Đời Trai Bao
|
|
Cuộc sống chẳng phải ai nói cái gì cũng làm được. Lúc trước gia đình có giận và nói từ Hiển không nhận làm con cái trong nhà nữa nhưng cuối cùng khi bố mẹ lâm bệnh ốm cũng đều do Hiển đứng ra gánh vác công việc lo toan cả khi chăm sóc các cụ ốm cho đến việc lo hậu sự tươm tất thì cũng là lúc mấy anh em lại nhìn nhận Hiển như một thành viên chính trong gia đình. Chẳng phải vì họ không lo được những việc đó nhưng cái chính là không ai chịu tốn kém gì trong tất cả những việc trọng đại ấy nên chắc chắn họ cũng có chút động lòng. Ông anh lớn nhất bữa hôm đưa bà mẹ ra đồng xong về nhà trong men say đã khà khướt gục đầu vào người Hiển nói:
- Chú mày giờ là thành viên chính của gia đình. Từ khi lo cho bố đến giờ lại lo cho mẹ, chú mày gánh vác hết. Các anh cảm động lắm. Thôi từ nay anh em mình xoá bỏ những gì ngày trước hiểu lầm nhau. Gia đình đây chú cứ về, có con cháu anh em.
Nói thì nói như vậy nhưng khi anh em cùng nhau giải quyết căn nhà của cha mẹ để lại thì họ lại xúm nhau vào cãi nhau quyết dành phần hơn tránh những lẽ thiệt thòi cho dù đó là trai hay là gái, dâu hay là rể. Hiển buồn lắm. Cái vai trò chính lúc nãy đã đi đâu biệt, Hiển trở về vị trí thấp nhất. Nhà có bốn anh em, mỗi người một kiểu ý kiến khác nhau. Hiển đưa ra ý kiến cho rằng trai gái gì cũng như nhau vì ngôi nhà là của bố mẹ nên chia đều mỗi người một phần. Mấy bà con dâu nhao nhao lên.
- Nhà này chúng tôi cùng với bố mẹ vun đắp, xây dựng, con gái theo phận nhà chồng rồi làm sao còn phải chia phần nữa? - Chúng mày nhỏ đâu đóng góp được gì nhiều. Tao đây này, từ lúc nhà còn là nhà tranh tao phải cùng bố mẹ lo chắt chiu nuôi chúng mày ăn học lại còn phải lo xây dựng lên nữa. Tao có quyền quyết định căn nhà này.
Cuối cùng thì cũng đành quyết định là chia làm năm phần cho ông anh cả hai phần. Công việc ngã ngũ hết cả Hiển đứng ra tuyên bố phần của mình dành cho thằng em và nó sẽ đưa vợ con về ở và tiếp tục chăm sóc hương khói cho ông bà. Những người còn lại chờ thằng em sẽ thanh toán dần cho từng người. Hiển chỉ muốn giữ lại ngôi nhà nơi mấy anh em đã từng lớn lên ở đó. Hiển thương thằng em nhất. Lúc trước nó cũng chịu nhiều thiệt thòi. Hiển cho phần mình cho nó nhưng phần còn lại cũng không dễ gì nó thanh toán nổi. Lúc đầu nó không chịu nhận cái nhà vì chẳng biết lấy đâu ra số tiền thanh toán cho những người kia, Hiển nháy mắt nó ra dấu là hãy cứ yên tâm để từ từ tính. Nó là đứa em giáp với Hiển. Ngay từ nhỏ nó có những thiệt thòi riêng. Chẳng hiểu lúc bé nó bị bệnh gì mà một bên tai bị nghễnh ngãng. Nghe ai nói nó cứ phải nghiêng qua một bên nghe mới rõ. Gia đình lúc đó khó khăn nên chẳng ai lo cho nó. Nó lớn lên như vậy và thành một cái tật. Thế nhưng ông trời đúng là công bằng. Nó lại là đứa đẹp trai nhất nhà. Mới 18 tuổi nó đã có người yêu và hai đứa trót dại ăn cơm trước kẻng nên cuối cùng gia đình bên vợ cũng đành nhắm mắt đưa chân cho chúng nó về ở với nhau bên đằng vợ vì bên gia đình vợ nó cũng neo người. Chỉ có vợ nó cùng một đứa em trai còn nhỏ. Vậy là nó về ở bên vợ. Nay Hiển muốn nó về lại gia đình để chăm sóc hương khói cho bố mẹ. Hiển chọn như vậy vì nó là đứa có hiếu hơn cả. Những lúc bố mẹ ốm đau cũng chỉ có nó là về cùng Hiển chăm sóc cho ông bà mặc dù kinh tế của hai vợ chồng cũng khó khăn. Lúc trước cả gia đình phản đối Hiển đi tu cũng chỉ có vợ chồng nó còn quan tâm đến Hiển và động viên Hiển nhiều. Giao cho nó ngôi nhà không phải vì Hiển chỉ nghĩ đến chuyện nó động viên và không bỏ mình lúc trước mà chính vì vợ chồng nó còn biết tuần rằm thắp hương hoặc đi lễ nên Hiển cảm thấy yên tâm khi phó thác cho nó. Hiển trở lại chùa sau khi đã bố trí chắc chắn rằng những tranh chấp giữa anh em không còn nữa. Những ngày đó xã hội đã có những cái nhìn thoáng hơn về tôn giáo nên số lượng người đến chùa chiền cũng đã đông dần. Khó khăn lắm Hiển mới dám hỏi những người thân cận để vay mượn số tiền cho thằng em thanh toán với các anh chị em khác. Cũng may là nhà đất ở nông thôn nên giá trị cũng chẳng cao lắm chứ nếu ở thành thị nào đó chắc là Hiển cũng chịu. Từ sau đợt ấy, chỉ thỉnh thoảng Hiển mới về quê vào những dịp giỗ cúng cho bố mẹ. Vợ chồng cậu em thỉnh thoảng cũng lên thăm Hiển.
Sóng gió gia đình qua đi, Hiển lại trở về với cuộc sống một tu sĩ. Có điều càng ngày càng có những mâu thuẫn chính trong con người của Hiển. Lý trí nói với Hiển một điều nhưng cơ thể Hiển lại nói một kiểu khác. Những vật vã lúc đêm khuya với chính bản thân mình nhiều lúc làm cho Hiển cảm thấy nản và muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên bỏ cuộc thì cuộc đời sẽ trôi về nơi đâu. Hiển không có ai trên cõi đời này để chia sẻ, để chăm sóc. Những khó khăn về kinh tế chắc chắn là không làm Hiển nao núng, nhưng khó khăn về tinh thần quả thật nó lớn quá.
Rồi cũng có lúc tưởng như Hiển có được hạnh phúc trong tay. Hạnh phúc ấy không phải đến từ những con người sang trọng vẫn đến với Hiển để nhờ Hiển tất cả những phần làm cho họ bớt băn khoăn về mặt tâm linh. Họ đến với Hiển vì họ muốn có một người có thể giúp họ chạy những tội lỗi mà lương tâm lên án. Họ đến với Hiển vì họ muốn có một người môi giới hối lộ cho những tội lỗi họ đã tạo ra. Những người như vậy họ thừa tiền nhưng thiếu chút lương tâm. Cũng có những người thực sự đến với đạo Phật vì lòng tin kính ngưỡng của chính bản thân họ. Cũng có nhiều trong số họ đến với cửa chùa chỉ vì họ muốn sau này có thể thoát được cái địa ngục đầy ghê sợ của tương lai mặc dù trong số họ chưa có ai đặt chân đến đó. Tóm lại ở những người như vậy Hiển không thể tỏ bày lòng mình ra để chia sẻ. Hạnh phúc của Hiển đến với Hiển lúc mà Hiển đã quá mệt mỏi kiếm tìm nó mà không thấy.
