Người Dũng Cảm
Nguồn : http://www.hoahodiep.com
Căn phòng màu trắng,
chân tường được quét thêm một lớp sơn xanh ngọc cao gần bằng đầu gối.
Sàn lót gạch tàu, lem nhem dấu giày - cứ như cả tháng rồi chưa ai lau.
Tấm rèm ngăn cách phần giường bệnh của nữ đã khá cũ. Vải bị đổ lông, đầy
mùi bụi.
Trên trần nhà, cái
quạt có từ thập niên 80 kêu rè rè, lừ nhừ xoay những cánh quạt dài rỉ
sét. Cửa sổ chỉ mở một nửa, nhìn ra bãi giữ xe đạp. Những con ngựa sắt
đủ màu, đứng sát rạt, chen chúc dưới mấy bóng râm ít ỏi của cây bàng
già. Gió kêu xào xạc, ngái ngủ. Bây giờ là mấy giờ rồi nhỉ? Phòng này
không có đồng hồ. Mà chắc là từng có, vẫn còn một cái đinh to, đen thùi
trên tường. Tiếng nhạc từ cái cát - sét vọng ra từ phòng bên. Một y sĩ
đang trực ở đó. Hình như là bài của Mỹ Tâm. Nghe hơi buồn.
Đây là trong phòng y tế của trường.
Còn tôi là cô học sinh xin nghỉ một tiết đang nằm trên cái giường bên cạnh cửa sổ.
Tôi
luôn nghĩ mình là một sinh vật thất bại. Vì quá yếu ớt. Hồi nhỏ, một
lần đi chơi xa với gia đình, mẹ dắt tôi vào một khu chợ địa phương. Phần
vì đông người, lại chưa ăn sáng, đi được một lát là tôi lăn ra xỉu. Lúc
đó, người tôi mềm nhũn ra như bún, có muốn động đậy một ngón tay cũng
không được. Người tôi chạm đất, tôi nghe tiếng mẹ gọi bên tai rồi có ai
đó ẵm tôi lên. Có rất nhiều người vây lại, họ nói chuyện lào xào, í ới
với nhau. Người ta cạo gió cho tôi, giựt tóc tôi, xức dầu nước xanh ngay
dưới mũi tôi. Tôi đau quá, muốn hét lên rằng, để con yên, con chỉ đói
thôi mà, đừng làm thế nữa. Phải đến khi có một người cho nước gì ngòn
ngọt vào miệng, tôi mới dần tỉnh lại. Mẹ tôi mừng hết biết. Từ đó mẹ
luôn bắt tôi ăn sáng và cũng chẳng bao giờ dám dẫn tôi đi đâu xa.
Đó là chuyện hồi nhỏ.
Bây
giờ tôi đã 18 - đủ tuổi đi bầu chứ chẳng chơi. Nhưng sức khỏe tôi vẫn
cứ vậy. Tôi không thể xách nổi một xô nước từ nhà vệ sinh lên lớp dù
quãng đường đâu có bao xa. Tôi không đẩy được quả tạ 2kg xa hơn 3 mét
trong giờ thể dục. Mới tháng trước, tôi xỉu giữa đường chạy khi mới chạy
hơn 50 mét - trong khi bạn bè tôi đã chạy xong 100 mét từ lâu. Tôi xấu
hổ đến chết đi được. Từ hồi cấp 2, tôi luôn tìm ra cách trốn tiết Thể
dục. Tôi cố gắng đậu vào lớp chuyên để được miễn Thể dục. Lên cấp 3, tôi
giành được suất vé đầu vào đội tuyển cờ vua. Nhưng đến lớp 12, ba mẹ
muốn tôi chuyên tâm học hành nên đã nói tôi rút khỏi đội tuyển. Tôi quay
về với cơn ác mộng ngày nào, những quả tạ, những đường chạy và những
sợi dây giăng cao hơn 1m3.
