Đông Cung (Phỉ Ngã Tư Tồn)
|
|
Doãn Ngụy lập tức rảo bước thoái lui, không kịp hành lễ. Tôi nghe tiếng hắn dặn dò ai đó ở hành lang, rồi tiếng bước chân gấp rút cứ thế xa dần, thêm vài kẻ lục tục chạy ra ngoài. Qua một lúc hắn mới tiến vào, bẩm:
- Xin Điện hạ trở về Đông cung trấn an hoàng thất, chỗ này đã có thần xử trí.
Lý Thừa Ngân lắc đầu, ánh mắt sáng quắc nhìn chằm chằm tên thích khách:
- Ngươi thả Bệ hạ ra, ta sẽ làm con tin của ngươi.
Hắn vẫn nắm chặt tay tôi, tôi hét lên:
- Không! Để thiếp làm con tin!
Lý Thừa Ngân quay ngoắt sang, hằn học trừng mắt với tôi:
- Im đi!
Trước kia chúng tôi thường xuyên cãi vã, nhưng chưa khi nào hắn tỏ thái độ gắt gỏng, cộc cằn như thế này. Tuy đang sợ, nhưng tôi vẫn lấy hết can đảm, lên giọng nói với thích khách:
- Luận đến cao quý, ta cao quý hơn hai người bọn họ nhiều, đừng tưởng một người là Thiên tử, một người là Thái tử mà lầm. Luận đến sự quan trọng, không ai đọ nổi ta đâu. Ngươi là thích khách, ắt biết ta không chỉ là Thái tử phi đương triều, mà còn là Công chúa của Tây Lương, ta lấy Lý Thừa Ngân vì mong muốn mối bang giao giữa hai nước đời đời vững bền. Tuy ngươi đang khống chế Bệ hạ, nhưng Bệ hạ vốn cương nghị, người quyết không ngã lòng trước sự uy hiếp của ngươi đâu, Bệ hạ sẽ cưỡng chế sai Thái tử Điện hạ cùng Thần vũ quân lập tức bắn tên, khiến ngươi thịt nát xương tan, chết không toàn thây. Dù ngươi đại nghịch bất đạo, cố công giết Bệ hạ, nhưng tiếc thay cho ngươi, sau này Thái tử Điện hạ đăng cơ, ngươi chỉ còn con đường chết. Giả sử ngươi bắt Điện hạ làm con tin, Bệ hạ còn những mười mấy hoàng tử khác cơ mà, nếu Điện hạ không chịu được sự uy hiếp của ngươi, chắc chắn lúc đó Bệ hạ sẽ ra lệnh cho Thần vũ quân hạ thủ ngươi ngay lập tức, cùng lắm thì Bệ hạ sẽ lập người khác làm thái tử. Thế nên, chọn cách nào thì ngươi cũng chỉ có con đường chết không toàn thây. Song ta thì khác, ta không chỉ là Thái tử phi, ta còn là Công chúa của Tây Lương, giả dụ ta chết, Tây Lương tất sẽ dấy binh, dẫn đến hai nước giao tranh, trăm họ lầm than, vì lẽ đó nên Bệ hạ và Điện hạ tuyệt đối sẽ không để ta chết, nếu ngươi bắt ta làm con tin, đảm bảo ngươi sẽ bình an thoát thân.
Lý Thừa Ngân nổi giận đùng đùng:
- Nói xằng! Kẻ địch đang ở trước mặt, nàng nhúng tay vào làm gì? Người đâu! Đưa Thái tử phi về Đông cung!
Tôi chỉ còn nước ngọt nhạt, đăm đăm nhìn gã thích khách:
- Những gì ta nói, ngươi cứ nghĩ kỹ đi, xem có đúng không?
Không biết câu nào của tôi đã lay động được gã, một lúc lâu sau, gã thoáng băn khoăn rồi gật gù.
Tôi cả mừng, thật là điều ngoài mong đợi, vội nói:
-Hãy thả Bệ hạ ra, ta sẽ đi theo ngươi!
Gã lạnh lùng nhìn tôi, cuối cùng nói:
- Ngươi qua đây!
Giọng gã nghe rất lạ, gần giống giọng tôi hồi mới học tiếng Trung Nguyên, phát âm không chuẩn. Nhưng giữa lúc nước sôi lửa bỏng, tâm trí nào mà nghĩ ngợi được nhiều thế, tôi cố mặc cả với gã:
- Ngươi thả Bệ hạ trước đi!
Gã không nói lời nào, thanh kiếm trên tay kề sát vào cổ Bệ hạ, như thế sắp xé toạc lớp da mỏng manh ngay yết hầu người. Tôi hét lên:
- Đừng động thủ, ta qua là được chứ gì!
Lý Thừa Ngân tiến lên định ngăn tôi lại. Tôi vung kiếm chĩa về phía hắn. Bất đắc dĩ hắn phải lách người tránh đường kiếm, tôi liền rảo chân lao về phía tên thích khách. Gã vươn một tay chụp gọn tôi, tay kia tự nhiên cũng nới lỏng. Chính lúc ấy, hàng trăm mũi tên đồng loạt lao tới. Thân thủ của tên thích khách quả nhiên đáng kinh ngạc, gã nghiêng người xoay mình theo những góc độ mà tôi chưa từng được thấy, thanh kiếm trong tay vung lên loang loáng, chặt đứt làn mưa tên. Bệ hạ thừa cơ vùng thoát khỏi sự khống chế của gã, tôi chĩa kiếm lao về phía thích khách, nhưng gã ra tay xuất quỷ nhập thần, nhanh như cát hạ gục thanh kiếm trên tay tôi. Chỉ chờ có vậy, tôi liền sải rộng cánh tay nhào đến, trong chớp mắt, tôi húc vào người Bệ hạ, đẩy mạnh người văng sang một bên.
Bệ hạ bật lùi về phía sau mấy bước, Tằng Hiến kịp thời chụp lấy cánh tay Bệ hạ, kéo người thoát khỏi mũi kiếm của thích khách. Giờ đây, những ngón tay lạnh băng của gã đang bóp chặt cuống họng tôi, nhưng sự lạnh lẽo ấy không thể bằng lưỡi kiếm đang kề ngay trên cổ.
- Tiểu Phong!
Nghe Lý Thừa Ngân gọi tên mình, tôi liền ngoảnh lại, chỉ thoáng thấy gương mặt và ánh mắt đầy day dứt của hắn.
Tôi thầm nhủ, nếu mai này mình ra đi vĩnh viễn, mình sẽ khắc ghi nét mặt này. Tôi biết, không đời nào Bệ hạ và hắn sẽ thả thích khách, tôi nào quan trọng đến vậy, Tây Lương cũng chẳng là gì. Những câu nói suông vừa rồi, trong lòng tôi hiểu rõ hơn ai hết, tất thảy đều là dối trá.
Thần vũ quân lập tức vây quanh bảo vệ Bệ hạ và Lý Thừa Ngân. Tôi nhoẻn miệng cười với Lý Thừa Ngân, dù biết hẳn nụ cười ấy méo xệch, tôi vẫn cố cười thật tươi. Giả sử đây là lần cuối, vậy thì tôi không thể khóc, tôi mong hắn sẽ mãi ghi nhớ gương mặt với nụ cười tươi của mình.
Tôi hé miệng, mấp máy môi nói không rõ tiếng:
- Bắn tên đi!
Tôi biết chắc chắn Thần vũ quân đã bố trí cung thủ mai phục khắp nơi, lúc này đây, chỉ cần một hiệu lệnh được phát là đủ để hô biến gã thích khách thành con nhím. Võ công của gã cao cường, hạ sát vô số người, mới rồi còn uy hiếp Hoàng đế, nếu không trừ khử ngay, ắt sẽ để lại hậu họa khôn lường.
Vậy mà dường như Lý Thừa Ngân không hề để ý môi tôi đang mấp máy, Bệ hạ thấp giọng ra lệnh:
- Chớ làm bừa!
