Đời Trai Bao
|
|
Gần đến ngày đi, gia đình tôi có một rạn nứt. Thực ra tôi biết mối rạn nứt ấy có thể xảy ra bất cứ khi nào vì cuộc sống vốn có những bí mật và khi bí mật giữa hai vợ chồng xảy ra thì đó là khi rạn nứt xuất hiện. Thay vì giữ kín trong im lặng để có khi nó qua đi nhưng cũng có khi nó sẽ xảy ra tồi tệ nhưng tôi chủ động đưa nó ra cho Loan biết. Tôi biết mình không phải là một người chồng thuỷ chung nhưng tôi có thể nói mình vẫn là một người chồng tốt. Tất cả mọi chuyện tôi làm đều là vì gia đình. Nói dài dòng có khi mọi người không hiểu chuyện gì đang xảy ra nhưng ngắn gọn lại là trước khi đi Cali tôi có tâm sự cho Loan biết về quan hệ của tôi và Fredy. Sự vụng trộm giữa tôi và Fredy không phải là khoảng thời gian ngắn, tôi luôn canh cánh trong lòng vì những gì làm sau lưng vợ con. Tôi đã nhiều lần dặn mình rằng sẽ nói chuyện cho Loan biết nhưng quả tình sao lúc nào cũng cảm thấy khó khăn. Đã dự đoán trước khi nghe tin đó Loan sẽ rất sốc và giận tôi nên tôi chuẩn bị tâm lý rất nhiều trước khi nói. Trái hẳn với những dự tính của tôi, khi nghe chuyện tôi nói xong Loan chỉ im lặng. Một câu cũng không thấy Loan thốt ra. Tôi nằm bên lắng nghe những gì đang xảy ra. Không một tiếng thở dài, không một câu than vãn, không một biểu hiện của sự đột ngột. Tôi nghĩ Loan đang ngủ:
- Em nãy giờ em có nghe anh nói không? - Có em đã nghe tất cả những gì anh nói. - Sao em không nói gì? - Em xin anh để em yên. Em không muốn nói bất cứ điều gì trong lúc này cả.
Tôi vẫn lẵng nhẵng bám theo Loan để mong Loan nói ra những suy nghĩ của mình. Loan trở dậy và đi ra ngoài. Một lúc lâu cũng không thấy Loan trở vào, tôi trở dậy bước ra ngoài tìm Loan. Loan đang ngồi ngoài bộ bàn ghế nơi tôi và Henry vẫn thường ngồi uống trà trước khi đi làm. Từ phía sau tôi thấy bờ vai Loan đang rung lên từng chặp. Tôi biết chắc Loan đang khóc một mình. Bước đến gần, tôi quàng tay ôm lấy vai Loan.
- Anh để em yên một lúc được không? Anh nghĩ em đang khóc à? Em chẳng còn nước mắt để khóc nữa đâu. Em đang cảm nhận cái lạnh mà thôi. - Em có bỏ qua cho anh được không? Có gì anh đã nói em tất cả rồi. - Em không có quyền phán xét anh. Em cũng chẳng có quyền bỏ qua hay chấp nhận những chuyện anh đã làm. Em chỉ muốn biết là ngoài Fredy ra anh còn có những mối quan hệ nào tương tự như vậy nữa hay không? - Em hiểu anh mà, anh có làm chuyện gì thì anh vẫn yêu em và các con. - Em biết và em cũng thừa nhận là anh luôn làm mọi thứ cho mẹ con em. Có những lúc em đã suy nghĩ và tự hỏi là tình cảm của anh dành cho những ai, nhưng lúc nào em cũng nghĩ rằng tình cảm đó anh luôn dành cho mẹ con em. Lúc trước em có hỏi anh về tình cảm của anh và Henry anh khẳng định không có gì, khó khăn lắm nhưng em cũng phải chấp nhận đó là câu nói thật của anh. Em cũng lờ mờ đoán được tình cảm của anh dành cho Fredy nhưng em phải cố tự ghìm nó xuống. Giá như lúc trước anh nói thật với em thì chắc là em sẽ không thất vọng như bây giờ. - Em vào nhà đi, chúng mình sẽ nói chuyện trong nhà, ngoài này em sẽ bị lạnh.
Loan theo tôi vào nhà. Bằng mọi cách để tôi biết được ý nghĩ của Loan nhưng vẫn hoàn toàn vô vọng. Loan vẫn không chịu nói những suy nghĩ cho tôi biết. Tôi hiểu, với những gì mình gây ra khó có thể làm Loan bình tĩnh hơn được nhưng quả thật sự cân não mà Loan dành cho tôi là quá sức. Đầu óc tôi như muốn nổ tung. Loan vẫn bình tĩnh chơi trò mèo vờn chuột. Loan vẫn cảm ơn tôi vì những gì tôi đã làm cho gia đình. Loan còn nói rằng tất cả do tôi quyết định. Tôi quyết định như thế nào Loan cũng sẽ theo quyết định đó mà không hề phản đối. Kể từ khi lấy nhau, đây là lần đầu tiên vợ chồng tôi mâu thuẫn. Nói đúng ra cũng không hoàn toàn mâu thuẫn vì Loan có đối đầu với nó đâu. Tôi như kẻ mất phương hướng. Loan cao thủ hơn tôi nghĩ rất nhiều. Sự im lặng và những câu nói nửa vời của Loan khiến tôi mệt mỏi nhưng tôi vẫn dặn lòng sẽ cố gắng bình tĩnh không gây ra những tổn hại tiếp theo. Rồi sự mệt mỏi ấy cũng đưa tôi đến giấc ngủ. Một giấc ngủ mệt mỏi, đầy mộng mị. Trong mơ tôi thấy Loan ra đi đem theo hai đứa con của tôi. Tôi cố gắng chạy theo nhưng cả thân tôi hoàn toàn bất lực.
Những ngày sau đó Loan vẫn như vậy. Không có biểu hiện gì thêm, không buồn phiền, không trách móc. Tôi chắc những thứ tình cảm như vậy đều có trong Loan nhưng do Loan khéo dấu kín mà thôi. Còn tôi thì từ vai trò một kẻ chủ động, tôi đã thành một kẻ bại trận hoàn toàn. Đầu óc tôi luôn mụ mị, tôi không thoát được những viễn cảnh mà Loan dành cho tôi. Đem theo tâm trạng ấy tôi đi làm. Tôi cứ như một kẻ không hồn, làm công việc quen thuộc như một cái máy, chẳng biết mình đi đến những đâu và làm cái gì nữa. Tôi giống như một kẻ mộng du trong lúc thức. Bữa cơm gia đình tôi ngồi ăn như một con bò nhai rơm. Các con tôi vẫn hoàn toàn vô tư. Chúng vẫn muốn trèo lên vai tôi đi nhông nhông. Tôi làm như một cái máy.
Đến ngày thứ ba, chịu không được nữa, tôi chạy đến chỗ Fredy và nói lại mọi chuyện cho Fredy biết. Hình như ở những người đàn bà và những người có trái tim đàn bà đều cứng rắn như nhau. Họ biết kiềm chế tình cảm tốt hơn cánh đàn ông. Fredy nghe chuyện tôi nói với một thái độ bình tĩnh hệt như cái kiểu bình tĩnh của Loan đã dành cho tôi.
- Tại sao anh lại nói những chuyện ấy ra. Em đã quyết định sẽ giữ kín chuyện này và cho nó vào dĩ vãng kể từ khi anh cho em biết là cả nhà sẽ dọn qua Cali rồi. Không ngờ anh lại có thể làm chuyện rối tung lên như vậy được. - Anh không muốn dấu Loan. Anh biết là trước sau gì anh cũng sẽ nói mọi chuyện cho Loan biết. Anh nghĩ tình cảm em dành cho anh là một tình cảm đáng được trân trọng. - Cảm ơn anh nhưng đáng lẽ anh nên giữ nó trong im lặng. Giờ anh đã làm chuyện xảy ra như thế này thì tuỳ anh giải quyết. Em cũng chẳng có ý kiến gì khác đâu. Anh làm gì em cũng tôn trọng miễn là anh cảm thấy thoải mái.
