Vọng Giang Nam
|
|
Chương 30 CHƯƠNG 29 – TIẾNG AI KHẮC KHOẢI TRONG THINH LẶNG. Từ ngày Thái Từ rời đi, cuộc sống của Chu Kỳ đột nhiên thanh tĩnh hơn hẳn. Dù vẫn bị cấm túc như trước kia, song tầng tầng lớp lớp binh sĩ canh ngoài cửa viện đã dần giảm bớt, thậm chí nếu Chu Kỳ kiên quyết mong muốn còn có thể ra khỏi biệt uyển đi dạo chung quanh. Hiên Viên Phù vẫn thường xuyên ghé qua, không rõ khi trước Thái Tử đã nói gì với gã mà tính tình gã biến đổi hẳn. Không còn những câu châm chọc lạnh lùng, lời nào lời ấy tổn thương người như mọi khi nữa, gã trở nên kiệm lời, nhất là khi ở bên y. Im lặng ẩm trà, lặng lẽ nghe đàn, trầm mặc giao hoan. Ngày dài vô ngữ, đối diện vô ngôn. Chu Kỳ biết, cuộc mật đàm giữa Thái Tử và Hiên Viên Phù đơn giản là giúp y làm sáng tỏ vụ việc Giang Ước ám sát không thành, về phần Hiên Viên Phù có tin hay không, gã không nói, y cũng chẳng hỏi. Nhưng, có lẽ kết quả là thế nào đi chăng nữa thì y cũng chẳng thể rời khỏi Lương Châu. * Mồng sáu, tháng năm, Vĩnh Gia năm thứ tư, lập hạ, Hiên Viên Phù dẫn theo quan viên Lương Châu tới miếu Long vương tại Cô Tang làm lễ cầu mưa, Chu Kỳ không đi theo. Biệt uyển khoác lên bộ cánh biếc xanh của cỏ cây hoa lá. Chu Kỳ vừa nhai đậu tằm luộc vừa viết thư, được một lúc mỏi mệt, y giương mắt nhìn ra, trời trong gió hòa, thiên cao vân đạm. * Mười lăm tháng bảy, lễ cô hồn, Hiên Viên Phù ngủ lại biệt uyển. Nửa đêm Chu Kỳ khoác áo nhỏm dậy, y lôi ra một xấp giấy tiền, lại gấp mấy con thuyền giấy, vài nén bạc giấy. Tìm một khoảng đất trống, tùy tay vẽ một vòng tròn lớn trên mặt đất, bên trong có đề — Giang Ước, Lý Đại Ngưu, Trịnh tổng quản, Mạt Húc, các cô nương trong Việt Khê lâu… Tất cả đều đã ngủ say, mình Chu Kỳ yên lặng dùng gậy trúc gảy giấy tiền, nhìn theo tàn tro mang từng bụi lửa chầm chậm bay xa. Rành là tam phục thử thiên[1](thời kỳ nóng nhất trong năm), giấy đốt xong, tay chân cũng là lạnh lẽo. Nghiệt hỏa tam thiên có thiêu cháy cả thiên địa, há lại có thể đốt sạch được nghiệp chướng nghiệt oan? * Rằm tháng tám, Trung thu. Hiên Viên Phù phái người đưa tới một thanh cầm, dù không giống danh cầm tiêu vĩ nhưng cũng được xưng là thượng cầm thuộc hàng xuất chúng. Chu Kỳ thử gảy một đoạn, lại chẳng nên điệu nên vần. Cùng theo thanh cầm còn có một chiếc bánh Trung Thu, có lẽ được mang tới từ Trung Nguyên nên trông đã chẳng còn sắc mới. Chu Kỳ bẻ thành mấy miếng con, chia cho Trung thúc và Tố Huyền. Ăn miếng bánh, thưởng trăng rằm, vốn nên tức cảnh sinh tình, đâu lại bỗng nhoẻn cười không đâu. Y chợt thèm cháo. * Mồng chín tháng chín, Hiên Viên Phù dẫn già trẻ trong phủ ra ngoại thành leo núi thưởng ngoạn, Chu Kỳ lười nhác, không đặt chân lên đỉnh mà đón gió giữa lưng chừng. Chiều tối trở về phủ, Chu Kỳ ăn ba miếng bánh Trùng dương, nhâm nhi ba chén rượu hoa cúc, viết ba phong thư. Giờ hợi canh ba, Hiên Viên Phù tới, ôm Chu Kỳ ngủ mấy canh giờ, trời chưa sáng đã rời đi. Sau đó Chu Kỳ nghe được từ Thanh Thương, Đột Quyết nổi loạn, Tả hiền vương bị thuộc hạ hại chết, con hắn là A Sử Na Ô Mộc lên kế vị. * Trừ tịch, Hiên Viên Phù tổ chức đại yến quần thần tại Vũ Đức điện, tiếng pháo trắng đêm vang, Chu Kỳ lủi trong tiểu viện, bị quấy nhiễu trằn trọc, một đêm không ngủ. Rút dưới gối ra một hộp gấm, tỉ mỉ lật xem. Tới Lũng Tây gần hai năm, nhận được thư nhà bảy phong, Cố Bỉnh năm phong. Chẳng có việc gì làm, Chu Kỳ liền ngồi trước án, sao chép mỗi phong thư hai lần, cho tới khi từng nét đều nằm trọn trong tim, hạ bút thành văn. Lối viết thế bút của phụ thân khoáng đạt, cuối nét mượt mà, kết cấu không câu nệ gò bó, đạt tới cảnh giới siêu phàm; còn nhị ca thì phóng túng mà lưu động, mạnh mẽ mà phóng thoáng, càng chứng tỏ công sự bộn bề hơn khi đôi chỗ viết ẩu, thư sau so với thư trước lại càng thêm rõ ràng; lối viết chữ Khải[2] của Cố Bỉnh thì xinh xắn mượt mà, duyên dáng mảnh mai, từ đầu tới cuối không một nét sửa sai, đều tăm tắp như một cây thước đo. Chu Kỳ mỉm cười một lúc, dù sao cũng không buồn ngủ, y liền bắt chước bút tích của từng người, cũng tự viết thư gửi nhà. Bên viết bên cười, cho tới khi phương đông dần rạng. * Mười lăm tháng Giêng, Vĩnh Gia năm thứ năm, tết hoa đăng. Dù Lương