Đông Cung (Phỉ Ngã Tư Tồn)
|
|
- Cháu chỉ là ăn nhầm…
Thái hoàng thái hậu mừng ra mặt:
- Tuyên ngự y mau! Chắc chắn tám phần là có tin vui, cháu đừng ngại! Đơm hoa kết trái âu là lẽ thường tình, có gì mà phải ngượng! Đúng rồi, truyền cả khâm thiên giám[3] nữa, cháu nói xem, đứa bé này nên đặt tên là gì nhỉ…
[3] Khâm thiên giám là cơ quan trông coi về thiên văn và việc làm lịch của các triều đình phong kiến.
Tôi… tôi… suýt thì nôn ra máu… Không ngờ Thái hoàng thái hậu lại nóng vội tưởng tôi có tin vui, nhưng vấn đề là… chúng tôi đã làm gì đâu mà có em bé chứ…
Ngự y chuẩn đoán tôi bị nhiễm lạnh, lại ăn phải cháo thịt hươu nên mới buồn nôn. Thái hoàng thái hậu tỏ vẻ thất vọng thấy rõ, quay sang hỏi đám người hầu:
- Thái tử đâu?
- Khởi bẩm, sắp tới đại lễ Nguyên thần nên hôm nay Điện hạ đã vào Trai cung[4]…
[4] Trai cung là nơi vua vào nghỉ ngơi trai giới trước khi làm tế lễ
Thái hoàng thái hậu đột nhiên nổi giận, dằn mạnh tay xuống bàn:
- Trai cung cái nỗi gì! Bất hiếu có ba tội, không có con nối dõi là tội lớn nhất! Phụ hoàng nó xưa kia, bằng tầm tuổi này đã là cha của ba đứa con trai! Nó hai mươi tuổi đầu rồi mà chưa lên chức cha! Triệu Lương đệ kia cả ngày quấn lấy nó, vậy mà đến quả trứng cũng không biết đẻ như thế nào! Lại còn ả Tự Bảo lâm nọ, đang yên đang lành có đứa con, nói mất là mất ngay được! Cứ thế này, bao giờ ta mới được bồng chắt? Lẽ nào nó muốn ta chết mà không nhắm được mắt?
Trước cơn thịnh nộ của Thái hoàng thái hậu, người trong điện vội quỳ sụp xuống, nơm nớp nói không thôi:
- Xin Thái hoàng thái hậu bớt giận!
Nhưng càng nói càng khiến Thái hoàng thái hậu bực tức:
- Người đâu! Tuyên Lý Thừa Ngân đến gặp ta! Ta không tin ta không nói nổi nó, càng không tin đến sang năm mà ta vẫn chưa có chắt bồng!
Thái Hoàng thái hậu chỉ đích danh cả họ lẫn tên Lý Thừa Ngân giống tôi. Có điều, Thái hoàng thái hậu gọi hắn tới để mắng mỏ, lúc về thế nào hắn cũng đổ cho tôi tội sàm tấu, chưa biết chừng chúng tôi lại có trận cãi vã nảy lửa rồi.
Cãi thì cãi, tôi chẳng sợ.
Nhưng thật không ngờ, Thái hoàng thái hậu lại nghĩ ra cách đó. Lý Thừa Ngân đến nơi, thay vì mắng nhiếc thậm tệ, Thái hoàng thái hậu lại ôn tồn hỏi:
- Tắm gội, xông hương rồi chứ?
Tắm gội, xông hương là những việc bắt buộc phải làm trước khi nhập Trai cung, Lý Thừa Ngân chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì, bèn đáp:
- Vâng ạ!
Thái hoàng thái hậu nói:
- Vậy thì tốt! Số cháu may lắm đấy, mấy ngày sau cháu không cần phải thanh tịnh ăn chay nữa, nói gì thì nói, liệt tổ liệt tông cũng không lỡ trách cứ. Người đâu, đưa Thái tử Điện hạ và Thái tử phi đến điện Thanh Vân, chưa có lệnh của ta, không được phép mở cửa!
Tôi ngẩn người, đám cung nữ cứ thế lôi lôi kéo kéo, bằng mọi cách phải đưa chúng tôi vào điện Thanh Vân. Cánh cửa đóng sầm lại, tôi ra sức đẩy, cánh cửa vẫn trơ lì không mở ra.
Lý Thừa Ngân lạnh lùng nguýt tôi, tôi quay ngoắt lại trừng mắt với hắn.
Hắn rít lên hai chữ qua kẽ răng:
- Đê tiện!
Tôi bực mình:
- Mắc mớ gì đến thiếp? Chàng mắng cái nỗi gì?
- Nếu nàng không huyên thuyên trước mặt Thái hoàng thái hậu thì làm gì có chuyện người bắt nhốt chúng ta?
Tôi tức mình mặc kệ hắn. May mà trong điện rất ấm áp, tôi ngồi xuống cạnh bàn, xòe bàn tay, thà chơi với ngón tay mình còn hơn cãi vã với hắn.
Chúng tôi bị nhốt nửa ngày trời, trông ráng chiều dần buông, có cung nữ đưa cơm canh, trà nước qua cửa sổ. Không đợi tôi kịp thốt lên, cửa sổ đã đóng sầm ngay trước mặt.
Thái hoàng thái hậu ắt đã cấm mọi người không được phép tiếp chuyện chúng tôi. Tuy đăm chiêu, ủ dột, song cơm thì vẫn phải ăn. Ngồi không nửa ngày, bụng đói cồn cào, lại còn có hai món mà tôi thích nữa chứ, tôi tự đơm cho mình một bát đầy, đánh chén ngon lành. Thoạt đầu, Lý Thừa Ngân ngồi yên không nhúc nhích, sau đó xem chừng cũng đói, vả chăng mâm cơm có bát bánh canh vừa miệng, bảo sao hắn cũng ăn no căng bụng.
No cơm ấm cật sinh… sinh ra… chán ngắt…
Tôi đi tới đi lui trong điện, cuối cùng nhặt mấy hòn sỏi trong bồn cây, bắt đầu bày trò chơi cờ một mình.
Chẳng rõ chơi được bao lâu, chậu sưởi trong điện không có người thay than, chỗ củi tàn cứ thế lụi dần.
May thay trong điện vẫn còn chậu nữa, tôi chuyển chỗ chơi lên giường, nằm trong chăn rất thoải mái, chỉ tiếc chưa chơi được bao lâu, nến cũng tắt luôn.
