Tổng tập truyện ma của Người Khăn Trắng
Tác giả: Người Khăn Trắng
Quyển XVIII - Phần 1: BA NỐT RUỐI SON {Soc tạm đặt tựa truyện vì bản gốc không có}-
Vừa thi xong môn cuối cùng, tôi vội vàng ba chân bốn cẳng chạy về phòng trọ thu xếp vài ba bộ quần áo rồi nhờ thằng bạn thân đưa ra xa cảng Miền Đông.
May quá, thằng bạn vừa quăng tôi xuống là gặp ngay một chiếc xe đò sắp sửa chuyển bánh, khỏi phải mất thời gian chờ đợi. Làm thân học trò nghèo đi học xa nhà, một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày, gặp mặt được gia đình đâu có được bao nhiêu, nên hễ có dịp về quê là nhấp nhổm y như ngồi trên đóng lửa tam muội, mong mau mau chóng chóng đem được tấm thân gầy còm về cho cha mẹ là hạnh phúc lắm rồi.
Mặc kệ cái không khí ồn ào, ngột ngạt của bến xe, mặc kệ luôn cái nóng hầm hập của buổi chiều mùa hạ, tôi khoan khoái ngồi vào chỗ của mình, không thèm có phản ứng gì với đám người bán hàng rong đang thay nhau mời chào đon đả. Xe chạy chầm chậm ra khỏi bến, ra tới xa lộ là bắt đầu tăng tốc. Từng cơn gió chiều thổi lùa vào trong xe mát rượi. Vì ngồi sát cạnh cửa sổ nên tôi mặc sức đón gió và ngắm quang cảnh hai bên đường.
Nghĩ đến chặng đường dài thăm thẳm trước mắt tôi cũng hơi oải, nhưng thôi, về tới nhà là sẽ được dền bù xứng đáng!
Tôi là đứa con trai độc nhất trong một gia đình toàn phụ nữ. Mẹ và bốn chị gái hợp thành đủ bộ "Ngũ long công chúa”, tôi trở thành "gươm lạc giữa rừng hoa” nên rất được cưng yêu, chiều chuộng. Gia cảnh nhà tôi không khá giả gì mấy nhưng "ngũ nương” nhất quyết lo cho tôi được học hành tới nơi tới chốn: Trái lại, tôi cũng không để mọi người thất vọng. Suốt mười hai năm học phổ thông tôi đều đạt được thứ hạng cao trong lớp. Rồi sau đó lại thi đỗ vào một trường Đại học ngon lành, biết bao nhiêu người mơ ước ở Sài Gòn. Cũng giống như bao đứa sinh viên nghèo khác, cuộc sống của tôi ở cái thành phố ồn ào đông đúc ấy vô cùng... túng thiếu. Mì gói là món ăn gần như có mặt thường xuyên trong căn phòng trọ chật chội của chúng tôi. Vì vậy những dịp về thăm nhà, ngoài niềm vui được gặp mặt người thân yêu, tôi còn có niềm vui được thưởng thức những bữa cơm nóng sốt, đầm ấm với gia đình.
Ba mất từ lúc tôi còn nằm trong bụng, nên mẹ và các chị muốn bù đắp cho sự thiệt thòi của đứa con trai độc nhất trong nhà, ai cũng dành cho tôi sự quan tâm quá mức.
Năm chị em cách nhau năm một nên ngoài tình chị em, chúng tôi còn xem nhau là bạn, bất cứ có chuyện gì tôi đều tâm sự hết với các chị. Bởi lẽ đó nên tôi lại càng được các chị cưng thêm. Có lần mẹ tôi phải la lên:
- Các con chiều em thì cũng chiều vừa vừa thôi nhá, hắn mà hư thân là lỗi ở các chị đấy!
Các chị tôi chỉ cười. Tôi vẫn được duy trì ngôi vị "số một” trong nhà. Nghĩ tới cảnh mình được cả nhà đón mừng tíu tít tôi bất chợt mỉm cười. Lần này về tôi phải giục bà chị Cả, chị Hai đi lấy chồng đi thôi, kẻo không qua thời xuân sắc...
Tội nghiệp, cũng vì lo cho tôi mà các chị không ai nỡ đi lấy chồng, sợ một mình mẹ tôi lo không xuể tôi lại phải bỏ học dở dang...
Xe lướt ngang thành phố Biên Hòa thì trời cũng bắt đầu tối. Hành khách trên xe không còn ồn ào chuyện vãn nữa mà hình như ai cũng muốn nhắm mắt lại một chút để thu ngắn quãng đường.
Tiếng động cơ rì rì, chẳng mấy chốc đám hành khách đi vào giấc ngủ mơ màng, trong đó có cả tôi. Khoảng ba bốn tiếng đồng hồ gì đó thì có tiếng bánh xe thắng gấp, dừng lại để đón thêm khách. Hai người mới bước lên xe một già một trẻ, có lẽ là hai cha con.
