Tình Chị Duyên Em
|
|
Chương 11:
Tôi với cậu Bảo ngồi ở ao nói chuyện rất lâu, đến khi có gia nô gọi cậu Bảo liền về trước. Tôi chưa muốn về, còn muốn ngồi đây ngẫm nghĩ, đến khi trời tối hẳn không còn thấy mặt người tôi mới lững thững đứng dậy. Dưới chân tôi cỏ cây ươn ướt hơi sương, thi thoảng lại có vài con nhái nhảy độp một phát chạm vào da thịt. Khi tôi đi được một nửa, bất chợt thấy hai bóng đen đứng một góc. Trời tối lắm, tôi không nhận ra ai đột nhiên có tiếng cái Yến cất lên:
– Dì, con xin dì. Dung là bạn của con, con không thể hại nó được.
Hoá ra là bà hai cùng cái Yến sao? Tôi không nghe rõ bà hai đáp gì, chỉ thấy tiếng cái Yến khóc nức nở:
– Bọn con cũng chỉ là những đứa trẻ thôi mà dì, nếu con biết trong hộp gỗ đó có hình nộm con sẽ không bao giờ mang vào buồng của cái Dung. Cả chuyện hai cây kim trên cổ áo bà cả, tại sao dì lại không cho con đi giải thích để cái Dung bị đánh oan nhừ từ như vậy. Con xin dì đấy, dì với bà Bích có tranh đấu thế nào cũng đừng lôi bọn con vào nữa. Con biết bà cả ác độc, hại bà Bích sẩy thai nhiều lần, hại cả dì nhưng con với cái Dung, cả em Chi, em Thành cùng cậu Bảo đều là những đứa trẻ vô tội. Bọn con chỉ mong dì và mọi người sống hoà thuận với nhau thôi. Con chưa từng có một người bạn nào trước khi gặp cái Dung, quanh năm suốt tháng chỉ quanh quẩn ở nhà, con thực sự không muốn tình bạn của con và Dung bị rạn nứt bởi sự tranh đấu của người lớn. Dì là dì ruột của con, con không thể bỏ dì, nhưng Dung cũng là bạn con… con không muốn mất đi một chút nào.
Tôi nghe xong, bất chợt sững người, đột nhiên có ánh đuốc lập loè rồi có tiếng gọi của gia nô:
– Mợ Dung ơi, ông gọi mợ về xơi cơm.
Tôi ba chân bốn cẳng chạy về nhà, không để ý tới cái Yến với bà hai được nữa. Lúc này cơm cũng được bày ra sập, ông Lý nhìn tôi rồi nói:
– Dung, con ngồi xuống đi.
Tôi lén nhìn bà cả, bình thường mỗi lần ông Lý nói bà phải xéo xắt tôi đôi ba câu mới chịu. Nhưng hôm nay bà không nói gì, gọi con Mít đến đưa cho cái đùi gà. Tôi thấy vậy liền ngồi xuống, con Mít nhận xong cái đùi gà cười hớn hở nói:
– Con đội ơn bà.
Phải công nhận bà cả đối xử với con Mít và vú Bảy chẳng khác gì con cháu trong nhà bảo sao nó thương bà đến vậy. Hôm qua không ai tin bà, mỗi nó với vú Bảy tin, nó còn ngồi giữa sân nhà khóc lóc đòi ông Lý thả bà ra. Khi tôi vừa cầm bát cơm lên cậu Bảo liền vội gắp chiếc đùi gà còn lại đặt lên bát tôi. Tôi nhìn cậu, bình thường mỗi lần trên dinh gϊếŧ gà hai cái đùi ngon nhất được dành cho cậu và con Mít, không thì cũng là cậu và ông Lý thế mà hôm nay cậu gắp cho tôi. Cậu cũng thật gan quá rồi, tôi hơi sợ hãi vội đặt cái đùi gà sang bát cậu. Cậu lại gắp lại cho tôi, bà cả thấy vậy thì mỉa mai:
– Gớm nữa, đẩy qua đẩy lại, con Dung ăn thì ăn luôn đi, ngứa hết cả mắt.
Uầy! Bà cả cho tôi ăn đùi gà? Tôi không dám tin nổi dù cái giọng có hơi khó chịu nhưng bà giục tôi ăn kia đấy. Trước có lần ông Lý gắp cho tôi bị bà mắng xơi xơi, bà bảo thứ như tôi chỉ ăn cơm độn với ít muối chứ ăn lắm làm gì cho béo mập rồi không được tích sự gì. Tôi cúi xuống vui vẻ đáp:
– Dạ, con đội ơn bu.
Bà không thèm đáp, gắp miếng thịt khác cho cậu Bảo còn ông Lý bà để mặc thái độ tỏ rõ sự không quan tâm. Ăn xong tôi bê bát ra giếng cho cái Mít rồi về buồng nằm, thấy bà cả bớt cay nghiệt mà lòng tôi cũng vui hơn đôi chút. Thế nhưng tôi nghĩ đến cuộc nói chuyện của cái Yến và bà hai ban nãy lại thấy nặng trĩu. Hoá ra, cái Yến cũng giống tôi, cũng là công cụ để cho người lớn đấu đá nhau. Đến hiện tại, tôi vẫn chưa thể khẳng định được mớ tơ vò giữa ba người phụ nữ lớn trong nhà rốt cuộc ra sao. Cái Yến nói bà cả hại bà hai, bà ba. Lần trước tôi cũng nghe bà ba nói việc sẩy thai của bà có liên quan đến bà cả, rốt cuộc ai đúng ai sai tôi cũng không rõ. Chỉ có điều, linh cảm cũng như trực giác của tôi lúc này lại sợ hãi hai người đàn bà nhìn có vẻ hiền lành nhưng lại một bồ mưu kế định dồn bả cả vào đường cùng kia hơn. Tôi cứ nằm nghĩ mãi rồi ngủ thiếp đi lúc nào chẳng hay.
Sáng hôm sau khi tôi tỉnh dậy bà cả đã lên phố huyện cùng ông Lý, cậu Bảo cậu Thành thì ra đồng tôm. Tôi ăn sáng xong định lượn lờ ra ao thì thấy cái Yến dứng trước dinh bà hai, hai mắt nó đỏ hoe cả lên. Nó nhìn thấy tôi không nói không rằng cúi gằm mặt rồi quảy hai cái thúng đi về phía ao. Khi nó quay đi, tôi chợt thấy trên cổ, trên tay và cả chân phần nào lộ ra đều có những vết hằn rớm máu như thể bị roi mây quất. Tự dưng không hiểu sao trong lòng tôi thấy bất an, hôm trước tôi cũng hơi hơi ghét nó vì nghĩ nó là người gài kim hại tôi. Nhưng cuộc nói chuyện tối qua giữa nó và bà hai thái độ sáng lại tôi lại thấy thương thương. Tôi không nghĩ ngợi được gì nữa, chạy theo nó rồi hỏi:
– Yến, cô sao thế? Cô khóc à?
– Tôi… tôi không sao?
– Không sao mà mắt đỏ hoe lên thế kia.
Vừa kéo tôi vừa vén váy nó lên, bất chợt toàn thân sững lại. Cả hai cái đùi đỏ tía, hằn lên những vết đánh không che nổi. Nó liền hất tay tôi ra đáp lại:
– Cô đừng làm thế, người ta thấy hết da thịt tôi bây giờ.
– Cô bị ai đánh?
– Tôi…
– Nói đi chứ, là bà hai đánh cô đúng không?
Tôi hỏi xong thì thấy mình hơi ngốc, nó là cháu bà hai, ai dám được phép đánh nó trừ bà ta kia chứ? Thế nhưng nó không đáp chỉ khẽ sụt sịt. Tôi thở dài vẫn lẽo đẽo theo sau. Đi được một lúc nó mới cất lời:
– Tôi xin lỗi.
– Xin lỗi chuyện gì?
– Không có gì, chỉ muốn xin lỗi thôi.
Nói rồi nó vội chạy nhanh ra ao vớt mấy đám bèo đang nổi. Vết thương kia còn đi vớt bèo, sao nó lại ngốc như vậy cơ chứ? Dù rằng tôi biết rõ bộ mặt thật của bà hai không tốt đẹp gì, nhưng hà cớ gì đến cháu bà ta bà ta cũng ra tay như vậy. Cái vỏ bọc lương thiện kia, giờ trong mắt tôi đã hoàn toàn không còn một chút nào. Đợi cái Yến vớt bèo xong, lúc đi qua gốc đa tôi liền nói:
– Yến, tôi với cô vẫn là bạn bè. Chúng ta sẽ không vì bất cứ ai, vì bất cứ chuyện gì của người khác mà phải trốn tránh nhau cả. Được chứ?
Cái Yến nhìn tôi, bật khóc nức nở chạy về. Tôi là con dâu bà cả, nó là cháu gái bà hai, có những chuyện tế nhị không thể nói ra, có những khoáng cách không thể lấp đầy, nhưng bản thân tôi cũng không muốn mất đi tình bạn này. Huống hồ nhìn nó bị đánh thành ra thế kia, tôi thật không nỡ oán trách. Chuyện hình nộm hay cây kim đều là do nó không biết kia mà. Tôi thở dài gánh hai gánh bèo về đặt trước dinh cho nó rồi lên buồng.
Đến tối bà cả về, vừa nhìn thấy tôi bà đã nói:
– Này, con kia. Mai mày về nhà mày hai ba ngày đi cho khuất mắt tao.
Tôi nghe xong kinh ngạc rồi nhảy cẫng lên hỏi lại:
– Bu, ý bu là bu cho con về nhà thầy bu con ạ?
Thế nhưng bà không thèm đáp mà đi thẳng vào buồng cậu Bảo, tôi cũng rón rén đi theo nhưng chỉ nép ngoài cửa nghe ba nói:
– Mai mày đưa con Dung về nhà nó, tính ra cũng ba tháng rồi nó không về. Ngày kia bu bảo thầy sang đón sau.
Tôi nghe xong, lòng dạ cũng muốn nhảy cẫng lên. Bà cả cho tôi về nhà, còn gì vui hơn. Tôi cũng nhớ thầy bu, nhớ chị Hạnh với thằng Tý quá đi mất. Cũng sắp Tết đến nơi rồi, nhớ cái độ tôi về đây là đầu đông, nhanh thật, qua Tết tôi mười lăm tuổi rồi sang Tết nữa đủ mười sáu, tôi với cậu Bảo sẽ phải thành thân. Tối hôm ấy vú Bảy đưa cho tôi hai bộ quần áo hoa rồi nói:
– Bà dặn đây là quần áo hoa cho mợ để mợ mặc về. Cón túi này là ít trà cho ông đồ Đạt, túi này là vải gấm cho bà Hoa với cô Hạnh, còn ít sách này cho là cu Tý.
Tôi nhìn mấy xách quà, tự dưng xúc động cay cả mũi liền chạy sang buồng bà cả gõ cửa. Vừa nhìn thấy tôi bà đã nói:
– Mày sang đây làm gì?
– Dạ, con sang để cảm ơn bu.
– Cảm ơn cái gì?
– Dạ thì là quà bu gửi cho bên nhà con đấy ạ.
Bà nghe tôi nói bĩu môi đáp:
– Mày đừng nghĩ tao hết ghét mày. Chẳng qua dù sao mày cũng được ông Lý lấy về làm dâu, tao không thể để mày về đấy rồi dân làng lại nói ra nói vào rằng là làm dâu nhà giàu mà keo kiệt, bủn xỉn. Mang tiếng cả tao ra
Bu con nhà này toàn cho người khác ăn dưa bở. Nhưng tôi vẫn cười hì hì đáp:
– Dạ, bu không cần giải thích nhiều với con vậy đâu. Con vẫn đội ơn bu mà.
Bà nghe tôi nói vậy liền đóng sập cửa mạnh rồi đuổi tôi đi. Tôi về buồng nằm vui mãi không thôi. Đến sáng hôm sau, tôi với cậu Bảo được thằng Thìn, thằng Tỵ hộ tống về đến tận nhà. Thầy bu tôi biết hai đứa về nên đã ra cổng đón từ sớm, nom thầy tôi sắc mặt hồng hào lắm. Cậu Bảo nhìn thấy thầy thì quỳ hẳn xuống hành lễ. Thầy tôi đỡ cậu dậy có nói không cần làm thế nhưng cậu bảo thầy trước là thầy đồ dạy cậu, giờ lại là thầy của vợ cậu, cậu không hành lễ không phải phép. Bu tôi thì cười tít cả mắt, bình thường ở nhà cậu Bảo toàn hành hạ tôi, khinh bỉ tôi ấy thế mà về đây cậu như con người khác. Nghe bu tôi nói thầy tôi sức khoẻ ổn hơn rồi, vụ lúa vừa rồi có tiền nên mời được thầy lang trên Kinh thành xuống cắt thuốc cho. Bu còn còn nói dành được khoản tiền, qua Tết sẽ cho thằng Tý đi học ở huyện. Tôi nghe xong mà mừng khôn xiết, chỉ có điều vẫn cứ thắc mắc sao vụ lúa năm nay lại dư dả như vậy mà không dám hỏi nhiều.
