Nhân Sinh Là Một Vò Rượu Đầy
|
|
Chương 15: Manh mối
Tiếng nước chảy từ xa truyền đến là một thứ động lực giúp ta tiếp tục bước về phía trước. Ta đã lang thang trong rừng rất lâu rồi, kể từ khi ra khỏi hang động ta đã lao người về phía trước mà đi. Hiện tại cả người dù mỏi nhừ, miệng khát khô, chỉ muốn lăn ra nằm ngủ nhưng đầu óc vẫn mơ hồ thúc giục đôi chân bước đi. Ta biết, dừng lại đồng nghĩa với bỏ cuộc.
Bên tai thỉnh thoảng truyền đến tiếng hót của chim chóc, có vẻ bây giờ đã gần hừng đông, nhưng do lá rừng rậm rạp, ánh sáng không thể truyền đến được, xung quanh vẫn là một màu đen u ám, ta đành dựa theo tiếng nước chảy mà đi.
Không lâu sau, ánh sáng phản chiếu của mặt trời lên trên mặt nước rơi vào tầm nhìn của ta, xa xa trông như thể thứ ánh sáng đó đang nhảy múa, vẫy gọi. Ta phấn khởi bước nhanh hơn về phía ánh sáng, cả người phút chốc không còn cảm giác mệt mỏi lo lắng mà chỉ cảm thấy hết sức hạnh phúc.
Hiện ra trước mắt ta là một con sông lớn, nước chảy xiết. Ngẩng đầu liền thấy được nắng mai sáng rỡ ở đằng Đông. Con sông chia khu rừng làm hai nửa, tuy nhiên đất ở đây đất cao, không bị ngập lụt, ta đoán mình đã rời khỏi Định Yên.
Ngoảnh đầu nhìn khoảng rừng rậm rạp đằng sau rồi quan sát dưới nền đất. Trên nền đất ẩm không lưu lại bất cứ dấu vết gì ngoài dấu chân của ta, chứng tỏ chưa có ai từng đi qua nơi này. Lòng thấy nhẹ nhõm vì biết không có ai đang đuổi theo mình, ta khom người vóc nước từ dưới sông rửa mặt cho tỉnh táo. Nghỉ ngơi một lúc, lại tiếp tục men theo bờ sông đi về hướng Bắc, hy vọng sẽ tìm được một ngôi làng nào đó ven sông.
Đúng như ta dự đoán, cách nơi đó khoảng ba dặm là một ngôi làng nhỏ với hơn ba mươi hộ dân sinh sống. Ngôi làng nằm ở trên một gò đất cao, buổi sáng khói bếp tỏa nghi ngút, trông rất ấm áp. Thế là liền mừng rỡ ôm bụng hướng về phía ngôi làng.
Gần đến nơi liền thấy dọc theo bờ sông có neo rất nhiều chiếc thuyền bè to nhỏ; trên hàng rào cũng treo rất nhiều lưới đánh cá, trong không gian vẫn còn lưu lại mùi cá khô đặc trưng; chắc chắn đây chính là một làng chài.
Mọi người trong làng đều đã thức giấc, một số người trông thấy ta liền trố mắt nhìn với vẻ cảnh giác, mấy đứa nhỏ trong làng đều chạy đến kéo áo người lớn trong nhà mà trông ra. Ta cười khổ, cuối nhìn bộ dạng nhếch nhác thê thảm của mình, lòng tự nhủ cũng may là ta đang mặc bộ quân phục của quân lính trên người.
Một nam nhân cao lớn bước đến chắn trước đường đi, nhìn ta dò xét rồi cất giọng trầm vang “xin hỏi, huynh đài từ đâu đến đây?”
Ta chấp tay đối người đó, nho nhã đáp “tại hạ tên Tử Đằng, là quân lính ở kinh thành đến Định Yên tiếp tế, chẳng may trên đường đến cửa sông Tiểu Cường thị bị lạc đến tận đây. Đói khát cả một đêm, tìm được quý thôn, bèn ghé qua tìm chút gì đó bỏ bụng chứ không hề có ác ý gì cả.” ta nói năng lưu loát một hồi rồi thì nhìn quanh quất xung quanh, thấy mọi người trong làng đều đang vây quanh mình vẻ tò mò.
Nam nhân nọ sau khi nghe ta trình bày xong cũng trở nên thân thiện hơn hẳn, hắn gương mặt vui vẻ đáp “thì ra là quân lính triều đình, hèn gì sáng nay Lão Tứ vừa ra khỏi cửa liền nói hôm nay ráng lành ở phương Đông thực rực rỡ, chắc chắn chúng ta sẽ có khách quý.” Nói rồi ngẩng đầu cười đến sảng khoái, những người còn lại trong làng như bị vui lây, mấy nhóc tì được dịp bèn xấn đến chỗ của ta, hết sờ rồi lại vuốt.
Ta cười khổ, nói cái gì ráng lành rực rỡ ở hướng Đông, có quý nhân nào lại te tua tơi tả như ta không chứ? Dù vậy vẫn theo nam nhân nọ bước đến gian nhà rộng lớn nhất trong làng, nơi có một lão phụ tuổi chừng thất thập, bộ dạng lụ khụ ốm đau đang nheo mắt nhìn ta, hai hàng mày bạc trắng chau lại dưới ánh nắng buổi sớm.
“lão Tứ, người này chính là quân lính ở triều đình, bị thất lạc đến tận đây” nam nhân dõng dạc nói lớn với lão, mọi người khác trong làng cũng đến tề tựu trước cửa nhà, nam phụ lão ấu nhìn sơ qua cũng hơn hai mươi người.
Lão vuốt chòm râu dài trên cằm, gật gù, tay chỉ vào trong nhà, cất giọng “mời đại nhân vào trong, người ở trong rừng cả đêm, chắc cũng đói rồi. Nhị nương, mang đồ ăn đến cho đại nhân dùng” giọng nói toát lên khí chất của người lãnh đạo, dù vẻ ngoài già nua là vậy, nhưng giọng lại hết sức mạnh mẽ, hữu lực; rất khác so với Liễu lão phụ mà ta gặp ở phủ huyện. Từ trong đám người có giọng nữ nhân đáp lời, sau đó ta và nam nhân nọ theo lão phụ bước qua bên hiên nhà. Lòng ta mừng rỡ, cuối cùng cũng được chút gì lót dạ, thực không gì quý hơn.
Bên hiên là một khoảng vườn nhỏ cách bờ sông không xa, trong vườn trồng thưa thớt các loại cây gia vị và một số hoa màu trông rất đẹp mắt. Ta cùng hai người bọn họ ngồi xuống chiếc bàn đặt ở giữa vườn, ngay dưới tán cây cao, cảm thấy hết sức mát mẻ và sảng khoái. Ta đón lấy chén trà từ tay nam nhân, cổ họng khát khô nên chỉ thổi qua loa tồi hớp một lần hết cả chén, rồi mới nói “không khí ở đây thật trong lành. Trà thực ngon.”
Nam nhân nọ cười sảng khoái, đưa cả bình trà trên tay cho ta “huynh cứ tự nhiên uống.” Ta mừng rỡ nhận lấy, tự châm cho mình đầy chén rồi lại uống. Lão phụ ngồi ở một bên từ nãy đến giờ vẫn cứ nheo mắt nhìn ta, có vẻ đang suy nghĩ gì đó lung lắm. Không bao lâu sau cơm đã được bưng lên, hai mắt ta sáng rỡ nhìn những thức ăn đơn giản ở trên bàn, miệng liên tục nuốt nước dãi.
“mời đại nhân ăn, cơm canh đạm bạc, mong người đừng chê” lão phụ bấy giờ mới lên tiếng, xong rồi cũng bưng chén trà lên thổi thổi.
Ta nhấc đũa, không nói lời khách sáo liền bắt đầu công thành đoạt đất. Trong lúc chờ ta ăn, hai người trao đổi gì đó với nhau, nhưng ta cũng không để ý lắm vì vẫn mải mê tập trung vào việc chính. Chung trà trên tay lão chưa cạn thì thức ăn trên bàn đã chui hết vào bụng ta. Xoa bụng thỏa mãn, quả nhiên lúc đói thì thứ gì cũng trở thành cực phẩm cả, ta hớp hết chung trà, miệng liên tục nói lời đa tạ.
Ăn uống no nê, ta mới sực nhớ ra , bèn khách khí hỏi “Cả đêm lang thang vô định, xin được mạn phép hỏi, không biết tiểu bối hiện đang ở đâu?”
“Nơi đây là Xuyên Nhai thôn ở tận cùng phía Đông của Tứ Du huyện” nam nhân vừa nghe câu hỏi của ta liền đáp.
Ta giật mình, thì ra mình đã trở lại Tứ Du, nhưng lại đi lệch hướng khá xa. Hai hôm trước ta từ kinh thành đi theo hướng Tây để đến Tứ Du rồi từ đó đi về hướng Bắc của Định Yên. Vậy mà hiện tại ta lại đang ở hướng Đông Tứ Du huyện, không biết trở về kinh thành phải mất bao lâu, bèn đem thắc mắc ra hỏi hai người bọn họ.
