Nếu Anh Là Công An
|
|
Tập 26
Hắn đi rồi trong lòng tôi bỗng thấy khó chịu làm sao. Cảm giác như mình có lỗi gì đó ghê lắm! Xét về nguyên tắc thì tôi đã làm đúng và đầy đủ. Do hắn không cung cấp thông tin thì tôi không có căn cứ để xem xét giải quyết mà thôi. Nhưng nói về tình thì một người thuộc thế giới thứ ba lại không thông cảm cho một người cùng thế giới với mình. Chúng ta vốn đã không được xã hội coi trọng mà còn kỳ thị. Thế mà trong nội bộ lại không hỗ trợ, thông cảm nhau. Thế mà lúc nào cũng giương cao ngọn cờ bảy màu mà hô hào cho phong trào đấu tranh vì quyền lợi của người đồng tính.
Tôi xoè hai bàn tay để trên bàn nhìn hai vết sẹo dài. Tôi muốn nghĩ đến thằng Luận để quên đi cảm giác tội lỗi khó chịu trong lòng. Nhưng hai vết sẹo lúc này cũng chỉ đơn giản là hai vết sẹo và tôi còn thấy trong đấy là nét mặt thằng Luận không hài lòng với cách cư xử của tôi.
- Trí Luận à! Nếu Tuấn giải quyết với thông tin mù mờ như thế nhỡ có chuyện gì thì làm sao đây? – Tôi thì thầm với đôi bàn tay mình – Tất cả những thông tin Tuấn biết đều không chính thức. Chúng ta đều phụ trách công tác đảm bảo an ninh nên không thể vì cảm tính mà phá vỡ các nguyên tắc có thể dẫn đến hậu quả khó lường.
- Chuyện gì mà hậu quả khó lường thế? – Tiếng anh Quân ở đâu chen vào làm tôi giật thót người.
- Không có gì ạ - Tôi nắm hai bàn tay lại như thể sợ anh Quân sẽ nhìn thấy thằng Luận trong ấy.
- Tay chú lành hẳn chưa? – Anh nhìn tay tôi hỏi
- Rồi ạ! – Tôi xoè bàn tay ra cho anh xem
- Ừ có thể cầm súng lại rồi đây – Anh cười ẩn ý
- Bẻ gãy súng còn được nói gì cầm thôi anh! – Tôi hoạ theo
- Báo cho chú tin vui này – Anh ghé lại gần tôi nói nhỏ – Cấm không nói cho ai nghe nhé!
- Vâng ạ – Tôi đáp – Anh biết tính em rồi còn gì!
- Ừ nhưng mà anh dặn hờ thế! – Anh cười rồi nói tiếp – Tháng sáu này anh của chú có cầu vai mới rồi đấy!
- Thật chứ anh? – Tôi vui thật sự – Anh được gia nhập câu lạc bộ hai vạch rồi hả?
- Hai vạch cái đầu của chú haha – Anh Quân cười sảng khoái – Thiếu tá, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 nhé!
- Ăn mừng thôi anh – Tôi nắm lấy hai vai anh lắc lắc mạnh – Em cứ tưởng cái vụ cậu Hoàng khiến anh chắc cũng phải sang năm mới được.
- Ừ may thật! – Anh cũng nắm lấy hai cánh tay tôi – Giờ chưa tiện ăn mừng, cho anh khất nhé!
- Không được – Tôi nheo mắt – Không công khai nhưng chắc chắn phải lén lút.
- Kha kha, được rồi – Anh Quân đáp – Chú muốn anh chiêu đãi gì nào? Thôi lần này phá lệ, vì chú mà phản bội bà xã một lần, anh em mình đi quán Trúc Đào vui vẻ một hôm nhé?
Nghe tên quán ai chẳng biết là quán bia ôm. Nhưng quán Trúc Đào ở khu vực này nổi tiếng là nơi vừa đẳng cấp, vừa an toàn lại vừa có hàng đẹp hàng tuyển. Cơ mà đẹp thì đẹp, tuyển thì tuyển chứ tôi đâu có ham hố mấy cái khoản đó đâu mà. Vào đó chẳng biết đến khi nào mới ra nữa. Nói thật, khi bị phụ nữ kích thích thì một lát tôi cũng có cảm giác, cũng như đẩy tới đẩy lui một hồi cũng có kết quả. Thế nhưng đó là tiếp khách, là xã giao, là phải như thế thì mới phải cố gắng chứ ăn mừng thế này hoá ra ăn hại chứ mừng cái nỗi gì. Thấy tôi xụ mặt xuống khi nghe đến đấy, anh Quân trầm giọng hỏi nhỏ:
- Sao mất hứng thế Tuấn? Không lẽ chú thật là…
- Vâng em không phải đàn ông bình thường anh ạ – Tôi ngắt lời anh và thả mình xuống ghế, đôi mắt u buồn nhìn ra cửa – Thấy em có ghê tởm không anh?
- Bậy nào! – Anh Quân tiến đến bên cạnh xoa đầu tôi như xoa đầu đứa trẻ - Cũng có lạ gì đâu, anh chỉ chưa chắc lắm mà thôi! Anh đã từng tâm sự với em về anh rồi nên anh thông hiểu cho bọn em lắm!
