»  
»  
11:06, 05/04/2015

✿ Người Đăng: hoacaivang2640

1.533 Lượt Xem 10 Bình Chọn Truyện Cùng Người Đăng


✿ Nội dung truyện Thuở Xưa Học Trò Phần 2

9D NGOAN NGOÃN VÀ NGHỊCH NGỢM

 

Cô Liên Minh

 

Sang năm học mới, lớp 9, chúng tôi được chuyển sang học buổi chiều . Trong lớp vắng đi một vài bạn : Hồng già , Hồng xinh , Tùng , Chu Phúc Quý , Tú      " mỳ sợi ”  " Tú "Khỉ ”…. Nhưng lớp lại đón nhận thêm hai bạn mới nữa là Tuấn già và Hòa cận.

Cô Liên Minh làm chủ nhiệm dạy Trung văn. Có thay đổi một số thầy cô bộ môn: Thầy Phán dạy văn, thầy Kính dạy toán , thầy Trí dậy lý nên bọn tôi gọi là Trí lí , cô Hồng  dạy sinh học .

Thằng Phan anh Phương vẫn làm lớp trưởng, nhưng sau đó chả biết nó đi đâu, và Lê Bích Hợp làm lớp trưởng. Sang năm lớp chín, mỗi lớp chúng tôi được thành lập chi đoàn riêng, Bí thư Đoàn thanh niên là Cường gái.

Cô chủ nhiệm lại dạy bộ môn Trung văn nên bọn lớp tôi không dám lười nữa; chao ơi ! chúng nó học bài ra rả . Ngay từ những ngày đầu tôi đã bị cô gọi lên bảng đọc bài, được 7 điểm , không cao, cũng không đến nỗi thấp, ấy thế  mà tôi cũng chủ quan tin rằng mình đã thoát, không học môn đó nữa, để dành thời gian cho những môn học khác. Rồi một hôm trong khi các bạn ôn bài như quốc kêu thì tôi cố học môn vật lý, chẳng ngờ lại bị cô Liên Minh gọi lên bảng một lần nữa. Nghe cô gọi tên mình , tôi giật mình và thốt lên : "Ối! ” làm bé An sữa  ngồi  bên cạnh bật cười . Thế nhưng nghe các bạn đọc bài nhiều quá nên tôi đã thuộc đựợc . Cô cho 8 điểm và còn khen:

-         Một bài khóa dàinhư vậy mà bạn thuộc được 2/3 chứng tỏ bạn rất chịu khó.

 Eo! ngượng quá , mình có học gì đâu .

 

 

Trong khi đó môn văn, học tác phẩm Truyện Kiều của  Nguyễn Du , hôm đó tôi đã thuộc bài làu làu , thầy Phán gọi lên bảng , tôi tự tìn đọc :

Sự lòng ngỏ với Băng nhân

Tin sương đồn đại xa gần xôn xao

Nhưng cứ mỗi lần tôi đọc chưa xong một câu thì thầy lại quát:

-         Đọc to lên!

Tôi cứ cố mãi, cố mãi mà vẫn không làm thầy vừa lòng. Thầy cho tôi 1 điểm và đuổi tôi về chỗ.

  Một lần khác, tôi còn bị thầy làm cho sợ hơn: Trong giờ thầy chữa bài kiểm tra, tôi bỗng giật thót khi nghe thầy gọi tên mình lên bảng. Thầy đọc cho tôi câu văn viết sai của chính tôi, bắt tôi chép câu đó lên bảng rồi yêu cầu tôi và cả lớp tìm xem sai ở chỗ nào. Làm sao mà tôi và các bạn có thể biết được sai ở chỗ nào cư chứ, thế là thầy phải chữa, đó là câu văn thiếu vị ngữ

   Sang học kỳ hai, tôi lại bị thầy réo tên một lần nữa, nhưng lần này tôi không bị mắng, mà là được thầy khen. Đó là một bài thơ mà chúng tôi phải làm về đề tài tình hữu nghị Việt Trung bị rạn nứt. Nhưng thầy sửa cho tôi tên bài là "Gieo gió gặt bão” chứ không phải " Gieo gió gặp bão” :

 

Bọn giặc Trung Quốc dã man

Ngang nhiên tàn phá hung tàn nước ta.

Bắn em nhỏ, giết người già,

Giết người, cướp của, đốt nhà thẳng tay.

