Truyện Ngắn: "Đêm Thánh Vô Cùng...” Của Nguyễn Minh Đoàn
Tôi chưa từng nghĩ ngày đẹp trời nào đó, cả nhà biết tôi không phải gã đàn ông như họ mong đợi, rằng một thằng có ngón giữa thì phải rắn rỏi, mạnh mẽ và mê đàn bà. Tôi cụt một thành tố nhưng vẫn hiên ngang và cứng cáp như bao thằng đàn ông khác.Tôi chưa từng nghĩ sẽ thủ thỉ về bản ngã của mình cho bất kỳ ai, có một cái cũi cứng quèo bám theo tôi từ khi sinh ra, muốn đập nát nó đi nhưng tôi sợ, tôi từng nghe hằng trăm câu chuyện những bạn trẻ can đảm come-out nhưng bị gia đình lôi ra đánh nhừ tử, hoặc đuổi đi, hoặc ghẻ lạnh. Có thể nói tôi hèn nhát, chỉ bởi không muốn tổ ấm của mình bị xáo trộn.
Đây là một truyện ngắn với chủ đề đồng tính nam được trích trong cuốn tiểu thuyết "Tôi là gay” của cây viết trẻ Nguyễn Minh Đoàn, do NXB Phương Nam ấn hành. Mời bạn cùng xem:
Chuyện tôi tự động rửa chén lan nhanh, chưa đầy một phút ba mươi giây đã thấy cả nhà đứng bâu lại xem như thể tôi là người ngoài hành tinh.
Mà đâu phải rửa vài cái chén bát suông, cả thau đầy ắp ấy chứ, sơ sơ có đến mười lăm cái dĩa bản rộng, bảy cái chén, mấy cái nồi nhôm to tướng và một bùi nhùi đũa muỗng.
Ngó lại cái thành quả khủng khiếp của buổi liên hoan mừng bước vào Mùa Vọng của gia đình mình, tự dưng tôi thấy ngán ngẩm ghê gớm, nhưng biết sao được, chính mình bày ra vụ liên hoan này mà, đành ngậm ngùi thu dọn tàn cuộc thôi...
Thấy má và bà bác cười cười, tôi hừ mũi làm ngơ, chuyên tâm vào cái công việc chết tiệt mình đã và đang cắm đầu vào.
Nước lạnh ghê, tôi khẽ run lên khi thử chạm ngón tay vào màn nước nhơn nhớt và vẩn đục. Mà không chỉ riêng nước là thứ duy nhất bị nhuốm lạnh, hầu như mọi thứ hiện diện trong căn nhà này đều đang run lên bởi nhiệt độ 23,5 độ C được hiển thị rõ mồn một trên chiếc đồng hồ vạn năng treo cứng khừ ở góc nhà.
Một ngày đầu tháng mười hai lạnh. Câu đó đúng đối với xứ Biên Hòa nóng toát mồ hôi quanh năm này.
Hôm nay là thứ hai, ngày thứ ba trong hai mươi bốn ngày Mùa Vọng Giáng Sinh, như vậy còn hai mươi hai ngày nữa là Giáng Sinh, nghe dài nhưng rất nhanh, giống hồi đón Tết, quẩn qua quẩn lại đã thấy Giao thừa sát rạt.
Tôi chặc lưỡi dòm cây sơ ri trong vườn đang thích thú đón làn sương mỏng tang bơi tà tà từ vòm trời xám khói. Sương như đàn chim của mây trời, rủ nhúm lông vũ tinh khôi xuống, lả lơi với gió, mượn gió vẽ nên những vệt hư ảo. Tôi đưa tay ra, bủn rủn hứng phẩm vật hiếm hoi như ông Mô-sê và dân Israel mừng vui khi được Chúa ban bánh mana và nước uống trong những ngày đầu của hành trình tìm về Đất Hứa.
Mơ màng.
- Tối nay có hát lễ không mày?
Giọng má với ra khiến tôi giật bắn, bao vệt cảm xúc chạy đi đâu mất.
Tôi gật đầu, giọng tiếc rẻ: Hồi qua nói rồi, sao má hỏng nhớ?
Má lại gần, khều khều và dúi vào tay tôi một bịch thuốc Nam thơm nồng.
- Gì vậy trời?
- Nói nghe, chút đi hát, mày đưa cho dì Tâm giùm má, mấy thang thuốc bổ.
- Ủa là sao?
Nhác thấy tôi còn ra chiều khó hiểu, má quắc mắt.
- Cha mày. Ủa ủa gì. Cứ biết vậy đi, thắc mắc chi.
Ừ thì tôi cũng biết vậy đi chứ có biết mô tê gì đâu.
Sẩm tối, khi những con chiên ngoan đạo lần lần bước vào nhà thờ, cũng là lúc tôi sửa soạn áo quần hát lễ, sơ mi quần tây và một cái nơ đỏ lòm. Có hôm tỉ mẩn chăm chút đến từng cái nút áo, dù luôn bị đóng vai phụ trong ca đoàn. Tôi cười méo miệng khi má khịt mũi, giọng vịt đực của mày ai cho sắm vai chính. Biết má ghẹo nhưng vẫn buồn bâng quơ, mười tám tuổi mà chưa có gì để đời, hát khản giọng bốn năm trời vẫn chẳng ai biết tới.
Image
Một buổi chiều giáp ngày Giáng Sinh ba năm trước, có một thằng cà nhong ngồi vắt chân trên băng ghế đá ngoài khuôn viên nhà thờ và hát nghêu ngao bài Đêm thánh vô cùng. Chợt có tiếng vỗ tay bật lên đằng sau lưng làm thằng nhỏ giật bắn, hai hàm răng phập vô môi, sưng vù. Quay lại thì thấy một phụ nữ trẻ, độ hai ba hai tư, bận đồ nữ tu trắng đang cười khúc khích, một ma sơ, ngó hiền queo.
