Đông Cung (Phỉ Ngã Tư Tồn)
|
|
Nghe xong những chuyện này, tôi lại cảm thấy bực bội. Tình cảm của đàn ông thật khó mà tin được, nhất là đàn ông sinh ra và lớn lên trong hoàng thất, đứng trước toàn thể thiên hạ, phụ nữ có là gì? Cố Kiếm từng nói, một người muốn lên ngôi hoàng đế, tránh sao được máu lạnh và nhẫn tâm. Tôi thấy sư phụ nói cũng phải.
Chiều xuống, bỗng nghe tiếng mưa rơi tí tách. Vĩnh Nương trông ra làn mưa ngoài cửa điện, khẽ than thở:
- Năm nay hoa kém tươi rồi!
Bệnh của tôi đã đỡ hơn, nhưng tôi lại mắc thêm bệnh ho. Thái y kê nhiều loại thuốc, ngày nào cũng uống mà vẫn không khỏi. Tôi vừa ho, Vĩnh Nương đã vội kéo cho tôi chiếc chăn, chỉ lo tôi bị nhiễm lạnh. Tôi cũng mong bệnh của mình sớm khỏi, để tôi và A Độ còn về Tây Lương.
Dù Tây Lương của tôi đã thay đổi như thế nào, tôi vẫn muốn quay về.
Tôi ngồi trước cửa sổ, ngắm cánh hoa anh đào mong manh, ủ dột trong mưa, như những miếng lụa cắt vụn sũng nước, nặng trĩu còn bấu víu lấy cành. Vĩnh Nương đã sai người dựng màn gấm, những nhà giàu ở Trung Nguyên thường làm cách này để giữ hoa, mưa rơi xuống không tàn phá được cây cối, hoa cỏ dưới tấm màn che. Tôi nhìn những bông hoa anh đào núp mình dưới tấm màn gấm, bốn góc còn móc những chiếc chuông vàng nhỏ xinh để đuổi lũ chim, gió lay chuông văng vẳng tiếng ngân.
Tôi thường ngồi thẫn thờ nhiều canh giờ, Vĩnh Nương nghĩ tôi đã biến thành một người khác. Trước kia tôi rất nghịch ngợm, giờ lại trầm như thế này, bà ấy thường nhìn tôi vẻ rất dỗi lo âu.
A Độ cũng lo lắng không kém, muội ấy rủ tôi ra ngoài chơi không chỉ một lần, nhưng tôi không thể nào vực nổi tinh thần. Tôi chưa kể cho A Độ nghe tôi đã nhớ ra những chuyện trước kia, tôi thầm nhủ có nhiều chuyện, tự mình chịu đựng thì tốt hơn.
Lúc hoa tàn thì tiết trời cũng bừng ấm. Trong cung thay áo mới, Đông cung cũng rục rịch thay sang những bộ xiêm y mỏng manh, qua đợt này sẽ bước vào hè. Vĩnh Nương sai người dựng trong sân điện một cột xích đu, trước kia tôi thích ngồi dây đu lắm, nhưng trong mắt Lý Thừa Ngân, xích đu biến thành một trò hề, chẳng trách trong Đông cung chưa từng có xích đu. Giờ Vĩnh Nương sai người làm một cái cho tôi, nhưng tôi chẳng thiết chơi trò đó nữa.
Lúc đang dựng xích đu thì tôi gặp Bùi Chiếu. Lâu lắm rồi tôi mới thấy bóng dáng gã, từ lúc gã khuyên tôi không nên qua lại với Nguyệt Nương, tôi không gặp gã thêm lần nào nữa. Tôi sực nhớ lần đầu gặp Bùi Chiếu, gã đã đoạt đao trên tay A Độ, rồi cả tiếng kêu kinh hoàng bên bờ sông Quên. Chắc gã không biết tôi đã nhớ lại tất cả.
Mà tôi sẽ không kể với gã chuyện đó, nếu biết thế nào gã cũng đề phòng tôi. Người Trung Nguyên là những kẻ giả dối, giờ tôi cũng tiếp thu được ít nhiều, tôi phải giấu đi, có thế mới tìm được thời cơ cùng A Độ bỏ trốn.
Bùi Chiếu mang biếu tôi ít quà trong cung ngự ban, nghe nói là chiến lợi phẩm Đại tướng quân Bùi Huống mang về từ Cao Ly. Bệ hạ ban thưởng không ít người, chỗ tôi cũng có phần.
Đều là đồ cổ và châu báu, xưa nay tôi chẳng có hứng thú với những thứ này, chỉ bảo Vĩnh Nương để gọn gàng vào một chỗ.
Bùi Chiếu vẫn ôm trên tay một chiếc giỏ, tự tay dâng lên tôi.
Tôi không nhận, sai Vĩnh Nương mở ra xem, thì ra bên trong có một chú mèo con, lông trắng muốt. Hai mắt nó một bên màu lam, một bên màu lục, vô cùng đáng yêu. Nó vươn người trong giỏ, khẽ kêu.
Tôi hỏi:
- Bệ hạ ban thưởng cả cái này ư?
Bùi Chiếu nói:
- Con mèo này cha mạt tướng mang về, nghe nói là cống phẩm của Xiêm La. Huynh đệ trong nhà nghịch ngợm, e không nuôi được, mạt tướng liền đem tặng Thái tử phi.
Tôi bế chú mèo con, nó nằm trong lòng tôi kêu “meo meo”, cái lưỡi màu hồng nhỏ xíu liếm liếm ngón tay tôi. Tay tôi có cảm giác râm ran, tê tê khó chịu mà đáng yêu vô cùng. Tự nhiên tôi thấy thích con mèo con này. Tôi liền cười, nói với Bùi Chiếu:
- Vậy giúp ta chuyển lời cảm ơn tới Bùi lão Tướng quân nhé!
Chẳng hiểu sao tôi lại có cảm giác Bùi Chiếu vừa thở phào. Tôi tươi cười nhìn gã. Thoạt đầu, gã theo Lý Thừa Ngân đi chinh phạt Tây Vực, gã là người rõ mọi chuyện hơn ai hết. Ngày đó, bên bờ sông Quên, cũng chính gã đã nhìn thấy tôi nhảy xuống. Thế mà trước nay gã im lặng, không hé răng dù chỉ nửa lời. Tôi nghĩ, thực ra gã hết mực trung thành với Lý Thừa Ngân. Nếu gã biết tôi đã nhớ lại mọi chuyện, liệu gã có lập tức thay đổi thái độ, đề phòng tôi không? Người Trung Nguyên đầy âm mưu, quỷ kế, tôi phải học từ từ, rồi mọi đau đớn bọn chúng chất chồng lên tôi, tôi sẽ trả lại hết.
Tôi dỗ chú mèo con:
- Meo meo ơi, em muốn ăn cá không?
Mèo con đáp lại bằng một tiếng “meo”, nó lè lưỡi liếm ngón tay tôi khiến tôi ngưa ngứa, bất giác bật cười thành tiếng. Tôi ẵm nó lên cho A Độ xem:
- Xem này, mắt nó đẹp thật!
A Độ gật đầu. Tôi bảo Vĩnh Nương lấy sữa bò cho nó uống, rồi lại bàn với A Độ xem nên đặt tên cho nó là gì.
Tôi hỏi A Độ:
- Gọi nó là Tiểu Hoa nhé?
A Độ lắc đầu. Tôi cũng thấy buồn cười, lông con mèo trắng muốt, làm gì có sợi khác màu nào đâu, chắc chắn không hợp với cái tên Tiểu Hoa rồi.
- Thế gọi là Tiểu Tuyết nhé?
Tôi lảm nhảm với A Độ mãi, bảo phải làm cho nó cái ổ, rồi đặt tên… chẳng rõ Bùi Chiếu đã về từ bao giờ.
