Mối Tình Câm
Tg: HuuThang
********************
Ánh nắng còn chưa tắt hẳn mà Vinh đã thu lưới, cắm cây sào, cột ghe vào gốc tràm rồi nhảy lên bờ đất đi thẳng vào, bà Sáu đang nằm đu đưa trên cái võng bắt qua hai cây dừa bên hông nhà nhỏm đầu dậy hỏi lớn "sao mày nghỉ sớm vậy, cá đầy thùng rồi à?”
- Tự nhiên thấy mệt nên lên sớm một bữa, cô Sáu ơi.
Vinh bước vào nhà, đến trước tủ thờ lấy cái kiếng soi mặt nhỏ xíu tròn ủm như cái nắp keo chao dấu dưới thùng đựng nhang, Vinh đi thẳng, ngang qua buồng bà Sáu rồi xuống gian bếp. Vinh thấy Ninh lui cui chụm lá dừa thì quẹo ra hông nhà, tót lên chỗ chạng ba của cây sầu riêng, Vinh ẩn mình trong đám lá lưa thưa, ngồi săm soi gương mặt. Hổm rày, tóc của Vinh rụng nhiều, sau ót và lưng nổi lên vài hột li ti, trong người luôn thấy bứt rứt, lại thêm ho sù sụ từng chặp dữ dội. Mặt của Vinh tóp lại thấy rõ, mới hai mươi hai tuổi mà Vinh tưởng mình đã ba mươi.
- E….ê…ê…em
Vinh giật mình vì tiếng gọi, cái kiếng tuột khỏi tay, rơi trúng cục đá gồ lên nơi mặt đất, vỡ ra làm bốn. Vinh phóng người xuống nhưng Ninh đã nhanh tay nhặt lên, cái kiếng giờ chỉ là những mảnh nhỏ, không thể soi mặt được nữa. Thật ra lúc Vinh lượm nó trong bữa đi coi hát là nó đã có vết nứt sẵn rồi, nhưng Vinh nhất định đem về vì Vinh cần nó.
- Ơ…ơ……u………ui. – Ninh lắp bắp vẻ mặt nhăn nhó khổ sở vì sợ Vinh giận bởi Ninh biết Vinh quý cái kiếng soi mặt lắm!
- Khỏi cần xin lỗi tui, đáng lẽ giận rồi đó nhưng bụng đang đói, ăn trước rồi tính. – Vinh vừa nói vừa đi vào bếp, Ninh theo sau vò đầu cắn môi.
Ngày nào cũng vậy, khi trời còn chưa sáng tỏ thì Ninh và Vinh đã lục cục mang nồi chè trôi nước xuống ghe, bà Sáu xách rổ chén muỗng đi sau. Con Nô cũng nhào ra sủa như thường lệ nhưng nó mới kêu có một tiếng thì con Vàng nằm trong ổ với bầy con mới đẻ đã lên tiếng ẳng ẳng, làm con Nô phải cúp đuôi chạy lẹ vào. Vinh cười "chó mà cũng biết sợ vợ”, bà Sáu nạt lại "yêu chớ sợ gì, nói bậy”. Ninh giật máy cho ghe chạy nhanh để kịp buổi chợ, đến bến, bà Sáu lên chợ ngồi bán chè, Vinh bán tôm cá, chỉ có Ninh là ngồi giữ ghe. Nhưng hôm nay, Ninh cắm sào, bỏ ghe, âm thầm lên chợ ngó nghiêng mấy cái sạp tạp hóa, mà tìm mãi vẫn không có bán cái anh đang cần mua, chợ quê hẻo lánh chỉ bán những đồ thực dụng mà thôi. Trên đường về, Ninh đang ngồi sau lái thì thấy lấp loáng trong dòng nước một vật xanh đỏ dạ ánh nắng nhấp nháy. Lập tức Ninh nảy ra một ý định. "Ủa…sao tự nhiên mày cho ghe đảo vòng tròn vậy?” bà Sáu hoảng hồn, tay giữ rổ chén nghiêng ngã.
