Tay phù thuỷ
Nguyên tác: The Witch
Tác giả: James Klise
Người dịch: Patmol Black- Lân Vũ
Tiếng nói của tên quản viện có thể làm im bặt sáu mươi thanh thiếu niên. Phát hiện mới mẻ này làm hắn ngạc nhiên.
"Ngừng nói chuyện đi”, hắn bảo, sử dụng cái chất giọng trầm từ sâu trong cổ họng, và sự im lặng lập tức ngập tràn thư viện như phép lạ. Sau đó, hắn lại có thể thoải mái giúp học sinh tìm kiếm các bài viết cho công việc nghiên cứu, hay xếp sách lên kệ, hay chỉnh sửa lại những tờ báo Chicago trên cái giá kệ dài sao cho ngay ngắn. Những khi yên tĩnh, hắn sẽ có thể di dời bàn ghế, tưới nước cho cây, bằng không thì lại nâng cao hoặc hạ thấp màn cửa sổ tuỳ theo vị trí của mặt trời.
Đó là một ngôi trường tư thục, nhỏ, chỉ với mỗi một quản viện. Chưa chi ngay sau khi lấy được cái bằng--- hắn đã có một thư viện dành cho riêng hắn. Hắn thích thú lắng nghe tiếng bước chân mình bước vòng quanh bàn học và vi tính lúc thư viện đông người. Hơn thế nữa, đối với hắn, có điều gì đấy thú vị về công việc này--- được giữ vai trò chủ chốt, được cầm roi mà quất. Mẹ hắn, mới đây vừa từ trần sau nhiều năm bệnh tật, đã nói "Hãy hoá giải, một lần cho tất cả, cái quan niệm rằng con là một người nhút nhát”. Bà bắt tiếp câu nói trên bằng một trong các kiểu ánh mắt thường thấy trên giường bệnh, cái kiểu nhìn nói lên sự tri thông cuộc đời.
"Anh nghĩ em thích quyền lực”, bạn trai hắn, Dennis, bảo, sau khi trường học khai giảng, "Có lẽ em bị kích thích khi nắm quyền kiểm soát”.
Tên quản viện đáp, "Này cậu trẻ, cậu cần phải củng cố lý lẽ trên với chứng cớ”. Hắn đè Dennis xuống tấm thảm phòng, hôn lên cổ tên bạn trai, cố tình gây nhột. Dennis vừa dọn vào ở chung với hắn. Thùng thiếc vẫn còn xếp hàng trong bóng tối hành lang ngoài bếp.
Chắc có lẽ hắn thích sở hữu quyền lực thật, như Dennis gợi ý. Nếu tên quản viện thuộc tuýp người khác--- bớt e dè, tự tin hơn--- biết đâu chừng hắn đã làm giáo viên dạy kịch. Khả năng sai khiến người khác dịch chuyển theo ý mình, chỉ cho họ nơi chỗ cần đứng và câu từ cần nói khiến hắn hài lòng. Thật ra thì, có thứ gì đó mang tính kịch nghệ về lối thiết kế của cái thư viện nhỏ này: cái cổng đôi với hai cửa, trần nhà mái vòm, và ánh sáng chiếu theo kiểu cách nghệ thuật qua những khung cửa sổ hình vòng cung. Từ ghế ngồi ở quầy thông tin, tên quản viện ngắm nhìn đám học sinh đến đến đi đi như trên một sàn diễn. "Mở màn,”, khi thoảng hắn vẫn thường tự lẩm bẩm nói đùa với chính mình, mỗi khi học sinh ùa vào bên trong.
