Bến Đỗ Cuộc Đời
|
|
"Mình hôn thiệt đó nghe, mình không muốn bị phạt đâu."
"Được rồi, làm lẹ đi, đèn sáng lên, quê là không ai hun ai được đâu đó!"
Đăng quay qua, anh nhón người, một tay vịn vai Khoa, anh đặt một nụ hôn lên môi Khoa, anh cảm giác làn hơi thở nồng nàn của Khoa phà vào mặt anh, anh nhắm mắt, một nụ hôn nhẹ nhàng, xao xuyến, khi môi anh chạm môi Khoa, một cảm giác cháy bỗng đê mê chạy khắp người Đăng, anh không thể tự chủ mình, anh đẩy nhẹ lưỡi vào đụng nhẹ răng Khoa, một cái hôn thật ngắn ngủi nhưng cháy bỗng nồng nàn.
Khoa giật mình, anh cứng người lại, Đăng có cảm giác Khoa rùng mình nhẹ, anh vội vàng buông Khoa ra, anh cười giả lả:
"Xong rồi, đến phiên Khoa đó, hun Linh đi, Linh chờ đó."
Một cảm giác khát cháy ở cổ, Đăng cầm ly cóc tai lên uống một hớp nước, anh vẫn chưa hoàn hồn, cái cảm giác không thể tả nỗi, khi môi và lưỡi anh đụng môi và lưỡi Khoa, cái nụ hôn tràn đầy yêu thương trong một hoàn cảnh buồn cười, nhưng Đăng cảm thấy anh đang bồng bềnh trôi trên những đám mây, thật nồng nàn, thật dịu ngọt, dù ngắn ngủi, anh cũng cảm giác cái ngọt ngào của nụ hôn với người mình yêu.
Đức đã bật đèn trở lại, cả lớp vẫn còn xôn xao ngượng nghịu cái trò chơi oái oăm của Đức. Khoa quay lại nhìn Đăng với anh mắt hơi có vẻ dò hỏi, Đăng trốn ánh mắt của Khoa. Khoa thấy hơi còn sững sờ với cái hôn của Đăng, anh hơi hơi buồn cười, anh muốn hỏi Đăng sao mà hun Khoa ghê quá, nhưng anh thấy thôi, anh chợt thấy bối rối, hình như anh chợt thấy cái cảm giác lạ lùng chưa từng thấy vừa chợt chạy qua khi Đăng hôn anh, hình như anh thích điều đó thì phải.
Nhưng rồi Khoa tạm quên đi cái cảm giác là lạ đó vì anh cùng cả lớp lại cuốn vào những trò chơi tinh nghịch khác, Khoa và Đăng cùng nhiệt tình trong những trò chơi vui nhộn, nào là thổi bong bóng cho đến khi bể, chơi bắn tàu, chơi chuyền trái chanh bằng chiếc muổng ngậm trong miệng, trò chơi nào cũng được lớp hưởng ứng nồng nhiệt nghiêng ngả, cả đám cười lăn cười bò, những lúc vui quá, Khoa quay lại ôm vai Đăng cười ha hả, ít khi anh thấy vui như bữa nay.
Sau những trò chơi, cũng có vài bạn bị xem là thua, và thua thì phải bị phạt. Những người bị phạt phải bốc một lá thăm, trong đó các bạn khác có ghi một yêu cầu người bốc thăm phải làm một điều gì đó. Đăng là một trong những người bị thua, anh cùng một số bạn phải bốc những lá thăm đó.
Có bạn phải đọc một bài thơ, có bạn phải giả vờ khóc mười kiểu khác nhau, đủ trò, đủ hình thức, cả đám bạn được những trận cười rôm rả, cười bò lê, bò càng, nhất là khi Linh bốc một lá thăm yêu cầu làm một con vịt, Linh làm rất giống miệng kêu quẹc quẹc, ngồi lệt bệt lắc mông vẫy vẫy tay trông rất buồn cười.
Đến phiên Đăng, anh bốc phải một lá thăm yêu cầu hát một bài hát về tình yêu. Cả đám bạn vỗ tay nồng nhiệt khuyến khích Đăng, còn Long, anh chạy vào trong nhà lôi cây ghi ta ra phủi bụi, so dây, từ lúc Đăng về lớp 12A4, chưa ai có dịp nghe Đăng hát, ở lớp thì có Long, Vân và Cường trong đội văn nghệ trường. Qua năm nay, mọi người ai cũng bận bịu, lớp cũng không có dịp văn nghệ văn gừng gì cả.
Bây giờ có dịp, cả lớp nhao nhao yêu cầu Đăng phải hát. Khoa lo lo trong bụng, không biết Đăng có hát được không, anh đằng hắng nhổm dậy nói:
"Mình chịu phạt thay dùm Đăng được không hả?"
"Ai nói cậu Khoa nhà mình biết hát vậy?"
"Ê, hát chứ không phải bơi đâu nhe."
Khoa xua tay: "Mình không biết hát, mình đọc một bài thơ, được không?"
"Xì, lo cho mình chưa xong, còn lo bao đồng quá, ông ơi, để ông Đăng hát đi, đừng có bao đồng."
