Đời Trai Bao
|
|
Về quê, vợ đi làm, tôi trở thành người trông trẻ bất đắc dĩ. Thằng con trai tôi giờ đã bắt đầu tập đi, nhưng nào nó có chịu đi từng bước mà cứ hở ra là cắm đầu chạy thục mạng, không biết bao nhiêu lần bươu đầu sứt trán mà nó cũng chẳng chịu chừa. Không mấy khi nó chịu ngồi yên trong lòng tôi, chỉ khi nào bị ngã hoặc đau nó mới chịu chạy lại dựa vào tôi khóc toáng lên, Nhưng cũng chỉ được một lúc là lại đâu vào đấy. Vợ tôi nói nên đưa con đi nhà trẻ để tôi rảnh rỗi đi ra trường dạy cho bố. Chẳng phải dạy cho bố mà thật ra là tôi dạy thay cho vợ chồng cô Hoà. Cả hai vợ chồng cô về hưu cùng một lúc thành ra không có người thay thế. Vậy là tôi đồng ý vì trông con cũng mệt lắm.
Cái lũ quỷ học sinh bây giờ khác thời tôi còn đi học. Chúng bạo dạn hơn, nhiều khi còn kiếm cách chọc ghẹo thày cô trẻ như tôi. Lấy cớ hỏi bài chúng toàn hỏi những từ linh tinh khiến tôi nhiều lúc đỏ mặt. Chúng cũng hay dở trò mời tôi đi uống nước. nhiều đứa còn khen tôi đẹp trai nữa. Vợ chồng cô Hoà nghỉ để lại nhiều lớp quá thành ra tôi phải đi dạy liên tục. Công việc giảng dạy ai cũng nghĩ rằng nhàn hạ nhưng thực tế không nhàn chút nào nhất là những môn sinh ngữ như tôi đang dạy. Ngày nào cũng phải nghêu ngao cùng lũ quỹ học trò. Có những khi về đến nhà tôi cảm thấy còn mệt hơn cả người đi lao động chân tay. Mẹ tôi dưới quê xếp lại công việc lên ở cùng vợ chồng tôi. Con trai tôi vẫn đi nhà trẻ, chí có khác là chiều mẹ tôi đón cháu về nên vợ chồng tôi không phải trong tình trạng sấp ngửa như trước nữa. Mà mẹ tôi cũng tài thật, không hiểu mẹ sắp xếp kiểu gì mà tất tần tật mọi công việc từ nấu nướng, giặt giũ cùng thằng nhóc nhà tôi mà lúc nào cũng gọn gàng. Lúc trước tôi và vợ tôi loay hoay mãi mà cũng chẳng đâu vào đâu. Vợ tôi không lười đâu nhưng cu cậu nhóc nhà tôi hay phá đám nên có những khi quần áo giặt xong, đang là cũng bị nó dội nước vào, hoặc có thể lôi quần áo đi khắp nhà, lại phải giặt lại. Bữa cơm nào vợ chồng tôi cũng phải chứng kiến cảnh chiến trường diễn ra. Khắp cả nhà vương vãi đủ thứ. Không hiểu bằng cách nào mà mẹ tôi lại điều khiển được ông cháu yêu quý. Nó ngoan hẳn và cũng chẳng có điều kiện phá phách nhiều. Cu cậu cứ quấn lấy bà nội suốt ngày, tôi cũng chẳng chịu ngủ với tôi hoặc với mẹ nữa. Vợ chồng tôi bỗng dưng thành vợ chồng son. Nhờ có dạo mẹ lên ở cùng vợ chồng tôi mà Loan biết nấu thêm nhiều món. Ngày trước, là con một nên Loan cũng chẳng giỏi dang trong việc nấu nướng. Có điều hay là tôi ăn uống thế nào cũng được nên chẳng bao giờ kêu ca chuyện gì về ăn uống cả. Mẹ bảo chúng tôi ra trường mời bố về ăn cả cho vui. Bố cũng bận nên việc nấu nướng cũng chẳng đều đặn. Thằng Lân nhà tôi đi đã đi học trung cấp nên giờ bố có một mình. Mà có thằng Lân cũng chỉ tội bận thêm cho bố chứ nó nấu nướng cũng đâu có hơn gì tôi. Tôi nói mãi rồi bố cũng đồng ý. Bố tôi quý con trai tôi lắm. Rảnh là bố chạy về cùng chơi với con tôi. Vợ chồng tôi may mắn được một cậu con trai không biết lạ. Ai nó cũng làm quen được. Có cả ông và bà nên cu cậu khoái lắm. Nó đã học nói nên hay nói lắm. Những tiếng ngọng nghịu của con tôi chỉ có bà và ông nội mới dịch được. Tôi hoàn toàn rảnh chân tay. Hết giờ tôi cũng đi đá bóng cùng lũ học sinh hoặc các anh trong mấy cơ quan cạnh trường. Tôi muốn nhân tiện lúc đang rảnh và lại có ông bà nội đẻ thêm để dựa dẫm vào ông bà nhưng hoàn cảnh lúc ấy không cho phép. Hồ sơ của gia đình đã chuyển lên đại sứ quán nên chúng tôi không muốn gặp bất cứ phiền phức gì về mặt giấy tờ. Thêm một người nữa là quá trình xét hồ sơ lại chậm lại. Loan trông ngõng từng ngày được qua với bố đẻ. Mẹ tôi từ khi có bố cũng rảnh rang đôi chút. Thính thoảng bố lại trông thằng cu cho mẹ tôi chạy qua về quê.
Lần phỏng vấn cũng đã đến, vợ chồng tôi lại bồng bế con vào Sài Gòn để phỏng vấn. Ngày đó chưa có đại sứ quán ở Hà Nội nên giấy tờ đều chuyển qua Thái Lan làm sau đó mới chuyển ngược về Việt Nam. Phỏng vấn xong, vợ chồng tôi biết đã đậu Visa nhưng vẫn phải ở Sài Gòn chơi chờ Visa để mua vé qua bên Mỹ. Lần đó d ngắn ngày nên chúng tôi không về quê nội nữa và chỉ loanh quanh chơi với mấy nhà bà con ở trên Sài Gòn.
