơn sốt đã thuyên giảm nhưng sao hơi thở càng lúc càng yếu ớt…
Thái y chẩn đoán:
- Phế[3] của Điện hạ bị thương, bây giờ phong tà phạm vào mạch, vô cùng nguy hiểm.
[3] Phế: phổi.
Bấy giờ, những người có mặt trong điện đều tỏ ra hoang mang, sợ hãi. Tôi không hiểu lắm, hay do thuốc trị thương có vấn đề? Hoàng thượng cũng phái người đến, song tất cả các thái y đều lực bất tòng tâm, chẳng còn cách nào khác. Thế mà lòng tôi lại yên ổn trở lại, tôi ngồi xuống chiếc ghế cạnh giường, nắm chặt tay Lý Thừa Ngân, bàn tay ấy lạnh lẽo, tôi dùng bàn tay mình ủ ấm tay hắn.
Thái y đang nói gì đó, tôi cũng chẳng để tâm. Đêm về khuya, trong điện thưa dần bóng người. Vĩnh Nương choàng thêm cho tôi một tấm áo khoác, lúc ấy tôi đang nhoài người bên giường Lý Thừa Ngân, ngắm nhìn hắn không hề chớp mắt.
Hắn cũng đẹp trai thật đấy, lần đầu tiên gặp Lý Thừa Ngân, tôi đã thấy hắn khá ưa nhìn. Cặp lông mày đen, rậm, sống mũi thẳng tắp, da mặt còn trắng trẻo như ngọc Hòa Điền, tuy trắng bóc nhưng không hề giống con gái, hắn trắng kiểu thư sinh, không thô sạm như da đàn ông Tây Lương của tôi. Khuôn mặt hắn có khí chất ôn hòa của sông núi Trung Nguyên, mang nét đặc trưng của đất Thượng Kinh…
Đột nhiên tôi nhớ tới một chuyện, liền bảo Vĩnh Nương:
- Sai người thả Triệu Lương đệ ra, bảo ả đến thăm Thái tử Điện hạ.
Tuy Triệu Sắt Sắt đã bị phế thành thứ dân nhưng tôi vẫn quen miệng gọi là Triệu Lương đệ. Vĩnh Nương chau mày, bối rối thưa:
- Bây giờ Đông cung đang náo loạn thế này, ả họ Triệu kia lại có liên quan tới Hoàng hậu… Nô tì thấy, chưa có chỉ thị của Bệ hạ, Thái tử phi không nên…
Rất ít khi tôi gắt lên với Vĩnh Nương:
- Bây giờ Lý Thừa Ngân đã ra nông nỗi này rồi, hằng ngày hắn yêu quý Triệu Lương đệ nhất, sao không để Triệu Lương đệ đến thăm hắn một lần? Vả lại Triệu Lương đệ bị vu oan cơ mà? Đã là vu oan, cớ sao không để ả đến thăm Lý Thừa Ngân?
Vĩnh Nương đã quen kiểu tôi lôi cả họ tên Lý Thừa Ngân này Lý Thừa Ngân nọ ra mà gọi, song vẫn còn bỡ ngỡ với thái độ gắt gỏng ra oai kiểu Thái tử phi của tôi, không khỏi lưỡng lự. Tôi đanh mặt tỏ vẻ kiên quyết, bà ấy bèn sai người đi.
Mấy ngày không gặp, Triệu Lương đệ gầy rộc đi. Trước đây ả vốn đầy đặn, nở nang, giờ đây héo hon đi nhiều. Ả mang thân phận thứ dân nên chỉ ăn mặc đơn giản, nom liễu yếu đào tơ. Ả quỳ xuống bái chào tôi xong, tôi nói:
- Điện hạ lâm trọng bệnh, gọi muội đến là để vấn an người.
Triệu Lương đệ ngẩng phắt lên nhìn tôi, nước mắt lưng tròng. Thấy ả khóc, cổ họng tôi cũng nghẹn ngào khó chịu, tôi nói:
- Muội vào đi, nhưng cũng đừng có khóc.