Thằng nhỏ thoáng lúng túng, ủa bà này là ai, ở xứ mấy năm mà hổng thấy bao giờ. Định mở lời nhưng bà sơ đã nhanh nhảu lên tiếng trước: Ê chào cưng.
Bà sơ chào tỉnh rụi, thằng nhỏ nghe lạnh sống lưng.
Người lớn luôn bảo ma sơ là hình ảnh thu nhỏ của Đức Mẹ nên phải ăn nói khuôn phép, làm gì cũng phải gương mẫu. Lúc đó thằng nhỏ liên tưởng những ma sơ luôn bị nhốt trong một cái lồng, gò bó và chán ngắt. Nhỏ bạn bảo, ê mày, mai mốt tao muốn làm sơ, cho ba má tao làm ông cố bà cố. Thằng nhỏ chắp tay lạy lạy, mày làm sơ, rồi mai mốt lúc đánh rắm mày cũng phải đánh cho đẹp.
Ngó lại bà sơ đang đứng tay chống hông, thằng nhỏ nom khoái ra mặt. Quanh người bà này không có cái lồng.
- Dạ. Con chào sơ.
- Cưng nhiêu tuổi?
- Dạ, năm năm nữa là hai chục chẵn.
- Mười lăm rồi, xưng em gọi chị đi cưng.
- Dạ hổng dám, thấy kỳ.
- Dẹp cái chữ dạ dạ đi nghen. Ê mà thấy cưng hát hay đó, vô ca đoàn hôn?
Thằng nhỏ phì cười:
- Trời sao dám, em hát dở như ma, ca đoàn nào dám chứa. Dì mới tới xứ à? Ngó lạ hoắc.
- Dì tên Tâm, mới được cử đến giúp xứ, trông nom vụ ca đoàn. Em muốn vào ca đoàn không? Giọng em cũng ngon, chỉ cần luyện tập chút là được, ca đoàn mình đang thiếu người.
Thằng nhỏ gật đầu, nó là tôi bây giờ.
Tôi chui vô ca đoàn ngon ơ, một chuyện chưa từng nghĩ đến. Hành trình tìm kiếm một dấu son để đời xem như đã thành công một nửa.
Nhờ những buổi tập hát và luyện giọng dưới sự hướng dẫn tận tình của dì Tâm mà giọng hát tôi ngày càng ổn và khỏe hơn, đôi lúc tự tin mình sẵn sàng phô giọng trước hàng trăm giáo dân nếu được phép ấy chứ. Tôi hiểu, mình chỉ còn thiếu một cơ hội.
Dì Tâm rất hiểu tôi, đã nhiều lần dì xin sơ trưởng, chị thử cho thằng nhỏ hát chính một lần, nó rất khá.
Câu trả lời luôn là những cái lắc đầu. Nghe sơ trưởng nói, điều kiện then chốt là giọng phải hay và hát đủ sáu năm. Tôi còn thiếu ba năm.
Lại là những khuôn phép cứng nhắc.
***
Ba má không biết tôi là Gay.
Bà bác cũng vậy.
Tôi chưa từng nghĩ ngày đẹp trời nào đó, cả nhà biết tôi không phải gã đàn ông như họ mong đợi, rằng một thằng có ngón giữa thì phải rắn rỏi, mạnh mẽ và mê đàn bà. Tôi cụt một thành tố nhưng vẫn hiên ngang và cứng cáp như bao thằng đàn ông khác.
Tôi chưa từng nghĩ sẽ thủ thỉ về bản ngã của mình cho bất kỳ ai, có một cái cũi cứng quèo bám theo tôi từ khi sinh ra, muốn đập nát nó đi nhưng tôi sợ, tôi từng nghe hằng trăm câu chuyện những bạn trẻ can đảm come-out nhưng bị gia đình lôi ra đánh nhừ tử, hoặc đuổi đi, hoặc ghẻ lạnh. Có thể nói tôi hèn nhát, chỉ bởi không muốn tổ ấm của mình bị xáo trộn.
Tôi muốn chờ đến khi mình chứng tỏ bản lĩnh bằng một thành tích sáng chói, như được hát chính, lúc ấy mới cho gia đình biết sự thật, lúc ấy họ sẽ dễ cảm thông hơn.
Tối qua, lại một cái lắc đầu thoát ra từ vị sơ trưởng. Đó là lần thứ ba, đủ để vẽ nên một vòng luẩn quẩn, chán chường lúc này biến thành sầu muộn. Chẳng còn tha thiết hát hò.
Dì Tâm nhận ra sự bất thường. Lễ tàn, canh không còn ai, dì bá vai tôi, vỗ đen đét.
- Bị bệnh sao còn đi hát?
- Không bệnh tật gì cả. - Giọng tôi lừ thừ.
- Chớ mắc gì? - Dì kéo tôi ngồi phịch xuống băng ghế. - Rồi, nói dì nghe coi.
- Nói được gì?
- Ít nhất em sẽ thấy nhẹ lòng hơn, không tin dì à? Nào…
Tôi bắt đầu kể một câu chuyện dài như chưa bao giờ kể. Dì ngồi nghe, gật gù theo từng nhịp thở. Màn đêm đã buông xuống, những bóng đèn đường leo lét biến chúng tôi thành hai chiếc bóng ngọ nguậy trong vũng tối.
- Em nghĩ mình bị nhốt trong một cái cũi. - Một bóng đen nói trong ủ rũ.
