Đời Trai Bao
|
|
Con chim sắt rùng mình nhắc bổng thân của nó lên không trung đưa chúng tôi đến xứ sở Kimchi. Sau khi máy bay hạ cánh, theo bảng chỉ dẫn, tôi và Toàn cùng ta khu vực hải quan làm thủ tục nhập cảnh Korea. Phải nói các nhân viên hải quan của Hàn Quốc thật thân thiện. Tấm giấy khai báo nhập cảnh của Hàn Quốc không nhiều mục phải điền nhưng tôi cũng làm biếng không muốn điền vào, trên tay tôi vẫn là tờ phiếu còn trắng, lẽ dĩ nhiên Toàn cũng như tôi. Tôi đi trước, Toàn đi sau. Thật lạ lùng là khi đưa tấm phiếu điền thủ tục nhập cảnh, nhân viên hải quan lại hết sức hoà nhã, hỏi tôi một số thông tin và tự tay điền vào tấm giấy cho tôi. Nó cũng chỉ có mấy mục ngắn ngắn chứ không nhiều, tuy nhiên sự nhiệt tình của họ gây cho tôi một thiện cảm không nhỏ. Toàn cũng tương tự nhưng khi đến lượt làm thủ tục, Toàn lại phải chỉ vào tôi để nhân viên Hải quan hiểu rằng anh ta cần sự giúp đỡ của tôi. Tôi quay lại giúp Toàn trả lời một số câu hỏi để nhân viên hải quan biết và điền form giùm.
Theo những bảng hướng dẫn đặt đầy trong sân bay, chúng tôi tìm được đến nơi đón tiếp hành khách của hãng Asiana. Lúc đó đã muộn lắm nên cũng không có nhiều người. Hầu hết hành khách đến đó vì họ còn bay tiếp đi đâu đó hoặc đến đăng ký sự giúp đỡ từ hãng hàng không. Lúc chúng tôi đến đó chỉ lèo tèo có mấy người. Một số người chờ bay đi châu Âu, một số chờ bay đi châu Mỹ, nhưng cũng có người chỉ chờ đến sang hôm sau họ lại tiếp tục bay những chuyến nội địa trong đất nước Hàn Quốc. Nhân viên của hãng Asiana hỏi chúng tôi muốn về khách sạn nghỉ hay chờ để đi chuyến Citytour sáng hôm sau. Chúng tôi quyết định sẽ cùng nhau đi Citytour cho đỡ buồn vì nếu về khách sạn nằm cả ngày cũng mệt mỏi lắm. Lúc làm thủ tục đăng ký, có một nhân viên trẻ đứng cạnh chờ chúng tôi. Sau khi đăng ký xong người thanh niên đó đưa chúng tôi ra một sảnh ngồi chờ và căn dặn chúng tôi ngồi đó chờ đến 7h sáng sẽ có xe đến đón chúng tôi đi chơi. Anh ta cũng không không quên xin lỗi chúng tôi vì thời gian chờ đợi tại sân bay. Cũng không có nhiều hành khách chờ đi Citytour ngày hôm đó. Tôi nhìn quanh cũng chỉ có khoảng 10 người ngồi chờ chuyến du lịch ngắn tại Seoul. Đa số khách đến làm thủ tục, họ đều nhận sẽ về khách sạn để nghỉ ngơi. Sau này tôi mới biết đa số trong số họ là chờ chuyến bay tiếp nội địa ngày hôm sau nên không muốn đi Citytour, hặc cũng có những người chuyến bay kế không đủ thời gian tham dự Citytour nên họ về khách sạn nghỉ ngơi. Hàn Quốc lanh hơn Việt Nam nhiều lắm. Tuy rằng không có tuyết nhưng nhiệt độ xuống thấp và vẫn có cảm giác buốt da buốt thịt. Tôi thỉnh thoảng lại phải ra ngoài hút thuốc nên tôi biết ngoài trời rất lạnh. Toàn thật giỏi, anh ta nằm ngay trên ghế và ngủ một giấc ngon lành.
7h sáng xe của chuyến du lịch tới, nhân viên đến mời chúng tôi ra xe. Quả là như tôi đếm lúc trước, chỉ có 10 người đi thăm Seoul trong chuyến đó. Chỉ mất vài phút, mọi người đã lên xe đầy đủ. Nhưng tệ một cái là hướng dẫn viên du lịch lại không có mặt. Nhân viên của hãng hàng không xin lỗi chúng tôi và bảo chờ thêm 5 phút. Người Hàn Quốc cũng giữ lời hứa khá tốt. Sau 5 phút, nhân viên hướng dẫn vẫn chưa có mặt, ngay lập tức họ cử một nhân viên từ hãng lên xe cùng đưa chúng tôi đi thăm Seoul. Tôi cứ nghĩ rằng phi trường Incheon nằm ngay trong Seoul giống như Tân Sơn nhất của mình nhưng không phải, nó cũng giống như Nội Bài, sân bay nằm cách xa thành phố. Xe chạy qua những khu vắng như những cánh đồng, những khu dân cư thưa thớt phải mất một lúc sau mới vào đến Seoul. Có một cái lạ là gần như các băng rôn, biểu ngữ quảng cáo của Hàn Quốc người ta sử dụng khá nhiều chữ Hán. Nhìn những bảng quảng cáo lớn nhỏ tôi cứ ngỡ như mình đang ở Chinatown nào đó chứ không phải đang trên đất Seoul. Phải mất hơn 30 phút xe mới vào đến khu đông dân của Seoul. Tôi chỉ dám nói khu đông dân àm không dám nói là khu trung tâm vì có biết khu trung tâm Seoul là ở đâu đâu. Do còn sớm nên hướng dẫn đưa chúng tôi đi ăn sáng. Bữa ăn sáng của chúng tôi là phải tự trả tiền chỉ có bữa trưa mới được miễn phí vì hãng hàng không sẽ trả. Nhưng rất may là hướng dẫn viên giúp chúng tôi mặc cả giá cả đồ ăn nên không ai bị hố. Hướng dẫn viên nói chúng tôi rằng mua bán ở Seoul cũng phải trả giá chứ nếu không sẽ bị mua giá cao. Thật là khác với Việt Nam. Tôi có một đứa cháu làm nghề hướng dẫn ở Việt Nam. Nó nói với tôi rằng thường các hướng dẫn viên sẽ đưa khách vào những địa điểm họ đã có thoả thuận sẵn với nhau là nếu họ đưa khách tới cho nhà hàng hoặc cửa hiệu nào đó thì nơi đó sẽ chi trả hoa hồng cho. Và lẽ dĩ nhiên sẽ nhiệt tình quảng cáo là hàng hoá ở đó đảm bảo chất lượng nếu như giá có cao một chút. Đi với hướng dẫn viên nên mọi người đều tin tưởng. Nó cho tôi biết rằng tiền hoa hồng của mỗi chuyến đi còn cao hơn gấp mấy lần số lương mà họ nhận được, vậy nên bằng mọi cách người ta sẵn sàng cấu kết với người bán hàng để moi tiền của khách. Ở Hàn Quốc thì khác, họ bảo vệ khách hàng của mình. Tôi thấy cậu hướng dẫn đi qua mấy gian hàng, lắc đầu từ chối những nơi mà tôi cho rằng họ nói giá cao. Sau khi thoả thuận xong, anh ta đưa chúng tôi đến và chỉ vào từng món đồ ăn và nói giá cho chúng tôi biết để không trả nhầm tiền. Người dân Hàn Quốc chắc quen với khách du lịch nhiều nên họ chấp nhận cả đồng Dollar và tiền Hàn. Tôi và Toàn không có tiền lẻ nên đã nhờ hướng dẫn viên. Anh ta lấy trong túi ra một xấp những tiền lẻ để đổi cho chúng tôi. Ở Việt Nam hình như người bán hàng không thích những đồng tiền lẻ 1 USD nhưng dân Hàn vui vẻ nhận hết. Một bữa sáng ăn ngay trên vỉa hè đem lại cảm giác khá thú vị. Còn nhiều những nét khác biệt giữa Hàn và Việt nhưng chắc tôi sẽ không nói ra vì sợ mọi người lại đánh giá là một kẻ sính ngoại, nhưng quả thật có nhiều nét khác biệt lắm.
