Đời Trai Bao
|
|
Mấy ngày sau tôi đưa Hà đi xét nghiệm. hực ra công việc đó có thể giao cho các bạn đồng đẳng viên thực hiện nhưng vì Hà là người quen của thày Minh Hiền, hơn nữa đó là khách hàng đầu tiên của tôi nên tôi muốn trực tiếp đưa Hà đi làm xét nghiệm. Những gì trước đây tôi nghe mọi người nói về thái độ phục vụ của các bác sĩ và nhân viên y tế trong bệnh viện giờ tôi mới được trực tiếp đối diện. Chương trình tài trợ cho công tác phòng chống HIV đã bao phủ khắp nơi và đặc biệt với kinh phí xét nghiệm HIV đã được miễn phí từ lâu nhưng thái độ của nhân viên y tế trong bệnh viện họ đã quen với cái kiểu xin cho nên tôi khá bực mình. Mặc dù ở khoa các bệnh nhiệt đới chẳng mấy gì đông lắm, có lác đác vài người và họ chủ yếu là bệnh nhân, chỉ có Hà là người xin làm xét nghiệm nhưng họ vẫn bảo phải chờ. Giấy tờ nộp rồi để đó trên bàn, cô y tá vẫn nhăm nhăm mắt vào cái màn hình điện thoại. Hình như máy của cô ta hỏng hay sao mà cô nhìn vào nó hết phút này sang phút khác, rồi cuối cùng là sang giờ khác. Tôi bắt đầu nóng ruột, Hà cũng vậy:
- Anh ơi thôi mình về đi. Không xét nghiệm cũng chẳng sao đâu. Nếu có dính thì em cũng dính rồi. Bệnh này có thuốc chữa đâu mà hy vọng. - Không được đâu em ơi. Vẫn biết là cái gì xảy ra thì đã xảy ra rồi nhưng vẫn hơn nếu biết kết quả thì anh mới có thể tư vấn tiếp cho em những bước tiếp theo được chứ. Nhiễm HIV đâu đã phải là hết. Em xem nhiều người sống hàng bao nhiêu năm sau vẫn khoẻ mạnh mà. Chủ yếu là biết được kết quả từ đó có cách điều trị cho hợp lý thôi. Em cứ bình tĩnh đi, để anh vào hỏi thử xem. - Chị ơi cho hỏi bệnh nhân bao giờ mới được khám đấy ạ? - Cứ chờ đi, bác sĩ còn bận. - Nãy giờ anh em chúng tôi đã chờ hơn một tiếng rồi mà chưa thấy bác sĩ. - Bác sĩ bận chứ có rảnh như anh đâu. Nếu anh không chờ được thì cứ về lần khác quay lại cũng được mà.
Rồi cô ta hạ thấp giọng nhưng tôi vẫn nghe rõ:
- Ăn chơi cho lắm vào rồi giờ đến lúc sắp chết mới đến còn hối thúc.
Đến nước đó thì tôi không tự chủ được nữa.
- Chị mới nói cái gì? Xin chị nhắc lại một lần nữa xem nào. Chị nói ai ăn chơi, ai sắp chết? Chúng tôi đến đây là để xét nghiệm theo chương trình của thành phố chứ không đến để cầu xin chị đâu. Tôi thấy nhà nước thật phí tiền để trả cho những người như chị. Chị có phải là nhân viên sửa điện thoại hay là một game thủ hay không mà nãy giờ tôi thấy chị đâu có làm gì. Chị chỉ ngồi chơi game và bỏ mặc bệnh nhân. Thái độ làm việc và đón tiếp bệnh nhân của chị cần xem lại đi. Mà tôi nhắc cho chị biết chúng tôi cũng chưa phải là bệnh nhân, chỉ là người đi xét nghiệm thôi. - Anh nóng với tôi hả? Anh nóng thì anh làm được cái gì. Tôi nói chờ là chờ, vậy thôi, nếu chờ không được thì cứ về lúc khác quay lại. - Anh ơi nóng làm gì. Có phong bì chưa? - Một người đi ngang qua nói với lại. - Chị không cần thách tôi làm gì. Chị không muốn làm việc tôi sẽ đi tìm người khác để thay chị làm.
Nói rồi tôi kéo Hà đi lên văn phòng trưởng khoa Lây nhiễm và các bệnh nhiệt đới. May cho chúng tôi bác sĩ trưởng khoa đang có mặt tại phòng làm việc. Tôi gõ cửa, một bác sĩ tầm khoảng 45-46 ra mở cửa cho tôi.
- Mời vào. Tôi có thể giúp gì được các anh đây?
Tôi vắn tắt trình bày và cũng tự giới thiệu về mình.Lúc đầu bác sĩ trưởng khoa cũng không mấy gì mặn mà nhưng khi nghe giới thiệu về công việc của tôi thì thái độ thay đổi hẳn.
- Mời các anh ngồi. Chết thật sao lại có thể tắc trách như thế được nhỉ? Để tôi kiểm tra lại xem.
Nói rồi ông ta nhấc máy điện thoại bàn lên gọi. Một lát sau cô nhân viên y tá mà chúng tôi khó chịu đã xuất hiện ngay trước cửa phòng ông ta với một nụ cười rất tươi trên miệng. Phải nói cô ta khá xing gái, giá như nụ cười này mà ở trên môi cô lúc chúng tôi đang chờ chắc chắn tôi đã không nổi điên. Nụ cười của cô tắt hẳn khi nhìn thấy chúng tôi.
- Cô Hiền. Cô làm việc làm sao mà để khách hàng lên tận đây phản ánh đây này? - Thì em bảo các anh ấy chờ nhưng các anh ấy đâu có chịu chờ và cứ sồn sồn lên. - Tôi biết hôm nay bác sĩ Minh trực và hiện nay anh ấy đâu có khám cho ai. Cả ngày nay anh ấy được phân công tiếp nhận các ca xét nghiệm mà. Đã bao nhiêu lần tôi nói cô rồi, mình làm việc là cần phải có cái tâm. Cô không thể đem cái kiểu giao tiếp chợ búa vào đây được. Cô xuống báo với cô Hậu làm thay đi. Hôm nay cô nghỉ về nhà viết kiểm điểm ngày mai nộp cho tôi và cho phòng hành chính, phòng nhân sự luôn. - Bác sĩ. Em xin lỗi. - Thôi không cần lỗi phải gì nữa. Cô đi về văn phòng đi. Nhân tiện cô gọi giùm cậu Hiếu sang đưa anh này đi gặp bác sĩ Minh giúp tôi luôn.
Hà đi rồi, tôi vẫn ngồi với bác sĩ trưởng khoa. Anh ta có vẻ quan tâm đến công việc của tôi. Anh rất ngạc nhiên khi biết tôi là người điều hành dự án đang bắt đầu được triển khai. Anh ta nhắc đi nhắc lại lời xin lỗi vì thái độ của cô nhân viên. Trước khi về anh ta có xin số phone của tôi để tiện liên hệ. Tôi chẳng biết dự án của tôi thì có liên quan gì đến công việc của anh hay không nhưng theo phép lịch sự tôi vẫn cho. Ngay chiều hôm sau tôi đã nhận được cuộc gọi từ anh. Anh ta thông báo đã có kết quả xét nghiệm và chờ tôi lên lấy. Tôi đưa Hà đi cùng vì theo nguyên tắc bảo mật, tôi không được trực tiếp biết kết quả của Hà. Hà theo tôi lầm lũi đi. Tôi hiểu tâm trạng của Hà đang lo lắng. Dọc đường đi tôi cố gắng nói chuyện để tạo cho Hà quên bớt những hồi hộp lo âu.
Kết quả thật trái với những gì Hà đang lo lắng. Kết quả xét nghiệm âm tính. Bác sĩ trực tiếp trao cho Hà kết quả và chúc mừng Hà. Nhưng để chắc chắn thì Hà vẫn phải làm xét nghiệm thêm mấy lần nữa cho chắc chắn vì thời gian cửa số của HIV có thể lên đến 6 tháng. Dẫu sao kết quả ngày hôm đó cũng làm chúng tôi vui. Tôi và Hà cùng về chùa báo tin cho thầy biết. Thày cũng vui mừng không kém gì chúng tôi.
- Mô Phật! Thật là đại hồng phúc. Nếu có chuyện gì xảy ra chắc là cô Minh không sống nổi anh à. Nhà cô ấy chỉ có mỗi cháu Hà thôi. Nó ngoan ngoãn, học giỏi lắm lại biết nghe lời mẹ nữa. Thanh niên bây giờ khổ thế đấy. Chúng nó có coi trọng tín nghĩa như ngày xưa đâu.