Sau giấc ngủ trưa, Vinh và Ninh cầm một hộp phấn bước ra cái sân đất trước nhà, gió thổi thông thống, nghe mát cả lòng "viết lại mấy chữ bữa trước anh học đi…. Anh giỏi quá, viết đúng hết. Hôm nay, tui chỉ anh chữ quan trọng lắm, tên của anh đó, chữ N. Một nét thẳng, một nét xéo, một nét thẳng. Rồi đó, anh viết lại cho tui coi”. Thế là Ninh viết, cái nền đất đầy phấn trắng. Vinh ngồi kề bên nhắc nhở, thỉnh thoảng liếc mắt nhìn gương mặt chăm chú của Ninh, tự nhiên môi của Vinh nở ra nụ cười.
- Tên của anh ghép như vầy N-I-N-H.
- Ơ…ơ…e…em….
- Tên của tui hả…ư…sao hỏi ngang cái chữ tui chưa chuẩn bị vậy, để nhớ coi, V-I-N-H, là thay chữ N bằng chữ V, viết như vầy nè, hai nét xéo châu đầu vào nhau.
Ninh tập một lúc thì đã viết nhanh và đẹp, đẹp hơn cả chữ mẫu của Vinh vì lực viết từ tay của Ninh rất mạnh nên chữ viết vững chãi giống như được khắc vào đất. Đột nhiên, Ninh nhìn xoáy vào mắt Vinh và cắm cúi viết một hàng chữ rõ to "Vinh+Ninh”, xong rồi còn nắm lấy tay Vinh mà lắc.
- Tui hỏng hiểu anh viết cái gì nữa, anh hỏng nghe lời tui là tui hỏng chỉ anh học chữ nữa đâu.
Vinh giật mạnh tay, chạy vào nhà, đi ra đứng dưới tán lá cây sầu riêng, con Vàng biết chủ có nhiều tâm sự nên nó cũng ngoe ngẩy đuôi đi quanh quẩn bên Vinh. Vinh nói không hiểu mà trong lòng Vinh hiểu hết, tất cả là do lỗi của Vinh, muốn không tiến xa nhưng kiềm lòng không đặng. Ai biểu cái bữa tối Trung Thu cho người ta ôm làm chi, rồi còn để người ta hôn vào má, thì giờ người ta viết ra như vậy. Lỗi của mình là gieo hy vọng, giờ lại làm mình làm mẩy giận dỗi, tội nghiệp người ta quá!
Chiều nay, gió dìu dịu nhưng Vinh thấy ớn lạnh khắp người, ho khan liên tục, trên ngực có nhiều hạch nổi lên gây ngứa vô cùng. Vinh lại lên bờ nghỉ sớm, mặc thêm áo nhưng vẫn thấy lạnh. Ninh vừa chẻ xong đống củi, bước đến trước mặt Vinh, xòe bàn tay ra. Trong tay Ninh là một miếng nhôm hình tròn được cắt gọt khéo léo từ một vỏ chai nước ngọt, nhớ lại việc cho ghe quay vòng tròn trên sông mấy hôm trước, Vinh cầm lấy miếng nhôm cười nghèn nghẹn "tui có bắt đền anh đâu, khổ công mần chi?” Miếng nhôm như chiếc gương biết nịnh người soi, hình ảnh chỉ mờ mờ nên những chấm đỏ trên mặt Vinh không hiện rõ. Vinh mỉm cười "tui nợ anh nhiều quá”. Ninh nghe nói thế liền nhẹ nhàng cầm lấy bàn tay Vinh ra chiều thân mật, đột nhiên, Vinh hốt hoảng hất tay Ninh.
- Buông tui ra, đàn ông gì mà…mà vô duyên! – Vinh gượng nói cho trọn những chữ cuối rồi bỏ ra ổ của con Vàng, thế là chiều tối cả hai đều bỏ bữa cơm cho dù bà Sáu la quá chừng.
