Eternal Sorrow - Nỗi Buồn Vĩnh Cửu
|
|
Quý gật đầu nhưng chưa dừng lại:
- Tôi cho rằng đó đều là những giải thích thuyết phục. Tuy nhiên, về gia đình cậu, có thể cậu cho rằng là việc đời tư, chúng tôi vẫn thường hỏi các ứng viên để biết rõ hơn về hoàn cảnh của họ, qua đó có những chế độ hợp lý, hoặc đưa ra một số đánh giá bổ sung. Do đó, rất mong cậu trả lời một số câu hỏi đơn giản: nhà cậu ở đâu? Bố mẹ làm nghề gì? Có anh chị em không? Vì tôi thấy cậu ghi rất qua quýt trong hồ sơ, điều rất vô lý với một người cẩn trọng như cậu.
Tôi im lặng suốt cả phút mà không hề nhận ra. Đó cũng là khoảng dừng lâu nhất của tôi sau mỗi câu hỏi. Tôi đã vô tình chìm đắm vào mớ ký ức đến nỗi trả lời gần như không suy nghĩ:
- Tôi có một số vấn đề với gia đình. - Cậu có bạn gái không? - Tâm cười nói khiến tôi giật mình. - À ... Trong quá khứ. - Vì ở đây nhiều anh em ế lắm. Nếu cậu vào đây, chỉ sợ cậu lại gia nhập hội ế vợ thì khổ.
Tôi nhận ra cuộc phỏng vấn đã chuyển qua hồi tếu táo, dấu hiệu cho thấy nó sắp kết thúc một cách êm đẹp. Quả nhiên chỉ sau đó đôi ba câu, tôi nhận được lời hẹn sẽ có kết quả sau 1 tuần nữa. Tôi chào cả 4 người trước khi đi về. Quý vẫn nhìn tôi, ánh nhìn đã dịu dàng hơn, giống con đỉa đói hay đi theo tôi hơn. Nhưng qua ngày hôm nay, tôi đã có những suy nghĩ rất khác về anh.
*
Tôi quẹt diêm, châm thuốc. Đây đã là điếu thứ mười trong buổi chiều. Khói thuốc đã bắt đầu khiến tôi nhức đầu. Hồi thiếu niên, tôi đốt thuốc không thua kém ai. Nhưng từ khi đi làm, văn phòng cấm thuốc, tôi cai dần. Một ngày tôi chỉ hút chừng năm điếu đổ lại, tranh thủ một lúc nào đó trốn ra cầu thang phụ của tòa nhà.
Nhưng điếu thứ mười một, điếu thứ mười hai. Cảm giác nặng đầu, hơi say không khiến tôi ngừng lại ngày hôm nay. Tôi cần nhớ về giấc mơ.
Mọi thứ đều rõ mồn một. Tình yêu của tôi, khát vọng của tôi, thế giới tiềm thức của tôi được rọi sáng phần nào sau giấc mơ đẹp đẽ ấy. Ý nghĩ rằng nó như một món quà Giáng Sinh anh dành tặng tôi khiến tôi cay mắt. Và bản nhạc ấy nữa. Tôi tìm ra nó là Hit the light của Selena Gomez.
Đúng là rất tức cười. Tôi rất ghét nhạc thị trường. Những ca sĩ nổi tiếng lại càng không khiến tôi hứng thú. Nhưng chắc hẳn tôi từng nghe qua bản nhạc đó trước đây. Và dù không lưu tâm gì, vô thức tôi vẫn lén lút ghi âm những ca từ của nó lại, để rồi trong giấc mơ mà tôi vẫn không nói một lời nào ấy, nó phát lên như muốn chuyển thông điệp tới tôi.
Điện thoại tôi bất ngờ reo lên. Tôi nhìn ra tin nhắn của Quý. Liên lạc với tôi nhiều, Quý đã quen với việc nên nhắn tin hơn gọi điện. Ít ra anh có thể đảm bảo rằng tôi sẽ đọc nó, chứ không tắt máy ngay khi có cuộc gọi.
"Tối nay em rảnh chứ? Anh muốn hẹn em đi chơi Giáng Sinh."
