Tình Chị Duyên Em
|
|
Chương 16:
Con Chi được lôi về dinh, mặc nó khóc lóc thảm thiết ông Lý vẫn sai thằng Sửu thằng Dần trói bà hai lại. Lúc này bà ba vẫn đang gào rú điên loạn rồi bất chợt phi thẳng về phía bà hai rít lên:
– Tại sao, tại sao chị lại làm thế với tôi.
Tôi còn ngỡ bà hai sẽ giải thích, sẽ van xin một con đường sống thế nhưng không, bà bình thản đáp:
– Vì mày ngu!
– Chị nói cái gì?
Ba hai ngửa cổ lên trời cười lớn:
– Thứ đàn bà ti tiện như mày đáng bị như vậy.
Câu nói của bà hai dường như đã đụng đến trúng điểm đen tối nhất của ba ba. Bà ta lao đến nắm chặt tóc vừa khóc vừa gào lên:
– Hôm nay tao sẽ gϊếŧ mày, tao sẽ gϊếŧ mày.
– Gϊếŧ tao? Tao nghĩ mày tự gϊếŧ mày trước đi. Cái loại phản chủ để lên giường với chồng người ta, về đây còn không biết an phận năm lần bảy lượt hại người ta thì đáng chết hơn cả. Nếu mày không có lòng tham thì mày cũng đâu có kết cục thế này. Là do mày ngu, mày ngu nên mày tự chịu. Một con đàn bà chỉ thích hưởng thụ, chỉ thích son phấn, đến ngay cả khi mang thai vẫn sợ bị ông ta ghẻ lạnh mà dùng trầm hương để quyến rũ thì đừng trách tao. Ha ha ha ha. Ôi chao, mày xem mày khác gì mấy con gái điếm ở lầu xanh hay không? Cũng phải nói rằng mày đâu thương xót gì mấy đứa bé trong bụng mày, nếu mày thương chúng nó, mày đã không để đến năm lần bị sẩy thai như vậy. Khóc lóc là thương sao? Là đau sao? Không! Giá như mày thông minh lên một chút, đừng cả ngày chỉ mơ mộng hão huyền rằng mày sẽ được lên làm bà cả, rằng mày sẽ được sống an nhàn cả đời rồi dùng mọi cách níu giữ nhan sắc thì mày đã không chịu kết cục thế này rồi.
– Mày… a… a… a… a
– Rú lên cái gì? Cả mày với mụ ta đều là những kẻ không ra gì. Một con đàn bà ngu xuẩn, ti tiện phản chủ, một con đàn bà kiêu ngạo, ích kỷ. Ông Lý, ở cái nhà này không ai thật lòng với ông. Chỉ có tôi, chỉ có tôi là yêu ông. Con Bích nó không hề yêu ông, nó chỉ yêu tiền của ông, con Trinh nó càng không yêu ông, nó chỉ yêu cơ ngơi này, chỉ yêu bản thân nó. Còn tôi, tôi chưa từng đòi hỏi điều gì từ ông nhưng đến ngay cả ánh mắt ông cũng không buồn danh cho tôi. Vì ai? Vì ai mà tôi thành ra như vậy?
Có lẽ bà hai biết mình không trốn thoát nổi tội danh nên lúc này không hề một chút run sợ. Chỉ có bà ba bị nói cho kinh hồn bạt vía. Đến chính bản thân tôi còn không dám tin bà hai có thể nói ra những lời như vậy. Ông Lý nhìn bà hai giáng một cái tát lên gương mặt đang ướt đẫm nước đó quát:
– Thật lòng? Thật lòng mà làm ra những trò trái luân thường đạo lý này hay sao?
– Trái luân thường đạo lý? Đối với một con đàn bà bị ghẻ lạnh thì cần gì luân thường đạo lý. Ông xem, ông chiều chuộng con Trinh, dù nó sai ngàn vạn lỗi ông luôn có cách cho nó thoát tội. Nhà này ông yêu nhất là nó, nhưng lại thương con Bích. Ông vì thấy nó tuổi trẻ mơn mởn nên thèm khát xuân thì của nó, ông thương nó, ông tìm đến nó mỗi lần giận dỗi con Trinh. Còn tôi, dù cho ông không cần hai chúng nó nữa ông đã để mắt đến tôi chưa? Ông ốm đau, tôi bốc thuốc sắc cho, tôi không lắm điều, không đòi hỏi, nhưng ông đã một lần nào để mắt không? Có nhìn thấy tôi cũng coi như không khí, tất cả cơ sự hôm nay cũng do ông mà ra. Ha ha ha.
Ông Lý nghe xong giận tím mặt, bà ba thì vẫn không buông tay, giật ra cả mảng tóc trên đầu bà hai. Chỉ có bà cả bình thản im lặng. Ông Lý cúi xuống lôi bà ba ra rồi ra lệnh cho đám gia nô:
– Đưa bà hai xuống, đánh năm mươi trượng rồi tống vào nhà hoang.
Tống vào nhà hoang? Đây chẳng phải là hình phạt nặng nề nhất hay sao? Nhà hoang rất nhỏ, diện tích chỉ cỡ bằng cái giường, chiều cao thì hơn thân người một chút, vừa bí, vừa nhỏ, lại ẩm mốc. Cậu Thành lúc này đã đi về dinh an ủi cái Chi, tôi cũng biết bà hai tội ác tày trời, thế nhưng sao là con trai bà cậu lại dửng dưng như không? Là do cậu quá bất lực với bà, hay ẩn sau đó còn một lý do sâu xa mà tôi không biết? Cái Yến ngồi bó gối ở hiên, nấc lên từng đợt, chỉ duy nhất cái Hương vẫn đang đứng, dương đôi mắt ngây thơ lên nhìn từng người, từng người một. Bà hai nhìn ông Lý rồi nói:
– Trước khi tôi chịu hình phạt, tôi muốn xin ông một thỉnh cầu.
– Nói đi.
– Đưa cái Yến cháu tôi về quê giúp tôi.
– Bà có còn gì cần nói với thằng Thành, con Chi không?
Bà hai nhìn con Chi, bật khóc tức tưởi đáp lại:
– Chi, bu xin lỗi con. Thành, con giúp bu chăm sóc cho em, con nhất định phải đỗ đạt làm quan rồi gả em cho một gia đình tử tế giúp bu.
Cậu Thành nhìn bà, định nói gì bà đã quay lưng đi. Thằng Sửu, thằng Dần lôi bà hai ra sau nhà. Lúc này cậu Thành mới khép cửa để cái Chi nằm trong đó ra sân nói:
– Thầy, dù sao cũng nhốt bu vào nhà hoang, hình phạt đấy nặng lắm rồi, cả đời bu sẽ không được ra đến ngoài, không được gặp bất cứ ai. Con xin thầy giảm nhẹ xuống chỉ đánh bu hai mươi trượng được không thầy?
– Được rồi. Con về đi, thầy nghe con. Con nói sao cho con Chi nó yên yên một chút.
– Dạ vâng.
Cái Yến thấy vậy liền nói:
– Ông, ông để con ở lại chăm sóc em Chi. Em ấy cũng còn nhỏ, dì con đã bị đưa vào nhà hoang, em Thành cũng vẫn là đàn ông không thể chăm sóc tốt được như đàn bà bọn con. Ông để con ở lại, việc dì con sai, con không có gan để xin tha thứ, chỉ xin ông cho con được thay dì chăm sóc em. Chừng nào em lớn gả đi rồi con sẽ về quê.
Ông Lý nhìn cái Yến thương cảm nói:
– Thôi được, nhưng giờ để ông bảo cái Dung gọi thầy lang Nguyễn đến xem mấy vết thương cho con đã. Con đi về dinh trước đi.
– Dạ, con đội ơn ông.
Cái Yến đi về dinh, vừa vào đến nơi tôi đã nghe tiếng con Chi gào lên:
– Chị cút đi, chị cút luôn đi.
Ông Lý lắc đầu đi ra sau nhà, bà ba lúc này cũng khóc như muốn chết đi sống lại. Bà cả bấy giờ mới lên tiếng:
– Khóc lóc cái gì? Tin tưởng nó lắm cơ mà, chị em thân thiết cơ mà? Hùa vào để định đuổi tao ra khỏi cái nhà này cơ mà.
– Tiểu thư, em xin lỗi.
– Lúc này mà mày còn dám gọi tao là tiểu thư, mày tin tao vặn cổ mày luôn không? Làm bùa yểm rồi đổ cho tao, mày nghĩ tao không biết là do nó làm hay sao? Nhưng chị em thâm tình đi nhận thay nhau, giờ sáng mắt lên chưa? Tao có ghét, có ác cũng không bao giờ đi hại một đứa trẻ chưa chào đời. Mày nên nhớ, năm ấy tao cứu mày thì không có cớ gì tao phải làm vậy với mày hết. Đáng tiếc loại mày ngu như bò, nó nói không sai đâu, ti tiện vẫn mãi là ti tiện thôi. Từ giờ biết an phận mà sống đi. Đừng hại người rồi chính là tự hại mình đấy.
Bà ba khóc tức khóc tưởi, khóc rưng rưng quỳ hai chân xuống nền đất lạnh. Hối hận giờ cũng đâu có kịp, có trách cũng trách bà phản chủ rồi lại đi mù quáng tin người. Bà cả để mặc bà ba quỳ đó bỏ lên buồng. Tôi ngó đầu vào dinh của bà hai, không biết cái Yến nói gì, một lúc sau đã không nghe được tiếng con Chi kêu gào nữa. Cái Hương, cậu Thành cũng dọn dẹp đống đổ nát ngoài sân rồi đi về. Cả một vùng trời bỗng dưng lặng yên như tờ. Chiều hôm ấy, bà hai được đưa ra căn nhà hoàng ở cuối đồi. Sau khi bị đánh hai mươi trượng bà ta cũng gần như không đi nổi. Con Chi được cậu Thành dỗ dành nên không nhìn được cảnh đó. Tôi thì tâm trạng cũng nặng trĩu xuống, nghĩ đi nghĩ lại cũng thấy vì một chữ tình mà bà hai lại ra tay ác đến như vậy. Nhưng cái khiến tôi nặng lòng hơn cả là đám lính của quan viên vẫn chưa tìm ra được lão thầy cầu siêu. Lúc này tôi dám khẳng định luôn cậu Tú là do bà hai hại, phải tìm được lão thầy cầu siêu may ra mới mong có được chân tướng, không thì ít nhất bằng cách nào đó khiến linh hồn mấy đứa trẻ được siêu thoát trước. Buổi tối hôm ấy, tôi với cậu Bảo đi ra nhà hoang. Bà hai ngồi trong đó, có một cái lỗ nhỏ đưa vừa bát cơm vào, tôi đứng bên ngoài khẽ nói:
– Bu Hiền, tôi biết bu là người hại cậu Tú chết.
Vửa nghe đến đây bên trong đã cất tiếng cười man rợ. Tôi còn chưa kịp hỏi thêm bà ta đã gào lên:
– Cút, cút hết. Tao sẽ không nói bất cứ một cái gì, những linh hồn đó sẽ ám cái nhà này cả đời, sẽ không bao giờ thoát nổi.
– Bu không sợ nghiệt quật bu sao? Sao bu có thể ác độc như vậy được cơ chứ?
Thế nhưng bà ta không đáp, dù cho tôi với cậu Bảo đã dùng hết mọi đòn tâm lý mà bà ta vẫn lặng yên. Con mụ này cũng quá là ác độc rồi, ban trưa còn thương thương khi mụ ta tỏ vẻ người mẹ hiền đức với con Chi, đến giờ phút này thì quả là không còn chút tình thương nào nữa. Tôi với cậu Bảo lững thững đi về, hôm nay đã là mười lăm tháng chạp. Nếu cứ để thế này, qua một cái tên những linh hồn chưa siêu thoát tôi ăn không ngon, ngủ không yên mất thôi. Tôi nhìn cậu Bảo đăm chiêu nói:
– Có lẽ, mai tôi với cậu lại phải sang làng Hồ một chuyến tôi. Việc này tôi không làm ra nhẽ tôi không yên lòng được.
– Ừ.
– Cậu nói câu gì dài hơn chút được không? Tâm trạng tôi không tốt mà nghe cậu nói chuyện càng tệ hơn đây này.
– Ừ, tôi biết rồi thưa cô Dung lợn sề.
Sề sề cái đầu cậu. Tôi nhìn cậu, không hiểu tại sao lại thấy hơi uất ức liền nghiến răng nói:
– Ừ thì người tôi đúng là hơi đầy đặn. Nhưng thế thì sao cơ chứ? Phải rồi, cậu thích chị Hạnh tôi, chị Hạnh dáng người thanh mảnh, nhẹ nhàng không như tôi, tôi bộp chộp, béo tốt, đẫy đà nên cậu ghét, cậu trêu tôi. Nhưng cậu có biết tôi cũng là con gái hay không? Tôi cũng có tự trọng, cũng có sĩ diện chứ. Một câu cậu chê tôi nặng, hai cậu cậu chê tôi béo, ba câu cậu chê tôi là lợn sề. Tôi cũng đường đường là vợ được thầy cưới về cho cậu, tôi đã nhịn nhục chấp nhận từ chính thất xuống làm ở đợ kiêm vợ lẽ rồi mà cậu vẫn không chịu. Tôi mà biết thế này, ngay từ đầu tôi đã tác thành cho cậu với chị Hạnh cho rồi. Hai người đẹp đôi đấy, xứng đôi vừa lứa đấy nhưng tôi nói cậu nghe chị Hạnh nhà tôi có ý trung nhân rồi, cậu đừng mơ mộng hão huyền nữa.
Cậu Bảo nghe tôi nói một tràng giang đại hải thì ngơ ngác đáp lại:
– Ơ kìa… tôi đâu có…
– Thôi, không cần nói gì đâu.
– Dung tôi… tôi thực sự không có ý đó.
Tôi không thèm nghe nữa một mạch chạy về buồng. Cậu ta tưởng tôi thích cậu ta hay sao cơ chứ? Ha ha, nực cười. Nhưng mà… tự dưng tôi thấy có chút sai sai. Hình như cậu ta cũng không có nói gì, trước nay vẫn trêu tôi thế mà, là tôi nhạy cảm quá, hay cậu ta vô duyên quá nhỉ? Mà thôi, kệ đi, tôi phải ngủ một giấc đã. Trước khi ngủ tôi khẽ lẩm bẩm trong miệng “Các em sống khôn thác thiêng thì đêm nay về báo mộng cho chị, dẫn đường chỉ lối để chị có thể giúp các em siêu thoát”.
Tôi cũng biết mình không khấn dẻo, cũng chẳng hy vọng gì được báo mộng nên nằm đánh chén một giấc. Đến canh ba, khi còn đang say sưa giấc nồng đột nhiên có ai vỗ vỗ vai tôi rồi nói:
– Dậy đi, dậy đi sang làng Hồ.
Cậu Bảo sao? Giờ mới canh ba, cậu có thần kinh không mà rủ tôi sang làng Hồ giờ này. Tôi khẽ hất tay cậu ra đáp:
– Sáng mới đi mà. Để tôi ngủ tý đã
– Ngủ gì nữa, dậy.
Tôi không thèm đáp, kệ cậu ta, nhưng dường như cậu ta vẫn không buông tha cho tôi còn lấy tóc ngoáy vào lỗ mũi tôi làm tôi không kìm được bật dậy quát lên:
– Cậu điên hả?