Đêm không ngủ, Vinh quay mặt vào tấm vách tre, Vinh thấy Ninh có duyên, chứ không phải vô duyên. Ninh có gương mặt chữ điền mạnh mẽ mà Vinh hằng mơ ước, Ninh đối với Vinh rất tốt và chân thành nhưng Vinh không thể chấp nhận tình cảm đó. Ninh ơi! Vinh rất thương Ninh, cũng muốn trao cho Vinh nhiều hơn nữa nhưng không thể được, Vinh không muốn Ninh chết. Ai có thấu chăng nỗi lòng của một hỏa diệm sơn đang rừng rực dưới lớp băng tuyết. Nhiều đêm nước mắt rơi dài, vì sao nên nỗi? Chỉ cách một cái bàn tròn uống nước, mà giường bên đây và bộ ván bên kia như muôn trùng nghìn xa.
Ninh cũng quay mặt vào vách mà tự giận mình, tự thấy bản thân vô dụng hơn cả cái gáo dừa nứt đáy. Ai đời, đem tặng có một miếng nhôm mà đã đòi nắm lấy tay của người ta. Người ta từng cho mình ôm còn cho hôn nữa, nghĩa là người ta cũng ưng trong bụng rồi, vậy mà không biết cách tỏ tình. Phải tặng hoa, phải cùng nhau đi trên cánh đồng cỏ xanh rì, rồi nói câu tình tứ giống như trong tuồng hát. Ninh lại nghĩ, bông hoa thì dễ kiếm, đồng cỏ có sẵn bên kia sông, nhưng còn câu nói tỏ tình thì…phải làm sao? Ninh mở hai mắt nhìn đau đáu lên trần nhà và cầu xin. Ninh tình nguyện giảm mười năm tuổi thọ để nói được câu "anh thương em, em có thương anh không?” Ninh muốn Vinh hiểu cho lòng của Ninh, có chết sớm Ninh cũng vui lòng.
----------0o0----------
Vinh từ từ mở mắt trong cái nhìn vui mừng của bà Sáu và Ninh, trời xui khiến cho Vinh bị vọp bẻ ở khúc sông trước cửa nhà bà.
- Hai người vừa làm gì tui?
- Tui với thằng Ninh vừa mới cứu chú em khỏi chết đuối đó.
- Hai người đã làm gì? Nói mau đi.
-Tui bóp tay chân cho chú, còn thằng này thì ấn vô bụng chú.
- Không có gì thì không sao rồi. Cám ơn hai người, tui đi. – Chàng thanh niên loạng choạng đi về mé sông, chiếc ghe của chàng hãy còn neo chỗ cũ.
- Kìa chú, chú còn yếu mặt mũi còn tái xanh, từ đây mà lội ra chỗ chiếc ghe, nhiều khi chú chết lần nữa à. Tui tính vầy, chú vào nhà tui nghỉ, ăn vài chén cơm cho khỏe, còn chiếc ghe thì để thằng Ninh ra lấy vô cho. Nhà này chỉ có tui với nó nên cũng buồn, chú ăn cơm chung cho vui.
Vinh bận bộ đồ của Ninh vừa khít, từ trong nhà tắm bước ra làm cho con Nô sủa chưng hửng, bà Sáu liền rút cái khăn rằn đang vắt trên vai lau mặt ghế mời ngồi. "Dơ cái khăn của cô rồi”, "có gì đâu, khách tới nhà mới quý còn cái khăn đem giặt là sạch liền”.
Ninh từ ngoài lầm lũi đi vào nhìn bà Sáu lắc đầu, "trôi mất rồi thì thôi, một đời ta bằng ba đời nó, mai mốt mua cái mới, lo gì”. Vinh ngưng tay xới nồi cơm "có chuyện gì vậy anh?”, "chú hỏi nó, nó không trả lời được đâu, bị câm mà! Nó chỉ nghe được thôi”.