Tôi không dám nói gì chỉ vâng dạ với thầy. Thày đâu biết rằng tôi cũng từng là một đưa hư hỏng ngay từ khi còn nhỏ nhưng may cho tôi những ngày ấy chưa có HIV chứ nếu không biết đâu tôi cũng đã bị lo lắng hồi hộp như Hà.
Từ sau ca của Hà, tôi có thêm rất nhiều khách hàng khách muốn đến để được tư vấn. Dự án của chúng tôi là tăng cường sự hỗ trợ của tôn giáo trong công cuộc phòng chống HIV tại Việt Nam. Nhiệm vụ chính là giúp các cơ sở tôn giáo tiếp cận và cùng thực hiện chiến lược phòng chống HIV. Chúng tôi sẽ giúp họ có thêm kiến thức để cùng tuyên truyền, trên cơ sở đó giúp những người sống chung với HIV có thêm kiến thức, tập hợp họ lại, xây dựng các câu lạc bộ để họ có cơ hội chia sẻ những tâm tư cũng như những kiến thức về bệnh cũng như những khó khăn của cuộc sống để cùng nhau vươn lên. Tư vấn viên sẽ là những đồng đẳng viên đi hoạt động tiếp cận dưới địa bàn chứ chúng tôi không làm nhiệm vụ tư vấn đơn thuần. Nhưng do thời gian đầu chúng tôi còn đang tập huấn nên tạm thời tôi đảm nhiệm vai trò của tư vấn viên. Chúng tôi quyết đinh dùng ngay chùa của thầy Minh Hiền làm văn phòng cho nhóm tôn giáo đầu tiên mà chúng tôi gây dựng lên. Các bạn trẻ tìm đến với chúng tôi nhiều hơn. Hàng ngày tôi luôn có mặt tại chùa để cùng thầy tiếp khách hàng. Trong số những niềm vui chúng tôi nhận được từ những người có kết quả âm tính cùng có những nỗi buồn khi thấy ai đó có kết quả dương tính. Tâm lý của con người biến đổi thật phức tạp. Có những ca cực kỳ khó tôi chẳng biết phải động viên họ như thế nào. Việc đó thày Minh Hiền lại làm rất tốt. Thầy luôn kéo những người đó qua phòng khác tâm sự, động viên. Tôi chẳng biết thầy đã nói với họ những gì nhưng đa số sau đó đều khá hơn về mặt tinh thần. Thầy giúp tôi rất nhiều. Hà bây giờ đã trở thành một tình nguyện viên của chúng tôi. Hàng ngày bao giờ Hà cũng ghé qua văn phòng trước khi đi làm hoặc sau giờ làm việc về. Có những lúc cần người đưa đi xét nghiệm chúng tôi cũng gọi điện để Hà giúp. Tôi thường xuyên ở lại chùa ăn cơm cùng thầy. Qua tìm hiểu từ các Phật tử tôi biết là mình không được phép ngồi ăn cùng thầy vì như vậy là lỗi đạo. Tôi có ý né để ăn cơm cùng những người giúp việc cho tiện nhưng thầy không nghe. Thầy luôn dặn mọi người dọn cơm cho tôi và thầy ăn riêng. Thầy nói như vậy để tiện trao đổi công việc, hơn nữa tôi cũng không phải là Phật tử, thầy nói với mọi người tôi là sếp của thầy. Tôi thực sự thấy bất tiện nhưng cũng chẳng biết né làm sao. Mỗi ngày tôi ăn cơm cùng thầy bữa trưa còn bữa chiều thì lại về khách sạn để nghỉ. Mấy lần thầy đề nghị tôi nghỉ lại chùa vì chùa cũng khá rộng và còn mấy phòng dư nữa. Tôi không dám nghỉ lại vì đó là nguyên tắc của tổ chức. Chúng tôi phải ở khách sạn đã được bố trí trước. Buổi tối tôi thường la cà cùng số anh em mới quen cà phê cà pháo hay thỉnh thoảng nhậu với nhau cho vui. Mấy anh em hay chọc tôi "ngày chay đêm mặn". Khi dự án đi vào hoạt động được một thời gian cũng là lúc chúng tôi bớt bận rộn. Bây giờ tôi đã có thể giao việc tư vấn cho các em đồng đẳng viên rồi. Các em có người ngồi tại văn phòng có người đi xuống địa bàn vừa tiếp cận vừa giúp đỡ những đối tượng chúng tôi đang quản lý. Làm việc với các em một thời gian tôi nhận ra rằng các em thực sự là những người nhiệt tình và hữu ích. Khác hẳn với những suy nghĩ của mọi người trong cộng đồng. Các em mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một tâm sự. Nếu đứng nhìn các em từ xa thì ai cũng nghĩ đó là những con người xấu, là những người bỏ đi và là đối tượng đáng lo ngại của xã hội. Nhưng gần gũi các em mới biết các em là những ngườ hết sức trách nhiệm, trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với cộng đồng. Các em là những người sống hết sức tình cảm vì hơn ai hết chính các em cũng là những người cần tình cảm. Có những việc mà người bình thường như tôi và các bạn không thể nào dám làm như những việc chăm sóc cho bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối khi đã bị mắc chứng nhiễm trùng cơ hội, cả người lở loét ra máu mủ lênh láng nhưng các em vẫn lao vào để chăm sóc.
Nói điều này ra có khi cũng bằng thừa vì có thể có nhiều bạn đã biết nhưng dẫu sao cũng có những người có thể chưa biết đến về căn bệnh thế kỷ. Thường người ta nói với nhau: thằng ấy con nọ chết vì sida (HIV) nhưng trên thực tế virus HIV không giết chết ai trực tiếp bao giờ cả. Nó xâm nhập vào cơ thể qua đường máu, phá vỡ các tế bào miễn dịch của con người. Từ đó cơ thể không còn sức đề kháng với các loại virus gây bệnh khác nữa. Chính những virus gây bệnh khác đã giết chết con người. HIV chỉ là nguyên nhân gián tiếp gây ra cái chết vì nó phá hoại tế bào miễn dịch của con người. Thường hệ thống miễn dịch của con người được đếm bằng tế bào CD4. Khi lượng tế bào CD4 trong cơ thể giảm xuống là lúc cơ thể dễ bị mặc các chứng bệnh khác. Người khoẻ mạnh bình thường thì lượng tế bào CD4 duy trì mở mức 1000 đến 1500 đơn vị trên một ml máu. Khi cơ thể chúng ta bị bệnh tức là lúc chúng ta có lượng tế bào CD4 xuống thấp. Nói ví dụ cơ thể của bạn có lượng CD4 khoảng 1500 lúc khoẻ mạnh nhưng khi chúng ta bị mắc cảm hoặc cúm thì lúc đó cơ thể chúng ta lượng CD4 có khi chỉ còn 700 hoặc trên dưới con số đó. Cả cơ the chúng ta thấy rã rời mệt mỏi vì tất cả dồn sức vào chiến đấu với những loại virus gây bệnh. Những ngày bệnh như vậy lúc nào chúng ta cũng cảm thấy mệt mỏi, sức làm việc không còn và có khi ăn cũng không muốn nữa. Thế nhưng những người sống chung với HIV lượng CD4 của họ lúc nào cũng thấp. Thông thường khi lượng CD4 chuyển xuống dưới 500 là đã được coi là chuyển sang giai đoạn AIDS (đó là theo con số chuẩn của bên Mỹ, còn ở Việt Nam lúc đó thuốc điều trị vẫn còn hạn chế nên chỉ khi CD xuống 250 mới bắt đầu được điều trị ARV). Tôi không thể tin rằng những đồng đẳng viên của chúng tôi các em có những lúc đã xuống đến con số chục (20-30-50) CD4 trong người. Đừng trách và cho rằng những người sống chung với HIV là những người lười, biếng nhác không muốn làm việc. Họ muốn lắm nhưng họ cũng hiểu được chính cơ thể họ. Lượng CD4 xuống thấp mà vẫn tiếp tục làm việc kiệt sức là một cách tự giết chết mình. Chưa kể những ai đã phải tham gia điều trị ARV rồi thì tác dụng phụ của thuốc cũng là nguyên nhân gây cho họ những mệt mỏi. Ngày đó thuốc điều trị ARV còn sản xuất riêng lẻ nên mỗi khi uống thuốc bệnh nhân phải uống một lúc bốn, ba viên tuỳ theo phác đồ điều trị. Khi đó luôn có một loại thuốc có phản ứng phụ mạnh với cơ thể. Bác sĩ phải thường xuyên theo dõi và có thể chỉ định cắt bớt một loại nào đó không thích hợp với cơ thể. Một điều nữa mọi người có thể thắc mắc là những người sống chung với HIV luôn đeo đồng hồ. Không phải là họ làm sang hay muốn đeo đồ trang sức đâu mà đồng hồ là phương tiện báo giờ hữu hiệu nhất giúp họ tuân thủ được quy trình điều trị. Thuốc ARV phải uống theo giờ nhất định, không nên trễ hoặc sớm hơn 15'. Nếu lỡ một lần trong một tháng thì còn đỡ nhưng nếu trễ giờ nhiều lần virus HIV dễ dàng thích ứng với thuốc và có khả năng kháng thuốc. Các phác đồ điều trị hiện tại mới chỉ có phác đồ 1 và phác đồ 2. Nếu bị lên phác đồ tức là virus đã kháng thuốc thì việc điều trị trở nên khó khăn, phức tạp nhiều. Điều quan trọng cho một bệnh nhân AIDS đó là phải tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị tránh gây lên phác đồ. Để giúp cơ thể có được lượng CD4 cao bệnh nhân AIDS nhất thiết là phải đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, và quan trọng nhất là tinh thần lạc quan, thoải mái có thể giúp cơ thể đạt được lượng CD4 cao nhất. Tinh thần đối với người sống chung với HIV là rất quan trọng. Những suy sụp về tình thần là nguyên nhân suy giảm CD4 rất nhanh. Trên thực tế có những người sau khi phát hiện HIV dương tính, tinh thần suy sụp, bỏ ăn và tử vong đến rất nhanh. Trái lại có những người sống chung với HIV hoặc thậm chí đã chuyển sang AIDS hàng chục năm vẫn sống lành mạnh, vui vẻ. Có thể dinh dưỡng phụ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của mỗi người nhưng cái quan trọng nhất và hoàn toàn miễn phí đó là tinh thần thoải mái. Nếu sau này có gặp những ai lỡ bị nhiễm HIV điều quan trọng là bạn hãy giúp họ vui vẻ, cố tránh những cú sốc về tình thần đó là bạn đã giúp cho họ rất nhiều mà không cần phải cho họ tiền hoặc gạo.
