Dường Như Dì Đã Nói Yêu Tôi
|
|
CHƯƠNG 45
Sau hôm đó, Bạch Nhược Lâm mời tôi đi, tôi cũng không chối từ nữa, xem như việc làm thêm vậy. Nghĩ thế nên trong lòng thoải mái hẳn ra. Tôi tới đấy cũng không tán gẫu với các chị quá nhiều, thật ra chúng tôi không có tiếng nói chung. Các chị nói về chuyện buôn bán, tôi cũng không hiểu gì. Chẳng thà ngồi đánh Piano còn vui hơn, lại có thể kiếm tiền nữa.
Bạch Nhược Lâm thấy tôi buồn sẽ đưa cho tôi ít điểm tâm, rồi nói vài chuyện phiếm, hỏi chút chuyện trường lớp. Chị ăn nói rất tao nhã, cũng từng đọc rất nhiều sách. Có một lần, tôi lấy hết dũng khí hỏi chị, ‘Trước đây chị học ngành gì? Có học đại học không?’.
Nhưng chị là người rất thông minh, mỉm cười trả lời, “Hình như có học đại học mấy năm, nhưng học được gì cũng trả lại thầy cô hết rồi, ha ha.”
Tôi không tiện truy hỏi, có điều trong lòng không khỏi hiếu kỳ. Dựa theo tuổi của chị, tốt nghiệp đại học, đáng lẽ sẽ tìm được việc tốt, cớ sao lại lưu lạc vào hội nữ phú thương này chứ? Tôi thoáng nghĩ chắc đã xảy ra chuyện gì đó mà tôi chưa thể nào biết thôi.
Nhịn ăn nhịn xài nửa tháng, tôi rốt cục cũng tiết kiệm được một khoản tiền, có thể mua một món quà quý quý để trả nợ ân tình, nhân tiện trả khăn lại cho chị luôn.
Tôi tới thương xá mua một chai Chanel 5 lớn. Tôi nhớ quyển sách kia có viết Monroe chỉ xài Chanel 5, đây là loại nước hoa có thể dùng với mọi trường hợp.
Tôi cẩn thận cất nó vào túi xách, sau đó gọi điện thoại cho Bạch Nhược Lâm.
“A lô, Thỏ con hả?” Giọng của chị có chút lười biếng.
Tôi nhìn đồng hồ, gần mười một giờ rồi, không phải chị vẫn còn đang ngủ đấy chứ?
“Chị Bạch, hôm nay chị có rãnh không? Em muốn gặp chị một chút!”
“Rãnh chứ!”
“Chị đang ở đâu? Em tới tìm chị được không?”
“Được chứ, em qua đi.” Chị đọc cho tôi địa chỉ.
Tôi xuống taxi mới phát hiện khu này cũng không lớn lắm, chỉ có mấy tòa cao tầng, nên tôi nhanh chóng tìm được chỗ của chị, khu C, tầng 11.
Tôi vừa ấn chuông, chị đã lập tức ra mở cửa.
Hóa ra chị thực sự mới ngủ dậy. Chị mặc bộ đồ ngủ màu hồng nhạt, tóc quấn khăn.
Tôi chưa từng thấy dáng vẻ của chị như thế, hóa ra cũng đẹp lắm, thiếu đi vẻ tinh xảo thường ngày, nhưng lại có thêm chút thân thiện.
“Mau vào đi. Chị đi sấy tóc cái đã, tự nhiên nhé.”
“Dạ.” Tôi cởi giày. Lúc để giày lên kệ ở cửa, tôi phát hiện có tận mấy đôi dép trên đấy, nhưng chúng còn rất mới, tựa hồ chưa từng dùng qua, chỉ có một đôi kiểu nam hơi cũ.
Đừng nghĩ nhiều! Đây là chuyện riêng nhà người ta! Tôi tự cảnh cáo trong lòng.
Ngôi nhà được trang trí rất tinh xảo bằng đèn thủy tinh, gương và cửa pha lê, tạo cho người ta cảm giác không gian rộng hơn vốn có.
Tôi ngồi trên sofa bằng da màu trắng, chờ chị sấy tóc khô xong rồi mới tặng quà cho chị.
Chốc sau, chị đi ra, ngồi đối diện tôi, sau đó lấy kẹo bên bàn trà mời tôi ăn. Tóc chị xoã tung trên vai, cổ áo ngủ hơi rộng lộ ra bộ ngực trắng ngần như ngọc.
Tôi cúi đầu, lấy khăn tay và chai nước hoa được gói kỹ ra đưa chị.
Chị hơi bất ngờ, nhận đồ. Đảo mắt qua món quà mới sáng tỏ.
“Thỏ con, em đưa chị cái này làm gì?”
“Chị Bạch, chút quà mọn, xin chị vui lòng nhận cho. Em cũng không biết nên mua gì nữa.”