- Em tưởng dì tự do sao? - Bóng đen kia hỏi tu từ, thứ không dành để trả lời mà để bóc trần một nỗi đau, một vết thương chưa khép miệng đang tóe máu.
Có những thanh âm thèm được vỡ ra như, em tưởng dì rất tự do, em không thấy cái cũi nào trên người dì, em tưởng làm ma sơ rất sướng, nhưng lập tức bị chẹn lại bởi tiếng khóc ngằn ngặt, không rõ phát ra từ đâu, từ cái gì, bởi quá tối để có thể nhìn.
***
Khoảng hơn tuần nay, tôi chẳng thấy bóng dáng dì Tâm, bèn lân la vào nhà xứ hỏi han, người ta nói dì đi thăm bệnh, chắc lâu.
Người tập hát thế dì là một lão bụng phệ với cái cằm chảy, kéo cái giọng của lão muốn xệ xuống đất. Lão làm tôi buồn nôn, không tập tành gì được.
***
Hay tin dì Tâm về, má kêu: Đạt ơi, mày đưa giùm bịch lá thuốc cho dì, trong trỏng có cái tét chuối, biểu dì ráng ăn.
Gia đình tôi rất mến dì, như tôi. Họ hay nhờ tôi gửi dì, lúc đòn bánh tét, mớ táo, mớ ổi, lúc hộp bánh quy, lúc trái sầu riêng thơm phưng phức. Dạo này có thêm túi lá thuốc, má nói thấy dì có vẻ tiều tụy dù tôi vẫn thấy dì tươi rói, chắc tôi không nhạy cảm và tinh ý như phụ nữ, vì vậy mãi đến giờ tôi vẫn chưa hiểu, tại sao một con người vui vẻ, căng tràn sinh khí lại nói mình không có tự do?
Thứ hai đầu tuần, một ngày lễ thường, giáo dân lưa thưa, dàn ca đoàn cũng chẳng đông đủ.
Tôi bước vào nhà thờ và bắt gặp ánh nhìn của dì Tâm như đắm vào bức tượng Chúa chịu nạn giữa gian cung thánh. Khuôn mặt thắc thỏm, mắt lem nhem nước.
Đứng ngay sau lưng dì nhưng tôi không dám gọi, tôi thấy ớn lạnh, đằng sau khuôn mặt bất an kia hẳn là thứ gì đó rất u uất, nó tráng lên mắt dì một lớp váng tối tăm. Hình như, dì chẳng nhận ra sự hiện diện của tôi nữa.
Kết lễ, sau câu chúc "Chúc anh chị em đi bình an” của cha xứ, giáo dân, ca đoàn lần lần ra về. Khi tĩnh lặng đã bò tới và trùm lên ngôi nhà của Chúa, tôi vẫn thấy dì quỳ gối trước tượng Đức Mẹ bồng Chúa hài đồng và chắp tay cầu nguyện. Tôi chờ bên ngoài, tay khư khư nắm chặt bịch thuốc, như thể chỉ cần rơi xuống là vỡ tan.
Dì bước ra, môi trơ khốc: Hết lễ lâu rồi, sao em chưa về?
- Má em gửi dì cái này.
- Ừ. Cám ơn em nhiều. Dì xin…
Vị nữ tu chầm chậm hướng về phía nhà xứ mà đi, chẳng nói thêm lời nào, hờ hững đến ma mị.
Tôi tự hỏi. Người đó là ai? Cái bóng thất thểu kia là ai? Trông giống một hồn ma sầu uất vừa bước ra khỏi thân xác hằn đầy vết cắt hơn là người ma sơ hoạt bát.
Trụ đèn đường lại được bật lên, tôi lại thấy rõ hơn bóng đêm dưới chân mình…
***
Hôm nay là Chúa nhật thứ ba Mùa Vọng Giáng Sinh, cũng là ngày tôi trở về Biên Hòa sau gần tuần lễ học hành mệt mỏi ở Sài Gòn.
Chút bảy giờ, ca đoàn tập hát.
Ca đoàn xứ cả thảy bốn lăm người, già trẻ lớn bé có đủ. Thầm nghĩ dì Tâm thật tài, điều khiển chừng ấy con người nhưng chưa bao giờ bị ai khiển trách. Dì bảo không muốn Chúa thấy bất cứ thiếu sót nào, dì muốn mình thật hoàn hảo trong mắt Chúa.
Dù bây giờ mới năm giờ sáng và khoảng cách Biên Hòa – Sài Gòn chỉ tầm một tiếng đồng hồ xe chạy nhưng tôi vẫn sợ trễ, má tôi bảo mày lo bò trắng răng quá à, tôi cười, thói quen mà, khó chừa lắm.
Tôi leo lên chiếc bus 604 hôi mùi nước tiểu. Hai người đàn bà đầu trọc, ngó phát ớn, xách mấy thùng hàng bự chảng lên, gã tài xế hỏi đùa "Ê hàng quốc cấm hả?” Hai bà cười cười, "Cái cha này. Dây đèn bảy màu ở trỏng đó cha. Tụi tui tính phát cho mấy gia đình Công giáo nghèo thiệt nghèo ở Trảng Bom”. Gã tài xuýt xoa, "Vậy chút mấy chị khỏi xé vé, tui chở miễn phí”.
Chuyện đầu tiên tôi làm khi về nhà là bật máy tính và gõ lên Facebook câu status nghe lan man "Có những cái coi vậy nhưng không phải vậy”, rồi ngồi đánh cờ tướng trên Zing play đến bảy giờ thì nghỉ.
Má lại gần, chìa bịch thuốc bổ quen thuộc: Đưa giùm dì cho má nghen.