|
Năm đầu dự án của chúng tôi chạy nhanh, số lượng người tìm đến chùa thầy Minh Hiền một nhiều lên. Tôi giúp thầy đứng ra thành lập một câu lạc bộ cho những người sống chung với HIV. Nói là câu lạc bộ dành cho những người sống chung với HIV nhưng trong đó cũng có rất nhiều những thanh niên hoàn toàn khoẻ mạnh. Các em đến với chung tôi trên tinh thần tình nguyện viên. Phải nói thầy Hiền là người có uy tín cao nên có sức thu hút rất mạnh với mọi ngừoi. Bà con Phật tử lúc đầu cũng có những phản ứng nhất định vì theo họ đến chùa thì phải là những người trong sạch. Ý của họ là những người phải là Phật tử hoặc ít nhất là những người có lòng mộ đạo mới đến chứ những người như đối tượng chúng tôi quan tâm thì không nên đến. Tôi ra sức giảng giải nhiều điều nhưng rõ ràng tiếng nói của những người như chúng tôi không có trọng lượng bao nhiêu vì họ cho rằng chúng tôi vì nghề nghiệp, vì công việc nên đóng kịch. Cô Minh mẹ của Hà lúc đó cũng ủng hộ chúng tôi nhiệt tình lắm nhưng hiệu quả vẫn không cao chỉ dừng ở con số những bnaj bè của của cô là ủng hộ còn những người khác vẫn có ý kiêng dè chúng tôi. Thầy Minh Hiền vẫn lặng lẽ quan sát mà chưa lên tiếng. Có những cái lắc đầu nhẹ từ thầy.
Tôi còn nhớ năm đó vào mùa Phật Đản. Bà con lại tất bật chuẩn bị trang trí và bày biện, lau chùi chuẩn bị như người bình thường đón Tết. Đội văn nghệ của chùa cũng gấp rút chuẩn bị những tiết mục văn nghệ cho đêm Văn nghệ chào đón đức Phật đản sinh. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy chùa có hẳn một đội văn nghệ, thành phần chủ yếu là các em sinh viên từ trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật tham gia. Số ít là các cụ Phật tử cũng muốn đóng góp một số tiết mục gọi là cây nàh lá vườn. Ca đoàn ở các nhà thờ thì tôi biết là họ rất mạnh nhưng nói về văn nghệ Phật tử thì lần đầu tiên tôi mới thấy ở chùa của thầy. Các em trong đội văn nghệ tham gia tập dưới sự hướng dẫn của thầy.
Một sân khấu thật lớn được dựng lên trong khuôn viên chùa. Sân khấu đó phải nói là công phu. Một cái phông lớn phía hậu đài với hình một cánh đồng sen bát ngát và dòng chữ chạy ngang phông "Mùa Phật đản - Mùa Yêu thương". Ngay chính giữa sân khấu là tượng của đức Pật đản sinh đang bước đi những bước đầu tiên trên những đoá sen. Hai bên cánh gà là hai dãy bàn kê chênh chếch hướng lên Phật đài. Phải nói là một sâu khấu hoành tráng nhất mà tôi từng thấy cho các phong trào văn nghệ quần chúng. Trên không treo những lồng đèn đỏ trong thật lung linh, rực rỡ. Tôi như bị cuốn vào không khí của bà con Phật tử. Sân khấu được dựng trước hai ngày nên ban đêm tôi có dịp quan sát. Tôi càng cảm phục tài khánh tiết của thầy Minh Hiền. Đêm văn nghệ năm ấy thầy Minh Hiền mời khá nhiều chư Tăng từ các chùa khác đến dự. Hai dãy bàn hai bên sân khấu giờ tôi mới hiểu là một bên dành cho các chư Tăng còn một bên dành cho khách mời là các đại biểu là khách chính quyền cũng như một số khách quan trọng mà thầy gọi là những người thế tục.
Đêm văn nghệ ấy còn mang lại cho tôi một sự ngạc nhiên ngưỡng mộ. Chính thày Minh Hiền là người điều khiển chương trình. Một số bài diễn văn nói về ý nghĩa của ngày Đản sinh đức Phật và một số thông điệp được thầy biên tập lại lồng ghép vào chương trình khá trơn tru, khá ngọt ngào. Những lời văn trong đó tôi nghe không hiểu rõ lắm nhưng đại khái là rất hay. Các bài hát ca ngợi công đức của Đức Phật, của các vị Bồ Tát cũng như hàng Tăng chúng được lồng ghép, xen kẽ với những bài nhạc đời thật cảm động. Mỗi một bài hát, mỗi một tiết mục múa được thầy dẫn dắt bằng những đoạn giảng ngắn nói về tình người hết sức cảm động. Có nhiều bài hát lần đầu tiên tôi được nghe. Tôi còn nhớ những bài hát đọng lại tình người nhiều nhất là những bài nhạc đời mà thầy đưa vào chương trình. Có những tiếng khóc sụt sùi khi nghe thầy giảng về tình người. Tôi thấy ngạc nhiên vì đêm đó là đêm văn nghệ mừng Phật đản nhưng thầy lại trình bày nhiều về tình người đến như vậy. Người nghe như bị lôi cuốn theo dòng cảm xúc thầy đem đến. Cho đến tận giữa chương trình tôi mới biết đó là chủ ý của thầy để hướng mọi người theo những việc làm mà thầy đang theo đuổi. Thầy nói về những cuộc đời bất hạnh đang cần được chia sẻ. Một lần nữa tôi thấy thực sự nể trọng sự dẫn dắt của thầy. Một lần nữa tôi cũng thấy được sức mạnh của văn hoá văn nghệ. Nó làm cảm xúc của con người hướng theo nội dung, ca từ của những bài hát. Lúc đó gần như không có sự phân biệt đạo hay đời nữa. Đời cũng là đạo và đạo lại cũng chính là đời. Tất cả khách mời, phật tử và chư Tăng ai cũng cảm động. Một điều tôi chưa từng thấy đó là các vị quan khách chính quyền, theo thói thông thường họ đến với những chương trình như vậy chủ yếu là theo phép lịch sự, chỉ dự một đoạn rồi đều tìm cách chuồn dần. Đêm văn nghệ năm ấy tôi thấy mọi người ở lại dự cho đến cuối cùng. Thầy không kêu gọi mọi người đóng góp, thầy cũng không kêu gọi sự tham gia của mọi người vào chương trình mà thầy đang thực hiện thế nhưng sau đó tôi mới thấy mọi người bị cảm hoá ra sao.