Triệu lương đệ quệt nước mắt, lí nhí thưa:
- Vâng!
Ả vào một lúc lâu, quỳ trước giường bệnh của Lý Thừa Ngân, về sau vẫn bật khóc nức nở, nước mắt ả rơi làm tôi thêm ngán ngẩm. Tôi ra bậc tam cấp ngoài cửa ngồi, ngước nhìn bầu trời.
Trời đêm đen tựa một màn nhung dát nạm đầy những vì tinh tú.
Tôi nghĩ mình thật đáng thương, như một kẻ thừa thãi.
Lúc ấy có người bước lại gần, khom mình vái lạy:
- Bẩm Thái tử phi!
Áo giáp trên người gã phát ra tiếng lanh lảnh êm tai. Thực ra lúc ấy tôi không muốn gặp bất kỳ ai, nhưng Bùi Chiếu từng cứu tôi mấy lần, tôi không nỡ phớt lờ, bèn cố nặn ra một nụ cười:
- Bùi Tướng quân đấy à?
- Gió đêm rất lạnh, xin Thái tử phi chớ ngồi ở nơi có gió lùa.
Nơi đây lạnh thật, tôi buộc lại áo khoác trên người, hỏi Bùi Chiếu:
- Ngươi đã có phu nhân chưa?
Bùi Chiếu thoáng ngẩn người:
- Tại hạ vẫn chưa thành thân.
- Trung Nguyên các ngươi luôn đề cao cái gọi là cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy. Thực ra như thế chẳng hay ho gì, người Tây Lương chúng ta, nếu đã tâm đầu ý hợp, chỉ cần bắt một đôi chim nhạn, lấy vải bố gói gọn, gửi sang nhà gái coi như dạm hỏi, chỉ cần con gái mình bằng lòng, cha mẹ cũng không nỡ ngăn cản. Bùi Tướng quân này, mai kia ngươi thành thân, nhất định phải lấy người mình yêu, không thì mình khổ, mà người kia cũng chẳng vui vẻ gì.
Bùi Chiếu nín lặng không đáp.
Tôi ngẩng đầu nhìn bầu trời đầy sao, ngậm ngùi thở dài:
- Ta thấy nhớ Tây Lương.
Thực ra tôi biết, không hẳn vì nhớ Tây Lương, mà do nỗi buồn đong đầy trong tim. Mỗi lúc buồn tôi lại nhớ về Tây Lương.
Bùi Chiếu cất tiếng ôn tồn:
- Nơi này gió lạnh, hay là Thái tử phi vào điện ngồi…
Tôi ỉu xìu:
- Thôi, tốt nhất đừng vào, Triệu Lương đệ đang ở trong đó. Nếu Điện hạ tỉnh lại, thấy ta vào phá đám, hẳn sẽ không vui. Bây giờ Điện hạ đang hôn mê bất tỉnh, cứ để Triệu Lương đệ ở bên người một lúc, nếu người biết, có lẽ sức khỏe sẽ khá hơn.
Bùi Chiếu thôi không nói gì nữa, lùi lại mấy bước, đứng kế bên tôi. Tôi không nói chuyện với Bùi Chiếu nữa mà chống cằm suy nghĩ, giả sử Lý Thừa Ngân tỉnh lại, biết Triệu Lương đệ bị oan, ắt hẳn sẽ vui mừng lắm. Lúc ấy Triệu Lương đệ được khôi phục thân phận, lúc ấy tôi lại trở thành kẻ “chướng tai, gai mắt” trong Đông cung.
Ít nhất tôi cũng khiến Lý Thừa Ngân thấy chướng mắt.
Lòng dạ tôi bồn chồn không yên, mũi chân di loạn xạ trên mặt đất. Không rõ bao lâu sau thì Vĩnh Nương đi ra, khẽ bẩm:
- Để Triệu Sắt Sắt nán lại lâu cũng bất tiện, nô tì sai người đưa thị về rồi ạ!