...Tiếng ồn ào ngoài cổng chùa vào một buổi trưa nắng chói chang khiến Hiển chú ý. Một người đạp xích lô bị say nắng ngất ngay cổng chùa. Hiển cùng mọi người đưa nạn nhân vào trong chùa để cấp cứu. Đó là một người đàn ông trung niên có khuôn mặt khắc khổ, ngay cả lúc ngất lịm đi mà khuôn mặt đó vẫn toát lên những nét khắc khổ của những người chịu nhiều sương gió cuộc sống. Một bác sĩ quen Hiển đã đến khám cho anh ta và cho biết anh ta bị say nắng nên đã ngất xỉu nhưng quan trọng hơn hết là do nguyên nhân anh ta thiếu quá nhiều dinh dưỡng, cơ thể bị lao lực. Hiển quyết định giữ anh ta lại để chăm sóc vì cũng chẳng biết đưa anh ta về đâu. Nạn nhân vẫn nằm thiêm thiếp để truyền dịch.
Đêm hôm đó anh ta mới tỉnh dần. Qua câu chuyện Hiển biết anh ta từ một vùng nông thôn ra ngoài Hà Nội mướn xích lô để kiếm sống qua ngày. Công việc đó cũng chẳng kiếm được bao nhiêu, hơn nữa anh ta lại mới từ quê ra nên đường sá không thuộc nhiều, khách quen chẳng có mấy nên thu nhập cũng thất thường khi có khi không. Những bữa ăn của anh cũng chẳng đều đặn gì nên anh đã bị suy nhược cơ thể. Hiển nhờ người tìm đến chủ hãng xích lô để trả xe và khuyên anh ở lại để tĩnh dưỡng sức khoẻ.
Tình cảm thầy trò nảy nở giữa họ và Trọng (tên người đạp xích lô) đã đồng ý ở lại chùa giúp Hiển chăm sóc công việc chùa chiền sau khi đã hồi phục. Hàng tháng Hiển vẫn cho Trọng một số tiền để gửi về quê chăm sóc bà mẹ già. Tất cả những gì biết về Trọng cũng chỉ là qua lời Trong kể chứ thực chất cũng chưa lần nào Hiển có ý định về quê Trọng để biết tình hình thực tế quê Trọng ra sao. Hiển và Trọng có những phút giây thầm kín bên nhau. Hiển thấy tự bằng lòng với những gì mình đang có. Trọng đã cho Hiển những phút giây thăng hoa của cuộc sống. Năm tháng trôi qua, Hiển hoàn toàn tin vào Trọng và coi Trọng như người ruột thịt. Hiển yên tâm là đã tìm cho mình được một nửa còn lại của cuộc sống. Trọng cũng từng hứa với Hiển là sẽ ở như vậy cho đến cuối cuộc đời. Trong tâm mình Hiển tự nhủ là kiếp này thôi cũng đành tập tu mong sao cho kiếp sau được làm người để tu tiếp cái phần còn dở dang do những đòi hỏi từ cơ thể. Tội lỗi nhiều khi người ta nhìn thấy nó mà không phải lúc nào cũng có thể đối diện và loại bỏ được.
Cho đến một ngày Hiển hoàn toàn suy sụp khi thấy công an đến tận nơi đọc lệnh bắt Trọng. Thì ra Trọng đã có gia đình vợ con, lúc trước họ cùng làm ăn ở quê, cũng khá giả lắm nhưng do không tính toán tốt nên họ đã mắc nợ khá nhiều. Với bản tính lọc lõi của cô vợ, họ đã vay mượn cũng như đứng cái nhiều dây họ mà vượt xa khả năng thanh toán. Vợ chồng họ quyết định huy động thêm số tiền lớn để cùng nhau chạy trốn. Họ đã thành công, khi ra đi họ bỏ lại căn nhà chẳng đáng bao nhiêu so với số nợ mà hai vợ chồng đang gánh. Đời vẫn có những lúc công bằng và lắt léo. Khi cùng nhau chạy lên Hà Nội, cô vợ phản trắc của Trọng nhân lúc Trọng không để ý đã chạy trốn chồng với tất cả số tiền họ gom được. Trọng trở nên trắng tay, không đường về quê cũng chẳng biết đi về đâu. Việc cuối cùng có thể làm để nuôi thân đó là đạp xích lô. Và Trọng đã làm như vậy cho đến ngày gặp Hiển. Trong thâm tâm Trọng cũng thực sự muốn có một cuộc sống yên ổn cùng Hiển để quên đi những tháng ngày tội lỗi. Nhưng ông trời đã không cho Trọng được sống như vậy. Trọng bị bắt và cũng chỉ biết cúi đầu xin Hiển tha thứ. Cũng may một điều là chẳng ai biết được mối quan hệ bên trong của họ. Trọng bị bắt và được đưa về quê hay đi đâu đó Hiển cũng chẳng bằng cách nào mà tìm ra được liên lạc. Cõi lòng tan nát, Hiển sống những tháng ngày vô vị luôn phải có nhiều vai diễn. Ban ngày thì vẫn phải hoàn thành tốt vai trò của mình trước mọi người, ban đêm khi đối diện với sự cô đơn, những gì uất nghẹn trong người lại tan chảy ra thành những dòng nước mắt. Hiển cũng chẳng trách ai vì biết rằng những gì xảy ra có một phần nhân quả mà Hiển phải chấp nhận vì đã gay ra. Cũng từ đó Hiển đóng chặt cõi lòng để cố sống cho qua những tháng ngày quạnh quẽ. Cho tới lúc gặp tôi, lúc đó cõi lòng của Hiển đã như chai cứng.
|
Những tâm sự qua lại giữa tôi và thầy Minh Hiền khiến chúng tôi xích lại gần nhau. Thỉnh thoảng tôi có ngủ lại chùa một vài đêm. Tôi thích được nghe tiếng chim hót buổi sáng trong một không gian yên tĩnh như khu vực chùa của thầy. Tôi ngẫm thấy có những điều cũng hay hay. Buổi sáng thức giấc trong chùa nghe tiếng thầy tụng kinh sáng cùng với mùi nhang khói phảng phất trong sương sớm có một cái gì đó thật ấm áp, gần gũi. Tôi hay liên tưởng đến không khí Tết mỗi buổi sáng cho dù sáng đó là mùa hè hay mùa đông. Lúc thầy Minh Hiền thức dậy công phu sáng cũng là lúc tôi thức dậy theo. Tôi dành mấy phút nhâm nhi ly cà phê nóng và làm vệ sinh thân thể. Sau ly cà phê sáng tôi bắt đầu quét những lá vàng rơi ngoài sân. Tôi không dám lia chổi mạnh sợ phá tan mất không gian u huyền từ tiếng tụng kinh đều đều của thầy. Có những lúc tôi đã cảm nhận được tại sao ngày trước Trọng chấp nhận ở lại chùa cũng thầy. Không phải chủ yếu là vì kinh tế đâu nhưng thực sự những buổi sáng yên tĩnh như thế này là đáng quý với những người đã bắt đầu vào tuổi trung niên.