Tôi không trả lời. Sau đó một lúc, anh nhắn tiếp:
"Anh sẽ đợi em ở Rạp Quốc Gia. Anh đã mua vé lúc 9 giờ. Anh sẽ đưa em đi ăn gì đó trước rồi xem phim."
Tôi vẫn im lặng. Tin nhắn cuối cùng, anh nói:
"Coi như là quà anh mừng em có công việc mới nhé."
Quý kết thúc tin nhắn với một mặt cười. Tôi thì thấy buồn hơn vui. Tôi quyết tâm cho công việc này thuần túy vì sự hiếu thắng khi thấy Quý. Tôi có thật sự khao khát nó không? Hay cũng chỉ coi là một thứ mưu sinh. Và lại, cứ như cuộc đời trêu ngươi. Tôi càng chạy trốn khỏi cuộc đời bao nhiêu, tôi càng tới gần anh ta bấy nhiêu.
Tôi đến trước giờ hẹn 1 tiếng, ngồi trên tầng 2, gọi một ly Dilmah và nhìn đường phố chạy quanh mình. Cuộc sống bị trói chặt giữa những con đường này, tôi nghĩ. Giữa những khúc quanh co, chật hẹp. Những đỗ đợi, phóng đi vi vút. Vội vàng, âu lo. Cả trong nụ cười của những đôi tình nhân dắt díu dưới kia cũng có ưu phiền. "Anh ta có hợp với mình không?", hẳn cô ta đang nghĩ. Hay "Anh ta sẽ tặng mình thứ gì tối nay", "Giáng Sinh này sẽ có gì đặc biệt?". Và "Cô ta" - Anh ta đang nghĩ - "Cô ta liệu có tặng mình món quà ấy hôm nay?". Tôi thấy rõ sự xảo trá trong hai cánh tay đang ghì chặt lấy nhau, trong những cái liếc nhìn của người đời, trong cả sự kệch cỡm của những đồ vật trang trí Giáng Sinh bày khắp lối đi.
Quý đặt xuống bàn một món quà nhỏ trước khi ngồi xuống đối diện tôi. Nhìn vào hình dáng của gói quà, tôi nói:
- Anh có chắc là biết cỡ áo của tôi không? - Vì sao em biết chắc nó là cái áo? - Quý cười nói. - Vì một, anh rất thực dụng. Khi anh tặng tôi hộp trà mạn, anh đã chứng tỏ điều ấy. Hai, anh nói anh muốn chúc mừng tôi có việc làm mới, tôi đoán là một thứ hữu ích cho tôi trong công việc. Do đó nếu không phải đồ dùng hay vật dụng thì chắc chỉ có thể là một chiếc áo sơ mi. Và ba, tôi loại bỏ các khả năng về vật dụng vì hình dáng và sức nặng của nó. - Chẳng sai chút nào - Quý cười thành tiếng. - Thậm chí, tôi còn nghĩ rằng nó là loại màu sáng, cổ áo, khuy cúc cầu kỳ. Đính kèm hẳn có cả một chiếc thiệp đỏ xinh xắn ghi hai lời chúc: Chúc Giáng Sinh và Chúc Công Việc Mới. - Vì loại quà đó quá phổ thông đúng không? - Quý tỏ vẻ ngại ngùng. - Không - Tôi đáp - Vì tôi đoán anh muốn mua thứ gì đó có thể khiến tôi cảm thấy vui vẻ hơn. Mà thường do tôi toàn mặc màu tối, phong cách lại quê mùa không ra sao, nên dĩ nhiên anh sẽ chọn một chiếc áo sao cho vừa dễ mặc, vừa ưa nhìn. Chuyện thiệp thì, rõ là vào cái ngày này ai cũng sẽ làm vậy. - Đúng! - Quý gật gù trong khi lòng tôi thêm trĩu nặng.
Vậy là tôi đã hiểu vì sao lần đầu tiên gặp Quý, tôi ghét anh ta đến thế. Hóa ra không phải vì anh ta hiểu tôi như tôi tưởng. Mà ngược lại: tôi hiểu anh ta.