“Em lập tức mang nó về đi!” Giọng chị rất kiên quyết. Chị đứng dậy định nhét nước hoa vào túi xách của tôi.
Tôi khẩn trương đứng lên giữ tay chị lại, nhưng bị tức thì bị chị tránh đi. Nào ngờ vừa tránh xong thì áo ngủ của chị tuột xuống khỏi bả vai. Chị không mặc áo lót bên trong, trần nửa thân trên đứng trước mặt tôi.
Tôi lúng túng, cấp tốc kéo áo chị lên vị trí ban đầu, còn cố ý kéo kín cổ áo giúp chị, tránh quá hở hang.
“Xin lỗi, xin lỗi. . .” Tôi luôn mồm nói xin lỗi.
Chỉ thấy gò má chị đỏ ửng, quay mặt qua chỗ khác không nhìn tôi.
Để tránh khỏi cảnh ngượng ngùng, tôi lập tức ngồi lại sofa, nghĩ thầm lần này xấu hổ chết đi được.
Chị bỏ đồ xuống, lúc quay lại, vẻ mặt đã khôi phục như thường.
Chị ngồi cạnh tôi, nhẹ giọng nói, “Thỏ Con, chị xem em là bạn, giữa bạn bè không cần tính toán, hiểu chưa?”
“Em hiểu. Em chỉ muốn tặng chị chút quà thôi, không có ý gì khác.”
Chị nhìn tôi, trầm mặc một hồi, sau đó mở miệng nói, “Thôi bỏ đi!” Chị bất đắc dĩ vung tay, sau đó mở bao thuốc lá ra, đốt một điếu, rồi tựa vào sofa lặng lẽ hút.
Tôi nhìn chị hút thuốc, dáng vẻ rất nhuần nhuyễn, vừa cô đơn lại vừa tao nhã.
“Đừng hút thuốc”, tôi kéo nhẹ tay chị, “Hút thuốc không tốt cho cơ thể. Ông ngoại em hút thuốc nhiều nên bị phổi nặng lắm.”
Chị liếc mắt nhìn tôi, rồi tiếp tục hút thuốc.
Tôi hơi nổi nóng, người ta nói chuyện với chị rất đàng hoàng, nhưng chị lại không thèm quan tâm tới.
Tôi cũng lấy một điếu thuốc trong hộp ra, rồi nhen lửa hút. Không ngờ khói thuốc có hơi ngợp thở, tuy không ho ra tiếng, nhưng hơi cay đã đầy nghẹt cả cổ họng. Nhưng sao tôi có thể chịu thua vào lúc này được chứ? Tôi giả bộ thông thạo, tiếp tục hút.
Chị ở bên cạnh bật cười. Tôi nghi hoặc nhìn chị. Thấy chị dụi tắt thuốc đi, tôi cũng dụi thuốc theo.
“Nhóc con, em giả bộ cái gì vậy hả. Mặt đỏ ké hết rồi kìa!” Chị vừa nói, vừa đưa tay qua véo má tôi.
“Em muốn hút. Học chút xíu là quen à!”
“Học gì mà học?”
“Chị không hút nữa sao?”
Chị thở dài, nói, “Lúc buồn thì hút thuốc thôi. Hút xong cũng quên hết buồn phiền. Lâu dần thành thói quen xấu. Em còn nhỏ, tuyệt đối đừng học hút thuốc. Em nói đúng, không tốt cho cơ thế chút nào đâu.”
Tôi đột nhiên cảm thấy chị thật đáng thương, thân là phụ nữ, nhất định gánh trên lưng nỗi khổ riêng nhiều hơn cả đàn ông. Tại sao? Dì Lạc cũng vậy, Bạch Nhược Lâm cũng như vậy?
Chị không nói gì nữa, chỉ lẳng lặng dựa vào tôi, giống như hiểu rõ điều tôi đang nghĩ.
“Em nghĩ sao mà lại tặng nước hoa cho chị?” Chị đột nhiên nhẹ nhàng hỏi, “Mắc như vậy mà em còn cố mua?”
Tôi nghe hiểu ý chị, hẳn là đồng ý nhận quà rồi, trong lòng không khỏi vui mừng.
“Lần trước ở hội sở, em đọc được trong một quyển sách, loại nước hoa này rất hợp với những cô gái trưởng thành, tao nhã. Marilyn Monroe cũng rất thích, nên em liền chọn nó.”
Chị cười cười, “Chị làm gì sánh được với Marilyn Monroe chứ? Bà ấy gợi cảm lắm nha!”
Nhắc tới gợi cảm, tôi không khỏi nghĩ đến chuyện lộ thân lúc nãy của chị, tự đáy lòng nói, “Chị cũng vậy, cũng rất khiêu gợi.”
Một câu nói chọc chị bật cười, “Quỷ nhỏ, em mà biết cái gì hả!?”