Chị Hạnh từ lúc tôi đến vẫn lúi húi dưới bếp nấu cơm, tôi để mặc cậu Bảo trên nhà nói chuyện chạy xuống phụ chị. Hai chị em gái lâu ngày gặp thành ra có nhiều điều để kể. Chị bảo qua năm bên nhà cậu Phúc cũng đến dạm ngõ rồi rước chị về. Thế là cuối cùng chị Hạnh cũng được gả cho người chị thương. Chị có hỏi tôi sống bên nhà ông Lý có tốt không. Thực lòng, tôi chẳng thấy tốt chút nào, mới được ba tháng ăn không biết bao nhiêu trận đòn, còn chưa kể vẫn đang mông lung trong vòng xoáy đấu đá ở nhà ông Lý. Thế nhưng tôi không nói gì, chỉ ừ ừ gật gật cho chị đỡ lo. Khi chị Hạnh bê mâm cơm lên nhà, đột nhiên tôi thấy cậu Bảo hơi sững lại. Ánh mắt cậu nhìn chị, vừa như lạ lẫm, vừa như quen thuộc. Lúc này tôi đột nhiên cũng sực nhớ ra, lần đầu cậu hết đả kích tôi chẳng phải khi cậu biết tôi là con gái thầy đồ Đạt hay sao? Lần bu cậu đánh, tôi có nghe bà nói, mối tình bọ xít của cậu với con thầy đồ Đạt… tôi chưa từng gặp cậu… vậy người gặp cậu hồi nhỏ chính là chị Hạnh sao? Cậu còn nhầm tưởng chị Hạnh là tôi nên mới tôi thích ăn xôi giò. Không hiểu sao tự dưng tim tôi khẽ nhói lên như thể có kim châm ở đó, tôi cũng đâu phải ngốc nghếch gì mà không đoán được mọi chuyện, chỉ là cảm thấy có chút mất mát. Nhưng rồi tôi mau chóng quên đi khi thầy bu hỏi han chuyện. Về nhà thích thật, bình yên ấm áp hơn hẳn, chẳng cần giàu sang gấm hoa chỉ cần giản đơn thế này cũng đủ khiến tôi thấy hạnh phúc vô bờ. Đêm ấy cả nhà tôi ngồi giữa sân vừa ăn lạc luộc, vừa uống trà ngắm trăng. Ánh trăng trên trời tròn vành vạnh chiếu xuống đất, tiếng cười nói rộn ràng cũng khiến muộn phiền trong tôi như tan biến đi hết.
Đến chiều muộn hôm sau bà cả mới cho người đến rước tôi với cậu Bảo về. Vừa ra đến cổng tôi cũng sụt sịt nước mắt ngắn nước mắt dài. Bu tôi cười cười nhưng cũng đỏ cả sống mũi. Khi đi khỏi làng cậu Bảo liền quay sang tôi an ủi mấy câu. Thế nhưng tôi không đáp, về đến nhà thì nằm vật ra giường. Ước gì mà tôi chưa đi lấy chồng, được ở mãi với thầy bu, với thằng Tý thì tốt biết mấy. Từ lúc nhìn ánh mắt cậu Bảo dành cho chị Hạnh, tâm trạng tôi cũng tệ thêm vài phần. Đêm đến tôi không ngủ được liền mở cửa buồng đi ra ngoài đứng dưới sân thơ thẩn nhìn ánh trăng. Trăng đêm nay khuyết hơn đêm qua, mờ mờ đục đục, đột nhiên tôi thấy dưới hiên của dinh bà hai cái Yến đang ngồi bó gối một góc. Hình như nó lại khóc, hai vai nó run lên bần bật, tôi liền tiến lại gần, nhưng khi bước gần đến tôi bỗng khựng lại. Trước mặt tôi không phải cái Yến… mà là thằng bé ba tuổi quen thuộc. Tôi sợ hãi, hai chân run lẩy bẩy, nó ngồi ở ngay chính giữa cửa lớn dinh bà hai nhìn tôi chằm chằm. Tôi nuốt nước bọt, định quay đi nó liền nói lớn:
– Chị Dung!
Hai tiếng chị Dung được nó gọi vang vọng như từ cõi âm đi lên. Tôi thở mạnh, tim cũng như ngừng đập mà vẫn cố đáp lại:
– Ừ ừ… sao em lại ở đây.
Nó nhìn tôi hai tròng mắt đen hoắm, ánh trăng lờ mờ khiến tôi không thể nhìn rõ được gương mặt ấy. Tôi nuốt nước bọt, một thứ cảm giác bất an khẽ dấy lên. Đột nhiên đứa chồm người lên nắm chặt tay tôi, bàn tay nó khi chạm thịt tôi làm tôi như chết sững, lạnh toát đến ghê rợn. Nó không nói không rằng, kéo đi ra phía sau nhà. Tôi không muốn đi, nhưng không phản kháng nổi. Dù cho chân tôi cố bấu xuống nền đất nhưng vẫn bị kéo lê trên nền cát đen một cách dễ dàng. Tôi cố rút tay ra, mà không rút nổi liền gào lên:
– Buông tay chị ra, buông tay chị ra.
Nó vẫn không buông, bỗng dưng tôi chợt nhận tôi và nó đi cùng nhau, vậy mà dưới ánh trăng chỉ thấy bóng tôi đổ dài. Đứa bé này không có bóng? Tôi run sợ cắn chặt môi, chẳng lẽ nó là ma? Mới nghĩ đến đây sống lưng tôi đã lạnh buốt, càng cố rút tay càng bị nó bóp chặt. Đến khi định thần lại đã thấy mình đang đứng ở dưới gốc đa. Tôi quay sang nhìn thì đứa bé cũng biến mất, chỉ thấy dưới ao bong bóng đang nổi lên phập phồng. Gai ốc trên người tôi dựng hết lên, có rất nhiều tiếng khóc cất ở dưới ao cứ vang vọng hoà cùng tiếng gió rít, mặt nước một màu máu đỏ tanh lòm bị ánh trăng chiếu rọi kinh hãi đến tột cùng. Tôi xoay người cố chạy, nhưng bàn chân đã bị ai đó giữ lại. Đến khi nhìn xuống thì như muốn ngất đi, ngay dưới chân tôi hai bên là hai hình hai bào thai còn đỏ hỏn nhớt nhát máu me. Tôi gào lên, gào đến vô vọng nhưng không một ai cứu lấy tôi. Dưới ao, tiếng khóc ai oán mỗi lúc một lớn, đứa bé ba tuổi bỗng bám tay lên rìa ao nghẹn giọng nói:
– Chị Dung ơi, cứu chúng em đi, chỉ có chị mới cứu được chúng em thôi. Cứu chúng em đi, cứu chúng em đi chị Dung.
Tôi không thể thốt nổi lên lời, cứ ú ớ không thôi. Người tôi lúc này cũng như trên mây trên gió, sự sợ hãi đến tột cùng khiến tôi không còn bất cứ cảm giác gì nữa rồi bất chợt ngã vật ra. Đến khi tỉnh lại, mở mắt ra liền thấy tiếng gió rít qua tai, nhìn xung quanh đột nhiên toàn thân như bất động bởi không còn là mơ nữa, mà quả thực tôi đang nằm ngay rìa ao. Bên dưới mặt nước bị gió thổi cuộn lên từng đợt sóng, tiếng lá cây xào xạc, tiếng ếch nhái vang lên từng đợt…
|
Chương 12:
Lúc này tôi không còn nghĩ được gì liền bật dậy, định ba chân bốn cẳng chạy về đã thấy cậu Bảo, cái Mít và vú Bảy chạy về phía mình. Vừa nhìn thấy tôi cái Mít đã nói:
– Mợ Dung, mợ sao lại ngủ ngoài này? Cả nhà đi tìm mợ rối hết cả lên.
Trời lúc này cũng đã tờ mờ sáng, rõ là mùa đông mà mồ hôi tôi túa ra như mưa. Nếu bình thường là giấc mơ, tỉnh dậy nằm ở buồng tôi đã không sợ hãi đến vậy. Tôi không còn giữ được bình tĩnh, nhìn cậu Bảo bật khóc nói:
– Ở đây… ở đây có ma.
Vú Bảy nhìn tôi, há hốc mồm kinh ngạc hỏi lại:
– Mợ nói gì?
– Vú ơi, ở đây có ma. Có nhiều ma lắm, một đứa bé và nhiều bào thai.
Tôi mới nói đến đây, vú đã bịt chặt miệng tôi lại rồi nói:
– Mợ đừng nói linh tinh, đứng dậy đi về nhà đã. Chuyện này không được nói năng xằng bậy đâu.
Tôi loạng choạng mãi mới đứng được dậy, cậu Bảo thấy vậy liền cúi xuống nói:
– Lên đây đi, tôi cõng về.
Lúc này tôi không còn sức lực mà từ chối liền nhảy lên lưng cậu. Bỗng dưng tôi thấy cổ tay tôi tím bầm, vết bầm tím ấy nhìn qua thì giống như va vào đâu, nhưng nhìn kỹ lại mới thấy hiện lên năm nốt mờ mờ như năm ngón tay. Tôi sợ đến rụng rời cả chân tay ôm chặt lấy cậu Bảo, vậy mà khi về đến nhà vết tím ấy lại biến mất như chưa từng xuất hiện. Cái Mít vừa đưa cho tôi cốc nước vừa nói:
– Rõ ràng đêm qua con đi vệ sinh thấy mợ mở cửa buồng rồi đi ra ngoài. Con còn tưởng mợ cũng đi vệ sinh, ai dè canh năm con dậy đi lần nữa thấy cửa buồng mợ vẫn mở toang mà ngó vào không thấy mợ đâu con mới kêu vú Bảy đi tìm.
Tôi nhìn cái Mít đến hiện tại vẫn không thể biết hôm qua là mơ hay thật. Nhưng theo lời nó nói giống như mơ thì đúng hơn. Thế nhưng mơ tại sao tôi lại nằm ở ao, tại sao thái độ của vú Bảy lại như vậy. Rốt cuộc đứa bé kia là ai, hàng trăm câu hỏi cứ hiển hiện trong đầu. Tôi muốn hỏi, muốn hỏi nhiều lắm, nhưng nỗi sợ hãi lại làm tôi không thể mở lời. Lúc này tôi vẫn chưa bình tĩnh lại được, nằm trên giường đắp mấy cái chăn mà vẫn lạnh run cả người. Toàn thân tôi gai ốc dựng đứng, nghĩ lại vẫn rùng mình. Cậu Bảo thấy vậy liền giục vú Bảy và cái Mít ra ngoài. Lúc này chỉ còn hai chúng tôi, cậu liền nắm nhẹ tay tôi rồi nói:
– Đừng nghĩ ngợi gì nữa, nằm nghỉ lát đã. Một lúc nữa khi đã bình tĩnh, muốn hỏi gì thì hãy hỏi sau.
Tôi nghe cậu nói, lòng cũng bắt đầu vơi chút run sợ. Nhưng lúc này tôi mới phát hiện mặt tôi đã đẫm nước mắt. Cậu đưa tay chạm khẽ vào khoé mắt, nhẹ nhàng an ủi:
– Đừng khóc nữa, có tôi đây rồi.
Tôi gật đầu, phải rồi, có cậu Bảo đây rồi, tôi không còn sợ gì nữa, không sợ gì nữa… bên ngoài trời đã yên, gió đã lặng…
Tôi nằm một lúc rồi ngủ thiếp đi lúc nào chẳng hay. Trong giấc mơ chập chờn lại bình yên như chưa từng có gì xảy ra. Đến khi trời sáng hẳn liền bừng tỉnh, cậu Bảo cũng đã ra ngoài. Tôi không nghĩ được gì liền bật dậy mở cửa buồng, đột nhiên tôi thấy ngay gian giữa bà cả đang ngồi. Mắt bà đỏ hoe cả lên, vú Bảy bên cạnh vừa đốt hương vừa nói:
– Cũng ba năm rồi mà sao mợ Dung còn mơ thấy?
Vú Bảy nói đến đây đột nhiên bà cả bật khóc thành tiếng đáp lại:
– Cầu siêu rồi mà chưa siêu thoát được. Năm đó tôi bảo rồi mà, chắc chắn nó chết oan tại sao không một ai tin tôi? Hôm nay đúng ngày giỗ ba năm tự dưng con Dung mơ thấy, còn ra tận ao nằm, không chết oan thì là gì nữa đây. Dù cho mọi người có quên hết ngày này thì tôi cũng không bao giờ quên nổi, không bao giờ tôi quên.
