Tổng tập truyện ma của Người Khăn Trắng
Tác giả: Người Khăn Trắng
Quyển XIX - Phần 1: NỤ HÔN THẦN CHẾT
Cô tiếp tân khách sạn ngẩng lên và hơi sững sờ trước vẻ đẹp lộng lẫy của người khách nữ. Ở cái khách sạn chốn đèo heo hút gió này rất ít khi có khách nữ, mà có thì cũng là những người lớn tuổi đi cùng những ông chồng chủ doanh nghiệp già. Người ta nói phụ nữ trẻ ngại tới xứ cao nguyên đầy nắng gió và muỗi mòng này bởi ngại thời tiết và bệnh tật, nhất là bệnh rét rừng.
Vậy mà giờ đây, đang đứng trước mặt cô là một phụ nữ tuổi chưa tới ba mươi mà từ sắc đẹp kiêu sa, cho đến trang phục đã làm rực sáng gian phòng tiếp tân.
- Tôi có gì không phải sao cô nhìn dữ vậy, cô Hoài An?
Nghe khách hỏi, lại hỏi đúng tên mình, Hoài An hơi giật mình:
- Dạ... cô cần gì ạ?
Một câu hỏi hơi thừa, bởi khách tới đây là để mướn phòng chớ còn làm gì nữa! Do vậy, vị khách nữ hỏi lại:
- Theo cô thì tôi tới để làm gì?
Lúc này Hoài An mới trấn tỉnh lại:
- Hân hạnh được tiếp quý khách. Quý khách cần thuê phòng?
Cô gái vẫn giữ nét mặt lạnh, móc trong xắc tay ra một tấm giấy có ảnh:
- Tôi quên không mang giấy tờ tùy thân, chỉ có bằng lái xe. Tôi thuê bốn phòng ở lầu hai. Tầng hai có bao nhiêu phòng?
- Dạ, đúng bốn phòng. Nhưng, đoàn cô đi bao nhiêu người để em xếp phòng cho tiện?
- Chỉ mình tôi!
Đáp xong có lẽ biết cô tiếp tân sẽ thắc mắc, nên vị khách nói thêm:
- Bạn bè tôi sẽ tới sau. Bây giờ cô cứ cho tôi đúng bốn phòng. Tôi sẽ đóng tiền trước đầy đủ.
Hoài An ghi sổ và đưa bốn chiếc chìa khóa phòng, vừa dặn:
- Cô có thể ngủ ở phòng 204, có cửa sổ hướng ra đồi, mát hơn.
- Tôi thích nhìn ra thung lũng hơn. Phòng 201 phải không?
Hoài An hơi ngạc nhiên:
- Cô từng đến đây?
Cô gái cầm chùm chìa khoá, xách chiếc va li nhỏ, tự đi lên lầu. Hoài An phải gọi lại:
- Cô chờ người của chúng tôi đưa lên.
Cô ta không quay lại, nói nhanh:
- Thôi khỏi. Cô dặn nhân viên phục vụ nếu không có yêu cầu của tôi thì không được lên. Nhớ nhé!
Nhìn cách bước đi nhanh, tự tin khiến Hoài An không khỏi ngầm thán phục. Không như phần đông phụ nữ khác khi vào khách sạn thì có vẻ rụt rè, không tự tin...
Vừa khi ấy có anh bảo vệ kiêm phục vụ phòng bước vô, Hoài An dặn liền:
- Khách yêu cầu không có lệnh thì không được lên lầu. Họ thuê cả tầng hai.
Anh bảo vệ tên Hòa chỉ tay ra ngoài bảo:
- Cô gái đó đi bộ từ ngoài đường vào đây. Hình như đi chỉ có một mình.
- Cô ta nói bạn bè sẽ tới sau. Bữa nay mình hên đây, suốt tuần không có người khách nào, nay được một lúc bốn phòng. Mà lại khách sang nữa.
Hòa cũng hứng thú với người khách:
- Lúc nãy tôi đang bơm nước thì thấy cô ta đi vô, thú thiệt, tôi đã ngẩn ngơ suýt bị điện giật rồi đó!
Hoài An lườm anh ta:
- Cái máu dê xồm của anh cũng không chừa!