Chiến luôn nói tôi phải tập một môn
thể thao nào đó, tập cái gì cũng được. Tôi cũng nghe lời, đi tập Yoga.
Rồi cũng bỏ ngang. Nào là mắc học thi, nào là kẹt học thêm, mà thực ra
đến chính bản thân tôi cũng không tin mình sẽ khá hơn nhờ những động tác
đưa tay lên xuống như thế. Cứ thế mãi rồi đâm lười. Lười mãi cũng quen.
Mà có ai đốc thúc đâu. Tôi chỉ thích học. Ngồi vào bàn giải Toán, làm
Lý, làm Hóa - tự thách thức mình bằng những bài toán hóc búa. Tôi thích
căn phòng yên tĩnh của mình. Chỉ một mình tôi, một cái bàn, một cái ghế,
một cái tủ sách. Tôi nghĩ mình đơn giản. Và tôi hài lòng vì điều đó.
Như
thế cũng đâu có gì sai. Tôi chỉ là một đứa yếu ớt chứ đâu có ngu ngốc
hay dốt nát. Tôi cũng đâu có chanh chua, kiêu ngạo gì. Tôi được mà, phải
không?
”Hình
như bạn không ưa mình phải không?” - tôi đã hỏi thẳng Thủy như thế,
bằng tất cả cố gắng của mình. Thủy ngẩn người ra, cười rồi quay đi.
Không ai trả lời câu hỏi đó cho tôi cả. Trong lớp tôi vốn ít nói chuyện,
ngoài Chiến ra tôi chẳng chơi thân với ai cả, Thủy lại càng không. Thủy
rất hay trêu chọc tôi, nhất là khi phát hiện tôi là đứa yếu ớt như thế
nào. Thủy gọi tôi là Ốc Sên. Mỗi lần tôi không tập thể dục mà ngồi nghỉ
trong sân, Thủy hay đến, hỏi "Ốc Sên mệt hả, hôm qua lại chạy đua với
Rùa sao?”. Thủy còn dán tờ giấy "Đệ Nhất Ốc Sên” lên lưng tôi còn tôi vô
tình làm cho lớp một phen cười nghiêng ngả. Hôm đó, Chiến nổi khùng
lên, xé nát tờ giấy, tôi phải rối rít nói "có sao đâu, vui mà!”, Chiến
mới thôi ý định gây sự. Tôi chỉ mạnh miệng vậy thôi. Những con người
trong lớp tôi, họ thật năng động và khỏe mạnh. Tôi cũng là học sinh đứng
nhất nhì trong lớp, nhưng cái bằng khen tôi đem về nhà chỉ là một tờ
giấy lạnh lẽo. Tôi không thể so sánh với họ. Ngọc là một lớp trưởng đầy
uy quyền, tháo vát. Hương là một cầu thủ bóng đá cực xịn. Còn Thủy là
một MC bẩm sinh. Nhìn những người bạn của tôi nhảy vào giữa cuộc - sống -
thật sôi động, tôi thấy mình bé nhỏ, lạc hậu như người nguyên thủy sống
trong núi đá. Tôi không dám nói chuyện với họ, sợ bị phát hiện mình
chẳng biết gì về đội bóng Chelsea, về những con đường trong thành phố
hay đơn giản là bánh bò phải ăn chung với cái gì mới ngon. Tôi không
theo kịp những câu nói đùa. Tôi thấy mình thừa thãi bên cạnh những con
người đầy lửa đó.
Có đúng là tôi rất đáng chán phải không?
Lớp
sơn màu xanh rêu trên bệ cửa sổ là thứ duy nhất trông còn mới trong căn
phòng này. Tôi lấy mền lau đi lau lại, đến nỗi nó sạch bong, phản chiếu
được một khóm mây. Tôi bắt đầu nhìn theo khóm mây đó, xem thử nó có
thay đổi hình dạng hay không.
- Bà đang làm gì vậy?