|
Nhận Visa xong tôi lâm vào tâm trạng thật khó tả. Đúng tâm trạng tôi không muốn đi chút nào vì nếu đi tôi sẽ phải bỏ lại sau lưng tất cả những người bạn thân thiết nhất mà tôi đã dành biết bao nhiêu thời gian mới gột dựng được. Ra đi đồng nghĩa với việc tôi sẽ phải bắt đầu lại từ đầu ở một phương trời xa lạ. Tôi chưa biết sẽ bắt đầu một cuộc đời mới như thế nào cả. Tôi chỉ biết rằng mình sẽ bỏ lại sau lưng tất cả những gì đã thành thân thương với tôi. Đổi lại một ông bố vợ ở nơi phương trời xa lạ, tôi phải để lại sau lưng tôi hai bố, hai mẹ, những người tôi yêu quý nhất đời. Đã bao nhiêu lần tôi vấp ngã, cha mẹ tôi nâng tôi dậy, tiếp sức cho tôi những bước chập chững vào đời. Tôi sẽ bỏ lại Bính thân yêu của tôi với tất cả những gì em đã hy sinh cho tôi. Tôi sẽ bỏ lại Tiến với sự cô đơn chống chếnh trong lòng anh mà tôi biết là sẽ chẳng có gì có thể lấp đầy được. Anh đã làm cho vợ chồng tôi quá nhiều mà đáp lại chúng tôi chưa có một lần đáp trả cho anh. Ra đi tôi sẽ bỏ lại đứa bạn thân thiết nhất với tôi từ khi chập chững bước vào giảng đường Đại học, là người đã từng chứng kiến những buồn vui cuộc đời tôi. Sau những tháng ngày quây quần đoàn tụ nay chưa biết được tin tức nó trôi về đâu. Ra đi tôi sẽ bỏ lại anh Kinh với những lông bông chưa chịu ngơi nghỉ. Anh là người đầu tiên dắt tôi vào đời, tôi đã thành thân, có con cái nhưng anh vẫn ham chơi đây đó chưa chịu neo lại nơi đâu. Ra đi tôi sẽ để lại sau lưng tôi người chị mà tôi vừa cảm phục vừa nể trọng. Chị đã hy sinh để nuôi con tôi khôn lớn. Ra đi, tôi sẽ bỏ lại đứa con chưa dám nhận. Ra đi tôi còn bỏ lại sau lưng biết bao nhiêu người mà tôi từng yêu mến. Đổi lại tôi sẽ có một ông bố vợ bằng xương bằng thịt chẳng mấy gì gắn bỏ với tôi từ trước. Nghĩ đến những người mình bỏ lại sau lưng, tôi hiểu được sự nôn nóng của vợ muốn gặp bố ra sao. Tôi có bao nhiêu người xung quanh mà nhiều lúc vẫn cảm thấy cô đơn, còn Loan người thân duy nhất còn lại chính là người bố mà Loan sắp được đoàn tụ. Tôi xác định ra đi vì vợ con. Tôi muốn bù đắp cho Loan những gì Loan đang cần. Tôi cũng muốn cho con tôi có một môi trường để phát triển.
Ngày vợ chồng, con cái ra phi trường là một ngày mưa tầm tã. Bầu trời xám ngoét, những cơn mưa cứ sình sịch rơi tưởng chừng như không ngớt. Vợ chồng tôi cùng con đi chỉ có ba người nhưng người đưa tiễn nhiều gấp bốn lần. Một chuyến xe Ba Đình mới chở hết gia đình tôi lên sân bay. Hình như trời mưa khiến cho không khí như nặng hơn, thằng con tôi cứ quấy khóc quầy quậy. Nó không chịu theo ai mà cứ bám chặt vào tôi. Vừa dỗ con vừa cảm thấy nước mắt như muốn trào tuôn. Hai ông nội và hai bà nội cũng không giúp gì cho tôi được. Bính thường ngày hoạt bát bao nhiêu thì bữa ấy như người mất hồn. Anh Tiến ngồi nhìn ra ngoài trời lặng im không nói. Có những lúc bố tôi cố pha trò cho mọi người cười để quên đi nỗi buồn biệt ly nhưng cũng chẳng được bao lâu. Ai nấy đều thấy lòng nặng trĩu những tâm sự. Anh cả tôi ngồi trầm ngâm nhìn qua kính xe.
Tới sân bay, làm thủ tục xong tôi mới biết rằng chuyến bay của chúng tôi sẽ bị trễ lại hơn hai tiếng. Không vội vàng, mọi người kéo nhau đi loanh quanh trong sân bay cố tìm chút gì để ăn nhưng thời đó sân bay Nội Bài còn đơn sơ lắm, chưa rộng rãi như bây giờ, sau này đi nhiều nơi tôi có thể so sánh Nội Bài của những ngày ấy chẳng khác gì những sân bay heo hút ở những nước phát triển. Chẳng có gì để ăn, cuối cùng anh lái xe chiều chúng tôi chạy tuốt ra thị trấn Đông Anh mới tìm được hàng quán để ăn uống. Nói là đi ăn chứ ai còn có tâm trạng gì để ăn uống đâu. Chúng tôi chỉ là cố kéo dài thêm những thời khắc ngắn ngủi bên nhau mà thôi.
Trở về sân bay sớm hơn một tiếng trước giờ bay, cả nhà ngồi bên nhau lặng lẽ chẳng ai nói được gì. Loan ôm mẹ tôi khóc suốt. Tiếng là Loan về làm dâu nhà tôi nhưng mẹ tôi coi Loan chẳng khác gì con gái. Trao con cho vợ, tôi rũ Bính và Tiến cùng ra ngoài hút thuốc. Những điếu thuốc đắng nghét chẳng xua đi được nỗi buồn. Cả Bính và Tiến đều dặn đi dặn lại tôi qua tới nơi gửi thư về luôn để mọi người biết tin.
Ngồi mãi cũng chán, cuối cùng bố lên tiếng nhắc vợ chồng tôi làm thủ tục xuất cảnh vào bên trong để chờ chuyến bay. Chẳng biết làm gì hơn, vợ chồng tôi ôm tạm biệt rồi cũng làm thủ tục xuất cảnh đi vào phòng chờ đợi thời gian lên máy bay. Loan cứ ngoái đầu nhìn mãi những người thân dần khuất sau những bức tường của nhà ga hàng không. Tôi chỉ muốn quay trở lại phái ngoài sân bay và lên xe cùng mọi người đi về quê.
|
Con chim sắt khổng lồ cất cánh mang theo bao tâm trạng buồn vui của các thành viên trong gia đình tôi. Tâm trạng tôi chợt chùng xuống sau cái rùng mình cất cánh của nó. Một ý nghĩ chợt thoáng qua đầu tôi: vậy là từ đây tôi đã trở thành một kẻ tha hương. Sợi dây nối giữa tôi và các thành viên đã bắt đầu lỏng lẻo dần vì khoảng cách địa lý. Ngày đó các phương tiện truyền thông không phong phú như bây giờ nên chẳng có gì thuận tiện. Sự lỏng lẻo về liên lạc là điều chắc chắn sẽ xảy ra cho những người sống xa nhau. Xét ngay như trong gia đình tôi: anh hai tôi cùng vợ con chuyển lên Lạng Sơn sống, lúc đầu liên lạc còn thường xuyên nhưng càng về sau càng lỏng lẻo dần ra. Sự trống vắng của chị dâu tôi cùng các cháu trong gia đình lúc đầu là một khoảng thật lớn nhưng dần dần mọi người cũng quên dần đi khoảng cách ấy. Nhưng anh chị tôi cho dẫu có ở xa nhưng khi muốn họ có thể về thăm gia đình mà không có những trở ngại như tôi. Chỉ bốn giờ bay lơ lửng trên trời trước khi máy bay hạ cánh xuống phi trường Narita của Nhật Bản đã làm cho tôi thấy cái khoảng cách giữa tôi và gia đình trở nên diệu vợi. Chuyến bay ngắn ngủi ấy chỉ là sự bắt đầu cho một hành trình dài dằng dặc phía trước. Trên quãng đường bay ngắn ngủi ấy, tôi không hề động đến đồ ăn mà các tiếp viên mang đến bày trước mặt.