Ngoài sân có nến, tôi lập cập toan đi lấy, nhưng vừa đi được mấy bước đã thấy lạnh cóng, bèn kéo luôn cái chăn choàng lên người rồi mò ra ngoài. Thấy Lý Thừa Ngân ngồi ở đằng kia, tôi chùm chăn kín mít, lấy được nến liền tót vào luôn, rảo được mấy bước, nghĩ thế nào lại hỏi:
- Chàng ngồi đấy không thấy lạnh à?
Chẳng buồn liếc tôi lấy một cái, hắn rít lên hai tiếng:
- Không lạnh!
Ơ!
Sao giọng hắn lại run run thế nhỉ?
Một tay tôi túm chặt tấm chăn đang choàng, tay kia nâng giá nến lên soi mặt hắn, chỉ soi thôi chứ có làm gì đâu mà hắn cũng giật mình hoảng hốt.
Dưới tiết trời lạnh giá, trán hắn đẫm mồ hôi, mặt mũi đỏ gay như phát sốt.
- Chàng sốt đấy à?
- Không!
Thấy hắn run rẩy, tôi bèn đặt giá nến xuống, đưa tay sờ trán hắn. Hắn mà ốm thật thì còn gì bằng, chỉ cần hắn đổ bệnh, Thái hoàng thái hậu sẽ thả chúng tôi ngay lập tức.
Tôi mới khẽ chạm vào trán hắn thế thôi, hắn đã khẽ rên rỉ, cánh tay vươn ra tóm gọn tay tôi, kéo phắt tôi vào lòng. Đôi môi ấy nóng giãy, hắn hôn tôi trong cơn run rẩy, cứ ngấu nghiến khiến tôi không thở nổi. Hơi thở nóng bỏng của hắn phả vào mặt làm tôi ngờ ngợ, nhưng sự ngỡ ngàng ấy phụt qua rất nhanh, bất thình lình hắn đẩy tôi ra, nghiến răng nói:
- Trong canh có thuốc.
Thuốc gì? Canh gì có thuốc?
Sao có thể chứ! Thái hoàng thái hậu thương đứa cháu trai này lắm, làm gì có chuyện người cho hắn ăn mấy thứ linh tinh.
Vả chăng bát canh thừa còn nguyên trên bàn, tôi hít hà một hồi, ngửi chán chê vẫn chẳng thấy gì. Lý Thừa Ngân đột nhiên ôm chặt lấy tôi từ phía sau, hắn rà môi lên vành tai tôi.
- Tiểu Phong…
Toàn thân tôi bủn rủn trong vòng tay hắn, cũng không hiểu vì sao, vì những cái hôn nơi vành tai, hay là vì hắn đã gọi tên tôi…
Đây là lần đầu tiên hắn gọi tên tôi, trước đó toàn “ê”, “này”… Mà… sao hắn biết tên tôi nhỉ?
Lý Thừa Ngân xoay mặt tôi về phía hắn, hắn ngậm trọn vành môi, trao tôi sự nồng nàn trước nay chưa từng có, dường như hắn muốn nuốt chửng tôi xuống bụng. Cả người hắn nóng rực, tỏa hơi nóng rực như nồi nước sôi.
Tôi chợt hiểu ra thứ thuốc nào được bỏ vào canh.
Hả?
Á!
Ối!
Thái hoàng thái hậu ơi, người già mà không nên nết!
Vậy mà… mà… lại…
Tôi hộc máu mất thôi… Tôi không còn gì để nói nữa rồi… Tôi gọi trời trời không thấu, gọi đất đất không thưa…
Lý Thừa Ngân đã nhanh tay cởi bỏ quần áo của tôi, vừa cắn tới tấp, vừa đẩy tôi lên giường.
|
Hai chúng tôi vật lộn một hồi, chẳng mấy chốc tôi đã lép vế và bị lôi tuột lên giường. Tôi hốt hoảng nghĩ, không biết ngày mai hắn có hối hận không, Triệu Lương đệ của hắn mà biết lại chẳng làm ầm lên, và tôi nữa, lại chẳng đáng thương…
Mười tám món võ nghệ tôi đều giở sạch, thế mà quần áo trên người từng chiếc, từng chiếc cứ rơi xuống. Không chỉ cởi áo quần của tôi, ngay cả quần áo trên người mình, Lý Thừa Ngân cũng tự cởi bỏ. Tôi chẳng hiểu quần áo con trai thì cởi kiểu gì, hắn tuột nhanh như chớp, nhoáng cái đã đối diện với cơ thể trần trụi của nhau… Nhìn thế này liệu có bị đau mắt không nhỉ? Tôi chưa thấy Lý Thừa Ngân trong trạng thái thiếu vải bao giờ…
Thấy tôi láo liên đảo mắt, khóe môi Lý Thừa Ngân nhếch lên, hắn cười gian:
- Đẹp không?
Tôi trỏ tay vào hắn:
- Đồ lưu manh chết tiệt! Đẹp cái nỗi gì! Đừng tưởng ta chưa từng nhìn! Chưa từng ăn thịt heo nhưng ta nhìn heo chạy nhiều rồi!
Lý Thừa Ngân không tranh cãi với tôi, trái lại, còn hùa theo, hắn rót vào tai tôi ngọt xớt:
- Vậy… giờ có muốn thử trò heo chạy không?
- Hả!
Trong thời khắc ngàn cân treo sợi tóc ấy, tôi liền gào toáng lên:
- Sắt Sắt!
- Sắt Sắt cái gì!
Tôi lay cánh tay hắn:
- Sắt Sắt là chàng đấy! Nghĩ cho Triệu Lương đệ đi mà, chàng không thể có lỗi với muội ấy được! Chàng đừng phụ lòng muội ấy! Chàng thích muội ấy nhất cơ mà!
- Nàng là vợ ta, ta và nàng đường đường chính chính… Ta chẳng làm gì có lỗi với cô ta cả!
- Điện hạ có thích thiếp đâu!
Hắn rủ rỉ nói:
- Ta thích nàng! Ta thích nàng…
- Tại chàng uống nhầm thuốc thôi!
- Uống nhầm thuốc ta vẫn thích nàng. Tiểu Phong, ta thích nàng, thật đấy.
Thật không thể chịu nổi, đàn ông rặt một lũ cầm thú, đồ cầm thú! Chỉ uống nhầm có chút thuốc bổ vào người mà đã quên phắt Triệu Lương đệ. Mắt hắn lúng liếng nhìn tôi, chỉ thiếu chảy nước miếng nữa thôi. Tôi lay hắn:
- Chàng là thái tử, là thái tử kia mà! Nhịn mấy chuyện tầm thường này đi! Bình tĩnh nào! Đừng để một bước sa chân… Cái gì mà hận ấy nhỉ?