Thật không ngờ Bệ hạ sẽ hạ lệnh như vậy. Lưỡi kiếm lạnh toát vẫn kề sát cổ họng tôi, Lý Thừa Ngân giật phắt mũi tên trên tay Tằng Hiến, cất giọng đanh thép:
- Nếu ngươi dám động đến thê tử của ta, dù chỉ là một chút, Lý Thừa Ngân này thề sẽ băm vằm ngươi thành trăm mảnh, khiến ngươi chết không toàn thây! Ngươi hãy thả nàng ra, ta hứa sẽ để ngươi rút lui an toàn. Ta nói được tất làm được, giống như mũi tên này!
Nói đoạn, Lý Thừa Ngân liền bẻ đôi mũi tên, ném hai khúc tên gẫy xuống chân thích khách, xẵng giọng quát:
- Mau thả người!
Gã thích khách dường như vừa buông tiếng cười khẩy, ngay sau đó, gã quay ngoắt chuôi kiếm, gõ mạnh vào đầu tôi. Mọi thứ trước mắt tôi bỗng tối sầm, tôi lả đi ngay tức khắc.
Lúc tỉnh dậy tôi vừa lạnh vừa đói, chưa kể tay chân bị trói chặt, không thể nào cử động được. Bần thần mãi, tôi mới nhớ ra mình bị gã thích khách bắt làm con tin, Lý Thừa Ngân bẻ mũi tên thề, đòi hắn thả người. Giờ tôi đang ở đâu đây? Lúc này đã là ban ngày, tôi hé mắt nhìn cành thông che rợp một góc trời xanh, chẳng biết mình đã hôn mê bao lâu, cũng không rõ tên thích khách đã đi đằng nào, mà điều khó hiểu nhất vẫn là tôi đang ở đâu.
Có tiếng nước róc rách chảy bên tai, gió thổi thêm lạnh khiến tôi run rẩy. Tuy không thể cử động, song mắt tôi vẫn láo liên nhìn, bên trái tôi có khóm cỏ khô, bên phải là đống đất đá, chỗ xa hơn thì nhìn không rõ lắm… Bụng tôi lép kẹp, sao mà tránh được hoa mắt, chóng mặt. Tôi thầm nghĩ, Thượng Kinh lớn thế này, cho dù Thần vũ quân có giới nghiêm, lục soát khắp thành, nhưng đợi bọn họ xới tung từng tấc đất lên, chỉ e mình không cầm cự nổi mấy ngày. Nếu Thần vũ quân không đến kịp, mình chết vì đói mới thật đáng thương!
Tôi đang mải nghĩ ngợi vu vơ, bỗng một góc áo ló ra phía bên tay trái. Tôi liếc mắt soi xét một hồi, nhận ra đó là chiếc áo mà gã thích khách đã vận tối qua, chẳng ngờ hắn không để tôi lại một mình rồi cao chạy xa bay. Chắc bởi chín cổng thành đã giới nghiêm, Thần vũ quân và Vũ lâm quân đang ráo riết truy nã, hắn đành lấy tôi ra làm bùa hộ mệnh. Gã này võ công cao siêu, coi mạng người như cỏ rác, thậm chí còn có cả gan uy hiếp đức vua, gã rõ ràng là một kẻ gian tặc, phản nghịch. Giờ tôi rơi vào tay gã, không rõ gã định làm gì tôi đây, mới nghĩ đến đó thôi tôi đã thấy ớn lạnh. Thế nhưng sợ thì cứ sợ, tôi thừa hiểu có sợ cũng chẳng ích gì, đành nhắm mắt vào đã, thầm nghĩ muốn chém muốn giết gì thì mặc bay.
Hồi lâu không thấy động tĩnh gì, bỗng tôi ngửi thấy mùi thơm phức. Tôi định tiếp tục nhắm nghiền mắt, ngặt nỗi, lòng tôi không sao cưỡng lại được sức hút của mùi hương chỉ ngửi thôi đã thấy hấp dẫn vô cùng ấy, đành hé mắt nhìn. Thì ra ngay trước mặt tôi là một bọc thịt dê hoàng kỳ[2], loại thịt này, đừng nói ở Đông cung, ngay cả trên phố cũng chỉ được xếp vào thức ăn bình thường mà thôi. Có điều tối qua tôi ngủ lay lắt, cơm tối cũng chưa ăn, hôm nay chẳng rõ đã hôn mê bao lâu, bụng dạ đã sôi réo từ bao giờ… Bọc thịt dê này đặt ngay bên cạnh, dậy mùi thơm nức mũi, trách chăng khó cầm lòng.
[2] Hoàng kỳ: Tên một vị thuốc đông y.
|
Nhất là khi cái bụng đấu tranh mãi không thôi, nó kêu gào nãy giờ.
Nhưng tôi đang bị trói, bảo tôi van nài gã thích khách ấy à… Hừm! Con gái Tây Lương chúng tôi xưa nay không bao giờ hạ mình trước mặt địch dễ dàng như vậy.
Chẳng ngờ không đợi tôi phải năn nỉ, cầu xin, gã bất ngờ chém đứt dây trói trên cổ tay tôi. Tôi vùng vẫy bật dậy, lúc này mới quan sát gã thật kĩ. Gã thích khách vẫn bịt kín mặt, ngồi vắt vẻo trên cành cây, ôm kiếm lạnh lùng nhìn tôi.
Nơi đây hình như là ven sông, tôi nghe có tiếng nước chảy. Bốn bề san sát những lau già sậy úa, vẳng nghe đâu đó có tiếng vịt kêu khắc khoải, gió thốc qua rừng cây mang theo cơn lạnh cắt da cắt thịt. Tôi dán mắt vào bọc thịt dê ấy, thầm nuốt nước bọt, song vẫn chậm rãi xoay cổ tay, thầm cân nhắc xem nên bỏ trốn thế nào. Gã cho mình đồ ăn, vậy thì chưa chắc sẽ giết mình ngay. Nhưng làm sao mới thoát khỏi tay gã đây, võ công gã cao siêu là thế, chỉ e ngay cả A Độ cũng không phải đối thủ của gã…
Hình như tay thích khách đọc được ý nghĩ của tôi, gã nói:
- Trốn? Rút gân chân.
Gã chỉ nói một câu ngắn gọn, vẫn giọng điệu đều đều ấy, nghe sao mà kỳ quái, song tôi vẫn hiểu được. Gã vừa nói, tôi cứ thử chạy xem, gã sẽ cắt đứt gân chân tôi. Tôi không sợ nhé, liền liếc xéo gã, còn thè lưỡi trêu ngươi gã. Có một câu thế này, sống chết có số, phú quý do trời, tôi nghĩ đã lâm vào bước đường này rồi, chi bằng cứ chén thịt dê cái đã, kẻo trước khi có người đến cứu thì tôi đã sớm tạ thế vì đói.
Nghĩ vậy, tôi liền cầm thịt dê lên, ngoạm một miếng thật to rồi nhai ngấu nghiến. Chẳng rõ có phải do đói quá hay không mà tôi cảm thấy mùi vị món thịt dê này sao giống món thịt dê mà đầu bếp nội cung thường làm, ăn rất ngon. Con người ta một khi đã đói, ăn cái gì cũng cảm thấy ngon, huống chi là thịt dê hoàng kỳ. Tôi ăn thỏa thuê một cách ngon lành, khiến gã thích khách không kìm được tiếng cười khẩy.