Thế nhưng vừa nói xong câu đó tôi cũng kinh hồn bạt vía khi thấy trước mặt tôi là khuôn mặt non dại quen thuộc. Tôi cố nhìn kỹ, quả thực đến tận bây giờ tôi cũng chưa rõ hình hài gương mặt cậu Tú ra sao, dù đèn có chiếu rọi vào vẫn chỉ thấy một màu tối tối chứ không thể nhìn ra được mắt mũi, mồm, miệng thế nào.
– Sao chị giật mình, đêm qua chị khấn gọi bọn em về mà.
Hu hu, tôi có gan khấn mà lại không có gan đối diện, hèn nhát quá rồi. Lúc này người tôi cứ run lẩy bẩy cả lắp bắp đáp:
– Ừ ừ… chị… chị đâu có sợ…
– Không sợ mà mặt chị trắng bệch ra thế kia.
– À… à là chị chị lạnh.
Tôi cố bấu mạnh một phát vào tay xem là mơ hay thật, nhưng bấu mấy phát cũng không thấy cảm giác gì.
– Chị… cứ đến làng Hồ, tìm đến thung lũng thấp nhấn trên dãy núi…
Khi đứa bé còn chưa kịp nói hết câu đột nhiên đèn dầu vụt tắt. Tôi cũng sợ hãi gào ầm lên. Đột nhiên cánh cửa buồng đập rầm rầm, tôi ba chân bốn cẳng lao ra vừa hay đâm sầm vào cậu Bảo. Trời lúc này đã sáng rồi, vừa mới canh ba kia mà. Cậu Bảo nhìn tôi ngạc nhiên hỏi:
– Sao vậy? Lại mơ gì à?
Tôi run run kể lại hết, cậu Bảo liền cười nói:
– Báo mộng kiểu gì mà mông lung thế. Núi bên làng Hồ nhiều như vậy, biết thung lũng thấp nhất ở núi nào cơ chứ? Mà cô sợ đến thế cơ à? Người ướt đẫm hết rồi.
– Sao không sợ chứ, tôi đã bao giờ mơ mộng kiểu này đâu.
– Thôi được rồi, thay quần áo rồi đi. Đám lính vẫn đang bên đó, tôi với cô đi sang họ sẽ chờ hai đứa mình bên ấy rồi đi cùng.
Tôi gật đầu vội đi về buồng chuẩn bị quần áo, ăn sáng xong thì xin phép ông Lý với bà cả để đi. Chuyện này tôi không muốn làm to ra, càng ít người biết càng tốt tránh gây hoang mang cho đám gia nô.
Tôi đeo tay nải lên vai, lúc đi qua gương đồng soi vào tự dưng thấy mình xinh đẹp ghê gớm. Mũi cao, da trắng bóc, hai bên má còn hồng hồng, môi căng mọng, răng đều trắng tinh, nhất là đôi mắt đẹp đến mê hoặc lòng người. Ha ha, đại mỹ nhân Dung cô nương thiên hạ này không ai sánh được, chỉ có tên Bảo có mắt như mù, thôi không chấp làm gì. Người không biết thức thời như tên Bảo cũng không có kết quả tốt đẹp đâu. Ha ha ha ha.
– Làm gì mà cười như vớ được vàng thế? – Tiếng cậu Bảo bên cạnh cất lên.
Tôi lắc đầu đáp:
– Không có gì, chỉ là đang nghĩ mấy chuyện thôi.
– Bu đưa cho tôi với cô ít thuốc với tiền đi đường, sang đó khoảng hai canh giờ thôi nên tôi nghĩ không cần đem gia nô đi theo cho vướng tay vướng chân.
– Tuỳ cậu thôi, nhưng cậu có mang thức ăn đi không đấy, tôi sợ đi đường đói.
– Yên tâm, tôi mang rất nhiều đi rồi, mà cô hình như lúc nào cũng nghĩ đến ăn…
Cậu Bảo nói đến đây thì ngừng lại. Tôi nhún vai trả lời:
– Có thực mới vực được đạo mà. Đi thôi cho sớm.
Nói rồi tôi bước ra sân trước, đột nhiên tôi thấy tiếng bà cả ở trong nhà khẽ nói:
– Hai đứa đi cẩn thận nhé.
Lần đầu tiên tôi thấy bà nói chuyện nhẹ nhàng với tôi như vậy tự dưng lại rưng rưng xúc động. Hôm qua bà cả, bà ba đều nhốt mình trong buồng, có lẽ để ngẫm nghĩ tất cả mọi chuyện. Tôi gật đầu lễ phép đáp:
– Dạ, con đội ơn bu đã nhắc nhở.
– Ừ thôi đi đi, Dung đội cái nón vào cho đỡ đen.
Nói rồi bà vứt cho tôi cái nón còn mới tinh, tôi nhận lấy cảm ơn bà rồi cùng cậu Bảo đi sang làng Hồ. Trời hôm nay hơi nắng, cái nắng hanh sưởi ấm đôi chút cho mùa đông giá buốt. Hai bên đường lúa đã gặt xong, rơm rạ chất thành núi.
– Này, hết giận tôi rồi à?
– Ai bảo tôi hết giận cậu?
– Sao sáng vẫn nói chuyện với tôi đây thây.
– Thì sao? Tôi tạm thời không giận nữa, xong chuyện thì giận tiếp.
– Trời, lại còn có cả cái vụ hoãn giận sao?
– Ờ.
Cậu thấy vậy cũng không nói gì nữa. Hai đứa lặng yên men theo con đường làng mà đi. Khi đã thấm mệt, tôi với cậu ngồi xuống uống chút nước. Cậu đưa cho tôi bi nước rồi nói:
– Cô muốn ăn gì có ở trong tay nải của tôi hết đấy.
Tôi nghe vậy mắt sáng như sao kéo tay nải xuống mở ra. Ôi cha, cơ man nào là bánh kẹo, còn có kẹo chuối vú Bảy hay làm tôi thích nhất này. Tôi liền vội nốc lấy nốc để. Cậu Bảo thấy vậy mỉa mai;
– Ai ăn hết của cô đâu mà. Ăn lắm lại…
Tôi biết thừa cậu ta định nói gì, liền gấp tay nải trả lại. Tôi có tham ăn thật, nhưng sĩ diện cũng cao ngút trời đấy. Cậu thấy tôi giận cũng chẳng thèm an ủi lấy một câu đóng tay nải rồi đi tiếp. Ờ, tôi có là gì của cậu đâu, ha ha, cậu thích người khác kia mà. Mà sao sống mũi tôi cứ cay cay thế nào ấy. Đi một canh giờ mới ra khỏi làng Vân, lúc này tôi với cậu đến một con đường rất vắng vẻ. Nghe nói phải đi qua đoạn đường này mới vào được làng Hồ. Bỗng dưng… tôi cứ có linh cảm bất an. Con đường này vắng lắm, hai bên là núi không, sao tự dưng tôi lại cứ tưởng tượng ra phía sau có người liền quay phắt lại. Nhưng mà đúng là chẳng có ai, vắng tanh vắng ngắt. Đi thêm một đoạn, linh cảm kia lại trỗi dậy. Tai tôi từ nhỏ rất thính, thực sự tôi cứ có cảm giác có ai theo mình liền quay phắt lại lần nữa. Đột nhiên một bóng đen từ đâu lao đến gào lên:
– Con ôn nghiệt này, tao phải gϊếŧ mày.
Tôi còn chưa kịp định hình vụt một cái một tia sáng loé lên rồi tôi ngã vật ra đất. Thế nhưng tôi lại không cảm nhận thấy đau hay chảy máu, lúc nhìn lên đã thấy cậu Bảo dùng tay nải quật lại với tên áo đen kia. Tôi cố nuốt nước bọt, câu nói kia rõ ràng ám chỉ tôi. Tại sao hắn lại muốn gϊếŧ tôi? Hắn ta cầm con dao khua loạn xạ về phía cậu Bảo rồi nói:
– Được, hôm nay tao sẽ cho cả hai chúng mày chết cùng nhau.
Trời ơi, cái gì nữa đây. Tôi ném tay nải xuống rồi van xin:
– Đừng, gϊếŧ người đền mạng đấy, muốn cướp của thì tôi đưa cho, trong này nhiều bánh kẹo lắm, có ít tiền nữa, mang đi đi.
Thế nhưng hắn ta dường như không để ý đến, đẩy mạnh cậu Bảo ngã xuống rồi lao về phía tôi, vừa cầm con dao sáng loáng vừa nói:
– Tao phải gϊếŧ con ôn nghiệt này đầu tiên. Tất cả là do mày.
Tôi còn chưa kịp né hắn đã đưa con dao nhọn hót về. Lúc này thần trí tôi hoảng loạn, chẳng có lẽ tôi lại chết môt cách lãng xẹt thế này sao? Ông trời ơi, con mới sắp mười lăm tuổi thôi mà, sao mà đoản mệnh thế cơ chứ? Thế nhưng hình như ông trời nghe được, từ đâu lại lao đến một bóng đen khác ôm chầm lấy tôi. Con dao kia cũng đâm thẳng lên vai bóng đen ấy. Lúc này tôi bỗng giật mình, không phải bóng đen mà là cậu Bảo.Tôi không còn nghĩ được gì, viên đá vừa nãy ngã xuống nhanh tay nhặt được lúc này được tôi ném một lực rất lớn vào chính giữa đầu tên áo đen kia. Hắn ta không kịp phản ứng ngã vật xuống đất. Tôi liền đập thêm vài phát nữa vào gáy hắn cho hắn bất tỉnh hẳn, không có gan gϊếŧ người nên chỉ có thể làm như vậy được thôi. Lúc này khi tên áo đen nằm giữa đường, tôi mới lao về phía cậu Bảo. Cậu bị đâm một nhát trên bả vai, máu đỏ ướt đẫm cả chiếc áo gấm cậu mặc, cả người tôi cũng vẫn chưa hết bàng hoàng run sợ…
|
Chương 17:
Cậu Bảo ôm cánh tay tôi, thều thào nói:
– Đi… đi vào… đi…
Cậu còn chưa nói xong đã ngất lịm. Tôi sợ hãi cúi xuống lấy ít thuốc trong tay nải rồi dùng luôn con dao cắt đoạn áo ra đắp thuốc vào. Trời lúc này đã gần trưa, ở đây lại không có ai. Nhưng lúc này nếu ngồi đây gã kia mà tỉnh dậy thì cũng chết. Tôi cố lay lay cậu Bảo nhưng cậu không mở mắt, không còn cách nào khác tôi liền cúi xuống xốc cậu lên lưng. Người cậu rất dài, tôi chật vật mãi mới cõng được. Hai tay cậu buông thõng lên cổ tôi, sống mũi tôi bất chợt cay xè. Là cậu cứu tôi mà bị thương, nhát dao kia lẽ ra đâm vào tôi rồi, sao cậu ngốc thế cơ chứ? Chẳng phải cậu ghét tôi sao, sao lại đỡ dao cho tôi? Phía trên lưng, cậu vẫn im lặng, dù tôi có gọi có nói gì cậu cũng không đáp. Tôi không kìm nữa bật khóc nức nở. Ở đây có một cái hang nhỏ, tôi đặt cậu nằm xuống rồi xem lại vết thương. Vết thương tuy không quá hiểm vì đã được lớp áo gấm ngăn lại nhưng máu vẫn chảy nhiều. Môi cậu lúc này cũng tái nhợt cả đi. Hôm nay bu cậu có đưa thuốc, đống thuốc kia có tác dụng cầm máu, vậy mà sao máu vẫn chảy thế này cơ chứ? Tôi không còn nghĩ ngợi được gì, liền xé toạc miếng vải ở chân váy rồi buộc vào vết thương. Bỗng dưng tôi thấy người cậu run lên cầm cập rồi khẽ rên:
– Lạnh… lạnh…
Tôi liền cởi chiếc áo bên ngoài choàng lên cho cậu. Thế nhưng cậu vẫn run, không còn cách nào khác tôi đành nằm xuống ôm chặt lấy cậu. Tôi nhìn cậu, tự dưng thấy có lỗi vô cùng. Tại sao tôi lại giận dỗi cậu chỉ vì cậu chê tôi béo cơ chứ? Cậu Bảo ơi, tỉnh lại đi, thuốc đắp vào rồi sao cậu vẫn chưa tỉnh. Tôi sụt sịt, vòng tay qua siết chặt cậu hơn rồi nói:
– Cậu tỉnh lại đi, đừng làm tôi sợ.
– …
– Sao cậu cứ im lặng như vậy? Mở mắt ra đi.
– …
– Tôi đây này, tôi là Dung lợn sề này, cậu mở mắt ra đi mà, cậu không nghe tiếng tôi nữa sao? Hu hu.
– …
– Cậu ơi…
– …
– Tôi xin cậu đấy, mở mắt ra đi. Cậu mà chết tôi phải ăn nói sao với thầy bu đây. Rồi đời này tôi mang tiếng sát phu, cậu ác vừa thôi chứ.
– …
– Cậu tỉnh lại đi, tôi không giận nữa đâu, chỉ cần cậu tỉnh lại, tôi hứa cho cậu gọi là Dung lợn sề. Cậu muốn tôi làm gì tôi cũng làm.
Cậu vẫn nằm đó, tôi cứ phải đưa tay lên mũi liên tục, mỗi lần còn thấy cậu thở là thở phào nhẹ nhõm. Không hiểu sao tôi lại xót xa vô hạn như vậy, những lần tôi gặp nạn đều cậu cứu tôi, tôi còn chăng biết điều trách móc cậu. Tôi hơi ngồi lên, ôm chặt cậu hơi, bất chợt môi tôi khẽ chạm vào môi cậu. Hơi thở cậu vẫn đều đều, môi cậu lạnh quá, tự dưng… tôi muốn sưởi ấm cả môi cho cậu. Thế nhưng còn chưa kịp làm gì bên ngoài đã có tiếng động rồi những tiếng bước chân dồn dập. Tôi sợ hãi, buông cậu ra rồi cầm tảng đá trong tay. Đột nhiên tôi nghe tiếng thằng Thìn cất lên:
– Chỉ có xung quanh đây thôi, tay nải của mợ Dung vẫn ở ngoài kia, tìm mau lên. Chúng mày không tìm được cậu mợ là ăn đòn rũ xương đấy.
Tôi nghe được tiếng thằng Thìn liền bật dậy chạy ra nói:
– Thìn, cậu Bảo ở đây, cậu ở đây.
Nó nhìn tôi, gọi thêm thằng Tỵ, thằng Sửu chạy đến. Khi thấy cậu Bảo bị thương, đứa nào đứa nấy sợ xanh mặt, thằng Thìn không nói gì cõng cậu Bảo chạy ra khỏi hang.
Trên đường về nhà tôi mới biết hoá ra khi tôi với cậu Bảo đi được một lúc bà cả đã sai mấy gia nô đi theo vì luôn có linh cảm bất an trong lòng. Khi tôi vừa đưa cậu Bảo vào đến hang thì đám gia nô cũng đến thấy gã áo đen nằm giữa đường, bên cạnh cón ít thuốc tôi làm rơi vãi nên lần theo đó mà tìm. Cậu Bảo được đưa vào buồng rồi mời ông thầy lang Nguyễn sang. Sau khi thăm khám một hồi thầy lang Nguyễn nói:
– Vết thương không hiểm nhưng mất cũng kha khá máu. Giờ tôi kê cho ít thuốc sắc lên cho cậu uống, còn thuốc này để đắp. Nhớ tẩm bổ nhiều nhiều chút cho lại sức nữa nhé.