- Một bước xa chân muôn kiếp hận.
- Đúng rồi! Một bước xa chân muôn kiếp hận! Chịu đựng một chút… Vì Triệu Lương đệ… chàng phải giữ thân như ngọc chứ…
Giọng hắn nỉ non như chú cún con:
- Ta không muốn giữ! Sao nàng máu lạnh thế, vô tình thế, tàn nhẫn thế?
Tôi sởn da gà:
- Thiếp máu lạnh đâu! Vô tình đâu! Tàn nhẫn đâu!
- Có chỗ nào nàng không máu lạnh? Có chỗ nào nàng không vô tình? Có chỗ nào nàng không tàn nhẫn?
- Thiếp máu lạnh chỗ nào? Vô tình chỗ nào? Tàn nhẫn chỗ nào?
- Ở đây! Ở đây này! Đây nữa!
Mẹ ơi… Ngờ đâu hắn lại cắn… cứ cắn… Nhục chết mất thôi!
Tên đã lên dây, ngàn cân treo sợi tóc!
Tôi nghiến răng quyết tâm, chụp lấy chiếc gối sứ sau đầu nện cho Lý Thừa Ngân một cú. Trong lúc điên đảo thần hồn, quả nhiên hắn lơ là mất cảnh giác, trán hứng một cú trời giáng.
RẦM!
Ngất rồi!
Ngất thật rồi!
Trán Lý Thừa Ngân sưng to như quả trứng gà, tôi lóng ngóng ép chặt cái gối sứ vào chỗ sưng. Có lần tôi va đầu vào chốt cửa, đầu sưng vù, Vĩnh Nương từng dạy tôi một mẹo, bà ấy bảo cứ đội cái gối sứ lên đầu, hỏi thì bảo mấy vết sưng tấy sẽ nhanh tan.
Đến ngày hôm sau, cục u trên trán vẫn còn đấy, song hắn lại khoan thai trở mình, vừa tỉnh đã trợn mắt nhìn tôi:
- Nàng trói ta làm gì thế?
Tôi vỗ vào mặt hắn ra chiều an ủi:
- Kẻo “một bước sa chân muôn kiếp hận” chứ sao nữa? Chàng chịu khó đi! Chàng muốn lật người hả? Để thiếp giúp chàng.
Ngẫm ra, hắn nằm bất động cả đêm chắc cũng chẳng thoải mái gì, nhưng tôi trói chặt tay chân hắn bằng cái móc vàng dùng để mắc màn, muốn lật người e cũng khó. Tôi đành phải lấy hết sức bình sinh đẩy hắn nghiêng sang một bên, nhưng quá trình xê dịch thật khó khăn, loay hoay thế nào mà tôi ngã đè lên người hắn, tóc tai rối bù móc vào khuy cài màn, gỡ mãi không ra.
Đôi mắt hắn rừng rực như chực trào lửa:
- Nàng có thôi trèo lên người ta không thì bảo?
- Xin lỗi, xin lỗi nhé!
Tôi lúng túng gỡ tóc, mải gỡ nên không để ý hắn hôn mình. Nụ hôn trượt từ bờ vai lên cổ, những cái cắn khẽ đầy đê mê gợi cơn run rẩy kì lạ trong tôi.
- Cởi trói đi. – Hắn cắn vành tai tôi, nói khẽ. – Ta cam đoan không làm chuyện gì xấu xa đâu… Thả ta ra đi…
- Đời nào thiếp tin chàng!
Tôi không việc gì phải khách khí cả, bao năm đấu chọi với hắn rồi, có dùng đầu ngón chân nghĩ cũng biết chắc chắn hắn đang bày trò. Lần mò mãi mới gỡ được tóc, tôi nhổm dậy, không quên nguýt hắn một cái:
- Chàng ngoan ngoãn chịu đựng đi!
- Ta muốn…
- Chàng không được muốn!
- Ta cần lắm!
- Không được phép cần!
Hắn gầm lên:
- Nàng biết điều chút đi! Con người ta có ba cái mót! Sao nàng tối dạ thế? Ta muốn đi giải quyết!
Tôi ngớ ra, nói cũng phải, đúng là con người ta có ba cái mót. Lần trước ở Đông cung tôi cũng đã sốt vó cả lên, suýt nữa khóc đấy thôi. Ngẫm thấy cũng đồng cảm với hắn, dù sao không thể cấm hắn đi nhà cầu được.
Tôi tháo hai chiếc mắc màn đang quấn trên tay áo hắn nói:
- Đi đi!
Giải quyết xong, hắn liền quay về, đúng lúc cung nữ đẩy cửa bước vào, thấy quần áo ngổn ngang dưới đất, bọn họ đỏ bừng mặt. Lại nhìn vết sưng trên trán Lý Thừa Ngân, ánh mắt càng thêm kỳ quái. Cung nữ dâng nước cho chúng tôi súc miệng, lại hầu thay xiêm y, xong xuôi thì đoàn người lập tức rút lui. Đến thần tốc và rút lui chớp nhoáng, không quên khóa trái cửa.
Tôi điên mất, lại tiếp tục nhốt chúng tôi sao?
Bữa sáng dâng lên lại có món canh bỏ thuốc, Lý Thừa Ngân bực mình, gào qua ô cửa sổ:
- Cụ ơi… Cụ muốn hại cháu trai của cụ à?
Tôi thì chẳng sao, cùng lắm thì không ăn.
Lý Thừa Ngân không hề đụng đũa. Chúng tôi nằm dài trên giường với cái bụng lép xẹp, cũng bởi có mỗi giường là nơi ấm nhất.
Thái hoàng thái hậu thật quá đáng, thậm chí chậu than cũng không cho người đến thay.
Lý Thừa Ngân cũng chung tình với Triệu Lương đệ ghê gớm, thà chịu đói còn hơn một bước sa chân muôn kiếp hận…
Nhưng nằm mãi cũng chán, chúng tôi đành chơi cờ, khổ nỗi hắn thắng suốt, hắn nói chơi với tôi chẳng thú vị gì cả nên chán chẳng muốn chơi nữa. Đến tầm trưa, cả hai đã đói muốn chết, Lý Thừa Ngân vẫn hoạnh họe đòi tôi mua vui:
- Hát một bài cho ta nghe đi!
- Sao thiếp phải hát cho chàng nghe?