Tôi vừa nhai nhồm nhoàm vừa nói:
- Ta biết ngươi đang cười gì rồi… Chắc ngươi đang cười ta đường đường là Thái tử phi mà tướng ăn lại bỗ bã thế này chứ gì? Ôi dào, ta ăn uống đẹp mắt hay không, liên quan gì đến loại thảo khấu[3] như ngươi? Vả lại, con gái Tây Lương xưa nay không câu nệ tiểu tiết. Ngươi bắt cóc ta đến đây, đừng tưởng có miếng thịt dê là ta sẽ tha cho ngươi. Nói để ngươi hay, lần này ngươi gây họa lớn rồi. Ngươi biết cha ta là ai không? Đàn ông Tây Lương mà biết ngươi dám trói ta thế này, thế nào cũng cho ngựa giày xéo ngươi thành trăm mảnh. Nếu ngươi muốn giữ cái mạng của mình thì cứ trốn cả đời trong Ngọc Môn Quan đi, kẻo một khi đã lạc bước đến địa giới Tây Lương, ắt sẽ bị ngựa quần chết. Mà kể cả ngươi có ở lỳ trong Ngọc Môn Quan đi nữa, e cũng khó bảo toàn tính mạng. Còn phụ hoàng của ta nữa chứ, ngươi cũng biết người là Thiên tử, Thiên tử nổi giận, máu chảy thành sông, xương chất thành núi. Chọc ai không chọc, lại dây với vua. Chưa kể Lý Thừa Ngân, phu quân ta tức đương kim Thái tử ấy, ngươi biết Thái tử là ai không hả? Là hoàng đế tương lai đấy! Tuy không thể sánh bằng Bệ hạ, nhưng ngươi cứ thử chọc đến hắn xem, đảm bảo ngươi sẽ thành nước xốt thịt, chẳng khó gì…
[3] Thảo khấu: Chỉ những tên cướp ở những nơi rừng núi hẻo lánh thời xưa.
Tôi hí hửng ăn thịt dê, nửa huênh hoang dọa dẫm, nửa ba hoa khoác lác, thao thao bất tuyệt một hồi nhưng gã không thèm đáp lại. Tôi chén xong bữa thịt dê, hắn vẫn im lặng, thật chán. Quan sát bộ trang phục hắn đang mặc và thanh bảo kiếm hắn đang ôm khư khư trong lòng, tôi hoàn toàn không tìm ra manh mối nào, xem ra khó mà đoán được lai lịch và thân phận của gã. Không hiểu gã uy hiếp Bệ hạ vì cớ gì? Mới ngẫm đến đó, tôi sực nhớ đến một chuyện.
Thoạt đầu, Tôn Nhị tới gây sự, kế đó thích khách khống chế Bệ hạ, nếu nói hai việc này không có bất kỳ mối liên quan nào, đánh chết tôi cũng không tin. Ngặt nỗi, loại người vô lại như Tôn Nhị làm sao có thể quen biết tên thích khách võ công cao cường này? Mắt đảo liên hồi, tôi vắt óc tìm kiếm mối liên quan giữa hai sự việc. Tên thích khách nhìn tôi bằng ánh mắt lạnh lùng, có nhìn tôi cũng chẳng sợ. Chỗ Bệ hạ thiếu gì nhân tài, hơn nữa, Lý Thừa Ngân có phải loại ngốc đâu, chắc chắn sẽ nghĩ tới việc Tôn Nhị vấy mực gây sự, rồi từ vụ Tôn Nhị bắt đầu truy tìm tên thích khách.
Gã này võ công cao cường, hành tung lại bí ẩn, chắc sẽ khó điều tra đây. Tôn Nhị thuộc loại côn đồ khét tiếng nhưng gốc gác của hắn ở ngoại ô, họ hàng thân thích mấy đời đều ở Thượng Kinh, có chạy đằng trời cũng không thoát. Chỉ cần nắm chắc trong tay tên Tôn Nhị kia, lo gì không lần ra đầu mối, một khi đã có manh mối, trước sau gì cũng sẽ cứu được tôi.
Một thân một mình gã thích khách mà có thể đấu lại với những cao thủ của Thần vũ quân, thiết nghĩ đằng sau tài hô phong hoán vũ gần như bất khả chiến bại của hắn, lai lịch ắt hẳn không phải loại vừa. Trước khi ra tay, hòng tránh tai mắt của đàm người trong phường, hắn sai Tôn Nhị đến gây sự nhằm đánh lạc hướng nhưng cũng không cần làm căng, cốt để kéo tôi và Lý Thừa Ngân ra lầu trước. Giả sử lúc đó chúng tôi không bị lừa, chưa biết chừng cũng bị gã giết rồi cũng nên… Nghĩ lại vẫn thấy ớn lạnh cả người, tôi nghĩ, bao năm qua, mình sống bình an đến ngày hôm nay quả thực không dễ dàng gì, nếu không có A Độ bảo vệ… Mà A Độ … Tôi nhảy dựng lên, trợn trừng mắt nhìn gã thích khách:
- Ngươi giết A Độ rồi à?
Gã không đáp, chỉ lừ lừ nhìn tôi.
Ngẫm ra, trước mặt gã, tôi chỉ là một kẻ trói gà không chặt nhưng nếu gã giết A Độ, tôi quyết liều mạng với gã. Tôi gườm gườm nhìn gã, tự nhủ, võ nghệ của A Độ cũng thuộc hàng cao siêu, tên thích khách này tuy có phần hơn, song nếu hắn muốn giết A Độ, làm gì có chuyện không trầy vi tróc vẩy thế này. A Độ giống tôi, dù chết cũng quyết sống mái một phen với địch, gì thì gì cũng phải để lại trên người gã mấy vết thương mới được. Bây giờ nom hắn còn lành lặn thế này, nhất định A Độ vẫn còn sống. Tôi nghĩ mãi, cảm thấy cớ ấy võ đoán quá, bèn quay sang đánh giá con người tên thích khách, ngặt vì gã chỉ nhả mấy câu gọn lỏn nên tôi đoán không ra. Lòng tôi nóng như lửa đốt, chỉ lo cho A Độ .
Đúng lúc ấy, gã tuốt kiếm chỉ vào tôi, lạnh lùng bảo:
- Ăn xong thì lên đường!
Thì ra bữa thịt dê ấy là bữa cuối cùng, giống tử tù trước khi hành hình bao giờ cũng được thết một bữa no nê. Tôi chẳng thấy sợ hãi, vì biết rõ bây giờ có van xin cũng vô ích. Tôi ưỡn ngực, nói:
- Muốn giết thì cứ giết đi, thế nào cha ta cũng tìm ngươi báo thù. Còn phụ hoàng, còn cả Lý Thừa Ngân… và A Độ nữa. A Độ mà còn sống, nhất định sẽ chặt đứt đầu ngươi, xương sọ của ngươi sẽ được phụ vương ta dùng làm bát uống rượu.
Gã lạnh lùng nhìn tôi, đột nhiên tôi nhớ tới một người, vênh vang bảo gã.
- Chưa hết! Tình cũ của ta là cao thủ võ lâm, ngươi mà giết ta, chắc chắn kiếp này hắn sẽ không tha cho ngươi. Kiếm pháp của ngươi kém hắn nhiều lắm, hắn ra tay nhanh như cắt, còn lâu ngươi mới bằng hắn. Hắn có thể lấy đầu ngươi bất cứ lúc nào, ngươi cứ đợi đấy!
Tôi nói vậy mà gã vẫn không hề nao núng, thanh trường kiếm trên tay khẽ nhích hai phân. Tôi thở dài thườn thượt, ăn no rồi chết, tôi chết cũng chẳng đáng tiếc, chỉ thương trước khi chết tôi vẫn không biết A Độ sống chết thế nào thôi.
Nghe tôi thở dài, gã thích khách lạnh lùng bảo:
- Ngươi còn muốn trăng trối gì nữa không?
- Trăng trối thì không có. – Tôi cố nén tiếng thở dài. – Ngươi giết sao cho dứt khoát, gọn gàng là được.
Đôi mắt lạnh lùng của gã dường như không chút mảy may thương tiếc, gã nói:
- Ngươi tình nguyện chết thay phu quân à, cũng tình nghĩa quá nhỉ? Ngươi yên tâm, ta sẽ làm một nhát gọn ghẽ.
