Tình Chị Duyên Em
|
|
Chương 26
Cũng may ngay sau đó cậu ta liền đi về, đợt một lúc tôi cũng mới chạy vào buồng của mình. Đêm hôm một người đàn bà gọi cậu ta ra, lại còn xưng hô bu con… điều này khiến tôi thấy rất mơ hồ. Tôi khẽ day day trán, không biết mình có từng bỏ lỡ gì không? Đột nhiên tôi nhớ lại nụ cười của cậu Thành cái lần bà hai bị tôi vạch mặt. Nghĩ mới để ý, hình như cậu ta chưa từng một lần đứng ra bảo vệ hay bênh bà hai. Có đôi lần tôi còn thắc mắc vì sao cậu ta là con cả mà lại có thể hờ hững với mẹ mình như vậy. Lúc này tự dưng tôi lại có một linh cảm rất mãnh liệt… có khi nào cậu Thành không phải con của bà hai? Tôi nằm trằn trọc suy nghĩ mãi, nhưng rồi cuối cùng lại bị hình ảnh cậu Bảo khiến cho những suy nghĩ kia tan biến dần. Không biết lúc này cậu ở trên Kinh Thành có nhớ tôi không? Trên đấy chắc nhiều cô nương xinh đẹp lắm, có khi cậu quên tịt tôi mất thôi. Nằm mãi đến canh ba tôi mới ngủ được, trong giấc mơ chập chờn tôi thấy cậu Bảo đang ngồi trong kỹ viện, xung quanh cơ man là gái lầu xanh vây quanh. Tôi nhìn thấy liền hét lên, cũng đột nhiên bừng tỉnh thấy mồ hôi túa ra như mưa. Giấc mơ gì mà như một cơn ác mộng thế này, đến lúc bình tĩnh lại mới biết mình lại khóc.
Những ngày tiếp theo phải khó khăn tôi mới có thể quen dần với việc không có cậu Bảo ở nhà. Vì không muốn cả ngày nghĩ đến cậu nên tôi thường xuyên cùng bà cả ra đồng. Bà cả mấy hôm nay vẫn ho, tôi bảo bà qua ông lang Nguyễn cắt thuốc nhưng bà không chịu. Đến buổi sáng nay cũng là tròn một tháng cậu Bảo đi đột nhiên bà lăn ra ốm. Từ sáng bà đã nằm trên buồng rên hừ hừ, tôi không còn chịu được nữa liền sai thằng Sửu qua mời thầy lang Nguyễn đến khám cho bà. Sau một hồi khám ông lang Nguyễn khẽ nói:
– Bà cả bị dính phong hàn rồi. Giờ tôi kê cho ít ma hoàng để bà sắc thuốc uống.
Tôi nhìn bà trách nhẹ:
– Con bảo bu khám sớm không khám, thuốc ho con đun bu cũng không uống đều đặn nữa.
– Thì bu cũng bận việc đồng áng mà. Thôi cảm mạo phong hàn một chút thôi có gì đâu.
Cái Hương đứng bên cạnh nhìn bà nói thêm vào:
– Tại bu tham công tiếc việc nữa ấy. Ho mà bu cứ đội sương đội gió ra đồng làm gì, con với cậu Thành lo được chuyện đồng áng mà.
Bà cả không nói nữa chỉ bật cười sai con Mít mang thuốc đi sắc, cái Hương thì nhìn ông lang Nguyễn khẽ nói:
– Ông kê cho tôi thêm chút ma hoàng để tôi sắc thuốc cho cậu Thành nữa. Không biết đêm qua ra ngoài sao mà giờ cũng dính phong hàn rồi thấy sụt sịt mãi.
– Được rồi. Tý tôi sẽ cho người mang qua cho cả cô lẫn bà cả, đây có một ít đủ để sắc hôm nay thôi.
Dạo này cái Hương có vẻ gầy đi, dạo này việc nhiều ai cũng bận rộn, nó lại còn phải lo toan nhiều. Tự dưng tôi lại thấy thương thương liền nói:
– Bu, từ nay để con với Hương thay bu lo chuyện đồng áng. Bu cứ ở nhà giữ sức khoẻ, cậu Bảo đi rồi con quanh quẩn ở nhà cũng buồn. Trước ở nhà con cũng đi gặt đi cấy suốt, bu đừng lo.
– Ừ thế hai đứa thay bu nhé. Vụ tôm trước bán cũng được nhiều rồi, năm nay thầy lại nuôi mới. Thằng Bảo không ở nhà thì đồng tôm giao cho thằng Thành, ruộng lúa thì giao cho hai đứa bay giúp bu.
– Dạ. – Tôi với cái Hương đồng thanh nói.
Lúc ra ngoài, cái Hương nhìn tôi định nói gì đó bất chợt con Chi từ đâu bước tới giọng oang oang:
– Chị Hương, nấu cho tôi bát chè đỗ đen.
Cái Hương nhìn con Chi đanh giọng đáp lại:
– Giờ này chị rất bận, chị với chị Dung còn phải ra đồng, em không làm gì tự xuống mà nấu. Đỗ đen để dưới bếp rồi đấy.
Con Chi nhìn cái Hương tức giận gào lên:
– Chị thế này mà cũng được gả cho anh trai tôi. Chẳng được cái tích sự gì, ghê gớm đanh đá lười biếng còn lăng loàn.
– Câm ngay mồm lại!
– Tôi không thích câm đấy, cả chị với chị ta đều chẳng ra gì, chắc thế nên mới chơi được với nhau, ngưu tầm ngưu, mã tầm mã mà.
Tôi chẳng muốn chấp con Chi liền đi về buồng khoá cửa buồng lại. Dù sao thì tôi cũng nên cẩn thận, cứ để cửa tan hoang chẳng biết có ai lại giở trò. Cái Hương cũng không nói gì về khoá dinh sau đó cùng tôi ra đồng. Con Chi ngồi trên sập tức giận nhìn tôi lẩm bẩm chửi mấy câu. Hôm nay con Yến cáo mệt nên không dậy từ sáng. Tôi với cái Hương men theo con đường đi qua gốc đa, lúc ra đến đồng lúa cái Hương liền nói:
– Điều cô hối hận nhất là gì?
– Sao cô hỏi vậy?
– Không sao, tự dưng ở cái nhà này tôi thấy mệt mỏi quá. Làm gì cũng phải cẩn thận từng chút một, tôi chỉ muốn được quay lại như trước kia. Nếu như… tôi không phải gả về đây có lẽ tốt hơn.
Tôi nhìn cái Hương, hai hốc mắt thâm cả lại, trước kia mới đến nó rất xinh, tuy mảnh mai nhưng lại hồng hào chứ không như bây giờ. Hình như càng ngày nó càng gầy đi. Tôi thở dài cũng không biết an ủi ra sao, thế nhưng tôi không hối hận chút nào. Đúng là về đây tôi gặp không ít khó khăn, nhưng tôi vẫn thấy mình may mắn. May mắn được gặp cậu Bảo, được có cậu che chở, cũng là hiểu ra thế nào là yêu, là thương, là thích một người. Trời tháng ba vẫn còn lành lạnh, cái Hương khẽ kéo chiếc áo bông lên rồi lượn quanh đồng. Đám gia nô bên dưới đang nhổ mạ để cấy, đến khi trời bắt đầu trưa mọi người cũng ra về. Khi đang đi gần đến sân tôi nghe tiếng con Chi cất lên lanh lảnh:
– Bu xem chị ta khốn nạn đến cái mức này luôn. Con bảo rồi, chị ta lăng loàn lắm nếu không sao lại phải dùng thuốc tránh thai chứ. Bu thì đang mong có cháu, anh Bảo cũng mong có con, vậy mà chị ta nỡ làm thế này.
Tôi nghe con Chi nói liền chạy vào trong, bà cả ngồi trên giường, nước mắt cũng rỉ ra, vừa nhìn thấy tôi đã ho sù sụ nghẹn ngào nói:
– Sao con lại làm như vậy?
Tôi mới nghe loáng thoáng, câu được câu không liền hỏi lại:
– Bu có chuyện gì vậy?
Con Chi liền chỉ thẳng xuống nền nhà nhếch mép nói:
– Chị còn hỏi có chuyện gì? Nhìn đi.
Tôi nhìn xuống dưới hướng tay con Chi chỉ, trên nền nhà là một đống bã bạch chỉ liền hiểu ra vấn đề. Bạch chỉ dùng để ngừa thai, con ôn này lại giở trò gì đây? Tôi nhìn bà cả định lên tiếng con Chi đã nói tiếp:
– Chị không biết bu có đúng một mình anh Bảo, anh Bảo cũng là trai trưởng trong nhà vậy mà chị dám uống thuốc tránh thai. Chị muốn anh ấy tuyệt tôn tuyệt tử hay sao?
Tôi không thèm đáp mà nhìn bà cả khẽ nói:
– Bu, con không hề sắc bạch chỉ để uống.
– Không sắc sao lại có bã?
– Bu à, cậu Bảo đi lên kinh cả tháng nay rồi, con uống thuốc ngừa thai để làm gì?
Con Chi thấy vậy rít lên:
– Bã bạch chỉ này tôi tìm thấy ở dưới bếp trên dinh này lúc nấu đỗ đen ở ngay trong đống củi mà theo tôi thì bã này cũng phải có cách đây cả tháng rồi. Tất nhiên giờ anh Bảo lên kinh chị không uống, nhưng trước đó chị có uống hay không chỉ chị mới biết. Có điều, chị và anh Bảo lấy nhau cả tháng mà chị không có thai, ở nhà này chị Hương với anh Thành chưa thành thân, chị Yến chưa lấy chồng vả lại dinh ai người đó nấu nướng chứ chị Hương có tránh thai cũng chẳng mang lên đây để nấu đâu. Thế nên nếu chị không dùng thì ai dùng. Chị có cãi cũng phải hợp lý một chút chứ mà nghe nói dạo này chị cũng hay ở bếp nấu nướng cùng con Mít mà. Hay chị định đổ cho con khờ khạo ấy uống?
Bà cả nhìn tôi, đáy mắt lộ rõ sự thất vọng, hình như bà không còn muốn nghe tôi giải thích lấy một lời xua tay đuổi đi rồi nằm xuống quay mặt vào trong tường. Tôi nhìn con Chi khẽ nói:
– Em ra ngoài đi. Đây là việc của nhà chị không cần em quan tâm.
– Việc nào là việc của nhà chị? Anh Bảo cũng là anh ruột tôi.
– Em ra ngoài! Mau lên – Tôi quát lớn.
Con Chi nghe vậy liền giậm chân thình thịch bỏ đi. Lúc này chỉ còn tôi và bà cả ở trong buồng. Tôi nhìn bà khẽ nói:
– Bu, con không hề sắc bạch chỉ uống. Con…
Nói rồi tôi quỳ xuống bên giường kể hết mọi sự tình. Bà cả nghe xong, ngồi bật dậy rít lên:
– Sao… sao chúng mày dám làm thế?
– Bẩm bu… con biết tội của con và cậu Bảo trăm ngàn câu xin lỗi cũng không rửa sạch. Nhưng bu ơi, con cũng rất muốn có con, con cũng muốn mà. Chỉ có điều cậu Bảo không cho cậu ấy sợ con có rồi ở nhà không an toàn. Bu xem, bu mới ốm thế đã có người giở trò dùng bạch chỉ để ly gián tình cảm của con với bu. Bu mạn phép cho con nói thẳng, ở nhà này thầy không thể bảo vệ được bu con mình. Bu xem mấy lần bu bị đổ oan thầy cũng đâu có bảo vệ nổi, thầy cũng không công tâm xem xét mọi việc. Mà ở nhà thầy có quyền quyết mọi chuyện, cậu Bảo biết như vậy nên mới không muốn con có con. Nếu bu không tin con, có thể gọi bú Bảy lên kiểm tra trinh tiết của con. Con còn trinh, con đi uống dăm ba cái thuốc tránh thai bậy bạ làm gì hở bu?
Bà cả nhìn tôi, nghe tôi nói một hồi lại ho sù sụ rồi cất lời nghẹn ngào:
– Hai cái đứa ngốc này. Ở đây không an toàn thì bu sẽ đưa sang nhà ông ngoại. Sao chúng mày…
– Nhưng con sang nhà ông ngoại ai ở nhà chăm sóc bu?
Bà cả nghe xong đột nhiên đỏ hoe mắt, một lúc lâu sau bà mới nói:
– Con gọi cái Chi vào đây cho bu.
– Bu định làm gì?
– Hỏi nó xem ai là người giở trò.
– Giờ hỏi nó cũng đâu có tác dụng gì đâu bu? Chắc chắn nó sẽ nói nó thấy ở đấy nhưng không biết của ai, mà bạch chỉ ngoài tác dụng ngừa thai ra thì cũng còn nhiều tác dụng khác nên nếu có ai nhận cũng chẳng sao. Vậy nên giờ mình biết cũng thì chỉ để đề phòng thôi. Để con xuống gọi vú Bảy lên cho bu.
– Làm gì?
– Để vú kiểm tra trinh tiết cho con.
Bà cả hơi cười đáp lại:
– Không cần đâu, bu tin con.
– Bu nói sao cơ?
– Ban nãy thấy lời con Chi nói bu có chút nóng giận. Con cũng biết bu mong có cháu cỡ nào mà. Nó nói có vẻ cũng hợp lý, nhưng giờ nghĩ lại, bu chọn tin con chứ không chọn tin nó. Vả lại con chấp nhận việc kiểm tra trinh tiết là bu biết con nói thật rồi.
– Bu…
– Thôi được rồi, ra ngoài cho bu nghỉ một lát.