Hòa còn nói thêm:
- Lúc nãy tôi thấy đưa cô ta tới đây là một xe hơi mới toanh. Họ bỏ đi ngay khi cô ta vừa bước xuống.
Hoài An nhắc:
- Lo công việc đi, chiều nay ông chủ cũng tới đó.
- Trưa nay chứ không phải chiều. Ông chủ đang ở Đà Lạt, về tới đây ngay bây giờ.
Đến hơn năm giờ chiều mà vẫn chưa thấy bóng dáng của ông chủ Sơn Tùng. Hoài An sốt ruột:
- Sao giờ này mà ông chủ chưa tới?
Hòa cũng ngạc nhiên:
- Lúc mười hai giờ tôi nghe điện thoại báo ông chủ đang rời Đà Lạt. Mà từ Đà Lạt sang đây chưa hơn bảy mươi cây số, đáng lý phải tới lúc hai giờ như thường khi chứ?
Họ chờ đến hơn tám giờ tối mà vẫn chẳng có tin tức gì. Hoài An trước khi đổi ca trực cho Ngọc, người mới vừa tới đã có vẻ lo lắng:
- Chẳng hiểu xe ông chủ có gặp chuyện gì không nữa?
Lúc nhìn đồng hồ cô lại lo lắng chuyện khác:
- Từ trưa đến giờ chưa hề thấy cô khách ở phòng 201 xuống đây. Vậy cô ta ăn uống thế nào?
Ngọc đề nghị:
- Cho anh Hòa lên gõ cửa phòng xem. Biết đâu người ta bệnh hoạn gì đó thì sao?
Hoài An lưỡng lự:
- Lúc trưa cô ta dặn nếu không có yêu cầu thì đừng làm phiền. Mình nghĩ cô ta ngủ say cũng nên...
Hòa quả quyết:
- Không ai ngủ say đến hơn nửa ngày như vậy. Hay là để tôi giả bộ như có sự cố về điện, gõ cửa đại xem sao!
Nói là làm ngay. Hòa đi nhanh lên lầu. Nghe tiếng anh ta gõ cửa phòng, rồi vài mươi giây sau bỗng anh ta la thất thanh:
- Mấy người lên coi, ông chủ nè!
Hoài An vừa dợm đi về, nghe kêu đã chạy bay lên, cùng với Ngọc. Họ dừng lại ngay cửa phòng và há hốc mồm, rồi vội quay ngoắc đi nơi khác. Trước mặt họ, một người đàn ông trong tư thế lõa lồ, đang nằm sóng soài trên sàn gạch!
- Ông chủ!
Thì ra đó là ông chủ khách sạn Sơn Tùng.
Không dám nhìn vào, nhưng Hoài An lại giục:
- Anh Hòa vô xem có chuyện gì với ông chủ không?
Hòa bước vô, thuận tay kéo cái chăn trên giường đắp lên người ông Tùng và đưa tay sờ lên mũi, anh ta mừng rỡ:
- Ông chủ còn thở!
Họ đưa ông Sơn Tùng xuống nhà để cấp cứu. Nhưng chừng như ông ta mê man sâu, không thể tỉnh lại ngay.
Lúc này Hoài An đề nghị:
- Anh Hòa lấy xe đưa ông chủ đi bệnh viện cấp cứu ngay đi. Tôi với Ngọc sẽ ở lại tìm cô khách trong phòng đó xem.
Sau khi Hòa chở ông Sơn Tùng đi rồi, Hoài An ngạc nhiên nói:
- Lúc nãy đâu thấy dấu vết gì của khách trọ. Cô ta đâu? Và tại sao ông chủ lại ở trong phòng ấy?
Ngọc tới sau nên không rõ lắm về người khách, nhưng nghe nói cô ta mướn một lúc đến bốn phòng, nên nói:
- Ta chịu khó tìm trong cả bốn phòng xem sao. Họ dùng chìa khóa dự phòng lần lượt mở ba phòng còn lại, nhưng chẳng phòng nào có người. Ngọc hỏi:
- Lúc nãy bà ngồi ở dưới có thấy khách đi ra không?
Hoài An quả quyết:
- Chắc chắn là không. Tôi ngồi suốt ở quầy tiếp tân mà. Cả anh Hòa bảo vệ cũng không thấy.