Tên quản viện chẳng phải tuân theo thời gian biểu nghiêm ngặt hay danh sách những-việc-cần-làm được chỉnh sửa từng ngày. Hắn đơn thuần chỉ đáp ứng nhu cầu từ học sinh. Hắn đọc trước các bài luận văn khi được yêu cầu, cho đăng những mẹo tìm kiếm tư liệu, và giữ cho các máy in khi dở khi ương lúc nào cũng đầy ắp giấy. Tên quản viện khám phá ra được một thú vui tức thời và hiện hữu khi trải thời gian ngày qua ngày với một đám đông dân số chỉ biết quá ư là chút ít về thế giới xung quanh, mà trong mắt chúng, hắn dường như am tường tất cả. Câu hỏi của các học sinh là sự kết hợp hoàn hảo giữa khái quát và dễ dàng: "Vì sao Macbeth lại giết Duncan?”, hoặc, "Tại sao Napoleon lại ngừng ở Austerliz hay Friedland?”. Rốt cuộc thì xem ra tên quản viện biết hầu hết những lời giải đáp—và nếu không biết câu trả lời ("Plastic đến từ đâu?”) hắn biết đích xác nơi tìm ra đáp án. Rồi khi cơn mưa nóng nực tháng Chín đến, những khung cửa sổ cũ kính kêu lộp độp, và ánh đèn xe chớp nháy, lũ học sinh lại đồng loạt quay sang tên quản viện, cứ như hắn cũng quản luôn cả thời tiết vậy.
Hai tháng với công việc, tên quản viện bắt đầu tự hỏi: Lòng kiên nhẫn mà mỗi con người được cuộc đời trao tặng thật ra là bao nhiêu? Liệu nó có giới hạn, có vơi đi, hay cạn kiệt? Hắn vẫn thích những chiến tích nhỏ nhoi, những khi đối chiếu chính xác học sinh với các đầu sách và nguồn thông tin, tuy nhiên những chuyện lặt vặt cỏn con lại khiến hắn bực bội. Ví dụ như: Giấy gói kẹo. Những miếng khăn giấy dùng rồi, bị bỏ rơi, ẩn mình như lũ chuột nấp sau chân bàn. Khi giấy cứ kẹt trong máy in một cách đều đặn. Vẽ bậy, đủ mỗi thể loại. Và trên hết, tiếng xì xầm không ngưng nghỉ, ngày càng gia tăng đến độ hắn phải lặp lại câu "Ngừng nói chuyện đi” của mình cứ mỗi mười hay mười lăm phút. Lần đầu tiên, hắn lo mình sẽ khó lòng kiềm được đám học sinh.
Văn phòng giáo viên chẳng giúp ích được tích sự gì. Khác với thầy cô giáo, tên quản viện chẳng phải chấm điểm bài kiểm hay soạn thảo bài giảng. Hắn không phải rèn luyện vận động viên, hay chỉ đạo câu lạc bộ, hay hoạt động trong các hội đồng quản trị. Hắn không cần thêm tiền phụ trội nữa, nhờ vào mớ tiền thừa kế. Vào giờ nghỉ trưa, khi mà những giáo viên khác bàn thảo với nhau về giáo án, tên quản viện chỉ lặng thinh. Hắn thấy ngộp bởi sự non choẹt thiếu kinh nghiệm. Dần dà hắn học được cách đem phần ăn trưa của mình vào một căn phòng trống, nơi hắn có thể xem lại những quyển catalog để đặt mua sách, hoặc đọc sách, hoặc nghỉ ngơi hai mắt. Hắn ngờ vực rằng những người khác bàn tán về hắn khi hắn vắng mặt--- về việc thư viện đôi lúc lại ồn ào đến thế nào, và càng tồi tệ hơn nhiều, hắn tưởng tượng, so với những năm trước đây.
"Làm ơn đừng đem cái âm khí tiêu cực ấy về nhà”, Dennis nói từ trên ghế sofa. Dennis vừa mất việc, công việc sắp đặt sửa soạn cho các hội nghị quảng cáo tiếp thị cho mấy công ty dược phẩm. Gã vẫn tuyên bố mình tin vào lối suy nghĩ tích cực--- dùng thuốc hay không dùng thuốc. Đồng thời, gã lại chẳng mảy may chi mấy về việc đi ra ngoài mà săn việc.
"Anh cần phải gửi đi các bản sơ yếu lí lịch,” tên quản viện nhẹ nhàng bảo, "Anh cũng cần phải tích cực nữa, nhớ chứ”.
