Tổng tập truyện ma của Người Khăn Trắng
Tác giả: Người Khăn Trắng
Phần 4
Ngay chiều tối hôm sau tôi bắt đầu thực hiện bổn phận tài xế của mình một cách vô cùng tận tụy. Đầu tiên, tôi thuê một chiếc xích lô tới trạm xăng để chuyển con ngựa sắt của Nhi về nhà.
Vừa trông thấy tôi, Nhi mừng rỡ:
- Chú... cháu cứ tưởng...
- Tưởng chú trốn luôn rồi phải không? - Tôi cười, hỏi đùa.
Nhi hờn dỗi:
- Sao cháu lại dám nghĩ về chú như thế chứ? Chỉ là cháu không ngờ chú tới sớm vậy đâu...
Tôi giả bộ xoay lưng:
- Vậy thôi chú về nhé, chút nữa chú quay lại đón cháu!
Nhi lật đật níu chặt tay tôi:
- Chú ơi... Cháu lỡ lời... Chú đừng giận... chú bỏ qua cho cháu đi! Cháu thấy chú tới, mừng quá nên nói năng lung tung vậy thôi...
Tôi cười xòa:
- Đùa với cháu chút cho cháu vui thôi, chú không giận hờn gì đâu! Sao rồi, từ hôm qua tới nay cánh tay còn đau nhiều không? Vết thương ở đầu gối sao rồi?
Nhi nhoẻn cười:
- Dạ, tay đỡ đau nhiều lắm rồi chú ạ! Còn chỗ này thì...
Nhi nhăn mặt, mũi lại hếch lên một cách nũng nịu.
- Sao, chỗ đó ra sao? - Tôi hỏi.
- Ngủ một đêm, sáng ra nó lành mặt, bước xuống đi... đau thấu trời xanh luôn chú ơi...
Nhi có vẻ muốn nhõng nhẽo. Tôi cười lớn:
- Phải đau như vậy để cháu nhớ, mai này không còn dám phóng nhanh vượt ẩu nữa!
- Cháu biết lỗi rồi, chú cứ rầy cháu hoài... - Nhi phụng phịu.
Tôi phá ra cười rồi cùng cô vào nhà. Tôi bắt Nhi phải lấy thuốc và bông băng ra để tôi tự tay lau rửa vết thương cho cô. Ban đầu Nhi không đồng ý có lẽ do ngại ngần trước một người đàn ông chưa quen biết lắm, nhưng sau đó, thấy tôi có vẻ tự nhiên, và cũng là người đàng hoàng nên cô không giữ ý nữa.
Rửa xong vết thương, tôi và Nhi ngồi nói chuyện với nhau rất lâu, mãi đến khi trời nhập nhoạng tối, Nhi đứng lên xin phép vào trong chuẩn bị đồ để đến lớp.
Lúc cho Nhi xuống ở cổng trường, cô nhìn tôi ái ngại:
- Trong khi cháu học, ở ngoài này chú làm gì?
- Chú có nhà người quen gần đây, chú sẽ tới chơi một ván cờ, chờ cháu tan học chú sẽ quay lại đón. - Tôi nói dối.
Nhi tươi cười:
- Vậy là cháu tạm yên tâm rồi. Chào chú, cháu đi đây!
Tôi gật đầu, nhìn theo dáng cô đi khuất dần trong sân trường rồi mới dẫn xe tới một quán cà phê gần đó ngồi chờ.
Mới đó mà đã một tháng trôi qua! Một tháng, đủ để tình cảm giữa tôi và Nhi trở nên khắng khít. Đối với tôi Nhi rất vô tư, cô thương yêu và quý trọng tôi như cha chú, như một "ân nhân” theo lời cô nói.
Trái lại, tôi đã không còn giữ được sự tự nhiên thoải mái lúc ban đầu. Hồi mới gặp Nhi, dù có nghi ngờ cô chính là hiện thân của Thi trở về tìm lại tôi, nhưng ngoài sự xúc động nhất thời, tôi hoàn toàn không có bất kỳ một ý nghĩ đen tối nào trong đầu cả. Nhưng thời gian gần gũi vừa qua đã làm tình cảm nảy sinh trong lòng tôi. Có nhiều lúc nhìn thấy Nhi cười cười nói nói, tôi lại khao khát được đặt lên đôi môi tươi thắm đó một nụ hôn, tôi thèm được ôm cô vào lòng, thèm áp mặt mình vào cái dấu tích năm xưa của Thi để lại. Bao nhiêu tình cảm và dục vọng sôi sục trong tôi khiến tôi luôn lo sợ một lúc nào đó mình không kiềm chế được. Lúc ấy... chắc chắn Nhi sẽ xem thường tôi, xa lánh tôi ngay lập tức.