Đến Nhật Bản và năm giờ sáng, nhìn trên thẻ lên máy bay tôi ngán ngẩm nhận ra rằng còn những 12 giờ nữa mới đến chuyến bay nối tiếp của tôi đi Mỹ. Khó khăn đầu tiên mà gia đình tôi phải đối diện đó là ngôn ngữ. Đành rằng trong khu vực sân bay quốc tế họ sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính trong giao tiếp nhưng mỗi nước sẽ có một kiểu tiếng Anh khác nhau. Tôi gần như mù tịt khi nghe người Nhật nói tiếng Anh. Tôi trở nên nghi ngờ khả năng tiếng Anh của chính mình. Loanh quanh trong khu vực những cửa hàng miễn thuế của sân bay tôi thấy có rất nhiều thứ mà khi ở Việt Nam muốn có không phải là dễ thì ở sân bay của Nhật những mặt hàng đó bày bán ê hề. Cách giao tiếp của tôi với những người bán hàng ở đó là thông qua cái máy tính cá nhân. Mỗi khi tôi hỏi giá hoặc chẳng cần phải hỏi thì những người bán hàng cũng chìa cái máy tính trên đó có những con số ra và từ duy nhất họ phát ra mà tôi nghe rõ nhất đó là từ dollar. Tôi hiểu đó là họ nói về giá của mặt hàng tôi đang cầm trên tay. Tôi mua cho mình vài thứ thiết yếu cho mình và gia đình. Loanh quanh luẩn quẩn trong sân bay cả ngày trời mà thật khó khăn để đi tìm một nơi có thể có một bữa ăn cho gia đình. Bụng tôi rỗng tuếch cùng với cái đầu cũng rỗng tuếch, tôi cố gắng dắt vợ con lang thang quanh sân bay để giết thời gian. Khoảng thời gian chờ đợi bao giờ cũng dường như kéo dài vô tận. Những háo hức ban đầu của Loan về chuyến đi dường như đã bắt đầu vơi dần. Giữa vợ chồng tôi là những khoảng im lặng và những tiếng thở dài thườn thượt. Tôi muốn động viên Loan nhiều lắm nhưng chẳng biết phải mở lời như thế nào nữa vì chính tôi cũng đang đắm chìm trong nhớ nhung. Nỗi nhớ ấy cất sâu trong lòng thì nó chỉ là những nỗi buồn dai dẳng chứ nếu thốt ra thành lời tôi chắc chắn nó sẽ vỡ oà ra thành tiếng khóc. Vác đứa con trên vai, tôi dẫn Loan đi quanh sân bay với những bước chân vô định.
Cuối cùng cái khoảng không im lặng cũng bị phá vỡ bởi tiếng khóc của Loan. Hai bên vai tôi, một bên là đứa con đang ngủ thiêm thiếp, một bên là Loan. Loan gục đầu vào vai tôi, những dòng nước mắt chan hoà khiến tôi thấy bờ vai tôi như ướt đẫm.
- Anh, em thấy nhớ nhà quá. Em ước gì mình đừng quyết định ra đi. Bao giờ em mới được về thăm lại gia đình. Em xin lỗi anh, em đã quá ích kỷ khi nghĩ đến chuyện ra đi để mong gia đình đoàn tụ. Em đã khiến anh và con phải lang thang. - Không sao đâu em. Dù sao chúng ta cũng đã quyết định rồi. Em ráng nghỉ ngơi đi, chỉ một thời gian ngắn nữa em sẽ gặp bố. Anh và con không trách gì em đâu.
Tôi nói với Loan trong nước mắt. Động viên nhau cho có lệ chứ thực ra lúc đó cõi lòng tôi đã tan nát từ lâu. Nhìn con ngủ thiêm thiếp trên vai tôi chạnh lòng nghĩ thương cho tương lai mờ mịt của thằng bé. Trẻ con vốn nhạy cảm với những thay đổi của môi trường. Mới chỉ quãng đường ngắn thôi, khi máy bay đạt độ cao con tôi đã khóc rất nhiều. Nó cứ chuồi lên, ngụp xuống từng hồi. Sự mất cân bằng của trẻ nhỏ luôn khiến chúng cảm thấy sợ sệt. Tôi đọc được ở đâu đó nói rằng sự cân bằng ở não bộ của trẻ con rất nhạy cảm, những thay đổi về độ cao và áp thấp khiến chúng rất dễ bị say. Việc đó ở người lớn, bộ não phát triển hoàn thiện hơn nên có thể tự điều chỉnh được. Con tôi đã quá mệt mỏi cho một chuyến đi ngắn. Nó không hề đùa giỡn, phá phách như khi còn ở nhà nữa. Nó cứ nằm thiêm thiếp trên vai tôi ngủ những giấc ngủ không tròn đầy bới những cái giật mình. Khi còn ở nhà, nhiều lúc trông con tôi cảm thấy mệt mỏi vì sự nô đùa, phá phách của nó và vẫn thầm ước nó nghịch ít đi để tôi đỡ mệt. Nhưng ở đây, sau chặng bay đầu tiên, con tôi đã mệt. Tôi mong muốn nó có thể nghịch ngợm như khi ở nhà, nó cứ chạy tung tăng để rồi và đầu vào đâu đó, khóc toáng lên.
Chẳng nghe được thông báo từ những tiếng loa trong sân bay nhưng tôi vẫn có thể đọc được những thông tin trên thẻ lên máy bay của chúng tôi về giờ bay và cổng ra máy bay. Đến khoảng bốn giờ vợ chồng tôi lại lếch thếch cùng nhau đưa con ra cổng máy bay đi Mỹ. Cả một ngày lang thang khắp sân bay khiến tôi như kiệt quệ. Đọc những tấm bảng thông báo là cách duy nhất tôi hiểu được điều cần làm lúc bấy giờ còn chuyện cái loa thông báo vẫn cứ lải nhải tại sân bay tôi bỏ ngoài tai.