Tôi vốn cứ nghĩ nhìn thấy cậu Bảo bị thương bà cả sẽ cho tôi ăn ngay mấy cái vả, thế nhưng không, bà chỉ đứng lặng lẽ xem vết thương của cậu rồi dặn dò gia nô gϊếŧ gà hầm cho cậu ăn. Cậu Bảo vẫn nằm trên giường ngủ say không biết gì. Tuy sắc mặt cậu cũng hồng hào hơn nhưng lạ là chưa tỉnh lại. Bà cả nhìn tôi rồi nói:
– Lính của ông ngoại bọn bay tìm được gã thầy cầu siêu kia rồi, từ giờ tới tối sẽ đưa về. Còn tên định gϊếŧ bọn bay đang ở ngoài sân kia rồi, chờ thầy về xem xét rồi xử lý.
“Ông ngoại bọn bay”. Tôi nghe bà cả nói xong câu đó tự dưng môi cứ không khép lại nổi. Tự dưng cứ có cảm giác tôi với cậu là người một nhà rồi ý chứ. Tôi với bà cả bước ra sân, tên áo đen bị trói ngay chính giữa sân. Lớp mặt nạ của hắn được mở ra, xem chừng hắn cũng còn trẻ lắm, mới độ ba mươi cái xuân chứ mấy. Tôi nhìn hắn khẽ rùng mình, không hiểu lý do gì hắn lại một mực đòi gϊếŧ tôi. Khi còn đang đứng ở sân thì từ dinh bà hai cái Yến lao về phía tôi vẻ mặt đầy lo lắng hỏi:
– Nghe nói cô với cậu Bảo bị truy sát hả? Cô có sao không?
– Cô nhìn thấy rồi mà, tôi không sao nhưng cậu Bảo bị thương giờ chưa tỉnh nữa.
Nghe đến đây mặt cái Yến lộ rõ sự thảng thốt, tay nó hơi run run nói:
– Cậu… cậu Bảo bị thương sao? Có nặng không?
– Cũng không nặng lắm.
– Còn đây là ai?
– Là cái tên định gϊếŧ tôi với cậu Bảo đấy.
Cái Yến nhìn hắn ta, đôi mắt lộ rõ căm phẫn lao về hắn dùng một lực tát thật mạnh rồi rít lên:
– Loại này phải xử cho nặng tay vào.
Trước nay cái Yến luôn hiền dịu, bỗng dưng lại đánh gã áo đen khiến tôi hơi bất ngờ. Nó dường như cũng nhận ra ánh mắt của tôi liền nói:
– Tại hôm nay ở nhà, nghe tin cô với cậu Bảo bị thương nên rất lo lắng. Mà từ từ đã, nhìn gã này quen lắm.
Bà cả thấy vậy liền chộp lấy tay nó hỏi:
– Quen sao?
– Dạ vâng thưa bà, con nhìn rất quen. À… con nhớ ra rồi. Đây là…
– Là ai?
Cái Yến ngập ngừng một lúc mới đáp lại:
– Người này là thanh mai trúc mã hồi nhỏ của dì con. Sau khi dì con được ông Lý lấy về hắn ta biệt tích một thời gian, nhưng con vẫn nhớ rõ lắm vì trên trán hắn có cái sẹo dài mà hồi nhỏ con gặp đều thấy sợ.
Nó vừa nói xong ông Lý cũng về. Ông xem ra nghe được hết cả rồi liền tiến về phía gã áo đen rồi hỏi:
– Ai sai ngươi đi gϊếŧ người?
Hắn ta giương đôi mắt căm phẫn nhìn ông không đáp, ông Lý liền sai người đánh vài trượng nhưng hắn vẫn nhất mực không nói. Cái Yến thấy vậy liền nói:
– Ngươi mau khai ra đi ông Lý còn cho người một cơ hội sống.
Hắn ta nghe cái Yến nói thì cười lớn đáp lại:
– Các ngươi nghĩ giờ phút này ta còn muốn sống sao? Muốn chém muốn gϊếŧ gì tuỳ ý.
Cái tên này có phải điên tình không nhỉ? Thanh mai trúc mã với dì con Yến túc là bà hai. Vậy xem ra hắn ra muốn gϊếŧ tôi ắt hẳn là vì báo thù cho bà hai rồi. Nhưng… vì sao hắn biết hôm nay tôi sang làng Hồ? Rốt cuộc, đã ai báo cho hắn biết tin này? Hay vốn dĩ hắn đã luôn đợi sẵn để theo dõi tôi? Hắn ta rất ngoan cố, dù ông Lý dùng mấy cực hình nhưng vẫn kiên trì không khai. Không còn cách nào ông đành sai gia nô lôi hắn lên quan viên để tống vào tù. Cái Yến đợi hắn đi khuất liền lắc đầu nói:
– Hắn ta thích dì tôi lắm, thích từ nhỏ tới giờ luôn. Thật tình không nghĩ hắn lại làm ra cái trò này.
Tôi nghe cái Yến nói lại thêm phần sợ hãi. Tình yêu đôi khi mù quáng làm người ta bất chấp đến điên dại. Nhưng mà sao tôi vẫn cứ thấy kỳ lạ. Rõ ràng đến danh giới làng Hồ và làng Vân hắn mới ra truy sát, khi ấy bộ quần áo của hắn trông vẫn rất sạch sẽ. Tôi và cậu Bảo mặc quần áo hoa, áo gấm đi đến danh giới ấy đã bị dính bụi bẩn từ trên xuống dưới, trong khi hắn mặc đồ đen lại vẫn giữ nguyên được độ sạch thì chỉ có một lý do, hắn phục kích sẵn ở đó rồi. Nếu vậy, chắc chắn phải có người báo tin cho hắn, bà hai bị nhốt ở nhà hoang có người canh gác, rốt cuộc ai là người báo tin đây? Gã đàn ông kia nhất định không khai ra, vậy chắc chắn người báo tin này ra với hắn phải biết tính cách hắn thế nào. Tôi khẽ liếc nhìn cái Yến. Nhưng nếu cái Yến báo tin, hắn tại sao lại không nhận ra chứ sao lại có thái độ thế mia. Tôi tạm thời phải gác suy nghĩ này lại, chưa muốn nghi ngờ cho bất cứ ai.
Nghĩ một lúc tôi liền thở dài đi vào buồng cậu Bảo, cái Yến khẽ liếc vào buồng cậu rồi trở về. Khi tôi vừa ngồi xuống cạnh cậu cậu cũng tỉnh lại. Hai mắt cậu lờ đờ nhìn tôi rồi nói:
– Dung… tôi lạnh quá.
– Lạnh? Vậy để tôi sai người lấy thêm chăn cho cậu nhé.
Nói rồi tôi đứng dậy, đột nhiên cậu nắm chặt tay tôi kéo mạnh xuống giường khiến cả người tôi nằm trọn trong vòng tay cậu. Tôi bị bất ngờ, lúc ngước mặt lên đã thấy hai cơ thể sát cạnh nhau. Cậu kéo tay tôi vòng qua người thều thào:
– Ôm tôi đi, tôi lạnh lắm rồi.
– Nhưng… nhưng đây có phải dưới hang nữa đâu. Về tới nhà rồi mà, lạnh… lạnh thì để tôi lấy chăn cho.
Cậu khẽ chau mày không thèm đáp quấn chặt tôi vào. Trời ơi, cái tên Bảo chết tiệt, cậu ta ôm tôi chặt đến mức tôi muốn thoát cũng không thoát ra nổi. Người tôi nóng bừng cả lên, khoảng cách gương mặt tôi và cậu giờ còn mỏng hơn cả tờ giấy, đôi môi nhợt nhạt kia cũng đã hồng hào trở lại. Tôi điên xừ mất rồi, sao tôi… sao tôi lại nuốt nước bọt khi thấy đôi môi ấy cơ chứ. Chết tiệt thật.
– Cậu tỉnh rồi sao? Thuốc sắc xong rồi bà bảo mang qua cho cậu.
Tiếng thằng Thìn cất lên khiến cả tôi với cậu Bảo đều giật mình. Cậu khẽ buông tôi ra, còn tôi thì vội vàng ngồi bật dậy. Thằng Thìn cúi mặt xấu hổ nói:
– Con đặt thuốc ở đây nhé.
Cậu bảo bất chợt ho dữ dội, mặt đỏ au gào lên:
– Cút.
Tôi không biết cậu đuổi tôi hay đuổi thằng Thìn nhưng tôi vẫn vội chạy ra ngoài. Bên trong hình như thằng Thìn đang rối rít xin lỗi cậu. Tôi về buồng mà cứ ngẩn ngơ mãi, tát mấy cái vào mặt cũng chưa tỉnh táo lại được. Chắc chắn là do tôi ảo tưởng, cậu Bảo ghét tôi như vậy cơ mà, cậu ta chỉ trêu tôi thôi. Ha ha ha, tôi cũng đâu có thích thú gì cậu ta cơ chứ? Nếu không muốn nói là tôi ghét cậu ta khủng khiếp. Ha ha ha.
– Mợ làm gì mà đờ đẫn ra thế, mà mợ cười hay khóc sao méo cả mặt đi vậy?
Tiếng con Mít cất lên khiến tôi giật bắn mình. Tôi không đáp xoay người vào tường. Con Mít đặt lên cho tôi bát thuốc rồi nói:
– Bà bảo thuốc bổ mang cho mợ uống.
Tôi không nhìn, thẹn quá kéo chăn trùm lên đầu rồi đánh một giấc đến chiều tối. Khi còn đang ngủ tôi bỗng thấy bên ngoài xôn xao liền bật dậy chạy ra. Mấy tên lính nhà quan viên bước vào dẫn theo một người đàn ông có mái tóc hoa râm. Không hiểu sao mới nhìn thấy hắn tôi đã bất giác lùi lại. Thằng Du đẩy hắn xuống rồi nói:
– Mợ Dung, đây là tên thầy cầu siêu ở làng Hồ đây ạ. Ông ta ở thung lũng thấp nhất bên dãy núi làng Hồ.
Tôi bỗng sởn hết gai ốc nhớ lại lời cuối cùng của cậu Tú đêm qua mơ. Bà cả ông Lý lúc này cũng bước ra. Vừa nhìn thấy tên thầy cầu siêu bà cả đã lắp bắp nói:
– Hắn… đúng hắn ta rồi. Nhưng sao hắn ta trông tiều tuỵ hắn vậy? Mới có ba năm nhìn như ba mươi năm trôi qua rồi. Ngươi nói đi, tại sao mà ngươi đã làm lễ cầu siêu cho con ta rồi mà linh hồn nó vẫn chưa siêu thoát.
Hắn ta mới nghe đến vậy đã ngã vật ra đất mồm lẩm bẩm:
– Oan hồn thì làm sao mà siêu thoát được.
– Ngươi nói vậy là sao?
– Chết oan tất cả đều chết oan.
Hắn mới nói đến đây tôi đã lạnh hết sống lưng, lời hắn cứ vang vang, vọng vọng xa xa lại gần gần. Cậu Bảo lúc này cũng bước từ buồng ra, bà cả thì bám tay vào ông Lý rít lên:
– Chết oan là sao? Ngươi nói rõ ra mau. Tại sao ngươi lại trốn ở núi đến tận bây giờ?
Gã thầy cầu siêu lúc này mới ngồi dậy, hai mắt đảo như rang lạc khoé môi giật giật đáp:
– Tất cả những vong hồn đó đều do bị hại mà chết. Khi đó tôi được mời về cầu siêu nhưng không cầu nổi. Thế nhưng người đàn bà ấy bắt tôi nói với mọi người rằng những linh hồn đó đã được siêu thoát. Khi cầu siêu xong về đến nhà cả cơ ngơi nhà tôi đã bị cháy, đó là báo ứng, là báo ứng.
– Người đàn bà nào?
– Người đàn bà có vết sẹo trên ngón chân cái.
Bà hai? Tôi không lấy gì làm ngạc nhiên khi biết bà hai ra tay hại, chỉ là thấy rùng mình vì thủ đoạn tàn ác, có thể dùng con gái để cho kế hoạch thêm hoàn hảo. Bà cả thấy vậy cũng kinh ngạc không kém, bà vốn dĩ nghĩ bà ba là người gây ra chuyện này, chẳng ngờ lại là bà hai. Phải rồi, khi ấy con Chi cũng ngã xuống ao, tất cả mọi người đều không ai có thể đó là bà hai được. Gã thầy cầu siêu vẫn run rẩy trên nền sân, lâu lâu hắn ta rú lên vài hồi khiến mọi người càng sợ hãi. Tôi nhìn hắn ta hỏi tiếp:
– Ông nói rõ mọi chuyện được không? Nếu không nói rõ, không để cho các linh hồn được siêu thoát thì chính bản thân ông cũng không bao giờ được thanh thản.
– Hôm ấy… tôi được nhà ông Lý đây mời đến cầu siêu. Nhưng trước đó người đàn bà có vết sẹo trên ngón chân cái đã tìm đến tôi trước. Bà ta đưa cho tôi rất nhiều trang sức quý giá và nói rằng hôm sau cứ làm một lễ cầu siêu như bình thường. Nhưng dù có chuyện gì có nhìn thấy gì cũng đừng nói ra, cứ lẳng lặng mà làm. Khi đó tôi vì tham chút tiền bạc mà nhận lời, đến hôm sau vừa ra gốc đa đã thấy những linh hồn vất vưởng ở đó. Tôi nghe lời bà ta, làm lễ cầu siêu nhưng tôi nhìn thấy những linh hồn đó không hề thoát được nổi. Tiếng gào khóc rất lớn, giống như có gì đó oan ức. Nhưng tôi cũng không để tâm, làm xong nhận lễ đi về. Vừa mới về đến nhà thì đã thấy căn nhà bị cháy, tuy không có thương vong nhưng tôi bắt đầu có linh cảm bất an. Những ngày sau đó đêm nào tôi cũng mơ thấy một đứa trẻ dẫn theo những linh hồn bào thai khác tìm đến đòi giải oan. Khoảng thời gian đó mọi thứ đối với tôi đều không thuận lợi và rồi tôi như phát điên, lúc đó đã tìm đến nhà ông bà để nói ra sự thật. Nhưng khi mới đến cổng đã bị người đàn bà kia thuê người đuổi đi còn doạ nạt nếu tìm đến sẽ cho người truy sát cả nhà. Tôi không còn cách nào khác đành mang người thân vào núi ở làng Hồ sống qua ngày. Nhưng tâm tôi đến tận giờ vẫn chưa thể thanh thản.
– Vậy, vậy bây giờ phải làm sao để những linh hồn kia được siêu thoát?
– Chỉ có thể mời thầy sư trên chùa Linh Quang Tự nhờ giúp. Bản thây tôi không đủ năng lực bởi những linh hồn này đã bị oan khuất quá nhiều năm rồi. Thầy sư đó rất giỏi, lại có tâm hướng thiện giờ mọi người mời đi. Đi sớm đi không sợ muộn quá chùa lại đóng cửa.
Bà cả thấy vậy liền vội sai thằng Thìn đi tìm thầy sư. Gã thầy cầu siêu ngồi bên sân lẩm bẩm:
– Có phải đã tìm ra hung thủ hại những bào thai kia rồi không?
– Sao ông biết.
– Đêm qua tôi được báo mộng.