Chiến thình lình xuất hiện, kéo rèm sang một bên. Cái áo thể dục của hắn dính đầy cát.
- Sao áo ông dơ dữ vậy?
- Lớp chơi trò mèo bắt chuột. Tui làm chuột, bị thằng Thịnh bắt được, đè xuống bẹp dí.
Tôi bật cười. Nhìn cách hắn diễn tả cứ như là Thịnh định cán mỏng hắn ra làm bánh tráng.
- Còn bà, lên lớp được chưa, hết tiết Thể dục rồi!
Tôi gật đầu. Ừ, hết tiết thì lên vậy.
Chiến
đi trước. Tôi đi theo sau. Vừa ra khỏi căn phòng trắng, hương đất từ
mảnh vườn nhỏ bên cạnh đã quyện lấy người bọn tôi. Tôi nhìn sang, những
cành lá ướt rung rinh, lấp lánh dưới ánh mặt trời.
Đường lên lớp
phải đi ngang qua hai dãy hành lang và một cầu thang. Tôi vẫn đi phía
sau cái lưng to lớn của anh bạn. Tôi luôn ngưỡng mộ Chiến. Một con người
hoạt bát, vui vẻ và rất tinh tế. Hắn thỉnh thoảng vẫn cằn nhằn sao bà
lề mề quá vậy, làm ăn mạnh bạo lên chút coi. Lần nào tôi cũng chỉ cười
cười rồi lại... tiếp tục lề mề. Tôi không thể ghét được khuôn mặt thỉnh
thoảng lại nhăn như khỉ khi thấy tôi bị cảm. Những lần đó, hắn sẽ than
ngắn thở dài, "mắc cái gì mà bà bệnh hoài vậy”, sau đó lại í ới gọi tôi,
"hôm nay bà đừng có đi xe buýt, tui chở về cho”. Tôi luôn cảm ơn sự
xuất hiện của Chiến - người thứ ba sau ba mẹ tôi, đã chấp nhận con người
tôi. Chiến nói, hắn rất khâm phục tôi - nói một cách thành thật làm tôi
đỏ cả mặt, rằng tôi giỏi thật khi mà cơ thể yếu như vậy mà vẫn học xuất
sắc hơn người.
- Yến nè! - Chiến quay ra đằng sau - Mai mốt, bà đừng trốn lên phòng y tế nữa. Không hay đâu! Cứ học đại đi, có sao đâu!
- ...
- Thầy biết bà yếu nên chắc không bắt bà tập nặng đâu.
- ...
- Mà bà đừng có ngại gì hết á. Tụi nó chỉ chọc cho vui vậy thôi, chứ không có ác ý gì đâu!
Đầu
tôi chợt nảy ra hình ảnh Thủy. Ác ý à? Cứ mỗi lần nghe Thủy chọc, tôi
lại ước giá mà mình có thể tan ra thành bọt biển như nàng tiên cá thì
hay biết mấy. Sẽ chẳng có ai than phiền hay chê bai bọt biển cả! Tôi đã
nghĩ như vậy và kể lại cho Chiến nghe. Hắn chỉ phán đúng một câu: "Bà
đúng là khùng!”.
Đi từ xa tôi đã nghe
tiếng cười nói ồn ào như bắp nổ - chẳng hổ danh lớp ồn nhất trường. Tôi
chợt nghe tiếng cười khanh khách của Thủy vang lên giữa mớ âm thanh hỗn
độn. Trong một thoáng, tôi thấy rợn cả người. Sao thế nhỉ?
- Tèn ten ten - Thủy nhổm dậy - Í da, "chàng” dẫn "nàng” về rồi kìa!
Tiếng
cười rộ lên sặc sụa. Chiến tặc lưỡi nhìn cái lớp đang nghiêng ngả. Hắn
không nói gì, đi xuống bàn mình. Tôi cũng về chỗ. Thủy từ dưới vọt lên
bục giảng, giơ hai tay lên ra dấu im lặng. Cả lớp bỗng im phăng phắc.