Lần này, lão Tứ vuốt râu ngẫm nghĩ mất một lúc mới chỉ tay về phía con sông lớn trước mắt, đáp “đi qua con sông Tam Tùng này chính là Dự Phi Châu, từ đó đi thẳng về hướng Bắc sẽ đến được Dự Phi Thành, rồi từ Dự Phi thành trở về kinh thành là đường ngắn nhất, mất hơn mười ngày đường.”
Thì ra bên kia con sông này chính là Dự Phi Châu rồi sao, nơi đó đối với ta có ấn tượng khó mà quên được, bằng chứng chính là mấy vết thẹo ngang dọc trên lưng từ ba mươi roi da lần đó bị đánh ở hình đường của Mạc Đô sứ.
“lần đó ta ở trong đại quân, trên đường trở về kinh thành, vào ngày trung thu đã ghé qua Dự Phi Thành.” Ta đưa mắt nhìn qua mặt nước đến bờ bên kia, lòng tự hỏi sông lớn như vậy, không biết có đò hay thuyền gì để chở khách qua hay không.
Hai người ngồi ở bên cạnh bỗng dưng im bặt, A Cửu có vẻ khá bất ngờ trong khi lão Tứ lại nheo nheo mắt nhìn ta, sau đó hỏi “đại nhân từng ở trong quân doanh sao?”
Ta gật đầu “đúng vậy, ta vừa trở về kinh thành lại được bổ nhiệm vận lương đến Định Yên tiếp tế.” làm việc tốt, đương nhiên là phải tự hào, ta cao hứng bịa thêm vài câu “ta vốn được Âu Dương tướng quân tuyển về ở trong tướng phủ, nhưng không thể ngồi yên trong khi có thể góp chút sức lực giúp đỡ người dân trong cảnh khó khăn nên đã xin phép được lên đường đến Định Yên. Chẳng may bị sơn tặc truy kích, mới phải gặp cảnh khốn cùng thế này, thực hổ thẹn.” Khả năng đóng kịch của ta lại có chỗ để vận dụng. Lại nói, dù là chuyện bịa, nhưng trong chuyện này ta đích thực là người bị hại cho nên cũng không nén được sự bi thương trong giọng nói.
Ai ngờ nghe xong chuyện đau lòng của ta hai người bọn họ không những không cảm động mà còn có phần sốt sắn khác thường, miệng lắp bắp hỏi “đại nhân nói mình là người ở Âu Dương tướng phủ sao?”
Ta thở dài, môi dẩu ra bất mãn, kể chuyện dài như vậy, đều tập trung vào nhân vật chính là ta, vậy mà họ lại chỉ để ý đến cái tên Âu Dương tướng phủ. Lại nói, ta dù mang danh là người của tướng phủ, nhưng chỉ là một tạp vụ thấp hèn, ngộ nhỡ họ hỏi ta làm gì, nói ra há chẳng phải là bôi tro trét trấu lên mặt mình? Cho nên mới nói nghe thấy câu hỏi này ta rất là mất hứng, nhưng chỉ đành nhấp một ngụm trà, nhàn nhạt đáp “phải.”
Nghe thấy câu trả lời của ta, hai người nọ mừng ra mặt. Ta nhướng mày nhìn họ nghi hoặc thì nhận được ánh mắt lấp lánh tinh quang của lão Tứ, giọng lão run run, nói trong sự xúc động bồi hồi “quả nhiên ngài chính là quý nhân, là cứu tinh của cháu trai lão…”
Trong lúc ta còn ngẩng ra, chưa hiểu được ngô khoai gì cả thì lão đã quay về phía nam nhân gật đầu, nói “A Cửu, vào trong mang cái hộp ở đầu giường đến đây.”
Nam nhân tên A Cửu nọ nhanh chóng đứng lên từ trên ghế, bưng theo mâm cơm mất hút vào nhà trong, lão phụ hớp một ngụm trà, mắt nhìn ta chăm chăm, trong đôi mắt mờ đục đó ánh lên những tia nhìn mâu thuẫn, có dè chừng, có lo lắng, có đề phòng, và có cả tin tưởng lẫn cảm thông. “lão phu đã chờ người từ rất lâu” giọng nói mông lung như từ xa vọng lại. “làm sao ngài biết ta sẽ đến?” ta thắc mắc, lòng tự hỏi, nếu người đến đây hôm nay là một kẻ khác thì liệu lão có thốt ra những lời này không.
“là A Lục nói như vậy, nó nói sẽ có ngày quan quân triều đình sẽ tìm đến đây.” Lúc này A Cửu đã trở lại, đặt hộp gỗ nhỏ đã ngả màu xuống bàn. Lão phụ cầm hộp gỗ lên, nhìn qua một lượt rồi từ từ mở ra, cẩn trọng như thể bên trong cất giữ châu báu vậy, khiến ta trong một khắc cũng hết sức tò mò, ngẩng cổ mà trông.
Vật ở bên trong hộp chính là một thẻ bài bằng kim loại màu bạc mới tinh, dưới ánh nắng phản chiếu ánh kim lóa mắt. Bên dưới lót một tấm giấy đã ngả vàng cũ kỹ; trông cả hai như thể thẻ bài ngày nào cũng được lấy ra lau chùi còn mảnh giấy thì ngày nào cũng bị lôi ra đọc đi đọc lại.
“A Lục cháu trai của lão nhập ngũ từ năm năm trước, đây là giấy ghi danh.” Lão đưa mẫu giấy đến trước mặt ta. Nhận lấy, vừa liếc sơ qua ta đã nhận thấy sự tương đồng giữa nó và mẫu giấy ghi danh của Liễu lão phụ, ta thò tay vào trong ngực áo lôi ra mẫu giấy nọ, quả nhiên, cả hai giống hệt.
|
Lão Tứ và A Cửu nhìn hai mẫu giấy giống hệt nhau, mặt mừng rỡ “thì ra đại nhân cũng nhập ngũ giống như A Lục sao?”
Ta giải thích “không phải, đây là của một người quen nhờ ta điều tra giúp tung tích của con trai…” Nói đến đây, ta lại vỡ lẽ ra một điều, bèn nhìn vào cái tên đề trên giấy ghi danh, hỏi “chẳng lẽ … hai người cũng là nhờ ta tìm kiếm tung tích của người tên…. Cầu Mộ Lâm này?” Trước sự sửng sốt của ta, hai người nọ đồng loạt gật đầu.
“năm năm trước có phải là nhập ngũ vì muốn được thức ăn và tiền?” ta tiếp tục hỏi. Họ lại vui mừng gật đầu.
Ta không đáp, chỉ châm chú nhìn cả hai tờ giấy ghi danh đặt ở trên bàn, chìm trong suy tư. Lão nhân lúc này mới đẩy cái hộp đến trước mặt ta, có vẻ chần chừ, thở dài thườn thượt rồi mới nói “lần cuối cùng A Lục trở về là hai năm trước, lúc ra đi nó đưa vật này cho ta, bảo là nếu nó không trở về nữa thì hãy mang thứ này giao cho một vị quan quân đáng tin cậy, lúc đó nếu còn sống, nó sẽ có cơ hội trở về.”
Đôi tay run run, lão phụ lấy thứ trong hộp ra đưa đến trước mắt ta “ta tin tưởng ngài, xin ngài giúp cháu trai ta được trở về.”
Trong lúc bối rối chưa biết đáp ra sao mới phải thì ánh mắt ta vô tình chạm phải vật đang chìa đến trước mắt mình, liền thay đổi sắc mặt.
“lão phụ, con trai người nhập ngũ cùng với những người khác ở trong thôn sao?” “đúng vậy, đi suốt năm năm trời, chỉ có mỗi nó là được trở về, còn đặc biệt dặn dò khi đưa thứ này cho lão.”
Ta đưa tay đón lấy thẻ bài bằng kim loại từ trong tay lão. Không còn ánh nắng chói mắt chiếu thẳng vào, hoa văn ấn ký cầu kỳ như mê cung trên mặt thẻ hiển hiện rõ ràng, chân thực. Ta bàng hoàng nhận ra một điều, lệnh bài này và hình xăm trên đùi phải của Đằng Phong quân, là cùng một loại.
Bọn họ, đều là lính được chiêu mộ để gia nhập Đằng Phong quân. Ta chợt hiểu ra lý do vì sao không ai biết được danh tính của quân lính Đằng Phong, đó là vị họ vốn vô danh tính, ngay cả người thân cũng không hề biết được đội quân con mình gia nhập chính là Đằng Phong.
Ở tận nơi sơn cùng thủy tận ví như thôn nhỏ ở tận cùng Kim Phiến Lâm ở Định Yên xa xôi hiểm trở hay thôn nhỏ ở ven sông nơi tận cùng Tứ Du này, mấy ai ngờ lại chính là nơi xuất thân của đại đa số Đằng Phong quân.