Quả đúng như vậy, mới tìm ra chân tướng bà hai hại bà ba sẩy thai. Đột nhiên tôi bỗng như sực nhớ ra điều gì đó. Lúc này tôi khẽ lay tay cậu Bảo hỏi:
– Cậu Bảo, ngày xưa cái Chi cùng cậu Tú rơi xuống nước bà hai vẫn ở trên nhà nấu cỗ, mà cái Chi nói có người đẩy nó xuống dưới ao. Cậu xem… nếu như tôi nghĩ đó là tên áo đen thanh mai trúc mã với bà hai liệu… liệu có thể không?
Cậu Bảo nhìn tôi, hai mắt cũng tỏ rõ sự ngạc nhiên. Thế rồi cậu liền nói:
– Thầy, giờ thầy cho cái Chi gặp tên áo đen kia, ít nhất nếu như biết hắn là người đẩy Tú xuống ao thì cũng coi như tìm ra được oan khuất, tìm ra được thủ phạm rồi.
Ông Lý thấy vậy liền sai thằng Sửu đưa con Chi sang bên quan viên, tôi được ra lệnh đi cùng nó, con Chi ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì, thấy tôi thì nhếch mép chửi mấy câu. Ông Lý vì sợ nó không chịu sang nên cuối cùng cũng đi cùng, khi bốn người chúng tôi đến nơi nói toàn bộ sự thật với quan viên, quan viên cũng kinh ngạc không kém. Ông đưa chúng tôi vào nơi giam giữ tên áo đen kia, con Chi được ông Lý nắm chặt lấy tay, vừa nắm vừa nói:
– Chi, con xem người đàn ông kia có quen không.
Con Chi nhìn theo hướng tay ông Lý chỉ, vừa mới chỉ nhìn thấy gương mặt hắn ta nó đã gào rú lên thất thanh rồi ngồi sụp xuống ôm đầu. Ông Lý khẽ dịu giọng hỏi:
– Con nói đi đừng làm thầy sợ, có phải hắn ta đẩy con và em Tú xuống ao không?
Lúc này con Chi mặt đã tái mét lại, ôm chặt lấy ông Lý khóc nức nở:
– Ông ta… ông ta… ông ta… định gϊếŧ con. Ông ta định gϊếŧ con.
– Con bình tĩnh, nói cho thầy nghe từ đầu được không?
– Không thầy ơi, con sợ lắm, thầy ơi cứu con đi.
– Được rồi, được rồi, có thầy đây con đừng sợ. Kể cho thầy nghe đi.
– Thầy ơi đừng mà cứu con thầy ơi
– Nào, có thầy đây rồi mà. Con kể cho thầy nghe thầy mới cứu được.
– Con sợ lắm, con sợ lắm thầy ơi, khi ấy… con với em Tú..
Con Chi nói đến đây thì khóc nghẹn cả lại, một lúc sau mới nói tiếp:
– Con và em Tú đang chơi ngoài ao, hắn ta… hắn ta đẩy em Tú xuống rồi rồi bịt miệng con… đến khi em Tú không còn kêu khóc, hắn liền… liền đẩy con xuống.
Tôi nhìn gã đàn ông kia, toàn thân run lên vì giận dữ. Bà hai quả là con thú độc ác đến kinh tởm. Bà ta đã tính toán thời gian địa điểm ra tay, để khi Tú chết rồi mới đẩy Chi xuống, vừa khiến cho người ta thương cảm vì con gái bà ta cũng bị hại, vừa khiến cho không ai mảy may nghi ngờ một chút nào. Gã đàn ông kia nhìn con Chi, khoé môi cong lên. Ông Lý thì tức giận định lao vào những đã bị đám lính giữ lại. Con Chi vẫn đang khóc nức nở, nỗi sợ hãi tột độ dường như khiến nó không còn một chút bình tĩnh nào.
Tôi nhìn ông Lý khẽ nói:
– Thầy, mình đưa em Chi về đã, giờ để nó ở đây e rằng nó sẽ bị khủng hoảng tinh thần. Với lại cũng coi như tìm ra hung thủ là giải được những khuất tất cho các em rồi. Giờ mình về tìm thầy sư để cầu siêu cho các em trước.
Ông Lý gật đầu thở dài cõng con Chi lên vai. Nó gục đầu vào ôm chặt, vẻ mặt vẫn xanh như tàu lá.
Khi về đến nhà ông Lý thuật lại mọi chuyện, đám gia nô lại lần nữa sợ hãi, chỉ có bà cả ngồi sụp bên hiên khóc nức nở. Nhìn bà khóc, tôi không kìm được lòng, xót xa vô hạn. Tận tối muộn hôm ấy thầy sư ở chùa Linh Quang Tự mới được mời về. Ông Lý nhìn thầy, thuật lại mọi chuyện. Thầy sư có lẽ đã được mời đi cầu siêu nhiều nơi nên không lấy gì làm ngạc nhiên vội vàng cùng mọi người đi ra ao. Đêm ấy tất cả mọi người đều không ngủ được, đám gia nô chạy đi chạy lại mua bán làm theo căn dặn của thầy sư. Cậu Bảo dù bị thương trên vai nhưng vẫn ra ngoài đó, lúc thầy sư ngồi dưới gốc đa lẩm bẩm cầu khấn người tôi cũng lạnh toát. Không hiểu sao mặc rất nhiều áo mà người vẫn cứ run bần bật. Cứ lâu lâu lại có một luồng gió thoáng qua, đột nhiên thầy sư rú lên mấy hồi, tôi cũng ngã vật ra không biết gì nữa. Đến khi tỉnh lại trời đã sáng, tôi thấy mình nằm ở buồng liền chạy ra ngoài. Lúc này bầu trời sáng lắm, trong xanh, kèm theo chút nắng hanh khô. Cậu Bảo đang đứng ở sân thấy tôi thì nói:
– Dậy rồi à?
– Thầy sư đâu rồi?
– Thầy ấy về chùa rồi, vong của các em cũng được thầy mang về. Ở chùa tụng kinh niệm Phật sẽ sớm siêu thoát đầu thai làm người hơn.
– Đêm qua… đêm qua tôi sao lại ngất?
Tôi thấy cậu Bảo nhìn tôi một lúc mới đáp:
– Không sao đâu, có lẽ do cô mệt quá thôi.
– Vậy, bu đâu rồi?
– Bu với thầy theo sư thầy về chùa để làm lễ, cô yên tâm đi, từ nay cô sẽ không mơ mộng gì nữa đâu. Sư thầy bảo các em giờ rất ngoan, chỉ một thời gian ngắn sẽ được đầu thai thôi.
Tôi nghe xong cũng thở phào nhẹ nhõm. Đang đứng thì thằng Sửu cũng chạy từ đâu tới hớt ha hớt hải nói:
– Cậu mợ, hình như bà hai phát điên rồi. Tự dưng từ đêm qua bà ấy cứ gào rú trong căn nhà hoang, đến sáng nay cứ hát mấy bài gì đó rồi khóc lóc trong ấy.
Tôi với cậu Bảo nhìn nhau, cả hai không nói không rằng. Thế nhưng tôi biết trong lòng cậu cũng đang có suy nghĩ giống tôi. Bà hai phát điên ngay sau khi những vong linh kia được tìm ra oan khuất. Âu có lẽ đây được gọi là quả báo. Tôi khẽ thở dài, bám tay vào tay cậu, rồi nhìn về phía dinh của bà. Bỗng dưng, tôi lại chỉ thấy thương con Chi, thương đến vô hạn. Có lẽ giờ phút này nó vẫn chưa biết người khiến nó đến bây giờ vẫn đang thần trí bất ổn lại chính là người nó yêu thương, tin tưởng nhất.
****
|
Chương 18:
Thời gian thấm thoắt trôi đi. Từ ngày bà hai bị giam vào nhà hoang rồi phát điên nhà tôi cũng yên bình hẳn, tôi cũng không mơ mộng linh tinh gì nữa. Ở dinh bà ba thì đóng cửa suốt, đến độ sát Tết tôi cũng vẫn chưa nhìn thấy bà ra ngoài. Tôi nghe cái Yến nói hình như bà ba sức khoẻ yếu, trước kia bà đã xanh xao nay lại càng thêm tiều tuỵ. Thế rồi đến ngày Ba mươi Tết bà ba mới chịu mở cửa lên nhà để ăn bữa cơm tất niên. Quả đúng như cái Yến nói, bà gầy đi rất nhiều, gương mặt xanh như tàu lá chuối. Lúc lên nhà, nhìn thấy bà cả bà ba chỉ cúi gằm mặt xuống. Thực tình nhìn bà lúc này tôi lại thấy vừa thương thương, lại vừa thấy đáng trách.
Khi ăn cơm tất niên xong bà ba cũng vội cáo lui về, tôi với cái Hương cùng bà cả dọn dẹp trên dinh lớn, cậu Thành, cậu Bảo cùng ông Lý thì mang cành đào vào sau đó lau bàn thờ gia tiên. Lúc tôi đang bê mâm bát ra giếng cho cái Mít rửa thì nghe tiếng cái Hương quát:
– Chi về dinh dọn dẹp đi. Không phải ngồi đấy mà chơi đâu nhé.
Con Chi đang ngồi ở hiên chơi nghe vậy hậm hực đáp:
– Dọn dẹp gì, chị đi mà dọn.
– Bu không ở đây thì phải nghe lời chị, đừng có cái kiểu cãi lại như vậy. Mười ba tuổi đến nơi rồi mà lười biếng. Cả chị Yến nữa chị quét sân xong, chị dẫn cái Chi về dọn dẹp dinh nhà mình đi. Mấy hôm nay em với cậu Thành làm gần hết việc rồi, giờ về quét tước cho sạch sẽ một chút.
Con Chi nghe vậy đùng đùng đứng dậy gào lên:
– Không dọn không dọn, không thích dọn. Chị có quyền gì mà bắt em dọn? Dạo này chị cứ làm như chị là tướng không bằng, chị là cái gì mà sai bảo cơ chứ?
Cái Hương thấy vậy buông mâm bát xuống hùng hục đi vào sân kèo con Chi dậy rồi nói:
– Đi mau! Nếu không chị sẽ nói với thầy mấy hôm trước em trốn ra ngoài chơi. Và chị cũng nói luôn, chị đã xin thầy được phép có quyền dạy dỗ em, nếu em không nghe, chị sẽ làm theo gia quy. Vậy nên ngoan ngoãn đi về dọn dẹp đi. Chị Yến đi cùng nó luôn đi.
Con Chi nghe xong nghiến răng nhìn mà không dám cãi. Cái Yến đang quét sân có vẻ cũng hơi khó chịu nhưng vẫn hót rác đổ đi rồi cùng cái Chi về dinh dưới. Tôi ngồi kéo mâm bát ra giếng, trước kia tôi ít có dịp tiếp xúc với cái Hương không biết tính cách nó ra sao, giờ tự dưng lại thấy cảm giác nó hơi hơi giống bu chồng tôi. Lúc nó ra ngoài giếng tôi khẽ hỏi:
– Cô quát thế không sợ cái Chi giận sao?
– Giận? Giận tôi sao?
– Ừ dù gì nó cũng là em chồng cô, tính nó tiểu thư đành hanh như vậy mà.
– Tôi chẳng quan tâm, nhưng tôi thấy con bé Chi quá lười biếng, nếu tôi không dạy dỗ cẩn thận thì có mà loạn. Giận thì giận, tính tôi thẳng thắn có gì nói nấy nên thà mất lòng trước được lòng sau còn hơn. Trước tôi mới về còn có bu chồng, giờ bà ấy bị đày vào nhà hoang, tôi thân là dâu thì phải có trách nhiệm bảo ban nó. Nói thật chứ hồi có bu chồng tôi, con Chi chuyên bắt nạt tôi, giờ tôi không dạy cho ra tấm ra miếng sau này đi lấy chồng chỉ thiệt thân nó thôi.
– Cô không thân với nó à?
– Ở đây tôi chẳng thân với ai cả, kể cả cái Chi hay chị Yến, cái Chi tính tiểu thư, ghê gớm đanh đá suy nghĩ nông nổi bốc đồng, chị Yến thì có vẻ cũng công dung ngôn hạnh, có vẻ hiền lành, tốt bụng đấy, nhưng tôi không hợp, cũng không muốn thân. Chỉ có điều ở cùng nhà, tôi không thể cứ coi như người dưng được, cái gì đúng nói đúng, cái gì sai nói sai.
Nói đến đâu cái Hương thoăn thoắt nhặt bát đưa cho cái Mít đến đấy. Cái Hương đột nhiên nhìn tôi rồi nói:
– Dung! Cô đến trước tôi vài tháng nhưng suy cho cùng tôi và cô vẫn là những người còn lạ lẫm trong ngôi nhà này. Nói thật, từ khi đến đây tới giờ, tôi không thể hiện gì chỉ lặng lẽ quan sát để biết ai tốt ai xấu. Tôi cũng giống cô bị ép cưới một người mà mình không yêu, tôi không biết cô như thế nào nhưng bản thân tôi đã có người thương trong lòng. Đáng tiếc tôi với người ta có duyên không phận. Tôi chấp nhận đến đây làm vợ cậu Thành, ngay từ khi đặt chân đến đã biết mình phải đối diện với rất nhiều điều. Ngoài một cuộc hôn nhân không tình yêu còn có những khó khăn khác phải đối diện. Vậy nên cả tôi và cô đều phải có bản lĩnh vượt qua, tôi khâm phục cô ở sự thông minh nhanh nhẹn, tôi thì không làm được như vậy, nhưng ít nhất tôi cũng sẽ để người ta thấy tôi không dễ bắt nạt.
Những lời cái Hương nói rất thẳng thắn, nó dám thừa nhận chuyện hôn nhân này không có tình yêu, dám thừa nhận trong lòng nó đã có người khác quả thực là quá can đảm. Chính bản thân tôi khi đến đây cũng chưa từng dám nói ra những lời như nó mặc dù cũng có suy nghĩ như vậy. Tôi thấy trong đáy mắt cái Hương lộ rõ sự cô đơn. Thực ra trước kia bà cả ghét bỏ tôi, cậu Bảo cũng chẳng yêu thương gì thì giờ cái Hương cũng vậy. Nó có một đứa em chồng không hiền lành, cuộc hôn nhân ép buộc đúng là cũng chẳng hạnh phúc hơn tôi trước kia bao nhiêu. Tôi từng ngưỡng mộ nó khi được bà hai dắt tay vào dinh, được đối xử tử tế nhưng xem ra đến giây phút này tôi còn thấy mình có cuộc sống dễ thở hơn một chút. Cái Hương không nói gì nữa, dọn xong đứng dậy quét qua lại phần sân vườn rồi mới về dinh. Lúc đi qua tôi nghe tiếng nó với con Chi cãi nhau om củ tỏi đến mức ông Lý phải xuống. Con Chi từ ngày bà hai bị nhốt nó càng ngày càng ngang bướng hống hách, tuy nó không công khai công kích tôi, nhưng đối với tất cả mọi người nó đều xử sự một cách ngông cuồng không sợ gì. Chỉ khi ông Lý xuống nói nó mới im miệng làm việc cái Hương giao. Tôi xong việc thì đi lên buồng, ngẫm nghĩ lại lời cái Hương nói. Là do cái Hương tự tạo khoảng cách hay vốn dĩ cái Yến có vấn đề gì nên cái Hương không muốn thân? Tôi nằm nghĩ vẩn vơ mãi, rốt cuộc trong nhà này có thứ tình cảm thuần khiết mang tên tình bạn hay không?
Đến gần nửa đêm hôm ấy khi tôi đang ngủ thì nghe tiếng gõ cửa vừa ngó đầu ra ngoài thấy nguyên cái mặt cậu Bảo chình ình, còn chưa đợi tôi lên tiếng cậu đã nói:
– Này, cô chỉ biết ngủ thôi à? Dậy đi một chút nữa xem bắn pháo hoa.