Châu không náo nhiệt được như trong kinh thành, nhưng cũng giăng đèn kết hoa khắp nơi khắp chốn. Chu Kỳ theo Hiên Viên Phù đi lên cổng thành, đã có hạ nhân đứng trực sẵn điểm đèn trời cung kính mời Vương gia viết câu cầu phúc. Hiên Viên Phù nhìn Chu Kỳ, đưa cho y một cái. Hiên Viên Phù sột soát vài nét bút chẳng buồn đắn đo, một lần là xong, Chu Kỳ lại ngẩn ngơ một lúc lâu, sau cùng mới qua loa vài chữ. Giữa biển trời đêm mênh mang bất tận điểm xuyến vô vàn ngọn đèn trời được gió đẩy đưa, hệt như những vì tinh tú. Dường như Hiên Viên Phù đã nói gì đó với y giữa đêm tối, nhưng rồi gió lớn đã cuốn phăng chúng đi trong chớp mắt. * Mồng hai tháng hai, Long sĩ đầu[3]. Chu Kỳ đếm, một năm đi qua y đã viết được hơn trăm phong thư. Phân loại từng phong từng phong vào hộp gấm, Chu Kỳ nhoẻn cười vui. Có lẽ đã tới lúc… _______________ 1. Tam phục thử thiên: chỉ thời kì nóng nhất trong năm, sơ phục: 10 ngày, tính từ canh thứ ba sau Hạ Chỉ; trung phục: 20 ngày, tính từ canh thứ tư sau Hạ Chỉ; mạt phục: 10 ngày, tính từ canh thứ nhất sau Lập Thu. 2. Chữ Khải: Một trong số những cách viết cơ bản của chữ Hán. 3. Long sĩ đầu: ngày hội truyền thống của Trung Quốc vào ngày 2/2 âm lịch hàng năm, dân gian gọi là lễ Thanh Long, tương truyền là ngày ‘rồng ngẩng đầu’. Người dân chào mừng lễ “Long đầu” với lòng thành cầu rồng cho mưa, cầu trời phù hộ cho mùa thu hoạch tốt tươi. Đăng bởi: admin
|
Chương 31 CHƯƠNG 30 – THỐN TÂM NINH TỬ BIỆT[1], Bất nhẫn sinh ly sầu. (“Tình này thà tử biệt, sao thấu sầu sinh ly.” – Tình này thà cách biệt vì cái chết chứ không thể chịu nổi nỗi sầu phân ly khi sinh thời) Cuối cùng thì kinh thành cũng truyền tin tới, Thái Tử hứa hôn với tiểu thư Sử gia, hôn kỳ được định vào tháng bảy. Chiếm lại thế thượng phong từ Vương thừa tướng Tô thái phó cầm đầu Thanh Lưu sĩ tộc sau lưng Tứ hoàng tử. Mà Thái Tử Hiên Viên Chiêu Mân vốn đã có được sự ủng hộ từ cựu thần của tiên đế, bởi lẽ, tiên đế trọng võ, đương kim Thánh Thượng lại thiên văn, cho nên ngoài Chu thị Giang Đông ra thì còn lại đều là võ tướng thế gia, như Độc Cô – Lũng Tây, Hách Liên – Quan Trung. Sự ủng hộ của Sử các lão như cọng rơm cuối cùng phá vỡ thế cục cân bằng ban đầu. Tới thời điểm này, công thủ đã lưỡng toàn. * Mồng ba tháng ba, Vĩnh Gia năm thứ năm, Thượng tị, cũng là Thanh Minh. Canh năm chưa tới, Chu Kỳ đã đứng chờ dưới thềm Diên Ninh điện. Hồ tổng quản đi ra nghênh đón, “Chu công tử, hôm nay sao lại dậy sớm thế này? Vương gia vẫn chưa thức giấc, có muốn lão nô vào bẩm báo không?” Chu Kỳ đứng ngay ngắn, đầu khẽ cúi, “Không làm phiền tổng quản, cũng chẳng phải đại sự gì, ta đứng đây chờ là được.” Hai năm rồi, nơi này vẫn chẳng đổi thay là bao, vẫn cái vắng vẻ lãnh ngạnh, thiếu khí người y cũ đó. Có lẽ vì tiếng hai người trò chuyện vẳng vào bên trong mà chỉ độ một nén nhang sau, Hồ tổng quản đã bước từ trong ra, dẫn Chu Kỳ đi vào. Đương là đầu xuân, buổi sớm nơi Bắc cương vương chút se sắt. Trên chiếc giường rộng rãi có phủ một lớp lông dày dặn, Hiên Viên Phù nửa nằm nửa ngồi bên trên, đôi mắt nhập nhèm vì ngái ngủ. Chu Kỳ hành lễ, “Vương gia.” Gã nghiêng nghiêng đầu, tựa chừng đang suy đoán ý đồ Chu Kỳ tới đây. “Chuyện gì?” Chẳng biết là tự khi nào, giữa hai người họ đã chẳng còn những lời lẽ dư thừa, chừng như chỉ thấy nhau thôi đã sinh phiền muộn. Chu Kỳ ảm đạm cười, “Vương gia, hôm nay là Hàn thực, cũng là Thượng tị, hạ quan muốn ra ngoài thăm thú, đạp thanh du xuân.” Bấy giờ Hiên Viên Phù mới bừng tỉnh, bởi cũng khi ấy gã mới nhận ra, lớp bố y xanh nhạt thường ngày đã được y trút xuống, thay bằng một thân cẩm y hoa phục, khiến gã kinh ngạc tới mức quên cả cơn lim dim, “Nếu Bản vương không ép mời thì nửa năm liền ngươi chẳng rời biệt uyển nửa bước, sao hôm nay lại có hứng thế?” Hai đầu gối chấm đất, Chu Kỳ nghiêm túc, “Gia huynh đã qua đời được một năm, mấy ngày nay là ngày giỗ là huynh ấy. Mặc dù không thể đích thân tới cúng mộ, nhưng dù sao cũng phải đốt chút vàng mã cho tròn nghĩa huynh đệ.” Hai hàng mày nhíu chặt, Hiên Viên Phù bắt bẻ, “Đã hóa vàng thì ở đâu mà chả giống nhau, ngoài phủ với trong phủ thì khác chỗ nào?” Thấy Chu Kỳ không nói, gã lại tiện đà: “Theo thông