Những Mối Tình Không Tên
|
|
NHỮNG MỐI TÌNH KHÔNG TÊN
Sáng tác: C.Tân – KCT – CAND
★ Truyện được đăng tại website kenhtruyen.com ★ Bìa truyện được thiết kế độc quyền bởi Nhóm Tác giả kenhtruyen.com
"Cơn mưa nào rồi cũng tạnh, và người yêu nhau lại có thể đến được với nhau, có khi là 3 năm có khi 5 năm nhưng sẽ là những kỷ niệm, có thể làm đau những con người trong cuộc, rồi cũng có những mỗi tình cứ như những người bạn, những mối tình không tên. Ai trong cuộc cũng hiểu hết những tình cảm của nửa kia nhưng bên ngoài họ chỉ là những người xa lạ, vẫn có một khoảng cách vô hình chặn đứng những suy nghĩ của họ. Đó là đôi lời một người bạn, hôm đó trời mưa, hai anh em trực chung với nhau, tôi gửi đến các bạn mong các bạn sẽ giữ được những tình cảm của mình đơn giản và gắn bó với nhau..."
|
CHƯƠNG 1
Chuông vừa reo, tôi tức tốc chạy xuống bãi xe để chạy cho kịp lên chỗ làm, quán tôi làm nằm ngay trung tâm thành phố nên khá đông đúc kẻ vào người ra, quán thì đông còn tiền lương thì năm cắc - một đồng cũng chỉ vừa đủ để tôi chi trả cho cái khoản mua sắm này nọ chứ không thể nói là đủ nuôi sống tôi được, nếu nuôi sống được thì hằng tháng chẳng phải nhờ đến khoản “cứu trợ” từ ba mẹ tôi. Như thường ngày, quán nước kẻ vào người ra tấp nập, khổ nhất là mấy đứa phục vụ bàn, chạy lên chạy xuống đến bở hơi mà chỉ có 2-3 ngàn mỗi tiếng. Mới đó mà đã vài tiếng đồng hồ trôi qua rồi, quán cũng thưa khách bớt, còn khoảng hơn 10 bàn vẫn còn “trầm” quán chưa đành lòng cất lên hai tiếng “tính tiền” để cho đám nhân viên được nghĩ sớm. Thời đó không như bây giờ, người ta ra quán cà phê thường đi một mình và ngồi đọc báo, vài chỗ thì ngồi bàn chuyện làm ăn, làm quán lớn khách thì đông, tuy có cực nhưng cũng biết được vài người sếp mà mãi đến sau này khi tôi ra trường đi làm, tiếp xúc lại mới ngỡ ngàng đã quen nhau hơn vài năm về trước. Tôi ngồi bệt xuống phía thềm chân cầu thang cạnh quầy thu ngân, phần vì nơi đó khuất không ai thấy tôi và cũng đỡ bị la hơn khi ngồi ngã lưng cho đỡ mỏi, mà lỡ như nếu có ai đó kêu thì tôi vẫn có thể nghe được mà đáp trả kịp thời, quán cà phê này tôi làm được hơn 2 năm rồi, có thể nói là lâu rồi, vì chủ quán rất dễ tính với nhân viên, hầu như thuê toàn là sinh viên làm việc, phần là vì quán không có quản lý, con thu ngân cũng là nhân viên làm công ăn lương nên có đôi chút dễ thở hơn so với việc ngày nào cũng phải ngồi nhìn sắc mặt của đứa quản lý hầm hầm mà trở nên khó chịu. Tôi mở điện thoại lên để xem coi có ai gửi tin nhắn gì không. Kết quả hơi hụt hẫn, không có tin nhắn, cũng không có cuộc gọi nào, thời đó, sinh viên chủ yếu vẫn dùng mấy cái mẫu điện thoại đen trắng, hầu như cảm ứng là cái gì đó rất xa xỉ lúc này. Quán cũng tản bớt khách, tôi lật đật quét dọn sắp xếp bàn ghế để đóng cửa quán, thực ra đi làm thời khắc mà nhân viên mong đợi nhất đó chính là lúc quán mới mở cửa và lúc quán sắp đóng cửa. Phía ngoài quán còn 2 bàn con Ngân chạy bàn chung với tôi đang tính tiền, phía trong còn 1 ông khách đang ngồi uống, còn phía dưới thì tôi đang tính tiền. Loay hoay dọn dẹp cuối cùng thì cũng chỉ còn vài bàn phía ngoài.: - “Em ra coi dọn xong dãy phía ngoài đi rồi còn đóng cửa về sớm nữa em” – Chị My - “Nôn dữ vậy? từ từ thôi chị” – Tôi nói - “Mày tính ở tới tối hả mậy, lo đi dọn đi, tao coi tổng kết mấy cái hóa đơn rồi đóng cửa cho lẹ, khách gì đâu mà ngồi lâu quá, làm biếng canh muốn chết” – Chị My Các bạn đi quán cà phê cũng đừng ngồi lâu quá, ngoài mặt nhân viên nó cười tươi bưng trà cho các bạn, nhưng từ ly thứ 4 trở đi là mặt nó biến sắc liền. Tôi đùa thôi, nhưng mình từng trãi rồi, trầm quán lâu quá nhân viên không về được, mình giết thời gian vô tình giết