Do vậy, tôi nghĩ mình phải mau chóng tỏ bày tình cảm với Nhi. Nhưng như vậy liệu có vội quá không? Tôi không biết phải làm sao cho đúng nữa...
Nhi là một cô gái rất ngoan hiền. Sống giữa nơi phồn hoa đô hội, dập dìu nam thanh nữ tú, nhưng Nhi vẫn giữ được bản chất của một cô gái quê dịu dàng thùy mị. Nhi không đua đòi ăn diện, không phóng túng như một vài cô gái vừa ở quê ra, choáng ngợp trước sự hào hoa của phố phường, lăn xả vào đời một cách bất cần cả tương lai. Nhưng điều làm tôi vui mừng nhất, ấm lòng nhất chính là khi biết được cho tới lúc này, Nhi chưa từng yêu một ai!
Tôi đến thăm Nhi rất thường xuyên. Mặc dù lúc này cánh tay cô đã tháo bó bột và hoàn toàn hồi phục, nhưng tôi vẫn là tài xế cho cô mỗi tối đến trường. Dạo này tôi cũng ít ăn cơm chiều ở nhà. Một mình lúi húi nấu nướng, rồi lại một mình ngồi bên mâm cơm, buồn bã lắm, khi ăn không còn cảm giác ngon miệng nữa. Vì thế tôi thường đến ăn cơm ở nhà Nhi. Gặp lúc có cô bạn của Nhi ở nhà, cả ba ngồi ăn uống, cười đùa rất vui vẻ. Bữa ăn tuy đạm bạc nhưng lại mang đậm một hương vị ấm áp tuyệt vời mà lâu lắm rồi tôi chưa có được.
Những hôm cô bạn bận tăng ca, tôi ghé siêu thị đón Nhi, mua một vài món rồi khi về nhà hai chú cháu cùng xuống bếp. Nhi thường bày ra các cuộc thi xem ai nhanh hơn và cười giòn giã mỗi khi tôi thua cuộc. Tôi như thấy mình đang trẻ lại từng ngày. Chiếc kim đồng hồ của đời tôi đang chạy những vòng quay ngược.
Có lúc tôi quên bẵng mình đang ở lứa tuổi xấp xỉ năm mươi, quên rằng tóc trên đầu tôi đã có nhiều sợi bạc, quên đứa con trai đang ở rất xa của tôi tuổi cũng gần với tuổi Nhi. Tôi quên hết, tôi tưởng như mình đang là chàng sinh viên nghèo thuở trước, ăn tô mì gói không rau không thịt mà vẫn có cảm giác ngon tận ruột gan.
Những lúc Nhi bá cổ tôi reo mừng một điều gì đó tôi phải cố gắng dằn lòng, không cho phép mình ghì chặt lấy thân thể trẻ trung đầy sức sống. Nhưng tôi không thể che giấu mãi tình cảm của mình, nhất là đối với người ngoài cuộc. Cô bạn gái của Nhi đã sớm nhận ra điều đó.
- Chú... cháu hỏi thật, có phải chú đã dành cho Nhi một tình cảm không chỉ đơn thuần là tình chú cháu... Đúng không chú?
Lần tôi đến chơi gặp lúc Nhi đi vắng, Ánh cô bạn gái cùng nhà - thay mặt Nhi tiếp tôi và bất ngờ đã đưa ra câu hỏi ấy. Thoạt nghe Ánh hỏi, tôi rất lúng túng và muốn chối phăng đi. Nhưng nghĩ lại, thấy trước sau gì thì chuyện này rồi tôi cũng sẽ nói ra, vì vậy nên tôi gật đầu xác nhận.
- Đúng, cháu quả thật tinh ý! Đúng là chú đã không xem Nhi như con cháu được nữa rồi...
Ánh nghiêm nghị nhìn tôi:
- Do gần gũi lâu ngày làm phát sinh tình cảm, hay... tại vì chú thấy Nhi đối với chú hồn nhiên thân thiết mà chú... xem thường nó, có ý nghĩ không tốt về nó?
Tôi lắc đầu:
- Cháu nghĩ chú thuộc loại người đó sao? Cháu cũng thấy rồi đó, mặc dù chú dành tình cảm đặc biệt cho Nhi, nhưng có bao giờ chú có thái độ hoặc cứ chỉ gì sàm sở hay không tôn trọng cô ấy đâu? Đối với chú, tình cảm đó thiêng liêng lắm, chú có nói ra cháu cũng không hiểu hết được đâu, cháu ạ!