Tôi gật đầu bước ra, tự dưng thấy bà cả dạo này cũng gầy quá. Bà ốm đi nhiều so với trước kia. Trong lòng tôi chợt thương xót vô cùng. Tôi cầm mấy miếng bạch chỉ trên tay, mỗi lần con Chi sang chơi đều có chuyện, không cần phải đoán già đoán non cũng biết con Yến lại giở cái trò mô kích. Tôi khẽ thở dài, con này không đuổi tôi ra khỏi nhà nó nhất định sẽ không buông tha. Chỉ tiếc ông Lý lại quá thương người, luôn cho rằng nó giống con cháu trong nhà mà giữ lại. Tôi bước ra ngoài, mang đống bạch chỉ đi vứt đã thấy con Chi oang oang gào lên chửi bới. Nó chửi được mấy câu vú Bảy liền ra nói:
– Cô Chi, cô về đi. Bà cả bảo cô gào hét inh ỏi khiến bà không ngủ được, bà đang ốm nên cảm phiền cô về giúp tôi.
Con Chi cứ ngỡ tôi sẽ bị chửi một trận ai dè nó bị đuổi tức tối không chịu đi. Thế nhưng khi nó đang ăn vạ ông Lý từ đâu xuất hiện, vú Bảy nhìn ông khẽ thưa:
– Bẩm ông. Bà cả dính phong hàn, đang nằm ở buồng nghỉ mà cô Chi làm ầm lên khiến bà không ngủ được, tôi thấy bà ho nhiều quá nên…
Ông Lý xua xua tay nói:
– Sửu Dần đưa cô Chi về nhà xã trưởng cho ông.
Con Chi thấy vậy liền nhìn tôi rít lên:
– Chị đã nói gì? Chị lại bắt đầu dùng cái mồm để lấp liếm đúng không? Thầy… con nói cho thầy nghe… chị ta dùng thuốc tránh thai..
Thằng Sửu, Dần lôi nó xềnh xệch đi. Ông Lý cũng không thèm quan tâm, nó suốt ngày cào mồm ăn vạ ai cũng biết rồi, có lẽ lần này ông cũng không còn muốn nghe nó nữa liền đi thẳng về buồng bà cả. Tôi nhìn con Chi chẳng biết nên thương hay nên trách. Ngốc quá cũng là một cái tội, cuối cùng cũng chỉ là quân cờ trong tay kẻ khác. Khi con Chi bị lôi đi khuất tôi liền xuống dinh của con Yến. Nó đang ngồi giở sách ra đọc, thấy tôi nó bình thản cười nói:
– Cô xuống đây làm gì vậy? Ăn lê không vào đây ăn với tôi.
Tôi nhìn nó, đến tận bây giờ vẫn không thể hiểu tại sao nó có thể giả tạo đến mức này. Tất nhiên tôi cũng ăn một hai miếng cho lấy lệ rồi lướt lên nhà. Bà cả có để mắt nhưng nó không ra mặt cũng chẳng làm gì được, ông Lý thì luôn tin nó, con Chi thì luôn bị nó gài cuối cùng nó vẫn nhởn nhơ như vậy.
|
Chương 27
Những ngày tiếp theo không hiểu vì sao con Chi bị cấm không được sang nhà ông Lý. Nghe bảo bà cả nói gì đó khiến ông Lý nổi giận đùng đùng. Con Chi không sang, con Yến tất nhiên không thể nào giở được trò gì nữa, tôi với cái Hương cũng vì thế mà được rảnh rỗi đôi phần.
Hai tháng sau ngày tôi bị con Chi đổ oan cũng là hơn ba tháng kể từ ngày cậu Bảo lên kinh đi thi. Một buổi sáng đột nhiên tôi thấy bà cả nôn mửa. Đợt trước bà dính phong hàn vừa khỏi giờ lại nôn khan, tôi thấy vậy liền chạy ra đỡ lấy bà rồi hỏi:
– Bu ơi, bu sao thế, con cho người chạy sang nhà thầy lang Nguyễn mời thầy ấy về nhé.
Bà cả chưa kịp đáp lại nôn thêm một đợt nữa, vú Bảy nhìn bà xót xa nói:
– Thìn ơi, qua nhà ông lang Nguyễn mời ông sang khám cho bà cả mau lên.
Tự dưng lòng tôi cứ thấy lo lo, tôi với vú Bảy đưa bà cả vào giường chờ ông lang Nguyễn đến. Ông Lý hôm nay thấy bà cả ốm cũng không ra đồng, khi ông lang Nguyễn sang ông Lý liền vội vàng nói:
– Bà nhà tôi tháng trước cũng ốm, hôm nay lại nôn khan, ông xem bà ấy hay có bệnh gì trong người?
Ông lang Nguyễn ngồi bắt mạch một lúc đột nhiên quay sang ông Lý nói lớn:
– Thưa ông…
– Sao vậy? Bà ấy bị sao?
– Dạ bà nhà không sao? Bà nhà… bà nhà có hỉ rồi ông ạ? (hỉ là tin vui)
Ông Lý nghe xong kinh ngạc không tin nổi lắp bắp hỏi:
– Ông nói sao cơ?
– Bà cả có thai rồi.
Bà cả cũng kinh ngạc không kém, tuy rằng bà mới chỉ có ba mươi mấy xuân xanh, thế nhưng có thai ở tuổi này vẫn là điều đáng ngạc nhiên. Ông Lý bất chợt cười rất lớn, tính ra nhà ông cũng neo người, có ba đứa con là quá ít so với những nhà khác. Trong khi ông có tận ba bà vợ lận. Tiễn ông lang Nguyễn về ông Lý liền sai người gϊếŧ một con lợn để ăn mừng. Tự dưng nhà có thêm người ai ai cũng vui vẻ vô cùng. Bà cả nhìn tôi, bất chợt rơm rớm nước mắt nói:
– Thằng Bảo mà biết tin này chắc vui lắm đây. Không biết trên đó thi cử sao rồi. Ông ơi, ông nghe được tin tức gì chưa?
– Sao mà nghe được, trên kinh thành xa xôi vạn dặm. Nhưng bà yên tâm đi, bà Vương bảo rồi, thằng Bảo nhất định sẽ có đường quan lộ rộng mở. Giờ bà phải nghỉ ngơi dưỡng thai đã. Nằm yên đấy, để tôi bảo con Mít mang nước cam cho uống.
Bà cả bật cười gật đầu, tự dưng tôi cũng vui lây. Thế nhưng trong niềm vui ấy lại có chút tủi thân. Nếu như… tôi có con, không biết cậu Bảo có hạnh phúc tột cùng như ông Lý không nhỉ? Ôi chao, sao mà mong có con hĩm với thằng cu thế chứ nị. Buổi sáng hôm ấy ăn cơm xong bà cả cho tôi về nhà. Tôi cũng lâu lắm rồi chưa về thăm thầy bu nên vui mừng lắm. Bà cả dặn thằng Thìn đưa tôi đi, con Yến dạo này bị bà để ý tôi đoán chắc nó cũng không dám làm gì. Khổ, ở cái nhà này sểnh một tý là đi cả một dặm nên cứ cẩn thận. Nhà tôi thằng Tý lên huyện học còn mỗi thầy bu, chị Hạnh hôm nay cũng không sang, tôi ở nhà dọn dẹp qua đến tận chiều ăn cơm xong mới về. Khi tôi với thằng Thìn đi đến đoạn đường vắng của làng Vân đột nhiên chợt thấy một người đàn bà đội chiếc nón mê đi trước với chúng tôi. Người đàn bà này quen lắm, dáng người gầy gò nhỏ xíu. Tôi nhìn mãi một lúc mới sực nhớ ra người đêm trăng nói chuyện với cậu Thành. Lúc này trời cũng chập choạng, bất chợt tôi thấy cậu Thành ở xa xa liền kéo thằng Thìn đi vào lối tắt rồi nói:
– Mày về trước đi, mợ ở ngoài này ngắm trăng một chút rồi về sau.
Thằng Thìn nhìn lên trời kinh ngạc đáp lại:
– Trăng nào ạ? Con thấy trăng đã lên đâu? Mới gần tối mà mợ.
– Mày chả biết gì, mợ đứng chờ trăng lên rồi ngắm hiểu không?
– Nhưng mà…
– Không sao đâu, mày cứ về đi, tội vạ mợ chịu. Nhanh lên.
Thằng Thìn gật đầu bước đi trước, tôi đợi nó đi rồi mới tiến lên bụi cây gần đó. Tôi chẳng biết linh cảm của tôi đúng hay sai, nhưng thực lòng không muốn thằng Thìn biết chuyện này. Khi vừa bước đến đã nghe tiếng cậu Thành bàng hoàng hỏi:
– Bu nói gì cơ? Chẳng phải trước kia bu nói con là con ruột của lão Sinh và bu sao?
– Là bu nói dối, bu… bu nói dối. Bà ta không cho bu nói, giờ bu cũng mới đủ can đảm để nói ra.
Tôi nghe đến đây, chân tay đột nhiên cũng như rụng rời. Cậu Thành không phải con của bà hai và ông Lý? Tôi cắn chặt môi, dẫu rằng linh cảm này có từ đêm trăng trước, vậy mà giờ khi nghe sự thật tôi vẫn bàng hoàng. Có điều cái khuất tất kia là gì, rốt cuộc nói dối cái gì. Người đàn bà kia ngồi sụp xuống khóc nức nở, cậu Thành cũng ngồi xuống lắp bắp hỏi lại:
– Bu… bu nói rõ cho con nghe đi được không? Sao con lại là con của bu với thầy Lý?
Thầy Lý? Lúc này tim tôi càng đập mạnh hơn, sao mỗi lúc lại càng rối rắm như vậy. Tôi cố dỏng tai lên nghe, đột nhiên người đàn bà kia vội vàng đáp:
– Thành, hình như có người, bu phải về đã. Có gì bu sẽ nói với con sau. Nhưng con phải nên nhớ, con là con ruột của ông Lý.
– Bu… bu ơi.
Tôi nhìn theo bóng người đàn bà nhỏ bé khuất dần cũng vội theo lối tắt trở về nhà. Lúc này trời đã tối hẳn, trong lòng tôi cũng chất chứa rất nhiều suy nghĩ. Thành không phải con của bà hai tôi có thể đoán được từ trước, nhưng cậu ta lại là con của người đàn bà kia với ông Lý. Rốt cuộc mọi chuyện là thế nào? Tôi chạy ra giếng múc nước tắm cho tỉnh táo sau đó liền chạy vào buồng của con Mít hỏi:
– Mít, mày ngủ chưa mợ hỏi tý chuyện.
– Mợ hỏi chuyện gì?
– Đi sang buồng của mợ đi.
Con Mít gật đầu khoá buồng rồi đi theo tôi. Thực ra tôi muốn hỏi bà cả, nhưng giờ bà có chửa tôi không muốn kinh động tới bà, vả lại con Mít tuy chậm chạm nhưng nó giữ bí mật giỏi, lại thật thà và hơn hết nó ở cùng vú Bảy, người thân cận nhất với bà cả nên hỏi nó cũng được.
– Ngày xưa bà hai có chửa cậu Thành mày biết không?
– Con không, lúc đó con đã ra đời đâu nhưng con được nghe vú Bảy nói. Tại hồi nhỏ, con được bà cả chăm nên mấy chuyện này vú Bảy với bà cả nói với nhau con nghe được hết. Nghe đâu hồi đó bà ấy suốt ngày động thai nên đến lúc gần đẻ phải xin ông Lý về quê đẻ đó mợ.
– Thế mày có nghe được lúc bà ấy có chửa ông Lý có hay xuống không?
– Có mợ ạ, con biết chuyện này vì mỗi lần bà cả kể lại bà đều tức giận lắm luôn. Nghe đâu lúc đó cậu Bảo mới được mấy tháng mợ ạ, ông Lý với bà cả cãi nhau vì chuyện ông Lý hay xuống chăm bà hai, bà cả ghen đó. Con thấy bảo còn suốt ngày xuống xoa bụng nói chuyện tâm tình với bà hai cơ.
Tôi nhìn con Mít, trong giây lát bỗng thấy lặng đi. Bà hai có chửa chắc chắn là thật, chín tháng mười ngày chứ đâu phải một hai ngày mà giấu được? Thế nhưng… tại sao cậu Thành lại không phải con bà ta? Tôi nhìn con Mít hỏi lại:
– Thế bà hai đẻ ở quê không ai xuống đó chăm bà ấy à?
– Vú Bảy bảo lúc bà hai đẻ bà cả tự dưng lăn đùng ra ốm nên ông Lý ở nhà chăm bà cả. Đợt ốm đó cũng nặng, vú Bảy mỗi lần nhớ lại còn khóc nữa cơ. Con chỉ nghe nói bà hai xuống đó ba bốn tháng mới bế con về, lúc ấy cậu Thành cũng cứng cáp ra phết rồi nhưng bà cả không thèm ngó một lần.
Lúc này bất chợt tôi như sực tỉnh ra, liền giục con Mít về rồi leo lên giường vắt tay lên trán suy nghĩ. Bà hai có thai thật vậy cái thai đó đâu? Tại sao bà ta lại phải tráo đổi lại cậu Thành? Nếu tôi suy đoán không nhầm thì chỉ có hai lý do sau:
Một là bà ta trong lúc sinh nở đã khiến đứa bé chết, cuối cùng vì sợ quá phải đổi lấy cậu Thành. Còn vì sao bu cậu Thành cho đổi, ắt hẳn có lý do gì đó, mà bà ta mưu kế một bồ, bu cậu Thành nhìn đã biết hiền lành chân chất bị lợi dụng thì cũng không có gì ngạc nhiên.
Lý do thứ hai, cái lý do này tôi rất rất phân vân. Nhà ông Lý rất trọng nam, tôi được biết, gia sản cũng chỉ để lại cho con trai vậy nên lý do thứ hai có thể là bà hai mang thai nhưng không biết trai hay gái nên về quê để sinh. Khi sinh ra rồi biết là con gái nên tráo đổi để lấy cậu Thành về làm mục đích cho những tham vọng của mình. Nhưng nếu vậy thì đứa con gái của bà hai đâu? Nó có sống cùng với bu cậu Thành không? Hay nó đang ở một nơi nào đó? Cậu Thành trông cao to nhưng năm nay cậu mới mười tám tuổi, kém chị Hạnh tôi một tuổi. Nếu nói như vậy, bà hai mà đẻ con gái thật, đứa con gái ấy cũng phải tầm tuổi cậu Thành rồi. Rốt cuộc lý do gì mới là đúng?