luôn thời gian nghĩ ngơi của người khác. Tôi dọn tới bàn ngoài thì thấy khách bỏ quên con iPhone trên bàn, lúc đó tôi bất ngờ lắm. Tôi còn không biết đó là iPhone đâu mãi một thời gian sau tôi mới biết đó là iPhone, cũng không thể trách được, giá của con iPhone cách đây 8 năm có giá trị bằng 3 năm đi chạy bàn của tôi mới có thể mua được, còn bây giờ thì bỏ vài trăm ngàn ra thì có thể mua được con iPhone đời giống như vậy rồi nhưng đó là chuyện của lúc này. Tôi suy nghĩ nên bán hay nên trả lại, thật sự thì đứng trong tình cảnh đó con người khó mà bị thuyết phục, tại vì có nhiều nguyên nhân lắm các bạn, phần là vì cũng có chút “tham tham” trong đó, còn phần muốn trả lại cũng biết ai đâu mà trả, cuối cùng tôi đem đưa cho chị My thu ngân: - “Chị My, có khách bỏ quên điện thoại” - “Đâu đưa chị coi” – Chị My Bả ngồi lật máy xoay qua xoay lại lúc đó hai chị em có biết xài đâu, rồi bả mới quay qua nói: - “Chị cũng không biết sao nữa, ông khách ngồi bìa lúc nãy hả em?” – Chị My - “Dạ chị, tại chỗ ổng ngồi hơi tối, cái máy cũng màu đen mà cái bàn cũng màu đen nên tiệp màu không thấy, bỏ quên lại là phải rồi chị” Bà My ngồi nghĩ ngẫm một hồi, thực sự con My nhỏ hơn tôi một tuổi nhưng học trước tôi một khóa trên đại học nên kêu bằng chị luôn, có nhiều cái gọi trong trường quen rồi, ra ngoài đời vẫn không thay đổi được, con nhỏ đưa tôi cái điện thoại.: - “Thôi giữ đại đi, chứ giờ biết ai đâu mà trả, mai có lại tìm thì mình đưa lại, quán buổi tối không có ai ở đây, bỏ đây nhỡ mất lấy đâu ra mà thường cho khách.” – My nói. Tôi nhét cái điện thoại vô túi rồi lau dọn cho hết mớ đồ đạc trên bàn còn lại để kịp giờ về nhà cũng gần sắp báo cáo luận văn tốt nghiệp thời gian thì chạy nước rút, mấy đứa bạn cứ đua nhau cắm đầu vào bài vở tiểu luận, luận văn còn tôi thì vẫn cứ long nhong đi làm, rồi ngủ. Tôi chạy xe về tới nhà cũng gần 10 giờ tối, đường vắng tanh, cái hẻm ngập nước mùi rác và xác mấy con chuột cống nổi lềnh bềnh trước cửa khu nhà trọ. Trong nhà ngoài chiếc xe đạp và cái điện thoại Trung Quốc hai SIM của tôi ra thì không có cái gì là có giá trị hết. Thằng Quốc với thằng Tuấn giờ này đi làm chưa về chắc gì nó về, có khi nó ngủ trên chỗ làm luôn cũng chừng, tôi máng cái quần thay bộ áo đồng phục ra vắt đại trên tường rồi lấy cục xà bông với cái khăn đi tắm, xối mấy ca nước đúng là tỉnh hẳn ra, ở nhà mẹ lúc nào cũng nói không được tắm tối dễ cảm lạnh, dễ bệnh, nhưng thời 22-23 tuổi đúng là khỏe thật tắm toàn giờ linh mà vẫn không chết được, còn bây giờ chỉ mới hơi hơi đã thấy run trong người rồi. Tôi lấy mấy cuốn giáo trình ra ngồi xem coi có cái gì có thể tổng hợp đưa vào cái luận văn được không, toàn số với số, cái chủ đề muôn thuở của sinh viên kinh tế “phân tích hoạt động kinh doanh” tôi biết khi lựa chọn nó, điểm sẽ không cao, nhưng biết làm sao được, vì nếu không lựa chọn nó thì mấy cái chủ đề khác tôi có biết gì đâu mà làm. Ngồi ghi chép một hồi cũng có được vài cái số liệu cộng với vài quyển sách mượn được trên thư viện tôi nghiên cứu chẳng biết được bao nhiêu mà chỉ thấy thức dậy đã gần 7 giờ sáng, tôi quớ vội cái khăn rồi xỏ đại cái quần hôm qua chưa kịp giặt để đi học cho đúng giờ. Cũng mai trường và nhà gần nhau nên đạp xe 5 phút là tới trường. Vô tới lớp việc đầu tiên là kiếm mấy thằng bạn ác ôn xem chúng nó ngồi ở đâu để có gì nhập bọn với tụi nó. Đám bạn của tôi khá đặc biệt, lớp có nam có nữ, và dĩ nhiên tôi thì không yêu đàn bàn. Mấy đứa bạn tôi thì lại ngược lại, chúng nó yêu phụ nữ. Thằng Huy là con chủ tiệm vàng khỏi phải nói, từ đầu tới chân của nó được trao chuốt chỉnh chu tới từng cọng lông, nhưng tính tình vui vẻ hòa đồng, nói nhiều và đôi khi hơi