Bữa sáng kéo dài khá lâu vì chúng tôi còn chờ đến giờ các nơi làm việc mới có thể bắt đầu chuyến du lịch được. Ở Hàn Quốc họ cũng làm việc từ lúc 9h sáng như bên Mỹ. Hôm đó chúng tôi được đưa đi thăm bảo tàng Văn hoá Hàn. Có nhiều thứ trông khá ngộ nghĩnh trong bảo tàng. Có một cái hay là ngoài những vật trưng bày họ có những đồ cho khách mượn để chụp hình ví dụ như quần áo hoặc các trang phục cổ. Tôi cũng đội một chiếc mũ của hàng quan văn thời trước của Hàn quốc để chụp hình. Cái loại mũ mà cả trên đầu lẫn vành mũ đều có những lỗ thoáng. Tôi chẳng biết cái đó gọi là cái mũ gì nữa. Chỉ biết là sau này xem phim cổ trang Hàn Quốc thì thấy những ông quan hay đội. Lẽ dĩ nhiên những trang phục cho khách mượn chụp hình đều miễn phí chẳng ai phải trả tiền cho cái dịch vụ như vậy.
Sau Bảo tàng văn hoá, chúng tôi được đưa đi thăm một số ngôi chùa cổ trong thành phố Seoul, rồi đi ăn trưa ở một nhà hàng dưới lòng đất. Nói nghe ghê vậy chứ thực ra là một nhà hàng nằm ở tầng hầm. Tôi đoán là bữa ăn miễn phí nên hãng hàng không chỉ đặt thực đơn đơn giản cho đỡ tốn tiền. Ai muốn ăn thêm cái gì đó thì phải tự trả thêm tiền chứ không nằm trong thực đơn của chúng tôi. Họ sắp năm người ngồi một bàn vì có 10 người đi tham quan. Theo hướng dẫn viên giải thích là đáng lẽ chúng tôi chỉ ngồi bốn người nhưng vì đoàn có 10 người nên không thể ngồi ba bàn. Bù lại họ tăng thêm đồ ăn cho chúng tôi. Phải nói là người Hoa ăn nhiều thật. Bàn bên kia có năm người Hoa nên cùng ngồi ăn với nhau. Bàn tôi có ba người Á và hai Âu ngồi ăn cùng nhau. Trong khi lượng thức ăn theo tôi là đủ thì bên kia họ nhoai nhoái kêu thêm đồ ăn. Những đĩa lớn đồ ăn mang ra nhưng cũng chỉ cái vèo là đã hết. Ăn xong chúng tôi ngồi quan sát phía bên kia ăn uống. Hai thằng khách Âu cứ lắc lắc cái đầu. Lạ cái là hai thằng Âu này lại ăn rất nhiều rau. Mà hình như rau rẻ nên họ mang ra khá nhiều thành ra cũng chẳng ăn hết. Món thịt nướng thì chỉ có mấy người Á ăn nhiều, cuối cùng bàn tôi vẫn còn dư một lượng đồ ăn.
Buổi chiều hôm đó chúng tôi được đưa đi mua sắm ở khu mua sắm Seoul. Nhưng không phải là mua bán ở siêu thị lớn mà mua bán ở ngay trên khu phố mua bán của người dân. Cũng cái cảnh cửa hàng nhỏ nhỏ như ở Hà Nội hoặc Sài Gòn vậy. Hướng dẫn viên luôn đi kèm chúng tôi để giúp mặc cả. Chủ yếu là đi chơi chứ thực tình tôi cũng chẳng mua thứ gì. Tôi chỉ mua cho con trai tôi một cái máy bay khá đẹp mà giá cả cũng hợp lý. Bốn giờ chiều chúng tôi được thông báo lên xe quay lại phi trường. Xe đưa chúng tôi vào một cửa riêng để làm thủ tục hải quan. Nói chung là khá nhanh và thuận tiện vì nếu chờ xếp hàng đi các cửa bình thường chắc tốn thời gian nhiều lắm vì tôi thấy cửa nào cũng một hàng dài như con rắn ngoằn nghoèo. Bay cùng chuyến bay với tôi và Toàn có một thằng người Tây Ban nha và mấy người Tàu, còn mấy người kia cũng bay sang Mỹ nhưng họ bay các chuyến bay khác nhau. 5h chiều Seoul. Máy bay lại một lẫn nữa rùng mình đưa chúng tôi trở về Mỹ. Đặt chân xuống San Francisco lúc 10h trưa, chúng tôi có khá nhiều thời gian để ra khỏi sân bay mà không sợ đêm tối. Tôi đến hãng hàng không confirm lại một lần nữa về hành lý của mình và cùng Toàn làm thủ tục hải quan để nhập cảnh.
Vợ và con gái Toàn đi đón chúng tôi tại sân bay. Thoạt nhìn vợ Toàn tôi đã thấy có cảm giác không mấy thiện cảm. Hình như cô ta có ánh mắt nhìn mọi người theo cách hơi khinh khỉnh. Tôi biết có nhiều người Việt bên này vẫn hay nhìn những người Việt khác theo kiểu như vậy. Nhất là những người Việt mới bay từ Việt Nam qua. Họ tự cho mình cái đẳng cấp cao hơn người khác, luôn nhìn xuống những người Việt mới qua Mỹ. Còn một kiểu tạo dáng nữa đó là người ta hay tự huyễn hoặc mình mặc dù chỉ là dân thẻ xanh nhưng lại sẵn sàng đóng vai những công dân có quốc tịch đàng hoàng. Không thiếu những lần họ ngồi cùng bình luận về Việt Nam một cách thậm tệ. Họ luôn cho rằng nước Mỹ là trên hết, cái gì cùng hoàn thiện, cái gì cũng là nhất. Tôi thì không thấy như vậy. Cái mà tôi thấy hơn hẳn Việt Nam chỉ có một điều đó là cơ hội làm việc. Ở Mỹ có thể tìm bất cứ việc gì phù hợp cho bản thân mà không ngại về tuổi tác. Nếu anh có thể đáp ứng yêu cầu công việc anh có thể điền đơn và xin việc lần đầu vào cái độ tuổi năm sáu mươi chẳng sao. Hoặc nếu không đủ năng lực làm việc chỗ này có thể tìm đến chỗ khác mà không có khó khăn gì. Hay nếu anh muốn đi học ở độ tuổi đã cao cũng chẳng sao, biết bao nhiều người sẽ cùng cảnh với anh ở lớp học. Ngoài những nét ấy ra tôi chẳng thấy Mỹ hơn gì Việt Nam. Có những điều tồi tệ hơn Việt Nam đó là đồ ăn. Đồ Mỹ thì chất lượng chẳng ra sao còn đồ Việt thì qua đông lạnh và đã nằm trong kho bao nhiêu lâu trước khi cập cảng Mỹ. Rồi từ cảng đến bày bán ở chợ lại là một khoảng thời gian khác khiến đồ ăn chẳng còn được tươi mới như bên Việt Nam. Vậy àm những người Việt trên đất Mỹ vẫn hay quan niệm rằng cái gì ở Việt Nam cũng không hợp tiêu chuẩn vệ sinh này nọ. Nghe lắm lúc mắc mệt với họ.
|
Về nhà Toàn và qua các câu đối thoại ngắn ngắn giữa tôi và Liễu, vợ Toàn mới cho tôi biết rằng quả là những nhận định của mình về Liễu là không sai và có rất nhiều lần tôi cắn môi đến bật máu vì nín cười những cái nét ngô nghê mà tỏ ra nguy hiểm từ cô.
Gia đình Toàn sống ở San Jose, một vùng mới nổi lên từ sau sự kiện thung lũng Silicon. Dân Việt ở các nơi tụ tập về nhiều lắm. Trước kia người ta coi Santa Ana và vùng Westminter là thủ đô của người Việt tị nạn nhưng sau khi thung lũng Silicon nổi lên, San Jose có dân số Việt còn đông hơn cả vùng nam Cali. Chỉ vài ngày ở chơi với gia đình Toàn cũng giúp cho tôi hiểu tại sao tiếng Anh của Toàn vẫn nằm ở dạng đuối. Người Việt ở đó nhiều quá. Vào ngay cả những cửa hàng của Mỹ như Walmart hay Maycy, Target, hay Best Buy không thiếu gì người Việt làm việc và họ nói tiếng Việt nhiều hơn tiếng Anh.