Hai con người tôi hằng yêu quý đang đẩy tôi vào một thế mà tự tôi chẳng biết sẽ làm thế nào. Đó là những ngày tháng nặng nề nhất cuộc đời tôi. Tôi giống như một kẻ mộng du, tôi là một tên tội đồ, tôi là một kẻ lừa dối... Tất cả những gì xấu xa đều dành cho tôi. Có thể khi nghe những điều này có bạn sẽ lên án tôi rằng tại sao lại ngu si đi nói chuyện mà chưa ai biết ra để rồi cuối cùng chuốc lấy những sự căng thẳng. Nhưng tôi là như vậy, những gì làm tôi đã làm, cuộc đời nó là những trang sách nhưng những trang sách ấy không thể lật trở lại những trang trước mà quên đi những trang sau được. Tôi cứ ở trong tâm trạng vờ vật như vậy trong mấy ngày liền. Không soi gương nhưng tôi biết chắc bộ dạng, hình hài tôi lúc đó xốc xếch chẳng kém gì một gã vô gia cư. Đầu óc tôi lúc đó trỗng rỗng, tôi cũng chẳng nghĩ đến cách năn nỉ Loan hay bất cứ điều gì tương tự như vậy nữa. Tôi đã trở thành một cái xác không hồn. Đến ngày thứ 7 kể từ khi tôi kể cho Loan nghe câu chuyện, Loan hỏi tôi:
- Giờ anh tính như thế nào? - Anh chẳng có tính toán cái gì cả. Mọi chuyện anh đã thú nhận với em. Anh không mong em tha thứ, anh cũng chẳng có gì đề nghị em làm vì anh chẳng xứng đáng được như vậy. Anh đã thành thật với bản thân, thành thực với em, với các con. Giờ đây em quyết định như thế nào anh cũng chấp nhận. - Kể cả nếu như em đề nghị chúng mình chia tay? - Anh cũng đành nghe. Anh chỉ xin em một điều là cho anh cùng chăm sóc con cái với em. Anh sẵn sàng ra đường một mình và chỉ quay lại chăm sóc con mỗi ngày thôi. - Anh đã quyết định như vậy? - Anh nghĩ kỹ rồi. Anh xứng đáng bị như vậy. Em quyết đinh luôn đi, anh sẽ thi hành ngay tức khắc. Em sẽ không phải nhìn thấy anh mỗi ngày nữa. Nếu cứ ở trong tình trạng này thì cả em và anh đều mệt mỏi. Em không cần quyết định nữa đâu. Ngay ngày mai anh sẽ dọn ra ngoài để em và các con được yên. - Anh sẽ đi đâu? - Đừng lo cho anh, anh sẽ có nơi để đi. Em yên tâm anh cũng chẳng đến chỗ Fredy đâu. Anh sẽ một mình làm lại từ đầu.
Đời nhiều khi cứ là đời. Tôi chẳng hiểu những gì đang xảy ra trong đầu Loan. Tôi chẳng có thể đoán biết được ý nghĩ nào từ cái vẻ mặt lạnh băng không biểu cảm của Loan. Cho đến lúc tôi tuyệt vọng nhất và buông xuôi thì Loan lại đưa ra cho tôi những quyết định mà tôi chẳng bao giờ nghĩ đến:
- Em cảm ơn anh đã thực lòng với mẹ con em tuy rằng sự thực lòng ấy đến hơi muộn. Anh biết là với em bây giờ anh là tất cả. Em chẳng còn ai thân thuộc trên cõi đời này nữa. Từ lâu anh là chỗ dựa duy nhất cho mẹ con em. Bao nhiêu sóng gió đi qua, anh đã bên em, giúp em vượt qua tất cả. Anh đã thay em làm tất cả những công việc gia đình. Anh lo cho bố mẹ còn tốt hơn những gì em có thể làm. Anh nghĩ rằng em không biết gì về tình cảm của anh dành cho những người khác hay sao? Em biết tất cả, bắt đầu từ chuyện anh Tiến. Em biết rằng trái tim anh đa cảm, anh dành tình cảm cho người này, người khác nhưng điều tốt nhất là điểm cuối cùng bao giờ anh cũng dành cho mẹ con em. Em biết là khó có ai trói chặt được cuộc đời của một người đàn ông với mình từ đầu đến cuối cuộc đời. Ai cũng có lúc sa ngã. Cuộc đời là như vậy nhưng quan trọng sau những lần vấp ngã ấy người ta sẽ như thế nào mà thôi. Em sẽ chẳng để cho anh ra đi trừ khi đó thực sự là mong muốn của anh. Từ lâu em đã học cách chấp nhận rồi. Em mừng nhất là anh đã nói thật với em. Như vậy cho em biết rằng anh vẫn còn yêu mẹ con em. - Anh ngàn lần không muốn xa mẹ con em. Em và các con là cuộc đời của anh.
Tôi không nghĩ rằng Loan lại có thể tha thứ cho tôi một cách nhẹ nhàng như vậy. Thật là khó hiểu với đầu óc phụ nữ. Họ nghĩ gì, làm gì khó biết trước được. Giá như là tôi chắc chắn tôi cũng sẽ buông xuôi giống như ý nghĩ trong đầu tôi những ngày ấy. Đêm hôm ấy tôi và Loan lại xoá bỏ mọi khoảng cách. Sau một thời gian rất dài, tôi cảm nhận được lần ấy tình cảm tôi dành cho Loan đến mức nào. Tôi và Loan cùng rã rời trong hạnh phúc.
|
Đàn bà và đàn ông là những sinh vật rất lạ. Họ sinh ra mang dấu trái nhau và luôn hút nhau về với nhau. Tất cả những gì khó khăn khi giải quyết bằng lời thì lại rất dễ khi giải quyết bằng hành động. Những gì nếu không đạt được thông qua sự thương thuyết bằng lời nói thì hãy đưa những hành động bản năng ra, có thể nó sẽ hiệu quả gấp nhiều lần và cũng có thể nó sẽ tan tành thành mây khói. Đằng nào cũng được vì cuối cùng cũng là để giải quyết một vấn đề, một mâu thuẫn. Viết những dòng này ra tôi không có ý định nói xấu người vợ yêu dấu của mình nhưng đó là kinh nghiệm quan sát của bản thân. Loan của tôi không hèn như một con người chỉ biết có nhục dục nhưng dẫu sao Loan cũng vẫn là một con người và con người thì luôn có bản năng sinh vật trong mình. Từ ngày lớn lên, quen biết và lấy nhau Loan chỉ có biết mình tôi là duy nhất. Không phải tôi quá lạc quan nhưng đó là tất cả những gì tôi quan sát được từ cuộc sống vợ chồng. Sau cái đêm rã rời ấy, tình cảm của tôi và Loan mặn nồng hơn lên. Loan chia sẻ với tôi tất cả những gì đang suy nghĩ trong đầu. Loan trách tôi nhiều lắm nhưng chưa bao giờ muốn mất tôi. Tận sâu cùng của trái tim Loan là sự ghen tức mỗi khi nghĩ đến việc một ai đó chia sẻ tôi với Loan. Loan thấy tôi hết sức tội nghiệp khi nói rằng sẽ chịu tất cả sự phán quyết từ Loan. Đã bao nhiêu lần cảm giác ghen bừng lên trong Loan nhưng Loan lại vẫn giữ vững được tình cảm. Điều đơn giản nhất là Loan quan sát cuộc sống của tôi đối với gia đình. Điều khiến Loan muốn gắn bó cả cuộc đời với tôi là do tôi sống vì gia đình, tất cả những lăng nhăng bên ngoài như thế nào thì tôi vẫn tìm về với gia đình như một nơi nương tựa cuối cùng. Tôi đã sống như vậy thật. Tôi vẫn phản bội Loan nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ rằng mình sẽ xa rời Loan và các con. Sai lầm thì tôi vẫn mắc, mắc chồng chất. Đầu óc tôi chắc có vấn đề hay tại Loan chiều quá mà tôi sinh hư, tôi cũng chẳng biết lý do là vì sao nữa. Mỗi khi tôi chuẩn bị mắc sai lầm tôi vẫn biết, nhưng tất cả chỉ tại cái chậc lưỡi làm liều. Hình như tôi sống hơi bản năng quá, tôi chẳng biết kiềm chế những đòi hỏi thể xác như thế nào. Cái gì đến tôi cũng chấp nhận. Có hai thứ bản năng lúc nào cũng mạnh mẽ trong tôi: bản năng giống đực và bản năng làm bố. Tôi tự nhận thấy rằng với tôi, các con luôn là một điều thiêng liêng mà không bao giờ tôi muốn dứt bỏ. Tôi đau mỗi khi con tôi đau, tôi vui mỗi khi con tôi khoẻ mạnh, nô đùa. Những ai chọc giận tôi bằng việc chạm đến các con tôi là điều tối kỵ nhất. Tôi sẵn sàng vùng lên bằng bất cứ giá nào cũng phải bảo vệ con.
Người duy nhất trong đời mà tôi thổ lộ hết những bí mật cuộc đời chính là Loan. Với bố tôi tôi vẫn có khoảng cách nhưng với Loan tôi giống như một đứa trẻ đứng trước người mẹ nghiêm khắc. Nhưng cũng giống như đứa trẻ, tôi thú nhận những sai lầm để rồi lại tiếp tục những sai lầm khác vì cũng giống như tâm lý của những đứa trẻ, người mẹ dù có nghiêm khắc bao nhiêu thì cuối cùng cũng vẫn sắn sàng tha thứ cho con cái. Chẳng biết tôi nói như vậy có quá lắm hay là hạ thấp vị trí của tôi đối với Loan nhưng đó thực sự là những gì tôi suy ngẫm trong đầu. Đã có lần Loan kết luận về tôi:
- Anh mà là đàn bà chắc một năm anh phải vào bệnh viện phụ sản ít nhất là ba bốn lần.
Đừng lên án tôi vì cho dù có lên án tôi thì tôi cũng vẫn như vậy. Người quản lý tài ba của tôi là Loan mà vẫn phải chấp nhận dành cho tôi những khoảng lặng mà. Nhưng không phải là tôi chấp nhận tất cả những ai muốn đến với tôi chỉ vì cái nhục dục của con người đâu. Tôi chỉ đến với những ai mà tôi thực sự có tình cảm còn những ai bằng cách này hay cách khác chiếm đoạt cơ thể tôi cũng chỉ là bằng không. Tôi đã dành tình cảm cho ai thì cho dù thế nào cũng không thay đổi được. Bằng chứng là việc tôi hết lần này đến lần khác phản bội Loan nhưng điểm đến cuối cùng của tôi vẫn là Loan. Hình như tôi đang nguỵ biện một cách thái quá. Thôi là cái gì cũng được, chỉ biết rằng tình cảm của tôi dành cho Loan và các con luôn là mối quan tâm lớn nhất của cuộc đời tôi.
