»  
»  
11:43, 05/04/2015

✿ Người Đăng: hoacaivang2640

964 Lượt Xem 12 Bình Chọn Truyện Cùng Người Đăng


✿ Nội dung truyện Thuở Xưa Học Trò Phần 4

 
  LAO ĐỘNG Ở ĐỒNG DAO

 

Chẩn bị cho chuyến đi

 

  Ngoài việc học văn hóa, chúng tôi vẫn phải có điểm lao động để đủ tiêu chuẩn ghi học bạ cuối năm thì mới được thi tốt nghiệp, vì vậy , sau khi đi Chùa Hương về được ít ngày thì chúng tôi được nhà trường thông báo : khối 10 sẽ đi lao động ở Đồng Dao 1 Tuần . Thật không thể nào tả hết được nỗi vui xướng của lũ học trò chúng tôi. Chúng tôi la hét, reo hò làm thầy Hùng mãi không ổn định được trật tự, thầy nói :

  -Thế là khỏi phải đòi đi cắm trại 2 ngày nhé!

Có rất nhiều vấn đề phải chuẩn bị cho chuyến đi: Mỗi người nộp 5 đồng và 

  Lớp nhận được tin họp cán sự nữ , nhưng không thấy Vân Anh đâu . Hay là Vân Anh đi họp Bí thư chi đoàn? Bọn nó bảo Cường gái đi họp (chúng nó trêu Cường) . Khi Vân Anh đi họp về thì phổ biến cho các bạn gái mỗi người phải tự chăm lo sức khỏe của bản thân trong những ngày đi xa.

  Các tổ họp bàn, phân công nhau những công việc cụ thể, những đồ dùng cần thiết phải mang để phục vụ việc ăn cơm theo nhóm.Thầy nói :

  -Các em nên chia tổ sao cho có cả nam và nữ để khi ăn cơm không bị thiếu hay thừa

Loan dặn mình:

  -Dung đừng vào tổ nào vội nhé, để Dung và Loan vào chung một nhóm

Ấy thế mà một lúc sau Loan lại hỏi:

  -Dung đã ghi tên vào nhóm nào chưa? Loan đã ghi vào nhóm các bạn nữ rồi đấy!

  - Thế Loan có ghi cho Dung không?

  -Không, vì tổ đó đủ người rồi !

(Lại y như cái lần đi xem phim "Chiến tranh và hòa bình ” )

Mình rất giận Loan nên Loan hỏi gì mình cũng không trả lời  , vì các nhóm đã xắp xếp đâu vào đấy hết cả rồi . Các bạn không làm theo lời thầy khuyên là nên có cả nam lẫn nữ trong nhóm, mà các bạn chọn nam riêng, nữ riêng. Tự nhiên một mình mình chung nhóm với 4 bạn trai, bực  Loan quá. Cũng may, 4 thằng nó cũng nhận ra sự khó chịu của mình và cố gắng giúp mình quên đi sự khó chịu đó.

  Mỗi lớp phải mang một chiếc xe đạp theo yêu cầu của nhà trường để dùng khi cần thiết. Thảo phản động nhận nhiệm vụ này .

Liệu Loan có nhận thấy là mình giận không, Loan hỏi :

  -Dung ơi ! Cho Tớ mượn cái áo mút màu vàng

Mình làm gì có áo mầu vàng đâu, mầu hồng đấy chứ . Sau này mình mới nhận thấy hình như Loan mắc bệnh mù mầu, vì chẳng bao giờ thấy Loan nói đúng mầu sắc nào cả

 

Đừng coi thường tôi nhé

 

  Rồi ngày lên đường cũng đã đến. Mình ra ga từ rất sớm. Đèn đường soi bóng qua những lùm cây, in bóng lá xuống mặt đường . Một mình tôi nhanh chân rảo bước qua những con phố dài. Lúc lên tầu, tự nhiên nghĩ đến sự khó chịu Loan gây ra cho mình lại thấy buồn. Chúng nó bắt đầu lấy đồ ăn sáng ra bầy lên bàn. Ngồi bên cửa sổ toa tầu mà thưởng thức đồ ăn thì thật là thú vị, trông rất vui mắt . Mình thấy không muốn ăn tí nào. Mình đứng mãi ở đầu toa. Phía cuối toa, lũ con trai ăn xong đã bắt đầu hò hát đàn sáo tưng bừng . Chán chê, chúng nó lại chơi tú lơ khơ. Bọn con trai lớp B thì đứng tựa tay vào cửa sổ toa tầu, hát xuyên tạc bài hát của bộ đội:

Ta là con của bố ta, mẹ ta

Nhớ nhà là ta chốn ta về …

Tuy là bài hát xuyên tạc, nhưng giọng nam trầm hòa trong tiếng tầu chạy nghe rất hay, như thấy đoàn bộ đội hành quân vậy.

 

 Đi xa bằng tầu hỏa thế này chẳng tội gì mà không ngắm phong cảnh . Mình thích ngắm nhìn những cánh đồng lúa , những hàng cây , những rặng núi xa mờ lần lượt trôi qua vun vút . đây cũng là lần đầu tiên mình được đi tầu hỏa .

  Đến 2 giờ chiều tầu mới tới ga Gềnh. Chúng tôi xuống tầu và bắt đầu cuộc hành trình đi bộ . Đường vắng , trời mùa đông nhưng nắng chang chang không một bóng cây . Cái nắng gay gắt của mùa đông đó tuy không làm cho người ta đổ mồ hôi, nhưng lại làm cho má ai cũng ửng đỏ, và vì vậy môi ai cũng đỏ theo. Mọi người lưng đeo ba lô trông ra dáng bộ đội hành quân lắm. Nhưng chỉ được một lúc thôi là cả lũ chúng nó mệt phờ phạc ra rồi, không như mình , chả thấy mệt gì cả . Quả là những năm tháng luyện tập môn thể dục dụng cụ đã giúp cho mình có được sức khỏe tốt và sự chịu đựng dẻo dai. Đi bộ thế này đã ăn thua gì. Sau mỗi buổi tập bao giờ cũng phải tập thể lực. Có những buổi chạy  mấy vòng quanh sân bóng , đau quặn bắp chân , sau đó lại phải vào đè dẻo, rồi gập lưng, gập bụng, bật nhẩy …Sau này đến gần kì thi tốt nghiệp phổ thông mình phải dừng lại, không tập thể thao nữa để dành thời gian cho việc ôn tập văn hóa .

  -Dung ơi ! Để ba lô lên đây !  Trong khi mình dảo chân bước, ngoái đầu nhìn lại thấy bọn chúng uể oải rã rời Lũ con trai bắt đầu chất hết ba lô lên chiếc xe đạp "con vịt ” của thằng Thảo, rồi cả lũ áp tải xe, chiếc xe nghiêng ngả, siêu vẹo, lúc nào cũng chực đổ. Chúng vừa áp tải xe vừa cười đùa, cãi nhau chí chóe . Vậy mà chúng còn gọi với theo mình để mời:

  -Dung ơi! Để baloo lên đây!