Từ khi có con mèo này, tôi ở Đông cung cũng bớt phần cô quạnh. Tiểu Tuyết rất nghịch ngợm, mỗi trò vờn đuôi thôi mà nó chơi mãi không chán. Khi hoa đào, hoa mận vào mùa tàn phai, cánh hoa mỏng manh bay trong gió như những bông tuyết giữa lưng chừng trời, Tiểu Tuyết lại chồm mình vờn bắt, thế mà khi những cánh hoa rơi đầy trên cầu, nó lại không thèm đoái hoài. Thỉnh thoảng có con bướm dạo qua, Tiểu Tuyết vờn nó chạy vòng quanh sân, bướm bay đến đâu, nó nhảy theo đến đó…
Lần nào Vĩnh Nương cũng mắng:
- Mèo đâu mà mèo, nghịch hơn cả cáo thành tinh.
Những ngày tháng bình yên cứ thế trôi qua. Ngày ngày ngắm Tiểu Tuyết nghịch ngợm chạy khắp nơi, ngắm hoa trong vườn đơm nở rồi lại héo tàn, trái anh đào chín đỏ rủ đầy cành, rồi lại ngắm đào, ngắm mận đã dệt những quả to cỡ hạt đậu nành trên cành lá xanh mướt. Thời gian như dòng nước trôi không một tiếng báo trước, ngày lại ngày cứ thế qua đi. Tối tối, tôi lại ra bậc thềm ngồi, ngắm trăng treo lơ lửng trên ngọn cây. Hàng triệu năm nay, trăng vẫn lên cao trong im lặng, không trĩu buồn, cũng chẳng cười vui. Một ngày gió sương, ánh trăng đổ xuống mái ngói lưu ly, như dát một lớp sương bạc mỏng. Dòng sông sao vẫn lặng lẽ toả sáng, Tiểu Tuyết nhoài mình kêu “meo meo” dưới chân, tôi vuốt ve cái cổ ấm nóng, mềm mại của nó, ôm nó vào lòng. Tôi cứ im lặng chờ đợi thời cơ để thoát khỏi chiếc lồng son này.
Thời gian qua tôi ốm nằm một chỗ, mọi lễ tiết trong Đông cung cũng được giản tiện, không nhất thiết phải hỏi ý kiến tôi. Trước kia, tuy có nhiều việc Triệu Lương đệ cai quản, song cơ bản vẫn do tôi nắm quyền quyết định. Tôi đổ bệnh nhiều ngày nay, những lễ lạt và yến tiệc trong cung đều vắng mặt. Đến khi bệnh tình khá hơn thì Tự Bảo lâm lại ngã bệnh.
Bệnh tình của muội ấy rất trầm trọng, thuốc thang đủ cả song vẫn không có chuyển biến, vậy mà người trong Đông cung chẳng có ai ngó ngàng, nếu Vĩnh Nương không buột miệng nói ra thì tôi cũng chẳng biết Tự Bảo lâm bị bệnh sắp chết.
Không hiểu vì sao tôi lại chủ động đến thăm cô ấy. Phần vì cảm thông, phần vì chính bản thân tôi cũng muốn cho Lý Thừa Ngân thấy rằng, tất cả vẫn vậy, chẳng có gì khác thường, hoặc để Lý Thừa Ngân vẫn nghĩ tôi chỉ là một Thái tử phi ngớ ngẩn, khờ khạo, trong lòng không hề toan tính âm mưu.
Tự Bảo lâm vẫn sống trong tiểu viện nằm lẩn khuất trong Đông cung trước kia, hai cung nữ hầu hạ cô ấy đã được đổi từ lâu. Chuyện bùa ngải tuy không làm ầm ĩ, song Triệu Lương đệ vẫn kiếm cớ bắt nạt cô ấy. Tôi ốm một thời gian dài nên sự quan tâm dành cho cô ấy cũng vơi đi phần nào. Tôi vô cùng áy náy, nếu tôi sớm phát hiện ra, chưa biết chừng Tự Bảo lâm đã không ốm đến nông nỗi này.
Tự Bảo lâm gầy rạc đi, chẳng khác nào một bộ xương khô, tóc tai xỉn màu, khô như một khóm cỏ dại. Tôi thoáng nhớ lần đầu gặp nhau, cô ấy vừa mất đi đứa con trong bụng, dáng vẻ cũng võ vàng, nhưng vẻ võ vàng hồi ấy chỉ như bông hoa tươi tắn đang oằn mình dưới cơn mưa rào, còn bây giờ, cô ấy chỉ còn là một bông cúc tàn hứng gió tây, vẻ tươi tắn ngày nào đã trở nên héo rụi.
Tôi gọi rất lâu, Tự Bảo lâm mới hé mắt nhìn, ánh mắt hốt hoảng, lờ đờ.
Dường như cô ấy không nhận ra tôi, chỉ hé mắt một lát rồi lại khép mi thiếp ngủ.
Vĩnh Nương khéo léo thuật lại lời của thái y cho tôi nghe, tình hình Tự Bảo lâm thế này, chỉ e không kéo dài được mấy ngày nữa.
Năm nay cô ấy mới mười tám tuổi, tuổi thanh xuân của người con gái, chớp mắt đã trôi qua, mà chốn Đông cung cô quạnh này chẳng khác nào một con quái thú, ngấu nghiến tất cả những điều tốt đẹp, tươi vui. Người con gái đương tuổi xuân thì như bông hoa, mà chỉ nửa năm ngắn ngủi đã héo hon, tàn úa.
|
Tôi thấy buồn rầu, lúc rời khỏi chỗ Tự Bảo lâm, tôi hỏi Vĩnh Nương:
- Lý Thừa Ngân đâu?
Vĩnh Nương cũng không biết, liền sai người đi hỏi, mới hay Lý Thừa Ngân và Ngô Vương đã đi đá cầu.
Tôi đến chính điện đợi Lý Thừa Ngân, đợi mãi đến xế chiều mới trông thấy một đội chừng bảy, tám tên lính Vũ lâm lang bước qua cửa Minh Đức. Những kẻ khác đều xuống ngựa, chỉ có mình chàng rong ngựa băng qua khoảng sân rộng trước điện, tiến thẳng về phía này. Tôi thấy trong lòng rối bời, phải vài tháng rồi chúng tôi không nhìn mặt nhau. Trước đây, tuy tôi và chàng không phải ngày nào cũng gặp, những cứ cách một dạo, chàng lại hùng hổ đến chỗ tôi chỉ để tranh cãi những chuyện cỏn con. Nhưng bây giờ, tôi và chàng đã không còn gặp gỡ, cũng chẳng thể cãi nhau nữa rồi.
Thực ra, tôi luôn tránh mặt chàng. Mỗi khi nhớ đến chuyện cũ, tôi lại muốn giết chàng để báo thù.
Có lẽ, hôm nay tôi đi thăm Tự Bảo lâm chỉ là một cái cớ tôi tự biện cho mình, cốt để đến tìm chàng. Tôi dõi theo bóng chàng cưỡi ngựa tiến lại gần, lòng chợt nhớ đến nụ cười rạng ngời trên gương mặt chàng lúc phi ngựa chạy về phía tôi trên thảo nguyên bao la.
Chàng chưa từng cười như thế thì phải. Dẫu sao, đó là Cố Tiểu Ngũ chứ nào phải Thái tử Lý Thừa Ngân.
Nội thị tiến lên hầu Lý Thừa Ngân xuống ngựa, chàng ném roi da cho thái giám, bước lên bậc thềm, như không hề trông thấy tôi.
Tôi đứng dậy gọi chàng, rồi nói:
- Chàng đến thăm Tự Bảo lâm một lần đi.
Đến lúc đó chàng mới quay lại nhìn tôi. Tôi lại nói:
- Cô ấy bị bệnh nặng, sợ không qua khỏi.
Chàng cũng chẳng bận tâm, cứ thế rảo bước tiến thẳng vào điện.
Mình tôi bơ vơ đứng đó, gió đầu hè phả hơi mát lành lên gò má, vậy ra mùa xuân đã qua.
Nếu là trước đây, hẳn chúng tôi sẽ lớn tiếng đôi co, tôi sẽ ép chàng đi thăm Tự Bảo lâm, dẫu phải trói, tôi vẫn lôi chàng đến đó bằng được.