Quay lại việc gia đình dọn qua Cali. Sau sự rạn nứt được hàn gắn, hai tuần sau đó thì chúng tôi chính thức chuyển gia đình. Một điều không ngờ là Loan lại động viên tôi đến với Fredy trong những ngày tháng cuối cùng trước khi rời khỏi Iowa. Loan nói rằng là đàn bà Loan hiểu cảm giác người phụ nữ cần chồng bên cạnh như thế nào. Fredy cũng cần tôi như vậy, mặc dù chưa bao giờ Fredy là vợ chính thức của tôi. Loan nói rằng tất cả những gì Loan hiểu về Fredy là do kiến thức trong quá trình học ở trường. Cũng cần nói luôn là trong quá trình học hoàn thiện văn bằng, Loan có theo học thêm một khoá về nhân viên công tác xã hội. Những gì khi học chỉ là lý thuyết thì Loan được dịp trải nghiệm bằng cuộc sống thực tế. Loan hiểu tôi và biết chắc rằng chẳng bao giờ mất tôi nên đã động viên tôi đến với Fredy để bù đắp những gì thiếu thốn trong tình cảm của Fredy. Lúc đầu tôi cũng phản đối quyết định ấy của Loan nhưng Loan bình tĩnh giải thích với tôi mọi điều. Fredy cần tôi nhưng chưa bao giờ làm hại đến gia đình tôi. Cái thứ tình cảm mà Fredy dành cho tôi còn cao hơn cả tình yêu. Theo Loan nếu đó là thứ tình cảm bình thường thì chắc chắn là Fredy sẽ chiếm tôi bằng mọi cách mà không bao giờ nghĩ đến sự toàn vẹn của gia đình chúng tôi. Fredy đã vượt lên tất cả để giúp gia đình tôi có được cuộc sống hạnh phúc và bền vững. Tôi không ngờ Loan lại có thể suy nghĩ đến được những điều sâu xa như vậy. Có lẽ Loan phải là đàn ông mới đúng. Loan là đàn bà nhưng cách mà Loan xử sự bao giờ cũng mang tính mạnh mẽ, hơn cả những người đàn ông tầm thường. Cái cách trói người của Loan quả thật rất cao tay. Loan nói rằng nếu tôi chấp nhận đến với Fredy thì Loan cũng sẽ đồng ý vì Loan nghĩ rằng Loan sẽ không giữ một người chỉ bằng thể xác mà Loan muốn giữ một con người với đầy đủ thể xác và tâm hồn. Loan sẽ không giữ tôi nếu trái tim tôi hoàn toàn thuộc về người khác. Nhiều khi tôi chẳng biết Loan thuộc về diện người như thế nào nữa. Cho đến lúc ấy tôi lờ mờ hiểu những điều bố tôi ngày trước đã nói với tôi về Loan rằng Loan sẽ là người rất khổ trong cuộc đời. Có lẽ tất cả những gì Loan khổ là vì tôi chứ không phải vì bản thân Loan. Tôi dám chắc nếu ai đó gặp tôi mà không phải là Loan thì chắc chắn họ sẽ bỏ tôi lại giữa cuộc đời và cuộc đời của tôi trôi về đâu họ cũng chẳng cần quan tâm. Thì ra bố đã quan sát tôi nhiều hơn quan sát Loan. Bố biết bản thân con của bố không hoàn thiện và cần một người để nâng đỡ, người đó chính là Loan.
Fredy rất ngạc nhiên với quyết định của Loan cho tôi đến với Fredy. Lúc đầu Fredy cũng phản đối nhưng sau đó bản năng con người chúng tôi lại lặn ngụp trong các trò chơi tình ái. Một điều làm tôi vô cùng ngạc nhiên nữa chính là khi Fredy quyết định đến gặp Loan. Fredy đã nói chuyện cùng Loan về tôi. Lại một lần nữa tôi thành một kẻ ngu ngốc. Fredy cảm ơn Loan vì những gì Loan đã thông cảm với Fredy, với cuộc sống lệch lạc mà Fredy đang phải chịu. Tự dưng từ hai người tưởng như là thù địch họ đột ngột thành những người tri kỷ với nhau. Fredy sẽ thay chúng tôi quản lý công việc và thu nhập cũng như thanh toán các khoản tiền vay ngân hàng tại Iowa để chúng tôi yên tâm dọn qua Cali. Tôi thấy Loan và Fredy như trở thành chị em thân thiết. Có những lúc họ xì xầm gì đó sau lưng tôi mà tôi biết chắc là họ đang tính kế quản lý tôi. Có ai dám nghĩ rằng một ngày nào đó bỗng dưng thành chồng của một người đàn bà và một người đàn ông không? Tôi đang trong trạng thái đó. Tuy rằng cái quan hệ gia đình kiểu như tôi không được ràng buộc bởi luật pháp nhưng cái cách mà Loan và Fredy đang đối xử với nhau thì tôi đúng là dạng đàn ông hai vợ. Loan và Fredy lại tất bật chuẩn bị cho chuyến đi của gia đình tôi trong khi tôi thành một người thừa. Tôi vẫn lo công việc của mình là đi làm và chơi cùng các con. Việc đóng gói, dọn dẹp tôi chẳng biết đụng vào thứ gì nữa. Mà chắc tôi có đụng vào cũng chỉ gây rối thêm mà thôi.
Trước ngày đi Fredy có thông báo cho tôi biết rằng trường hợp của anh Thêm cũng sắp hoàn tất. Chắc khoảng mấy tháng nữa là đến lịch phỏng vẫn của đại sứ quán bên kia với vợ và con anh. Fredy dặn thêm tôi rất nhiều việc khi về Cali trao đổi cụ thể với anh Thêm. Tôi thấy mừng cho anh nhiều lắm. Không chỉ trao đổi những việc cho anh Thêm mà Fredy còn đưa cho tôi thông tin liên lạc có ích khi sống ở Cali nữa. Fredy nói với tôi rằng tôi đang sở hữu một người đàn bà cực kỳ tốt và hiếm ở trên đời và dặn tôi đừng bao giờ ngu ngốc để đánh mất người ấy. Điều này chắc chắn là Fredy không dặn tôi cũng sẽ làm.
Về Cali được hai tháng, chúng tôi chính thức đứng tên mua nhà. Căn nhà mà chúng tôi mua bên Cali không lớn như bne Iowa vì nhà cửa bên này mắc hơn bên kia rất nhiều. Tuy nhiên căn nhà cũng có ba phòng ngủ và nó nằm ở thành phố mà tôi gắn bó đến bây giờ. Thành phố tôi dọn đến và mua nhà là một thành phố có tiếng là không an ninh nhưng bù lại nhà cửa ở đây rẻ hơn các nơi khác nhiều. Tôi không nghĩ rằng một ngày nào đó tôi lại sống ở một thành phố đầy rẫy nhưng tôi phạm, nó giống Hải Phòng tới mức đôi khi tôi nghĩ đấy chính là Hải Phòng quê tôi. Nơi tôi ở là một thành phố cảng lớn có tiếng không chỉ của Cali mà cũng có tiếng trên đất Mỹ. Ở đâu cũng vậy, chính những nơi mang tiếng khốc liệt nhất lại có những khoảng bình yên. Nơi tôi sống hoàn toàn thấy bình yên. Hàng xóm láng giềng cũng là những người tốt. Khu tôi sống chủ yếu là dân gốc Latin. Có một điều tôi muốn chia sẻ cùng mọi người về những sắc dân bên này. Người Á luôn sợ dân Mỹ đen nhưng lại không sợ dân Mỹ Latin, dân Mỹ Latin không sợ dân Mỹ đen nhưng lại có ý nể dân Á. Còn về dân trắng thì khỏi nói, họ tránh xa tất cả những sắc dân khác, ai đó sống giữa các dân khác, người đó đã va chạm nhiều và họ chấp nhận tất cả. Những kẻ hay quấy rối và gây ra nhiều rắc rối chính là dân Mỹ đen, nhưng khu tôi sống chủ yếu là dân Mý Latin nên gần như dân đen không mấy khi lảng vảng tới khu này quấy rối. Dân Mỹ Latin sống khá hoà đồng, có những nét hao hao như ngừơi Á. Họ chỉ sống bạt mạng hơn người Á mà thôi. Sống hôm nay biết hôm nay, sống ngày mai biết ngày mai. Họ thích nhất là tiệc tùng. Cứ cuối tuần là lại tụ tập nhau lại tổ chức tiệc tùng, mở nhạc và nhảy nhót rồi uống bia với nhau đến tận khuya. NHững điều đó không hề làm phiền chúng tôi.