Hai con người này, quả thực rất giống nhau.
- Em không có câu hỏi nào cho anh sao? - Quý nói khi chúng tôi đi ăn cùng nhau - Anh những tưởng em sẽ bất ngờ lắm khi thấy anh. - Một chút thôi. Bất ngờ nhất là khi anh mở miệng hỏi. - Anh đâu thể im lặng cả buổi? Anh cũng không thể nói rằng anh quen biết với em. Như thế là không công bằng cho em. - Vậy thì, sau này anh sẽ là sếp của tôi? - Không hẳn. Thật ra anh làm ở bộ phận khác của em. Anh ở bên marketing dịch vụ. Công việc của anh ... - Chúng ta hãy đi uống rượu đi - Tôi ngắt lời.
Quý nhìn tôi, im lặng một hồi trước khi từ chối:
- Nhìn em là anh biết em không uống được rồi. Đừng hại mình làm gì. - Nếu anh không đi thì giờ anh về đi. Tôi sẽ đi một mình.
Quý lại im lặng mất một lúc. Lần này anh ta nói:
- Được rồi. Nhưng anh nói trước, nếu anh say trước em, đêm nay, em sẽ về nhà anh.
Tôi nhếch mép, lắc đầu nói:
- Anh cáo lắm. Nhưng tôi thề rằng anh không biết làm chuyện ấy với gay đâu. Cùng lắm anh cũng chỉ nằm nhìn tôi ngủ mà thôi.
Vậy là chúng tôi đi uống rượu.
|
- Mọi lần tôi uống rượu - Tôi nói khi cùng Quý ngồi xuống chiếc bàn trong góc phòng - Tôi đều gây ra những chuyện điên rồ. - Ai uống rượu cũng như vậy - Quý nói - Có những người khi rượu vào thì như một con người khác. Anh có ông bạn như thế. Bình thường thì nhát như cáy, cho tiền không dám nói xấu ai. Thế mà rượu vào, lời ra, chửi tất cả mọi người. - Tôi thì không thế.
Quán nhậu đông nghẹt người. Những tiếng hò dô inh ỏi. Tôi và Quý ngồi bệt trong góc. Tôi dựa mình vào tường, uống hết chén này tới chén khác. Quý nói chuyện với tôi được ít lâu rồi cũng im lặng. Anh chỉ đều đặn rót rượu cho tôi, cho anh. Rồi nhìn tôi, nhìn anh. Rồi nhìn nồi lẩu sôi dần đến cạn nước. Anh biết tôi có tâm sự nhưng không dám hỏi. Vì chắc anh biết có hỏi thế nào tôi cũng không nói. Anh biết anh chỉ có mặt trong một phần ngàn suy nghĩ của tôi.
Sau một lúc, tôi ngấm say. Tôi ngậm mình trong nỗi buồn vây kín lòng. Tôi ôm gối, nhìn vết sẹo giữa lòng bàn tay.
Cứ như thể anh vẫn còn bên tôi, cầm bàn tay của tôi mà cười nói:
- Cứ như công tử. Tay mềm, mỏng còn hơn tay con gái. - Không dám - Tôi đáp - Anh đã nghe tay mỏng là số bần hàn chưa? Trong số người anh quen, đã có ai nghèo khổ như em chưa? - Xã hội này còn nhiều người khổ hơn em. Em có sức khỏe, có đầu óc, thế đã là hơn rất nhiều người rồi. Và lại, nếu em khổ, thì để anh nuôi em.
Anh ôm lấy hai má tôi. Tóc tôi khi đó để dài, còn chưa gội, những sợi tóc bị tay anh áp châm vào cổ đến nhột. Tôi gạt tay anh, anh liền nắm chặt lấy tay tôi, lôi tôi dậy.
Tôi nhìn bàn ăn đông đúc đối diện mình mà ngỡ như đó vẫn là cánh cửa phòng anh. Và anh ở đó, kéo tôi ra bên ngoài, kéo tôi đến với cuộc đời.