Vật duy nhất mà họ tìm thấy là chiếc vali nhỏ của khách sạn. Trong lúc Hoài An còn lưỡng lự thì Ngọc cương quyết.
- Mình không cố ý xâm phạm tài sản của khách, nhưng trong trường hợp này, do đã xảy ra chuyện nên buộc lòng mình phải xem trong va li có những gì trước khi báo cảnh sát.
Nói là làm ngay, do va li không khóa nên họ mở ra được dễ dàng. Trong va li không hề có quần áo gì, chỉ duy nhất một vuông khăn màu thiên thanh, lạ một điều là trên khăn có viết dòng chữ màu đỏ, giống như màu son môi: "Bọn bốn tên phải chết!”. Và bên cạnh đó là dấu một đôi môi in đậm cũng màu đỏ thắm!
Hoài An kêu lên:
- Môi này giống của cô ta lắm!
- Cô nào?
- Thì cô khách hồi trưa nay! Loại môi anh đào mọng này nhìn là nhớ ngay!
Sau một lúc tần ngần, hoang mang, Ngọc đóng va li lại và nói:
- Mình báo nhà chức trách liền!
Nhưng chợt Hoài An nhìn lên vách tường, cô kêu lên:
- Có dòng chữ kìa!
Trên tường cũng có dòng chữ màu đỏ: "Từng đứa, từng đứa một, lũ bốn tên...”.
- Giống chữ viết trên chiếc khăn!
Hoài An vừa nói vừa run, linh tính như báo cho cô điều gì đó không lành. Cô bảo khẽ Ngọc:
- Khoan báo nhà chức trách đã.
Cô nắm tay bạn trở xuống quầy tiếp tân. Điều mà Hoài An cần xem là cái bằng lái xe đang lưu giữ. Lúc trưa An nhớ rõ đã ghi tên cô ta vào sổ, tên rất đẹp, Hương Thảo.
Nhưng lạ quá lúc tìm cái bằng lái của khách thì chẳng thấy. Mà sổ lưu trú chính Hoài An đã ghi khá đầy đủ chi tiết của khách trọ giờ đây cũng chẳng còn dòng nào?
- Lạ chưa?
Ngọc ngạc nhiên:
- Bà nhớ xem, có ghi sổ chưa?
Hoài An bực dọc:
- Sao lại chưa được! Từ sáng tới giờ có khách nào khác đâu mà bận rộn. Tui ghi đầy đủ và còn nhớ tên cô ta là Hương Thảo nữa!
Chợt Ngọc nhìn thấy một tờ giấy ghim ở chỗ để chìa khoá phòng:
- Cái gì nè!
Họ đọc được trên tờ giấy: "Cám ơn sự nhiệt tình của cô Hoài An!”
- Chính là chữ viết của cô ta.
Lúc này Ngọc mới tin là cô khách bí ẩn kia là có thật, cô vụt chạy ra mở cửa, vừa nói:
- Ở đây không dễ đón xe, mà cô ta đi bộ thì chưa thể đi xa được!
Cuộc tìm kiếm của họ một lần nữa lại vô vọng. Hỏi người ở gần đó cũng chẳng ai thấy cô gái sang trọng như mô tả.
Trong lúc chuyện rối rắm đó chưa sáng tỏ thì một tin rung động từ Hòa ở bệnh viện báo về:
- Ông chủ Sơn Tùng đã chết! Người ta nghi ngờ ông ta bị đầu độc bằng son môi. Bởi trên môi ông ta còn dính lại màu son mới!
Hoài An run rẩy:
- Vậy là rõ rồi. Chính cô Hương Thảo đó!
Cơ quan giám định pháp y kết luận:
Ông Sơn Tùng chết là do ngộ độc từ thứ son môi có tẩm thuốc độc. Tuy nhiên khi phân tích kỹ thì trong son môi lại không có chất độc! Vậy nguyên nhân nào dẫn đến cái chết kỳ bí ấy?
Dĩ nhiên là các nhân viên khách sạn Sơn Tùng không thể nào đoán ra. Mãi cho đến khi bà vợ ông chủ từ thành phố lên, sau khi nhìn tận xác chồng, nghe mọi người kể lại sự tình, bà ta kinh hãi:
- Là nó sao?