Chúng tôi cứ trò chuyện thoải mái như thế, lúc này trông chị có vẻ yêu kiều. Tôi nghĩ đàn ông nào cũng thích kiểu phụ nữ như vậy.
Một lúc sau, điện thoại của chị vang lên. Hóa ra là công ty chị có việc, chị bỏ ra vài phút bàn giao.
Lúc này chị lại khôi phục dáng vẻ khôn khéo thường ngày. Giọng nói tuy lớn, nhưng rất chậm rãi và rõ ràng, rất tự tin. Tôi thầm than trong lòng, ‘không biết mình phải tu hành bao lâu mới có thể tự tin giống vậy.’
|
CHƯƠNG 46
Nói chuyện điện thoại xong, chị nhìn đồng hồ, “Thì ra sắp mười hai giờ rồi, chả trách thấy đói bụng.”
“Chị cũng có ăn điểm tâm đâu.”
Chị khoát tay, “Chị chưa bao giờ ăn điểm tâm. Thỏ Con, em ở lại ăn chút gì nhé.”
“Dạ.” Trải qua chuyện vừa rồi, hình như tôi không còn khách khí với chị nữa.
Chị thông thạo gọi điện đặt trước món ăn.
Đồ ăn nhanh chóng được giao tới. Tôi bày ra bàn rồi nhìn bốn món, có ba món cay. Tôi đột nhiên nhớ đến lúc ăn cơm với dì Lạc, món nào cũng thanh đạm chứ không hề nặng nề như bà chị này tí nào. Cũng may là tôi ăn cay được.
Nhưng sau khi động đũa, đứa tự xưng ăn cay được như tôi cũng chỉ có thể chịu thua. Món này không chỉ cay, mà còn đắng nữa, hại tôi suýt chút phun ra đầu lưỡi.
Bạch Nhược Lâm lấy cho tôi ly nước lạnh, tôi lập tức chộp lấy nốc ừng ực.
“Sớm biết em không ăn cay được thì chị đã không gọi món này rồi.” Chị vừa nói vừa ăn, mặt không đổi sắc.
“Chị Bạch, chị thật lợi hại, cay vậy mà vẫn ăn tỉnh bơ!”
“Cỡ này chả là gì đâu. So với mấy món ở quê chị, cay vầy không đủ cho chị súc miệng nữa kìa.”
Đây là lần đầu tiên tôi nghe chị nhắc tới quê hương. “Chị là người Tứ Xuyên hả?”
“Đoán tiếp đi!”
“Giang Tây?”
“Chúc mừng em đã trả lời đúng!”
“Ha ha, không ngoài ba chỗ Tứ Xuyên, Hồ Nam và Giang Tây”
“Sao không phải là Hồ Nam nhỉ?”
“Vì giọng của chị giống người Giang Tây hơn!”
“Coi như em thông minh!”
“Lừa chị thôi. Thật ra em vốn không nghe được gì từ giọng của chị hết. Chị xa quê nhiều năm rồi hả?”
“Đúng rồi, hơn mười năm.”
“Sao chị không về?”
“Có ai nữa đâu mà về. Mẹ chị mất sớm, ba chị cũng cưới người khác rồi.”
Tôi không truy hỏi nữa, thì ra thân thế của chị đáng thương như vậy.
“Chị khổ từ nhỏ rồi, chắc em không ngờ hả?”
Tôi gật đầu. Không thể phủ nhận, nhìn bề ngoài chị rất điềm đạm, người không biết nhất định cho rằng chị là con cưng nhà giàu.
Chị ủ rủ nở nụ cười, “Chị chịu khổ nhiều lắm, không chỉ có những chuyện này đâu. Sau này có cơ hội sẽ kể em nghe.”
Thật ra tôi cũng không muốn hỏi kỹ càng chuyện này đâu. Dù sao cũng là thương tâm của người khác, nhưng chị đã nói thế thì tôi cũng không tiện cự tuyệt, đành gật đầu đồng ý.
Ăn cơm xong, tôi chào tạm biệt rồi rời đi. Ra ngoài cửa, tôi phát hiện tuyến xe buýt chạy ngang công ty của dì Lạc. Đã lâu rồi tôi không gặp dì, hay là hôm nay ghé thăm dì một chút nhỉ.
Tôi gọi điện thoại cho dì. Dì nói đang làm ở ngoài, không có ở công ty.
Dì hỏi tôi trong điện thoại, “Dạo này con bận gì à?”
Tôi cảm thấy lời nói của dì đầy thâm ý, ngược lại cũng không muốn giấu dì chuyện gì, lập tức kể rõ mười mươi cho dì nghe.
Dì cũng nghiêm túc nghe tôi nói hết.
“Thỏ con, con thật sự muốn làm bạn với Bạch Nhược Lâm sao?”
Tôi ngẩn người, nghĩ thầm ‘có gì không ổn sao?’