-
Kính thưa các đồng chí, hôm nay, tranh thủ những giây phút ít ỏi này,
tui xin trân trọng tuyên bố mở một phiên tòa xử vụ kì án "Thiên thần và
Ốc sên”!
Cả lớp lại một phen cười ầm lên. Tôi cúi gầm mặt xuống, có cảm giác như có chuyện gì rất kinh khủng sắp diễn ra.
-
Đầu tiên, nguyên đơn - Thủy hắng giọng - là Super Tám Thị Hồng - một
tràng vỗ tay ầm ĩ - và bị đơn là bạn Hải Yến, tức Ốc sên!
Những
tiếng cuối cùng làm người tôi rúng động. Tiếng cười, tiếng vỗ tay như
muốn bóp nghẹt tôi. Tôi nép sát tường. Chuyện gì vậy?
- Bây giờ mời nguyên đơn trình bày đơn kiện.
-
Thưa chủ tọa - Hồng đứng dậy, cúi chào mọi người - tui kiện như vầy. Bà
con, í lộn, các đồng chí ai cũng biết bạn Chiến nhà ta, nickname Thiên
Thần, đã 3 năm liền giữ danh hiệu "Mr ban AB”, là niềm hãnh diện của lớp
ta. Nhưng cũng 3 năm nay, Thiên Thần của chúng ta vẫn chưa có bồ. Lí do
là bạn Chiến luôn phải kẹt chăm sóc Hải Yến. Lâu lâu đưa đi học về,
xách cặp giùm, mua đồ ăn giùm - mà toàn là mua sữa, rồi kiêm luôn việc
kêu Yến về lớp mỗi khi Yến chui lên phòng y tế. Do đó, tui kiện Hải Yến
đã làm trễ nãi đường tình duyên của Thiên Thần.
Một tràng vỗ tay
như sấm nổ. Tôi nhắm mắt lại. "Con ước gì con là bọt biển. Hãy cho con
làm bọt biển đi!”. Tay tôi cào liên tục vào tường. Bọt biển. Tôi lẩm
nhẩm từ đó trong đầu. Bọt biển. Người tôi nóng ran lên.
Trong
tai tôi chỉ còn vương lại âm thanh của gió. Gió rì rào nhè nhẹ bên khung
cửa. Mùa này, những cây trong sân trường rụng lá vàng cả sân. Lá rơi,
xoay mòng mòng, chấp chới như cánh bướm. Bướm đang bay.
Tiếng gió bị xé toạc ra một cách thô bạo.
Chiến hét lên giận dữ. "Mọi người dừng lại ngay đi!”
Khi tỉnh dậy, mẹ
nói tôi đã ngủ đúng một ngày. Tôi nằm trong bệnh viện, mặc bộ đồ bệnh
nhân trông rất kì khôi và đủ thứ dây nhợ chằng chịt trên người. Một bàn
tay tôi bị quấn băng lại trắng toát. Mẹ nói, tôi đã cào tay vào tường
đến bật máu. "Máu của con dính đầy trên áo Chiến” - mẹ tôi bảo thế.
Phòng bệnh này là phòng đơn, sạch sẽ và sáng sủa hơn phòng y tế nhiều.
Giường của tôi không được kê gần cửa sổ. Cửa sổ ở đây thon và dài, được
treo rèm trắng có thêu đăng - ten - nhìn xinh xắn như phòng của tiểu
thư. Bên cạnh giường có một cái bàn gỗ nhỏ, trên bàn là một bó hoa lớn
màu đỏ thắm.
- Mẹ mua hoa hả mẹ? - Tôi hỏi.
- Không phải mẹ. Của Thủy. Là bó hoa xin lỗi.
Tôi không nói gì. Tôi nghĩ mình nên giận một chút nhưng đầu óc cứ trống rỗng.