Thôi ạ! Chả dại. Đi cạnh chúng nó để lại bị trêu à. Vả lại xe của chúng nó đã chất đầy ba lô rồi còn gì . Để vào đâu được nữa

  Chốc chốc quay lại, thấy mình đã bỏ chúng nó quá xa , nhưng tôi vẫn nghe thấy bọn nó thì thầm ( vì đường vắng nên nghe rất rõ ) :

  - Dung " máu ” nhỉ ! nó quen đi bộ rồi nên không bị mệt

 Nhìn thấy bên đường có một bụi cây Trinh nữ, mình ngồi xuống để trêu cây. Mình rất  thích chơi trò ú tim với loài hoa Trinh nữ này, thích hơn là chơi cỏ gà. Sau khi làm cho cây hoa khép hết mi mắt lại rồi, mình đứng lên đi tiếp thì đồng thời mình nghe thấy tiếng gọi của lũ con trai :

  -Thế nào, Dung ơi! Mệt rồi à?

Nhưng bỗng bọn chúng ngạc nhiên, sững sờ vì thấy mình nhẹ nhàng đứng lên đi tiếp. Cả lũ thốt lên : " Ối trời ơi! ” . Thì ra chúng tưởng mình mệt, ngồi nghỉ

  Cuộc hành trình đi bộ rồi cũng kết thúc.  Vào đến Nông trường bộ, chúng tôi ngồi nghỉ và nghe phổ biến: Nhà trường phân công các lớp về các đội sản xuất. Lớp tôi và lớp 10C về chung một địa điểm. Các đội sản xuất ở rất xa nhau, vì nông trường rất rộng, nên trong suốt thời gian ở đây , chúng tôi chỉ có hai lớp với nhau . Còn các lớp khác ở đâu, chúng tôi cũng chẳng biết. Xe của nông trường Đồng Dao ra đón chúng tôi về nơi tập kết. Đó là một chiếc xe tải. Ngồi trên xe tải sóc nhẩy chồm chồm, bụi đất đỏ bay mù mịt. Xe lao nhanh qua những con đường quanh co. Những lùm cây bên đường cũng phủ đầy bụi đất đỏ .

 

Lầm

 

  Cuối cùng chúng tôi cũng đến được nơi phải đến , đó là một xóm núi .Vừa qua cuộc hành quân vất vả , nên chúng tôi chưa cảm nhận được cái lạnh của hơi sương giá buốt nơi vùng núi . Xuống xe, chúng tôi lại hối hả vào công việc tập trung gạo và mỳ. Trong ánh chiều chạng vạng, người chạy qua chạy lại như đàn kiến tha mồi, thậm chí còn thấy người nóng rực. Một người đàn ông rất trẻ, mặc chiếc áo đại cán, cầm 2 bao tải, mở miệng túi để học sinh chúng tôi đổ gạo và mỳ vào hai bao đó. Mai Anh ở đâu hớt hải chạy lại hỏi tôi:

  -Nộp gạo cho ai cậu ơi ?

  -Nộp cho cái anh mặc áo đại cán kia kìa!.

Hải bỗng đập vào vai tôi:

  -Anh là thế nào!Thầy giáo của trường mình đấy !

  -Ồ ! thế sao mình không biết nhỉ (?) Mình chả bao giờ nhìn thấy thầy ý cả.

    Mình cứ tưởng là người của nông trường

  Hải phá lên cười làm các bạn cũng cười theo.

  Mới xẩm tối mà trăng sao đã đầy trời. Xong việc, chúng tôi bắt đầu ăn tối. Ăn ngay ngoài trời dưới ánh trăng sao. Trải vài tấm ni - lon xuống đất .Vẫn là những đồ ăn mang theo từ nhà. Lũ con gái chúng tôi còn có cả 2 chiếc đèn pin nữa, chả biết là của ai mang đi . Bữa này chúng tôi chưa ăn theo nhóm đã phân từ ở nhà, mà ăn nam riêng, nữ riêng.

  Ăn xong , chúng tôi mò mẫm trong bóng tối, tìm đường đi đánh răng , rửa mặt.

Bọn con trai lớp tôi được ở chung với thầy và các bạn trai lớp C ngay tại lán, còn lũ con gái chúng tôi vào ở nhờ nhà dân. Ngôi nhà chúng tôi ở là một gian nhà tranh bé nhỏ , nghèo nàn, có hai chiếc giường hai bên , ở giữa là bàn thờ. Ông cụ chủ nhà tuổi đã cao. Dưới ánh đèn dầu leo lét, cụ mời chúng tôi uống một thứ nước lá giống như chè tươi  nhưng  có vị là lạ , khó uống . Ông cho biết nước ở đây phải cho thứ lá đó vào để cho lành thì mới uống được. Sau này đi nhiều nơi khác, tôi mới được biết thêm lá đó là lá vằng. Người dân vùng núi họ hay dùng đun nước uống.

  Ở cùng với ông còn có hai bé gái nhỏ tuổi. Suốt đêm tôi không ngủ được  vì thương cảnh ông cụ. Bé em lạ bị đau bụng đi ngoài suốt đêm nên ông càng vất vả. Chiếc giường chỉ đủ chỗ cho 4 bạn, còn chúng tôi trải chăn chiếu nằm co quắp nhau dưới đất . Hơi sương vùng núi làm chúng tôi tê buốt . Hải ôm và quắp tôi rất chặt và nó ngủ ngon suốt đêm. Sáng hôm sau nhìn bé em nằm mệt lả trong tay cụ,  tôi hỏi :

  -Cháu nội hay cháu ngoại của cụ đấy ạ?

Cụ đưa tay vuốt mái tóc bé em, âu yếm thơm lên vâng trán thơ ngây của bé:

  -Con tôi đấy!

Tôi không dám hỏi thêm xem mẹ cháu đâu , nhưng rồi tôi cũng được biết mẹ cháu mới mất. Viết đến đây, tôi vẫn không sao cầm được nước mắt .

Hang nước

  Sáng hôm sau đi đánh răng, rửa mặt, chúng tôi gặp thầy Hùng và các bạn trai. Thấy chúng tôi ở chật, thầy Hùng lại thu xếp cho chúng tôi ra ở ngoài lán.

Nơi chúng tôi ở có tên là Hang nước, vì ở vùng núi này có một cái hang thiên nhiên dưới đáy có nước trong vắt. Người dân nơi đây lấy nước trong hang này làm nước sinh hoạt. Muốn lấy nước dưới hang đó đối với chúng tôi cũng không phải là dễ: phải lần mò xuống gần đáy hang theo triền dốc trơn tuột, dùng gầu múc nước rồi lại dò dẫm đi lên

Sáng sớm , ra tập trung , xếp hàng , chúng tôi nghe một người cán bộ phổ biến công việc . Bác dặn dò chúng tôi:

  -Ở đây không thể đầy đủ như ở nhà các cháu, nhưng các cháu đừng kêu ca gì nhé . Các cô chú công nhân ở đây đã ba tháng rồi chưa được lĩnh lương đấy.

Nghe phổ biến xong, chúng tôi bắt đầu đi làm việc . . Nơi đây là một nông trường lớn , mùa này họ trồng dứa , trồng lạc và hình như có cả cà phê . Công việc của chúng tôi là cắt cỏ dưới thung lũng, Mỗi đứa một liềm , nghêu ngao , vừa đi vừa hát . Công việc cũng nhẹ nhàng. Giải lao thì uống nước do Vinh và Cu Tý ghánh ra . Có lúc nước uống lại do Vinh và Vân Anh đảm nhiệm. Dạo này thấyVinh và Vân Anh thân nhau lắm. Trưa về ăn cơm với củ cải kho chạy qua hàng thịt, tối thì ăn cơm với thịt kho củ cải .