Khi được hỏi bà nghi ai thì bà Kim Xuân lộ vẻ sợ sệt, lắc đầu:
- Không có gì...?
Người ta biết trong nội tình còn có điều gì đó... nhưng bà Kim Xuân im như thóc từ lúc đó, cho đến khi lẳng lặng trở về Sài Gòn.
Bà ta lên thì có người giúp việc đi cùng, nhưng lúc về thì để chị giúp việc ở lại, do quá vội, mà cũng có thể do đầu óc quá căng thẳng, nên mãi đến khi lái xe ra tới nửa đường bà mới chợt nhớ. Nhưng dù vậy bà ta vẫn cho xe chạy thẳng. Qua một đoạn đường đèo, bà dừng lại tìm nơi đi vệ sinh, đồng thời cũng để xả bớt căng thẳng.
Lúc trở ra xe, vừa mở cửa bà Xuân đã nhìn thấy có một người ngồi phía băng sau. Bà ngạc nhiên:
- Nãy giờ mày ở đâu, tao cứ tưởng bỏ mày lại trên đó rồi?
Bà nghĩ đó là con sen. Tuy nhiên, khi người đó ngẩng lên, thì bà Xuân mới đứng tim vì sợ.
- Cô... cô là...
Bà chỉ nói được có mấy tiếng rồi như bị á khẩu. Trong khi đó, người ngồi băng sau nói như ra lệnh:
- Tiếp tục đi đi chớ, bà Kim Xuân!
Kim Xuân không còn hồn vía, nhưng vẫn riu ríu vâng lời. Bà cho xe chạy từ từ, đổ đèo. Phía sau người khách chẳng nói năng gì, vậy mà bà vẫn sợ thất thần, gần như người đờ ra.
Nửa giờ sau, khi xe vào một thị trấn nhỏ, kim đồng hồ xăng xuống quá thấp, bấy giờ bà Kim Xuân mới dám lên tiếng:
- Cho tôi ngừng đổ xăng.
Bỗng phía sau lên tiếng:
- Bà chủ, cứu con với!
Bà Kim Xuân hoảng hốt nhìn và không khỏi sửng sốt khi thấy chị giúp việc đang nằm trên băng ghế, tay đang bị trói bằng chiếc áo khoác của chính chị ta.
- Sao... sao lại là mày?
Tư Lượm cố vùng dậy:
- Thì con nằm sau này nãy giờ, con kêu bà quá trời mà bà không nghe. Miệng mồm con bị nhét đầy những thứ gì suýt làm con ngộp thở! Vừa rồi khi bà chạy sụp cái ổ gà, xe nảy lên nên vật nhét trong miệng con mới trôi ra.
Không thể tin nổi mắt mình, bà Kim Xuân sợ sệt đưa tay sờ vào vai Tư Lượm trước khi hỏi lại:
- Có đúng là mày không?
Tư Lượm thấy thái độ bà chủ thì cũng ngạc nhiên:
- Nãy giờ con cứ tưởng bà chủ giận gì con nên trói tay con lại ném lên xe chứ!
- Tao trói mày bao giờ?
- Con đang rửa mặt trong toa lét thì bị bóp cổ, lôi xệch ra xe. Con không dám kêu và chống cự vì cứ ngỡ bà chủ nổi tam bành chuyện gì đó... Vậy mà suốt dọc đường chẳng hề nghe bà chủ nói gì...
Bà Kim Xuân lẩm bẩm:
- Vậy lúc nãy ai ngồi sau xe?
- Từ khi xe chạy đến giờ có ai lên cùng ngồi với mày không? - Bà hỏi lại.
Tư Lượm lắc đầu:
- Đâu có ai?
- Chớ lúc tao ngừng xe trở ra ai ngồi đó?
Lượm ngơ ngác:
- Con nằm đây suốt chớ có ai đâu? Lúc ấy con thấy bà nhìn con trân trối, con lên tiếng van xin bà, vậy mà bà chủ vẫn tỉnh bơ, khiến con càng sợ thêm, nên không dám hé môi nữa…
Bà Kim Xuân cảm nhận được cơn sợ hãi của mình đang lan dần khắp cơ thể. Hình ảnh mà bà thấy lúc nãy giờ đây như hiển hiện trở lại qua bóng dáng con Tư Lượm. Bỗng bà ta thét lên:
- Đừng! Đừng hại tôi!