Sau giờ công phu sáng bao giờ thầy Minh Hiền cũng đi tìm tôi vào uống trà cùng thầy. Nói về uống trà của thầy Minh Hiền cũng là một công phu khác mà tôi phải học theo. Thày pha trà làm sao đó mà không có lúc nào trà quá đậm hoặc quá lợt. Loại trà nào tôi cũng không phân biệt được. Những buổi sáng như vậy về sau đã cho tôi một thói quen uống trà, kể cả khi về bên Mỹ tôi cũng vẫn tiếp tục uống trà tuy nhiên cái cách tôi pha trà thì vẫn theo kiểu một anh nông dân, uống cho có chứ chưa thể gọi là sành điệu được. Ở thầy Hiền tôi khó phân biệt rạch ròi những con người cùng tồn tại trong thầy. Có những lúc cần nghiêm khắc, thầy như một người đàn ông mạnh mẽ, quyết đoán trong mọi việc, tuy nhiên cái mạnh mẽ của một kẻ trí chứ hoàn toàn không phải là cái mạnh mẽ của một anh võ biền. Cũng có khi tôi tìm thấy ở thầy hình ảnh một người mẹ, một người chị. Những lúc tôi mệt mỏi, những khi bị bệnh thầy chăm sóc tôi như một người mẹ, một người y tá. Có những lúc tôi cảm nhận thầy như một người em của tôi. Tôi thấy hình ảnh thằng Luân trong thầy mỗi khi thầy hành lễ hoặc khấn nguyện cái gì đó trước Tam Bảo. Có những lúc tôi lại thấy thầy như Bính của tôi, luôn dịu dàng, luôn chu đáo nhưng ít khi đồi hỏi bao giờ.
Quay lại cái thói quen mất nết của tôi. Khi ngủ tôi rất hay cởi truồng, có những khi là vô thức mà tôi cởi ra, cũng có khi là do thời tiết quá nóng nhưng cũng có những lúc do Loan cởi ra. Nói tóm lại nó đã thành một thói quen mất nết của riêng tôi. Với những người độc thân thì có vẻ như chuyện đó là chấp nhận được vì chẳng có ai xâm phạm vào thế giới riêng của họ nhưng với những người có gia đình và ít khi ngủ một mình như tôi thì đó là một tật xấu tai hại. Biết mình có tật xấu ấy nên những khi ngủ lại chùa tôi thường ngủ lại căn phòng lúc trước bệnh tôi được thày Minh Hiền chăm sóc ở đó. Tôi không dám ngủ chung thầy. Mặc dù qua những tâm sự, qua cuộc sống hàng ngày tôi biết là thầy cần gì ở tôi nhưng tôi phải giữ khoảng cách nhất định. Dù sao cũng còn người này người khác nữa, tôi phải giữ cho thầy và giữ cho mình. Kinh nghiệm cuộc sống cho tôi biết muốn người khác tôn trọng mình thì đầu tiên mình phải tôn trọng người khác.
Một buổi sáng, nghe tiếng kẹt cửa, tôi biết có người vào nhưng giờ đó còn sớm lắm, chưa đến giờ công phu của thầy. Tôi vẫn nằm nán lại trên giường. Tiếng kẹt cửa ấy không ai khác chính là thầy Minh Hiền.
- Thầy, con xin lỗi. Con sơ ý quá. - Anh không phải ngại đâu. Những ngày trước lúc anh bệnh tôi cũng đã chăm sóc anh như bộ dạng này rồi. Không phải ngại đâu. Hạnh phúc nhất là làm được những điều mình muốn anh Lâm ạ.
Dù sao tôi cũng vẫn phải vơ cái chăn trùm nhẹ lên người.
- Anh Lâm ạ. Thú thật là tôi rất thích nhìn anh ngủ. Khi anh ngủ có những nét giống như một thiên thần. Khuôn mặt anh lúc ngủ nhìn nó vô tư lắm. Hình như cuộc đời anh chẳng có mấy điều u sầu có thể bám vào anh. Suốt thời gian anh bệnh tôi thường ngồi hàng đêm để ngắm anh ngủ. Lúc mới ngủ anh là một người đàn ông vì anh ngáy to như sấm nhưng chỉ một lúc sau là hết. Tôi biết một điều là khi còn anh ngáy tức là anh ngủ chưa say, chỉ khi nào anh hết ngáy mới là lúc anh ngủ say. Tôi thích nhất ngắm anh lúc ngủ như vậy. Anh nhắm mắt lại và làm như đang ngủ đi. - Nhưng... - Không nhưng gì cả. anh cứ làm đúng như mình đang ngủ đi. Anh nhắm mắt lại, bỏ cái chăn xuống. Như vậy đấy. Tôi thích nhìn anh ngủ như vậy hơn.
Tôi làm theo những chỉ dẫn của thầy nhưng tất nhiên là chỉ có thể he hé những chỗ cần thiết. Nhắm mắt lại, tôi nằm như người đang ngũ. Rồi tôi cảm nhận được hơi thở đang đến rất gần. Tôi thấy nụ hôn của thầy trên má tôi, nó dừng lại và khẽ chuyển động về phía môi tôi. Tôi mím chặt môi nằm yên. Tôi biết việc gì sẽ xảy ra vì tôi hiểu thầy.
- Sao anh mím chặt môi quá vậy? - Con chưa đánh răng. Mà thôi thầy. Mình dừng ở đây đi. Con ngại lắm. - Hiền thích anh xưng anh vì dù sao bây giờ Hiền chẳng phải là con người của tôn giáo. Hiền muốn là người gần gũi anh. Hiền muốn lắm.
Nghe trong giọng nói có pha mùi nước mắt. Tôi đành chấp nhận chiều thầy. Một sự nôn nóng nhưng vẫn giữ được những nét điềm tĩnh. Thầy vội vàng, háo hức như một cậu thanh niên. Nếu như không có thời gian gần gũi và hiểu thầy chắc chắn là chẳng bao giờ tôi dám làm chuyện đó với thầy. Thứ nhất nhìn cái đầu đã cạo nhẵn tóc cho tôi một cảm giác ngại ngùng, mặc cảm. Thứ hai hình bóng thầy quá lớn trong mắt tôi và mắt mọi người nên chắc chắn là không bao giờ tôi dám làm những điều tội lỗi. Thứ ba cái không gian u linh này cũng sẽ là một cản lực lớn với tôi.
Sáng sớm hôm đó lần đầu tiên tôi chính thức dành cho Minh Hiền một cách trọn vẹn. Minh Hiên đã nằm trong vòng tay tôi bỏ quên mất thời công phu sáng. Chúng tôi chìm vào một giấc ngủ muộn màng. Buổi sáng đó chúng tôi cũng bỏ luôn thói quen uống trà buổi sáng. Chúng tôi chỉ tỉnh giấc sau khi mặt trời đã chiếu đầy một sân nắng. Ngày hôm sau tôi có việc phải đi Hải Phòng. Việc đó Tôi chỉ biết sau khi trở về văn phòng. Một sự cố cần giải quyết với chính quyền nên tôi vội vàng lên xe đi ngay. Tôi chỉ kịp điện về báo Minh Hiền sau khi đến Hải Phòng. Tôi sẽ phải ở lại Hải Phòng mấy ngày để giải quyết công việc.