Ánh ngước nhìn tôi:
- Dạ, cháu cũng tin chú là người tốt. Cháu cũng hy vọng bạn cháu có được một người chồng hết lòng hết dạ thương yêu, lo lắng cho nó. Chú là người có thể mang tới hạnh phúc cho bạn cháu. Nhưng cháu chỉ e ngại, tuổi tác giữa chú và Nhi quá chênh lệch nhau, chắc chắn sẽ gặp nhiều cản trở về phía gia đình chú, nhất là con trai chú. Anh ấy có chấp nhận để cha mình cưới một người vợ mà tuổi chỉ mới xấp xỉ với mình không? Liệu chú có dám vượt qua tất cả mọi rào cản để đến với Nhi không? Hay là... sau này cháu phải là người lau nước mắt cho nó? Cháu mong chú suy nghĩ cho kỹ, cân nhắc cho thật kỹ trước khi thổ lộ tình cảm đó với Nhi...
- Cháu yên tâm đi, chú đã từng này tuổi đầu rồi, đâu còn bồng bột như đám thanh niên mà không suy nghĩ cặn kẽ trước khi làm. Chú thấy giữa chú và Nhi có rất nhiều cơ duyên mà sau này chú kể cho cháu rõ. Về phần gia đình chú, con trai chú thì cháu đừng lo lắng gì hết, nó sống ở nước ngoài, nó không có những định kiến hẹp hòi xưa cũ trong đầu đâu. Đã nhiều lần nó thúc giục chú cưới vợ để có người bầu bạn, vì sau khi tốt nghiệp nó cũng không về lại quê nhà mà nhận lời làm việc cho một công ty bên đó luôn.
- Anh ấy không phản đối chú cưới vợ, nhưng có chấp nhận để chú cưới một người vợ trẻ như vậy không? Anh ấy có chấp nhận gọi một người cùng lứa tuổi với mình bằng mẹ kế không? - Ánh lo lắng.
Tôi cười:
- Cháu đừng lo, hôm trước chú đã có dò ý với nó rồi. Nó bảo chú cứ chọn lựa, đó là hạnh phúc của chú, nó không bao giờ cản trở. Còn về việc xưng hô, đâu nhất thiết phải gọi vợ của ba bằng mẹ kế đâu? Có thể gọi bằng dì, bằng cô cũng được mà, phải không cháu?
Ánh thở hắt ra:
- Nghe chú nói vậy cháu cũng thấy nhẹ lòng. Thú thật với chú nhé, mấy lúc gần đây cháu cứ nơm nớp lo sợ, cháu sợ Nhi sẽ phải đau buồn lần nữa. Hồi ngoại nó mất, cháu đã chứng kiến nỗi đau tột cùng của nó rồi, cháu rất sợ, cháu không muốn nó bị như vậy lần thứ hai...
Tôi siết chặt tay Ánh:
- Cháu là một cô gái tốt. Nhi thật may mắn khi có được người bạn như cháu. Cháu yên tâm đi chú không đem lại đau khổ cho Nhi đâu. Chú chỉ lo ngại một điều...
- Chú lo điều gì?
Thấy tôi ngập ngừng, Ánh hỏi.
- Chú lo... Nhi có chấp nhận chú không? Nhi còn quá trẻ trung, trong khi đó chú... chú già mất rồi cháu ạ.
Lần này Ánh lại là người động viên tôi:
- Chú đừng lo! Cháu nhận thấy Nhi cũng rất có tình cảm với chú. Gia đình Nhi cũng không còn ai, có nghĩa là cũng không sợ phải gặp sự cản trở nào một khi Nhi đồng ý.
Tôi thở dài:
- Đành rằng Nhi có tình cảm với chú, nhưng đó chỉ là tình chú cháu, nhưng nếu chú bày tỏ lòng mình và đề nghị Nhi chuyển sang mối quan hệ khác, chú e rằng... Nhi cũng khó mà chấp thuận.
Ánh bật cười:
- Chú phải thử mới biết! Chứ nếu mãi lo như vậy chẳng lẽ chú cứ ôm ấp tình cảm đó rồi ngồi chờ Nhi đi lấy chồng sao? Chú cứ mạnh dạn nói hết lòng mình với Nhi đi. Một khi cháu biết chú thật tình với Nhi thì cháu ủng hộ chú hai tay hai chân luôn. Cháu đứng về phe chú.
- Ủa, nhà mình hôm nay chơi trò gì mà chia phe nữa vậy ta?
Ánh vừa dứt lời thì nghe tiếng Nhi ngoài cửa. Ánh nhìn tôi lè lưỡi. Tôi mỉm cười ra hiệu cho Ánh đừng vội nói gì với Nhi.
- Chú... chú với Ánh về phe với nhau để bắt nạt cháu phải không? - Nhi làm bộ dỗi.
- Ai dám bắt nạt cô nương? - Ánh cười
- Vậy hai người chia phe để làm gì? - Nhi thắc mắc.
- Hãy đợi đấy! Rồi sẽ biết!