"Đừng có lên giọng với tôi như với học sinh”, Dennis đáp, dán mắt vào màn hình tivi.
Tên quản viện ngậm miệng lại. Hắn bước vào nhà bếp, đứng cận quầy bàn, hít thở thật sâu qua lỗ mũi để tự trấn tĩnh. Hắn biết rõ một điều về con người: Bạn chỉ có thể giúp được họ trừ phi họ muốn được giúp. Bằng không bạn sẽ phí phạm cả đời người qua những lời năn nỉ và hứa hẹn.
Phần hay ho nhất trong một ngày làm việc của tên quản viện luôn là phần đầu tiên của ngày, trước sự ồ ạt và nháo loạn của học sinh. Hắn thích đến một thư viện tối đèn, ngừng lại ở văn phòng phía sau với áo choàng trên người. Cảm giác khoan khoái khi đứng ngay cầu giao điện, bật lên hết ba mươi cái công tắt đèn, như Chúa Trời ban ánh sáng ban ngày lại cho căn phòng.
Hắn trở nên nghiêm nghị hơn với những điều lệ và hà khắc hơn với kỷ luật. Luật mới: một người một bàn, và một người một máy tính. Học nhóm và dạy kèm không còn được cho phép trong thư viện nữa. Hắn cũng ngưng cho phép học sinh đi đến tủ chứa đồ của mình, với lý do rằng bọn chúng phải chuẩn bị sẵn những thứ cần kíp trước khi đến học ở thư viện. Nhanh chóng, bọn học sinh e ngại mỗi khi phải hỏi xin hắn giúp đỡ, sợ hãi khi nhìn vào mắt hắn, những ngón chân trong các mũi giày căng thẳng nhấn sâu vào vải sàn màu kem. Nhiều lúc tên quản viện thấy hối tiếc cái hiệu ứng tạo khoảng cách của kỷ cương, nhưng sự tiếc nuối ấy tiêu tan ngay khi cơn xì xầm đáng ghét trỗi lên, "Ngừng nói chuyện đi”, hắn vẫn hay bảo. Mặc nhiên thay, câu nhắc nhở giờ đã như những viên thuốc bị lờn đi theo thời gian. Để bình tĩnh lại, hắn ghé thăm gian sách Tác Phẩm Kinh Điển, hít thở thật sau qua lỗ mũi.
"Mình có quyển sách nào,” Con bé ăn mặc tang tóc hỏi, "về thuật phù thuỷ không ạ?” Một câu hỏi thường gặp. Đa số các học sinh thường tò mò về những lĩnh vực khiến chúng kinh hãi: phù thuỷ, người ngoài hành tinh, kẻ giết người hàng loạt, vân vân...
Tên quản viện xoay cái ghế quay về phía màn hình vi tính. "Bỏ áo vào quần đi”, hắn nói. Hắn chẳng bao giờ chịu giúp đỡ học sinh nếu áo chúng bỏ ngoài quần, mặc cho máy điều hoà có nóng đến cỡ nào. Thông thường, hắn chỉ vờ như chả thấy hay chả nghe thấy chúng nếu đồng phục không tươm tắt, nhìn chúng chằm chằm cho đến khi chúng ngộ ra hoặc lỉnh đi chỗ khác.
Khi con bé hỏi lại lần nữa, tên quản viện ngó lại cái áo. Hài lòng, hắn tìm ở danh mục trên mạng, và kiếm được một quyển với tựa đề Cẩm nang cho các câu chú, nghi lễ và lời triệu. Hắn ghi số thứ tự sách xuống một tờ giấy rồi đưa cho con nhỏ. Hắn chẳng đề cập gì đến việc giúp con bé tìm quyển sách ấy. Đến khi nó quay lại với quyển sách---một quyển mỏng, đương thời, với cách trình bày mang tính hình học sặc sỡ--- hắn cho máy quét hình quyển sách rồi bảo, "Đúng hai tuần. Nếu tôi không lấy lại được nó, cô đừng mong tốt nghiệp”.
"Em mới lớp mười một mà?” Khuôn mặt tái của đứa con gái đỏ ửng vì nóng. "Nhưng cảm ơn đã cho biết trước ạ”.