- Vâng, thông hiểu cùng nghĩa với thương hại – Tôi đáp khẽ khàng
- Không! Người đáng thương hại là mẹ em – Anh Quân nói làm tôi nghe lòng mình xao xuyến – Bọn em chọn cách sống thế nào thì tự chịu trách nhiệm cho việc của mình làm, miễn sao hạnh phúc là được. Chỉ có người thân thuộc của bọn em mới buồn đau và đáng thương hại hơn. Dẫu cho họ có thông cảm và chấp nhận bọn em hay không thì họ vẫn đeo mang một nỗi buồn không bao giờ dứt.
- Thì em không bao giờ nói cho mẹ biết đâu! – Tôi lơ ngơ đáp lại
- Anh cũng không biết như thế có là cách làm đúng hay không. – Anh đặt hai tay lên hai bên vai tôi – Nhưng thế nào rồi mẹ em cũng nhận ra. Còn nói cho em biết hay không thì còn tuỳ thuộc vào tính cách của mẹ em nữa.
- Thôi cứ để cuộc sống trôi anh ạ – Tôi nói – Em thấy có khi cuộc sống không phức tạp mà suy nghĩ của mình phức tạp tự tạo rối rắm cho mình.
- Ừ lạc quan thế thì tốt – Anh Quân kề miệng vào sát cổ tôi nói lả lơi – Vậy thì đêm nay em Tuấn chiêu đãi anh Quân gia nhập câu lạc bộ hai vạch nhé!
- Bóp anh chết bây giờ ở đó mà chọc ghẹo em à – Tôi xoay người lại bóp cổ anh thật mạnh
- Ấy ấy bóp dưới đừng bóp trên chết anh thật ặc ặc – Anh Quân bị bóp cổ đau thế mà vẫn đùa cợt.
Tôi nói “à được” rồi buông tay bóp mạnh vào “vùng cấm địa” của anh Quân làm anh đau điếng la “đau” một tiếng rồi lùi lại ngồi phịch xuống giường, miệng vừa cười cợt vừa làu bàu: “đùa tí mà bóp mạnh vậy nhóc con?”. Tôi dứ nắm đấm vào mặt anh không đáp. Anh cứ xoa xoa chỗ ấy làm tôi bất giác hơi kích thích và thẹn thùng quay mặt đi chỗ khác. Ông kia chắc bớt đau rồi nên lại đến bên tôi cợt nhả nữa:
- Làm gì mà mắc cỡ như gái trinh thế? Làm như chưa thấy của nhau không bằng ấy! Cho anh bóp lại mới huề được!
- Thôi em không đùa nữa – Tôi nói nghiêm nghị – Đùa nữa em giận thật đấy!
- Ừ thôi anh xin lỗi – Anh đã thôi giọng cợt nhả và ôn tồn nói – Anh đùa một tí để không căng thẳng ấy mà. Cũng để thấy anh không có thay đổi thành kỳ thị hay ghê sợ gì chú cả đâu!
- Em biết anh mà, không cần phải làm thế!
- Ừ, nói thật anh thấy nhiều người phe chú dễ giận dỗi với lại hay tự kỷ tự ti lắm!
- Em không có tự kỷ tự ti gì đâu – Tôi đáp mạnh mẽ – Từ lâu rồi em đã tự tạo cho mình một suy nghĩ rằng, em không khác biệt gì những thằng con trai khác. Em chỉ trở nên khác biệt trước người mình yêu mà thôi!
|
Hắn ngồi trên ghế hết sức miễn cưỡng, cứ nhấp nha nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa vậy. Tôi vừa gọi hắn lên gặp xong thì một đống báo cáo gấp được chuyển đến nên chưa rảnh tay mà nói chuyện với hắn. Thành ra hắn cứ chốc chốc lại nhìn tôi, chốc chốc ngó lên chiếc đồng hồ treo tường đang lạch cạch từng bước đi chậm chạp. Vô tình ngước lên nhìn cảnh đó tôi phì cười rồi tiếp tục công việc của mình. Hắn thấy tôi cười liền nói:
- Thủ trưởng gọi tui có việc gì không?
- Chờ tôi một chút – Tôi đáp
- Nếu không có việc gì tui xin phép về – Hắn nói tiếp
- Có việc – Tôi đáp không ngước lên
- Nếu có việc thì thủ trưởng có thể giao người khác không? – Hắn lây nhây nói
- … – Tôi chỉ lắc đầu không đáp
- Sao ông cứ làm khó dễ với tui? – Hắn vẫn chưa chịu thôi
- Thôi được rồi – Tôi ngước lên nhìn hắn – Nếu đồng chí không muốn đi đám tang thì cứ về! Chẳng ai làm khó đồng chí cả!
Hai chữ “đám tang” như câu thần chú dán chặt hắn vào ghế. Tôi thấy gương mặt hắn ánh lên vẻ vui mừng. Tôi buồn cười thầm trong bụng “Ừ, vui vẻ như thế cuộc sống mới tươi đẹp được!”. Tôi nghiệm ra rằng, gay nào cũng tự gắn chữ “buồn” vào cuộc đời mình mà không nhận ra điều đó. Cứ thế theo thời gian, việc đó trở thành quen thuộc đến nỗi người ta cứ nghĩ chữ “buồn” là một định mệnh gắn liền với gay vậy. Gay hay không thì ai cũng có nỗi buồn, hẳn nhiên cũng có niềm vui. Tại ta cứ nghĩ mình bất thường, bất hạnh và ông trời thì bất công nên mới sinh ra buồn nhiều hơn vui là thế. Như hắn vậy đó, buồn hoài buồn mãi thành hai cái vệt dài bên khoé miệng đấy!