Nhà có ba phòng ngủ nên chúng tôi bắt đầu cho hai đứa con ngủ riêng. Anh Thêm cũng dọn về ở cùng chúng tôi vì nhà vẫn còn một phòng dư nữa. Anh không muốn mua nhà vì còn dành tiền cho kinh doanh. Lúc mới dọn về tôi đi làm cùng anh Thêm vì chưa xin được việc ở đâu cả. Nói là đi làm nghe có vẻ quan trọng nhưng chủ yếu là tôi cùng anh Thêm đi mua đồ cho thợ làm là chủ yếu vì anh vẫn không tự tin khi giao tiếp với người bản xứ. Ban ngày đi mua đồ, tối tôi tranh thủ ghi chép sổ sách những khoản chi phí giúp anh. Thằng Trung nhà tôi được gần bác Thêm nó thích lắm, ngày nào cũng đòi qua ngủ với bác. Robert thấy anh chơi thân với bác Thêm thì cũng bắt đầu làm quen với bác. Tôi và Loan lại một lần nữa rảnh tay lo việc các con. Buổi tối ba bác cháu chơi với nhau trong khi tôi giúp anh làm sổ sách, Loan thì tập trung ôn để thi lấy lisence làm việc ở Cali. Tôi không ngờ rằng cái chứng chỉ về xã hội khi học ở Iowa lại có tác dụng cho Loan. Loan chính thức trở thành nhân viên xã hội sau kỳ thi khảo hạch. Loan được nhận vào làm cho chi nhánh an sinh xã hội của quận hạt nơi tôi ở. (Quận hạt bên Mỹ là bao gồm nhiều thành phố, nó lớn hơn cấp thành phố và chịu sự quản lý trực tiếp từ tiểu bang. Địa phận của quận hạt được phân bổ theo số dân, tôi cũng chẳng biết tiêu chuẩn là bao nhiêu dân thì sẽ thành một quận hạt nữa). Công việc của Loan ổn định dần, Loan có năng lực làm một nhân viên xã hội thực sự. Chỉ sau 6 tháng Loan đã chính thức được công nhận là một nhân viên xã hội chính thức. Tôi thì vẫn rong ruổi cùng anh Thêm theo các công trình. Sau sáu tháng chuyển sang Cali, anh Thêm nhận được thông báo từ Fredy là vợ và con anh đã được đại sứ quán chấp thuận và cấp visa qua Mỹ theo diện đoàn tụ. Anh mừng lắm và tôi cũng mừng cho anh. Ngày đi đón vợ con anh tôi cũng đi cùng, Loan ở nhà nấu nướng để đón chị. Anh chị quyết định sẽ ở cùng chúng tôi. Vậy là ba đứa con (hai của tôi và một của anh) sống cùng nhau trong một căn phòng ngủ. Nhà tôi như một khu gia binh. Thằng Robert nhỏ nhất nên có lúc đòi qua ngủ với bác Thêm, nhiều khi đòi qua ngủ với vợ chồng tôi. Vợ anh Thêm cũng là người đàn bà tần tảo, mới qua được mấy tuần chị đã đòi đi làm. Chị nói rằng đi làm để cho đỡ buồn chứ ở nhà không buồn không chịu được. Nhưng do tiếng Anh của chị kém nên đành chấp nhận cho chị đi làm ở nhà hàng. Công việc tuy cực nhưng chị cũng vui vì thu nhập so với bên kia thì khá hơn nhiều. Tôi và anh Thêm lãnh trách nhiệm buổi chiều đi đón ba đứa con của hai gia đình. Loan sau giờ làm việc thì nấu ăn cho cả hai gia đình vì chị vợ anh Thêm đi làm nhà hàng nên hay về muộn. Loan bắt tôi đăng ký đi học ngành xã hội. Vậy là một tuần tôi đi học hai buổi. Cái ngành tôi học cũng không phải trực tiếp là ngành xã hội như Loan học lúc trước. Chương trình học cũng không quá khó, mỗi khi không hiểu về kiến thức thực tế tôi lại đem ra nhờ Loan giải thích. Do học hành tập trung nên cũng chỉ sau hơn một năm tôi đã có bằng sơ cấp về ngành Public and Human Service (Tôi không biết dịch cái cụm từ này, nhưng đại khái nó là về các dịch vụ công dành cho con người). Tôi chính thức đi làm cho một tổ chức phi chính phủ ngay sau khi có giấy phép làm việc. Còn chị vợ anh Thêm thì vẫn bận mải với công việc chưa thể đi học tiếng Anh thêm được. Loan trở thành người phụ đạo tiếng Anh cho chị. Ban ngày tôi đi làm việc của tôi nhưng ban đêm về tôi vẫn giúp anh Thêm lo sổ sách. Chúng tôi thành một gia đình.
|
Chẳng hiểu sao khi nộp đơn xin việc tại một cơ quan an sinh xã hội nhưng cuối cùng tôi lại được đẩy qua làm bên một tổ chức phi chính phủ (NGO), những tổ chức như thế này sau này tôi mới biết bên Việt Nam có cách gọi rất hay đó là tổ chức NGỐ. Lúc đầu tôi được phân công phụ trách hỗ trợ nhóm người vô gia cư. Để làm quen với công việc và có vốn sống thực tế để hiểu và thông cảm hơn cho những người vô gia cư, tôi quyết định đi bụi theo đúng nghĩa của nó. Tôi khoác lên vai chiếc ba lô hoà vào với những người vô gia cư ở khu vực San Francisco. Nơi đây là thiên đường của những người vô gia cư. Phần thì khí hậu ở đây ấm áp quanh năm, mùa đông không quá lạnh nên những người vô gia cư có thể ngủ ở dưới ga tàu điện ngầm mà không lo bị lạnh. Phần nữa thành phố này là của dân du lịch nên họ cũng có thể kiếm miếng ăn dễ dàng hơn. Phần quan trọng nhất là do chính sách của thành phố. Thành phố này từ lâu đã công bố là một "sanctuary city" có nghĩa là một thành phố hoàn toàn tự do. Chính quyền thành phố không hợp tác với các viên chức của Sở Di trú, sở Thuế quan Hoa Kỳ. Mọi thông tin về người dân ở đây được bảo mật nghiêm ngặt. Trong các trường học vẫn có những thành phần di dân bất hợp pháp nhưng vẫn được đi học vì có kinh phí tài trợ từ thành phố. Thông tin của những người này không khi nào sở Di trú đụng đến được. Cũng chính vì vậy mà thành phố này cũng có lắm tội phạm lẩn trốn.
Tôi và một cô bạn đồng nghiệp nữa quyết đinh dấn thân vào cuộc sống của những người homeless. Chúng tôi là những homeless thực sự vì quần áo cũng chẳng đem theo nhiều chỉ có hai bộ duy nhất để thay đổi, tất cả tiền mặt và thẻ ngân hàng chúng tôi đều để ở nhà. Quy định là chúng tôi chỉ có $ 50 cho suốt một tuần. Nếu không biết tính toán chắc chắn chúng tôi sẽ bị chết đói. Việc lang thang khắp thành phố ban ngày thì không có chuyện gì đáng nói lắm nhưng đêm đầu tiên thực sự là một thử thách lớn với chúng tôi. Ban đêm nhiệt độ của thành phố xuống thấp. Do không chuẩn bị trước nên chúng tôi bắt đầu thấy lạnh tới thấu xương. Quan sát bao lâu chúng tôi mới thấy được dòng người vô gia cư ban ngày giờ đã kéo đi đâu hết. Tôi biết một phần họ vào các nhà tạm trú được cung cấp miễn phí hàng đêm cho người vô gia cư. Có khoảng ba bốn điểm như vậy trong thành phố và nó cũng giúp cho hàng ngàn người qua đêm một cách ấm áp. Những ai đã xem bộ phim "The Prusue of Happiness" chắc thấy cảnh Will Smith cùng cậu con trai nhỏ đã từng vào đây để tá túc qua đêm. Nhưng do số lượng người vô gia cư là quá lớn nên những căn nhà như vậy cũng không thể đủ hết chỗ cho mọi người. Số còn lại vẫn phải lang thang vật vờ đâu đó. Đêm càng muộn chúng tôi càng cảm thấy lạnh. Bộ quần áo đem theo dành để thay cũng phải đem ra mặc mà cái lạnh vẫn không ngừng len lỏi vào người. Quá 10h đêm, cô bạn tôi có ý định bỏ cuộc, tôi cũng thuận theo và nói rằng sẽ trở về nhà chuẩn bị để đi tiếp nữa, dĩ nhiên là sẽ mang theo chăn cho đỡ lạnh. Khi xuống dưới ga tàu điện ngầm mà nơi đây họ gọi là hệ thống xe Bart (Bay Area Rapid Transportation). Thì ra những người vô gia cư giờ đây họ đã xuống những ga tàu điện như thế này để tránh cái lạnh về đêm của San Francisco. Cả tôi và cô bạn cùng bật cười về những kiến thức sơ đẳng nhất dành cho người vô gia cư chúng tôi cũng không có. Hơi ấm dưới ga tàu lại tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi. Chúng tôi bỏ ý định quay về nhà. Bắt đầu với công việc làm quen với những người vô gia cư, chúng tôi để ý đến một người già ngồi một mình ở một góc khuất. Nói chung là người Mỹ là dạng người khá cởi mở, rất dễ bắt chuyện nên cũng chẳng khó khăn gì mà chúng tôi không làm quen được với ông ta. Qua câu chuyện của người vô gia cư, tôi học được khá nhiều điều mà không một trường lớp, một cuốn sách nào có thể dạy chúng ta được những điều ấy.