Nhìn bịch thuốc, tôi lại nhớ đến cái tối hôm ấy. Rùng mình, tự hỏi chẳng biết dì thế nào rồi, tuần vừa rồi bận túi bụi với chuyện thuyết trình ba bốn môn khiến tôi quên bẵng chuyện khác.
Ra nhà thờ, lòng hi vọng sẽ gặp dì để hỏi thăm, nhưng khi bước vào phòng tập hát thì hỡi ơi, lại là lão bụng phệ với cái cằm chảy chán ngắt, lão đứng ngay vị trí dì Tâm thường đứng và bắt đầu hò ơ giọng trống lủng.
Cố ngó quanh quất nhưng chẳng thấy dì đâu, tôi men ra nhà xứ và hỏi các sơ khác, vẫn, dì Tâm đi thăm bệnh rồi em.
Chán nản, tôi đưa bịch thuốc cho một sơ, nhắn sơ chuyền tay giùm.
Tôi bỏ về một mạch. Thấy con mình lủi thủi vào phòng, bà má không khỏi khó hiểu.
- Ủa hổng tập hát à? Đưa thuốc cho người ta chưa?
- Rồi. Mà hổng thèm tập nữa, tối nay không hát. Mà má nè, dì Tâm có nói gì với má không?
- Gì là gì?
- Thì… chuyện dì đi đâu hoài.
- Biết chết liền. Dì chỉ kêu đi thăm bệnh, hổm rày hổng thấy bả ghé nhà mình.
- Ủa bả đâu còn người thân nào đâu mà thăm?
- Má hổng rành. Mà thăm thì thiếu cha gì, thăm thầy thăm cô thăm bạn. Hổm rày bả nói ít xịu, không thấy lanh lẹ bằng xưa nữa.
Tôi thở dài.
- Dì Tâm lại biệt tăm rồi má ơi!
***
Hôm nay là 24.12, Vọng Giáng Sinh, điều đó thể hiện rành rành trên quyển lịch Công giáo chỉ còn loe ngoe vài tờ, hôm nay và mai là hai ngày cực kỳ trọng đại mà gần như người Công giáo nào khi nghĩ đến cũng phải nở nụ cười hoan hỉ.
Bữa nay tôi về Biên Hòa, quyết định sẽ xin nghỉ học hẳn một tuần để đón Giáng Sinh với gia đình, cả năm trời mới có một dịp mà, tôi thầm nghĩ, hơn nữa, đối với tôi Giáng Sinh còn quan trọng hơn cả Tết.
Không khí những ngày Noel thật dễ chịu. Tôi căng mình đón những hơi thở sảng khoái của đất trời phả vào người, trông tôi như quả bóng bay đang sẵn sàng tung mình lên.
Đâu đó mùi hoa mai chiếu thủy nhẹ nhàng thanh thoát, đâu đó hơi se nhẩn nha ghẹo gió; giai điệu thánh thiêng của những bản nhạc Giáng Sinh vang vọng xa xa mà cũng thật gần, nào băng rôn "Mừng Chúa Giáng Sinh” phập phồng trước gió; đầy rẫy dây đèn được giăng khắp xóm ngõ chờ cơ hội thổi ra ánh sáng lung linh khi màn đêm kéo đến, nào đủ loại hang đá Bethlehem to, nhỏ, cầu kỳ, giản dị, tự làm, mua sẵn, nào cảnh chợ sớm hối hả với cơ man con người mua gà mua vịt để chuẩn bị cho bữa tiệc Vọng Giáng Sinh, nào là, thôi thì chẳng kể xiết được cái không khí tất bật và lạ lùng của những ngày gần Giáng Sinh, giá mà tôi có thể kể nhiều hơn.
"Đêm thánh vô cùng
Giây phút tưng bừng
Đất với trời
Se chữ đồng…”
Tiếng nhạc vọng ra từ dãy nhà xung quanh nhà thờ, lúc loáng thoáng đến từ dãy nhà phía đầu nghĩa trang, khi lại thoát ra từ căn nhà đằng lưng, có lẽ không hẹn mà người ta đã cùng nhau bật bài hát này lên, để giai điệu chập vào giai điệu, ca từ đan vào ca từ, cộng hưởng với nhau để tạo ra thành quả đầy kinh ngạc là một bản Đêm thánh vô cùng âm vang, tỏa khắp.
Từ mấy đứa trẻ con đang chơi tạt hình trong xóm, cô bán hủ tiếu, chị bán cơm tấm hay cáu gắt đầu ngõ, mấy ông chú ngồi đánh cờ tướng đang nhăn nheo vì suy nghĩ; ba, má, hai bác của tôi đang ngồi nhâm nhi cà phê và bàn chuyện tiền điện nước tháng này ai trả; mấy bà hàng xóm uể oải xách gà vịt về nhà, đến đám thanh niên ngồi bài bạc với nhau rồi thỉnh thoảng chửi thề… Họ ngồi lặng lại để hơi thiêng tràn về, tưới vào họ một cái cười thoát tục.
Giữa không khí tươi vui và rộn ràng, tôi thấy một bà già rách rưới, nhỏ thó, lê bước từ nhà này sang nhà nọ chìa tay xin từng đồng còm cõi, trông như thể một khối màu xám úa, hoàn toàn rời rạc với bức tranh Giáng Sinh và hình như chẳng chịu ảnh hưởng bởi bất cứ thứ gì liên quan đến Giáng Sinh, từ băng rôn mừng Giáng Sinh sặc sỡ đến bản nhạc Đêm thánh vô cùng.