Tôi buột miệng kêu lên:
- Ai bảo ta chết thay phu quân! Ngươi đừng có hiểu lầm! Ngươi uy hiếp là Bệ hạ cơ mà, Bệ hạ có phải phu quân ta đâu! Còn phu quân ta… Ta nợ chàng một kiếm thì giờ trả lại cũng đúng thôi.
Gã khẽ cử động cổ tay, định vung kiếm, tôi bỗng gào lên:
- Khoan đã!
Thấy gã vẫn lạnh lùng nhìn mình, tôi nói:
- Đằng nào ta cũng chết, ngươi tháo khăn bịt mặt xuống, để ta nhìn mặt mũi ngươi ngang dọc thế nào đã, kẻo sau khi chết, ta biến thành oan hồn vất vưởng, muốn hóa thành ma ám người cũng không có cớ.
Câu này thật vớ vẩn, đời nào gã chịu nhân nhượng, thanh kiếm cứ thế nhích gần thêm mấy phân. Tôi lại thét:
- Khoan, khoan! Trước khi chết, để ta thổi một điệu kèn cái đã. Người Tây Lương chúng ta có tục, trước khi chết phải thổi một điệu kèn, không thì sau này không được đầu thai.
Tôi vốn chẳng hi vọng gã sẽ tin mấy lời nói hươu nói vượn của mình, ngờ đâu gã lại gật đầu.
Đầu tôi rối bời, nhưng không nghĩ ra cách tháo chạy, cứ lần lữa một lúc thật lâu. Tôi mò mẫm trong tay áo, giả vờ tìm kèn nhưng lại tìm thấy một thứ khác, liền rút ra, vung tay về phía gã.
Tôi vừa mò thấy phấn má hồng, loại bột vừa nhẹ lại mảnh ấy theo chiều gió thốc, bám vào mặt gã. Loại phấn này rất thơm khiến gã lầm tưởng là thuốc mê hay phấn độc gì đó. Nhưng kẻ này cũng chẳng phải vừa, chỉ bằng một cái phất tay, đám bột bị thổi dạt quá một trượng, dù là có độc thật cũng không làm gì được gã. Song tôi chỉ cần vậy, lựa lúc hắn phất tay, tôi tranh thủ bắn ra một thứ khác, mũi tên reo bay thẳng lên trời, kèm theo tiếng rít đinh tai nhức óc.
Tôi chẳng thèm lừa gã. Tôi có tình cũ thật mà, tuy tôi không nhớ rõ tình cảm trước kia giữa chúng tôi thế nào, song hiện nay tay tình cũ ấy đích thực là cao thủ võ lâm. Chính gã đưa tôi tên reo, tôi chỉ dùng một lần để cứu A Độ, giờ tôi đang gặp nguy hiểm, đương nhiên phải bắn tín hiệu gọi gã tới cứu mình chứ!
Lâu lắm rồi không thấy mặt Cố Kiếm, chẳng biết gã có đến kịp không. Tôi sốt ruột đến nỗi mồ hôi túa ra ướt đẫm cả lưng, thế mà gã thích khách kia hoàn toàn thờ ơ với mũi tên tôi vừa bắn ra, vươn tay cắp eo, nhấc tôi chổng ngược lên. Tuy tôi không béo song cũng là người lớn, vậy mà gã nhấc tôi như nhấc một đứa bé sơ sinh. Tay trái gã dùng lực ném tôi bay vút ra xa.
Tôi như con diều đứt dây vẽ một đường vòng cung vào không trung, rồi cả người tôi lao xuống không sao dừng lại được, tay tôi khua khua giữa hư không toan chụp nắm thứ gì đó, song chỉ toàn là gió. Chưa kịp định thần thì một tiếng “tõm” vang lên, làn nước giá lạnh bủa vây lấy tôi. Thì ra gã vừa ném tôi xuống sông.
|
Phần 3: Đổi thay
Chương 08
Tôi không biết bơi, gã thích khách kia vừa quăng tôi một cú tận lực khiến tôi chìm nghỉm. Bốn phía nước lạnh bao vây, trên đỉnh đầu phủ một màu xanh lam buốt giá và đốm sáng trắng mờ mờ… Nước ùa vào miệng, nhớ lại lần nhảy xuống sông cứu người, lúc đó may nhờ A Độ vớt lên, rồi kiện tụng này nọ ở huyện Vạn Niên, Bùi Chiếu bữa ấy mặc bộ võ phục gọn gàng, trông vậy mà gần gũi đáng yêu.
Thật bất ngờ, lúc này tôi lại nhớ tới Bùi Chiếu, nhưng ngay lập tức mọi suy nghĩ lại hướng về Lý Thừa Ngân. Không ngờ không chỉ tôi thích hắn mà hắn cũng thích tôi, song tôi và Lý Thừa Ngân không có duyên với nhau… Nếu tình cảm hắn dành cho tôi không sâu đậm, hắn sẽ không bê tên thề trước mặt đông đảo quan quân đâu nhỉ? Suy cho cùng chỉ bởi chúng tôi không có duyên phận, may sao vẫn còn Triệu Lương đệ, trước kia tôi chưa từng vui mừng như thế này, vẫn còn có Triệu Lương đệ cơ mà. Nếu tôi phải từ giã cõi đời này, Lý Thừa Ngân sẽ không mất nhiều thời gian đau buồn đâu, dần dần tôi sẽ đi vào quên lãng, để hắn sống được tốt hơn…
Nước không ngừng xộc vào mũi, vào miệng, tôi bị sặc nước, cảm thấy mình đang nghẹt thở… Đốm sáng trên đỉnh đầu mỗi lúc một xa vời, cơ thể cứ thể lắng xuống đáy nước sâu. Mọi thứ dần tối sẫm trước mắt, thoáng bên tai có làn gió dịu êm, người đó ôm tôi rơi xuống vực sâu… Chàng cứu tôi, trong làn gió đêm soáy xiết, tôi nép mình trong vòng tay chàng… Theo gió vần xoay… Xoay mãi… Sao điểm đầy trời tưởng giọt mưa sa. Giữa đất trời bao la, trong đôi mắt chàng tôi là tất cả…
Đôi mắt ấy chỉ chứa đọng riêng mình tôi…
Và rồi say, tôi sắp say đến lịm người, vùi sâu trong lồng ngực chàng, chính là chàng… Tôi biết chàng yêu tôi tha thiết và tình tôi trao cho chàng cũng đủ đắm say, chỉ cần có chàng ở bên để lòng tôi được bình yên trở lại.
Cảnh tượng ấy nhiều lần trở về tìm tôi trong giấc mơ, tôi nào có từng nghĩ lúc mình chết đuối…
Chẳng hề có ai đến cứu…
Người anh hùng trong cõi mơ ấy không hề đến cứu tôi ngay lúc này…
Và Lý Thừa Ngân, hắn cũng không thể tới cứu tôi…
Thân thể lúc lắc, đong đưa tựa quả cân, cứ chìm dần… chìm dần…
Chẳng biết đã bao lâu, có khi nhiều năm dài đằng đẵng đã qua, hoặc có khi chỉ là một giấc mơ ngắn ngủi, sức ép nơi lồng ngực buộc tôi phải mấp mé mở miệng, nôn ra một vũng nước.
Rốt cuộc mình đã uống bao nhiêu nước rồi… Ho khạc mãi đến khi kiệt sức mới thôi…
Nước trong bụng đã vơi đi phần nào, lúc ấy tôi mới mê man nằm đờ ở đó, nắng chói chang không sao mở mắt được. Tôi cố chếch đầu, thấy kề bên má là một đụn cỏ khô, lại gượng chuyển bên, thấy sát bên mặt là một đống đất đá.
Vạt áo gã thích khách lấp ló cách đó không xa, hóa ra tôi vừa chết đuối hụt, vậy là tôi vẫn chưa chết. Có lẽ chính gã, chính gã muốn tôi sống lay lắt.