Tôi nằm mãi vẫn chưa thể tìm được đáp án cho bản thân mình. Nếu như cậu Thành là con của người đàn bà kia và người đàn ông khác tôi có thể im lặng và xem như đó là chuyện riêng của cậu. Bởi dù sao cậu cũng sống ở đây từ nhỏ, được ông Lý thương như con trai ruột, tôi không nên xen vào thì tốt hơn. Có điều cậu lại là cốt nhục của ông Lý, người đàn bà kia lại dính dáng đến bà hai. Tôi… có nên tìm hiểu không? Nằm đến canh ba tôi mới cố chợp mắt một chút. Lúc tỉnh dậy mặt trời đã lên đến đỉnh. Bà cả có chửa nên ở nhà, tôi liền xuống bếp xem mang đồ ăn sáng lên đột nhiên thấy cái Mít đang sắc thuốc, bên cạnh là một ít ma hoàng. Tôi thấy vậy liền nói:
– Sao mày lại sắc ma hoàng? Mày hay vú Bảy cảm mạo à?
– Dạ không, con sắc cho bà cả. Bà ấy từ đợt cảm mạo kia vẫn cứ dai dẳng chưa khỏi hẳn.
Ma hoàng tôi từng nghe là tương đối lành tính, có điều bà cả ốm đến bây giờ vẫn chưa khỏi là sao cơ chứ, vả lại cái gì cũng thế uống nhiều đâu có tốt nhỉ? Hôm trước tưởng chấm dứt rồi cơ mà? Tôi nhìn con Mít hỏi lại:
– Không phải bà cũng khỏi rồi sao?
– Tại ông lang Nguyễn bảo uống thì phải uống đủ thang đủ liều, mà liều ông ấy kê giờ đã hết đâu mợ.
Tôi gật gù nhìn con Mít, sao đó đi vào buồng bà cả. Bà vẫn đang không còn ho nữa nhưng tôi thấy bà có vẻ mệt mỏi.
– Bu, bu còn nghén không?
– Ừ cũng đỡ rồi con.
– Con trông sắc mặt bu có vẻ không tốt lắm, hay con cắt cho bu mấy thang thuốc bổ nhé.
– Không cần đâu, thầy lang Nguyễn kê đây rồi. Có điều mấy đêm nay bu mất ngủ, đầu cứ đau đau. Có chửa ở cái tuổi này mệt thật đấy.
Dạo này tôi hay ra đồng với cái Hương, thấy bà cả hết ho cứ ngỡ bà không còn ốm nữa ai ngờ vẫn đau đầu mất ngủ. Sao bà đang mạnh khoẻ lại ốm triền miên thế này nhỉ? Hay… con Yến lại giở trò gì? Nhưng nghĩ đi nghĩ lại con này muốn giở trò gì toàn phải thông qua con Chi, mà con Chi bị cấm sang đây mấy tháng rồi. Vả lại dạo này bà cả cũng hay để mắt tới nó, nó lại còn yêu cậu Bảo, nó thích ra tay thì ra tay với tôi chứ tự dưng chọc ngoáy vào bà cả làm gì. Tôi cúi xuống nhìn xung quanh buồng bà cả, chẳng có gì đáng nghi. Có lẽ tôi hơi đa nghi quá rồi, bị nó chơi cho mấy vố nên giờ cái gì cũng cẩn thận. Đột nhiên… nghĩ đến con Yến tự dưng tôi lại sực nhớ đến bà hai. Tôi liền chạy xuống dinh của nó, nó đang ngồi thêu lên tấm vải lụa trắng, nhìn thấy tôi nó khẽ dừng lại cười nói:
– Tìm tôi có việc gì thế? Cô ăn sáng chưa không ở đây ăn cùng tôi.
Tôi nhìn nó mười sáu tuổi đây sao? Rõ ràng ngay từ lần gặp đầu tiên tôi đã thấy nó chững chạc hơn tôi, lớn hơn tôi, gương mặt cũng già dặn hơn đôi chút. Còn nhớ lần tôi bị nghi oan đẩy con Chi sẩy thai, bị đánh nhừ tử, khi nó thăm tôi về, lúc ra cửa nhìn bóng nó tôi đã ngỡ nó phải mười tám đôi mươi. Tự dưng tim tôi đập rất mạnh, một linh cảm khẽ dấy lên trong lòng. Con Yến… rốt cuộc có thực sự là cháu gái của bà hai? Có thực sự là mười sáu tuổi?
– Yến.
– Ừ sao thế?
– Hương nó bảo hôm nay cô ra đồng với nó, tôi hôm nay phải ở nhà quét tước dọn dẹp với cái Mít.
– Tôi biết rồi, thế có ăn sáng không tôi xuống nấu luôn?
– Không cần đâu, tôi ăn trên dinh cũng được.
Nói rồi tôi rảo bước ra ngoài, ăn sáng xong cái Hương và con Yến lại đội nón ra đồng. Nhìn từ phía sau, đúng là con Yến trông lớn hơn hẳn. Tôi và cái Hương bằng tuổi nhau, hai đứa cũng thuộc dạng cao lớn thế mà đứng cạnh con Yến vẫn thấy cái Hương thấp hơn hẳn. Là do con Yến phát triển tốt hay linh cảm của tôi đúng? Tôi vừa quét sân vừa hỏi nhỏ con Mít:
– Ngày xưa cô Yến về đây lúc bao nhiêu tuổi hả Mít?
– Dạ, lúc cô Yến bốn tuổi thì bà hai đón cô Yến lên. Con còn nhớ rõ là bởi năm ấy con ba tuổi cũng được vú Bảy mang về đây, con có chơi cùng cô Yến nên nhớ rõ.
– Mày kém tao với cô Yến một tuổi mà nhìn cô Yến còn lớn hơn mày nhiều nhỉ?
– Vâng, cô ấy từ nhỏ đã lớn hơn các bạn cùng trang lứa rồi. Bà hai bảo cô ấy ăn tốt, hấp thụ tốt mà. Nhưng cô Yến xinh mợ nhỉ, cao, trắng trẻo, dáng dấp đẹp.
Tôi nhìn con Mít, tự dưng lại nhớ đến cậu Bảo. Đấy con Yến xinh thế, dáng dấp đẹp thế lại thích cậu sao cậu lại thích tôi nhỉ. Con Mít nhìn tôi cười hì hì nói tiếp:
– Nhưng con thấy mợ Dung của con xinh nhất, mông to, ngực to, eo nhỏ, nẩy nở đầy đặn. Tướng mợ dễ đẻ lắm luôn đó.
Cái con này, nó nói mà tôi chẳng biết đang chê hay khen. Nhưng tôi không chấp nữa bởi trong lòng đang nghĩ đến việc khác. Nghe nói bà hai cũng cùng ở làng Liễu với tôi, nhưng hình như bà ta ở tận sau phía gần núi. Nếu như con Yến thực sự là con gái bà hai, vậy nó là em cậu Bảo sao? Thế thì việc nó thích cậu Bảo là sai lầm quá rồi. Tôi khẽ rùng mình, chuyện này không còn là việc của riêng cậu Thành hay ông Lý, mà đã là việc của cả cái nhà này rồi. Tuy nhiên những điều này chỉ là tôi suy đoán, không bằng chứng, giờ tôi phải bắt đầu tìm hiểu từ đâu? Rốt cuộc suy nghĩ, linh cảm của tôi là sai hay đúng? Là con Yến hay là một đứa trẻ khác? Tôi nhắm nghiền mắt, lại một mớ bòng bong.
Tôi đứng nghĩ mãi, nghĩ mãi mà vẫn chưa ra được đáp án cho mình. Thế nhưng tôi biết chuyện này không thể làm ngơ được liền đi vào buồng bà cả nói:
– Bẩm bu con xin phép qua nhà ông ngoại một chút. Bu ở nhà có gì cần gì gọi con Mít nhé.
– Ừ nhưng con sang đó làm gì?
– À, con có mấy chuyện muốn hỏi ông, hỏi xem ông biết tình hình thi cử trên kinh thế nào không bu ạ.
– Ừ thế đi sớm đi, Thìn ơi đưa mợ cả sang bên quan viên giúp bà.
Bà cả nói xong khẽ bóp đầu, tôi nhìn bà lòng cũng xót xa vô cùng. Khi sang đến nhà quan viên tôi thấy quan viên đang ngồi cùng thầy lang Nguyễn. Vừa nhìn thấy tôi quan viên liền hỏi:
– Dung, sao sang đây? Bu con ở nhà có chuyện gì à?
– Dạ bẩm ông, bu con vẫn ổn, con muốn tìm ông nhờ ông chút chuyện à?
– Lại chuyện gì vậy?
– Ông cho con mượn thằng Du được không?
– Con làm gì?
Tôi chẳng biết nói thế nào, đành bịa đại một lý do:
– Dạ, cậu Bảo trước khi lên kinh thi nhờ con chút chuyện con muốn giúp cậu ấy.
– Ừ thế để ông gọi thằng Du ra cho. Mà vợ chồng chúng bay cả ngày cứ mờ mờ ám ám, thằng chồng đi thi lại đến con vợ. Nói ông nghe xem nào.
– Dạ đợi xong việc con nói nha.
– Bố khỉ nhà chị.
– Dạ mà ông ơi, trên kinh thi cử đã có kết quả gì chưa? Sao… mà lâu quá vậy ông.
– Ông cũng đang nhờ người hỏi đây chứ ông chưa biết kết quả ra sao.
Tôi gật đầu chào quan viên định đi về, thế nhưng ra đến cổng sực nhớ đến bà cả liền quay lại tìm ông lang Nguyễn rồi hỏi:
– Bẩm thầy lang, chả là bu con có chửa nhưng vẫn cứ đau đầu, mất ngủ suốt. Không biết do nghén hay là có vấn đề gì thầy nhỉ?
– Ừ có chửa thì cũng có thể đau đầu đấy, nhưng mà đau đầu mất ngủ sao?
– Dạ vâng, con sợ ảnh hưởng tới thai nhi. Ma hoàng từ trước thầy kê bu con vẫn uống nhưng sao vẫn ốm liên miên thầy nhỉ?
Thầy lang Nguyễn nghe xong, đặt mạnh tách trà xuống bàn kêu lên:
– Ma hoàng tôi kê lúc bà ấy cảm phong hàn sao giờ vẫn còn uống?
Tôi nhìn thầy lang Nguyễn cũng kinh ngạc không kém vội đáp lại:
– Sao con tưởng thầy kê cho bu con?
– Không, tôi kê mười lăm ngày thôi. Uống hết mười lăm ngày đó là thôi, bu chồng cô có chán ăn, bí tiểu không?
– Dạ có.
Ồng lang Nguyễn khẽ thở dài nói:
– Ma hoàng uống nhiều sẽ sinh ra các tác dụng phụ như đau đầu, chán ăn, bí tiểu, thậm chí còn có thể gây ra tai biến và nhiều tác dụng nghiêm trọng khôn lường. Tại sao lại để bà ấy uống lâu dài như vậy?
– Hôm đấy thầy kê có mười lăm thang thôi sao?
– Đúng vậy, với tôi kê cho mợ Hương nhà cô mười lăm thang là đúng ba mươi thang.
– Thầy, vậy liệu có ảnh hưởng đến thai nhi không?
– Nếu như liều tôi kê thì ít ảnh hưởng, nhưng giờ phải dừng ngay.
Tôi nghe xong, tự dưng một linh cảm bất an khẽ dấy lên. Rốt cuộc vì sao con Mít lại sắc ma hoàng tới tận bây giờ? Lúc này tôi không còn nghĩ được gì nữa, xin ông lang Nguyễn kê cho vài thang thuốc bổ tốt cho bà cả lúc này rồi chạy thẳng về nhà, chuyện cậu Thành gác tạm sang một bên.
|
Chương 28
Khi về tới nhà, con Mít đã sắc xong ma hoàng đang bê lên. Tôi liền giữ tay nó lại rồi nói:
– Mít, đổ ngay chén thuốc đi rồi xuống đây mợ hỏi.
– Ơ con mới sắc xong mà.
– Mợ bảo đổ thì mày cứ đổ đi, mày thương bà cả nhất mà đúng không? Đổ đi xuống mợ bảo.
Con Mít gật đầu đổ bát thuốc sau đó chui xuống bếp ngơ ngác hỏi:
– Sao vậy mợ?
– Ma hoàng này ai bảo mày sắc cho bà?
– Thì hôm đó ông thầy lang Nguyễn mang qua, anh Thìn đưa cho con bảo là đưa cho mợ Hương một nửa, con một nửa sắc cho bà. Thầy lang Nguyễn có dặn sắc hết ngần ấy thang thuốc này là được. Mà giờ con đã sắc hết đâu?
Tôi mặc kệ con Mít đang phân bua lao ra chỗ thằng Thìn hỏi nó:
– Thìn, hôm trước thầy lang Nguyễn đưa ma hoàng cho mày là bao nhiêu thang?
– Là ba mươi thang, con đưa mợ Hương mười lăm, con Mít mười lăm. Sao vậy mợ?
– Không sao.
Lúc này tôi vẫn đang rối như tơ vò. Mười lăm thang thuốc uống trong nửa tháng mà giờ là gần một tháng rưỡi rồi. Kể cả thằng Thìn có đưa cho con Mít hết ba mươi thang thì lẽ ra cũng phải kết thúc từ lâu rồi chứ? Rốt cuộc tại sao đến giờ con Mít vẫn đang sắc thuốc? Tôi lại chạy xuống bếp nhìn con Mít hỏi:
– Mít, ma hoàng để chỗ nào? Lúc thằng Thìn đưa cho mày có đếm không?
– Dạ, ma hoàng con để trên đây này mợ. Con không đếm vì thấy bảo cứ sắc mỗi ngày một thang là được mà mợ.
– Vậy là đến giờ vẫn chưa hết?
– Vâng, đã hết đâu, mợ xem, vẫn còn đầy đi.