Dì thở dài, “Không phải dì có thành kiến với cô ấy. Có điều phụ nữ như thế rất thủ đoạn, thâm sâu không lường được. Con lại đơn thuần như vậy, dì có chút không yên lòng.”
“Dì Lạc, tuy con biết Bạch Nhược Lâm rất lợi hại, nhưng con không có quyền lại không có tiền, giao du với chị ấy cũng chẳng có gì đổi chát được, cần gì phải phòng bị chứ!”
“Dì không lo lắng chuyện đó. Dù sao con cũng là con gái, hơn nữa đang là sinh viên. Con đừng quá thân với người phụ nữ này, dì lo…” Dì không nói hết câu, nhưng ý tứ rất rõ ràng.
Tôi thừa nhận lúc trước không nghĩ tới chuyện như vầy.
Nhưng thâm tâm tôi cũng không ủng hộ. Tuy thân phận của Bạch Nhược Lâm không vẻ vang gì, nhưng ít ra chị làm người rất chân thành.
“Dì Lạc, dì yên tâm, dù con hay qua lại với chị ấy, nhưng con sẽ cố gắng giữ đúng mực.”
Dì không nói gì nữa, bảo sẽ bàn lại sau, rồi cúp điện thoại.
Tôi biết dì không vui. Xem ra dì thật sự không thích Bạch Nhược Lâm lắm. Nhưng bảo tôi vì vậy mà tuyệt giao với Bạch Nhược Lâm, tôi cảm thấy mình làm không được.
|
CHƯƠNG 47
Sau hôm đó, tôi vẫn cảm thấy nên nói chuyện rõ ràng với dì Lạc. Nhưng mỗi lần gọi điện, dì đều nói bận công tác ở ngoài, có gì thì đợi dì về rồi bàn. Qua vài lần, tôi cũng không tiện gọi điện quấy rối dì nữa. Nhưng trong lòng lại cảm thấy kỳ quái, có chuyện gì quan trọng đến mức phải đi công tác lâu như vậy chứ? Làm luôn cuối tuần, không lẽ dì đang giận tôi?
Tôi nghĩ tới nghĩ lui, lăn lộn khó ngủ, vừa lo, vừa sợ, muốn hỏi dì, nhưng lại không dám hỏi.
Tôi thầm tự hỏi mình, nếu dì biến mất khỏi cuộc sống của tôi, không gặp tôi nữa, liệu tôi có thể chịu đựng được không?
Đầu óc ong ong một hồi. Thôi được rồi, không nghĩ tới mấy vấn đề đày đọa bản thân nữa, xem như tạm thời chia tay đi.
Xuân qua, hạ đến, tôi thường hay tản bộ dọc bờ sông. Cây cỏ xanh biết bạt ngàn. Hận thù cũng như hoa cỏ, càng tiêu diệt, càng tái sinh.
Người ta hay nói cuộc sống “dài đằng đẵng”, nên ai cũng cho rằng sau này sẽ gặp lại. Nhưng không ngờ, cuộc sống vốn trôi qua quá nhanh, chớp mắt tan biến như hương thơm.
Biển người mênh mông, ai cũng muốn tìm thấy bản thân mình. Mỏi mòn tìm kiếm, ta và người cứ mãi tù mù, sai phạm nhiều thứ, gặp nhau rồi lại xa cách. Ta si tình một cô gái giống mình, chỉ sợ tình ý kéo dài không dứt. Nhưng tình cảm sâu đậm như vậy, liệu ai có thể chịu đựng được đây?
Yêu rồi chia tay, oán rồi đau thương, xưa nay đều như thế đó.
Thời gian lướt nhanh hơn cơn gió hú, chưa từng đứng lại cho ta thứ gì, nhưng lại mang đi rất nhiều thứ. Những thứ hoàn mỹ ấy, mỏng manh hơn cả tuổi thanh xuân. Trên thế giới này, rốt cuộc có gì là vĩnh hằng đâu chứ? Có gì đáng để thật lòng đây?
Hay nhất vẫn là “trả ngọc cho chàng”, tuy có “hai hàng nước mắt”, nhưng từ nay về sau, phiêu bạt giang hồ. Chỉ cần phất ống tay áo một cái là có thể lấy đi một áng mây. (1)
Nhưng tôi chẳng qua chỉ là một người tầm thường.
Cuối cùng tôi không nhịn được nữa, chạy đến công ty của dì. Cũng may chú bảo vệ vẫn còn nhớ tôi, chủ động báo Lạc tổng ra ngoài làm việc chưa về. Lúc này, tôi mới nhẹ nhõm được đôi chút.
Tôi thấy mình thật buồn cười, chỉ vì một chuyện nhỏ nhặt mà suy đoán lung tung, hầu như đã lo lắng hết lòng.
Nghĩ đến dì Lạc bận trăm công nghìn việc, hơi đâu chấp nhặt với tôi, rầu rĩ mấy chuyện vặt vãnh này cơ chứ?