Thế rồi mớ báo cáo láo kia cũng được tôi giải quyết xong. Tôi xếp gọn lại rồi thảy tất cả lên khay tài liệu. Lúc này bên ngoài đã tối đen như mực và những luồng gió mang theo nhiều hơi nước của cơn mưa buổi chiều đang len lỏi vào khắp doanh trại làm cho đồng chí trung đội trưởng Tuấn trở nên nguội lạnh rất nhiều. Tôi là mạng hoả đấy nên tính nóng như lửa quen rồi. Hắn cùng tuổi âm lịch với tôi, cũng mạng hoả nên tính khí cũng chẳng nguội hơn tôi là mấy. Chỉ có thằng Luận là hiền lành như con sông cái gần nhà nó, chẳng thích hợp với nghề công an một chút nào. Tôi thở ra một cái thật dài rồi bắt đầu nói:
- Phát ạ! Tuấn nghĩ bao nhiêu đó thời gian để nóng giận là đủ rồi! Tuấn chẳng muốn kéo dài thêm nữa…
- …
- Hôm Tuấn nằm viện, cậu Trọng đưa cho cái điện thoại nhặt được ở ven hồ vì nghĩ là của Tuấn đánh rơi. Việc này Phát có thể dò hỏi cậu Trọng, Tuấn không phải nói dối gì cả!
- …
- Không biết trời xui khiến thế nào mà điện thoại của Tuấn và cái bị đánh rơi rất giống nhau. Nhưng sau đó Tuấn nhận ra nó không phải là của mình. Tuấn lại không biết là của ai nên mới cất lại rồi quên khuấy đi mất.
- …
- Hai chúng ta đều là những thằng gay thì lại càng cô đơn lẻ loi trong cái môi trường đầy rẫy đàn ông bình thường này. Thế nên, lẽ ra hai chúng ta phải là những người bạn thân thiết nhất của nhau mới đúng. – Tôi giơ tay ra hiệu hắn im lặng khi thấy hắn định nói gì đó – Tuấn xin lỗi vì lẽ ra Tuấn chỉ cần dằn lòng một chút mà nói mấy lời này thì chúng ta đã chẳng phải tránh nhìn mặt nhau lâu đến vậy!
- …
- Ngày mai Phát sẽ cùng Tuấn đi đám tang của bác Sáu Bá, bố của đồng chí Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 vừa mất, ở nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng trên Sài Gòn.
- Sao lại là… đám tang của ông đó? – Hắn nhổm dậy – Sao ông cứ trêu chọc tui hoài?
- Sao Tuấn bình tĩnh được mà Phát không bình tĩnh gì hết vậy? – Tôi toan nổi nóng nhưng nói lời đó xong thì lại kềm lòng xuống – Đám tang… bạn của Phát ở Long An phải không? (tôi định nói “người yêu” nhưng lại không muốn nên sửa thành “bạn”)
- Sao ông biết? – Hắn ngơ ngác hỏi lại
- Ờ thì… lý lịch Phát ghi quê ở Tân Trụ, Long An nên Tuấn đoán vậy – Tôi nói lảng đi vì thực tế tôi biết điều đó trong nhật ký của hắn – Ngày mai theo Tuấn đến Sài Gòn thì Phát đi về Long An, đến bốn giờ chiều phải có mặt ở Sài Gòn để về lại đơn vị. Tuấn chỉ có thế giúp Phát được như thế!
- Tui… tui… – Hắn cảm kích quá hoá ra nghẹn ngào
- Không cần phải cảm ơn Tuấn đâu. – Tôi nói – Thật ra Tuấn làm vậy là sai nguyên tắc, hơn nữa có thể xảy ra những chuyện không lường hết được. Vận mệnh chính trị của Tuấn đã giao cho Phát lần này. Vì Tuấn tin tưởng Phát nên chỉ mong Phát đừng phụ lòng tốt của Tuấn mà thôi.
- Không bao giờ đâu – Hắn nói lí nhí
- Còn một chuyện nữa Tuấn muốn Phát làm… – Tôi nghiêm giọng
- Chuyện gì ông nói đi – Hắn hấp tấp hỏi
- Đừng ủ rủ nữa – Tôi bỗng hạ giọng nhẹ nhàng
- Tui… tui… – Hắn xúc động một lúc rồi trấn tỉnh lại, cố tỏ vẻ vui nhìn gượng gạo giả tạo hết sức
- Thôi về đi – Tôi nhịn cười nói – Sau khi đi đám tang về đừng ủ rủ nữa.
Hắn đứng lên muốn làm chuyện gì đó mà lại không làm thành ra cứ lóng nga lóng ngóng y như gà mắc đẻ. Tôi cúi mặt xuống đống tài liệu trên bàn giả bộ chăm chú đọc trong khi miệng cười thầm còn tay thì phẩy phẩy ra hiệu hắn đi ra ngoài. Tôi nghe tiếng cửa phòng đóng lại rồi thì không nhịn được nữa cười khùng khục. Lâu rồi mới cười vui như thế!
