hoặc BÁN SÁCH/FILE TRUYỆN GIÁ TRÊN TRỜI Để thuận tiện cho nhiều bạn mới biết đến fanpage nên mình post giá sách/file truyện ở đây để mọi người tham khảo, ai thích thì mua không thích thì mua.
Thuận mua vừa bán, anh em vui lòng hong chê mắc rẻ ạ ❤
Cửu Long Quái Sự Ký Lâm Gia Thái Bảo THIÊN MỘT : THẤT SƠN U LINH
PHẦN 1 Thân, Tý, Thìn Cuối thế kỷ XIX, miền Nam đón một lượng khá đông người Hoa từ Trung Quốc sang định cư, phần vì tình hình xã hội bất ổn bên Trung Quốc lúc đó, ngoài ra khi những người bà con của họ sang đất miền Tây Việt Nam, vì có cuộc sống khá dễ chịu hơn nên biên thư về cố hương. Trong những người đi đợt ấy, có tổ nội của tôi. Họ đem theo phần nào đó văn hóa và cách sống quê cũ, hòa trộn nó với bản sắc địa phương, cho ra đời một nền lề lối đậm chất vùng đất mới. Tôi có nguồn gốc từ những người được gọi là "Minh Hương”, nhưng do thời gian chảy trôi không ngừng, đến lúc này trên chứng minh nhân dân, nghiễm nhiên tôi có quốc tịch Việt Nam, dân tộc Kinh, vẫn được gọi là hậu duệ của con rồng cháu tiên. Nói nào ngay, tôi rất tự hào vì chuyện đó. Còn nhớ những lần tôi nghe ông nội tôi kể về những ngày tháng mới sang, cuộc sống tuy hơi khó khăn, chủ yếu về mặt ngôn ngữ và văn hóa, nhưng cũng tạm gọi là thoải mái. Lúc ông còn nhỏ, ông cố của tôi, tức ba của ông, gửi ông học nghề từ một người bà con, làm việc chạy vặt trong lò mổ heo. Tiếng kêu la thảm thiết của những con vật đáng thương đó, buồn thay lại là một trang ký ức tuổi thơ của ông nội. Từ sáng sớm, khoảng hai ba giờ, người ta chọc tiết heo để kịp thịt tươi cho phiên chợ sớm. Những lần đầu chứng kiến, ông rất sợ thậm chí là ám ảnh nặng, bởi vì chúng cũng có cảm xúc, cũng vùng vẫy y hệt con người. Có khi, ông thấy chúng còn khóc lóc như van xin nài nỉ, nhưng cây dao bầu nặng trịch trong tay người đồ tể vẫn thọc thẳng vào cổ, huyết bắn ra tung tóe. Rồi từ từ ông tôi cũng quen. Làm nghề đó chừng bốn năm năm, ông quyết định không làm nữa. Chuyện đó mỗi lần kể lại, ông vẫn còn sợ, một nỗi sợ miên mang mang tên nhân quả báo ứng. Chả là trong lò mổ, có một ông, gọi là Lão Sái. Lão Sái hành nghề có hơn ba mươi năm, đầu trọc lưa thưa vài sợi tóc, tai to mũi rộng, có người hay chọc ổng nhìn y như Trư Bát Giới. Lão Sái chọc tiết không dưới hai vạn con heo bằng đôi tay của mình, lão ta lành nghề, đưa dao rất điệu nghệ, xả thịt nhẹ như không, trong lò mổ ai cũng khen tấm khen tắc. Khi làm việc, mặt lão không hề có chút biểu cảm, trơ ra trước tiếng kêu la và máu tanh. Với lại, lão cũng rất bặm trợn và cộc tính, có lẽ là do thói quen nghề nghiệp. Đến hôm nọ, mẹ nuôi của lão mất. Lão Sái lúc nhỏ gia cảnh khó khăn, mất cha từ bé, trong xóm có một người phụ nữ tuy không giàu có gì, nhưng thương tình đồng hương, góp tiền cho nhà lão sống qua ngày, rồi nhận lão làm con nuôi. Trước ngày mất ít lâu, người này có bảo lão thôi đừng làm nghề đồ tể nữa, nhưng lão nào có nghe. Đám tang, Lão Sái để tang vài ngày rồi cũng quay lại chọc tiết heo tiếp. Bẵng đi vài tháng, đêm đó Lão Sái nằm mộng, thấy mẹ nuôi hiện về bảo ngày hôm sau hắn đừng thọc tiết con heo nào, kẻo giết ngay ân nhân. Vừa mơ tới đó thì vợ lão giục lão dậy để làm việc. Lão Sái như thường ngày, vào chuồng bắt một con heo, hôm nay có người đặt heo sữa quay, nên lão lựa ra một con béo tốt. Con vật xấu số kêu lên những tràng thảm thiết, nó giãy hết sức, nhưng càng giẫy thì Lão Sái càng siết chặt tay, đè nó xuống. Xộc. Máu trào ra. Tiếng rống của con heo giảm dần rồi tắt lịm. Lão Sái thấy con heo như trào nước mắt, đầy vẻ căm thù. Chiều hôm đó, trên lúc ngồi đò dọc đi ra chợ thì đò gặp tai nạn, tông phải một chiếc ghe chở lúa, Lão Sái cùng vợ bị hất văng xuống sông, một chiếc ghe chở gạo đi ngang gần đó, vô tình làm sao đúng ngay chỗ vợ chồng lão vừa rơi xuống, chỉ nghe tiếng chân vịt kêu những tiếng lạnh ngắt, bọt nước từ bánh lái túa ra một màu đỏ thẫm… Dân tình xúm lại xem thi thể hai vợ chồng lão, ai nấy đều nhăn mặt đầy sợ hãi, trước mặt họ là hai thi thể bị chân vịt chém, nhưng phải nói đúng hơn giống như họ bị xả thịt. Một đường chém dài từ cuống họng đến tận hạ bộ, đồ lòng còn vương lại chút ít, giống như… Giống như những con heo đã bị lão Sái thọc tiết, treo lên trong suốt ba mươi năm hành nghề.