Qua tiếp xúc (cho đúng phép lịch sự) tôi khám phá được một điều thú vị là Liễu vốn gốc cùng quê nội với tôi (Kiên Giang) nhưng nhà Liễu ở tuốt dưới miệt Gò Quao nơi mà dân Miên nhiều hơn dân Việt. Gia đình của Liễu là một người gốc Hoa. Chàng Toàn lúc đó mới làm việc ở công ty xuất nhập khẩu Vĩnh Long được đưa về dưới đó thu mua hàng gì tôi không nhớ rõ, hình như dưa hấu để xuất khẩu thì phải, đã gặp cô Thuý Liễu. Cái tên Thuý Liễu gợi nhớ cho tôi tên nhân vật trong tuống cải lương Lan và Điệp. Tôi thấy mắc cười cho những so sánh của mình về Thuý Liễu. Lúc mới về gia đình Toàn, Liễu vẫn giữ nguyên cái cung cách xử sự như khi mới gặp tôi ở sân bay. Cô cố tình chen những từ tiếng Anh xen lẫn tiếng Việt mà tôi không thể hiểu được ý cô muốn nói gì nữa. Chẳng tiện đề nghị Toàn dịch Việt - Việt nên tôi cứ ừ hữ cho qua chuyện. Mãi đến khi nói chuyện và biết tôi qua Mỹ trước gia đình Toàn 2 năm (cái này tôi hơi lố để ra oai chứ thực tế tôi qua Mỹ chỉ sớm hơn gia đình Toàn có một năm) cô mới bớt bớt dùng tiếng Anh xen lẫn tiếng Việt. Con bé con gái nhà Toàn cũng chẳng mấy gì khác với mẹ nó. Nó không dùng tiếng Việt mặc dù những từ nó nói tôi biết là nó học được từ cách nói tiếng Anh của dân Mỹ đen chứ cũng không phải thứ tiếng Anh chuẩn những người da trắng và những người có học hay dùng. Trong cách nói tiếng Anh của nó có trộn lẫn cách nói tiếng Anh của mẹ nó và cách nói tiếng Anh của dân Mỹ đen. Cái cách mà nó làm dáng thì y nguyên như cách mẹ nó. Cả hai mẹ con đều son phấn một cách quá lố khi ra sân bay đón chúng tôi. Đôi môi thâm sì những son tố cáo rằng mẹ con nó học cách trang điểm của dân Mỹ đen. Nhưng người ta da đen nên đánh son nâu trông có vẻ hợp lý còn hai mẹ con nhà này da vàng đánh son nâu nhìn cứ như là mấy con mọi.
Bữa tối cả gia đình Toàn mời tôi đi ăn ở ngoài cho tiện và cũng như cách nói của Liễu là "đi ăn ngoài cho có người phục vụ, ăn ở nhà phải nấu cực quá". Nhưng trước khi đi tôi hoàn toàn mờ tịt không biết sẽ đi ăn ở đâu vì nghe Liễu nói rằng cả nhà sẽ đi ăn "bò phi" (buffet). Tôi chẳng biết cái món bò phi nó là món gì nữa và cứ tự băn khoăn không lẽ trình độ ẩm thực của mình lại quá tệ hay là tiếng Anh của mình quá dở mà lại không biết một cái món mới như vậy. Suốt dọc đường đi tôi cứ nghe Liễu nhắc đi nhắc lại cái câu: "Go eat bò phi (buffet), good". Chẳng biết hỏi ai tôi đành ngồi im chờ xem cái món ấy là cái gì mà xa lạ quá. Câu trả lời cũng chẳng có ngay khi chúng tôi đến một quán buffet của người Hoa. Tôi vẫn mong đợi đó sẽ là một món đặc biệt mà tôi chưa từng được ăn. Mãi sau này khi nói chuyện với dì tôi (người gốc Quảng Đông cũng đang sống ở Cali) tôi mới biết đó là cách phát âm từ buffet của người Hoa. Thứ tiếng Anh lạ lùng của Liễu tôi mới có thể hiểu nổi phải sau mấy năm về sống ở Cali gần chỗ dì tôi tôi mới biết đó là cách phát âm của người Hoa.
Liễu có vẻ lấn lướt Toàn rất nhiều. Cô học cách nói của dân Mỹ, mỗi khi không hiểu vấn đề gì hay không đồng ý cô đều dùng câu cửa miệng "I don't care!". Cái cách nói như vậy với tôi có lẽ có phần mất lịch sự vì tỏ thái độ bất cần với người nói chuyện. Tôi học được điều ấy từ Fredy và những đồng nghiệp của tôi rằng nên hạn chế dùng câu đó vì như thế là không tôn trọng người nói chuyện. Với Liễu câu đó là câu cô thuộc nhất. Cái gì cũng có thể chen câu đó vào. Mới đầu tôi nghe thấy cũng không mấy gì thấy thuận tai lắm nhưng sau tôi phớt lờ coi như không nghe thấy gì. Toàn biết những điều lố bạch từ Liễu nhưng hình như cũng ngại mà không dám can thiệp chỉnh sửa gì. Tôi ở chơi San Jose ba ngày, chỉ có một lần duy nhất là tôi và Toàn đi uống cà phê cùng với nhau. Toàn tâm sự nhiều với tôi về mối quan hệ vợ chồng của anh nhưng cũng chưa có giải pháp gì cứu vãn cho anh cái cảnh "bỏ thì thương, vương thì tội". Lúc trước khi còn ở Việt Nam tính tình Liễu còn chưa đến nỗi quá. Vì ngày đó mọi cái đều do Toàn lo lắng, anh cũng có vốn liếng nên vợ chồng cùng bán hàng ở chợ. Toàn lúc đó vẫn chân trong chân ngoài nên làm ăn cũng được. Khi còn ở Việt Nam, Liễu tỏ ra một người vợ biết nge lời mặc dù cái cách nhìn người bằng nửa con mắt thì ngay từ Việt Nam Liễu đã có. Những ai nghèo đến tiếp xúc Liễu đều tỏ vẻ không muốn quan hệ, giao thiệp.
Kể từ khi qua Mỹ, tính nết Liễu thay đổi hoàn toàn. Cố luôn ý thức rằng nhờ có gia đình cô mà Toàn được qua Mỹ. Cũng như với những nét khác biệt về văn hoá và luật pháp luôn coi trọng phụ nữ nên Liễu cho mình cái quyền được đối xử với chồng một cách tệ bạc. Đã nhiều lần vợ chồng xô xát, lần nào Liễu cũng đe sẽ gọi cảnh sát mặc dù với vốn tiếng Anh của Liễu tôi không chắc rằng nhân viên cảnh sát nào trực máy có hiểu được những gì cô nói hay không. Đã mấy lần Toàn muốn ly dị vợ nhưng nghĩ đến cảnh con cái ly biệt, Toàn không đành lòng. Cho dù Toàn có ly dị vợ thì anh vẫn phải có trách nhiệm hàng tháng đóng tiền nuôi con nhưng nếu ly dị thì những đứa con sẽ theo mẹ và cái cách Liễu dạy con thì Toàn rất sợ. Lần thứ hai trên đất Mỹ tôi thấy vai trò của người phụ nữ. Họ thay đổi hẳn sau khi qua Mỹ khiến cho các ông chồng được đưa xuống vị trí thấp nhất trong gia đình. Không còn một vị trí nào thấp hơn vai trò, vị trí của người đàn ông trong gia đình. Chúng tôi còn thấp hơn cả những con vật nuôi trong nhà như con chó, con mèo. Tôi may mắn có được Loan, Loan vẫn giữ những suy nghĩ và cách hành xử như một phụ nữ Việt Nam truyền thống nên tôi không thấy sốc bao giờ. Loan biết những đặc quyền của phụ nữ trên đất Mỹ nhưng vẫn sống đúng cách của một phụ nữ Việt Nam. Tôi không bao giờ gia trưởng, mọi chuyện đều nói với Loan nhưng bao giờ những ý kiến có tính quyết định thì Loan luôn nhường cho tôi. Sau này khi tiếp xúc nhiều hơn tôi mới thấy rằng có được Loan là một hạnh phúc của cuộc đời tôi.