Dân ta trăm đắng nghìn cay,

Căm thù bọn chúng chất đầy núi sông.

Hỡi quân giặc cậy đông hung bạo

Gieo gió, mi gặt bão cho coi.

Căm thù đã sẵn đây rồi,

Chút lên đầu chúng, quyết đồi tự do.

Đánh cho bọn giặc hung đồ

Tan xương, nát thịt, trả thù cho dân.

Dạy cho bài học nghìn năm:

ĐỐNG ĐA lịch sử, BẠCH ĐẰNG là đây.

 

 Tuy được 8 điểm và thầy khen, nhưng tôi biết bài của mình chẳng qua là gieo vần đúng luật bằng trắc thôi, chứ nội dung thì không thể hay và sâu sắc như bài của Nam và Thu Hương được. Bài của Nam rất đặc biệt: Tất cả những từ đầu dòng của bài thơ, Nam viết chữ in hoa, và ghép lại thành một câu rất ý nghĩa :

PHẢN

ĐỘNG

TRUNG

HOA

PHẢN

BỘI

THUA

ĐAU

 

  Cô Phụng thì bắt đầu những bài giảng chán ngắt với những câu : " Ợ ợ ợ chúng ta thấy rằng là … ” Có lẽ vì vậy nên chúng tôi ít có hiểu biết về lịch sử Việt Nam , lịch sử nước nhà . Đã thế , năm nay cô lại bắt chúng tôi soạn bài sử trước khi cô giảng như là môn văn. Bây giờ mới thấy cô Phụng dậy rất chán : Trong bài giảng của cô lúc nào tôi cũng chỉ nghe thấy các cụm từ : "Chúng ta thấy rằng là …ợ , ợ , ợ …” Vậy mà tôi chẳng thấy gì ngoài các tiếng ợ, ơ ợ  ấy cả . Sau này theo nghề sư phạm , tôi mới biết rằng chắc chắn cô thường xuyên không soạn giáo án. Đã vậy chúng tôi thường xuyên phải chịu một nỗi khổ , đó là cứ mỗi lần chuẩn bị kiểm tra 1 tiết  là cô lại cố tình nói dối chúng tôi :

- Các em cứ học kỹ cho tôi những bài này , bài này. Tôi không hỏi gì khác ngoài các bài này  …

 Chúng tôi tin lời cô , nhưng đến khi cô đọc đề kiểm tra thì lại không có nội dung mà cô cho ôn ở các bài ấy. Chúng tôi ngạc nhiên , nghơ ngác và thi nhau " Ơ …ơ …” …  Cô không nói : " Ơ quả mơ ” mà cô cứ mặc kệ, và chuyện đó cứ lặp đi lặp lại mãi ? Hay là vì cô muốn điểm số của lớp tôi phải thấp hơn điểm số của lớp A do cô chủ nhiệm ?

  Một lần, Nga mèo bị cô Phụng gọi đọc bài. Thấy Nga mèo tha thướt trong chiếc quần lụa óng ả, ánh mắt cô Phụng cứ lướt nhìn nó từ đầu xuống chân, rồi lại lướt lên . Khiếp! Nhìn học sinh bằng ánh mắt như vậy thì làm sao nó có thể bình tĩnh đọc bài được. Hình như cô Phụng biết chuyện Nga mèo có người yêu là thằng Giao (lớp A) của cô hay sao ấy. Tôi hay chơi với Hảo (học sinh lớp A) vì Hảo ở gần nhà tôi, và hình như Hảo cũng biết chuyện này.

  Mãi về sau này khi không còn là học sinh nữa, tôi lại được nghe rất  nhiều bạn không cùng lớp, cùng khóa kể về cô Phụng những câu chuyện giống như câu chuyện mà tôi đã kể trên đây . Có người còn kể cô ăn hối lộ gà nữa  (Học sinh đểu nhỉ, toàn nói xấu cô giáo )

 

  Thầy Được dạy địa thì vẫn vui tính, nhưng bọn con gái chúng tôi không thích vì thầy hay nói chuyện nhảm nhí, làm cho bọn con trai cười tít mắt . Thằng Hải con nó còn bảo:

  -Bọn con gái ghét thầy địa lắm đấy!