Người mệt mỏi rã rời, toan mở lời thì lại nôn ra toàn nước. Tôi cất giọng yếu ớt:
- Muốn giết muốn chém…
Thay vì đáp lời, gã lấy bao kiếm gẩy đầu tôi, tôi nghiêng đầu sang một bên, tiếp tục nôn ra nước… Nôn rồi lại nôn… Nước trào ra như một dòng suối nhỏ…
Mắt nhắm nghiền, tôi mê mệt thiếp đi.
Tôi mơ thấy Đông cung, tôi và Lý Thừa Ngân lại đang hằm hè. Hắm bênh Triệu Lương đệ của hắn chằm chằm, còn tôi sỉ vả hắn như tát nước. Hắn nói:
- Nàng tưởng ta cần nàng cứu Phụ hoàng đấy à? Đừng tưởng ta sẽ biết ơn nàng!
Tôi tức sôi máu, mắng lại ngay. Tôi không cần hắn biết ơn, ờ thì một kiếm đền nhau, lần trước hắn cứu tôi thoát khỏi thích khách, lần này tôi trả hắn là xong. Ngoài miệng mắng là vậy nhưng trong lòng tôi ức lắm, mới thế đã rơm rớm nước mắt. Tôi khóc nhưng không muốn hắn biết, đành gục mặt bên lồng hương, cái lồng hương nóng giãy, tôi chỉ nhoài người một lát mà xương cốt, da dẻ đã bỏng rát đến khó chịu.
Tôi cố nhấc mí mắt, có lẽ mắt đang sưng. Tuy da mặt nóng ran nhưng người ngợm lạnh ngắt, cóng từng cơn, hai hàm răng va vào nhau lập cập. Phải chăng tuyết đang rơi? Tôi hỏi A Độ. A Độ dắt con ngựa nhỏ màu đỏ của tôi tới. Cha đi vắng, chúng tôi liền tranh thủ cưỡi ngựa rong chơi. Vó ngựa đạp trên nền tuyết mới thú vị làm sao, chóp mũi tôi đỏ ửng vì mệt. Tuyết buông mình phủ trắng cồn cát, nom mấy cọng cỏ hệt như chòm râu xoăn tít điểm màu hoa râm của cha… Cha mà biết tôi cãi lời, chạy lên đồi tuyết chơi, thế nào cũng mắng cho xem…
Lý Thừa Ngân chưa được thấy con ngựa nhỏ của tôi, hắn không biết nó chạy khỏe thế nào… Chẳng hiểu sao cái tên Lý Thừa Ngân cứ lởn vởn mãi trong tâm trí, mà hắn đối với tôi nào có ra gì… Tôi bỗng thấy chua chát, thực ra cũng không hẳn là tệ bạc, chỉ bởi tôi mơ mộng hão huyền, muốn mình là người duy nhất hắn để ý… song bên hắn mãi mãi có một Triệu Lương đệ… Lý Thừa Ngân bẻ đôi mũi tên kia, lần cuối cùng hắn thốt tên tôi:
- Tiểu Phong…
Nếu tôi tận đường sống sót, khó bề trở về, có thể hắn sẽ buồn một lúc… song không rõ nỗi buồn sẽ ở bên hắn được bao lâu…
Tôi gắng gượng mở hé mắt, thấy mình đang nằm trong một căn phòng nhỏ thay vì lùm cỏ ven sông. Ánh trăng len lỏi rọi vào phòng, đổ màu lấp lánh, chắc đã bước sang tết Nguyên tiêu… Hoa đăng mười dặm, lầu cao chín tầng, pháo rộ tám phương, Thất Tinh bảo tháp, sáu phường rộn rã, ngũ tự rền vang, bốn cổng mở hoang, Tam Doãn hân hoan, đôi lứa sánh vai, một đời yên ổn… Cái tết Nguyên tiêu này ắt phải tưng bừng nhộn nhịp lắm… Vậy mà giờ đây, sự rộn rã ấy chẳng liên quan gì đến tôi… Tôi khấp khởi mong chờ tết Nguyên tiêu để được ngắm hoa đăng cả năm ròng, rốt cuộc vui vẻ chẳng thấy đâu… Toàn thân buốt lạnh khiến tôi rùng mình, bấy giời mới nhận ra tôi đang cuốn một tấm áo lông, chất vải bình thường nhưng sợi mềm mượt, dày dặn, cũng đủ ấm. Lúc bấy giờ tôi mới rõ mình đang lên cơn sốt, bên ngoài áo lông còn phủ một lớp chăn bông, nhưng người Tôi vẫn run rẩy.
Ánh mắt quen dần với bóng tối, trong căn phòng chất đầy hòm xiếng, có khi đây là một gian nhà kho. Gã thích khách ngồi cách tôi không xa, thấy tôi tỉnh giấc gã lẳng lặng đặt một chiếc bát xuống cạnh tay tôi. Tôi chạm vào miệng bát nóng ran.
- Canh gừng.
Gã vẫn nói bằng chất giọng méo mó. Người tôi bải hoải. Giọng lí nhí như muỗi kêu:
- Ta …
Tôi không cầm nỗi chiếc bát.
Đợt ốm kinh hoàng trước đây từng hành tôi một phen thập tử nhất sinh, giờ tôi lại ốm. Bình thường khỏe mạnh thì không sao, hễ bệnh là người tôi lại dật dẹo. Tôi gượng dậy mấy lần, tay bủn rủn không sao nhấc nỗi bát canh gừng.
Tôi không mong ngóng gì, cũng không nghĩ tại sao hắn lại nấu cho mình bát canh gừng, cũng không tự hỏi mình đang ở đâu. Tuy trong phòng chứa rất nhiều đồ đạc, nhưng kín gió và ấm hơn chỗ bờ sông thông thống gió lùa. Tóm lại nằm ở đây vẫn tốt hơn nằm ở ven sông.
Gã thích khách bước tới gần, cầm bát canh rồi nâng tôi dậy. Cổ họng đau buốt, song tôi chẳng còn sức mà nghĩ ngợi, tôi ôm bát canh uống ừng ực mấy ngụm. Nước gừng cay rất khó uống, nhưng uống xong, máu huyết trong người tôi bắt đầu lưu thông trở lại. Đang uống tôi bỗng ho sặc sụa, ho tới khi mặt đỏ tía tai, cánh tay bê bát canh gừng run rẩy, cầm không nổi. Thấy thế tên thích khách liền giơ tay đỡ chiếc bát, tay kia vỗ về lưng tôi, nhịp thở của tôi dần bình thường trở lại. Nhanh như cắt, tôi giật chiếc khăn bịt mặt của gã.
Đáng lẽ với thân thủ của gã, muốn tránh ắt tránh được ngay, khi gã né người tất phải buông tay, một khi gã buông tay gáy tôi sẽ đặp xuống chiếc hòm. Tôi đinh ninh gã sẽ né người, để tôi chớp thời cơ đặp vỡ chiếc bát sứ rồi giấu đi một mảnh, phòng khi bất trắc. Ngờ đâu gã vẫn trơ như phỗng và điều bất ngờ nhất là gương mặt hiện ra sau khi gỡ bỏ tấm khăn.
Tôi sững sờ nhìn gã. Ánh trăng sáng tỏ ngoài khung cửa sổ đủ để tôi nhìn rõ hắn.
Cố Kiếm!
Sao có thể là gã?
Hình như máu trong người tôi đang dồn lên đỉnh đầu, tôi hỏi?
- Sao lại thế này?
Gã không trả lời mà từ từ đặt bát xuống.
Tôi gặng hỏi lần nữa.
- Sao lại thế?
Sao lại là gã? Sao gã phải uy hiếp Bệ hạ? Sao gã lại có thể giết người không ghê tay như vậy? Sao gã phải bắt cóc tôi? Vì sao? Tất cả là vì sao?