Còn giờ thì sao? Tôi biết rõ rằng, không yêu tức là không yêu, dẫu hôm nay Tự Bảo lâm có trút hơi thở cuối cùng thì đã sao? Chỉ e chàng đã sớm quên cô ấy rồi. Quên đi người con gái xinh đẹp, quên đi họ từng có với nhau một đứa con, quên đi bao nhiêu đêm dài cô ấy thao thức đợi chờ là bấy nhiêu đêm héo hon, quạnh quẽ. Giống như chàng đã quên tôi, quên tôi từng yêu, từng hận chàng, quên một trăm con đom đóm chàng từng bắt, quên tôi từng nhảy xuống sông Quên, cắt lìa mọi ràng buộc giữa tôi và chàng…
Tất cả, chẳng phải là cầu được ước thấy đó sao?
Trời ngày càng nóng, Tự Bảo lâm chìm vào hôn mê, cứ yếu dần, đến lúc chẳng còn ăn uống được gì. Hằng ngày tôi đều đến thăm cô ấy, Vĩnh Nương cũng khuyên tôi vừa mới ốm dậy, không nên ở lại chỗ người bệnh quá lâu, nhưng tôi bỏ ngoài tai. Tôi chăm sóc Tự Bảo lâm, như thể đang chăm sóc chính cái tôi đang hấp hối trong thâm tâm mình.
Tôi túc trực bên Tự Bảo lâm, bọn cung nữ có muốn kiêng dè cũng không dám lên tiếng. Song bệnh tình của Tự Bảo lâm đã đến nông nỗi này, giờ đây, sự chăm sóc, lo lắng dành cho cô ấy có phải là thừa thãi?
Tiết chiều oi ả, chuồn chuồn vờn bay trước khoảng sân, tàu lá chuối im lìm bên bờ tường, không khí ngột ngạt không một gợn gió. Sắc trời dần ngả tím, mây đen kịt phía trời tây, có vẻ sắp mưa.
Bữa nay tinh thần Tự Bảo lâm có vẻ khá hơn, cô ấy hé mắt nhìn những người xung quanh một lượt. Tôi nắm tay cô ấy, hỏi:
- Muội có muốn uống nước không?
Cô ấy nhận ra tôi rồi mỉm cười, song cũng không uống nước, một lát sau lại chìm vào mê man, hơi thở đuối dần.
Tôi triệu thái y đến. Ông ấy bắt mạch xong, liền nói:
- Nếu Bảo lâm có phúc hơn người, ắt sẽ bình yên vô sự.
Tuy tôi nông cạn, song cũng ngộ ra lời ngự y nói, bệnh của cô ấy đã vô phương cứu chữa.
Vĩnh Nương toan khuyên tôi ra về, nhưng tôi không nỡ. Bà ấy đành sai người âm thầm đi chuẩn bị hậu sự. Sắc trời thêm âm u, trong phòng hầm hập, cung nữ nhón chân đi châm đèn. Ánh nến chan hoà, rọi xuống bên giường bệnh. Sắc mặt Tự Bảo lâm trắng bệch, khoé miệng mấp máy, tôi kề tai bên môi cô ấy mới nghe được hai tiếng thốt ra nhẹ bẫng, thì ra là: “Điện hạ…”
Tôi thấy buồn vô hạn, có lẽ trước lúc lâm chung, cô ấy chỉ mong được gặp Lý Thừa Ngân một lần.
Thế mà tôi lại không thể gọi chàng tới đây.
Người đàn ông này quyến rũ rồi hất bỏ, để cô ấy một thân một mình trơ trọi trong chốn thâm cung. Nhưng sao cô ấy lại không thể quên chàng?
Dẫu có bạc bẽo, dẫu có phụ tình, dẫu chỉ là thờ ơ…
Chỉ cần bấy nhiêu, chỉ cần một lần vô tình nhớ tới, thế mà cũng chẳng được thoả lòng…
Tôi nắm tay cô ấy thật chặt, cốt để truyền cho cô ấy chút hơi ấm cuối cùng, thế mà bàn tay ấy cứ lạnh dần…
Vĩnh Nương khuyên tôi nên ra về, để cung nữ thay quần áo cho Tự Bảo lâm. Bà ấy từng nói việc ma chay có rất nhiều thứ phải lo. Thêm vào đó, vẫn còn một số chuyện cần phải giải quyết cho đường hoàng, như dâng thư lên lễ bộ, biết đâu sẽ truy phong cho cô ấy một danh phận cao hơn, hoặc ban một chức quan nho nhỏ cho người nhà cô ấy… Tôi nhìn cung nữ phủ một chiếc khăn gấm lên khuôn mặt đã tắt thở của Tự Nương, dù là khổ đau hay vui vẻ, tất cả đã chấm dứt thật rồi, tuổi đời dù ngắn ngủi nhưng cũng đã dừng lại ở đây…
Tiếng sấm rền từ phía chân trời vọng lại, Vĩnh Nương nán lại lo chuyện hậu sự. A Độ đưa tôi về tẩm điện. Lúc bước lên cầu, chợt nghe văng vẳng tiếng nhạc từ phía chính điện. Âm thanh xa vời bỗng gợi tôi nhớ về một buổi tối xa xưa bên bờ sông, vẳng nghe đằng xa có tiếng hát của người Đột Quyết, ấy là một bài tình ca trầm thấp mà êm dịu, có chàng dũng sĩ Đột Quyết đứng ngoài cửa lều của người con gái mình yêu, nhờ lời ca tiếng hát để bày tỏ tình cảm thầm kín từ tận đáy lòng mình với người ấy.
Trước đây, tôi không nhận ra giọng hát ấy lại đi vào lòng người đến thế, nó thoắt ẩn, thoắt hiện như tiên khúc. Bầy đom đóm rập rờn quanh những bụi cỏ mọc ven sông, từng đốm chợt sáng rồi chợt tắt, thật giống sao băng, hoặc tựa như có nắm bụi vàng ai đó vung tay vẩy xuống. Thậm chí, tôi còn nghĩ, bầy đom đóm lập loè ấy chính là sứ giả nhà trời, họ cầm những chiếc đèn lồng nhỏ xíu, nhóm lên những đốm lửa lung linh giữa trời đêm lộng gió. Vùng đất ven sông thoáng đó đã rải rác những ánh lửa li ti, tiếng cười vui như xa cách một tầng mây…
Tôi thấy chàng nhảy lên, lòng bàn tay đã chụp được mấy con đom đóm, chúng toả sáng lập loè giữa những kẽ ngón tay. Võ công của người Trung Nguyên giống như một bức tranh, hoặc một bài thơ phóng khoáng. Nhất cử nhất động của chàng như đang nhảy múa, trên đời này chẳng có điệu múa nào khí khái, hào hùng đến thế. Chàng tung người giữa không trung, xoay nhưng góc tuyệt diệu, đuổi theo lũ đom đóm thoắt ẩn thoắt hiện. Ống tay áo khẽ gợn theo làn gió…
Bầy đom đóm chen nhau bay vụt đi, tản vào không gian như những ngôi sao băng nhỏ xíu rồi vây quanh chúng tôi. Ánh sáng rạng rỡ chiếu lên khuôn mặt chúng tôi, tôi thấy đôi mắt đen láy của chàng đang nhìn mình say đắm… Lời ca cách trở, xa xôi, xa như người trên trời, kẻ dưới đất…
Máu trong tôi như muốn sôi lên, trên bầu trời thẫm đen như mực đột nhiên loé lên những lần chớp sáng rực, ánh sáng màu tím như một đường gươm, chớp ngoằn ngoèo rẽ nhánh, vạch vào màn trời những vết nứt…
Tôi bảo A Độ:
- Muội về trước đi!
A Độ không chịu, lại lẽo đẽo theo tôi. Tôi gỡ chuôi đao đeo bên hông A Độ, nói:
- Muội về thu vén những thứ cần thiết, khi ta về, chúng ta sẽ lập tức khởi hành đi Tây Lương.
A Độ nhìn tôi với ánh mắt đầy nghi hoặc lẫn khó hiểu. Tôi thúc giục mãi, muội ấy mới chịu quay về.