Nói đến đâu con Mít mở cánh cửa chạn bát ra, quả thực ở trong đó còn rất nhiều ma hoàng. Con Mít trước nay là người hầu hạ thuốc thang cho bà cả, chắc chắn có người lợi dụng nó ngốc nghếch mà mang thêm ma hoàng cho vào chạn bát. Nhưng người đó là ai? Nhất định phải là người am hiểu y thuật, mà nhà này người am hiểu nhất… chính là con Yến! Tôi để con Mít ngồi dưới bếp đi lên buồng tìm vú Bảy, vú Bảy vừa nhìn thấy tôi liền hỏi:
– Mợ tìm tôi có việc gì à?
Ở nhà này người trung thành nhất với bà cả là vú Bảy và con Mít. Có điều con Mít quá ngô nghê, chỉ có vú Bảy mới đủ khả năng để tôi hỏi. Tôi nhìn vú kể lại mọi sự tình. Vú Bảy nghe xong trợn tròn mắt lao hùng hục xuống bếp. Khi nhìn thấy đống ma hoàng vú liền quay sang tôi nói:
– Mợ Dung, chuyện sắc thuốc trước đến nay tôi đều giao cho con ngố này. Nhất là thời gian này bà cả ốm liên miên nên giao cho tôi nhiều việc quá tôi không để ý được. Tôi chỉ bảo nó mỗi lần sắc thuốc nhớ thử kim xem có độc hay không mới được mang lên cho bà, không nghĩ lại xảy ra tình huống này. Mít, nghe bà hỏi, ma hoàng này sao lại có nhiều như vậy?
– Dạ… con không biết. Con hôm trước được thằng Thìn đưa thì nhét hết vào đây. Con cứ tưởng ít lắm mà sắc mãi không hết…
– Trời ơi, mày không biết đếm à? Lẽ ra khi về phải đếm xem bao nhiêu thang chứ?
– Dạ… con xin lỗi bà. Tại con không để ý, thấy bảo sắc hết thì bà cả uống sẽ khỏi nên con cứ thế sắc. Với lại con nghe bảo ma hoàng cũng không ảnh hưởng tới thai nhi mà.
Đúng rồi, ma hoàng tương đối an toàn với thai nhi trong một số tài liệu nhưng cũng chưa chắc chắn. Ông lang Nguyễn có nói, ma hoàng có thể uống trong mười lăm đến ba mươi ngày nhưng giờ là bốn năm mươi ngày rồi. Có lẽ có người đã lén cho ma hoàng vào đây, con Mít mỗi ngày mở ra đều thấy có ma hoàng nên cứ sắc, bà cả thì bận rộn, cũng không am hiểu về y thuật nên cứ uống, đến chính bản thân tôi nếu hôm nay không hỏi có lẽ cũng cho rằng ma hoàng uống mãi không có vấn đề gì. Tôi mang mấy thang thuốc đưa cho vú Bảy rồi nói:
– Mấy thang thuốc này vú giúp con sắc cho bà.
Tôi nhìn đống ma hoàng trong bếp, phải còn đến hơn chục thang nữa. Rốt cuộc là ai giở trò? Là con Yến hay một ai khác? Hôm bà cả ốm, cũng là hôm con Chi sang, chính hôm ấy tìm thấy Bạch Chỉ dưới bếp, có khi nào con Chi bị con Yến sai để giở trò không? Dưới này tận hơn chục thang thuốc ma hoàng nữa, mà sao con Mít nó ngố thế không biết. Làm gì có ai kê lắm thuốc như vậy, bảo sao mà con này suốt ngày bị vú Bảy chửi cũng đúng thôi. Không phủ nhận nó rất thương bà cả, nhưng đôi khi thương mà ngố lại là hại bà. Cái Hương hôm trước cũng chỉ có mười lăm thang, kể cả nó đưa hết cho con Mít thì lẽ ra thuốc cũng hết lâu rồi. Tôi thở dài, sai người mời ông lang Nguyễn về khám cho bà cả trước. Cũng may khám xong ông lang Nguyễn bảo bà cả không sao, tác dụng phụ của ma hoàng mới chỉ gây đau đầu, vả lại bà cả là người khá lười uống thuốc nên rất nhiều lần con Mít sắc xong bà chả thèm uống mà đổ đi. Tôi nghe xong mà thở phào nhẹ nhõm. Bà cả sau khi khám xong lại nghe tôi trình bày liền sai người lục soát hết các dinh nhưng cuối cùng cũng không tìm thấy bóng dáng ma hoàng ở đâu. Tầm này mọi người ra đồng hết nên việc lục soát cũng không ai biết, chỉ là trong lòng tôi vẫn luôn có một cảm giác bất an không lành. Liệu có phải là con Yến hay không? Tôi lên buồng bà cả khẽ nói:
– Bu, hay bu về nhà quan viên ở một thời gian, định sinh xong em bé tính sau. Giờ cứ có kẻ ném đá giấu tay thế này, lại không có bằng chứng gì chi bằng như vậy được không bu?
Bà cả khẽ đưa tay vuốt tóc tôi đáp lại:
– Dung, bu biết con lo cho bu, nhưng nếu bu đi bu cũng không nỡ. Thôi thế này, chiều nay về bu sẽ bảo thầy con gả quách con Yến đi. Nó còn ở đây ngày nào mình còn lo lắng ngày ấy.
– Nhưng liệu thầy có nghe không?
– Giờ bu đang có chửa, không nghe cũng phải nghe.
– Từ nay bu để con sắc thuốc cho bu, thuốc con sẽ mang về buồng con để sáng con sắc.
– Ừ được rồi. Với bu cũng chẳng muốn uống thuốc thang gì nhiều nên hạn chế sắc thôi con. Cứ của ngon vật lạ cho bu ăn có khi còn khoẻ mạnh.
– Dạ vâng.
Tuy nói vậy nhưng lòng tôi vẫn rất lo lắng. Chuyện bạch chỉ tôi có thể cho qua nhưng chuyện ma hoàng không dễ dàng như vậy được. Đây không chỉ liên quan đến danh dự mà liên quan trực tiếp đến sức khoẻ bà cả. Trong lòng tôi tất nhiên nghi vấn lớn nhất vẫn là con Yến, có điều sao tôi vẫn có một linh cảm không đúng. Hại bà cả, con Yến sẽ đạt mục đích gì? Như vậy chẳng phải cậu Bảo biết sẽ hận nó sao? Nó thực sự là chủ mưu hay không? Tôi nhắm nghiền mắt, đặc biệt dặn vú Bảy ở nhà để ý mọi chuyện. Nhưng con Yến cũng khá giỏi về y thuật, sao tôi lại cứ nửa nghi nửa không thế này cơ chứ? Thôi, nếu đã có chút nghi thì cứ nên điều tra từ nó trước. Tôi đi sang nhà quan viên gọi thằng Du sai nó qua làng Liễu tìm hiểu cho tôi chút chuyện, nghi ngờ ở đâu, tìm hiểu ở đấy. Thằng Du này nhanh nhẹn, cho đi dò la tin tức là hợp lý nhất. Nhưng có tìm hiểu thế nào giờ cũng phải trong bí mật, giờ chuyện gì cũng không thể rủt dây động rừng được.
Hôm nay cũng là mười lăm tháng sáu âm lịch rồi, mười tám này sẽ có hội làng, cậu Bảo đi hơn tính ra cũng quá ba tháng. Tôi trở về buồng lòng lại nặng trĩu, không biết trên đó cậu thi cử thế nào, sống mũi tôi lại bất chợt cay xè. Kể ra bình thường ở nhà, mấy chuyện này cậu sẽ cùng tôi tìm hiểu, giờ có hai bu con lủi thủi bảo vệ nhau mà tủi thân quá. Nhớ năm ngoái tầm này tôi với cậu đang chuẩn bị tíu tít xem hội, năm nay đến giờ phút này vẫn chưa thấy cậu đâu. Tôi nằm suy nghĩ mãi đến tận chiều tỉnh dậy cũng phát hiện gối ướt đẫm. Lâu lắm rồi tôi không khóc, cứ ngỡ là mình đã quen dần với việc xa cậu hoá ra không phải, tôi vẫn nhớ cậu nhiều đến vậy.
Chiều hôm ấy ăn cơm xong, ông Lý gọi con Yến lên nhà rồi nói:
– Yến này, có cái mối bên nhà ông Long muốn hỏi con về đấy làm dâu. Con có ưng không?
Con Yến vừa nghe đến đây, bất chợt khựng lại, một lúc lâu sau mới lắp bắp đáp:
– Ông định gả con đi sao?
– Con cũng mười sáu rồi, phải gả cho con tấm chồng chứ.
Bà cả phe phẩy quạt nhếch mép nói:
– Chứ định ở già đến đây sao? Ông Lý thì cũng như cha, mà cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, cứ thế mà làm.
Con Yến chợt đỏ hoe mắt, cúi mặt lí nhí trả lời:
– Dạ… dạ vâng, nhưng ông để thư thư cho con một thời gian được không? Cuối năm này gả con đi sau có được không ông? Giờ cũng tháng sáu rồi, mấy nữa cũng cuối năm thôi.
– Ừ, thế cũng được, để ông bảo bên ông Long.
– Dạ, con đội ơn ông bà.
Bà cả nhìn ông Lý thở dài nói:
– Sao không gả sớm đi, đằng nào chả phải gả? Con gái lớn để ở nhà người ta nói ra nói vào.
Con Yến thấy vậy liền quỳ xuống khóc lóc:
– Thưa ông bà, con ở đây quen rồi, cũng coi đây là nhà, coi ông như cha… Cho con ở lại vài tháng để chuẩn bị tinh thần rồi gả đi sau…
Nghe con Yến khóc ông Lý gật đầu đáp:
– Thôi giờ hay cuối năm chả thế, cứ để nó ở đến tháng chín tôi đánh lời với ông Long là được. Thôi quyết định thế đi.
Bà cả biết không cãi được lời ông Lý cuối cùng cũng gật đầu. Giờ tháng sáu, ba tháng nữa… trong ba tháng này nhất định tôi phải cảnh giác cao độ, và nhất định cũng phải tìm ra được, rốt cuộc ma hoàng từ đâu mà có. Con Yến cúi đầu xin phép về dinh, tôi nhìn theo nó, nếu như điều tra được sớm việc nó có phải con bà hai, ông Lý không có lẽ sóng gió sẽ không còn. Giả dụ… nó là con ông Lý thật… chẳng phải tốt rồi sao, như vậy nó cùng máu mủ, cùng huyết thống với cậu Bảo và không có cớ gì để hại tôi nữa.
Sáng hôm sau khi đang ngủ thì tiếng trống, tiếng chiêng vang lên khắp nơi. Mười sáu là lễ rước thần, mười tám là hội chính thức. Tôi bật dậy chạy ra bên ngoài vừa hay gặp ngay cậu Thành đứng sân. Cậu ta nhìn tôi cười hỏi:
– Hôm nay rước thần, cô có muốn đi xem không?
– Cậu với Hương đi xem hả? Nếu vậy tôi đi ké hai người cũng được.
Cậu Thành bật cười, tôi hơi ngượng ngùng không biết nói gì đành lảng qua chuyện khác:
– Mà cậu khỏi ốm chưa?
– Ốm?
– Ừ thì thấy Hương bảo cậu cũng bị cảm mà.
– Cảm mạo phong hàn sao? Tôi đâu có bị cảm mạo phong hàn bao giờ?
Tôi bất chợt giật mình hỏi lại:
– Chẳng phải tháng trước bu tôi cảm mạo phong hàn phải cắt ma hoàng, lúc ấy vợ cậu cũng bảo cậu bị như vậy nên cắt thêm cho cậu mười lăm thang sao?
– Ma hoàng? Cô nói gì tôi thực sự không hiểu, tôi không có cảm mạo, cũng không uống ma hoàng gì cả.
Tôi nghe xong, bỗng dưng thấy hơi run rẩy. Rốt cuộc là sao? Chẳng phải khi ấy cái Hương nói cậu Thành bị cảm mạo sao, giờ tự dưng cậu ta lại nói không phải? Tôi định hỏi thêm mấy câu nữa thì bên ngoài có tiếng nói rất lớn cất lên:
– Loa loa loa loa… loa loa loa loa… giờ Thìn rước thần, dân làng ra xem, giờ Mùi quan về, vinh quy bái tổ.
Tôi nghe câu đầu, định chạy vào nhà, thế nhưng nghe câu cuối toàn thân khựng lại. Quan về? Vinh quy bái tổ? Tim tôi bỗng dưng cũng đập liên hồi, ở làng này có bốn năm người đi thi, quan… người đỗ đạt làm quan kia? Là ai?Tôi lúc này không còn giữ được bình tĩnh lao ra ngoài hỏi thằng mõ:
– Mõ… quan hôm nay về sao?
– Dạ vâng. Quan làng mình đó mợ ơi, đỗ cao lắm.
– Quan… quan đó là ai?
– Dạ con cũng đâu có biết, chỉ biết hôm nay quan về thôi, mà sao mợ không hỏi quan viên xem, biết đâu quan biết thì sao.
Thằng mõ cũng không biết, tôi liền chạy sang nhà quan viên. Thế nhưng đến nơi thấy gia nô nói quan không có nhà, trời ơi, tôi hồi hộp phát điên lên mất. Có điều cũng không biết phải làm gì đành thất thểu đi về. Khi vừa ra ngoài cổng chợt thấy thằng Du đang tiến lại. Nó nhìn thấy tôi liền vội vàng nói:
– Mợ Dung, con cũng đang định đi tìm mợ đây.
Tuy tim còn đập mạnh, tay còn run nhưng tôi cũng không thể lơ là chuyện này được liền hỏi:
– Sao rồi, đi cả ngày hôm qua điều tra được gì chưa?
– Dạ, con có xuống làng Liễu, tìm được nhà bà hai nhưng mà chẳng có ai ở đó mợ ạ. Nghe nói có bu bà hai thì mất từ hơn một năm trước rồi. Nhưng con cũng hỏi được hàng xóm được mấy điều
– Mày nói nhanh lên nào, sốt ruột quá, đại loại tìm được manh mối gì chưa?