  Mình và Vân Anh đang bê bát canh, nghe thằng Thảo nó xuyên tạc bài hát, phì cười, sóng cả canh ra quần áo .

 

Khám phá

 

  Ở cái tuổi "Bẻ gẫy sừng trâu ” đó, chúng tôi chẳng bao giờ biết mệt: lúc nghỉ giải lao, chúng tôi nào có chịu ngồi yên  mà lại chơi đồ, chạy đuổi nhau dưới thung lũng . Tôi bị một gốc cây sắn khô chọc vào chân làm xước và tóe máu, đau vô cùng , nhưng vẫn mải chơi nên tạm quên đi . Có những buổi nghỉ trưa, chúng tôi  không ngủ mà rủ nhau đi leo núi để cùng nhau khám phá . Lúc ấy lũ chúng tôi có 7 đứa: Thảo, Hùng, Cường gái, Tuấn già, Hòa cận, Mai Anh và Dung . Thảo và Hùng mỗi đứa cầm theo một cái liềm, chúng vừa đi vừa phạt những bụi cây bên đường cho đường đi quang quẻ, dễ đi hơn . Đường đi lên núi phủ đầy lá khô thành một tấm thảm dầy . Hai bên lối đi mọc đầy những cây trúc nhỏ, chỉ cao bằng đầu người. Leo tít lên đỉnh núi thì thấy trước mặt bị chắn ngang bởi một tảng đá to và cao, lại treo leo, hiểm trở vô cùng, Chúng tôi đành đứng tựa lưng vào vách núi và ăn kẹo do Cường chia cho, ngửa cổ nhìn tảng đá mà đành bất lực, không dám leo tiếp, chỉ có Hùng và Thảo là dám leo tiếp lên tảng đá treo leo đó mà thôi.

Giá như lúc này mà đọc câu thần chú: "Kẹo ơi! mở ra! ” . Rồi thì tảng đá to trước mặt bỗng tách ra làm hai, mở ra một cửa hang. Đang đứng trên đỉnh núi, tự nhiên thấy mình bị rơi xuống hang, Hùng và Thảo ngơ ngác hỏi:

  -Chuyện gì thế nhỉ?

  -Suỵt! kho tàng!

Và chúng tôi lần mò vào với kho tàng mà mang ngọc ngà châu báu về chia cho mọi người. Nếu được như vậy thì người đầu tiên tôi nghĩ đến phải là ông cụ chủ nhà đã cho chúng tôi ở nhờ. Sau đó là đến các cô chú công nhân, vì ba tháng rồi mà họ chưa được lĩnh lương 

Nhưng nếu bỗng nhiên bốn mươi tên đồng đảng của A- Bô – Kha – San bất ngờ xuất hiện thì sao? Bẩy người chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ công lý . Thảo và Hùng lấy liềm làm vũ khí. Cái liềm cắt cỏ đó mà ngoắc vào cổ bọn cướp thì tuyệt, chỉ cần giật nhẹ một cái là đầu lìa khỏi cổ , lợi hại hơn cả kiếm Phù Tang . Bốn chúng tôi sẽ lấy những viên kim cương to nhất để ném vào đầu bọn cướp. Còn Mai Anh, chắc sẽ thông minh hơn: Đứng ra giữa hang , Mai Anh bắt đầu hát và khiêu vũ, hát rằng :

"Xin các anh hãy dừng tay bạo ngược, chúng ta có thể chung sống hòa bình. Nhưng thân em chỉ có một mình, không thể chung tình với cả bốn mươi anh !”

  Bọn cướp sững sờ, chúng bắt đầu uống rượu và nghe hát, rồi dần lăn ra ngủ. Chúng tôi liền xông ra, lấy những sợi dây chuyền bằng vàng to như cái xích để trói chặt những tên cướp. Nên kết thúc số phận chúng thế nào đây nhỉ (?) Để mặc chúng trong hang, mang cuả cải về, hay nhờ đến thú rừng giúp đỡ (?) Kẹo ơi! hãy khép lại!

 

   Ngọc ngà, châu báu đâu chẳng thấy,nhưng đứng trên đỉnh núi nhìn xuống mới thấy thung lũng đẹp vô cùng, trông tựa như một cái chảo lớn được phủ một tấm thảm nhung xanh mượt. Lúc đi xuống chúng tôi đã phát hiện ở triền núi có một loại cây gì lạ lắm, cành thì mềm mại mà quả của nó to bằng quả cà tím , nhưng màu thì đỏ chót ,và vỏ cũng nhẵn bóng như quả cà . Thích quá, nhưng chúng tôi có lấy được đâu. Đành đi xuống núi, nằm dưới thung lũng dưới thảm lá khô để chờ Hùng và Thảo hái xuống. Thật thú vị vì thảm lá khô dầy thật êm, mùi lá khô thơm thơm nồng, quện với mùi đất ẩm. Nhìn lên bầu trời cao trong vắt, nghe tiếng lá rừng reo vi vu rất êm tai nên chẳng thấy mệt mỏi là gì. Không chỉ quả đỏ ấy đâu, còn có cây gì đó giống cây dừa, quả cũng giống quả dừa nhưng lại bé như quả cau và mọc thành buồng . Nằm dưới thung lũng, chúng tôi nhìn lên cao thấy Hùng và Thảo leo trèo như hai con khỉ, lấp ló trong lùm cây bên sườn núi. Chẳng biết thằng Hùng nó chui vào bụi làm gì mà thấy lá cây lay động, chắc là để "giấu của” chứ không phải tìm kiếm kho tàng , vì nghe tiếng thằng Thảo nó giục:

  -Nhanh lên mày ơi!

Tiếng nói vọng xuông nghe rõ thật. Không biết trên đó chúng nó có nghe thấy tiếng của bọn mình không nhỉ (?)

 Hái được quả rồi, Hùng và Thảo chia cho chúng tôi mỗi đứa vài quả, đem về lán khoe các bạn. Thằng Hùng nó bảo:

  -Dung dễ tính nhỉ, thế nào cũng được

Thực ra thì tôi cũng thích quả đẹp, nhưng tôi nghĩ mình không có công hái quả  nên không dám đòi hỏi.

 Đ ! Những viên ngọc ngà, kim cương của chúng tôi tìm kiếm được to như thế đó

  Thấy chúng tôi hái được quả đẹp, bọn nó nhao nhao hỏi, thế là hôm sau lại một cuộc hành trình nữa, và lại một ngọn núi khác nữa được chúng tôi khám phá .

Dạo này thấy thằng Thái mèo rất hay ở nhà, ngổi cầm sổ bút trầm ngâm, chả hiểu nó viết cái gì. Nhưng hôm nay nó cũng đi leo núi với bọn tôi.

 Lần này tôi nhặt được bên đường một quả gì đó mầu xanh, bé bằng quả bóng bàn, nhưng lại tuột tay làm rơi, nó cứ lăn mãi xuống triền núi. Tôi nhờ Dũng trộm nhặt hộ để về chơi chuyền. Thằng Dũng trộm dễ bắt nạt lắm, nhờ gì nó cũng làm.  Thằng Thái nó bảo:

  -Thi đến nơi rồi còn chuyền với chả chắt!