Ở chơi với vợ chồng Toàn ba ngày, tôi xin phép về lại Iowa. Tiễn tôi ra phi trường, Toàn vẫn không quên nhắc lại lời gợi ý gia đình chúng tôi nên dời về Cali sống. Phải nói thời tiết Cali đẹp thật. Tôi thấy dễ chịu với nó. Nhưng ngay lúc rời Cali mặc dù có nói với Toàn là có lẽ tôi sẽ chuyển về Cali nhưng thực lòng tôi chưa có quyết định nào cả. Ít nhất tôi phải đưa Loan về Cali để Loan tự quyết định chứ tôi không muốn áp đặt điều gì cả. Tôi bay về Iowa với tâm trạng nôn nóng. Tôi mong được gặp lại con và Loan. Lẽ dĩ nhiên cả những cậu sinh viên và Fredy nữa.
|
Tôi trở về Iowa với tâm trạng hết sức phấn chấn. Chuyến bay về Iowa muộn, là chuyến cuối ngày nhưng cả nhà tôi vẫn đợi tôi tại sân bay. Tôi thấy xúc động đến oà nước mắt. Vợ, con, mấy cậu sinh viên và có cả Fredy nữa. Không ngờ thằng Latin này cũng có tình cảm ghê đấy chứ. Ông con trai tôi thấy bố về là lao ra chiếm độc quyền luôn. Nó bắt tôi kiệu nó trên vai. Cứ lông ngông như thế đi làm thủ nhận hành lý ở quầy Lost and Found. Mấy đứa nhân viên nhìn thấy cún nhà tôi cứ lao vào bẹo má thằng bé. Nó có vẻ vừa khoái nhưng cũng vừa khó chịu. Nó khoái vì có nhiều người quan tâm nhưng nó khó chịu vì có những người bẹo má nó mạnh quá. Cả nhà mỗi người một thứ còn tôi thì đảm trách cậu công tử. Lên xe nó nhất định không chịu ngồi ghế riêng mà nhất định ngồi lòng tôi. Nếu như ban ngày thì cũng chẳng dám để nó ngồi trên lòng vì cảnh sát thấy thì chắc chắn là sẽ có một phiếu phạt nhưng đã là ban đêm nên tôi để cho con ngồi lòng mình. Hai chiếc xe rời sân bay chạy bon bon về hướng nhà. Gần đến khu downtown, xe trẽ ngang, tôi ngạc nhiên hỏi mọi người. Thì ra là mới có một gia đình cũng dân Hải Phòng mới dọn về vùng này và sang lại cái quán ăn nơi cũ của cô chủ nhỏ của tôi. Họ cũng bán những đồ ăn Việt. Loan nói mới gặp họ hai tuần nay và làm quen. TRước khi ra sân bay, chủ quán dặn Loan khi nào tôi về đến nhớ đưa tôi ghé qua quán để ăn uống. Họ nói muộn thế nào cũng chờ. Nghe ra cũng tình cảm ra phết. Lúc chúng tôi về đến nơi cũng chưa muộn lắm. Vẫn còn những người khách ngồi ăn, mọi người vẫn làm việc.
Chúng tôi vào quán và cùng nhau chọn hai dãy bàn ngay kế cạnh cửa sổ nhìn ra phố. Căn nhà này được trang trí lại dưới bàn tay người chủ mới trông có vẻ khang trang và lịch lãm hơn so với lúc tôi còn làm việc ở đây. Người chủ quán bước từ sau quầy tính tiền ra chào chúng tôi.
- Anh Thêm! Sao anh lại ở đây? Ngày trước em nghe nói anh đi châu Âu cơ mà? - Anh có qua châu Âu nhưng sau lại dọn qua bên này nhờ sự tình cờ. Gia đình nhà anh có người qua đây nên đã làm giấy cho vợ chồng anh qua. Anh cũng mới qua bên này được có mấy tháng thôi.
Thì ra đó là anh Thêm người cùng khu với chúng tôi. Anh thuộc lứa ông cả nhà tôi. Lúc ở Việt Nam anh em cũng có biết nhau. Năm 1980 anh cùng vợ con đi vượt biên bỏ chỗ làm và quê hương. Ngày ấy tôi nghe nói anh qua định cư tại Thuỵ Điển. Vậy mà giờ anh em lại gặp nhau ngay tại cái tiểu bang vùng trung Tây này. Thật kỳ lạ và cũng thật vui mừng. Anh nói vui lắm khi găp gia đình chúng tôi vì ở bên này anh cũng không có ai. Lúc gặp Loan đưa cả đám sinh viên đi ăn đồ Việt Nam anh mừng lắm nhưng cũng chỉ nghĩ là có thể gặp một người đồng hương chứ không nghĩ lại gặp được tôi. Anh kéo ghế và ngồi cũng gia đình chúng tôi. Anh chủ động kêu người kê hai dãy bàn liền lại với nhau và trực tiếp chọn đồ ăn đãi khách. Chúng tôi vừa ăn vừa hàn huyên đủ thứ chuyện. Câu chuyện của chúng tôi cũng có làm phiền Fredy, Henry và hai cậu sinh viên khác không phải người Việt nên thỉnh thoảng tôi lại tranh thủ dịch cho bọn họ nghe. Hai cái thằng sinh viên Việt nhà tôi chúng làm biếng quá thành ra tôi phải là người dịch. Nghe tôi nói tiếng Anh trôi chảy, anh Thêm thấy khâm phục tôi nhiều lắm. Ngày trước khi còn ở nhà và chơi với anh cả tôi, anh có biết tôi vào đại học nhưng không biết là tôi vào trường nào vì từ ngày ông anh cả tôi lấy vợ thì cũng bớt bạn bè đi nhiều. Bữa đó anh em chúng tôi ngồi đến khuya. Đèn đóm phải tắt hết chỉ để mấy cây đèn bàn cho mọi người từ phía ngoài nghĩ chúng tôi đã đóng cửa. Nghĩ lại thấy ngày đó cũng liều. Nếu ngày đó mà có cảnh sát đi tuần thì chắc chắn quán của anh Thêm đã bị vé phạt rồi.
Trở về nhà, tôi nghỉ ngơi hai ngày rồi tiếp tục trở lại công việc cũ đó là giao báo và đưa thư. Cũng rất may là hai cái việc ấy lương chẳng cao lắm nên họ cũng không tuyển được đủ người nên sự trở lại của tôi được hoan nghênh chào đón. Tôi và Henry lại trở lại nhịp sống như trước khi tôi đi Việt Nam. Cu cậu có vẻ khoái vì mỗi buổi sáng lại có cơ hội thức dậy sớm cùng tôi, được uống trà và lại cùng tôi rong ruổi trên các nẻo đường. Nó nói những này tôi đi sao dài quá vì mỗi buổi sáng theo thói quen thức dậy mà chẳng thấy tôi đâu nó cũng buồn. Đi ngủ lại thì cũng dở mà chờ đến giờ đi học thì lâu quá. Nó có vẻ thực sự thích được làm việc cùng tôi. Mỗi buổi sáng nó vẫn chịu khó dậy sớm đi làm cùng tôi và buổi chiều khi tôi còn lang thang đâu đó đi phát thư thì nó là người thay vợ chồng tôi đi đón thằng Trung. Bắt chước tôi nó cũng kiệu thằng Trung lên vai. Có vẻ tình cảm của nó với thằng Trung cũng khăng khít lắm.