Ông ta tên là Jonathan, một cựu chiến binh sau cuộc chiến Việt Nam. Tôi ngạc nhiên hỏi ông rằng tại sao các cựu chiến binh có chế độ trợ cấp của chính phủ tại sao ông lại phải lang thang. Thì ra người Mỹ có một lòng tự trong không khác gì những dân tộc có lòng tự trọng cao. Ông giải thích việc mình lang thang vì do bị mất việc nên ông đành để mất căn nhà cho ngân hàng kéo. Ông không muốn chạy nơi này nơi khác để trưng ra cái mác cựu chiến binh nhằm mong sự thương hại từ người khác. Ông cũng chẳng vào bất cứ nhà tạm trú nào cả. Ông quyết định lang thang và sẽ tìm cho mìnhmột cơ hội khác, cố gắng kiếm việc làm để trang trải cuộc sống cá nhân cũng như sẽ mong lấy lại được căn nhà của mình. Sau này khi tiếp tục với số lượng nhiều hơn những người vô gia cư tôi mới hiểu rằng những người như Jonathan không phải là ít. Lòng tự trọng của một chiến binh đã khiến họ không cần cầu xin bất cứ an huệ từ đâu. Tôi thấy nể Jonathan rất nhiều. Tôi quyết định sẽ giữ liên lạc với Jonathan về lâu dài. Jonathan cho biết ngày nào ông cũng ngủ tại ga Powel. Cả đêm ấy mặc dù buồn ngủ đến díp cả mắt mà tôi không thể ngủ được một giấc trọn vẹn. Cô bạn dựa vào người tôi ngủ ngon lành. Quan sát cô ngủ tôi mới thấy thật tức cười khi nghĩ đến cô. Chắc ở nhà cũng thuộc diện có điều kiện nên ngủ cũng thoải mái, cô vung chân tay, duỗi ra và quay sang ôm lấy người tôi như một cái gối ôm mà chẳng suy nghĩ gì cả. Chân duỗi ra được một lúc thì cái lạnh ập đến thế là cô lại co quắp chân lại. Cứ lục ục liên tục như vậy khiến tôi không thể ngủ được. Jonathan thấy chân cô lạnh bèn lấy cái chăn duy nhất của mình đắp cho cô ngủ. Tôi và Jonathan thức cùng nhau nói chuyện. Jonatahn kể ngày trước có qua Việt Nam chiến đấu ở vùng Khe Sanh một thời gian rồi về nước. Ông ta vẫn không thể hiểu được sức sống của người Việt tại sao lại mãnh liệt như vậy. Bao nhiêu bom rải xuống, thiêu rụi cả những cánh rừng, tưởng như không một sinh vật nào sống sót được thế mà người Việt Nam vẫn tồn tại được trên mảnh đất như vậy. Ông ta nhầm tôi với người Philipin nên không biết tôi là người Việt. Tôi cứ để như vậy để cho ông được tự nhiên.
Cái đêm thức cùng Jonathan ấy tôi học được quá nhiều điều bổ ích. Lòng tự trọng, sự túng quẫn, sự ham mê quá độ cho bản thân, sự lười biếng, mất việc làm, sự phản bội của người bạn đời... tất cả đều có thể biến người ta thành những kẻ vô gia cư bất cứ lúc nào. Một điều hết sức thú vị khác mà nếu như không thâm nhập vào cuộc sống thức tế tôi cũng giống như các bạn sẽ không bao giờ có thể hiểu được. Đó là việc bạn có thể nhìn thấy bất cứ đâu trong thành phố cảnh một người ăn xin lại luôn có một con chó rất to đi kèm. Ai cũng đơn giản nghĩ rằng đã đi ăn xin thì nuôi thân còn khó thì nuôi thêm chó làm gì? Lý do đưa ra có thể là do lòng yêu thương súc vật chăng? Có thể áp dụng vào với người Mỹ nhưng như vậy thì khiên cưỡng và chưa triệt để để đi tới cái nguyên nhân sâu xa của họ. Cón chó của họ chính là chiếc chăn ban đêm đem lại hơi ấm trong thời tiết giá lạnh đồng thời con chó cũng là một vũ khí để tự vệ khiến kẻ khác không thể tấn công họ bất cứ lúc nào được. Và thêm một điều nữa, con chó chính là người bạn để cho họ tâm sự mỗi lúc trống vắng. Khi đem câu chuyện này ra kể với mọi người tôi thấy ai cũng ngạc nhiên và thấy thú vị.
Những ngày lang thang ấy thật thú vị với chúng tôi. Bữa ăn thì không lo lắm vì chúng tôi có thể đến các địa điểm phát thức ăn miễn phí cho khắp nơi trong thành phố để sống qua ngày. Chỉ có việc khó nhất là việc tắm là nan giải. Tôi thì dễ vì có thể chạy theo vòng quay của những cái máy tưới cỏ tự động mà cứ trần người ra là tắm được, nhưng cô bạn của tôi thì khó quá. Cách cuối cùng là chúng tôi vào những nhà vệ sinh công cộng tại các ga tàu điện lúc ban đêm, đóng chặt cửa lại và xả nước xuống bồn rửa, từ đó vớt nước lên tắm, hay nói chính xác là rửa người cho đúng thủ tục. Việc hạn tắm bị hạn chế nhưng cũng may chúng tôi chỉ quyết định đi có một tuần. Nhưng một tuần ấy cũng đủ biến chúng tôi thành những kẻ vô gia cư chính hiệu. Nhiều lúc nhìn mặt nhau chúng tôi phì cười. Trong chuyến đi ấy, chúng tôi ghi nhận được 6 trường hợp cần phải giúp đỡ khẩn cấp. Trường hợp của Jonathan là đầu tiên, hai cậu sinh viên trường cao đẳng cộng đồng, một bà mẹ đơn thân bị mất nhà do người chồng cũ phản bội, hai cựu chiến binh khác có tay nghề cơ khí rất cao. Số đó chúng tôi sẽ về để lập kế hoạch giúp đỡ.
Ngày trở về, Loan sững sờ nhìn tôi với bộ dạng xốc xếch. Trước lúc đi tôi có nói với Loan rằng mình đi công tác do cơ quan yêu cầu nhưng thực tế đó chỉ là những kế hoạch của riêng chúng tôi. Tôi giải thích với Loan suốt một tuần đi làm homeless ra sao. Loan phì cười và thỉnh thoảng vẫn gọi tôi là homeless. Bắt tay vào việc lên kế hoạch giúp đỡ số đối tượng cúng tôi đã tiếp cận, tôi mới biết không hề dễ dàng chút nào. Ngoài cái cách làm truyền thống là cố gắng kết nối với các doanh nghiệp có lòng nhân ái giúp đỡ mọi người chúng tôi muốn làm một cái gì đó khác hơn một chút. Hôm cùng nhau đi ăn trưa ở một quán ăn Việt Nam, cô bạn tôi quan sát mấy cái chả giò thật kỹ mà tôi chẳng hiểu lý do là gì. Sau này tôi mới biết là cô muốn tổ chức một bữa tiệc để chiêu đãi bạn bè và những người quen của cô bằng món chả giò Việt Nam. Ngày trước cô tốt nghiệp trường Berkeley nên khá thông minh. Cô lên thực đơn cho khoảng 500 người, mỗi người cũng chỉ có hai cái chả giò thôi mà con số đã lên đến chóng mặt. Bàn với Loan, Loan thực sự là cứu cánh của tôi. Loan nói chúng tôi nên mua chả giò làm sẵn tại các chợ Việt Nam về chiên cho nhanh. Đến lúc mua tôi mới biết rằng số tiền cũng không nhiều như tôi nghĩ. Hoá ra cánh nhf hàng bán thứ này lời khủng khiếp. Tôi và Loan quyết định dành một tháng lương ra để mua những vật dụng cần thiết. Chả giò, dầu chiên, bếp ga công nghiệp, chảo lớn... Số tiền không hết bao nhiêu, Loan còn vận động luôn cả chị Thêm đi cùng hỗ trợ cho ngày hôm đó. Cô bạn tôi chịu trách nhiệm mời bạn bè và gia đình, nói chung tất cá những người mà cô quen biết. Loan cũng mời một số đồng nghiệp tại cơ quan. Lẽ dĩ nhiên chúng tôi mời tất cả từ xếp tới nhân viên của cơ quan tôi luôn.