– Thì mợ để con kể xem nào, con xuống hỏi hàng xóm thì người ta bảo bà hai không có anh trai hay chị gái gì
– Không có anh trai hay chị gái?
– Dạ đúng rồi.
– Vậy mày có hỏi lúc bà ấy sinh nở thế nào không?
– Con có hỏi nhưng không ai biết, chỉ có một người hàng xóm già sống ở đấy lâu năm rồi kể là thực ra nhà bà hai không phải ở làng Liễu. Lúc cả nhà bà hai chuyển đến đó là khi bà hai mang thai khá to rồi, bà hai về đó được mấy ngày đã đẻ. Bà lão hàng xóm còn bảo chỉ nghe được tiếng khóc chứ không biết trai hay gái nghe đâu đứa bé đó khóc rất nhiều, khóc ngằn ngặt từ sáng tới tối. Được một tháng thì bà hai bế con đi đâu đó rồi một tháng sau trở về. Nhưng mà thấy bảo sau đợt đó đứa bé ít khóc hẳn, hàng xóm hỏi thì bu bà hai nói rằng mang đứa bé lên chùa mấy ngày nhờ thầy cầu cho bớt khóc lại. Lúc đấy mọi người mới biết đó là một bé trai, và cũng từ lúc ấy bà hai mới hay bế đứa bé đó ra ngoài chứ trước thì chưa bao giờ bế ra. Nhưng mà bà hàng xóm già kia có nói rằng không hiểu tại sao mà bé trai đó rõ ràng sinh được hai tháng rồi mà lúc trở về nhìn như mới đẻ, vẫn còn đỏ hỏn, gầy gò bé xíu luôn. Bà ấy còn bảo bà ấy từng làm mẹ, từng sinh con cũng rất khó khăn nhưng không nghĩ rằng đứa bé đó lại phát triển chậm như vậy, nhìn phát thương luôn ý mợ. Hay tại khóc lắm nên thế mợ nhỉ, cũng may thời gian đó mọi người tẩm bổ lại nên sau trông cũng cứng cáp hơn một chút.
– Thế tại sao mấy người hàng xóm đó lại biết bà hai không có anh trai hay chị gái?
– Thực ra cái này con cũng không rõ lắm đâu. Chỉ là thấy bảo từ lúc bà hai chuyển đến đấy chẳng bao giờ gặp mặt của ai, thấy mỗi hai bu con nhà bà ấy với đứa trẻ con. Sau này bu bà hai ngã bệnh có nói là sinh được mỗi một mụn con gái mà đến lúc gần đất xa trời cũng không về, tuyệt nhiên không nhắc đến bât cứ người con trai con gái nào khác
Tôi nhìn thằng Du, tai hơi ù đi, lúc này tôi có thể đoán rằng con của bà hai không chết. Vậy nên chỉ còn lại trường hợp thứ hai đó là bà hai sinh con gái nhưng vì muốn củng cố vị thế của mình trong nhà nên đã đổi lấy con trai. Và người con trai đó chính là cậu Thành. Thế nhưng… lý do gì mà cậu Thành lại là con ông Lý? Bí ẩn này tôi quả thực vẫn không thể có một lời giải đáp. Và… lý do gì khi sinh được hai tháng rồi về nhìn như mới đẻ? Chẳng lẽ cậu Thành sinh sau đứa con gái kia? Thằng Du nhìn tôi hỏi lại:
– Mợ có cần con đi điều tra thêm gì nữa hay không?
– Mày hộ mợ điều tra xem ở làng Vân với làng Liễu có ông Sinh nào mới mất không?
– Ối, thế mợ hỏi đúng người rồi. Nhà thầy bu con dưới làng Liễu ở sát nhà ông Sinh. Ông ta vừa chết được dăm bữa nửa tháng thôi. Làng Liễu thì chỉ có mình ông ấy tên Sinh.
– Ông ta vì sao mà chết?
– Uống nhiều rượu quá chứ sao.
– Có vợ con gì không?
– Có vợ nhưng cũng suốt ngày đánh đuổi người ta đi.
– Không có con cái sao?
– Không có đâu mợ ơi, thấy bảo hồi xưa bà này cũng có chửa đẻ được một thằng con trai nhưng mấy tháng thì chết. Sau đó thì có nhận một bé gái về nuôi, mà nuôi được bốn năm năm gì đó thì người ta đến đòi con. Với lại lúc ấy nhà nghèo do ông Sinh cả ngày say xỉn nên đứa bé kia bị còi cọc, người ta cũng không cho nuôi nữa.
– Mày có biết người đến đòi con là ai không?
– Con không, thầy bu con cũng không biết. Mợ còn muốn sai con gì nữa không? Hay con đưa mợ xuống đó nhé.
– Vậy đứa con gái đó trông như thế nào mày có biết không?
– Nó được đón đi lâu lắm rồi nên giờ con không nhớ được
Tôi nhìn thằng Du, lúc này rất muốn đi xuống tìm nhà ông Sinh, nhưng hôm nay giờ Mùi quan về, tôi… đành để việc này ở tạm sau vậy. Có điều giờ tôi cũng mơ hồ đoán được ra con gái của bà hai không chết, bà ta đã tráo nó lấy cậu Thành. Vậy mối quan hệ giữa bà hai và bu cậu Thành là thế nào? Bu cậu Thành có mối quan hệ gì với ông Lý?
|
Chương 29
Tôi đứng ngẫm nghĩ một lúc rất lâu cuối cùng quay sang thằng Du nói:
– Giờ mợ nhờ mày một việc được không?
– Được mợ nói đi.
Tôi thở dài nói thầm vào tai nó mấy câu, nói xong nó liền hỏi lại:
– Vậy còn chuyện kia?
– Chuyện đó mợ tính sau. Giờ mợ về cái đã. Nhớ lời mợ dặn nhé.
– Vâng ạ. Mợ lo xa thật đấy.
Tôi bật cười chạy một mạch về nhà. Lúc này con Yến cũng đang phơi quần áo trước sân. Nhìn thấy tôi nó liền nói:
– Này, nghe nói quan về đấy. Hồi hộp nhỉ, không biết có phải cậu Bảo không nữa?
– Ừ tôi cũng đang ngóng này. Chẳng biết là ai nữa.
Con Yến không nói gì nữa, khẽ mỉm cười, xem chừng nó vui lắm. Tôi mặc kệ chạy thẳng vào buồng của bà cả. Bà hôm nay trông khoẻ lên rất nhiều, vừa đọc sách vừa hát. Tôi liền ngồi lên giường rồi nói:
– Bu… bu không hồi hộp à? Con… con hồi hộp quá đi mất, sao bu bình thản thế? Không biết quan có phải cậu Bảo không nữa.
Bà cả nhìn tôi đáp lại:
– Đằng nào giờ cũng không biết là ai, có hồi hộp cũng phải chờ thì hồi hộp làm gì?
– Trời, tim con đang đập thình thịch đây bu.
– Ngốc. Thằng Bảo đỗ thì bu mừng, không đỗ cũng chẳng sao, nhà mình còn đầy ruộng, cùng lắm về cày ruộng thôi.
Bà cả bình tĩnh thật luôn, nhưng mà bà nói cũng đúng mà. Tôi rất mong cậu Bảo đỗ đạt, nhưng nếu như không đỗ tôi cũng chỉ buồn xíu xiu thôi. Cùng lắm hai đứa cày ruộng làm nương, mắc gì phải thất vọng với lo lắng chứ. Tôi ngồi kéo chân bà vừa bóp vừa nói:
– Bu, con có chuyện này muốn hỏi nha
– Hỏi đi.
– Ngày trước ý, thầy quen bà hai ở bên làng Liễu hả bu?
Tôi hỏi xong cứ ngỡ bà cả trợn tròn mắt chửi tôi, thế nhưng không bà chỉ tỏ ý hơi ngạc nhiên hỏi lại:
– Sao con lại hỏi như vậy?
– Con… tự dưng con tò mò về bà ấy.
– Ừ, ông ấy quen nó ở làng Liễu.
– Lấy về rồi bà ấy mới có chửa hả bu
– Không, sau khi ngủ với nhau đợt ấy nó chửa nên thầy mày rước nó về luôn.
– Con nghe nói lúc bà ấy có chửa mấy tháng cuối thì về quê đúng không bu?
– Đúng rồi, nó chửa sáu tháng gần bảy tháng thì xin về quê vì nó bảo ở đây suốt ngày động thai.
Sáu tháng? Tôi có nghe nhầm không đây? Rõ ràng thằng Du bảo bà ta về quê mấy ngày đã đẻ kia mà? Tôi lắp bắp hỏi lại:
– Bu… là sáu tháng sao?
– Đúng rồi, sao thế?
Người ta sinh đủ tháng đủ ngày mà đứa bé có khi còn chết, sinh non tám tháng còn khó giữ, huống hồ sáu tháng.
– Lúc đó bà ta… có chửa có to không bu?
– Cũng không rõ, vào mùa đông không ai để ý, nhưng rốt cuộc có chuyện gì?
– Dạ… không có gì đâu bu, thôi bu nghỉ đi. Con bóp chân cho.
– Vẽ chuyện. Để bu gọi cái Mít bóp.
– Dạ thôi. Để con bóp cho.
Bà cả nhìn thấy vậy thì bật cười ném quyển sách ra bàn xong đó nằm xuống thiêm thiếp đi. Tôi vừa bóp chân vừa bắt đầu suy nghĩ, lúc này cần nhất là xâu chuỗi những điểm mà tôi cho là vô lý lại. Thứ nhất, đứa con gái của bà hai chắc chắn không hề chết trong lúc có chửa, điều này thằng Du nói rồi, cái đứa bé được nhà ông Sinh nuôi bốn năm năm rất có thể là con gái bà hai, trùng khớp với việc cái Mít nói năm bốn tuổi cái Yến được bà hai mang về nuôi. Linh cảm cái Yến là con bà hai mỗi lúc một rõ ràng. Chẳng phải bu bà hai nói rằng chỉ có một mụn con gái sao, dù cho có già cả lẩm cẩm cũng khó mà có khả năng quên luôn việc mình có mấy đứa con. Vả lại theo lời bà hai con Yến mới mười sáu tuổi, còn sinh sau cậu Thành, vậy sao không một ai biết tăm hơi thầy bu nó? Dù thầy bu nó có chết sau khi sinh nó cũng là sau hai ba năm bà hai sinh, cũng là sau khi chuyển đến làng Liễu một thời gian, không có cớ gì hàng xóm không biết. Bà hai cũng chẳng phải loại người dám nhận một đứa xa lạ về nuôi.
Thứ hai, tại sao bà hai có chửa sáu tháng về quê mấy ngày đã sinh. Điều này chắc chắn là vô lý, bởi đứa con của bà hai nghe nói khóc ngặt nghèo suốt. Bảy, tám tháng sinh còn phải thuê thầy lang về chăm sóc cũng chưa chắc đã qua nổi huống hồ là sáu tháng. Sáu tháng mà đẻ được đứa trẻ khoẻ mạnh thì không phải vô lý mà là quá quá vô lý. Đã vậy còn một điểm nữa, đó là ông Lý lấy bà ta về bà ta có chửa luôn, mà sáu tháng sau đã sinh ra một đứa bé khoẻ mạnh. Cậu Thành bị tráo đổi khi đứa con gái đã được hơn hai tháng gần ba tháng, mà khi ấy cậu Thành mới sinh chẳng phải thời gian này rất trùng khớp với thời gian bà hai được ông Lý cưới về hay sao? Vậy… chẳng lẽ đứa bé đó không phải con ông Lý. Tôi đột nhiên bật hẳn dậy à lên một tiếng, sao tôi lại không nghĩ đến trường hợp này cơ chứ? Lúc này tôi cũng doán được, người ngủ với ông Lý ở làng Liễu là bu cậu Thành, và một lý do gì đó bà ta bị bà hai thế thân để được gả vào nhà này.
– Sao mà à ừ cái gì đấy con?
Tôi nhìn bà cả khẽ đáp lại:
– Bu, bu nghỉ đi con về nằm chút nha.
– Ừ về đi.
Khi về đến cửa buồng tôi lại thấy con Yến đang ngồi thêu. Nếu như giả dụ nó là con bà hai, vậy thầy nó là ai? Tôi suy đi đoán lại cuối cùng cũng chọn ra một khả năng. Chẳng phải bà hai có một người đàn ông là thanh mai trúc mã sẵn sàng hy sinh mọi thứ cho bà ta sao? Chẳng phải khi con Yến gặp lão ta, nó tát lão ta lão ta cũng không phản ứng gì sao? Khả năng cao con Yến là người đi tìm lão ta, vậy mà khi bị nó đánh, lão ta cũng nhất mực không khai, chẳng phải lão ta… có phần bảo vệ nó sao? Có khi nào… Tôi không muốn suy nghĩ chủ quan, tuy rằng khả năng này đúng rất cao nhưng tôi cần một bằng chứng xác thực. Mà bằng chứng ấy, nằm ở bu cậu Thành.
Giờ tạm thời bỏ qua chuyện đó quay sang chuyện ma hoàng. Tại sao cậu Thành không ốm mà cái Hương nói cậu ta ốm? Chuyện này chắc chắn không đơn giản như tôi nghĩ. Tôi ngồi dậy mở tủ lấy miếng ngọc bội của cái Hương ra. Thực lòng tôi không muốn tin nó giở trò, bởi tính cách nó đến bây giờ tôi vẫn cho nó là một người tốt. Nhưng… ma hoàng, tại sao nó lại lấy? Tại sao nó lại nói dối? Khi tôi còn đang suy nghĩ con Yến đã thập thò ngoài cửa rồi gọi:
– Dung, đi xem rước thần không?
– Cô đi trước đi, tôi đi sau.
– Thấy bảo hôm nay quan về sớm hơn đấy. Vốn dĩ là giờ Mùi về, nhưng giờ lại bảo sớm hơn, rước thần xong thì quan cũng về.
Tôi nhìn con Yến, rõ ràng muốn ra xem nhưng nghĩ đi nghĩ lại vẫn đáp:
– Ừ, cô cứ đi trước đi.
– Vậy tôi đi trước nha.