– Tôi cũng nghĩ có uẩn khúc gì ở đây, mà nếu đứa trẻ chết oan sẽ rất thiêng. Nhưng mợ Dung bảo ngoài cậu ra còn có nhiều bào thai lắm. Có khi nào đó là bào thai của bà Bích hay không?
– Bào thai?
– Dạ vâng.
Bà cả bỗng loạng choạng đứng dậy vừa hay nhìn thấy tôi nép ngoài cửa. Thế nhưng bà không nói gì đi vội về buồng. Tại sao khi nhắc đến bào thai bà cả lại có thái độ kinh ngạc như vậy? Tôi không còn kìm được nữa, chạy đi tìm cậu Bảo. Tìm mãi mới thấy cậu đang ở ngoài ao, sau giấc mơ đêm qua tôi sợ cái ao này lắm rồi, nhưng tôi cũng không thể trốn tránh mãi nên đánh men theo đường mà ra. Cậu Bảo đứng dưới rìa ao, chắp hai tay lại đằng sau vẻ mặt trầm tư xa xăm nhìn ra mặt nước mênh mông. Tôi sợ làm kinh động cậu nên nhỏ nhẹ gọi:
– Cậu Bảo.
Nghe giọng tôi cậu liền quay lại, tôi đứng lại gần, vừa nói vừa sởn hết gai ốc trên người:
– Đứa bé trai tôi hay mơ, có phải là em trai cậu không?
– Ừ. Sao cô biết?
– Ban nãy tôi thấy bu nói chuyện với vú Bảy nên lờ mờ đoán ra. Năm ấy sao em cậu lại mất?
– Bị đuối nước.
– Dưới ao này luôn sao cậu? Nếu theo giấc mơ của tôi cậu ấy mất chỉ độ ba tuổi. Chẳng lẽ người nhà, gia nô nhiều như vậy không ai trông cậu ấy sao?
Cậu Bảo cười đau khổ đáp lại:
– Hôm ấy nhà tôi có giỗ, mọi người ai cũng tất bật làm việc. Em tôi lúc đó cũng vừa tròn được bốn tuổi chứ không phải ba tuổi nữa đâu, cái Chi thì lên chín mà hai đứa rất thích chơi với nhau nên bu cái Chi mới giục Chi dẫn em tôi đi chơi để bà ta cùng bu tôi nấu nướng. Bà Bích năm ấy mới được lấy về, bụng mang dạ chửa nên tất cả mọi công việc trong nhà đều do bu tôi với bà Hiền cùng nhau làm. Cũng không biết cái Chi dẫn em tôi đi đâu, khi cả nhà bắt đầu dọn mâm lên ăn tìm mãi không thấy hai đứa về. Bu tôi mới giục cái Mít chạy đi tìm, một lúc sau thấy cái Mít hốt hoảng về nói cái Chi cùng em tôi rơi xuống ao. Nghe xong tin đó đám gia nô chạy ra ao hết. Có điều chỉ cứu được cái Chi, còn em tôi chết từ bao giờ rồi.
Tôi nghe xong, tai cũng như ù đi. Một nỗi sợ hãi chạy dọc sống lưng.
– Vậy khi đó cái Chi nói gì không?
– Nó cũng bị hoảng loạn nên không nhớ được gì, đến mãi mấy ngay sau nó bình tĩnh lại mới nói khi nó và em tôi đang chơi ở rìa ao bỗng dưng bị ai đó đẩy xuống dưới. Cái Chi nó lớn hơn, may mắn bám được vào phiến đá nhưng không leo lên nổi chỉ ngóc được đầu qua nước còn em tôi bị chìm nghỉm xuống dưới. Có điều cái Chi bám được một lúc không còn sức nữa cũng phải buông. Đúng lúc đó thì gia nô đi tìm cứu được, còn em tôi thì ra đi vĩnh viễn. Sau đợt đó cái Chi đêm nào cũng kêu gào hoảng loạn, có vẻ như rất sợ hãi. Chỉ đáng tiếc nó không nhớ ra nổi người đẩy nó là ai. Bu tôi sau cái chết của em tôi thì sốc nặng nề, bu tôi cứ một mực khẳng định có người hại em. Vì năm ấy bà Bích mới về, lúc nhà làm giỗ bà ta có đi ra cổng hình như ai đó gặp. Chính vì vậy bu tôi luôn khẳng định rằng bà ta là người hại em tôi với cái Chi. Lúc tang em tôi bu tôi không giữ được bình tĩnh lao xuống đánh nhau với bà ta. Độ ba bốn hôm sau bà ta sẩy thai, bà ta lại đổ cho bu tôi. Việc bà ta hại em tôi bu tôi không có tang chứng vật chứng, nhưng việc bà ta đổ cho bu tôi hại bà ta sẩy thai thì lại có, bởi vì bà ta tìm được trên buồng bu tôi có hồng hoa và mẫu đơn bì là hai chất có gây sẩy thai, sinh non. Khi ấy bu tôi cũng chẳng thiết sống nên cũng không giải thích lấy một lời, cả ngày ngồi ở buồng khóc lóc rũ rượi mặc cho bà Bích đổ oan. Thầy tôi không phạt bu, cũng chẳng phạt bà Bích vì cho rằng tâm lý của hai người mất con đều đau khổ nên cho qua vụ đó. Thời gian ấy quả thực giống như địa ngục, cùng một lúc một bào thai chết, một đứa bé chết ai cũng nói nhà tôi có điềm. Mà cái điềm ấy bu tôi bảo bắt nguồn từ việc thầy tôi đi rước kẻ phản chủ về nhà. Sau này thầy tôi có mời thầy bói về để cầu siêu cho hai đứa nhỏ, bu tôi còn ngỡ chúng nó siêu thoát rồi, ai ngờ cô lại mơ thấy.
Tôi nghe xong, toàn thân lạnh như bị dội nước. Hai đứa nhỏ vốn dĩ không có tội tình gì, cuối cùng lại chết oan nghiệt như vậy. Không hiểu sao mắt tôi cũng cay xè, rốt cuộc ai là người hại chết em cậu Bảo? Ai là người khiến bà ba sẩy thai? Chẳng lẽ hai người tự hại nhau? Thế nhưng nếu hại nhau, những vong hồn thai nhi, và cả đứa bé kia tại sao lại cùng tụ họp dưới ao kêu oan?
– Cậu Bảo, chắc chắn chuyện này có uẩn khúc khác, tôi nghĩ không đơn giản như vậy đâu. Cậu nói thầy từng mời thầy bói đến cầu siêu, nếu đã cầu siêu mà không siêu thoát nổi tôi nghĩ nỗi oan này xem chừng rất lớn. Vả lại, tại sao những bào thai kia lại quanh quẩn ở đây?
– Cái này tôi cũng thực sự không biết, em tôi đúng là chết dưới ao nhưng xác đã được mang lên và đi chôn ở ngoài đồng. Còn mấy bào thai của bà Bích thì được chôn ngay dưới chân cô đang đứng.
Tôi nghe cậu Bảo nói xong hoảng hốt nhảy lên ôm chầm lấy cậu. Trời ơi, sao lại chôn xác thai nhi dưới gốc đa cơ chứ? Tôi rùng mình sợ hãi thực sự, những ngày trước còn ra đây ngồi hóng mát giờ nghĩ thôi cũng không dám. Cậu Bảo thấy vậy đẩy tôi ra rồi nói:
– Trông thế này mà nhát chết nhỉ?
– Nhát chứ, tôi nói thật, tôi không biết bơi, đã vậy còn sợ ma, giờ ở ao này xuất hiện vong hồn, không sợ mới lạ. Mà sao lại chôn xác thai nhi ở đây hở cậu?
– Không biết bà Bích nghe ai mà nằng nặc đòi chôn dưới gốc đa. Với lại tục làng thai nhi chết không được mang ra đồng nên thầy tôi đồng ý cho bà chôn dưới này.
– Vậy cậu nghĩ liệu bà ba có phải người hại em cậu không?
– Thực lòng tôi cũng không thể nào biết được. Không có chứng cớ gì, chỉ có lời cái Chi nói, mà nó lúc nói thế nọ, lúc nói thế kia nên tôi không biết tin vào lời nào. Có lúc nó bảo nó và em tôi tự rơi xuống, có lúc lại bảo có người đẩy, sau này mỗi lần hỏi lại nó đều hoảng loạn khóc lóc. Tôi nghĩ con bé bị chấn động tâm lý từ hồi ấy.
Bảo sao mỗi lần ra ao cái Chi đều đi sát theo cái Yến. Trước kia không để ý chi tiết này, giờ mới biết hoá ra nó sợ hãi. Chuyện mơ mộng vốn dĩ ban đầu nghĩ chỉ là cơn ác mộng, vậy mà đằng sau lại là một sự thật kinh hoàng đến vậy. Nếu những vong hồn kia đã tìm đến tôi, ắt hẳn là muốn tôi điều tra chuyện này. Tôi cúi xuống miệng lẩm bẩm khấn “Nếu các em có linh thiêng thì đưa đường dẫn lối cho chị, đừng doạ chị là được”. Cậu Bảo nghe tôi lẩm bẩm thì chau mày nói:
– Khấn vái cũng không biết đường mà khấn vái nữa.
– Tôi người trần mắt thịt cũng có phải thầy bói, cô đồng gì đâu mà khấn dẻo được. Nhưng việc này tôi sẽ phải điều tra, cậu giúp tôi với nhé. Không dưng mà tôi lại mơ vậy đâu, chắc chắn là tôi hợp vía chúng nó mới tìm đến tôi. Dù sao cũng chết oan khuất, nếu không tìm được ra nguyên nhân e rằng chúng nó sẽ không bao giờ siêu thoát nổi mà làm người được.
– Điều tra kiểu gì bây giờ?
– Sự việc bắt nguồn từ đâu thì điều tra từ đó trước.
– Được. Cô muốn làm gì cứ làm. Tôi sẽ giúp cô. Mà này, hết giận tôi rồi à?
– Giận gì?
– Ai biết? Tự dưng hôm về nhà ngoại cô cứ xa lánh lạnh lùng với tôi.
Tôi nhìn cậu Bảo, thực lòng thì cũng buồn xíu xiu khi biết trước kia cậu thích chị Hạnh. Nhưng thôi, việc đó để sau giận tiếp, giờ cần cậu giúp trước đã. Tôi với cậu men theo con đường quen thuộc về nhà, trước tôi còn đi cách xa cậu mấy bước nhưng giờ bám chặt không buông. Tôi thề là từ nhỏ tới giờ chưa bao giờ mơ mộng kiểu này nên sợ lắm. Ngày xưa ở nhà, chị Hạnh có lần đi lên nghĩa địa bị ma trêu, tôi còn nghĩ chị nói phét ai dè lúc này mới biết ma quỷ là có thật.
Khi về đến nơi bà cả đang nằm ở buồng khóc rưng rức. Sau vụ tôi giải oan cho bà vụ bùa yểm bà đã không còn cay nghiệt với tôi nữa rồi. Tự dưng tôi thấy bóng bà cô đơn vô cùng. Một người mẹ mất con, bị người mình nuôi phản bội, đã vậy còn phải san sẻ cùng ông Lý chăm lo cho cơ ngơi này, tôi nghĩ bà có rất nhiều điều u uất trong lòng. Vụ này nhất định tôi phải điều tra rõ, đúng sai thế nào cũng cần một đáp án để cho những vong hồn kia được thanh thản mà siêu thoát. Cậu Bảo đẩy cửa buồng bà bước vào, tôi thì trở về buồng ngồi đợi. Một lúc lâu sau cậu mới ra ngoài về buồng tôi nói:
– Tôi nói với hết với bu rồi.
– Bu đồng ý chứ?
– Bu bảo hai đứa bay muốn làm gì thì làm. Nhưng có vẻ bu không hy vọng gì ở tôi với cô. Vả lại bu sợ thầy không đồng ý.
Cũng đúng thôi, mấy năm trôi qua rồi, giờ cũng khó mà tìm được lại chứng cứ. Ông Lý có lẽ sợ đám gia nô bán tán ra vào nên mới không đồng ý. Mà nếu ông không đồng ý, tôi với cậu Bảo cũng chẳng thể làm gì được.
Đêm hôm ấy, khi tôi đang nằm bỗng dưng nghe tiếng nhốn nháo ngoài sân liền bật dậy mở cửa ra. Vừa ra đến sân đã thấy một luồng khí buốt lạnh phả thẳng vào người. Còn chưa kịp kiểu chuyện gì, lại thấy đám cây trước nhà rung lên liên hồi rồi có tiếng khóc ai oán cất lên rồi một tiếng lanh lảnh gào rú giữa đêm tịch mịch:
– Trả mạng cho ta, trả mạng cho ta.