Jonathan và hai cô cậu sinh viên của tôi hôm đó cũng thực sự xúc động mặc dù rào cản ngôn ngữ không cho họ biết được thầy đang nói gì, những bài hát nói về cái gì nữa. Nhưng không khí từ khán giả, từ những tiếng sụt sùi của những giọt nước mắt, từ những nét nhạc đã cho họ những cảm nhận nhất định. Buổi diễn đêm ấy kết thúc thật khuya. Ai ra về cũng trong nghẹn ngào và chắc chắn là trong lòng họ đã nảy sinh những tình cảm mới. Đêm ấy bà con Phật tử ở lại chùa ngủ cũng khá nhiều. Họ chờ mong giờ phút đức Phật đản sinh để cùng nhau làm các nghi lễ tôn giáo. Chúng tôi cả nhóm cũng quyết định ở lại để cùng chứng kiến với mọi người. Một bữa ăn khuya được dọn lên. Jonathan nói rằng bữa ăn khuya đêm ấy gợi cho ông nhớ đến bữa tiệc đêm Giáng sinh nơi quê nhà. Jonathan thực sự xúc động khi nghĩ đến Giáng sinh nơi xa xôi. Mọi người thấy sự khác biệt giữa lễ Phật đản với giáng sinh. Ở Mỹ và những nước khác có tục đón giáng sinh, đêm đó là đêm đoàn tụ gia đình ai cũng mong muốn trở về nhà cũng sum vậy với người thân thì ở Việt Nam mọi người lại quây quần lại với nhau cùng nhau đón ngày Phật đản sinh. Tôi thì nghĩ rằng sự khác biệt đó đến từ nét văn hoá truyền thống cũng như những thuận lợi về thời tiết nên mọi người mới có điều kiện sum họp cùng nhau ở một cộng đồng lớn. Tôi đã thấy Giáng sinh ở Việt Nam, tôi cũng đã chứng kiến những giáng sinh lạnh lẽo bên xứ người nên tôi hiểu rõ điều ấy. Đêm giáng sinh ở Việt Nam mọi người cũng cùng nhau ra đường chẳng kể bà con có đạo hay bà con không theo đạo.
Sau lễ Phật đản năm ấy, gần như số bà con Phật tử đã ủng hộ cho việc làm của chúng tôi tăng lên rất nhiều. Họ không chỉ là những Phật tử của chùa mà bà con còn đến từ những vùng khác nữa. Công việc trôi chảy hơn nhiều. Nguồn quỹ mọi người ủng hộ đã giúp cho thầy trò chúng tôi có những chuyến đi thăm những người có hoàn cảnh khó khăn tăng lên nhiều hơn. Đến lúc đó thì chính chúng tôi là những người cảm thấy ngại và có những mặc cảm. Kinh phí chúng tôi dành cho dự án không cao, hơn nữa những nghiêm ngặt về thanh toán tài chính khiến chúng tôi lúng túng. Thày Minh Hiền vẫn động viên chúng tôi rằng mọi người cũng vì mục đích chung để đạt được mục tiêu chúng tôi đang hướng tới. Tuy nhiên tôi vẫn có một cảm giác hơi mặc cảm khi đi cùng thầy đến thăm và trao quà cho những người đang chịu bất hạnh. Trao đổi việc đó với Jonathan, tôi nhận được sự ủng hộ từ phía Jonathan. Hơn ai hết ông hiểu được những khó khăn mà mọi người đang trải qua. Vậy là tôi và Jonathan đã dùng nửa tháng lương của mỗi người cộng với hai cô cậu sinh viên kia một nửa tháng nữa chúng tôi có được một tháng rưỡi lương để cùng đóng góp với thầy. Số tiền ấy với chúng tôi không lớn lắm nhưng do sự chênh lệch về gía trị đồng tiền nên cũng làm tôi nguôi ngoai được phần nào những mặc cảm. Lại một lần nữa thầy Minh Hiền làm một khó xử, thầy quyết định là số tiền phụ cấp cho thầy từ dự án cũng được đưa luôn vào nguồn quỹ chung cho mọi hoạt động của dự án. Tình cảm của tôi dành cho thầy ngày một lớn. Tôi thường lang thang ở lại chùa nhiều hơn sau mỗi buổi làm.
Ngày ấy internet cũng đã phát triển nên tôi có thể liên lạc với Loan và các con qua Yahoo chat. Nhưng muốn liên lạc với bên nhà tôi phải ở lại chùa vào buổi tối thì mới có thể liên lạc với vợ con vì giờ chênh lệch nhau. Tôi rất vui mừng khi thấy Loan và các con vẫn khoẻ mạnh bình thường. Có lần đang nó chuyện với Loan thì thầy đi qua. Tôi mời thầy vào để giới thiệu với Loan. Tôi không ngờ rằng Loan lại có thể nói chuyện với thầy trôi chảy như vậy. Thì ra chỉ có tôi mới là kẻ vô sư vô sách, lúc đầu tôi vô cùng khó khăn khi tiếp xúc và xưng hô cùng các thầy. Loan chắp tay chào thầy và xưng hô, nói chuyện với thầy một cách thuần thục khiến tôi nể. Thầy cũng rất thích nói chuyện với Loan, tôi biết điều đó qua cách thầy nói chuyện.
- Chị và các cháu bên nhà cứ yên tâm, anh Lâm bên này khoẻ mạnh lắm. Nhờ anh ấy mà chúng tôi mới biết làm những việc có ý nghĩa như thế này. - Nhà con còn lông bông lắm thầy ơi. Con cảm ơn vì có thầy bên cạnh kèm cặp cho nhà con. Anh ấy tính ham chơi lắm thầy ạ. Con nhờ thầy quản lý nhà con giúp cho mẹ con con với. - Chị nói sao ấy chứ tôi thấy anh Lâm có lông bông bao giờ đâu. Suốt ngày anh ấy ở chùa cùng chúng tôi mà. CÓ dịp nào chị và các cháu về bên này chơi mời chị và các cháu đến thăm chùa nhé. - Vâng nhất định khi nào về con sẽ ghé thăm chùa thầy. Thầy cho con ăn cơm chay nhé. - Tưởng chị đòi gì chứ cơm chay thì ngày nào chẳng có.
Loan giao tôi cho thầy quản lý. Không biết như vậy là đúng hay sai nữa.
|
Năm thứ hai dự án chúng tôi bắt đầu triển khai thêm ở một số địa bàn khác. Phương án của chúng tôi dự tính sẽ triển khai tiếp ở Hải Phòng và TPHCM. Bắt đầu từ đây sẽ lại thêm bận bịu rất nhiều. Việc đi lại, di chuyển của tôi phải thường xuyên liên tục. Những chuyến đi xe đò về Hải Phòng, những chuyến bay Sài Gòn làm tôi mệt mỏi. Cũng là do công việc mới triển khai nên chuyện vất vả là lẽ đương nhiên. Những lần bay tôi không ngại thời gian bay nhưng cái làm tôi sợ nhất là thời gian chờ đợi các chuyến bay. Chuyện máy bay bị delay là thường xuyên. Lạ nhất là các hãng bay khi delay họ không bao giờ chịu thông báo thời gian rõ ràng, có khi đợi nửa giờ, rồi lại nửa giờ tiếp. Cái mẹo của họ là để tránh những bồi thường cho hành khách trên các chuyến bay. Đa số hành khách không biết về luật hàng không là các chuyến bay phải bồi thường khách hàng một phần trên giá trị của vé tuỳ theo thời gian máy bay bị delay. Nhẹ thì phục vụ đồ uống miễn phí, cao hơn chút nữa thì là một bữa ăn phụ, có thể phải chi trả tiền khách sạn cho hành khách ngủ qua đêm, hoàn trả 40%, 50% và 100% tiền vé. Nhưng đó là ở quốc tế còn ở Việt Nam tôi không chắc người ta có thực hiện quy định ấy hay không nữa. Có những chuyến bay trễ giờ nhiều quá họ cũng có thông báo cho hành khách là họ bồi thường bữa ăn nhẹ, thường địa điểm đến chỗ nhận bữa ăn nhẹ không dễ gì tìm kiếm, hoặc có khi tìm đến nơi thì họ lại thông báo cho hành khách lên máy bay, và lại hàng nửa giờ hoặc 45' ngồi chờ trên máy bay mà chẳng thấy nhúc nhích chút nào.
Lúc đầu tôi đi xe về Hải Phòng nhưng đoạn đường ngắn nhưng thời gian di chuyển quá lâu, chính vì vậy sau này tôi chuyển qua lịch trình bằng cách sáng bay từ Hà Nội vào Sài Gòn, làm việc cả ngày xong và chiều tối bay ra Hải Phòng, nghỉ lại đó làm việc mấy ngày rồi mới về Hà Nội.