xàm. Còn thằng Hải thì bán điện máy ở Tân Trào, khỏi phải nói cũng không thua kém gì thằng Huy, nhưng thằng Hải thì ít nói nhiều lúc nói chuyện với nó chỉ nghe nó trả lời mấy câu ậm ừ cho qua chuyện nên cũng dễ điên nhưng được cái hễ bạn bè có khó khăn thì nó giúp đỡ rất nhiệt tình. Còn thằng Lộc thì bình thường quê nó ở Sóc Trăng lên Cần Thơ học và cũng không có gì đặc sắc, còn thằng Quý lùn thì đúng theo tên gọi nó chỉ cao tầm 1m5 nên kêu nó bằng Quý mã tử cũng tội cho thằng nhỏ, lúc lau bảng nó toàn phải nhờ mấy đứa khác lau hộ, vì làm gì nó lau tới mấy chữ phía trên. Thầy vào giảng, tôi ngồi coi mấy tài liệu trong giáo trình được khoảng chừng nửa tiếng thì chuông điện thoại reo lên, phải mất 3 giây tôi mới sực nhớ cái điện thoại của ông khách hôm qua vẫn còn nằm trong túi mình. Tôi móc cái iPhone ra rồi ngó xung quanh giống như cầu cứu, giảng viên im lặng, cả cái lớp đổ hết cả trăm ánh mắt về chỗ tôi, thằng Hải chụp cái điện thoại rồi nó làm cái gì đó tôi cũng không biết.:
|
CHƯƠNG 2
- “Ra ngoài nghe đi, tao bắt máy rồi” – Hải nói Tôi đi ra ngoài lớp để nghe mà tay tôi run như tội phạm, biết đâu người ta tưởng mình ăn cắp cái điện thoại rồi báo công an rồi là kể như bao nhiêu công sức học hành là tiêu tan mây khói hết.: - “Alo” - “Tuấn hả, sáng đi cà phê không, sẵn anh gửi cái hộp đồng cho em luôn” - “Lộn số rồi anh ơi” – Tôi nói Giờ nghĩ lại lúc đó chắc là do run quá nên tôi nói đại, danh bạn lưu tên “Danh EiBCT” rõ vành vạch thì thế nào mà lộn được, tôi quay vào lớp học, bao nhiều ánh mắt lại đổ dồn nhìn tôi một lần nữa, loáng thoáng có vài đứa xầm xì và câu nói cuối cùng mà tôi nghe được là “iPhone kìa, chắc mới mua” tôi cũng không biết làm sao để giải thích, tiền ăn không có thì đừng nói chi đến sắm cái điện thoại, tôi ngồi xuống thằng Hải ôm bụng cười.: - “Ê, mua điện thoại xịn sao không biết nghe máy vậy ba?” Thằng Hải rút trong túi ra con điện thoại y chang vậy rồi nó ngồi cười tiếp. Mặc cho tôi giải thích rằng điện thoại khách để quên trong quán tôi chỉ giữ giùm mà thôi. Nhưng chúng nó không những cười mà còn thay phiên hù doạ: - “Chết mày rồi, coi chừng công an còng đầu nghe con, cái này cũng mắc lắm chứ không rẻ đâu?” Còn tôi chỉ biết quay qua cười trừ.: - “Nếu tao muốn trả lại mà bây giờ tao không biết cái điện thoại này của ai làm sao trả đây Hải?” Đưa cái máy cho thằng Hải vọc vạch gì đó, nó buôn bán điện tử ở khu Tân Trào nên mấy cái sửa chữa này nó hay hơn tôi, và có khi hay hơn cả mấy đứa trong lớp, bài thầy giảng trên lớp, không đứa nào nghe, chỉ loay hoay soi mói mấy chuyện không đâu vào đâu, đúng là thời sinh viên vui thật bây giờ đi làm rồi, những lúc nhậu chung nhắc lại mấy chuyện cũ đứa nào cũng cười. - “Mày bấm vô hình cuốn sổ này là vào danh bạ, bấm vô cái bông này là vô hình ảnh…” Thằng Hải chỉ sơ sơ cho tôi biết, nó bảo tôi về tự mà nghiên cứu, vì khi lục trong danh bạ thế nào cũng có những thông tin liên hệ của khổ chủ. Tôi cũng chỉ biết gật đầu vì mấy cái công nghệ hiện đại mắc tiền này một thằng sinh viên nghèo làm sao có thể với tới được huống hồ chi là sử dụng. Đạp xe về đến nhà, tôi ghé qua chợ mua bó rau với trái bí về nấu cơm ăn. Về đến nhà thì thấy hai to xác nằm chình ình giữa nhà, tôi đá nó vài cái: - “Ê, đi nấu cơm ăn đi, tao đói quá rồi” - “Mày nấu đi, nay tao mệt quá, ngủ chút đi” – Thằng Tuấn Tôi lật đật đi nhóm cái bếp dầu lên để nấu cơm, trước đây làm gì có bếp ga bật tạch tạch như bây giờ, mỗi lần nấu cơm thì lấy cây nhang châm vô mấy cái lỗ bếp dầu cháy lên rồi nấu, nhớ lại lỡ nó mà cháy nhà thì có nước chết cả lũ, mà nói đúng hơn là cháy cả khu nhà trọ chết hết nguyên dãy trọ. Nấu nồi cơm xong tôi ngồi ăn một mình, kệ hai đứa nó, không nấu thì đừng mong “bố” cho ăn. Tôi ngồi ăn cái hai thằng lật đật tỉnh dậy liền, bắt đầu tôi xúc nguyên tô cơm xong dùa dùa cho nhanh để khỏi rửa chén, đang ngồi cắm đầu xuống tô cơm dùa cho nhanh, nên không để ý đến thằng chó Quốc nó bóp lỗ mũi tôi lại sặc muốn tới não. Thằng mất dạy, tôi tán cho bạt tay xong nó buông ra cười sặc sặc, tui nuốt tiếp cho hết tô cơm rồi quăng cho nó rửa, khoẻ, khỏi phải lu bu. Còn về cái điện thoại tôi có vào coi ảnh thằng Hải chỉ bấm vô hình cái bông, nên thấy trong đó hình như chỉ có khoảng 10 cái ảnh, chụp nhà cửa và công trình xây dựng, có một hình tôi biết đó là công trình toà nhà 4 tầng đang xây trên đường 3 Tháng 2 hằng ngày tôi đi học về trên đường đó nên không thể nào nhầm lẫn được. Còn số điện thoại thì như mò kim đáy biển. Tôi quyết định đi ngủ trưa một giấc có gì chiều tôi ghé qua xem thử. Gần 2 giờ rồi 3 giờ, tôi xách chiếc xe đạp cũ ra đạp dọc đường 3 Tháng 2 không quá khó để tìm đúng cái công trình có trong điện thoại, nhưng tôi ăn nói thì dở, còn cái khoản hỏi thăm càng dở tệ hơn. Tôi tính rủ thằng Hải để đi chung hỏi thăm, dù sao nó cũng ăn nói tốt hơn tôi. Tôi nhắn tin cho thằng Hải rồi đạp xe xuống nhà nó, nhà thằng Hải lớn thật, có cả nơi để xe du lịch, mà nhà nó thời đó có đến mấy chiếc. Tôi đứng chờ nó trước cửa, nó mặc cái quần cụt đi ra, hai đứa đầu trần dăng nắng chạy xuống chỗ công trình bên đường 3 Tháng 2, tôi dẫn xe vào thì thấy mấy thằng thợ hồ đang ngồi xây, tôi hỏi đại một chú cũng già cỡ 50 rồi: - “Chú cho con hỏi, hôm bữa con có lụm được cái điện thoại này, trong đây có cái hình chỗ công trình này, chú biết của ai không chú?” Thằng Hải hỏi chứ không phải tôi hỏi đâu, tôi lúc đó nhát kinh khủng, chỉ biết đứng kế bên nghe thôi. Ổng nheo con mắt lại dòm rồi nói: - “Đúng rồi mày, chỗ này, mà tao không biết ai chụp, để tao đi hỏi anh em coi coi” - “Ê Tửng mày ra tao hỏi cái coi Tửng, mày biết ai chụp cái này không? Nói cho em nó nghe, người ta lụm được mà không biết của ai để trả kìa.” Rồi tôi và thằng Hải ngồi chờ thằng tên Tửng mà chú kia vừa kêu, nó bỏ cây xẻng xuống rồi chùi đại hai bàn tay vô áo xong ra dòm dòm, nó nói: - “Chắc của chủ nhà rồi anh, đâu anh coi qua hỏi ổng coi” Tôi mừng lắm, dù sao cũng có được câu trả lời thoả đáng cho kết quả tìm kiếm của mấy ngày nay. - “Anh đó ở đâu anh?” - “Đâu anh coi chạy qua bên hẻm thời trang coi. Địa chỉ em đâu có biết, à anh chờ đi em vô hú ông chủ thầu rồi ra nói anh” Thằng Hải chạy lót tót theo để lấy địa chỉ, tôi không rành đường Cần Thơ như thằng Hải, có thì cũng chỉ biết có vài đường chính thôi, đường thì khó đi, hẻm thì toàn là đường đất. Thằng Hải quay ra nó xoè bàn tay ra, lúc đi học vẫn còn cái thói quen hễ có cây viết là cứ ghi chú đại lên bàn tay khỏi mắc công lấy giấy, thói quen đó vẫn còn giữ cho đến tận bây giờ. Sau khi chìa cho tôi coi mấy cái ghi chú của nó, thằng Hải kéo tôi đi ra ngoài, mới có hơn 2 giờ chiều, nắng chang chang thêu đốt, mồ hôi thì chảy nhễ nhãi thấm ướt cái áo lộ ra cái lưng trần của thằng Hải, nó chở tôi đạp xe nhiễu mồ hôi mà không có nói tiếng gì, nó tấp vô con hẻm nằm trên đường Trần Hưng Đạo, rồi không mất quá nhiều thời gian để nó tìm đúng địa chỉ nhà của ông chủ thầu. Nhưng cửa rào đóng, nó hỏi dì bán nước kế bên thì dì cho nó số điện thoại ông thầu xây dựng: - “Số của ổng, mày coi rảnh gọi hỏi người ta đi” Tôi móc điện thoại ra lưu cái số lại. Lấp lửng mấy giây tôi cũng đã lưu xong tên và số của ông thầu mà bà bán nước cạnh đó cho. - “Nóng quá đi uống nước mía mày ơi, chứ giờ về nhà chán chết” Đưa đồng hồ lên coi mới hơn 2 giờ, nhà thằng Hải lắp máy lạnh, bật suốt, nó ở nhà mới sướng hơn là đi ra