Đăng thấy Khoa lo cho mình, lòng anh vui quá, anh mỉm cười quay ra nói với Khoa với giọng tự tin: "Cậu yên tâm đi, mình không để cậu thất vọng đâu." Anh nói Long chuyền cho anh chiếc đàn ghi ta, cả lớp tròn xoe mắt, í trời ơi, biết đàn nữa, chu cha, tưởng đâu đôi tay Đăng chỉ biết đập bóng thôi chứ. Đăng cầm ghi ta dạo qua, anh nói:
"Cũng mấy tháng từ hồi về đây, mình không cầm đàn, mình chỉ biết mấy bản nhạc buồn, các bạn nghe đỡ nhé."
"Hát đi Đăng, hát nhạc buồn cũng được, nãy giờ vui quá, giờ Đăng hát nhạc buồn cho tụi mình khóc chút đi."
Khoa nhìn Đăng với ánh mắt tò mò, ngạc nhiên, chơi với Đăng đã lâu, nhưng anh vẫn có nhiều điều chưa biết về Đăng, anh thầm trách mình đã quá hời hợt với bạn, anh nhìn Đăng động viên.
"Mình xin hát bài "Tình Khúc Thứ Nhất", đây là một bài hát mình ưa thích nhất."
Đăng dạo đàn, ngón tay anh lướt nhẹ nhàng êm ái trên cung đàn, giọng anh cất lên, cả lớp im bặt, một giọng hát trầm ấm, đượm chút u buồn và trăn trở, lời hát như kể lể, như tâm sự, cả lớp bỗng chùng xuống, giọng hát Đăng nhẹ nhàng thiết tha u uất:
Tình yêu như đám mây trôi Ý sầu mưa xuống đời Lệ rơi xuống mấy tuổi tôi mấy tuổi xa người…
Khoa như bị cuốn hút vào từng lời hát của Đăng, lần đầu tiên từ khi kết bạn với Đăng, anh mới chợt cảm nhận, Đăng sao mênh mông quá, ngồi kế anh đây, sao anh thấy Đăng như thật lạ thật xa vắng, những cung nhạc trầm buồn, ca thán, làm Khoa thấy anh thật nhỏ bé, tầm thường với Đăng, trời ơi, anh cứ như muốn nuốt từng lời hát, từng nốt nhạc.
Các bạn khác thì im lặng thưởng thức những lời nhạc ngọt ngào, than thở; chỉ có tiếng pháo đì đùng bên ngoài vọng vào, mọi người im lặng. Có lẽ mọi người bất ngờ trước giọng hát trầm ấm và đượm buồn của Đăng.
… Tìm vui trong phút giây thôi Ý sầu nuôi suốt đời Thì xin giữ lấy niềm tin dẫu mộng không bền…
Giọng hát của Đăng làm Khoa thấy một nỗi nghẹn ngào, thổn thức trong lòng, Khoa chợt nghĩ, Đăng chắc có những uẩn khúc, những chất chứa ưu tư trong cuộc sống riêng tư rất nhiều, mà không biết là điều gì nữa, nhưng sao giọng hát đó cứ nghe như kể lể trăn trở, bỗng nhiên anh cảm thấy sao mình còn xa cách với người bạn thân thiết này quá, anh cảm thấy mình không hiểu gì về Đăng.
Một cảm giác hơi hối hận và trắc ẩn thoáng lướt qua, bỗng anh thật muốn ôm Đăng thật chặt, anh muốn nói với Đăng điều gì đó, nhưng tại sao nhỉ? Anh đã có một người bạn rất tốt, một người mà thường xuyên nghĩ đến anh, luôn luôn bên cạnh anh trong từng vui buồn, nhưng anh, anh lại không biết gì nhiều về riêng tư của Đăng. Anh chợt cười buồn với cảm nghĩ của mình.
|
... Thần tiên gẫy cánh đêm xuân Bước lạc sa xuống trần Thành tình nhân đứng giữa trời không Khóc mộng thiên đường…
Đăng đã rãi mấy hợp âm và kết thúc bài hát của mình, nhưng cả lớp vẫn còn chùng xuống lắng đọng với bản nhạc tuyệt vời đầy giai điệu kể lể mà Đăng vừa hát. Vài giây sau, cả lớp mới vỗ tay nồng nhiệt. Đăng ngượng nghịu quay ra cất cây đàn, anh lí nhí cảm ơn mọi người.
Còn Khoa thì anh cứ đang ngây ngất mê mẫn với những cung đàn lời hát của Đăng, anh thấy hình như anh phát hiện một điều gì mới ở Đăng, và hình như cả ở anh, anh thấy mình thật sự như là bị Đăng cuốn vào từng lời hát, từng nốt nhạc…
Đêm cũng đã khuya, mọi người trò chuyện một chút rồi cùng dọn dẹp và lục tục ra về. Những lời chúc, những đưa đẩy gán ghép để đưa nhau về, những lời hẹn gặp gỡ nhau ngày Tết, bạn bè quyến luyến không muốn chia tay nhau. Nhưng rồi mọi người cũng nói lời tạm biệt. Riêng Khoa, Đức và Đăng thì tình nguyện ở lại phụ Long dọn dẹp để cho các bạn khác ra về. Đăng dọn dẹp, quét dọn căn phòng và đưa đồ đạc trở lại như cũ. Khoa xuống bếp rửa chén với Đức. Mọi thứ trông có vẻ sạch sẽ gọn gàng thì cũng gần mười hai giờ khuya rồi.
Trước khi về, Đăng nói với Khoa ngày mai anh sẽ lên nhà Khoa để phụ anh nấu bánh. Khoa gật đầu: "Nhớ nhé, mà Đăng nè, cậu hát hay quá, chép cho mình bài hát này đi, mình thấy thích bài hát đó lắm."