|
Công việc dưới Hải Phòng liên quan đến một số vấn đề về pháp lý. Không biết sao con người lại hay bày vẽ ra những thủ tục rắc rối để hành hạ nhau vậy không biết nữa. Theo đúng thủ tục, chúng tôi sẽ làm việc với đối tác là sở y tế, từ đó sẽ cùng nhau lập ra kế hoạch triển khai và đi vào chi tiết các bước dự án. Việc lý kết với sở y tế chúng tôi đã thực hiện từ lâu và chúng tôi đã chọn ra được những cơ sở đồng ý hợp tác để cùng cho chạy dự án. Quân số đã sẵn sàng, chúng tôi bước đầu đã tổ chức tập huấn cho các cơ sở cũng như những đồng đẳng viên để sẵn sàng bước vào triển khai chi tiết thì lại nhận được thông báo từ uỷ ban thành phố rằng chúng tôi chưa thực hiện đúng mọi thủ tục hành chính. Về đến nơi tôi mới biết rằng sở nội chính - ban tôn giáo và bên uỷ ban mặt trận vừa có đơn khiếu nại lên thành phố vì dự án chúng tôi thực hiện không thông qua họ. Tôi về cùng làm việc với sở y tế. Họ nói đã có tờ trình thành phố về việc dự án triển khai cùng với đối tác là chúng tôi. Uỷ ban đã thông qua và cho phép dự án triển khai. Tôi chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra nữa. Hỏi chuyện bên sở người ta cũng nói còn chờ xem ý kiến bên uỷ ban như thế nào vì họ đã gửi công văn đi. Tôi về nhà chờ mấy ngày để biết kết quả. Lần này về nhà tôi cũng không thấy thoải mái lắm vì vẫn còn canh cánh nỗi lo công việc. Như vậy là dự án ở phía Hải Phòng đã bị chậm hơn so với dự kiến. Nay cái cảnh chờ đợi này cũng chưa biết sẽ đến lúc nào thì chúng tôi mới có thể chính thức bắt tay vào công việc được. Một ngày, hai ngày cũng không thấy gì, tôi chạy lên sở thì cũng chỉ nhận được một câu trả lời dường như thời gian chờ đợi sẽ là bất tận:
- Mình đành chờ thôi anh ạ. Nhiều khi bọn em ở đây cũng bức xúc lắm nhưng nó là như vậy rồi. Họ thích thì họ làm mà không thích thì chẳng làm gì được họ.
Chờ thêm hai ngày nữa mà cũng chẳng có được câu trả lời. Mệt mỏi, tôi quyết định bay vào Sài Gòn để xem tiến độ dự án trong đó ra sao. Phía Sài Gòn nói chung là dự án chạy tốt nhưng cũng không phải là không có những trục trặc. Ở đó các em đồng đẳng viên đi phát bơm kim tiêm và bao cao su miễn phí lại bị cảnh sát bắt vì không có giấy phép hoạt động. Làm cái gì có cái loại giấy phép như vậy tồn tại ở Việt Nam hay trên thế giới bao giờ đâu. Công việc cứ như cái đèn cù. Các em đồng đẳng đi phát bơm kim tiêm bị bắt vào đồn cảnh sát, nhân viên dự án đến xin, lại về, ngày sau lại bắt. Cứ như vậy cái vòng bắt thả cứ diễn ra loanh quanh. Phía các cơ quan nhà nước họ đòi hỏi các em đồng đẳng viên phải có đeo thẻ y tế khi đi hoạt động. Thật nực cười, các em đâu phải là nhân viên của sở y tế mà yêu cầu các em có loại thẻ như vậy. Để trình được sự chuẩn y từ phía thành phố để có được cho các em cái thẻ chính thức chắc cũng đến hàng năm chưa chắc đã có. Mà đem các vật phẩm như bao cao su hoặc bơm kim tiêm đến các cơ sở tôn giáo mà chúng tôi đang triển khai dự án thì không thể nào thực hiện được. Mọi người sẽ nghĩ sao về các cơ sở tôn giáo đó. Trước mắt chúng tôi đành dặn các em hãy thật tỉnh táo tránh sự kiểm tra, kiểm soát của mấy ngành liên quan như dân vệ phường hoặc là lực lượng cảnh sát gần đó. Trường hợp có em nào bị bắt lại theo kiểu cũ mà thực hiện chứ tạm thời cũng chưa biết giải quyết cách nào.
Sau khi giải quyết công việc tại Sài Gòn xong, tôi lại bay ngược ra Hải Phòng để làm nốt những thủ tục còn lại. Chẳng hơn gì bao nhiêu so với lúc trước, Câu trả lời vẫn là chờ và chờ. Tôi đã thoáng có ý nản, định bụng quay về Hà Nội xin ý kiến chỉ đạo bên nhà cho thu hẹp địa bàn. Bữa đó tôi và thằng Luân hai anh em đi nhậu trên quán hải sản ở trung tâm thành phố. Có chuyện buồn vui gì tôi và nó cũng hay rủ nhau đi uống vài ly cho đỡ buồn. Bữa đó có rủ anh Tiến và Bính di cùng nhưng cả hai đều có việc riêng nên chỉ mình tôi và thằng Luân đi với nhau.
Mới bước vào quán, tôi đang cố căng mắt ra nhìn để chọn cho mình cái bàn nào hợp lý nhất để anh em chúng tôi ngồi với nhau thì tôi bỗng nghe một tiếng gọi từ phía một cái bàn khuất trong một góc hẹp:
- Lâm, có phải Lâm đấy không? - Thiện, hình như là Thiện phải không? - Thiện đây này. Cả Luân cũng đi cùng nữa à? Hai anh em nhà này bữa nay sao lại rủ nhau đi nhậu ở đây?
Thì ra đó là Thiện, bạn học cùng tôi và Loan lúc còn ở phổ thông. Sau này Loan và Thiện học cùng trường còn tôi theo hướng khác. Thiện quay lại bàn xin phép những người cùng bàn và chuyển đi theo tôi và thằng Luân. Chúng tôi chọn một cái bàn thuốt sâu trong quán nơi đó không có nhiều tiếng ồn ào, huyên náo hơn và cũng tránh xa được cái mùi thức ăn đang bốc ra xèo xèo từ cái bếp ngay gần cửa quán.
Đã lâu lắm rồi tôi mới gặp lại Thiện. Nó có vẻ chững chạc ra nhiều so với lúc còn học sinh. Lúc trước tôi và Thiện cũng khá thân nhau nhưng chẳng hiểu sao từ khi vào đại học thì chúng tôi lại bớt hẳn không quan hệ gặp gũi với nhau nữa. Nhìn nó vẫn đeo chiếc cà vạt đi nhậu tôi đoán hình như Thiện đang làm nhân viên văn phòng ở đâu đây. Cái bụng nó bắt đầu có những ngấn mỡ chảy tràn ra trên cái thắt lưng. Thằng Luân lúc trước cũng có biết Thiện nên anh em chúng tôi ngồi uống cùng nhau khá vui vẻ, không có không khí làm quen khách sáo lúc đầu nữa.
- Dạo này mày làm ở đâu? Học xong mỗi đứa đi một ngả lâu lắm giờ mới gặp nhau. - Tao qua Mỹ cùng vợ con và giờ về làm ở đây này. - Tao có nghe mấy đứa nói mày với Loan lấy nhau nhưng cái vụ mày đi qua Mỹ tao không nghe nói. - Tao qua được mấy năm rồi. - Vậy là mày giờ là Việt kiều hả? Thôi cũng mừng cho mày và mừng nhất là chắc chắn chầu nhậu này anh em tao được bao rồi, đúng không Luân? - Mày giờ làm ở đâu? - Chán lắm mày ơi, học một đường giờ đi làm một đường đây này. Chán quá mà chẳng biết đi đâu được. Chuyện đó tao kể mày sau. Thôi giờ anh em mình uống cái đã.