Bữa tiệc ngoài trời của chúng tôi diễn ra ngay tại khuôn viên đại học Berkeley. Con số người tham dự vượt lên hơn so với số chúng tôi đã dự kiến. Sinh viên của trường cũng tham gia rất nhiều. Lúc đầu chúng tôi dự định là chỉ có khoảng năm người đứng ra làm nhưng về sau con số người phục vụ đã vượt hẳn, các bạn sinh viên nhào vào cùng chúng tôi mỗi người một chân một tay. Một lúc sau có một tốp thanh niên khuân lỉnh kỉnh loa đài đến xin cùng góp phần. Thì ra họ là thành viên của một nhóm nhạc sinh viên. Họ huy động cả âm thanh đến phục vụ cho hiệu quả hơn. Rốt cuộc tôi trở thành một người tiếp phẩm, tôi liên tục chạy đi mua thêm những thùng chả giò từ các chợ. Sau khi nghe tuyên bố lý do bữa tiệc, ai cũng hào hứng giúp đỡ nhiệt tình. Sẵn đường đi mua đồ, tôi chạy vèo qua đón Jonathan. Cũng chẳng khó khăn gì khi tìm ông. Tôi vội vàng mời ông lên xe cùng, Jonathan vẫn chưa biết tôi sẽ đưa đi đâu. Khi đến nơi và biết được mục đích của bữa tiệc, Jonathan đã dứng khóc lặng đi. Kết quả của bữa tiệc đó là những con số mà chúng tôi không ngờ đến. Đã có 10 doanh nghiệp muốn nhận cộng tác với chúng tôi, có 2 motel đăng ký cấp một số chỗ ngủ miễn phí cho những đối tượng chúng tôi cần giúp đỡ và tiền thì đạt tới con số không lồ mà trước đó chúng tôi chẳng thể nào nghĩ ra. Sếp chúng tôi rất hài lòng với kế hoạch của chúng tôi. Tự dưng tôi và cô bạn đồng nghiệp được phân công phụ trách một dự án mới chuyên hỗ trợ nhóm người vô gia cư vẫn có khả năng làm việc. Cái hay hơn nữa là xếp còn cho chúng tôi có thể tuyển thêm những nhân viên cần thiết cho công việc. Vậy là Jonathan và hai cậu sinh viên được chúng tôi tiếp nhận ngay lập tức. Lúc trước Joanathan cũng đã từng qua đại học nên khoản số sách cũng khá rành. Hơn nữa ông còn giúp chúng tôi tiếp cận những người vô gia cư hiệu quả hơn. Hai cậu sinh viên cũng vẫn tiếp tục vai trò của những người vô gia cư để tìm hiểu thêm về những đối tượng cần giúp đỡ. Buổi tối thay vì ngủ ngoài bến tàu họ đã có thể trở về mấy căn phòng mà chủ của motel đã hảo tâm giúp đỡ chúng tôi. Cô bạn đồng nghiệp của tôi chính thức lên làm quản lý dự án vì cô có bằng đại học còn tôi thì hết sức vừa lòng với chức trợ lý cho cô. Loan cũng nhiệt tình trợ giúp tôi nhiều trong công việc, Loan giới thiệu cho chúng tôi văn phòng luật sư cộng đồng của vùng Bay. Cái văn phòng đó quả thực là ngoài sức tưởng tượng của tôi. Họ chính là những giáo sư, những sinh viên của trường Luật Berkeley. Họ làm việc giúp đỡ cộng đồng hoàn toàn miễn phí. Đó cũng là một phần thực tiễn cho việc đào tạo của họ. Bên cạnh sự tận tuỵ của các giáo sư cũng như những sinh viên họ còn nhận được kinh phí hoạt động từ chính phủ tiểu bang nên tất cả các dịch vụ đều miễn phí hết mà hiệu quả công việc họ giải quyết khá cao. Khi dự án đi vào hoạt động, cô bạn đồng nghiệp tức sếp của tôi lúc đó bắt tôi đi học tiếp. Vậy là tôi chính thức bắt đầu vào học chính thức ngành học mà trước kia tôi đã học ở cao đẳng. Loan ủng hộ tôi nhiệt tình. Cũng may lúc trước tôi đã học qua cao đẳng nên thời gian học của tôi cũng không quá dài để lấy được bằng cử nhân.
|
Công việc chạy dự án của chúng tôi thuận lợi hơn tất cả các bộ phận khác. Số các nhà tài trợ tăng lên, số người vô gia cư cần giúp đỡ cũng tăng lên theo. Chúng tôi làm việc như một gia đình. Người lớn tuổi nhất là Jonathan. Một tin vui là cũng năm ấy, Jonathan đã lấy lại được căn nhà của mình nhờ văn phòng luật sự hỗ trợ cộng đồng. Tôi nhận bằng tốt nghiệp sau một năm học hành cẩn thận. Thực ra những gì lúc trước khi còn học thời cao đẳng cực kỳ khó hiểu đối với tôi thì thời gian vừa làm vừa học giúp tôi rất nhiều. Những kiến thức trên sách vở được áp dụng vào cuộc sống thực tế công việc của tôi nên mọi thứ đều rõ ràng, dễ hiểu. Ngày lễ tốt nghiệp của tôi có rất nhiều bè bạn đến dự. Tôi vui lắm vì trong số những người ngồi hàng ghế đầu có tôi. Bạn bè trong lớp của tôi không nhiều bằng số bạn bè "vô gia cư". Loan chọc tôi:
- Không ngờ rằng "người vô gia cư" nhà mình lại tốt nghiệp loại ưu cơ đấy. - Chồng của em mà.
Ngày tôi tốt nghiệp Fredy cũng bay qua Cali chúc mừng tôi. Những buồn vui, tủi hổ cứ oà vỡ ra. Loan không hề khắt khe với Fredy, cả hai vẫn như hai chị em với nhau. Tôi và Loan muốn Fredy chuyển qua Cali nhưng Fredy vẫn không đồng ý. Niềm vui của tôi khi gặp lại Fredy có gì đó kìm nén vào bên trong thì với anh Thêm niềm vui ấy bùng ra ngoài. Anh ôm chặt lấy Fredy nói những lời cảm ơn từ đáy lòng. Vợ con anh Thêm cũng coi Fredy là một ân nhân. Chị cứ thắc mắc với tôi mãi không hiểu sao mà anh Thêm lại có thể nhờ Fredy mọi chuyện cho gia đình đoàn tụ được. Ý của chị là anh Thêm không biết tiếng Anh nhiều trong khi Fredy là người bản xứ thì giao tiếp với nhau như thế nào. Anh Thêm cười chỉ vào tôi:
- Đây, ông thần hộ mệnh nhà mình đây. Nhờ cô chú ấy mà anh mới biết đường làm giấy tờ cho em với con chứ cứ như ngữ anh thì còn lâu em mới qua được bên này. Hồi đó bên Iowa đâu có người Việt như bên này.
Rồi câu chuyện của gia đình lại chuyển hướng sang Iowa. Chúng tôi ngồi cùng nhau ôn lại những kỷ niệm buồn vui bên đất Iowa. Tất cả gợi nhớ về một vùng đất lạnh nhưng ấm tình người. Anh Thêm cũng đề nghị Fredy dọn về Cali sống cùng chúng tôi. Fredy chỉ trả lời một câu ngắn gọn:
- Sẽ dọn về Cali nhưng không phải lúc này. Ngày tháng trôi qua nhanh chóng. Một tuần của Fredy ở Cali thật ngắn. Chúng tôi đưa Fredy ra sân bay bay về Iowa. Lần đầu tiên tại phi trường đông đúc như San Francisco, Fredy đã hôn lên môi tôi trước khi vào khu vực an ninh. Cái việc hôn nhau giữa tôi và Fredy không phải là chuyện lần đầu nhưng nếu hôn nhau ở chỗ đông người thì đó chính là lần đầu tiên chúng tôi làm. Một chút ngượng ngùng bối rối trong tôi nhưng ở cái sân bay như thế này cũng chẳng lo ai đó nhớ được mình nên tôi cũng yên tâm. Anh Thêm chọc tôi:
- Chú mày quá lắm nghe. Trước mặt anh mà chẳng coi anh là gì cả. - Có gì đâu anh. Xứ này mà ai muốn làm gì mà không được. Fredy cũng ân tình với anh em mình lắm chứ đâu phải là người xa lạ đâu anh. - Anh không nói là Fredy xa lạ nhưng mà người ta như vậy mà sao chú mày dám hôn môi như hai người yêu nhau vậy.
Hoá ra anh chưa biết chuyện giữa tôi và Fredy. Anh vẫn nghĩ Fredy bình thường như những người khác. Mà cũng phải thôi, nhìn Fredy có ai dám nói Fredy là một người đồng tính đâu. Loan của tôi cũng ngỡ ngàng khi biết chuyện mà.
Sau thời gian tôi tốt nghiệp được khoảng 6 tháng, cơ quan tôi bắt đầu có một dự án mới. Đó là thời gian vào những năm 2003, khi HIV trở thành đại dịch bùng phát ở tất cả các châu lục. Các tổ chức phi chính phủ đổ xô nhau vào làm các dự án về HIV. Cơ quan tôi cũng có những dự án như vậy. Tôi được sếp cử đi đào tạo về kiến thức HIV. Một tháng tập huấn với UNAID không dài nhưng kiến thức lại một lần nữa mới mẻ với tôi hoàn toàn. Do cơ quan tôi là một tổ chức phi chính phủ nên chúng tôi không chuyên về mảng y tế mà chủ yếu là hỗ trợ. Tôi được cử đi Việt Nam phụ trách dự án phòng chống HIV. Tất cả thủ tục giấy tờ đều đã thông qua hai bên nhà nước. Tôi với vai trò là quản lý dự án được quyền chọn những cộng sự theo mình. Đã làm việc lâu với Jonathan nên tôi quyết định chọn ông đi theo cùng với hai sinh viên mới tốt nghiệp mà cơ quan chúng tôi mới nhạn vào làm việc. Có Jonathan đi theo tôi hoàn toàn yên tâm về các báo cáo giấy tờ. Trong số hai sinh viên mới được nhận vào làm Andrew sẽ phụ trách về mặt tài chính, cậu ta sẽ kiểm tra các giấy tờ kế toán để trình tôi phê duyệt, còn Rachel cô sinh viên luật thì hỗ trợ chúng tôi về mặt pháp lý. Chúng tôi hoàn toàn yên tâm lên đường.