Thấy băng ghế của tôi còn chỗ trống, cô gái nhã nhặn xin phép ngồi vào hai chiếc ghế trống bên cạnh tôi. Cơn buồn ngủ vụt biến mất ngay khi tôi bắt gặp nụ cười của cô gái. Tôi đã từng đọc nhiều thơ văn, người ta hay ví nụ cười mỹ nhân giống như hoa hàm tiếu, thì có lẽ hôm nay tôi đã được biết "nụ cười hàm tiếu” là thế nào, và thế nào là "hoa cười ngọc thốt đoan trang”!
- Xin phép... Nếu anh không phiền, anh làm ơn cho em ngồi cạnh cửa sổ, em hay bị say xe...
Cô gái lúng túng đến tội nghiệp.
Làm sao tôi có thể từ chối, nhất là từ chối lời đề nghị của một người con gái dễ thương đến như vậy chứ? Thế là tôi vội vàng đứng lên nhường chỗ cho hai người. Cô gái nhẹ nhàng lách qua tôi để vào ngồi sát bên trong. Một mùi hương thơm dịu từ người cô gái phả vào mặt tôi thật dễ chịu. Thấy ông già còn đứng lựng khựng, tôi lễ phép:
- Dạ, mời bác vô trong ngồi ạ!
Ông cười:
- Thôi cháu ngồi vào đó đi, để bác ngồi ngoài đây được rồi, chỉ tại con bé không quen đi xe, lần nào không được ngồi gần cửa sổ là nó nôn đến khổ sở.
Thật là ông trời thương người hiền! Tôi mừng quýnh nhưng cũng giả bộ từ tốn ngồi xuống bên cạnh người đẹp. Khi cả ba đã yên vị, tôi cất tiếng làm quen:
- Dạ thưa bác, bác với... chị đi về tới đâu ạ?
- Cha con bác về tới Quảng Ngãi. Còn cháu?
Tôi mừng rơn:
- Dạ, cháu cũng về Quảng Ngãi.
- Quê cháu ngoài ấy? - Ông già hỏi.
- Dạ. Cháu đi học trong Sài Gòn, nay về thăm nhà. - Tôi trả lời vui vẻ.
Ông già liếc nhìn con gái rồi nói khẽ:
- Con Thi nhà bác cũng học ở Sài Gòn, lần này bác vô đón nó về quê chơi ít bữa.
Quay sang cô gái tên Thi, tôi làm quen:
- Chị... chị học trường nào?
Cô gái cười chúm chím:
- Bộ... anh thấy em già lắm hay sao mà gọi bằng chị?
Tôi trở nên lúng túng:
- Tôi... tôi...
Thi bật cười:
- Anh gọi em bằng tên đi! Em tên Thi. Em học năm thứ nhất trường Đại học Sư phạm. Còn anh?
Thấy cô gái có vẻ tự nhiên nên tôi trở nên mạnh dạn:
- Vậy là… Thi nhỏ hơn... anh rồi! Anh học năm thứ tư Đại học Kiến Trúc.
Thi ngước nhìn tôi bằng ánh mắt lấp lánh:
- Tên anh là...
- Ồ nãy giờ anh quên! Anh tên Hải.
Rồi chợt nhớ ra, tôi ngạc nhiên hỏi:
- Ủa, Thi học ở Sài Gòn về, sao lúc nãy lại đón xe ở khúc đường vắng vẻ tuốt ngoài này thế?
Thi ngó mông ra khoảng không ngoài cửa sổ một lúc mới trả lời tôi, giọng đượm buồn:
- Em với ba về từ chiều, nhưng vì say xe quá không chịu nổi nên em phải xuống đó nghỉ mấy tiếng đồng hồ, chừng khỏe lại mới đón xe đi tiếp!
Nhìn cô gái nhỏ nhắn ngồi bên cạnh, lòng tôi chợt dâng lên một niềm xúc cảm kỳ lạ. Cứ nghĩ tới cảnh tượng hai cha con một già một trẻ mệt lả bơ vơ ngồi bên vệ đường, tôi không khỏi chạnh lòng thương cảm.
- Anh nghe nói có thuốc uống hoặc dán để trị say sóng, sao em không dùng thử?
Tự nhiên tôi chuyển qua gọi Thi bằng em một cách vô thức. Đến chừng câu nói thoát ra khỏi miệng mới giật mình, không khéo Thi lại đánh giá tôi là thằng bộp chộp, chưa chi đã...
Nhưng có lẽ Thi không nghĩ thế, cô khẽ lắc đầu:
- Em dùng thử nhiều thứ rồi nhưng vẫn không có công hiệu. Hễ đi xe máy lạnh, đóng cửa bít bùng là em lại bị... Chắc tại cái số em nó nghèo...