lệ, hôm nay Bản vương phải tới Cô tang làm lễ trừ tà, ngươi là thuộc hạ của Bản vương, đáng ra cũng phải đi mới đúng.” “Hạ quan có bệnh trong người, ở lại Lương Châu tránh cho quấy rầy hứng thú du xuân của Vương gia thì hơn.” Hiên Viên Phù cả giận, “Nếu Bản vương cố tình không đồng ý thì sao?” Chu Kỳ giương mắt nhìn gã, đôi mắt bình tĩnh phẳng lặng không một gợn sóng, y không đứng dậy, nhất thời giữa hai người chỉ còn thế giằng co. Trương Khuê thập thò bên cửa, thấy bầu không khí kỳ quặc bên trong cũng chần chừ không dám tiến vào. Hiên Viên Phù liếc nhìn hắn, ra chiều mất kiên nhẫn. Trương Khuê lấy hết dũng khí bẩm báo: “Hoàng huyện thừa hỏi khi nào Vương gia khởi giá.” Thở dài một hơi, cuối cùng Hiên Viên Phù cũng xua tay, “Thôi tùy ngươi, Trương Khuê lưu lại hầu hạ Chu lục sự.” Chu Kỳ từ tốn đứng dậy, nhẹ nhàng nói: “Tạ Vương gia.” Đi được vài bước, sắp ra khỏi cửa điện, bỗng nhiên Chu Kỳ quay đầu lại, mỉm cười với Hiên Viên Phù, “Vương gia đi đường, nhớ bảo trọng.” Cánh cửa son hé mở, cả người y hòa vào ánh sáng nhạt nhòa, mờ mờ ảo ảo, ngay cả nụ cười kia cũng trở thành hư thực. Cho tới khi góc áo biến mất nơi tận cùng hành lang khúc khuỷu, Hiên Viên Phù vẫn còn hoảng hốt, nụ cười tựa nắng ấy, lần trước gã được trông thấy dường như là tại chân núi Yên Chi một năm trước. Mới có mấy tháng, mà như đã một đời. * Lần Thái Tử giá lâm Lương Châu trước đó, Trương Khuê vì ăn nói lỗ mãng mà bị Cố Bỉnh bạt cho một cái bạt tai, từ đó trở đi cũng trở nên khách khí với Chu Kỳ. Trở về biệt uyển, Chu Kỳ để hắn ta đứng chờ trong sân. Tố Huyền chạy ra đón, Chu Kỳ vỗ vỗ đầu cậu chàng, “Ta ra ngoài đốt chút vàng mã, chỉ một lát là về.” Tố Huyền lo lắng đòi theo, “Thiếu gia, cho ta đi theo người đi, cũng vừa hay phải ra ngoài chút việc.” Bất đắc dĩ lắc đầu, Chu Kỳ cười trêu chọc: “Đã lớn thế này rồi còn bám người là sao hả?” – thấy Trung thúc cũng đứng gần đó ngóng trông, Chu Kỳ dịu giọng, “Ta chợt thèm thanh đoàn, may mà mấy ngày trước có ít lá ngải non từ Lạc Kinh mang tới, hạ nhân Lũng Tây tay chân vụng về, làm chẳng nên hồn. Các ngươi đi gói đi, trưa về ta ăn.” Tố Huyền do dự, liếc trái liếc phải, dùng dằng mãi mới đành thôi, “Vậy, ta không đi theo nữa, nhưng công tử phải dẫn Thanh Thương theo. Người đi theo hắn ta, Tố Huyền không yên tâm.” Trương Khuê đứng đằng xa hẩy mắt xem thường, thúc giục: “Chu lục sự, không phải đi đốt vàng mã sao, làm gì mà lề mề thế. Chu đại nhân thì nhàn hạ rồi, nhưng mạt tướng vẫn còn nhiều việc phải làm lắm.” Chu Kỳ gật đầu, “Ta đi sửa soạn vài thứ.” * Nơi Chu Kỳ chọn cách khá xa, Trương Khuê phóng ngựa như bay đuổi theo gần hai canh giờ liền, càng đi càng thấy bất thường, không khỏi mở miệng hỏi: “Chu lục sự, hóa vàng mà phải đi xa thế này sao?” Chu Kỳ cười không đáp, Thanh Thương đi phía sau lại gắt gỏng: “Chẳng lẽ Trương giáo úy không biết? Công tử đi vấn an Vương gia cũng đã bảo rồi thây, công tử đi đạp thanh, tiện hóa vàng mã luôn, đã là đạp thanh thì sao mà luẩn quẩn trong thành được, có vậy mà cũng ngạc nhiên?” Thanh Thương vốn là một nữ tử mạnh mẽ, hảo nam không cùng nữ đấu, Trương Khuê nghẹn họng, cũng chẳng dám nhiều lời thêm. Đoàn người băng băng gần trăm dặm, bỏ lại biển cát giăng trời phía xa, tới một đầm nước giữa thâm sơn cùng cốc. Đầm nước xanh thẳm, mặt hồ lặng như gương. Cả một đường bôn ba, bụng Trương Khuê sớm đã réo vang, hắn liền đề nghị: “Đã đến ải Vũ An, chi bằng chúng ta tạm nghỉ trong đây một lát, dùng bữa trưa rồi lên đường tiếp?” Chu Kỳ quay đầu ngựa, cười nhìn hắn, “Phiền Trương giáo úy vất vả rồi, kỳ thật chúng ta đã tới nơi.” Trương Khuê ngó nghiêng xung quanh, “Đúng là người đọc sách phong nhã có khác, hóa vàng cũng phải chọn nơi hợp lòng người.” Chu Kỳ đưa mắt ra hiệu, Thanh Thương quay ra nói với Trương Khuê: “Không thì thế này, công tử đi đốt vàng mã, chúng ta dùng bữa trước, thế nào?” Trương Khuê tỏ vẻ do dự, Thanh Thương lại tiện đà: “Chúng ta là người ngoài, cứ kè kè bên cạnh công tử, công tử có muốn tâm sự với gia huynh cũng không tiện. Đi, chúng ta đi ăn trước.” Còn chưa kịp phản ứng, Trương Khuê đã thấy Chu Kỳ xuống ngựa, đi thẳng tới bên đầm. Có quân sĩ trong doanh trại ra chào