Tôi thật ngu ngốc, trong thiên hạ có được mấy người võ công cao siêu bằng gã? Sao tôi không nhớ ra trong thiên hạ chẳng có mấy người thân thủ xuất quỷ nhập thần như gã thích khách này?
Thế mà tôi còn khờ khạo bắn tên, ngóng chờ Cố Kiếm đến cứu mình nữa đấy.
A Độ sống chết thế nào chưa rõ, tôi chỉ còn Cố Kiếm là tia hy vọng cuối cùng, tôi cứ mong gã sẽ đến cứu mình.
Tại sao?
Gã dửng dưng nói:
- Chẳng sao cả.
- Huynh đã giết những người đó. – Tôi không nén được cơn giận. – Rốt cuộc huynh muốn làm gì? Sao phải tấn công Bệ hạ?
Cố Kiếm đứng dậy, ánh trăng len qua cửa sổ vương vãi rơi trên bờ vai gã, giọng gã đều đều:
- Thích thì giết. Nếu muội cảm thấy bất bình, ta cũng chẳng còn gì để giải thích.
- Huynh làm gì A Độ rồi? – Tôi siết chặt tay áo gã. – Nếu huynh dám làm hại A Độ, tôi sẽ giết huynh báo thù cho A Độ.
Cố Kiếm nói:
- Ta không giết A Độ, tin hay không, tùy muội.
Tôi thở phào, dịu giọng, nói:
- Vậy huynh thả tôi về đi, tôi đảm bảo sẽ không kể với ai đâu, tôi sẽ bảo mình tự trốn thoát.
Gã bỗng phá lên cười:
- Sao phải thế hả Tiểu Phong?
Tôi lấy làm lạ, hỏi:
- Sao phải thế cái gì?
- Sao muội phải tử tế với Lý Thừa Ngân đến vậy? Rốt cuộc hắn có chỗ nào tốt đẹp? Hắn… xưa nay chỉ lợi dụng muội. Chưa kể bây giờ hắn cưới hết ả đàn bà này đến ả đàn bà nọ, muội thường xuyên bị bọn đàn bà ấy bắt nạt, đến hắn cũng ức hiếp muội. Tương lai hắn đăng cơ hoàng đế, ắt sẽ nạp thêm thê thiếp, sẽ có nhiều kẻ hùa vào bắt nạt muội? Sao muội phải tử tế với hắn? Lẽ nào vì Tây Lương mà muội đặng lòng hy sinh hạnh phúc của bản thân, để cả đời quẩn quanh trong chốn thâm cung cô quạnh sao?
Tôi ngẩn người, nói:
- Tây Lương là Tây Lương, dẫu sao tôi đã lấy hắn rồi, vả lại hắn đối với tôi cũng không đến nỗi nào…
- Hắn mà không đến nỗi nào? Xưa nay hắn chỉ lợi dụng muội. Muội biết hắn đang tính toán gì không? Tiểu Phong à, muội đấu không nổi, muội không thắng nổi lũ đàn bà kia đâu, chứ đừng nói đến việc so trí với Lý Thừa Ngân. Giờ đây, bọn họ xem như còn dè chừng Tây Lương, nhưng tương lai sau này, một khi Tây Lương không còn giá trị lợi dụng với Trung Nguyên nữa, muội sẽ chẳng là gì cả.
|
Tôi thở dài, nói:
- Tôi không nghĩ nhiều vậy đâu, nói gì thì nói, Lý Thừa Ngân vẫn là phu quân của tôi, tôi không thể phản bội phu quân của mình được.
Cố Kiếm cười khẩy:
- Nếu Lý Thừa Ngân phản bội muội thì sao?
Tôi rùng mình nói:
- Không thể nào?
Lần đầu tiên đụng độ với thích khách, hắn đẩy tôi, lần thứ hai ở phường Minh Ngọc, hắn ngăn tôi… Lần nào cũng vậy, Lý Thừa Ngân luôn gánh hết nguy hiểm về mình, hắn sẽ không bao giờ lừa tôi.
Cố Kiếm cười gằn, nói:
- Trước toàn thể thiên hạ, nàng nghĩ mình là ai…? Một kẻ sắp lên ngôi hoàng đế, tránh sao được máu lạnh và nhẫn tâm. Chẳng nói đâu xa, ta bắt muội đến đây, muội mong Lý Thừa Ngân đến cứu muội ư? Muội tưởng hắn đang sốt sắng đi tìm muội ư? Hôm nay là tết Nguyên tiêu, toàn thành cấm ngựa cho bách tính thưởng đèn. Việc triều chính đang rối ren mà vẫn mở rộng cổng thành, không cấm người ra vào Thượng Kinh, làm ra vẻ thái bình, yên vui. Muội chẳng là gì đâu! Muội không đáng để cha con họ phải bỏ ăn Tết… Bọn họ vẫn lên Thừa Thiên Môn chia vui cùng dân chúng, chẳng thèm bận tâm muội sống chết thế nào. Giả sử ta là thích khách thật, ta sẽ giết muội rồi lẩn ra khỏi thành nhân lúc trời tối, sau đó cao chạy xa bay… Mười ngày sau, Thần vũ quân tìm ra chỗ này và thấy xác muội, cùng lắm Lý Thừa Ngân sẽ nhỏ vài giọt nước mắt, sau đó hắn sẽ lập Triệu Lương đệ lên làm Thái tử phi, chẳng ai nhớ tới muội, muội vẫn mong hắn sẽ nhớ tới mình ư?
Tôi cúi gầm mặt, lặng im.
Cố Kiếm kéo tay tôi:
- Đi thôi, hãy đi với ta, Tiểu Phong. Chúng ta cùng nhau bỏ trốn, rời xa nơi đầy rẫy mưu mô này, chúng ta đến quan ngoại, cùng nhau chăn ngựa, nuôi dê…
Tôi vùng khỏi tay gã, nói:
- Mặc kệ Lý Thừa Ngân đối với tôi thế nào, đây là con đường tôi tự lựa chọn, cũng là con đường cha tôi đã chọn cho Tây Lương, tôi không thể bỏ của chạy lấy người được, càng không thể bỏ Tây Lương…
Tôi nhìn gã.
- Huynh hãy thả tôi ra!
Cố Kiếm lặng thinh nhìn tôi, hồi lâu sau mới trả lời dứt khoát:
- Không được!
Tôi cảm thấy hết sức mệt mỏi, chán chường. Tôi đang sốt cao, cổ họng nóng ran như có lửa đốt. Nãy giờ nói nhiều nên mệt, mình mẩy riệu rã, thậm chí hít thở thôi cũng thấy nóng bừng. Tôi xoa xoa cổ họng, lui dần về phía chiếc hòm, buông người tựa vào đó.
Hắn chực nói gì đó rồi lại thôi, thấy tôi thế này, dường như hắn có vẻ không nỡ, giọng nói cũng gắng nén xuống, chỉ hỏi:
- Muội muốn ăn gì ko?
Tôi lắc đầu.
Hắn lại nói:
- Vịt nướng ở Vấn Nguyệt lâu thì sao, để ta đi mua cho muội nhé?
Tôi toan lắc đầu, nghĩ thế nào lại gật liên hồi.
Hắn đắp lại chăn cho tôi rồi nói:
- Muội hãy chợp mắt một lát đi!
Tôi nhắm mắt lại mau chóng chìm sâu vào giấc ngủ.
Khoảng một tuần hương sau, tôi mới mở mắt.
Trong phòng vẫn tăm tối, tĩnh mịch, ánh trăng loang loáng lách mình qua chấn song, ngả màu nhạt nhòa xuống sàn nhà. Tôi ngồi dậy ngắm trăng, ánh trăng sáng như dát bạc, hôm nay ngày rằm tháng Giêng, là Tết Nguyên tiêu, trăng lên đẹp lắm thay, trên phố chắc nhộn nhịp lắm.