Cuối cùng chúng tôi cũng lên được cái máy bay sẽ đưa chúng tôi qua Mỹ. Đó là chuyến bay của hãng hàng không United Airline. Đó là một chuyến bay tồi tệ theo như ý hiểu của tôi. Những con mẹ tiếp viên béo ục ịch, sự di chuyển của họ chiếm nhiều không gian hơn gấp hai lần những người châu Á nhỏ bé. Thức ăn phục vụ trên chuyến bay tồi tới mức mặt dù đói nhưng tôi cũng chẳng thể nuốt được nhiều. Con tôi vẫn trồi lên ngụp xuống mỗi khi máy bay rơi vào khoảng áp thấp loãng của không khí. Con tôi luôn nằm trên vai tôi. Tôi cứ lông nhông đưa con đi dọc chiều dài máy bay rồi trở lại. Hành khách và tiếp viên tỏ ra thông cảm với tôi. Họ cũng chẳng lấy làm phiền lòng mỗi khi nghe con tôi khóc. Có rất nhiều hành khách chìa tay muốn bế con, đỡ cho tôi nhưng thằng bé nhất định không theo ai. Ở nhà nó chưa bao giờ biết lạ với ai thế mà trên chuyến bay này ai nó cũng sợ. Hình như sự chống chếnh trong đầu khiến con tôi nhìn tất cả mọi người thành những gã khổng lồ muốn ăn thịt trẻ con. Có những lúc máy bay chao đảo, tôi xiêu vẹo bế con vừa đi vừa bãm vào những thành ghế.
Cái hành trình tưởng như bất tận ấy cuối cùng cũng kết thúc sau 13 giờ bay liên tục. Bước xuống từng bậc thang máy bay, tôi cảm thấy như rã rời. Làm thủ tục hải quan xong, gia đình tôi chuyển sang ga nội địa để chờ chuyển bay nối tuyến tiếp theo. Lại những giờ mệt mỏi chờ đợi trong sân bay. Nơi chúng tôi đặt chân đầu tiên đến Mỹ là sân bay Chicago của tiểu bang Illinois. Từ đó còn một chuyến máy bay đi Iowa nữa mới là điểm đến của gia đình tôi. Một điều tốt đẹp hơn khi chúng tôi còn ở sân bay của Nhật đó là cái thứ tiếng Anh của Mỹ đã giúp tôi nghe được bập bõm. Vậy hoá ra cái khả năng tiếng Anh của chính mình tôi đã nghi ngờ khi còn ở Nhật Bản chính là tiếng Anh ở Nhật Bản là tiếng Anh khác còn ở đây tôi đã nghe được ít nhiều và có thể giao tiếp được với vài người hành khách bản địa.
Chuyến bay nội địa từ Chicago về Iowa là một chuyến bay lạ lùng nhất mà tôi gặp. Cho đến sau này khi đã bay rất nhiều tôi cũng chẳng thấy chuyến bay nào kỳ cục như chuyến bay về Iowa. Cái máy bay ấy nhỏ như một chiếc xe đò. Nó chỉ có hai hàng ghế, mỗi hàng có hai ghế duy nhất. Như vậy mỗi dãy ghế chỉ có bốn chỗ ngồi. Chuyến bay ngắn nên chẳng phục vụ cái gì ngoài một chai nước nhỏ xíu. Chuyến bay ấy cũng chẳng có số ghế hay gì, người ta gọi nó là standby. Theo thứ tự mọi hành khách lên máy bay cho đến lúc máy bay hết chỗ, số còn lại sẽ đợi chuyến bay tiếp theo. Có một sự cố nho nhỏ đó là khi lên máy bay, khi đến lượt tôi lên thì hết chỗ. Như vậy Loan sẽ phải bay một mình. Lo lắng, tôi dùng hết khả năng sinh ngữ của mình ra để trình bày với nhân viên chuyến bay rằng đây là lần đầu tiên chúng tôi đến Mỹ, mọi thứ còn bỡ ngỡ, tôi không thể bay tách vợ tôi được. Dùng hết giấy tờ ra trình bày cuối cùng nhân viên cũng hiểu và chấp thuận cho chúng tôi bay cùng. Một hành khách được gọi ra khỏi máy bay và tôi là người bay vào chỗ đó.
Chuyến bay ấy ngắn lắm, nó chỉ khoảng gần một giờ đồng hồ. Chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Iowa vào lúc trời chạng vạng tôi.
|
Xuống khỏi máy bay thì màn đêm đã buông kín khắp nơi. Vợ chồng chúng tôi nhận hành lý và đi ra. Iowa là tiểu bang nằm ở phần Trung Tây Hoa Kỳ. Thời tiết vào ban đêm nhiệt độ xuống thấp nên mang lại cái se lạnh cho con người. Thời gian vợ chồng tôi đến đó chưa vào mùa lạnh, mới là tiết thu, tuy nhiên vì đến từ vùng khí hậu nhiệt đới quanh năm nắng nóng nên chúng tôi cũng cảm thấy lạnh. Sân bay Iowa cũng lèo tèo những hành khách đi máy bay, nó khác hẳn với cái ồn ào, tập nập ở sân bay Chicago, IL. Hành khách ít nên chỉ một lúc sau khu vực hành khách đến đã vắng hoe không còn bóng người. Vợ chồng tôi với đống hành lý đứng trước cửa nhà ga chờ người đón. Một chiếc xe chạy trờ tới, đậu xịch ngay chỗ vợ chồng tôi. Một người đàn ông nhỏ thó bước xuống xe, đi vòng qua chỗ vợ chồng tôi. Nếu người đó không lên tiếng chắc chắn vợ chồng tôi không nhận ra đó là bố. Loan chạy lại ôm chầm lấy bố và oà lên khóc. Bố đỡ Loan và chìa một tay ra bắt tay tôi:
- Cháo mừng các con đến với Hoa Kỳ. Bố xin lỗi là đã ra muộn để các con phải chờ lâu. - Dạ chúng con cũng mới xuống sân bay, cũng chưa lâu đâu bố. - Con là Lâm đúng không? Kể từ ngày các con cưới nhau, hôm nay bố mới được gặp con. Cảm ơn con đã chăm sóc cho Loan. - Không có gì đâu bố.
Xếp hành lý lên xe, bố đưa chúng tôi chạy những bước đầu tiên trên đất Mỹ. Từ sân bay về thành phố là khoảng cách khá xa. Ven đường không thấy có nhà cửa gì cả. Bố nói dân cư của tiểu bang Iowa ít nên còn rất nhiều vùng đất trống. Xe chạy chừng hơn nửa tiếng đồng hồ mới tới nhà. Tôi không tin rằng mình đang ở trên đất Mỹ. Nhìn xung quanh dân cư thưa thớt. Những ngôi nhà chìm trong màn đêm khiến tôi có cảm giác mình đang ở vùng nông thôn nào đó chứ không nghĩ rằng đó lại là một phần của thành phố Iowa, thành phố lớn nhất tiểu mang và nó mang tên của tiểu bang luôn. Một căn nhà cũng không mấy gì bề thế là nơi gia đình bố tôi đang sống. Xách hành lý vào nhà, tôi đưa mắt quan sát xung quanh. Cái phòng khách cũng nhỏ có một bộ sofa kê ngay chính giữa. Góc phòng có một chiếc TV lớn đang tắt im ỉm.