Lý Thừa Ngân nhổm dậy:
- Không hát chứ gì? Đã thế ta ăn bánh canh vậy.
Tôi níu chặt cánh tay hắn:
- Được! Được! Hát thì hát!
Mà tôi có biết hát bài nào khác đâu, hát đi hát lại mãi một bài:
“Có con cáo nhỏ cô đơn,
Ngồi trên cồn cát ngắm trăng một mình,
Cơ mà đâu phải ngắm trăng,
Cáo đang mong đợi cô nàng chăn dê.
Có con cáo nhỏ bơ vơ,
Ngồi trên cồn cát thẩn thơ sưởi mình,
Nào đâu cáo muốn sưởi mình,
Cáo đợi cô mình cưỡi ngựa đi qua.’’
Lý Thừa Ngân chê tôi hát dở, tôi hát được hai đoạn, hắn cấm tôi hát tiếp. Chúng tôi vẫn nằm dài trên giường, rỗi hơi liền tâm sự mấy chuyện trên trời dưới đất.
|
Cũng tại buồn tẻ quá nên Lý Thừa Ngân bắt đầu nói liên miên. Hắn kể toàn những chuyện trước nay tôi chưa từng nghe. Giờ thì tôi đã hiểu vì sao Đông cung lại gọi là Đông cung, rồi biết hóa ra hồi nhỏ tay Lý Thừa Ngân này cũng biếng ghê gớm, thậm chí hắn từng nhổ trộm râu của Bùi lão Tướng quân, thêm chuyện bà nhũ mẫu hắn yêu quý nhất qua đời năm ngoái vì bị bệnh khiến hắn buồn lòng một thời gian dài, và cả chuyện lúc nhỏ hắn hay gây gổ với con trai của Trung vương. Hắn còn tiết lộ thêm vài chuyện lùm xùm trong Hoàng cung, toàn mấy tin lạ tai, hóa ra Phổ vương Lý Thừa Nghiệp, em trai cùng cha khác mẹ với hắn thích đàn ông thật, rồi cả lý do Công chúa Vĩnh Ninh nằng nặc đòi xuất gia…
Có nằm mơ cũng chẳng ngờ, có một ngày tôi và Lý Thừa Ngân lại nằm dài trên giường nói chuyện phiếm với nhau.
Thậm chí còn nói chuyện sôi nổi không dứt ra được.
Tôi cũng kể vài chuyện mà mình mắt thấy tai nghe bên ngoài cung cấm mỗi lần lang thang ngoài phố. Đương nhiên Lý Thừa Ngân không ngờ kiến thức của tôi lại sâu rộng đến thế, chuyện nào cũng khiến hắn phấn khích, giật mình.
Lý Thừa Ngân hỏi:
- Nói tóm lại, nàng thấy heo chạy ở đâu?
Tôi ngẩn ra chưa kịp định thần:
- Heo nào?
Hắn tỏ vẻ bực bội:
- Nàng chẳng bảo, chưa ăn thịt heo nhưng đã thấy heo chạy rồi đấy thôi?
- À!
Tôi phấn khích bật dậy, khoa tay múa chân miêu tả phường Minh Ngọc cho hắn nghe. Qua lời kể của tôi, phường Minh Ngọc được tâng thành chốn bồng lai tiên cảnh giữa nhân gian, là nơi trú ngụ của một bầy tiên nữ thông thạo đàn ca sáo nhị, thơ từ ca phú, không gì không biết, không gì không tường…
Sắc mặt hắn chuyển sang tối sầm:
- Nàng dám đến kỹ viện à?
- Kỹ viện gì chứ, đó là phường Minh Ngọc!
- Đường đường là Thái tử phi của thiên triều, lại mò tới kỹ viện!
Trời đất ơi, cái miệng của hắn cứ bô bô, lỡ vách nhà có tai thì sao! Tôi bổ nhào đến, bịt miệng hắn, quýnh quáng nói:
- Đừng có gào lên! Gào cái gì! Thiếp chỉ đi mở rộng tầm mắt thôi, có làm gì xấu xa đâu!
Lý Thừa Ngân liếc xéo tôi, ú ớ nói dưới sức ép của tay tôi:
- Ừ… i… àng… a… ới… ông… (trừ phi… nàng… ta… mới… không)
Đừng bảo lại muốn gặm môi nhé?
Sao bọn đàn ông lại xấu tính thế nhỉ?
Tôi hậm hực nói:
- Hôm qua chàng đã hôn thiếp mấy lần rồi, chúng ta chẳng nợ nhau gì cả.
Lý Thừa Ngân phanh ngực áo, chỉ vào vết sẹo ở ngực:
- Thế cái này thì tính sao? Nàng định trả thế nào đây?
Trông vết sẹo hồng hồng ấy, tôi không khỏi chột dạ:
- Tại tên thích khách đâm đấy chứ, có phải thiếp đâm đâu.
- Tại cứu nàng cả đấy! Ta mà không đẩy nàng ra thì nàng đã chết dưới kiếm của hắn rồi.
Tôi cứng họng bởi những gì hắn nói hoàn toàn là sự thật, song vẫn cố cãi cùn:
- Thế giờ chàng muốn gì?
- Lần sau nếu nàng đến phường Minh Ngọc, phải dẫn ta theo.
Tôi hãi hùng, rướn giọng bảo:
- Chàng… chàng… Đường đường là Thái tử của thiên triều, lại mò tới kỹ viện!
Lần này đến lượt Lý Thừa Ngân bổ nhào đến bịt miệng tôi, quýnh quáng nói:
- Đừng có gào lên! Gào cái gì! Ta chỉ đi mở mang tầm mắt thôi, có làm gì xấu xa đâu!
Tôi buồn ra mặt:
- Đang bị nhốt thế này, đi phường Minh Ngọc chơi kiểu gì… Thái hoàng thái hậu định giam chúng ta đến sang năm sao?
Lý Thừa Ngân nói:
- Lo gì, ta có cách!
Không cách nào tệ hơn cách của hắn, hắn dám xúi tôi giả bệnh.
Tôi giả bệnh thế nào được chứ?
Từ nhỏ tới lớn tôi khỏe như ngựa, mới ốm một lần từ hồi đến Thượng Kinh. Bảo tôi giả bệnh, tôi biết phải giả thế nào?
Lý Thừa Ngân nói tôi cứ nằm im một chỗ là được, nhưng khổ nỗi, chỉ được một lúc là tôi lại phá lên cười. Lý Thừa Ngân sốt ruột nói:
- Nàng không làm được thì để ta làm!