Tiếng khóc vang vang, vọng vọng như từ một cõi xa xăm đi lên. Lúc này chân tay tôi cũng lạnh buốt, ánh trăng trên trời hôm nay không mờ đục mà rõ vành vạnh. Bỗng dưng ngay trên đám cây một bóng sương trắng lúc ảo lúc thật. Tôi kinh hãi day lại trán thì không còn thấy nữa thế nhưng theo phản xạ vẫn lùi lại. Đám gia nô run sợ bàn tán:
– Có ma, có ma, có ma đến đòi mạng.
Lúc này ở ngoài sân ông Lý, bà cả, bà hai lẫn cái Yến, Chi, cậu Thành cũng đều bước ra. Chỉ có mình bà ba bị cấm túc nên vẫn ngồi ở trong buồng. Tôi đứng nép vào vú Bảy quan sát sắc mặt từng người. Ai ai cũng xanh lè xanh lẹt run rẩy sợ hãi, có tiếng hú lên của gió, một lớp bụi cũng theo đó mà cuộn lên từng đợt. Chợt buồng bà ba cũng mở ra, ông Lý không nói gì, để mặc bà chạy ra ngoài hốt hoảng dựa nép vào lòng ông kêu lên:
– Thầy nó có chuyện gì vậy? Em em sợ quá. Thầy nó đừng trách em vì tự ý ra ngoài nha nha.
Không hiểu sao từ cái ngày phát hiện ra bà ta là kẻ phản chủ tôi cứ thấy coi thường nên hành động vừa rồi làm tôi không vừa mắt. Vậy mà ông Lý dường như quên mất chuyện cấm túc bà ta, khẽ ôm lấy dỗ dành:
– Bu nó về buồng đi, bụng mang dạ chửa chạy ra đây làm gì?
– Em sợ lắm, em vừa nghe tiếng ai đòi trả lại mạng.
– Sợ thì ra đây làm gì?
– Ra có thầy nó ở đây em bớt sợ hơn.
Bà ta vừa nói xong thì một tiếng rú lớn lại cất lên, sau đó là tiếng trẻ con khóc oe oe. Không biết tiếng khóc phát ra từ đâu, chỉ nghe vang vọng như từ cõi âm đi lên.
– Trả mạng cho ta, trả mạng cho ta. Sao lại gϊếŧ ta.
Con Mít thấy vậy khẽ nói:
– Sao giống giọng cậu Tú quá bà ơi.
Bà cả nhìn nó, nhưng không đáp. Tiếng gào rú lại cất lên:
– Thầy Lý bu Trinh ơi, cứu con, thầy Lý bu Trinh ơi cứu con… Chị Chi ơi… cứu em… cứu em với chị Chi ơi.
Đột nhiên cái Chi đang đứng liền lảo đảo dựa vào tường, bà hai ánh mắt cũng toát lên nỗi sợ hãi tột độ.
|
Chương 13:
Tôi bất giác cong môi lên lại quan sát từng người, tiếng khóc mỗi lúc một xa dần rồi biến mất. Gió hơi lạnh, tôi khẽ kéo chiếc áo cao lên rồi quỳ xuống dưới giữa sân khóc lóc nói:
– Thầy ơi, nhà này có ma hả thầy?
Tất cả mọi người nhìn tôi kinh ngạc, tôi thấy vậy nói tiếp:
– Mấy đêm nay đêm nào con cũng mơ thấy ngoài ao có mấy đưa trẻ nhỏ kêu oan. Đến hôm nay ở đây lại xuất hiện tiếng khóc oan ức.
Vừa nói đến đây, bà hai liền quát lên:
– Nói năng tầm bậy! Mọi người ở đây bao nhiêu năm mà con dám nói nhà này có ma. Chuyện này đồn ra ngoài thì còn ra thể thống gì. Con là dâu con trong nhà mà nói như vậy được hay sao?
– Nhưng sao con lại mơ thấy, rõ ràng có một đứa bé trai ba bốn tuổi khóc lóc dưới ao, còn có rất nhiều bào thai nữa. Mà ban nãy, tiếng khóc ấy giống y hệt tiếng khóc con mơ.
Ông Lý nghe vậy sững người lại, bà ba thì ôm chặt lấy ông. Từ ban nãy chỉ có bà hai vội vàng phản bác tôi, còn ai cũng đều lắng nghe và sợ sệt. Nhất là con Chi, mặt nó lúc này đã xanh như tàu lá. Đột nhiên nó ngồi xuống hai tay ôm đầu gào khóc nức nở. Tôi thấy vậy liền chạy đến bên nó nói nhỏ:
– Chi, sao em lại khóc?
Thế nhưng mới chạm vào người đã bị bà hai hất mạnh ra khiến tôi loạng choạng ngã xuống đất. Lúc này ai cũng run lẩy bẩy, và tôi cũng nhận ra trong đám người ấy có một người thái độ chẳng nhưng run sợ, còn vội vàng hấp tấp lộ ra đôi điều sơ hở. Gió vẫn rít qua từng kẽ lá, mấy cây bạch đàn trước nhà rung rinh xào xạc. Con Chi giờ đã khóc nức nở thành tiếng, Bà hai ôm nó vào lòng rồi rít lên:
– Dung, đêm hôm rồi con nói năng xằng bậy để em nó sợ sệt rồi nó khóc lóc.
Bà ta vừa nói xong tiếng khóc của đứa bé lại vang lên. Lần này không chỉ là tiếng khóc ai oán, còn là tiếng gọi tên từng người trong gia đình. Lúc này con Chi đã sợ đến tột cùng bấu lấy vai bà hai nức nở nói:
– Bu ơi, bu ơi, là Tú, là em Tú. Em Tú lại về rồi.
– Con đừng có nói linh tinh. Em mất lâu rồi, cũng được siêu thoát làm người rồi.
– Không, bu ơi, em Tú đấy. Em Tú đấy. Thầy ơi, là em Tú, là em Tú. Tiếng khóc này là của em.
– Chi, bu đã bảo con không được nói linh tinh rồi mà.
– Nhưng bu ơi… giọng này là giọng em Tú mà…
Tôi thấy vậy liền chộp luôn cơ hội rồi hỏi:
– Em Tú là ai vậy Chi?
Con Chi hoảng hốt không nói lên lời. Chỉ có cái Yến ngồi gần đó nói:
– Là con út của bu cậu Bảo, trước chơi cùng Chi ngoài ao bị đuối nước.
Ông Lý lúc này cũng run rẩy nhìn tôi. Tiếng con Chi khóc mỗi lúc một lớn hơn khiến bà hai cũng không chịu được nữa liền nói:
– Bẩm ông, chuyện này qua lâu rồi, giờ mỗi lần nhắc lại đều khiến cái Chi sợ hãi. Tôi xin phép đưa con bé về buồng để nó nghỉ ngơi.
Ông Lý thấy vậy liền xua xua tay, còn ra hiệu cho đám gia nô cũng tản cả đi. Chuyện này không phải chuyện tốt đẹp gì, bà ba cũng được con Na đưa về buồng
Lúc này ông Lý mới gọi tôi vào gian giữa nhà hỏi. Tôi tất nhiên kể lại hết mọi sự tình rồi nói:
– Bẩm thầy, con nghĩ phải có oan khuất gì em mới về tìm con như vậy.
– Con nghĩ đó là oan khuất gì?
– Con không biết nên mới mong thầy có thể cho con cơ hội để tìm ra nỗi oan cho em.
– Việc này đã lâu lắm rồi. Thầy cũng từng cho người điều tra xem kẻ đẩy em xuống ao là ai nhưng không tìm được. Cái Chi thì mỗi lần nhắc đến lại hoảng loạn không thôi. Vậy nên thầy nghĩ rất khó.
– Khó cũng phải thử xem thế nào thầy ạ. Con nghe nói trước kia thầy đã mời thầy cầu siêu đến để cầu siêu rồi, vậy thầy cầu siêu đó giờ ở đâu thầy biết không?
Ông Lý cúi đầu trầm ngâm một lúc sau mới đáp lại:
– Thưc ra, thầy cầu siêu đó là bà Hiền quen biết rồi tìm. Thầy chỉ nghe nói ông ta cầu rất giỏi nên mời về.
Bà Hiền? Tôi hơi nhếch mép, cái thái độ vội vàng ban nãy đã khiến tôi nghi ngờ. Từ vụ cây Kim, vụ yểm bùa tôi đã kinh sợ, nếu vụ này cũng dính dáng tới bà ta thì quả thực bà ta quá độc ác rồi. Sáng nay nghe cậu Bảo nói tưởng chừng người đó là bà Bích, nhưng lúc này tôi lại chuyển hết hướng nghi ngờ sang bà hai.
– Thầy có địa chỉ của thầy cầu siêu không ạ?
– Thầy không nhớ rõ, nhưng sau khi ông ta cầu siêu về độ một năm thì cứ ốm yếu mãi, sau đó nghe nói ông ta đã lên núi để sống?
– Núi nào hở thầy?
– Núi ở làng Hồ.
Tôi nghe vậy liền gật đầu nói:
– Nếu thầy cho phép, con xin được tìm ông ta để hỏi một số chuyện cho ra nhẽ được không?
– Chuyện này…
– Thầy, thầy tin con được không ạ? Thầy cũng biết chuyện này có nhiều uẩn khúc mà đúng không? Thầy chỉ cần giữ kín cho con thôi. Con biết thấy rất thương em Tú, thương bu cả. Giờ nếu con không tìm được ra cái gì, con cũng sẽ cố gắng nhờ thầy con tìm giúp một thầy cầu siêu tốt hơn để cầu cho em. Con cũng sẽ phát nguyện ăn chay một tháng để cầu cho linh hồn em siêu thoát. Nhưng giờ con mơ thế này, con nghĩ phải có khuất tất, biết đâu sẽ tìm được ra kẻ đẩy em Chi và em Tú xuống ao. Thầy thì bận rộn, giờ con với cậu Bảo sẽ thử đi tìm được không thầy.
Nghe tôi nói vậy, ông Lý không đáp nữa chỉ khẽ gật đầu. Đêm ấy ở gian giữa ông không ngủ, chỉ thấy tiếng rít thuốc lào liên tục. Tôi trở về buồng thấy buồng cậu Bảo cũng mở toang liền đi thẳng vào. Bỗng dưng tôi thấy chân cậu rớm máu như gai cào liền nói:
– Tôi đã nói cậu cẩn thận rồi mà còn để gai cào xước hết chân thế kia.
Thế nhưng cậu không để tâm lời tôi nói mà cười cười:
– Công nhận cách này của cô thông minh thật, vừa khiến cho thầy tôi đồng ý để tìm gã thầy cầu siêu, lại có thể khiến hung thủ bắt đầu lộ diện. Giờ chắc cô cũng lờ mờ đoán được ra ai đứng đằng sau rồi đúng không?
Tôi chưa muốn vội vàng đưa ra đáp án, nhưng tất nhiên trong lòng tôi cũng đang dần có những hoài nghi. Chỉ là tôi vẫn không dám tin nổi, trên đời này lại có người sẵn sàng hy sinh đứa con để đạt được mục đích của mình. Nếu như là kẻ này, quả thực bàn tay cũng nhuốm quá nhiều máu rồi.
Sáng hôm sau, tôi với cậu Bảo xách tay nải đi làng Hồ. Trời sắp Tết rồi, tôi cũng mong tìm được chân tướng sự việc trước để cho mấy đứa nhỏ được siêu thoát sớm. Thế nhưng khi tôi và cậu Bảo vừa bước chân đến cổng đột nhiên trong nhà có tiếng gào lên của bà ba. Tôi với cậu không nghĩ được gì liền chạy vội vào trong. Sớm nay ông Lý vừa chạy sang nhà thầy tôi có việc, đám gia nô cũng đi ra đồng tôm cùng cậu Thành. Nhà lúc này chỉ còn ba bà lớn cùng mấy người hầu thân cận. Khi tôi với cậu Bảo chạy đến dinh bà ba đã thấy con Na mở toang cửa nước mắt lưng tròng nói:
– Cậu mợ… cậu mợ đi gọi ông về đi. Bà ba, bà ba sẩy thai rồi.
Nó vừa nói xong, tay nải trên người tôi cũng rơi xuống. Trên hiên nhà, bà cả cũng đứng lặng như chết sững giữa tin động trời này. Tối qua còn đang yên đang lành, rốt cuộc tại sao lại sẩy thai? Bên kia dinh bà hai cũng chạy sang, cậu Bảo giục thằng Thìn không cần canh gác cổng nữa chạy sang làng Liễu đón ông Lý về. Bên trong dinh, tiếng gào khóc của bà ba mỗi lúc một lớn, tôi đứng nhìn, chỉ thấy một dòng máu đỏ thẫm chảy ướt cả đôi chân trắng muốt của bà.Tại sao ngay khi tôi và cậu Bảo định đi tìm chân tướng sự thật bà ba lại sẩy thai? Lúc này bà hai đã đến nơi, bà vừa ôm chặt bà ba vừa an ủi:
– Đừng khóc, đừng khóc nữa. Nằm lên giường đã.