Pháo hoa thì năm nào chẳng có, hồi ở nhà với thầy bu đêm giao thừa đều thức đến canh ba. Năm nay đi làm dâu nhà ông Lý rồi chẳng còn được như trước kia nữa. Thế nhưng tôi không thể mới năm đầu đến mà giao thừa đã ngủ như một con lợn liền mặc cái áo khoác rồi bước ra ngoài. Bà cả với ông Lý ngồi bên đống lửa bập bùng trước sân, trên mâm lễ đã được chuẩn bị sẵn thủ lợn, trầu cau, vôi, gạo, rượu chỉ chờ đến thời khắc giao thoa giữa năm này sang năm khác thì ông Lý sẽ thắp hương khấn vái. Tôi với cậu Bảo đứng trên hiên nhìn ra chợt tôi thấy hình như có ai nhìn mình chằm chằm liền liếc mắt sang trái. Đột nhiên tôi hơi lùi lại khi ánh mắt khẽ chạm vào ánh mắt của cậu Thành. Cậu đứng ở trước dinh bà hai, thấy tôi nhìn sang cũng khẽ quay mặt nhìn đi hướng khác. Ánh mắt ban nãy của cậu Thành vừa ảm đạm, vừa u sầu lại xen chút xót xa. Tôi không biết tại sao cậu ta lại nhìn tôi như vậy, chỉ có điều nó khiến tôi hơi bất ngờ. Ở ngay bên cạnh, cái Hương cũng đang nhìn lên bầu trời, ánh mắt hoàn toàn lãnh đạm với người đàn ông bên cạnh. Cậu Bảo hơi cúi xuống phả hơi thở ấm áp lên tôi hỏi nhỏ:
– Lạnh à? Sao run lên thế?
– À… ừ tôi… hơi lạnh.
Cậu thấy vậy liền vào buồng lấy áo bông thêu hoa văn bước ra. Tôi nhìn cậu, ban nãy còn thấy cô đơn vì nhớ thầy bu, nhớ chị Hạnh, nhớ thằng Tý thì lúc này cũng đã tan biến đi mất. Tôi không biết cậu đối với tôi thế nào, nhưng hành động này của cậu khiến tôi được an ủi phần nào, cảm giác cô đơn cũng vơi bớt đi. Khi tôi định cất lời đột nhiên cậu tự khoác áo lên người cậu rồi nói:
– Tôi cũng lạnh lắm, mấy ngày trước trời còn hơi nắng đến hôm nay đã lạnh buốt thế này. Nếu cô lạnh vào lấy thêm áo mà mặc đi.
Tôi suýt nữa chết nghẹn, cũng may chưa thốt ra mấy lời cảm ơn. Trần đời tôi chưa gặp gã đàn ông nào khiến mình mùa đông cũng như mùa hè, xuân cũng như thu, quanh năm suốt tháng đều trồng dưa bở cho tôi mắc nghẹn như cậu ta. Ban nãy còn tưởng cậu ta mang áo ra khoác cho tôi hoá ra là tự mang ra mặc. Mặt tôi đỏ au vì xấu hổ chạy một mạch về buồng lấy chiếc áo bông khác rồi mới bước ra. Có điều lúc này tôi chả còn thấy lạnh nữa, chỉ thấy ấm ức khôn nguôi.
Khi còn đang liếc mắt lườm cậu thì đã có tiếng ầm một phát, sau đó là những tràng pháo bông lấp lánh đủ sắc màu được bắn lên bầu trời. Tôi không kìm được chạy hẳn ra sân, cậu Bảo cũng bám theo sau. Dưới sân ông Lý đang đốt nhang khấn ván. Tôi đứng dưới gốc cây nhìn theo đừng đợt pháo sáng mãi không dứt, mãi rất rất lâu sau tiếng pháo mới lặng im, trả lại cho bầu trời màn đêm yên tĩnh. Lúc này tôi mới nhận ra tay tôi rất ấm, nhìn xuống chợt thấy cậu Bảo đang nắm chặt tay mình. Hình như cậu cũng nhận ra điều đó liền buông nhẹ rồi nói:
– Ơ, tôi nhầm, tưởng tay cô là cành na khô này cơ.
Tôi chưa kịp đáp đã có tiếng bà cả gọi:
– Dung, Bảo, lại đâu bu mừng tuổi cho.
Tôi thấy vậy dẫm mạnh một phát lên chân cậu Bảo rồi chạy vào, cậu ta bị đau kêu lên nhưng tôi đã cười lớn để át đi tiếng kêu ấy. Bà cả rút trong túi ra một tập lì xì mỉm cười nói:
– Đây, cái này cho Dung, cái này Bảo. Bu chúc hai đứa con luôn mạnh khoẻ, vui vẻ nhé.
Bà cả nói xong, sống mũi tôi cũng cay xè cả đi. Mới ngày nào về còn bị bà ghét, dù rằng sau này bà bắt đầu đối với tôi bớt cay nghiệt nhưng đây là lần đầu bà xưng bu, gọi tôi là con. Tôi nhận xong lì xì cũng rút trong túi chiếc vào bình an tự làm đưa cho bà một cái, ông Lý một cái nói nhỏ:
– Bu, đây là vòng cầu an con thêu. Tuy còn hơi vụng về nhưng con đảm bảo tâm huyết của con dồn cả vào đấy, con chúc thầy bu sống lâu trăm tuổi, sức khoẻ dồi dào, vạn sự an khang.
Bà cả nhìn tôi bật cười nhận lấy chiếc vòng đeo vào tay. Đột nhiên tôi thấy ở hiên trước bà hai bốn cặp mắt đang hướng về phía giữa sân. Thành với Hương đứng một góc, cái Chi, cái Yến đứng một góc. Bà cả thấy vậy liền vẫy vẫy tay gọi:
– Mấy đứa ra đây bu phong bao lì xì lấy may.
Không hiểu sao tôi lại thấy xót xa quá chừng, trẻ con không có mẹ vẫn là điều thiệt thòi nhất. Cái Chi bám tay lên gấu áo của cái Yến xoắn xoắn lại vẻ mặt đầy thèm thuồng. Bà cả lại lần nữa nói:
– Nhanh lên, đứa nào ra nhanh thì được mừng tuổi nhiều nhất.
Lúc này cái Chi liền hớn hở kéo tay cái Yến ra, cái Hương với cậu Thành cũng đi phía sau. Bà cả phát từng bao lì xì cho từng đứa rồi nói:
– Bu biết các con ai cũng có tâm sự trong lòng. Thế nhưng năm mới rồi, những gì không hay năm cũ bỏ qua, bu chỉ mong mấy đứa hoà thuận sống với nhau. Có chịu không nào?
Cái Chi hơi liếc mắt nhìn tôi lưỡng lự một hồi mới đáp:
– Dạ vâng.
Cái Yến nghe cái Chi nói xong cũng cười tươi đáp lại:
– Vâng ạ.
Tôi nhìn cái Hương khẽ gật đầu, nó cũng đáp lại ánh mắt của tôi như vậy. Quả thực tôi cũng chẳng mong gì, người độc ác nhất ở nhà đã bị đưa đi, chỉ mong những ngày tháng sau này tôi ở đây sẽ được hoà thuận ấm êm.
Sáng hôm sau tôi với cậu Bảo được bà cả cho về nhà thầy bu tôi. Bà đặc biệt sai hai gia nô đưa chúng tôi sang tận làng Liễu. Khi vừa về đến hiên đã thấy thằng Tý lao ra ôm chầm lấy tôi cười lớn nói:
– Chị Dung, anh Bảo về rồi, lì xì cho em đi.
Ừ đấy, nhắc tôi mới nhớ, tôi mang mỗi cái thân xác khô này về, còn chưa kịp nghĩ nói với nó ra sao cậu Bảo đã rút trong túi áo ra mấy bao lì xì đỏ chói nói;
– Đây nhé, mừng tuổi cho Tý, năm nay cố gắng học hành đỗ kỳ thi Hương.
Nói rồi cậu vào nhà mừng tuổi cho thầy bu tôi. Tôi nhìn ngó nghiêng một hồi không thấy chị Hạnh đâu liền hỏi:
– Chị Hạnh đâu rồi hả bu?
– Chị Hạnh biết hôm nay hai đứa đến nên đang ở sau nhà vặt rau kìa. À đây rồi, Hạnh vào đây đi, hai vợ chồng cái Dung đến rồi này.
Tôi nhìn chị Hạnh lao ra ôm một cái rõ chặt rồi kéo chị vào ghế. Cậu Bảo khẽ cất chiếc phong bao lì xì vào túi áo mà không đưa cho chị Hạnh rồi ngồi lặng im ở bên ghế. Mỗi lần cậu nhìn chị Hạnh, tôi lại thấy mình như mất mát thứ gì đó mà không lý giải nổi, chỉ là… một chút chua xót cảm nhận rất rõ ở nơi tim. Khi chị Hạnh bưng mâm cơm lên bu tôi liền nói:
– Ra giêng nhà cậu Phúc sang rước dâu chị Hạnh về rồi, hai đứa con gái đi lấy chồng, thằng Tý lên huyện học, thầy bu ở nhà còn có hai thân già này thôi.
Không hiểu sao nghe đến đây tôi lại liếc nhìn cậu Bảo, ánh mắt cậu đột nhiên trầm xuống, nụ cười trên môi gần như tắt lịm. Thích một người không thích mình là điều rất xót xa, tôi biết cậu Bảo đang buồn. Tôi thì chẳng thích cậu, nhưng tại sao lòng tôi cũng nặng trĩu thế này. Chị Hạnh được lấy cậu Phúc nên cười vui lắm, vẻ mặt chị còn thẹn thùng ửng hồng cả lên.
Ăn cơm xong tôi với mọi người đi thăm họ hàng một chút sau đó tôi và cậu Bảo lại trở về nhà ông Lý. Trên đường từ làng Liễu sang làng Vân phải men qua mấy cánh đồng, khi gần đến đầu làng tôi đánh bạo hỏi:
– Cậu thích chị Hạnh nhà tôi lắm đúng không?
Hỏi xong nhưng tôi lại không dám nhìn cậu, câu trả lời cũng chẳng muốn nghe. Cậu Bảo không đáp mà hỏi lại:
– Sao cô hỏi như vậy?
– Tôi biết người hồi nhỏ cậu gặp là chị Hạnh, cũng biết cậu thích chị ấy từ ấy tới giờ. Nhưng mà…
– Nhưng mà sao?
– Nhưng chị ấy có người khác trong lòng rồi, cậu cũng có tôi rồi mà.
Tôi không hiểu sao mình đủ can đảm nói ra câu cuối cùng ấy. Chỉ biết nói xong mắt cũng nhoè đi. Cậu Bảo lặng yên một lúc rất lâu, cuối cùng rảo bước trước rồi nói nhỏ:
– Ừ, mình về nhà thôi.
Tôi bước sau cậu, không phải tôi khóc, không phải tôi đau lòng, là do tôi hơi tủi thân một tí tị thôi. Ha ha, tôi có thích cậu đâu cơ chứ, phải rồi, tôi không thích cậu, tất cả chúng tôi đều bị ép buộc vào mối lương duyên này.
Ra Giêng chị Hạnh theo cậu Phúc về nhà. Đám cưới chị sơ sài lắm, nhà cậu Phúc nghèo nên chị bảo không muốn làm rình rang quá. Lúc tôi với bu tiễn chị ra đến cổng nhà chị không khóc nhưng đôi mắt cũng đỏ hoe cả lại. Đám cưới chị Hạnh xong tôi với cậu Bảo cũng về nhà, hôm nay tôi mệt phờ người nên cũng chẳng để tâm cậu Bảo vui buồn thế nào. Lúc về đến sân nhà đột nhiên tôi thấy cả nhà nhốn nháo loạn xạ hết lên. Đám gia nô chạy ngang chạy dọc, con Lê ở đợ thay thế con Na ở dinh bà ba đôi mắt đỏ hoe bật khóc nức nở. Tôi nhìn nó bàng hoàng hỏi:
– Lê, sao mày khóc? Có chuyện gì vậy?
– Mợ Dung… bà ba…
– Bà ba làm sao?
– Bà ba chết rồi.
Chết rồi?
***
|
Chương 19:
Chết rồi? Tai tôi như ù đi, lắp bắp hỏi:
– Sao… sao lại như vậy?
– Bà ba bệnh lâu lắm rồi, từ độ trước Tết đã ốm yếu suốt. Thầy lang bảo bà sẩy thai quá nhiều lần, lại còn hít nhiều thứ độc hại vào cơ thể, con thấy bảo ở trong mỹ phẩm bà dùng ngoài trầm hương còn có thuỷ ngân nữa, chất độc ngấm vào cơ thể rất lâu rồi, bà có tâm bệnh trong người nên cơ thể vốn đã yếu ớt nay lại càng suy nhược. Sáng nay lúc cậu mợ vừa đi con đã thấy bà lạnh toát rồi. Giờ mọi người đang thuê người về để tắm rửa khâm liệm cho bà.
Tôi nghe xong, toàn thân cũng lặng đi, đến tận bây giờ tội ác của bà hai vẫn gây ra hậu quả nặng nề như vậy? Thuỷ ngân độc hại đến thế bà cũng có thể cho vào mỹ phẩm của bà ba được. Tôi không nghĩ được gì nữa chạy một mạch vào trong dinh bà ba. Bà nằm trên giường, gương mặt trắng bệch nhợt nhạt, bàn tay buông thõng, đôi mắt nhắm nghiền, tôi cứ ngỡ bình yên đã đến với tất cả mọi người, không ngờ lại xảy ra cơ sự thế này.
Đám tang bà ba được tổ chức rất sơ sài, phần vì ông Lý không muốn làm rùm beng mọi chuyện lên, phần vì bà ba không cha, không mẹ, không họ hàng thân thích chỉ có một hai người bạn hồi ở đợ cùng nhà bà cả. Ông Lý không khóc, nhưng vẻ mặt đầy rầu rĩ, bà cả thì thẫn thờ suốt những ngày sau đó.
Sau đám tang bà ba ba tháng, cũng là vào độ giữa năm, một buổi chiều cái Hương lên dinh bà cả thưa chuyện với ông Lý.
– Bẩm thầy, chẳng là con thấy cái dinh của bu Bích giờ để trống cũng phí. Thầy xem thế nào một là để con qua đấy ở. Dù sao dinh của bu con giờ cũng có mỗi ba gian, con với cậu Thành chưa chính thức thành thân mà con ở chung với chị Yến thì cũng hơi bất tiện.
Ông Lý nghe xong ngạc nhiên hỏi lại;
– Con không sợ sao? Bu Bích mới mất…
– Bẩm thầy. Ý thầy là sợ ma? Người con mới sợ chứ ma quỷ con sợ gì? Vả lại lúc bu Bích sống con cũng có gây thù chuốc oán gì đâu con sợ.
– Nhưng một mình con ở đó cũng không tiện, thôi để thầy bảo thằng Thành rồi hai đứa chuyển qua đó ở.
Cái Hương hơi tối sầm mặt lại, nhưng rồi cũng miễn cưỡng đáp:
– Dạ vâng. Với lại thầy ơi, năm nay cái Chi nó cũng mười ba tuổi rồi, thầy xem có cái mối nào thì gả nó đi. Gả cái Chi xong thầy cũng cho chị Yến về quê như lời trước kia bu nói hoặc là tìm mối gả chị Yến đi cũng được.