Ánh đứng lên tát nhẹ vào má bạn rồi đi xuống nhà sau. Tôi không khỏi bật cười trước hai cô gái nhỏ. Hôm đó về nhà tôi cứ suy nghĩ mãi những lời Ánh nói.
Đúng rồi, tôi phải có can đảm bày tỏ tình cảm của mình với Nhi một cách rõ ràng, chứ không lẽ cứ phải đè nén mãi trong lòng, tuổi của tôi cũng đâu còn trẻ trung gì nữa? Tôi hỏi ý kiến quân sư Hiển, nó cũng nhận thấy tôi không nên kéo dài hơn nữa. Tối hôm sau Nhi không có giờ học ở trường, tôi đề nghị:
- Nhi đi ăn kem với chú nhé?
Nhi ngạc nhiên nhìn tôi:
- Ủa, chú cũng thích ăn kem nữa sao?
Tôi bật cười:
- Sao cháu lại hỏi vậy?
- Cháu tưởng chỉ có mấy đứa nhỏ tụi cháu mới thích vô quán kem thôi, cỡ chú thường người ta hay tới quán cà phê hoặc quán... nhậu.
Tôi nghe một nỗi buồn ập vào tim mình, nhưng vẫn cố gượng cười:
- Vậy là cháu muốn nói chú già rồi, chú không thích hợp đi với cháu tới quán kem phải không?
Biết mình lỡ lời, Nhi ôm lấy cánh tay tôi lắc lắc:
- Chú... cháu xin lỗi... cháu không có ý đó! Chỉ là cháu thật tình nghĩ vậy thôi mà... Chú đừng giận cháu nha, chú mà giận, chút nữa cháu ăn một lúc bốn, năm ly cho chú trả tiền mệt nghỉ luôn đó!
Tôi bật cười:
- Ăn không hết là chết với chú đấy nhé!
Nhi nhoẻn cười, chạy vào nhà trong thay quần áo. Vì đã có chủ đích trước nên tôi đưa Nhi tìm đến một quán kem thật vắng và chọn một góc ngồi cũng vắng.
Nhìn Nhi hồn nhiên xúc từng muỗng kem đưa vào miệng ngon lành, tôi không dằn lòng được nữa, nhưng việc mở lời đối với tôi lúc này cũng rất khó khăn.
- Cháu tin trên đời này có ma không, Nhi?
Bất ngờ nghe tôi hỏi, Nhi tròn mắt:
- Úi chú đừng nhát cháu à nghen, cháu sợ ma lắm đó!
- Cháu sợ ma? Tức là cháu tin có ma? - Tôi hỏi lại.
Nhi tư lự:
- Cháu cũng hổng biết nữa... Nhiều lúc cháu tin nhiều lúc cũng không tin, nhưng... sợ thì lúc nào cháu cũng sợ!
- Trời! - Tôi kêu lên.
- Mà sao tự nhiên chú lại hỏi cháu như vậy? - Nhi tò mò.
- Là vì... là vì chú muốn kể cho cháu nghe một câu chuyện.
Tôi không biết phải vào đề bằng cách nào, nên phải đi một vòng thật xa như thế.
- Chú kể chuyện ma cho cháu nghe à? Hấp dẫn đây!
Nhìn vẻ háo hức trẻ con của Nhi, tôi thật không đoán được phản ứng của cô sẽ như thế nào khi nghe tôi nói hết. Thôi kệ, chuyện đó tính sau đi, lúc này đây tôi phải làm sao để cho Nhi hiểu được lòng mình. Tôi bắt đầu kể cho Nhi nghe về cuộc gặp gỡ tình cờ của đôi trai gái trên một chuyến xe đêm, về những ngày tháng họ sống bên nhau ngập tràn hạnh phúc. Và rồi, để trả lại cuộc sống và tương lai cho người mình yêu, cô gái đã quyết định dứt áo ra đi... chàng trai đau khổ thế nào khi biết người mình yêu thương thời gian qua thật ra chỉ là một vong hồn của cô gái đã chết cách đó một năm trước.
Nhi quên cả muỗng kem cầm trên tay đang tan chảy, cô kéo ghế ngồi sát vào tôi, hai cánh mũi phập phồng hồi hộp.
- Tội nghiệp cho họ biết bao phải không chú? Rồi sau đó chàng thanh niên kia thế nào hả chú? – Nhi hỏi khi tôi vừa kết thúc câu chuyện.
Tôi nhìn Nhi:
- Rồi thì anh ta cũng lấy vợ, sinh con nhưng trong lòng vẫn không sao quên được mối tình ngang trái đó. Rồi vợ anh ta qua đời, con trai đi học xa, anh ta lại sống những ngày cô đơn buồn bã...
Nhi giật mình ngó sững tôi:
- Chú... vậy là... vậy ra nãy giờ chú kể cho cháu nghe chuyện của chính chú phải không?
Tôi khe khẽ gật đầu.