Tôi bật cười trước câu nói của Thi. Bên trái tôi, ông già che miệng ngáp một cách mệt mỏi rồi bỏ mặc hai đứa trẻ, ông tựa đầu vào thành ghế ru giấc Nam Kha. Xe chạy bon bon trên đường, hành khách trên xe ai nấy gật gà gật gù theo từng nhịp xóc. Chủ xe chỉ để một bóng đèn vàng vọt nên tôi không nhìn rõ được Thi lúc này, nhưng tự nhiên tôi lại có cảm giác mình "nhìn” Thi rất rõ. Tôi vẫn xác dịnh được rằng cô gái có khuôn mặt khá xinh nhưng có điều nước da cô ta trắng quá, trắng đến gần như... phát sáng trong đêm.
Thi nghiêng nghiêng chiếc đầu xinh xắn, mắt dõi nhìn ra những lùm cây ven đường, tôi thấy Thi có vẻ gì đó rất buồn ngay cả lúc cô cười nói với tôi. Thường thì những đứa học trò, khi ngồi xe về quê bao giờ cũng có tâm trạng nôn nóng, háo hức và vui vẻ lắm chứ không giống như Thi bây giờ. Trông cô không giống đang đi về nhà, mà như đang đi đến một nơi ngoài ý muốn.
"Chắc có lẽ Thi còn mệt sau cơn say xe lúc nãy”, nghĩ vậy nên tôi cũng không thắc mắc nhiều nữa.
- Em về quê hôm nào trở lại trường?
Tôi cất tiếng hỏi, xua tan sự im lặng nãy giờ. Thi buồn buồn:
- Không chắc em có trở lại trường hay không nữa...
- Sao thế? - Tôi ngạc nhiên kêu lên.
- Em đau bệnh hoài, ba mẹ không muốn em đi xa...
Thì ra là vậy! Có lẽ ba Thi vô Sài Gòn lần này để bắt ép con gái về quê, hèn gì trông cô có dáng vẻ như thế.
- Bệnh thì chữa ở Sài Gòn càng có điều kiện để chữa trị mà? - Tôi nói một cách tự nhiên.
- Em cũng nghĩ vậy, nhưng...
Bỏ dở câu nói giữa chừng, cô gái thay đổi hẳn thái độ, quay sang hỏi thăm tôi đủ mọi thứ, từ việc học hành, ăn ở đến việc quan hệ bạn bè...
Chúng tôi thầm thì kể cho nhau nghe đủ mọi chuyện. Thỉnh thoảng Thi lại bật cười khúc khích trước những câu nói đùa của tôi. Quả thật, nếu suốt quãng đường đi từ Sài Gòn về Quảng Ngãi, được ngồi cạnh bên người con gái dễ thương và cởi mở như thế này thì dù xe có chở tôi chạy tuốt ra tận Hà Nội tôi cũng không thấy phiền lòng. Đúng là cầu được ước thấy! Khi ý nghĩ ấy vừa xuất hiện trong đầu tôi, tôi có cảm giác như chiếc xe không chạy bình thường nữa. Nó phun ra những cơn ho khùng khục như một ông già bị lao kinh niên, báo hiệu điều chẳng lành, cuối cùng thì chiếc xe chấm dứt công cuộc phục vụ của mình bằng cách nằm ì lại giữa đường, ven một cánh đồng trống và kim đồng hồ chỉ đúng... mười một giờ đêm.
Đám hành khách trong xe nhốn nháo hẳn lên:
- Chuyện gì vậy?
- Đây là đâu?
- Chuyện gì xảy ra vậy bác tài?
- Trời! Xui xẻo quá, xe hư kiểu này biết bao giờ mới tới nơi...
Tài xế và hai người lơ xe chẳng thèm đoái hoài gì tới những câu hỏi xôn xao phía dưới, ba người mang túi đồ nghề bước xuống bắt tay vào sửa chữa. Sau một hồi hì hục, anh lơ xe nhảy lên thông báo:
- Bà con thông cảm, ai buồn ngủ cứ ngủ, ai có nhu cầu gì cứ tự nhiên đi giải quyết, chắc phải mấy tiếng nữa xe mới có thể sửa xong! Khi nào xong, chúng tôi sẽ bấm còi báo hiệu gọi bà con trở lại. Bây giờ thì xin mời bà con cứ tự nhiên...
Đám hành khách muốn phát khóc khi nghe lời thông báo đó. Họ than trời than đất, mặt mày ai nấy méo xẹo khi thấy mình đang đứng giữa một khoảng trống không, không có lấy bóng cây chứ đừng nói mái nhà. Trên trời mấy vì sao đang nhấp nháy không biết thông cảm hay giễu cợt, dưới đất thì đám côn trùng đang chơi cùng nhau một giàn nhạc giao hưởng không có nhạc trưởng. Nhưng với tôi, bản hòa tấu ấy nghe mới vui tai và thích thú làm sao!
