7.Chuyện ma ở địa đạo Củ Chi
Đang lùng sục trên mạng tìm thông tin về những ngôi nhà và những nơi người ta cho là có ma hay những hiện tượng khác thường.
Thì có 1 người bạn hỏi tôi, tìm ma để làm gì, chỉ sợ tới lúc gặp ma rồi thì sẽ không bao giờ còn mơ ý định tìm ma nữa đâu. (Người bạn này ở Củ Chi, nơi được cho là có nhiều người đồn về ma nhất, có lẽ gần khu Địa Đạo Củ Chi nên mới thế).
Tôi ngạc nhiên hỏi, trước giờ ma chỉ là tin đồn, có người thấy nhưng có thể chỉ là do hoang tưởng hay có thể là do ai đó giả ma cố tình hù dọa.
Người bạn đó kể, nghe chị của ba kể lại, hồi đó lúc chị còn nhỏ, chị và ba vô bệnh viện thăm bà ngoại sanh chú, lúc về giác chiều khoảng 6 giờ đi ngang qua đoạn đường đó, trên đường có 1 cây mít, thì thấy 1 con quỷ, không ai dám nhìn, chỉ là đi ngang qua rồi vô tình liếc thì thấy hình dạng nó thế này, chị mô tả lại: "đầu trọc, cả người trắng tinh, móng tay dài và đen, mắt thì lồi ra ngoài, đu lên cây mít rung". Nó đã có ở đó đã lâu và thường hay hù dọa mỗi khi có ai đi ngang qua đường này.
Ông của người bạn có 1 cây gậy bằng sắt giống cây gậy của tề thiên. Có 1 con quỷ trên cây cổ thụ suốt ngày phá phách dân làng, ai cũng sợ. Bữa đó ông lấy cây gậy sắt đánh gãy chân nó. Từ đó về sau không thấy nó quậy phá ai nữa.
Đây là 1 câu chuyện có thật, có người đã chứng kiến và kể lại. Bạn nào có dịp đi qua Củ Chi hay tham quan khu Địa Đạo Củ Chi thì thử hỏi dân xung quanh xem câu chuyện này có thật hay không.
Nghe xong chuyện này, tôi có cảm giác ớn lạnh, ma có thật, quỷ có thật, nhưng tại sao hồi xưa ma quỷ lại xuất hiện nhiều, còn bây giờ lại ít đi, có thể do mật độ dân số càng tăng nhà ở càng nhiều so với hồi trước kia nhà cửa thưa thớt.
End
8.Chuyện ma ở chùa Bửu Sơn
Tôi về huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, đi thăm một số thắng cảnh như Thác Voi, bên cạnh có chùa Linh Ẩn khang trang bề thế… Nghe nói chùa Bửu Sơn ở xã Phước Sơn của huyện là nơi có những tịnh cốc cho các nhà sư khắp nơi về nhập thiền, có cả sư ở Ấn Độ cũng đến (?). Lại nghe nói ở đây có nhiều chuyện ma ly kỳ, hấp dẫn, gợi trí tò mò… Vậy là một buổi chiều, tôi lần theo những bậc đá lên Bửu Sơn Tự…
Ngôi chùa u tịch trong ánh vàng hoe của mặt trời đang ngả bóng. Chánh điện tối mờ mờ, với những pho tượng Phật giống mọi ngôi chùa, không rộng bao la như ở Linh Ẩn Tự, cũng không lộng lẫy uy nghi như những ngôi chùa nổi tiếng xứ hoa đào… Bù lại, cảnh quan nơi đây khá đẹp. Đứng ở góc độ thích hợp, có thể phóng mắt ngắm nhìn cảnh vườn tược, ruộng đồng trải rộng phía xa xa… Và cây cối quanh chùa. Những cây sung, cây vả quả từng chùm lúc lỉu gợi vị chát nơi đầu lưỡi tuổi thơ… Ở một góc sân chùa, cây đa nghe nói đã trên hai trăm tuổi xòe tán ôm trùm góc núi, rễ đa ngoằn ngoèo từ cành bò xuống, cái to như cổ tay, cái nhỏ như chiếc đũa, giống một đàn rắn ngọ nguậy đang mang nhiều chuyện bí ẩn, ly kỳ…