 Kệ chứ! Quả xanh này tôi cũng đem được về Hà Nội, Ngồi chơi chuyền một mình vì rủ chị Tuyết chị ấy không chơi. Đã thế khi tôi đọc "Chuyền bà – ba đôi; Chuyền từ - tư đôi”, thì chị lại nhại : "Chuyền bà – ba đôi; chuyền ồng – ông đôi”.

Lần đi này, thay vì gọi : "Kẹo ơi! mỏ ra!” thì chúng tôi lại nghĩ ra trò chơi thi gọi thật to để tiếng gọi đập vào vách núi vọng lại \, Chúng tôi thi nhau bắc loa tay lên miệng , gọi to :

  -Thầy Hùng ơi …ơi …ơi …!

  -Thầy Ngọ ơi …ơi …ơi …!

  -Bẩy Ngọ ơi …ơi …ơi …!

Tiếng vách núi vọng lại nghe đâu như rất gần , như có người đứng ngay bên cạnh đối đáp với mình vậy

Bỗng nghe thấy tiếng súng bắn ở đâu đó. Chắc là đơn vị bộ đội nào gần đó tập bắn, Thằng Cường bổ nó gào lên:

  -Súng bắn Pê Tồ đấy. Pê Tồ ơi …ơi …ơi …! Bị thương ở đâu đấy …đấy … đấy …?

Thằng Cường bổ nó hay thích trêu Pê Tồ

Không biết hai thày và Pê Tồ có nghe thấy không nhỉ?

Tối về chúng tôi ngủ trong lán, trải rơm dưới đất rồi trải chăn làm đệm . Dưới ánh đèn dầu tối o , le lói ,  bọn con trai hò hát đàn sáo tưng bừng, hát thi với lũ con trai lớp C . Chán chê chúng nó lại xuyên tạc bài hát "Pê tồ”. Đã thế, chúng nó lại còn hỏi tôi :

  - Dung ơi! Có cái vung soong hay cái gì tương tự không ?

  -Lấy đâu ra thứ đó!

  -Cái gì cũng được mà

 Tôi nhanh nhẩu đưa cho chúng chiếc chậu nhựa xinh. Thế là với "nhạc cụ” độc đáo đó, chúng lấy thìa gõ làm nhạc đệm. Bỗng tôi bị Mỹ kéo dật cánh tay và trách:

  -Sao Dung lại đưa cho chúng nó cái chậu đó? Dung có biết là chậu gì không?

  Thì mình biết làm sao được. Chúng hỏi thì đưa chứ. Tưởng chúng mượn để rửa mặt , thấy chậu nhỏ tưởng chậu rửa mặt. Mình có dùng chậu đó bao giờ đâu mà biết là chậu gì. Mà ai ngờ được chúng lại gõ chậu bằng thìa như thế

 

Lũ con gái chúng tôi xúm xít quanh thầy Ngọ để nghe thầy kể chuyện ma. Bên ngoài bầu trời tối đen, trên những ngọn cây gió đêm xào xạc, những ngọn núi ban ngày trông sừng sững uy nghi là thế mà bây giờ cũng bị chìm khuất trong bóng đêm mịt mùng , càng làm cho những câu chuyện của thầy Ngọ thêm huyền bí . Lũ con trai cũng muốn xen vào nghe chuyện nhưng không được nên chúng nó tức, lại càng quậy phá , lại hò hét nhiều hơn là đàn hát , lại xuyên tạc bài hát "Pê Tồ”, và tác phẩm này của chúng nó được lưu truyền như một "kiệt tác” . Mục đích của chúng nó chỉ cốt phá bọn mình và thầy Ngọ thôi mà. Bị lạnh, thầy Ngọ hắt hơi liên tục làm chúng nó buồn cười và trêu thầy:

  -Chắc là ở nhà cô đang nhớ thầy đấy!

  - Có mà nhớ ông hàng xóm, nhớ gì ! Cô ấy nhớ tôi có mà trời xa xuống đất - Thầy trả lời

 

Dạo chơi ,  xem đá bóng, ăn vụng và ăn trộm

 

  Chiều chiều, lũ con trai 2 lớp rủ nhau đá bóng. Mình và Vân Anh thong thả dạo chơi, hái những bông hoa dại bên đường, tình cờ đi đến chỗ thi đấu bóng đá đó đúng lúc bọn C đang thua. Thằng Lanh lớp C cay cú, cố tình buông lời nói nhảm để cho mình và Vân Anh phải bỏ đi. Mình không hiểu gì về bóng đá và cũng chưa xem chúng nó đá bao giờ, nhưng thấy nói là thằng Lanh rất sợ Cu Tý lớp mình (Sợ đây là sợ vị trí đá trong đội hình). Lạ nhỉ, một thằng thì cao lênh khênh, còn một thằng thì lùn tịt, sao lại đá cùng vị trí (?)

Trong lúc dạo chơi đó, Vân Anh đã hỏi mình :

  -Dung ơi! Cái Loan đã có người yêu chưa?

Mình hơi lạ lẫm với câu hỏi đó

  Buổi chiều, giờ ăn cơm, mỗi nhóm chọn một khoảng đất trống, trải ni - lon và bầy đồ ăn lên đó. Dư âm của trận bóng vẫn làm cho bọn con trai bàn tán sôi nổi. Thầy Hùng cũng tham gia câu chuyện của bọn chúng, và thầy cười rất hiền .

Thằng Cu Tý hôm nay lại sang nhóm ăn của bọn tôi chuyện trò, nó bảo:

  -Có cái áo của Dung mặc để đá bóng thì tuyệt vời. Dung cho mình mượn nhé.

 Thằng dở hơi! Mình mặc còn bị ngắn nữa là nó. Mặc để làm trò hề à ?

Tối đó, đang đi dạo với Vân Anh, bỗng tôi bị Hải dật cánh tay, kéo riêng ra một góc, Hải trách :

  -Sao Dung lại tách ra đi chơi riêng với Vân Anh thế? Chúng nó đang trách kia kìa!

  Tôi bỗng thấy tủi thân và thầm trách các bạn gái. Ai lại từng ấy con người mà nỡ để tôi ngồi ăn cơm một mình với bốn bạn trai mà chẳng ai hé lời nào mời tôi sang tổ bạn gái. Dù các bạn trai có quan tâm tôi đến mấy thì tôi vẫn cảm thấy mình bị cô lập. Không biết có phải Vân Anh thương tôi không. Dạo này tôi thấy Vân Anh có vẻ quan tâm đến mình. Tôi chẳng ngại rửa bát hộ các bạn trai đâu, nhưng ngồi ăn với lũ chúng nó thì tán gẫu đâu có hợp. Bọn con trai nhóm tôi phân công mỗi hôm sẽ cử một người có nhiệm vụ đi rửa bát cùng tôi, nhưng tôi cũng chẳng cần, bọn nó mải chơi lắm. Trong khi đó bên con gái tị nạnh nhau chuyện rửa bát, thật chẳng ra làm sao.

Đêm đến, trước khi đi ngủ, thầy Hùng bao giờ cũng nhờ:

  -Anh Tý! Đóng hộ thầy cái cửa với!

Thế là Cu Tý với chiều cao nhất lớp lại làm nhiệm vụ đóng cánh liếp che cho cả hai lớp ngủ.