Sau ngày hôm đó, chúng tôi không còn gặp nhau nữa, dì lại còn đối xử lạnh nhạt với tôi, khiến tôi lo lắng trăm bề.
Địa ngục trần gian là thế.
Người cô đơn nhiều lúc cũng không ở một mình, vừa hay tôi còn có một người để quan tâm, còn hơn không có chỗ nào nương tựa.
Trên thế giới này, ai cũng là đứa trẻ mồ côi.
Thỏ à, ai mới là người thương mày đây?
(1) Lấy cảm hứng trong bài “Tiết Phụ Ngâm” của Trương Tịch.
Nội dung xoay quanh câu chuyện tình yêu của một đôi nam nữ. Biết người con gái đã có chồng rồi mà chàng trai còn đem tặng ngọc minh châu. Người con gái dù có chồng, yêu chồng mà vẫn giữ ngọc trong áo lót lụa hồng và hành động này có khác nào với nghĩa giữ kín tình riêng của mình. Chứng tỏ nàng cũng có cảm tình với người tặng ngọc. Tuy nhiên, hàng ngày nàng ở trên lầu cao nhìn qua vườn ngự uyển mơ mộng, nhìn điện Minh Quan, thấy chồng mình làm bổn phận canh gác. Hình ảnh này có lẽ phần nào nhắc nhở, củng cố thêm cho nàng nghĩ đến chồng mình, đến bổn phận của mình trong đạo nghĩa vợ chồng cho nên nàng quyết định giữ tiết hạnh với chồng. Nàng sợ mình ủ ngọc mãi trong ngực rồi sẽ sinh ra lầm lỗi nên mới đem trả ngọc lại cho chàng trai. Trả lại ngọc mà lòng đau xót để rơi hai hàng nước mắt – Và cũng chính vì trả ngọc mà nàng được gọi là “tiết phụ”!
|
CHƯƠNG 48
Tháng ngày cuối cùng cũng qua, kỳ thi kết thúc, mọi người tan tác như chim muông. Sân trường rốt cuộc cũng khôi phục lại sự vắng vẻ hiếm thấy.
Buổi chiều hôm ấy, mưa rơi lác đác. Khi tôi đang thu dọn đồ đạc trong phòng, cuối cùng dì Lạc cũng gọi điện tới. Dì nói dì đã trở về, muốn đến thăm tôi.
Tôi đứng lặng yên bên bờ sông, chờ dì. Tựa như chờ đợi một giấc mộng đẹp.
Giọt mưa rơi nhẹ trên mặt hồ, vẽ ra từng đường gợn sóng cong cong vô cùng duyên dáng.
Tôi chợt nhớ tới bài thơ của Dư Quang Trung (1).
“Chờ người ở mãi trong mưa
Tiếng ve, tiếng ếch kêu vang khắp trời
Sen hồng như lửa trong mưa
Người đi hay đến cũng là vậy thôi
Sen nào cũng giống như người
Nhất là lúc xế trong cơn mưa phùn
Mãi mãi biến tan thành phút chốc
Chờ người, năm dài tháng rộng, vẫn chờ người.
Chớp mắt đấy, vĩnh hằng cũng ở đấy.”
Dì đến, giẫm từng bước quen thuộc vào tim tôi. Chiếc ô hơi thấp, che khuất dung nhan của dì. Làn váy xõa dài hệt như một đóa thủy tiên đang nở rộ.
Dì giơ tán ô lên, ánh mắt quen thuộc lộ ra nỗi cô đơn, trống trải.
Dì đi đến bờ sông. Không khí ẩm ương, như thấm ướt lòng dạ người ta.
Chúng tôi ngồi trong căn chòi nhỏ.
Tôi dùng ánh mắt hỏi thăm dì, ‘sao thế?’
Dì nhẹ nhàng vỗ vỗ tay tôi, nhiệt độ từ đầu ngón tay truyền ra chút tình cảm dịu dàng, tinh tế.
“Có chút chuyện muốn nói với con.”
“Dạ?”
“Chuyện ly hôn ấy mà. Cuối cùng cũng xong cả rồi.” Dì nói khẽ, đăm chiêu nhìn hồ nước. Hóa ra mấy ngày nay…
Tôi không biết nên nói gì an ủi dì. Chuyện này đã hành hạ dì lâu vậy rồi, vật lộn với biết bao mâu thuẫn, tính toán phân tranh đủ bề. Hiện tại, rốt cục cũng giải quyết xong. Tôi biết tâm tư và sức lực của dì mòn mỏi lắm rồi.
Tôi không hỏi dì kết quả thế nào, vì tôi không muốn giày vò dì thêm nữa. Kết quả ra sao cũng tốt, chỉ cần có thể thoát khỏi người đàn ông kia là được!
Tôi cúi đầu. Tay dì chẳng mấy chốc đã khô gầy thế này rồi ư.