Một đặc điểm mà tôi nhận ra sau một thời gian làm việc đó là phương thức lây nhiễm của những người sống chung với HIV. Nếu như bên Mỹ chúng tôi được tập huấn nhiều về những nguy cơ lây nhiễm qua đường tình dục thì ở Việt Nam tôi nhận thấy tỷ lệ lây qua đường tình dục không cao lắm. Chủ yếu cho phương thức lây nhiễm này là do lây từ chồng qua vợ nhiều hơn, những ông chồng chơi bời đâu đó và đem về nhà lây cho vợ. Số lượng của những người lao động tình dục (hay như cách gọi của mọi người là gái bán dâm) lúc đó chưa quản lý được nhiều nên số liệu thống kê không chính xác. Các hoạt động của giới MSM (tình dục đồng tính) ở Việt Nam do chưa cởi mở nên cũng rất khó điều tra và thống kê. Con số làm lây lan virus HIV cho đến lúc đó chủ yếu vẫn là những người sử dụng ma tuý (drug users). Số lượng bơm kim tiêm sử dụng cho phát miễn phí khá nhiều nhưng số BCS chúng tôi sử dụng không nhiều lắm. Ngay các em đồng đẳng viên nhiều khi cũng ngại đi phát BCS ngoài đường phố. Còn bơm kim tiêm thì gần như về sau các em cũng chẳng cần phải vào những khu nguy hiểm, những điểm nóng về ma tuý để phát mà chỉ cần có địa điểm cụ thể là số người sử dụng ma tuý kéo đến xin bơm kim tiêm. Làm công việc của một đồng đẳng viên không dễ và không an toàn chút nào nhưng kinh phí chi cho họ thì chẳng đáng là bao. Nếu như không sử dụng chính các em đã từng là những người sử dụng ma tuý thì rất khoc có thể tiếp cận với các đối tượng khác từ đó hướng dẫn họ đi xét nghiệm để sàng lọc con số phát hiện nhiễm mới. Chỉ có các em mới biết những địa điểm có thể tiếp cận được, và lẽ dĩ nhiên cũng chỉ có các em mới có thể vận động được những người cùng cảnh đi xét nghiệm dễ dàng. Các phòng tư vấn thì rất nhiều nhưng hoạt động không hiệu quả. Phần vì chẳng ai muốn đến đó mà chường mặt ra để cho người khác biết là mình có sử dụng ma tuý hoặc có quan hệ với giá bán dâm. Cho dù nghiện đến cỡ nào thì người ta vẫn muốn dấu. Mặt khác khi đến các trung tâm tư vấn, người ta ngại nhất một số thủ tục hành chính, có nhiều trung tâm tư vấn kiến thức còn non hơn cả một số những người nghiện lâu năm mà họ đã được tập huấn. Kiến thức chung thì nhiều nhưng là các bác sĩ hoặc y tá do chỉ được tập huấn trên lý thuyết nên không thể hiểu rõ bằng những người trong cuộc. Họ biết rất rõ trạng thái của từng người và có những sơ cứu hết sức thông minh khi gặp các trường hợp bị sốc thuốc. Những năm đó do có chiến lược tốt hơn nên chúng tôi đạt được kết quả tốt hơn hẳn một số chương trình truyền thống cũng như các mô hình của nhà nước quản lý rất nhiều. Khối văn phòng lẽ dĩ nhiên là những người có trình độ để giúp quản lý điều hành cũng như thanh quyết toán các thứ giấy tờ và số này cần biết tiếng Anh khá cao. Khi phỏng vấn các em nói rất lưu loát nhưng khi bắt tay vào công việc mới biết kiến thức về chuyên ngành các em còn thiếu quá nhiều. Lại phải đào tạo, lại phải bồi dưỡng. King nghiệm của chúng tôi lúc đó là hướng dẫn kèm cặp cho một nơi tốt trước sau đó mỗi khi triển khai ở một địa bàn mới là chúng tôi có được những em đã có chuyên môn cao sẽ làm hướng dẫn cho các em mới. Cứ nha vậy chúng tôi luân chuyển các em đến từng địa bàn cho phù hợp với công việc.
Một năm làm việc ở Hà Nội mà những lần về Hải Phòng của tôi chỉ được đếm trên đầu ngón tay. Công việc bận mải cả tuần nên chủ nhật tôi thường thích nằm dài trong khách sạn và chờ đợi đến giờ ăn đi ăn lăng nhăng thứ gì đó cho qua chuyện. Chỉ đến khi dự án triển khai ở Hải Phòng tôi mới có điều kiện về nhà nhiều hơn. Những ngày ở Hải Phòng tôi thường về nhà nghỉ mặc dù quy định và tiêu chuẩn tôi vẫn phái nghỉ ở khách sạn nhưng tôi cũng biết cách móc ngoặc với các khách sạn mua hoá đơn của họ để được nghỉ ở nhà. Bính và Thuý đã dọn về nhà tôi ở theo yêu cầu của anh em tôi cũng như yêu cầu của bố mẹ. Bính trở thành con trai trong nhà và Thuý thành con dâu. Lúc đầu tôi cũng rất ngại với những tiếp xúc hàng ngày với Thuý nhưng dần dần Thuý trở thành người chủ động lờ đi tất cả chuyện cũ và coi tôi như một người anh nên tôi cũng đỡ ngại. Tiến vẫn buôn bán hàng tạp hoá nhỏ ở chợ gần chỗ bố và chị Mỹ. Những khi tôi ở nhà thường Bính, tôi và Tiến ngủ cùng nhau chung một phòng. Thường thì những lúc ấy chúng tôi hay kiếm cái gì đó ngồi với nau cho đến lúc say thì ngủ chứ cũng không có làm gì như mọi người có thể nghĩ. Tôi và Bính vẫn hay khuyên Tiến nên có một gia đình để sau này ổn định nhưng thực sự là khó cho Tiến vì Tiến không thể quan hệ được với người khác giới. Bế tắc vẫn hoàn bế tắc. Cả Bính và Tiến đều biết đứa con của Thuý chính là của tôi. Họ cùng nhau chăm sóc thằng bé như con ruột. Bố tôi phải nói là rất phục ông trong khả năng quan sát. Ông biết rằng con của Thuý chính là con tôi chỉ sau mấy lần gặp mặt. Chính vì vậy mà ông một mực bắt hai vợ chồng Bính về ở cùng nhà. Thực ra lúc đầu bà chị cả cũng hay lèng èng kiếm chuyện nhưng do bố kiên quyết nên cuối cùng cũng phải chịu. Tuy nhiên họ cũng chỉ bằng mặt với nhau chứ không bằng lòng. Nói cho đúng thì có vợ chồng Bính ở nhà cùng cũng giúp cho mẹ tôi đỡ vất vả đi nhiều. Thuý rất tần tảo trong mọi việc. Những lúc vắng Tiến tôi và Bính cũng vẫn thường trao cho nhau tình cảm, tuy không nhiều lắm nhưng cũng giúp chúng tôi nguôi ngoai những nhớ thương. Con tôi, thằng Hải giờ có tới ba bố, bố Bính, bố Tiến và bố Lâm. Nó gọi tất cả anh em chúng tôi là bố, là mẹ, thực tế là nó có tới chín ông bố và tám bà mẹ. Sau này bố tôi nói:
- Cứ nha thằng Hải bố thấy lại hay. Con cái nhà các anh cứ gọi nhau bằng bố mẹ hết cho tình cảm. Vậy là tôi có thêm những đứa con của các anh các chị tôi nữa. Gia đình tôi lúc đó có khách đến sẽ rất ngạc nhiên vì chẳng biết ai là bố thực ai là bố giả nữa. Tuy nhiên cũng có cách phân biệt đó là nếu là bố đẻ chúng nó sẽ chỉ gọi bằng một từ bố còn nếu không phải bố đẻ chúng nó sẽ gọi thêm cả tên ví dụ như tôi là bố Lâm của tất cả những đứa cháu nhà tôi.