Buổi chiều đá bóng, không biết các ông tướng có chịu rửa chân không, hay ngại rét mà đêm về, khi cả lớp đang dần im lặng để đợi giấc ngủ thì thằng Thảo bỗng hỏi nhỏ ai đó:

  - Này! Mọi người có để ý cái mùi chân đi giầy bí bí không ?

Cái thằng này! Cứ phải cho Thảo thưởng thức mùi chuối chín của Loan ở Chùa Hương để nó làm phép so sánh luôn thể. Còn chân tôi thì chắc chắn không có mùi chuối chín như chân Thảo, vì tôi không đá bóng, nhưng vết thương do gốc cây sắn khô chọc vào hôm trước làm tôi đau buốt vô cùng.

Sáng nào cũng vậy, khi chúng tôi còn chưa thức dậy thì đã nghe các cô công nhân nông trường hô tập thể dục 1,2 3,4 ! Nhìn ra ngoài trời thấy vẫn tối đen, có lẽ là do xương mù, và trời lạnh lắm .

Thức dậy, chúng tôi không tập thể dục như công nhân, mà sau khi đánh răng  rửa mặt xong , chúng tôi được ăn sáng món sắn chấm si rô rồi đi làm . Sắn chấm si rô , món ẩm thực có một không hai ; Chả trách bọn con trai nó làm thơ còn có cả "Nước dưa đóng hộp” chấm với khoai sắn , mà mua tận trên Điện Biên cơ đấy .

Những bữa cơm chiều thật là vui: chuyện trò , trêu tròng nhau ríu rít. Cơm đạm bạc muôn thuở củ cải kho thịt. Một đĩa thức ăn cho 5 người mà chỉ có duy nhất một miếng thịt. Học sinh ngây thơ quá, sao ngày đó lại sợ thầy cô những chuyện chẳng có gì đáng sợ, nghĩa là cơm ăn còn thừa, sợ thầy mắng, thế là vụng trộm đào đất đổ xuống, rồi lấp đi. Nghĩ lại bây giờ thấy ân hận lắm. Vậy mà thằng Thảo lại còn nhe nhởn, nó nói với Tuấn già đang đứng cạnh khu vực tổ tôi, đồng thời nó cũng liếc mắt thấy thầy Hùng cũng đứng gần đó:

  -Tổ tao có tinh thần quốc tế vô sản: Một miếng thịt nhai nát bét ra chia làm 5, có khi còn chia làm 6, vì có cả Tuấn già đứng đấy. Có lúc lại phải chia làm 7 vì có cả "Ục” đứng đấy.

( "Ục” là biệt hiệu thằng phản động đặt cho thầy Hùng, vì thầy có tiếng "Ực…Ực…” trong cổ do bệnh phổi) -  Thằng mất dậy.

  -Cơm ăn còn thừa đổ xuống đất làm nền tảng cho CNXH. – Thằng Thảo vẫn tiếp tục những lời nói luyên thuyên…

  Thằng Hùng nó còn đùa quái ác hơn: Một lần Pê Tồ cho ớt vào bát nước mắm làm cay cả cái thìa của tôi trong đó. Mọi người bắt Pê Tồ đi tìm thìa khác cho tôi, nhưng không tìm được, thế là thằng Hùng làm cho thìa hết cay bằng cách đưa hết vị cay vào miệng nó, không những thế nó còn hôn cái hìa vài ba lần rồi mới đưa cho tôi làm các bạn phì cười. Tôi ngồi lặng thinh nhìn nó, chẳng nói năng gì, để xem nó còn làm trò hề gì nữa. Tần ngần… , nhưng vẫn phải dùng cái thìa đó chứ biết làm sao …

  Những lần sau đó, chúng tôi không đổ cơm đi nữa. Theo sự mách nước của Hồng Hương, chúng tôi đem vào biếu ông cụ chủ nhà mà mấy hôm trước chúng tôi ở nhờ . Có lần cụ lại cho chúng tôi mía.

  Một buổi chiều bỗng thấy một số khá đông các bạn lớp khác sang chơi. Chả biết là các bạn lớp nào, nhưng tôi nhìn thấy Yến thì đoán là các bạn lớp N . Không biết khu lán trại của các bạn ấy ở đâu nhỉ , mà chúng nó lại biết đường mò sang đây chơi . Anh chàng Cu Tý nhìn thấy Yến lớp N là cứ đi theo hoài như một cái bóng . Bọn nó bảo Cu Tý thích Yến lắm. Mà chả cần phải ai bảo. Cứ nhìn cậu ta đi theo Yến như một cái máy cũng biết.

 

  Cái tuần chúng tôi ở Đồng Dao đó có ngày 20-11. Chúng tôi mừng ngày hội của các thầy cô bằng một buổi liên hoan cháo gà. Cả lớp góp tiền chung lại. Chả biết ai đi mua gà? Mà mua ở đâu nhỉ? Này các bạn ơi, lúc đó cái Mai cong và cái Mỹ nó rủ nhau ăn vụng thịt gà đấy.

  Có những buổi tối rủ nhau đi chơi, vài đứa chúng tôi chả biết đi đâu, chỉ xuống bếp để biết như thế nào là bếp tập thể. Gian nhà bếp cũng được làm bằng tranh tre nứa lá, nên gió lạnh vẫn lùa vào.Vẫn nghe nói: bếp tập thể người ta nấu cơm bằng chả , cơm ăn ngon lắ , và cháy cũng thơm , nhưng được thấy tận mắt vẫn thích hơn . Chảo gang to lắm, và bếp than cũng đã ủ rồi. Nhân viên nhà bếp thì chẳng còn ai ở đó. Đứng cạnh bếp than ấm thích quá. Còn bọn con trai , có trời mà biết được chúng đi đâu .

  Một buổi tối, chúng tôi bỗng đột ngột nhận được lệnh tất cả 2 lớp phải ra xếp hàng ngoài sân; Chuyện gì thế  nhỉ? Rồi một người phụ nữ của nông trường đi vào và phản ánh với các thầy rằng bà bị mất trộm mía. Bà muốn tìm xem ai trong số học sinh chúng tôi lấy trộm mía của bà ta.Tôi hơi chột dạ, lo cho thằng Hùng  vì lúc nãy nó hỏi tôi :

  -Dung có lấy mía không? Hùng cho!

Rồi nó chui vào bụi tối om, lấy ra một tấm mía và đưa cho tôi .

Hai lớp ngồi ngoài sân theo đội hình hàng dọc chờ đợi, ngơ ngác nhìn nhau, lớp nọ nhìn lớp kia bằng ánh mắt nghi ngờ. Tôi bỗng bắt gặp ánh mắt nghi ngờ, khinh khỉnh của Minh lớp C, ánh mắt thật khó chịu .