Thế nhưng bà ba không nghe, hai tay bấu xuống đất rú lên, nước mắt bà chảy dọc xuống gò má trắng xanh xao. Tự dưng tôi lại thấy thương thương bà ta. Lần thứ năm sẩy thai, người phụ nữ này có đáng trách thì cũng đáng thương vạn lần. Bà cả vẫn đứng trên nhà không xuống, tôi cũng mong bà đừng xuống. Nhỡ mà bà mới đặt chân đến dinh bà ba, lại có người cố ý đổ cho bà hại bà ba sẩy thai thì xong.
Bà ba vẫn giữ tay ôm lấy bụng, rồi đột nhiên lăn đùng ra ngất. Đám gia nô đưa bà lên giường. Tôi cũng đi vào trong dinh của bà, bà hai ngồi bên cạnh nước mắt cũng lưng tròng. Một lúc sau ông Lý cũng về, ông chạy như bay từ cổng vào, kéo theo cả ông thầy làng Đỗ quen thuộc. Thầy lang Đỗ giục đám gia nô tản ra để bắt mạch cho bà ba một lúc đứng dậy nói:
– Thưa ông… không giữ được đứa bé nữa rồi.
Ông Lý gần như không tin nổi quát lớn:
– Cho chúng mày ăn với chăm sóc bà thôi mà cũng không làm được. Một lũ ăn hại vô tích sự.
Đám gia nô nghe xong sợ hãi quỳ sụp xuống, ông liền kéo cái Na dậy tức giận hỏi:
– Đang yên đang lành tại sao bà ba sẩy thai?
– Con… con không biết. Bà sáng vừa ăn sáng xong thì tự dưng đau bụng rồi xuất huyết.
– Ăn sáng? Sáng nay ai nấu đồ ăn?
– Dạ, dạ đêm qua con với bà ngủ muộn nên sáng cũng dậy muộn mà bà lại đói nên con chạy lên dinh bà cả xin bát bún về cho bà ăn. Không ngờ ăn xong bà lại bị thế này.
– Bún?
– Vâng ạ.
– Bún đâu? Còn giữ không? Mang ra đây.
– Dạ còn ạ.
Nói rồi con Na chạy một mạch ra bếp mang bát bún còn thừa lên. Ông lang Đỗ cầm lấy hít hít thử thử một hồi, sau đó khẽ quỳ xuống nói:
– Bẩm ông Lý, trong bát bún này có ngưu tất.
Ngưu tất? Đây chẳng phải là cỏ xước, một vị thuốc cấm dùng cho phụ nữ mang thai hay sao? Con Na bất chợt khóc hu hu, ông Lý nhìn nó ném mạnh bát bún xuống đất rít lên:
– Thế này là sao?
– Dạ thưa ông, con không biết. Sao có ai lại cho ngưu tất vào bún của bà cơ chứ?
– Bát bún này rốt cuộc ai đưa cho mày?
– Là mợ Dung.
Tôi nhìn con Na, còn chưa kịp nói gì ông Lý đã quay sang tôi hỏi:
– Bán bún này cũng là con đưa cho con Na?
– Vâng ạ, sáng nay thấy nó chạy lên xin, con cũng biết bình thường dinh của ai người đó tự nấu ăn. Có điều con Na nó bảo bà ba đói quá nên con múc cho nó. Nhưng con đảm bảo trong nồi bún không hề có ngưu tất. Nếu thầy không tin có thể bảo người làm mang lên đây cho thầy lang Đỗ kiểm tra.
Ông Lý nghe vậy liền sai người lên dinh bà cả, đáng tiếc rằng nồi bún đã hết sạch, con Mít đã mang nồi đi kỳ cọ từ sớm. Tôi khẽ nhắm nghiền mắt, nỗi phẫn uất lại trào dâng. Nhất định đã có kẻ giở trò. Lúc này bà cả cũng bước xuống, con Na bám lên chân ông Lý nói:
– Ông ơi, chắc chắn có người hại bà. Bình thường con nấu ăn cho bà ở đây đâu có sao.
Mẹ kiếp con ôn này, sáng nay lúc nó lên mồm miệng nó ngọt xớt bảo xin bún về ăn chứ không nói cho bà ba. Sáng ra vội vội vàng vàng không nghĩ được gì nên tôi mới đong cho. Giờ nó nói cái giọng này khác gì đổ cho tôi hại. Tôi nhìn bà ba nằm buông thõng tay trên giường, gương mặt nhợt nhạt mà tim cũng đập liên hồn. Con Na được thể gào khóc om sòm, nó đập đập lên ngực lăn ra đất nấc lên:
– Ông ơi, ông nhất định phải đòi công bằng cho bà. Không thể để cậu ở trong bụng bà chết oan như vậy. Thầy bói trước kia nói rồi mà, lần này bà ba mang thai là mang con trai, sau này tiền đồ rạng rỡ. Cậu ra đi oan nghiệt thế này thật là tội nghiệp quá ông ơi. Ối bà ơi, cậu ơi…
Ông Lý nhìn tôi hai mắt long sòng sọc đầy giận dữ, trong giây lát tôi chợt thấy toàn thân lạnh toát, run rẩy nhất thời không đứng vững. Đúng là làm ơn mắc oán, chỉ là không ngờ lại rơi vào cái bẫy hoàn hảo thế này.
|
Chương 14:
Thế nhưng cũng may khi ông Lý còn chưa đưa ra quyết định gì bà ba đã dậy. Vừa mở mắt ra bà đã nắm lấy tay thầy lang Đỗ lắp bắp hỏi:
– Con tôi… con tôi sao rồi?
– Xin lỗi bà, tôi lực bất tòng tâm không giữ được đứa bé.
– Ông nói sao? Ông nói sao?
– Bà bình tĩnh.
Thế nhưng bà ta chẳng những không bình tĩnh mà gào thét inh ỏi, gào chán chê rồi chỉ thẳng tay vào mặt bà cả nói:
– Chị hại tôi. Chính chị hại tôi.
Bà cả nhìn bà, bình thản đáp:
– Chứng cớ đâu?
– Bát bún kia là chứng cớ rồi. Lần đầu tôi sẩy thai cũng là do đống hồng hoa và mẫu đơn bì của chị, mấy lần sau chắc chắn cũng do chị, đến lần này chị hết chối cãi rồi nhé. Trả con lại cho tôi, trả con cho tôi mau lên. Chị là thứ đàn bà độc ác
Bà ba nói đến đâu, khóc tức tưởi đến đấy, bà hai ngồi bên cạnh nắm tay bà ta an ủi:
– Em mới mất con, đừng kích động.
Bà ba nghe xong chẳng những không bình tĩnh còn bật hẳn dậy. Trên người bà mặc cái áo lụa mỏng tanh quỳ sụp xuống chân ông Lý gào lên:
– Thầy nó trả con lại cho em đi, trả con lại cho em. Em đau lắm, em đau lắm. Con mình được bốn năm tháng rồi mà thầy nó, sao lại để người ta mang nó đi vậy cơ chứ
Hai hàng nước mắt bà rơi lã chã, tôi cũng xót thương thay cho bà ta. Nhưng lúc này trước hết tôi phải xót thương cho mình trước đã. Ông Lý dìu bà lên giường an ủi mấy câu rồi ra lệnh cho tất cả mọi người ra sân. Con Na vừa khóc vừa kể lể bà vốn dĩ không sao, ăn mỗi bát bún lại sẩy thai. Đến khi ra ngoài hết, ông Lý mới quay sang tôi hỏi:
– Dung, con nói đi, có phải con cho ngưu tất vào bát bún của bu Bích?
– Bẩm thầy, con với bu Bích trước nay không thù không oán. Con cho ngưu tất vào làm gì.
Tôi vừa nói xong, bà hai liền đớp lời:
– Con không thù không oán nhưng biết đâu có người thù oán lợi dụng con thì sao.
Bà cả thấy vậy định nói nhưng tôi đã vội đáp:
– Bu có gì cứ nói thẳng ra, ai thù oán với bu Bích?
Bà hai nghe tôi nói thì cười nhạt:
– Ai thì trong lòng mọi người đều biết.
Càng ngày bà ta càng lộ ra cái bản chất mưu mô xảo quyệt, một lời nói đầy hàm ý sâu xa nhưng người nghe cũng hiểu được bà đang nói gì. Tôi nhìn bà ta gật gù đáp:
– Con thực lòng không biết người bu nhắc đến là ai, nhưng theo con biết ở nhà này người am hiểu về các loại thuốc, và cũng có nhiều thuốc quý nhất chính là bu.
Bà ta nghe xong, bất chợt để lộ sự kinh ngạc thế nhưng rất nhanh chóng bình thản nói:
– Nhiều loại thuốc thì cũng để chữa bệnh cho mọi người. Bu với bu Bích chị em nghĩa nặng tình thâm, chẳng việc gì phải ra tay hại. Mà bu có hại khác gì lạy ông tôi ở bụi này đâu cơ chứ? Vả lại cả tháng nay trời hanh khô hạn, bu không ra đến ngoài mà ngưu tất cũng hiếm nên chắc chắn bu không có liên quan.
– Con có nói bu hại bu Bích đâu mà sao bu phải vội thanh minh như vậy? Hay bu có tật nên giật mình?
– Dung, con!!
Tôi nói đến đây, bất chợt thấy cậu Thành nhìn tôi chằm chằm rồi đôi môi cong lên. Rõ ràng cậu ta đang cười, cái nét cười đầy sảng khoái chứ không phải châm chọc, coi thường. Tôi hơi ngạc nhiên, sao bu cậu bị tôi nói như vậy cậu lại cười được cơ chứ? Thế nhưng lúc này tôi không quan tâm nữa quay sang ông Lý phân bua:
– Thầy, giờ nồi bún cũng hết sạch, con cũng không có cách gì chứng mình rằng nồi bún không có ngưu tất, nhưng cũng chẳng có cách gì chứng minh nồi bún có ngưu tất. Dựa vào bát bún kia để luận tội e rằng không được minh bạch lắm. Biết đâu có người dùng chiêu trò đổ oan cho con thì sao?
Ông Lý vắt tay lên trán, vẻ mặt lộ rõ cả đau khổ lẫn đăm chiêu, con Na cùng lúc đó khóc lóc nói:
– Hôm nay con lên bê bún về đưa luôn cho bà ba ăn. Con còn chẳng la cà ở đâu, làm sao có chuyện người khác dùng chiêu trò cho ngưu tất vào chứ ông? Ông làm ơn làm phước đứng ra soi xét cho bà với.
– Phải đấy, cái Na theo hầu em Bích từ lúc mới về đây, nó cẩn thận lắm chứ đâu phải kiểu người tay chân vụng về gì đâu. Na, mày nói xem ngoài ăn bát bún đó bà Bích còn ăn gì không? – Bà hai cất tiếng hỏi
– Dạ không thưa bà, đến nước còn chưa kịp uống. Bà ơi, ông ơi, bát bún có vấn đề đến thầy lang cũng đã nói, ông xem xét thế nào đừng để bà Bích mất đứa bé một cách vô lý, oan uổng như vậy. Khổ thân bà lắm ông ơi.
Nghe con Na nói, tự dưng tôi mới như bừng tỉnh. Lần trước bà ba động thai, nó cũng là người đầu tiên kêu ông Lý về rồi chạy sang dinh gọi bà hai, lần này cũng vậy. Nhà này quả thực am hiểu các loại thuốc nhất chính là bà hai. Có hai trường hợp có thể xảy ra, trường hợp thứ nhất bà cả vì thù oán mà khiến bà ba sẩy thai, bà cả hận bà ba là điều đương nhiên. Ngoài lý do vì phản chủ, bà còn nghi bà ba là người hại chết cậu Tú vậy nên việc bà cả dùng thuốc khiến bà ba sẩy thai thoạt nghe đúng là hợp lý vô cùng. Hai người đàn bà thù hận ghét bỏ nhau, nếu một trong hai người bị hại tất mọi người sẽ nghĩ đến người còn lại là thủ phạm. Có điều, lý do này dù có hiển hiện trong đầu tôi vẫn cứ cảm thấy không đúng. Trường hợp thứ hai, người hại bà ba là bà hai, nếu bà hai hại bà ba, tất nhiên mọi người vẫn nghĩ đó là do bà cả làm, mà nếu bà hại bà cả, thì mọi người cũng lại cho rằng do bà ba làm. Bà hai đứng giữa, không cần làm gì, chỉ cần thiện lương uống tách trà xem đấu đá nhưng người được lợi nhất lại chính là bà. Nhất là lúc này đây, khi con Na và bà hai kẻ tung người hứng tôi càng có lý do để nghiêng về trường hợp thứ hai hơn. Huống hồ đêm qua tôi không ngủ vì nghĩ đến việc sáng nay đi làng Hồ nên sáng sớm dậy chính tay tôi tự nấu món bún tôm khô. Lúc múc ra cũng là tôi không một ai nhúng tay vào, bà cả khi ấy còn đang ngồi trên buồng đọc sách, vậy nên khả năng thứ nhất khó có thể xảy ra. Con Na không đi la cà, nhưng về đến dinh nó cho gì vào bún ai có thể biết? Tôi tự dưng lại nghĩ, có khi nào con này chính là tay sai của bà hai không? Chẳng phải về đây bà Bích với bà hai đã thân nhau việc bà hai gài con Na vào cũng là điều dễ hiểu mà. Tôi ngẫm lại một hồi rồi nói:
– Thầy, việc này cần điều tra rõ. Không dưng ngưu tất từ trên trời rơi xuống bát bún được.