Hôm trước tôi có xem phim X-Men – The first class. Đó là câu chuyện về những người đột biến có những năng lực phi thường và có khi có hình hài quái dị phải che đậy để tỏ ra bình thường như những người bình thường khác (tức là những người không đột biến). Bộ phim nay thật ra là nhằm góp một tiếng nói cho thế giới thứ ba. Những người đột biến ở trong phim cũng chính là những gay, lesbian ở ngoài đời đang cố gắng che đậy bản thân và tỏ ra bình thường. Nhân vật Magneto (người có khả năng điều khiển kim loại) có nói một câu với Mystic (người có khả năng biến hình thành người khác) làm tôi suy nghĩ nhiều lắm. Câu ấy đại loại là nếu bản thân mình cũng không muốn chấp nhận mình thì làm sao mà đòi người khác chấp nhận mình được. Cuối phim là câu nói mà thế giới thứ ba hay dùng để kích thích thêm niềm lạc quan cho bản thân: “Mutant and proud”. Câu của chúng ta là “proud to be gay!”
Còn nữa, từ “gay” còn một ý nghĩa nữa là vui vẻ. Chẳng hiểu sao gay cũng để chỉ đồng tính nam. Thế nên, tôi nghĩ chúng ta là gay (đồng tính nam) thì chúng ta cũng nên gay (vui vẻ). Và sau cuộc nói chuyện với anh Quân thì tôi lại càng thôi thúc trong lòng quyết định ban nãy, dù rằng quyết định đó có thể sẽ dẫn tôi đến những hậu quả thê thảm, binh nghiệp của tôi có thể tiêu tan. Nhưng tôi muốn chứng minh và đánh cuộc với cuộc sống rằng, trong thế giới thứ ba vẫn tồn tại những điều tốt đẹp, những tình cảm đáng trân trọng. Tôi tin mình sẽ mỉm cười vào lúc bốn giờ chiều mai, khi đó Phát sẽ quay trở lại như đã hứa!
*
|
Hôm nay tôi mới có dịp đi viếng ở Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng. Theo quốc lộ 1 đến ngã tư Ga (tôi cũng không hiểu tại sao gọi là ngã tư Ga nữa vì ở đây chẳng có cái ga nào, chỉ thấy siêu thị Metro mà thôi) rẽ tay trái đi thẳng vào Hà Huy Giáp, Nguyễn Oanh đến Ngã Năm Chuồng Chó (cũng không hiểu sao gọi tên như thế) rồi thẳng Nguyễn Kiệm, rẽ trái vào Nguyễn Thái Sơn rồi tiếp tục rẽ trái vào Phạm Ngũ Lão đi một chút là đến. Xe đến thì tôi đã thấy lẵng hoa của đơn vị mình được giao đến sẵn rồi.
Anh Mỹ, tham mưu trưởng, chỉ tôi đi về hướng bàn đăng ký viếng rồi anh đi về phía đám mấy người bạn khác bắt tay trò chuyện. Ngồi bàn đăng ký là hai nam nữ chiến sĩ mặc quân phục màu lá cây. Nữ chiến sĩ phát cho tôi tờ giấy đăng ký để tôi tự ghi thông tin trong đó rồi nam chiến sĩ cầm lấy chuyển lên phía khu tang lễ cách đó vài chục bước chân.
Khu tang lễ là một toà nhà lớn có sảnh đón rộng rãi. Hai bên sảnh đón là hai hàng chiến sĩ mặc lễ phục màu trắng. Các chiến sĩ mặc lễ phục trắng sẽ chia nhau xuống khu vực dựng lẵng hoa nằm bên trái của khu tang lễ để mang lẵng hoa lên theo thông báo khách viếng do một giọng nam trầm trầm nào đó đọc.
Đoàn của tôi gồm bốn người không kể tên Phát đã được cho xuống ở ngã tư ga để đón xe về quê, anh Mỹ, tôi, anh Chiến và một chiến sĩ thuộc biên chế của anh Chiến. Bốn người đứng hàng ngang, anh Mỹ đứng giữa, chờ đoàn trước mặt viếng xong thì đến lượt của mình. Không khí thật nghiêm trang và tôi bỗng nhiên có chút cảm giác gì đó tự hào. Ai nấy quân phục chỉnh tề và gọn ghẽ. Hai hàng chiến sĩ lễ phục trắng được tuyển lựa sẵn hay sao mà ai cũng cao ráo dễ nhìn. Có một chiến sĩ có răng khểnh dẫu phải tỏ vẻ nghiêm trang mà vẫn thấy rạng rỡ.
Tôi liếc nhìn hai hàng chiến sĩ rồi nhận ra rằng, một trong những nguyên nhân khiến tôi tự hào chính là vẻ rắn rỏi, khoẻ mạnh và dễ nhìn của các chiến sĩ bộ đội. Tôi đã nói rồi mà, bộ đội thì hơn công an là cái chắc. Cũng như thằng Luận vậy, có thể nó đẹp trai hơn tôi thật nhưng nếu xét về tổng thể thì tôi hơn nó vì nom tôi cũng ưa nhìn, còn cơ thể thì chuẩn hơn nó nhiều lắm. Chết thật! Đi viếng tang lễ mà cứ nghĩ về trai, luận về trai thì đúng là tội lỗi, tội lỗi.
Chúng tôi bước lên phía trước đứng chờ người chủ tế đọc tên đoàn, người đại diện. Một chiến sĩ phát cho anh Mỹ một cây hương rồi cả bốn cùng tiến vào bên trong. Sau vài giây mặc niệm, anh Mỹ tiến lên cắm hương vào lư rồi bốn chúng tôi nối đuôi nhau đi vòng quanh quan tài ngụ ý nhìn mặt lần cuối và tiễn đưa người quá cố. Quan tài đậy bằng kính nên khách viếng có thể nhìn gương mặt người đã khuất mỉm cười tiễn biệt thế giới trần ai tục luỵ. Tiếp theo đoàn đi ngang tang quyến. Từng cánh tay đưa ra bắt lấy tay chúng tôi. Có cánh tay nắm chặt lấy tay tôi như quyến luyến không rời, như cảm kích sự quan hoài của khách viếng. Tôi cũng thấy xao xuyến trong lòng.