Thiện có vẻ nhanh nhẹn khác hẳn những gì tôi nhớ về nó khi còn là một cậu học sinh phổ thông. Ngày trước nó cũng thỉnh thoảng qua nhà tôi chơi những sau này kể từ khi tôi đi đại học nó không đến thường xuyên nữa. Bữa đó chúng tôi uống khá nhiều. Thiện nằng nặc bắt tôi về chỗ nó để anh em tâm sự tiếp và kêu thằng Luân đi về. Ngồi lên xe nó, hai đứa chạy về chỗ nó ở. Thì ra nó mua căn nhà trên phố ở một mình. Nó vẫn chưa lập gia đình. Mẹ nó thì nhất định không lên ở cùng nó vì bà thích sống ở vùng quê hơn. Còn một lý do nữa mẹ nó không chịu lên sống cùng con trai đó là việc bao nhiêu lần bà bắt nó cưới vợ nhưng nó vẫn chưa chịu lấy ai. Coi như đó là sự trừng phạt từ mẹ mà nó phải chấp nhận. Căn nhà của nó nằm trong một con ngõ ngắn và cũng tương đối đẹp mắt. Những đồ đạc trong nhà cho tôi biết nó cũng là người sống gọn gàng, ngăn nắp. Phòng ngủ của nó khá lịch sự, thoang thoảng đâu đó mùi xịt phòng thơm nhẹ.
- Đàn ông đéo gì mà chỗ nào cũng gọn gàng vậy mày? - Ai bảo mày tao đàn ông? Bà già tao vẫn gọi tao là con gái già đấy mày. - Mày thì có đàn bà cái củ c. Đ. mẹ râu ria như yêu tinh thế kia mà đàn bà cái nỗi gì. Mày mà là đàn bà thì chắc đàn ông trên thế giới này không ai chịu lấy vợ quá. Cái thứ đàn bà mọc râu không ma nào dám lấy. - Ai bảo mày đàn bà không có quyền mọc râu. Tao đây nè. Mày biết ngày xưa bao nhiêu lần tao thổn thức khi nghĩ đến mày chưa. Nghe tin mày cưới con Loan tao buồn bao nhiêu tháng mày biết không?
Người ta nói đàn ông thật nhất là lúc say. Đúng là như vậy. Hôm đó Thiện đã nói hết nhưng gì nó chất chứa trong lòng bấy lâu. Nó đưa tôi từ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Lúc trước, khi còn học sinh phổ thông chúng tôi cũng có chơi trò đọ súng nhưng tôi chỉ nghĩ thằng nào cũng qua gia đoạn ấy chứ đâu có biết nó là dân gay. Nó biết cả cái đêm tôi và Loan trao nhau thứ quý giá nhất của đời con gái. Nó cũng chính là đứa đầu tiên nhìn thấy tôi nhảy từ trên bờ xuống sông để xoá đi những vết tích của lần đầu tiên ân ái. Nó biết tất cả chuyện ấy và cũng từ đó nó có ý xa lánh dần tôi. Về phía tôi, tôi cũng chẳng nghĩ gì nhiều vì sau khi hết phổ thông, mỗi đứa có một hướng đi cũng là chuyện bình thường. Đêm ấy nó nói với tôi hết tất cả sự thật về nó trong hơi men. Tôi thấy chạnh lòng thương nó. Hai thằng đàn ông trong hơi men, nằm nghe kể chuyện về nhau nên tôi cũng dễ dàng cho nó tận hưởng những gì nó mong muốn. Nó chồm lên tôi như một con quái vật lâu ngày bị bỏ đói. Rồi nó lả đi trong niềm sung sướng.
Sáng hôm sau thức dậy, trái với những gì tôi tưởng tượng trong đầu, nó không có biểu hiện gì về sự ngại ngùng đêm qua. Nó nói với tôi tỉnh queo:
- Tao là như vậy đấy. Mày có chấp nhận được tao hay không là quyền của mày. Còn tao với mày như thế nào thì mày đã biết rồi đấy.
Thì ra đêm qua nó không say. Nó chỉ nói những gì trong lòng nó chất chứa bấy lâu mà thôi.
- Tao không yêu cầu mày là chấp nhận tao thì mày phải xa rời vợ con mày đâu. Mà chấp nhận tao tức là chấp nhận con người thật của tao và tình cảm tao dành cho mày thôi. Tao biết với những thằng đàn ông nói chung chẳng bao giờ tao và những người khác dám dành giật và bắt họ ở với mình được. Tao chỉ cần mày đừng khinh tao và hãy coi tao là bạn như những ngày xưa là được lắm rồi. Tao chỉ cần thỉnh thoảng có mày chia sẻ là được. Rồi còn bây giờ câu chuyện của mày như thế nào kể cho tao nghe.
Cái thằng này đến lạ. Nó nói một hơi chẳng cần biết tôi nghĩ như thế nào rồi đột ngột chuyển ngay sang chuyện của tôi được.
- Tao thì có quái gì đâu. Tao hiện đã có hai con với Loan và vài đứa con nơi nay, nơi kia. Cuộc sống thì cũng làng nhàng. Tao chẳng quan trọng mày là gay hay không. Tao chỉ biết là tao với mày là bạn từ trước và giờ cũng vẫn là bạn. Vậy thôi. - Tao không hỏi chuyện cuộc sống của mày. Nhân mày đã nói ra thì tao cũng cảm ơn rằng mình đã không coi thường tao. Nhưng tao đang hỏi mày đang gặp rắc rối gì mà hôm qua mày với thằng Luân có vẻ hậm hực kìa.
Thì ra là vậy. Nó muốn biết tôi đang gặp khó khăn gì chứ không phải là nó muốn biết về cuộc sống của tôi. Thằng này cũng hay. Tôi bèn nói tất cả những khó khăn mà tôi đang gặp phải trong khi triển khai dự án.
- Tưởng chuyện gì chứ chuyện ấy thì yên tâm đi. Tao lo cho mày. Mày ở lại đây chơ với tao vài ngày đi. Công việc để tao lo. Tao không có ý định lợi dụng hay đổi chác gì đâu. Mày muốn thì có thể ở lại với tao còn mày không muốn thì cứ về hà Nội. Chuyện hứa với mày tao sẽ hoàn thành. Tao rất cần tình dục nhưng tao cũng bắt ép mày phải chiều tao đâu. Tao cần sự cảm thông và chia sẻ chứ tao không muốn có một sex toy. Mày hiểu chuyện đó không? - Tao chẳng biết mày thuộc về thể loại nào nữa Thiện à. Tao nghĩ mày chính xác phải là đàn ông mới đúng chứ. Râu ria mày rồi đến cách mày nói chuyện tao chẳng thấy cái gì là đàn bà cả. Mày khó hiểu quá. - Có cái đéo gì mà khó hiểu. Tao là thằng đàn ông, với ai cũng là như vậy nhưng với mày tao muốn làm đàn bà. Vậy thôi. Thôi mày về Hà Nội đi, hai hôm nữa tao có kết quả cho mày. Tao đéo muốn giữ lại cái xác không hồn bên cạnh. - Nói thật là tao cũng đéo quan tâm lắm tới cái kết quả chết tiệt kia. Mày có thể đừng làm cái gì cũng được. Tao có thể trình lên sếp tao và rút dự án là xong. - Mày giận tao đấy à? Tao nói là tao giải quyết được cho mày là tao làm. Tao biết lắm chứ, thu hẹp dự án không phải là cách tốt nhất cho người quản lý dự án đâu. Đừng có ngang nữa. Tao làm cho mày.