Cả đoàn chúng tôi đều háo hức lên đường. Tôi thì thích là mình được về lại quê hương sau những tháng năm dài xa cách. Jonathan thì muốn có dịp trở lại nơi mình đã từng chiến đấu. Với ông có một cảm giác vừa hồi hộp vừa thoáng chút lo ngại. Ông vẫn cảm thấy mình là người có tội với mảnh đất Việt Nam. Tôi động viên ông nhiều lắm. Tôi nói rằng người Việt Nam là những người rất khoan dung độ lượng. Cuộc chiến tranh đã đi qua, mọi người đã tạm quên những nỗi đau quá khứ để bắt tay vào kiến tạo cuộc sống mới rồi. Sự thù địch không còn với người Mỹ nữa. Ông tạm thời yên lòng nhưng tôi biết sâu thẳm trong trái tim ông vẫn canh cánh một nỗi sợ vô cớ. Hai cô cậu sinh viên mới thì háo hức hơn hẳn chúng tôi. Lần đầu tiên họ được bay qua biên giới Mỹ đến với một đất nước xa xôi. Cảm giác tò mò thường trực trong họ.
Cho đến khi ngồi họp với đối tác của chúng tôi tại Hà Nội tôi mới biết rằng cuộc phiêu lưu của chúng tôi mới chỉ bắt đầu, còn rất nhiều khó khăn ở phía trước. Tôi gần như ngã ngửa người khi biết dự án chúng tôi sẽ thực hiện trong tương lai. Tất cả cộng sự của tôi cũng đều ngỡ ngàng với dự án chúng tôi sẽ thực hiên trong tương lai. Trước khi đi chúng tôi chỉ biết rằng dự án của chúng tôi thực hiện ở Việt Nam là "Tăng cường vai trò của cộng đồng trong phòng chống HIV tại Việt Nam". Tôi cũng được dặn là đối tác sẽ trình bày dự án chi tiết, tôi sẽ là người nghe trực tiếp và quyết định sau khi thông qua tổ chức bên nhà. Có một thay đổi nhỏ cho dự án của chúng tôi. Lúc đó các tổ chức phi chính phủ đã tràn ngập vào Việt Nam. Họ có những dự án rất mạnh và đang chạy. Có rất nhiều tổ chức đang hoạt động trước khi chúng tôi vào Việt Nam như FHI, LIFEGAP, WORLBANK, WORLDVESION, UNAID, USAID, hay như tổ chức trong nước như COHED, mấy cái nữa tôi quên hết rồi. Đại khái là chúng tôi rơi vào thế yếu nếu không có những dự án đặc sắc mà không phải đụng chạm với các dự án họ đang thực hiện tại Việt Nam mới mong chúng tôi vươn lên được. Đối tác của chúng tôi đưa ra đề xuất chúng tôi vẫn làm trên tinh thần cộng đồng nhưng thực hiện trên đối tượng thu gọn hơn. Họ đề nghị chúng tôi sẽ đưa dự án thành "Tăng cường vai trò tôn giáo trong phòng chống HIV tại Việt Nam". Một cái dự án phải nói khá hoàn hảo và chắc chắn là không đụng hàng với bất cứ dự án nào đang hoạt động lúc đó tại Việt Nam. Tôi thấy dự án hoàn toàn có tính khả thi và chắc chắn là sáng kiến mới nhưng vấn đề là ở chỗ kiến thức về tôn giáo chúng tôi hoàn toàn mù mịt. Sau khi suy nghĩ ký càng tôi quyết định sẽ thông qua bên cơ quan về dự án đó và sẽ thực hiện nó mặc dù cho đến lúc đó tôi vẫn hoàn toàn mờ mịt chưa có một ý niệm gì cho riêng mình.
Kiến thức về Kito giáo thì Jonathan biết rất rõ vì ông là một người có đạo gốc. Hai cô cậu sinh viên thì cũng phụ thuộc vào quyết định của tôi nên họ không tham gia quyết định gì vào dự án. Một thách thức mới đang chờ tôi ở phía trước. Cũng may là cơ quan đang tài trợ cho những hoạt động của chúng tôi là USAID cũng đang hoạt động ở Việt Nam nên việc trình bày dự án cũng không có trở ngại gì. USAID hoàn toàn ủng hộ kế hoạch dự án của chúng tôi vì nó đang mới mẻ và chưa có tổ chứ nào chính thức làm về mảng này. Vậy là tôi hoàn toàn yên quyết định triển khai dự án.
|
Khi bắt tay vào công việc để triển khai dự án tôi mới thấy rằng kiến thức của mình quá thiếu. Thực ra kiến thức chuyên môn về HIV thì cũng chưa đụng đến nhưng ngay khi bắt đầu tôi hoàn toàn mờ mịt về kiến thức cuộc sống. Vốn sống của tôi như một thằng trẻ con mới lớn. Với cộng đồng người Việt nói chung tôi cũng bị hổng chứ đừng nói tới nhóm đối tượng đích mà tôi sẽ cùng làm việc. Ngoài ra dự án của chúng tôi lại không hoàn toàn dựa vào cộng đồng mà lại dựa vào tôn giáo là chủ yếu nên tôi lại càng lơ ngơ hơn.
Ngày đầu tiên, tôi được các bạn của phía đối tác đưa tôi đến một số cơ sở tôn giáo. Tôi bắt đầu hoảng khi gần đến một ngôi chùa để làm việc với đại diện các nhà tu hành Phật giáo. Tôi hỏi nhanh cô bạn cùng đi về cách xưng hô. Chao ôi, tùm lum những đại từ nhân xưng mà trong một chốc lát không thể nào nhớ cho hết được. Do mọi người thấy tôi là người Việt nên không để ý cứ tưởng là tôi rành rẽ lắm về việc xưng hô với các nhà tu hành. Cuối cùng giải pháp nhanh nhất là tôi cứ gọi chung tất cả là thầy và xưng con. Nghe cũng tạm ổn. Buổi đầu đi làm việc nên chỉ có tôi, Jonathan và một cô bạn của phái đối tác. Từ đoạn này trở đi xin phép mọi người cho phép tôi không nêu rõ tên chùa và các vị chức sắc tôn giáo và cả những nhân vật trong truyện cũng đã có thể mang tên khác vì những lý do tế nhị.
Tiếp chúng tôi ở trụ sở của thành hội có ba vị tu sĩ Phật giáo. Vậy là mỗi bên có ba người. Buổi nói chuyện tiếp kiến diễn ra khá suôn sẻ, thuận lợi. Theo lời cô bé đối tác tôi gọi chung tất cả các vị là quý thầy và cũng xưng con như một Phật tử thuần thành. Sau khi nghe chúng tôi trình bày về mục đích chuyến viếng thăm là để tìm kiếm sự hợp tác hai bên để cùng nhau thực hiện nhiệm vụ phóng chống HIV tại Việt Nam, thày lớn nhất (tôi đoán là như vậy mặc dù đã được nghe giới thiệu về chức danh nhưng tôi lại quên hết tất cả ngay khi nghe xong) phát biểu:
- Chúng tôi rất cảm kích khi thấy quý vị đã tìm đến chúng tôi. Nhưng thực tế công việc phòng chống HIV là một công việc hết sức khó. Chúng tôi chẳng biết là có hợp tác được hay không vì nó có nhiều vấn đề nhạy cảm của cuộc sống mà chưa một ai trong số chúng tôi tiếp xúc trực tiếp. Không biết là chúng ta sẽ làm như thế nào? - Thưa thầy, thực chất của công việc này đúng là có những điều khó khăn nhưng thầy yên tâm đã có chúng con hỗ trợ tất cả về kỹ thuật và chuyên môn. Chúng con chỉ mong quý thầy quan tâm giới thiệu cho chúng con những cơ sở chùa nào đó sẵn sàng giúp chúng con thực hiện nhiệm vụ. Chúng con sẽ có các đợt tập huấn để giúp cho quý thầy có thêm kiến thức để làm việc cho thuận tiện thôi ạ. Chúng con biết đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng chúng con muốn bắt đầu với Phật giáo vì dù sao Phật giáo cũng gần gũi với người dân trong cuộc sống.
Còn rất nhiều điều nữa mà chúng tôi trao đổi cùng các vị chức sắc Phật giáo. Lúc đầu mọi thứ có vẻ khó khăn nhưng về sau câu chuyện chuyển sang chuyện hỏi thăm về mỗi thành viên nên có vẻ như câu chuyện suôn sẻ hơn. Quý thầy sau khi biết tôi là người gốc Hải Phòng nên chuyện bắt đầu xoay sang những kỷ niệm và những chia sẻ về cuộc sống của tôi bên kia đại dương. Cái này có vẻ như dễ hơn cho tôi. Cô bạn đối tác đi cùng cứ thỉnh thoảng lại nháy tôi quay lại câu chuyện chính nhưng thật khó vì có vẻ như các thày quan tâm tới những gì về tôi nhiều hơn. Lỡ nên cuối cùng tôi vẫn tiếp tục theo mạch chuyện mà các thầy đã khơi ra. Buổi tiếp xúc dài hơn chúng tôi dự tính. Mấy tiếng đồng hồ câu chuyện cứ đi vòng vòng. Cho đến gần trưa thì thày lớn nhất mới quay qua nói với chúng tôi:
- Chuyện các anh chị đã trao đổi, chúng tôi sẽ ghi nhận và vận động bà con cùng các vị tu sĩ khác cùng thực hiện với các anh. Trước mắt chúng tôi sẽ giới thiệu cho các anh chị một người có khả năng cộng tác cùng làm với các anh chị.