Một bữa anh Thêm đến tìm tôi vào ngày nghỉ. Tôi vừa mới xong tuần trà với thằng Henry, đang định tính đưa nó đi đâu đó kiếm ly cà phê để thay đổi không khí thì anh đến. Tôi hơi ngạc nhiên, anh nói đã có địa chỉ gia đình tôi từ Loan nên anh lái xe chạy thẳng đến. Anh nói gia đình không bán hàng vào ngày chủ nhật vì anh muốn giữ cho gia đình có một ngày nghỉ. Ông này ngày trước còn ở quê có tiếng là gia trưởng. Vừa làm công nhân ở nhà máy đóng tàu Bạch Đằng nhưng ngoài ra vẫn tranh thủ chạy mánh mung bên ngoài kiếm thêm tiền. Nhưng nếu là ngày chủ nhật thì kiểu gì cũng nghỉ chứ nhất định không chịu làm. Cũng lạ, qua bao nhiêu năm mà giờ anh vẫn giữ được thói quen đó.
Anh em vào nhà ngồi uống trà tiếp với nhau. Thằng Henry thất vậy thì rút lui đi đâu đó tôi không biết. Bữa đó Loan cũng nghỉ nên tôi bảo Loan nấu chút gì đó anh em chúng tôi ngồi lai rai. Trông cái cảnh ông này đến nhà tôi biết chắc chắn là có chuyện gì buồn buồn nên ông ấy mới đi chơi một mình. Đàn ông muốn khai thác chuyện chỉ có cách cho uống mấy ly là biết liền chứ có khó gì đâu. Không phải là tôi tò mò về chuyện người khác nhưng với anh Thêm tôi vốn coi anh như anh cả tôi, hơn nữa nơi đây cả tôi và anh đều không có ai thân thích nên gặp nhau chúng tôi phải dựa vào nhau mà sống cho đỡ tủi cực. Thằng Trung thì cứ chạy ra chạy vào lúc ở bếp với mẹ, lúc thì lại ngồi cạnh tôi. Cuối cùng nó nháy tót lên lòng tôi ngồi và bắt đầu phá đám câu chuyện giữa tôi và bác Thêm vì những câu hỏi ngô nghê của nó. Loan nấu ăn xong thì quay ra giặt giũ quần áo cho cả nhà. Nhà tôi có một thói quen là quần áo không kể của vợ chồng tôi hay của mấy cậu sinh viên. Tắm xong mọi người thường bỏ quần áo ra mấy cái rổ đựng quần áo. Ai thấy tiện thì giặt chứ không phân biệt là của ai. Mấy đứa sinh viên có vẻ thích như vậy vì theo lẽ thường những người share phòng phải giặt quần áo bên ngoài tiệm ít có chủ nhà nào chịu cho người share phòng giặt chung ở nhà. Nhưng nhà tôi thì khác, quần áo giặt ở nhà, miễn phí, có thể nấu ăn ở nhà mà chẳng bị tính thêm bất kỳ khoản phụ phí nào cả.
Uống được chừng mấy ly tôi thấy đầu anh Thêm trĩu xuống. Anh nói có vẻ nghẹn ngào:
- Anh buồn lắm Lâm ơi. Giờ này chỉ có em bên cạnh, anh cũng chẳng biết nói chuyện với ai được. Sống giữa bao la người mà sao anh cảm thấy cô đơn quá.
Biết anh có chuyện buồn muốn tâm sự, tôi gọi Loan bế thằng Trung ra ngoài để anh em nói chuyện được thoải mái. Thì ra câu chuyện của anh buồn hơn tôi nghĩ thật. Sau khi anh và vợ con qua Thuỵ Điển sinh sống, cuộc sống ở đó cũng khá hơn ở nhà nhưng thời tiết thì khắc nghiệt lắm. Mùa đông kéo dài lê thê, tuyết ngập đường ngập lối. Thuỵ Điển vẫn theo chế độ bao cấp nên kinh tế cũng không phát triển như các nước phát triển khác. Anh chị tính dời đi nước khác mà cũng chưa có điều kiện. Có một người quen của anh nói rằng có con bé cháu bên Mỹ cũng chưa lập gia đình, người ta hứa sẽ liên lạc và giúp anh qua Mỹ. Vậy là với tất cả số tiền tiết kiệm, anh chị quyết đinh sẽ tìm đường sang Mỹ. Đầu tiên hai người làm thủ tục ly dị nhau và sau đó liên lạc qua lại, cô gái bên Mỹ đồng ý qua Thuỵ Điển kết hôn và bảo lãnh cho anh qua Mỹ. Tính ra anh qua Mỹ cũng chưa lâu. Lúc đầu là ở vùng khác sau đó dọn đến thành phố tôi ở cũng mới chỉ được hơn một tháng. Hai vợ chồng sang lại tiệm Phở và bán buôn với nhau. Khi vợ chồng bắt đầu bán hàng thì cũng là lúc cô vợ tuyên bố rằng không muốn kết hôn giả với anh mà muốn kết hôn thực sự vì số tiền anh trả cho cô đã đem ra mua quán nên giờ hai người là vợ chồng chính thức. Anh thì không muốn như vậy, anh vẫn nghĩ là số tiền anh có được để làm hôn thê giả là do công sức vợ chồng chắt chiu đã từ lâu nếu giờ anh làm như vậy thì là sự phản bội lại vợ con. Anh không muốn kết hôn thật với cô gái kia còn vì một nguyên nhân khác đó là cô ấy chẳng những xấu người mà còn xấu nết nữa. Cô thuộc hàng gái ế. Cứ nói ở Mỹ tuổi cao thấp không quan trọng trong việc lập gia đình, có những người sáu mươi vẫn có thể cua được trai hai mấy như thường. Nhưng đó là nói với những người đã thực sự hội nhập với nơi ở mới còn theo quan niệm người Á đông, nhất là người Việt với nhau thì vào độ tuổi ba mấy trở đi cũng chẳng thể nào lập gia đình với ai được. Lập gia đình với người bản xứ thì không đủ trình độ tiếng Anh, không hiểu hết những nét văn hoá với nhau thì cũng chẳng mấy chốc lại đổ vỡ. Lúc đầu cô gái kia cũng chỉ vì tiền mà đồng ý chuyện làm đám cưới giả, đằng nào cũng ế, thôi thì làm đại một vố lấy số vốn để dựa dẫm thân già. Nhưng khi đưa được anh Thêm qua thì cô đổi ý. Anh Thêm tuy là người có tuổi nhưng nhìn vẫn còn sung mãn lắm. Anh có những nét duyên dễ khiến cho các cô gái xiêu lòng. Với cái tính gia trưởng của anh chắc chắn là chẳng bao giờ anh chấp nhận bị người khác chính phục. Anh chấp nhận là đi giải khuây với các cô gái qua đường chứ nhất định không chịu dính líu gì đến một mối quan hệ nào khiến anh phải xa vợ con mãi mãi. Cô gái vợ anh đang ra sức ép nếu anh không chịu chấp nhận chăn gối sẽ tố cáo lên sở di trú và anh lại bị trả về Thuỵ Điển. Nghĩ đến công lao vợ chồng đã lo lắng chạy vạy để được qua Mỹ, anh không muốn về lại Thuỵ Điển. Nếu có bị trục xuất anh cũng sẽ chẳng quay lại được Thuỵ Điển vì ở Thuỵ Điển anh chị cúng chỉ mới là thường trú nhân chứ chưa phải là công dân nên không chắc họ đã trả anh về Thuỵ Điển mà có thể sẽ bị trả về Việt Nam nơi anh bắt đầu ra đi. Tình thế như vậy nên anh cảm thấy cuộc sống quá ngột ngạt. Giá như cô gái kia không ra sức ép với anh biết đâu trong cái tặc lưỡi anh có thể làm liều mà quan hệ với cô ta, nhưng khi bị cô ta ra sức ép thì anh lại cảm thấy cần phải cảnh giác và cố giữ gìn.
- Thôi kệ đi anh ơi. Ai nắm tay tới tối, gối đầu tới sáng được đâu. Anh cứ làm đại đi cho êm chuyện. Vài năm nữa khi ổn định và đổi sang thẻ xanh vĩnh viễn thì anh vẫn ly dị được mà. Lúc đó anh quay lại làm thủ tục cho vợ con cũng được, đâu có muộn. - Không được em ơi. Em cứ nghĩ mà xem, thằng đàn ông nào chẳng muốn sinh hoạt vợ chồng nhưng con này càng nhìn nó anh càng cảm thấy ghê sợ. Anh không thể làm được chuyện gì đâu. Chẳng thà bắt anh quan hệ với con Mỹ đen anh còn cảm thấy có khi lại hứng thú, còn đằng này nó đang gây sức ép với anh hàng ngày thì làm sao mà anh làm cho được. - Thôi được anh đi với em.