Hôm nay là ngày của tang lễ hay sao mà anh Mỹ phải đi viếng ba cái đám tang một lúc. Thế nên chúng tôi được tự do đến bốn giờ chiều sẽ tụ tập lại và lên đường về đơn vị. Anh Chiến và chiến sĩ kia về thăm nhà. Bây giờ là chín giờ sáng, tôi cũng muốn về thăm mẹ một lúc nên đi nhờ đến gần nhà thì xuống xe.
Tôi đi lang thang trên con đường vắng vẻ hai bên trồng những cây hoa dầu. Có bài hát gì mà “cánh hoa dầu, xoay tít bay mau” chính là nói về cây hoa này đây. Đến mùa hè là mùa hoa dầu rộ nở. Hoa dầu nhìn giống hoa chò nhưng nhỏ hơn rất nhiều. Hoa dầu có màu xanh như lá non nên nhìn cây hoa dầu đang trổ hoa lại giống như đang thay lá mới trong khi hoa chò có màu đỏ nâu. Sau đó, những bông hoa dầu có hai cánh sẽ khô vàng đi và bắt đầu rụng xuống. Ở khu gần bệnh viện Chợ Rẫy có trồng vài cây hoa chò và cũng đang mùa hoa. Khi đó, thành phố sẽ ngập tràn những chiếc “chong chóng hoa dầu”, “chong chóng hoa chò” nương theo gió xoay tròn bay đi khắp nơi. Bạn nào nhà gần khu Hồ Con Rùa hoặc ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Điện Biên Phủ nhớ đón chờ xem mùa hoa dầu xoay tít bay theo gió nhé! Vì ở những khu này trồng những cây hoa dầu lâu năm cao vút nên hoa dầu cũng vì thế mà theo gió đi được xa hơn so với những cây mới trồng còn thấp.
Tôi nhặt một vài bông hoa dầu già sớm nằm trơ vơ trên đất rồi tung mạnh lên không trung nhìn chúng xoay xoay mà nhớ lại ngày xưa bố tôi cũng làm thế mỗi khi đi dạo công viên. Lúc ấy bố tôi thật cao tung những bông hoa dầu lên thật mạnh. Và theo cơn gió những bông hoa dầu xoay xoay tròn bay tứ tán. Bố trìu mến nhìn tôi thơ ngây đón lấy những bông hoa dầu rơi xuống đất mà hân hoan vui thích làm sao. Ước gì tôi cũng có một đứa con để mà dắt đi nhặt hoa dầu rồi tung lên trong tiếng cười khanh khách giòn tan thơ trẻ. Người bố như tôi sẽ chẳng mệt mỏi và thật kiên nhẫn nhặt hoa rồi tung hoa miễn sao đứa bé con dưới chân tôi còn khanh khách giọng cười.
Thôi chưa có thì chờ cho đến có. Không có thì chơi với em trai cũng được. Tôi nhặt thêm một mớ hoa dầu nữa đem về cho cu Tí Nghịch ở nhà. Đúng lúc đó thì điện thoại báo có tin nhắn. Tôi ngồi xuống băng ghế đá ven đường rồi mở điện thoại ra đọc. Bất ngờ làm sao, là thằng Luận. “Luận nhớ Tuấn”. Có ba từ vậy thôi. Vậy mà tôi cứ đọc tới đọc lui như đứa trẻ mới học từng ký tự.
Tôi hơi thắc mắc tại sao nó lại nhắn vào lúc này nhỉ? Sao không sớm hơn, sao không muộn hơn? Có khi nào lúc này là lúc nó nhớ tôi lắm rồi, chịu hết nổi rồi nên dẹp cái tự ái sang một bên để nhắn cho tôi cái tin ấy? Đâu phải chỉ có Trí Luận mới nhớ Tuấn đâu. Tuấn cũng nhớ Trí Luận lắm nhưng phải ráng quên đi. Tôi bèn nhắn lại “Nếu là “Luận yêu Tuấn” thì hãy nhắn”. Ba gai vậy đó! Thôi đã quyết định vậy thì phải quyết liệt không được mềm lòng. Tôi đã đi được mấy bước dài rồi không nên quay lại đâu.
Vậy chứ mà cũng ngồi chờ một lúc xem có cái tin “Luận yêu Tuấn” không nữa! Biết là chẳng thể có đâu mà cứ chờ vậy đó. Miệng nói dứt khoát chứ chân có làm được đâu. Cứ ngồi bệt ra đó mà ngắm xe chạy ngang chạy dọc. Tay thì vò vò mấy cái hoa dầu be bét ra hết cả. Thế là phải đi nhặt những bông hoa khác vậy. Nhưng mà lúc này hoa dầu chưa đến mùa rụng hàng loạt nên tôi phải khó khăn lắm mới nhặt được thêm gần chục cái.