Xe dừng lại, không khí trong xe trở nên vô cùng oi bức, trong xe lại nêm đầy chặt người nằm ngồi ngả ngớn nên nhiều người không thể nào chợp mắt, họ giết thời gian bằng cách... đi dạo.
- Mình xuống đất một lúc cho giò cẳng thư giãn...
Tôi lên tiếng đề nghị và được sự hưởng ứng của Thi. Nãy giờ ông già chỉ hơi hé mắt ra nhìn rồi lại tiếp tục ngáy pho pho.
- Suỵt!
Thi đưa một ngón tay lên miệng ra hiệu rồi cùng tôi khe khẽ lách mình bước qua chân ông già.
Chúng tôi mon men tiến ra cánh đồng, gió tha hồ thổi ù ù làm tung cả mái tóc chấm lưng của cô gái.
- Thi lạnh không?
Tôi rùng mình, hỏi Thi với ý định trở lại xe lấy áo khoác.
- Dạ không, gió mát mà... Em không lạnh đâu!
Một tay đưa lên giữ lấy mái tóc, một tay Thi trỏ về phía trước reo lên:
- Anh xem kìa!
Nhìn theo tay Thi, tôi thấy một căn nhà!
- Thật lạ khi nãy trên xe anh không hề nhìn thấy nó mặc dù chỉ cách chỗ đậu xe vài trăm mét. Sao bây giờ nó lại xuất hiện đột ngột vậy? - Tôi kinh ngạc nói.
Thi bụm miệng cười:
- Anh Hải sợ ma hay sao thế?
- Không! Anh chỉ ngạc nhiên! - Tôi cãi.
Thi không cười nữa:
- Có lẽ khi nãy anh sơ ý không nhìn kỹ thôi...
- Ờ, có lẽ vậy.
Tôi đồng ý với Thi nhưng trong lòng vẫn thấy có gì đó kỳ kỳ.
- Mình tới đó xem thử đi! - Tôi rủ rê Thi.
Máu tò mò thúc tôi tiến đến gần để xem đó là cái gì bởi vì so với căn nhà thì nó quá nhỏ. Hai đứa lò dò theo con đường đất nhỏ xíu đi dần về phía ánh đèn. Khi tới nơi, tôi thoáng giật mình, nhưng hình như Thi không cảm thấy bất ngờ hay sợ hãi gì hết. Đó là một căn nhà mồ!
Vốn là thằng gan lì, sau phút bất ngờ, tôi nhanh chóng lấy lại sự bình tĩnh vốn có, ghé mắt ngó vào. Nền gạch bông sạch bóng mời gọi một cách hấp dẫn không cưỡng lại được, tôi liền quyết định nghỉ ngơi tại đây hơn là chen lấn trong cái hộp sắt đầy nghẹt người và mùi khét xăng ngoài kia.
Nghĩ thế tôi liền quay lại hỏi Thi:
- Thi có sợ không?
- Có anh Hải đây rồi, em không thấy sợ gì hết! Cô gái mạnh dạn đáp.
- Vậy mình ngồi ở đây trò chuyện cho thoải mái nhé ? Khi nào nghe tiếng còi xe thì hãy ra.
Thi vui vẻ gật đầu rồi đột ngột hỏi tôi:
- Anh Hải có sợ ma không?
- Sao Thi hỏi vậy? Thi là con gái mà còn không sợ, chẳng lẽ anh là trai mà lại kém Thi sao? - Tôi cười cười hỏi lại.
- Nhưng nếu gặp ma, anh Hải có sợ không? - Thi vẫn hỏi tiếp.
Tôi bật cười:
- Gặp ma à? Anh cũng chưa biết nữa, vì hồi nào tới giờ anh có gặp ma lần nào đâu mà biết. Nhưng theo suy nghĩ của anh thì ma chắc cũng như người thôi, nếu mình không làm gì hại họ, chắc họ cũng sẽ chẳng hại mình. Vì vậy, chắc nếu có gặp ma anh cũng không sợ!
- Chắc nhé? - Thi gặng lại.
Tôi chỉ biết mỉm cười. Dễ gì có cơ hội được đóng vai trò người bảo vệ cho mỹ nhân, nên tôi càng phải tỏ rõ cái "bản lĩnh đàn ông” của mình trước mặt Thi. Tôi cùng Thi bước thẳng vào. Phần mộ được xây âm xuống đất, cho nên toàn bộ phần nền phía trên trống trải y như tấm phản hảo hạng. Phía trước phần mộ là một cây đèn dầu hỏa có bóng tròn chụp lại, có lẽ của người thân đến đây thắp nhang và để lại. Ánh sáng leo lét chao qua chao lại nhưng cũng đủ để tôi nhìn được xung quanh. Trên bức tường lớn nhất có khắc tên họ, năm sinh của người quá cố, tôi liền soi đèn vào. Thì ra người mất là một cô gái còn rất trẻ, chỉ mới mười chín tuổi...