Thấy anh đã ngà ngà say tôi không đi nữa mà gọi điện cho Fredy đến nhà. Theo đúng ra thì buổi chiều tôi sẽ đi gặp Fredy để cùng nó vui vẻ nhưng giờ tôi không thể đi được nên tôi gọi nó đến nhà. Chỉ một lúc sau Fredy có mặt tại nhà tôi. Tôi kể sơ qua tình hình cho Fredy nghe. Nó vốn là đứa biết lắng nghe người khác nên chỉ qua tóm tắt nó đã hiểu được tình thế. Nó nói sẽ nghiên cứu thêm lại luật để có thể tìm cách giúp đỡ cho anh Thêm. Thấy anh đã say, tôi dìu anh lên ghế sofa nằm nghỉ, tôi và nó cùng đi ra ngoài. Thằng Trung đòi đi theo bố nhưng tôi bảo Loan giữ con ở nhà vì tôi và Fredy còn phải đi để tìm cách giúp anh Thêm. Loan nhà tôi là như vậy, chẳng cần tìm hiểu nhiều, cũng chẳng bao giờ ngăn cản chồng đi đâu đó. Tôi cần đi trả bài với Fredy. Đã bao nhiêu tuần rồi tôi và nó chưa gần gũi nhau. Tôi chẳng nghĩ mình sẽ đem thân mình ra đổi cho chuyện của anh Thêm được nhưng tôi cũng thực sự thích cái cảm giác được Fredy chăm sóc. Tôi sẽ lại được thăng hoa mà chẳng cần tốn nhiều sức lực như làm chuyện đó với vợ mình. Nghĩ ra tôi cũng là một thằng đàn ông tồi tệ. Đối với Fredy, tôi đối với nó đã không chỉ còn là mối quan hệ thể xác nữa mà nó thực sự có tình cảm sâu nặng với tôi. Quan điểm về cuộc sống tình cảm của tôi về những người Mỹ Latin đã ít nhiều thay đổi. Họ rất dễ trong quan hệ thể xác nhưng cũng khá chân tình với những người mà họ thực sự yêu thương. Từ ngày biết tôi, Fredy cũng bớt dần những buổi tối đi Bar. Nó đã dọn ra thuê một căn nhà nhỏ, ấm áp chờ tôi đến mỗi tuần. Về Mỹ tôi kiểm tra lại tài khoản mới biết hàng tháng nó vẫn đều đặn chuyển tiền vào cho tôi. Tôi không thực sự quan hệ với nó chỉ dựa trên cơ sở tiền bạc mà trong tôi đã nhen nhóm chữ tình. Tôi cảm nhận được nó và tôi cũng cần có một nơi đi lại, vụng trộm.
|
Tôi nghiệm ra một điều, tình yêu làm thay đổi con người. Những người bình thường bỗng nhiên thay đổi, thay đổi từ cách ăn mặc, cách nói năng, cách làm dáng mỗi khi ra đường có thể tố cáo rằng người đó đang yêu. Nói đâu xa, ngay Fredy và tôi cũng vậy. Fredy thì thay đổi cũng lâu lâu rồi, kể từ khi nó cảm tình với tôi. Tôi thì cũng chỉ mới thay đổi kể từ ngày về lại bên Mỹ thấy nó vẫn quan tâm thì nhận biết được nó thực sự yêu mình. Từ ngày để ý đến tôi, Fredy thay đổi hẳn. Nó thích chăm chút cạo sạch bộ râu xanh rì của nó. Tôi thì thấy nó để râu đẹp hơn nhưng nó lại thích được như những người Á, ít râu, mặt nhẵn nhụi. Cái thằng đến lạ. Thực ra nó cạo cũng chẳng đỡ được bao nhiêu bới vì chân lông quá dày nên quanh miệng nó vẫn là một vệt xanh rì. Mà râu của nó có khi cừng hơn tóc nó nữa. Một là nó cạo thật nhẵn, hai là nó để dài thì không sao nhưng khi nó mới cạo được một hai ngày râu nó cà vào mặt thấy rát luôn. Nó bắt đầu chú ý đến hình thức ăn mặc. Trước kia nó luôn phải ăn mặc chỉnh tề vì dù sao làm ở văn phòng luật sư nên nó không thể cẩu thả như mọi người được. Giờ đây nó bắt đầu chú ý đến màu sắc quần áo hoặc luôn luôn chải tóc cẩn thận. Mặt nó lúc nào cũng ngời lên ánh rạng rỡ. Ngày trước tôi vẫn hiểu đơn giản là người ta chỉ làm đẹp trước người khác giới còn cùng giới với nhau cứ để mọi thứ buông tuồng cho dễ chịu. Tôi không thích nhìn những người đàn ông quá chải chuốt, đầu tóc lúc nào cũng láng o. Quần áo mặc cũng vậy, nếu như bảo tôi chọn giữa bộ quần áo cũ và bộ quần áo mới tôi chắc chắn sẽ chọn bộ quần áo cũ mà mình đã mặc nhiều lần con hơn bộ đồ mới. Mỗi khi mặc bộ quần áo mới tôi luôn có cảm giác khó chịu, thẹn thùng. Cả người tôi sẽ mất tự nhiên cứ căng cứng cả ngày vì cái cảm giác sẽ có nhiều người nhìn mình chăm chú. Điều mà tôi thay đổi trước Fredy đó là tôi chịu khó nhìn mình trong gương xem có chỗ nào lôi thôi thì chỉnh qua chút ít cho gọn gàng. Tôi vẫn không quen với cảm giác mặc đồ mới đi gặp ai bao giờ.
Fredy rất thích mua đồ về nhà ăn mỗi lúc tôi đến. Nó không thích đi ăn ngoài vì đi ăn ngoài không được tự do làm những điều nó thích. Vừa ăn nó vừa thích tôi thỉnh thoảng mớm thức ăn cho nó. Tôi thấy cảm giác đó ghê ghê thế mà nó vẫn nhận thức ăn từ miệng tôi ngon lành. Tỉnh thoảng nó thích ngồi lên lòng tôi ăn mặc cho tôi phản đối là chật chội thì nó vẫn thích. Nó thích tôi bồng nó lên giường ngủ. Nhiều lúc tôi cứ liên tưởng nó với thằng Trung nhà tôi. Chỉ có khác nhau là một đứa lớn quá còn đứa kia nhỏ. Có lần tôi giả bộ bị đau lưng khi bồng nó. Nó hoảng hốt định kêu bác sĩ. Tôi nói không sao chỉ cần tôi được nghỉ ngơi thư giãn là mọi chuyện đều OK. Nó vẫn băn khoăn nhiều lắm về cái lưng của tôi. Từ sau đó nó không dám đòi tôi bồng nữa. Cũng hay, một cách thoát khỏi việc bưng bê cái thân hình tròn lẳn của nó. Nó và tôi cùng giống nhau ở một điểm, khi lâm trận đứa nào cũng thích nhanh chóng lên đỉnh rồi nằm gối tay nhau thư giãn. Không biết sao mọi người cứ thích thời gian đó kéo dài làm gì chứ như tôi, đằng nào cũng lên, lên sớm sau đó nằm nghỉ còn sướng hơn việc cứ hì hục hết giờ này sang giờ khác. Một sự khác nhau nho nhỏ là mỗi khi xong trận bao giờ tôi cũng thích chợp mắt một lúc, cho dù chỉ hai ba phút gì đó nhưng nó thực sự là giúp tôi thư giãn hoàn toàn. Fredy thì khác, nó không bao giờ chợp mắt kiểu đó mà nó rất thích nằm và ngắm tôi ngủ. Nhớ có một lần bữa đó tôi quá mệt, sau cuộc chơi tôi ngủ thiếp đi đến hai chục phút, nó vẫn thức nhìn tôi ngủ. Không bao giờ nó khua tôi dậy. Nó rất thích ngắm tôi ngủ như thế. Bao giờ cũng vậy, cứ phải sau một cái chớp mắt như vậy thì tôi với nó mới bắt đầu câu chuyện.