Ngày hôm nay, tôi phải chấm dứt mọi chuyện.
|
Chương 14
Tôi mon men tiến vào chính điện, mới nhận ra trong này chẳng hề có yến tiệc linh đình. Cung nữ trực đêm chẳng rõ đã bỏ đi đâu, bên trong không một bóng người, ngoài Lý Thừa Ngân đang ngồi bên cửa sổ thổi tiêu.
Chàng mặc áo bào trắng, thần sắc nghiêm túc, không giống vẻ mặt thường ngày tôi vẫn thấy. Vẻ tư lự trên vầng trán như biến chàng thành một người xa lạ. Tôi chợt nhớ đến Cố Tiểu Ngũ, khi chúng tôi mới quen nhau, dường như chàng cũng mang dáng vẻ chín chắn như thế này. Nhưng dạo đó, chàng hồ hởi và hay lớn tiếng cười đùa với tôi.
Giờ tôi mới biết chàng còn có tài thổi tiêu.
Không rõ chàng thổi bài gì mà giai điệu man mác như thể nỗi mất mát khiến chàng hoang mang.
Nghe thấy tiếng bước chân, chàng mới buông cây tiêu, ngoái đầu nhìn. Thấy tôi, chàng lạnh nhạt ra mặt.
Tôi không thể kìm nén sự phẫn nộ, rút đao xông lên. Quả nhiên chàng không thể ngờ tôi vừa xuất hiện đã phăm phăm lao tới, nghiêng người né tránh.
Tôi chẳng nói chẳng rằng, chỉ có thanh đao trên tay chém vun vút. Thực ra tôi không biết võ công, thân thủ của Lý Thừa Ngân lại lanh lẹ, nhưng tôi lăm lăm thanh đao trong tay nên chàng chỉ có thể né tránh. Tôi vung từng nhát chí mạng, Lý Thừa Ngân khổ sở tránh né, mấy lần suýt dính đao, vậy mà chẳng hiểu sao, chàng không hề gọi người.
Thế cũng tốt. Thoạt đầu thì là do giận dữ, về sau, thanh đao trên tay tôi dần mất kiểm soát do tôi đuối sức. Hai chúng tôi ẩu đả trong im lặng, đánh mãi khiến tôi mệt, thở hổn hển. Cuối cùng, Lý Thừa Ngân bẻ ngoặt cánh tay tôi, giằng lấy thanh đao rồi quẳng ra xa. Tôi chớp thời cơ, cắn phập vào bàn tay chàng, vị tanh nồng còn vương ở kẽ răng. Cơn đau khiến chàng kéo bả vai tôi và cả hai ngã lăn ra đất. Tôi quơ tay, với lấy con sư tử bằng đồng trên tấm thảm, đập vào chân chàng. Con sư tử tinh xảo ấy móc vào quần, kéo rách toạc một đường khá dài. Chàng đau đến nhăn nhó mặt mày, tay ấn chặt vào vết thương trên đùi. Tôi thấy trên chân chàng có một vết sẹo, răng của loài dã thú khoét một vết sâu hoắm, nhìn thật gớm ghiếc. Sau bao nhiêu năm mà vết thương ấy vẫn thật đáng sợ. Tôi sực nhớ những gì Cố Kiếm đã nói, chàng giết vua sói mắt trắng để xin cưới tôi, sau bị vua sói cắn vào chân. Nhưng đâu có phải vì muốn cưới tôi, chàng cấu kết với bọn Nguyệt Thị hòng lừa ông ngoại… Lòng tôi càng thêm bứt rứt, nhưng chỉ thất thần một lát, chàng đã dằn tôi xuống thảm, bẻ quặt cánh tay tôi.
Chân tôi đá loạn xị, chàng đè tôi xuống, không cho tôi cử động. Cổ tôi nhớp nháp mồ hôi, áo quần dính vào da thịt. Chúng tôi vật lộn đến nỗi mồ hôi đầm đìa trên trán chàng, chảy dài xuống má, đến tận cằm, sắp rơi xuống mặt tôi. Tôi vội vàng né tránh, Lý Thừa Ngân lại tưởng tôi vùng vẫy toan chụp con sư tử bằng đồng đặt gần đó, nhanh nhẹn giữ chặt vai tôi. Chẳng ngờ lúc đang vặn người hòng tránh né, tôi nghe “xoẹt” một tiếng, vai áo bị chàng kéo rách, móng tay cào xước da thịt, cảm giác rất xót. Tôi nổi giận tính lên gối thụi chàng, tiếc là hụt. Ngoài trời bỗng rền vang tiếng sấm, lằn chớp tím đổ lên rèm, rọi vào điện sáng bừng. Tôi thấy khuôn mặt chàng đỏ gay, đôi mắt vằn tia đỏ, chàng loạng choạng bổ nhào về phía tôi.
Sẵn tinh thần cảnh giác, tôi lăn lê toan trốn, nhưng bị chàng kéo giật váy lại, tôi đạp cánh tay chàng ra, song chàng không chịu buông, ngược lại, còn vươn tay túm chặt thắt lưng tôi. Cung nữ đã thắt cho tôi một cái nút đôi, nhìn thì có vẻ phức tạp, song trên thực tế, chỉ cần rút nhẹ là tuột. Chỉ chốc lát chàng đã giũ tung đống dây lưng, tôi còn tưởng chàng định trói tôi lại nên thầm tính phải nhanh chóng giằng lấy một đầu dây. Tiếng sấm rền vang bên ngoài, những tia chớp thi nhau bổ toác nền trời, cơn gió khiến cửa sổ mở toang, rèm mành trong điện bay phất phơ. Tôi đang gồng mình để giằng lấy thì chàng bất ngờ nới lỏng tay siết, buông đầu dây bên kia ra, khiến tôi ngã nhào về phía sau, gáy đập trúng con sư tử bằng đồng đang đặt dưới sàn. Cơn đau nhói khiến tôi điếng người, hồi lâu không phản ứng được. Khuôn mặt Lý Thừa Ngân ở rất gần, chàng trừng trộ khiến tôi có cảm giác bất cứ lúc nào chàng cũng có thể thẳng tay cho tôi một cái tát, nhưng không. Sấm rền mỗi lúc một vang, như thể sét đánh ngay trên mái nhà, rồi bỗng dưng chàng cúi đầu, thay vì cho tôi một trận như tôi tưởng, chàng lại ngấu nghiến hôn tôi.
Lý Thừa Ngân nghiến rách cả vành môi tôi. Tôi cũng cắn chặt lưỡi chàng cho đến khi bật máu, vị tanh lan khắp vòm miệng, vậy mà chàng vẫn chưa chịu buông. Khuôn mặt chàng dữ tợn, giọng hằm hè tra hỏi:
- Cố Tiểu Ngũ là ai? Cố Tiểu Ngũ là ai hả? Nói! Có phải là gã thích khách kia không?
Cố Tiểu Ngũ là ai ư? Tôi ra sức vùng vẫy, tay chân đấm đá loạn xạ, vậy mà chàng vẫn trơ trơ, mặc kệ những cú đá, cú đấm ào ào nện vào người, xé toạc xiêm y của tôi. Tôi bật khóc nức nở:
- Cố Tiểu Ngũ là Cố Tiểu Ngũ. Cố Tiểu Ngũ tốt hơn chàng ngàn vạn lần!
Tôi nói rất thực lòng, chẳng ai bì được với Cố Tiểu Ngũ của tôi. Chàng từng giết vua sói mắt trắng vì tôi, chàng từng gom một trăm con đóm đóm vì tôi, đáng lẽ tôi đã là vợ chàng, nhưng chàng đã ra đi vào đúng ngày chúng tôi thành thân… Tiếng khóc của tôi vỡ òa, Lý Thừa Ngân nổi điên, sự thô bạo, căm hờn của chàng tưởng chừng có thể xé nát thân thể tôi thành trăm nghìn mảnh. Chưa bao giờ tôi trải qua những chuyện kinh khủng thế này. Tôi khóc lóc gọi Cố Tiểu Ngũ đến cứu mình… nhưng trong lòng tôi hiểu rõ, chàng vĩnh viễn không bao giờ tới.