Lời cái Hương vừa thốt ra thì cái Yến đã gắt lên:
– Hương, sao em lại có cái quyền sắp xếp trật tự trong nhà này vậy? Chị sống ở đây quen rồi, chẳng muốn đi đâu cả, cũng không muốn lấy chồng. Ông Lý ơi, nếu không chê ông cho con làm ở đợ cũng được.
Ông Lý nghe xong thở dài đáp:
– Thôi, chuyện đâu còn có đó, dù sao con cũng là con cháu trong nhà sao để làm ở đợ được. Qua năm cho thằng Bảo với cái Dung, thằng Thành với cái Hương thành thân thì cũng gả cái Chi đi luôn. Hôm trước xã trưởng cũng có đánh lời hỏi thăm cái Chi. Xem chừng năm sau phải gả đi thật rồi. Còn cái Yến, con xem con thích ai thì nói với ông, ông sẽ tổ chức đám cưới cho.
Con Chi đứng dựa lưng vào tường hỏi:
– Cậu Huân, có phải cậu Huân người cao cao, to to mà trước đi cùng xã trưởng qua nhà mình chơi cờ với thầy không?
– Ừ đúng rồi, con có thích không?
– Con có ạ. Thầy gả luôn con đi bây giờ cũng được.
Ông Lý nhìn cái Chi bật cười đáp:
– Con gái thầy đã muốn có chồng rồi hả? Để thầy xem cuối năm có ngày nào đẹp thì thầy gả đi trước cũng được. Năm sau mười bốn tuổi sinh cho xã trưởng đứa cháu là đẹp, hạp với tuổi thằng Huân
– Dạ, con đội ơn thầy.
Tôi nhìn con Chi, cũng vui lây, chỉ có điều cái Yến mặt lại rầu rĩ cả đi. Hai đứa sống với nhau từ nhỏ, dù sao giờ Chi mà đi lấy chồng cái Yến cũng cô đơn nên buồn là phải.
Chiều hôm ấy cái Hương với cậu Thành đánh rửa dinh bà ba sau đó dọn dẹp hết đồ sang. Con Chi thấy cái Hương đi thì mừng lắm, hớn hở ra mặt, thế nhưng ngay sáng hôm sau cái Hương đã đứng trước dinh bà hai quát lớn:
– Chi, thầy bảo cuối năm được ngày gả đi thì cũng là sắp lấy chồng. Mà sắp lấy chồng thì đừng có lười thối lười thây như vậy nữa chứ? Dậy mang đồ ra chị Yến dạy học thêu, không thì cũng học nấu nướng đi.
Cái Chi nghe vậy chau mày nhõng nhẽo:
– Anh Thành ơi, chị dâu bắt nạt em.
Cậu Thành đang cầm sách đọc ngoài sân nghe vậy lơ đãng đáp:
– Chị nói không sai đâu. Lớn rồi đừng có để về nhà chồng không biết làm gì người ta lại nói thầy không ra gì.
– Anh!
– Học đi!
Con Chi không còn cách nào khác đành lủi thủi theo cái Yến học thêu. Bà cả thấy vậy cũng giục tôi xuống cùng học, vậy nên mỗi lần mài mực xong cho cậu Bảo tôi lại phải đi xuống dinh bà hai để thêu thùa may vá. Ở dinh bà ba, cậu Thành cũng miệt mài học, cậu Thành chưa thi Hương nên sẽ thi cùng đợt với thằng Tý nhà tôi. Cậu Bảo thì qua cái Tết này sẽ chính thức lên kinh thi Hội, nghe ông Lý nói qua Tết sẽ tổ chức thành thân cho tôi và cậu trước khi cậu thi để được đỗ đạt may mắn. Về đây một thời gian lâu như vậy tôi mới biết hoá ra lý do ông Lý nằng nặc muốn cưới tôi cho cậu Bảo là vì bà bói Vương từng phán rằng ba đứa con nhà ông đồ Đạt đều là những người tài giỏi, nữ thì vượng phu ích tử, nam thì tiền đồ xán lạn. Bà bói Vương còn nói, người đàn ông nào lấy được hai đứa con gái nhà ông đồ Đạt chắc chắn đường công danh sẽ rạng rỡ. Tôi cũng chẳng biết lời bà bói Vương có đúng hay không, chỉ sợ cậu Bảo mà không được như vậy e là ông Lý lại ghét tôi mất.
Thực lòng mà nói, tôi thấy tôi cũng không hẳn là giỏi giang cho lắm. Ví dụ như đây, từ Tết đoan ngọ đến tận sang tháng sáu tôi chẳng thêu nổi một con hạc. Cái Yến tuy rất tận tình, nhưng tôi học kiểu gì mà chẳng vào đầu nổi. Một buổi chiều khi đang mài mực cho cậu Bảo đột nhiên cậu nhìn tôi rồi nói:
– Này! Thêu cho tôi một cái khăn tay đi, chừng nào lên kinh thành thi tôi sẽ mua quà cho. Muốn mua gì tôi cũng mua.
Tôi nghe vậy mắt sáng rực lên, nghe thầy tôi nói trên kinh thành nhiều của ngon vật lạ lắm liền vội vàng hỏi lại;
– Thật… thật không cậu?
– Thật. Tôi có phải trẻ con đâu mà lừa cô.
– Được, vậy tôi sẽ thêu tặng cậu một cái khăn tay, nhưng cậu hứa trên đó có đồ gì ngon phải mua về cho tôi ăn đấy.
Cậu Bảo nghe vậy thở dài đáp:
– Cả ngày chỉ nghĩ đến ăn thôi à? Còn muốn mua gì khác không?
– Không cần, cậu cứ mua cho tôi tất tần tật những thứ ăn ngon mà lạ trên kinh mang về. Đấy là món quà lớn nhất với tôi rồi.
– Ừ được.
Tôi thấy vậy liền hí hửng chạy xuống chỗ cái Yến nhờ nó dạy tôi thêu khăn tay. Nó lấy cho tôi mấy chiếc khăn trơn rồi nói:
– Cô thêu cho cậu Bảo à?
– Ừ.
– Đây, cô thêu đi, nhưng muốn là của mình cô đánh dấu lên chiếc khăn đó. Giả dụ cô tên Dung thì thêu thêm chữ D xuống dưới góc chiếc khăn.
Tôi gật đầu ngồi thêu đến xước cả tay vẫn chưa xong. Dù soa cậu Bảo cũng còn hơn nửa năm nữa mới phải lên kinh tôi cũng chưa vội. Thế nhưng nói thì nói vậy chứ một tuần sau đó tôi mới hoàn thành nổi cái khăn tay con hạc. Vậy mà vừa nhìn thấy cái Yến đã chau mày nói:
– Trời ơi, cô thêu thế này mà định tặng cho cậu Bảo sao? Nhìn con Hạc mà tôi tưởng con quạ luôn.
Tôi nhìn lại cái khăn tay, cũng có xấu lắm đâu nhỉ, nhưng mà thấy cái Yến chê nên cũng không nỡ mang lên tặng lại mất mặt đành vứt đi thêu lại cái khác. Đến cái này tôi toàn tâm toàn lực, đêm còn không ngủ chong đèn để thêu. Lần này cái Yến nhìn chiếc khăn mới gật gù nói:
– Thôi cũng coi như có cố gắng, tạm chấp nhận được.
Thấy cái Yến nói vậy tôi liền chạy lên buồng cậu Bảo xoè chiếc khăn ra rồi nói:
– Tặng cậu này, nhớ mua đồ ăn về cho tôi đấy.
Cậu Bảo đang đọc sách, không thèm ngó lấy chiếc khăn mà đưa tay nhận rồi đút luôn vào túi quần. Trời ơi, cậu còn không nhìn xem nó đẹp hay nó xấu làm tôi chưng hửng ghê gớm. Tôi chẹp miệng nói:
– Cậu không muốn xem nó hình dạng thế nào à?
– Quan trọng gì, miễn là cô thêu là được, cô có thêu vượn thêu khỉ thì cũng vẫn là của cô mà.
Tôi nhìn cậu Bảo, hơi tưng tức, biết thế tôi đưa luôn con quạ ban đầu kia cho xong bày đặt thức đêm thức khuya làm gì giờ thâm hết quầng mắt. Cậu cũng chả để ý tới tôi, giục tôi mài mực cho cậu viết chữ. Tôi cũng không thèm buồn, cứ nghĩ tới những đồ ngon trên kinh thành nước miếng cũng chảy thành dòng.
Thế rồi thời gian cũng cứ thế bình lặng mà trôi đi. Đến tháng mười năm ấy cái Chi được bên nhà xã trưởng mang kiệu hoa tới đón. Vì là lễ thành thân chính thức nên nhà ông Lý vẫn tổ chức một lễ cưới rình rang. Dẫu sao cái Chi cũng là con gái duy nhất của ông Lý, lúc trao của hồi môn tôi mới thấy cơ man nào là vàng bạc trang sức. Bình thường cái Hương chửi mắng cái Chi là vậy nhưng đám cưới lại gần như nó lo liệu cả. Có điều tôi không thấy cái Chi tỏ vẻ biết ơn, chỉ thấy hậm hà hậm hực suốt. Con bé này được nuông chiều thành quen nên lúc nào cũng cho mình là nhất. Khi cái Chi về nhà chồng, tôi với mọi người mới vào trong dọn dẹp. Cái Yến thì khóc suốt, nó ngồi giam mình trong buồng khóc nấc lên ai cũng phải thương cảm. Ông Lý thấy vậy quay sang bà cả nói:
– Thôi thì cái Yến nó sống ở đây từ nhỏ, mình cũng coi như con như cháu giờ cái Chi đi lấy chồng thì cứ để nó sống ở dinh đó. Sau này tôi tìm được mối thì tôi gả nó đi sau bà xem được không?
– Tuỳ ông thôi. Rồi ông xem bàn bạc qua Tết thì cho con Dung với thằng Bảo thành thân luôn, rồi đến cái Hương với thằng Thành. Chúng nó dựng vợ gả chồng sớm mình nhàn đi được một gánh.
Giờ đã là cuối năm, sang năm là cưới rồi sao? Tôi cũng chẳng biết mình vui hay buồn nữa, chỉ thấy hơi trống rỗng một chút. Lúc dọn dẹp xong tôi liền đi ra ao đứng. Mỗi lần buồn tôi thường ra đó nhìn về hướng làng Liễu, cảm giác như được nhìn thấy thầy bu ngay trước mắt.
– Dung.
Tiếng cậu Thành cất lên phía sau khiến tôi giật nảy mình. Tôi nhìn cậu đáp lại:
– Ừ cậu ra đây làm gì vậy?
– À, không có gì.
Nói rồi cậu đứng lặng lẽ ngay bên cạnh tôi, không hiểu sao tự dưng tôi thấy bầu không khí ngượng ngùng nặng nề quá liền lên tiếng bắt chuyện:
– Cậu với Hương ở dưới dinh bà ba chắc có không gian riêng tư hơn nhỉ? Nhưng mà ở dưới đó cậu có mơ mộng gì không? Tôi yếu bóng vía lắm, toàn mơ mộng linh tinh thôi à.
Cậu Thành nghe vậy phì cười đáp lại:
– Không, thấy cô mạnh mẽ tôi tưởng cô cứng bóng vía lắm chứ.
– Cứng gì, yếu xìu thì có, trông tôi thế thôi chứ sợ ma sợ quỷ lắm. Mới nhắc còn rợn hết gai ốc lên đây này.
Vừa nói đến đây người tôi cũng rợn hết gai ốc lên thật.
– Mà này… chiếc khăn… con hạc cô thêu có chữ…
Cậu Thành còn chưa kịp nói hết câu đột nhiên tôi thấy có ai đó chạm khẽ vào người rồi có một tiếng hét lên vang lên tai. Vì đứng ngay trên mép ao nên tôi mất đà ngã uỳnh một phát xuống dưới. Đến khi chìm nghỉm rồi mới nhận ra tiếng cái Yến trên bờ gào lên:
– Dung, trời ơi sao tôi mới hù nhẹ mà cô đã ngã xuống đấy rồi. Thành ơi, em biết bơi nhảy xuống cứu Dung lên đi.
Cái con Yến chết tiệt, tôi đã sợ ma thì chớ, nó hù khiến tôi giật mình ngã xuống đây làm chi. Tôi uống ực mất hớp nước, cố ngoi đầu gào lên:
– Cứu tôi với.
Đột nhiên tôi thấy một tiếng bùm thật mạnh, có ai đó vờn vờn dưới dòng nước rồi nắm chặt tay tôi kéo sát vào người rồi bế thốc tôi lên bờ. Lúc này tôi mới hoàn hồn, mở mắt nhận ra đó là cậu Thành. Cậu ta nhìn tôi hỏi nhỏ:
– Cô có sao không?
Tôi uống cái nước này vào bụng, giờ chỉ thấy tởm lợm trào lên tận họng rồi nôn thốc nôn tháo ra ngoài. Cậu ta thấy vậy ôm tôi chạy một mạch đến gốc đa. Bỗng dưng tôi thấy mặt nóng bừng, ngay cách đó không ra, cậu Bảo đang đứng nhìn về phía tôi. Lúc này tôi mới phát hiện Thành vẫn đang ôm tôi, tay tôi cũng bám chặt lên vai cậu ta. Tôi hơi sợ hãi định nhoài người về phía cậu Bảo thì đã thấy cậu từ từ tiến lại giành lại tôi sau đó bế thốc lên rồi nói:
– Để anh tự mang vợ anh về cũng được, không nhỡ gia nô người ta thấy lại nói ra nói vào không hay. Cảm ơn chú.
Cậu Thành nghe vậy cũng gật đầu cùng cái Yến đi về trước. Lúc này dưới gốc đa chỉ còn tôi và cậu Bảo. Tôi run run giải thích:
– Thực ra… nãy cái Yến nó hù tôi nên tôi ngã xuống ao… mà cái Yến không biết bơi nên cậu Thành…
– Tôi không quan tâm đâu, nên không cần giải thích.
Không quan tâm, ờ thì không quan tâm. Tôi còn ngỡ cậu ta ghen lồng ghen lộn chửi mắng tôi ai dè lại cái thái độ hờ hững như vậy. Tôi định nhảy xuống dưới tự đi về những cậu ta đã ôm chặt không cho tôi cựa. Cậu siết chặt lắm, chặt đến mức người tôi như không thở nổi, gân trên thái dương cũng giật giật liên hồi. Khi về đến nhà tôi vội đi tắm rửa rồi định qua buồng cậu mài mực cho cậu, thế nhưng cậu đã đóng cửa tắt đèn đi ngủ từ bao giờ. Những ngày sau đó, cậu Bảo ít ra ngoài, cũng không cho tôi mài mực nữa mà tự mài, không hiểu sao tôi cứ thấy cậu xa cách vô cùng. Mãi mấy hôm sau cậu mới bình thường lại, rõ ràng thái độ cậu khác nhưng cậu lại nói do cậu ốm nên không muốn gặp bất cứ ai. Ừ thì cậu nói thế nào tôi cũng biết tin thế ấy chứ biết sao bây giờ.
Sau đợt ngã ao tôi cũng hạn chế tiếp xúc với cậu Thành, dù sao tôi cũng là vợ cậu Bảo, suy cho cùng dù không có gì mờ ám vẫn nên tránh xa một chút. Không phải tôi sợ cậu Bảo ghen chỉ là không muốn đám người ở nói ra nói vào lại mang tiếng tôi ra. Hình như nhờ vậy mà tôi thấy cậu Bảo bắt đầu vui vẻ với tôi trở lại. Có khi nào cuối cùng cậu đã bị tôi mê hoặc rồi?