- Tất cả những gì chú kể đều là sự thật? Hay là thấy cháu sợ ma nên chú nhát cháu thế?
Tôi buồn bã:
- Tất cả đều là sự thật!
Trong lúc Nhi còn đang sững sờ, tôi nhìn thẳng vào mắt cô, nói tiếp:
- Cháu có biết ngày chia tay, cô gái ấy đã nói gì với chú không?
- Nói gì hả chú? - Nhi ngơ ngác hỏi.
- Cô ấy bảo nếu còn duyên thì ắt sẽ có ngày gặp mặt. Và điều mà cô ấy luôn nhắc đi nhắc lại với chú là dấu tích để nhận ra nhau khi cô ấy đầu thai kiếp khác. - Tôi vẫn nhìn thẳng vào Nhi.
- Dấu tích? Dấu tích gì vậy chú?
- Dấu tích đó là... ba nốt ruồi son xếp thành hình tam giác ngay sau gáy của cô ấy! - Tôi nói nhanh.
Nhi kêu lên thảng thốt:
- Chú... chú...!
Nhi buông rơi chiếc muỗng, sờ tay vào gáy mình, vẻ mặt hoang mang, lo sợ...
- Chú... chú đừng đùa như vậy, chú đừng nhát cháu như vậy, cháu... cháu sợ lắm...
Tôi nắm chặt bàn tay Nhi, nhìn sâu vào mắt cô:
- Không, chú không đùa, cũng không phải chú nhát cháu! Những gì chú kể hoàn toàn là sự thật một sự thật hi hữu mà khó ai có thể tin được nhưng nó đã xảy ra cho chú. Ngay lần đầu tiên nhìn thấy ba nốt ruồi đặc biệt ấy sau cổ cháu chú đã không khỏi bàng hoàng, chú không dám tin vào mắt mình, nhưng dù không muốn tin cũng không được...
Ngừng một lúc để quan sát Nhi, tôi nói tiếp:
- Cháu biết giữa cháu và cô ấy còn có điểm nào liên quan với nhau nữa không?
- Ý chú muốn nói là... cô ấy tên Thi, còn cháu tên Nhi? - Nhi lắp bắp.
Tôi lắc đầu:
- Không, chú không quan trọng vấn đề đó, tên người thì rất nhiều trùng hợp, không có gì lạ. Điều lạ kỳ là... ngày tháng năm sinh của cháu, chính là ngày cô ấy bỏ chú mà đi...
Nhi ngồi lặng đi rất lâu, mãi đến khi cơn xúc động qua đi, Nhi nhẹ rút bàn tay cô ra khỏi tay tôi rồi nhìn tôi với ánh mắt thật buồn:
- Vì thế nên bấy lâu nay chú luôn đối xử tốt với cháu?
Tôi chụp lấy tay Thi, giữ chặt nó trong tay mình:
- Không đâu, Nhi ơi... chú thương cháu... ý chú muốn nói là... chú rất... yêu thương cháu... Cháu có hiểu điều đó không Nhi?
Nhi cười buồn bã:
- Chú thương cháu? Chú yêu cháu? Là vì qua cháu chú tìm lại được hình bóng người xưa?
Tôi lắc đầu:
- Không! Ngay giây phút đầu tiên nhận ra dấu vết người xưa trên người cháu, chú không khỏi bàng hoàng xúc động, nhưng khi những cảm xúc đó qua đi, trong lòng chú hoàn toàn không có bất kỳ một ý nghĩ đen tối nào với cháu. Bởi vì... ngoài dấu tích đó, giữa cháu và cô ấy hoàn toàn khác xa nhau, không có một điểm nhỏ nào giống nhau, về hình thức cũng như tính tình. Nên nếu bảo chú thương cháu vì qua cháu tìm lại bóng hình người xưa là không đúng. Mãi đến khi có điều kiện tiếp xúc và gần gũi cháu, chú mới dần dần nảy sinh tình cảm...
- Chú nói thật ? - Nhi rưng rưng nước mắt nhìn tôi.
- Có khi nào chú nói điều gì không thật với cháu đâu? - Tôi hỏi lại Nhi.
- Nhưng... nếu cháu... cháu không phải là hiện thân của cô ấy, kiếp trước của cháu là một người hoàn toàn khác, thì liệu chú có... có dành cho cháu những tình cảm đẹp đẽ đó không?