Một người đàn bà từ phía sau đi ra. Gặp chúng tôi, bà lên tiếng:
- Đây là Loan và Lâm phải không mình? - Dạ chúng con đây ạ. - Đây là cô Linh, mẹ kế của các con. Cứ coi cô như mẹ ở nhà.
Thì ra bố tôi đã tục huyền chẳng biết là trước hay sau khi mẹ vợ tôi mất nữa.
- Chúng con chào dì ạ.
Người đàn bà xoay người đi vào trong nhà:
- Để dì đi dọn cơm cho mấy đứa ăn. Chắc giờ cũng đói rồi phải không? Mấy đứa ăn cơm đi, nhà ăn cơm rồi.
Bố ngồi cùng với chúng tôi. Người đàn bà là dì chúng tôi xin phép đi ngủ để ngày hôm sau còn đi làm. Mới có mấy năm mà trông bố già hẳn đi. Khuôn mặt ông nổi rõ những vùng trũng trên khuôn mặt đầy xương. Bố ngồi hỏi thăm tình hình gia đình. Chúng tôi nói với bố rằng mọi người ở quê vẫn khoẻ. Căn nhà do lúc đi vội quá nên chưa kịp bán vẫn còn để lại nhờ người trông coi. Bố nói rằng cứ bình tĩnh nghỉ ngơi, thời gian sau sẽ ổn định. Cơm xong bố đưa vợ chồng tôi về phòng ngủ. Căn phòng cũng vừa vừa, không lớn lắm. Tôi và Loan đi rửa mặt rồi cũng xin phép bố đi ngủ.
- Vậy là bố lấy người khác mà không cho gia đình biết anh ạ. - Thì cũng thông cảm với bố. Thời gian xa cách, bố cũng cần có người để tâm sự chứ em. - Anh chưa gì đã bênh bố vợ rồi. - Anh không bênh nhưng người đàn ông sống một mình khó lắm em. - Nhưng nếu mẹ không mất thì giờ bố sẽ xử trí ra sao? Hay là bố đưa mẹ sang đây để chứng kiến cảnh bố có người khác à? - Thôi em, ngủ đi cho con ngủ. Chuyện gì xảy ra cũng xảy ra rồi. Em có trách cứ bố thì cũng có thay đổi được gì đâu.
Con tôi do mệt mỏi suốt chặng đường dài nên đã lăn ra ngủ. Nhìn những nét phờ phạc trên khuôn mặt con tôi thấy thật xót xa. Loan cũng chìm vào giấc ngủ. Chỉ có mình tôi, hình như chưa quen giờ nên vẫn trằn trọc không ngủ được. Đêm ở đây thật yên tĩnh. Chẳng có tiếng côn trùng cũng chẳng thấy tiếng chó sủa vì tôi thấy nơi này cũng giống như một vùng nông thôn. Tôi khe khẽ trở dậy, nhón bước ra ngoài. Tôi biết bên Mỹ người ta không hút thuốc trong nhà nên cố gắng nhẹ nhàng đi ra ngoài để hút thuốc. Ngang qua căn phòng ngay sát bếp ăn, tôi nghe tiếng người vọng ra, rất nhỏ nhưng do đêm yên tĩnh nên tôi cũng nghe khá rõ.
- Ông muốn làm gì thì làm. Vợ chồng chúng nó không ở đây được đâu. May kia thằng Tony và con Cathy về chúng nó lấy đâu phòng ở. Thằng Tim giờ cũng cần có phòng riêng chứ đâu có thể ngủ chung mãi được. - Chúng nó đã về đâu. Cứ để mấy đứa ở tạm đây rồi tính. Thôi bà ngủ đi. Sáng mai tôi phải làm sớm rồi. Có gì từ từ rồi tính. - Ông thì lúc nào cũng từ từ. Chẳng biết bao giờ tôi mới thấy ông nhanh. - Bà ngủ đi.
Thoáng buồn, tôi trở lui gót về phòng, không ra ngoài hút thuốc nữa. Về phòng, tôi nằm chòng chọc suy nghĩ. Tôi biết chắc chắn sóng gió sẽ đến với gia đình nhỏ bé của tôi. Tôi không muốn cho Loan biết chuyện. Đã quá nhiều đau khổ mà Loan đã phải trải qua. Tôi không muốn một lần nữa Loan lại phải chịu đau khổ. Nhưng làm cách nào để không bị phiền hà thì bản thân tôi cũng chưa nghĩ ra. Lăn lóc mãi đến gần sáng tôi mới thiếp đi được.
Lúc tôi dậy đã khoảng 9 giờ sáng. Loan và con đã dậy từ trước. Tôi bước ra ngoài và nhận ra cả nhà đã đi đâu hết. Loan đang bế con ngồi trước cửa. Ban ngày quan sát xung quanh tôi thấy đây là một con phố khá yên tĩnh. Nhà cửa cách nhau một khoảng đất rộng dùng làm chỗ đậu xe. Loáng thoáng những nhà bên cạnh cũng có người đi ra đi vào. Họ nhìn chúng tôi cười thân thiện. Tôi kéo ghế ra ngồi cùng vợ con. Thằng con tôi sau chuyến đi hình như cũng đổi tính nết hay nó còn mệt mà chỉ muốn nằm thiêm thiếp trong lòng tôi. Nó đưa đôi mắt trong veo ngước nhìn tôi và bọ bẹ:
- Bố.. đi nhà trẹ... - Hôm nay chưa đi con ạ. Nghỉ mấy hôm bố đưa con đi.
Nhà trong có tiếng lạch cạch, một thằng bé cỡ 13-14 tuổi bước ra:
- Where's dad and mom? - They go to work.
Nó chỉ nghe như vậy rồi quay vào trong nhà. Nó lục tủ lạnh lấy đồ ăn. Nó ngồi thản nhiên ăn một thứ gì trộn với sữa. Một chiếc xe đỗ xịch ngoài đường, bố tôi từ xe bước ra, mở cổng, bước vào nhà:
- Mấy đứa đã dậy rồi hả? Sao không ngủ thêm chút nữa đi? Tim, nhanh chuẩn bị đi học. Mấy đứa ở nhà chơi bố đưa em đi học chút nữa bố về.
Bố vào nhà giục thằng nhỏ đi học và chở nó đi. Lát sau bố quay về nhà:
- Hai đứa vào thay đồ bố đưa đi ăn sáng.
Quán ăn mà bố đưa chúng tôi đến là một nhà hàng phở Việt Nam.
- Chú Ba nữa nay ăn gì? Ai đây chú Ba? - Con gái và con rể chú mới ở Việt Nam qua. - Chào em! - Chào anh chị. Con trai anh chị đẹp trai quá. - Cảm ơn em.