ngoài với tôi vào giờ này, lúc đó thật lòng lắm, nếu có thắc mắc là hỏi ngay luôn chứ không có để bụng như bây giờ: - “Sao mày không về nhà bật máy lạnh lên ngủ đi, chứ đi với tao chi, giờ này nóng thấy bà, giăng nắng chưa đã hả?” - “Thôi đi đâu đi, bây giờ về nhà tao cũng ngủ, sẵn có mày nên rủ mày đi chơi luôn. Đi với tao đi, đi đi em anh thương” Cái mặt thằng Hải nhõng nhẽo nhìn đáng yêu lắm, sau này nó lập gia đình, tôi vẫn không quên được lúc mà nó làm cái mặt con nít đó, tôi yêu nó lắm, yêu nhưng chỉ là trên tình bạn một chút, lúc đó không có khái niệm con trai yêu con trai công khai như bây giờ, tôi cũng không được tiếp xúc với Internet nhiều, cũng có dùng Yahoo và đó cũng là cái kênh duy nhất kết bạn cùng giới, một số diễn đàn đồng tính cũng có nhưng không nhiều chủ yếu là ở nước ngoài, dù có lên Yahoo thì tôi cũng chỉ tâm sự này nọ chứ không đi xa hơn, nhờ vậy mà vẫn còn giữ được chút gì đó được gọi là “riêng tư” sau này. Mỗi lúc đi nhậu chung nguyên đám thằng Hải nó vẫn còn phong độ như
|
CHƯƠNG 3
hồi xưa, chỉ khác là sau này nó to con và nhìn chửng chạc hơn trước đây, cái vẻ mặt con nít của nó không bị thời gian làm mất đi, gia đình nó có điều kiện, nó sống trong một cuộc sống sung túc từ khi nó còn nhỏ, lớn lên ngoài chuyện đi học và chơi nó không phải suy nghĩ chuyện cơm áo gạo tiền hay mai sau ra trường làm việc gì, chính vì vậy mà vẻ hồn nhiên vui vẻ của nó không hề mất đi dù trãi qua bao nhiêu năm tháng. Nó cũng là đứa bạn thân còn đi chung với tôi đến tận bây giờ. Tôi thấy nó chạy cũng mệt nên tôi mới nói: - “Để tao chạy cho, mày đèo tao nãy giờ cũng đứt hơi rồi” Nó lấy tay xoa xoa đầu tôi, rồi nói: - “Chó nhà tao nuôi, ngoan vậy là tốt, tao thương” Tôi đá nó cái binh té xuống ngồi bệt dưới đường, nó còn cười lăn lộn, rồi bò lên ôm bụng tôi để tôi chở nó đi uống nước mía, đúng thật chán nản, thằng này giỡn dai như trâu bò chứ không phải con người. Tấp đại vô quán nước mía trên đường, cũng chẳng biết có ngon không, vì xe nào xe nấy cũng như nhau, giá thì có chỗ 2 ngàn một ly, chỗ trong hẻm khuất thì bán có 1 ngàn. Nó uống hết một ly đầu trong tích tắc xong nó kêu thêm một ly nữa rồi 1 ly nữa, tổng cộng nó nốc hết 4 ly nước mía rồi ợ một cái thiệt lớn trước sự ngỡ ngàng của tôi và của chủ quán, thằng này ăn uống cứ như thú vật, nãy tôi còn suy nghĩ tính bao nó uống nước mía kể như đền đáp nó cùng tôi chiều giờ đạp xe giữa trưa nắng, nhìn lại mấy cái ly nó vừa uống là hết muốn trả tiền. Nó cười sặc sặc: - “Lâu lâu mệt mà đi uống nước mía đã gì đâu.” - “Mày uống gì nhiều quá rồi hồi chỗ đâu đái” – Tôi nói nó. - “Kệ cứ uống đi” – Rồi nó chỉ tay ra bụi cỏ ở phía sau quán. Bà chủ quán thấy vậy liền cười: - “Chỗ đó nhà người ta, tụi mày ra đó đái chó rượt mày ráng chịu” Nó không nói gì, vừa ngậm ống hút, nó vừa nhe hàm răng ra cười, tôi cũng mắc cười nên cười theo luôn. Đưa nó về nhà, tôi đi tắm rồi ấn nút cho nồi cơm điện nóng lên chút rồi luộc mấy cái hột vịt dầm nước mắm ớt là xong bữa cơm chiều, tôi thay bộ đồ để kịp lên chỗ làm. Lu bu chiều giờ không được nghĩ lưng, giờ đi làm nữa chắc tối nay về đuối là chắc ăn. Lên tới quán tôi thấy con My ngồi tính sổ sách, tôi ngồi dọn dẹp cho xong cái mớ bàn ghế để bắt ra có chỗ cho khách lại ngồi. Mới 6 giờ chiều nên chắc người ta còn bận cơm nước chưa rảnh tay đi uống cà phê, có vài anh chị bên văn phòng mua cơm hộp ngồi ăn, còn lại quán thì vắng, mấy đứa nhân viên tụm lại bàn chuyện. Giữa năm nhất và năm cuối thì vẫn xoay quanh mấy mẫu truyện về trường lớp. Tôi thì đã lâu rồi phải gọi đã qua cái thời 4 năm về trước, năm cuối đủ thứ chuyện để tôi phải suy nghĩ, còn chuyện học hành và thầy này, cô kia chấm thi thế