Lại có tin nhắn. Tôi mừng quá quăng hết mớ hoa dầu xuống đất, lật đật móc điện thoại ra đọc. Không phải tin nhắn của thằng Luận. Là quảng cáo của nhà mạng! Tức quá tôi gọi đến tổng đài, vừa nghe giọng tổng đài viên “danh số xxyy” gì đấy là tôi sa sả bất chấp bên kia có lắng nghe hoặc là hiểu những gì tôi đang nói hay không. Xả xong thì cũng bớt bực đi nhiều, tôi cúp máy cái rụp. Mạng hoả đấy! Lại tin nhắn nữa này. Chửi thế vẫn chưa sợ. Không phải, lần này là Phát nhắn. “Cảm ơn nhiều lắm. Phát sẽ về đúng giờ”. Tôi nhặt mớ hoa dầu rơi dưới chân lên rồi chầm chậm thả bước về nhà.
Mẹ tôi đang đứng chờ tôi trước cổng. Từ khi gọi cho mẹ đến giờ cũng gần một tiếng không lẽ mẹ đã đứng chờ tôi ngần ấy thời gian sao? Tự nhiên tôi áy náy quá, phải chi lúc nãy tôi không ngồi chờ tin nhắn của thằng Luận để rồi phải đi nhặt lại mớ hoa dầu này thì hẳn là về nhà sớm hơn nhiều và mẹ đã không phải “tựa cửa chờ con” lâu đến vậy. Như mọi khi thấy tôi về, mẹ kéo tôi lại ôm thật lâu, cho đến khi thằng nhóc Tí Nghịch chạy ra vừa mừng rỡ vừa cành nanh thì mẹ mới buông ra. Trao mớ hoa dầu cho chú nhóc, tôi để mặc cho nó cầm lấy tay mình kéo đi.
Trong nhà vọng ra mùi thơm của thức ăn. Thơm lắm, mẹ tôi vốn nấu ăn ngon, ngon như má thằng Luận vậy. Chả hiểu ra làm sao, nghe mùi thức ăn thơm mà cũng nhớ đến nó nữa mới khó hiểu. Tôi đứng lắc lắc đầu như thể muốn những ý nghĩ lãng đãng đó rơi hết ra khỏi trí não tôi. “Tí có xin gì đâu mà anh Hai lắc đầu vậy?” Tôi phì cười trước sự thơ ngây của nhóc. Tôi cúi xuống nhấc bổng chú bé con lên xoay tròn mấy vòng làm nó cười khằng khặc. “Mẹ ơi ra coi Tí quay như chong chóng nè”.
Tôi bỏ em xuống rồi ngồi lên một bậc tam cấp đưa mắt nhìn thằng nhóc lúi húi với mớ hoa dầu sao mà bình yên đến lạ. Có hay xa nhà mới thấy gia đình đáng quý làm sao dẫu rằng gia đình của tôi không trọn vẹn như những gia đình khác. Sau này tôi nghiệm thấy một điều là, rất nhiều gay không để ý tới gia đình lớn của mình mà lo mải mê tìm kiếm gia đình nhỏ. Đến lúc tìm kiếm hoài không được thì bắt đầu cảm thấy cô đơn, bị bỏ rơi và tự đánh giá mình bất hạnh. Thật tình chúng ta có bao giờ cô đơn đâu. Gia đình ta rồi cũng luôn ở bên cạnh, chẳng hề bỏ rơi ta.
|
Tập 27
Ngày… tháng… năm…
Có một khoảng thời gian dài mình nghĩ rằng, nếu bỗng có một ngày L. mắc một căn bệnh gì đó hoặc bị một tai nạn thảm khốc gì đó mà qua đời thì mình sẽ phản ứng thế nào? Mình sẽ giằng hết mọi người chung quanh ra, đau đớn vật vã ôm lấy L. để nhìn mặt nhau lần cuối. Mình sẽ ngã sụp vào một góc quan tài để khóc thật kinh khủng và cũng thật lẻ loi. Mình sẽ giành lấy một mảnh vải xô trắng để đeo lên đầu như một người vợ khóc thương cho chồng mình bất chấp mọi người chung quanh nghĩ gì hay dè bỉu mình như thế nào đi nữa.
Thế mà, khi dừng chân trước căn nhà đậm nét tang thương, nhìn vợ L. xỉu lên xỉu xuống, nhìn đứa con mới gần hai tuổi tay không rời mẹ và kêu khóc một cách ngơ ngác và sợ hãi thì mình lại chẳng còn lòng dạ nào để làm những điều mình từng nghĩ đến. Truyện được đăng tại website kenhtruyen.com Mình chỉ lặng lẽ như một người bạn hoà lẫn trong số đông đúc những người bạn của L. Chỉ có khác những người bạn ấy một chút là trong ánh mắt của mình luôn ngân ngấn những giọt nước mắt khiến mình phải rất khó khăn mới kềm giữ cho khỏi trào ra.
Chung quanh mình tràn ngập những sắc xanh rêu tươi tắn đưa mình về lại những kỉ niệm ngày hai đứa còn vui vẻ bên nhau. Yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông chi họ hàng, sao mà đúng quá chừng. Từ hồi yêu L. mình cũng trở nên yêu cả màu cảnh phục công an. Bất chấp báo chí luôn đăng tải những chuyện tiêu cực của cái ngành này, mỗi khi lướt qua màu xanh ấy, mình đều ngoái lại chào. Mình thấy các anh em công an đẹp trai hơn những người con trai khác. Cả những chị em mặc đồng phục công an cũng đáng mến hơn nhiều trong đầu óc mình.