Khoa đạp xe về, anh cảm thấy trong lòng vui vui, sao cái Tết này khác quá, anh cảm thấy mọi thứ sao mà ngọt ngào và say say như là hương vị ly rượu nếp than, nhưng sao tối nay anh vui hơn mọi ngày vậy? Chắc vì đây là cái buổi liên hoan Tết cuối cùng trong cuộc đời học sinh trung học, rồi năm sau, mọi người sẽ chia tay và không còn buổi liên hoan như vậy nữa, anh vừa đạp xe vừa lẩm nhẩm bài hát Đăng vừa hát, nhưng anh không thuộc hết – cái giai điệu bài hát thật là buồn. Chợt anh nhớ đến cái hôn của Đăng, anh chợt rùng mình, cái se lạnh của đêm xuân…
* * *
Về đến nhà, anh thấy đèn vẫn còn sáng trưng, vừa lạng xe vào, anh thấy bà ngoại vẫn còn ngồi trên phản têm trầu bóp bép, anh hơi ngạc nhiên, tính hỏi, thì thấy mẹ anh từ trong đi ra, anh mừng quá vội dựng xe vào cửa, ùa lại mừng rỡ. Thì ra là mẹ Khoa vừa về nhà lúc tối, mẹ con mừng rỡ tíu tít hỏi han nhau.
"Mẹ về ăn Tết ở nhà năm nay hả mẹ?" – "Không con à, mẹ phải lên sài gòn sáng mai rồi, dượng con năm nay bận quá, mẹ phải giúp dượng con nhiều việc lắm, nhưng dượng kêu mẹ về đem quà cho ngoại và cho con, chắc ra giêng, dượng và mẹ sẽ về chơi vài ngày."
Khoa nghe mẹ nói vậy thì cũng hơi buồn, nhưng mà anh nhanh chóng quên đi, thôi, mẹ phải lo nhiều chuyện, xem xem mình có quà gì đây, anh vội vã tháo mấy gói giấy dầu, hai cái quần gin xanh của Thái thật là đẹp và đúng mốt, một cái sơ mi ca rô tay dài thật đẹp, anh ướm thử vào vừa y cứ như may cho anh vậy, anh bóp hàng cúc bấm bằng i nóc lại, anh thấy cái áo này hay quá, chắc bạn bè phải lác mắt đây!
Bỗng anh nghĩ đến Đăng, anh phải khoe với Đăng mới được, mẹ anh thật là hiểu ý, thấy Khoa thích mặc quần gin, tại anh thấy Đăng mặc quần gin đẹp quá, anh nói mẹ anh mua cho anh mấy cái mô đen một chút, bây giờ thì anh thật hài lòng.
Mẹ anh xách ra một cái hộp, nói là quà của dượng cho Khoa, anh thật ngạc nhiên và thích thú, một cái máy cát xét hai hộc băng hiệu Toshiba, anh khoái quá, vì cái cát xét cũ sì sì của anh đã có bấy lâu nay, nó hay nghiến băng và hát cứ như ca sĩ bị sổ mũi vậy, anh mừng quá, nhảy lên vỗ tay, hoan hô dượng!
Mẹ anh thấy Khoa càng ngày càng lớn và càng đẹp, anh thật giống bố, bà nghĩ, Khoa có phần đẹp và cường tráng hơn, bà thấy Khoa dạo này vui vẻ hơn, bà nói đùa: "Nè cậu hai nhà mình dạo này có cô nào muốn tới têm trầu cho bà chưa vậy?" Khoa lắc đầu nguây nguẩy, "Mẹ nói giỡn hoài.” Bà ngoại thì tủm tỉm: "Đâu có ai, có con Lan xóm dưới thôi.”
Mẹ con Khoa tâm sự hồi lâu nữa mới chịu đi ngủ, mẹ Khoa sắp dọn lên bàn thờ mấy hộp trà và bánh in gói giấy kiếng đỏ, bà nhìn quanh thấy mọi thứ bà ngoại và Khoa đã lo chu tất gọn gàng, ngày mai bà phải về, nhưng lòng thật muốn ở lại cùng con trai gói bánh chưng, bà cảm thấy trong lòng rất biết ơn con mình, mọi điều trong nhà Khoa đã đảm xuyến được hết, vì vậy bà có nhiều thời gian lo cho gia đình chồng trong bước tái giá.
Bà hiểu mình là một người mẹ may mắn và hạnh phúc, bà thắp nén nhang cho chồng, trong lòng nghĩ chắc người chồng vắn số cũng rất thanh thản và vui vẻ nơi chín suối, dù bà không lo cho Khoa nhiều nhưng mẹ con bà rất vui và hạnh phúc, Khoa càng ngày càng trưởng thành và chín chắn.
Mặt trời vừa nghiêng bóng, Khoa chở mẹ anh ra đón xe lam về sài gòn, anh tiếc là chưa nấu bánh xong, để có thể gởi bánh cho dượng. Anh cười cười, nói với mẹ, thôi mẹ đem mấy củ su hào về đưa cho dượng ăn lấy thảo, do anh tự tay trồng. Mẹ Khoa cảm thấy rất vui, Khoa còn tính đưa tiền cho mẹ Khoa, anh nói là tiền bán được rau dịp tết này, khá nhiều. Mẹ Khoa nói thôi để Khoa cất dành chi tiêu và xài vặt, mẹ Khoa cũng nói mẹ anh có gởi bà ít tiền để khi anh cần có mà chi tiêu.