Hiệu trưởng trường lâu lâu cũng ghé qua thư viện, lượn vòng căn phòng dạo soát chậm trãi, kĩ càng. Thường thì chỉ nội sự hiện diện của bà ta cũng đủ để giữ cho căn phòng bặt tiếng, tuy nhiên, lúc nào cũng có một hoặc hai đứa học sinh quyết tâm làm xấu mặt tên quản viện cho kì được bằng những trò phá bĩnh: xô ngã ghế ngồi, phản chiếu ánh sáng nâu đồng bởi những đồng tiền xu, và- nhiều hơn một lần- xì hơi không tiếng động gần quầy kiểm sách đặng cho khi hiệu trưởng tiếp cận hắn, bà sẽ cho rằng tên quản viện vừa xì hơi.
"Không khí trong lành sẽ tốt hơn cho nơi này,” bà bảo với hắn. Giọng bà nghe hào hứng, nhưng rồi bà rời đi nhanh. "Chắc là nên mở cửa sổ ra”.
"Không được,” hắn gọi với theo, "làm thế chúng ta sẽ mất rất nhiều sách!”
Hai tuần lễ sau, vào giờ rất trễ của một ngày học, con bé đồ đen u ám quay trở lại với quyền sách phù phép. "Cảm ơn,” nó thì thầm, đưa cho hắn cuốn sách qua quầy hướng dẫn. "Đã rất hữu ích”.
"Được thôi”, tên quản viện đáp, dẫu cho giọng điệu của đứa học sinh khiến hắn thấy bất an. Hắn gắng dễ dãi hơn với con bé một thời gian--- ngừa trường hợp nó học được thứ gì đấy từ quyển sách.
Thỉnh thoảng hắn để ý thấy con nhỏ lân la ở những chiếc bàn dài, hai cẳng tay ốm yếu khoanh lại, mấy quyển sách trước mặt đóng kín, cặp mắt nó nhìn chằm chặp vào hắn với vẻ tự tin và quả quyết.
Nhìn chằm chặp, ít ra thì, cũng còn khá hơn cười rúc rích. Cười rúc rích vẫn đỡ hơn là đảo tròn mắt. Đảo tròn mắt thì chẳng tệ như tiếng khọt khẹt hay há hốc miệng hay những lời bình phẩm ác cảm thều thào qua hơi thở, "Sao cũng được”. Là đối tượng của các trò trên, và với cơn giận cấp độ nhỏ sôi lên trong lồng ngực, tên quản viện càng cố áp đặt quyền lực thống trị tối ưu lên đầu các học sinh. "Không dung tha”, hắn dán tờ giấy trước cửa thư viện, ngay dưới tấm biển "Chào mừng các em!” hắn treo lên từ hồi tháng Tám nay đã phai mờ.
Tháng Hai nhạt nhẽo, tháng Ba lạnh lẽo và ẩm ướt. Đến tháng Tư, một sáng nọ, tên quản viện nhìn vào tấm gương soi, chợt nhận ra hình dạng mình đang thay đổi: cái miệng luôn đóng chặt vì vẻ cau có thường trực, hai vai gồ lên phía trước tạo dáng dù, mái tóc xộc xệch, nước da xuống cấp và ửng đỏ. Hắn tự hỏi chẳng biết đứa học sinh nọ, cái con bé áo đen ấy, có trù ếu gì hắn không, khiến hắn trông già nua, xấu xí, hay bất hạnh. Tất cả học sinh xem chừng như đều ghét bỏ hắn. Ừm, thì hắn cũng chả phải ở đây để kết bạn với chúng nó.
"Em là quái vật,” Dennis nói với hắn. Gã đang gom góp đồ đạc của mình. Thêm một lần nữa, thùng thiếc lại xếp hàng dài trên hành lang nhà bếp, "Anh không muốn sống với quái vật!”