Hắn đóng kịch mới khéo làm sao, vừa vật ra giường đã duỗi thẳng đơ rồi nằm bất động.
Tôi chạy xộc ra cửa sổ, gào lên thất thanh:
- Người đâu! Thái tử Điện hạ ngất rồi! Có ai không…
Sau mấy câu gào, cửa điện mới chịu mở toang, nhiều người hớt hải ùa vào, nội quan tất tả đi truyền ngự y, phen này kích động đến cả Thái hoàng thái hậu thật rồi.
Ngự y bắt mạch hồi lâu, sau cũng kết luận Lý Thừa Ngân mạch phù, tỳ khí hư.
Hai ngày không hạt cơm bỏ bụng, bảo sao tỳ khí hư. Nhưng Thái hoàng thái hậu nào có nghĩ thế, người đinh ninh Lý Thừa Ngân ngất vì kiệt sức. Dù người già không nên nết thì cũng không nỡ nhốt chúng tôi lâu hơn nữa.
Tôi được tiễn về Đông cung, song Lý Thừa Ngân lại xui xẻo bị đưa vào Trai cung, dù gì mai cũng phải làm lễ tế trời. Dẫu đã về tới Đông cung nhưng tôi cũng bận tối mắt tối mũi. Bệ hạ không để Cao Quý phi đứng ra lo liệu đại lễ Nguyên thần, mà việc ấy tạm thời do tôi đảm nhiệm.
Tết nhất bận túi bụi, người tôi lúc nào cũng mệt bã thành ra chẳng thấy thích thú chút nào.
Cái đáng lo nhất bây giờ là đại lễ Nguyên thần, tuy có Vĩnh Nương và Cao Quý phi phụ giúp, nhưng tôi cũng phải bỏ rất nhiều thời gian và công sức để học thuộc bài lễ tiết rườm rà ấy, chưa kể lễ lạt, yến tiệc này nọ lũ lượt kéo tới…
Hằng tối, tôi mệt đến nỗi gà gật cả trong lúc tẩy trang. Thế rồi sáng nào cũng như sáng nào, trời tờ mờ chưa tỏ mặt nhau đã bị Vĩnh Nương đánh thức để trang điểm. Trước kia có Hoàng hậu, tôi chẳng phải lo chuyện gì, giờ thì khổ không biết để đâu cho hết. Ngày nào tôi cũng phải gặp rất nhiều người, có quen lẫn không quen, phải nhận lễ của họ, phải trệu trạo nhai những bữa cơm chán ngắt, tuần rượu nào nghe nữ quan xướng tên, tôi lại phải đứng lên trình bày một bài chúc mừng lấy may, kế đó phải xem mấy bài múa hát nhạt nhẽo, nghe mấy vị mệnh phụ nội ngoại cười nói líu lo.
Bữa yến duy nhất có thể coi là thú vị chỉ có hôm mùng Năm. Hôm đó, tất cả dâu mới trong thiên hạ đều về thăm đằng ngoại, và Hoàng thất thiết yến mời tất thảy các công chúa tới tham dự. Chủ tiệc là hai em gái của Hoàng đế Bệ hạ, sau đó lần lượt là mấy vị trưởng công chúa, đều là cô của Lý Thừa Ngân. Mở màn có Trưởng công chúa Bình Nam đến mời rượu tôi. Tuy tôi là lớp hậu bối, nhưng trước mắt ngôi vị Hoàng hậu còn bỏ ngỏ, Thái tử phi tôi tạm thời trở thành nữ chủ nhân của hoàng thất.
Tôi nhấp ngụm rượu, đích thân Vĩnh Nương đỡ Công chúa Bình Nam đứng dậy, tôi mới sực nhớ ra, bà ấy chính là mẫu thân của Bùi Chiếu đây mà.
Bùi Chiếu và bà ấy chẳng được mấy nét giống nhau.
Bất giác tôi đảo mắt tìm Công chúa Lạc Hy, chính là cô gái mặc áo chim trĩ đang ngồi đằng kia. Trước kia tôi thật sự không để ý đến Lạc Hy lắm, chung quy cũng tại hoàng thất có quá nhiều công chúa, tôi và các Công chúa không mấy khi gặp gỡ, nhiều người tôi thấy chẳng khác gì nhau. Lần này vì Bùi Chiếu nên tôi mới chăm chăm để ý Công chúa Lạc Hy. Cô ấy không chỉ xinh xắn mà còn tao nhã, mà không ngờ, trông Lạc Hy và Trưởng công chúa Bình Nam hệt như mẹ và con gái. Theo thông lệ cung đình, tiệc rượu thường có tiết mục ngâm thơ, vịnh phú. Vĩnh Nương đã sắp sẵn người viết hộ tôi ba bài Mừng thái bình đâu vào đấy, tôi chỉ việc ngâm nga theo những gì đã thuộc là xong. Công chúa Lạc Hy làm một bài Khúc hát thanh bình, trong đó có nhiều chữ tôi chẳng biết chứ đừng nói xa xôi đến việc hiểu ý thơ. Ai nghe xong cũng trầm trồ khen thơ tôi làm hay, còn Công chúa Lạc Hy chỉ xếp hạng nhì. Bấy giờ tôi nghĩ bụng, có lẽ đàn ông thích một người vợ lá ngọc cành vàng, dịu dàng, nhã nhặn, đa tài đa nghệ như Lạc Hy, nói chung rất xứng với Bùi Chiếu.
Cũng có thể vì quá mệt mỏi nên tôi thấy Tết năm nay chẳng có gì vui vẻ cả. Bẵng đi mấy ngày không thấy bóng dáng Lý Thừa Ngân, nghe nói hắn làm lành với Triệu Lương đệ rồi, hai người lại mặn nồng như xưa. Tự nhiên tôi thấy chạnh lòng, dù sao cả tháng Giêng chỉ có ngày rằm là khiến tôi háo hức nhất.