Xe lam chạy rồi anh vẫn đứng dõi theo mẹ anh, anh bỗng nhớ lại những năm thơ ấu, anh hay giúp mẹ đem hàng ra bến xe rồi ra bến xe chờ đón mẹ về, thấm thoắt vậy mà, bây giờ anh đã lớn khôn rồi.
* * *
Quầy quả về nhà, anh bắt tay chuẩn bị gói bánh, Lan và dì Ba cũng ghé nhà anh phụ anh gói, bà thì phụ anh làm nhân, Lan phụ anh lau lá, anh gói bánh chưng thật khéo, anh không dùng khuôn, anh học cách gói bánh chưng từ mẹ, mà mẹ anh học được từ một bạn hàng người bắc. Anh bẻ chiếc lá dừa quây lại thành một cái hộp nhỏ vuông vức, xếp bốn chiếc lá dong ở bốn góc, anh đong nếp, trộn nhân vào giữa, quây lá lại, quấn dây lạt, tay anh làm thoăn thoắt thật khéo, Lan ngồi bên cạnh anh nhìn anh không chán.
Lan cứ đòi được gói bánh, nhưng khi cô gói, thì nó cứ méo xẹo và xộc xệch, Khoa cười xoà, nói nếu mà bỏ vào nồi thì nó sẽ bung ra hết, Lan phụng phịu, nhưng rồi cũng phải tháo ra. Khoa cười, anh đánh dấu mấy cái bánh mà anh phải gói lại, vì nhân và nếp bị hơi trộn lẫn, anh nói, mấy cái này để ăn trước.
Càng về sau, càng có nhiều người đến xem anh gói bánh, mọi người cười nói rôm rả thật vui, có người chọc Khoa, năm sau thì chắc là nhà có thêm người, vì thấy Lan ngồi bên cạnh lâu lâu lấy khăn chấm mồ hôi cho anh. Cứ mỗi lần có ai vào, anh lại ngóng nhìn, trong lòng, anh chờ ai vậy, thì chờ Đăng đó, anh muốn gặp Đăng để khoe với Đăng cái cát sét anh mới có, và muốn biểu diễn cho Đăng coi việc anh gói bánh chưng, mà trong xóm ai cũng mong có cặp bánh của Khoa.
Giác chiều, Đăng cũng đến, anh vừa vào thấy Lan ngồi sát bên Khoa, anh cảm thấy hơi chựng lại, anh cố làm ra vẻ bình thường nói với Khoa vì anh phải phụ mẹ dọn dẹp nhiều thứ lắm, nhưng trong lòng anh không vui. Khoa mừng rỡ kéo anh ngồi xuống, anh nói không sao, anh còn gói một cặp cuối cùng, cặp này cho Đăng, xem anh gói nè. Khoa thoăn thoắt biểu diển có phần tự hào, Lan thì xì môi:
|
"Phách quá, mèo khen mèo dài đuôi.”
Đăng thì trả lời:
"Nhưng Khoa có cái đuôi dài thật mà, khoe thì cũng được."
Lan nguýt: "Mấy ông thì cứ mà khen nhau, thôi em phải về đây, em về phụ mẹ làm mứt và rau câu, à, ngày mai bảy giờ tối đó nha anh Khoa.”
Đăng thắc mắc: "Ủa việc gì vậy, việc gì mà bảy giờ vậy?" Khoa đáp: “Ừ, ngày mai đi coi văn nghệ đó, ngày mai Đăng đi luôn nghe, đi với tụi mình cho vui."
Đăng chợt buồn, vậy là Khoa với Lan đã hẹn hò rồi, mình là người thừa thải, anh thấy lòng tư lự: "Thôi, hai bạn đi đi, mình đi với hai bạn, thì kỳ đà cản mũi thôi." Khoa lắc đầu: "Giỡn hoài, đi đi, bạn bè tụi mình đi chung cho vui."
Lan cũng thêm vào: "Dạ, anh Đăng đi luôn, để em giới thiệu anh với mấy nhỏ bạn em, nè, cho em được nở mặt nở mày đi, có một ông anh đẹp như diễn viên điện ảnh vậy." Đăng xua tay: "Lan giỡn hoài, anh sao bằng anh Khoa của Lan."
Khoa gói vừa xong cái cuối cùng, anh bất thình lình quay ra nhào tới Đăng, anh kẹp cổ Đăng ghì xuống hăm dọa: "Lải nhải hả, đi không, rượu mời không uống hả, uống rượu phạt sao?" Đăng đập tay oái oái: "Thôi thôi, đi, đi mà, bỏ ra đi…" Khoa cười nắc nẻ: "Phải dùng vũ lực với cậu thôi."
Lan về, rồi những người khác cũng về, bà ngoại lo dọn dẹp, Khoa ra sau chuẩn bị bếp, anh đã đào một cái lổ nông nông, mấy miếng xi măng bê tông kê lại thành cái lò. Anh đã mượn được một cái nồi nấu bánh thật to, lần này anh nấu gần hai chục cặp bánh. Anh cũng đã mua ít củi, anh nhờ Đăng đem cái bàn xếp ra để cách lò một vài mét, bà đem ra cho tụi anh một lọ tôm khô và mấy con mực, một lọ kiệu chua cho tụi anh nhâm nhi chơi. Chuẩn bị mọi thứ xong xuôi, anh nhen lửa đun nước.