nào tôi không còn quan tâm nhiều nữa, tôi chỉ còn quan tâm, không biết khi nào mình mới khỏi phải đi chạy bàn có cái việc làm ổn định mà thôi. Mỗi giai đoạn sẽ có những sự lo lắng khác nhau, rồi ba bốn năm tiếp theo tụi nó cũng sẽ không có hứng thú với cái niềm vui của tân sinh viên nữa, mà không chừng nó còn già dặn hơn tôi lúc bấy giờ. Tôi không tham gia nói chuyện chung với bọn nhóc nữa mà quay lại cái góc phía kế bên con My thu ngân ngồi tựa vào tường nhìn ra đường. Mới đó mà đã gần 8 giờ tối, bưng nước, lau bàn rồi quay qua tính tiền công việc khiến tôi quên đi cái khái niệm thời gian đang dần trôi qua. Đến khi sực nhớ lại thì phía góc quán, chỗ mà tôi nhặt được cái điện thoại, xuất hiện một ông khách hình như khá quen, tôi ngờ ngợ không biết có phải ông khách lần trước hay không. Nếu phải thì mình trả lại cái điện thoại cho người ta chắc người ta cũng mong lắm. Mà cũng không đúng, mất đồ mấy chục triệu mà ổng còn không quay lại hỏi trong quán, chả lẽ không phải người đó. Mấy ý nghĩ cứ đốc thúc tôi rồi lại ngăn tôi lại, mà cái tài ăn nói của tôi phải nói dở tệ, lại đó tôi cũng không biết phải hỏi ổng cái gì. Thôi thì nhờ chị My là nhanh chóng nhất: - “Chị My” - “Gì mậy?” – My nói. - “Em thấy ông đó giống ông bữa hổm bỏ quên điện thoại, đâu chị qua hỏi thử coi có phải máy người ta không để trả lại” - “Sao mày không qua hỏi luôn đi, tao lu bu tính mấy cái hoá đơn mua cà phê tháng trước giờ chưa xong, mà sắp cuối tháng rồi” – My nói. - “Thôi, giúp giùm cái đi, tui biết gì đâu mà nói” - “Mày lu bu quá.” – My nói. Nói xong nó quăng cây viết xuống, lườm tôi một cái rồi cười. Nói chung cũng chịu giúp nhưng đợi người khác phải năn nỉ mới chịu làm. Đúng là nhiều khi phụ nữ khó hiểu quá. Con My tiến lại chỗ ông khách, nó nói gì gì đó, xong ông khách mừng lắm, nó chỉ về phía chỗ tôi đứng, ông khách gật gật đầu rồi con My la lớn: - “Ê lại đây nè” – My nói. Không biết có chuyện gì không, con My quay đầu lại rồi đi vô quầy thu ngân, ông khách nhìn tôi cười cười: - “Ngồi đi em” Tôi ngồi xuống mà vẫn im lặng không biết nói gì: - “Bạn vừa nãy nói, anh mới biết, em nhặt được điện thoại của anh hả?” - “Dạ” – Tôi nói Ông khách nhìn tôi hồi lâu, tôi cũng nhìn ổng, kêu ông vậy chứ cũng cỡ chừng 25-26 tuổi thôi, nhìn còn khá trẻ, chững chạc lắm các bạn, tay đeo đồng hồ vàng dây chuyền vàng, nhẫn vàng, đó không phải là cái làm tôi ngạc nhiên nhất, mà cái khiến tôi ngạc nhiên là trên bàn có một cái điện thoại y hệt cái mà tôi nhặt được. - “Em tên gì, em còn giữ cái điện thoại của anh không” Tôi sực nhớ là hình như tôi không có đem theo nó bên mình, tôi gãy gãy đầu ông khách nhìn tôi cười cười: - “Không có đem theo hả em?” - “Dạ…tại nay đi làm gấp quá em để ở nhà trọ rồi anh” – Tôi nói - “Ừ, anh không gấp, cám ơn em” “Bàn bìa tính tiền” – Tôi giật mình chạy đi lấy hoá đơn để thu tiền khách mà quên luôn cuộc nói chuyện giữa tôi và ông khách lúc nãy. Tôi lo chạy chọt mà quên béng luôn không hỏi xin số điện thoại của khách để trả lại cho người ta. Gần 9 giờ, quán cũng gần đóng cửa tôi dọn bớt bàn vào trong, đang loay hoay, thì thằng phục vụ chung lại gọi tôi: - “Anh ơi, ông đó kêu anh kìa” Nó chỉ tay về phía ông khách, làm tôi quên luôn cuộc nói chuyện cắt ngang lúc nãy, tôi đưa cái nùi lau bàn cho thằng nhỏ rồi nói: - “Em coi gom ghế vô giùm anh cái nhe” Công việc trong quán là vậy tới khi quán đông là con My cũng tức tốc đi ra làm nhân viên chạy bàn luôn, không giống như mấy chỗ khác ai làm cũng nạnh qua, nạnh lại rồi đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, chủ quán thì chỉ lại đó mỗi cuối tuần để thu tiền và kiểm tra sổ, còn tiền bạc thì cho con My giữ hết, họ tin tưởng