Ở khu vực làng đại học giáp giới Thủ Đức và Dĩ An, Bình Dương có hàng chục cái hồ lơn nhỏ, nhưng tựu trung chỉ có hai tên gọi: một là Hồ Đất, hai là Hồ Đá. Cái nào sâu và có nhiều vách đá là Hồ Đá, thường chúng là phần sót lại của những mỏ đá thời trước 1975. Cái nông hơn, do vùng đất trũng tạo thành, thường gọi là Hồ Đất. Và tất cả đều là Hồ Tử Thần, vì năm nào cũng có người chết đuối. Mặc cho rào dậu và bảng cấm, nhiều người vẫn cứ nhảy xuống bơi và chết. Một số người già ở đây nói rằng những cái hồ có một sức hút ma mị. Chúng làm cho cái chết trở nên quyến rũ. Ấy là vì không ít cái chết ở đây là tự sát.
Thế nên khi tháng trước có người phát hiện một tử thi ở Hồ Đá gần trường quân sự, cũng chẳng mấy ai ngạc nhiên khi kết luận nhanh chóng được đưa ra: giáo viên thể thao, đồng tính, tự tử vì tình. Hồ sơ nhanh chóng khép lại. Gia đình nạn nhân, mà thật ra chỉ có mỗi bà Thu, là mẹ, tới nhận xác về chôn.
Nhưng bà Thu, với linh cảm của một người mẹ, không tin con mình tự tử. Tuy không khá giả gì nhưng Trung, con bà, chết đi còn để lại một số tiền ở ngân hàng, nhờ vậy bà mới có thể thuê một thám tử tư. Tay này tên Vương, tự quảng bá tên tuổi mình trên mạng qua một vài vụ án ly kỳ.
Bà Thu hẹn Vương ở một quán cà phê võng bình dân ven một Hồ Đất. Sau một vài xã giao và giao kèo, Vương đi thẳng vào vấn đề. Anh nói, "Thật ra thì bà muốn gì, muốn đòi lại công lý cho con mình, hay muốn vong linh cậu Trung được siêu. Nếu trong trường hợp sau, tôi có quen một thầy rất giỏi, và bà không cần phải tốn kém như vậy, cũng như tôi sẽ không phải vất vả."
Bà Thu ngạc nhiên, "Nói vậy có nghĩa là, anh đã biết một vài điều...?"
"Vâng, bà có linh cảm của một người mẹ, còn tôi có linh cảm của một thám tử. Cậu Trung bị hại, và bà có thể cảm nhận được. Vì giữa bà và con mình, dường như có chung một sinh mệnh".
Bà Thu sửng sốt. Nhưng bà đồng thời cũng mừng vì tìm được người giỏi, hay chí ít anh ta dám có những suy nghĩ táo bạo.
Hôm sau bà Thu mời Vương ghé nhà. Ngôi nhà nhỏ rợp bóng cây cách khu vực hồ nước không xa mấy. Và cũng cách đó không xa, Nghĩa Dũng Đài chơ vơ trồi lên trên cái nền xanh thẫm là nghĩa trang chế độ cũ Bình An, trong nắng chiều càng thêm bạc màu thời gian. Lúc ăn cơm ánh mắt Vương chạm ngay cái nhìn từ bàn thờ, một quân nhân trắng trẻo tuổi chỉ chừng đôi mươi, niềm kiêu hãnh không thể dấu đi sau bộ quân phục sĩ quan. Vương muốn hỏi có phải anh ấy vẫn còn nằm bên kia đồi hay không, nhưng chợt nhớ mình là thám tử chuyên nghiệp, cái gì không phục vụ cho mục đích điều tra thì đừng hỏi. Qua một vài quan sát đầu tiên, bà Thu là người chăm chút diện mạo của mình, mặc cho tuổi tác và cảnh đơn chiếc trong bao nhiêu năm. Chân mày kẻ sắc và mảnh. Giọng nói luôn điềm đạm, cách nhả chữ có tiết chế. Vương liên tưởng đến những người con gái quyền quý của Sài Gòn xưa.
Vì muốn giữ phong thái chuyên nghiệp nên Vương lại đi thẳng vào vấn đề. Anh hỏi, "Thưa bà, ngoài linh cảm của người mẹ, có gì khác làm cho bà nghĩ Trung bị hại hay không?”
"Có”, bà Thu trả lời ngay, như thể đã chuẩn bị trước. "Lúc đi nó mang ba lô. Khi tìm thấy xác thì ba lô không thấy đâu cả. Nó thường mang trong ba lô một máy tính bảng, điện thoại, ví da, đèn pin và cả một con dao phòng thân”.