- Thật tội cô gái còn quá trẻ mà đã lìa trần rồi! - Tôi chép miệng than.
Một thoáng bùi ngùi trong lòng tôi: một số phận quá ngắn ngủi, cái gì đã khiến cô gái quá trẻ thế này từ giã cuộc đời vội vã vậy? Chắc là thảm khốc lắm! Tôi không nói gì, chỉ nhẹ nhàng ngồi xuống nền gạch, dáng vẻ trở nên u buồn tư lự.
Bỗng tự nhiên cơn buồn ngủ ập đến, tôi ngồi tựa lưng vào thành mộ, che miệng ngáp dài.
- Anh chợp mắt một chút cho khỏe đi! Em thức canh cho, khi nào xe sửa xong em sẽ gọi.
Chừng như thấy tôi cứ ngáp vắn ngáp dài, Thi khuyên tôi như vậy.
- Anh vừa thi xong môn cuối chiều nay, tối qua thức đến gần sáng để học bài, vì thế...
Thi mỉm cười:
- Vậy anh ngủ đi!
- Em cũng nên... cũng nên nghỉ một chút!
Tôi ngượng với cô gái vì sự buồn ngủ vô duyên của mình.
- Không sao đâu anh! Em ngồi đây cho mát mẻ là được rồi, em chưa buồn ngủ, anh cứ tự nhiên đi...
Mặc dù hơi do dự nhưng rồi tôi cũng tự trấn an mình vì chỗ này không xa mấy nơi xe đậu, và cũng không phải ngồi đây một mình.
Tôi nhìn Thi, hơi ái ngại nhưng rồi không cưỡng lại được, hai mí mắt tôi bắt đầu kéo sập xuống. Cây đèn dầu chập chờn hắt từng cái bóng run rẩy lên tường, ngoài kia đêm và những cơn gió ù ù vẫn tiếp tục cuộc hành trình của nó. Không biết tôi ngủ ngồi như thế bao lâu rồi, khi tôi giật mình thức giấc thì bắt gặp ngay một đôi mắt đang nhìn tôi chằm chặp. Giật bắn mình vì tưởng mình đang đối diện với hồn ma bóng quế nhưng rồi tôi lại thở khì ra ngay khi nhận ra Thi và nhớ lại mình đang ở đâu. Bị bắt gặp nhìn trộm, cô gái cười bẽn lẽn cúi gầm mặt xuống.
- Nãy giờ em không ngủ chút nào sao?
Muốn chữa thẹn cho cô gái nên tôi lên tiếng hỏi. Thi vẫn ngồi tựa lưng vào tường, hai tay bó gối, khẽ mỉm cười:
- Dạ không, em không buồn ngủ.
Bất chợt Thi hỏi:
- Mai mốt, nếu em được cha mẹ cho phép tiếp tục vào Sài Gòn học, em tìm anh ở đâu?
Tôi mừng lơn:
- Anh học lớp K... Mà thôi, đây là số điện thoại của anh, khi nào vô Sài Gòn em liên lạc với anh nhé?
Tôi thò tay vô túi áo lấy giấy viết ghi số điện thoại cho Thi, nhưng chợt nhớ ra không mang theo. Thấy tôi có vẻ lúng túng, Thi cười, mở túi xách lấy ra chiếc điện thoại:
- Anh đọc số, em save vào máy!
- 090...
Dưới ánh đèn dầu tù mù, trông Thi càng trắng một cách... rùng rợn! Những ngón tay thon dài, trắng trẻo của cô bấm lên bàn phím một lúc rồi ngước lên cười:
- Em nhá máy anh để anh lưu lại số của em nhé?
Tôi gật đầu, thò tay móc chiếc điện thoại trong túi ra. Một điệu nhạc nước ngoài vui tươi cất lên xua đi cái hoang lạnh ở nơi đồng không hiu hắt. Trông thấy dãy số hiện trên màn hình, tôi bật khen:
- Số điện thoại của em đẹp quá! Khi vào Sài Gòn, nhất định em phải gọi cho anh đấy!
Vừa bấm phím lưu lại số điện thoại của Thi, tôi vừa nhắc. Thi nhìn tôi ranh mãnh:
- Vậy là mai về tới Quảng Ngãi thì em không được phép gọi cho anh?
Tôi ngớ ra một giây rồi phá lên cười:
- Ôi anh quên mất! Em có thể gọi cho anh bất cứ lúc nào!