Bà vừa kêu la vừa bỏ xe chạy như bị ma đuổi! Tư Lượm ngơ ngác, gọi với theo:
- Bà chủ! Bà chủ!
Nhưng bà ta đã mất hút, trước sự ngỡ ngàng của con nhỏ giúp việc và cả những người ở trạm xăng...
Sàn nhảy chật cứng người. Hôm nay là chiều thứ bảy nên khách đông là đương nhiên. Nhưng không quá đông như vậy...
Nguyên do là sự có mặt của một bông hoa biết nói mà nghe đồn đó là một vũ nữ tới từ Hồng Kông!
Khách đang nhảy với đào cũng hầu như rời đào, tìm cách lại gần người đẹp lúc ấy đang ngồi với 6 người đàn ông vây quanh. Một khách nhảy vừa nhìn được người đẹp đã phải thốt lên:
- Trời ơi, đẹp quá sức tưởng tượng!
Mà đẹp thật! Nàng ta ở tuổi trên dưới hai mươi, nhưng nhan sắc ngoài nét thanh tú ra còn có sự mặn mà, quyến rũ và sang trọng như một thiếu phụ. Người phụ nữ khiến đàn ông đam mê do trong nhan sắc hội tụ những yếu tố như vậy.
Tay quản lý vũ trường tên Lý San vừa trông thấy đã nói ngay với cô thu ngân:
- Ông chủ mình mà có được cô này thì vũ trường Melo sẽ là vua ở xứ này!
Cô Phương, thu ngân nhanh nhạy hơn, liền nói:
- Sao không báo để ông chủ tìm cách mời cô ta đêm nay!
Nghe có lý nên Lý San chạy bay vào phòng chủ báo tin liền. Mã Dậu, tay chủ vũ trường khét tiếng xứ Sài thành vừa nghe tin đã bước ra ngoài. Đứng ở quầy thu ngân, ông ta đưa mắt quan sát và cũng phải ngẩn ngơ:
- Tuyệt vời!
Ông ta bước lên bục, chỗ dàn nhạc đang tấu, chụp lấy micro nói to:
- Xin hân hạnh thông báo với quý vị! Vũ trường Melo đêm nay vinh hạnh đón một đóa hoa biết nói từ Hồng Kông. Đóa hoa này chẳng những khiến cho không khí vũ trường đêm nay thêm hào hứng, quyến rũ, mà còn khiến con tim của chủ nhân xao xuyến, bồi hồi! Do vậy, tôi xin mạn phép được tuyên bố, suốt tối nay và chính xác hơn là suốt nhiều đêm, khi đóa hoa này còn lưu lại đây, vũ trường sẽ miễn phí hoàn toàn cho cô ấy. Chẳng những thế, tất cả nam khách khác cũng được giảm năm mươi phần trăm giá thức uống!
Những tràng vỗ tay nổ vang. Có một ai đó nói to:
- Nhân dịp này, xin vinh dự mời người đẹp Hồng Kông lên sân khấu. Nếu hát được thì hát, còn không hát được thì chỉ cần cười cho chúng tôi một nụ thôi cũng đủ.
Bất chợt người đang vây quanh cô này vẹt cả ra. Nàng đứng dậy, uyển chuyển bước về phía sân khấu thấp. Nàng đi tới đâu hương thơm tỏa ra đến đó. Mà chừng như không phải là hương nước hoa nhân tạo.
Vừa đứng trước micro nàng đã cười thật tươi! Đáng lý đã có một tràng pháo tay vang lên. Nhưng hình như cả mấy trăm khách nhảy đều đang đờ người ra, quên cả hoan hô!
Nàng cất giọng trong veo:
- Xin nói với tôi bằng tiếng Việt. Tôi không phải người Hoa! Tôi là Hương Thu, người con của đất Sài thành hoa lệ này!
Lúc này mọi người mới hoàn hồn! Họ như bầy ong vỡ tổ, vỗ tay rào rào. Có người còn hứng chí la lên:
- Nàng xứng đáng là hoa hậu đêm nay! Nàng là nữ hoàng sắc đẹp!