Bà hai thấy vậy thì cười đáp:
– Tất nhiên làm gì có chuyện tự dưng ngưu tất ở trong bát bún. Nếu không có kẻ nhúng tay làm sao mà có được. Giờ muốn biết ngưu tất từ đâu thì cứ lục soát hết các dinh đi.
Tôi lén nhìn sắc mặt bà cả, xem chừng bà rất bình tĩnh, có lẽ chỗ bà cũng không có ngưu tất. Đám gia nô bắt đầu lục soát, bà cả khoanh hai tay trước ngực điệu bộ mỉa mai:
– Chị em nghĩa nặng tình thâm mà em sẩy thai chẳng thấy vẻ đau thương lại vội vàng tìm hung thủ. Tôi cũng nghi ngờ cái tình thâm của hai người thật.
Bà hai chẳng nao núng đáp lại:
– Không phải cứ khóc lóc mới là thương. Đôi khi tìm ra thủ phạm để đứa bé trong bụng ra đi không oan ức mới chính là thương. Mất cũng đã mất rồi, đau thì để trong lòng.
Bà vừa nói xong đột nhiên thằng Thìn cũng chạy ra cầm một túi nhỏ hét lên:
– Ông, con tìm thấy ngưu tất trên dinh bà cả.
Tôi nhìn thằng Thìn, há hốc mồm kinh ngạc. Ông Lý cũng không tin nổi, chỉ có mình bà hai thì bình thản như biết trước mọi việc. Bà cả nhìn thằng Thìn rít lên:
– Mày đừng có vu oan giá hoạ cho bà. Buồng của bà không bao giờ chứa ngưu tất, can tất hay bất cứ loại thuốc nào.
– Dạ, con không vu oan, cái này con với thằng Sửu tìm được ở buồng con Mít.
Con Mít? Trời đất ơi, tôi thực không dám nghĩ đến tình huống này. Ở dưới dinh bà hai bà ba lục soát xong đều không có gì. Thằng Thìn lôi con Mít ra, đêm qua vú Bảy về quê bốc mộ nên nó ngủ một mình. Bà cả nhìn nó hỏi lại:
– Mít, mày lấy đống cỏ xước (ngưu tất) này ở đâu ra?
– Dạ… sáng nay ngủ dậy con thấy ở cửa buồng con, con tưởng của bà nên cất đi. Lúc sáng bà đọc sách nên con không dám làm phiền, định chiều đưa cho bà xem.
Bà cả nhìn con Mít, tôi thoáng thấy ánh mắt bà lộ rõ sự bất lực xen lẫn thảng thốt. Phải rồi, bà đâu ngu mà làm xong không biết phi tang vật chứng. Tôi lúc này càng khẳng định chuyện này không phải do bà cả gây ra. Nếu bà cả gây ra, kế hoạch gì mà lộ đầy sơ hở như vậy, buồng con Mít có ngưu tất, tất nhiên ông Lý sẽ nghĩ ngay đến bà cả. Đêm qua vú Bảy về nhà, sểnh vú ra là con Mít bị người ta lợi dụng luôn. Mà cái điệu bộ vội vàng muốn tìm ra hung thủ của bà hai càng làm tôi thêm phần tin tưởng ở linh cảm của mình. Bà ta là người có nhiều loại thuốc nhất, đồng ý rằng mùa này hanh khô nhưng chẳng lẽ người bào chế thuốc lại không có dự trữ. Buồng bà ta một lạng ngưu tất cũng không có, mà thứ gì càng hoàn hảo lại càng khiến tôi không tin. Ông Lý lúc này cũng đã tức giận đùng đùng quát lên:
– Vậy chứng tỏ trong nồi bún có ngưu tất. Mà ngưu tất lại chỉ có trên dinh của bà. Tôi cần một lời giải thích từ bà.
Bà cả nhìn ông, lắc đầu đáp:
– Ngưu tất vì sao mà có tôi không hề biết. Cái Mít nó cũng nói rồi, nó thấy trước cửa buồng nên mang vào.
– Vậy ý bà bà không liên quan trong chuyện này. Nếu vậy thì người liên quan là con Mít và con Dung. Bún do con Dung nấu, tôi nên xử chúng nó theo gia pháp hay thế nào? Mà con Mít và con Dung có thù oán gì với Bích? Nếu không phải có người đứng ở phía sau dung túng thì chẳng lẽ chúng nó dám làm ra chuyện này.
– Ông cũng vô lý quá rồi, con Dung hay con Mít đều không liên quan. Con Mít xưa nay thật thà, nó có biết nói dối là gì? Tự dưng từ đâu xuất hiện ngưu tất trước cửa buồng nó nó không biết nên nó mới cất đi.
Bà vừa nói xong con Na cũng gào lên khóc:
– Xưa nay ai chẳng biết bà ghét bà Bích nhà con thế nào? Giờ tang chứng vật chứng đầy đủ mà bà vẫn cãi chày cãi cối. Ngưu tất ở bát bún, thầy lang cũng đã nói, tại sao bà cứ cãi. Phải rồi, bà là bà cả nên bà thích làm gì thì làm, gϊếŧ người cũng chẳng sao, bà là con quan viên kia mà, ai dám làm gì bà?
Tôi nghe mà tức thay cho bà cả, bà nhíu mày tát bốp một phát vào mặt nó rít lên:
– Mày!!! Giờ mày thích leo lên đầu tao mà ngồi luôn hả? Từ bao giờ cái nhà này lại có kiểu ở đợ mà nhảy vào mồm người khác như mày?
– Con cũng chỉ nói sự thật thôi, bà đánh con đi, đánh chết con con cũng phải nói.
Đám gia nô bắt đầu bàn tán, tôi với cậu Bảo phải giữ bà cả lại. Tình bà nóng nảy quá rồi. Con Na được thể thì gào mồm ăn vạ:
– Đấy, bà đối với người ở thế nào ai cũng biết. Bà trước nay căm hận bà ba ra sao ai cũng biết. Bà thấy bà không trẻ bằng, bà sợ người ta cướp đi gia sản nên bà muốn hại người ta không chừa một đường nào.
Bà hai thấy vậy quát con Na:
– Câm mồm.
– Con không câm, con nói sự thật.
Lúc này đám người lại náo loạn cả lên. Ông Lý nhìn bà cả rồi nói:
– Chuyện này, tôi không bênh bà được.
– Thế từ trước tới nay có chuyện gì ông bênh tôi? Mà không bênh thì ông muốn làm gì?
– Bà đọc cho tôi nghe gia quy trong nhà, hại người khác mất con sẽ phải chịu hình phạt gì?
– Đánh năm mươi trượng, đuổi đi không bao giờ được quay lại.
– Bà cũng nhớ rõ quá nhỉ?
– Tất nhiên tôi nhớ rõ rồi, còn nhớ năm nào con tôi mất, tôi chờ đến tận bây giờ vẫn chưa thấy ai bị phạt.
– Bà! Chuyện đó không chứng cứ, không có một cái gì để khẳng định. Bây giờ thế này, nếu bà xin lỗi Bích, chuyện này tôi sẽ châm chước chỉ phạt hai mươi trượng, không đuổi đi.
Bà cả ngửa mặt lên trời cười đáp:
– Tôi việc chó gì phải xin lỗi ai. Tôi không làm tôi không xin lỗi
Bà cả nói xong, bên trong dinh bà ba cũng bước ra, môi miệng bà tái nhợt, quần áo mỏng manh gào lên:
– Chị là thứ độc ác, đến cả bào thai cũng không tha. Tôi có đẻ ra cũng tranh giành miếng tài sản nào của chị mà chị làm như vậy.
Nói đến đâu bà ôm ông Lý khóc rưng rức:
– Thầy nó ơi, em chết quách đi cho rồi, sống làm gì cho tội nghiệp thân em. Mấy đứa nhỏ còn chưa kịp ra đời mà đã bị người ta hại, thầy nó ơi, em không còn thiết sống nữa.
– Kìa. Bu nó, đừng như vậy mà.
Ông Lý an ủi bà ba mấy câu liền quay sang quát lên:
– Thằng Sửu, thằng Thìn, thằng Tỵ lôi bà cả, mợ Dung với con Mít vào buồng củi cho ông.
Tôi nhìn ông Lý, còn chưa kịp nói bà cả đã đáp:
– Con Dung với con Mít có tội gì mà ông định xử cùng tôi. Ông căm hận tôi ông xử mình tôi đây này.
– Chúng nó tội cũng rõ ràng, lôi vào mau lên, ông nhất định không tha cho những kẻ khiến bà Bích sẩy thai.
Lúc này thì tôi hoảng thật sự, từ khi phát hiện ra ngưu tất buồng con Mít là tôi đã mông lung rồi. Giờ tang chứng vật chứng lần nữa rõ ràng, nếu không minh oan được, cả tôi lẫn bà cả và con Mít đều bị đánh cho nhừ đòn mất. Cậu Bảo đứng chắn trước mặt nói lớn:
– Thầy không được làm như vậy?
– Mày cút ra, không thầy cũng giam mày luôn đấy.
Tôi không còn cách nào khác, đường cùng quỳ xuống nói:
– Thầy, chuyện này bu không làm, con biết hung thủ là ai rồi.
Nói có một câu như vậy mà ai cũng há hốc mồm nhìn tôi. Bà hai chau mày định nói gì tôi đã cướp lời trước:
– Thầy, cho con năm ngày con sẽ tìm ra hung thủ. Nếu con không tìm ra, con xin chịu hình phạt gấp đôi gấp ba.
Bà hai liền cười nói:
– Con đang định bày trò gì, định kéo dài thời gian đúng không?
Tôi không thèm đáp hướng về phía ông Lý nói:
– Đúng là tang chứng vật chúng đều bất lợi cho con và bu, nhưng cũng không ai bắt tận tay day tận trán rằng con cho ngưu tất vào bún. Giờ thầy cho con cơ hội, đúng năm ngày thôi, con không làm sáng tỏ được chuyện này con nguyện chịu phạt theo hình phạt hà khắc nhất.
– Mày đừng có già mồm nữa – Bà ba rú lên.
– Bu cứ bình tĩnh, cơm không ăn thì gạo còn đó, con đã nói rồi, nếu con không tìm ra được con sẽ chịu mọi hình phạt khắc nghiệt hơn.
Ông Lý nhìn bà cả, lãnh đạm hỏi:
– Bà có đồng ý không? Tôi sẽ cho ba ngày, nếu con Dung không tìm ra được thủ phạm bà và nó sẽ chịu hình phạt gấp đôi. Nếu bà không đồng ý, giờ sẽ chịu phạt.
Tôi nhìn bà cả, trong lòng run lắm rồi, bà không đồng ý thì coi như xong, thế nhưng bà lại không hề suy nghĩ, trả lời rất nhanh:
– Tôi đồng ý.
Lúc này tim gan tôi cũng mới giãn ra được một chút. Tạm qua được một cửa.
– Thầy, nếu thầy đã cho con cơ hội được minh oan thì cũng xin thầy giúp con để con tìm ra hung thủ thực sự. Giờ con muốn cùng cậu Bảo đi hết tất cả các dinh, tất nhiên sẽ có sự giám sát của thằng Thìn thằng Tỵ và cả thầy nữa. Còn mọi người sẽ ngồi đây chờ không được ai đi đâu, không được ai giở trò gì.
– Được!
Tôi cũng không biết phải tìm manh mối từ đâu, nhưng ít nhất phải biết người biết ta trước đã. Mọi việc bắt đầu từ bát bún được cho ngưu tất, tôi cũng phải xem xem rốt cuộc ở các dinh có thứ gì giấu giếm hay không. Lúc chỉ có tôi, ông Lý, cậu Bảo, thằng Thìn, thằng Tỵ tôi quay sang ông Lý nói nhỏ:
– Thầy, sáng nay con với cậu Bảo định đi tìm thầy cầu siêu làng Hồ nhưng chưa kịp mà hôm qua con có nhờ quan viên cho người đi tìm, giờ con sợ họ đang chờ nên thầy có thể ra ngoài nói nhỏ với gia nô tin cậy được chạy đi báo, báo họ cứ đi tìm giúp con được không? Cả hai chuyện đều là chuyện gấp, con mong thầy giúp con ạ, thầy giữ bí mật đừng để lộ. Con sẽ đứng nguyên vị trí này, thầy an tâm.