"Nếu em khổ, thì để anh nuôi em." - Câu nói ấy khiến tôi không bao giờ quên. Nó không chỉ khoét sâu những tủi hổ trong thâm tâm tôi vì hoàn cảnh gia đình, mà còn vĩnh viễn cướp đi của tôi hai chữ "tình yêu".
|
ES.4
Tôi chuyển nhà. Lần thứ ba trong vòng nửa năm gần đây. Lần thứ nhất, tôi không chịu được con gái bà chủ nhà, một con ả lẳng lơ ve vãn mọi thằng sinh viên xung quanh. Ả cười cợt mỗi khi thấy tôi đi về, cặp máy tính rệu rã trên vai. Ả hỏi tôi nếu tôi thấy mệt. Nếu tôi thấy cần một người lau mồ hôi, đấm bóp, giải tỏa cô đơn những đêm quạnh quẽ. Rồi thì tôi biết ả điên tình. Bị thằng người yêu lừa lấy hơn hai trăm triệu, bị ép phá thai, bị gia đình hàng xóm rủa xả đến uống thuốc tự vẫn. Sống dậy, nửa điên nửa tỉnh như giờ. Nhưng dù có hiểu hoàn cảnh ả đến thế nào, sự ghê tởm của tôi mỗi khi ả vuốt ve lấy người tôi khiến tôi bỏ khỏi đó sau chưa đầy một tháng.
Lần thứ hai, sự thể trái ngược. Tôi có tình cảm với con trai chủ nhà. Nói đúng hơn, cả hai chúng tôi có tình cảm với nhau. Anh chàng hơn tôi năm tuổi, vẫn độc thân. Tôi thường gặp anh mỗi buổi chiều anh lên sân thượng tập tạ. Chúng tôi nói chuyện về thời tiết, về thuế giá trị gia tăng, về Copernicus hay Rontgen ... Anh tỏ ra hứng thú với những đề tài mà người ta cho rằng kém thiết thực với đời sống. Anh làm việc tại Viện Vật Lý.
Chúng tôi nói chuyện khá hợp, đôi lúc tán gẫu đến hăng say. Những vấn đề trừu tượng và xa vời như tương lai nhân loại lại là điều mà cả hai đều ưa thích. Chúng tôi thường có những buổi tối bên nhau quên giờ giấc. Một lần, lúc nhìn ra đã hơn một giờ. Anh không cầm khóa ngõ, ngại gọi mẹ dậy mở cửa giữa đêm. Tôi bảo anh ngủ tạm phòng tôi cũng được. Chúng tôi qua đêm không yên bình. Sáng hôm sau, anh nhìn vào mắt tôi. Tôi nhìn vào mắt anh. Chúng tôi cùng mỉm cười.
Sau hơn bốn tháng, chuyện vỡ lở. Nguyên do vì mẹ anh giục anh đi xem mắt. Anh thờ ơ hỏi đáp cho qua. Lúc về nhà, gặp tôi, anh hớn hở cho tôi xem quyển sách anh mới mua, lại bảo mẹ anh ăn cùng tôi tối nay. Mẹ anh sinh nghi. Chỉ sau một tuần bà đã biết chuyện. Hai mẹ con cãi nhau cách xa cả trăm mét cũng nghe thấy. Tôi thấy tình hình không ổn, chủ động xin chuyển nhà.
Tôi đổi số điện thoại, coi đấy là việc làm cần thiết để anh dứt hẳn khỏi tôi. Tôi cảm thấy có lỗi trong việc đó. Và qua những câu chuyện của anh, tôi biết anh đặt mẹ anh cao hơn trong phần lớn lựa chọn của cuộc sống. Bởi thế, về lâu dài, chuyện tình cảm này chỉ càng khiến tôi thêm phiền hà.
Tôi chuyển nhà lần thứ 3. Lần này có vẻ lý tưởng vì chủ nhà không giây dưa gì với ngôi nhà. Họ ở cách đó tới vài cây số, mỗi tháng chỉ qua đúng hai lần, một lần lấy số điện nước, một lần lấy tiền.
Nhưng tôi sớm linh cảm được rắc rối trong 5 phút chiều hôm đó.