Tết năm đó con Chi đi lấy chồng nên không cùng mọi người đón giao thừa, nhà lúc này chỉ còn ông Lý, bà cả, vợ chồng cái Hương, vợ chồng tôi và cái Yến nên cũng hơi buồn buồn. Ra giêng con Chi mới về chơi, lúc nó sang nhà tôi mới biết nó đã có chửa được hơn hai tháng. Chồng nó lên kinh thành đi buôn với xã trưởng nên chỉ mình nó qua chơi. Từ ngày nó đi lấy chồng xem ra đã trưởng thành hơn đôi chút còn biết giúp ông Lý đấm lưng xoa bóp khiến ông cười suốt cả ngày.
Buổi sáng ngày thứ hai con Chi về đây, từ sáng bà cả với cậu Thành, cậu Bảo đã đi lên huyện. Nghe đâu ba người lên để hỏi thăm giống lúa mới cho vụ mùa rồi mua ít sách về cho hai cậu đọc. Đám gia nô hôm nay cũng ra ruộng cấy mạ hết chỉ còn ông Lý ở nhà tý đi ăn cỗ và mấy đứa con gái bọn tôi. Lúc này vú Bảy cùng cái Mít nấu cơm bên dưới nhà, cái Hương thì mang mấy bộ quần áo của cậu Thành đi giặt, tôi định xuống bếp giúp vú Bảy một tay thì cái Yến đứng dưới dinh bà hai khẽ gọi:
– Dung, lại đây giúp tôi một tay với.
Con Chi nhìn thấy tôi thì hậm hực hẩy hẩy tay cái Yến nói:
– Cần gì chị ta, hai đưa mình làm được mà.
– Dù sao cô ấy cũng không làm gì, giờ giúp một tay có sao đâu.
Tôi nhìn mấy tấm vải được phơi ngay trước hiên, hoá ra cái Yến định may một chiếc áo cho con của con Chi. Cái Yến thấy tôi đứng tần ngần trên đó lại nói:
– Cơm vú Bảy nấu một lát là xong, cô xuống đây đi, giúp tôi xỏ kim luồn chỉ tiện tôi cũng dạy cô thêm ít kỹ thuật thêu vá nữa sau này có con mà may quần may áo cho nó.
Có con? Tự dưng nghe đến đấy tôi cũng hơi thinh thích liền chạy xuống. Con Chi không thèm nhìn tôi, xem chừng vẫn oán hận chuyện cũ lắm nhưng tôi cũng không chấp đi cùng cái Yến vào dinh lấy đồ ra. Cái Yến đặt tấm vải lên xem xét một hồi rồi đề nghị:
– Chỗ hiên này hơi nhỏ, mà sân thì lại nắng, mình mang lên hiên trên dinh bà cả để làm đi, tôi định may ba bốn cái cơ.
Tôi thấy lời nó cũng hợp lý liền gật đầu kéo đồ lên trước, con Chi với cái Yến đi sau. Khi cả ba đang đứng trên hiên xem xét thì cái Hương cũng về. Con Chi thấy vậy chống nạnh nhìn về phía cái Hương rồi nói:
– Này! Chị đi đâu từ sáng giờ sai người nấu cho tôi bát cá chép đi.
– Có tay có chân tự nấu đừng bắt người khác hầu
– Chị!!!
Cái Hương nhìn con Chi không thèm đáp đi thẳng về dinh. Đột nhiên con Chi ngã uỳnh một phát từ trên hiên xuống sân. Tôi từ nãy vẫn đang xỏ kim nên chưa hiểu chuyện gì, đến lúc nhìn xuống đã thấy ở dưới sân, con Chi mặt tái xanh như tàu lá, bấu những ngón tay xuống nền đất vừa khóc vừa gào lên:
– Con tôi… con tôi… người đâu, mau cứu… cứu con…
Tôi há hốc mồm kinh ngạc lắp bắp hỏi lại:
– Chi… em sao thế?
Nó không đáp lời tôi, đưa bàn tay xuống dưới đột nhiên như phát dại gào lớn hơn, một tay ôm bụng một tay quệt nước mắt. Lúc này ông Lý cũng đã ra đến ngoài, con Mít, vú Bảy, cái Hương cùng hai tên gia nô đang gác ngoài cổng cũng chạy vào. Dưới nền sân một dòng máu đỏ chảy ra, cái Yến lao xuống ôm chặt lấy con Chi nước mắt lưng tròng nói:
– Mọi người mau gọi thầy lang đi, nhanh lên. Chi, em bình tĩnh, đừng khóc.
– Chị ơi cứu em, cứu con em em đau bụng quá
– Ừ được rồi
– Em sợ lắm, chị ơi em đau bụng lắm, em đau lắm
– Em đừng khóc nữa, đừng khóc nữa mà
Thế nhưng con Chi vẫn khóc nức nở rồi đột nhiên chỉ thẳng vào mặt tôi rú lên:
– Là chị ta, là chị ta đẩy em. Là chị ta…
Tôi còn chưa kịp đáp lại thì cái Yến đã nói:
– Chi, nghe chị bình tĩnh đã, quan trọng nhất giờ này là xem đứa bé thế nào.
Con Chi gục đầu vào vai cái Yến khóc nức nở, một lúc sau thầy lang đến, vừa nhìn thấy vũng máu trên sân đã lắc đầu. Đến khi ngồi bắt mạch xong thì run rẩy nói:
– Thưa… thưa ông, tiểu thư bị sẩy thai rồi.
– Ông nói dối – con Chi lắc đầu gào lên
– Tiểu thư…
– Con tôi… ông nói dối đúng không? Ông phải cứu nó tôi xin ông, cứu con tôi đi mà
– Xin thứ lỗi cho tôi, thực sự không còn cứu nổi nữa rồi.
Con Chi nhìn thầy lang, đôi mắt bất chợt trở nên trống rỗng vô hồn, nước mắt cũng đã ướt đẫm gương mặt của nó. Tôi nhìn con Chi, đến tận giây phút này vẫn bàng hoàng không tin nổi. Nó đột nhiên đẩy cái Yến ra, nằm vật xuống đất rú mấy hồi sau đó bỗng dưng mặc kệ máu đang chảy lao về phía tôi túm tóc nắm một mảng vừa khóc vừa rít lên:
– Chị là con thú chứ không phải con người, tôi làm gì chị mà chị hại con tôi.
Ông Lý thấy vậy lao vào giữ tay nó rồi nói:
– Chi, con bình tĩnh đi, bay đâu đưa cô Chi về buồng nghỉ ngơi mau lên.
Nó nghe xong liền quỳ sụp xuống khóc tức tưởi van xin:
– Thầy, con của con chết rồi, con sẩy thai rồi đấy. Thầy phải làm chủ cho con, chị ta… chính chị ta đẩy con xuống, chính chị ta… a… a… a
Ông Lý nhìn nó, khẽ thở dài, cúi xuống bế nó thẳng về buồng vừa đi vừa nói “Con về nghỉ ngơi đi đã, thầy sẽ làm chủ cho con, thầy nhất định sẽ không để kẻ đẩy con được yên”. Nói rồi ông Lý liếc tôi sắc như dao lam. Cái Yến cùng thầy lang cũng đi theo, con Chi dường như vẫn chưa bình tĩnh nổi vẫn gào rú liên hồi, chỉ còn tôi đứng như trời trồng trên hiên.
***
|
Chương 20:
Lúc đưa con Chi về buồng ông Lý liền quay lại phía tôi rồi nói:
– Dung, sao con lại đẩy em Chi? Con biết thừa em nó đang có chửa mà đúng không?
– Dạ, thưa thầy con không đẩy. Khi ấy con còn đang xỏ kim trên hiên.
Ông Lý thấy vậy liền gọi to:
– Yến, ra đây ông hỏi.
Cái Yến từ trong dinh bà hai bước ra, nhìn ông Lý ấp úng nói:
– Dạ ông cho gọi con?
– Lúc nãy tại sao em Chi ngã?
Cái Yến khẽ liếc mắt nhìn tôi rồi đáp:
– Dạ… bẩm ông khi con đang cắt vải nên không để ý. Chỉ thấy tự dưng em Chi không biết bị ai đẩy mà ngã lăn đùng xuống đất.
Ông Lý thở dài nói:
– Thôi được rồi, con đi chăm em Chi giúp ông, còn Dung, mau vào nhà thầy có chuyện cần nói.
Tôi nhìn cái Yến, trong giây lát cũng hiểu ra mọi chuyện. Con Chi vốn dĩ đầu óc không được thông minh nhanh nhẹn, nó không phải người có tâm cơ thâm độc, lại rất yêu cậu Huân nhà xã trưởng không cớ gì nó tự ngã để sẩy thai, chắc chắn nó không phải loại người vì thù hận bất chấp thủ đoạn thậm chí hy sinh cả đứa con. Vả lại, lúc con Chi ngã tôi thấy vẻ mặt nó rất bất ngờ và bàng hoàng, cú ngã xem chừng mạnh chứ không giống như tự đổ người xuống, nếu con Chi muốn hại tôi thì giả vờ ngã nhẹ thôi việc gì phải khiến mất đứa con trong bụng như vậy. Chẳng phải lúc đó tôi đang xoay mặt sang chỗ khác xỏ kim sao? Chẳng phải khi ấy con Yến đang đứng phía sau cả tôi và con Chi sao? Trên hiên chỉ có ba người, tôi không làm, con Chi không tự ngã thì chỉ còn ai vào đây nữa? Tôi bỗng rùng mình, từng thớ da thịt cũng lạnh buốt. Ông Lý gọi tôi vào nhà đanh giọng nói:
– Một là con khai sự thật, thầy sẽ xử nhẹ tội đi, hai là thầy sẽ làm theo đúng gia pháp.
– Thưa thầy, con không hề đẩy em Chi.
– Vậy ý con là cái Chi tự ngã, tự hại mình sẩy thai hay cái Yến nó đẩy?
Tôi khẽ bật cười, phải rồi con Yến chơi chiêu này đúng là quá thâm độc. Nhà không gia nô, không ai chứng kiến nếu là bất cứ ai cũng sẽ nghĩ tôi là người ra tay bởi suy cho cùng con Yến cũng là cháu bà hai, là chị ruột con Chi. Dù sao tôi và bà hai cũng coi như có mối thâm thù, đã vậy mỗi lần con Chi gặp tôi đều hậm hực nên tất nhiên ai cũng nghĩ tôi ghét nó. Tôi nhìn ông Lý một lúc mới đáp:
– Thưa thầy, con không làm nên con sẽ không nhận. Nhưng nếu thầy vẫn nhất quyết muốn xử đợi bu với cậu Bảo về rồi tính.
Khi vừa nói xong, đã thấy con Chi lao từ dưới lên gào thét inh ỏi:
– Chị muốn kéo dài thời gian sao, muốn chồng chị về chịu tội thay chị chứ gì, thầy, con đã bị thế này mà thầy vẫn muốn bênh chị ta hay sao? Dù sao đứa bé trong bụng cũng là cháu xã trưởng, thầy không thương con cũng phải nể mặt người ta.
Con Yến đứng phía sau khẽ giật giật tay con Chi. Tiên sư, còn bày đặt giả nhân giả nghĩa, con Chi ngu ngốc vẫn khăng khăng một mực tin nó. Nhưng lúc này tôi không có bằng chứng gì chứng minh mình bị oan, chỉ đành nói:
– Chi, chị thật sự không hề đẩy em. Rõ ràng ban nãy trên hiên chị vẫn còn xỏ kim
– Chị câm mồm đi.
Ông Lý nhìn con Chi, xua xua tay giục con Yến:
– Đưa em về dinh đi Yến, nó mới sẩy thai xong.
Con Chi thấy vậy ngửa cổ lên cười sằng sặc rồi chạy một mạch ra ngoài. Con này chẳng lẽ điên rồi sao, mới sẩy thai xong không kiêng cữ gì đã chân trần chạy đi. Ông Lý cũng bị bất ngờ liền chạy ra ngoài đã không thấy con Chi đâu liền sai hai thằng gia nô đi tìm. Thế nhưng độ nửa canh giờ sau đã thấy con Chi quay lại, còn dẫn theo cả phu nhân xã trưởng và một toán người. Ông Lý thấy vậy liền nói:
– Chi, con làm gì vậy?
– Thầy không làm chủ cho con con chỉ còn cách này thôi. Bu, chính chị ta là người hại con sẩy thai.
Phu nhân xã trưởng nhìn tôi hằm hằm gào thét inh ỏi, đám gia nô nhà bà ta cũng như thể muốn ăn tươi nuốt sống tôi. Bà ta chửi tôi một hồi rất lâu sau đó tiến về phía ông Lý nói:
– Chuyện này không chỉ là chuyện ở nhà ông, mà đứa bé trong bụng còn là máu mủ ruột già của nhà tôi. Việc này tôi không thể làm ngơ được, hôm nay nghe tin tôi đã suýt ngất đi, sao lại có một người độc ác có thể đi hại một đứa bé còn chưa chào đời như vậy chứ?
– Dạ phu nhân cứ về đi, chuyện này nhất định tôi sẽ làm cho ra nhẽ.
– Còn ra nhẽ gì nữa, chẳng phải con Chi nó bị con dâu cả của ông đẩy ngã sao? Ông còn muốn tìm nhẽ gì đây?
– Thưa phu nhân… dù sao…
– Nếu ông không làm theo gia pháp nhà ông thì coi như ông không nể mặt xã trưởng, không nể mặt thông gia rồi.
Tôi nhìn con Chi, lúc này biết mình đã không còn một đường lùi. Nó đã gọi phu nhân xã trưởng sang có nghĩa tôi bắt buộc sẽ bị ông Lý xử. Trước kia vốn dĩ đã có những linh cảm bất an về con Yến, không ngờ sau đó nó không có hành động gì còn nghĩ mình đã hiểu nhầm nó ai ngờ bị nó chơi một vố đau thế này. Ông Lý cúi mặt bất lực đáp:
– Được tôi sẽ làm theo gia pháp. Bay đâu, mang mợ Dung ra đánh ba mươi trượng
Tôi mới nghe đến vậy liền nói:
– Thưa thầy, vốn dĩ không bằng chứng, chì vì lời cái Chi nói mà luận tội cho con có vội vàng quá không? Giờ chẳng ai nhìn thấy, sao thầy không thử nghĩ biết đâu có ẩn tình gì?
– Vậy cô có bằng chứng chứng minh mình oan không? – Phu nhân xã trưởng hỏi vặn lại.
Quả thực tôi không có bằng chứng gì, định lên tiếng để kéo dài thời gian ông Lý đã quát lên:
– Thôi, con đừng có cãi nữa. Bay đâu, mang mợ Dung ra sau nhà đánh ba mươi trượng cho ông.
Tôi bị hai thằng gia nô lôi xềnh xệch vào trong, phu nhân xã trưởng lúc bấy giờ mới quay về. Trước khi về bà ta còn nói:
– Hy vọng ông xử cho thật nặng tay chứ đừng xử cho có. Mà nghe nói trong gia pháp nhà ông tội như thế này còn bị đuổi đi nữa mà đúng chứ? Một sinh linh bé bỏng chứ không phải hạt cát hạt bụi gì.
– Dạ… dạ vâng.