Đăng ngạc nhiên, “còn sớm mà, mới còn năm giờ chiều thôi”, Khoa cười, anh nói, “bộ lẽ muốn thức đến sáng sao?” Đăng thầm nghĩ, bên Khoa thì thức tới sáng anh cũng vui mà.
* * *
Bà ngoại Khoa dọn dẹp xong bảo Khoa leo chặt một quài dừa xuống, bà muốn có ít nước dừa tươi để mốt kho thịt, với lại, để anh em uống cho mát luôn. Khoa cởi quần dài, vào bếp lấy cái mác ra bên hiên rồi leo lên để chặt.
Đăng hơi ngạc nhiên, thấy Khoa hôm nay mặc cái quần xà lỏn lùng thùng chứ không mặc sọt. Lúc Khoa leo lên, Đăng đứng dưới nhìn lên, anh chợt bối rối, Khoa chỉ mặc quần xà lỏn mà không mặc quần lót, thiệt là ẩu tả, anh cúi mặt xuống cười, nhưng rồi không kìm được lòng, anh lại nhìn lên.
Chặt được vài nhát, Khoa quay xuống kêu Đăng tránh ra, cho quài dừa rớt xuống, anh chợt thấy Đăng cười có vẻ tinh quái, anh hỏi:
"Gì mà cười một mình vậy, bị nhập hả!"
"Đâu có gì đâu, à, mình có đọc đâu đó mấy câu thơ vui vui, tự nhiên nhớ."
"Thơ quái gì vậy, sao bỗng nhiên thơ thẩn vào đây, tránh ra lẹ đi, bể chỗ đội nón bây giờ."
"Muốn nghe không?"
Khoa thấy một vẻ tinh quái hiện qua nét mặt của Đăng, anh tò mò, "Thì nói đi."
"Ừ nghe nè: Dừa nhỏ, dừa to sao lộn xộn Me dài, me ngắn thãy cong cong"
Khoa chợt hiểu, anh cười như nắc nẻ, anh ôm sát người vào thân cây dừa, còn Đăng thì bò lăn bò càng dưới đất.
Khoa chặt một nhát mạnh, quầy dừa rớt xuống, Đăng bỏ chạy ra vườn sau, Khoa vội tuột xuống chạy theo Đăng, anh nhào tới chụp Đăng, anh hét: "Dám chơi mình hả, dám bảo nó cong hả", anh vật Đăng xuống, anh và Đăng vật lộn nhào trên mặt đất.
Một tràng pháo nhà ai đó đùng đùng vang nổ, nồi nước bánh đang sôi reo ùng ục, mặt trời lại sắp sửa trở về bên rặng mù u...
K h ú c q u a n h
Khoa trải một tấm bạt nhựa xuống khoảng đất trống cách nồi bánh chưng vài mét, anh ngắm nghía và rồi cảm thấy hài lòng với vị trí đã chọn, vì ngồi ở đây hơi nóng từ nồi bánh chỉ đủ làm ấm áp cái không khí se lạnh của bầu trời đêm xuân chứ không thấy khó chịu.
Khoa bước tới nồi bánh, anh châm thêm vài cây củi vào bếp, rồi rút một cây củi đỏ rực đang cháy đượm ra, anh hơ hơ vài con mực trên ngọn lửa đỏ hồng, mấy con mực cong queo lại, một mùi thơm lừng tỏa ra làm anh không thể không nuốt nước miếng. Nướng được dăm con, anh gói bỏ vào trong tờ giấy báo, rồi quay lại tấm bạt, ở đó Đăng gắp vài miếng kiệu chua mà bà ngoại Khoa đã làm một cái đĩa nhỏ, có cả dăm quả ớt hiểm.
Khoa sực nhớ anh còn quên một thứ, anh chạy vào nhà lấy ra một chai rượu nếp than, huơ huơ chai rượu, anh cười hề hề: "Nè, tối nay anh em mình làm vài ly nếp than chứ há, vài ly nhỏ thôi, uống nhiều, là ngủ gục, không có ai coi bánh đâu."
Đăng cảm thấy trong lòng hạnh phúc tràn trề, lần đầu tiên trong đời mình, anh được ngồi bên một bếp lửa đỏ rực, với nồi bánh chưng xanh, anh mơ màng nghĩ rằng đây cứ như một giấc mơ, một giấc mơ chỉ có trong những truyện cổ tích mà anh không biết mình đã có bao giờ mơ chưa, nhưng sao anh thấy, có lẽ, một điều gì đó thật quen thuộc, thật thân thương một điều gì đó cứ như trong tiềm thức, nó nhẹ nhàng, lãng mạn và cứ bồng bềnh trôi.