Đợi con Yến đi khuất tôi nhét miếng ngọc bội vào trong tủ rồi chạy sang chỗ bà cả nói:
– Bu ơi, thầy đi đâu giờ này chưa về hở bu?
– Thầy mày đi nghe ngóng tình hình rồi.
– Dạ vâng, mà bu ơi, giờ con sai người đưa bu sang bên quan viên nhé. Con nghe nói bên quan viên biết tình hình, bu sang đó trước rồi tý con sang sau.
Bà cả nghe xong liền gật đầu đứng dậy, thằng Thìn với thằng Tỵ liền đưa bà đi sang quan viên. Tôi ở nhà cứ nóng lòng mãi, đợi khi thằng Thìn về báo đã đưa bà sang đấy an toàn tôi mới cảm thấy an tâm phần nào. Lúc này đã chuẩn bị lễ rước thần, tôi định đi xuống dinh của cái Hương gọi nó thì nó đã bước ra cười nói:
– Dung, đi xem rước thần đi, rước thần xong quan về đấy, sao còn ngồi đấy làm gì?
– Cô có đi không?
– Có đi giờ đây này, đi cùng đi.
Tôi với cái Hương đi trước, cậu Thành đi ở phía sau. Buồng của tôi với bà cả cũng được khoá chặt tránh có người ở nhà lục lọi. Khi ra đến đầu làng, tôi không thấy bóng cậu Thành đâu nữa liền quay sang cái Hương hỏi:
– Hương… tôi có chuyện này muốn hỏi cô được không?
– Chuyện gì vậy?
– Hôm trước cô xin ma hoàng làm gì thế? Sáng nay tôi thấy cậu Thành bảo cậu ấy không ốm, cũng không có uống ma hoàng.
Cái Hương hơi khựng lại… một lúc sau mới đáp:
– Tôi… tôi…
– Cô có điều gì khó nói à?
Đột nhiên tôi thấy mắt nó đỏ hoe rồi nói:
– Thực ra… thực ra ma hoàng ấy tôi không xin cho cậu Thành.
– Vậy cô xin cho ai?
– Cho… cho em gái của bạn tôi. Nó bị cảm mạo phong hàn mà nhà lại nghèo nên tôi…
– Bạn? Có phải là người trong lòng của cô không.
Cái Hương nhìn tôi rồi cúi gằm mặt đáp:
– Đúng vậy. Chính vì thế nên tôi mới nói dối là xin cho cậu Thành. Vì buổi sáng hôm ấy cậu ấy cũng có hơi sụt sịt thật nhưng chỉ xổ mũi một chút chứ không cảm hay sốt gì cả.
Tự dưng cái sự thẳng thắn của cái Hương lại làm tôi thấy hơi áy náy. Áy náy vì đã nghĩ oan cho nó, suy đi nghĩ lại thì nó đâu có lý do gì để hại bà cả. Vậy rốt cuộc ma hoàng là ai làm? Là con Yến sao?
Ở bên ngoài đột nhiên tiếng trống, tiếng chiêng vang lên. Tôi với cái Hương hơi lùi lại. Thanh niên trai tráng trong lòng rước kiệu thần vừa đi vừa đánh trống vang trời. Thần được rước từ Đình lên đến Nghè, đoàn người kéo dài không dứt, ai nấy đều tươi cười mặt rạng rỡ. Lễ rước thần mất hơn một canh giờ, tôi với cái Hương đứng mỏi rã rời chân liền vào tạm quán nước bên đường uống một chút. Thế nhưng khi còn chưa kịp nóng mông tiếng trống lại vang lên, lễ rước thần đã xong sao lại đánh trống nữa? Chẳng lẽ…. quan về? Quan về nhanh đến vậy sao?
Tôi không kìm được đứng bật dậy, thằng mõ vừa cầm cái mõ vừa rao:
– Loa loa loa loa… quan đã về làng… quan đã về làng… vinh quy bái tổ… loa loa loa loa…
Tôi nghe xong quay về phía cái Hương, không hiểu sao mắt cứ rơm rớm, lòng nao nao. Đến tận giây phút này tôi vẫn chưa biết quan là ai… Khi tôi còn đang đứng thì mấy người dân đã vừa chạy vừa nói lớn:
– Đi ra Dình làng đi mọi người, quan về Đình, quan đang về Đình.
Tôi với cái Hương không nói không rằng cũng chạy theo đám dân làng ấy. Đến khi ra cây đa trước Đình liền dừng lại, từ xa xa một chiếc kiệu lớn cùng rất nhiều lính tráng đang từ từ tiến đến. Đám người đông lắm, lúc này tôi không còn để ý gì nữa cố chen lên trên nhất. Có mấy ngươi tỏ ra khó chịu, tôi mặc kệ. Kiệu đến mỗi lúc một gần tim tôi cũng đập càng mạnh. Ở phía sau cái Hương gọi tôi không được, cũng không chen lên nổi đành lùi hẳn lại. Đám người hô hào rất lớn, tôi cố căng mắt ra nhìn, thế nhưng lọng che khuất tôi vẫn chưa nhận ra người ngồi trên kiệu là ai. Mãi đến khi chiếc kiệu tiến sát lại gần tôi cũng như vỡ oà… Trên kiệu là cậu Bảo, cậu mặc bộ quần áo quan, trên đầu đội mũ quan, cả người đều toát lên một ánh hào quang mà nhìn thôi cũng loá cả mắt. Mới có hơn ba tháng không gặp, vậy mà lúc này nhìn cậu khác quá, chững chạc hơn rất nhiều. Tôi nhìn lên, cố gọi to tên cậu, thế nhưng hình như cậu không nghe thấy, một cái liếc mắt cũng không dành cho tôi. Bất giác, một chút tủi thân trong lòng khẽ cuộn lên, thế nhưng tôi cố an ủi mình, người đông thế này cậu làm sao mà nghe được tiếng tôi.
Chiếc kiệu từ từ lướt qua tôi, tôi liền bám theo, đến khi vào sân Đình cậu được đám lính hạ kiệu sau đó bước vào làm lễ. Tôi đứng một góc nhìn theo bóng cậu, cậu ra dáng làm quan quá, trông kìa, mũi cậu cao, mắt cậu sáng, cả người cậu đều sang trọng. Lúc này tôi mới nhìn lại mình, tóc tai bù xù, tay chân lấm bẩn. Ở trong tiếng người mỗi lúc một vang lên, mấy người đứng bên cạnh tôi cười lớn nói:
– Con ông Phạm Lý đấy, trước nghe danh thông minh sáng dạ giờ đỗ luôn Thám hoa. Giỏi thật luôn đấy, đúng là mát mày mát mặt mà.
Tôi tự dưng cũng thấy tự hào thay, là đỗ Thám Hoa đấy, sao mà… sao mà đỗ cao thế hôm nay làng mới biết. Cậu Bảo… cậu Bảo của tôi đỗ làm quan đấy. Đến tận giây phút này tôi cũng còn không dám tin. Cậu làm lễ xong thì đi ra ngoài, tôi lại lần nữa cố chen lên. Đột nhiên tôi thấy cậu đảo mắt xuống bên dưới một vòng, đến khi… ánh mắt chạm khẽ vào ánh mắt tôi thì dừng lại. Thế nhưng tôi còn chưa kịp cười thì cậu cũng quay vội đi. Đột nhiên có tiếng một tên lính đứng cạnh tôi nói nhỏ:
– Nghe nói lần này vua ban hôn cho Thám Hoa luôn đấy, ban cho tiểu thư Ngọc Giang con quan Tam phẩm thì phải.
Tôi nghe xong liền quay ngoắt lại, mấy tên lính cũng gật gù đáp:
– Ừ, đúng rồi. Hôm trước tôi cũng nghe nói thế, còn thấy bảo lệnh vua ban rồi nhưng chưa công bố ra thôi.
– Tiểu thư con quan Tam phẩm thì khỏi bàn, xinh đẹp, giỏi giang có tiếng, nhưng sao không ban cho Trạng Nguyên mà ban cho Thám Hoa nhỉ?
– Thấy bảo vua ban công chúa cho Trạng Nguyên rồi, nên ban tiểu thư kia cho Thám Hoa. Nghe nói vinh quy bái tổ xong sẽ thành thân luôn.
Tôi không tin nổi vào tai mình, toàn thân cũng run lên. Đám lính vẫn đang bán tán xôn xao. Cậu Bảo… sắp thành thân với cô Giang? Tôi đưa mắt nhìn lên trên, cậu đang ngồi vẻ đạo mạo uy nghiêm. Thế nhưng dưới này cõi lòng tôi lại như tan nát, có ai bóp chặt lắm nơi lồng ngực phập phồng, sống mũi cũng cay xè, nước mắt không hiểu vì đâu mà tuôn ra. Đột nhiên tôi bỗng thấy cậu Bảo nhìn mình, ánh mắt cậu rõ đang nhìn tôi, là nhớ nhung, hay là đang thương hại? Tôi cắn chặt môi, có mấy người khẽ cũng nhìn theo ánh mắt của cậu rồi chạm đến tôi. Tôi cúi đầu, lách người ra khỏi đám đông rồi chạy ra bên ngoài. Ba tháng mỏi mòn chờ đợi cậu về, lời hứa cậu còn viết trên bức thư tôi giữ. Tôi không trách cậu, lệnh vua ban sao cậu dám từ chối, chỉ là có hàng ngàn, hàng vạn mũi kim như đâm sâu vào từng thớ da thịt.
Tôi chẳng biết mình chạy đi bao xa, chỉ biết khi dừng lại đã đang đứng ở rìa ao làng. Trên trời mây trắng, nắng vàng, nhưng trong lòng tôi lại âm u như sắp bão. Tôi không kìm chế được ngồi xuống bật khóc nức nở, nỗi mất mát, nỗi tủi thân càng lúc càng nhiều.
– Dung.
Tiếng con Yến đằng sau khẽ cất lên. Tôi nhìn nó, vội vàng lau nước mắt, cũng chợt thấy mắt nó đỏ hoe. Nó đưa cho tôi chai nước buồn rầu nói:
– Cậu Bảo vinh quy bái tổ, sao cô lại ra đây?
– Tôi…
– Dù gì cô cũng là vợ cậu ấy, tôi cũng mới biết chuyện…. cậu ấy được vua ban hôn ước với cô Giang… Có điều tôi nghĩ cô không cần buồn, vì dù sao cô vẫn là chính thất, là vợ cả mà.
Tôi cầm chai nước, mở ra tu ừng ực, hoàng thượng ban hôn thì cô Giang sẽ thành chính thất chứ tôi làm gì có cửa. Vả lại, chính thất, hay vợ lẽ thì cũng thế. Thế nhưng… khi còn chưa kịp nghĩ thông tôi đã thấy đầu óc lảo đảo tôi tăm. Có tiếng con Yến khẽ cất lên:
– Nhanh lên, cho nó vào bao rồi đặt lên xe thồ đi, cho cả rơm rạ, lúa mạ lên ai hỏi cứ bảo chở lúa đi xát. Đến bìa rừng nhớ cởi hết quần áo nó ra đấy, còn thằng Nguyên, khi nào có lệnh thì chạy vào gọi cậu Thành nhà ông Lý. Cứ thế mà thực hiện, tiền tao sẽ giao đầy đủ.
Tôi muốn kêu lên, thế nhưng còn chưa kịp kêu, đã ngã vật ra đất, xung quanh chỉ còn một màu tối tăm. Câu cuối cùng tôi nghe được từ miệng con Yến là “Mày không muốn làm lẽ thì để cho tao, con Giang làm vợ cả, tao sẽ thay mày làm lẽ”. Đến khi nó dứt lời tôi cũng đã lịm đi không còn biết gì.
|
Chương 30
Tôi không biết mình đã bất tỉnh bao lâu, đột nhiên chợt thấy toàn thân ướt sũng liền bật dậy. Vừa mở mắt chưa kịp nhìn thấy gì đã nghe giọng một đứa con gái cất lên:
– Mợ Dung, mợ tỉnh rồi à.
Tôi nhìn nó, nó chừng mười ba mười bốn, mặt mũi xinh xắn nhỏ nhắn lắm.
– Cô là ai? Tôi đang ở đâu?
– Dạ, mợ đang ở nhà con.
– Nhà cô, nhưng cô là ai mới được?
– Dạ con là bạn của cậu Du, con tên Liên. Con xin lỗi mợ vì đã hất nước vào mợ, nhưng tại mợ ngủ một lúc rồi, cậu Du cho mợ uống bao nhiêu nước vẫn chưa tỉnh nên con dội nước vào mợ. Hì hì may quá mợ tỉnh luôn.
– Thằng Du đâu?
– Dạ cậu ấy đang đi nghe ngóng gì đó, chắc sắp quay lại rồi, nhưng mợ muốn đi đâu à?
Tôi nghe xong, liền gấp gáp hỏi:
– Cô kể lại cho tôi nghe mọi chuyện được không? Sao tôi lại ở đây? Thằng Du…
– Dạ, thì hôm nay quan về, con có hẹn cậu Du là đi ra Đình chơi nhưng cậu ấy từ chối. Đến lúc con theo đám bạn ra, thì thấy cậu ấy đang chạy đi đâu đó, cùng một tên lính khác ở nhà quan viên con cũng chạy theo. Cậu ấy không nỡ đuổi con nên ba người bọn con theo lối tắt chạy ra rừng. Đến lúc ra thấy hai tên đang kéo mợ ra khỏi xe thồ, một tên sau khi kéo thì chạy về, tên còn lại thì lôi mợ xuống định lột quần áo. Lúc đấy cậu Du với tên lính liền lao vào đánh hắn ta nhưng hắn ta bỏ chạy mất, tên lính kia đang truy đuổi rồi, con thì mặc lại áo cho mợ rồi cùng cậu Du thồ mợ về. À mợ ơi có tiếng dép, hình như cậu Du về.
Nói rồi nó chạy ra ngoài, tôi cũng đứng dậy, thằng Du gấp gáp chạy đến nói với tôi:
– Mợ Dung, con Chi nó kêu gào với mọi người là mợ tư tình với trai ở rừng, mọi người kéo nhau ra đấy hết rồi. Giờ mợ con mình có ra không?