Tôi thích Thượng Kinh âu cũng bởi tết Nguyên tiêu.
|
Chương 06
Thượng Kinh vào dịp tết Nguyên tiêu được miêu tả thế này: hoa đăng mười dặm, lầu cao chín tầng, pháo rộ tám phương, Thất Tinh bảo tháp, sáu phường rộn rã, ngũ tự rền vang, bốn cổng mở toang, Tam Doãn hân hoan, đôi lứa sánh vai, một đời yên ổn. Phải mấy ngày nữa mới là rằm tháng Giêng nhưng phố phường đã nhộn nhịp chăng đèn kết hoa, con phố Chu Tước trải dài mười dặm cũng không phải ngoại lệ. Đèn được làm khéo léo vô cùng, cứ ba bước một cảnh, năm bước một màu, nào đèn sơn thủy, nào đèn nhân vật, chim trời cá nước từ to đến nhỏ, muôn hình vạn trạng, rực rỡ sắc màu, chất đầy núi, lấp đầy sông, nom đến hoa cả mắt, đẹp vô cùng. Đêm Nguyên tiêu, Thượng Kinh không cấm pháo bông, nhất là ở tháp Thất Tinh, nơi ấy là tháp gạch, địa thế lại cao, nhiều xưởng pháo nổi tiếng thường chọn tháp Thất Tinh làm địa điểm luân phiên bắn pháo, hay còn gọi là “so hoa”. Lúc đó, người dân khắp Thượng Kinh sẽ được chứng kiến một cảnh tượng vô cùng ngoạn mục. Tết Nguyên tiêu cũng là dịp để tiểu thư khuê con nhà các công khanh[1] thuộc sáu phường được phép ra ngoài bát phố. Đêm đó, con gái ở Thượng Kinh sẽ nô nức rủ nhau xuống phố ngắm đèn, ngắm người. Sau tiếng chuông cầu quốc thái, dân an của chùa Ngũ Phúc, bốn cổng thành chính nam, chính bắc, chính đông, chính tây của Thượng Kinh sẽ đồng loạt rộng mở, không cấm người đi lại, dân chúng vùng nông thôn cũng có thể vào thành ngắm hoa đăng. Còn núi Tam Doãn chính là nơi cầu duyên thiêng nhất trong thành, nghe truyền đạo quán trên núi Tam Doãn có từ đường thờ Nguyệt Lão, phàm là nam nữ độc thân mà đến đó dâng hương vào ngày rằm tháng Giêng ắt sẽ thiêng. Đôi ngả song quy vốn là tập tục của Thượng Kinh, những chị em đã yên bề gia thất vào ngày này chắc chắn phải đi ngắm hoa đăng cùng phu quân của mình để thỉnh cầu một năm mới bình an, thịnh vượng, còn những người chưa thành thân thì cũng sớm gặp được ý trung nhân. Tết Nguyên tiêu còn là dịp để nam thanh nữ tú hẹn hò gieo duyên mà vẫn trong phạm vi cho phép của lễ giáo.
[1] Công khanh: viết tắt của tam công cửu khanh, tức ba chức quan đầu chiều và chín chức quan phụ trách các công việc khác nhau.
Tết Nguyên tiêu năm ngoái, tôi và A Độ đến Tam Doãn ngắm đèn lồng, chen chúc đến nỗi tuột cả giày. Nghe đâu tối hôm đó, số giày bị thất lạc lên đến mấy nghìn đôi, sau này, những đạo sĩ trên núi Tam Doãn quét dọn, thu gom đống giày ấy quyên cho người nghèo, phải huy động mấy chiếc xe lớn mới kéo hết.
Năm nay bụng bảo dạ phải lấy dây da quấn ủng cho chặt kẻo lại tuột mất. Một ngày náo nức như thế, đương nhiên không thể thiếu tôi rồi.
Hôm Mười bốn tháng Giêng, mớ bòng bòng yến tiệc bái yết cuối cùng cũng tạm vãn, tôi tranh thủ trốn việc về Đông cung đánh một giấc say sưa, lấy tinh thần đi chơi tết Nguyên tiêu. Đang ngủ say thì bị Vĩnh Nương gọi dậy:
Tôi vẫn gật gà liêu xiêu, vừa ngáp vừa hỏi:
- Lại gì thế?
- Người ta tìm thấy một tấm bùa gỗ dưới gầm giường của Tự Bảo lâm, nghe nói đồ yểm bùa, ghi ngày sinh tháng đẻ của Triệu Lương đệ. Giờ Triệu Lương đệ bắt Tự Bảo lâm, đôi bên đang hầu ngoài điện, muốn mời Thái tử phi đứng ra xử trí.
Đang mệt và buồn ngủ, tôi càng thêm bực mình:
- Thật nhiều chuyện! Có mỗi khúc gỗ cũng làm ầm cả lên, lại còn đương ngày Tết! Tự Bảo lâm có ngốc đâu, vả lại khúc gỗ thì rủa chết được Triệu Lương đệ chắc? Ả vẫn sống sờ sờ ra đấy thôi!
Vĩnh Nương nghiêng nét mặt, nói:
- Bùa ngải vốn là thứ cấm kỵ. Có lẽ Thái tử phi không biết, mười năm trước, Trần Trưng vì làm bùa yểm thánh thượng mà bị tử hình, tru di cả nhà. Thiên triều ta buổi đầu lập quốc có Ngô hậu bị phế thành thứ dân cũng tại làm bùa yểm Hứa phi, thậm chí con trai ruột cũng không được phép phong vương…
Tôi sợ nhất Vĩnh Nương đem những chuyện từ mấy trăm năm trước ra giảng giải, thật khiến tôi đau đầu. Tôi đành bật dậy, gọi cung nữ hầu thay xiêm y, gấp gáp rửa mặt, chải đầu. Vĩnh Nương thưa:
- Tuy chuyện Tự Bảo lâm đặt bùa có phần khó tin, nhưng dù sao Thái tử phi cũng phải hết sức cẩn thận, chớ để mắc mưu.
Tôi thành thật hỏi:
- Theo bà, ta nên giải quyết thế nào?
Vĩnh Nương bẩm:
- Đáng lẽ Thái tử phi nên tìm cớ thoái thác, rồi tấu lên Hoàng hậu để người phán xử, hiềm nỗi hiện nay ngôi vị Hoàng hậu còn bỏ ngỏ, lại đương ngày Tết, không phải lúc thích hợp để bàn những chuyện không may mắn. Nô tì thiết nghĩ, Thái tử phi đừng ngại tấu chuyện này với Thái tử Điện hạ để người tự cân nhắc, quyết định.
Tuy không nói gì nhưng tôi tự nhủ, vụ này mà giao cho Lý Thừa Ngân thì Tự Bảo lâm bị khép tội là cái chắc.
Triệu Lương đệ là người thương của hắn, bất chấp phải trái thế nào, kiểu gì hắn cũng nổi giận khiến Tự Bảo lâm phải chịu oan ức. Mà Tự Bảo lâm cũng tội nghiệp, Lý Thừa Ngân vốn chẳng ưa gì nàng ấy, lần trước vào cung thăm nom thấy cô ấy khóc mãi, lần này xảy ra chuyện, cô ấy đành ngậm đắng nuốt cay chứ biết làm sao? Tôi nghĩ mãi, chỉ thấy không đành lòng.