Lúc sau tôi mới biết là giờ Thiện làm trong văn phòng uỷ ban thành phố. Có những cái mà tôi không hiểu được cách làm việc ở đây nên nó sẽ làm cho tôi. Tay nó sẽ là người đưa trình văn bản cho sếp ký nên nó biết cái nào được, cái nào không.
- Không phải là tao giận mày hay có ý nghĩ khác gì về mày đâu. Nhưng tao phải về Hà Nội, mấy bữa nữa tao sẽ xuống. Tao đi khỏi văn phòng cũng hơi lâu rồi. Mày đừng nghĩ gì nghe Thiện. Tao vẫn là bạn bè với mày.
|
Từ Hải Phòng về đến Hà Nội, tôi chạy đến thăm thầy Minh Hiền. Khi có quá nhiều căng thẳng thì tâm trạng con người lúc nào cũng muốn tìm về một chốn bình yên. Bên thầy Minh Hiền tôi luôn cảm thấy sự bình yên có thể giúp mình lấy lại cân bằng. Về đến chùa tôi mới giật mình chợt nhận ra rằng trong suốt quãng thời gian hai tuần đi công tác tôi đã không gọi điện cho thầy. Tôi thấy mình thật ích kỷ. Mình cần sự cân bằng nhưng lại không hề quan tâm tới sự cân bằng của những người xung quanh. Đó cũng là điểm khác biệt căn bản giữa những nhà tu hành với một con người phàm đầy tội lỗi như tôi. Gần thầy Minh Hiền một thời gian tôi cũng biết tự khống chế những cảm xúc của bản thân. Chúng tôi ngồi lại cùng nhau trao đổi về công việc có liên quan đến dự án. Từ những khó khăn tại các địa phương mà dự án tôi đang đối diện so với phía Hà Nội, tôi biết công việc có nhiều thuận lợi chẳng qua là nhờ phần lớn công của thầy. Những thành công mà chúng tôi đang có là nhờ sự nhanh nhẹn cộng với uy tín mà thầy đang có. Chúng tôi đã thành lập được rất nhiều câu lạc bộ, không chỉ là những câu lạc bộ cho những người đang sống chung với HIV mà chúng tôi cũng có cả những câu lạc bộ dành cho người sử dụng ma tuý, của những nhóm tình nguyện viên là các công chức trẻ, thanh niên sinh viên tại các trường đại học. Vấn đề là chúng tôi đang định mở rộng sang nhóm những chị em trong nhóm sex workers, nhóm MSM. Đây là những nhóm khá nhạy cảm với lĩnh vực tôn giáo. Tôi cứ băn khoăn không biết có nên đặt vấn đề đưa nhóm đối tượng này vào diện cần hỗ trợ hay không. Các nhà tài trợ bao giờ cũng có những tham vọng của riêng họ. Điều họ cần làm là độ bao phủ càng cao thì càng dễ thuyết phục những đơn vị tài trợ cũng như có thể có kinh phí từ các tổ chức khác. Thày Minh Hiền nghe rồi nói với tôi:
- Những nhóm này hoàn toàn khó tiếp cận nhưng chúng ta phải tìm ra cách. Hiền biết đây là những nhóm hết sức nhạy cảm đối với tôn giáo nhưng suy cho cùng họ cũng vẫn là những người cần sự chia sẻ và cảm thông từ cộng đồng. Đây cũng là những nhóm có nguy cơ làm lây nhiễm cao cho cộng đồng. Nếu chúng ta biết mà không có hành động nào thì chúng ta đang có lỗi với họ cũng như đang có lỗi với cộng đồng.
Tôi chẳng ngạc nhiên với những lý luận kiểu như vậy từ thầy. Thầy là một nhà tu hành nhưng thầy cũng là một trí thức. Cách nhìn nhận của thầy thật khác với một số các vị chức sắc khác mà tôi đã từng gặp. Trong công việc, có khi sự cân bằng đến từ chỗ này bù cho chỗ khác. Nếu như những nơi khác đang gặp khó khăn và tạo cho chúng tôi nhiều áp lực thì nơi đây là một nơi cho tôi tìm lại sự cân bằng.
Buổi tối là thời gian dành riêng cho chúng tôi. Chỉ lúc đó mọi ức chế, mọi ấm ức mới được bộc bạch.
- Anh Lâm biết Hiền làm tất cả là vì ai không? Vì cộng đồng? Vì những người cần sự chia sẻ? Cũng có nhưng lớn hơn tất cả chính là vì anh đấy Lâm ạ.
Điều này thì tôi biết qua những tâm sự của thầy. Nhưng tôi cũng biết rằng thời gian qua đi, có những chuyển biến trong suy nghĩ của thầy. Thầy đã coi những người cần giúp đỡ như một phần cuộc sống tinh thần. Thầy coi họ như những đứa con. Tôi đang cố gắng giúp thầy tìm được một sự cân bằng. Tôi quan tâm đến sự bền vững của dự án. Hy vọng sau khi dự án rút đi, những người cần được quan tâm vẫn có thể tìm đến những nơi như thầy để nương tựa.
Hai ngày sau tôi nhận được cuộc điện thoại từ Thiện.
- Mày về Hải Phòng đi, tất cả thủ tục mày cần tao làm xong rồi.
Chưa dành được cho thầy bao nhiêu tôi lại phải ra đi. Cái nghề của tôi là như vậy. Công việc chi phối cuộc sống riêng tư của tôi khá nhiều. Tôi không thể chỉ làm theo những gì mình muốn mà tôi phải làm theo những gì công việc muốn. Có những lúc tôi nghĩ mình thật có lỗi với vợ con nhưng biết là sao được. Tôi vẫn phải đi đến những nơi mà công việc cần.
- Giấy tờ ký hết rồi đấy. Mày có thể bắt đầu công việc mà mày ưa thích hay không ưa thích tao không quan tâm. Mày cứ coi như chưa có chuyện gì xảy ra giữa tao và mày. - Không lẽ mày nghĩ rằng tao chỉ quan tâm đến công việc không hay sao? Mày lầm rồi Thiện ạ. Tao có thể làm dự án nơi này hoặc nơi khác. Tao không muốn mày nghĩ rằng tao đang mua mày để có thể thực hiện dự án nơi này. Điều tao muốn mày biết là tao đang muốn làm những gì cho quê hương, nơi tao và mày sinh ra và lớn lên. - Mày lý luận gì mà tao nghe mệt quá. Điều quan trọng tao muốn biết là mày dành cho tao được bao nhiêu tình cảm mà thôi. - Mày sao lúc nào cũng cần sự sòng phẳng đến lạnh lùng như vậy hả Thiện? - Điều đơn giản là tao cần mày. Tao thèm được sống lại những ngày còn trẻ con. Lúc đó mày chưa thuộc về ai và tao cũng chưa phải chịu những đau khổ dằn vặt như bây giờ. - Chuyện đó có khó gì đâu. Mày cũng tìm lấy một ai đó để thuộc về, còn tao và mày vẫn là những người bạn. - Mày nói như vậy là mày đéo hiểu gì về những người như tao đâu. Tao đâu có lỗi gì trong chuyện này. Sinh ra trên đời này tao không may mắn đã chịu trò đùa của tạo hoá. Những người như tao thèm cuộc sống mà mày và biết bao nhiêu người đàn ông trên đời này đang có. Nhưng làm sao mà tao có thể có được. Mày và biết bao nhiêu những người khác ngoài đời đang lầm. Đừng nhìn vào tướng tá của tao mà mày nghĩ rằng tao có thể làm được chuyện mày và những người khác làm được. Mà thôi đừng tranh luận về những gì mà cả tao lẫn mày không bao giờ có được câu trả lời cuối cùng. Mày đi làm việc của mày đi. Tao bằng lòng với những gì tao đang có. Mày yên tâm đi, buồn một chút nhưng tao chịu đựng được. Đó là việc mà bao đã phải làm trong suốt những năm tháng đã qua của cuộc đời tao rồi.