Nguồn gốc và công dụng của thẻ bài này ta quả thực không rõ, hơn nữa vì sao Cầu Mộ Lâm lại mang nó về quê nhà giao cho tổ phụ như một tín vật trao đổi, ta thực không thể nào nghĩ ra.
Tay ta run lên vì phần khích, quả như lời của trưởng lão, đây chính là cơ duyên xảo hợp. Ta có cảm giác mình đang dấn thân vào một thứ gì đó hết sức to lớn, phức tạp và nguy hiểm. Chợt nhớ đến lời Âu Dương Phong từng nói “Đằng Phong không phải là thế lực một người như ngươi có thể nhúng tay vào. Muốn sống thì đừng nên dính dáng đến.”
Nhưng tình thế của ta hiện tại như một mũi tên đã lên dây, không thể không xuất, mặc kệ mọi việc trước mắt, cùng lắm là mất mạng thôi, mạng này cũng không có mấy giá trị. Hơn nữa với lòng tin mà những người này đã đặt ở ta, ít nhất ta phải giúp họ tìm được người thân.
Nghĩ là làm, ta nhận lấy cả hai thứ từ trong hộp gỗ của lão phụ, hứa sẽ cố gắng hết sức để không làm họ thất vọng, còn về việc giúp họ sống sót trở về thì ta không dám chắc, bởi vì ta biết thực lực của bản thân, mạng nhỏ này cũng chưa chắc đã giữ được, huống chi là còn phải lo cho kẻ khác.
Hai người nọ lấy tay áo chậm nước mắt, luôn miệng nói lời cảm tạ.
Ta cất lệnh bài cùng với hai mảnh giấy ghi danh vào trong ngực áo, sau đó khách sáo nói đến chuyện khác cũng quan trọng không kém “xin hỏi, ở quý thôn có đại y hay không?” Hỏi rồi liền kéo tay áo lên nhìn, chỗ băng bó đã sớm bê bết dịch và máu, từ nãy đến giờ vẫn âm ỉ đau nhức.
A Cửu nhăn mặt nhìn vết thương trên tay ta, nhanh nhảu lên tiếng “ta đi gọi Thập Thất đến” nói rồi lại tức tốc biến mất ở ngã rẽ trước cổng nhà.
Lão Tứ vẫn ngồi ở trên bàn, tay run run giúp ta gỡ miếng vải buộc miệng vết thương ra. Trông còn tệ hơn ngày hôm qua nhiều, chỗ miệng còn có thịt lòi ra ngoài. Bụng ta không khỏi nhộn nhạo buồn nôn, thế nhưng lão lại đưa mắt đến gần, quan sát chăm chú mất một lúc, trầm tư nói “vết thương nghiêm trọng lắm, ngài nên ở lại vài ngày để đây điều trị.”
Ta cảm thấy hiện tại bản thân đan gánh vác rất nhiều trọng trách, cho nên tính mạng là tuyệt đối quan trọng, phải giữ cho bằng được. Vậy mới nói nghe lời của lão xong, ta liền gật đầu chấp thuận bởi vì khỏi cần phải nói ta cũng biết được tình trạng vết thương là nghiêm trọng đến chừng nào.
A Cửu đã trở lại cùng một nữ tử nhỏ nhắn tầm mười sáu, mười này tuổi, gương mặt tinh nghịch với mắt to và làn da ngâm ngâm rám nắng, giới thiệu “đây là tiểu Thập Thất, có thể gọi là đại y duy nhất ở Xuyên Nhai thôn này. Nhìn vầy thôi chớ y thuật tài tình lắm.”
Ta mỉm cười nhìn nàng, có thể nói ấn tượng đầu tiên chính là dù chỉ là một đứa trẻ nhưng ở nàng ta lại toát ra một khí chất chững chạc, đáng tin tưởng đến lạ lùng. Hai mắt nàng tròn xoe nhìn trên mặt ta thích thú như thể đang chọn hàng ở ngoài chợ, mất một lúc mới nhìn đến cánh tay bị thương đang đặt ở trên bàn. Càng nhìn gương mặt đáng yêu đó càng biến sắc, ngũ quan nhăn nhúm lại, cau có mất một lúc, mới mở miệng phán “ngài bị vết thương này ở đâu?”
Ta bèn đáp ở dưới sông Lưu Hà ở Định Yên Huyện, nàng ta nghe thế liền xấn tới, nâng vết thương lên ngang mũi mà ngửi. Ta còn chưa kịp can ngăn thì nàng ta đã nghiêm mặt nói “vết thương này phải cắt hết phần thịt lòi ra, nạo hết mủ và máu độc ra ngoài sau đó dùng mũi dao hơ nóng để làm liền lại.”
Ta nghe như sét đánh ngang tai, cả người đông cứng lại, đầu óc quây cuồng choáng váng. Bấu tay vào cạnh bàn để giữ thăng bằng, tự trấn an bản thân đáp “không còn cách chữa khác sao?”
Nàng ta vẫn đang nghiên cứu vết thương của ta, đôi mày liễu từ đầu đến cuối vẫn thủy chung chau chặt, gật đầu đáp “còn một cách là chặt bỏ cánh tay này, may ra còn giữ được tính mạng.”
Cảm giác cơ thể đông cứng đang nứt ra, hai mắt ta hoa đi, máu trong một tích tắc đã rút sạch khỏi mặt, hoảng hốt tột độ, tay lại càng bấu chặt vào cạnh bàn.
“phải làm ngay thôi, nếu còn chậm trễ ta không chắc sẽ giữ được cánh tay này đâu.” Ta nghe giọng Thập Thất mơ hồ như từ xa vọng lại, chung quy ta đã hết sức sợ hãi, lòng đầy phấn uất, vẫn ngồi cứng người trên ghế, chưa thể thốt thành lời.
Ta mơ hồ cảm nhận thấy A Cửu tiến đến kè một bên người dìu ta vào gian nhà trong, đặt ta nằm xuống giường nhỏ. Sau đó Thập Thất cùng trưởng lão bước theo vào trong, trên tay hai người đều mang theo rất nhiều những thứ đạo cụ gì đó mà ta không thể nào xác định được. Cố trấn an nỗi lo sợ trong lòng nhưng ngực vẫn căng thẳng nhấp nhô lên xuống vì căng thẳng, răng ta đánh lập cập trong miệng “có thể cho ta một thứ gì đó để cắn vào không?”
A Cửu giúp ta cởi bỏ áo ngoài rồi đặt ta nằm sấp xuống giường, chèn một miếng vải dầy vào miệng bảo ta cắn chặt. Ta nằm úp mặt xuống gối, cố phân tán đầu óc để không phải nghĩ đến những gì sắp phải trải qua nhưng bên tai vẫn truyền đến âm thanh chuẩn bị dụng cụ lớn đến bất thường của tiểu Thập Thất, truyền vào trong tai cứ như là một loại cực hình.
Nàng ta lấy khăn ướt lau qua vết thương vài lần rồi mới bắt đầu lấy dao cắt đi phần thịt lòi ra ngoài. Ta vùng vẫy nhưng A Cửu đứng ở một bên đã nhanh tay hơn, đè chặt người ta ép xuống giường. Răng cắn chặt mảnh vải nhưng âm thanh đau đớn vẫn phát ra từ trong cổ họng, ta chỉ có thể nhắm chặt mắt chờ đợi khoảnh khắc địa ngục này trôi qua.
Cũng không biết đã mất bao lâu, ta bao lần muốn ngất đi nhưng cơn đau vẫn không ngừng tra tấn ta. Cảm giác như thể có hàng vạn con ong cùng đốt vào một chỗ, tê dại, nóng bỏng, và còn có cả mùi khó ngửi mông lung trong không khí nữa. Chỗ vết thương thì cảm giác như một sợi dây cung căng cứng, chỉ cần chạm nhẹ cũng như thể bị lột da sống vậy. Tưởng như cực hình này sẽ không bao giờ chấm dứt, mãi đến khi lưng và mặt ta đều ướt đẫm mồ hôi, tóc bung xõa dính bết trên trán, tiểu Thập Thất cuối cùng cũng đứng lên phủi tay, quẹt mồ hôi trên trán, nói “cuối cùng cũng xong rồi.”
A Cửu thở hắt ra, bước xuống khỏi người ta “thực đáng sợ, ta đứng nhìn thôi mà còn muốn ngất xỉu.”
Miếng vải trên miệng ta rơi xuống đất, bê bết vết máu. Ta há mồm hớp lấy từng ngụm không khí như thể vừa ngoi lên từ đáy biển sâu. Lão Tứ chống bổng ngồi ở một bên, ánh mắt buồn rười rượi nhìn ta “cũng may đại nhân đến đây vừa kịp lúc, nếu không cánh tay này chỉ còn cách phế bỏ.”