Ngồi trên tấm bạt, Đăng nhìn Khoa lăng xăng lui tới chuẩn bị đồ để hai anh cùng nhâm nhi suốt đêm. Đăng cảm thấy một tình cảm dâng tràn trong trái tim, anh ước gì cuộc đời cứ có mãi những đêm như thế này, anh thấy đôi mắt Khoa lấp lánh ánh lửa hồng, mắt Khoa long lanh sáng rực, anh ước gì được tan biến trong ánh mắt dịu dàng và một chút hơi mơ màng đó.
|
Khoa đang lúi cúi bỏ chút trà vào trong bình trà, anh tính là, sau khi lai rai vài ly, anh và Đăng sẽ nhâm nhi bình trà nóng, anh cảm thấy Đăng đang nhìn anh chăm chú, anh quay lại, vỗ tay nhẹ nhẹ vào đầu gối Đăng: "Nè, làm gì mà nhìn tớ lom lom vậy, có mấy con mực nè, của mẹ mình đem từ Sài gòn xuống đó, tụi mình lai rai hé." Đăng nhìn Khoa gật gù rồi nói: "Mình thấy cậu đẹp trai quá, mình thật muốn ngắm cậu lắm."
Khoa cảm thấy ngượng nghịu, nhưng trong lòng thấy khoái khoái, anh rót rượu nếp than ra một chiếc ly nhỏ: "Thôi đừng có nịnh mình nữa, không có tiền lẻ để lì xì cho cậu đâu." Đăng nhìn Khoa rót rượu, anh hỏi Khoa: "Sao chỉ có một ly vậy cậu." Khoa nhìn Đăng nhoẻn miệng cười, hàm răng anh bóng loáng và đều đặn: "Thì hai anh em mình uống chung một ly cho tình cảm mà."
Đăng cảm thấy nghẹn ngào trong lòng vì lời nói của Khoa, anh nói: "Vậy thì vui lắm, Đăng sinh sau Khoa vài tháng, vậy thì Đăng nhỏ hơn, uống sau nhé, Khoa uống trước đi."
Khoa cầm ly rượu nếp than sóng sánh thơm ngậy, uống một nửa rồi đưa nửa còn lại cho Đăng, Đăng cầm ly rượu xoay xoay trong tay rồi nốc hết phần còn lại. Hơi rượu ngọt ngào thơm ngát, hơi rượu cay cay thấm nóng trong từng khúc ruột, anh bỏ ly rượu xuống đất, cầm chai rượu chế đầy ly, anh đưa cho Khoa, anh nói với giọng nói hơi run run:
"Mình rót cho cậu ly này, là để cảm ơn cậu những tình cảm thật nồng ấm của cậu đã dành cho mình khi mình về vùng quê này, không có Khoa, mình không biết cuộc sống của mình sẽ nhạt nhẽo thế nào."
Khoa cầm ly rượu, trong lòng anh cũng cảm thấy xúc động dâng trào, anh cảm thấy anh hơi nôn nao trong lòng không biết vì lời nói của Đăng hay là vì hơi rượu nếp. Khoa đặt một tay lên đầu gối của Đăng, anh bóp đầu gối Đăng nhè nhẹ, anh nói nhẹ nhàng:
"Thì cậu cũng là người bạn tốt nhất của Khoa mà, thật sự trong lòng mình, cậu có một vị trí rất quan trọng, tụi mình sẽ mãi mãi là bạn thân, Đăng nhé!"
"Mãi mãi, dù có bất cứ điều gì xảy ra." Đăng trả lời, rồi anh thầm thì trong lòng, ‘Mình cũng sẽ yêu Khoa.’
Khoa dốc hết ly rượu nếp ngọt lịm vào rồi khà một cái rõ to. Đăng nhìn vào ánh mắt Khoa, anh như muốn chìm sâu trong ánh mắt sáng trong vằng vặc đó, Đăng cảm thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng bay bỗng, cứ như những vạt hơi nước buổi sáng ven bờ con sông quanh làng, giọng nói sao mà ấm áp ngọt ngào của Khoa cứ như những giai điệu dân ca nồng nàn mà Đăng đã từng nghe đâu đó.
Đăng thật ước ao được ngả đầu vào Khoa, nơi bộ ngực vạm vỡ săn chắc hằn sau chiếc sơ mi mỏng, anh ngắm nhìn vẻ thanh nhã của nụ cười nở trên môi Khoa, vẫn cái tương phản đáng yêu với nét mặt mà lúc anh mím môi lại, cái cằm bạnh ra vuông vuông. Nụ cười đó làm dịu đi vẻ cứng cỏi và tôn thêm đường nét hấp dẫn của Khoa. ‘Ước gì mình được hôn lên vầng trán đó.’
Đăng cảm thấy lòng mình nóng rực, không biết vì ánh lửa cháy đượm của nồi bánh, hay vì vài ly nếp than ngọt ngào. Nhìn vào ánh mắt sáng ngời của Khoa, anh cảm thấy lòng mình dịu mát lại, Đăng lại ước, ước gì mình được tắm trong cái ánh mắt đó, thật mát mẻ thật ngọt ngào, sâu lắng.
Đăng đặt tay lên bàn tay Khoa đang vịn vào gối anh, anh đánh bạo cầm bàn tay Khoa lên, Khoa vẫn để yên, bàn tay Khoa với những ngón tay dài và thon, lòng bàn tay vài chỗ chai sạn, nhưng anh nghĩ, một bàn tay thật đẹp và khỏe mạnh, anh bóp bóp những ngón tay của Khoa rồi không kìm được, anh vuốt nhẹ bàn tay Khoa.
“Bàn tay Khoa chẳng giống bàn tay người miền quê chút nào, bàn tay Khoa rất đẹp.”
“Vậy hả, mẹ mình cũng nói vậy đó, mà cậu biết coi bói tay không?”