-
Cô bé đó khóc suốt. Nó nói, vì nó ganh tị với con, vì thấy con học giỏi
lại luôn có Chiến kè kè một bên. Nó xin lỗi đã làm con ra nông nỗi này.
Ba mẹ nó cũng đến. Mẹ giận lắm, định tát nó một bạt tai, nhưng lại
thôi. Cũng thấy hơi tội, con à. Lớp con cũng đến. Đông lắm.
Mẹ vừa kể vừa có ý thăm dò. Tôi chẳng thể nghĩ ra một cái gì để nói với mẹ. Tôi nhắm mắt, lơ mơ ngủ.
Hôm sau, Chiến đến
thăm tôi, đem theo tờ báo mới và một hộp bánh đậu xanh. Hắn lén đưa hộp
bánh cho tôi, bảo tôi giấu kĩ, chừng nào thèm thì lấy ra ăn.
- Bà có sao không?
- Sao là sao?
- Thì có khỏe không?
- Khỏe.
- Bà có đi học lại không?
- Đi chứ. Năm cuối rồi còn gì. Nghỉ đâu có được.
- Không, ý tui nói là bà có đi học lại lớp mình không ấy?
Tôi nhìn Chiến, tỏ ý không hiểu.
- Tui nghe ba mẹ bà nói, chắc phải cho bà chuyển trường, hai bác ấy sợ...
Chiến
ngừng lại. Hai đứa ngồi im lặng. Tôi quay mặt ra cửa sổ. Một nửa bầu
trời xanh ngắt, trong veo. Tôi tự hỏi mấy con chim đâu hết rồi. Hồi
sáng, tôi nghe bọn chúng líu ríu với nhau cái gì đó cả buổi. Tôi quay
sang Chiến, mắt vô tình chạm phải những cánh hoa đỏ. Màu đỏ rực rỡ và
lóng lánh như một nụ cười.
- Theo ông thì tui nên làm sao?
- Tui đâu biết - hắn gãi đầu, bối rối - Tùy bà thôi. Nếu chuyển trường, bà sẽ không phải gặp rắc rối như vầy nữa...
-
Tui luôn muốn mình sẽ thật dũng cảm - tôi thì thầm - Thỉnh thoảng, tôi
tưởng tượng ra cảnh ông bị người ta đánh, còn tôi lao ra đỡ. Nghe thấy
khùng không?
- Khùng quá rồi gì - Chiến chép miệng - tự nhiên lại tưởng tượng ra cảnh tui bị đánh là sao?
Cả hai phì cười. Tôi chỉ cho Chiến thấy bó hoa.
- Của Thủy đó.
- Vậy hả? Con nhỏ đó mua cả hoa nữa sao?
- Ừ. Bó hoa xin lỗi.
- ...
- Theo ông, tui có nên tha thứ không?
Chiến
nhìn tôi đăm đăm. Tôi hay nói với hắn là hắn có đôi mắt rất khó hiểu.
Vì cặp mắt ấy rất sâu và đen, mọi ý nghĩ bị dìm xuống thăm thẳm.
- Tui nghĩ là bà đã tha thứ cho Thủy rồi phải không?
- ...
- Bà chỉ đang nghĩ là mình có đủ dũng cảm để gặp Thủy không chứ gì?
- ...
- Bà không muốn thành người dũng cảm sao?
Tiếng
chim hót véo von làm tôi giật mình quay lại. Không thấy chim chỉ nghe
tiếng hót đâu đây rất gần. Rồi nhiều tiếng hót khác vang lên. Ánh nắng
thổi tung rèm cửa như muốn lấn át cả ánh đèn trong phòng.
Tôi nhắm mắt lại, hình dung ra mình là con chim bay giữa bầu trời - có lẽ tôi là một con chim sẻ.
- Chiến nè!
- Gì?
- Làm người dũng cảm có khó không?
- Đừng lo, tui sẽ giúp bà mà!