 Đúng thế đấy!  Không những ghét thầy địa mà còn ghét cả bọn con trai, vì chúng nó cũng hay thích nói chuyện nhảm, giống thầy. Thằng Hải con có lần nó cũng làm mình cáu: Một lần, giờ tan học , mình nhìn thấy thằng Hiền ( là bạn của thằng Dũng ) ở cổng trường. Mình muốn tránh mặt, không nhỡ nó đi theo sẽ biết nhà mình. Thế là cứ đi, đi mãi, không dám về nhà … Đến tận phố Lý Nam Đế . May sao, lúc đó thằng Hải con đi chơi với bạn nó, ( Đấy ! nó thì đã đi học về và đã đi chơi, còn mình thì vẫn lang thang ở đây ),  nhìn thấy mình , nó sẵng giọng hỏi :

  -Dung! Tan học rồi sao mày không về nhà? Mày chết nhớ! đi đâu mà giờ này mày chưa về nhà ?

Chắc nó tưởng mình có hẹn hò với  thằng Hiền ở đây chăng ( ? ) Biết đâu mình đang khổ sở đây, đói lắm rồi . Mình cố lờ đi, nhưng thằng Hải không tha:

  -Dung! Về nhà đi!

Mình cáu quá, dậm chân gào lên:

  - Kệ tao! Việc gì đến mày? Mày cút về đi! Cút đi …!

Thằng Hải con và thằng bạn ngồi đằng sau xe tò mò nhìn thằng Hiền, thằng Hiền gườm gườm nhìn lại . Mình vùng vằng bỏ về, thế là thoát . Ơ! Thế là thằng Hải con nó giúp mình đấy chứ, nhưng mà mình vẫn cáu, vì bị nó nhìn thấy như thế sợ nhỡ đâu đến lớp nó lu loa lên kể với các bạn thì mình xấu hổ .

 Thằng Hải con còn có một tội nữa, đó là nó rất hay búng tai mình. Cứ đợi thầy giáo quay lên bảng là nó nhấc cái đuôi sam của mình lên và búng rất đau, tức thật! mà không làm gì được

 

Cô Thành thì hoàn toàn bất lực với những trò nghịch ngợm của học sinh

 

Ngược lại với thầy Kính dậy sử thì thầy Kính dạy toán lại có vóc dáng bé nhỏ, chân thầy lại có tật tập tễnh . Có một hôm thầy đang giảng bài, không hiểu đứa nào trêu thầy mà thầy cáu um lên, tra khảo các bạn tội gì đó mà tôi không rõ.

Thầy bắt Hoa Thắng đứng lên, quát tháo gì đó mà tôi chẳng hiểu. Hoa Thắng gườm gườm nhìn thầy, không nói năng gì, thầy càng bực .

 Tiết học đó thầy đánh giá lớp tôi tiết kém, ghi sổ đầu bài, và thầy mách cô chủ nhiệm. Mấy đứa con gái thì thầm cho nhau nghe rằng trong lúc thầy quay lưng lên bảng giảng bài thì thằng Trung mường nó lấy phấn ném trúng vào người thầy nên thầy mới cáu như vậy.

Cô chủ nhiệm vào lớp kiểm điểm học sinh. (Lớp trưởng lúc này là Lê Bích Hợp ) . Không đứa nào nhận tội, và cũng không có đứa nào mách tội bạn. Cô chủ nhiệm liền đuổi học tất cả lớp. Các bạn ra khỏi lớp hết rồi, còn lại tôi và vài bạn gái khác vì tôi bị đứt quai  guốc. Cô hỏi riêng mấy đứa, nhưng quả thực là tôi không biết gì .

Sau đó ít lâu, lớp tôi lại bị cô Liên Minh đuổi học một lần nữa vì một tội khác :

Thời đó, chiến tranh giữa hai nước Việt – Trung bùng phát. Điều này làm cho tâm lý học sinh chúng tôi sôn sao. Nhà nước phát lệnh tổng động viên . Một số bạn trai đến tuổi phải lên đường nhập ngũ. Lớp tôi có bạn Thịnh.

Cô Liên Minh dặn  trước :

  -Các em chia tay bạn sao cho thật lành mạnh. Tuyệt đối không được bỏ tiết  học  nào để đi tiễn bộ đội

Nhưng chúng tôi đâu có chịu nghe lời, vẫn đi tiễn Thịnh . Trước khi đi còn rủ nhau ra công viên chụp rất nhiều ảnh kỷ niệm. Tiễn Thịnh xong thì chúng tôi bị muộn tiết học đầu của ngày hôm đó, thế là cô Liên Minh nổi giận và lại đuổi học cả lớp. Kể ra thì học sinh cũng tệ quá: cả lớp rủ nhau bỏ tiết học để đi tiễn Thịnh thì làm sao mà cô không giận.