Từ phía quầy thu ngân, một cô gái bước ra. Thân hình cô cỡ như hai người gộp lại.
- Để đó chị lấy order cho em.
Cố bước đến hỏi chúng tôi ăn gì và bắt đầu làm quen. Cô gọi với vào trong cho mấy người phục vụ biết đồ ăn chuẩn bị cho chúng tôi và kéo một chiếc ghế ngồi xuống cùng bàn.
- Anh chị mới ở Việt Nam qua hả? Qua chơi hay qua định cư đây? - Vợ chồng em mới qua đêm qua. Bọn em qua định cư bên này ạ. - Kêu em bằng em đi, em còn trẻ mà. - Mày có mà trẻ đến lúc già. - Chú Ba chọc con hoài. Con còn trẻ thiệt chứ bộ. - Tao đâu có nói bay già. Tao khen bay trẻ đến già mà.
Mọi người cùng cười. Mới ở Việt Nam quan nên tôi thấy phở bên này quả thực không bằng mấy xe phở dạo ở Việt Nam. Có một điều là menu ở đây họ để nhiều món quá thành ra khó biết món nào ra món nào. Tôi và Loan kêu hai loại kahcs nhau nhưng nhìn chung thì cũng na ná như nhau.
- Anh chị qua đây chú Ba có tính đưa anh chị đi làm ở đâu chưa? - Chưa tính được bay ơi. Mới qua nên chưa biết làm việc gì nữa. - Anh chị phải kiếm việc làm chứ ở bên này mà ở nhà không buồn lắm đó. - Bay có việc gì không giúp chú tìm việc cho mấy đứa nó đi. - Con tối ngày ở quán phở này biết gì đâu chú Ba. Hay là anh có muốn làm tạm ở đây không? Làm đỡ thời gian thôi rồi tìm việc khác. Chị muốn làm luôn cũng được. - Chyện đó để chú Ba tính coi sao đã nghe.
Ăn xong bố chở chúng tôi đi vòng quanh thành phố. Thành phố Iowa là thủ phủ của bang Iowa luôn. Thành phố này có đặc điểm là cư dân chủ yếu là sinh viên. Trường Đại học tổng hợp Iowa nằm ở đây. Trường này lớn lắm nên số lượng sinh viên rất đông. Thành phố đông người vào những dịp năm học còn những kỳ nghỉ thì thành phố vắng hoe. Dân cư của Iowa chủ yếu sống và làm việc ở Des Moines. Sau này có dịp tôi cũng đến đó. Nơi đó dành cho cư dân làm việc, họ chủ yếu làm việc nông nghiệp. Dân châu Á ở Iowa không nhiều, người Việt sống nhiều ở Des Moines, cả thành phố chỉ có một quán ăn Việt duy nhất nơi mà bố đưa chúng tôi đến ăn. Ngoài ra có vài nhà hàng Nhật, nhà hàng Thái, dĩ nhiên nhiều nhất vẫn là những quán ăn Tàu.
Bố đưa chúng tôi đi loanh quanh và đi shopping. Lần đầu tiên tôi thấy siêu thị ở Mỹ. Nó rộng mênh mông. Ngày đó Việt Nam chưa có các hệ thống siêu thị nên quả tình cái mô hình siêu thị như Walmart làm chúng tôi choáng ngợp. Bố mua một ít quần áo cho Loan và tôi cùng một ít cho cháu ngoại. Bố tôi làm nghề giao báo nên bao giờ cũng dậy sớm đi làm. Khoảng ba bốn giờ đã bắt đầu giao báo. Sáng sớm là xong việc, bố về đưa con trai của mẹ kế chúng tôi đi học và chuyển sang làm một job nữa. Do chúng tôi mới sang nên bố đã lấy phép xin nghỉ một job để đưa chúng tôi đi loanh quanh. Bố đưa chúng tôi đến sở an sinh xã hội để xin nhà ở. Chúng tôi là dân nhập cư theo diện bảo lãnh nên không có chế độ nhà ở. Chương trình nhà ở chỉ dành cho những người đi theo diện tỵ nạn. Vậy là chắc chắn chúng tôi phải thuê nhà để ở chứ phúc lợi xã hội là không được hưởng vì bố là người bảo lãnh cũng là người bảo trợ luôn nên chúng tôi bị cắt những chế độ khác. Ngày hôm ấy bố đưa chúng tôi đi ngân hàng để làm thẻ tín dụng cũng như thẻ ATM. Những cái đó hoàn toàn mới với chúng tôi. Bố cũng đưa chúng tôi đến một trường học cộng đồng để đăng ký học tiếng Anh miễn phí.
Con trai tôi và Loan do ảnh hưởng múi giờ nên ban ngày khi đi chơi cứ ngủ gà ngủ gật. Buổi trưa bố bảo đi ăn nhưng chúng tôi không thấy đói nên từ chối. Chiều hôm đó bố đưa chúng tôi đi chợ để mua đồ ăn. Mãi tận Des moines mới có một chợ của người Á, đồ ăn muốn mua bố bảo phải đi tận đó hoặc lên Chicago mới mua được. Bố bảo rồi tới hai đứa cũng phải thi lấy bằng lái xe và mua xe để đi lại chứ bên này mà không có xe chẳng khác gì người cụt chân. Chiều về bố cùng Loan chuẩn bị bữa cơm chiều cho cả gia đình. Tôi bế con đi lòng vòng quanh nhà. Con tôi thỉnh thoảng lại khóc đòi về. Nó chẳng biết là chúng tôi đã đến một xứ khác thì làm sao về nhà như mỗi khi đi đâu nó có thể đòi về được. Bế con loanh quanh bên ngoài tôi nghĩ đến những gì nghe được đêm qua. Tôi biết là chúng tôi sẽ gặp nhiều khó khăn ở nơi ở mới này. Cũng may khi đi bố đưa lại hết cho tôi số tiền bố đã giữ giúp trước kia nên cũng có chút ít tiền lận lưng. Tôi nghĩ đến lời mời của cô chủ quán phở. Tôi không tưởng tượng được rằng một ngày tôi lại nghĩ đến công việc chạy bàn là cứu cánh cho trí thức Việt Nam khi ra nước ngoài sinh sống. Tôi vẫn đủ tỉnh táo để biết rằng khi mình đến một quốc gia khác để sinh sống lẽ dĩ nhiên là phải chịu khổ cực chứ chẳng bao giờ có thể so với người bản xứ được. Nhưng công việc mà tôi nghĩ đến đó là một chân công nhân ở một hãng xưởng hay nhà máy nào đó chứ đâu có nghĩ rằng nghề chạy bàn lại là đích đến của cuộc đời.