Vinh bàng hoàng nhìn chàng thanh niên trạc tuổi mình ngồi xuống cái ghế đối diện qua cái bàn tròn, vẻ mặt đầy cương nghị nhưng đôi mắt buồn thỉu buồn thiu. Bà Sáu gắp bỏ vô chén của Vinh miếng tép rang rồi kể "ba má nó chết lúc nó còn nhỏ, tui thấy tội nghiệp nên đem về nuôi, nó giỏi lắm đa, coi bự con như vậy chứ hiền khô hà, lúc nhỏ bị mấy đứa hàng xóm chọc ghẹo là nó chạy ra mé sông ngồi khóc một mình, nó tưởng hỏng có ai biết, ai dè, tui thấy hết”. Vinh liếc người bạn vừa cứu mình một cái thật nhanh. Mặt Ninh bối rối thấy rõ, Ninh nuốt vội miếng cơm nên bị mắc nghẹn, ho lên hứ hự. "Cái thằng, mày sợ thằng Vinh ăn hết phần của mày hay sao mà nuốt trọng cho mắc nghẹn vậy con?!” Bà Sáu nói mát Ninh một câu liền phì cười. Vinh cũng cười theo, đôi môi trái ấu để lộ hàm răng trắng đều dễ thương hết biết, chỉ có Ninh là đỏ mặt, cắm cúi lùa cơm vào miệng cho mau. Lần đầu tiên, bà Sáu thấy Ninh mắc cỡ với người lạ, bà hỏi cắc cớ "sao bữa nay mày ăn chậm vậy?”, Ninh cười cười mà không ú ớ, chẳng lẽ giải thích là do nhìn trộm người ta.
Xong bữa cơm, bà Sáu ra sau múc ba chén chè trôi nước to, mấy viên chè bé xíu lủm chủm trong nước đường ngọt mát thơm mùi gừng tươi "thằng Ninh nấu đó, lúc trước do tui nấu nhưng giờ già truyền nghề lại cho nó. Chiều nào nó cũng nấu, sáng sớm chèo xuồng chở tui lên chợ ngồi bán”.
- Chiếc xuồng của cô đâu?
Bà Sáu ái ngại nhìn Vinh, bà không muốn nói rằng trong lúc bà cùng Ninh nhảy ào xuống dòng nước để cứu Vinh đang bị vọp bẻ sắp chìm thì chiếc xuồng bị nước đẩy trôi đi mất. "Nó trôi mất rồi”, "vậy cô lấy chiếc ghe của con đi đỡ đi”, "đâu có được, chú còn phải đi thả lưới mà”, "cô không đi ghe của con, con giận cho coi”. Từ đó, Vinh không cho ghe trôi vô định mà ở lại nhà bà Sáu để cho bà mượn ghe đi bán mỗi sáng.
Tối, Ninh qua bộ ván nằm ngủ để nhường cái giường trải chiếu bông cho Vinh. Cảnh lạ, giường lạ, những con người xa lạ nhưng mùi vị thôn dã thân thương hồn hậu khiến Vinh dễ chịu vô cùng. Vinh lại thấy mình đang ngồi trên chiếc xe đò đi ra thị xã tìm việc làm để đỡ đần cho má và ba đứa em nhỏ, rồi xin vào làm phục vụ cho một quán cà phê lớn, nơi có một người khách thường xuyên lui tới bắt chuyện với Vinh. Đó là Tuấn Bạc, một tiểu thiếu gia chảnh chọe có tiếng của thị xã. Tuấn Bạc khen Vinh có cái miệng xinh, dáng người dong dỏng cao mặc đồng phục rất đẹp. Tuấn Bạc còn nói thích Vinh vì thấy Vinh hiền lành rồi mời Vinh đi chơi, Tuấn Bạc mua cho Vinh một bộ đồ mới trước khi dẫn đi nhậu. Đêm hôm đó, Tuấn Bạc dẫn Vinh vào nhà nghỉ để yêu cầu