Tôi khẳng định:
- Chú đã nói rồi, việc cháu có là cô ấy hay không không quan trọng nữa, vì đó chỉ là sự xúc động nhất thời ban đầu, tình cảm hôm nay chú dành cho cháu là vì cháu, hoàn toàn vì con người cháu chứ không chỉ vì ba nốt ruồi đặc biệt đó đâu. Lâu nay đã nhiều lần chú muốn giãi bày hết tâm sự của mình cho cháu hiểu, nhưng chú còn e ngại... chú sợ cháu không chấp nhận một người đáng tuổi cha chú như chú bây giờ... Chú biết... Chú không trách cháu đâu... Chú biết cháu khó lòng mà chấp nhận được một người như chú. Thôi thì... những gì cần nói với cháu hôm nay chú đã nói được hết rồi, dù sao thì chú cũng cảm ơn cháu đã chịu lắng nghe, cảm ơn cháu đã cho chú những ngày tháng thật sự vui tươi, thật sự đầm ấm trong ngôi nhà của cháu...
Tôi nói luôn một hơi rồi vội vã đứng lên dợn bước ra về. Nhi níu tay tôi lại:
- Chú không muốn biết cảm nghĩ của cháu sao?
Tôi vỗ nhẹ lên vai Nhi, gượng cười:
- Chú biết... chú không trách gì cháu đâu... Cháu cũng đừng ngại, không cần an ủi chú đâu cháu ạ...
Bất chợt Nhi nhào tới ôm chầm lấy tôi, tay cô đấm thình thịch vào lưng tôi, nói trong nước mắt:
- Chú thật đáng ghét! Chú rất là đáng ghét... chú có biết không?
Quá bất ngờ, tôi cứ đứng sững như thế trong mấy giây, tới lúc chợt hiểu ra, tôi sung sướng ôm choàng lấy Nhi, nhấc bỗng cô lên xoay tít mấy vòng...
Sau khi chính thức công bố mối quan hệ mới giữa tôi và Nhi cho tất cả mọi người quen biết, điều đầu tiên tôi làm là đưa Nhi về Quảng Ngãi để thắp nhang cho ông bà cha mẹ và ra mắt các chị gái của tôi. Trên đường đi, tôi không quên bảo tài xế dừng lại để đưa Nhi vào thăm lại nhà mồ của Thi. Nhưng... tuy nhà mồ vẫn còn đó mà ngôi mộ lại là mộ của người khác mất rồi.
Khi chúng tôi vào làng hỏi thăm thì được biết gia đình Thi đã bốc mộ cô từ lâu, nghe nói đưa về quê gửi ở một ngôi chùa nào ngoài đấy. Về đến quê nhà, tôi đưa Nhi đi thăm viếng mộ phần cha mẹ và tất cả những người trong họ tộc. Đưa Nhi ra mắt các chị tôi và bà con làng xóm.
Khi các cuộc viếng thăm đã gần như hoàn tất tôi bảo Nhi:
- Ngày mai, anh đưa em tới một nơi...
- Nơi nào vậy anh? - Nhi tò mò.
Tôi mỉm cười:
- Bí mật, rồi mai em sẽ biết!
Sau bữa ăn sáng, tôi bảo tài xế lấy xe đưa hai chúng tôi chạy ngược theo quốc lộ, tìm tới ngôi nhà năm xưa Thi từng sinh sống.
Bà mẹ Thi năm nay đã ngoài tám mươi, mái tóc bạc trắng, phất phơ lòa xòa trước trán. Vừa nghe tôi và Nhi cất tiếng chào, bà hấp háy đôi mắt hom hem, run giọng hỏi:
- Thi phải không? Con mới về đó hở Thi? Hai à, Hai... em Thi con về rồi nè, nó về thăm mẹ rồi nè...
Thấy Nhi có vẻ lo sợ tôi siết chặt cô ra dấu cứ yên tâm. Bà lão kéo Nhi vào lòng sờ nắn, vuốt ve từ gương mặt đến cánh tay, đến từng ngón tay cô:
- Thi ơi sao con bỏ mẹ, con đi lâu quá mãi tới nay con mới chịu quay về... Con biết mẹ chờ đợi con mỏi mòn lắm không? Con có biết mẹ thương nhớ con lắm không? Thi ơi... Thi...
Anh Hai của Thi có lẽ ngại với người khách lạ nên kéo tay mẹ:
- Mẹ! Mẹ lẩm cẩm rồi hay sao vậy? Đây là khách của nhà mình, đâu có phải là em Thi, mẹ làm vậy kỳ lắm đó!
Bà lão khóc ngất lên:
- Con đừng thấy mẹ già cả, mắt mờ tay rám rồi bày trò dối gạt mẹ! Làm sao mẹ lại không nhận ra đứa con gái tội nghiệp của mẹ được chứ? Con nhìn kỹ đi, nốt ruồi sau cổ của em con nè, có lầm với ai được mà con bảo mẹ lẩm cẩm...