Ông Lý nghe tôi nói thì đi ra ngoài, còn không quên dặn thằng Thìn thằng Tỵ trông coi vì sợ tôi giở trò. Ở nhà này, gia nô có thằng Thìn, thằng Tỵ, thằng Sửu, thằng Dần là bốn thằng tôi nhận thấy trung thành với ông Lý nhất, và chúng nó không được mua chuộc bởi bất cứ bà nào. Ông Lý đi xong liền quay lại. Khi mới bước vào dinh của bà hai tôi đã ngửi thấy mùi thuốc thoang thoảng. Phía sau nhà quả thực đủ loại thảo mộc. Tôi ngồi xuống, lấy cuốn sách ra sau đó ngồi nhặt tất cả các loại thuốc mỗi loại một ít, mỗi lần lấy đều giơ lên cho ông Lý xem và ghi chép lại tên. Quả đúng là dinh bà hai một chút ngưu tất cũng không có, tôi khẽ thở dài, không biết liệu mình có thể minh oan được không hay kéo theo mọi người cùng chịu tội. Sau khi lục soát hết dinh bà hai, chẳng có gì nghi vấn tôi liền quay về dinh bà ba, dinh của bà ba cũng không có gì đặc biệt, chỉ có rất nhiều loại phấn son, vài lọ tinh dầu thơm và rất nhiều quần áo. Bà ba đúng mẫu người thích hưởng thụ, quần áo mỹ phẩm bạt ngàn. Tôi đứng chọc lấy ít phấn son cho ra điều nguy hiểm rồi cũng ghi chép lại, mấy lọ tinh dầu cũng được chắt ra mấy lọ nhỏ sau đó tôi cho toàn bộ vào một túi nhỏ cất đi rồi lên dinh bà cả, thằng Thìn thằng Tỵ nhìn đống mỹ phẩm ngán ngẩm nói “Bà ba cũng hoang phí thật, chẳng biết tiền đâu mà cả ngày nhờ ba hai mua mỹ phẩm cho, đàn bà có chồng rồi mà suốt ngày son son phấn phấn”. Tôi nhìn chúng nó, đúng là đàn ông làm sao mà suy nghĩ thấu đáo được đây, nhưng thôi, đẹp đẽ gì cũng kệ, trước hết phải sống đã. Trên dinh bà cả chả có gì ngoài sách, sau khi kiểm tra hết tất cả mọi dinh tôi mới ra ngoài và giục mọi người ai về nhà nấy.
Ông Lý nhìn tôi rồi hỏi:
– Con đã tìm được gì bất thường chưa?
Thú thực, tôi chả tìm được cái gì, nhưng để tỏ ra nguy hiểm vẫn đáp lại:
– Con nghĩ là sắp tìm được rồi.
Bà hai nghe vậy, mặt hơi tái đi rồi vội vàng đi về buồng. Tôi thở dài lên buồng cậu Bảo lôi đống thuốc ra. Y thuật tôi chỉ biết đôi chút, mà dinh bà hai không có ngưu tất, xem chừng khó mà tìm được ra điều gì bất thường.
Tôi ngồi cạnh cậu Bảo một hồi rất lâu sau đó nói:
– Cậu biết thầy lang nào nổi tiếng không? Tôi muốn biết một ít công dụng của đống thuốc này.
– Ông thầy lang hay đến khám cho nhà mình sao cô không hỏi?
Ông ta ư? Không hiểu sao chứ tôi lại không có sự tin tưởng ở ông ta nhất là khi con Na từng nói ông ta là thầy lang tốt nhất do bà hai mời đến. Những gì dính dáng đến bà hai tôi liệt vào danh sách nghi vấn hết. Cậu Bảo thấy tôi không đáp thì nói:
– Có thầy lang ở phố huyện ông ngoại tôi rất thân.
– Vậy cậu nhờ ông cậu mời về đi.
– Mời thì cũng mai ông ấy mới đến nơi được.
– Không sao, chúng ta có ba ngày mà, vội vàng quá tất hỏng hết.
– Được.
Cả ngày hôm ấy tôi với cậu bảo sờ sờ mò mò đống thuốc. Đến tôi ăn cơm xong lại xem xét, thế nhưng đống thuốc như đống củi khô nằm chình ình ở đó vẫn chả khiến tôi thấy. Tối hôm ấy quả thực tôi ngủ không ngon, ôm đống thuốc trong lòng mà cứ lo lắng sợ sệt. Một ngày trôi qua nhanh quá đi thôi. Sáng hôm sau tỉnh dậy đã thấy cậu Bảo gọi dậy rồi nói:
– Có muốn đến nhà ông ngoại tôi không? Thầy lang đến rồi.
Tôi gật đầu, uể oải ngồi dậy, đột nhiên hậu đậu thế nào mà rơi cả lọ tinh dầu nhỏ được chiết ra. Mùi tinh dầu thơm thoang thoảng bốc lên khiến tôi dễ chịu vô cùng. Tôi cúi xuống tiếc rẻ vô cùng, đột nhiên người tôi bỗng run lên bần bật. Mùi tinh dầu này rất giống một loại gỗ mà hôm qua tôi tìm thấy ở dinh bà hai. Tôi mở thuốc ra, quả thực là giống liền mở thêm cả mấy hộp phấn son, trong đống mỹ phẫm đều có một mùi y hệt nhau. Lúc này tôi như vớ được vàng, đạy chặt rồi kéo tay cậu Bảo chạy qua nhà quan viên. Vừa hay tôi gặp quan viên cùng thầy lang trên huyện đang ngồi nói chuyện. Tôi liền quỳ xuống hành lễ sau đó gấp gáp đưa cho thầy miếng gỗ trong túi rồi nói:
– Bẩm thầy lang, cho con xin phép hỏi gỗ này là vị thuốc gì ạ?
Thầy lang cầm lên, xem xét một hồi rồi đáp:
– Đây là gỗ trầm hương.
– Vậy đây là phải tinh dầu trầm hương không thầy? – tôi đưa lọ tinh dầu được chiết ra.
– Đúng rồi, chính là tinh dầu trầm hương.
– Trong mấy cây son và phần này cũng sử dụng trầm hương đúng không thầy?
– Đúng vậy.
– Cho con hỏi trầm hương có tác dụng gì ạ?
– Trầm hương là cây gỗ quý, có tác dụng xua đuổi tà ma, làm đẹp da, sáng mắt..
– Dạ bẩm thầy, nó có tác dụng gì với phụ nữ có thai ạ?
– Trầm hương rất tốt, nhưng lại không tốt với phụ nữ mang thai, phụ nữ mang thai thường xuyên hít mùi trầm hương sẽ dẫn đến sẩy thai, sinh non…
Tôi nghe xong, run rẩy lảo đảo bám vào ghế, một cảm giác hỗn độn trào lên.
|
Chương 15:
Lúc này tôi biết mình đã được sống, chỉ có điều bí mậy tôi tìm được lại kinh hoàng đến vậy. Quan viên nhìn thái độ tôi liền hỏi:
– Có chuyện gì vậy, hai đứa chúng bay cả ngày tỏ ra mờ mờ ám ám, bu chúng bay có vấn đề gì à?
Chuyện này không nên kinh động đến quan, tôi còn giải quyết được thì không muốn quan phải suy nghĩ. Cậu Bảo hình như hiểu ý liền nói:
– Ông ngoại, ông còn nhiều công vụ cần giải quyết ông cứ đi đi. Bu con bắt vợ con phải học thêm y thuật nên mới nhờ ông mời thầy lang về thôi.
– Vậy còn chuyện đi tìm người ở làng Hồ, bu mày nữa, lớn đầu rồi mà toàn làm mấy chuyện không đâu khiến ông lo lắng.
– Dạ, nhà con phức tạp ông cũng biết mà, thôi ông cứ đi công vụ đi, con để vợ học tý y thuật, vợ con ngốc nghếch, lại xấu xí, cho học y thuật sau này nhỡ mà bị đuổi đi cũng có cái nghề kiếm ăn.
– Cái thằng này nói năng vậy đấy, con ông đồ Đạt làm gì có ai ngốc. Thôi ông đi lên quan huyện giải quyết công vụ. Thầy ở đây có gì chỉ bảo chúng nó nhé.
– Được, ông cứ đi đi.
Đợi quan đi khuất, tôi mới ngồi xuống từ từ nói:
– Bẩm thầy, con nghe nói ngưu tất cũng gây sẩy thai đúng không ạ?
– Đúng vậy.
– Vậy dùng với một lượng bao nhiêu sẽ gây sẩy ạ?
– Thực ra kể cả trầm hương hay ngưu tất cũng phải dùng một lượng tương đối mới gây sẩy thai được. Giả dụ như trầm hương, hít lâu ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến thai nhi, gây co bóp đáy huyệŧ tống thai ra ngoài.
Tôi nhìn cậu Bảo run lắp bắp nói:
– Ngưu tất hôm nay dùng lượng rất ít, ngưu tất có mùi có vị, nếu dùng nhiều chắc chắn bà Bích sẽ nhận ra chứ không phải không nhận ra được. Vậy nên nó không là nguyên nhân gây sẩy thai, cậu Bảo, gã thầy lang Đỗ kia cậu cho người theo dõi đi. Dinh bà Bích mùi trầm hương như vậy mà lão ta lại không đoái hoài gì, e rằng lão ta biết mà cố tình làm ngơ. Cậu cho người điều tra cả người nhà con Na nữa, ván bài này tôi nhất định phải lật được hết.
Ông thầy lang Nguyễn nghe xong bật cười nói:
– Rốt cuộc có chuyện gì? Cô cậu cứ nói rõ ra, chứ nhà tôi với nhà quan viên tình nghĩa mấy năm, tôi nhìn là đoán được có chuyện rồi.
Tôi nghe xong trình bày lại tất tần tật từ đầu tới cuối, thầy lang Nguyễn liền đồng ý đi đến nhà ông Lý giúp tôi. Lúc này tôi với cậu Bảo cũng đi về nhà cùng thầy Nguyễn. Lúc về đến nơi, cửa dinh nhà ai người đó đóng kín mít, giờ chờ tin tức về con Na và ông thầy lang Đỗ nữa thôi. Đến chiều hôm ấy, lính bên nhà quan viên sang. Nghe hắn ta nói xong mà tôi giật mình thảng thốt. Đêm ấy tôi với cậu Bảo lại không ngủ, ông thầy lang được bố trí ngủ bên quan viên giữ sự an toàn. Biết đâu ở một nơi kia, tuy cửa có vẻ im ắng mà trong nhà lại bắt đầu lộn xộn đây nhỉ?
Sáng hôm sau khi mặt trời vừa lên ông Lý đã sai người đập cửa ầm ầm. Hôm nay là ngày cuối cùng, nếu không đưa hung thủ được ra ánh sáng thì coi như cái dinh này chết từ trên xuống dưới. Tôi uể oải dậy, ra thấy mặt bà hai tươi tỉnh lắm. Có vẻ như bà đang nghĩ “Ê con Dung kia hôm nay mày chết mẹ mày rồi” hay sao mà mà bà cười vui thế chứ nị. Tôi trông thế thôi cũng hơi bị biết quan sát nét mặt người khác đấy chứ.
Khi tất cả mọi người ra đông đủ, ông Lý liền nói:
– Dung, con đã tìm thấy hung thủ thực sự chưa?
Bà ba sau hai ngày nghỉ ngời thần sắc cũng ổn lại rồi, tuy còn bơ phờ nhưng so với ngày đầu sẩy thai thì cũng hồng hào đôi chút. Tôi đứng cạnh cậu Bảo từ tốn nói:
– Con tìm được rồi.
Bà hai nhìn tôi, nhếch mép nói:
– Con tìm được thì cũng nên có bằng chứng rõ ràng, đừng nói nhăng nói cuội rồi lại bị phạt nặng hơn đấy. Giờ con quỳ xuống xin thầy biết đâu lại được thầy châm chước tha cho.
– Dạ con xin đa tạ lòng tốt của bu nhưng tiếc là bằng chứng con một bồ luôn bu ạ.
Bà hai nhìn tôi tím mặt lại, ông Lý thì sốt sắng nói:
– Thế mau đưa bằng chứng ra đi.
Tôi gật đầu, nhìn bà ba rồi nói:
– Bẩm bu, cho con hỏi suốt thời gian bu mang bầu bu vẫn dùng tinh dầu đốt, vẫn sử dụng phấn nén và son môi đúng không?