đón, Trương Khuê chẳng rảnh để mắt tới y, đành theo Thanh Thương. Chi có Thanh Thương ngoái đầu lại nhìn, khóe mắt hoe đỏ, lệ chực trào mi. * Từng xem qua địa chí, Chu Kỳ biết, hồ này hồ Hưu Chư, nguyên là thuộc quyền sở hữu của Hưu Chư vương dân tộc Hung Nô, nên mới có tên như thế. Hưu Chư vương cùng Côn Tà vương hẹn nhau cùng đi hàng Hán, nhưng lâm thời lại thay đổi, cuối cùng bị Hoắc Khứ Bệnh chém chết, con trai hắn là Kim Nhật Đê trở thành mã nô, sau đó cơ duyên xảo ngộ mà được Vũ Đế hết mực sủng ái. Chu Kỳ khoang tay đứng yên, ngắm nhìn dương quang xuôi ngược mà hồi tưởng những cuộc gặp gỡ cả đời y, lại là nghiền ngẫm. “Ngươi là người phương nào? Sao lại ở đây?” – một âm thanh trẻ trung đột nhiên vang lên. Chu Kỳ nhìn lại, người tới trông quen quen, y không khỏi ngẩn người. Thiếu niên nghiêng nghiêng đầu ra chiều suy nghĩ, rồi mắt chợt sáng lên, “Chu tam lang!” Vì một tiếng này không chỉ thành công giúp Chu Kỳ nhớ ra tên cậu ta, đồng thời còn kéo cả sự chú ý cả đám vệ binh lại phía đằng này. Chu Kỳ cười khổ, “Tiểu Hổ huynh, nhiều năm không gặp, biệt lai vô dạng?” Vu Tiểu Hổ hưng phấn ríu ra ríu rít, liến thoắng kể chuyện sau khi chia tay cho y nghe, Chu Kỳ không yên lòng lắng nghe, thi thoảng phụ họa mấy lời. Qua chừng một chén trà, tiếng Trương Khuê phía xa đã dần vẳng lại, Chu Kỳ mỉm cười. “Tiểu Hổ, có thấy viên giáo úy đứng kia không?” Vu Tiểu Hổ nhìn theo hướng tay y chỉ, mờ mịt gật đầu. “Ta có một số việc muốn tìm hắn, ngươi gọi hắn lại đây giúp ta được không?” * Vu Tiểu Hổ mau mau mải mải kéo Trương Khuê chạy lại, đang muốn gọi Chu Kỳ thì đột nhiên khựng bước. Trương Khuê không kịp đề phòng, thiếu chút nữa thì té nhào, vừa chực quát mắng đã nghe thấy Vu Tiểu Hổ gào lên: “Chu tam lang!” Trên đoạn nhai bên hồ, Chu Kỳ lặng đứng nghênh gió, tay áo phần phật. Cách quá xa càng khiến khuôn mặt y trở nên hư hư thực thực, chỉ thấy y từ tốn tháo quan ngọc trên đầu, cởi trường bào, tùy ý ném sang bên. Giữa cốc trống không chỉ độc một người đứng, mái tóc dài như suối phất phơ theo gió núi, khoảnh khắc ấy hệt như Sơn quỷ bước ra từ Cửu ca[2]. Y ung dung bước từng bước như thể chẳng màng đến bất kể điều chi, trong chớp mắt, giữa biển mây vần vũ điệp trùng, đã chẳng thấy bóng dáng người đâu. Chỉ có tâm hồ khẽ rung lên, như đón chào người tới. __________ 1. Câu thơ được trích từ “Cổ li biệt – tạp khúc ca từ” của Triệu Vi Minh. Nguyên văn: 違別未幾日, 一日如三秋. 猶疑望可見, 日日上高樓. 惟見分手處, 白蘋滿芳洲. 寸心寧死別, 不忍生離愁. Hán Việt: “Vi biệt vị ki nhật, nhất nhật như tam thu. Do nghi vọng khả kiến, nhật nhật thượng cao lâu. Duy kiến phân thủ xử, bạch bình mãn phương châu. Thốn tâm ninh tử biệt, bất nhẫn sinh li sầu.” 2. Cửu ca: một chùm thơ của Khuất Nguyên, Sơn quỷ là bài thơ đầu tiên trong chùm thơ này. Share this: Đăng bởi: admin
|
Chương 32 CHƯƠNG 31 – DI HẬN MÃN THẾ. Hiên Viên Phù đứng trước cổng Hoàng Hoa biệt uyển, chần chừ không vào. “Vương gia…” – Hồ tổng quản muốn nói lại thôi. “Ngươi đứng ngoài này.” – dứt lời, một mình gã đi vào biệt uyển. Trong viện không một bóng người, chỉ có gốc vân sam xanh mơn Chu Kỳ tự tay vun trồng, bao bụi bặm bám trên cành lá đều được nước mưa gột sạch, càng tôn thêm sắc xanh tươi ướt át. Vườn rau con con trong góc sân còn sót lại lơ thơ mấy loại hành hẹ củ cải, nhờ vào trận mưa mấy ngày gần đây trông cũng tươi tốt hơn nhiều. Cánh cửa phòng Chu Kỳ không đóng, bên trong u ám như một hắc động không đáy chầu chực muốn hút hồn phách người ta vào. Hiên Viên Phù đứng bên cửa, hai chân như bị ghim chặt, không thể tiến thêm dù chỉ một bước. Hồ tổng quan nào hay, gã do dự không tiến về phía trước, không phải vì không muốn, mà bởi không dám… Gã sợ, sợ Chu Kỳ đã chết thật rồi, chết rồi mà chỉ để lại những lời oán thán nguyền thề; rồi lại sợ Chu Kỳ chưa chết, nhưng một chữ cũng không thèm lưu, cứ thế vĩnh biệt thiên nhai. Tốt nhất là cứ đứng tại đây đi, đứng đến già, đứng đến chết, như thể Chu Kỳ vẫn còn sống. Nhưng, gã hiểu Chu Kỳ, hiểu rất rõ. Dù là sống hay chết, nhất định y cũng sẽ an bài tất thảy hậu sự một cách ổn thỏa, bất kể ân oán. Ở Lũng Tây, chỗ dựa duy nhất y có, là Hiên Viên Phù, mà Hiên Viên Phù nợ Chu Kỳ, chưa khi nào hết. Hít thật