Đăng lắc đầu. Anh có một cảm giác thật ấm áp khi nắm bàn tay Khoa. "Nắm bàn tay Khoa thật thích, mình ước có những ngón tay đẹp như của Khoa.” Đăng lấy mu bàn tay mình xoa nhẹ vào tay Khoa làm Khoa cảm thấy hơi nhột nhột vì những cộng lông trên mu bàn tay Đăng. Khoa cười khúc khích nhưng anh cảm thấy hay hay, vui vui.
* * *
“Nè làm ly nữa đi há, rồi mình tâm sự nhiều chuyện.”
“Lại muốn khai thác đời tư của mình nữa hả.”
Khoa hơi có chút vẻ trầm ngâm, anh rót một ly đưa cho Khoa, một tay anh đặt lên vai Đăng, anh bóp nhè nhẹ:
“Đăng nè!”
“Hả, chuyện gì!”
“Đăng có xem mình là người bạn thân không?”
“Khoa là người bạn thân nhất của Đăng đó, sao vậy?”
"Đăng nè!"
"Nè hoài, nói đi."
Khoa uống hết nửa ly rượu còn lại sau khi Đăng uống, rồi tiếp: "Nhiều khi mình muốn hỏi Đăng, nhưng mình ngại, hôm nay, mình muốn hỏi bạn, nhưng mà Đăng phải biết mình rất yêu mến Đăng, xem cậu như là một người thân thiết của mình."
“Thì có gì đâu, hỏi đi, chuyện gì vậy.”
Đăng cảm thấy trái tim mình như thắt lại khi nghe Khoa nói như vậy, anh cứ cảm tưởng đó là những lời nói đáng yêu nhất, thấm đượm tình cảm nhất trong đời của anh và hình như chỉ để dành cho riêng anh. Khoảng không gian yên ắng trước mắt cứ như ngừng lại, anh cảm thấy sao chơi vơi trong cái dịu dàng của ánh mắt, giọng nói của Khoa, vẫn cái ánh mắt của ngày đầu tiên anh gặp Khoa trong lớp. Vẫn cái giọng nói nhẹ nhàng trầm ấm và một chút vẻ gì đó uy quyền.
‘Khoa ơi, có gì mà mình không thể trả lời với Khoa, mình cho cả cuộc đời của mình còn được mà. Ước gì Khoa biết được mình yêu bạn đến chừng nào, trái tim mình đây chỉ muốn gào thét lên điều đó, mình chỉ muốn được ngả đầu vào gối bạn, để được nhìn sâu vào tận đáy mắt của Khoa, được ôm xiết Khoa vào lòng.’ Đăng chợt cười buồn, Khoa đâu có cần cuộc đời mình, dù có cho Khoa, cũng vô ích thôi mà.
|
“Gì mà cười một mình giống tửng quá vậy, mình nhiều khi thấy bạn sao lạ lạ vậy, Đăng nè!”
“Ừm, lại nè!”
“Đăng có thể nói cho mình biết chút ít về chuyện gia đình riêng tư của bạn không? sao bạn và mẹ bạn về đây vậy và rồi ba bạn đâu?”
Đăng bỗng nhẹ thở dài, anh co gối lại, hai tay ôm gối nhìn vào bếp lửa ra chiều tư lự. Khoa lặng lẽ đứng lên bỏ vào bếp vài cây củi, anh quay đứng bên Đăng và cúi xuống vỗ vỗ nhẹ vào vai Đăng rồi anh ngồi xuống, anh tựa lưng vào Đăng, anh cảm giác hơi nóng ấm áp dịu dàng lan toả. Khoa kiên nhẫn chờ đợi Đăng trải rộng lòng mình với anh.
“Mình là con một trong gia đình giống như Khoa vậy. Hồi trước nhà mình ở trong một con hẻm nhỏ lặng lẽ trong lòng một quận nội thành đông đúc của Sài gòn. Ba mình là một kỹ sư xây dựng, ông làm trong một xí nghiệp xây dựng quốc doanh, lương thì không nhiều, nhưng thu nhập khá nhiều từ những khoảng phẩy phết do những công trình xây dựng của nhà nước mang lại. Mẹ mình không đi làm, chỉ ở nhà chợ búa và dọn dẹp nhà cửa. Cuộc sống của mình có thể nói là khá hạnh phúc, mình đi học gần nhà, cái gì cần, cái gì thích, ba đều mua cho mình. Có lẽ mình nghĩ cuộc sống của mình sẽ mãi là những ngày êm đềm no ấm và đều đặn như vậy.”
“Rồi cho đến một ngày cách đây hơn năm, một lần mình đi học về, mình thấy ba mẹ mình hình như vừa to tiếng với nhau, mình không biết có chuyện gì cả, chỉ nghe ba mình quát to: ‘Mẹ con bà còn muốn gì nữa, tôi đem tiền về chu cấp mọi thứ cho mẹ con bà.’ Mẹ mình thì nước mắt ràn rụa. Bà chỉ nhìn mình với ánh mắt đau khổ và ngại ngùng, mình không biết gì cả, nhưng cũng chẳng dám nói hay hỏi gì, mình chỉ biết nín khe rồi rón rén về phòng. Từ ngày đó, ba mình ít khi ăn cơm ở nhà, ông thường xuyên đi về khuya, đôi khi đi vài ngày mới về. Mình hỏi: ‘mẹ ơi, chuyện gì vậy mẹ.’ Mẹ mình không nói gì cả.”