Thấy tôi đăm chiêu, Vĩnh Nương liền tiếp lời:
- Bẩm nương nương, giữa chốn ao tù nước đục này, người nên lo cho mình trước.
Tôi gắt lên:
- Lo cho mình tức là bảo ta mặc kệ Tự Bảo lâm, để Lý Thừa Ngân tự xử trí sao? Ta không muốn!
Vĩnh Nương định khuyên thêm mấy câu, tôi liền sửa sang tay áo, nói:
- Truyền Triệu Lương đệ và Tự Bảo lâm vào!
Vĩnh Nương là người nắm vững cung quy, lại thêm mấy chục năm giáo dưỡng, lần nào tôi giở thói ngang tàng của Thái tử phi, cuối cùng, Vĩnh Nương cũng đành bất lực, phải cung kính vâng lời.
Gặp tôi, Triệu Lương đệ vẫn tỏ vẻ kính cẩn, quỳ lạy theo đúng quy cách. Tôi sai Vĩnh Nương dìu ả dậy, ban ngồi.
Nhưng Tự Bảo lâm vẫn quỳ dưới sàn, nom gò má đỏ ửng, mắt cũng đỏ hoe, hình như vừa khóc.
Tôi hỏi cung nữ:
- Sao không đỡ Tự Bảo lâm dậy?
Đám cung nữ không dám trái lời, liền vội vàng vực Tự Bảo lâm dậy. Tôi nói bâng quơ:
- Hôm nay nắng đẹp, hai tỷ muội rủ nhau đến chúc Tết ta đấy à?
Có vậy thôi mà khiến mặt Triệu Lương đệ đỏ bừng rồi lại trắng nhợt.
Đáng ra, theo quy định của Đông cung, mùng Một đầu năm bọn họ phải mặc trang phục hoàng tộc đến khấu đầu vấn an tôi, hiềm vì Lý Thừa Ngân chỉ lo tôi gây khó dễ với Triệu Lương đệ nên suốt ba năm qua, hắn không bao giờ để ả tự mình lại tẩm điện của tôi, tục lệ bị bãi bỏ từ đó. Giờ nghe tôi nói thế, chắc Triệu Lương đệ nghĩ tôi đang mỉa mai ả. Nhưng thực ra hôm đó trong cung bận bịu tổ chức đại lễ Nguyên thần, mãi khuya tôi mới được về Đông cung, làm gì có thời gian để bày vẽ lễ tiết này nọ, thậm chí Tự Bảo lâm cũng chẳng đến khấu đầu.
Bấy giờ tôi nào có nghĩ xâu xa thế, sau này nhờ Vĩnh Nương thủ thỉ tôi mới hay. Lúc đó chỉ thấy sắc mặt Triệu Lương đệ là lạ, cứ ngỡ tại mình tỏ vẻ hòa nhã với Tự Bảo lâm, tôi bèn vỗ về Tự Bảo lâm mấy câu rồi sai người đưa khúc gỗ kia lên.
Bùa ngải vốn bị coi là vật ô uế nên tấm gỗ kia được đặt trên khay, do cung nữ bưng tới, Vĩnh Nương không để tôi phải chạm tay vào. Tôi ngắm nghía tám chữ ngày sinh tháng đẻ được khắc rõ ràng trên đó một hồi mà chẳng thấy gì, bỗng dưng nhớ ra một chuyện:
- Sao đột nhiên lại lục soát gầm giường của Tự Bảo lâm?
Tôi vừa dứt lời, mặt Triệu Lương đệ thoắt biến sắc vẻ khó hiểu.
Chuyện là con chó do Triệu Lương đệ nuôi tự dưng chạy đi đâu không rõ, cung nữ tìm khắp nơi không thấy, có người thấy thì bảo nó chạy vào sân viện của Tự Bảo lâm, thế là người của Triệu Lương đệ liền xộc vào tìm. Tự Bảo lâm khăng khăng không thấy con chó nào chạy vào đây cả, nhưng cung nữ hầu hạ Triệu Lương đệ không tin, làm ầm ĩ cả lên, nhốn nháo chạy đi lục soát, chẳng ngờ thay vì tìm ra chó, lại thấy tấm bùa này.
Triệu Lương đệ thưa:
- Xin Thái tử phi giúp thần thiếp phân xử vụ này.
Tôi hỏi Tự Bảo lâm:
- Rốt cuộc thứ này ở đâu ra?
Tự Bảo lâm quỳ sụp xuống:
|
- Thần thiếp quả thật không rõ, xin Thái tử phi minh xét.
- Đứng lên, đứng lên đi!
Tôi vốn ghét những người hở một tí là quỳ, bên quay sang nói với Triệu Lương đệ:
- Có lửa thì mới có khói, Tự Bảo lâm sao phải đi yểm bùa muội? Ta cảm thấy chuyện này không đơn giản…
Triệu Lương đệ lạnh lùng lên tiếng:
- Chứng cứ rành rành ra đó, Thái tử phi nói vậy, phải chăng có ý thiên vị Tự Bảo lâm?
Ả đốp lại chẳng kiêng nể gì, mắt long lên vẻ đờ đẫn. Không đợi tôi lên tiếng, Vĩnh Nương đã thưa:
- Ý của Thái tử phi là phải điều tra nguyên do rõ ràng, không hề có ý thiên vị, mong Lương đệ ý tứ ngôn từ.
Ả ta đứng phắt dậy, vái tôi rồi nói:
- Vậy thần thiếp sẽ chờ Thái tử phi điều tra rõ ràng vụ này, chỉ mong sớm có ngày cháy nhà ra mặt chuột, đến lúc đó mong Thái tử phi sẽ cho thần thiếp một lời giải thích rõ ràng.
Ngừng một lát rồi ả tiếp lời:
- Thần thiếp xin được cáo lui!
Rồi không lằng nhằng thêm nữa, cũng chẳng đợi tôi đồng ý, ả đã nghênh ngang dẫn người bỏ đi.
Vĩnh Nương tức mình, nói:
- Há lại như thế, mạo phạm đến thế là cùng!
Tôi không nói gì, Triệu Lương đệ ghét tôi cũng phải thôi, tôi cũng chẳng ưa gì ả.