Vừa nói, bà lão vừa tém mái tóc Nhi qua một bên, bàn tay nhăn nheo của bà cứ vuốt mãi mấy nốt ruồi đỏ rực. Người anh Hai đứng ngây ra nhìn, không hiểu nổi. Mãi lúc sau, chừng như anh lấy lại bình tĩnh, mời tôi ngồi uống trà rồi chậm rãi cất tiếng:
- Mẹ tôi già rồi, cũng có hơi lẩm cẩm, mong anh chị vui lòng bỏ qua cho, đừng chấp nhất... Mà nghĩ cũng lạ, tuy bà đôi lúc có hay quên nhưng chưa bao giờ bà nhận lầm người như vậy, chưa bao giờ bà gọi ai là Thi, đứa em gái đã mất cách nay hơn hai chục năm của tôi. Lâu nay bà vẫn biết Thi đã chết. Vậy mà... không hiểu sao hôm nay vừa nghe thấy cô ấy, bà lại gọi ngay cô ấy là Thi... mà cũng lạ, cô ấy lại có mấy nốt ruồi giống hệt em gái tôi ngày trước...
Tôi mỉm cười, định kể tất cả mọi việc cho anh Hai của Thi được tường tận, nhưng nghĩ lại, thôi thì dù sao mọi việc cũng đã trôi qua rất lâu rồi, tất cả lùi vào quá khứ, khơi dậy làm gì cho người còn sống phải bận tâm thêm. Hãy để tất cả ngủ yên trong nấm mồ dĩ vãng...
Nghĩ thế nên tôi nói:
- Anh yên tâm, chúng tôi không nghĩ gì đâu. Trước kia tôi là bạn của Thi, nay có dịp về ngang qua đây nên ghé thăm gia đình. Còn việc mấy nốt ruồi đó chắc là do sự trùng hợp ngẫu nhiên thôi anh ạ! Anh cũng đừng nghĩ ngợi làm gì!
Trong lúc tôi và anh trai của Thi ngồi với nhau, thăm hỏi đủ điều thì nơi bộ ván giữa nhà bà lão vẫn không thôi ôm Nhi vào lòng mà thủ thỉ nỗi nhớ niềm thương của người mẹ sau bao nhiêu năm dài mới được gặp lại đứa con yêu quý của mình. Nước mắt bà lão lăn dài trên gương mặt nhăn nheo khắc khổ.
Nhi cũng không cầm được nước mắt. Cô mồ côi từ bé, cô không được tận hưởng sự ấm áp của tình mẫu tử thiêng liêng. Suốt quãng đời tuổi thơ, Nhi được bà dưỡng nuôi dạy dỗ. Hai bà cháu một già một trẻ đã quấn quít không rời, đã nương tựa vào nhau để chống chọi lại bao nhiêu thử thách của cuộc đời nhiều gian nan vất vả. Bây giờ, nằm trong vòng tay già nua của bà lão nghe những lời thống thiết bà nói ra Nhi tưởng như mình được nằm trong tay mẹ, tay bà như những ngày bà còn sống, nước mắt cô cũng tuôn chảy không ngừng...
Ban đầu tôi định đưa Nhi đến đó thăm hỏi một chút rồi lại quay về, nhưng thật không ngờ thái độ bà lão mẹ Thi lại như vậy, thành ra mãi đến trưa chúng tôi vẫn không có cách nào bứt bà ra khỏi Nhi để mà về được. Đành phải ở lại ăn bữa cơm trưa với gia đình.
Tất cả mọi người đều vui, nhất là bà lão. Bà luôn nói:
- Mẹ gặp lại được con gái của mẹ rồi, có nhắm mắt mới được yên lòng, mẹ không còn hối tiếc điều gì nữa...
Tất cả những người trong nhà, ai nghe bà nói câu ấy đều cảm thấy mắt mình cay cay, đau xốn...
- Chúng tôi thật cảm ơn hai anh chị đã mang tới cho gia đình tôi niềm hạnh phúc lớn lao này... Nhờ có anh chị, mẹ tôi mới vui được như vậy! - Anh trai của Thi xúc động nói.
Tôi vỗ vào vai anh:
- Không có gì... chúng tôi cũng rất vui.
Mãi đến xế trưa, anh trai của Thi phải dỗ dành mãi bà lão mới chịu để cho chúng tôi ra về.
- Con qua bên Mỹ, nhớ lâu lâu về thăm mẹ nghe con?
Bà nắm tay Nhi dặn đi dặn lại mãi câu đó. Bởi vì lúc nãy anh trai của Thi phải nói gạt bà:
- Mẹ để em nó đi đi, máy bay sắp cất cánh qua Mỹ rồi đó! Trễ chuyến bay em phải đi xe đò. Mẹ không nhớ em thường bị say xe sao? Mẹ không thương em sao?
Bà láo quýnh quáng:
- Ờ ờ thôi con đi đi, kẻo trễ máy bay... Đi đi con... con không quen đi xe đò mà... Thôi, con đi máy bay đi...