Anh ta xuất hiện trước mặt tôi, phong độ và hào nhoáng. Không cần miêu tả quá nhiều, con người này nhất định có cả tuổi thanh xuân chỉ để chống chọi sự theo đuổi của các cô gái. Cao to, trắng trẻo, gương mặt cân đối, anh khiến tôi nghĩ đến những anh chàng người mẫu bảnh bao. Nhưng suy cho cùng, người đẹp trai trên đời cũng chẳng phải quá hiếm và chắc chắn có gây ấn tượng với tôi thế nào, tôi cũng không ngu gì tự đâm đầu vào một chuyện tình cảm khi mới cố dứt ra khỏi sự lằng nhằng của nó.
Mọi điều đều nằm trong vòng tính toán của tôi, ngoại trừ 5 phút đó.
- Tôi có thể nhờ phòng cậu được không? - Anh gõ cửa phòng tôi và cởi giày bước vào. - Chào anh - Tôi nói - Vâng anh cứ tùy. - Cậu mới đến à? - Anh ta nói khi đặt chiếc áo vest và cặp xuống giường tôi. - Vâng. Mới chiều nay. - Xin lỗi đã làm phiền cậu thế này.
Không nói thêm lời nào, anh ta đi ra ban công phòng tôi, bám vào thành tường và trèo sang phòng bên cạnh. Tôi gần như sững sờ trong toàn bộ thời gian ấy. Vì phòng tôi trên tận tầng 4. Và chắc chắn phải là một người có lá gan cỡ nào mới có thể đi trên viền tường dày chưa đầy một gang tay để tới ban công phòng bên cạnh, dù quãng đường chỉ dài khoảng hơn 2m.
Sau một lúc, tôi nghe được tiếng cạch cửa phòng và anh ta đi từ bên trong ra. Anh vào phòng tôi lấy đồ và trước khi đi, gật đầu chào tôi:
- Cảm ơn.
Ngay lúc đó, tuy trong thâm tâm tôi tự nhủ mình nên im miệng, tôi lại không giấu được niềm ngưỡng mộ:
- Anh cứ như thể Spiderman. - Cảm ơn đã khen ngợi. Là do tôi sáng nay quên đem chìa khóa. - Trông tác phong của anh, không có vẻ anh là người dễ quên chìa khóa. Chắc sáng nay có điều gì đó bất ngờ, hay ai đó cố tình bẫy anh vào trò mạo hiểm này. - Ồ - Anh mỉm cười với tôi - Cậu suy luận khá lắm. Đúng thật là tôi bị bẫy. - Nếu tôi đoán không nhầm, đó hẳn phải là một cuộc mây mưa không êm ái. Để rồi sau khi anh đi làm, cô gái quyết định chốt cửa bỏ đi. Hẳn cô ấy cầm theo chìa khóa và mong muốn anh sẽ phải gọi cho cô sau khi anh về. Nhưng chắc không ai tưởng tượng được rằng anh sẽ leo tường như thế này. - Tại sao cậu lại cho rằng đó là một cuộc mây mưa không êm ái? - Vì ban công anh để mở. Và tàn thuốc ở ngoài. Chứng tỏ rằng đêm qua anh ra vào ở đó, hoặc cô gái kia, nếu cô ta hút thuốc. Thêm vào đó, việc đi khỏi nhà mà không khóa cửa không phải cách hành động của anh hay ít nhất, của chủ căn phòng. Tất cả những bằng chứng thể hiện sự vô ý này đều phải xuất phát từ một sự bực bội nào đó, đến quên hết các chi tiết vụn vặt của cuộc sống. - Theo như suy luận của cậu, thì có vẻ như cậu đánh giá tôi là người rất cẩn thận. - Cẩn thận và liều lĩnh - Tôi nói - Khi anh vào đây, anh để giày ở ngoài khi phòng tôi còn rất bẩn, chứng tỏ đây là một thói quen. Anh cởi áo vest ngoài và sắn tay áo trước khi leo tường để hạn chế tối đa vết bẩn. Hơn nữa nhìn ngoại hình của anh, tóc tai, quần áo, tư thế, cách nói chuyện, đều thể hiện là một con người cẩn thận và nguyên tắc, tất nhiên sẽ không thể để cửa ban công mở hay để quên chìa khóa trong phòng.