Theo nhà sư trụ trì, Bửu Sơn Tự có cách đây gần bảy mươi năm, lấy theo tên núi. Khoảng 1940, một người Pháp lên vùng đất này lập đồn điền cà phê, có một ông ở Bình Định hay Quảng Ngãi chi đó cũng lên lập nghiệp. Ông theo đạo Phật, dựng một ngôi chùa bằng ván gỗ, hàng ngày tụng kinh lễ Phật. Bà con dân ấp cũng quây quần lại, tụng niệm cùng ông. Sau đó ít năm, chùa dời lên núi, tách khỏi sinh hoạt thường ngày của dân chúng. Một gia đình họ Đặng cúng ba sào đất làm mặt bằng của chùa bây giờ. Về sau, người Pháp bán đồn điền cho nhà họ Đặng. Đất này là đất tốt, trồng chuối ngon có tiếng là chuối La Ba, cà phê cũng ngon, có lúc được gọi là cà phê Phật, giống robusta. Theo lời vị sư trụ trì thì cuối năm 1959, tỉnh hội Phật giáo Tuyên Đức (vùng Lâm Đồng cũ) cử hòa thượng Tâm Hòa lên xây dựng lại chùa. Đây là vùng thuận đường lên Buôn Ma Thuột, lại về Tuần Nghĩa (ngã ba Liên Khương) cũng gần, con đường dân chúng thường mang muối, cá khô lên vùng cao đổi lấy lâm sản. Nhưng đó cũng là những năm cách mạng hoạt động mạnh ở vùng này. Cứ tắt nắng là du kích ra, có khi lấy lương thực, có khi đánh úp đồn bót… Tám giờ tối địch đã giới nghiêm, đồn bót bắn bừa bãi mỗi khi có dấu hiệu khả nghi. Do đó, chùa xây xong nhưng không ai dám ở. Có một ông già lên thắp hương, thỉnh chuông lễ bái và… ở lại "giữ" chùa luôn. Từ đó, chuyện ma đồn lan ra…
Đêm đó trăng sáng vằng vặc. Sau khi làm công phu xong, ông già tắt đèn sửa soạn đi ngủ. Bỗng có một cái chân người rớt xuống giữa chánh điện. Ông sợ quá, cuống quýt chạy đi đóng cửa. Nhưng các cửa đóng chưa xong thì liên tiếp, tay, chân, mình con quỉ cứ rào rào rơi xuống, ráp lại với nhau. Ông sợ cứng cả lưỡi, không kêu được thành lời, mà có ai đâu để kêu cứu. Ông vụt tông cửa chạy ra phóng ào xuống núi… Tuy nhiên sau đó, ông vẫn lên chùa thắp nhang lễ Phật và "giữ" chùa… Có hôm, giữa ban ngày, ông thấy một người con gái xinh đẹp, áo dài tha thướt, cổ đeo kiềng vàng, vào chánh điện thắp nhang lạy Phật. Thoáng thấy ông ra thỉnh chuông, cô gái lướt nhanh về phía sân chùa. Ông bám theo, nhưng cô vòng qua gốc đa kia và biến mất trong đám rễ ngoằn ngoèo chi chit…