Lặng ngắm từ xa, bà già đi qua mười nhà thì hết sáu nhà dửng dưng. Thân xác ngóm nghém bách niên, đôi mắt hõm sâu càng ấn thêm vào khuôn mặt nhăn nheo sự khổ ải, đôi chân đôi tay run rẩy thả ra những cử động khập khiễng tựa như cây thông già cỗi sắp đổ ngã trước sức nặng nghiệt ngã của thời gian. Ai dè ở cái tuổi đáng lẽ phải được nghỉ ngơi và quây quần với người thân, gia đình, bà lại phải lận đận khất thực kiếm sống. Ngó thiệt tội.
Lặng ngắm từ xa, bà già đi qua mười nhà thì hết sáu nhà dửng dưng. Thân xác ngóm nghém bách niên, đôi mắt hõm sâu càng ấn thêm vào khuôn mặt nhăn nheo sự khổ ải, đôi chân đôi tay run rẩy thả ra những cử động khập khiễng tựa như cây thông già cỗi sắp đổ ngã trước sức nặng nghiệt ngã của thời gian. Ai dè ở cái tuổi đáng lẽ phải được nghỉ ngơi và quây quần với người thân, gia đình, bà lại phải lận đận khất thực kiếm sống. Ngó thiệt tội.
Bà dừng lại, nghỉ chân trước mái hiên một căn nhà năm tầng sơn màu lòe loẹt. Lẩy bẩy nắm đống giấy bạc cũ rích trong nón lá ra, bà ngồi đếm từng đồng, tỉ mỉ. Bà duỗi thẳng những tờ tiền cho ngay ngắn rồi nắn nót gấp lại. Sự tò mò trỗi lên, tôi lần lần xáp lại coi, bà đang gấp một trái tim bằng tờ hai nghìn.
- Cụ ơi, - tôi gọi khẽ.
Bà không đáp mà chỉ ngẩng lên nhìn, đôi mắt nheo lại càng làm những vết nhăn hoắm sâu.
- Con gửi cụ...
Tôi nhét vào tay bà tờ hai chục nghìn polymer, tờ bạc duy nhất còn lại trên người.
Bà đưa nó lên và săm soi một hồi như thể chưa từng thấy thứ gì tương tự.
- Hình như cụ đang - Tôi chỉ chỉ vào trái tim hai nghìn - gấp giấy à?
Bà cặm cụi gấp trái tim giấy và cười móm mém. Tuy không nói gì nhưng qua nụ cười ấy, tôi biết bà đang vui, vẻ mặt ánh lên sự tươi tỉnh lạ thường, hình như lâu rồi mới có người đến bắt chuyện với bà.
- Chúc cụ Giáng Sinh vui vẻ nha.
Tôi nắm lấy bàn tay cơ hàn, rủ rỉ "Cầu Chúa và các Thánh chúc lành cho cụ”, rồi mãn nguyện rời đi.
***
Dọc đường nghe tiếng gà vịt kêu la ủm tỏi như sắp bị thọc tiết, mà chắc đúng như vậy thật. Vừa đi tôi vừa suy nghĩ tối mai sẽ nấu món gì, mải đăm chiêu, chẳng hề hay biết bóng người phía trước đang nhìn mình đăm đăm.
- Đạt…
Ai đó kêu tên tôi? Giọng nhẹ bẫng, quen lắm. Ngó lên. A!
- Dì Tâm?
Chẳng ai ngoài dì, âm thanh quen thuộc nhưng thân xác úa tàn đến xa lạ. Một tuần không gặp mà tưởng cả thế kỷ đã cứa qua.
Nụ cười phúc hậu luôn đằm trên môi dì hôm nào giờ đã loang lổ sầu bi, bong tróc từng mảng. Chẳng cần trực giác bén nhạy cũng biết rõ một sức sống đang sụt sùi chớp tắt.
- Hồi tuần rồi em tìm hoài không thấy dì. Dì đã ở đâu?
Dì đáp, giọng trầm trầm: À. Mắc chút chuyện…
- Chuyện gì vậy dì?
- Em chuẩn bị gì cho tối nay chưa? - Dì cố tình chèo qua chuyện khác.
Trời ơi trời! Tôi biết dì lảng tránh nên thấy khó chịu kinh khủng, mắt tôi cau lại trách móc. Chuyện của em em đã kể dì nghe, sạch bách, tại sao đến phiên dì dì lại giấu em?
Đối diện với vẻ nặng nề của tôi, dì chỉ câm lặng và câm lặng!
Bởi tôi chưa đủ để tin tưởng hay bởi dì không đủ can đảm để nói, cho nhẹ lòng?
Tôi tức mình bỏ về nhà, chẳng thèm chào dì lấy một tiếng.
***
- Má ơi! Con ghét dì Tâm!
Tôi quát, nóng tức, đến độ ly nước mía mát lạnh vừa tống vào cổ cũng sôi lên sùng sục.
Chừng như hiểu ý, má nói tôi cứ uống nước đi, để má ra nhà thờ gặp dì hỏi chuyện.
Trời đã tối hù.
***
Lạnh, ngồi co ro vắt chân trên mái nhà, nhìn ánh sáng Giáng Sinh mênh mang tỏa vào không khí, tôi thỉnh thoảng ca lên một khúc Noel bất kì. Tối Vọng Giáng Sinh nào cũng thế, tôi leo lên mái nhà, ngắm, hát và ngóng tiệc Đêm Giáng Sinh.
Nghe thoang thoảng mùi gà quay xộc lên từ những dãy nhà bên cạnh…
- Đạt!
Tiếng má thất thanh khiến tôi giật bắn, "Đạt ơi!” vang lên liên hồi, vội ngó xuống thì thấy một khuôn mặt đang sợ hãi cực độ!
Hoảng hốt, tôi phi nhanh xuống dưới, chân suýt va vào chậu xương rồng.