Nói nhiều cũng chẳng giải quyết vấn đề gì. Tôi ôm chặt lấy Thiện và đè nó xuống bàn với nụ hôn trên môi. Không phải là tôi muốn cảm ơn Thiện bằng hành động đầy tính nhục dục ấy mà thực sự những lời của Thiện đã làm tôi thức tỉnh khi tôi nghĩ đến anh Tiến, đến Bính và cả đến Fredy. Đẩy tôi ra với vẻ mặt ngạc nhiên, Thiện nhìn tôi trân trối:
- Đừng nói với tao là mày đang ban phát cho tao, mày đang thấy tội nghiệp cho những đứa như tao. Cái tao cần là một trái tim chứ tao không thèm thứ tình cảm ban ơn.
Tôi không giỏi lắm về chuyện lý luận nhất là lý luận trên một vấn đề như thế này, cách tốt nhất là tôi phải hành động. Lý luận với nó kiểu gì tôi cũng thua. Lần này nó không đẩy tôi ra nữa mà đón nhận và đáp lại. Cũng cần phải nói rằng trong suốt quãng tình trường không phải ai tôi cũng sẵn sàng hôn mà tôi chỉ trao nụ hôn cho những người mà tôi thực sự có tình cảm. Cho dù làm tình với đàn bà hay đàn ông cũng vậy. Tôi không thể hôn những người mà tôi không có tình cảm. Có những người kể cả khi có tình cảm tôi cũng không thể hôn được. Tôi thấy một cái rùng mình thoáng qua trên Thiện. Một dòng nước mắt lăn dài trên má nó.
- Sao vậy Thiện? - Tao hiểu những gì mày dành cho tao. Tao thấy hạnh phúc. Đơn giản như vậy thôi.
Cả hai cùng rã rời.
- Bây giờ tao lại muốn nhắc lại với mày rằng tao có thể không cần những tờ giấy mà đã giúp tao nữa. - Người đéo gì mà có tính thù dai.
Tôi với Thiện hoà nhau sau những phút lùng bùng như vậy. Lại một lần nữa bàn tay tôi nhúng chàm. Không phải lúc nào lý trí cũng chiến thắng. Tôi luôn là như vậy, sau bao nhiêu lần tự lên án, sỉ vả mình tôi vẫn cứ là tôi.
|
Sáng sớm thức dậy, mở điện thoại lên thì bủm bủm bủm. Không biết bao nhiêu tin nhắn từ zalo gửi đến chúc mừng ngày Giáng sinh. Tức nhất là cái cảnh bà xã cứ tủm tỉm cười: "Năm nay coi bộ ông già nhà mình có duyên rồi! Sáng sớm mà đã nhận được nhiều lời chúc như vậy chắc đang hồi xuân nè".
Trời đất ở hồi xuân cái nỗi gì được nữa mà hồi. Ma xui quỷ khiến thế nào đêm qua tự dưng thấy cái ảnh cũ của hoa đào đẹp quá post lên Zalo với dòng status: "Buồn chả muốn chết! Sắp đến Tết rồi mà chưa biết ngày về quê hương". Để chơi như vậy vì chả lẽ mình chỉ đưa bức hình lên không thì cũng kỳ. Làm xong việc đó thì đi ngủ vì lúc đó là khoảng 4h sáng rồi. Lúc đó tranh thủ dậy hút điều thuốc và uống nước, coi như giải lao giữa hai hiệp ngủ. Không ngờ sáng nay nhiều người gửi tin nhắn vừa chúc Giáng sinh vừa chúc Năm mới quá. Ngồi bình tĩnh đếm có tới hơn 100 tin nhắn cộng với facebook chừng khoảng mấy chục nữa. Hoa mắt luôn. Lần đầu tiên nhận được nhiều lời chúc như vậy.
Giáng sinh bên này buồn lắm không như bên Việt Nam. Cái đó Lâm đã chứng kiến Giáng sinh ở Việt Nam rồi. Ở Việt Nam, Giáng sinh vui hơn bên Mỹ gấp hàng ngàn lần chứ không ít (cái này không nói ngoa đâu, sợ còn khiêm tốn chút so với thực tế). Giáng sinh bên này mọi người mau mau chóng chóng chạy về nhà vì sợ cái lạnh ngoài đường. Nhà thờ cho lễ Giáng sinh từ lúc chiều nên lễ buổi tối chẳng có mấy người đến. Hoạ chăng những nhà thờ tổ chức phát đồ ăn miễn phí đêm Giáng sinh thì còn đông đông một chút nhưng chủ yếu là những người vô gia cư đến nhận đồ ăn và số tình nguyện viên làm việc muộn chứ đâu có đông người như ở Việt Nam. Đêm Giáng sinh, mỗi thành phố sẽ có những đoạn phố được trang hoàng đèn, hoa chào đón Giáng sinh. Nhưng những khúc đường ấy đều phải do chính phủ trả tiền điện theo kiểu khoán có lời thì người ta mới chịu làm những trang trí cho đẹp con phố. Và cả một thành phố lớn cũng chỉ có một nơi như vậy mà thôi. Chẳng có chỗ nào cho mọi người đi chơi, ngắm cảnh. Chán chết.
Năm mới lại là một điều tồi tệ hơn nữa. Mặc dù kỳ nghỉ dài hơn (khoảng ba bốn ngày, còn Giáng sinh chỉ có hai ngày) nhưng không còn những trang trí nên những ngày đó dành cho người ta đi chơi xa đến những trung tâm du lịch đi lượn lờ với nhau chứ nếu ở nhà cũng chẳng biết đi đâu. Đó là Tết Tây còn Tết ta thì là một nỗi bất hạnh cho những người xa xứ. Ở những nơi đông dân Việt còn đỡ chút, còn những nơi ít dân Việt thì không khí thê lương trùm khắp nơi.