Thi ngoảnh nhìn nghiêng, giấu đi cặp mắt long lanh rực sáng:
- Thế mà... em cứ tưởng anh có vợ ở quê... nên không dám nghe điện thoại ở nhà chứ!
Tôi làm bộ nhăn nhó:
- Trời ơi, em nghĩ vậy là chết anh rồi! Anh còn... mồ côi vợ em ơi! Sinh viên tay trắng như anh, có ma nào thèm...
- À em cho anh xin địa chỉ ở quê của em đi!
Chợt nhớ ra, tôi đề nghị. Thi ngập ngừng một chút rồi xòe tay ra trước mắt tôi:
- Anh cho em mượn điện thoại, em chép địa chỉ của em vô phần tin nhắn cho anh.
Vui vẻ đưa cho Thi chiếc điện thoại, vô tình bàn tay tôi chạm khẽ vào bàn tay đang giơ ra phía trước của Thi. Một cảm giác lành lạnh rờn rợn chạy khắp châu thân làm tôi rùng mình mấy cái. Nhận thấy thái độ bất thường của tôi, cô gái liền nhoẻn miệng cười làm tôi thấy mình sao mà ngớ ngẩn, có lẽ đó chỉ là cơn gió ẩm thấp ngoài kia thổi tạt vào đây thôi.
Tôi cảm thấy hơi quê, ở một nơi như thế này giữa đêm, đáng ra người lo sợ phải là Thi mới đúng. Nhưng tuyệt nhiên, từ lúc bước vào đây tới giờ, chưa khi nào tôi nhìn thấy một nét lo âu, sợ sệt hay hoài nghi hiện trên mặt Thi, dù chỉ là thoáng qua thôi.
Với Thi tôi là một kẻ hoàn toàn xa lạ, chỉ mới biết nhau cách đây mấy giờ đồng hồ, vậy mà Thi không chút ngần ngại đi theo tôi tới nơi hoang vắng này, nếu lỡ tôi là kẻ... không đàng hoàng, tôi giở trò đồi bại gì đó ra thì cô sẽ xoay xở sao đây?
Đã vậy nơi đây lại là một cái nhà mồ! Thường thì đa số phái nữ đều nhút nhát, dù những người được xem là gan dạ đi nữa thì cũng ít ai dám ngồi tâm sự cùng một kẻ lạ ở một nhà mồ. Thế mà Thi lại khác! Trông cô nhỏ bé, yếu đuối đến thế nhưng không hề tỏ ra e dè chút nào trong cái bối cảnh lạ đời này!
Có lẽ do cô quá ngây thơ, cô chưa bao giờ nghĩ tới những điều xấu có thể xảy ra, và có lẽ vì quá ngây thơ nên cô cũng tin tưởng vào sức mạnh của một gã trai như tôi mà không biết sợ hãi là gì!
Thi đã không sợ, sao tôi lại có cảm giác rùng mình? Hồi nhỏ, tôi từng ngủ ở nghĩa địa để canh lúa, tôi nổi tiếng gan lì, thì hoàn cảnh đêm nay đâu có gì đáng nói. Được chứng minh sức mạnh trước người đẹp thì còn gì bằng, không thể để Thi cười vào mặt được! Tôi nhanh chóng xua đi cái cảm giác rờn rợn đó và cười thật tươi khi nhận lại điện thoại từ tay Thi.
Nhìn lướt qua dòng địa chỉ trên màn hình điện thoại, tôi bảo:
- Nếu rảnh, anh tới nhà thăm em được không? Từ nhà anh tới đây cũng không xa mấy, chừng vài chục cây số.
Thi ấp úng:
- Mẹ em... mẹ em hơi cổ hủ. Bà không thích con gái giao tiếp với bạn trai. Vả lại... vả lại cũng không chắc em về luôn Quảng Ngãi!
- Ủa, bộ em còn tính ghé đâu nữa sao?
- Em có người chú ở Cam Ranh, hồi chiều ba em bảo sẽ ghé đó thăm chú, ở chơi một vài hôm.
Thi trả lời tôi mắt nhìn xuống đất. Tôi thất vọng:
- Vậy mà nãy giờ anh mừng, anh tưởng có người chuyện trò về tới quê mình luôn đó chớ!
Thi cười như người có lỗi:
- Em cũng không muốn ghé, nhưng ba...
Cô gái vừa nói tới đó thì bên ngoài ông già xăm xăm bước vô. Lại một lần nữa tôi giật bắn người khi nhận thấy nước da ông già cũng trắng một cách lạ lùng như nước da cô gái, nhưng ở ông còn có thêm một vẻ gì đó... không thật, không phải là người!
- Chờ xe lâu quá, mình đón xe khác đi đi con! - Ông già bảo con gái.
Thi tỏ vẻ dùng dằng:
- Ba... hay ba cho con về quê...