Đôi mắt Lý Thừa Ngân vằn vện những tia máu đỏ, như con sói đơn độc không bầy đàn tôi từng gặp trên sa mạc, dáng vẻ dữ tợn rất đáng sợ. Cuối cùng, chàng bịt kín miệng tôi, nước mắt tuôn rơi mặn đắng khóe môi, nụ hôn thô bạo không khác nào cắn xé khiến tôi đau nhói.
Trời bắt đầu đổ mưa, chỉ một lát sau, mưa xối xả đổ trên mái hiên, như thiên binh vạn mã xé gió lao đến, trời đất chỉ còn lại tiếng nước đổ ào ào.
Tôi khóc đến sưng mọng cả mắt, đến rạng sáng thì mưa ngớt, trên mái hiên thỉnh thoảng những giọt nước lại gieo lộp bộp, gió đưa tiếng chuông đồng. Trong điện im lìm như một nấm mồ, tôi mệt bã người bởi vì khóc, tiếng thút thít vẫn không ngừng. Lý Thừa Ngân ôm tôi từ đằng sau, chàng giam chặt tôi trong vòng tay mình. Tôi nằm ngoảnh mặt vào trong để không phải nhìn thấy khuôn mặt chàng. Nước mắt tôi rơi đẫm gối làm má lạnh ngắt. Khẽ vén phần tóc gáy đẫm mồ hôi của tôi, chàng lại đặt lên đó một nụ hôn nóng rực.
Tôi vẫn còn run rẩy trong cơn thút thít, chỉ hận không thể giết được chàng.
Chàng nói:
- Tiểu Phong, sau này ta sẽ chăm sóc, yêu thương nàng, nàng quên gã Cố Tiểu Ngũ kia đi, được không? Ta.. thật ra ta thực lòng… thực lòng…
Chàng lập lại hai lần từ “thực lòng”, nhưng cuối cùng cũng bỏ ngỏ những gì muốn nói.
Cả đời này, có lẽ chàng chưa từng thẽ thọt, khúm núm đến thế. Chúng tôi nằm sát bên nhau, khi đó, tôi đã quay phắt lại, chàng liền giật ngửa về phía sau, như thể ánh mắt tôi vừa thiêu đốt chàng.
Tôi nói:
- Không bao giờ ta quên Cố Tiểu Ngũ.
Tôi tự nhủ, tôi cũng sẽ không bao giờ quên vẻ mặt chàng lúc này. Lúc đó, khuôn mặt chàng cắt không còn giọt máu, nước da trắng bóc giờ đây tái ngắt như da người bệnh. Chàng giương mắt, ngây ra nhìn tôi. Tôi cười khẩy:
- Cố Tiểu Ngũ tốt hơn chàng ngàn vạn lần, chàng sẽ không bao giờ bì được với Cố Tiểu Ngũ. Chàng tưởng trò cưỡng bức này sẽ khiến ta cam chịu theo chàng ư? Thế này thì có là gì đâu, cũng chỉ như bị chó cắn mà thôi.
Vẻ mặt chàng lúc đó khiến tôi thấy hả hê vô cùng, nhưng trong tôi là sự hụt hẫng và trái tim trống rỗng. Ánh mắt chàng đờ đẫn, mặt mày nhợt nhạt. Thoạt đầu, tôi đoán chúng tôi sẽ lại cãi vã, hoặc chàng sẽ xua tôi đi, sau này không bao giờ gặp nhau nữa, nhưng chàng vẫn lặng im.
Người trong Đông Cung không ai không biết chuyện tối qua, rằng tôi bị thương, cổ tay cổ chân bầm tím, Lý Thừa Ngân cũng chẳng khá hơn, mặt mũi không bị tôi cào xước thì cũng bị tôi cắn ngấu nghiến. Đám người hầu xì xào, Vĩnh Nương bối rối ra mặt, vừa xoa bóp vết bầm cho tôi, vừa nói:
- Nương nương nên ôn tồn hơn với Điện hạ.
Chưa cho chàng một nhát đao là ôn tồn với chàng lắm rồi. Chẳng qua vì võ công của tôi kém cỏi, nếu không, thể nào tôi cũng giết chàng. Tôi từng nhủ thầm, đợi đến lúc chàng ngủ say, tôi sẽ giết chàng, hiềm nỗi chàng không cho tôi cơ hội ấy. Lúc Vĩnh Nương đang xoa bóp chân tay cho tôi thì một cung nữ hớt hải chạy vào, thưa rằng không thấy Tiểu Tuyết đâu.
Tiểu Tuyết quen thói nghịch ngợm, hay trốn ra ngoài chơi, Vĩnh Nương bèn sai một cung nữ thường xuyên để mắt đến nó. Giờ không thấy Tiểu Tuyết đâu, cung nữ liền chạy vào bẩm báo tôi.
Vĩnh Nương gọi nhiều người đi tìm, song không tìm ra. Tôi chẳng còn lòng dạ nào đi nhớ Tiểu Tuyết, tôi chỉ đang nghĩ cách làm sao để báo thù được cho mẹ. Giờ tôi lại cảm thấy Lý Thừa Ngân làm nhiều chuyện đáng hận thế, nếu chỉ đâm cho Lý Thừa Ngân một nhát dao chết ngay tức khắc thì dễ dàng cho chàng quá. Tôi đã bảo rồi, bao nhiêu đau đớn khổ sở chàng đổ xuống thân tôi, tôi sẽ trả lại bấy nhiêu cho chàng, trả dần dần từng chút một.
Hôm sau là Tết Đoan Ngọ, trong Đông Cung đang cắt xương bồ[1] thì bỗng nhiên có cung nữ nhìn thấy một nhúm lông trắng nổi giữa hồ, vớt lên xem mới biết là Tiểu Tuyết.
[1] Một loại cỏ thơm, dung làm thuốc, mọc ở ven đầm, ao hoặc nơi ẩm thấp. Tết Đoan Ngọ nhà nào cũng treo xương bồ kết thành hình nhân để trừ tà.
|
Nó bị dìm đến chết.
Tôi thấy buồn rầu. Dù là ai, là thứ gì một khi đã bước chân vào chốn này, cuộc sống đều khốn cùng, bi đát, đến một con mèo mà cũng không may mắn hơn.
Tôi đoán Lý Thừa Ngân cũng biết chuyện, hôm sau chàng sai người đem tặng tôi một con mèo khác.
Cũng màu lông trắng muốt, cũng đôi mắt như thế. Nghe nói, chàng cất công phái người tới tìm sứ thần Xiêm La để xin, vậy mà tôi chỉ ngồi một chỗ, chẳng buồn ngó ngàng đến nó. Không ngờ cái chết của Tiểu Tuyết lại kéo một cơn giông tố ập đến.
Có người nhìn thấy cung nữ của Triệu Lương đệ quẳng Tiểu Tuyết xuống hồ. Chuyện tới tai Lý Thừa Ngân, chàng bất ngờ nổi đóa, phạt đánh ả cung nữ nọ bốn mươi trượng, lĩnh bốn mươi trượng ấy thì ả chết là điều đương nhiên. Vĩnh Nương tất tả chạy vào bẩm báo tôi, đáng lẽ tôi không nên ôm đồm những chuyện chẳng đâu vào đâu này, nhưng mạng người quan trọng hơn cả, tôi buộc phải đến điện Lệ Chính.
Quả nhiên, bầu không khí u ám ngột ngạt đang bao trùm điện Lệ Chính. Lý Thừa Ngân đang thay y phục, vẫn chưa ra. Mấy cung nữ quỳ ở góc điện vẫn sụt sùi khóc lóc. Tôi vừa bước vào, chưa kịp mở miệng nói lời nào thì thái giám đã loan báo, Triệu Lương đệ đến.
Hiển nhiên Triệu Lương đệ cũng tức tốc đến ngay, mặt mày u ám, vừa bước chân qua cửa đã quỳ sụp xuống, gào lên thống thiết:
- Điện hạ, thần thiếp bị oan… Người của thần thiếp xưa nay vốn biết điều, tuyệt đối không làm những chuyện này. Oan cho thần thiếp quá…
Chưa dứt lời, nước mắt ả đã tuôn như mưa.