Chiều bố đi đón cậu con trai và mẹ kế tôi về. Đó là công việc thường nhật của bố. Bữa cơm hôm ấy nhà có 6 người, ba người chúng tôi và ba người nhà bố. Mẹ kế tôi có vẻ không thích với đồ ăn mà Loan nấu. Ăn xong, trời cũng mới tối nhưng mọi người ai đã về phòng nấy đi ngủ. Chúng tôi nán lại phòng khách xem những kênh TV mà chẳng hiểu được gì cả. Vốn tiếng Anh của tôi chỉ đủ để nghe lõm bõm, chủ yếu là xem hình cho đỡ buồn. Về phòng ngủ Loan có vẻ buồn vì lúc bữa ăn mẹ kế có vẻ không thích đồ ăn do Loan nấu.
- Không sao đâu em. Từ từ sẽ học cách nấu cho phù hợp. Người miền Bắc và người miền Nam khẩu vị khác nhau mà. Em chú ý học cách nấu là được. - Em biết vậy nhưng lần đầu tiên dì ăn và nói ngay không thích làm em tủi thân. - Thôi đừng nghĩ nhiều, chắc dì là người thẳng tính nên nói ngay, chắc dì không để bụng đâu. Vợ chồng mình cố gắng làm tròn bổn phận con cái là được rồi.
|
Có lẽ Loan không biết chuyện bà mẹ kế muốn chúng tôi dọn đi nơi khác nên vẫn nghĩ rằng bà không vui vì Loan nấu ăn chưa hợp khẩu vị. mọi cố gắng về nấu ăn của Loan cũng vẫn chỉ là con số không. Bố vợ tôi có dạy Loan nhiều đến mức nào thì đáp lại vẫn là những cái nhăn mặt từ bà mẹ kế. Người hiểu nguyên nhân của những cái nhăn mặt ấy là bố và tôi, không ai nói với ai nhưng chúng tôi đều không muốn cho Loan biết sự thật cay đắng kia. Quan hệ cứ mỗi ngày một nặng nề thêm. Tôi tức tốc đi đăng ký học lái xe, Loan chưa muốn học vả lại còn con trai tôi không có người trông nên Loan vẫn ở nhà lo công việc nội trợ. Bao nhieu công việc dồn lên đầu. Từ việc lau dọn nhà cửa, giặt giũ quần áo cả nhà đến việc nấu nướng nhưng đổi lại vẫn là vẻ mặt nặng nề từ bà mẹ kế. Sau hai tuần tôi nhận được bằng lái. Tôi nói chuyện với bố về công việc của hai đứa và có ý định nhờ bố dẫn đi mua một chiếc xe rẻ tiền để chạy đỡ. Vài hôm sau bố dẫn tôi đi mua một chiếc xe để chạy đi chạy lại cho tiện.
Ngay đêm hôm tôi mua xe xong, tôi lại phải nghe một câu chuyện bất đắc dĩ của bố và mẹ kế.
- Ông dư tiền lắm của quá ha? Cho chúng nó ở nhà rồi giờ lại mua xe cho vợ chồng nó nữa. Chắc mai mốt mẹ con tôi dọn ra khỏi nhà để bố con ông ở với nhau cho nó hạnh phúc. - Tiền mua xe của chúng nó tôi làm gì có tiền mà cho. Chúng nó sang đây vì muốn đoàn tụ gia đình chứ bà nghĩ nó thiếu thốn nên phải qua đây nhờ đậu mình hả? - Nếu chúng nó giàu có như vậy thì ông bảo chúng nó dọn nhà đi. Ở đây nhà vừa nhỏ vừa thiếu thốn, nhà giàu như chúng nó thì phải dọn ra nhà nào lớn chút thì mới xứng đáng chứ. - Sao bà cứ khó chịu với chúng nó như vậy? Bao nhiêu năm nay tôi làm lụng để nuôi con cho bà tôi có nghĩ gì không mà giờ chúng nó mới qua bà đã sinh chuyện. - Tôi là vậy đấy. Chịu được thì chịu, mà không chịu được thì tuỳ.
Lời đối đáp của hai người như chà xát vào lòng tôi. Loan dĩ nhiên chưa biết chuyện gì. Có chăng Loan chỉ đoán rằng những thay đổi trong gia đình có thể làm bà khó chịu chứ chưa bao giờ nghĩ đến cái sự thực trần trụi là bà đang muốn tống chúng tôi ra khỏi nhà. Lần đầu tiên tôi được chứng kiến sự ghẻ lạnh của tình người. Từ nhỏ tôi được bảo bọc bởi tình thân của những người xung quanh nên chưa bao giờ tôi nếm được mùi vị cay đắng của sự ghẻ lạnh từ con người. Tôi suy nghĩ nhiều lắm mà vẫn chưa có giải pháp cho cuộc sống. Tiền chúng tôi mang theo không có nhiều. Hiện tại công việc chưa có nên chẳng biết tương lai sẽ đi về đâu. Tôi thoáng nghĩ đến chuyện trở về quê. Lòng kiêu hãnh của một thằng đàn ông đã không cho tôi nghĩ đến chuyện về quê. Tôi phải tồn tại ở nơi này và che chở cho Loan vượt qua sóng gió. Càng suy nghĩ, tôi càng thức khuya và càng thức khuya tôi càng phải nghe những lời đối đáp từ những người tưởng như là ruột thịt. Nhìn vẻ phờ phạc của tôi Loan hay hỏi tôi lý do nhưng lý do mà tôi đưa ra đó là việc chênh lệch múi giờ khiến tôi khó ngủ. Buổi sáng tôi vẫn cố gắng thức dậy sớm để làm thủ tục chào bà mẹ kế đi làm. Giờ đây tôi nhận trách nhiệm thay bố đưa cậu con của ông bà đi học. Mỗi khi ra khỏi nhà tôi thường đưa theo con trai tôi cho ngồi lên xe theo tôi rong ruổi đôi chút để giúp Loan có thêm thời gian rảnh rỗi lo công việc nhà.
Một hôm tôi mời bố đi uống cà phê để nói chuyện gia đình. Hôm đó ngày nghỉ của bố nên bố đưa tôi đi Chicago chơi. Lúc đầu bố định đưa cả Loan đi nhưng tôi ngăn bố vì tôi muốn thưa chuyện riêng cùng ông. Cộng đồng người Việt ở Chicago nhiều nên rất dễ dàng bố con tìm được một quán cà phê ưng ý để ngồi.