Còn nhiều chuyện lạ nữa, như cái chết của nhà họ Đặng, trong một ngày, chết cả chồng lẫn vợ và người con dâu; lại ông thợ cả cũng chết đúng cái ngày tốp thợ đặt đòn nóc. Người không tin ma quỉ nói rằng hôm đó, đến 8 giờ sáng, không thấy bà Đặng dậy nên người ta mở cửa vào phòng thì bà chết ngạt vì ngủ trong phòng kín, thiếu ô-xy … Nhưng cũng có người rỉ tai bảo gia đình đó bị "quở trách" vì hứa cúng bảy sào đất mà chỉ cúng có ba (?)… Hiện ba ngôi mộ vẫn còn phía sau núi, v.v… Sau giải phóng, có ý kiến định dùng nơi này làm trụ sở hợp tác xã nhưng không xong, cả dân và chính quyền đều không chịu, không ai muốn tới vì chùa "có ma". Tuy nhiên, việc chia đất xung quanh cho dân canh tác thì mọi người cùng đồng thuận. Ngôi chùa bỏ hoang phế nhưng ông già "giữ chùa" vẫn hàng ngày thắp nhang, gõ chuông…
Mãi đến năm 1995, Thượng tọa Thích Minh Châu, người quê gốc ở Cần Thơ, được bổ nhiệm về trụ trì chùa. Theo lời ông kể thì khi ông về đây, ở gốc đa kia vẫn còn năm con kền kền sải cánh mỗi con dài tới hai mét. Mỗi khi sắp bay, chúng giương cánh chạy lấy đà trước sân kia đến quá gốc đa mới vỗ cánh bay lên. Còn trên cây đa, vài ba nghìn con chim đủ các loại cứ về trú ngụ dăm ba ngày lại bay đi…
Ông nói: Tôi cũng có cơ duyên nên mới được đến đây. Đầu tiên, có người chết ở Đạ Đờn dưới kia, tôi đến ma chay, cầu siêu. Sau đó, vài ba đám nữa cũng rước. Tôi làm hết lòng, dân mến, mời về chùa và chính quyền cũng đồng ý. Chuyện ma quỉ lộng hành ở đây, tôi biết quá chứ. Vì vậy, khi nhận lời, việc đầu tiên tôi làm là lập trai đàn, cầu cho các vong linh siêu thoát. Trai đàn lớn lắm, bà con đến giúp rất đông. Tôi làm đúng phép tắc, tụng kinh niệm Phật mấy ngày đêm. Bà con nói ban đêm, nhiều tiếng nỉ non nức nở trên cây đa, dường như các oan hồn đang cảm động thoát kiếp đói khát lang thang để siêu hóa. Ba ngày ba đêm trai đàn xong, chim chóc vỗ cánh bay đi hết, chùa trở lại yên ả cho đến hôm nay.
Tôi không theo đạo nào, nhưng kính trọng mọi chính đạo và thích nghe kinh Phật, kinh Thánh... Tôi nghe chuyện ma ở Bửu Sơn Tự và cái kết đầy tính nhân văn mà lòng thầm nghĩ về những điều lành.
Hôm nay, chùa Bửu Sơn đã khang trang lắm và yên bình đẹp đẽ để cho thập phương bá tánh vãng lai. Chúng tôi đi thăm những tịnh cốc như những am nhỏ lợp lá, nơi hàng năm, các nhà tu hành về đây chay tịnh để suy gẫm thêm giáo lý Phật hay viết luận văn…
Trời chiều, gió trên đỉnh núi trong lành, mát rượi. Tôi phóng mắt nhìn phong cảnh xa xa và thấy thầy Minh Châu nói có lý: Thế núi chung quanh ôm ấp, có suối từ Hòn Bà chảy xuống… Chùa Bửu Sơn có thế "lưng tựa Huyền Vũ, tả có Thanh Long, hữu có Bạch Hổ, trước mặt lại có án"…
Du khách đến Lâm Đồng, nếu đã quá quen với Đà Lạt thì còn có Lâm Hà, với Thác Voi, Linh Ẩn Tự, Bửu Sơn Tự… cũng là những danh lam thắng cảnh mà ta chưa đặt chân đến chăng?
End
Vote Điểm :12345