Còn giải thích cho sự liều lĩnh của anh, nó cũng phải xuất phát từ việc anh không muốn dùng đến phương án gặp cô gái kia. Do đó, đây không phải một sự liều mạng mà đơn giản chỉ là, sự tự tin của anh. Theo tôi, anh nhất định phải là một doanh nhân, hoặc không, chí ít cũng là cấp lãnh đạo. Tuy nhiên, hẳn là chuyện tình yêu của anh không mấy dễ chịu.
Anh phì cười.
- Cậu thú vị quá. Cậu tên gì? - Liên. - Tôi là Thuận. Ở phòng đối diện. Rất vui được quen biết cậu.
Tôi cười bắt tay anh. Tất cả cuộc gặp mặt lần đầu kéo dài chừng 5 phút.
11h đêm hôm đó, Hải Tặc gọi điện.
Hải Tặc là biệt danh tôi đặt cho anh ta, qua những gì tôi biết về anh. Một kẻ bất cần, ác nghiệt, sống ngoài quy tắc đến nỗi ngay cả mối quan hệ giữa tôi và anh ta cũng không có gì hợp lẽ. Anh ta là kẻ đưa tôi vào đời, khi tôi mới 15, 16 tuổi, chán đời đi lang thang giữa đêm khuya. Anh ta gọi tôi "Oắt con" còn tôi thì mù mờ thấy trước mắt chừng 5,6 người.
- Nếu muốn cướp - Tôi nói - Tôi không mang tiền. Nếu muốn giết, thì cứ giết đi. Tôi đang chán đời đây. - Thế nếu bọn anh muốn hiếp mày thì sao?
Tôi tròn mắt nhìn anh ta. Anh ta phá lên cười.
- Oắt con! Đi chơi với bọn anh! Nếu đã chán đời thì sướng một lần rồi chết cũng chưa muộn!
Và đêm đó anh ta đưa tôi vào đời, với hai thứ trải nghiệm gây shock với mọi thằng con trai mới lớn, cần sa và sex. Đó là lần chơi cần sa duy nhất trong đời tôi, kể từ sau tôi dùng thuốc lá. Còn sex, đó là lần đầu tiên nhưng chưa phải lần cuối cùng.
Hải Tặc, như mọi lần, đưa tôi đến một nhà nghỉ trác táng cùng đám bạn bè. Tuy tôi với anh duy trì sự liên lạc khá đều đặn kể từ sau sự kiện kia, số lần chúng tôi gặp nhau trong năm không quá một bàn tay. Bởi thế tôi dễ dàng tìm ra quy luật của nó:
1: Anh ta đang gặp vấn đề với mẹ anh ta. Luôn luôn là thế. Và tôi là người tốt nhất có thể giải quyết hộ anh ta tình cảnh đó.
2: Anh ta mới thắng độ và muốn chia cho tôi ít tiền. Vì lý do 1 nên anh ta luôn thấy cần trả công cho tôi đôi chút.
3: Tất nhiên, anh ta muốn sex với tôi.
Hải Tặc có chút rắc rối với mẹ. Bà năm nay đã hơn 80 tuổi, là người phụ nữ kiểu truyền thống, lấy chồng bộ đội, đẻ con trai cũng chỉ hướng đi làm bộ đội. Nhưng tính anh ngỗ ngược, từ bé đã chống lại đường hướng của gia đình. Bố anh mất cách đây chục năm. Hai năm trước, mẹ anh bị tai biến, liệt nửa người, chỉ nằm một chỗ. Cô đơn và thất vọng, bà luôn đem anh ra để chì chiết, nhất là khi anh là con thương binh, nhưng rốt lại làm xã hội đen chuyên đi bảo kê đòi nợ.
|
Bi kịch ở chỗ, Hải Tặc lại còn rất yêu mẹ.