Càng gần Bính tôi càng mong muốn được chia sẻ cùng Bính những đòi hỏi con người. Nhưng rất khó để chúng tôi làm việc ấy vì dù sao không thể để cho Thuý biết chuyện ấy được. Nhưng rồi chúng tôi cũng có cách, chúng tôi về bên nhà Bính mỗi khi hai đứa cần. Bố mẹ Bính cũng coi tôi như con cái trong nhà nên việc hai đứa về nhà cũng không có gì làm mọi người phải suy nghĩ nhiều. Ở nhà tôi mỗi khi Tiến đi đâu đó chúng tôi cũng vẫn có thể gần gũi nhau mà không sợ ai làm phiền.
|
Cơ thể con người dù khoẻ đến cỡ nào thì cũng có lúc phải ốm đau. Tôi thuộc diện khoẻ nhưng không phải cứ khoẻ thì có nghĩa là không bị ốm đau. Từ bé cho đến bây giờ khi ngồi viết những dòng chữ này tôi chỉ một lần duy nhất vào bệnh xá lúc chưa đi học vì bị gãy tay. Lúc nhỏ theo bạn bè đi leo trèo, hái trộm hoa quả nhà người khác bị đuổi quýnh quá té xuống bị gãy tay. Lần thứ hai tôi vào viện là đi mổ cái nhọt trên gần cổ. Hồi đó là năm thứ hai đại học tại bệnh viện Từ Liêm mà chúng tôi vẫn hay gọi là bệnh viện tèm lem. Lần đó cái nhọt cũng mới lên chưa có mủ gì cả thế mà cái ông bác sĩ dám đè tôi ra mổ. Thuốc tê không có ông ta cứ thế làm. Tôi kêu đau vì thực tế đau lắm. Ông ta chê tôi con trai mà nhát đụng chút đã la. Đã vậy tôi không thèm la luôn. Nằm chịu trận như thế đến lúc đau quá ngất xỉu đi ông ta mới buông tha. Có máu mủ gì đâu, một tuần sau vào viện bấy giờ mổ mới có mủ. Từ đó cạch không bao giờ vào luôn. Lần này thì tôi bệnh thật. Bệnh cũng nhẹ thôi, tôi chỉ bị cảm lạnh. Thực ra ngày trước khi còn ở Iowa mùa đông bên đó lạnh lắm nhưng tôi lại không bị cảm lạnh bao giờ vì thời tiết bên đó khô hơn nên ít gây ra lạnh cóng như bên Việt Nam.
Năm đó ăn Tết xong chúng tôi trở lại làm việc như bình thường. Bữa đó mấy anh em ở câu lạc bộ dành cho người có H rủ chúng tôi đá bóng giao hữu. Về phía dự án chúng tôi chẳng có mấy đàn ông. Phía bên dự án có tôi, Jonathan và một cậu sinh viên trẻ, còn phía đối tác thêm một anh nữa tên là Đức vậy là chỉ có bốn. Cuối cùng chúng tôi phải huy động lực lượng tình nguyện viên có mấy em nữa thế là đủ một đội. Quân bên tôi không có người dự bị còn phía bên kia lực lượng họ đông hơn nên nhiều dự bị lắm. Một trận bóng nhạt chưa từng thấy mặc dù có rất nhiều cổ động viên là phái nữ. Bên Mỹ bóng đá không phải là môn người dân ưa chuộng nên cả Jonathan và Graham (tên cậu sinh viên) đều chẳng có sở trường sở đoản nào cả. Bị phạm luật liên tục. Phạm nhiều quá đến nỗi đối phương phải bỏ qua những lỗi nhỏ. Và cười nhất là họ chẳng hiểu gì về luật nên cứ chạy khắp sân. Lỗi việt vị không thể đếm hết. Vậy nên lực lượng chính vẫn là tôi và mấy em tình nguyện đảm nhận. Trận đấu chẳng có trọng tài nào cả, cứ vừa chơi vừa quan sát nhau để tìm lỗi nên trận đấu hay bị dừng lại vì những tranh cãi có khi đưa đến xử hoà. Đang đá thì có một trận mưa, chúng tôi cùng nhau ngồi bẹt trên sân chờ mưa tạnh. Mưa nặng hạt hơn, có mấy anh em bắt đầu chạy đi tìm quần áo. Tôi cũng thấy lạnh nhưng mệt quá nên vẫn ngồi giữa sân. Cuối cùng trận đấu bị bỏ dở vì mưa lâu quá. Căn cứ vào hiệp 1 chúng tôi thua nên phải đưa anh em đi khao. Quân số đông quá nên chúng tôi không đủ tiền đi nhà hàng mà chỉ vào một quán có cùng nhau uống rượu nhâm nhi với lạc rang và vài thứ quả dầm. Nói chung là buổi nhậu cũng vui, tốn cũng khá nhiều rượu. Chúng tôi cùng ra về khà khướt.
Tối hôm đó tôi nhận được cú điện thoại từ thày Minh Hiền. Tôi lập tức chạy xuống thầy mặc dù lúc đó bắt đầu cảm thấy lạnh nhưng tôi vẫn đi. Đến nơi tôi mới biết có một gia đình Việt kiều muốn đến hỗ trợ chúng tôi. Thú vị nhất là gia đình anh chị đó ở rất gần chỗ tôi bên Cali. Nhà tôi qua nhà anh chỉ mất khoảng 20 phút chạy xe. Tôi ở bên Oakland còn gia đình anh ở bên San Fracisco. Vợ chồng anh Kiệt. Hội ngộ cùng nhau khiến cho tôi có cảm giác thật vui quên đi rằng mình bắt đầu có cảm giác lạnh. Vui hơn nữa là anh cũng là dân Hải Phòng như tôi. Anh giới thiệu về nhóm người Hải Phòng bên San Francisco. Thì ra bà con mình bên đó cũng đông nhưng thành phần chủ yếu là người Hoa Hải Phòng di cư nhiều hơn nhưng người ta vẫn gọi đó là hội đồng hương Hải Phòng. Nhóm của anh có biết đến dự án của chúng tôi vì có mấy bà con có cháu bị nhiễm bên này. Họ vận động được một số tiền muốn chuyển về cho chúng tôi. Tôi đề nghị thày Minh Hiền đưa số tiền đó vào quỹ hoạt động. Bên chúng tôi không được nhận số tiền đó. Anh em ngồi chơi với nhau đến tận khuya. Chúng tôi trao đổi thông tin với nhau hẹn khi nào về bên Mỹ sẽ gặp nhau.
Lúc vợ chồng anh Kiệt về cũng là lúc tôi bắt cơn sốt. Tôi gục xuống bàn, run từng chặp. Thày Minh Hiên dìu tôi về phòng đầu dãy nhà thờ tổ. Thầy bắt máy gọi cho ai đó. Một lúc sau có một anh bác sĩ mang theo đồ dụng cụ đến khám cho tôi. Tôi bị sốt do cảm lạnh. Đêm đó thầy Minh Hiền thức cùng tôi suốt cả đêm. Những ngày sau đó tôi ở lại luôn chùa không về khách sạn nữa vì ở chùa tiện hơn, có bác sĩ đến khám và cho thuốc mỗi ngày. Tôi thấy thầy Minh Hiền tận tuỵ như một người mẹ chăm con. Thầy thức cả đêm ngồi bên giường tôi trông cho tôi ngủ. Do bị cảm lạnh nên tôi bị hạn chế tắm. Thầy lấy nước nóng lau người cho tôi. Tôi như một đứa trẻ. Tôi cảm thấy ngượng với thầy. Cả cơ thể tôi giống như một đứa trẻ trước thầy. Tôi cứ muốn co lại mà thầy động viên tôi không nên ngại ngùng gì cả. Tệ nhất là khi thầy lau thằng bé nó cứ ngỏng lên. Hết sức mất dạy. Đúng là "trên bảo dưới không nghe". Mắc mệt với nó. Một đứa trẻ đầy lông lá cùng một thằng nhóc mất dạy làm tôi ngại với thầy hết sức.
Một tuần sau tôi mới khỏi hẳn. Suốt cả tuần tôi ở cùng thầy. Hàng ngày thầy kêu Hà đi mua đồ ăn về cho tôi còn thầy vẫn ăn đồ chay. Thầy có giải thích với tôi là không phải thầy muốn kiêng cữ gì đâu nhưng đã bao nhiêu năm rồi nên đã quen giờ mà ăn đồ khác vào dễ bị tiêu chảy nên thầy không ăn. Thầy cũng chẳng đặt tiêu chí là người xuất gia phải ăn chay mà chỉ là thói quen của thầy. Những ngày gần thầy tôi hiểu nhiều hơn con người thầy qua những điều thầy đã tâm sự cùng tôi. Lúc nào rảnh rỗi sẽ kể lại cho bà con cùng nghe.