Như thường lệ, sau khi tôi chợp mắt ngủ, Fredy vẫn thức để nhìn tôi. Sau vài phút tôi tỉnh dậy và bắt đầu câu chuyện về anh Thêm. Nó bắt tôi nhắm mắt nói chuyện với nó. Nó vẫn thích nhìn tôi nhắm mắt như lúc đang ngủ. Thôi thì chiều nó vậy. Tôi vừa nhắm mắt vừa kể về tình trạng anh Thêm cho nó nghe. Nó nghe và thỉnh thoảng cắt ngang hỏi một câu có liên quan đến những tình tiết hình như nó coi là quan trọng. Nó phân tích cho tôi nghe những điểm bất lợi từ phía anh Thêm. Anh không thể lấy lý do vì vợ quấy rối tình dục để ly dị được. Trên mặt luật pháp và đối với sở di trú, hai người ấy đang sống đúng pháp luật nhất là họ lại có tài sản chung là cái cửa hàng đang kinh doanh. Nếu đưa ra lý do là vợ luôn đòi hỏi tình dục thì chắc chắn sẽ lòi đuôi là hôn nhân giả. Bất lợi sẽ về cả hai phía. Vợ anh ấy cũng bị liên quan vì là người công dân mà dám dối gạt nhà nước, hơn nữa họ sẽ ghi vào background sau này có kết hôn thật cũng còn bị soi thật kỹ lưỡng. Còn về phía anh Thêm thì chắc chắn là sẽ bị trục xuất về nơi anh đến. Cách duy nhất là anh Thêm vẫn phải giả vờ đáp ứng nhu cầu của cô ta nhưng tuyệt đối không để dính bầu như vậy thì mới thoát được những liên đới sau này. Chắc chắn là tôi cũng sẽ phải khuyên anh Thêm theo kiểu đó thôi. Fredy nói sẽ cố gắng tìm cách giúp đỡ khi có đủ điều kiện.
Chẳng có cách nào khác anh Thêm buộc phải làm theo những yêu cầu của cô vợ hờ. Lúc thực hiện điều ấy anh mới biết cô ta vẫn còn là trinh nữ cho tới khi anh thực hiện nghĩa vụ của người chồng. Nghe anh kể lại những lần quan hệ tôi phì cười vì kế hoạch của anh. Vốn cũng là người có gia đình rồi nên chúng tôi hiểu nhu cầu của phụ nữ. Làm cho người phụ nữ chán cũng rất dễ, chỉ cần không quan tâm đến người ta, một mình lên đỉnh bỏ mặc đối tác ở phía sau, dưới chân núi là sẽ có cảm giác chán. Anh Thêm còn có cách khác là làm cho cô ta gần như leo đến đỉnh rồi bỏ rơi. Tôi thấy vừa mắc cười vừa thấy ông này cũng thật thâm hiểm. Giống đàn bà khi đã quen rồi còn đòi hỏi mạnh mẽ hơn cả đàn ông. Anh cứ lửng lơ như vậy khiến cho cô nàng phát điên. Một khi nhu cầu cao thì chắc chắn sẽ sinh vụng trộm. Cô vợ hờ của anh Thêm cũng chẳng mấy chốc mà sa vào vòng tay của gã thanh niên mới đến nhận việc chạy bàn. Họ bắt đầu vụng trộm với nhau. Tuy không có cảm tình gì với cô vợ hờ nhưng anh Thêm cũng phát ghen khi thấy cô ta bắt đầu hờ hững với mình. Cô ta đắc chí nhìn cảnh chồng bắt đầu ghen. Giá như những chuyện ghen tuông ấy mà đem lên sân khấu hài có thể thành những tiểu phẩm thật hay. Anh Thêm qua nhà tôi chơi, về muộn, cô vợ ở trong không chịu ra mở cửa cho chồng vào, đứng bên trong lên tiếng trách anh là đi ngoại tình. Anh chẳng biết làm sao mà nói cho lại với vợ được. Anh giả bộ chạy xe đi một quãng, dừng xe, lội bộ về nhà. Anh đứng từ ngoài ném đá vào cửa. Cô vợ nghĩ anh ta đã đi rồi, thấy có tiếng ném đá, chạy ra mở cửa xem ai phá nhà mình. Cô quan sát xung quanh, trời tối chẳng thấy gì cả, bước ra xa ngoài đường quan sát xem ai là người ném đá nhà mình. Anh Thêm thừa cơ đó lẻn vào nhà, đóng chặt cửa lại và cũng bắt đầu đúng như giọng vợ đã nói mình. Anh lên án cô là đi ngoại tình đâu đó đến khuya mới về. Cứ như vậy cãi qua cãi lại với nhau. Một người bên trong, một người bên ngoài. Cũng may, dân số ở Iowa không nhiều nên dân sống thưa thớt chứ nếu như ở Cali thì chắc chắn đã có ai đó kêu cảnh sát rằng có người quấy rối trật tự cũng nên. Nghe anh Thêm kể chuyện tôi cứ cười lăn ra. Cặp vợ chồng hờ này quả tình lắm chiêu.
Mấy tháng sau chiến dịch, cô vợ có bầu. Tôi trách anh là tại sao dặn không để dính bầu mà anh vẫn để xảy ra sự cố. Anh thanh minh với tôi rằng cái bầu đó dứt khoát là không phải của anh vì anh đã ký lưỡng lắm. Lần nào anh cũng bắn đạn vào nơi không có người thì sao nó là của anh được. Tôi trao đổi chuyện đó với Fredy. Nó nói rằng cứ bình tĩnh chờ khi nào đứa trẻ ra đời rồi tính tiếp. Và nó cũng không quên dặn anh Thêm là từ khi vợ dính bầu anh có thể làm việc thoải mái nhưng nhớ giữ gìn đừng để cho cô ta sảy thai. Toàn những chuyện tầm xàm. Tôi nghe lắm thấy cũng mắc mệt.
Đứa trẻ ra đời, Fredy nói anh Thêm có thể bắt đầu tính chuyện ly dị vợ. Anh đòi xét nghiệm DNA. Tất nhiên luật sư của anh chính là Fredy trong vụ việc kiện tụng này. Kết quả DNA cho biết anh Thêm không phải cha ruột đứa bé. Anh có quyền yêu cầu toà án cho phép ly dị. Mặc dù luật pháp Mỹ bênh vực phụ nữ nhưng trường hợp này đã quá rõ ràng về chuyện cô vợ ngoại tình nên anh Thêm vẫn có quyền ly dị và có thể tự làm việc đổi thẻ xanh một mình mà không cần sự đồng ý của cô vợ nữa. Ly hôn với nhau, do anh Thêm không phải là cha đứa bé nên anh không có nghĩa vụ phải chăm sóc đứa bé cho đến lúc 18 tuổi. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi. Như vậy là anh hoàn toàn được tự do mà không chịu ràng buộc nào khác nữa. Cửa hàng của anh do anh đứng tên hoàn toàn vì cô vợ lấy tiền nên anh lấy cửa hàng. Anh bắt đầu làm chủ một cơ ngơi kinh doanh cho riêng mình. Nhưng cũng vì vậy mà anh bận rộn hơn. Anh nhờ tôi hàng ngày ghé qua lấy phiếu đi mua đồ cho anh. Tôi lại có thêm cái job part-time. Anh Thêm nói tôi xin được về ở cái nhà kho lúc trước bố vợ tôi còn sống chúng tôi đã làm cho bố. Anh nói muốn như vậy để cho tình cảm anh em gần gũi thêm. Tôi bàn với Loan, Loan nhất trí vì cái kho đó để không cũng chẳng ích gì mà thỉnh thoảng lại phải dọn dẹp nữa. Vậy là anh về ở cùng vợ chồng tôi. Tôi có chỗ gửi con xuống ngủ với bác mỗi khi chúng tôi cần vui vẻ. Anh Thêm đã chính thức thành một thành viên của gia đình tôi như vậy. Anh cũng quý Fredy nhiều lắm vì trong trường hợp giúp anh, Fredy đã không lấy phí. Không biết từ bao giờ Fredy lại có thể học được cái cách xử sự của người Á nữa. Anh em chúng tôi gần gũi nhau hơn. Nhưng cũng từ khi anh Thêm về ở với vợ chồng tôi, gia đình tôi thêm một thói quen mới. Ngày chủ nhật tất cả chúng tôi đều nghỉ, có thể sẽ ở nhà nấu ăn cùng nhau và cũng có đôi khi cả gia đình đi đâu đó chơi cùng nhau. Một thói quen thực sự hay cho gia đình tôi. Vậy là gia đình tôi phình thêm ra. Mỗi khi đi chơi chúng tôi phải sử dụng ít nhất là hai xe mới đủ đi với nhau. Fredy cũng thành một thành viên trong gia đình tôi.