Thôi thì đủ cả lời tán tụng. Trong khi đó thì người đẹp Hương Thu vẫn bình thản. Nàng nói xong mấy lời liền rời sân khấu và biến mất!
Cả vũ trường nhốn nháo đi tìm. Lão chủ Lý San thì hò hét đám gia nhân:
- Tụi bây tìm khắp nơi coi cô ấy đi đâu? Nãy giờ có đứa nào thấy cô ta ra ngoài không?
Hai tên bảo vệ quả quyết:
- Chắc chắn là không ai rời khỏi vũ trường cả!
Lý San bảo viên quản lý:
- Anh ra ngoài dặn nhóm xe taxi đậu trước vũ trường, hễ thấy cô ấy ra thì đừng chở. Báo cho tôi hay liền! Lão bực tức bước vô phòng. Nhưng lão sửng sốt đứng khựng lại khi nhìn thấy người đẹp đang ngồi chễm chệ trong phòng của mình!
- Chào ông chủ! Mà gọi cho chính xác, ông trùm ma cô xóm Vườn Lài mới đúng!
Đã hơn chục năm nay, chưa một ai nhắc tới cái hổn danh đó trước mặt Lý San, khiến cho lão ta giật mình, nhìn sững cô gái.
- Cô là…
Nàng ta vẫn giữ nụ cười rất tươi trên môi:
- Là Hương Thu, như tôi vừa tự giới thiệu! Chỉ có ông là không dám giữ tên thật của mình mà thôi! Phải không ông Hoàng sở khanh!
Cách gọi chính xác mọi tên, hiệu cách đây hơn chục năm của mình một lần nữa đã làm cho Lý San tái mặt:
- Cô… cô là ai?
- Nói rồi, là Hương Thu!
- Không phải! Không người nào tên Hương Thu biết rõ về tôi cả!
- Vậy Hương Thảo thì sao?
Lý San há hốc mồm, người anh ta như có luồng điện cực mạnh chạy qua! Hắn lập cập:
- H ương... Hương Thảo nào?
Nàng bỗng phá lên cười lớn. Trong giọng cười vừa thoả mãn vừa cay độc!
- Còn hỏi Hương Thảo nào! Đúng là bản chất của thằng Hoàng sở khanh! Mầy còn hơn thằng bạn nối khố Sơn Tùng một bậc!
Nghe nhắc tới Sơn Tùng hắn lại càng run hơn:
- Cô là Hương Thảo thật?
Hắn hỏi đi hỏi lại như vậy, bởi cái tên Hương Thảo so với tuổi đời của cô nàng này thì cách xa lắm...
- Xem tôi có đẹp hơn Hương Thảo ngày xưa không?
Lý San dẫu sao cũng là tay trùm ma cô, một đại ca giang hồ, nên chỉ vài chục giây dao động, đã lấy lại bình tĩnh ngay:
- Cô biết chút ít về quá khứ mà đã tính hù tôi phải không? Nào, nói tiếp xem, con Hương Thảo bây giờ xương cốt đã rã thành tro, thành bụi mấy lần rồi?
Hình như câu nói đó của hắn đã chạm đúng vào cơn phẫn nộ chất chứa từ bao đời của cô gái:
- Thằng sở khanh, lưu manh! Bản chất dã thú, côn đồ của mầy đâu có gì thay đổi! Mầy đưa bàn tay từng xiết cổ người con gái tay yếu chân mềm lên xem!
Lý San cũng phá lên cười:
- Mầy nhắc tao mới nhớ! Ngày xưa phải chi con Hương Thảo chịu ngoan ngoãn nghe lời thì tao đâu có đưa nó về địa phủ với hai bàn tay này! Bàn tay của thằng Hoàng đại ca này không chỉ bóp cổ chết một đứa như con Thảo, mà còn cả mầy nữa, con ranh con!
Nói xong, như con dã thú nghe mùi máu, hắn lừng lững tiến về phía cô gái và sắc mặt thì đanh lại, hình như hắn muốn diệt ngay người con gái lạ mà biết quá nhiều này! Nhưng lạ thay, trước vẻ đằng đằng sát khí của hắn ta, vậy mà cô gái tên Hương Thu vẫn bình thản vênh mặt lên, cười khinh bỉ.