“Nhưng rồi mình cũng biết, ba mình đã có một người đàn bà khác trong cuộc sống. Mẹ mình thì vẫn câm lặng và chịu đựng, bà không muốn làm to chuyện, và vẫn hy vọng ngày nào đó ba mình sẽ quay về. Mình đã lầm, và mẹ mình cũng lầm, càng ngày, ba mình càng công khai, thậm chí không cần dấu diếm mẹ mình nữa. Một ngày, khi mẹ mình đi Đà Lạt để thăm bà con rồi trở lại nhà sớm hơn dự định, bà bắt gặp ba mình đang ân ái với người đàn bà đó trong phòng.”
“Cái gì phải đến rồi cũng sẽ đến, ba mẹ mình đã ra toà ly dị, mẹ mình không đòi hỏi gì cả, bà chỉ lặng lẽ đau khổ chấp nhận tất cả những gì toà phán. Với một số tiền để dành, mẹ mình mướn một căn nhà gần trường mình đang học, rồi bà mở một sạp nhỏ bán quần áo, mỹ phẩm. Mình cũng giận ba mình lắm, nên khi ở tòa án quận, mình nhất quyết đòi ở với mẹ mình. Cuộc sống cũng tạm được, nhưng không bằng trước kia. Mình vào lớp học, mình xấu hổ và đầy mặc cảm với bạn bè, và rất là buồn.”
“Đến mùa hè, một người bà con xa của bên ngoại ghé thăm mẹ mình, bà ta là một phụ nữ tốt bụng, nhìn thấy mẹ mình quéo quắt vì buồn, bà nói, ‘thôi, em phải đổi gió một thời gian thôi em à, chị có một người quen ở một khu chợ vùng ngoại ô, về đó buôn bán đi em, vừa buôn bán kiếm sống, vừa thay đổi cái không khí chung quanh mình, đừng có đày đọa ở cái nơi ngột ngạt đầy buồn chán này nữa.’ Mẹ mình ái ngại vì chuyện học của mình, bà ta liền nói, ‘ở đó có trường cấp ba nữa, mới xây.’ Mình nhìn mẹ gật đầu.”
“Thế rồi, mẹ mình đã về đây sang lại căn phố lầu ở chợ, mẹ mình mở sạp bán tạp phẩm, mỹ phẩm linh tinh. Từ hồi mẹ mình về đây, bà vui hơn, vì dân ở đây cục mịch, nhưng không quê mùa lắm, và lại tình cảm hơn. Dòng sông nhỏ mát rượi với những cơn gió, vườn bưởi thơm ngát mùa trổ bông, những luống hoa tươi rói nhiều màu sắc, cái khu phố chợ nhỏ vừa đủ đông vui nhộn nhịp… làm mẹ mình như dịu lại nỗi cay đắng và thay đổi của cuộc đời, từ một người đàn bà chỉ biết chuyện trong nhà, nay đã tự lực làm việc sinh sống. Còn mình, mặc dù không còn sự thương yêu của ba, nhưng rồi mình cũng an ủi phần nào khi về đây, mình đã có sự bù đắp… cậu biết là gì không?”
“Biết rồi, là mình phải không?” – Khoa cười tinh quái. Anh cảm thấy một niềm vui len lén nhè nhẹ len lỏi không thể kiềm chế trong lòng anh.
“Thật sự là vậy, bạn là niềm vui, là món quà trời cho mình đó!”
“Quê quá ông ơi!” – Khoa nói, nhưng anh thấy lòng mình cũng san sẻ được cái tình cảm nồng nàn của Đăng dành cho anh. Khoa tựa lưng vào Đăng, anh ngả cổ vào vai Đăng. Bất giác anh đưa tay vân vê cái lọn tóc quăn quăn sau ót Đăng. "Mình sẽ mãi mãi là chỗ dựa của bạn, hãy sống ở đây đi, đừng có đi đâu nữa Đăng nhé, ở đây lấy vợ sanh con lập nghiệp ở đây.”
“Mình không lấy vợ.” – Nét mặt Đăng bỗng nhiên cau có.
“Làm gì mà phản ứng ghê vậy.” – Khoa hơi ngạc nhiên.
Đăng thấy mình khá vô lý, anh dịu lại, "Thật ra thì cuộc sống của mình không tệ, mình biết nhiều người còn khổ hơn mình nhiều, mình vẫn còn mẹ rất thương yêu mình, và mình còn có Khoa nữa." Đăng không thể kìm được một tiếng thở dài nhẹ.
“Gì vậy cậu, lại có băn khoăn gì nữa vậy.”
“Mình sợ ngày nào đó mình sẽ không còn bạn nữa. Khoa sẽ xa mình, mình sẽ buồn lắm.”
“Trời ơi, sao mà đa sầu đa cảm vậy, mình sẽ là bạn thân của cậu mà, có cậu bỏ mình thì có.”
“Làm gì có điều đó, không bao giờ.” Đăng trả lời mau lẹ.
“Sao lại không, cậu đẹp trai lại tài giỏi, thiếu gì con gái nó theo, ngó ngàng gì đến thằng bạn này. Mà nè, Đăng có người yêu chưa vậy, trên Sài gòn thì con gái đẹp và chưng diện lắm.”
“Vậy mình không thèm có bạn gái, suốt đời làm bạn với Khoa thôi há.” Đăng nói ra xong, cảm thấy một chút gì đó khoây khỏa, dịu lại trong lòng.
|