Ngày tôi khỏi bệnh thầy nói với tôi trong một bữa ăn hai thầy trò ngồi cùng nhau:
- Nói anh Lâm đừng cười, tôi thấy giá như anh cứ ốm tôi cảm thấy thích hơn. - Tại sao vậy thầy? - Thực ra lúc anh ốm tôi mới thấy được cuộc sống mình có ý nghĩa hơn. Tôi có một ai đó để mà chăm sóc còn bình thường thì mọi người chăm sóc tôi không có bao giờ tôi được chăm sóc ai đâu. Tôi nói anh đừng cười nhá. Chăm sóc anh gợi cho tôi tình cảm một người cha mặc dù anh lớn tuổi hơn nhưng đó là ý nghĩ trong đầu tôi. Tôi cũng khát khao lắm có được cho mình một đứa con để chăm sóc, vỗ về. Tôi muốn tự mình chăm sóc cho ai đó mà có ai đâu để mà chăm sóc. - Sao thầy không nhận mấy đệ tử để nuôi dạy như những thầy khác? - Đệ tử bây giờ chán lắm anh ơi. Chẳng thà không có còn hơn là nhận vào rồi nuôi ân thành oán. Thanh niên bây giờ không có ý chí đi xuất gia như chúng tôi ngày trước đâu. Họ chỉ nhìn vào những thứ vật chất mà mọi người cúng dường để hưởng thụ thôi. Tôi không muốn mệt đầu với họ. - Con hỏi thầy đừng giận nghe. Tại sao thầy thích có con để chăm sóc sao lúc trước thầy không lập gia đình mà lại chọn đường tu? - Nghe vậy tôi biết là anh chưa hiểu rồi. Tôi coi anh như người nhà nên tôi cũng tâm sự thật với anh. Tôi là một người đồng tính. Thời sinh viên tôi cũng cố thử yêu người khác giới rồi nhưng không thành công. - Thầy nói sao con không hiểu được. Chưa bao giờ con nghĩ thầy là người đồng tính. - Kiến thức về người đồng tính chắc chắn anh nhiều hơn tôi vì dù sao anh ở một môi trường cởi mở hơn, và hơn nữa anh lại có chuyên môn về dự án nên chắc chắn là anh hiểu. Tôi không tự hào khi nhận là người đồng tính đâu nhưng với anh tôi dám khẳng định tôi là một người đồng tính hoàn toàn. Vẻ bên ngoài khác hẳn với những gì trong con tim của tôi. Cuộc sống của người Á đông vốn dĩ không chấp nhận những người đống tính nên tôi cũng chẳng coi đó là thành tích mà khoe ra với mọi người. Tôi chỉ biết ôm nó trong lòng và thổn thức mỗi đêm về. Tôi chọn con đường tu vì tôi có thể làm những việc có thể tích phúc đức cho bản thân cũng như những người thân. Hơn nữa làm một người tu sẽ không ai phải phiền muộn về chuyện lập gia đình của tôi nữa. Tôi nói thêm điều nữa mà chắc anh sẽ ngạc nhiên: trong số những tu sĩ, kể cả một số tôn giáo khác mà tôi biết, có nhiều người giống tôi lắm. Tuy nhiên tôi không bao giờ chấp nhận những người cùng tu mà làm chuyện không thể chấp nhận được. Ngày trước khi mới xuất gia, tôi cũng bị quấy rối nhiều nhưng tôi cố tránh. Biết rằng đó là một nhu cầu của bản thân nhưng tôi không hề có cảm giác gì với họ cả. Lúc nào tôi cũng phải lấy công việc làm niềm vui để hạn chế bớt những đòi hỏi của thân. Ban ngày tôi vui bao nhiêu thì ban đêm tôi buồn bấy nhiêu. Ai cũng nghĩ rằng quý thầy như chúng tôi lúc nào cũng có nhiều người vây quanh chăm sóc nhưng thực tế họ đâu có hiểu nỗi cô đơn của chúng tôi. Một mình trằn trọc với bốn bức tường, đối diện với chính mình khi đã trút bỏ bộ quần áo tu trên người. Nhiều dằn vặt, nhiều cô đơn lắm anh. Chúng tôi có đau ốm, ban ngày có người này người kia chạy đi chạy lại, chủ yếu hỏi thăm nhiều đến nỗi mình khống trả lời. Nhưng ban đêm ai về nhà người ấy, cái cô đơn lại bao trùm lên nơi mình sống. Có những người muốn ở lại trông mình cũng không muốn vì họ còn có gia đình và hơn nữa họ cũng chẳng ruột thịt gì nên mỗi khi ốm tôi thường nhờ các bác sĩ điều y tá đến mình trả tiền lương cho họ là xong.
Tôi không nghĩ cuộc nói chuyện lại xoay sang hướng sâu như vậy. Tôi cảm nhận được những điều mà thầy tâm sự. Và cũng có những lúc tôi cảm thấy chạnh lòng khi nghĩ về hoàn cảnh của thầy.
|
Chẳng biết từ bao giờ tôi có thói quen ngủ hay cởi quần áo. Cởi không còn cái gì trên người. Nhớ lãng máng hình như thói quen đó do Loan tạo ra cho tôi hay sao tôi cũng không nhớ nữa. Chỉ biết là từ khi lấy vợ một thời gian sau tôi hay có thói quen đó. Có những khi hai vợ chồng nằm ngủ Loan nhắc tôi cởi, tôi cũng cởi nhưng có nhiều lúc chẳng có ai nhắc tôi cũng vẫn cởi. Nhiều khi cởi ngay lúc ngủ mà mình không hề biết. Cứ có gì vướng trên người là tôi cởi tất cả. Chính vì vậy đi đâu tôi cũng không thấy ngủ ngon được. Tôi chỉ sợ ngủ nhà người ta lỡ cũng cởi đồ ra thì ngượng chết. Ít khi tôi ngủ lại ở đâu lắm trừ khi đi thật xa. Những nơi tôi đến mà có khách sạn hay nhà trọ tôi đều thích ngủ. Còn nơi đâu đó mà không có những nơi để ngủ thì tôi cũng đành chấp nhận ngủ nhà ai đó nhưng thường thì tôi hay bị mất ngủ. Mất ngủ không phải vì lạ chỗ đâu mà cái chính là ngủ luôn chập chờn vì sợ mình tự cởi quần áo ra mà người khác có thể nhìn thấy. Từ ngày qua Việt Nam làm việc, tôi thường ngủ tại khách sạn. Chỉ đến khi tôi bị bệnh mới chịu ngủ lại chùa chỗ thầy Minh Hiền. Làm cái gì rồi cũng thành thói quen. Lúc đầu tôi rất ngại khi ngủ lại chùa nhưng sau trận ốm, thỉnh thoảng tôi cũng ngủ lại trong chùa nếu như cảm thấy không thích sự ồn ào ngoài phố. Thế giới của thầy Minh Hiền như biệt lập hoàn toàn với xã hội bên ngoài. Chỉ cần bước ra khỏi cổng chùa là đã thấy sự ồn ào, náo nhiệt của phố phường với những tiếng còi chói tai. Tiếng rao hàng ời ợi của những người bán hàng rong. Giữa cái ồn ào, bụi bặm, ngôi chùa của Thầy Minh Hiền quả là nơi lý tưởng cho sự tĩnh tâm. Thầy kể cho tôi nghe, ngày trước chùa còn nằm gần như ngoại ô xa xôi nên lúc đó giá cả đất đai cũng chẳng đáng là bao. Sư phụ của thầy cứ mua dần của những nhà dân dọn đi nơi khác nên chùa có được một cơ ngơi khá rộng rãi như bây giờ. Khi cuộc sống khó khăn và cũng là lúc người ta không tin vào thần thánh, chỉ có lý tưởng cộng sản là nhất thì lúc đó con người coi tôn giáo như một thế lực lạc hậu, cản trở bước tiến của xã hội. Những người dân sống xung quanh cũng hay nhòm ngó nơi chùa. Những gì lấy được người ta đều lén lấy đem về nhà. Từ những nải chuối, buồng cau cho đến cả rau trồng trong vườn chùa cũng bị người ta ăn trộm. Sư phụ thầy cố gắng tằn tiện chắt bóp xây dần bức tường xung quanh chùa. Ngày đó tính ra nếu đem toàn bộ vật liệu để xây dưng có khi được cả ngôi chùa to. Sư phụ cứ cần mẫn xây như vậy trong bao nhiêu năm mới hoàn thành thì cũng là lúc chùa xuống cấp. Vậy là cả cuộc đời sư cụ chỉ lo việc kiến thiết xây dựng. Năm thầy Minh Hiền còn là sinh viên chùa vẫn chưa xây được. Do từ bé có tính tình hiền lành và không thích bon chen nên khi vào đại học Hiển (tên thầy Minh Hiền lúc chưa xuất gia) hay tìm đến ngôi chùa gần trường để học bài và tìm sự yên ắng. Hiển hay giúp sư cụ những việc lặt vặt trong chùa như quyét lá cây trong sân hoặc đặt nấu giúp sư cụ nồi cơm. Đại loại như vậy. Cho đến một ngày sư cụ cho gọi Hiển vào nói chuyện. Biết gia đình Hiển ở quê cũng khó khăn nên sư cụ gợi ý cho Hiển vào ở hẳn trong chùa, đi học cho đỡ tốn kém. Thực ra sự tốn kém thì cũng không đáng kể là bao vì cũng đã mấy năm gia đình và Hiển đã lo được nhưng cái chính là Hiển thích sự tính lặng của ngôi chùa. Hiển về nhà hỏi ý kiến bố mẹ và chính thức dọn vào chùa ở. Lạ một điều là mặc dù những năm đó chùa bắt đầu tiến hành xây dựng, ngoài việc đi học, thời gian rảnh rỗi, Hiển giúp sư cụ trông coi và thậm chí làm thợ phụ để xây chùa. Ngoài ra Hiển còn lo cơm nước cho hai thầy trò. Sư cụ là người ăn pha nên chỉ có ăn chay theo từng ngày trong tháng nhất định còn lại thì vẫn ăn pha.