"Phù thuỷ thì đúng hơn”, tên quản viện nói, trong đầu nghĩ tới con bé chết chóc. Người đờ đẫn vì mệt mỏi. "Em chỉ cần nói gì thì ắt nó sẽ diễn ra liền. Em bảo chúng đứng lên, đẩy ghế vào, chúng sẽ làm thế. Em bảo chúng giữ im lặng là chúng im ngay--- tuy chỉ trong vài phút, nhưng chúng vẫn im. Chúng sợ em”.
"Và anh cũng thế,” Dennis đáp, "Và giờ thì em đang khiến anh tiêu biến”.
"Anh không vui vì anh không chịu đi làm. Anh phải chững chạc và chịu trách nhiệm hơn một tí chứ?”
"Đây đáng lẽ sẽ là một lời khuyên tốt”, Dennis nói, "nếu không phải phát ra từ cái kẻ suốt ngày chỉ biết ca cẩm về công việc của mình”.
"Chính anh cũng có sức mạnh để khiến mọi thứ chung quanh đây tốt đẹp hơn mà”
"Sao cũng được”, Dennis trả lời, lúc gã kéo cái túi ngủ ra khỏi cửa.
Yên ắng an toạ trong căn hồ như cơn mưa phùng, như khí trời mùa xuân. Tên quản viện tự thấy lòng thanh thản. Chí ít thì hắn cũng được giải phóng khỏi cuộc chiến ấy--- mà chia ly lại là một phần của công việc. Suốt cả ngày, hắn chia rẽ những con người--- bạn bè, kẻ thù, mấy đứa đang cặp với nhau. Mấu chốt ở đây là tách rời người với người.
Tháng Năm, cấp độ tiếng ồn gia tăng. Bất kể khi nào tên quản viện quay lưng lại, tiếng xì xào lại tiếp diễn, dạn dĩ như tiếng sáo. Tên quản viện bước quanh các dãy sách, săn lùng kẻ gây rối, yêu cầu học sinh rời khỏi thư viện để chứng tỏ quyền hạn. Tuy vậy, các băng nhóm phản động lúc nào cũng sống sót, như tế bào ung thư sau khi đã được chữa trị. Mỗi khi đứa nào đó ho hay hắt hơi, một tràng những câu "Cầu trời phù hộ bạn” vang dội khắp căn phòng, đẩy cho sự điên tiết trong tên quản viện lên cao hơn.
Chiều nọ, một thằng bé mặt mụn, đang đổ mồ hôi, tiến tới quầy làm việc với một quyển sách. "Em muốn lấy quyển này,” nó bảo, "cho lớp Lịch Sử Thế Giới”.
Tên quản viện chẳng muốn cho học sinh mượn sách vào thời điểm trễ thế này của năm học. Hắn sợ học sinh sẽ chẳng chịu đem trả lại thứ chúng nó vay mượn. Hắn cầm lấy và nhìn vô quyển sách. Cẩm nang cho các câu chú, nghi lễ và lời triệu. "Đây không phải sách lịch sử”, tên quản viện nói, "chỉ là quyển sách nhảm”. Hắn thẩy nó lên mặt bàn phía sau quầy, chỉ tay về hướng kệ sách Bách Khoa Toàn Thư. "Cần thì copy lại”, hắn bảo.
Sau tiếng chuông cuối cùng của ngày hôm đó, lúc đang quét dọn, tên quản viện quay trở lại với quyển Cẩm nang cho các câu chú, nghi lễ và lời triệu. Nghe theo ham muốn tò mò bất chợt, hắn bỏ nó vào cặp sách và đem về nhà. Hắn tra khảo phần mục lục vào bữa ăn tối. Hắn thường đọc sách vào bữa ăn, khi mà giờ đây Dennis đã đi mất. Lời chú khống chế, dựa trên quyển sách, là một câu chú khả dĩ có thể kiềm hãm hoặc điều khiển người bị trù ếm. Mà mùa xuân lại là khoảng thời gian thích hợp nhất để thực hiện nó. Tên quản viện tự nhủ không biết liệu có thể sử dụng lời chú khống chế với đám học sinh không, để chúng ngưng nói chuyện và hoàn trả yên tĩnh lại cho thư viện.