Không khí đang căng thẳng như vậy thì Toàn khèo vác trên vai một cây mía dài cùng với một vài người khác hiên ngang từ đâu đi vào, vừa đi vừa hát làm chúng tôi lo sợ. Người phụ nữ kia đòi đem cây mía của Toàn vào vườn của bà để so xem có phải là cây mía bị bẻ trộm của bà ta không. Yêu cầu đó được chấp nhận, nhưng kết quả "giám định ” lại cho thấy cây mía của Toàn không khớp với gốc mía bị bẻ trộm của bà ta, vì dưới ánh đèn pin soi, mọi người đều nhìn thấy các đốt mía của Toàn không trùng với các đốt trên gốc mía còn lại của bà ta . Nhưng ai dám khẳng định cây mía của Toàn là " trong sạch ”  ( ? )

 

Những ngày vui sôi nổi rồi cũng qua đi nhanh chóng. Buổi chiều hôm đó, trước ngày về, Thầy Tuấn ( Dậy vật lý ở lớp A ) đến khu lán trại của hai lớp chúng  tôi. Dựng chiếc xe đạp trước cửa lán, Thầy vào gặp thầy Hùng và thầy Ngọ để thông báo tình hình giờ tầu chạy. Chúng tôi được lệnh chuẩn bị hành lý và nghe phổ biến chung.

 

Thành quả lao động

 

  Cỏ cắt được chúng tôi gom thành đống. Đến ngày cuối cùng sẽ có người đến tính công cho chúng tôi. Không phải ai xa lạ, mà chính là người phụ nữ nghi cho chúng tôi ăn trộm mía, bà ta đo khối cỏ của chúng tôi bằng một chiếc gậy dài. Nghĩ đến chuyện "giám định cây mía” hôm trước, bọn lớp tôi lại "Ê ! Ê !” rất vô lý khi mỗi lần bà ta nhún nhẩy trên đống cỏ để đo. Thầy Hùng thông báo cho chúng tôi biết số tiền công chúng tôi được trả là 20 đồng, thầy nói:

  -Đi lao động như thế này để lấy điểm cho các e , và để các em được gắn với  thực tế lao động, chứ tất nhiên là phải lỗ vốn rồi.

Thầy an ủi chúng tôi như vậy chứ chúng tôi nào có nghĩ gì đến chuyện lỗ lãi.

  Ngày cuối cùng của tuần lao động, chúng tôi đi hái dứa chứ không cắt cỏ nữa. Buổi trưa hái dứa về, ai nấy mệt phờ, má ửng hồng lên vì nắng hanh. Đặt phịch sọt dứa xuống đất, Mai cong vội vã đi vào lán, Thằng Dũng trộm nó bảo:

   - Dung ơi! Thương Mai quá nên phải khiêng hộ Mai, mệt phờ ra đây này!

  Rồi nó cười hì hì …

  Kết thúc tuần lao động , chúng tôi chuẩn bị hành lý để ra về, nhận thêm xuất ăn đường do nhà bếp họ chuẩn bị cho

  Lại cuộc hành quân như lần trước. Có khác chăng là lần về, ba lô đứa nào cũng có mía , nhưng tất nhiên không phải là mía ăn trộm .

   Lúc đợi tầu ở ga, tôi và Cường gái dạo chơi quanh cánh đồng gần khu vực nhà ga . Cường hỏi tôi :

  -Dung đã có người yêu chưa?

Lại một câu hỏi lạ lẫm đối với tôi, giống như câu hỏi của Vân Anh về Loan

 

  Chúng tôi ngủ đêm trên tầu, hoặc ngồi trên ghế, hoặc trải ni – lon xuống sàn. Tôi cứ tưởng mình sẽ ngồi được suốt đêm, không cần nằm, nào ngờ mỏi quá, nửa đêm đành phải nằm. Mấy đứa nằm co quắp nhau, đắp chung chăn rét lắm. Nằm co, chật đã mỏi rồi, vậy mà nửa đêm, chả biết có đứa nào chui tiếp vào chăn của bọn mình nên lại càng chật chội, khó chịu hơn, sáng ra mới biết là Toàn khèo. Nó đi chơi khuya về nên bị hết chỗ ngủ, thế là chui bừa vào chăn của bọn tôi. Nhưng cũng may là tính nó hãy còn trẻ con nên chưa biết nói nhảm. Có lần buổi đêm ngủ ở Đồng Dao, nó ngủ mơ còn gọi "Mẹ ơi ! ” . Tuy Toàn khèo không nói nhảm, nhưng nó lại trêu mình và Mai theo một cách khác, nghiã là lôi cả các đấng phụ huynh  ra để trêu bạn bè : Nó bảo mình là " con ông một trăm ” , còn Mai là " con ông Đoàn Văn Bốn” ( Nghĩa là ông Bách và ông Tư ). Với hai con số tình cờ đó, nó còn làm phép so sánh rồi nhân chia cộng trừ chán

   -Dung gấp hai mươi nhăm lần Mai . Dung với Mai cộng vào thì giầu to.

Rồi nó cười hì hì. Vì chiếc xe "Một linh tư” thời đó đang là xe thời trang mà nhiều người mơ ước.

Đến sáng thì tầu tới ga Hà nội. Bước xuống ga mà sao tôi thấy lạ lẫm lắm. Mới xa Hà nội 1 tuần mà tôi thấy mình quê mùa hẳn đi. Dung với Mai "giầu” thế mà có ai mang xe "một linh tư” ra đón đâu.

Được nghỉ ngày chủ nhật, rồi chúng tôi lại bước vào những ngày học tập sôi nổi. Nhưng tôi cứ bị buồn ngủ liên miên. Mẹ bảo tôi bị ngã nước. Chả hiểu !.

 

Quậy phá

  Trở về trường sau những ngày lao động , chúng tôi uể oải lắm , thầy cô lại phải " lên dây cót ” mãi chúng tôi mới vận hành được những " cỗ máy não ” han gỉ đã lâu . Trước khi đi Đồng Dao , đáng lẽ chúng tôi phải làm một bài văn, nhưng cô Thoa cho hoãn lại , để qua kỳ đi lao động này chúng tôi được tiếp cận thực tế sẽ dễ viết hơn . Thế là khi về, Thằng Thái "mèo” làm một bài thơ mà sau này bài thơ ấy đối với chúng tôi đã trở thành một tài sản quý . Cô Thoa đọc cho cả lớp nghe. Chúng tôi thấy như được sống lại với kỷ niệm Đồng Dao : Nào đi tầu, nào hát ca , leo núi , nào cắt cỏ , hái dứa , chơi đùa , đá banh , liên hoan cháo gà .  Cả lớp tôi lặng đi, lắng nghe từng lời cô đọc , thỉnh thoảng lại cười ồ lên . Cô Thoa cho Thái 8 điểm rồi mà còn hỏi các bạn 8 hay là 9. Tất nhiên ai cũng đề nghị điểm 9. Sau này lớp tôi rất nhiều bạn chép bài thơ của Thái vào sổ Lưu niệm .

Thái mèo cũng giống như Nam, không những giỏi các môn tự nhiên, mà môn văn nó cũng rất giỏi. Thời đó, chúng tôi tiếp thu kiến thức do thầy cô cung cấp một các thụ động, không mấy ai như Thái, dám tranh luận vơi cô Thoa như hai nhà thơ đang bình luận tác phẩm. Vì nói về dòng thơ lãng mạn trước cách mạng, cô Thoa phê phán loại thơ tắc tị (là loại thơ gì , tôi không hiểu, nhưng cô Thoa nói đó là loại thơ không giảng nghĩa được ). Rồi cô lấy ví dụ:

Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà

Khi ấy, Thái đứng lên và nói ý kiến của mình rằng:

   - Theo em, có thể tác giả miêu tả những bức tranh phong cảnh bốn mùa vẽ trên những chiếc đĩa treo tường.