sâu, Hiên Viên Phù chậm rãi đi vào phòng. Bên trong vẫn bày trí như thường nhật, huân hương cũng không đổi, tựa chừng như chỉ còn thiếu mỗi người. Trên bàn có đặt một hộp gấm, và một phong thư. Thư không dài, vậy mà phải mất gần một canh giờ gã mới xem xong. “Trương Khuê!” – Hiên Viên Phù khàn giọng gọi. Trương Khuê đáp tiếng tiến vào, run rẩy quỳ trên mặt đất. Sắc mặt Hiên Viên Phù trắng bệch, môi khẽ run, “Đã tìm thấy thi thể chưa?” “Bẩm Vương gia, tìm thì tìm được rồi, nhưng ngâm trong nước mấy ngày thi thể đã biến đổi khó coi, Vương gia…” Nhãn tình Hiên Viên Phù ngời sáng, “Ý ngươi là đã không nhận rõ mặt mũi?” Biết lòng gã vẫn nhen nhúm hy vọng, Trương Khuê cũng không đành lòng, sau cùng mới chần chừ đáp: “Tuy hình dáng tương đồng, y trang phục sức cũng đều là của Chu Kỳ, nhưng lúc nào cũng có vạn nhất, là thay mận đổi đào cũng không chừng…” Nói được nửa chừng Hiên Viên Phù đã ngắt lời hắn, “Trên cổ của thi thể kia có vết thương không?” Trương Khuê không đáp, ánh mắt lập lòe. Hiên Viên Phù nhắm mắt, thở dài, “Thôi, chuyện đã tới nước này, chết hay chưa chết đã chẳng còn quan trọng.” Gã nhìn Trương Khuê, khẩu khí nhẹ nhõm hơn, “Tính ra, hai năm trước Chu Kỳ vào phủ, là ngươi dẫn đường cho y, giờ y qua đời, cũng là người tiễn y một đoạn đi.” Trương Khuê chúc đầu xuống đất, “Vương gia phân phó, không dám bất tòng!” “Thứ nhất, lập tức che giấu tin tức, không được để người ngoài biết được chuyện này. Mấy hạ nhân Chu Kỳ mang theo, tạm thời cho chúng một tiểu viện cung cấp ăn ở, tới thời cơ chín muồi thì thả về Giang Nam.” “Thứ hai, thư trong hộp gấm này, mỗi tháng gửi một phong tới Chu Quyết, Cố Bỉnh, tới Vĩnh Gia năm thứ bảy mới thôi.” “Thứ ba, lập tức phong tỏa Hoàng Hoa biệt uyển, ngoài Bản vương, bất luận kẻ nào cũng không được bén mảng tới.” “Thứ tư, tiện tỳ Thanh Thương đi cùng các ngươi tới đầm Hưu Chư…” – nói tới đây, Hiên Viên Phù có vài phần không muốn, “Hủy tiện tịch, thả đi.” Trương Khuê ghi nhớ từng cái, lại hỏi: “Vương gia, về phần thư qua thư lại của Chu lục sự với mấy người kia, đối phương hỏi thế nào, đáp ra sao, y cũng không biết trước được, nhỡ để lộ sơ hở thì làm sao?” Đáy mắt gã nháng sắc bi thương, “Thư y viết, không để đối phương thoái thác, chỉ một mình ca cẩm, có lẽ đã sớm chuẩn bị từ trước, dăm ba năm tới có khi cũng chẳng ai phát hiện được.” Trương Khuê lĩnh mệnh, đi chưa được mấy bước đã ngoái lại hỏi: “Vương gia… thi thể kia thì xử lý thế nào?” Thật lâu chẳng đổi lấy tiếng đáp, một lúc lâu sau Hiên Viên Phù mới não nề: “Trước tìm một chỗ chôn đánh dấu lại, sau đó lập một y quan trủng(mộ chôn quần áo, đồ đạc, không có xác) trong Liệt Lăng cho y.” Trương Khuê vừa nghe đã kinh ngạc không thôi, Liệt Lăng nằm phía tây Lương Châu, là nơi quy táng cho toàn gia Tĩnh tây vương, Chu Kỳ chỉ là Lục sự bát phẩm, nếu mai táng ở nơi đó chẳng phải là quá trái thông lệ sao. Thấy hắn sững người tại chỗ một lúc, Hiên Viên Phù mất kiên nhẫn gắt: “Hay là ngươi muốn chôn cùng?” Dứt lời, gã phẩy tay áo bỏ đi. * Nửa đêm, nguyệt bạch phong thanh, Hiên Viên Phù lại chẳng mảy may buồn ngủ. Bức di thư Chu Kỳ để lại như kinh văn không ngừng lặp đi lặp lại trong đầu gã, tựa như tới khi nào từng chữ từng lời phải khắc vào cốt tủy mới thôi. Mấy trang ít ỏi, mà chín phần là hậu sự, chỉ còn vài câu chót nhất mới dành cho gã. “Sống hoài hai mươi năm, hỗn độn nửa đời, Chu Kỳ mới hiểu quan cao lộc lớn chỉ là cỏ rác, tình thiên hận hải chỉ tựa phù vân, tất cả đều là hư vọng. Chu Kỳ ra đi, thế nhân có thể sẽ cho rằng vì bi khổ, nhưng đi rồi vô ái, vô khổ, vô lo, vô ưu, vô uế, vô ô, an ổn nơi niết bàn, còn gì mà bi? Hai năm tại Lũng Tây, được Vương gia quan tâm, Chu Kỳ khắc sâu tận đáy lòng, thư tới đây đã tận, duy chỉ mong Vương gia bảo trọng vạn lần, vạn lần bảo trọng.” Hiên Viên Phù đột nhiên đứng dậy, rảo bước tới chiếc tủ kê trong góc tường, lấy ra một vật, xốc tấm vải trắng che phủ, rành là tiêu vĩ cầm. Chu Kỳ từng dùng nó tấu khúc Hán Cung Thu Nguyệt, cũng dùng nó diễn khúc Quảng Lăng; từng tặng cho ca kỹ, cuối cùng thì bị chính gã cường ép lấy lại… Sau khi huyền cầm đứt, kỳ thật gã đã sớm sai người sửa lại, vậy mà gã chưa từng để y gảy. Thậm chí gã còn nhớ mang máng, âm cuối cùng y tấu, dường như là Giác… Giác, Quyết, Tuyệt… Mười ngón tay vuốt trên dây cầm run lên bần bật, bao nỗi bi ai ban ngày đè nén bỗng chốc nứt toạc, thiêu đốt ngũ tạng gã, ngay cả thở cũng khó khăn quá đỗi. Thế nhân đều nói anh hùng khí đoản, quả không sai. — Hoàn quyển trung — Quyển hạ Đăng bởi: admin