Bà ba nhìn tôi, nhếch cái khoé môi lên đáp lại:
– Chuyện này liên quan gì đến con mà con hỏi như vậy?
– Bu cứ trả lời đi.
– Không, bu không có tý phấn son, tinh dầu nào hết.
Tôi bật cười nói:
– Thìn, Tỵ vào thử dinh bà ba tìm xem.
Chúng nó y như rằng nghe lời tôi vào tìm thử, quả đúng là không còn chút tinh dầu, phấn hương, son môi nào. Lúc này tôi thấy trên môi bà hai nở một nụ cười. Tôi nhìn bà nói tiếp:
– Bẩm thầy, hôm trước con có tìm được ở buồng bu Hiền một ít gỗ trầm hương. Theo con được biết, gỗ trầm hương rất tốt, có nhiều công dụng, nhưng nếu phụ nữ mang thai thường xuyên hít phải thì lại dễ gây sẩy thai, sinh non, nhất là hít trong thời gian dài.
Bà hai nhìn tôi, mỉa mai nói:
– Dung, con nói gì bu không hiểu? Ở trong nhà bu không hề có gỗ trầm hương, nếu không tin con có thể giục bọn thằng Thìn, thằng Tỵ vào tìm.
Tôi liền gật đầu đồng ý, đến lúc chúng nó mang lên, một chút gỗ trầm hương cũng không còn. Gỗ trầm hương không có, son phấn, mỹ phẩm cũng không. Bà hai vẻ mặt đầy đắc ý
– Dung à, bu bảo rồi, nếu con không tìm được thì quỳ xuống xin thầy tha cho. Nhưng việc đến nước này con vẫn ngoan cố, giờ thì con tự chịu đi.
Tôi nhìn bà, nhìn ông Lý đanh thép nói lớn:
– Chính bu Hiền là người hại bu Bích sẩy thai.
Đám người bên dưới dường như không tin nổi. Bà Bích thì gào lên:
– Con này ngày càng ăn nói xằng bậy. Thầy nó ơi, giờ có người lại dùng con dâu để nguỵ biện cho tội ác của mình. Con nhỏ không có tội, nhưng nó theo người ác rồi cũng học thói ác độc của người ta.
Tôi đợi bà nói hết liền lao về quệt ngang mặt bà, mùi phấn hương vẫn còn thoang thoảng, trên áo cũng còn tinh dầu trầm hương. Bà ta vì sợ xấu đến độ này vẫn trang điểm. Tôi giơ lên cho tất cả mọi người cùng thấy rồi hỏi:
– Bu bảo bu không dùng tại sao mặt bu có phấn, áo bu có mùi tinh dầu?
– Bu…
– Bu có biết tinh dầu trầm hương hít nhiều sẽ gây ra sẩy thai hay không? Phải rồi, bu làm gì biết cơ chứ nên mới để người ta lợi dụng như vậy. Hôm kia con đã xuống buồng bu, một lọ tinh dầu con cũng phải chiết làm hai, một cái đưa thầy giữ, một cái con giữ, phấn má, son môi cũng vậy. Nếu bu nói bu không dùng là bu nói dối, thầy cũng chứng kiến, thằng Thìn, thằng Tỵ cũng chứng kiến.
Bà Hiền lúc này mặt vẫn nhở nhơ lắm, tôi quay sang bà ta nói to:
– Mà gỗ trầm hương, tất cả ba dinh chỉ duy nhất dinh bu Hiền có
– Con nói bậy, dinh ta không hề có gỗ trầm hương.
– Bu đừng có vội vậy chứ, tinh dầu con chia làm hai đưa cho mọi người thì thuốc bu phơi con cũng làm y như vậy. Thầy có thể bỏ đống thuốc và tinh dầu ra cho mọi người xem khỏi nghi cho con.
Lúc này bà hai mặt bỗng tái đi, nụ cười cũng vội tắt ngấm. Ông Lý mang tất cả đồ hôm qua tôi chia ra đặt trước mặt mọi người. Khi ấy tôi mới bình tĩnh gọi thầy lang Nguyễn vào. Vừa nhìn thấy thầy lang Nguyễn ông Lý đã cúi đầu chào hỏi có vẻ như rất thân quen. Tôi đưa cho thầy lang đống thuốc ông Lý giữ cùng tinh dầu hỏi câu y hệt như hôm qua. Ông cũng trả lời giống y như vậy. Mặt bà hai lúc này cắt không còn giọt máu, bà ba thì run run vịn tay lên thành ghế. Bà Hiền lắp bắp phân bua:
– Đúng là chỗ tôi có gỗ trầm hương, nhưng gỗ đó tôi chỉ dùng để đốt thôi chứ đâu chế ra tinh dầu.
– Vậy tại sao bu lại phải vội vàng phi tang đi? Bu sợ cái gì hay sao? Nếu bu không làm gì, tại sao ban nãy cứ khăng khăng nói dưới dinh bu không có gỗ.
– Bu hoảng loạn nên nói bừa
– Ai làm gì bu mà bu hoảng loạn?
Bà ta bị hỏi đến đây thì câm như hến, tôi nhìn bà Bích hỏi lại:
– Con hỏi lại lần nữa, suốt thời gian mang thai bu có dùng tinh dầu không? Con mong bu trả lời thành thật, bởi dù bu có chối thì thầy cũng biết mà. Lúc bu mang thai, thầy chẳng ở dưới đó suốt sao.
– Bu… bu có dùng.
– Đống tinh dầu, son phấn đó đều do bu Hiền mua cho bu đúng không? Bu quanh năm ốm yếu ít ra ngoài, quần áo, mỹ phẩm đều do bu Hiền mua đúng chứ ạ?
– Đúng… đúng vậy.
Tôi lại quay sang bà hai hỏi:
– Tinh dầu trầm hương gây sẩy thai, trong phấn son cũng có tinh chất của trầm hương và đều do bu mua, giờ phút này bu còn gì giải thích không?
Bà ta thấy vậy liền quỳ xuống nói:
– Bích, chị không hề biết tinh dầu trầm hương gây sẩy thai, chỉ nghe phu nhân trên phố nói dùng để xua đuổi muỗi, bôi vào người thì cả người thơm tho sạch sẽ. Bẩm ông, tôi thực sự không rõ công dụng của nó.
– Bu nói dối! Bu là người biết y thuật mà bu lại nói không biết trầm hương gây sẩy thai. Từ ban nãy tới giờ lời bu nói quả là mâu thuẫn không ngừng. Thằng Du đâu, đưa ông lang Đỗ vào đây.
Bên ngoài, thằng Du lính của quan viên liền dẫn gã thầy lang Đỗ vào. Bà hai nhìn hắn ta, hai mắt trân trân lộ rõ sự kinh ngạc. Tôi liền nói:
– Mỗi ngày tôi xuống dinh bu Bích đều ngửi thấy mùi trầm hương thoang thoảng. Đến khi biết trầm hương gây sẩy thai thì đã luôn thắc mắc tại sao một người làm nghề y như ông lại không biết. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, không phải ông không biết mà biết nhưng không nói. Bởi đến ngay cả người biết chút y thuật như bà Hiền cũng biết trầm hương gây sẩy thai, nếu ông không biết thì quả là lạ. Giờ tôi cho ông nói thật, một là nói hết sự thật, hai là tôi sẽ mang chuyện này lên quan để giải quyết, một gã lăng băm không có y thuật mà hành nghề nghe nói cũng bị chém đầu chứ chẳng chơi đâu nhỉ? Tôi mong ông sẽ nói thật vì ông, và vì cả người nhà ông.
Ông ta nghe xong, mồ hôi túa ra như mưa đáp lại:
– Bẩm… bẩm mợ… là tất cả là do bà Hiền. Bà ta… bà ta mua chuộc tôi.
Bà hai thấy vậy đứng dậy tát mạnh một phát vào mặt gã ta nói:
– Ngươi nói dối!
– Tôi không nói dối, tôi vẫn còn bằng chứng đây.
Nói rồi hắn lôi từ trong người ra một dải trân châu lấp lánh:
– Bà Hiền ở dinh dưới ai cũng biết không có tiền bị ghẻ lạnh nhất nhưng bà ta hưởng sái của bà Bích nên cũng có chút ít vàng bạc châu báu. Lần trước bà ta đều trả bằng hiện vật, khi thì là vòng tay, khi là vòng cổ, lần này đây bà ta trả bằng dải trân châu này, tôi còn chưa kịp đem bán.
Bà ba nhìn dải trân châu trên tay gã lang Đỗ thì lắp bắp nói:
– Không… không thể nào.
Lang đỗ lại cất lời:
– Sao tôi không biết dinh bà ba có mùi trầm hương chứ, chính bà ba cũng từng nói với tôi liệu rằng dùng son phấn, trầm hương có sao không lúc đó vì tiền bạc nên tôi đã nói không sao. Nhà tôi nghèo, ba đứa con, một người vợ một người mẹ già đều trông chờ vào tiền của tôi. Tôi biết mình làm vậy trái với lương tâm nghề nghiệp nhưng tôi… tôi không còn lựa chọn nào khác.
– Không còn lựa chọn, thân hành nghề ý bốc thuốc cứu người mà ông lại làm ra trò này.
– Tôi biết tôi sai rồi, nhưng tôi thề lời tôi nói là thật. Vật chứng cũng có đây cả rồi. Tôi cũng vì lòng tham, xin tha cho tôi một con đường sống, tôi còn người nhà…
Tôi nhìn bà Hiền đang quỳ dưới sân, bình thản hỏi:
– Bu còn lời gì để nói không? Bu còn muốn nguỵ biện gì cho mình không?
Khi tôi vừa hỏi con, con Yến cũng đột nhiên quỳ xuống, khóc lóc nói:
– Bẩm ông, con còn có chuyện muốn thưa.
– Chuyện gì?
– Ngoài việc dì con hại bà ba như vậy, mua chuộc thầy lang, dì con còn có tay sai ở dinh bà ba. Không dưng mà dì ấy lại dễ dàng thực hiện trót lọt những việc này đâu.
Tôi nghe con Yến nói thì bàng hoàng, còn một quân cờ là con Na tôi chưa kịp dùng nó đã nói. Bà hai nhìn con Yến, vẻ mặt sửng sốt đến tột cùng. Nó đưa tay quệt nước mắt nói tiếp:
– Con Na là tay sai của dì con, nó trước xin ở đợ thực ra là do quen biết với dì con từ trước. Thế nhưng hai người luôn tỏ ra không quen biết nhau, con Na được phân công làm ở đợ cho bà Bích vì dinh bà cả bà hai đủ người rồi. Chính vì vậy dì con mới thực hiện trót lọt hành vi của mình. Con biết con không nên nói ra chuyện này vì dù sao dì cũng là dì con. Thế nhưng dì lại ác quá không biết điểm dừng, con đã ngàn vạn lần cầu xin dì đừng thế nữa nhưng dì không nghe, dì còn đánh con đến mức này.
Nói đến đâu nó vạch tay áo lên đấy đây, cả người nó tím tái rớm máu ai ai nhìn cũng bàng hoàng sửng sốt. Còn đâu hình tượng bà hai Bồ Tát sống, lũ gia nô cũng bắt đầu xì xào. Bà hai lúc này câm nín, có lẽ việc bị tôi vạch trần không khiến bà bàng hoàng bằng việc bị con Yến tố cáo. Cả đám người ai ai cũng xót thương cho con Yến, dù sao là cháu mà bà ta đánh như vậy cũng quá đáng thật.
Ông Lý ném mạnh chiếc cốc sứ xuống đất vỡ tan tành, gân trên mặt ông cũng giật liên hồi rít lên:
– Hiền! Bà còn gì để nói không? Tang chứng, vật chứng, cả nhân chứng cũng thế này rồi, bà còn muốn thanh minh không?
Bà ta không đáp đứng bật dậy lao về phía con Yến tát bốp vào mặt nó rồi nói:
– Mày… mày… tại sao mày dám… phản lại tao.
Đám gia nô không lường được tình huống này, lúc giữ được bà ta con Yến đã hộc cả máu mũi. Nó vừa khóc vừa nói:
– Con đã ngăn dì lại nhưng dì không nghe. Dì xem dì không nghe còn đánh con ra thế này. Giờ dì hại của người ta sẩy thai, dì còn muốn ác đến bao giờ.
Ông Lý lao đến đẩy mà hai ngã mạnh xuống đất quát lớn:
– Bà còn định làm loạn nữa hả? Chúng bay đâu trói bà hai lại cho ông, loại người này không xử không được. Mau lên, trói lại.
Con Chi thấy thế lao đến ôm bà hai cũng bị ông kéo ra, lúc này bà hai chợt ngước lên trời bật cười rất lớn. Bà ba ngồi trên ghế, đột nhiên như phát điên gào rú liên tục, chỉ có cậu Thành không kêu gào van xin tha cho bu mình, nét mặt quả thực khó đoán
***
|