Còn nhớ Tết năm ngoái, chiều 30 Tết tôi vẫn phải đi làm bình thường. Khoảng 4h chiều nhận được tin nhắn của con trai. Thằng Robert nhắn tin cho tôi: "Bố nhớ mua....." sau đó là một tràng dài những thứ mà mẹ nó dặn nó mua. Nó chuyển qua cho tôi. Tan sở tôi vội vã phóng xe đến chợ Việt Nam mua đồ theo thực đơn. Nhờ mấy con mẹ Tàu làm việc ở đó chỉ cho những thứ cần mua. Ai ngờ tối về nhà khi nhìn những món đồ tôi đã mua bà xã tru tréo kêu lên. Nào là mua măng thì phải mua măng lưỡi lợn, chứ không mua măng gan, rồi thứ này thứ kia tùm lum hết. Tôi nghe mà hoa cả mắt chóng cả mặt. Thì ra mẹ nó dặn nó ra chợ đến chỗ bác Sinh vẫn làm ở chợ đưa cái danh sách ra bác ấy sẽ lấy đồ cho. Nó chỉ nhắn cho tôi danh sách đồ mà không nhắn tên bác Sinh. Thế là những đồ tôi mua coi như bằng không. Nói về chuyện chợ búa, cơm nước thì tôi tự nhận mình đứng ở thứ hạng bét, chẳng ai đứng sau. Lần nào đi chợ tôi cũng gặp sự cố, mua thịt nhưng không biết mua các thứ gia vị hoặc rau thơm, hay có mua thì lại mua sai. Có những lần tôi cũng tranh thủ muốn lấy lòng vợ bằng cách cắm nồi cơm điện, nhưng đã mấy lần không sống thì cũng nhão nhoét. Bà xã tôi luôn nói: "Chẳng thà ông đừng làm gì cũng là giúp tôi nhiều rồi đấy. Ông mà nấu cơm chả khác gì tai hoạ". Vậy đấy, tôi chẳng có tích sự gì trong nhà, cái điều có tích sự nhất là đi làm về đưa hết tiền cho vợ thế là hoàn thành nhiệm vụ. Những lần bà xã đi vắng, nếu dì tôi không qua nấu cho ăn thì cái món truyền thống vẫn thường trực trong nhà đó là món mì gói. Mà mì gói cũng nhiều lần nấu không nên hồn nữa. Đó là những khi tôi muốn nấu kèm thêm thứ gì chẳng hạn như trứng hay thịt thì đều hỏng hết. Kinh nghiệm xương máu cho tôi thấy tốt nhất là chỉ có nước sôi và mì thế là chắc ăn. Nhà tôi về phía đằng ngoại có một dì và một cậu cũng sống ở bên này. nhà dì cách tôi gần lắm nên cũng hay đến nấu cho tôi ăn còn cậu tôi thì ở xa. Tình cảnh cậu tôi cũng chẳng khác gì tôi mỗi khi vợ đi vắng. Cậu tôi luôn phải đi ăn từ rất sớm vì buổi tối các quán ăn đóng cửa hết, trong nhà cậu tôi lúc nào cũng có rất nhiều mì ăn liền. Mỗi khi vợ đi vắng, còn hai bố con ở nhà tôi và thằng Robert nhưng ăn thì mỗi người một kiểu, nó chạy ra tiệm fastfood mua đồ ăn cho nó và tôi thì lại bắt đầu quá trình sáng tác và thất bại liên tục.
Năm nay Giáng sinh này bà xã tôi buổi sáng đã quyết định cả nhà sẽ đi nhà hàng buffet cho tiện và ngày mai lên nhà thằng Trung. Nó ở cách vợ chồng tôi chừng hai giờ lái xe. Dạo này hình như bà xã tôi có ý thiên vị với nó hay sao mà hay lên chỗ nó ở quá. Bà ấy đang nói sẽ lên nhà nó để chăm mấy đứa cháu không có chúng nó lại không biết tiếng Việt và văn hoá Việt nữa. Thì ra bà ấy đang mang sứ mệnh của nhà truyền giáo. Khoản này thì tôi thua. Tôi quý con cháu nhưng chơi với chúng nó một chút là chán. Nhưng thực ra ngay ở nhà cần người truyền giáo mà bà ấy có làm trọn đâu. Thằng Robert nhà tôi chỉ có cái vẻ ngoài là người Việt (hay ra ngoài đường người ta gọi là dân Á) thôi chứ bên trong nó thì rặt Mỹ con, nó có biết nói tiếng Việt mấy đâu. Nói cho ngay nó biết nói tiếng Việt nhưng nếu thiếu một phiên dịch tiếng Việt sang tiếng Việt thì coi như bằng không.
Đi chút đã, chút nữa về tôi sẽ viết tiếp.
Mỗi năm khi Tết đến, tôi ngại nhất là cái khoản cúng chiều ba mươi Tết cũng như mấy ngày Tết. Tôi không bằng thằng Luân. Nó giỏi khấn vái lắm còn tôi thì mờ tịt. Ngày trước về Việt Nam nó mua cho tôi cuốn "Văn khấn cổ truyền Việt Nam" và bắt tôi đem theo qua bên này để mỗi dịp cũng kiến gì đó có cái mà khấn vái. Thế nhưng một năm có vài lần thì làm sao mà quen được. Ngày trước những lúc ở gần thầy Minh Hiền thầy hay bắt tôi lên chùa để tập tụng kinh niệm Phật cho quen nhưng lần nào cũng chỉ ngồi sau lưng thầy và ngủ gật chứ có biết làm gì đâu. Mỗi năm sau khi chuẩn bị mâm cơm cúng ông bà xong tôi thường hay đuổi hết mấy mẹ con Loan ra ngoài để tôi mở tập văn khấn ra và cứ thế đọc cái nào cho là hợp lý nhất. Tôi rút kinh nghiệm cái lần thằng Robert làm tôi vừa bực vừa buồn cười khi tôi khấn lúc giao thừa rồi. Lần đó, cũng như mọi khi, sau khi bày biện mâm cơm lên trên bàn thờ, tôi bắt đầu lôi cuốn văn khấn ra khấn. Tôi đứng trên cái ghế, tay cầm quyển sách tay kia chắp lên ngực. Bắt chước lúc bố tôi hay thằng Luân khấn, tôi cũng xuýt xoa cho nó có vần điệu và giống như một người đang thành tâm làm việc khấn nguyện. Loan đứng đằng sau chắp tay theo tôi. Lúc đó thằng Trung còn ở nhà, nó và Robert cũng phải đứng sau theo hiệu lệnh của mẹ nó. Đang khấn, tôi nghe tiếng thằng Robert:
- Is he chillie? Trung, he's not good at Vietnamese. He can not read it fluently.
Cả nhà cố gắng nhịn mà không ai nhịn được, phá lên cười làm tôi hết khấn vái gì nổi. Kể từ đó mỗi lần khấn vái gì tôi cũng đuổi bọn chúng ra ngoài hết chỉ còn tôi và có khi là Loan nữa ở trong nhà khấn vái. Tết gia đình tôi cũng chỉ được gặp nhau đầy đủ nhất là đêm ba mươi vì phải ra lệnh cho mấy đứa con chứ nếu không chưa chắc chúng đã có nhà. Sáng mùng một Tết có khi tôi và Loan vẫn phải đi làm như bình thường. Các cụ nhà tôi cũng không được hưởng bữa cơm nào cho đến tận chiều tối khi Loan về làm cơm mới có cơm để cúng ông bà.
Tết bên này là như vậy nên năm nào tôi cũng thèm không khí xuân như ở quê hương mà ít khi có dịp thực hiện được. Năm nay giờ mới Noel nhưng tôi biết là Tết lại sẽ buồn như mọi năm mà thôi.
Tôi chúc cho tất cả bạn đọc của tôi một Giáng sinh an lành và ấm áp. Nhân tiện cũng chúc tất cả anh em một năm mới tràn ngập niềm vui, niềm hy vọng, niềm hạnh phúc. Có thể năm mới tôi sẽ không có dịp online để chúc mọi người được nên chúc từ bây giờ cho chắc ăn và không đụng hàng vì Tết sẽ có nhiều người khác chúc các bạn.
|