Ta lấy làm lạ, chỉ mới hai ngày kể từ khi ta bị thương, làm sao vết thương có thể diễn biến xấu nhanh đến như vậy? Chưa hỏi ra điều này thì Thập Thất đã cất giọng lanh lảnh “nhìn vết thương của huynh ta đã nghi ngờ rồi. Huynh bị đá ngầm ở Lưu Hà cắt, đá ngầm ở đó phủ đầy Phệ Nhục Tảo cho nên nếu không lấy hết tảo ở trong vết thương ra thì sẽ không bao giờ lành được.”
Thì ra mấy thứ rong rêu phủ đầy trên đá chính là một loại tảo, không ngờ lại có một loại tảo lợi hại đến như vậy. Ba người bọn họ còn đang nói gì đó, những ta không thể nghe thấy gì cả, cố nhướng mắt nhìn lần nữa, trước khi hoàn toàn chìm vào giấc ngủ vì đuối sức.
|
Chương 16: Mộng và đời thực
Ta đang nằm mộng.
Ta biết rõ điều này bởi vì Lý Bạch Xuyên lại xuất hiện trước mặt ta; bạch y tinh khiết không chút bụi trần, tóc đen dài phất phơ trong ráng chiều nhợt nhạt, ngũ quan như hấp thu hết thẩy tinh hoa của đất trời, dưới ánh tàn dương, huynh ấy nổi bật hơn tất cả.
Người đứng quay mặt về phía mặt trời đỏ thẳm đang chìm dần về cuối chân trời, không thể nhìn thấy biểu tình trên gương mặt, nhưng chiếc quạt phất phơ trên cánh tay lại cho thấy vẻ tiêu sái, văn nhã thông thường.
“Lạc Viên…” Lý Bạch Xuyên đột nhiên gập quạt xoay người, giọng cất lên chất chứa sự hờn dỗi. “Lạc Viên, tại sao lại không chú ý đến bản thân đến vậy?”
Ta ngơ ngác trông theo chiếc quạt trong tay huynh ấy vẽ một vòng đẹp mắt trong không trung rồi dừng lại chỗ vết thương trên cánh tay ta. Bàng quang nhìn như thể đó là vết thương của kẻ khác, mơ hồ còn không hề có cảm giác đau, ta lại ngẩn người ra, nhìn vào gương mặt đẹp ôn nhu của Bạch Xuyên.
Đến giờ mới nhận ra, đã bao lâu rồi ta không mộng thấy hắn? Kể từ lúc nào Lý Bạch Xuyên biến mất khỏi những cơn ác mộng luôn kết thúc bằng cái chết của huynh ấy trước mắt ta? Suốt thời gian qua, ta đã mộng thấy gì ngoài huynh ấy?
Lý Bạch Xuyên đập quạt vào lòng bàn tay, mày khẽ chau lại, biểu tình buồn bã, giận dỗi nhìn ta, như chờ lời giải thích, ta lại chỉ chìm đắm trong suy nghĩ riêng, mở miệng ra, lại nói “Bạch Xuyên, đến thăm ta trong mơ như thế này thường xuyên một chút, có được không?”
Hắn cười, làm ta lại nhớ đến câu Hồi mâu nhất tiếu bách mị sinh. Quả nhiên là nụ cười khiến mọi thứ đều tỏa sáng rực rỡ, biến sắc phong vân. Đã bao lâu rồi ta không trông thấy nụ cười này, đã bao lâu rồi kể từ lần cuối cùng ta ngẩn ngơ trước nụ cười đẹp động lòng người như vậy?
Hắn nói “ta chính là vẫn luôn ở bên cạnh huynh đó thôi.”
Sau đó xòe quạt ra phe phẩy, lại cười với ta lần nữa rồi xoay người bước đi, theo ánh tà dương chìm vào bóng tối, để lại tinh quang lấp lánh cuối chân trời.
Trước khi Lý Bạch Xuyên biến mất, ta vẫn có thể nhìn thấy rõ ràng trên mặt quạt giấy mà huynh ấy cầm có đề hai câu thơ “thiên lý bất lưu hành, sự liễu phất y khứ.”
Ta tỉnh dậy trong tình trạng mơ hồ, đầu nặng như thể phải đội đá tảng, tầm nhìn mờ ảo, mất một lúc mới có thể nhớ ra mình đang ở Xuyên Nhai thôn ở Tứ Du huyện. Khi mọi giác quan đã trở lại thì cơn đau ở tay trái lại truyền đến, nhắc nhở ta một thực tế rằng mình đã bị xẻo mất một lớp thịt thối rửa trên cánh tay. Ta hướng mắt nhìn xuống, cảm giác cả cơ thể đều mệt mỏi, ê ẩm như thể vừa gánh xong hai mươi lu nước đêm hôm qua vậy.
Khó nhọc lắm mới có thể từ trên giường ngồi dậy, ngước mắt nhìn liền thấy Tiểu Thập Thất cô nương đang ngồi ở góc phòng xoay lưng lại với ta cặm cụi làm gì đó. Ngước nhìn ra bên ngoài thì trời đã tối từ bao giờ, ánh trăng bàng bạc luồn mình qua cửa sổ, trải một vệt sáng dài trên mặt đất lạnh lẽo đẫm mùi sương.
Đã là canh tư rồi sao?
“huynh tỉnh rồi” giọng trong trẻo của tiểu Thập Thất vang lên, ta xoay đầu nhìn nàng, tự hỏi đã khuya rồi tại sao còn tất bật như vậy.
Trên tay nàng ấy là một chén thuốc, đưa đến trước mặt ta “tỉnh rồi thì uống ngay đi, huynh bất tỉnh gần một ngày rồi, ta xuống bưng cháo cho huynh. Thuốc này phải uống trước khi ăn.”
Ta nhận lấy bát thuốc, cảm giác cơ thể hết sức suy nhược, mọi giác quan đều trở nên mờ ảo, bèn lắc đầu nói “ta không thấy đói, chỉ thấy rất mệt.”
Nàng ta bước đến đặt tay trên trán ta “là vì vết thương bị nhiễm trùng, đương nhiên phải phát sốt rồi. không ăn thì không được đâu.” Nói rồi một mạch bước đi mất hút. Nàng ta đi rồi, gian nhà trong liền phát ra tiếng người trò chuyện. Ta tự hỏi mọi người ở Xuyên Nhai Thôn này đều thức dậy từ rất sớm như vậy sao?
Chén thuốc trên tây âm ấm, mùi dược liệu nồng nặc phả lên mặt ta. Ta chép miệng thầm than, sao dạo này ta cứ phải thường xuyên uống thuốc như vậy, nghĩ rồi liền đem chén thuốc nuốt xuống ba ngụm, cạn sạch. Sau đó chủ động nằm xuống đắp chăn.
Vốn định nằm đợi cháo của tiểu Thập Thất, thế nhưng chẳng qua bao lâu ta lại chìm vào mộng mị.
Cảnh trong mơ chính là ở tại Hồ Huyện gia ở Nam Du huyện.
Ta đứng ở bậc thềm trước cổng lớn của Hồ Huyện Gia, dưới tán cây tùng rất cao, bóng cây trước gió lay động dưới chỗ ta đứng, mọi thứ đều chân thực đến mức có thể nghe được tiếng nước chảy trong dòng suối nhỏ bên trong tiểu viện. Trên tay ta là một mẩu giấy, vẫn có thể thấy được loáng thoáng chữ viết trên đó, nhưng ta lại không dám đọc.
Ta thừa biết nội dung của mẫu giấy đó, cho nên ta biết mình không bao giờ nên đọc lại nó thêm bất cứ lần nào nữa.
Cổng lớn rộng mở, người bước ra là Hồ Tử Ngọc. Suốt bao năm, hắn bất quá vẫn y như vậy trước mắt ta; là một nam nhân mười chín tuổi, dáng dấp không quá cao lớn, ngũ quan rõ rệt, gương mặt mang theo mấy phần tự đắc, trên người là cẩm y tử sắc, chỉ thêu màu vàng, rất có vẻ quyền quý. Nhìn từ bề ngoài đã đoán được hắn chính là kẻ được gia đình bao bọc, cưng chiều.
Nhìn thấy ta gương mặt liền rạng rỡ, cước bộ cũng nhanh nhảu tiến đến trước mặt ta, nắm lấy khủy tay ta “ngươi đến rồi, cuối cùng cũng đến rồi.”
Ta cuối đầu nhìn vào bóng của chúng ta hòa lẫn vào bóng cây tùng dưới mặt đất, lòng không khỏi lại đang lên cảm giác ghê tởm đến mức chỉ thiếu điều nôn ra ngay tại chỗ. Nhưng nghĩ thế nào, lúc đó miệng chỉ có thể lằm bằm “ta đến…” trong tủi nhục.
Hắn kéo ta vào trong, nhưng ta vẫn cỗ chấp đứng ở bậc thềm như cũ, giương mắt nhìn “ta đến với điều kiện”, rồi đưa mẫu giấy trong tay cho hắn.
Hắn đón lấy, chau mày nghiễn ngẫm một lúc, sau đó chân mày giãn ra, cười đến thoải mái, lại kéo khủy tay ta vào bên trong, cất giọng “chuyện này ngươi còn phải lo, được rồi, được rồi, bất quá chỉ cần cha ta lên tiếng, lẽ nào nhà Đoan Mộc lại dám từ chối cơ chứ? Ngươi cũng thực biết chọn nơi chọn chốn cho tiểu muội đó nha.”
Ta mỉm cười, răng lại cắn chặt, nắm tay trong tay áo không khỏi run lên, lòng căm ghét. Dĩ nhiên là họ sẽ không dám từ chối Hồ gia nhà các ngươi, Bảo Dương thương hào không phải cũng là vì từ chối các ngươi mà tán gia bại sản đó sao?
Mẫu giấy trắng bị hắn vứt đi, buôn mình trong gió, phiêu diêu nhẹ nhàng là thế, vậy mà quay đầu nhìn lại khiến bước chân của ta nặng trĩu. Trên mặt giấy, chỉ đề vỏn vẹn bốn chữ Đoan Mộc Phượng Dung, bút tích, là của ta.
“mẫu thân, nhi tử bất lực, chỉ có thể giúp tiểu muội được đến đây, người sẽ không trách ta chứ?”
Cảnh trong mơ lại xoay chuyển. Hiện giờ ta đang đứng trước của ngọa thất của Hồ Tử Ngọc, ngọn lửa đang lan dần về hướng này. Ta biết, ánh sáng từ ngọn lửa đang phản chiếu rực rỡ trong mắt ta, trái tim trong lồng ngực đập liên hồi, cảm giác mởi mẻ lan tỏa khắp châu thân, hai tay ta nắm lại thực chặt vẫn không tránh khỏi run bắn lên vì thống khoái.
Lửa, vẫn từng chút từng chút một thắp sáng màn đêm đen kịt, đằng xa mơ hồ nghe được tiếng người la hét trong kinh hãi, ta vẫn đứng ở đó, chôn chân trước cửa ngọa thất, đắm chìm trong nét đẹp thê diễm của ngọn lửa.
Chẳng mấy chốc, sức nóng từ ngọn lửa bao trùm lấy ta như muốn thiêu đốt, ánh sáng rực rỡ đó làm cho ta lóa mắt, dù nhắm mắt lại vẫn có thể nhìn thấy hình dáng một ngọn lửa phẫn nộ. Ta lùi cước bộ, kinh hỷ quay đầu nhìn tứ phía đều ngập chìm trong biển lửa, môi nhoẻn lên thành một nụ cười thê mỹ.
Nguyên lai, đây chính là mùi vị của sự trả thù; thì ra thù trả xong rồi thì cũng không còn đường bước nữa…
“Cha, mẹ, tiểu đệ. Cuối cùng ta đã làm được rồi, thù gia đình, ta đã báo rồi. Bây giờ Vũ nhi có thể theo cha mẹ được rồi. Mọi người ở đầu cầu Nại Hà chỉ cần chờ ta thêm một chút nữa thôi…” Nguyên lai ta đã sẵn sàng cho cái chết, thế nhưng ai đó lại lao ra từ trong gốc tối, nhấc bổng ta lên rồi mang ta đi một đoạn rất xa, rất xa… Đã xa như vậy, mà ngọn lửa vẫn cứ cháy mãi trong mắt ta, khói bụi mù trời, có bao nhiêu nước mắt đều khóc hết, cũng không làm lụi tàn được…
Người đó lau khô nước mắt trên mặt ta, nói “thù gia đình đã trả, Dương Vũ đã chết trong ngọn lửa cùng tất cả mọi người trong huyện phủ. Ngươi, từ bây giờ có thể sống theo ý mình rồi.”
Ta đưa mắt nhìn Đằng thẩm tóc điểm hoa râm đang dùng tay áo chùi chùi trên mặt ta, gương mặt của thẩm ấy cũng đỏ gay lên vì nóng và mệt. Người ta run bần bật, lệ lại bất giác chảy xuôi, ta nghe giọng mình run rẩy cất lên, hòa trong tiếng nấc “không…. là Dương…. Vũ, ta.. là.. ai?”
Thẩm ôm lấy ta, để cho nước mắt đều lăn dài xuống vai áo sờn rách của thẩm, tay dịu dàng vuốt lấy tóc ta, giọng nghẹn ngào “Viên, ngươi là Viên, con của nương…”
Chữ Viên này đặt cho ta, chính là mong cho cuộc đời về sau của ta sẽ được viên mãn, không trở ngại, không mất mát nữa…
Nhưng Đằng thẩm không biết được những biến cố sau này xảy ra trong đời ta, nếu biết được, có lẽ thẩm ấy đã để ta được chết trong biển lửa tối hôm đó...
|
Ta ở tại Xuyên Nhai thôn dưỡng thương gần mười ngày, vết thương ở tay đến thời điểm hiện tại đã đỡ hơn rất nhiều, dù vẫn còn chưa lành hẳn nhưng chuyển biến rất tốt. Lão Tứ nói, không phải cắt đi cánh tay thì đã là kỳ tích rồi.
Nhìn vết thương đang lên da non trên cánh tay, không thể nói là đẹp đẽ gì. Vết cắt trên tay vốn rất ngọt, chỉ là một đường dài, nhưng do bị hoại tử, cho nên hiện giờ trên cánh tay ta chính là một vết sẹo vừa to vừa dài, hết sức xấu xí. Có lần hỏi tiểu Thập Thất tại sao không khâu vết thương cho ta ngay từ đầu, nàng ấy nhướng mày, vân đạm phong khinh nói “ta dùng mũi dao nung trên lửa đỏ, vừa làm khít miệng vết thương vừa đốt hết Phệ Nhục Tảo ở bên trên, đợi dịch mủ chảy ra hết rồi mới có thể khâu lại được, cho nên huynh đành chịu thiệt thòi vậy.” Ta nhìn vết sẹo, chỉ có thể than thân trách phận, bất quá A Cửu đã nói “thân là nam nhi nên có một vài vết sẹo đây đó mới có khí chất”, ta tự nhiên cũng cảm thấy vết sẹo đỡ xấu hơn rất nhiều.
Mỗi ngày ở trong thôn ta đều được mọi người hết lòng chiếu cố như người thân, cảm giác rất thân thuộc. Thời gian ở lại đây ta biết được rất nhiều thứ bổ ích, ví như ta đã học cách đan lưới đánh cá, học cách xẻ thịt cá rồi ướp gia vị sau đó đem phơi, rất hữu dụng; cũng xem như biết thêm một vài ngón nghề, sau này không sợ nghèo đói.
Lại nói, thời gian này ta cũng học được cách phân biệt một số loại dược liệu từ chỗ của Tiểu Thập Thất. Vốn ta là bệnh nhân cho nên hôm nào cũng phải lui đến chỗ của nàng ấy, sẵn tiện liền giúp nàng một tay. Hữu duyên sao lại biết được một điều thú vị, y thuật cao siêu của tiểu Thập Thất chính là học được từ Thượng Lãm Chân Nhân.
Ta chậc lưỡi, cố gắng lục tung đầu óc tìm ra cái tên Thượng Lãm này, rõ ràng là đã nghe qua ở đâu đó.
Nàng ấy nói “sư phụ chính là một vị thần tiên sống, luôn sẵn sàng trợ giúp người hoạn nạn. Thế nên ở Chu Bích Sơn ta có rất nhiều huynh đệ tỉ muội, đều là những nhân vật xuất chúng nha…”
Ta vỗ tay cái bốp lên trán, gương mặt xinh đẹp cùng bộ khôi giáp sáng choang của Mạc Phù vụt qua đầu óc. Lần trước ở Dự Phi Thành, chẳng phải Mạc đô sứ đã nói từ nhỏ Mạc Phù đã được đưa lên núi Chu Bích bái Thượng Lãm làm sư phụ sao?
Ta nheo mắt nhìn tiểu Thập Thất từ trên xuống dưới, thầm cảm thán vẻ ngoài ngây thơ, lanh lợi và y thuật cao siêu của nàng ấy, lại nhớ đến sự hài hòa giữa vẻ đẹp khuynh thành và khí chất cứng rắn cương trực của Mạc Sơ, chưa nói đến một kiếm của nàng chém xuống vai Âu Dương Phong dứt khoát và mạnh mẽ bao nhiêu; quả nhiên, đệ tử của Thượng Lãm chân nhân đều là nhân vật xuất chúng.
“Thập Thất muội ở Chu Bích Sơn có từng biết qua Mạc Phù cô nương?” ta hiện đang giúp nàng ấy tán nhuyễn dược liệu thành bột, đây gọi là Hương Bồ Thảo, được dùng để cầm máu và tiêu viêm rất tốt. Ta chính là rất quen thuộc với loại dược liệu này, bởi vì vết thương của ta nhờ bột Hương Bồ Thảo của nàng ấy mới nhanh hết sưng mủ như vậy.
Nàng ấy vừa nghe đến cái tên này liền thích thú nhìn ta, đáp “là Mạc Phù tỷ tỷ sao, rất quen là đằng khác!”