|
Chương 33 CHƯƠNG 32 Trồng trà tại Không Sơn. Không Sơn mới rơi trận mưa xuân, lá rụng rải đầy trên sơn đạo nhỏ hẹp, tiếng vang xào xạc từ những bước chân đi lên hòa lẫn với âm thanh líu lo chim rừng càng tôn thêm mấy phần thanh thản bằng an. Thư sinh thanh sam lau nhè nhẹ tầng mồ hôi trên trán, nghía sang thư đồng đang đứng bên mình. “Đi nửa ngày trời vẫn không ra khỏi ngọn núi này, chúng ta không lạc đường đó chứ?” Thư đồng lúng túng gãi đầu gãi tai, phóng mắt nhìn chung quanh, rồi nhãn tình chợt bừng sáng, ngón tay chỉ về phía trước, “Công tử, người nhìn xem bên kia có một trà nông, chi bằng chúng ta qua đó hỏi thăm?” Chỗ ở của vị nông dân trồng trà kia ngụ ở nơi rất cao, gian nhà tranh nho nhỏ ẩn nấp giữa mây mù uốn lượn, nếu không để ý kỹ cũng khó mà phát hiện cho ra. Bên ngoài căn nhà tranh là một mảnh vườn rau nhỏ nhắn, phía dưới vườn rau là mấy mẫu trồng trà. Không biết là trồng giống gì mà thân trà rất thấp, người nọ phải ngồi xổm trên đất làm việc, thật cẩn thận ngắt từng búp trà xanh non trên đỉnh, thả vào chiếc gùi vác trên lưng. “Lão bá, tiểu sinh vào kinh thành dự thi, bất hạnh lạc đường tại núi này, chẳng hay lão bá có thể chỉ cho tiểu sinh biết đây là đâu không?” Có lẽ vì rất hiếm khi có người qua nơi đây mà người nọ thoáng chút ngạc nhiên. Khi y quay đầu lại, thư sinh mới giật mình nhận ra, người này tuổi cũng không lớn, độ nhi lập(30) là cùng, vì chiếc nón che khuất nên không thấy rõ mặt mũi ra sao, chỉ có nước da là trắng vô ngần. “Núi Mông Đỉnh, Nhã Châu[1].” – khẩu âm của y không giống người địa phương, có vài phần du dương trong trẻo. Thư sinh giật mình thảng thốt, “Ta đi suốt hai ngày trời mà vẫn còn trong Mông Đỉnh sơn ư?” Người nọ cười nhẹ, nói: “Mông Đỉnh sơn có năm tòa, công tử là đi qua cả đi?” – y nhỏm người đứng dậy, buông giỏ trúc, chỉ ra phía núi non trùng điệp xa xa. “Công tử xem, tòa kia là đỉnh Thượng Thanh, từ đó đi xuống phía tây mười dặm là tới Thanh Y giang.” Thư sinh nghe thấy thế thì vội la lên: “Vậy ta tới kinh thành như thế nào?” Người nọ tốt tính chỉ dẫn: “Có bến đò, công tử lên thuyền xuôi theo Thanh Y giang tới Gia Châu, từ Gia Châu là có đường thẳng tới Lạc Kinh.” Thư sinh mừng rỡ, liên tục chắp tay cảm tạ, “Đa tạ ngài đã chỉ điểm!” – dứt lời liền kéo thư đồng vội vội vàng vàng chạy đi. Núi non thoáng chốc hồi phục lại vẻ bình yên tĩnh lặng vốn có, người trồng trà nọ giương mắt nhìn sắc trời, áng chừng số búp trà trong gùi, khóe miếng khẽ cong. Dưới vành nón, cặp mắt hoa đào trong veo lấp lánh. ______ 1. Nhã Châu: tên cũ của Nhã An, một địa cấp thị của tỉnh Tứ Xuyên. Đăng bởi: admin
|
Chương 34 CHƯƠNG 33– MŨI HÀI ĐẠP THU XANH. Đã là năm Ân Trạch thứ tư, Chu Kỳ cũng ở Mông sơn trồng trà được chín năm. Mông sơn vân vũ sương mờ, thích hợp nhất cho việc trồng trà, vậy nên cũng chẳng cần lao tâm chăm sóc nhiều, chỉ có tiết xuân phân bận bịu hái trà một chút, còn lại thì trừ làm cỏ, đuổi trùng, sau đó cũng chẳng còn việc gì phải làm, ngày ngày nhìn về phía đuôi trời chân mây mà ngẩn người. Khi nào buồn chán quá mức, y sẽ chống gậy trúc, lững thững vô thức khắp lòng núi. Lâu dần cũng quen thân được không ít người, ngẫu nhiên tới gõ cửa kiếm bữa cơm cũng là một thi thú. Tỉ như bên đỉnh Liên Hoa có một hộ săn bắn, tứ nương nhà đó làm món chân giò lợn hầm với cải làn xào quả là không tồi, hay như ngay đỉnh núi láng giềng có một gã trồng trà tên Lý Tứ, tuy tính tình có phần hơi kỳ quặc, nhưng bù lại tay nghề nấu nướng mấy món dân dã thì không thể bắt bẻ vào đâu. Xa hơn chút nữa có một hồ nước dài trăm trượng, tương thông với con sông Ngọc Khê[1] trong huyện kế bên. Mặt hồ rất lớn, bích thủy như lam, trong tới tận đáy, giữa hồ còn nổi lên một hòn đảo nhỏ, bên trên có một mái đình tranh, trông rất có vẻ sơn dã tình thú. Chu Kỳ rất thích nơi đây, mỗi khi rảnh rỗi nhàn hạ là y