Trông ả cũng tội nghiệp, tôi không kìm được tiếng thở dài, nói với Lý Thừa Ngân:
- Thôi, chuyện này không liên quan gì đến Triệu Lương đệ.
Tuy tôi thương Tiểu Tuyết thật, nhưng cũng chẳng đến nỗi vì một con mèo mà phải đánh chết vài người.
Lý Thừa Ngân hằm hằm nói:
- Hôm nay hại mèo, thế nào mai sau cũng hại người!
Triệu Lương đệ nghe xong thì tức lắm, ngẩng phắt lên, mắt ngấn lệ:
- Cớ sao điện hạ lại hoài nghi thiếp như vậy?
Thoạt đầu, tôi định xin cho mấy cung nữ kia, vậy mà Triệu Lương đệ lại chẳng biết điều, ả gào lên:
- Chính tỷ! Chắc chắn là tỷ, tỷ dựng sẵn cái bẫy này, tỷ đúng là loài rắn độc! Tỷ trừ khử Tự Bảo lâm, bây giờ lại quay sang hãm hại tôi!
Không đợi tôi lên tiếng, Lý Thừa Ngân đã nạt nộ:
- Nàng nói điều xằng bậy gì đấy!
Triệu Lương đệ quệt nước mắt, đứng thẳng dậy, nói:
- Thần thiếp không hề nói điều xằng bậy. Thái tử phi làm bùa ngải nguyền rủa thần thiếp rồi đổ vạ cho Tự Bảo lâm. Cung nữ hầu hạ Tự Bảo lâm do chính tay Thái tử phi chọn, Thái tử phi sai bọn chúng đặt bùa gỗ đào trong phòng Tự Bảo lâm. Ngay sau khi vụ việc bị phát giác, Thái tử phi cứ lần lữa, không cho điều tra hòng chia rẽ thần thiếp và Tự Bảo lâm. Cái bẫy “một mũi tên trúng hai đích” này của Thái tử phi quả là độc ác! Bẩm điện hạ, chuyện Tự Bảo lâm qua đời rất kỳ lạ, muội ấy yếu ớt nhưng cùng lắm cũng chỉ là suy nhược cơ thể thôi, làm gì đến nỗi yểu mệnh qua đời? Chắc chắn có kẻ âm mưu giết người diệt khẩu!
Tôi tức đến mức miệng líu ríu, bèn mắng át ả:
- Nói láo!
Triệu Lương đệ ngước nhìn tôi, rõ ràng khuôn mặt ả còn nguyên vệt nước mắt, vậy mà ánh nhìn lại thản nhiên khác thường. Ả nhìn tôi:
- Nhân chứng vật chứng đầy đủ cả, xin thưa với Thái tử phi, chẳng qua hôm nay tỷ gài bẫy ám hại tôi, chứ thực lòng tôi cũng định giấu chuyện này hộ tỷ. Không ngờ tỷ nhẫn tâm đến nỗi vừa giết Tự Bảo lâm đã giết con mèo hòng hại tôi. Thái tử phi thật quá độc ác.
Tôi nổi cáu, nói:
- Nhân chứng vật chứng đâu? Có giỏi thì ngươi đưa ra đây!
- Được thôi.
Nói rồi Triệu Lương đệ quay phắt người, dặn bọn thuộc hạ mấy câu, chẳng mấy chốc, lũ người kia đã áp giải hai cung nữ đến.
Tôi chưa bao giờ nghĩ, chuyện lại ra nông nỗi này. Hai cung nữ của Tự Bảo lâm thú nhận rằng chính tôi đã sai chúng đặt bùa gỗ đào dưới gầm giường của Tự Bảo lâm.
- Thái tử phi nói người muốn trừ khử Triệu Lương đệ, nếu Triệu Lương đệ bị nguyền chết, chắc chắn người sẽ đối xử tử tế hơn với Bảo lâm, sau này người sẽ khuyên điện hạ lập Bảo lâm làm Lương đệ, cùng nhau hưởng phú quý…
- Thái tử phi nói, dù bị phát giác cũng chớ lo, đương nhiên người sẽ bênh Bảo lâm…
Nghe hai cung nữ ấy tố cáo mình, tôi chợt thấy người lạnh toát.
Triệu Lương đệ dàn dựng cái bẫy này từ bao giờ? Từ khi nào ả đã toan tính dụ tôi vào tròng? Trước kia tôi chỉ lờ mờ đoán, có lẽ ả không ưa tôi, mà cũng có thể ả ghét cay ghét đắng tôi, tóm lại vì tôi đã cướp ngôi vị Thái tử phi của ả, mà chung quy, lỗi là ở tôi, tôi ngáng giữa ả và Lý Thừa Ngân. Nhưng thật không thể ngờ, ả lại hận tôi đến thế.
Triệu Lương đệ quỳ gối thưa:
- Từ lúc phát hiện ra Thái tử phi có dính líu đến chuyện bùa ngải, thần thiếp chỉ nghĩ có lẽ Thái tử phi nhất thời hồ đồ mới làm vậy, nên thần thiếp không dám hé răng oán thán với điện hạ. Có điện hạ làm chứng, bấy lâu nay, trước mặt điện hạ, thần thiếp chưa từng phàn nàn gì về Thái tử phi, thậm chí, thần thiếp còn khuyên điện hạ nên gần gũi Thái tử phi. Nỗi khổ tâm của thần thiếp, thật có trời cao chứng giám. Mãi đến khi Tự Bảo lâm qua đời, thần thiếp mới sinh nghi, song chưa có lệnh nên không dám tự ý điều tra, chỉ thầm nhắc nhở mình nên đề phòng. Không ngờ Thái tử phi lại bày trò giết con mèo hòng hãm hại thần thiếp. Tại sao thần thiếp lại đi giết một con mèo chứ? Chuyện này quả thực nực cười, chắc chắn Thái tử phi muốn mượn cớ nhằm kích động điện hạ, khiến người hắt hủi thần thiếp. Xin điện hạ đòi lại công bằng cho thần thiếp!
Lý Thừa Ngân nhìn hai cung nữ đang quỳ dưới sàn, một lúc lâu sau mới nói:
- Đã đến nước này, vậy cho điều tra chuyện của Tự Bảo lâm, đi lấy bã thuốc đã niêm phong ra đây.
Sau đó, chàng còn triệu cả thái y đến đối chứng. Kết quả là, trong bã thuốc mà Tự Bảo lâm uống còn sót lại hoa đỗ mai. Tuy loại hoa đỗ mai này không có độc tính, nhưng trong đơn thuốc hằng ngày của Tự Bảo lâm có rễ sâm, rễ sâm sắc cùng hạt hoa đỗ mai sẽ tạo độc tính nhẹ, về lâu dài, uống vào sẽ khiến cơ thể yếu dần cho đến chết. Cung nữ sắc thuốc khai rằng, mỗi bận thái y kê đơn, chính tôi sai người đi lấy thuốc. Cung nữ chỉ phụ trách sắc thuốc, không am hiểu dược liệu, sắc xong liền dâng lên cho Tự Bảo lâm uống, không ngờ trong thuốc lại có độc.
Với tính hấp tấp của tôi và chiếc bẫy tỉ mỉ đến từng chi tiết này, có cho tôi một vạn cái miệng cũng chẳng biện bạch.
Tôi giận quá liền phá lên cười:
- Tại sao ta phải giết Tự Bảo lâm? Lẽ nào một khúc củi khô lại nguyền chết được cô? Vì ta ngu ngốc, nên mới rơi vào bước đường này.
Triệu Lương đệ quay ngoắt lại, nói với Lý Thừa Ngân:
- Bẩm điện hạ…
Lý Thừa Ngân bỗng bật cười:
- Đúng là không gì độc ác hơn lòng dạ đàn bà.
Tôi nhìn Lý Thừa Ngân, rất lâu sau mới thốt ra được một câu:
- Chàng cũng tin ả sao?