được thỏa mãn. Một phần vì quá say, một phần vì nể, một phần Vinh lại nghĩ như vầy, thí dụ người ta trả mình bốn chục ngàn thì mình bưng nước phục vụ tám tiếng đồng hồ, giờ đã lỡ mặc quần áo lỡ ăn uống vào bụng rồi, biết nói làm sao để từ chối. Chỉ một đêm thôi! Vinh phải trả giá bằng sinh mạng khi Tuấn Bạc bị phát hiện nhiễm HIV. Vinh giận lắm, giận người thì ít mà giận bản thân thì nhiều, Vinh trách Vinh quá tin bề ngoài quá dễ dãi nhưng trên hết là chưa kịp báo hiếu cho má và giúp các em. Vinh bị sốt và phát ban đỏ ngoài da hơn một tháng, lúc hết bệnh cũng là lúc hết tiền. Mọi người xa lánh, mất việc, mất niềm tin, Vinh không biết phải về đâu nhưng chắc chắn Vinh sẽ không về quê để báo cơm tốn thuốc của má và các em, vai má đã oằn lưng má đã cong, lẽ nào bắt má phải chịu khổ chịu nhục thêm nữa. Vinh lang thang ra bờ sông, mười chín tuổi Vinh đã không còn thiết sống nữa! Có lẽ Vinh còn quá trẻ nên ông trời không để Vinh chết, Vinh còn chưa nếm trải hết hương vị của cuộc đời kia mà. Gia đình cứu Vinh là gia đình tử tế, người vợ đề nghị chồng cho Vinh chiếc ghe bỏ không của gia đình để Vinh có cái kiếm sống qua ngày. Vinh thường để mặc chiếc ghe trôi dọc theo dòng nước, đi đến nơi vô định và sống như kẻ vô tình.
Ai ngờ, có một ngày Vinh lại lên bờ sống vui vẻ với những con người nhân hậu.
----------0o0----------
Hôm nay mới bán lưng nồi chè thì mây đen kéo đến che tối trời, gió mang hơi ẩm thấm đẫm không gian, mọi người lật đật ra về. Vinh ngồi trong mui ghe, run cầm cập. Bà Sáu luýnh quýnh nói "hai đứa bây đợi tao lên mua thuốc, cảm với nổi ban đỏ, đúng hông vậy?”, Ninh quỳ bên cạnh Vinh đầy lo lắng, muốn ôm cho Vinh bớt lạnh mà sợ bị mắng bị đuổi.
- Ơ…ơ…ư…ư..?
- Muốn ôm tui thì ôm đại đi, không sợ tui lây bệnh sao!
- Ư…ư…u… - Ninh ngồi phía sau ôm tới, hai bàn tay to bè ủ lấy hai bàn tay run rẩy.
- Anh hỏng sợ mà tui sợ.
- O….o…o…ơ
- Anh ôm tui cho chặt đi, mai mốt tui hỏng còn bệnh nữa đâu mà ôm. Tui bệnh lần này là lần cuối đó.
- O..o…ơ…ư. – Ninh đưa tay lau giọt nước mắt của Vinh.
- Tui hỏng cần quà cáp gì hết, tui chỉ mong được sống chung nhà với anh với cô Sáu là tui vui lắm rồi, mà sao ông trời hỏng cho tui toại nguyện. Người ta nói những kiếp trước có tu mười năm thì kiếp này mới được ngồi chung trên một con đò, còn tu trên một trăm năm mới được ngủ chung một giường, có lẽ tại vì tui với anh chưa đủ….- Vinh hự lên, ho ra một bụm máu. Mưa từ trời rơi xuống như một tấm vải khổng lồ phủ kín mặt sông, chiếc ghe tròng trành nhồi lên hụp xuống theo con sóng xô và gió thốc.