Sau đó liên tục kể cho ta nghe chuyện quá khứ của hai người bọn họ lúc ở Chu Bích Sơn học nghệ, theo lời của Thập Thất, Mạc Phù không những giỏi kiếm thuật mà còn rất giỏi thao lược; chỉ tiếc là thân nữ nhi, ít nhiều vẫn còn bị định kiến xã hội giới hạn rất nhiều điều. Nàng ấy liên tục chậc lưỡi thán, người như Mạc Phù, muốn tìm được một đức lang quân xứng đáng cũng rất khó.
Cái tên Âu Dương Phong vụt qua đầu óc, bất giác nhớ lại lần đó nàng ta cưỡi ngựa trắng đến trước cổng Dự Phi Thành quyến luyến đưa tiễn Âu Dương Phong cùng bọn ta lên đường, trong đôi mắt sáng tinh anh phản phất nét quyến luyến được che giấu rất kỹ dưới hàng mi dài. Lúc đó, ta nhìn Âu Dương Phong ngồi trên lưng ngựa, xoay đầu nhìn nàng ấy một lần rồi gật đầu từ biệt, lúc ánh mắt cả hai chạm vào nhau, ta không khỏi nhoẻn miệng cười giễu cợt. Tự hỏi có phải sau một kiếm kia thì Mạc Phù cũng đã bị “dính đòn” của Âu Dương Phong rồi hay không. Hai con người xuất sắc như vậy gặp nhau, nhất kiến không kinh tâm thì nhị kiến cũng phải động lòng thôi mà..
Giờ nghĩ lại, quả nhiên chỉ có người như Âu Dương Phong mới xứng đáng làm đấng lang quân của nàng ấy, mà bên này thì cũng chỉ có mỗi Mạc Phù mới có đủ tố chất làm người nâng khăn sửa túi cho hắn…
Lại nói, đã bao lâu rồi không gặp Âu Dương Phong, dù rằng ta cố phủ nhận, nhưng thỉnh thoảng vẫn cứ đờ người nghĩ đến hắn đang làm gì. Đôi lúc lại thấy hối hận vì lần đó không chịu để hắn cùng đi. Nhiều khi lại muốn gặp hắn đến vô cùng, cũng bởi vết thương trên tay quá đau, quá nhức, quá ngứa, lại nhớ đến hắn và thứ cao dược mát rượi kia; thầm nghĩ nếu hắn ở đây, sẽ nhào vào lòng hắn mà than thở đủ điều.
Bất giác nhớ đến giấc mơ đêm nọ và hai câu thơ trên mặt quạt của Lý Bạch Xuyên. Hơn ai hết ta biết rõ, quạt của huynh ấy vốn là vẽ cảnh sơn thủy, núi cao trùng điệp vây lấy hồ nước êm đềm trôi, bên trên còn có một chiếc thuyền đạm mạc thả xuôi theo dòng nước, đều là chính tay huynh ấy đã họa xuống. Bên cạnh còn đề hai câu thơ: Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ, Liễu ám hoa minh biệt nhất thôn*. Vậy thì cớ gì đêm đó ta lại mộng thấy Lý Bạch Xuyên cầm trên tay chiếc quạt của ta tặng Âu Dương Phong cơ chứ?
*: Núi cùng sông tận nghi không lối, Liễu biếc hoa tươi riêng một thôn.
Ta run sợ trước ý nghĩ mình đã bắt đầu lẫn lộn giữa Âu Dương Phong bà Lý Bạch Xuyên. Không lý nào là như vậy, có phải hay không ta đã quá lơ là, có phải hay không trước tình cảm rối bù của ta, Âu Dương Phong cứ như một dòng rượu ấm áp, từng chút, từng chút một xoa dịu, rồi trong vô thức làm ta phân tâm, làm ta lãng quên? Có phải hay không ta đã quá phụ thuộc vào hắn?
Lại nhớ đến lời ta hứa với hắn trước lúc lên đường, và còn lời hứa giữa ta và Chu Hạo Minh “xong việc liền đến chỗ ta, lúc đó ta sẽ nói ra điều kiện”. Lòng tự nhủ, sau này sẽ không tự tiện hứa hẹn khi không biết chắc mình có làm được hay không.
“Tử Đằng, ta hỏi huynh không nghe thấy sao? Sao lại ngẩn ra như vậy?” Tiểu Thập Thất huých nhẹ lên cánh tay, mang ta về thực tại. “ta hỏi huynh cũng biết Mạc Phù tỷ sao?” Ta nhe răng cười, đáp “ừ, Mạc lệnh kim nổi tiếng như vậy, có ai lại không biết chứ?” Tiểu Thập Thất nhìn ta vẻ nghi hoặc, dưới cái nhìn của nàng ta cũng cảm thấy thực thiếu tự nhiên, liền thu ánh mắt, chú tâm nghiền dược liệu.
“Tử Đằng huynh ngày mai sẽ lên đường đến Dự Phi Châu sao?” giọng nói kéo dài ở cuối câu hỏi, ta biết nàng ấy vẫn đang nhìn mình, nên chỉ gật đầu mà không lên tiếng, sau đó lại nghe giọng nàng truyền đến bên tai “hay là huynh đừng đi nữa, cứ ở lại Xuyên Nhai thôn theo ta học y thuật, an an ổn ổn mà sống một đời..”
Trước câu nói này, ta liền ngẩng đầu nhìn nàng ấy, ta biết đằng sau lời nói của nàng chứa đầy ẩn ý.
Cứ như vậy nhìn nàng, trong đầu ta là hàng vạn câu hỏi xoay vòng, vẫn chưa biết hỏi câu nào trước thì nàng ấy đã thở dài, nói “Lão Tứ nói cho ta biết, rời khỏi đây rồi, tương lai của huynh ngày sau vô cùng khổ cực. Ta xem huynh như ca ca của mình, thực không muốn huynh chịu khổ…”
Ta đặt tay của mình lên vai nàng ấy, lòng không khỏi cảm thấy vô cùng ấm áp, bổng chốc môi không thể ngăn được, cười rạng rỡ “Thập Thất, muội không biết được những lời này có ý nghĩa như thế nào đối với ta đâu. Ta thực rất cảm tạ muội, nhưng ta cũng như chiếc thuyền ngoài kia vậy, đã ở trên mặt nước, không thể tránh khỏi sóng nước dập dềnh…”
Nàng ấy kéo tay áo chùi khóe mắt, răng cắn chặt môi dưới, bộ dạng uỷ khuất, gật đầu “bất quá Lão Tứ đã nói, huynh nhất định phải đi…”
Ta lấy trong tay áo ra chiếc khăn tay, chậm rãi lau nước mắt cho nàng ấy, rồi nhìn sâu vào đôi mắt to tròn tinh nghịch đó “nhất định sẽ còn gặp lại mà…”
Tiểu Thập Thất khóc nấc lên, lao vào lòng ta nức nở, cứ như thế lao chùi nước mắt nước mũi trên áo ta cả nửa ngày, không nói thêm gì nữa.
Canh tư đêm hôm sau, ta đã đứng trên mũi thuyền, vẫy tay chào tất cả mọi người trong thôn rồi cùng A Lục chèo thuyền băng qua sông Tam Tùng để đến Dự Phi Châu.
Trước khi đi, lão Tứ đã đặc biệt đến gặp ta dặn dò, lão nói “Tử Đằng, A Lục tìm được thì thật tốt, tìm không được cũng không sao, đó không phải là trách nhiệm của ngươi, đừng gánh hết thảy mọi thứ lên mình. Bất quá, mọi chuyện đều có cơ duyên của nó, con người của ngươi đều suy tính thiệt hơn trước khi làm việc gì, nhưng đôi khi cũng nên nghĩ cho bản thân nhiều một chút. Chấp niệm, giữ mãi trong lòng chỉ càng khiến bản thân thương tổn mà thôi…”
Đôi mắt lão Tứ buồn bã nhìn ta, lệ quang lấp lánh phản chiếu những ngọn đuốc trong đêm đen, lại khiến ta vô cùng phiền muộn. Nơi đây chỉ cách kinh thành mười ngày đi đường, việc gì mà mọi người cứ dặn dò ta như thể sẽ không bao giờ gặp lại nữa như vậy.
Trong lòng ta tơ vò rối rắm, lão lại như chỉ bằng một cái liếc mắt đã tường tỏ mọi bi hỉ trong ta. Ta nhìn lão, gật đầu rồi quay đầu bước lên thuyền; lòng tường tận một điều, có những nơi dù ở lại bao lâu đi chăng nữa cũng không thể gọi là nhà, một số nơi khác dù chỉ là một vài ngày ngắn ngủi, nhưng lại cảm thấy vô cùng thân thuộc, vô cùng quyến luyến. Xuyên Nhai Thôn ở tận cùng phía Đông của Tứ Du huyện, chính là một nơi như vậy.
Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ Liễu ám hoa minh biệt nhất thôn.
|
Chương 17: Dự Phi du ký
Sông Tam Tùng chia thành ba nhánh chính, nhánh chảy về hướng Tây chính là sông Lưu Hà ở Định Yên, về hướng Bắc gọi là Thủy Cẩm Hà chảy qua Dự Phi, về hướng Đông gọi là sông Vong khúc chảy qua Diên Hoa huyện. Ta ngồi ở trên thuyền, qua lớp vải che trên nón nhìn phong cảnh bốn bề ngập tràn sắc nắng tắm mình trên dòng nước lấp lánh. Quả nhiên, trăm sông rồi cũng về một biển. Hơn hai năm trước ta ở trên cầu Vong Khúc thả xuống lồng đèn, mười ngày trước ở trên sông Lưu Hà bị đá ngầm cứa rách cánh tay, hiện giờ lại đang xui dòng sông Thủy Cẩm để đến Dự Phi, chung quy, ba con sông trên đều là cùng một dòng Tam Tùng. Thế gian, có phải mọi chuyện đều có liên quan với nhau theo một cách nào đó giống như vậy?
Ngồi trên thuyền suốt từ lúc mặt trời chưa thấy đâu đến tận lúc trưa mới có thể đến được bờ bên này Dự Phi châu. Ta bước xuống thuyền, lấy ngân lượng trong tay áo đưa cho A Thập, dùng dằng mãi hắn mới chịu nhận, xong xuôi liền chèo thuyền trở về Xuyên Nhai. Ta đứng trên bến sông vẫy tay chào rồi cũng xoay người bước trên cầu nhỏ dẫn vào tiểu trấn. Hành lý trên người ta vô cùng đồ sộ, tiểu Thập Thất cùng Nhị thẩm đã chuẩn bị rất nhiều thứ trước khi ta đi, nào là lương khô, cá khô, dược liệu… nhưng ở trong thôn ăn cá nhiều như vậy ta đã phát ngán rồi, hôm nay quyết tâm tự đãi bản thân một phần thịt rượu trước khi lên đường đến Dự Phi thành. Nghĩ rồi cũng nhanh chóng tìm một tửu lâu ven đường bước vào.
Tửu lâu buổi trưa khá đông đúc, các bàn đều đã có người ngồi, ta tìm mãi mới được một cái bàn trống ở trong góc, ngồi xuống gọi qua loa vài món và một bình Quỳnh Hoa Lộ. Đang lúc ta tập trung thưởng thức đồ ăn và rượu ngon thì trước mắt xuất hiện thân ảnh của hai người đến đứng trước bàn chỗ ta ngồi. Lúc đầu ta cứ ngỡ quán đông quá nên họ không có chỗ, bèn đưa tay làm động tác mời ngồi với họ rồi cuối đầu ăn tiếp. Không ngờ lại nghe được giọng một trong hai người nói “A Phú ngươi nhìn nhìn xem, có phải người này trông rất giống với người mà bọn họ đang tìm kiếm không?” Đôi đũa trên tay ta rơi xuống bàn kêu loảng xoảng, bất quá ta không còn đủ bình tĩnh để mà nhặt lên; trong giây phút đó, ta chỉ có thể hướng mắt nhìn về phía họ, hy vọng những gì ta vừa nghe không phải là những gì ta đang nghĩ trong đầu.
Người tên A Phú nheo mắt nhìn ta gắt gao, rồi gật đầu “đúng là trông rất giống với hình trên cáo thị”.
Cái khoảng khắc đầu hắn gật xuống, chân ta bủn rủn như bột nhão. Chết tiệt, ta đã quá sơ suất, cứ nghĩ ở một nơi xa xôi như thế này thì mình sẽ được an toàn, chẳng lẽ, hình truy nã của ta đã được dán ở khắn nơi rồi sao? Đầu óc ta vẫn đang mơ hồ chưa biết phải làm sao mới phải thì người còn lại đã bước lên phía trước chủ động trò chuyện với ta, gương mặt tỏ rõ nét thích thú “vị tiểu ca này có quen biết với người ở triều đình sao?”
Đây, đây chẳng phải là nét mặt sắp được lĩnh thưởng nhờ giao nộp người bị truy nã còn gì? Ta nuốt nước bọt khô ran trong cổ họng, môi mấp máy đến mấy lần mới nói lên lời “ta..ta… Ahahahaha, làm gì có chứ, ta chính là mới rời khỏi…… Xuyên Nhai thôn lần đầu tiên… hôm hôm nay thôi. Làm sao có phúc phần quen biết với người ở kinh thành cơ chứ, các huynh…. các huynh nhận nhầm… nhầm người rồi..”
Người còn lại cũng liền bước đến, ngồi xuống ghế đối diện, chống tay lên cằm nhìn ta lung lắm, sau đó lại phán “sao huynh lại giống người đó đến vậy chứ?” Ta lại nuốt nước bọt, cảm giác được trán đã ướt đẫm mồ hôi cũng không dám đưa tay lên quẹt đi, chỉ có thể giả vờ ngây thơ chớp mắt nhìn họ, ra vẻ không hiểu gì ráo. Có vẻ như ta giả vờ rất giống, cho nên người trên A Phúc cũng ngồi xuống chỗ đối diện, chậm rãi giải thích “ba hôm trước bọn ta đi ngang Dự Phi thành có thấy cáo thị tìm người, ta vẫn còn nhớ rõ vì người trong ảnh rất đẹp, vừa nhìn đã cảm thán rồi. Lẽ nào là người giống người sao?”
Ta gật đầu lia lịa, đến nỗi mấy giọt mồ hồi lạnh trên trán cũng rơi xuống mặt bàn, chẳng dám nói gì thêm. Hai người đó lại nhìn ta chằm chằm, sau đó đưa mắt nhìn nhau rồi thở dài một cái “chắc là vậy rồi.” Nói rồi cũng không để ý nữa, liền ngoắc tay gọi tiểu nhị đến gọi món.
Ta thở ra một hơi nhẹ nhõm, sau đó liền không dám ở lại thêm lâu nữa, moi một số bạc ở trong tay áo ra đặt tùy tiện ở trên bàn rồi thì liền ôm tay nải chạy vèo ra khỏi quán. Một lần cũng không dám quay đầu lại nhìn.
Đi một đoạn xa, ta mới điều hòa lại cước bộ, đầu óc mới hoạt bát trở lại, suy nghĩ mới được minh mẫn hơn một chút. Như hai người khi nãy nói thì hiện tại ta đang bị truy nã khắp nơi sao, nếu như bị bắt ở đây có phải là ta sẽ bị đem đi tra khảo hay không? Ta bất giác đưa tay sờ lên chỗ miếng ngọc bội phỉ thúy và cái lệnh bài trong ngực áo.
Ta chính là vẫn chưa tìm hiểu được gì, nếu có bị bắt thì dù muốn khai cũng không biết phải khai cái gì. Hơn nữa, theo như những gì Trác Thiếu Văn nói, thứ mà bọn người đó cần là miếng ngọc bội này; vậy có khi nào bắt được ta rồi họ liền cướp của giết người không? Không được, ta phải trở lại kinh thành tìm Âu Dương Phong. Chỉ có ở đó ta mới được an toàn. Tay chân ta run lập cập, giác quan lại căn lên như sợi dây cung, cả người căng thẳng không kém gì buổi tối hôm đó ở trong rừng. Bất giác, ta cảm thấy được mình đang ở trong tình thế thực nguy hiểm. Đang lo lắng tính toán không biết nên làm thế nào mới có thể giữ được cái mạng nhỏ này an toàn trở về thì một ý tưởng xoẹt qua trong đầu. Đúng rồi, chỉ còn mỗi cách đó!
Thanh Hiên Lâu tại Châu Liêu là một Kỹ viện nổi tiếng bậc nhất đại Chính, thế cho nên mọi người ở đây dù là kỹ nam hay kỹ nữ cũng đều phải cạnh tranh khốc liệt để đạt được vị trí cao nhất – hồng bài. Trong cuộc chiến tranh dành đó, hậu quả gây ra chính là rất nhiều thù oán và ganh ghét. Thế nhưng, ta dù giữ chức hồng bài tại đây đến ba năm liền, lại được rất nhiều người yêu mến; cả khách nhân lẫn người ở trong lâu. Cũng nhờ mối quan hệ tốt đẹp với mọi người, cho nên ta học được rất nhiều thứ này nọ hết sức hay ho từ bọn họ. Ví như làm hương liệu trang điểm hay vấn búi tóc, hoặc là ngâm vịnh, múa kiếm… Những thứ tài lẻ đó lúc nào cũng giúp ta kiếm được thêm tiền từ khách nhân. Tuy nhiên, trong trường hợp liên quan đến sống còn này, thứ hữu ích mà ta học được từ Thanh Hiên Lâu chính là hóa trang.