Lòng ngực không khỏi nhói đau, tôi dang cánh tay ôm dì thật chặt.
Thân thể dì thuận thế dựa vào người tôi.
Chóp mũi tôi khẽ chạm vào vầng trán dì. Mùi thơm quen thuộc thoáng chạm vào lòng tôi lần nữa.
Tôi hy vọng có thể vỗ về mọi buồn phiền của dì đến dường nào, chữa lành mọi nỗi đau dù nhỏ nhặt. Nhưng tôi có thể làm cái gì đây? Ngay cả việc yêu dì, cũng phải chôn sâu tận đáy lòng.
Khóe mắt dì lặng lẽ chảy ra một giọt lệ.
“Đừng buồn mà.” Môi tôi chạm vào mắt dì.
Tôi hôn nhẹ lên giọt lệ ấy, lại phát hiện nước mắt chảy xuống càng nhiều.
Nước mắt của dì mằn mặn, chan chát.
Có phải lòng dì cũng đắng cay, khổ sở như giọt nước mắt đó không? Nếu như có thể, hãy để tất cả cay đắng chảy hết về tim tôi —— tôi chỉ ước ao chân mày dì giãn ra hơn đôi chút.
(1) Dư Quang Trung: nhà thơ, nhà bình luận văn học nổi tiếng Đài Loan – Trung Quốc
|
CHƯƠNG 49
Chắc chỉ có đi du lịch mới có thể giải bớt sầu lo.
Có người nói đùa ‘du lịch là đi từ nơi mình chán tới nơi người khác chán’. Lời này nghe cũng có lý, cũng không thể phủ nhận. Thay đổi hoàn cảnh, thay đổi xã hội, rời xa chỗ mình chán, để bản thân tạm thời được giải thoát.
Tôi đưa dì tới nơi tươi đẹp để giải sầu. Tĩnh tâm mắt sáng, nhẹ như mây gió, chỉ có cảnh sắc, không có tình trường.
Dì từng nói rất thích Tô Châu, tiếc là chỉ tình cờ đi ngang qua, chưa từng ghé chơi. Tôi hỏi dì có muốn theo tôi tới chỗ dì hằng mong ước không? Hai ngày, một ngày cũng được.
Dì gật đầu ngầm đồng ý, làm tim tôi rộn ràng như thỏ chạy.
Trời xanh mây trắng, vác ba lô lên vai, xe từ từ lăn bánh, tim cũng háo hức theo.
Dì ngồi gần cửa sổ, dõi mắt ra ngoài. Cảnh vật luân phiên biến đổi, hòa quyện vào sườn mặt tĩnh lặng của dì, tạo thành một bức tranh tuyệt diệu. Tôi nhìn mà ngây dại cả ra.
Dì quay đầu bắt gặp ánh mắt của tôi, nụ cười vui vẻ hiện trên khuôn mặt gầy gò ấy. Tôi tủm tỉm cười, lấy máy MP3 ra, rồi đưa cho mỗi người một tai, cùng nghe những ca khúc hay nhất được tôi chọn lọc, thỉnh thoảng mở mắt ngắm cảnh dọc đường, ăn chút quà vặt. Hóa ra có bạn chung đường lại thanh thản và dễ chịu đến thế.
Người ta nói “trên có thiên đường, dưới có Tô Hàng” (1). Tuy đã tới Hàng Châu không ít lần, nhưng ngoại trừ vẻ đẹp mê ly của cảnh mưa bên Tây Hồ ra thì tôi chẳng có ấn tượng gì khác. Tôi chỉ nhớ lúc thả mình ở Hàng Châu, người ta rao hàng bằng tiếng “phổ thông miền nam” lai cả giọng bắc tràn ngập trong tai. Tôi cũng chẳng nghe được ngô khoai gì sất. Nếu triều đại Nam Tống (2) năm đó không sụp đổ, có thể người Hàng Châu sẽ nói chuyện dễ nghe hơn bây giờ rất nhiều.
Bạn chỉ cần nghe một phương ngữ thôi là đủ để đánh giá người dân ở nơi đấy. Ví dụ như tiếng Thượng Hải có thanh nhập (3) đặc biệt nhiều, đọc nhấn mạnh từng chữ, ngắn gọn, dứt khoát. Nam nữ già trẻ đều phát âm như nhau, tốc độ cũng khá nhanh. Bạn tuyệt đối đừng nên nói chuyện đạo lý với người Thượng Hải, vì bạn chỉ cần vừa mở miệng đã thua người ta hơn nửa đường rồi. Tiếng Tô Châu lại có một phong vị khác. Tuy có rất nhiều ngữ âm tương tự với tiếng Thượng Hải, nhưng tổng thể được trau chuốt hơn, ngữ điệu cũng không giống nhau lắm. Thanh nhập của tiếng Tô Châu ít hơn tiếng Thượng Hải, đa số nguyên âm cuối thay đổi rất nhiều. Nếu bạn lắng nghe sẽ cảm thấy chữ nào cũng được kéo dài như tơ, khiến màng nhĩ vừa ngứa vừa nhột. Vậy nên nếu bạn định cãi nhau với người Tô Châu, chỉ cần nghe cái giọng ngòn ngọt, nhè nhẹ ấy thôi là bực tức đã tiêu hơn phân nửa rồi. So sánh tiếng Thượng Hải với tiếng Tô Châu, chính là so sánh thủy tinh với mã não, kim cương với trân châu, đậu phụ khô với đậu hủ ướt, bánh tráng giòn với bánh tổ ong.