Lý Thừa Ngân lạnh lùng nói:
- Sao ta lại không tin?
Tự nhiên, tôi thấy nhẹ nhõm hẳn:
- Đằng nào thì ta cũng ngán cái ghế Thái tử phi này từ lâu rồi, chàng muốn phế thì cứ phế đi.
Phế đi, để tôi còn về Tây Lương.
Lý Thừa Ngân lạnh lùng buông một câu:
- Nàng đừng có mơ.
|
Hóa ra tôi đã mơ mộng thật. Lý Thừa Ngân triệu Dịch đình lệnh đến, tội trạng của tôi được liệt kê dài dằng dặc, như bản tính cợt nhả, không tuân thủ cung quy… Thôi thì tính tôi không được hiền thục nên có mang tội như vậy cũng chẳng sai, song hai tội nghiêm trọng nhất là bỏ bùa và hại chết Tự Bảo lâm.
Tôi bị giam lỏng ở điện Khang Tuyết, nơi cô quạnh nhất trong Đông Cung. Xưa nay chưa từng có ai ở đó, mà nghe đồn nơi đó cũng chẳng khác lãnh cung là mấy.
Khi phế truất Hoàng hậu, tôi mới biết, giả sử Lý Thừa Ngân muốn phế tôi, cũng cần thông qua rất nhiều bước phức tạp. Trước tiên Hoàng thượng hạ chiếu chỉ cho Trung Thư Tỉnh, sau đó mới đến Môn Hạ Tỉnh đồng ý. Chưa kể đến đám quần thần kia, như lần Hoàng Hậu bị phế, có kẻ dâng lời can gián, dọa dập đầu xuống bậc thềm ở Thừa Thiên Môn, sau đó ông ta dập đầu thật, may mà vẫn giữ được mạng sống. Cuối cùng, Bệ hạ nổi trận lôi đình, còn Hoàng Hậu vẫn bị phế.
Thực ra tôi đang nghĩ, nếu nơi này canh gác lỏng lẻo, tôi và A Độ sẽ dễ dàng bỏ trốn.
Nguyệt Nương đến thăm lúc tôi đang lúi húi trồng hoa trong vườn.
Hai tay tôi lấm lem bùn đất, thoạt đầu Nguyệt Nương bật cười rồi lại tỏ vẻ buồn phiền:
- Điện hạ cử ta tới thăm muội. Sao lại ra nông nỗi này?
Bấy giờ tôi mới biết, thì ra vị ái phi tử tên Nương Tử được Bệ hạ sủng ái gần đây, chính là Nguyệt Nương.
Tôi nhìn Nguyệt Nương một lượt, tỷ ấy vận xiêm y mới của hoàng cung, áo lụa mỏng, tóc mây, trán điểm vàng, nom yêu kiều đầy mê hoặc. Tôi cười nhạt nói:
- May mà Lý Thừa Ngân không cần muội nữa, bằng không muội phải gọi tỷ là mẹ kế, vậy thì thiệt thòi cho muội quá.
Nguyệt Nương nhăn mày:
- Muội còn cười được à?
Nguyệt Nương cũng nhìn tôi một lượt rồi chau mày nói:
- Muội nhìn lại mình đi, đến nước này rồi mà vẫn còn tâm tư trồng hoa ư?
Nguyệt Nương kể cho tôi nghe một số chuyện ở bên ngoài mà tôi không hay biết.
Chuyện là, gia tộc nhà họ Triệu vốn nắm quyền hành trong triều, giờ đang bới móc, chỉ trích tội danh của tôi, đòi xử tôi tội chết. Bệ hạ rất khó xử, người từng triệu Lý Thừa Ngân vào chầu. Bệ hạ cho đám hầu cận lui hết ra ngoài, không biết hai cha con họ đã nói gì mà sau đó Bệ hạ nổi trận lôi đình, còn Lý Thừa Ngân thì hằm hằm bỏ về. Bây giờ, đến cả cha con thiên tử cũng xích mích. Nguyệt Nương ở bên nói khéo giúp, song cũng đành bó tay.
Nguyệt Nương nói:
- Tỷ biết những tội trạng đó đều do bọn họ vu khống cho muội, nhưng giờ tình thế bức bách, tỷ xin bệ hạ cho phép đến thăm muội, muội có gì muốn nói hoặc muốn gặp ai không?
Tôi nói:
- Muội chẳng muốn gặp ai cả.
Nguyệt Nương biết tôi không hiểu ý, bèn nhẫn nại giảng giải một hồi. Thì ra tỷ ấy muốn tôi gặp Lý Thừa Ngân một lần, rồi nói khéo với chàng vài câu. Chỉ cần Lý Thừa Ngân quyết tâm thì Triệu Lương đệ dẫu có làm mình làm mẩy thì vẫn có cách biến chuyện to thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành không có gì. Nói cho cùng thì Tự Bảo lâm kia vốn xuất thân tầm thường, mà chuyện bùa ngải này, thực ra cũng chẳng phải chuyện gì to tát.
Nguyệt Nương nói:
- Tỷ nghe nói trước đây, trong cung từng xảy ra chuyện tương tự. Nhưng vì chuyện năm đó liên quan đến vị Quý phi mà hoàng đế rất mực ân sủng, Trung Tông hoàng đế chỉ hạ lệnh đánh chết cung nữ chứ không điều tra rõ ràng, dẫu người đời có đôi lời xì xào, nói sau lưng thì cũng làm được gì đâu.
Bảo tôi phải khúm núm trước Lý Thừa Ngân ư? Thà giết tôi đi còn hơn.
Tôi lạnh nhạt nói:
- Muội không làm chuyện đó đâu, bọn họ đổ vạ cho muội, muốn giết muốn chém gì thì tùy, nhưng bảo muội đi van nài Lý Thừa Ngân thì tuyệt đối không.
Nguyệt Nương khuyên tôi hồi lâu, song tôi nhất quyết không đồng ý. Sau cùng, tỷ ấy chực khóc vì tức, tôi bèn kéo Nguyệt Nương ra xem hoa tôi trồng.
Ở điện Khang Tuyết, tôi trồng rất nhiều hoa hồng tỷ muội. Người phụ trách trông coi điện Khang Tuyết đối xử với tôi và A Độ rất mực cung kính, tôi muốn hoa giống, họ liền mua cây giống cho tôi, tôi cần phân bón, bọn họ lập tức đem phân bón tới. Loài hoa này chỉ ở Trung Nguyên mới có. Nhớ dạo còn ở phường Minh Ngọc, Nguyệt Nương thường cài một bông lên tóc. Tôi nói với Nguyệt Nương:
- Bao giờ hoa nở, muội sẽ tặng tỷ mấy bông để cài lên tóc.
Nguyệt Nương chau mày, nói:
- Muội không lo cho bản thân mình à?
Tôi múc gáo nước tưới cho khóm hoa hồng:
- Tỷ cứ nhìn những bông hoa này mà xem, chúng mọc lên từ đất, đang yên đang lành lại bị người ta nhổ cả rễ, đem bán tới đây, vậy mà chúng vẫn sống được, còn nở những bông xinh xắn. Trước nay chúng không hề bận lòng thân mình ra sao. Con người ta sống ở đời, sao cứ phải lo quẩn lo quanh? Dù thế nào cũng được, lo lắng mãi thì có ích gì?
Đằng nào Lý Thừa Ngân cũng chẳng tin tôi. Tôi chỉ ước giá như mình đừng nhớ lại những chuyện xưa kia. May thay, chỉ mình tôi nhớ ra, còn chàng vẫn vậy. Thôi thì tôi cứ đợi, bao giờ có cơ hội, tôi muốn chấm dứt mọi chuyện, sau đó rời xa nơi này, không bao giờ gặp lại Lý Thừa Ngân nữa.
Tôi tuôn một tràng khiến Nguyệt Nương dở khóc dở cười, đành bỏ về cung.
Tôi thấy sống ở đây cũng chẳng đến nỗi nào, ngoại trừ bữa ăn có phần đạm bạc ra thì nơi này rất yên tĩnh.