- Lên bệnh viện tỉnh… con ơi… Lẹ lẹ…
Giọng má đắng nghét: Mày dắt xe ra, lẹ lên!
- Trời ơi, cái gì vậy má?!
- Dì Tâm… uống thuốc trừ sâu… cấp cứu rồi. Mày với má lên đó lẹ, khéo không kịp…
***
Bệnh viện. Chín giờ hai lăm tối, trước cửa phòng cấp cứu đông nghẹt người. Cha xứ, các sơ, ông trùm, ông chánh xứ, bà quản, giáo dân, dăm ba đứa nhóc lớp Khai tâm, mấy đứa Thêm sức và gia đình tôi, tất cả ngồi chờ, chờ trong lo sợ, miệng lầm rầm khẩn nguyện cho dì Tâm bằng an vô sự.
Tôi ngồi một góc, ngó bác sĩ y tá đi ra đi vô mà chẳng nói lời nào, bất giác thấy ngực nhoi nhói, tay siết chặt chuỗi hạt Mân Côi để một lòng hướng về Đức Mẹ từ bi.
Cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện…
Tôi bỗng mệt đến mụ mị, đến lả đi…
Trong cơn mê, loáng thoáng thấy hình ảnh một người phụ nữ trong suốt như lưu ly, tay cầm nhành thiên tuế và cười mỉm. Ảo ảnh? Không biết, chỉ thấy tất cả mờ như sương khói.
Một bóng blouse trắng cũng-như-khói bước ra, vẻ mặt hồ hởi rồi nói gì gì đó, chẳng nghe nổi, lúc đó đầu tôi quay mòng mòng.
Ngất.
***
Xung quanh tôi, một vùng không gian ngập nắng, xanh mướt và thơm ngào ngạt.
Tôi ngờ là mình đang mơ nên cố ngồi yên một chỗ và đợi, thường trong những giấc mơ kiểu này sẽ có một người đến chuyện trò và nói cho tôi biết điều gì đó, có thể tin mừng, lời cảnh báo hoặc một tin dữ, thế nên tốt nhất là cứ ngồi đây, đừng đi đâu kẻo người ta không tìm thấy mình.
Bứt một bông bồ công anh dưới thảm cỏ xanh rì, tôi thổi cái phù, hoa bồ công anh bay tứa lứa, một thành hai, hai thành bốn, bốn thành mười sáu, cấp số nhân lên một cách hồ hởi, tưởng không ngừng.
Bỗng ngưng lại, tụ thành hình người, dần rõ nét.
Ơ? Tôi tròn mắt.
Người-bồ-công-anh xuất hiện trước mắt tôi: Bà cụ hom hem, khập khiễng nhưng nụ cười đẹp đến lạ kì.
Đúng rồi! Bà lão khất thực sáng nay, sao lại xuất hiện nơi đây? Chẳng lẽ bà đã chết và đang tồn tại dưới dạng linh hồn?
- Cụ, ngó quen quen… - Tôi lắp bắp.
- Cậu còn nhớ tui? Hay hen.
Lần đầu tiên nghe thấy giọng bà, thư thái và trong trẻo như giọt sương mai mát lành.
- Dạ, nhớ! Cụ là người ăn xin thích gấp trái tim giấy, mới sáng nay chớ đâu xa… Mà sao cụ ở đây? Cái này hổng phải giấc mơ của con sao?
- Có những giấc mơ sẽ thành hiện thực.
- Con chưa hiểu. - Miệng tôi méo xẹo.
Bà ngước lên vòm trời xanh thẳm.
- Tui nói cậu nghe, cậu biết vì sao người nữ tu cậu yêu quý lại muốn tự vẫn không?
- Không.
- Vì sơ nghĩ Chúa đã xa rời sơ, trong một phút yếu lòng, sơ đã không còn tin vào Chúa nữa…
Tôi xoáy ánh nhìn vào bà như muốn nói "Xin cụ hãy kể tiếp”.
- Cậu biết vì sao dạo gần đây sơ Tâm sầu khổ và chán chường?
- Giá mà con biết. Dì dường như luôn lấp lửng che đậy trước con, dì làm con thất vọng, rất nhiều. - Tôi thành thật.
Image
Bà cụ khỏa tay lên màn trời, lập tức xuất hiện một hình tròn mờ ảo lơ lửng giữa không trung, hình tròn như một bức tranh, vẽ ra cảnh một con người da dẻ trắng bệch, tóc loe ngoe, mắt nhắm lặng và bất động trên chiếc giường sắt, xung quanh là một lô những máy móc dây rợ, cạnh giường có một nữ y tá với cái máy sốc tim cầm sẵn trên tay.
Ngắm bức tranh, tôi cựa mình thắc mắc.
- Đây là ai vậy cụ?
Bà cụ chậm rãi: Người phụ nữ mà sơ Tâm rất yêu thương, vì người này mà sơ Tâm bước vào con đường tu nghiệp.
- Người bạn?
Người thân thì không thể, vì dì từng bảo dì đã chẳng còn ai thân thích.
- Nếu tui nói, còn hơn cả bạn thì sao?
- Chẳng lẽ…
- Ừ, đó là người giữ trọn vẹn trái tim của sơ.
Tôi sửng sốt đến không nói nên lời.
- Cũng như con thôi, sao lại thảng thốt?
- Con không hiểu. Đó là một nữ tu? Làm sao mà…
- Phải. Sơ Tâm là một nữ tu, tốt đời, đẹp đạo, thì đã sao? Sơ cũng từng là một phụ nữ như bao phụ nữ khác, cũng biết yêu và yêu mãnh liệt.
- Tình yêu với cô gái đang nằm bất động trong bức tranh? - Tôi ngó lên.