Tôi ở trong nghe xong, cũng sững sờ kinh hãi. Không thể nghĩ rằng phu nhân xã trưởng lại muốn dồn tôi đến đường cùng như vậy. Tôi bị kéo nằm xuống phản liền van xin:
– Thầy, thầy đánh con bao nhiêu cũng được con xin chịu nhưng đừng đuổi con đi.
Ông Lý nhìn tôi, vẻ mặt trầm xuống rồi nhắm nghiền mắt nói:
– Đánh!
Mỗi một trượng đập xuống mông tôi như chết điếng, trước kia bị đánh bằng roi mây đã đau đớn lắm rồi, giờ cứ tưởng như xương cốt gãy hết. Được năm trượng tôi đau đến mức cắn chặt môi bật cả máu mà vẫn không thấm là gì so với vùng bị đánh. Hai tay tôi bấu chặt lên phản, lực đánh mỗi lúc một thêm mạnh, tôi không biết mình bị đánh đến khi nào, bởi chỉ mười mấy hai mươi trượng người tôi cũng ngất lịm. Đến khi tỉnh dậy đã thấy trời tối sầm lại, còn mình đang nằm trong buồng. Ở bên ngoài có tiếng bà cả cất lên:
– Ông khỏi lo, thầy tôi lo được vụ này. Tôi nói rồi, dù có chết tôi cũng không đuổi con Dung đi. Ông xem, trước ông nói tôi, còn ông xử trí có công bằng không? Ừ thì tình ngay lý gian, nhưng tôi tin nó không phải là con người như vậy.
– Nhưng tôi không muốn kinh động đến thầy.
– Phải rồi, ông không muốn kinh động đến thầy nên định đánh chết con bé, ngày xưa ông nói ông nợ thầy nó một ân tình giờ định đánh chết nó ông mới hả dạ à? Ông thương con Chi tôi không cấm, nhưng ông cũng thừa biết con Chi đành hanh cỡ nào. Còn con Yến, tôi không hiểu ông giữ nó lại làm gì, chứ cái bản mặt con đấy tôi thấy nó thâm hiểm lắm.
– Giờ con Chi đã không có mẹ, con Yến ở với chúng ta từ nhỏ nói sao thì nói cũng vẫn như con cháu trong nhà. Bà xem, nếu con Chi là con bà, nó bị sẩy thai bà có làm ầm lên không?
– Nhưng không phải vì thế mà nghi cho con Dung. Sống với nó cũng hơn một năm, tôi hiểu tính cách nó ra sao. Thôi, vụ này tôi sẽ lo, thầy tôi nói với xã trưởng một câu là được.
Tôi cố xoay người lại nhưng đau đến mức không nhích nổi. Bên ngoài có tiếng cạch cửa rồi bà cả bước vào. Bà ngồi trên thành giường khẽ nói:
– Dung, bu để thuốc này ở đây, tý con Mít nó vào nó xoa bóp cho. Giờ bu phải sang nhà ông ngoại có việc, con cứ nằm nghỉ đi không phải lo cái gì.
Tôi nhìn bả cả, tự dưng nước mắt trào ra đáp lại:
– Không ai tin con…
– Không, cả bu với thằng Bảo đều tin con. Con nằm nghỉ đi đã. Ai tốt ai xấu bu biết chứ bu không có mù.
Nói xong bà đặt lọ thuốc lên bàn sau đó đi ra ngoài, một lúc sau cậu Bảo vào, còn cầm trên tay bát cháo nóng hổi khẽ hỏi:
– Cô có sao không?
– Tôi…
– Đau lắm chứ gì? Ăn chút cháo đi đã.
Nói đến đâu cậu thổi cháo cho tôi đến đấy. Ăn xong tôi lại thiếp đi, chỉ thấy hình như có ai đó dùng lọ thuốc xoa bóp cho tôi. Cả người tôi như gãy nát hết, đến sáng hôm sau ngủ dậy đột nhiên tôi giật mình khi thấy cậu Bảo vẫn ngồi bên cạnh. Đêm qua cậu ở đây sao? Vậy… vậy ai là người xoa bóp cho tôi. Cậu nhìn tôi không để ý đến thái độ lạ lùng của tôi mà nói:
– Dung, bu tôi nhờ được ông ngoại nói với bên xã trưởng rồi. Xã trưởng là người hiểu chuyện nên cũng cho qua, phu nhân xã trưởng cũng không dám ý kiến gì thêm nữa.
Tôi gật đầu, tự dưng lại thấy xót xa quá đỗi. Quả thực đến giây phút này vẫn không dám tin con Yến lại mưu mô, xảo quyệt như vậy. Không hiểu sao tôi thấy mình ngu quá ngu, ngu rồi còn liên luỵ khiến bà cả phải muối mặt đi nhờ vả. Một đứa dám phản lại người dì nuôi nấng mình từ nhỏ đến lớn thì đâu phải dạng vừa. Ngay hôm nó tố cáo bà hai, tôi đã thấy rất ngạc nhiên, nếu nó thực sự thương dì nó, không muốn dì nó sa chân vào tội ác lẽ ra nó phải ngăn chặn ngay từ đầu, ngay khi chưa gây ra chuyện để bà ta tỉnh ngộ chứ không phải đợi đến phút chót mới nói. Vả lại, bà hai là dì nó, dù bà ta có ác cỡ nào là tôi, tôi cũng không đứng ra giữa bàn dân thiên hạ mà vạch mặt như vậy. Khi cậu Bảo đi khuất, con Yến lại lên. Nhìn nó tôi bỗng nhớ đến vụ cây kim năm nào. Nó ngồi bên cạnh giường bắt đầu kể lể:
– Dung, tôi biết cô không làm việc này.
Tôi mới nghe nó nói đến vậy liền ngắt lời:
– Nếu cô biết tại sao trước mặt thầy tôi không nói rõ, giờ chờ đến giây phút này nói được ích gì?
Con Yến bỗng khựng lại, nhưng rồi nó nhanh chóng lấy lại sự bình thản đáp:
– Vì dù sao tôi cũng là chị cái Chi. Mặc dù nó tự ngã nhưng nếu tôi nói ra ông Lý rồi phu nhân xã trưởng sẽ đánh nó chết.
Khi con Chi bị sẩy thai, nếu là một người thương em ắt hẳn nó sẽ chăm sóc con Chi, chứ không phải để cho con Chi chân trần chạy đi về tố cáo với phu nhân xã trưởng. Một lần sa bằng ba con đẻ kia mà, con Yến công dung ngôn hạnh chuyện này đâu phải không biết? Tôi bỗng nhớ lại lần trước tôi với cậu Bảo bị tên áo đen truy sát, con Chi bị hắn ta đẩy xuống ao sợ hắn không hết vậy nên sẽ loại trừ việc nó tung tin này ra ngoài. Dinh bà hai có con Yến và vợ chồng Hương Thành, nhưng nếu đặt lên bàn cân thì con Yến đáng nghi hơn rất nhiều. Bởi ngay khi tôi và cậu Bảo về đến nhà đã thấy nó nhào ra đầu tiên, nó còn khẳng định nó biết gã đàn ông kia, chẳng phải hơi vội vàng và nhanh chóng rồi sao? Nhưng tại sao nó lại một mực muốn hại tôi, chỉ nhắm vào tôi, tôi đâu thù oán gì với nó? Đột nhiên tôi lại thấy gai ốc rợn hết lên. Ngay từ lần đầu tôi bắt gặp ánh mắt nó nhìn cậu Bảo tôi đã thấy rất khác thường, nhưng tôi lúc ấy chỉ cho rằng mình nhầm. Khi tên sát nhân làm cậu Bảo bị thương, nó đã đánh hắn ta. Một người vốn dĩ hiền lành như con Yến, mà chỉ vì nghe tin cậu Bảo bị thương mà không giữ được bình tĩnh như vậy rốt cuộc là vì gì. Con Yến thấy tôi im lặng lại nói tiếp:
– Cô giận tôi vì không đứng ra nói sự thật sao?
– Không phải, chỉ là tôi hơi mệt nên muốn nghỉ ngơi một chút.
– Được, cô nghỉ đi, tôi có chút thuốc để đây cho cô, cô bôi vào vết thương sẽ rất nhanh lành.
Tôi gật đầu, cảm ơn nó rồi nhắm nghiền mắt, nó cũng đi thẳng ra ngoài. Tôi nhìn theo bóng dáng nó lại càng tự trách mình. Mười sáu tuổi bằng tuổi nhau mà nó cao lớn hơn tôi rất nhiều, phải lớn ngang chị Hạnh, mà đầu óc nó cũng mưu mô gấp vạn lần tôi. Khi nó vừa đi khuất tôi liền nhờ cái Mít gọi cậu Bảo vào cho tôi, trước hết tôi muốn khẳng định lại xem tôi nghi ngờ nó thích cậu đã đúng chưa đã. Cậu Bảo nghe tiếng cái Mít gọi thì từ từ đi vào ngồi dưới chân giường hỏi nhỏ:
– Sao vậy? Đau chỗ nào à?
– Không, tôi chỉ muốn hỏi cậu, hôm tôi ngã ở ao, cậu Thành cứu tôi vì sao cậu lại có mặt ở đó?
– Sao hỏi vậy? Sợ tôi ghen hay gì?
– Không, cậu trả lời vào trọng tâm đi phát nào.
– Thì khi ấy dọn dẹp xong không thấy cô đâu, định đi tìm thì gặp Yến, Yến bảo với tôi cô đang ngoài ao nói chuyện với Thành, đoạn cô ta đi ra trước tôi đang dở tay phơi mấy quyển sách nên đi sau. Lúc ra đã thấy cô ngã dưới ao, được người ta ôm ấp rồi.
Tôi không quan tâm câu cuối của cậu Bảo, chỉ quan tâm đoạn trước. Lúc này thì còn gì để không nghi ngờ nó cơ chứ, mọi thứ tưởng như vô tình nhưng thực ra lại là được sắp đặt sẵn? Khi tôi và cậu Thành đứng gần ao, nó hù tôi ngã tất nhiên người cứu tôi sẽ là Thành. Chẳng phải nếu như vậy, cậu Bảo có nhìn thấy cũng là tình ngay lý gian sao? Mà hôm ở rìa ao, câu cuối cậu Thành nói là gì nhỉ? Tôi day day trán, nhìn ra bên ngoài lại cảm thấy đầu đau như búa bổ. Cây kim, hình nộm bùa tất cả đều liên quan đến nó và dính líu đến tôi. Càng nghĩ tôi càng thấy mình quá ngốc, màn kịch nó dựng lên quả thực xuất sắc. Lúc này tôi có thể dám khẳng định người hôm trước nói chuyện với nó khi tôi đi từ ao về không phải là bà hai. Nó chỉ giả vờ đóng kịch để tôi nghĩ nó bị bà ta ép buộc, phải rồi, nó bằng tuổi tôi lẽ ra nếu có được gả đi cho một gia đình tử tế cũng tốt mà? Thế nhưng nó nhất quyết không đi, thậm chí phản chủ để không bị đuổi đi ngoài lý do thích cậu Bảo ra thì còn gì khác đâu, gia sản thì tôi đoán nó chả cần vì cỡ nó xinh đẹp, giỏi giang như vậy lấy một người giàu hơn nhà cậu Bảo cũng được kia mà. Ông Lý có thể nhận nó làm con cho môn đăng hộ đối. Nếu như lúc trước bà hai dùng thuốc hại người, tôi còn có thể níu kéo thời gian để tìm điểm yếu, đằng này con Yến ra tay trực tiếp, dù không phải tôi làm thì cũng lực bất tòng tâm bởi nó bày binh bố trận hoàn hảo quá. Nếu như hôm nay không nhờ quan viên, nếu như bà cả không quan tâm chuyện này thì e rằng nó đã đạt được mục đích là đuổi tôi ra khỏi nhà còn đánh cho tôi một trận nhừ tử. Tôi nhìn lọ thuốc nó đặt trên bàn khẽ nói:
– Cậu Bảo, cậu giúp tôi một việc.
– Việc gì?
– Mang lọ thuốc này đến chỗ thầy lang Nguyễn hỏi giúp tôi xem nó có tác dụng gì. Ngay bây giờ, tôi nghe nói thầy lang Nguyễn vẫn đang bên chỗ ông ngoại mà đúng không?
– Ngay bây giờ?
– Vâng.
Cậu Bảo nghe xong cũng gật đầu đứng dậy. Tôi nằm mãi lại không ngủ được nữa, đầu óc ong ong từ hôm qua tới giờ. Ngu khổ thế đấy, nhưng thôi, nhờ trận đòn lại cũng thấy đáng. Ít nhất con Yến cũng lộ cái bản chất của nó ra rồi, lần này nó không đạt mục đích ắt hẳn lần sau nó sẽ thực hiện tiếp. Giờ tôi không có bằng chứng gì cũng chả thể đuổi nó đi được, giờ chỉ có thể đề phòng nó giở trò gì thôi. Tôi nghĩ chắc nó đang khó chịu lắm, vì suýt có thể đuổi tôi đi, hi sinh cả em gái họ mà giờ tôi vẫn nhởn nhơ ở cái nhà này. Nghĩ đi nghĩ lại vẫn thấy sợ, con Yến còn mưu mô, xảo quyệt hơn cả bà hai vạn lần. Cậu Bảo đi độ nửa canh giờ thì quay về, tôi vội vàng hỏi:
– Sao rồi?
– Thầy lang bảo thuốc này làm từ thảo mộc, không có độc tính gì nhưng…
– Nhưng sao?
– Đây là loại thuốc có tác dụng giảm đau nhanh, có phải khi cô bôi vào cảm thấy phần xương cốt đó không đau nữa không?
– Đúng vậy.
– Ừ, chính vì thế nó cũng có tác dụng phụ. Có nghĩa là khi cô bôi, nó làm tê liệt đi cảm giác đau nhưng lại không có tác dụng với phần tổn thương của xương. Bản thân người dùng lại nghĩ nó tốt nên cứ dùng nó mà không dùng thuốc đặc trị để điều trị vùng xương khớp tổn thương. Điều này gây ra việc xương khớp rất lâu mới lành, thậm chí nếu dùng lâu dài sẽ gây ra việc phụ thuộc vào thuốc rất không tốt cho cơ thể hoặc có thể gây cảm giác không đau giả khiến người dùng nhầm tưởng mình khỏi mà đứng lên đi lại ảnh hưởng nặng hơn vùng xương khớp. Nhưng nó vẫn cứ là thảo được, chẳng gây độc hại gì chết người nên vẫn chẳng được liệt kê vào chất độc gì cả.
Trời đất ơi, nghe xong mà tai tôi ù đi. Bảo sao lần trước khi tôi bị bà cả đánh nó cũng đưa cho tôi một lọ thuốc giống y như vậy. Và hồi đó, chỉ bị đánh bằng roi mây mà tôi mất một tháng mới hồi phục được. Khi ấy tôi còn nghĩ do cơ thể mình yếu ớt, hoá ra tất cả là vì loại thần dược này. Càng nghĩ càng thấy con Yến nó cao tay, không dùng độc dược chỉ dùng thảo dược nghe thì có vẻ tốt đấy mà đằng sau lại có tác dụng phụ kinh hoàng như vậy. Chỉ có điều, thảo dược vẫn cứ là thảo dược, với lọ thuốc này tôi cũng chẳng thể bóc mẽ được nó chút nào. Nhưng thôi, lần này bị đánh một trận nhừ tử cũng coi là may. Ít nhất có thể đường hoàng khẳng định được con Yến là người thế nào thì trận đòn này cũng xứng đáng đấy chứ. Âu cũng là trong cái rủi, còn có cái may…
|