Đã bao thời gian trôi qua rồi mà mình vẫn chưa thôi thói quen quay lại nhìn màu xanh quân phục công an. Cũng như mình vẫn còn mãi giữ trong lòng những yêu đương sâu sắc dành cho L. Dù cho có biết bao người con trai khác hơn L. về nhiều mặt, thế mà sao mình vẫn chẳng mảy may xao động. Vững bền như lời hứa mãi mãi dành hết tình yêu cho L. mình đã trao đi trong một đêm hạnh phúc tận cùng. Thế mà cuộc đời ai ngờ được, muốn để mình phải thất hứa với L hay sao? Thời gian sẽ là liều thuốc lãng quên đáng sợ, và liều thuốc ấy càng mạnh hơn khi mà đối tượng để ta nhớ không còn tồn tại trên cõi đời này.
Giống như tại hôm đám tang của L. vậy, mình vẫn kềm được cái đau buồn khôn tả, để cảm nhận được nỗi đau và mất mát của một người vốn là tình địch của mình, để vẫn đủ tri giác mà lặng lẽ làm một người bạn hoà lẫn trong những sắc xanh màu áo công an, dâng ba nén hương bốn cái xá đến L. Bốn cái xá, chứ không phải bốn lạy của người vợ tiễn biệt chồng L. ơi, điều đó cũng có nghĩa là P. sẽ không đi theo L. đến tận nơi L. an nghỉ.
L. ơi, P. muốn lắm nhưng có những ràng buộc giới hạn mà P. không thể vượt qua được.
Vậy là mình cũng không đủ bốc đồng ngay khi người mình yêu nhất nằm xuống. Mình vẫn còn nghĩ được đến những người khác, đã giúp đỡ mình có mặt trong buổi tang lễ của L. Chào L. nhé, hãy yên nghỉ và phù hộ cho vợ con của L. P. đã có thể tự chăm sóc bản thân mình dù chẳng bao giờ còn L. bên cạnh.
Tôi vô tình đọc được bài blog này trên một forum của gay, được đăng sau ngày Phát về đám tang người yêu mười ngày. Bài viết ghi tắt tên hai nhân vật chính, nhưng đọc vào thì thấy trùng khớp rất nhiều với hoàn cảnh của Phát. Cho nên tôi nghĩ, hẳn là hắn đã post bài blog ấy. Đôi khi tôi cũng làm thế, với những tâm sự chẳng biết nói cùng ai, nhưng lại không muốn ôm giữ riêng trong lòng. Chỉ có cách viết lên mạng với tên viết tắt hoặc bịa thành tên khác. Đôi khi nhận được những comment chia sẻ đúng tâm trạng của mình lại khiến mình thấy thoải mái hơn nhiều.
Đọc bài viết ấy, tôi mới nghĩ ra một điều, chúng ta ít khi nào biết được giới hạn thực sự của nghị lực. Đôi khi ta cứ tưởng rằng, nếu có một hoàn cảnh đau đớn tột cùng xảy ra, ta chắc chắn sẽ không vượt qua nổi và quỵ ngã. Ấy thế mà khi hoàn cảnh ấy xảy ra, sự điềm tĩnh đến bất ngờ của ta có khi còn khiến chính bản thân ta phải sợ hãi. Và cứ thế mà nghị lực của ta cũng bước lên một bậc thang mới. Nếu cuộc sống không xảy ra thêm thử thách thì ta lại cứ nghĩ rằng, đó dẫu chưa hẳn là nấc thang cuối cùng thì cũng là một trong hiếm hoi nấc thang cao nhất.
- Tui gặp thủ trưởng một chút được không? – Phát đột ngột xuất hiện ngay cửa
- Vào đi – Tôi ngước lên nhìn rồi đáp – Có chuyện gì thế?
- Mấy bữa rồi tui chưa gặp được thủ trưởng để cám ơn… – Hắn nói nhỏ nhẹ
- Có gì đâu Phát, anh em cùng hoàn cảnh không mà – Tôi mời hắn ngồi rồi nói tiếp – Mấy hôm nay Tuấn bận thật, cứ phải đi công tác suốt, chẳng có nhiều dịp vui vẻ với mọi người.
Tôi chợt nhận ra gần đây mình rất khách sáo với hắn. Dường như có một khoảng cách giữa hai chúng tôi. Kẻ tạo ra khoảng cách ấy là ai thì tôi lại không biết, chắc là do cả hai cùng tạo. Bởi hắn cũng rất khách sáo với tôi từ dạo ấy, nhất là từ khi tôi giúp hắn về dự đám tang người yêu, hắn đối với tôi càng giống với kẻ biết ơn đối với ân nhân. Điều này có làm tôi khó chịu một chút. Nghĩ thế nên tôi nói:
- Có nhớ đã giao hẹn gì không?
- Chuyện gì ạ? – Hắn ngơ ngác một cách thành thật
|
- Đã giao trước là hễ ai mà xưng hô khác ngoài xưng tên là phải chịu bị phạt, nhớ chưa?
- Nhớ rồi – Hắn thoảng cười làm hai lúm đồng tiền trên má lõm sâu nhìn rất dễ thương – Nhưng mà có một số hiểu lầm đáng tiếc nên mới phải xưng hô như vậy, thôi bỏ qua hết đi, tính lại từ đây nha?
- Không bỏ qua dễ vậy được – Tôi nói với vẻ nghiêm túc
- Nhưng Tuấn cũng có thay đổi cách xưng hô mà đâu phải một mình Phát đâu – Hắn cãi
- Thì Tuấn thay đổi mấy lần thì Phát cứ phạt mấy lần – Tôi cười đắc chí – Cũng như Tuấn sẽ phạt Phát đủ số lần thay đổi ấy. Phát đã bốn lần thay đổi cách xưng hô nên Tuấn sẽ phạt Phát bốn lần. Còn Tuấn thì thay đổi cách xưng hô mấy lần?