Tôi thở dài.
Vĩnh Nương đoán được ý tôi, lại rỉ tai tôi nói nhỏ:
- Xin Thái tử phi yên tâm, vừa nãy nô tì túc trực bên cạnh Điện hạ, ả họ Triệu kia sụt sùi từ đầu chí cuối, không nói năng gì.
Đâu phải tôi bận tâm những chuyện ả nói gì với Lý Thừa Ngân, dù ả không nói năng gì thì Lý Thừa Ngân vẫn yêu quý ả kia mà.
Bùi Chiếu khom người hành lễ với tôi:
- Hôm nay Thái tử phi đã vất vả nhiều rồi, xin người giữ gìn sức khỏe!
Tôi uể oải đứng dậy, nói:
- Vậy ta vào đây!
Tôi quay người bước vào điện sau cái vái chào của Bùi Chiếu. Chợt có cơn gió tạt ngang mang theo hơi lạnh buốt, vừa nãy có thế đâu nhỉ? Tôi chợt nghĩ, chắc lúc nãy nhờ có Bùi Chiếu đứng chắn ở đầu hướng gió.
Bất giác tôi ngoái lại nhìn, thấy Bùi Chiếu đã lui xuống bậc tam cấp, ánh mắt mải ngóng theo bóng lưng mình. Chắc gã bất ngờ vì tôi bỗng ngoảnh lại, bốn mắt nhìn nhau khiến gã có vẻ bối rối, vội nhìn lảng đi nơi khác, như thể vừa làm chuyện gì sai trái.
Song tôi chẳng bận tâm vì sao Bùi Chiếu lại kỳ quặc thế. Tôi bước vào điện, thấy mặt mày ai nấy đăm chiêu, ủ dột, tôi cũng không khỏi rầu rĩ.
Lý Thừa Ngân vẫn đang hôn mê bất tỉnh. Ngự y nói vòng vo mấy câu, tôi cũng hiểu ra phần nào, hắn cứ nằm im không tỉnh thế này, chỉ e khó mà qua khỏi.
Tôi cũng hết cách, không biết phải làm sao. Cánh tay Lý Thừa Ngân dặt ngoài lớp chăn bông, cánh tay xanh xao, nhợt nhạt. Tôi xoa bàn tay hắn, vậy mà vẫn lạnh ngắt.
Đã mấy ngày chưa được chợp mắt, người mệt mỏi, bải hoải, tôi ngồi xuống ghế gác chân, bắt đầu lải nhải tâm sự với Lý Thừa Ngân. Trước đây, chưa bao giờ chúng tôi trò chuyện, giữa hai người chỉ toàn lục đục và cãi vã. Lần đầu tiên mình gặp hắn là khi nào ấy nhỉ? Đêm tân hôn, hắn nhấc bỏ chiếc khăn trên đầu tôi, tôi trùm khăn suốt một buổi tối, bí bách đến khó chịu. Khăn voan được nhấc lên, trước mắt sáng lóa, ánh nến lung linh soi rọi khắp phòng, chảy tràn trên khuôn mặt, trên thân người hắn. Hắn mặc áo bào đen thêu rất nhiều hoa văn tinh xảo. Mấy tháng trước đó, dưới sự đôn đốc của Vĩnh Nương, tôi đã thuộc làu quyển Điển lễ, giờ đã hiểu đấy là chín chương[4] thêu trên áo đen và xiêm[5] cam. Năm chương trên áo gồm rồng, núi, chim trĩ, lửa, tôn di[6]; rau tảo, gạo trắng, phủ[7], phất[8] hợp thành bốn chương trên xiêm. Áo trung đơn[9] bằng sa trắng, cổ phủ[10], viền xanh đen, có soạn[11] và tà áo. Thắt đai da, móc vàng sáng chói, dây đai bản to, màu trắng không lót đỏ, viền đỏ xanh, khuy đan bện. Áo tế đồng màu với xiêm, gồm hai chương là núi và lửa.
|