Sau
cú sốc tình tưởng chừng như không thể gượng dậy nổi, tui nộp đơn xin
nghỉ ở công ty rồi cáo lão về vườn, xa lánh cái nơi đầy kỉ niệm ấy, chờ
khi nguyên khí khôi phục sẽ… tính tiếp, kệ nó tới đâu hay tới đó. Thời
gian ấy, thú vui của tôi là cùng lũ nhóc trong xóm, đúng Ngọ, xách xe
chạy vô kén tắm, đều đặn ngày qua ngày.
Kén ở quê tôi giống như
cái hồ bơi lớn được chia đôi bởi cây cầu bê tông lớn có hai lầu dùng để
ngăn nước mặn từ sông chảy vào đồng ruộng. Xung quanh kén được tráng xi
măng và xây rào, dưới cầu là cặp cửa lớn chắn ngang qua dùng để đóng mở
khống chế dòng nước. Mặc dù chính quyền địa phương có treo bảng "Cấm
tắm giặt” nhưng học sinh cứ kéo vào đó nườm nượp; đám thì ăn nhậu, đám
thì tắm táp, thậm chí nhiều đứa yêu nhau còn hẹn hò vô kén làm những
chuyện "tình tứ” với nhau vì kén chẳng những rất vắng vẻ mà lại còn vô
cùng mát mẻ. Có thể coi kén giống như một dạng của cửa sông, dòng chảy ở
kén rất mạnh, nhất mỗi lần xả (mở cửa) kén thì nước vô cùng xiết, rất
nhiều người hoặc vô tình hoặc cố ý đã bị dòng nước nhấn chìm rồi cuốn
trôi đi vĩnh viễn làm nên những vụ án mạng xôn xao dư luận địa phương
trong nhiều ngày. Nhưng điều đó lại không hề làm nao núng cái lũ đứng
thứ ba: sau ma và quỷ.
Tình cờ sao lại gặp lại nhỏ lớp trưởng
suốt thời phổ thông sau nhiều năm biền biệt tăm hơi tại nhà nó – một cái
quán lá lụp xụp bên vệ đường, bán hằng hà sa số thứ tạp phẩm. Con nhỏ
tham lam này không quên kinh doanh êm hai mặt hàng mà đám đàn ông nhậu
trong xóm ven bờ sông này khóai kinh dị đó là cháo lòng và bò kho mẻ
trong cái nhà thiếc dựng lên kế bên "siêu thị bình dân” của nó. Nỗi vui
mừng không sao tả xiết tới mức tôi thiếu điều muốn rú lên và bay đến ôm
chặt, vỗ vào lưng nó bộp bộp như những thằng con trai gặp lại sau mười
mấy năm xa cách. Tất nhiên truyền thống "nam nữ thọ thọ bất thân” đã ăn
sâu vào máu người Á Đông thì sao mà tôi làm được điều đó, những gì có
thể chỉ là trợn đôi mắt của mình lên, cổ họng nghẹt lại, cứ ú ớ, lắp bắp
mãi một câu ngớ ngẩn:
Bây giờ nó đã phát tướng hơn hồi xưa nhiều. Nét vui mừng, hớn hở làm
khuôn mặt vốn tròn trịa của nó trở nên phúc hậu và đẹp đến lạ lùng, một
nụ cười tươi tắn hiện lên như một đóa hoa đang bừng nở. Nỗi nghẹn ngào,
mừng mừng tủi tủi làm hai đứa ngẩn ra một lúc lâu, nhỏ Hương mới như
bừng tỉnh, vẫn là phong cách của một bà madam như hồi còn phổ thông, nó
ra lệnh cho tôi một cách dứt khóat:
– Vô đây đi ông! Làm gì đứng ngẩn ngở ngòai nắng vậy! Bộ tui còn bốc lửa lắm hả?
Tôi quay cái xe một vòng rồi quẹo thẳng vô trong cái quán cháo lòng của
nó, ngồi xuống cái ghế đẩu lùn lùn. Còn nó lăng xăng tíu tít chạy đi
đập nước đá bốp bốp rồi thóang cái bưng ra một chai xá xị với cái tẩy,
tôi rót nước ngọt ra ly, dòng nước màu nâu nâu cuốn vòng quanh những
viên đá trong suốt, mặt ly sủi bọt, không khí đặc quánh niềm vui và kí
ức pha trộn, tôi hỏi nó :
– Ủa ! Tui nhớ trước nhà bà ở đằng kia chứ có phải ở gần bến phà này đâu ? – Ờ ! thì đó là nhà của ba má, từ hồi tui có chồng tới giờ ra riêng rồi ở đây làm ăn chứ đâu có ở chung với ba má nữa.
Tui gật gù suy nghĩ rồi buông ra một câu chửi :
– Công nhận bà này ham mần ăn tới nỗi không nhớ thăm nom bạn bè gì ráo!
Con Hương rất nhạy, nó đáp một lèo :
– Chứ không phải ai kia không bao giờ đi họp lớp hả, từ hồi đi thành
phố học rồi đi làm tới giờ mất tăm mất tích, muốn kiếm ông còn khó hơn
đi kiếm tổng thống Mỹ… Mỗi năm họp lớp tụi này đều hỏi thăm mà ông thì
biệt tích như bóng chim tăm cá …
Công nhận cái mồm mép của con
nhỏ này sau mười mấy năm không gặp vẫn liến thoắng như hồi bộ lần. Tôi
nhắm coi bộ "tranh biện” không nổi với "bà sếp” cũ của mình nên đành lái
qua chuyện khác :
– Rồi bà có thể tóm tắt về "trạng thái hiện
tại” của bà hay không ? Theo như tui biết nãy giờ thì bà đã đâu có còn ở
tình trạng "chửa chồng” nữa… đang đưa đẩy cái gì trên võng đó?