Ta đứng trong phòng trọ ở khách điếm Tiêu Dao, xoay người qua lại; ngắm mình trong gương. Ánh phản chiếu trong gương đồng là bộ áo váy màu trắng tinh khôi điểm xuyết những bông hoa phù dung được thêu bằng chỉ màu vàng, trên cổ áo và viền ống tay áo là hoa văn những chiếc lá dài màu xanh. Bộ váy áo đơn giản nhưng tinh xảo ôm lấy cơ thể mảnh mai khiến ngay cả ta cũng cho rằng người ở trong gương thật là mỏng manh, tinh khiết, không thể nhận ra đây lại chính là một nam nhân thực thụ.
Bước đến gần hơn nữa có thể thấy được gương mặt trang điểm kỹ càng nhưng lại không quá cầu kỳ, gương mặt đẹp thanh tú với mắt đan phượng đưa tình dưới đôi mày ngài được cắt tỉa gọn gàng, đôi môi đỏ mộng nước, mái tóc dài đen mượt, môt nửa ở trên được vấn thành búi cầu kỳ, bên trên còn cài lên một chiếc trâm ngọc, nửa tóc còn lại được thả dài xuống lưng. Càng nhìn, càng thấy xinh đẹp; càng nhìn, càng khiến ta muốn nổi gai óc. Dù rằng trước đây ở Thanh Hiên Lâu ta vẫn thường bị mọi người đè ra tô son trét phấn, vấn tóc tỉa mày… nhưng vẫn không thể nào thấy quen được, huống chi bây giờ là chính tay ta ‘tự xử’, biến mình thành một nữ nhân.
Nhưng nói gì thì nói, dù không đến mức khuynh quốc khuynh thành, bế nguyệt tu hoa, trầm ngư lạc nhạn; nhưng rõ ràng ta ở trong gương cũng có vài phần tư sắc, cũng có thể dùng “mi thanh mục tú” để mà hình dung. Xoay xoay mấy vòng trước gương, nhìn trước ngắm sau rồi cho thật hài lòng rồi ta mới hí hửng gom góp đồ đạc thu hết vào tay nải rồi bước xuống dưới chỗ chưởng quầy.
Thấy ta, chưởng quầy không khỏi trố mắt nhìn một lượt từ trên xuống dưới bằng ánh nhìn cổ quái. Đương nhiên ta hiểu điều này, thử nghĩ xem buổi tối một nam nhân đến thuê phòng nhưng sáng đến thì người thanh toán tiền phòng lại là nữ nhân thì ai lại không phải trố mắt ra chứ? Ta cười rạng rỡ hỏi chưởng quầy, nhỏ giọng bắt chước âm điệu của nữ nhân, nói “không biết ta có thể mua ngựa ở đâu?”
Người nọ lại nhìn ta từ trên xuống dưới, sau đó lắc đầu “tiểu thư từ nơi khác đến cho nên không biết là phải. Ở đây người không mua được ngựa đâu” Ta sửng sốt giương mắt nhìn, chẳng lẽ lão cho là ta không có tiền sao. Không phải ta khoe khoang chứ, trên người ta hiện giờ không có gì ngoài tiền cả.
Lão lại rất từ tốn giải thích “ngựa tốt ở khắp nơi trong vùng đều bị thu mua hết cả rồi, hiện tại ở đây chỉ còn ngựa non thôi.”
Cằm của ta rơi xuống.
Không có ngựa thì ta đến Dự Phi Thành bằng thế quái nào? Mà có ai lại đi bán hết ngựa cơ chứ, bán ngựa rồi thì phải đi bằng cái quái gì đây? “vậy bây giờ ta muốn đến Dự Phi thành thì phải làm sao?”
Đáp lại câu hỏi đầy hặm hực của ta, chưởng quầy vẫn tỏ ra rất điềm đạm và cảm thông “giờ Thìn mỗi ngày đều sẽ có xe ngựa đến chở hàng và khách nhân từ trong trấn đến Tứ Ngưu trấn, từ đó lại đến An Sơn huyện, rồi mới đến Dự Phi thành.”
Ta nhìn trời, cũng sắp đến giờ thìn, thế nên liền nhún người cảm tạ chưởng quầy, ôm tay nải chạy thẳng ra ngoài.
Qua giờ Thìn một chút liền thấy xe ngựa chở hàng hóa dừng lại trước cửa tửu lâu. Sau khi chất đủ hàng hóa lên trên, ta và hai khách nhân khác cũng chen chúc leo lên ngồi. Cả hai đều là nam nhân, thoạt trông râu ria lúng phúng thế kia, ta đoán chắc họ đều đã xắp xỉ tứ tuần, nhưng cử chỉ lại rất lịch thiệp, nhã nhặn như thể văn nhân đọc sách thánh hiền vậy.
Họ nói rất nhiều, đại ý chính là đến Dự Phi thành để mua một số thứ chuẩn bị cho mùa đông sắp tới, còn ta thì cười cười nói là đến kinh thành để tìm tướng công lên kinh ứng thí đã ba tháng rồi chưa thấy trở về. Lúc nói ra điều này, họ trao đổi ánh mắt với nhau rồi hướng nhìn ta ánh mắt cảm thông, sau đó lắc đầu, chặc lưỡi không nói thêm gì. Thế là cả ba người chúng ta yên yên ổn ổn lên đường, chặng dừng đầu tiên là Tứ Ngưu trấn.
Đường đi không quá xa, nhưng lại hết sức hiểm trở; cho nên phái mất cả một ngày đường thì mới đến nơi. Ta ngồi ở trên xe, váy áo nữ nhân bị thổi bay trong gió; vén tóc mai đưa mắt nhìn quanh cảnh núi non hùng vĩ dọc hai bên đường. Phu xe đại ca nói đây gọi là Song Trùng Sơn, là hai dãy núi chạy song song với nhau, ở giữa là Thử Cùng Cốc. Nghe nói bên kia hai dãy núi này chính là lãnh thổ của Ngô Nguyệt quốc.
Ta phóng tầm mắt về phía rừng rậm trải dài theo triền núi đá vôi, vào cuối thu cảnh vật đều được phủ màu vàng úa, bất quá dù là trời chiều âm u, không khí se se lạnh nhưng lại không thấy nét tịch liêu buồn bã mà lại có thể mơ hồ cảm nhận được một sự quyến rũ huyền bí. Xa xa là những làn khói lam chiều tỏa lên càng làm cho khu rừng trông càng mị hoặc. Khách nhân đến Thanh Hiên Lâu có người từng nói, Ngô Nguyệt quốc là một tiểu quốc xinh đẹp. Điện đài, nhà cửa ở đó đều được xây bằng đá tảng màu trắng được cắt từ núi đá vôi Bạch Không, trên vách tường đều được lát đá có cẩn hoa văn màu sắc sặc sỡ, thềm nhà và nền nhà đều được lát đá hoa cương trơn bóng; thủ thuật khéo léo đến từng chi tiết.
Phố chợ ở kinh đô Ngô Nguyệt quốc cũng đầy màu sắc với đầy đủ các thứ vải vóc, trang sức, thức ăn… Người dân thì lại rất thân thiện, hòa nhã và hiếu khách; họ tuân theo những luật lệ rất riêng, rất khác biệt so với Đại Chính và Mộc Liêu, ví như họ yêu chuộng hòa bình, thích thưởng thức cái đẹp, cả nam nhân lẫn nữ nhân đều ăn vận rất kiểu cách, đầy màu sắc khi đi ra đường. Người đó còn nói, mùa xuân đến Vĩnh Xuân Huyện, thuê một chiếc thuyền thả xuôi theo dòng nước, ngắm hoa rơi trên tòa Bạch Vân Du Ốc, uống rượu hoa đào, mới biết được thế nào là thú vui tao nhã nhất thế gian.
Ta nghe mà trí óc bay xa vạn dặm, cũng muốn đặt chân đến đó một lần, bất quá Lạc Cơ đã nói, nàng ấy muốn một lần trở lại Ngô Nguyệt quốc. Ta cũng muốn giúp nàng ấy thực hiện mong ước này. Thầm nghĩ sau khi mọi chuyện lớn nhỏ đều đã làm xong xuôi, sẽ đi một chuyến du ngoạn đến Ngô Nguyệt quốc.
Buổi trưa ngày tiếp theo, xe ngựa dừng lại tại khách điếm nhỏ ở An Sơn huyện. Ở đây, thịt bò khô ướp gia vị và áo ấm lông cừu được chất thêm lên xe. Cũng vì vậy mà chỗ ngồi của ba người chúng ta trở nên hẹp dần.
Cũng thực may ta đang giả dạng nữ nhân, cho nên hai nam nhân còn lại đều hết sức nhường nhịn. Họ thay phiên nhau ngồi trên ghế đánh xe cùng với phu xe đại ca, nhường chỗ cho ta được ngủ thẳng chân, còn nói “cô nương phải giữ sức để lên đến kinh thành còn có sức mà tìm tướng công.” Đối những lời này, ta chỉ cười cười cảm tạ.
Vừa khỏi An Sơn huyện được một canh giờ, xe ngựa đang tiến vào đường nhỏ băng qua rừng thì xe ngựa đột ngột bị tấn công....
|