 Bị đuổi học, chúng tôi không dám về nhà, cứ lang thang mấy ngày ở các  vườn hoa Con cóc rồi lại vườn hoa Nhà hát lớn.  Ở đây chúng tôi chả biết làm gì ngoài việc đi lang thang, rồi lại chơi tú lơ khơ. Toàn khèo và An sữa lại còn đua xe ở đây nữa . Cô Liên Minh bất lực, lại phải gọi chúng tôi đi học. Việc cô Liên Minh đuổi học cả lớp, ban giám hiệu nhà trường không hề hay biết. Sau này tôi mới hiểu, vì cô ít khi làm chủ nhiệm nên cô ít có kinh nghiệm . Thật là chớ trêu : học sinh thì quá ngây thơ , cô thì non nớt kinh nghiệm . Nhưng cả một lớp vắng mặt mấy ngày như thế thì làm sao qua được mắt ban giám hiệu

 

Năm đó chúng tôi không được đi cắm trại lần nào, nhưng cô Liên Minh lại bắt chúng tôi đi picnic bất đắc dĩ như vậy đấy .

Sau đó ít lâu, cô Liên Minh nói :

  -Theo nguyện vọng của bạn Hợp không muốn làm lớp trưởng nữa, nên cô phân công bạn Hoài Nam làm lớp trưởng !

Hợp làu bàu, lẩm nhẩm :

  -Cứ như là kết nạp người ta vào Đảng không bằng!

Chả hiểu sao cái Hợp nó có vẻ ghét cô Liên Minh 

 

Cô Liên Minh vóc dáng mảnh mai, lại rất yếu ớt, cô bị bệnh gai cột sống . Có lần cô ốm, không đi dạy được, phải nghỉ ở nhà. Cô viết mấy chữ ngắn ngủi, dặn dò chúng tôi học hành ngoan ngoãn . Chúng tôi mấy đứa đến thăm cô. Học sinh nghèo chẳng có gì, chúng tôi chung tiền nhau mua một nải chuối và một hộp sữa bò .

Thấy chúng tôi đến thăm, cô cảm động nói :

  -Các em đến thăm cô là quý rồi, còn mua quà làm gì! Các em còn là học sinh làm gì có tiền.

Lúc ấy Loan nói một câu thật ngộ nghĩnh :

  -Thôi mà, Cô nhận đi cho chúng em vui , cây nhà lá vườn ấy mà cô .

Nghe Loan nói vậy, cô bật cười :

  -Nhà Loan có cả vườn trồng chuối, cả cánh đồng cỏ để nuôi bò sữa nữa cơ à ?

 

Chúng tôi vẫn tiếp tục các giờ học ngoại khóa ở xưởng. Ngoài ra chúng tôi còn phải đi lao động nữa: nào là khiêng đất đá, đắp đê sông Tô Lịch, nào là sang Gia Lâm đào đất đắp đê . Mỗi tuần một buổi lao động vào sáng ngày thứ tư . Cô Liên Minh yếu như vậy nhưng vẫn phải đưa chúng tôi đi lao động thường xuyên. Hùng chuột thường xuyên phải đèo cô. Những lúc ấy cô hay nói :

  -Tay lái tin yêu của cô đấy.

  Và cô cười, ánh mắt đen láy của cô rất hiền và đẹp.

Lao động thì mệt, nhưng bọn học sinh chúng tôi đùa nghịch ghê lắm. Đất thì cứng, sọt bằng sắt khiêng rất đau tay, đã vậy, thằng Tuấn già còn cố tình làm kẹp tay tôi mỗi lần chuyền tay nhau chiếc sọt sắt đó rồi cười nhe nhởn .

Đê Đắp xong, dùng xẻng đập vào sườn đê cho thêm chắc. Thằng Hùng chuột nó bảo :

  - Dung ơi! Nghiêng xẻng đi thế này thì sẽ tránh được lực cản của gió, đỡ mệt

 Sau những buổi lao động đó, chúng tôi rất mệt mà buổi chiều vẫn phải đi học. Ngày thứ tư lại có tiết sử, lại phải soạn sử . Có một hôm tôi chưa soạn sử, vậy là trong giờ học chính trị , tôi nhờ Thu Hương (người bạn gái ngồi cạnh) chép hộ bài chính trị để tranh thủ soạn sử. Nào ngờ cứ lúi húi ghi chép như vậy nên tôi bị cô Thành phát hiện ngay. Tôi cố thanh minh, chối cãi, nhưng khi nào cô tin . Tôi bị cô ghi tên vào sổ đầu bài; Thế là tôi ghét cô Phụng : Tại sao cô lại bắt soạn sử cơ chứ ? Chả thấy thầy cô nào bắt soạn sử bao giờ!