Bất thần Lý San vung quyền lên, phóng thẳng tới chỗ cô gái ngồi, cộng thêm một tiếng hớp hồn mà các võ sĩ giang hồ vẫn dùng khi tấn công địch thủ! Trúng đòn ấy cô gái chỉ có nước chết...
- Á… á... á…
Tiếng kêu đau đớn ấy lại không xuất phát từ cô gái. Mà trái lại, đã thấy Lý San nằm lăn lộn dưới sàn nhà!
Một lát sau viên quản lý vũ trường chạy vào. Hắn không nhìn thấy ai ngoài ông chủ của mình nằm bất động. Phần dưới rốn nguyên một mảng quần bị rách toạc, máu me be bét...
Tin có án mạng xảy ra ngay tại vũ trường lan ra rất nhanh. Một số khách nhảy hoảng sợ rút lui ngay, nhưng cũng có nhiều người nán lại. Trong số này có một người lẳng lặng bước tới chỗ quầy thu ngân, nói khẽ với cô thủ quỹ:
- Cô giữ cái này, lát nữa gởi cho vợ ông chủ!
Đặt một cái hộp lên quầy xong, ông ta biến đi liền. Chỉ chưa đầy năm phút sau, vợ lão Lý San hớt hãi chạy tới.
- Chuyện gì đã xảy ra?
Mọi người thuật sơ lại sự việc. Đến lúc cô thu ngân đưa cái hộp thì bà chủ Lệ Xuân còn trịch thượng hỏi lại:
- Đến nước này mà cô còn đưa thứ gì cho tôi đây?
Cô thu ngân đáp:
- Dạ, không phải của tôi. Cái này của một người bảo gởi cho bà.
Lúc ấy bà Lệ Xuân mới mở hộp ra và... thất thần, lắp bắp nói:
- Cái... cái này...
Thì ra trong hộp chỉ có một thứ còn vấy máu. Cái "hạ bộ” của ai đó! Còn một mảnh giấy nhỏ rơi ra. Trên đó ghi chỉ mấy chữ: "Thứ đã gây tội ác, kết cuộc phải như vậy thôi! Nó là của thằng Hoàng đại ca!”
Lệ Xuân chỉ kịp kêu lên một tiếng:
- Trời!
Rồi ngất lịm. Cả vũ trường sau đó đều nhìn tận mắt món quà, họ đều le lưỡi rùng mình:
- Cắt của quý để trả thù, ai mà ác dữ vậy hổng biết!
Anh chàng vừa nói câu ấy tự dưng ngừng bặt, người đứng kế bên hốt hoảng kêu lên:
- Anh ta bị ai bóp cổ mà le lưỡi ra kìa!
Anh chàng nọ vừa lè lưỡi, vừa ngã xuống lăn lộn. Lát sau đã thấy anh ta nằm im, mặt tím tái, trông rất ghê rợn.
Lát sau bà chủ Lệ Xuân tỉnh lại. Cũng vừa lúc người ta khiêng xác Lý San ra xe. Chỉ kịp thấy một vết son trên má của chồng, bà Xuân lại thét lên:
- Con... Hương Thảo!
Từ phút đó bà hầu như biến thành một người khác. Bất cứ ai đến gần cũng bị bà ta xua đuổi, hoặc bà chui rút xuống ghế trong trạng thái sợ hãi tột độ.
- Đừng lại gần tôi!
Mãi đến khi người ta đưa bà ta ra ngoài thì bà bỗng vụt chạy biến vào màn đêm!
Chẳng hiểu định mệnh hay ngẫu nhiên mà hai người đàn bà đó lại gặp nhau trong viện tâm thần. Đã từng quen biết nhau, là bạn bè với nhau nữa, nhưng có lẽ lúc ấy cả hai đang trong tâm trạng sợ hãi, nên họ nhìn nhau mà như hai người xa lạ. Vị nữ tu, sơ Jane ái ngại cho họ:
- Một bà thì được xe thu gom chở vào đây khi họ bắt gặp bà đang đi lang thang, cứ đòi lao đầu vào xe đang chạy. Còn bà kia, thì vào lúc nửa đêm đã leo tường vô đây, rồi không chịu ra nữa!