- Một tình yêu đẹp và trong sáng vô ngần. Tiếc rằng một ngày đầu tháng mười hai u tối, có người đã chọi cục đá to bằng nắm tay vào đầu cô gái rồi vọt mất.
- Đứa đó bị điên à?
- Không điên, chỉ là thấy ghét nên chọi chơi. Có lắm kẻ như vậy, hổng ưa hai gã đàn ông hay hai người đàn bà quấn vào nhau.
- Dân kỳ thị theo lối cực đoan, con thấy nhan nhản.
- Vết thương sâu hoắm, não bị tổn thương làm cô gái sống đời mê man, mọi phương pháp chữa trị chỉ giúp trái tim cô duy trì nhịp đập, thân xác úa lạnh đó đã chẳng mảy may được nếm vị ấm áp của mặt trời suốt bao năm tháng. Và cũng chừng ấy năm chẳng ngày nào sơ ngưng nguyện cầu cho cô gái tỉnh lại, rồi như sợ Thiên Chúa và các Thánh không đoái hoài đến lời cầu khẩn của một người bình thường, sơ Tâm vào nhà dòng và tu tập, quyết trở thành sơ, với một mục đích duy nhất: Đến gần với Chúa hơn!
Không gian theo tiếng thở buồn bã của bà mà chìm trong bải hoải.
Tôi chau mày: Cụ ơi. Cái cô kia đã… rồi phải không? Tôi không dám nhắc đến từ "Chết”.
- Không. Chỉ mới chết lâm sàng thôi, nhưng người ta không nghĩ vậy, người ta tin vào máy móc. Tui nói cậu nghe, nếu có một tia hi vọng giúp cô gái sống lại, liệu cậu có can đảm nắm lấy?
- Nắm kiểu gì?
Tôi đoái nhìn cô gái trong tranh, lúc này trên người cô được phủ một tấm khăn trắng lạnh lẽo, các bác sĩ đứng nhìn cô trong thất vọng, nỗi thất vọng lây lan sang tôi, biến thành một niềm xót thương cho cõi đời bạc phước "Y học còn phải bó tay…”.
Bà cụ lấy trong chiếc túi chắp vá ra một trái tim lấp lánh màu xanh dương và trao nó cho tôi: Cậu còn nhớ tờ bạc sáng nay cậu tặng tui chớ?
- Tờ polymer hai chục nghìn?
- Nó nè.
Tôi đỡ lấy trái tim, nóng hổi, chừng như cả một mặt trời được gói trong đó.
- Cậu đưa thứ này cho sơ Tâm giùm tui, và bảo sơ đặt lên người cô Thoa kia.
- Ủa là sao…
Tôi chưa kịp dứt lời, đã thấy cụ biến mất, y chang mô tip mớ truyện cổ tích hồi bé tôi đọc, mấy ông tên Bụt, bà cô tên Tiên tự dưng từ đâu mò tới, lạ hoắc lạ huơ, xong, chóc một cái đã không thấy tăm hơi.
Cụ là ai? Dấu hỏi mù mờ như nắm thuốc mê rơi trúng mặt tôi.
Đôi mắt tôi lại nhòa đi, tai ong ong hệt như lúc sắp ngất…
***
Tỉnh lại.
- Con… - Giọng của má. Ba và má đang nhìn tôi trìu mến, những nếp nhăn trên trán hai cụ giãn ra mừng rỡ khi thấy con mình tỉnh lại.
- Chói… quá, tắt đèn đi! - Tôi giãy nảy.
- Trời cái thằng này. Đèn của người ta mà làm như nhà mình - Ba vui ra mặt - Con đang nằm viện, ông tướng. Ai biểu tự dưng lăn ra chỏng quơ, người ta kêu con bị xỉu.
- Xin lỗi ba má. Tại con mà không làm tiệc Vọng được...
- Mày tỉnh là ba má mừng rồi, tiệc tùng làm chi! - Hai cụ rưng rưng, hình như họ thương tôi lắm, không như tôi tưởng.
Trông ra ngoài, màn trời đen đặc, tôi hỏi ba má thì mới biết đang nằm ở phòng hồi sức chung với dì Tâm, dì đang nằm ở giường bên cạnh, các bác sĩ đã tống hoàn toàn chất độc ra khỏi cơ thể dì, dì đã tỉnh nhưng rất yếu.
Hai ma sơ ngồi thường trực trên băng ghế người-thăm-bệnh để ngó chừng và cho dì Tâm ăn uống, mà giờ họ ngủ gật mất rồi. Ba má bảo ra ngoài một chút để mua gì đó cho tôi ăn.
Phần tôi, người đã hết mệt nhưng đôi chân tê rần, chưa dám ngồi dậy. Tôi nắm nắm bàn tay thì thấy nhột nhột, liếc xuống, một trái tim xanh dương làm từ tờ polymer hai chục nghìn đang nằm gọn trong tay.
Tôi mơ hồ, ủa cái này đâu ra vậy.
Những chi tiết vụn mảnh của giấc mơ ban nãy ùa về khiến tôi vỗ tay cái đét. A! Cái này, trái tim giấy này là của bà già kỳ lạ để lại! Nhớ rồi!
- Dì Tâm ơi! - Tôi thủ thỉ, sau những cố gắng bước đi bằng đôi chân đang tê dại của mình, suýt té.
- Đạt? Em tỉnh rồi à?
Dì ráng rặn ra một nụ cười điềm tĩnh.
- Dì ơi! - Tôi đưa cho dì trái tim giấy. Giờ dì để trái tim này lên người cô gái mà dì yêu thương, cô Thoa chưa chết đâu…
- Sao… làm sao em biết… dì chưa từng nói em nghe về Thoa mà?