Lội giữa một rừng người đủ mọi miền nam bắc, chúng tôi ra khỏi chợ, rong chơi ở thành phố cổ xưa và thanh bình trên đường Bình Giang. Hầu như ở đây không có du khách, yên bình bao phủ khắp con đường lát đá xanh dài hẹp, một dòng nước chảy quanh đôi bờ. Có vài căn nhà gỗ cũ kỹ, nhưng sạch sẽ, gọn gàng. Ngoài hiên trồng đủ các loại hoa cỏ chạy dọc bờ tường, khoác lên khu ngõ nhỏ vắng vẻ một vẻ đẹp đầy sức sống. Chiếc cầu đá có vô số bậc thang, nói liền hai bờ sông Thanh Hà, thỉnh thoảng có vài người thong dong bước qua, nhưng biểu hiện của họ rất vô vị. Dưới cầu có chiếc thuyền nhỏ bỏ neo bồng bềnh, ông lão ngồi ở đầu thuyền thản nhiên hút thuốc. Đây chính là Tô Châu, chỉ đem những điều giản đơn lay động lòng người. Nếu Cô Tô Mộ Dung Phục không có A Châu, A Bích ở cạnh, mà chỉ say mê mỹ nhân duyên dáng Vương Ngữ Yên, thì làm sao có thể thu phục đại nghiệp giáo vàng ngựa sắt, tiếng tăm hùng hổ, vang danh vạn dặm? (4)
Người Tô Châu còn phát triển nét đẹp văn hóa của Tô Châu rất triệt để —— Tô Châu Bình Đàn (5). Người hiện đại ít khi có thời gian và kiên nhẫn lắng nghe loại hình giải trí độc đáo này. Các diễn viên đến từ Tô Châu, và đoàn kịch ở Thường Châu (6). Họ diễn bất chấp thời tiết, gió mặc gió, mưa mặc mưa, nhưng giá vé lại rẻ đến mức khiến người ngồi xem nơm nớp lo sợ.
Có hai “cô chú” hiền lành phụ trách lau dọn, quét tước, chuẩn bị nước trà vào mỗi sáng. Ăn xong cơm trưa, mấy cụ già kéo nhau đến rạp. Chúng tôi như hai vị khách không mời mà đến, có chút ngỡ ngàng, bất an ngồi vào chỗ trong thính phòng. Hơn phân nửa các cụ già ở đây đều là khách quen, họ quen biết nhau, thăm hỏi việc nhà là tiền đề mở đầu câu chuyện. Thi thoảng họ cùng uống chút trà, thảnh thơi tán gẫu. Không ai lo lắng cúi nhìn đồng hồ, cũng không có ai ngắm diễn viên mà để lộ nửa điểm hưng phấn. Bằng không, họ quá tầm thường, quá không “Tô Châu”.
Phần lớn diễn viên đã không còn trẻ lắm, nhưng cũng không đến nỗi quá già —— người trẻ tuổi thì thiếu kinh nghiệm, lớn tuổi quá thì thiếu thể lực. Đừng thấy họ chỉ ngồi đó đàn hát không thôi, kỳ thực là mệt tới chết đi sống lại ấy chứ. Chưa kể đến việc họ phải ngồi ‘hát nói’ hơn hai tiếng đồng hồ mà không được sót chữ nào, giọng điệu lưu loát như nước chảy mây trôi, rồi còn phối hợp trơn tru với đàn tỳ bà và đàn tam huyền nữa. Chỉ việc ngồi thẳng lưng, không được nhúc nhích lâu như vậy là thấy họ có khả năng phi thường cỡ nào rồi.
Tôi nhớ hôm ấy diễn vở Đường Huyền Tông và Dương quý phi, kéo dài tới nửa ngày trời. Tôi ngồi ngay ngắn trong rạp, xem chăm chú không chớp mắt, cẩn thận lắng nghe, chỉ sợ hết tuồng. Khi tôi ngẫu nhiên quay đầu, phát hiện dì đang liếc mắt nhìn tôi chằm chặp. Đại khái là dì rất khó tin một đứa nhóc như tôi lại thích thể loại nhạc cổ này. Haiz, chắc dì không biết đó thôi, xu hướng thẩm mỹ của tôi thuộc kiểu hoài cổ như vầy —— bất kể người hay vật.