tụi tôi đến như vậy, mọi chuyện tính toán đều do một tay con My làm, buổi sáng thì cũng có một chị coi chừng quán thế chỗ con My, nhưng hầu như sổ sách thì con My đảm nhiệm, chi bao nhiêu, mua cái gì, hoá đơn trả thế nào nó đều ghi lại cẩn thận. Chẳng trách vì sao mà chủ quán tin tưởng nó dù nó là “người dưng, nước lả”. Tôi ngồi xuống bàn, ông khách dụi điếu thuốc lên tàn thuốc: - “Em dọn dẹp xong chưa?” - “Dạ rồi” – Tôi nói. - “Ừ, chừng nào em tan ca?” Tôi nhìn đồng hồ cũng đã gần 10 giờ - “Chắc chừng nửa tiếng nữa” – Tôi nói - “Em về sớm một chút được không?” - “Dạ có chi không anh?” – Tôi nói - “Anh muốn lấy lại cái điện thoại”
|
CHƯƠNG 4
Tôi suýt quên luôn vụ trả lại cho khách cái điện thoại. - “Để em đạp xe về nhà đem lên trả anh liền. Anh ngồi chờ em chút nhe” - “Thôi thôi, em cứ thẩy xe ở đây, để anh chở em về nhà lấy.” Và tôi cũng gật đầu, ông khách đi qua lộ, rồi mở cửa xe cho tôi bước vào, tôi hơi ngỡ ngàng, lần đầu tiên tôi được đi xe hơi lúa đến nổi tôi cũng không biết mở cửa xe như thế nào, ông khách cười lên rồi nói: - “Em nắm cái tay cầm rồi kéo mạnh ra là được”. Tôi bước lên xe vẫn còn chưa hết ngỡ ngàng, ổng quay xuống nói: - “Nhà em ở khúc nào, anh để anh biết” Sau khi chỉ đường đi thì chưa đầy vài phút là tới đầu hẻm, hẻm thì đường đất mà lại thêm cái ngập nước, ổng không sợ dơ mà còn theo tôi vào tận phòng tôi ở, rồi ngồi đại xuống nền xi măng, nhìn xung quanh một lúc rồi nói: - “Em ở đây một mình à?” - “Còn 2 thằng bạn nữa anh” – Tôi nói Tôi lục cái điện thoại rồi đưa cho ổng, cái điện thoại hết Pin nên nó tắt ngúm mở không lên. - “Em không biết sao điện thoại anh tắt rồi” – Tôi nói - “Không sao anh có sạc ngoài xe” Đưa cái điện thoại, tôi mới nhớ gần hơn 10 giờ, quán giờ này chắc đóng cửa mất tiêu rồi và đồng nghĩa chiếc xe tôi bỏ đằng chỗ làm cũng nằm ở trong đó luôn rồi, mãi mê vụ trả máy cho ông khách mà tôi quên coi điện thoại, đi làm để chế độ im lặng, con My gọi tôi 5-6 cuộc mà tôi không nghe máy: - “Chết rồi anh ơi, 10 giờ rồi, em bỏ quên xe đằng chỗ làm luôn rồi, mai lấy gì đi học bây giờ.” – Tôi nói - “Trời, tưởng gì, không sao em cứ yên tâm, mà giờ này em rảnh không?” - “Dạ rảnh, có việc gì không anh” – Tôi nói - “Anh em mình đi nhậu đi” Tôi nhìn lại trong túi mình chỉ còn khoảng 10 ngàn, làm sao mà nhậu nhẹt gì được, lúc đó khờ lắm, đáng lẽ ảnh nói vậy thì chắc ăn sẽ bao cho mình nhậu và trả tiền, chứ làm gì mà bắt mình trả, lúc đó đúng là khờ thật, nhờ cái khờ khờ mới có những chuyện mà tới giờ mỗi khi nhớ lại đó từng là một kỷ niệm đẹp đi qua cuộc đời, ai cũng có chứ không phải riêng mình tôi: - “Chắc em không đi đâu anh, em còn có 10 ngàn trong túi, để hôm khác đi” – Tôi nói Ông khách cười rồi nói: - “Em đi đi, anh trả công cho em” Tôi lấp lửng nửa muốn đi nửa không, mình có quen biết gì người ta đâu mà đi, và cũng chỉ mới gặp một lần, thậm chí còn chưa biết tên, nói tới tên mới nhớ, nãy giờ tôi chưa hỏi tên anh: - “Anh tên gì, em quên mất rồi” – Tôi nói - “Em có hỏi anh đâu mà quên, anh tên Huy, em là Khang đúng không?” Hơi bất ngờ trước khi Huy nói tên tôi ra, tôi còn chưa biết tên ổng mà ổng biết tên tôi rồi. Chắc là do trong quán hay kêu, ổng cũng hay uống nên biết tên tôi là chuyện bình thường, tôi không nói gì hết, hiện giờ tôi cũng muốn đi nhậu cho đã, cũng lâu rồi, đâu có được nhậu đâu, thời sinh viên hai thứ vui vẻ đó là ca hát và nhậu nhẹt, ca hát thì khoảng đó tôi cũng hăng máu, làm gì có cơ hội đi Karaoke, giá đi vô phòng Karaoke nó xa xỉ như đi vũ trường vậy, ca hát chỉ là khi cuối học kỳ, cả xóm trọ hầu như đều là sinh viên, quây quần lại nấu mấy món rồi bày ra nhậu rồi đàn hát chỉ đơn giản như vậy thôi, chứ làm gì