Mẹ anh thích nói chuyện với tôi. Mỗi lần tôi đến nhà, bà thường cố giữ tôi lại càng lâu càng tốt, có khi suốt từ sáng đến tận khuya. Tôi không có tài năng gì cả, chỉ đơn thuần nghe bà nói và giải thích. Tôi không bênh anh, nhưng tôi nói rõ cho bà hơn động cơ của anh, hành động của anh. Tôi nghĩ những gì tôi nói khiến bà bớt day dứt về tội lỗi của con mình, rằng thật ra anh vẫn yêu quý bà. Anh chưa bao giờ muốn bà buồn. Chỉ có điều tính cách anh vượt ngoài quy phép, không thể hợp với môi trường bộ đội. Và tuy nghề của anh có tội lỗi, những kẻ anh đánh cũng chẳng phải tốt đẹp. Nó cũng chỉ như bố anh đánh kẻ địch. Ở đây, kẻ địch là những thằng du côn nơi khác đến, những thằng làm ăn điêu trá, nuốt lời.
- Chuyện anh ấy làm không có gì sai - Tôi nói.
Và người mẹ già cô đơn lại cảm thấy đỡ buồn hơn.
- Anh nên lấy vợ - Tôi nói với Hải Tặc - Cho dù là bịp bợm thì cũng nên lấy. Chăm sóc cho mẹ anh, cân bằng mối quan hệ giữa anh và mẹ anh, lấy vợ chỉ có tốt cho anh chứ không hề xấu hơn. - Mày cứ đùa anh. Anh thì đ.t với con nào được? Mà con nào dám lấy anh? Bây giờ muốn kiếm gái quê ngu ngu cũng khó lắm thằng em ạ. - Đến Chí Phèo còn có Thị Nở, chẳng nhẽ anh không có ai hay sao? Mà nói chung tôi không muốn đau đầu nghĩ cho anh vụ này. Tự giải quyết. Tiền đâu, đưa đây. Cả vụ sex đêm qua với ngày hôm nay ở với mẹ anh, tôi không lấy dưới một triệu đâu. - Đ.t mẹ! Mày càng ngày càng tăng giá. Nhớ lần đầu mày free cho anh cơ mà. - Thông cảm. Lạm phát.
|
Hôm sau, tôi nghe tin Hải Tặc chết. Một đàn em của anh ta nhắn cho tôi cái tin vẻn vẹn:"Anh Bảo bị đâm chết sáng nay. Mẹ anh ấy đã biết. Nếu mày có thể, xin hãy tới nói chuyện với bà một lúc. Đó là tất cả những gì anh ấy nhờ bọn tao nhắn cho mày."
Tôi ngồi đối diện người phụ nữ liệt giường, tóc hoa râm, hai mắt sâu trũng. Bà rên rỉ, gào khóc. Bốn bức tường nhà, bốn tầng nhà, giam hãm mọi điều bà nói, mọi điều bà muốn thấy. Xác của Hải Tặc vẫn ở bệnh viện. Trong ngày hôm nay tang lễ sẽ được tổ chức ở ngay tại đó. Đám bạn bè trong băng sẽ lo liệu. Còn tôi lo cho mẹ anh.
- Ông trời ơi! Tôi còn sống nữa làm gì! Tôi đã làm gì mà ông cướp đi cả chồng tôi! Cả con tôi!
Thật ra, bệnh ung thư cướp mất chồng bà. Một thằng côn đồ tên Tú cướp mất con bà. Và một cơn biến chứng cướp mất đôi chân bà.
- Giờ là 9 giờ sáng - Tôi nói - Nếu cháu không nhầm chị giúp việc sẽ đến đây lúc 11h. Sau đó chị ấy về và quay trở lại lúc 6h. Trong chỗ thuốc đầu giường của bác, cháu nghĩ có đủ thuốc ngủ. Khoảng thời gian cách nhau đến nửa ngày, cháu nghĩ bác sẽ được gặp lại bác trai và anh ấy.
Người đàn bà run rẩy nhìn tôi.
- Cháu hiểu sự bế tắc này của bác. Sự cô đơn này của bác. Cái thứ gọi là số phận nghiệt ngã đặt lên đầu con người. Có thể kiếp trước chúng ta đã làm sai chuyện gì đó. Dù sao thì, như mẹ cháu nói, chỉ có cái chết mới có thể giải thoát kiếp người. Cháu thật sự nghĩ, kiếp sau, mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn.