Tôi quấn chặt áo lông, lần mò ra mở cửa, nhưng cửa đã khóa ngoài, đẩy mãi không được. Tôi nhìn bốn phía, nơi này đúng là nhà kho, cửa thông hơi trổ tít trên cao. Ô cửa cao vời vợi, tôi không thể với tới.
Song tôi cũng chẳng thiếu cách, tôi đẩy một chiếc hòm qua bên đó, chồng thêm một chiếc hòm khác, xếp thành hình bậc thang. Không biết đống hòm xiểng đó chứa gì, may không nặng lắm, nhưng vì mình mẩy đang run rẩy, tay không còn chút sức lực, chống được mấy chiếc hòm chạm tới cửa sổ, tôi mệt lả người, mồ hôi nhễ nhại.
Tôi bò lên đống hòm xiềng. Chấn song cửa làm bằng gỗ chạm trổ, lay hoay vặn bẻ một lúc mà nó không nhúc nhích. Tôi đành trèo xuống, lục tìm thứ gì đó, Tôi mở từng hòm một, thì ra bên trong đựng tơ lụa các loại. Chẳng hiểu nhà nào lắm tiền dám để các hòm tơ lụa đẹp thế này trong nhà kho, song đây cũng có thể là nhà kho của ấp tơ lụa. Tôi không còn sức mà nghĩ nhiều thế, ngán ngẩm đóng nắp hòm lại, cuối cùng nhìn thấy chiếc bát sứ vừa đựng canh gừng.
Tôi đập vỡ chiếc bát, chọn mảnh sắc nhất, rồi lại trèo lên đống hòm với ý định cưa song cửa sổ.
Thanh gỗ rất mảnh nhưng cưa mãi không được. Tôi hì hục cưa… thậm chí đầu ngón tay bị cứa, ứa máu.
Đang cưa, tôi bỗng thấy chán chường, chắc bởi Cố Kiếm sắp quay về rồi, mà tôi vẫn chưa thoát được. Đành rằng chưa chắc gã đã giết tôi, song biết đâu gã sẽ cầm tù tôi cả đời, hoặc khiến tôi không bao giờ gặp lại A Độ và Lý Thừa Ngân nữa…
Sau một hồi tuyệt vọng, tôi lấy lại tinh thần, tiếp tục cưa song cửa sổ.
Chẳng biết đã qua bao lâu, tiếng “rắc” cũng chịu vang lên, tôi đã cưa đứt một chấn song cửa. Tôi mừng quýnh, tiếp tục cưa thanh khác, giải quyết xong hai thanh cửa, tôi gồng mình tách rời chúng.
Tôi sướng rơn, song chỗ này hơi cao, nhảy xuống chỉ e ngã gãy chân. Tôi rút một xấp lụa, đè chặt một đầu dưới đáy hòm, đầu kia vắt qua cửa sổ. Bám vào dải lụa, tôi trèo ra ngoài, từ từ bò xuống.
Tay tôi không còn chút sức lực, trong khi dải lụa trơn tuồn tuột, phải vấn chặt cổ tay vào dải lụa, khiến trọng lượng cả cơ thể treo trên cổ tay, dải lụa thít lại đau đớn, nhưng tôi chẳng màng. Chỉ sợ khẽ lỏng tay thì sẽ ngã nên tôi phải cẩn thận nhả từng đoạn một, trườn xuống từ từ. Cho tới khi mũi chân chạm đất, người tôi bủn rủn ngã lăn ra đất.
May mà ngã không đau lắm, tôi liền lồm cồm bò dậy. Vừa đứng thẳng lưng, tôi chợt thấy một bóng người đứng cách đấy không xa.
Cố Kiếm!
Gã cầm gói thức ăn trên tay, lẳng lặng nhìn tôi.
Tôi bèn nhếch miệng cười với gã, rồi quay đầu chạy biến.
Chạy chưa quá bước, Cố Kiếm đã chộp được tôi. Một tay gã kẹp chặt cổ tay tôi, tay kia vẫn cầm gói thức ăn.
Tôi nói:
- Huynh thả tôi ra ngay, huynh nhốt tôi ở đây thì có ích lợi gì? Tôi sẽ không bao giờ nghe theo huynh.
Cố Kiếm bật tiếng cười gằn, đoạn bảo:
- Thả muội cũng được thôi, song muội phải theo ta đến chỗ này trước đã, chỉ cần đến đó mà muội vẫn không đổi ý, ta sẽ thả muội ngay lập tức.
Thoạt nghe tôi có cảm giác ngờ ngợ, bèn cảnh giác hỏi:
- Nơi nào?
- Muội đi khắc biết.
Tôi lưỡng lự nhìn gã, gã nói:
- Nếu sợ thì thôi, đằng nào ta cũng không muốn thả muội, muội không đi càng tốt.
Sao phải sợ chứ? Tôi hắng giọng nói:
- Huynh hứa đấy nhé!
Cố Kiếm bật cười:
- Muội làm được thì ta cũng làm được.
- Vậy còn đợi gì nữa, mau đi thôi! – Tôi nói.
Cố Kiếm im lặng một lúc rồi nói:
- Muội không hối hận đấy chứ?
- Sao phải hối hận? – Tôi sực nghĩ. – Có khi người hối hận là huynh đấy.
|
Cố Kiếm cười nói:
- Không bao giờ ta hối hận.
Gã đặt gói thức ăn xuống rồi mở ra, quả nhiên là thịt vịt nướng. Gã nói:
- Muội ăn xong rồi chúng ta lên đường.
Tôi vốn chẳng còn bụng dạ nào mà ăn uống, nhưng trông mặt gã, tôi nhủ thầm, mình mà bướng không chịu ăn, chắc chắn không đi đâu được, thôi đành nhấc đũa ăn cho xong món vịt nướng kia vậy. Nói thực, lúc ấy cổ họng tôi khô rát, miệng đắng ngắt, đến đầu lưỡi cũng cứng đờ, triệu trạo nhai miếng thịt vịt mà chẳng thấy mùi vị gì. Tuy thế, tôi vẫn ăn quáng quằng cho xong, vừa buông đũa liền nói:
- Đi thôi.
Cố Kiếm nhìn tôi hỏi:
- Ngon không?
Tôi gật đầu lấy lệ. Gã không nói gì thêm, chỉ ngẩng đầu nhìn trăng sáng treo lơ lửng trên bầu trời rồi giúp tôi kéo cao chiếc áo lông che kín nửa khuôn mặt, nói:
- Đi thôi!
Khinh công của Cố Kiếm nhanh như gió, chỉ thấy cây cối trước mắt trôi tuột về đằng sau, rồi sau vài cái nhảy qua nóc nhà, chúng tôi đứng dưới một bờ tường cao chót vót.
Trông thấy bức tường ấy, tôi thấy có vẻ quen quen.
Cố Kiếm kéo tôi vọt lên tường, đứng cạnh gã. Trên đó, mắt tôi láo liên ngó quanh quất trước sau, nhìn đến đờ cả người.
Phía sau bức tường mái ngói lưu ly trải dài ngút tầm mắt, đấu cùng mái cong sừng sững, hùng vĩ, mấy tòa điện chính giữa quen thuộc với tôi hơn bao giờ hết. Lần nào trèo tường hình ảnh ấy cũng đập vào mắt tôi trước tiên. Tôi líu lưỡi, Đông cung ư? Đây là Đông cung mà! Chúng tôi đang đứng trên tường bao của Đông cung.
Cố Kiếm thấy tôi lặng người, liền buông một câu nhạt nhẽo:
- Đúng vậy, nơi chúng ta trú ngụ mấy ngày nay chính là nhà kho của Đông cung.