Hắn tìm được năm cây đèn cầy trong tủ đựng ly ngoài hành lang—mùi hương anh đào, còn sót lại từ thời còn hạnh phúc--- cùng với một hộp diêm lấy từ quán ăn Ý trên đường Lincoln. Hắn mang tấm thảm tròn nhỏ trong phòng ngủ ra, đặt chính giữa phòng khách, dùng băng keo tạo thành hình ngũ giác trên thảm, năm đỉnh ngũ giác chạm vào thành mép. Từ nhà bếp, hắn kiếm ra một cái tô trộn sà lách, nhánh cây xô thơm tươi, và muối. Hắn rắc muối lên quanh mép tấm thảm để thanh trừ vòng tròn pháp thuật.
Hắn cần thứ gì đó đại diện cho lũ học sinh: bút chì. Hắm gom góp được chừng một tá, cột chúng lại bằng dây thun, đặt chúng vào giữa trung tâm vòng tròn, cạnh cái tô, diêm quẹt và nhánh cây.
Hắn đốt đèn cầy, vặn tắt đèn phòng, rồi quỳ gối trên tấm thảm. Làm theo hướng dẫn trên quyển cẩm nang, hắn đốt cháy nhánh cây xô thơm, nhìn nó bốc cháy trong giây lát, làn khói đen ma quỷ bốc lên. Hắn nói, "Hãy đem bình an lại cho thư viện tôi”. Tiếng nói, trong chất giọng bình thường của hắn, khiến hắn choáng. Nghe cứ như giọng mẹ hắn vậy. Nhánh cây cháy nhanh trước khi có thêm khói, cách mặt hắn chỉ chừng vài phân. "Ngừng nói chuyện đi”, hắn lẩm nhẩm, nhấn mạnh mục đích mình. Hắn bỏ nhánh cây vào cái tô, sao cho tàn tro dính vào thành thuỷ tinh. Theo lời quyển sách, làm vậy sẽ giúp bài trừ âm khí. Hắn quẹt ngón tay mình vào trong tô, như chỉ dẫn--- đầu tiên là một bàn tay, sau đó là tay còn lại. Hắn không thích chạm vào sách thư viện với bàn tay dơ, thành ra hắn đặt quyển sách xuống sàn nhà, dùng đầu gối tì lên các trang giấy. Bây giờ, hắn phải chịu khó trườn người tới trước để nhìn thấy nét chữ. "Nhân danh gỗ sồi, tàn tro và rễ gai,” Hắn chậm trãi đọc, "trở lại thành cát bụi”.
Đấy là bước cuối cùng. Hắn ngả người ngồi lại trên gót chân, để cho quyển sách tự động đóng lại. Lồng ngực đầy ngập cảm giác ngu xuẩn, hay bực dọc bất lực. Chưa chi xem chừng như đây là một lỗi lầm: lời chú sai, hay, sai thầy phù thuỷ. Hắn chớp mắt, cố ngăn dòng nước mắt, nhưng cũng chả hiệu quả.
Hắn thổi tắt năm ngọn nến, và căn hộ ngập chìm trong bóng tối, như một bức màn vừa buông xuống. Qua những giọt nước mắt, hắn hít thở không khí. Khói nến nghe rõ mồn một khi tràn vào trong phổi, trong não hắn. Hắn chẳng quay mặt đi. Ngược lại, hắn hít nhìn hơi thật sâu qua sóng mũi.
Lúc ngửi lại được không khí trong sạch, hắn lần tay mình khắp miếng thảm cho đến khi tìm thấy hộp đựng diêm. Hắn đốt một que diêm khác, nhìn nó cháy một lúc, rồi thổi tắt nó, hít vào người làn khói xám. Hắn đốt một que, rồi lại một que nữa. Mỗi lần như thế, hắn dùng ánh sáng loè ra từ que diêm khi mới cháy để quan sát những ngón tay kỳ lạ, dính đầy tro bụi, cuộn lại như sâu trùn, trước khi thổi tan ngọn lửa, và buộc mình hít thở.
Hết
Vote Điểm :12345