 

    Có một lần, không biết sao tôi thấy ở nhà mình có một chiếc gọng kính (không có mắt), thế nhưng đeo vào thì như là người đeo kính trắng vậy. Chị Tuyết bảo:

        - Đeo vào cho nó "trí thức”. Nhưng lúc nào ngứa mắt thì đừng có quên mà thò tay qua mắt kính để dụi nhé ! Lộ đấy

 Thế là tôi đeo đến lớp. Thấy tôi bỗng dưng đeo kính, các bạn đua nhau tranh giành, dật của tôi, có đứa còn tát vào mặt tôi, làm cho chiếc kính bị văng lệch ra khỏi mũi; Và chiếc gọng kính cũng vì thế mà méo mó dần đi. Thế mà trong giờ thầy Quát tôi vẫn đeo chiếc gọng kính méo mó đó. Nó méo như vậy thì biết ngay là kính "đểu” . Thầy Quát định mắng tôi, nhưng thầy lại thôi

 

 

Hùng chuột

 

Thời đó chúng tôi bị đổi chỗ ngồi liên tục: Tôi ngồi giữa Thu Hương và Hải, đầu bàn là thằng Thảo. Cái Hải nó khỏe lắm, Thế là nó chen tôi làm cho tôi và Thu Hương bị bẹp dúm, nhưng cả bàn chúng tôi rất khoái trò chơi đó và cười rúc rích, vì chỉ có Thu Hương là khổ thôi, bị chen như vậy, Hương bị dính chặt vào thằng Thảo "phản động”, Thu Hương kêu oai oái , thế là ba đứa cười khoái chí .

Đến khi tôi ngồi cạnh Mai cong, toàn những đứa vô duyên và học rốt ngồi cạnh nhau, Mai kể chuyện cười, hai đứa cười rúc rích mà rất sợ thầy giáo biết. Thế mà cái Hải nó có hiểu cho đâu, nó cứ hỏi mãi :

  -Cười cái gì đấy? Hả?

Tôi và Mai không thể nào trả lời được, cái Hải càng nài nỉ :

  - Cho tớ cười với!

Lại một hôm Mai cong đi học muộn, bị cờ đỏ ghi tên và không cho vào trường Hết giờ  xếp hàng đầu giờ mới được lên lớp. Mai ngồi vào bàn và mở cặp lấy sách vở. Thằng Hùng chuột đang ăn hạt dẻ , nó cứ ném vỏ hạt dẻ vào cặp của Mai, Mai nhặt ra nó lại ném vào, thế là Mai "dọa ” nó :

  -Ơ! Cái thằng ôn này! Tao lại đá cho mày một cái bây giờ!

Giọng Mai rất nhỏ nên không ai nghe thấy, chỉ có tôi và thằng Hùng nghe thấy, không sao nhịn được cười; Hùng  cười thoải mái và rất khoái chí; ngựợc lại tôi buồn cười quá mà cứ phải nhịn cười vì sợ Mai ngượng. Tôi cứ phải cúi xuống gầm bàn mà cười vụng. Nhịn cười khổ lắm. Trong khi đó Thằng Hùng không những cười thoải mái, mà nó còn gọi to :

  -Các bạn ơi! Mai bảo Mai đá tôi này!

  Thế nếu mà cái Hải nó nghe thấy thì không hiểu nó sẽ cười thoải mái như thế nào Mai nhỉ. Nó mà cười là thoải mái luôn

  Thằng Hùng cũng để lại cho lớp nhiều kỷ niệm lắm: Có lần nó mặc một cái áo kẻ ca rô thủng lỗ chỗ, mà mỗi ô ca rô lại là một lỗ thủng. Vì thế  cái lưng áo của nó trông tựa như một cái sàng . Vậy mà với tấm áo cái bang đó, nó cứ tỉnh bơ đi giữa sân trường , vì nó cho rằng không ai có được thời trang độc đáo như của nó . Ngộ đến thế là cùng. Mấy đứa con gái thì thầm cười rúc rích, nhưng không dám để nó biết, vì nếu nó biết nó sẽ trêu lại ngay. Thế mà không có thằng con trai nào lấy que chọc vào các lỗ thủng đó thì có phải hay không  nhỉ .