Tôi cắn chặt răng không thốt nên lời, thế có đáng hận không chứ! Đáng lẽ lúc trèo qua cửa sổ, tôi phải hô hoán lên, phải kéo hết thảy Vũ lâm quân trong Đông cung đến, thế có phải tôi được cứu rồi ko? Cố Kiếm tài mấy cũng không thể cướp tôi khỏi vòng vây của hàng nghìn thị vệ Vũ lâm quân… Thật đáng tiếc!
Nhưng có hối hận thêm nữa cũng vô ích. Cố Kiếm kéo tay tôi nhảy khỏi bờ tường cao. Chúng tôi chạy trên nóc nhà dân, mấy lần rẽ trái rồi rẽ phải, phi từ mái ngói xuống sân vườn của một hộ dân nào đó, băng qua sân, mở một cánh cổng nhỏ, thể là quang cảnh phồn hoa đã mở ra ngay trước mắt.
Hằng năm cứ vào dịp này, ánh đèn rực rỡ nơi nơi, người người chen vai xuống phố, tiếng nói cười rộn rã… Dường như thế gian này có bao nhiêu người thì từng ấy người đổ xuống đường. Dường như thế gian này có bao nhiêu đèn thì từng ấy đèn giăng xuống phố phường Thượng Kinh. Trăng tròn vành vạnh treo lơ lửng trên trời, bầu trời tối đen như nghiên mực, trăng sáng tựa gương, vừa trong veo vừa thấp, nhìn ông trăng kia lại tưởng chiếc bánh nếp dập dềnh trong bát canh, trắng trẻo, nõn nà, cắn một miếng là cảm nhận mạch nha tứa ra trong miệng. Ánh trăng xà xuống lớp sương mỏng trên mái ngói, càng soi tỏ càng sáng sắc trời, trông vậy song chẳng hề lạnh. Trong không khí thoang thoảng mùi thuốc pháo, cũng thoáng đưa một mùi phấn son ngan ngát, thêm làn gió nhẹ phảng phất mùi đồ ăn ngọt lịm… Chúng hòa quyện vào nhau, tạo thành hương vị đặc trưng của ngày rằm tháng Giêng. Đèn lồng khoe sắc chạy dọc hai bên đường, đèn chăng đầy cành cây, liễu trúc người ta dựng trên phố cũng kín đèn màu. Đâu đó có người múa đèn rồng, múa kỳ lân, múa thuyền đèn…
Tôi và Cố Kiếm hòa vào biển người, biển đèn dày đặc, đi đâu cũng thấy người và đèn. Lách qua dòng người xô bồ, đèn nối đèn trải dày trước mắt, đèn ở hai bên, đèn chạm ngang mày… thi nhau tỏa sáng, nào vàng, nào hồng, nào lam, nào lục, nào tím, nào đỏ… nhìn mãi cũng chóng mặt. Nhất là những chiếc đèn hình kéo quân thêu hình nhân vật cứ quay mòng mòng, rồi thì đèn lưu ly của Ba Tư sáng chói mắt, rồi thì đèn chùm, nhiều chùm đèn chụm lại thành bức tranh thư pháp thật lớn, bên cạnh đó còn có đèn đố chữ, đoán trúng ắt có thưởng, nhưng vĩ đại nhất phải kể đến đèn chín khúc, con sông Hoàng Hà uốn mình chín khúc được mô tả bằng đèn, sa chân vào mê trận ấy chắc chắn sẽ bị lạc, rẽ trái không ra, rẽ phải cũng không ra. Nghe nói đèn chín khúc được bày theo binh pháp thời cổ, rẽ trái quẹo phải chỉ thấy đèn là đèn, những người bước vào chẳng ai lấy làm sốt ruột, họ cười nói râm ran, quanh quẩn, mò mẩm tìm lối ra…
Nếu là trước đây tôi quả thực không biết mình sẽ mừng vui cỡ nào khi được chứng kiến cảnh phồn hoa đô hội này song hôm nay tôi lại cúi gằm mặt, mặc cho Cố Kiếm nắm tay dẫn đi. Chúng tôi cất bước lầm lũi dưới dàn đèn treo lơ lửng trên cao, phía đầu đường dậy vang tiếng reo hò huyên náo, nhiều người tụm lại xem múa đèn rồng, người đứng chen nhau không chừa một kẻ hở, Cố Kiếm đành dừng bước. Thỉnh thoảng, một luồng lửa ánh bạc phụt ra từ miệng rồng, những người đứng chung quanh đó tấm tắc xuýt xoa. Bất ngờ, nó nhô đầu về phía tôi, đột ngột phun ra một luồng lửa, khiến ai nấy đều giật thót mình lùi lại phía sau. Ngọn lửa bừng bừng ngay trước mặt, tôi hoảng quá không kịp nhắm mắt, lại vướng dòng người xô lấn suýt ngã ngửa, may là sau lưng có Cố Kiếm giơ tay đỡ kịp thời. Tôi hé mắt nhìn mình ngã vào lòng gã, mặt giấu sau ống tay áo.
Tôi chẳng nói chẳng rằng, chuồi người ra khỏi vòng tay đang quàng lấy mình, may sao gã không gò ép, chỉ chăm chăm nắm cánh tay tôi, nhích dần về phía trước.
Chúng tôi vừa đi ngang qua phố Nam Thị, bỗng có tiếng huýt sáo, liền đó là tiếng nổ “bịch” giữa không trung. Người đi đường đồng loạt ngước nhìn lên, thấy góc trời rợp ánh vàng, ánh bạc, lồng vào nhau đơm thành bông hoa sáng rực, khiến trăng rằm kia cũng phải khép mình nhường bước cho pháo bông nở rộ. Thì ra trên tháp Thất Tinh đã bắt đầu thi bắn pháo hoa.
Tháp Thất Tinh như đang vẩy vàng, rắc bạc vào không trung, những tràng pháo hoa liên tiếp bùng nổ trên trời, mở đầu là “Đất bằng sấm nổ”, sau là “Mẫu đơn mừng xuân”, tiếp đến là “Thái bình thịnh vượng”, thậm chí có cả “Trăm năm hòa hợp” và muôn vàng những dáng vẻ khác nữa… Người trên phố đều ngẩng lên ngắm nhìn với vẻ hồ hởi, si mê. Cố Kiếm không ngoại lệ, chiếc khăn chít đầu phất phơ trong làn gió đêm nhè nhẹ mang theo cái se lạnh của ngày xuân, sau lưng gã là con phố rực ánh đèn. Mỗi lần pháo bông vụt sáng, khuôn mặt gã cũng bừng lên rạng rỡ, mỗi lần khói lửa lụi tắt, khuôn mặt kia như phảng phất chìm trong bóng tối. Tôi chằm chằm nhìn gã trong khung cảnh tranh tối tranh sáng ấy.
Mà thực ra tôi đang nghĩ, nhân lúc này mình có bỏ chạy, chưa chắc Cố Kiếm đã đuổi kịp. Đường chật như nêm thế này, Tôi lẩn vào dòng người, gã có tìm đằng trời cũng chẳng ra.
Ngặt nỗi gã cầm khư khư bàn tay tôi, cầm riết từ bấy tới giờ. Tôi đành tự nhủ, mình khó mà vùng tay ra được.
Hàng quán ven đường trải dài san sát, họ rao bán tuyết liễu, ngải tằm[1], cờ xuân, hoa thắng[2]… óng ánh, rung rinh, thoạt nhìn đã lóa cả mắt, nhưng nhiều người thích những thứ như vậy. Tôi nhìn trân trân xuống nước, không thèm nhìn những thứ ấy. Bỗng nhiên có gã tiểu thương không biết điều chặn chúng tôi lại, đon đả chèo kéo Cố Kiếm.
[1] Tuyết liễu, ngải tằm: Mũ hình con ngài và tuyết liễu là những đồ trang sức, phụ kiện phụ nữ thường mang trong tiết Nguyên tiêu.
[2] Hoa thắng: Người xưa cắt giấy màu làm hoa, để cài tóc cho đẹp, gọi là hoa thắng.
|