Tự Bảo lâm quỳ dưới sàn từ nãy đến giờ, rụt rè đưa mắt nhìn tôi. Tôi thở dài, đích thân đỡ cô ấy dậy, hỏi:
- Kể ta nghe đầu đuôi chuyện ngày hôm nay, xem rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì.
Dường như Tự Bảo lâm vẫn chưa hết bàng hoàng, cho đến khi Vĩnh Nương sai người rót trà nóng, cô ấy chậm rãi nhấp môi, sau đó mới nói được ngọn ngành.
Nơi Tự Bảo lâm sống vốn khuất nẻo. Tết này, trong cung ban thưởng theo thông lệ. Với tôi và Triệu Lương đệ thì những món ấy chẳng đáng là bao, nhưng với Tự Bảo lâm âu cũng là những vật quý hiếm. Tự Bảo lâm vốn chân chất, hiền lành, hai cung nữ tôi sai tới lại rất mực ngoan ngoãn, nghe lời, Tự Bảo lâm mới dấm dúi lấy bánh trái chia cho họ ăn. Mà vật ngự ban không được phép biếu tặng kẻ khác, nên đành phải lén lút khóa trái cửa, phòng có người đi qua bắt gặp.
Đúng lúc đó, người của Triệu Lương đệ bất thình lình gõ cửa, bọn họ giật mình hốt hoảng, thấy chột dạ nên mới vừa giữ cửa vừa hớt hải giấu chỗ bánh trái kia đi. Người của Triệu Lương đệ vừa xộc vào đã sục sạo khắp nơi, Tự Bảo lâm chột dạ, kiên quyết không để bọn họ xông vào làm bừa, nhưng đám người Triệu Lương đệ phái đến chẳng biết nể nang ai, đôi bên lời qua tiếng lại, chẳng mấy chốc đã thành cãi cọ ầm ĩ. Người hầu của Triệu Lương đệ xưa nay quen thói không làm thì thôi, đã làm phải làm tới cùng, thế là chúng xới tung cả phòng của Tự Bảo lâm, chẳng ngờ chó thì không thấy, lại thấy tấm bùa nằm dưới gầm giường của Tự Bảo lâm. Phen này đúng là chọc phải tổ ong vò vẽ rồi, đám tay chân của Triệu Lương đệ, người quay về bẩm báo với chủ nhân, kẻ giam lỏng Tự Bảo lâm lẫn hai cung nữ kia. Triệu Lương đệ vừa nhìn thấy tấm bùa, giận đến run rẩy cả người, chẳng nói chẳng rằng liền lôi thẳng Tự Bảo lâm đến gặp tôi.
Tự Bảo lâm nước mắt lưng tròng:
- Thần thiếp quả thực không biết thứ đó ở đâu ra… Xin Thái tử phi minh xét…
Minh xét cái nỗi gì… Hai người bọn họ trời chẳng chịu đất, đất chẳng chịu trời, xoay tôi mòng mòng như thế này thì tôi còn minh xét cái gì được nữa, song khúc gỗ này hẳn không phải từ trên trời rơi xuống. Tôi hỏi Tự Bảo lâm:
- Đồ ở ngay dưới gầm giường, lẽ nào muội không biết ai đặt vào đó hay sao?
Tự Bảo lâm tưởng tôi hạch tội, giật mình quỳ phịch xuống:
- Bẩm nương nương, thần thiếp tự biết thân biết phận, tuyệt đối không có ý tranh giành với ai, nào dám oán rủa gì Lương đệ…
Trông sắc mặt Tự Bảo lâm tái mét vì sợ, tôi liền bảo:
- Ta không có ý đó, ta chỉ muốn nói, không phải tự dưng vật này lại ở ngay dưới gầm giường của muội. Cả ngày muội quanh quẩn trong phòng, hai cung nữ kia ngày qua ngày ở bên hầu hạ, dạo gần đây có kẻ nào khả nghi ghé qua chỗ muội, hoặc có chuyện gì đáng ngờ không?
Tự Bảo lâm nghe thế mới dần trấn tĩnh lại, vắt óc nhỏ lại xem có chỗ nào đáng nghi.
Sau một hồi ngẫm nghĩ, cuối cùng vẫn thưa:
- Thần thiếp không nhớ ra có kẻ nào khả nghi…
Thôi, Tự Bảo lâm thì có khác gì tôi, cùng dạng đểnh đoảng.
Tôi có thiện ý an ủi cô ấy vài câu rồi cho lui. Thấy Tự Bảo lâm vẫn bán tín bán nghi, tôi bèn nói:
- Năm dài tháng rộng, sẽ có ngày sự thật được phơi bày, không phải sợ, đợi sau rằm hãy tính.
Cô ấy trông tôi có vẻ tự tin, đoán chừng tôi đã chắc chắn mọi chuyện mới trịnh trọng vái chào tôi rồi lui về.
Vĩnh Nương hỏi:
- Thái tử phi đã có diệu kế để tìm ra hung thủ của vụ án này chăng?
Tôi ngáp dài:
- Ta thì có kế gì, mấy vụ như thế này ta không biết gì đâu.
Vĩnh Nương dở khóc dở cười, lại hỏi:
- Vậy Thái tử phi định giải thích thế nào với Triệu Lương đệ?
Tôi trợn mắt nhìn bà ấy:
- Có phải ta đặt bùa dưới gầm giường đâu, việc gì ta phải giải thích với ả?
Vĩnh Nương nghe tôi nói mà khóc dở mếu dở, cằm rằm khuyên tôi mãi, nhưng tôi buồn ngủ díp mắt, chẳng nghe được mấy câu đã vẹo đầu ngủ khì.
Đang say giấc nồng, bỗng nhiên có người xốc tôi dậy. Nói thực, tôi vẫn đang mơ màng ngái ngủ. Tuy Vĩnh Nương thường xuyên sai người kéo tôi ra khỏi giường, nhưng chí ít cũng phải vừa ẵm vừa đỡ, chứ đâu xấc xược như người này.
Tôi hé mắt nhìn. Ối, là Lý Thừa Ngân! Hắn không chỉ xốc tôi dậy mà còn lên tiếng:
- Nàng vẫn ngủ được cơ à?
Thôi, tôi xong rồi!
Nhất định ả Triệu Lương đệ kia đã mách lẻo gì với hắn rồi, chẳng trách giờ hắn hoạch họe tôi. Tôi xẵng giọng:
- Có gì mà không ngủ được! Chuyện Tự Bảo lâm chưa điều tra rõ chứ sao, Điện hạ gào lên phỏng ích gì!
|