Nhưng cô Thoa lắc đầu, không chấp nhận. Cô hỏi:

   - Thế còn nhịp hải hà là cái gì?, nhịp sông biển à ?

Thật tình cờ, sau này tôi được một thầy giáo khác (Thầy giáo dạy Anh văn) đọc cho cả lớp nghe trọn vẹn bài thơ trên, và thầy giảng nghĩa bài thơ đúng như Thái đã phân tích. Thế thì tôi phải hiểu ý của cô Thoa thế nào đây?

 

 Chúng tôi vẫn lười học các môn phụ, những môn không phải thi. Dở trứng hay sao mà bỗng dưng lớp tôi phá phách các giờ học của thầy Quát và cô Thành. Bọn con trai hú hét đinh tai nhức óc. Bọn con gái chúng tôi ngạc nhiên, không biết tiếng hét của ai mà to vậy? Hóa ra là là tiếng của Cường gái. Thằng Cường bổ cho tay vào ngăn bàn đập phá ầm ầm. Bọn con gái tha hồ nói chuyện. Lớp ồn như thế mà thầy cô vẫn cố gắng giảng bài, nhưng làm ảnh hưởng đến các lớp khác nên ban giám hiệu chuyển lớp tôi xuống học ở tầng 1. Đó là một phòng học cách xa các lớp khác và gần nhà vệ sinh. Đây là một phòng mà nhà trường xây thêm, nhưng hình như không dùng để làm lớp học . So với các phòng học ở dãy nhà hai tầng với kiến trúc cổ của Pháp thì căn phòng này giống như một nhà kh. Ở đó , các tiết học và các trò nghịch ngợm của lớp tôi vẫn diễn ra.  Thầy Quan Hải vào lớp khuyên răn chúng tôi, và thầy cũng đưa ra một vài biện pháp để chấm dứt các trò tinh quái của lớp tôi. Lớp trưởng Hoài Nam liên tục bị thầy Quan Hải gọi lên ban giám hiệu để giúp thầy tìm hiểu những trò tinh quái bắt đầu từ đâu. Nhưng có lẽ thầy và ban giám hiệu thông cảm với tâm lý chán học các môn phụ vì không phải thi, nên cũng không trách cứ gì chúng tôi nữa. Rồi bỗng một hôm, chắc là cơn dở hơi của chúng tôi đã hết nên chúng tôi bỗng trở nên ngoan ngoãn lạ thường làm thầy Quát rất cảm động, và thầy giảng bài rất nhiệt tình, thầy còn đặt nghiêng một chiếc bàn để làm bảng viết vì hình như chiếc bảng cũ không ăn phấn làm các bạn khó nhìn. Nghĩ thương thầy quá.

   Ngày hội 20 – 11 qua đi là tết đên rất nhanh. Mùa xuân về , lớp tôi đón xuân trong căn phòng học tối om và xấu xí đó .

  Vẫn không tha cho cô Thành và thầy Quát , chúng đốt pháo trên cửa sổ để đón xuân , ( hay là để trêu thầy cô ? ): Ba quả pháo đùng được lồng vào ba que hương dài đã bẻ chân và được châm sẵn hai đầu lúc trước giờ học , đợi đến giữa giờ sẽ nổ ,  có khác gì ba quả mìn hẹn giờ . Đầu têu trò này là thằng Thảo "phản động” . Đang giảng bài, cô Thành bỗng giật mình nghe ba tiếng nổ đùng đoàng  Lát sau, thầy Du có việc vào hỏi cô Thành, cô mách :

  -Anh Du ơi! Trẻ con ngoài đường nó ném pháo vào lớp đấy anh ạ !

  - Chúng nó ném pháo vào thì các em ném pháo ra ! - Thầy bảo chúng tôi thế

Nghỉ Tết xong , chúng tôi tiếp tục đến trường. Đầu têu luôn luôn là thằng Thảo, lúc nào cũng rủ rê đi chơi. Đã thế, nó còn hay đầu têu hát nghêu ngao mấy câu:

"Đời là mấy tí, anh em ơi!

Học làm gì, để thời gian chơi!

Thầy thì dốt nát, bọn mình ngu lâu….

……………………………………………….”

 Một hô, đang lúc lang thang , tôi chợt nhớ ra hôm qua Nam nghỉ học , sao thế nhỉ? , Tôi hỏi thì Nam chỉ cười, trả lời thật đơn giản

-         Ốm!

-         Ốm ? , Thế mà bây giờ còn đi chơi?

Lát sau thằng Thảo cứ trách tôi mãi:

-Sao mà dễ tin thễ! Nó nghỉ để đi thi học sinh giỏi toán đấy bà ạ!

-Thế à! thế mà bà không biết

 

Đường cong Pa ra pôn

 

Các giờ học khác, chúng tôi vẫn nghiêm túc học hành và lo lắng cho các  kỳ thi  sắp tới . Các thầy cô cũng miệt mài giảng dạy và ôn tập cho chúng tôi thường xuyên. Các giờ toán thì lũ con gái chúng tôi còn theo kịp và hiểu được bài. Một hôm chúng tôi đang học về đồ thị hàm số , trong bài giảng của thầy luôn có các từ ”Đường cong Pa ra pon , đường cong Hy pec pon …" Chúng nó thì thầm : Cong , cong …” và cười rúc rích . Thầy nhận ra ngay, liền mắng :

-         Hừm ! Học thì chậm , nhưng liên hệ thì nhanh lắm . Tôi biết lớp này gọi cô Mai là cô Mai cong chứ gì?

Cả lớp ồ lên cười, đỡ phải cười vụng trộm, còn Mai thì xị mặt ra trông rất buồn cười. Và cũng từ đó, thằng Thảo phản động còn đặt cho Mai thêm một tên nữa là Mai Pa ra pon.

  Có lần Mai đang cong môi lên để cãi nhau với Tuấn già, thế là mấy thằng thêm lời vào để trêu Mai làm Mai không sao đối đáp lại được bọn chúng. Còn thằng Thái mèo chẳng nói năng gì, sẵn trong tay đang cầm viên phấn, nó viết luôn xuống mặt bàn một chữ "Cong” rất đậm trước mặt Mai làm cả lũ cười ầm, Mai lại càng tức.

  Riêng tôi với Mai và Thu Hương còn có những đường cong khác: Có lần nhìn thấy con bò đang đi trên đường, vừa kéo xe nó vừa làm nhiệm vụ bài tiết. Tôi chợt phát hiện vệt nước nó để lại trên mặt đường đúng là đồ thị hình sin, thì ngay lúc ấy Mai bảo :

  - Ơ ! Con bò nó … "ấy” hình sin kìa !

  Còn Thu Hương thì tiếp luôn:

  -Nó còn … "ấy” hình cos nữa!

   Những viên tròn con bò thải ra lăn lốc trên mặt đường là "hình cos” của Hương

  Quả đúng là như vậy, vì như thế là nó đang thực hiện dao động điều hòa mà. Vậy mà con bò nó đâu biết nói để mà mắng lũ con gái vô duyên.