Nói rồi thày rút phone từ trong chiếc túi vải ra gọi cho ai đó. Một lúc sau một tu sĩ trẻ xuất hiện.
- Giới thiệu với các anh chị, đây là thày MH. thày sẽ làm việc cùng quý vị.
Đó là một tu sĩ trẻ. Tuối đời có lẽ cũng chỉ gần 30. Thú thực là nhìn mấy vị tu sĩ tôi hoàn toàn mờ tịt về chuyện đoán biết tuổi tác. Nhìn ai cũng trẻ và có vẻ như trầm mặc nên chẳng biết tuổi thực ra sao. Theo sự hướng dân của Ban Trị sự chúng tôi cùng đi về chùa với vị tu sĩ trẻ được phân công làm việc với chúng tôi. Đó là một ngôi chùa nằm xa trung tâm. mặc dù nó cũng là một ngôi chùa nằm trong địa bàn nội thành nhưng chắc đây là ngôi chùa mới nằm vào nội thành theo quy hoạch mở rộng sau này. Chùa khá rộng về diện tích nhưng ngôi chánh điện thì hết sức khiêm tốn. Trái với vẻ bề thế của các công trình khác như nhà thờ tổ, nhà khách và một vài dãy nhà khác tôi chưa biết được vì cửa đóng kín, ngôi chùa còn giữ nguyên cái vóc dáng khiêm tốn và có vẻ rất cũ kỹ. Thày trụ trì chùa đó là Minh Hiền. Thày đúng như tôi đoán năm đó thày mới bước sang tuổi 28. Tôi hoàn toàn nể phục khi biết thày vốn tốt nghiệp một trường đại học có danh tiếng trước khi đi xuất gia. Lúc trước thày đã tốt nghiệp trường Đại Học Kinh Tế Quốc Dân khoa Kinh tế hay gì đó. Thày khá cởi mở khi nói chuyện với chúng tôi. Thày luôn gọi chúng tôi bằng anh chị và xưng em. Tôi có ý ngại khi thấy thầy xưng hô như vậy nhưng thầy giải thích:
- Thực ra chỉ cần lúc hành lễ và nếu các anh chị là những Phật tử thì mới cần xưng hô như cách mọi người vẫn xưng hô thôi còn bình thường lúc làm việc thì các anh chị lớn nên cứ xưng hô như vậy cho tiện. Em cũng mới chỉ tu được thời gian ngắn thôi. Anh chị gọi em bằng thầy xưng con tổn phước lắm.
Thật là tiến thoái lưỡng nan. Tôi quyết định gọi thầy xưng Lâm cho tiện, chẳng biết là đúng hay sai nữa nhưng cứ tạm như vậy có lẽ dễ hơn. Tôi ngạc nhiên hơn nữa khi thấy thầy nói chuyện với Jonathan khá trôi chảy. Jonathan có vẻ quý thầy lắm. Trưa hôm đó thầy giữ chúng tôi ở lại ăn cơm trưa cùng thày. Những món ăn chay lúc đầu tôi cứ nghĩ là khó ăn lắm vì lúc trước bên Mỹ tôi có theo mọi người đi chùa và đã ăn mấy lần, đa số thức ăn có một vị rất lạ nên tôi không thấy hấp dãn lắm. Nhưng những món ăn của chùa bữa đó thật khác với những gì tôi ăn bên kia. Về sau tôi mới biết là cách nấu ăn ở Việt Nam hơi khác. Đa số những món chay bên kia tôi ăn là nấu theo kiểu Tàu nên khác với bên này. Sau khi trao đổi cùng thày, chúng tôi bố trí một buổi khác quay lại làm việc tiếp. Tất nhiên trước khi về chúng tôi đều xin số phone của thày để tiện liên lạc.
Ngay đêm hôm đó, tôi nhận được tin nhắn từ máy của thầy:
"Cam on cac anh chi da den tham chua. Rat vui duoc hop tac cung cac anh chi" "Cam on thay. Chung con cung rat vui khi thay hop tac cung" "Anh khong phai cam on dau. Luc nao ranh anh den chua choi" "Vang con se den" "Chuc anh Lam ngu ngon" "Vang chuc thay ngu ngon"
Một cảm giác lạ lạ dâng lên trong lòng. Khác hẳn với những gì tôi vẫn hình dung về các thầy. Thày quả là một người tân tiến. Tôi quên bẵng là thầy đã là một cử nhân trước khi bước vào con đường tu hành. Hai ngày sau, tôi nhận được một cuộc gọi từ thầy trong khi đang làm việc.
- A lô, con chào thầy! Thầy có việc gì cần con ạ? - Anh Lâm ơi, chiều nay anh có thể tranh thủ đến chùa một lúc được không? - Dạ, mấy giờ hả thầy? - Khoảng chừng ba giờ anh đến nhé. - Vâng con sẽ kết thúc họp sớm để đến chùa với thầy.
Chiều hôm đó tôi nghỉ sớm 30 phút để đến với thầy. Đó cũng là công việc của tôi. Đón tôi thầy nói:
- Người Mỹ luôn đúng giờ ha? - Mỹ gì đâu thầy, con vẫn là người Việt Nam mà. - Hiền không thích anh xưng con đâu. Nghe xa lạ quá.
Vào phòng khách thầy chỉ tôi và giới thiệu với một một thanh niên đang ngồi ở phòng khách:
- Giới thiệu với anh Lâm, đây là cháu Hà. Hà ơi, đây là anh Lâm đang làm trong dự án phòng chống HIV. Có gì con cứ trao đổi với anh Lâm nhé.
Nói rồi thày bỏ ra ngoài để mặc tôi và Hà ngồi lại trong phòng khách. Chúng tôi chào nhau và cùng ngồi xuống.
- Hà có gì muốn nói chuyện với anh hả? Có gì cứ tự nhiên đi em. - Chuyện khó nói lắm anh à. - Anh đang nghe đây. Cứ bình tính chia sẻ với anh nếu em có thắc mắc gì chưa biết Hà nhé. - Em thấy bi quan và bế tắc quá anh ơi. Em muốn chấm dứt cuộc sống này. - Chuyện gì mà nghiêm trọng vậy em? - Em yêu bạn em cách đấy hai năm rồi. Vừa rồi cô ấy bị bệnh vào bệnh viện, vô tình em biết được kết quả thử máu của cô ấy bị HIV dương tính. Em suy sụp quá không biết tính như thế nào nữa. Chắc chắn là em cũng bị HIV rồi anh ơi. Em muốn chết nhưng nghĩ đến bố mẹ em nên em cố mà sống. Bố mẹ em chỉ có mình em thôi. - Bình tĩnh đi Hà. Đừng nghĩ đến chuyện dại dột. Hà này, cho anh hỏi, em đã đi xét nghiệm chưa? - Em chưa đi anh ạ. Em không biết ở đâu người ta làm dịch vụ đó. Mặt khác em sợ không chịu nổi khi biết kết quả của em. Chắc lúc đó em chỉ có chết thôi. - Em cố gắng bình tĩnh đi. Trước mắt em nên đi xét nghiệm để biết về tình trạng sức khoẻ của mình. Xét nghiệm cũng kín đáo lắm. Đảm bảo không ai biết kết quả ngoại trừ chính em và bác sĩ làm xét nghiệm thôi. Em có thể không công khai danh tính được mà. Em có thể chỉ dùng mà số khi làm xét nghiệm. Mọi thông tin về em hoàn toàn được bảo mật. Em nên đi làm xét nghiệm thì mới có thể có những biện pháp giúp đỡ em. - Nhưng em sợ lắm anh ơi.
Nói chung tâm lý của Hà vẫn trong trạng thái luẩn quẩn. Một mặt em muốn biết về tình trạng của mình, mặt khác em lại sợ đối diện với kết quả.
- Hà cho anh hỏi một câu tế nhị nhé. - Vâng anh cứ hỏi đi. - Trong thời gian quen biết bạn gái em, các em đã từng quan hệ chưa? - Chúng em có quan hệ rồi anh ạ. - Khi quan hệ bọn em có sử dụng các biện pháp an toàn nào hay không? - Em và cô ấy nghĩ chúng em yêu nhau trong sáng nên không dùng bao cao su mà chỉ thực hiện việc xuất tinh ra ngoài thôi. - Như vậy là rất nguy hiểm đấy Hà ạ.
Dùng hết mọi kiến thức về HIV để giải thích cho Hà, từ cơ chế lây truyền, rồi những gì xảy ra khi người xét nghiệm mang kết quả dương tính, rồi những gì về thuốc điều trị ARV, cuối cùng Hà cũng nguôi ngoai và hứa sẽ cùng tôi đi xét nghiệm. Buổi truyền thông đầu tiên coi như thành công. Hà ra về với tâm trạng bớt u sầu. Thày Minh Hiền giữ tôi ở lại cùng ăn tối với thầy. Tôi thấy hết sức ngại nhưng cũng đành chấp nhận để thầy vui lòng.
|