Theo tôi ra về mà Nhi còn bịn rịn bà lão lắm. Chúng tôi trao đổi số điện thoại và địa chỉ của anh trai Thi, hứa hẹn nếu có dịp sẽ tới thăm nhau. Nhi căn dặn, khi nào bà lão trăm tuổi nhớ báo cho cô biết để cô về chịu tang thay thế cho Thi. Người anh trai gật đầu, cười trong màn nước mắt. Lên xe, Nhi ngã đầu vào vai tôi thút thít:
- Bà lão thật tội nghiệp. Phải chi ở gần, em sẽ nhận bà là mẹ, sẽ thay thế chị Thi mà yêu thương chăm sóc bà, để bà được yên vui, không còn buồn lo thương nhớ chị Thi lúc tuổi về chiều.
Tôi vuốt nhẹ lên mái tóc óng mượt của Nhi mà nghe lòng dâng tràn hạnh phúc. Tôi cảm thấy ông trời đã bù đắp lại tất cả những mất mát, đau thương mà tôi đã chịu trước kia bằng cách cho tôi có được người con gái hiền lành, nhân hậu này. Và tôi nghĩ, ở dưới suối vàng, chắc Hiếu - vợ tôi - cũng hài lòng khi thấy tôi được một người như Nhi chăm sóc thương yêu và cùng tôi đi hết quãng đường còn lại của cuộc đời.
Tôi bảo tài xế tắt máy lạnh, mở toang hết cửa kính để đón những cơn gió mát rười rượi thổi từ cánh đồng lúa nằm dọc hai bên đường, những làn gió mang theo mùi mạ non thơm phưng phức... Cuộc đời của mỗi con người có ai đoán được điều gì sẽ xảy ra?
Sau bao nhiêu mất mát đau thương, giờ phút này đây tôi thật sự hạnh phúc. Tôi choàng tay qua vai Nhi, kéo cô sát vào tôi thêm nữa. Kề vào tai cô, tôi nói thầm:
- Nhi ơi... anh rất yêu em!
Gương mặt Nhi đỏ hồng lên. Cô nhìn tôi, mỉm cười hạnh phúc nhưng trên khóe mắt cô lại long lanh chảy dài hai hàng nước mắt. Ừ đôi khi hạnh phúc tột cùng, người ta cũng khóc!
Tối đó về nhà, tôi gửi mail cho con trai, nhắc nhở nó thu xếp công việc để về đúng ngày hôn lễ của chúng tôi. Mail vừa được gửi đi, thằng nhỏ đã gọi điện về chúc mừng, hứa chắc chắn với tôi:
- Ba yên tâm, con sẽ về sớm một ngày! Dù công việc bận rộn đến đâu con cũng bỏ hết qua một bên. Ngày cưới của ba là quan trọng nhất đối với con mà! Con rất vui, ba ạ! Lâu nay ở bên này mà lòng dạ con không hề yên ổn. Tuổi ba ngày một cao, sống thui thủi một mình như vậy con thật không đành lòng.
Nó lại bảo tôi chuyển điện thoại cho Nhi:
- Con cảm ơn dì đã đến với ba con! Con thay mặt mẹ con, cảm ơn dì nhiều lắm...
Sau khi thăm hỏi Nhi đủ điều, nó kết luận bằng một câu như vậy, làm Nhi không cầm được nước mắt. Tôi thấy mình thật hạnh phúc biết bao!
Về lại Sài Gòn, tôi và Nhi bắt tay ngay vào việc tổ chức hôn lễ. Nhi chỉ muốn một đám cưới giản đơn đãi ở một nhà hàng bình dân nào đó. Nhi cũng không muốn chọn những chiếc đầm, những chiếc xoa-rê lộng lẫy mà nếu mặc vào trông cô sẽ không khác gì những nàng công chúa trong truyện cổ tích hoặc những cô tiên xinh đẹp bay lượn trên trời...
Nhưng dù tôi cố nài ép mấy Nhi cũng không chịu, cô chỉ muốn một chiếc áo dài bình dị mà thôi. Đám cưới của chúng tôi diễn ra thật ấm cúng, khách mời toàn là các bạn bè thân thuộc. Ai cũng mừng cho hạnh phúc của tôi. Tú, Hiển và mấy người bạn từng biết qua "thiên tình sử” của tôi với Thi năm xưa, khi nâng ly chúc mừng tôi, chúng nó không quên ghé sát tai tôi hỏi nhỏ:
- Lần này ông đã xác minh chưa? Có đúng là người thật không đó? Hay lại là một hồn ma?
Cả đám bật tiếng cười vang. Nhi đứng khép nép bên cạnh tôi. Tuy với chiếc áo dài bình thường, nhưng hôm nay, trong mắt tôi Nhi lộng lẫy không khác một nàng công chúa...
Vote Điểm :12345