Ngôi chùa xây được một nửa thì phải dừng lại vì sư cụ bị bệnh. Những lúc chăm sóc sư cụ gợi cho Hiển những nỗi buồn nhân thế. Bao nhiều người đến nhờ cụ việc này, việc khác từ việc tín ngưỡng cho đến cả những việc nội bộ gia đình. Lúc nhờ vả ai cũng ngọt ngào, coi mình như con cháu nhưng đến khi cụ lâm bệnh chẳng có được mấy người đến thăm. Hiển là người duy nhất ở cạnh cụ bất cứ đêm hay ngày. Những người trong tổ quy hoặc mấy ông cụ trong làng chỉ có mặt chốc lát họ lại phải vội vàng về nhà lo công việc khác. Đợt ấy sư cụ ốm cũng đến nửa năm mới khỏi hẳn nhưng sức khoẻ thì giảm sút đáng kể. Việc xây chùa vẫn phải tiến hành. Hiển trở thành người lo chính trong công việc chùa. Lúc chuẩn bị hoàn tất ngôi chùa thì cũng là lúc Hiển chuẩn bị tốt nghiệp. Chẳng biết lúc đó lấy đâu ra thời gian mà Hiển vẫn có thể lo được việc chùa và cũng hoàn thành tốt luận văn tốt nghiệp của mình. Đem chuyện đó ra nói với sư cụ Hiển được cụ giải thích:
-Do chư Phật, chư Bồ Tát và chư Tổ gia hộ cho con đấy. Nghe ra con cũng có thiện duyên với cảnh thiền. Ta hỏi con liệu con có muốn đi xuất gia không. Thời gian con ở đây, quan sát tâm tính con ta thấy có có rất nhiều duyên với cảnh Phật. - Vâng bạch cụ con sẽ về hỏi ý kiến bố mẹ con xem sao.
Nói như vậy chứ trong thâm tâm Hiển biết rằng có hỏi chắc gì bố mẹ Hiển đã đồng ý. Bao nhiêu năm nuôi ăn học đến ngày tốt nghiệp mà lại nói đi xuất gia thì sao mà họ đồng ý cho được. Hơn nữa ngày đó còn suy nghĩ lạc hậu lắm chứ có ai nghĩ đến việc đi tu. Người đời thường cho rằng đến với những nơi tín ngưỡng là chỉ dành cho những người lạc hậu, chậm tiến, mê tín dị đoan mà thôi. Ai đời đường đường là một ông cử nhân mà lại đi tu. Năm ấy Hiển tốt nghiệp loại ưu nên được giữ lại trường. Hiển vẫn ở lại chùa chăm sóc sư cụ.
Công việc của sinh viên ở lại trường cũng chẳng có việc gì để làm. Hiển còn phải học nhiều hơn nữa rồi qua bao nhiêu thời gian trợ giảng mới có thể làm giảng viên chính được. Hiển được phân công làm ở Phòng quản lý sinh viên. Thời gian chủ yếu lên văn phòng là để ngồi đọc sách báo cho qua ngày. Hiển bắt đầu để ý đến những cuốn sách mà sư cụ mỗi lần đi đám lớn ở các chùa đem về cho. Sách đó hầu hết là sách quốc ngữ nên cũng dễ đọc. Chỉ có một điều là có nhiều từ khó hiểu quá thì Hiển lại đem ra hỏi sư cụ. Khi những kiến thức cơ bản đã được khai thông, Hiển bắt đầu đọc những cuốn sách đó một cách say mê. Trong một năm mà Hiển đã đọc hết bay cái tủ kinh lớn của sư cụ. Tất cả những giáo lý cũng như những cuốn kinh điển đi vào đầu Hiển một cách tự nhiên. Thực ra lúc đó cũng có lúc Hiển mơ mộng sẽ thành bậc minh sư này, bậc minh sư kia theo gương của các chư Tổ. Nhưng dần dần Hiển mới hiểu được một điều là để đạt được như vậy cần có nhiều công phu và phải vượt qua rất nhiều thử thách mới có thể có được cái tâm tịnh để mong cầu chứng ngộ các điều cao sâu của giáo lý Phật giáo. Mà để được có cái được cái tâm tịnh thì Hiển chưa đạt được. Tuổi đang sung sức, nhu cầu của cơ thế cao lắm. Hàng đêm Hiển vẫn phải đối diện với những mộng tình. Ác một nỗi, Hiển cũng đã từng theo những người bình thường nhưng không thể nào có thể có cảm tình với các cô gái được. Hiển biết mình đã phải chịu số phận nghiệt ngã mà cuộc sống trao cho. Hiển thèm khát lắm những cơ thể đàn ông lam lũ cởi trần mình chắc nịch đang khuân vác ngoài đường hoặc những tà áo cởi tung cúc để bay theo chiều gió của những bác xích lô ngoài đường. Nhưng với bản tính có bề nhút nhát, còn lâu Hiển mới dám nghĩ đến chuyện có thể chung đụng được với những cơ thể như vậy. Những cơ thể ấy là dành cho cánh đàn bà, chính chuyên có, lăng loàn có chứ tuyệt đối không phải dành cho Hiển. Nhiều lúc Hiển thấy bế tắc, tuyệt vọng. Cũng may ngày ấy Hiển ở trong chùa và trông nom sư cụ với ý nghĩ ban đầu là tình thương dành cho cụ nên cuối cùng Hiển hiểu được rằng chỉ có nơi ấy là dành cho Hiển. Hiển có thể tránh được những cám dỗ không hề muốn từ phía phụ nữ. Và cái bộ quần áo nâu khác người có thể giúp cho Hiển tránh khỏi những chuyện làm liều có thể xảy ra với cánh đàn ông ngoài kia. Làm ở trường được gần hai năm, lúc mà Hiển bắt đầu học Cao học cũng là lúc Hiển quyết định sẽ gắn cuộc đời mình với ngôi chùa mà đã cưu mang Hiển trong nhiều năm. Gia đình phản đối quyết liệt. Hiển không về nhà thì họ lên chùa gây khó dễ, ồn ào. Mặc nhiên Hiển vẫn quyết định ở lại chùa. Phản đối mãi không có tác dụng, bố mẹ và anh em Hiển lên tiếng từ Hiển. Từ cũng chẳng sao, Hiển không thể bỏ mình sư cụ ở ngôi chùa ấy được. Lấy bằng cao học xong cũng là lúc Hiển trở thành một tu sĩ. Bao nhiêu những khó khăn mà lúc trước Hiển chưa hình dung tới thì cuộc sống tu sĩ đã bắt Hiển phải biết những sự thật và những khó khăn đắng lòng. Hiển buồn lắm đem cả ra giãi bày cùng với thầy tổ của mình. Sư phụ chỉ nói một câu khiến Hiển có thể thay đổi hoàn toàn và quyết định sẽ theo cách riêng của mình để tu:
- Kinh có nói "y Pháp bất y nhân". Con quy y Tam bảo và tu tập chứ đâu phải là con tu với những người phàm có bề ngoài giống chư Tăng. Con hãy nương vào chính đức Phật trong tâm để tu.
Hiển trở thành tu sĩ như vậy. Thầy tổ đặt pháp danh cho Hiển bằng cái tên Minh Hiền. Hiển bắt đầu cuộc sống mới bằng một cái tên mới như là để thay đổi số phận.
|