– Du!
– Dạ, mày đưa mợ về nhà đã.
– Vâng ạ.
Nói rồi thằng Du liền đánh con xe ngựa gấp gáp đưa tôi với cái Liên sang nhà ông Lý. Lúc này mọi người đều không ai ở nhà chỉ có mấy tên gia nô. Tôi vào buồng lấy phấn son, rút kinh nghiệm lần trước lần này tôi để cái Liên trang điểm cho mình sau đó thay bộ quần áo đẹp nhất rồi cùng thằng Du, cái Liên ra rừng. Lúc này không có nhiều người lắm, chỉ có cậu Bảo, mấy tên lính, vài ba người dân làng cùng Chi, Thành, Hương, Yến, ông Lý bà cả. Có tiếng con Chi khóc lóc cất lên:
– Rõ ràng ban nãy có người nói chị ta lén lút tư tình ngoài này.
– Vậy người đâu? – Tiếng cậu Bảo cất lên.
– Dạ…
– Có biết vấy bẩn thanh danh của một người tội thế nào không? Hả? Đằng này còn là vợ quan lại để cho mấy người các người mang ra hạ nhục thế à?
Tôi đứng phía sau, nhưng cũng nhận thấy cậu Bảo đang rất giận. Tuy còn rất đau lòng nhưng tự dưng tôi lại cũng thấy có đôi phần được an ủi. Ít nhất cậu cũng đang công nhận tôi là vợ của cậu. Tôi lúc này mới tiến lại đi về phía đám đông rồi nói:
– Có chuyện gì vậy? Sao mọi người lại ra đây hết?
Nghe giọng tôi, tất cả mọi người đều kinh ngạc. Tôi khẽ nắm tay cái Liên, nhìn thằng về phía cậu Bảo. Đột nhiên tôi thấy ánh mắt cậu có chút đau thương, còn hơi có tia đỏ hằn lên. Con Yến nhìn tôi, trong một giây phút thảng thốt lùi lại. Cậu Bảo liền tiến về phía tôi, nhưng tôi khẽ né sang một bên rồi hỏi con Chi:
– Chị vừa nghe loáng thoáng em nhắc đến chị thì phải, có chuyện gì thế?
Con Chi nhìn tôi nghiến răng chưa kịp nói thì thằng Thìn đã lên tiếng:
– Mợ Dung, ban nãy khi cậu… à nhầm quan đang trên đường về nhà thì cô Chi tố là mợ tư tình với trai ngoài này. Mà lúc mọi người ra chỉ thấy mình cậu Thành chứ không thấy ai nữa.
Tôi cố nén đau thương, bật cười đáp:
– Chi, em nghe ai mà vu oan giá hoạ cho chị như vậy?
– Tôi…
Con Chi ngu ngốc lại lần nữa bị con Yến lợi dụng không đáp nổi, tôi nhìn cậu Bảo chắp hai tay khẽ nói:
– Bẩm quan…
Vừa nói xong câu đó, đột nhiên tôi thấy cậu Bảo khẽ chau mày, ánh mắt cũng lộ vẻ thất vọng. Tôi mặc kệ nói tiếp:
– Bẩm quan, nhân hôm nay có quan ở đây tôi cũng xin có việc muốn thưa. Chẳng là hôm nay tôi ra Đình có việc, thế nhưng trong lúc buồn rầu có đi ra ngoài và bị người ta chuốc thuốc ngủ sau đó bị lôi ra rừng. Cũng may khi ấy có thằng Du lính của quan viên và cái Liên bạn của thằng Du nhìn thấy cứu giúp. Mọi người không tin có thể hỏi để làm chứng.
Thằng Du lúc này liền đứng ra nói:
– Dạ, bẩm quan đúng là như vậy. Sáng nay con có gặp mợ Dung chạy sang nhà quan viên để hỏi xem… hỏi xem chồng mợ ấy có đỗ đạt trở về không thì gặp con. Lúc gặp mợ ấy có nói với con bu chồng mợ ấy có chửa nên mợ ấy muốn đưa bu chồng về nhà quan viên nghỉ ngơi nên từ buổi sáng mợ đã nhờ người đưa bà sang trước. Ngoài ra mợ ấy còn lo sợ bị người ta hại nên đã đặc biệt nói với con, nhờ con có thể đi theo mợ ấy hết buổi hôm nay. Ban đầu con cứ ngỡ mợ ấy lo xa, lo chuyện tào lao nhưng con vẫn rủ thêm thằng Bắc đi cùng. Tự dưng một lúc sau con không để ý thì không thấy mợ ấy đâu nữa, trong lòng con bắt đầu lo sợ liền chạy đi tìm thì thấy mợ ấy bị hai gã đàn ông thồ lên xe lúa đẩy vào rừng. Hai gã đó cao to lắm, nên con mới nhờ gọi thêm một hai người nữa, sau đó con với thằng Bắc đuổi theo ra đến khu rừng này. Cũng may sau đó một gã chạy về trước, hình như là báo ai đó, còn một gã định lột quần áo của mợ Dung ra. Con với thằng Bắc không nghĩ được gì lao vào đánh tên kia, nhưng hắn bỏ chạy được, thằng Bắc giờ vẫn đang đuổi theo chưa thấy về. Con với Liên đưa mợ về nhà… cũng may mợ lo xa… nếu không… nếu không hôm nay thanh danh của mợ sẽ bị người ta đổ hết những thứ bẩn tưởi nhất lên.
Tôi nhìn thằng Du, trong lòng cảm thấy bản thân đã không đặt nhầm niềm tin ở nó. Nó nói xong, con Yến cũng tái mét mặt rồi vội vàng nói:
– Thôi, nếu đã không sao thì tốt rồi. Hôm nay quan vinh quy bái tổ, mọi người cũng đừng gây phiền quá.
– Phiền? – Tôi bật cười – Việc của quan là giúp dân, lo cho dân việc cỏn con này có gì mà phiền, vả lại chuyện này là thanh danh một đời của tôi, sao thôi được? Yến, cô yên tâm, tôi biết cô lo cho tôi, nhưng mà tôi nhất định phải làm rõ. Bẩm quan, nếu được quan cho mấy tên lính đi tìm hai gã đàn ông kia giúp tôi được không? Tìm được thì sẽ biết chủ mưu là ai, tôi nghĩ nội trong hôm nay hoặc sáng mai sẽ tìm được thôi. Chứ giờ tôi tuy đoán ra được rồi, nhưng không bằng không chứng nói ra người ta lại bảo vu oan cho kẻ có tội.
Cậu Bảo nhìn tôi đột nhiên cười mỉm, cậu Thành cũng cười, chỉ có con Yến là run run không thốt lên lời. Cậu Bảo khẽ hất tay nói:
– Được rồi, thằng Du dẫn lính đi tìm đi, nhất định phải tìm ra để tìm được chủ mưu.
Thằng Du thấy vậy gật đầu đáp:
– Dạ vâng ạ.
Nói xong nó liền chạy thẳng ra ngoài, con Chi tội không thể tha, lại làm ầm ĩ cả lên nhưng xét cho cùng vẫn là em quan nên chỉ bị vả miệng vài cái công khai để cho chừa rồi bị tống về nhà cấm túc cả năm không ra đến ngoài. Mọi người cũng bắt đầu giải tán, cậu Bảo đi trước, cậu đi chậm lắm, nhưng tôi mặc kệ, cậu đi chậm, tôi cũng đi chậm, bà cả bất chợt nắm tay tôi rồi nói:
– Con ngốc này, bu biết con lo cho bu, nhưng còn bản thân thì sao?
– Giờ con được minh oan rồi mà bu…
– Nhưng…
– Nhưng sao hả bu?
– Không sao, thôi về nhà đã, về rồi nói chuyện.
Tôi gật đầu nhìn bà, nghe đám gia nô nói mới biết ban nãy cậu Thành cũng luôn một mực bảo vệ tôi. Nghe đâu khi cậu Thành đang đứng ở sân Đình có kẻ nói với cậu tôi bị người ta đánh ở rừng nên cậu mới hùng hục chạy ra, ai ngờ vừa ra còn chưa tìm thấy tôi thì con Chi đã gào mồm lên kéo người ta đó. Chỉ là con Chi không ngờ người bị gài lại là cậu Thành. Tôi nhìn cậu Thành, tự dưng thấy hơi thương thương. Tại sao nghe tin tôi bị đánh cậu lại vội vàng ra cứu làm gì chứ, cũng may tôi còn đủ tỉnh táo mà giục thằng Du để ý nếu không hôm nay tôi với cậu cả đời không rửa được nỗi oan này. Con ôn vật Yến kia quả là không từ thủ đoạn nào nhưng có lẽ nó lại không ngờ đến đình huống này. Nhất định chỉ cần bắt được hai gã kia, cộng thêm bằng chứng nó thích cậu Bảo hại tôi thì nó khỏi cãi luôn. Giờ tôi mà nói nó, khác gì tự mang tiếng rồi còn bị gán cho tội oan giá hoạ, nhìn bản mặt nó lúc này chỉ muốn đấm không trượt phát nào. Nhưng thôi, tôi tin vào thằng Du, tin vào lính của quan… Bảo.
Khi cậu Bảo về đến nhà liền đi vào thắp hương vái gia tiên sau đó quỳ xuống trước mặt ông Lý, bà cả tạ ơn. Bà cả nhìn cậu, nhìn tôi rồi nói:
– Bảo… sao mà con đi, đỗ đạt làm quan không ai biết? Cả nhà ai cũng hồi hộp mong tin.
– Dạ… tại có một chút khúc mắc trên triều đình nên mới chưa có thông báo về làng.
– Khúc mắc gì vậy?
– Dạ bẩm bu có gì con nói sau. Giờ cũng muộn rồi, cả nhà mình ra Đình dự tiệc trước đã.
Bà cả khẽ nắm tay tôi, tự dưng nghẹn ngào nói:
– Bu… bu có chửa rồi.
Cậu Bảo nhìn bà cả, chưa kịp đáp bà đã nói:
– Mấy tháng nay ở nhà, vợ con nó vất vả lắm. Nó vừa phải lo toan mọi việc còn phải chăm sóc cho bu. Nó… nó nhớ con lắm đấy, hôm nào cũng khóc.
Bà cả nói xong, nước mắt tôi cũng chực trào ra. Nỗi chua xót tủi thân lại dâng lên. Thế nhưng… tôi biết mình nhất định không được khóc, nhất định không được khóc trước mặt cậu. Chẳng phải tôi từng nói với cậu, chỉ cần làm lẽ, chỉ cần được cậu cho một thằng cu, một con hĩm thôi. Tôi nghĩ vậy, cố cười nói:
– Dạ, quan… quan vào thay quần áo rồi… rồi đi ra Đình không các bô lão lại chờ.
Cậu Bảo nhìn tôi đáp lại:
– Dung… đừng gọi tôi là quan nữa. Cứ xưng hô như trước kia.
– Dạ… dạ vâng.
Cậu không đáp nữa đứng dậy vào buồng thay quần áo. Nhân lúc ấy tôi liền nói với bà cả mọi chuyện, bà nghe xong tức giận sai thằng Sửu trông coi con Yến phòng tránh nó lại định giở trò gì, giờ không bằng chứng bà cũng chỉ giúp tôi được đến vậy. Khi cậu Bảo mọi người lại xúng xính váy áo ra Đình, tôi đứng cạnh bà cả, dù cho bà giục tôi đi lên cùng cậu Bảo nhưng tôi không đủ can đảm để đứng cạnh. Rõ ràng tôi rất nhớ cậu, rất thương, rất mong, nhưng sao lúc này nhìn cậu chỉ thấy xa lạ, giống như… cậu ở một nơi rất cao, dù có đứng trước mặt tôi cũng không với nổi. Tôi nén thở dài nhìn bóng lưng cậu phía sau chỉ ước có thể ôm chặt mà khóc thật to. Khi ra đến Đình, cậu kéo tôi ngồi xuống bên cạnh, cả ngày hôm nay gặp nhau, đây là cái đụng chạm đầu tiên. Tôi nhìn những mâm thức ăn trước mặt mà lại không nuốt nổi. Cảm giác này tôi chưa từng gặp, thức ăn cũng không đủ hấp dẫn với tôi. Tôi lén nhìn cậu Bảo, hình như cậu vui lắm, cậu cũng không hề biết cõi lòng tôi đang tê tái. Trước kia, sau những ngày cậu đi, đêm nào tôi cũng đã nghĩ cậu sẽ đỗ. Chỉ là không nghĩ đỗ rồi gặp nhau lại đau lòng đến vậy. Tôi suy cho cùng cũng chỉ là con một thầy đồ, dù có thế nào cũng không xứng bằng cô Giang quan Tam Phẩm. Chẳng phải trước kia bà cả cũng thích cô ấy lắm sao, tôi tủi lắm, tủi đến ứa tim ứa gan.
Cậu Bảo ngồi đó, hết người nọ đến người kia nâng ly chúc mừng. Tôi không ai hỏi đến, ngồi bên cạnh, đến một ánh mắt cậu cũng không thèm liếc tôi. Bữa tiệc rượu diễn ra tới tận tối, trăng lúc này cũng đã lên. Ăn xong tôi liền bước ra ngoài cổng Đình, đột nhiên thấy có tiếng cậu Thành cất lên:
– Sao lại không ăn nữa
– Tôi no rồi. Cậu thì sao?
– Tôi cũng no rồi.
Cậu Thành nói xong khẽ thở dài, tôi cũng hơi ngượng ngùng hỏi:
– Cậu ra đây thế này không sợ…
– Không sợ bị hiểu nhầm chứ gì? Thực ra, nếu tôi càng trốn tránh người ta càng nghi ngờ. Mình cứ đường hoàng sợ gì ai.
– Ừ cũng đúng nhỉ?
– Tâm trạng cô không tốt sao?