có tiền đi ca hát nhậu nhẹt ở quán như bây giờ. Hình như hiểu được tôi không muốn đi nên anh Huy cười cười, ảnh không nói mà xách cái điện thoại lên rồi ngồi xuống nền xi măng trước ngạch cửa rồi xỏ đôi vớ và mang giầy vào, tôi vẫn ngồi đó im lặng nhìn mà không nói câu nào, thật ra cũng không biết nói gì: - “Em khép cửa đi, rồi mình đi em.” – Huy nói - “Dạ” Đó là câu trả lời nghe ngoan kinh khủng, ít ra lúc đó trong đầu còn biết bặt ra một chữ, thôi thì bấm bụng đi chơi đại, tôi nhắn tin cho thằng Quốc và thằng Tuấn là có chuyện đi ra ngoài tối tối mới về để tụi nó về nhà kím không thấy tôi lại lo mắc công. Tụi nó làm biếng lắm, lười như trâu, nhưng được cái hai thằng rất thương tôi, có lần bị bệnh, tôi nằm mấy ngày ở nhà, nó nghỉ việc cả tuần ở nhà canh sợ tôi có chuyện, rồi chỗ làm cho nó nghĩ việc luôn, sau vụ đó nó chửi tôi cũng một chập vì tội sinh hoạt ẩu tả, cẩu thả, tôi chỉ biết ngồi cười trừ vì dù sao nó nói vậy thôi, chứ trong lòng nó không hề trách nhất tôi câu nào, sau này khi ra trường, mỗi thằng mỗi nơi, Quốc về An Giang mở đại lý thuốc hoá chất trừ sâu rồi cưới vợ, từ lúc đám cưới vợ chồng nó tôi có về một lần, còn lại tới giờ vẫn không liên lạc nhau nữa. Còn cu Tuấn thì về Vĩnh Long làm cho ngân hàng ngoại thương, cứ hễ vài tháng nó đi họp qua Cần Thơ là nó réo tôi đi cà phê, nhậu nhẹt, tại vì nó còn độc thân nên dễ vậy, muốn thả tới đâu là bay tới đó. Anh Huy dẫn tôi đến quán nhậu lẩu dê, sinh viên lúc đó đi nhậu là cái gì đó xa xỉ lắm, nhớ lại có vài quán nhậu sinh viên chuyên bán khô mực và mấy thứ rượu thuốc mà chủ quán tự pha chế, từ một lít rượu trắng bỏ cái viên mùi hương rượu thuốc mua ở mấy tiệm thuốc bắc dưới chợ Cả Đài vào là thành rượu chuối hột, kinh dị lắm, hồi đó còn trẻ, sức khoẻ phải nói còn thừa, nên nốc vào không thương tiếc, mà cơ thể lúc đó cường tráng kinh khủng, đạp xe đi giữa trời nắng, mồ hôi đổ như tắm, tối về nửa đêm xối nước ào ào mà không hề hấn gì, nhớ lại làm cho con người ta rùng mình. Tôi bước xuống xe, phục vụ ra mời tận nơi, tôi đúng chất hai lúa, mặc cái áo sơ mi màu trắng có bâu, quần ống rộng mà kéo tới vú, kiểu thời trang kinh dị thời đó, giờ ai mặc vậy chắc cũng khùng lắm. Anh Huy đưa thực đơn cho tôi lựa, món nào món nấy tôi nhìn vô không biết gì hết, chỉ nhìn giá thôi là hết muốn ăn, món nào cũng mắc, tôi cười cười, anh Huy cũng biết nên ảnh mới nói: - “Em cứ kêu cái mà em thích đi, đừng có lo” Món nào tôi cũng chưa ăn, hồi chiều ăn có cái hột vịt nên giờ đói lắm, thường thì giờ này tôi hay hâm cơm nguội với mấy gói mì Vị Hương (của Thiên Thiên Hương, không biết giờ còn bán hay không nữa, chứ lúc đó sinh viên ăn mì đó nhiều lắm các bạn, vì nó rẻ, hình như 200 đồng mỗi gói, lúc đó Hảo Hảo thì 500 đồng một gói, món đó ăn thường xuyên nên biết giá và giống như có ấn tượng khó phai với nó không bao giờ quên. Thùng mì đi liền thời sinh viên mà.) Anh Huy thấy tôi ngồi lâu quá nên ảnh kêu luôn, ảnh chỉ chỉ gì vô menu rồi dặn con nhân viên nó ghi rồi gật đầu chạy vô bếp, ảnh chỉ biết nhìn tôi cười. Im lặng, còn tôi thì không biết nói gì với ảnh tại vì cũng có gì đâu mà nói, ảnh khui chai bia rồi rót cho tôi, hồi đó còn bia Phong Dinh, chắc các bạn vẫn có cơ hội uống loại bia này, bây giờ nó chết rồi, công ty Việt Nam mà. Uống bia là thứ xa xỉ đối với sinh viên, than nghèo hoài các bạn cũng chán đúng không, nhưng mà thực tế nó là vậy, đời sống chật vật, muốn khấm khá hơn cũng không được đâu. Tôi ngồi lâu lắm, uống bia không quen như uống rượu nên tôi nheo mắt lại hớp đại rồi nuốt như uống thuốc tây vậy, thấy vậy anh Huy cười rồi nói: - “Em uống không quen sao không nói anh, để anh kêu cái khác nhe Khang” – Huy nói.
|