Tôi chào bà và ra về. Tôi đến dự đám tang anh vào tầm chiều tối. Người ta nói mẹ anh cũng đã chết.
Tôi về nhà lúc 8h tối. Vẫn có tiếng phụ nữ ở phòng bên cạnh. Nhưng là tiếng cười rúc rích.
- Em muốn có một căn phòng toàn hoa lan. Anh nghĩ sao? Trên giường cũng sẽ rải hoa lan. Đó phải là thứ hoa xa xỉ nhất, thanh khiết nhất. Anh sẽ ...
Tôi đóng cửa phòng, châm một điếu thuốc.
Hải Tặc đã chết. Trong lòng tôi sung sướng một phần, đau khổ một phần. Mẹ Hải Tặc đã chết. Tôi thấy thỏa mãn một phần, buồn bã một phần. Nhưng tôi không ngờ rằng trong một ngày tiếp nhận 2 cái chết, tâm tư tôi lại có thể tĩnh lặng đến thế.
Tôi mở điện thoại. Thật trêu ngươi, trong đó chỉ có số của Hải Tặc, người mà một năm tôi không gặp quá 5 lần. Và tôi nhấn nút xóa số điện thoại duy nhất đó.
*
Tôi ưa đọc sách, nghe nhạc. Tôi thích rock. Hồi nhỏ mẹ tôi cho tôi một cái walkman rồi một cái discman vì biết tôi cực kỳ thích âm nhạc. Điều này khá mâu thuẫn với tính chi tiêu chắt bóp của bà. Mãi sau này tôi mới biết những món quà đó không phải do bà mua, mà là người tình của bà.
Dù sao giờ tôi cũng chỉ nghe nhạc qua máy tính. Những chiếc máy nghe nhạc có lẽ đã bị bố tôi thanh lý hết sạch. Lão già đó không muốn nhìn thấy bất cứ thứ gì của mẹ tôi trước mắt. Tôi vẫn luôn ước tôi có thể giết lão với một con dao, dù ngay sau đó tôi phủ quyết bởi chẳng việc gì tôi phải ngồi tù vì lão. Trước sau rồi lão cũng chết. Có thọ tỉ nam sơn cũng chẳng thể sống lâu quá sức của người đời. Và nghĩa vụ của tôi là sống cho đến khi lão chết.
Hải Tặc từng hỏi tôi:
- Nếu bố mày đang hấp hối, và ông ta muốn gặp mày lần cuối, có thể sẽ trao cho mày cả một gia tài, mày có gặp không? - Không - Tôi đáp - Thứ nhất, nếu đã muốn cho tôi thừa kế, ông ta hẳn sẽ phải chuẩn bị di chúc. Lúc đó có hay không có tôi cũng vậy. Thứ hai, nếu chỉ gặp tôi để nói những lời phù phiếm, như tha lỗi cho bố, mà tôi tin ông ta sẽ không nói vậy, hay bố vẫn hận mẹ con, thì tôi thà không gặp còn hơn phải đấm vào mặt cho ông ta chết luôn, khỏi phải hấp hối. - Mày là người đầu tiên anh gặp mà có sự căm thù đến thế với bố mình. Anh cũng không ưa gì bố anh. Nhưng đó chỉ là sự không ưa do nói chuyện không hợp. Khi bố anh đổ bệnh, tự nhiên anh rất yêu và không hề mong muốn ông chết. - Vậy mới nói, anh tuy làm côn đồ, nhưng vẫn là một người rất tốt. Còn tôi, nếu anh lớn lên trong hoàn cảnh của tôi, anh sẽ hiểu một thứ suy nghĩ mà tôi luôn lặp đi lặp lại: Tôi thà sinh ra mồ côi còn hơn sống trong một gia đình bất hạnh. Anh không hiểu đâu, khi một người không còn tình yêu với cả đấng sinh thành, người đó không thể yêu một ai khác nữa.
|