Ông già nhìn Thi nghiêm nghị:
- Không được, ba đã nói rồi...
Thi uể oải đứng lên. Tôi cũng đứng lên theo. Cả ba chúng tôi lặng lẽ đi trở ra đường lộ, không ai nói với ai lời nào. Tự nhiên trong lòng tôi trỗi dậy một nỗi buồn lênh láng... Tuy mới gặp gỡ và quen biết Thi không lâu, nhưng tôi cảm thấy thân thiết với cô như đã quen biết từ rất lâu rồi. Rồi quãng đường dài dằng dặc còn lại phía trước, tôi sẽ phải một mình buồn bã hay phải ngồi cạnh một bà phì nộn hoặc một ông sồn sồn, lên xe là ngủ gà ngủ gật rồi kéo ò e suốt sáng...
"Gặp nhau đây, rồi chia tay... Ngày vàng như đã vụt qua trong phút giây...", bất chợt một câu hát hiện ra trong đầu tôi. Thật ra, âm điệu bài hát đó không buồn một chút nào, nhưng lúc này nó lại làm cho tôi bùi ngùi xao xuyến lạ...
Ra tới đường lộ, ông già vỗ vai tôi nói lớn:
- Cháu về quê mạnh giỏi!
Tôi gật đầu cảm ơn ông mà mắt vẫn nhìn Thi không chớp. Thi lí nhí nói câu tạm biệt, hứa hẹn sẽ gặp lại tôi vào một ngày không xa nữa ở tại Sài Gòn. Tôi cũng không nhớ lúc đó mình đã nói gì với Thi nữa, chỉ nhớ là tôi đứng bên đường nhìn theo dáng hai cha con Thi bước lên một chiếc xe khác mà lòng tiếc nhớ ngẩn ngơ...
Bỗng tôi chợt nhớ, lúc tối khi thấy cha con Thi lên xe thì có mang theo hành lý, sao bây giờ ngoài chiếc túi xách trên tay Thi họ không mang theo gì cả? Tôi vội vã nhảy phốc lên xe, đến hàng ghế lúc nãy tôi và cha con Thi ngồi, cúi nhìn quanh quất nhưng không thấy gì.
Lạ thật! Tôi lẩm bẩm. Rõ ràng lúc nãy, ông già trước khi ngồi xuống còn cẩn thận đẩy cái giỏ xách sát vô gầm ghế ngồi mà? Nhìn sang người khách ngời dãy bên cạnh, ngang hàng với ghế của tôi, tôi cất tiếng lễ phép:
- Cô ơi lúc nãy cô thấy ông già ngồi đây xuống xe có đem theo túi hành lý không cô?
Người phụ nữ ngồi bên trố mắt nhìn tôi, hỏi lại:
- Ông già nào?
- Thì... ông già với cô gái ngồi cạnh cháu từ tối đó! - Tôi cũng giương mắt lên nhìn.
Người phụ nữ ngạc nhiên:
- Ủa, từ tối tới giờ tôi thấy cậu chỉ ngồi một mình thôi mà, làm gì có ông già hay cô gái nào ở đây?
Tôi phản đối:
- Rõ ràng có ông già và cô gái ngồi cạnh cháu mà! Lúc nãy cháu và cô gái còn xuống xe cùng lúc với nhau...
Người phụ nữ bật cười:
- Thôi đi ông tướng! Chắc nãy giờ ngủ mê hay sao thế?
- Không, rõ ràng là có... - Tôi quả quyết.
Người phụ nữ lắc đầu, không thèm tranh cãi gì với tôi nữa. Một vài người khách ngồi gần đó bắt đầu ngoái lại nhìn tôi với vẻ ái ngại. Một bà trung niên ngồi ở hàng ghế sau nhoài người lên bảo:
- Cậu nói sao chứ? Từ lúc xe khởi hành ở Sài Gòn đến giờ chỉ có cậu ngồi ở hàng ghế này thôi, làm gì có ai bên cạnh!
Thoáng rùng mình, cái cảm giác lành lạnh lúc nãy lại ập đến với tôi. Vừa lúc đó xe cũng đã được sửa xong, hành khách lại chen nhau trở về đúng chỗ của mình, tiếng cười nói, nhốn nháo ồn ào lên một lúc rồi lại lắng xuống khi xe bắt đầu chuyển bánh. Tôi vẫn cố nhoài đầu ra ngoài hướng về phía căn nhà mồ. Không thấy gì cả, kể cả ánh đèn leo lét hay một cái bóng mờ ảo của ngôi nhà!