sẽ tới, xuân thưởng hoa núi, đông trông tuyết, thu rợp lá đỏ, hạ thính phong. Y đặt tên cho mái đình tranh hoang vắng ấy là Khứ Ba, cũng sắm bàn đá, ghế đá, thường xuyên tới tĩnh tâm pha trà. Giữa mùa hạ và mùa thu, sẽ có một đàn bạch hạc từ phương xa bay tới, nghỉ chân mấy tháng rồi lại thẳng cánh bay đi, phiêu diêu như mây trôi tự tại. Rời khỏi Lũng Tây, Chu Kỳ có mang theo vài món trang sức, trước đã đổi thành ngân lượng mua vật dụng gia cụ, tựu chung cuộc sống cũng không tới mức túng thiếu. Mỗi tháng y sẽ xuống núi một lần, tìm tới tửu quán đương lúc đông đúc, nghe ngóng ít tin tức, lời đồn chuyện vặt. Từ sau ngày Thái Tử đăng cơ, y không còn màng tới triều sự nữa, mặc dù ngẫu nhiên vẫn nghe được đôi chút, song cũng chỉ cười trừ cho qua. Duy chỉ có hai lần là khiến y xúc động. Lần thứ hai là mới vào đầu năm nay, huynh trưởng từ Quan sát sứ Giang Nam thăng lên chức Thượng thư Tả bộc xạ[2], đứng lên hàng Tam công, rạng rỡ gia môn. Vả lại, tiên tiền Hoàng Trưởng tử cũng là Chu phi sở sinh, trong lúc nhất thời, Chu gia Giang Đông đã mơ hồ có xu thế đối chọi với lưỡng bè Tô Sử. Hôm ấy, y mới bán lá trà xong xuôi, đang ngồi trong tửu quán dùng bữa, vừa hay tin tức, y đã uống liền ba vò rượu, say túy lúy một ngày một đêm. Còn lần trước đó là vào năm Ân Trạch thứ hai, Kiếm Nam đạo[3] gặp lũ lụt, Nhã Châu cũng khó thoát, nhất thời lũ lớn bất ngờ ùa tới, nạn dân nhiều vô kể siết. Chu Kỳ với mấy sơn dân cùng nhau xuống núi thì bắt gặp nạn dân đang trên đường cầu xin viện trợ từ quan phủ. Chẳng qua, Thứ sử Nhã Châu là một tên tiểu nhân hèn hạ, chỉ biết lo chính tích của mình mà không chỉ không cứu giúp nạn dân, còn nghiêm cấm họ ra khỏi thành cầu cứu viện. Chu Kỳ bất đắc dĩ lạc vào dòng người chạy nạn đông như con nước, chứng kiến dịch bệnh hoành hành, tai nghe tiếng kêu than oán thán vang dội dậy trời. Ròng rã đến cuối tháng thứ ba, ngay cả cám bã cũng thành xa xỉ. Rốt cuộc cũng tới một ngày, nạn dân phẫn uất phá cổng thành, bủa ra các Châu lân cận kiếm tìm sinh lộ. Chỉ là phía Triều đình không có pháp lệnh rõ ràng, thứ sử các Châu cũng qua loa cho xong chuyện, chặn nạn dân bên ngoài thành. Nhân hậu một chút thì còn thả ít lương khô từ cổng thành xuống, còn loại không có lương tâm thì phong tỏa quan đạo, phái người ngăn chặn triệt để. Chu Kỳ cùng Lý Tứ theo đám đông kéo dài về phía Tây, cuộc sống lang thang đầu đường xó chợ đói khát đằng đẵng cũng khiến những con người đó ngay cả sức khóc than oán giận cũng chẳng còn. Chu Kỳ cũng dần nản lòng thoái chí, cảnh ngộ cửu tử nhất sinh của y chẳng lẽ cũng vì sống giữa một triều đình thế này sao? Vừa đi vừa nghĩ ngợi khiến bước chân y dần chững lại. Chẳng biết qua bao lâu, cho tới khi dân chúng nhìn thấy bức tường thành sững sững của Gia Châu phía xa. “A, các ngươi xem kìa, cổng thành mở!” – một chàng trai mắt tinh bất ngờ hô to. Ai nấy đều sửng sốt, sau đó thì lập tức lên tinh thần, dồn hết sức đổ ùn ùn về phía cổng thành đang dang rộng. Tới ngoài thành, dân chúng mới nhận ra, cổng thành không chỉ mở rộng, mà còn có cả quan sai nha dịch đứng sẵn chờ. Ai cũng vừa mừng vừa lo, nhốn nhốn nháo nháo, cho tới khi một viên quan vận y phục đen rống lên: “Trật tự!” Bấy giờ đám đông mới dần dần yên tĩnh, viên quan nọ cao giọng nói: “Tại hạ là Ti Lương Gia Châu, được Thứ sử đại nhân ra lệnh đứng đây chờ. Tất cả mọi người đều là con dân của Thiên tử, trời giáng tai họa, tất nhiên Triều đình không thể trơ mắt đứng nhìn, vì thế mong mọi người đồng tâm hiệp lực vượt qua cửa ải khó khăn nguy ngập này.” Lời hắn nói rất lọt tai, song dân chúng đã nhìn quen lũ quan lại thờ ơ khinh miệt, nên nhất thời ai cũng nửa ngờ nửa tin. Ti Lương mỉm cười, vỗ vỗ tay, lập tức có người bê ra một chiếc bàn gỗ lớn, bên trên có đặt bút mực giấy trắng. “Trước tiên, mọi người lại đây báo danh, coi như là văn điệp thân phận lâm thời, sau đó, mỗi ngày sẽ dựa vào nó tới lĩnh cứu tế.” Đưa mắt nhìn nhau một lúc rồi mới lần lượt xếp hàng báo danh, ai ai cũng đươm đầy nỗi niềm cảm tạ. Tới phiên Chu Kỳ, y ra chiều tình cờ hỏi han: “Đại nhân, lần này đúng là Triều đình hạ lệnh ư?” Tào Ti Lương thở dài ảo não, lắc đầu, chỉ là không buồn đáp. Chu Kỳ tuy nghi ngờ, song cũng không tiện hỏi nhiều. Nạn dân ngồi xổm dưới chân tường thành, dẫu chỉ gặm bánh mì khô nuốt nước lã nhưng vẻ mặt ai cũng đầy thỏa mãn. Lý Tứ vỗ vai Chu Kỳ, “Này, ngươi nói xem, sao đột nhiên lại có chuyện tốt thế này.” Chu Kỳ cười, “Làm quan không giải quyết cho dân chả bằng về nhà bán khoai lang, chẳng nhẽ không nên sao?” Lý Tứ đấm đấm bóp bóp chiếc chân tàn phế của mình, thở dài rõ to, “Giờ quan tốt ngày càng khan hiếm, cứ cái đà này thì chả biết chúng ta còn sống được tới khi nào. Nhớ hồi trẻ, hầy, giờ chả so được.” Chu Kỳ ngửa đầu nhìn thiên không mịt khói, “Thật thế sao?” Lý Tứ được thể oán giận: “Đều tại đánh Đột Quyết thất bại đấy, bằng không đã…” nói tới đây thì đột nhiên ngưng bặt, bởi hắn phát hiện vị Chu tam vốn lúc nào cũng tiêu sái bất kham, ung dung tự tại bỗng chốc đã rùng mình run rẩy, sắc mặt cũng trắng ngắt. “Làm sao thế?” Chu Kỳ vội vàng lấy lại tinh thần, đầu khẽ lắc, nhợt nhạt cười. Ngay khi tất cả đang ngồi không chờ đợi thì lại có người tới phát lương, cách đó không xa chừng như có rất nhiều quan lại đang vây quanh một người nào đó. “Chư vị, tuy rằng Triều đình cung dưỡng cho chúng ta là đạo lý mười mươi, nhưng dẫu sao đó cũng không phải kế lâu dài.” – Tào Ti Lương lại lên tiếng. Không một người dám ho he, ai cũng đang nghĩ liệu có phải vị Thứ sử này muốn đuổi tất cả đi không? “Thứ sử đại nhân có lệnh, từ ngày mai, tất cả trai tráng đều được điều động đi tu sửa thành lũy, gia cố đê đập, dùng sức lao động để đổi lấy khẩu lương. Về phần phụ nữ và trẻ nhỏ sẽ được giữ lại phục vụ giặt giũ nấu nướng, lương thực và vải vóc cũng là Thứ sử đại nhân cho mọi người vay mượn.” Có người ngập ngừng hỏi: “Vậy, tới khi nào thì chúng tôi bị đuổi?” Tào Ti Lương hiền lành cười, “Mọi người an tâm. Cho tới khi tình hình tai ương qua đi, Triều đình sẽ dàn xếp cho tất cả.” Giữa một miền reo vang, Chu Kỳ cũng cười đến hoan hỉ. Vị Thứ sử này xem như là một người tài năng, vừa cứu tế nạn dân lại có năng lực thu hút lao động, nhất cử lưỡng tiện. Ánh mắt y phiêu tới nơi mấy viên quan đang tập trung đứng, Gia Châu là một Châu lớn, Thứ sử Gia Châu cũng là quan Tứ phẩm, vậy hẳn phải là đỏ(ý chỉ màu áo quan)… giữa đám đông, y tìm thấy một dáng người sắc đỏ, rồi ngây người, sau đó thì bật cười ha hả. Tư văn mảnh khảnh, ngăn nắp gọn gàng, không phải Cố Bỉnh thì là ai? Cố Bỉnh và bao con người khác, tu đê xây thành, phá núi khai sông… Y đứng giữa bóng khuất, im lặng nhìn Cố Bỉnh điều hành chỉnh chu đâu ra đó, nhìn thiếu niên đồng khoa e lệ năm nào cuối cùng cũng trưởng thành thành một đại trượng phu có thể chỉ huy dân chúng một phương. * Trên đường quay trở về Mông sơn, y đã chẳng ngừng nổi dòng suy nghĩ, nếu y chưa từng tới Bắc cương, liệu có giống như Cố Bỉnh? Liệu có thoát thân ra khỏi những phản bội ngoa trá, khỏi những âm mưu biến ảo đa đoan, vững vàng khuôn phép đương quan đối nhân xử thế, kiến công lập nghiệp hay không? Có lẽ có, cũng có lẽ không… Có khi tốt hơn cả vẫn là cả đời sống trong nhung lụa, làm một người nhàn nhã giàu sang, du hí hoa gian rồi cuối cùng là cưới vợ sinh tử, bình bình sống cho tới khi già cỗi, con cháu mãn đường rồi yên lặng ra đi. Cả đời y sẽ mãi là Chu Kỳ Giang Nam, mà căn bản không gặp gỡ Hiên Viên Phù… Khoanh tay đứng giữa đình Khứ Ba, Chu Kỳ chậm rãi nhắm mắt, tập trung tâm tưởng lắng nghe. Bao chua xót bi thương phiền muộn thê lương đều từ từ tiêu biến, cả bóng hình vẫn lẩn khuất giữa những cơn mộng ác mộng lành cũng dần nhạt phai. Để khi hàng mi mở ra lần nữa, sóng cả bất kinh. __________ 1. Sông Ngọc Khê: Hay còn được gọi là sông Lô Sơn, diện tích lưu vực là 1397km2, dài 113km. Lưu vực sông dẫn nước tưới tiêu cho huyện Lô Sơn, núi Cùng Lai, Bồ Giang và Danh Sơn, tỉnh Tứ Xuyên. 2. Thượng thư Tả bộc xạ, Thượng thư hữu bộc xạ và Thượng thư lệnh là ‘Tam công’, người được đại chính nghị quyết, chỉ huy chính vụ, có quyền chỉ huy bách quan chấp hành. 3. Kiếm Nam đạo: là một trong 10 đạo trên đất nước Trung Hoa được Hoàng đế đời Đường phân chia dựa theo địa hình sông núi. 10 đạo này là: Quan Nội, Hà Nam, Hà Đông, Hà Bắc, Sơn Nam, Lũng Tây, Hoài Nam, Giang Nam, Kiếm Nam và Lĩnh Nam. Đăng bởi: admin
|