Lại có lần giờ chơi vừa hết, mình ra máy nước để rửa chân. Nhưng chẳng may lúc đó thằng Hùng ( lại vẫn là thằng Hùng ) nó đang lúi húi nghịch cái gì đó ở máy nước. Đến gần mình mới biết nó đang nghịch một con rết bị chết . Eo ! tởm ! nhưng nếu mình tỏ ra sợ hãi thì sẽ bị nó trêu ngay. Mà hình như nó quá chăm chú vào con rết nên không để ý gì xung quanh . Mình cố gắng rửa chân thật nhanh để thoát. Nhưng thật bất ngờ, nó lấy que gẩy con rết hất vào người mình . Hết hồn. Mình sợ quá, kêu thất thanh và  chạy thật xa mà chưa kịp đi guốc, một tay vẫn túm quần. Nó xung xướng cười như nắc nẻ . Lên lớp nó còn kể mãi cho các bạn nghe về thành tích đó:

  -Các bạn biết không ! Dung làm ra vẻ không sợ chứ! mình mới hất cho một phát, thế là ba chân bốn cẳng, chạy chân đất nhé, không kịp đi guốc nữa cơ mà!

 Và nó cười khoái chí mãi không thôi. Cũng may là nó đang đắc ý, nên quên mất việc chiếm hữu đôi guốc của tôi đấy.  Ngày đó, mỗi buổi sinh hoạt dưới sân trường. Học sinh phải ngồi xếp hàng theo lớp nên phải bỏ dép guốc ra để ngồi, song, lúc đứng dậy là thằng Hùng thường xuyên nhanh chân nhanh chân chiếm ngay đôi guốc của tôi, và nó cứ đi đôi guốc đó mãi. Áo thì đã thủng lỗ chỗ rồi, lại còn đi guốc con gái nữa chứ – Thời trang độc đáo không !

 

 

Đi học muộn

 

Ở lớp có thằng Thảo "phản động” là chuyên gia đi học muộn, nhưng nó không bao giờ chịu để cho cờ đỏ ghi tên. Bọn cờ đỏ yêu câu xuất trình vở có nhãn để xem tên thì vở của nó không có quyển nào có nhãn cả . Cờ đỏ đòi hết quyển này đến quyển khác, quyển nào Thảo cũng lôi ra, nhưng nó nhất định không đọc tên mình, mà lại đọc cái " tít ” của bài viết trên tờ họa báo bọc vở (chỗ mà đáng nhẽ phải dán nhãn vở ):

  -Miền Nam nước Nga Xi – Bê –Ri  đây này .

Cùn thế đấy.

  Rồi một hôm đến lượt mình và Thu Hương đi học muộn, bị đứng ngoài cổng trường , thằng Thảo đứng trong hàng rào nói chuyện với bọn mình, anh ta đưa tay nhấc chiếc "Mất điện” lên trán. Thấy Thảo nói chuyện lâu quá, Hương bực và đuổi:

  -Thôi! cút vào đi! đừng trả vờ khoe kính nữa!

Thảo và mình phì cười, rồi Thảo cũng phải đi vào.

  Có hôm tôi cũng đi học muộn, đi mà như chạy trên đường Nguyễn Hữu Huân. Vậy mà tôi cứ nghe bên cạnh có tiếng gõ lộp cộp, nhìn sang thấy một người ( không biết có phải là thương binh không ), chân phải của chú ấy cụt gần hết chiều dài. Tiếng lộp cộp khua vang đường phố phát ra chính là từ đôi nạng gỗ của chú. Chú bắt chuyện hỏi tôi học trường nào

  -Sao em đi vội thế? đã đến giờ học đâu?

Mặc dù đang vội, nhưng tôi vẫn phải trả lời:

  -Cháu phải đi sớm nếu không cửa trường đóng, cháu sẽ bị cờ đỏ ghi tên.

Chú tỏ vẻ ái ngại:

  -Khổ! Anh thì có xe máy, mà lại không đi được!

  - Nếu không đi được thì chú mua xe làm gì?