|
Từ ngày anh Thêm về ở chung, tôi và Henry có một chỗ uống trà mới. Lúc trước nhiều khi chúng tôi cùng nhau uống trà ngoài trời vì thỉnh thoảng hút thuốc nên không thể hút trong nhà được, nay thêm một con nghiện nữa nên anh em chúng tôi quyết đinh dời phòng trà xuống chỗ anh Thêm. Anh không phải ra cửa hàng sớm như lúc tôi đi làm nhưng anh hay dậy sớm lắm. Phần anh dậy sớm vì thói quen, phần khác anh cũng muốn chuẩn bị đầy đủ danh sách đưa cho tôi đi mua đồ nên anh em chúng tôi tụ bạ rất sớm. Anh quý Henry vì nó giúp tôi mà chẳng bao giờ tính toán. Nó gần như một đứa trẻ Việt Nam biết giúp cho mẹ. Anh Thêm quyết định mặc dù tôi chỉ đi mua đồ nhưng anh vẫn trả cho tôi đủ một phần lương như những người làm full-time tại cửa hàng. Anh nói người ngoài còn giúp đỡ được huống gì là anh em. Tôi phản đối vì anh cũng giúp tôi đưa và đón con tôi, như vậy là hoà nhưng anh không chịu. Cũng chẳng sao cả. Tôi đồng ý và chuyển hết số tiền đó cho Loan quản lý. Tôi vẫn có một khoản từ Fredy nên tài khoản cứ mỗi lúc một đầy lên.
Cũng thời gian đó chúng tôi quyết định sinh thêm con vì Loan cũng bắt đầu ổn định. Học phí của Loan cũng được tính như một in-state student nên cũng thấp, chi phí cho mọi khoản đều bớt đi nhiều. Đã đến lúc tôi muốn có thêm một đứa con để thằng Trung có anh có em. Nói thì dễ và nhanh như vậy nhưng cũng phải sau một năm sau khi đi Việt Nam về thì chúng tôi mới thực hiện được điều ấy. Từ tháng thứ ba, Loan không thích gần gũi nữa nên tự dưng tôi có cảm giác tủi thân. Nói mọi người đừng cười nhưng thực tế là như vậy. Tôi mong có thêm con nhưng khi chuẩn bị có con tôi lại có cảm giác tủi thân. Loan nói là giữ cho con an toàn nên tôi cũng phải chịu. Đang được gần gũi vợ hàng đêm, nay tôi bị đẩy ra làm tôi cảm thấy khó chịu. Tôi làm mặt giận dỗi, qua phòng Henry ngủ. Loan nói rằng ngủ chung vẫn được, chỉ cần giữ gìn đừng làm mạnh khiến cho động thai thôi. Nhưng chẳng thà bát tôi làm gì chứ nằm gần vợ mà không làm gì chịu sao được. Lúc đó tuổi lại còn trẻ nên nhu cầu của tôi đâu đã giảm. Thôi thì đành qua Henry để nó giải quyết giùm những vướng mắc còn lại vậy. Lấy ly do cần phải làm thêm để có thu nhập thêm trước khi con ra đời, tôi lại lấy lý do đi làm đêm thêm để đến với Fredy. Trước kia tôi đi làm một hai đêm một tuần nhưng nay thì hơn thường thì một tuần hai đến ba tối ra khỏi nhà. Chẳng mấy ai ngờ vì chuyện tôi đi làm đêm. Tôi có thời gian gần gũi Fredy nhiều hơn. Phải nói rằng trong suốt thời gian vợ mang bầu, tôi gần như dành trọn thể xác cho Fredy. Những ngày ngủ ở nhà, tôi vẫn ngủ với Henry nhưng với lý do làm việc nhiều nên tôi cũng chỉ cho nó hưởng sơ sơ còn đâu vẫn dành trọn cho Fredy. Càng ngày tôi càng có cảm tình với nó. Bề ngoài nó khác xa Bính của tôi nhưng tâm hồn nó thì quả thật giống Bính. Nó luôn chăm sóc cho tôi từng ly từng tí. Nhiều lúc suy nghĩ tôi thấy nó hình như không phải là gốc Mỹ Latin vì nó suy nghĩ và hành xử như một người Á đông vậy. Một điều nữa có lẽ cũng nên chia sẻ với mọi người để cùng chiêm nghiệm. Con người ta khi yêu hình như nó không chỉ làm thay đổi bên ngoài mà ngay bên trong tâm hồn thay đổi nhiều nên sắc diện trông cũng thay đổi hẳn. Các nhà khoa học có giải thích là khi yêu thì lượng nội tiết tố gì đó tăng thêm khiến người ta thay đổi từ làn da đến sắc diện, đến nhịp sống hàng ngày. Tôi chẳng biết điều đó có đúng không nhưng quả tình Fredy thay đổi nhiều thật. Làn da nó mỡ màng hơn, nét mặt lúc nào cũng tươi roi rói. Nó bỏ luôn cái chuyện đi bar và chơi gái như lúc trước. Với nó bây giờ chỉ có tôi là duy nhất. Tôi cũng cảm thấy gần gũi nó hơn. Nếu như lúc trước tôi đến với nó vì những ân tình nó làm cho mình và có phần nào đó không được thoải mái nhưng giờ này tôi đến với nó bằng cảm xúc thực sự. Rất nhiều lần tôi lộn đường sau giờ làm. Thay vì chạy về hướng nhà thì tôi chạy về hướng căn hộ nơi tôi và Fredy gần nhau mỗi đêm.
Fredy muốn tôi nghỉ bớt việc giao thư và về phụ cho văn phòng luật sư của nó. Tôi phản đối vì như vậy tôi cảm thấy như mình sắp sửa bị trói buộc và rồi ngày nào cũng nhìn thấy mặt nhau dễ gây đến cảm giác nhàm chán. Hơn nữa về văn phòng mà ngồi đọc hàng đống hồ sơ với cái vốn tiếng Anh nửa vời của tôi thì chắc chắn là mệt lắm. Với tôi công việc hiện tại lúc đó đã làm tôi thoả mãn rồi. Fredy cũng muốn tôi đi học thêm để sau này có được công việc tốt hơn. Tôi thấy công việc tôi đang làm thực sự là thoải mái. Tất nhiên phải dậy sớm một chút nhưng dù sao tôi cũng đã quen rồi. Tôi đi làm cũng thực sự là thoải mái, thời gian tiếp xúc với các đồng nghiệp không có nhiều, chỉ thỉnh thoảng gặp nhau lúc đi nhận báo, nhận thư chào nhau mấy câu xã giao, phần còn lại của cả ngày làm việc tôi được tự do lái xe thoải mái đi nơi này nơi kia. Giờ mà bắt tôi ngồi một chỗ và đọc những chồng hồ sơ chắc chắn là không bao giờ tôi chịu được. Ngôn ngữ tôi sử dụng là thứ ngôn ngữ đường phố nhiều hơn là ngôn ngữ hành chính. Fredy nói cách nào tôi cũng không nghe. Nó có vẻ buồn một chút nhưng tôi phải là tôi mới được. Tôi phải là một streetboy chứ không thể là office-boy. Có xích mích với nhau một chút về quan điểm sống như cuối cùng Fredy cũng phải nghe tôi. Tôi vẫn rong ruổi trên từng nẻo đường và thỉnh thoảng ban đêm lại về cùng chơi trò vợ chồng với Fredy.
|