- Bố ạ. Con có chuyện muốn thưa với bố. Con suy nghĩ nhiều lắm nhưng chẳng có cách nào nên con đành phải thưa chuyện để bố hiểu. Chuyện của gia đình chúng con hiện nay bố biết, chúng con đang gặp khó khăn rất nhiều, nhưng con cũng không muốn bố phải khó xử trong chuyện gia đình. - Con đã biết hết chuyện rồi hả Lâm? - Vâng, con biết chuyện do những sự tình cờ nhưng con không muốn cho Loan biết vì nếu Loan biết thì có lẽ vợ con sẽ suy sụp tinh thần. - Bố cảm ơn con nhiều lắm Lâm ạ. Ơn trời cho bố một đứa con rể như con, cũng ơn trời con gái bố đã có một người chồng như con. Bố cũng thấy khó xử quá nhưng chưa biết bắt đầu như thế nào. Hôm nay con đã trao đổi khiến bố nhẹ lòng đi nhiều. Bố vẫn muốn các con ở cùng bố nhưng con hiểu rồi đấy, lòng dạ đàn bà có những cái hẹp hòi. Bố không muốn đưa các con đi ở riêng vì sợ con bé Loan sẽ nghĩ bố không muốn chịu trách nhiệm với nó. Giờ này nó chỉ còn bố và con là những người thân nhất. Từ bé nó sống trong cảnh nuông chiều, bao bọc rồi nên giờ bố biết nó sẽ rất đau lòng nếu nó biết sự thật. - Bố không lo đâu. Vợ con giờ khác trước rồi. Con sẽ tìm cách giải thích để Loan hiểu bố ạ. - Bố cảm ơn con. Về việc làm thì bây giờ bố cũng chưa biết là sẽ tìm việc cho vợ chồng con như thế nào nữa. Có lẽ bố sẽ hỏi để con đi giao báo như bố. Thu nhập chẳng đáng bao nhiêu nhưng các con cũng cần có thu nhập lúc đầu vì ở đây làm nghề gì con cũng cần phải có license. Bố sẽ giúp các con chuyện ấy. - Bố ơi con có thể vừa đi giao báo vừa có thể đi làm thêm việc khác được. Con nghĩ đến việc làm ở nhà hàng như hôm trước cô gì cô ấy trao đổi ấy. - Không được đâu con ơi. Làm nhà hàng cực lắm. Bố sợ con không kham nổi đâu. Vả lại con có tiếng Anh nên làm việc khác. - Con chịu được bố ạ. Con nghĩ cũng phải có bước đệm sau đó mới có thể làm những việc khác được.
Hôm đó hai bố con nói chuyện khá nhiều. Tôi hiểu thêm về ông rất nhiều. Từ khi bước chân ra đi khỏi quê nhà, ông đã sang Hongkong tị nạn. Ông gặp bà mẹ kế từ bên trại Hongkong. Chồng của bà ta đã không may bỏ xác trên đường vượt biển. Hai người chắp vá lại với nhau từ đó. Ông thương cho bà một nách ba con nhỏ. Mọi việc ông cùng bà gánh vác, nuôi con. Khi sang Mỹ, ông bà đứng ra làm giấy tờ như những cặp kết hôn với nhau. Nhưng cuộc sống Mỹ đã làm bà thay đổi. Với một đất nước coi trọng đàn bà và trẻ nhỏ người ta dễ thay đổi. Ông trở thành một nhân vật thấp kém. Bên Mỹ người đàn ông được xếp sau cả con chó. Thứ nhất trẻ con, thứ nhì phụ nữ, thứ ba vật nuôi và cuối cùng mới là vị trí của người đàn ông. Xếp cuối cùng cũng như không. Trót làm thù tục với sở di trú là vợ chồng nên rốt cuộc ông vẫn phải chịu mọi lép vế. Ông cần mẫn đi làm để cùng bà nuôi dạy ba đứa con riêng. Tốn khá nhiều thời gian và công sức ông mới thuyết phục được bà ký giấy li dị giả để ông có thể làm thủ tục bảo lãnh cho gia đình bên vợ tôi. Mặc dù li dị trên giấy tờ nhưng bà vẫn khống chế ông phải sống cùng, nếu không bà sẽ tố cáo với sở di trú về việc họ thoả thuận với nhau. Sở di trú cùng chẳng làm thủ tục đuổi ông về nước nhưng nó sẽ trắc trở cho việc chúng tôi sang đoàn tụ cùng ông. Chính vì thế mà ông vẫn phải chịu đắng nuốt cay cho yên chuyện. QUa câu chuyện tôi càng thấy thương ông nhiều hơn. Tôi và bố vợ đã trở thành những người bạn.
Tôi đã đi làm. Giống như bố, sáng sớm tôi thức giấc để đi giao báo. Cách thức giao báo bên này cũng khác. Tôi nhận địa bàn của mình với những địa chỉ cụ thể. Sáng sớm đến bưu điện nhận số báo phải giao và theo địa bàn của mình mà đi giao. Đến địa chỉ nào tôi chỉ việc ngồi trên xe quăng báo qua hàng rào hoặc trước cửa nhà rồi lại chạy tiếp. Công việc đó yêu cầu phải nhanh vì đến 8h sáng phải đảm bảo được những gia đình có báo khi họ thức dậy, trước khi đi làm có được báo đọc. Công việc cũng chẳng nặng nhọc là bao nhưng do tôi không quen đường nên lúc đầu cũng khá vất vả. Sau khi hoàn thành công việc giao báo, tôi lái xe chạy đến quán ăn hôm trước để tiếp tục làm việc.
Một tuần sau khi tôi đi làm, bố báo tin đã tìm được nhà cho vợ chồng tôi. Nhờ một nhân viên xã hội hỗ trợ chúng tôi đã tìm được một căn nhà để thuê. Khi đến thăm nhà tôi ngã ngửa vì căn nhà lớn quá. Nó có tới 5 phòng ngủ. Tôi băn khoăn không dám nhận vì quá lớn không biết sẽ trang trải ra sao. Bố động viên tôi nhận và nói sẽ hướng dẫn để chúng tôi có thêm thu nhập trang trải tiền nhà. Do là dân mới nhập cư nên chúng tôi cũng được hưởng chút ít chính sách nhà cửa. Tuy không được nằm trong diện nhà Section 8 tức là được chính phủ hỗ trợ tối đa nhưng chúng tôi cũng được hỗ trợ một phần. Căn nhà khá đẹp và bề thế, nó nằm ngay gần khu ĐH của tiểu bang. Tôi về trao đổi với Loan và chúng tôi quyết định dọn nhà ngay trong tuần ấy, trong sự hằn học của bà mẹ kế. Bà trút lên đầu ông tất cả sự hằn học. Bà cho rằng ông đã bớt tiền để lo cho con riêng. Sự thật mà nói, chúng tôi đã vét đến những đồng tiền cuối cùng để deposit cho căn nhà chúng tôi thuê. Loan ngỡ ngàng với căn nhà quá lớn. Vật dụng của chúng tôi cũng chẳng có gì ngoài một cái đệm mới kê ở buồng ngủ của hai vợ chồng. Những vật dụng khác sau đó theo sự chỉ dẫn của bố vợ tôi cũng tranh thủ lấp đầy căn nhà. Việc kiếm các đồ cũ không khó lắm. Bên Mỹ có những thứ đồ mà chủ nhà không thích thường hay đem ra trước nhà để với dòng chữ "Free". Tôi vừa đi giao báo vừa quan sát nên cuối cùng chúng tôi cũng có được những vật dụng cho gia đình.
|