 

   Còn môn lý và hóa dù tôi cố gắng chăm đến đâu đi chăng nữa cũng thấy rất khó. Thầy Quan Hải giảng bài rất hay nhưng rất tài tử. Cái áo lông Đức của thầy có một chiếc túi rất nhỏ trên cánh tay, trong đó thầy có một máy tính rất nhỏ mà chúng tôi không biết, nên rất ngạc nhên khi thấy những con số rất lẻ mà tại sao thầy tinh nhanh như vậy, trong lúc cả lớp đang lúi húi tính toán, thì thầy đã đọc kết quả. Khi phất hiện ra chiếc máy tính , chúng tôi cười xòa. ( Ngày đó chiếc máy tính ni –mi đó còn là đồ dùng hiếm và quý ) . Có lẽ do lớp tôi một số bạn trai học khá quá nổi trội, nên phương pháp giảng bài của thầy chỉ hợp với những bạn khá và giỏi đó thôi. Mà cũng tại cái bạn Nam lớp trưởng nữa cơ , nó học như thần đồng thế thì làm bọn mình thiệt thòi quá , vì các thầy cứ theo đà học của nó mà giảng bài , thì bọn mình theo làm sao kịp (?)

 

   Vào một hôm, cũng trong căn phong xấu xí này, một hiện tượng lạ của thời tiết đã xảy ra: Sau một tiếng sấm nổ dữ dội, trời bỗng nhiên tối sầm nhưng không mưa . Nhìn ra ngoài bầu trời đen kịt . Ngay tại trong lớp cũng không thể nhìn rõ mặt người ngồi cạnh mình. Học sinh chúng tôi xôn xao, nhưng rồi phút hoang mang cũng qua đi. Trong bóng tối, cô Thoa không thể giảng bài, và cô bắt đầu nói chuyện, những câu chuyện bổ ích.

 

    Rồi cũng đến một ngày chúng tôi được trở về lớp học cũ trên tầng hai, thoát khỏi căn phòng tối om và xấu xí đó như là tù nhân được trở về với cộng đồng. Có lẽ sắp đên ngày thi tốt nghiệp và ra trường, nên Ban giám hiệu muốn để lại cho chúng tôi những ấn tượng tốt đẹp về trường

 

   Hối hả học và ôn, ôn và học, đã thế năm nay môn văn chúng tôi lại được học thêm một tác phẩm mới chưa có trong sác giáo khoa : tác phẩm " Theo chân Bác ”. Cô Thoa phải đọc cho chúng tôi chép tay toàn bộ tác phẩm đó. Còn ít thời gian quá nên cô đọc rất nhanh, chép thật là khó. Chúng tôi kêu ầm lên, nhưng cô vẫn không đọc chậm lại được. Thằng Hùng nó kêu ầm lên:

- Cô ơi ! Bác đi nhanh quá, chúng em không theo kịp ạ! Mỏi chân quá cô ơi!

 

   Chúng tôi lo lắng về nhứng kỳ thi sắp tới, kết quả thi sẽ ra sao đây? Một hôm, Hoa Thắng bỗng quay xuống rút từ trong túi áo ngực ra một tấm thẻ gì đó, đưa tôi xem và nói :

-Dung ơi! Xắp đi bộ đội này! đi tiễn nhé !

Xem xong mảnh giấy đó , tôi ngạc nhiên :

-Ơ! Sao lại 10 năm! Tôi tưởng nghĩa vụ là 3 năm thôi chứ?

-Vì mình là người Hoa mà!

-Thế Thắng thi trường nào

-Còn thi cử gì nữa! Như là một bản án rồi còn gì!

Ngậm ngùi quá!

 

  Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng bầy vẽ nấu nướng như các năm trước, nhưng năm nay còn có cả các bạn trai tham gia: Một lần tổ chức ở nhà Thảo, khá đông, còn một lần tổ chức ở nhà Vân Anh thì chỉ có mấy đứa con gái với thằng Thảo thôi: Làm bánh chuối. Thảo ta bị lẻ loi, thế là bọn mình cứ nói đến chuối là cười rúc rích làm cậu ta ngượng. Đứng sau lưng Thảo, Hồng Hương chỉ vào đôi tai đỏ ửng của cậu ta và bọn mình lại cười. Cho chết! cũng phải có lúc bọn mình trả đũa chứ . Còn lần nhà trường tổ chức thi nấu ăn thì lớp tôi làm bún chả, khói um cả sân trường. Thi xong thì các lớp được liên hoan , rồi chụp ảnh

Mùa thi tới – Mùa chia tay

 

  Xuân qua, hạ tới, rồi cũng đến một hôm đứng bên cửa sổ lớp, tôi bỗng nghe tiếng Phượng reo vui, và Phượng đưa tay chỉ cho mọi người thấy những chùm hoa phượng đầu mùa , loài hoa trùng tên với Phượng , những chùm hoa đỏ lốm đốm trong vòm lá xanh thưa, làm sáng lên màu ngói nâu trầm của mái nhà hội trường .Thế là mùa thi đã tới . Chúng tôi ráo riết làm hồ sơ th, chọn trường , chọn khối thi, nhao nhác, xao xác như đàn chim lần đầu xa mẹ, chấp chới vỗ cánh tập bay. Rồi mỗi đứa một quyển sổ lưu niệm chuyền tay nhau hối hả viết. Những tâm sự được dãi bày, những kỷ niệm được lưu bút. Có cả những tình cảm luyến tiếc, bùi ngùi … Có cả những  tình yêu vừa mới chớm nở …Giọt nước mắt của người bạn gái rơi bên khung cửa sổ oán trách, giận hờn và đợi sự sẻ chia. Lỗi tại ai đ , lại nhân cơ hội này muốn bày tỏ tình cảm mà  lại đi oán trách giận hờn làm chi ( ? ), để rồi khi thấy nước mắt bạn gái rơi lại thấy ân hận (?)

  Chia tay nhau, chúng tôi tạm gác lại những tình cảm riêng để ai lo phận nấy: Ôn tập và lao và mùa thi.

  Cổng trường cấp 3 đã khép lại sau lưng chúng tôi. Mới ngày nào tôi cùng Hằng tung tăng đến trường cấp 3 để nhận lớp, và từ đó tôi không gặp lại Hằng nữa, nhưng tôi lại có thêm bao người bạn mới . Và họ đã cho tôi bao kỷ niệm.

Xa nhau, nhưng chúng tôi hẹn  :

 

Nhất định sẽ có ngày gặp lại !

 

Viết xong ngày 9/2/2010

 

                                                                      Nguyễn Kim Dung


Vote Điểm :12345

Loading...

✿ XEM CÁC TRUYỆN LIÊN QUAN :Truyện Ngắn

✿ XEM TRUYỆN KHÁC
ĐĂNG NHẬP


CHỨC NĂNG
TRUYỆN NGẪU NHIÊN
TRUYỆN FULL
Lên đầu trang
Xuống cuối trang
Loading...
truyện thái mới truyện thái full oneshot đam mỹ truyện gay oneshot fanfic khải nguyên mới fanfic khải nguyên full oneshot bách hợp fanfic Bác Chiến mới fanfic Bác Chiến full Đam mỹ võng du fanfic vkook hoàn fanfic vkook mới fanfic ChanBaek full fanfic ChanBaek mới

Copyright Kênh Truyện © 2011 - 2025 - In Sách Truyện Theo Yêu Cầu
Powered by uCoz V987.Club Kiếm Tiền Online -Giao diện Mobile