- Chuyện đó không quan trọng, nói sau hen, giờ dì gắng nhanh lên, kẻo không kịp…
- Cái này… - Dì trỏ vào trái tim giấy, - …là sao, dì hổng hiểu. Đạt? Em… sao vậy? Miếng giấy chút téo này làm được gì?
Dì cười khẩy, vẻ mặt trào trụa sự nghi kị.
- Chỉ cần dì tin!
Tôi hùng hồn nói.
- Ta đi…
Chúng tôi đi chung với vị bác sĩ phụ trách chăm sóc cho Thoa, ông dẫn vào khu nhà xác hôi mùi formol.
Dì Tâm cùng tôi từ từ mở cánh cửa nặng trĩu, cánh y tá đang nói chuyện rôm rả liền đồng loạt hướng mắt nhìn chúng tôi, chuyển từ tò mò sang đồng cảm, đám lông mày cong cớn dần xịu xuống.
Viên bác sĩ mở ngăn lạnh dành cho Thoa ra, gập hẳn đầu xuống: Xin lỗi sơ. Chúng tôi đã cố gắng hết sức…
Dì Tâm cúi nhìn hình hài thân thương thật lâu, dì nhẹ nâng trái tim giấy xanh biếc và đặt nơi lồng ngực đã từng khỏa ra những rung động mạnh mẽ, thổn thức, căng tràn vào những tháng ngày dì và Thoa bên nhau, trao cho nhau những yêu thương không dè dặt trước bao ánh nhìn săm soi và ghê tởm của thế gian. Bao kỷ niệm đẹp đẽ mà dù thời gian có quét qua khốc liệt thì lửa kỷ niệm ấy vẫn cháy, dì bồi hồi nhớ lại những tháng ngày hạnh phúc và bật khóc nức nở. Tôi khóc, những bóng blouse trắng hàng mi ướt nhòa. Ai trông thấy cảnh tượng này, đến kẻ lạnh lùng nhất cũng muốn ứa ra giọt nước mắt ki bo của mình…
Dòng lệ nóng hổi của dì tuôn ra, thấm vào vạt áo trắng muốt của Thoa, thấm vào trái tim giấy khiến nó nóng đến lạ thường, nóng một cách kì dị, cái nóng vỡ ra rồi ào ạt tràn vào tấm thân lạnh lẽo.
Dì Tâm tưởng như lịm đi trước cơn đau, bỗng bừng tỉnh trước làn sóng cuồn cuộn chảy trong người Thoa, đâu đó âm thanh quen thuộc…
Bịch
Bịch
Rồi lại
Bịch, bịch…
Đều đặn và liên hồi nảy lên nơi ngực cô gái, cả thân người trước đó trắng bệch bỗng hồng hào trở lại.
Viên bác sĩ miệng há hốc không nói nên lời.
Cánh y tá kháo nhau, trời ơi, cái gì đang diễn ra vậy, hoang đường, thật là hoang đường!
Một bà y tá chạy ra ngoài, "Phép lạ! Phép lạ!”, bà vừa cười, vừa khóc, thét lên như phát rồ, như không dám tin vào điều vừa lọt vào đôi mắt cứng nhắc, già cỗi và thiếu niềm tin của mình.
Thoa run run mở đôi mắt đã bị bóng tối bao phủ suốt mười mùa Giáng Sinh lạnh lẽo, thật chậm, thật chậm, rất khó khăn, nhướn đôi mắt ấy bám vào đôi mắt ướt đẫm hạnh phúc của Tâm.
Trong khoảnh khắc, Tâm nghĩ đến một đám cưới ngay trong ngày mai, ngập hoa, thơm ngát, rất đông khách mời đến chung vui, chỉ toàn tiếng cười và niềm vui, đám cưới giữa hai người nữ. Nghe có vẻ mắc cười, huyễn hoặc, nhưng đã sao chứ, ai cấm con người có quyền ước mơ? Từ bỏ ước mơ đồng nghĩa với cái chết chào đời.
Như nhà văn Lỗ Tấn từng bảo:
"Ước mơ không phải là cái gì sẵn có cũng không phải là cái gì không thể có. Ước mơ giống như một con đường chưa có, nhưng con người sẽ khai phá và vượt qua”.
Tâm đang dắt Thoa vào một con đường chưa có, để cùng nhau uống nước từ đóa bình minh, vào một ngày trong tương lai rất gần.
Còn tôi?
Trích truyện ngắn "Tôi là gay" của Nguyễn Minh Đoàn - NXB Phương Nam
Lời tâm sự:
Trước lúc viết cuốn sách này, tôi đã chứng kiến nhiều điều không hay: một người anh lìa xứ, một cậu trai bị cha hắt hủi… Họ vỡ tan ngay trong tổ ấm của mình, họ tìm thấy tình yêu thực sự cho mình nhưng tình yêu ấy còn bị vấp phải sự cấm cản, dè bỉu. Những câu chuyện rạc rời ấy nhiều lần quẫy lên trong tôi, làm tôi suy nghĩ, làm tôi buồn, và đôi lần thấy thất vọng, thật nhiều.
Giữa tình cảnh đó, tưởng chán chường mà buông xuôi, tôi đã được thấy những bức tranh đẹp, xán lạn. Là cha mẹ đón nhận con mình sau khi con come-out. Là người bạn hòa đồng với bạn bè… Vốn không có khoảng cách giữa người với người, dị tính với đồng tính, chuyển giới, song tính. Những tường rào chỉ là người ta dựng lên với nhau. Tin yêu đang dần lấp đi những bức tường ấy, tôi biết, và tôi tin, giống như tin vào nền tảng tốt đẹp giữa con người....