Mấy ngày rồi chỉ có Ninh và bà Sáu đi chợ, Ninh vẫn ngồi đợi dưới ghe như thường lệ thì có một chiếc ghe khác tấp vào kề bên. Đứa con hỏi "sao ba nói má là nhà vậy?”, "ai viết văn giỏi làm thơ hay thì được người khác yêu mến, được gọi là nhà văn nhà thơ. Thầy cô đi dạy được mọi người tôn trọng gọi là nhà giáo, còn cái nhà mình ở là tổ ấm để mọi người tìm về, ba thương má nên giới thiệu má là nhà, hiểu chưa con”. Không biết đứa con có hiểu hay không, nhưng Ninh ngồi nghe thì Ninh hiểu rất rõ ràng, Ninh bỏ ghe đi lên chợ tìm mua mấy cây viết màu và một cuốn tập trắng.
Buổi chiều trời xanh trong, con bìm bịp trong bụi cây kêu nước lớn, tiếng kêu gì mà lạ hết sức, không líu lo không luyến lái mà cứ "tội nghiệp” hay "tội nghiệt” hoài, nghe mà buồn thảm thiết. Vinh bước ra khỏi giường, Vinh thấy khỏe trong người, như ngọn đèn dầu bừng lên lần cuối cùng trước khi lịm tắt. Ninh từ sau bếp chạy lên, đi kế bên phòng khi Vinh té.
- Làm như tui là con nít vậy. Tui khỏe rồi, không có sao đâu, anh nói cô Sáu đừng mua thuốc nữa nghen.
- E..e…e…ơ…. – Ninh chạy vào nhà, đem ra tờ giấy cuộn tròn chìa trước mặt Vinh.
- Cái nhà gì ngộ vậy, tại sao hai cửa sổ hình trái tim?
- Ơ…ơ…ư…u…ơ…e…. – Ninh vừa giải thích vừa lật mặt sau của tờ giấy, có ghi hàng chữ "Ninh iu Vinh”.
- Tui hỏng hiểu anh vẽ cái gì hết. Đem dẹp đi mà!
Vinh bỏ lên giường nằm quay mặt vào vách, lấy cái kiếng nhôm ra soi, gương mặt dường như chỉ còn da bọc xương, trong miệng Vinh nổi lên nhiều vết lở loét đau vô cùng. Ninh bưng ly nước cho Vinh uống thuốc, bốn mắt nhìn nhau, buồn chất chứa. Vinh buồn vì mình không thể đáp lại tấm chân tình của Ninh, còn Ninh buồn vì mình không thể nói ra miệng tất cả tình cảm dồn nén trong lòng.
- Tui xin lỗi anh, tại tui bị bệnh nên khó chịu. Anh đừng để bụng mà giận nghen. – Vinh nói có vậy, rồi nằm nghĩ ngợi về một ngày mai.
Giữa đêm, trăng sáng treo trên đầu, Vinh trở dậy rón rén đặt món tiền dành dụm lên bàn rồi đẩy cửa bước ra. Chợt nhớ, Vinh lại đẩy cửa quay vào lấy cái kiếng nhôm bỏ vô túi áo rồi mới lên ghe, thả cho nó trôi theo dòng nước, Vinh đi vì không muốn mình chết tàn tạ trước mắt người yêu cũng như không muốn mọi người biết căn bệnh thật sự của mình, thà mang tiếng lạnh lùng vô tình còn hơn để cho những người thân yêu bị hàng xóm mai mỉa vì đã từng cưu mang yêu thương mình.
Người ta nói Ninh không những bị câm mà còn bị khùng, ngồi đâu cũng nguệch ngoạc mấy chữ "Ninh iu Vinh, Vinh iu Ninh?”, đến lúc ăn cơm cũng lấy đũa soi vào chén cơm mấy chữ đó. Có lúc bà Sáu không chịu nổi, phải la lớn "người ta là khách thương hồ, rày đây mai đó, mày muốn giữ chân người ta còn khó hơn hái sao trên trời”, rầy Ninh xong, tự nhiên nước mắt của bà Sáu rớt xuống chén canh cái độp.
Hết
Vote Điểm :12345