Hai bà mà sơ Jane đang nói chính là Kim Xuân và Lệ Xuân. Cho đến buổi ăn chiều hôm đó, trong lúc mọi người tụ tập lại dãy bàn ăn ngồi nghiêm chỉnh ăn suất cơm của mình, thì hai bà lại lặng lẽ đến ngồi ở một góc, im lặng. Bỗng một bà lấy từ trong túi áo ra một vuông khăn màu xanh, đưa cho bà kia. Họ nhìn vào chiếc khăn rồi bỗng kêu thét lên, như muốn chạy đi!
Sơ Jane bước lại nhìn và ngạc nhiên khi thấy trên chiếc khăn có dính hai dấu son hình đôi môi.
Trong lúc sơ còn đang ngạc nhiên thì bà Kim Xuân chỉ tay vào đôi môi trên chiếc khăn, giải thích theo lệnh sai khiến của ai đó:
- Đây là một thằng! Còn đây là một thằng nữa.
Bà Lệ Xuân thì tỏ ra sợ sệt chiếc khăn lắm, bà chắp hai tay lại như xá:
- Hắn ta đã xong đời rồi, đâu còn gì nữa mà chưa tha cho tôi!
Hai người cứ đối đáp những câu khó hiểu như vậy, khiến sơ Jane chỉ biết lắc đầu, bỏ đi...
Khi còn lại một mình, hai người châu đầu vào nhau như bàn bạc chuyện gì đó. Lúc giám thị bước tới thì ngạc nhiên khi thấy họ đang thắt gút hai sợi dây thừng thành hai chiếc vòng thòng lọng, kiểu vòng thắt cổ.
Giám thị tri hô lên thì cả hai chỉ nhoẻn miệng chớ không sợ sệt gì cả.
Suốt đêm đó hầu như cả trại tâm thần không ai có thể ngủ được với hai con người này. Họ cứ hết ngồi rù rì với nhau, xong lại đi vòng vòng khắp nơi. Phòng nào họ cũng thò đầu vào rồi hỏi to:
- Thằng Hưng, thằng Lộc đâu?
Có lúc một trong hai người lại la lên:
- Chạy! Chạy đi, đồ ngu, nó giết chết bây giờ!
Trong khi bà kia lại giọng điệu ngược lại:
- Tính chạy hả, không xong đâu! Thằng kia, chạy đâu cho thoát!
Và thế là họ chạy, như đang rượt kẻ nào đó tên Lộc và Hưng! Đến nỗi trong trại có ai tên là Hưng và Lộc đều được giám thị giấu kỹ.
Sau cùng, theo ý của Jane, có gần mười người có tên Lộc, Hưng được tập trung lại một phòng, có bảo vệ canh giữ, họ đưa hai bà Xuân vào, cho nhìn mặt. Chính sơ hỏi:
- Trong số này, có ai là người quen của hai chị không?
Cả hai chăm chú nhìn rồi phá lên cười:
- Người nào cũng hiền lành quá, đâu phải chúng nó!
Bà Kim Xuân còn nói cụ thể:
- Bọn chúng giàu lắm, đâu phải như mấy người này!
Có một bệnh nhân tâm thần nặng, bước tới vỗ ngực:
- Tao là Lộc đây, đứa nào kiếm tao?
Lệ Xuân cũng bước tới đứng chống nạnh phía đối diện:
- Tao tìm thằng Lộc, chứ không phải mày! Cỡ mày thì có dám giết người không?
Người nọ hơi bị khựng lại, trong lúc Kim Xuân cũng xông tới, hỏi giọng trịch thượng:
- Có từng hãm hiếp ai chưa?
Người bệnh kia giọng ỉu xìu:
- Chưa...
Cả hai bà phá lên cười:
- Vậy mà cũng bày đặt xưng danh!
Rồi họ lại dắt tay nhau tiếp tục chạy vòng vòng khắp nơi trong khuôn viên trại. Bí quá, các giám thị phải giữ họ lại, y tá tới chích cho mỗi người một liều thuốc an thần. Chính sơ Jane đã quyết:
- Những người này bị tâm thần nhưng lạ lắm, không thể để ở đây được. Phải tìm cách liên hệ với gia đình họ thôi!
Vote Điểm :12345