Vậy mà trước kia tôi lại thích những nơi xô bồ, náo nhiệt.
Một hôm, nửa đêm đang ngủ, đột nhiên A Độ lay tôi dậy. Tôi dụi mắt hỏi:
- Sao thế?
Nom A Độ vẻ hốt hoảng, muội ấy kéo tôi ra cửa sổ phía đông, chỉ ra mái tường.
Thấy có ánh lửa và khói đen bốc lên nghi ngút, tôi giật thót mình kinh ngạc. Sao tự nhiên lại có cháy?
Lửa lan nhanh, chẳng mấy chốc đã cháy bùng bùng, A Độ đạp tung cửa sổ phía tây, chúng tôi nhảy vọt qua cửa sổ, rồi muội ấy kéo tôi lao lên bờ tường phía sau. Chúng tôi chưa kịp đứng vững thì bên tai đã vang lên tiếng rít, A Độ nhanh tay đẩy tôi ngã dúi xuống chân tường. Tôi thấy A Độ vung đao chém thứ gì đó đánh “keng” một tiếng, thì ra là một mũi tên bằng thép. Lúc A Độ lao mình xuống toan kéo tôi thì không biết liên tiếp những mũi tên thứ hai, thứ ba… từ đâu bắn ra. A Độ vung đao chém vài phát, mưa tên vẫn ào ào bắn đến. Mái ngói trên tường bị bắn thủng lỗ chỗ. Tôi giương mắt nhìn một mũi tên xé gió lao đến, cắm phập vào vai A Độ, máu tức thì bắn ra, tôi hét lên:
- A Độ!
Vậy mà muội ấy bất chấp cả vết thương trên vai, chỉ lo vùng vẫy, lao người xuống định nắm lấy tay tôi. Gió xé bên tai ào ào, tôi nhớ lần chúng tôi trèo tường cũng gặp một trận mưa tên, lúc đó A Độ không giữ được tôi, chính Bùi Chiếu đã đỡ tôi. Có điều bây giờ cả tôi lẫn A Độ đều biết rằng Bùi Chiếu không thể xuất hiện ở nơi này.
Giữa làn mưa tên, cuối cùng A Độ cũng túm được cánh tay tôi. Thanh đao vạch vào bờ tường, làm tóe lên tia lửa, những viên gạch xanh ào ào giũ bụi. Chúng tôi lao như bay, vai phải của A Độ bị thương, không đủ sức để găm đao bám vào tường, trong khi tên ập đến mỗi lúc một nhiều. Tôi liền hét lên:
- Buông tay đi, A Độ! Buông tay ngay!
Nếu bây giờ mà không buông tay thì cả hai sẽ cùng chết. Bờ tường thì cao chót vót, dưới kia là nền đá, rơi xuống thế nào cũng thịt nát xương tan.
Máu từ vai A Độ nhỏ xuống mặt tôi, tôi ra sức vằng khỏi tay muội ấy. Bất thình lình, A Độ gồng mình quăng tôi bay vút lên cao, cơ thể tôi bị ném vào không trung, vút lên như cưỡi mây cưỡi gió, chân tay quơ cào loạn xạ, thế rồi cũng bám được vào mái ngói. Tôi lóp ngóp bò lên tường, trơ mắt nhìn A Độ trúng thêm vài phát tên. A Độ thực sự đã đuối sức, may còn có thanh đao cắm vào tường, nên giảm được phần nào tốc độ rơi. Sau cùng muội ấy không thể đỡ nổi, vừa buông tay liền rơi phịch xuống nền đá.
Tôi bật khóc nức nở, giữa đêm đen mù mịt, trận mưa tên tấn công dồn dập vào mái ngói bên cạnh tôi. Chúng xuyên vào gạch ngói, tạo thành một chuỗi những tiếng “phịch, phịch” quấy động màn đêm, mảnh vỡ văng cả vào mặt tôi, vô cùng đau đớn. Tôi gào khóc gọi tên A Độ, bốn bề tên trút như mưa. Chưa bao giờ tôi thấy mình bơ vơ, trơ trọi như thế này.
Có bóng người đứng chắn trước mặt tôi, chỉ với một cái phất tay mà làn tên đang xé gió lao bỗng tản ra tứ phía, văng lệch đến mấy trượng, lao xiêu vẹo xuống mặt đất. Qua làn nước mắt, tôi thấy màu áo trắng nổi bật tựa ánh trăng.
Là Cố Kiếm.
Sư phụ gạt phăng mớ mũi tên, kéo tôi phi thẳng lên mái ngói lưu ly trên nóc điện, tôi ra sức kêu gào:
- Còn A Độ nữa! Mau cứu A Độ!
Cố Kiếm đẩy tôi núp sau đuôi diều hâu[1], đoạn quay người nhào khỏi mái ngói. Trong màn đêm, tôi thấy ống tay áo của sư phụ bị gió thổi căng phồng, tưởng như một cánh chim trắng sà xuống tường. Bên dưới bất ngờ xuất hiện rất nhiều những đầu hỏa tiễn, xé toang màn đêm tịch mịch, ập đến như mưa sao băng, lao về phía sư phụ. Tôi nghe tiếng mũi tên cắm vào tường “bụp bụp”, chẳng khác nào bầy thiêu thân thi nhau đâm đầu vào lửa, thắp lên những đốm lửa bập bùng, rải rác mà cũng chóng lụi tàn trong không trung. Nhanh như cắt, Cố Kiếm đã ẵm được A Độ lên nhưng loạt hỏa tiễn kia ào ào lao tới mỗi lúc một nhiều, mùi khét đặc quánh bầu không khí. Khắp nơi tiếng mũi tên rít lên, kéo theo cái đuôi lửa nhắm thẳng vào Cố Kiếm. Núp sau đuôi diều hâu, tôi thò đầu ra nhìn, thấy dưới đó đen kịt màu giáp trụ, quân lính tiến từng bước, siết chặt vòng vây, tiếng giáp sắt va vào nhau sàn sạt. Không biết bọn chúng có mấy nghìn, mấy vạn tên.
[1] Một biểu tượng kiến trúc thường được chạm hoặc đắp nổi trên nóc, mái của các công trình kiến trúc thời cổ.
Một tay Cố Kiếm ôm A Độ, tay kia cầm kiếm đánh chặn làn tên bay. Những mảnh tên gẫy còn hừng hực lửa đã chất thành đống dưới chân sư phụ, ánh lửa hắt vào tấm áo trắng lúc tỏ lúc mờ. Bóng sư phụ xuất quỷ nhập thần, chuyển động liên tục. Tên bay rào rào ngay trước mặt, sư phụ khó mà thoát được vòng vây của loạt mưa tên. Áo trắng đã nhuốm máu, tôi không biết đó là máu của sư phụ hay máu của A Độ. Mặc dù A Độ được Cố Kiếm ẵm trên tay, nhưng cánh tay kia buông thong, bất động, không rõ vết thương của muội ấy thế nào. Cứ thế này, cả sư phụ và A Độ sẽ bị trúng tên mất. Lòng tôi nóng như có lửa đốt, không rõ những kẻ mai phục kia là ai. Chợt nghĩ những kẻ này mang khiên giáp, lại bắn hỏa tiễn sáng lóa cả Đông Cung thế này hẳn không phải thích khách. Nghĩ tới đó tôi liền đứng phắt dậy, phía sau có kẻ khẽ ấn vào lưng tôi, nói:
- Nằm xuống.
Tôi quay lại nhìn, thì ra là Bùi Chiếu, theo sau gã là một toán Vũ Lâm lang vận giáp mỏng. Bọn chúng im lặng, nhoài người trên mái ngói, tay lăm lăm cung nỏ đã kéo căng, tầm ngắm rơi vào thế trận dưới kia. Những kẻ này phục kích trên cao, kể cả khi Cố Kiếm có thể dứt được vòng vây, ắt chúng sẽ đồng loạt phóng tên, dồn sư phụ vào đường chết.
Tôi rối rít nói với Bùi Chiếu:
- Mau bảo bọn họ dừng lại!
|