Tôi run bắn cả người lên, vội thụt vào trong, hấp tấp lôi chiếc điện thoại ra, tay tôi run run kiểm tra lại danh bạ. Rõ ràng có tên Thi ở đây, dãy số rất đẹp của cô tôi vẫn còn nhớ thì làm sao nhầm lẫn được! Một lần nữa tôi kiểm tra lại tin nhắn, số nhà, địa chỉ của Thi rành rành ra đấy! Tôi thở phào nhẹ nhõm. Chắc hẳn mấy người ngồi quanh tôi đã ngủ say sưa từ lúc trời mới vừa nhập nhoạng tối nên không biết, không nhìn thấy cha con Thi lúc họ lên xe.
Để cho chắc ăn, tôi bấm số máy của Thi và gọi. Ở đầu dây bên kia vang lên một điệu nhạc chờ nhẹ nhàng.
- A lô! Anh Hải phải không?
Nghe đúng tiếng Thi, tôi mừng rỡ:
- Ừ anh đây! Lúc nãy thấy cha con em lên xe mà không đem theo hành lý, anh tưởng ba em để quên, tìm khắp vẫn không thấy đâu nên... nên anh gọi hỏi thử em xem thế nào?
Có tiếng Thi cười nhẹ:
- Dạ, em cảm ơn anh, ba em đã mang theo rồi!
- Ủa, sao lúc đó anh không...
Thi cắt ngang lời tôi:
- Chắc tại anh không nhìn rõ đó thôi, hành lý của hai cha con chỉ có một giỏ đồ đó, sao lại bỏ quên được hả anh? À, xe sửa xong chưa vậy anh Hải?
- Xong rồi, hiện giờ xe đang chạy! Phải chi... phải chi có thể, thì mai mốt về nhà anh tới thăm em! - Tôi tha thiết.
Thi nói thật nhỏ:
- Mẹ em khó lắm, chỉ sợ anh tới sẽ buồn lòng... Thôi, chắc chắn em sẽ vô Sài Gòn và đến tìm anh.
- Sao lúc nãy em bảo ba mẹ không cho em học tiếp nữa? - Tôi hỏi lại.
Thi cười:
- Thì đó là ý kiến của ba mẹ, nhưng em... em sẽ khóc nhè để phản đối! Em tin thế nào ba mẹ cũng sẽ chiều em thôi.
Tôi bật cười khi nghe giọng nũng nịu của Thi.
- Vậy hẹn gặp lại em ở Sài Gòn nhé! Tạm biệt em!
- Tạm biệt anh!
Tôi tắt điện thoại, lòng thật thư thái. Vậy mà vừa nãy, nghe mấy người ngồi xung quanh bảo rằng từ lúc ở Sài Gòn tới bây giờ tôi chỉ ngồi đó một mình, tôi đã thoáng nghĩ tới việc cha con cô gái kia là ma mới buồn cười chứ! Hồi xưa tới giờ, tôi nghe người ta kể chuyện ma cũng nhiều, nào là ma da, ma xó, ma thần vòng, ma vú dài, ma đem người đi giấu vô trong lùm trong bụi, ma thắt cổ đong đưa trên cành cây để nhát người ta, ma rút giò người đang bơi lội... nói chung là rất nhiều chủng loại ma với rất nhiều hành động tượng trưng của bọn nó, nhưng chưa khi nào nghe tới chuyện ma xài điện thoại di động cả!
Tôi bật cười một mình, mấy ngón tay bấm lung tung trên bàn phím. Vô tình, tôi bấm nhầm nút kiểm tra tài khoản.
- Ồ, lạ nhỉ? Mình vừa gọi điện nói chuyện với Thi cũng khá lâu, sao tài khoản vẫn không bị trừ?
Tôi kêu thầm trong bụng. Tôi nhớ rõ ràng hồi chiều tài khoản của tôi còn lại đúng hai mươi hai ngàn sau khi gọi về nhà báo tin tôi đã thi xong và chuẩn bị ra xe về quê. Vậy mà hiện giờ tài khoản vẫn còn nguyên vẹn số tiền đó.
Ừ có thể nó chưa kịp trừ đấy thôi! Cũng giống như dạo trước, có đôi lúc gởi đi bao nhiêu là tin nhắn, thấy tài khoản không bị trừ, tôi cứ mừng rơn lên, tưởng tổng đài sơ suất gì đó nên mình được "lọt sổ”, nên hí hửng nhắn tá lả cho bạn bè, người quen, nhắn luôn mấy số quảng cáo này nọ trên tivi. Ai ngờ đâu mấy hôm sau nó trừ "nguội”, tôi bị một phen méo mặt!
Liên tưởng tới việc đó nên tôi không thèm thắc mắc nữa, ngã đầu vô ghế nhắm mắt lại cố dỗ giấc ngủ. Một mùi hương thoang thoảng quanh tôi càng làm tôi nhớ Thi hơn nữa. Tôi mơ màng tưởng như mình đang tựa người vào cô và mùi hương êm dịu đó toát lên từ mái tóc đen óng ả xõa dài của cô gái...
Vote Điểm :12345