  - Anh cứ mua để đấy, để sau này ai đi thì đi

Vì vội quá nên tôi không thể giữ ý mãi mà tiếp những câu chuyện vô bổ của chú được, đành mặc chú với câu chuyện xe máy của chú, mà vội vã nhanh chân tới trường. Nhưng với đôi nạng gỗ, chú lia bước rất nhanh làm tôi khó tách xa được chú .Quả là chân giả lại nhanh hơn chân thật.

 

 

Ăn tham

 

Ở cái tuổi ô mai đó , tôi với Mai và Thu Hương hay dan díu với nhau : lúc cùng nhau học bài , lúc đi chơi, ăn quà vặt … Cái Thu hương nó ăn tham lắm nhé: Có hôm đến  nhà nó chơi, mẹ nó mang sữa chua về, thế mà nó chẳng mời mình và Mai ăn đâu . Đợi lúc Mai về rồi nó mới nói :

  -May quá! cái Mai nó về, đỡ phải chia  .

Rồi lúc đó nó mới mời mình:

  -Mày có ăn không?

 Nhưng hồi đó mình đã biết ăn sữa chua đâu. Thế là nó ăn tất.

Ba đứa bọn mình hay đi với nhau còn một lý do nữa: đó là suốt ngày ba chị lúc nào cũng may may, vá vá, đan lát, thêu thùa nữa . Loan cũng  hay thích việc nữ công: Có lần Loan rủ mình hai đứa cùng mua một cái áo giống nhau, mình mặc chẳng sao, và Loan mặc cũng đẹp. Vậy mà Loan đi tháo tung cái áo ra và nói là chữa lại để mặc cho vừa. Kết quả là cái áo Loan "chữa” không còn ra hình thù cái áo nữa, và Loan cũng bỏ nó luôn . Đã bảo là Loan ngộ lắm mà. Đấy là sở thích nữ công của lũ con gái tụi mình, còn sở thích nội trợ thì sao (?) Thỉnh thoảng lại rủ nhau nấu nấu, nướng nướng. Bọn mình hay rủ nhau đến nhà Chu Hồng, Chu Mỹ để nấu nướn . Có lần làm làm bún ốc và nấu chè bà cốt. Vì Loan ngộ như vậy nên bọn mình rất thích trêu Loan: lấy luôn một cái bát có chỗ lõm ở đáy để múc chè cho Loan và nói rằng " vì Loan ăn tham nên cho Loan bát đó cho được nhiều ” . Ăn bún ốc xong, Loan cứ kêu cay mãi, lấy tay véo đôi môi đỏ chót vì cay, Loan nói:

  -Như là dí môi vào chảo gang ấy, bỏng hết cả mồm.

Cái lần làm bún riêu, bún bung, sao lại có cả cái Lan ( lớp E ) nhỉ ?

Cũng có buổi đi học về, cả lũ kéo nhau đến nhà Hồng , Mỹ ở tít tận tập thể Cao đẳng Ngân hàng ăn cơm . Thú vị nhất là những khi đói meo như thế, tranh nhau ăn và cãi nhau, trêu nhau chí chóe. Cơm ăn có trứng tráng với canh , đói nên chúng nó ăn tham quá , mình tức nên vớ ngay miếng trứng to nhất, không thì chúng nó cướp mất . Cái Hải nó cứ dọa lấy miếng trứng to của mình mà đưa vào mồm, mình gào ầm lên. Thật không biết xấu hổ, đã ăn trực lại còn tranh nhau

 


Vote Điểm :12345

Loading...

✿ XEM CÁC TRUYỆN LIÊN QUAN :Truyện Ngắn

✿ XEM TRUYỆN KHÁC
ĐĂNG NHẬP


CHỨC NĂNG
TRUYỆN NGẪU NHIÊN
TRUYỆN FULL
Lên đầu trang
Xuống cuối trang
Loading...
truyện thái mới truyện thái full oneshot đam mỹ truyện gay oneshot fanfic khải nguyên mới fanfic khải nguyên full oneshot bách hợp fanfic Bác Chiến mới fanfic Bác Chiến full Đam mỹ võng du fanfic vkook hoàn fanfic vkook mới fanfic ChanBaek full fanfic ChanBaek mới

Copyright Kênh Truyện © 2011 - 2025 - In Sách Truyện Theo Yêu Cầu
Powered by uCoz V987.Club Kiếm Tiền Online -Giao diện Mobile