Bản thân câu từ được viết rất đẹp, ngôn ngữ mềm mại, ngập tràn ý thơ cổ điển, dịch thuật lại vô cùng sâu sắc. Giọng nam trong vắt, tự nhiên. Giọng nữ du dương, mềm mượt. Dùng bốn chữ “như ngọc như ngà” để hình dung là đúng mức. “Hát nói” lại mang một màu sắc rất đặc biệt. “Bình Đàn” thường lấy giọng nhân vật chính để hát, dĩ nhiên phải phù hợp với nội dung, tình tiết buồn vui của vở diễn, đối lập mà nghiêm túc, nhưng phải đúng giọng điệu và ngữ cảnh. Vậy nên diễn viên thường sẽ chèn thêm vài ba câu châm chọc, lấy cái xưa giễu cợt cái mới, từ ngữ khôi hài, để khán giả hiểu ý mà cười.
Người Tô Châu rất tế nhị, họ không ‘nghe xong một câu rồi khen ngay một câu’ như người Bắc Kinh nghe kinh kịch. Họ luôn giữ yên lặng suốt vở diễn, hiếm khi nào nghe được một hai tiếng vỗ tay. Đại đa số các cụ già ở đây đều nhắm chặt mắt lại, thậm chí sắp sửa ngủ gật đến nơi. Tôi nghĩ, “Bình đàn” kể về cuộc sống và ngôn ngữ đời thường của dân bản địa, người ngoài nghe thôi đã đủ thấy thần kỳ rồi, nhưng họ lại khác. Họ xem nó rất đỗi bình thường, không quá kích động, không quá mới mẻ, bình tĩnh, thanh thản, nửa tỉnh nửa say, đó mới là Tô Châu cổ xưa.
Chén trà xanh bốc hơi thơm ngát. Mặt trời đầu hè vào giờ ngọ (7) rọi vào song cửa gỗ, chiếu lên khuôn mặt nhăn nheo trên làn da trắng nõn của người cao tuổi. Lá trà xanh ngâm nửa mình trong chén trà nóng, thân lá xòe rộng ngầm khẳng định sự tự do. Nhành Ngọc Lan trong sân tựa hồ không biết mệt mỏi, thỉnh thoảng giương cao cánh hoa trắng mịn đung đưa theo nhịp điệu. Thời gian như đọng lại hơn nửa thế kỷ, tựa hồ từ xưa tới nay chưa từng có ai đến gần, cũng chẳng có ai rời xa.
(1) Hàng Châu – thủ phủ tỉnh Triết Giang – nổi tiếng về bề dày lịch sử văn hóa với các danh lam thắng cảnh nổi đã đi vào ngạn ngữ của nhân gian:”Trên trời có thiên đàng, dưới đất có Tô Hàng”. Người Trung Quốc có câu: “Ăn ở Quảng Châu, mặc ở Tô Châu, sống ở Hàng Châu”. Cuộc sống ở Hàng Châu thanh bình hiếm nơi nào ở đất nước đông dân nhất thế giới sánh được.
(2) Nam Tống (1127-1279). Nhà Kim xâm chiếm Nam Tống. Đến năm 1234, nhà Kim bị người Mông Cổ chinh phục, sau đó Mông Cổ kiểm soát toàn bộ phía bắc Trung Quốc và luôn đe doạ triều đình Nam Tống. Đến năm 1279, Mông Cổ chinh phục luôn nhà Tống, thống nhất Trung Quốc lập triều đại Nguyên Mông (1271-1368).
(3) Tiếng phổ thông Trung Quốc có 4 thanh điệu chính là:
+ Thanh 1 (Âm bình) gần giống thanh Bằng tiếng Việt.
+ Thanh 2 (Dương bình) gần giống thanh Sắc tiếng Việt.
+ Thanh 3 (Thượng thanh) gần giống thanh Hỏi tiếng Việt.
+ Thanh 4 (Khứ thanh) ngắn và nặng hơn thanh Huyền, dài và nhẹ hơn thanh Nặng tiếng Việt.
Ngoài ra, tiếng phổ thông có khi xuất hiện một loại “thanh điệu” đọc vừa nhẹ vừa ngắn, nhiều người quen gọi là thanh nhẹ.
(4) Cô Tô Mộ Dung Phục, A Châu, A Bích, Vương Ngữ Yên là các nhân vật trong Thiên Long Bát Bộ của nhà văn Kim Dung.
(5) Tô Châu bình đàn: là một dạng kể chuyện bao gồm cả các đoạn hát với các đoạn nói.
(6) Thường Châu: một huyện nằm ở phía nam của tỉnh Triết Giang – Trung Quốc.
(7) Giờ ngọ: Từ 11h00 trưa đến 13h00.
|