Tôi nhìn cậu, lắc đầu, cậu cũng không nói gì nữa đi vào trong. Tôi đứng ngoài đó một lúc rất lâu rồi mới quay lại, đến khi vừa vào chợt thấy cậu Thành đứng trên bậc thềm nhìn tôi. Tôi khẽ cúi mặt, định vào chỗ cậu Bảo thì mọi người cũng bắt đầu ra về. Khi còn chưa kịp vào tìm bà cả thì đã có ai đó kéo tôi tiến về phía trước, mãi một lúc sau định thần lại mới biết là cậu Bảo. Bàn tay cậu không còn ấm như trước kia, chỉ thấy lạnh lẽo xa lạ. Thế nhưng tôi cũng không còn đủ sức lực mà rút tay ra, chỉ để mặc cậu nắm chặt rồi dẫn tôi về nhà. Hình như cậu uống nhiều rượu lắm, hơi men lâu lâu lại thoảng qua gió xộc vào mũi tôi. Khi về đến nhà, cậu mới buông tay tôi. Tôi lấy cớ mệt nên vào buồng nằm, cậu thì bị đám gia nô giữ lại hát hò ở sân. Tôi nhìn cậu, khẽ khép cửa buồng rồi lậu ngọn đèn dầu lên, lúc này mới thấy bóng mình trên vách tường sao mà cô đơn đến vậy. Tôi mở tủ lấy bức thư của cậu Bảo viết cho tôi đọc lại, chẳng biết đã đọc đi đọc lại những dòng chữ ấy bao nhiêu lâu chỉ biết thuộc lòng rồi thì bức thư cũng ướt đẫm. Tôi tự cho rằng mình mạnh mẽ lắm, mình nhất định sẽ không khóc, thế nhưng sao lúc này càng cố quệt, nước mắt càng chảy dài. Từng giọt nước mắt nóng hổi chảy xuống cả miệng mắn đắng. Tôi biết mình không thể trách cậu, chỉ trách rằng tôi yêu cậu quá nhiều, đặt niềm tin quá nhiều, tự ảo tưởng tự cho rằng cuộc hôn nhân này chỉ có tôi và cậu. Thế nhưng… tôi nhầm mất rồi. Cậu đỗ đạt trở về lại có thêm một người phụ nữ khác, người phụ nữ xứng đáng với cậu chứ không tầm thường như tôi. Tôi khẽ lấy bút, mài chút mực, có lẽ… có lẽ… tôi không nên ở cạnh cậu nữa rồi. Dù cho… dù cho tôi được đường hoàng cưới về, nhưng tôi không muốn tranh giành cậu với người khác. Khi viết được một dòng, nước mắt lại rớt xuống, mực cũng nhoè cả đi, tôi không còn kìm được nữa, bật khóc tức tưởi thành tiếng. Đột nhiên cánh cửa buồng khẽ mở ra, tôi liền vo vội tờ giấy ném vào gầm giường rồi nằm xuống quay mặt vào trong tường. Có tiếng cậu Bảo khẽ cất lên:
– Dung! Em còn thức không?
Tôi không đáp, nhưng nghe cậu gọi tim lại nhói lên đau đớn. Cậu ngồi xuống giường im lặng rất lâu. Đột nhiên tôi nhìn thấy bờ vai cậu bị ánh đèn chiếu lên vách tường khẽ run run. Một lúc sau cậu mới cởi giày nằm xuống bàn tay chạm vào người tôi rồi nói:
– Tôi biết em đang khóc. Nhưng em đừng khóc một mình được không?
Khi nghe cậu nói đến đây, tôi phải cắn chặt môi để ngăn tiếng nấc đang nghẹn ngào. Đột nhiên cậu mạnh bạo kéo tôi xoay lại, một giọt nước từ trên gương mặt cậu khẽ rớt lên môi tôi… cũng mặn chát. Tôi không thể nào kìm được nữa, không còn cần sĩ diện, không còn cần mặt mũi, bấu chặt lên vai cậu khóc thành tiếng. Cậu khẽ lướt đôi môi lên môi tôi, dưới ánh đèn, tôi thấy trên gò má cậu cũng đong đầy những giọt lệ. Sao cậu lại khóc, sao cậu cũng khóc cơ chứ? Tôi đưa tay, chạm lên gò má thân quen nấc lên, đây là lần đầu tiên tôi thấy cậu khóc.
– Cậu đừng khóc nữa… tôi… tôi xin lỗi… Tôi sẽ đi, tôi sẽ không làm phiền cậu nữa.
Cậu không đáp, ấn chặt môi lên môi tôi khiến tôi không thể nói thêm được gì nữa. Một lúc lâu sau cậu mới khẽ buông ra rồi nói:
– Tôi xin lỗi em. Xin lỗi em rất nhiều.
– Cậu không cần xin lỗi tôi đâu, lệnh vua ban rồi. Cậu cứ lấy cô Giang đi, chỉ là cậu có thể nói với mọi người tôi vẫn còn trinh trắng không? Từ hôn tôi nhưng thêm đoạn đó vào nhé, để sau này tôi cũng vẫn còn vớt vát được người khác.
Cậu Bảo hơi dừng lại, nhưng rồi nhanh chóng dựng tôi dậy khẽ nói:
– Em nói linh tinh gì vậy?
– Tôi… thì… thì tôi không muốn đấu đá tranh giành, bu cũng chỉ thích cậu có một vợ… tôi… tôi sẽ đi.
Cậu Bảo đột nhiên bật cười nói:
– Đồ ngốc, lại nghe tin tôi được vua ban cho cô Giang con quan Tam Phẩm chứ gì. Thế xong rồi giận tôi, rồi gọi tôi là quan nữa đúng không? Tôi nói cho em nghe đây này, tôi còn chưa được xơi thịt em mà em đòi tôi từ hôn cho em đi lấy thằng khác á? Em điên à?
– Cậu… cậu nói gì cơ?
– Cơ cái mơ, em biết vì sao tôi về muộn không? Biết vì sao tôi đỗ Thám Hoa mà chỉ được làm quan tri huyện không? Biết vì khúc mắc của tôi với vua là gì không? Biết vì sao đỗ rồi mà chưa được báo về làng không?
– Vì… vì sao?
– Vì tôi từ chối việc ban hôn, tôi đã từ chối lấy cô Giang, tôi cũng tìm đến cô ấy và xin cô ấy cùng hợp tác. Cũng may tôi không lọt vào mắt xanh của cô ấy nên cô ấy cũng không thèm và đồng ý từ chối hôn sự này.
– Cậu… cậu nói gì cơ?
– Nói rồi đó, nói rồi mà không hiểu nữa hả? Thông minh con khỉ gì, toàn thông minh nhanh nhảu chuyện đâu đâu, còn chuyện chồng con thì ngốc nghếch. Ít nhất em cũng phải hỏi tôi một câu chứ… đằng này còn không thèm hỏi gì, tôi vừa đọc bức thứ em ném xuống gầm giường rồi. Cái gì mà em đi, để lại giang sơn này cho tôi và Giang. Ai hiểu nhầm tôi tôi cũng kệ, ai nghĩ tôi được lấy cô Giang tôi cũng không quan tâm, nhưng còn em, chẳng lẽ em không có niềm tin ở tôi sao?
Tôi lúc này còn chưa tin nổi lắp bắp nói:
– Vậy sao cậu xin lỗi tôi?
– Vì… vì để em chịu khổ, vì thương em vất vả, thương em bị người ta hại, vì để em phải chịu thiệt thòi.
– Nhưng mà sao cậu lại dám từ chối hôn sự vua ban cơ chứ?
– Thì thế nên mới bị xuống làm quan tri huyện đây này, nói rồi mà, sao hỏi đi hỏi lại thế. Suýt còn bị vua chém đầu cơ, cũng may có cô Giang hiểu chuyện, em đúng là…
– Ờ tôi không hiểu chuyện, cô Giang hiểu chuyện, sao không lấy cô ấy đi.
– Ờ, thế để tôi lên xin vua ban cô ấy cho tôi lại vậy.
Tôi nhìn cậu, tức nổ đom đóm mắt, nhưng lúc này niềm vui còn lớn hơn. Cậu nhìn tôi, siết chặt tôi vào lòng nói tiếp:
– Sao tôi lại có cô vợ ngốc thế cơ chứ, tôi đã nói tôi chỉ có một người vợ là em rồi kia mà.
– Nhưng…
Tôi mới nói đến đây tự dưng lại bật khóc, kệ người ta nghe thấy hay không, tôi cứ mặc sức khóc, khóc ướt cả chiếc áo gấm của cậu. Cậu cũng để mặc tôi khóc, bàn tay luồn qua mái tóc vuốt từng sợi tóc trên gương mặt tôi. Thế rồi đợi tôi khóc xong cậu mới kể, cậu kể những ngày lên Kinh thành nhớ tôi nhiều thế nào, cậu kể trải qua bốn kỳ thi Hội để vào thi Đình vất vả ra sao, cậu kể nhiều lắm, trên Kinh thành lắm của ngon vật lạ, thế nhưng cậu chẳng ăn nổi món gì chỉ muốn về nhà ăn rau muống với cà cùng tôi. Cậu kể nhiều lắm, kể đến đâu mắt cậu cũng đỏ hoe đến đấy, cũng may cậu chỉ là Thám Hoa, còn có thể từ chối được chứ như Trạng Nguyên thì không từ chối được vì người được ban hôn là công chúa. Nghe cậu kể đến đây tự dưng tôi hơi ảo tưởng, có khi nào cậu vì tôi mà làm bài chỉ để đỗ Thám Hoa không nhở? Tôi đưa tay quệt nước mắt rồi nói:
– Nhưng mà… sáng nay lúc tôi…
– Tôi cái gì mà tôi, em phải xưng em, gọi cậu, hiểu chưa?
– Thì… thì sáng nay lúc cậu về, ngồi trên kiệu, em… em có gọi tên cậu không nghe được à?
– Có
– Vậy sao không thèm liếc em một cái?
– Ngượng!
– Sao mà ngượng?
– Lâu không nhìn thấy vợ, giờ về thấy vợ nên… nên cứ ngượng ngượng. Kiểu như người ta yêu nhau lâu không gặp lúc gặp lại bị xấu hổ đó. Em có thấy mặt tôi đỏ lên không?
– Xì, làm quan mà hèn.
– Em nói ai hèn?
Cậu nói xong đè tôi ra, tôi bật cười hôn lên môi cậu, bất chợt bên ngoài có tiếng gà gáy. Cậu kể chuyện nhiều đến vậy rồi cơ à? Đến cả canh tư rồi sao tôi vẫn chưa buồn ngủ nhỉ? Tôi suиɠ sướиɠ chết đi được nhưng lại thấy thương thương cậu. Lẽ ra cậu có thể làm chức quan cao hơn, vậy mà vì từ chối giờ chỉ làm quan huyện. Tôi… thế mà ông Lý bảo lấy tôi quan lộ cậu rộng mở. Có mà lấy tôi cậu bị hẹp đường quan thì có. Cậu thấy tôi im lặng liền đưa tay chạm lên bầu ngực tôi rồi nói:
– Tôi có một món quà cho em, quà đặc biệt luôn đấy.
Thấy vậy tôi liền bật dậy cười hớn hở:
– Đâu đâu? Mà sợ thiu không cậu?
– Thiu?
– Đúng rồi, cậu trên kinh từ sáng, quà cậu mua để lâu lại nắng thế này sợ thiu mất luôn ý.
Cậu Bảo đột nhiên bấu mạnh vào eo tôi rít lên:
– Em lại nghĩ đến đồ ăn à? Sao đầu em vẫn không thay đổi thế? Tôi không mua đồ ăn đâu.
– Vậy… vậy là gì?
Cậu bật cười, cúi xuống mở nút áo ngực của tôi ra, khẽ lướt nhẹ môi lên đó. Tôi lúc này mới chợt hiểu ra món quà ý nghĩa ấy. Toàn thân tôi run lên, hai tay bấu chặt lên vai cậu. Đột nhiên bên ngoài có tiếng thằng Du gào lên:
– Ông Lý ơi, ông Lý ơi, mợ Dung cậu Bảo ơi.
Cậu Bảo nghe xong khẽ buông tay tôi rồi vội cài nút áo mở cửa buồng rồi nói:
– Đêm hôm rồi mày sang đây làm gì?
– Dạ, bẩm cậu… à bẩm quan đã bắt được hai tên kia rồi, bọn hắn đã khai kẻ chủ mưu rồi.
Tôi nghe xong liền lật đật chạy ra, giờ cũng đã sang ngày hôm sau, chỉ là trời vẫn tối quá, đám gia nô hôm qua uống nhiều còn ngủ vật vờ ngoài sân. Thằng Du với mấy tên lính đưa hai gã đàn ông vào, bà cả đang ở buồng cũng chạy ra, hai tên kia nhìn thấy cậu Bảo liền quỳ rụp xuống. Thằng Du cất giọng oang oang:
– Chúng nó khai người sai chúng nó là cô Yến, cháu ruột bà hai.
Bà cả nhìn chúng nó gào lên:
– Chúng mày…. Chúng mày! Vì mấy đồng tiền mà… bay đâu, xuống dinh lôi con Yến lên đây cho bà
Thằng Thìn, thằng Tỵ vội chạy ra sân giếng sửa mặt rồi chạy xuống thế nhưng sau một hồi chúng nó lên khẽ nói:
– Bẩm bà… cô Yến không có dưới này.
Con Yến không có dưới dinh? Chẳng lẽ nó bỏ trốn sao? Thằng Sửu được bà cả giục trông coi nó giờ còn đang ngủ vắt lưỡi. Bà cả tức mình rít lên:
– Đi tìm nó cho bà.
Bà vừa dứt lời đột nhiên cánh cửa thư phòng của ông Lý khẽ mở ra, con Yến mặc chiếc áo mỏng tanh tiến ra ngoài nói:
– Không cần tìm, tôi ở đây.
Tất cả mọi người nhìn nó kinh ngạc, nó vừa bước ra, ông Lý cũng chạy ra lắp bắp nói:
– Tôi… tôi…
Bà cả nhìn theo, bỗng dưng lảo đảo rồi dựa lưng vào cây cột run rẩy không thốt lên lời
|