- Ai mà nhớ được – Hắn bĩu môi
- Ha ha! Không nhớ thì xem như không có nhé! – Tôi chộp lấy ngay cơ hội
- Chỉ huy gì mà ăn gian thấy ớn – Hắn không cãi lại làm tôi cũng hơi bất ngờ và cũng bớt đi hào hứng – Vậy giờ Tuấn định phạt gì?
- Hôm nay Tuấn chưa nghĩ ra – Tôi đáp – Để hôm nào nghĩ ra sẽ nói!
- Không được – Hắn đáp – Bị phạt bốn lần lận, nếu hôm nay không phạt một lần thì coi như còn ba lần thôi.
- Trời sao tính khôn quá vậy?
- Phát học theo Tuấn đó – Hắn cười rất tươi – Nói mau không là mất cơ hội nha!
Tôi đang phân vân chưa biết nên phạt hắn cái gì thì tự dưng cái quần treo trên móc rớt phục xuống đất. Ối chà có hình phạt rồi đây. Tôi quay sang nhìn hắn tủm tỉm cười:
- Bà xã Phát lấy quần áo của ông xã Tuấn đi giặt đi! Phạt đấy! Nhớ ủi cho thẳng thớm nữa nhé!
- Ê gì mà ông xã bà xã ở đây – Hắn tròn xoe mắt nhìn tôi làm tôi rất ư là khoái trá
- Vậy đó được không? – Tôi tròn miệng khiêu khích sau chữ “không”
- Ờ được – Hắn lại bĩu môi rồi tiến lại thu gom quần áo dơ của tôi – Vậy là còn hai lần phạt nha!
- Trời đất! – Tôi ngạc nhiên hết sức – Sao lại còn hai lần?
- Giặt là một nè, ủi là hai nè! He he! – Hắn cười khoái chí
- Thôi chấp luôn – Tôi đưa tay giả bộ vuốt râu – Cố gắng giặt cho sạch ủi cho thẳng thì ông xã Tuấn còn thương mà giảm nhẹ hai lần phạt còn lại nhá!
- Hứ! Giờ bà xã Phát đi được chưa ông xã Tuấn? – Hắn bất ngờ hoạ theo làm tôi thích thú lắm.
- Ừ bà xã đi đi – Tôi giơ hai ngón tay lên hôn gió.
Hắn vừa nhìn thấy đã vội chạy tọt ra cửa mất tích mất tăm rồi.
* * *
Hôm nay đơn vị vắng tanh. Ngoài trời thì mưa tầm tã. Cũng lạ thật, mùa mưa chưa đến thật sự mà sao lại có một cơn mưa to như thế. Mưa vừa to vừa dai dẳng nữa chứ. Tôi ngước nhìn ra mặt sân xem trong những lênh láng nước phủ ngập, những giọt mưa to nặng rơi xuống có nổi lên những bong bóng hay không mà mưa lại dai dẳng như thế. Tôi nghe mẹ tôi nói như vậy, mưa bong bóng là mưa dai lắm.
Trời mưa bong bóng bập bồng Mẹ đi lấy chồng con ở với ai?
Tự dưng lại nghĩ lung tung đi đâu rồi. Chắc tại chung quanh vắng vẻ quá đấy mà. Mưa thế này thì hẳn là anh em kéo nhau đi tắm mưa cả rồi. Thế mà quên gọi tôi. Từ hồi tôi về với thương tật trên tay thì mọi người cũng để ý ít kêu gọi tôi tham gia trò này chuyện nọ để tôi chuyên tâm dưỡng bệnh. Cứ thế mà thành thói quen, tôi lành hẳn rồi mà cũng chả có ma nào rủ tôi đi tắm mưa cùng. Cũng tại mấy cái sao cái vạch trên cầu vai áo đấy! Dẫu sao thì cũng cũng gây ra những cách biệt nhất định giữa tôi và các anh em. Muốn thu ngắn hoặc là dẹp những cách biệt ấy, chỉ có bản thân tôi mới làm được mà thôi.
Oài, “bà xã” của tôi đang ngồi giặt quần áo một mình tội nghiệp ghê chưa. Tôi tiến đến nhè nhẹ rồi “hù” một tiếng rõ to làm hắn giật mình rớt khỏi cái ghế con con lấm lem hết cả. Quay sang nhìn thấy tôi hắn cau mày:
- Làm gì vậy ông thần? Dơ hết luôn nè!
- Dơ thì tắm lại – Tôi nghênh mặt – Để Tuấn tắm cho sạch nhé?
- Hứ! – Hắn bỉu môi – Tắm cho hay dê hả siêu dâm?
- Cái nào cũng đúng hết – Tôi cười he he như tiếng dê kêu
- Thôi đi chỗ khác để tui ý quên Phát giặt cho xong nè! Nhiều đồ lắm!
- Ừ nhiều quá nhỉ, giặt đồ cho cả hai vợ chồng luôn mà – Tôi nói tỉnh bơ, ngồi xuống bên cạnh rồi thì thào – Để ông xã Tuấn phụ giặt cho bà xã Phát nha!
- Xã gì mà xã – Hắn không nhìn tôi đáp nhưng nét mặt thì như là đang cười mỉm chi – Giặt một mình được rồi!
|