Người ta thường hay nói gái Liễu Mai, trai làng Vân với ngụ ý rằng con gái làng Liễu xinh đẹp, dịu dàng, con trai làng Vân vạm vỡ, khoẻ mạnh, làm ăn buôn bán giỏi. Hai làng Liễu Vân nằm sát cạnh nhau cùng những làng khác tạo lên một thương cảng Vân Đồn làm ăn thịnh vượng.
Ở làng Liễu có một cái giếng nước to lắm, người dân ở đây gọi đó là giếng Hệu. Từ nhỏ tôi đã nghe thầy bu kể rất nhiều về giếng Hệu của làng. Bu hay bảo rằng, giếng Hệu chẳng những là một cái giếng phục vụ nước cho dân làng mà còn là nơi hẹn hò của trai gái làng Liễu, làng Vân và ngày xưa nhờ giếng nước ấy mà thầy bu mới quen nhau. Mỗi lần bu kể, mắt bu sáng như sao, tay bu thoăn thoắt vá áo, miệng bu liến thoắng nói. Lúc ấy ba chị em tôi xúm lại quanh bu, tôi ngồi dưới nhất nhìn thấy hết những nếp nhăn trên gương mặt khắc khổ của người đàn bà mới qua tuổi băm. Tính cả tuổi mụ thì năm nay bu mới ba mươi lăm tuổi còn ít hơn tuổi phu nhân của xã trưởng. Dưng mà phu nhân xã trưởng trẻ lắm, trông như chỉ hơn chị Hạnh tôi mấy tuổi. Chị Hạnh hay nói, bu vất vả nên bu già, phu nhân xã trưởng nhàn hạ nên trẻ trung phơi phới. Thế nhưng với tôi bu vẫn là người đàn bà đẹp nhất.
– Dung ơi, ra đồng gọi bu với chị Hạnh về cho thầy.
Tiếng thầy tôi cất lên kéo tôi khỏi dòng suy nghĩ miên man. Trên nhà hình như có khách, tôi khẽ đáp dạ sau đó bắc ấm thuốc trên bếp rồi mở cửa đi ra đồng. Trời sang thu mà vẫn nắng gay gắt, trên bầu trời còn chẳng gợn một đám mây. Mấy năm nay thầy tôi bệnh nên đã nghỉ dạy, tính ra từ lúc ấy nhà tôi chẳng còn mấy khách khứa đến thăm như hồi thầy khoẻ nên tự dưng tôi thấy là lạ. Tôi men theo con đường đi ra cánh đồng, lúa mùa gặt vàng ươm cả một vùng, mùi lúa thơm lâu lâu lại xộc vào mũi khiến tôi thích thú vô cùng. Khi thấy thấp thoáng bóng bu, chị Hạnh và thằng Tý đang khom lưng cắt lúa tôi liền cất tiếng gọi:
– Bu ơi, chị Hạnh ơi về thầy bảo.
Gọi mấy câu bu với chị Hạnh mới lên bờ, còn chưa kịp nói bu đã mắng tôi:
– Làm gì mà cứ ầm ĩ lên thế? Bu dặn bao nhiêu lần rồi? Con gái con đứa đi nhẹ nói khẽ cười duyên. Cứ thế này rồi ai chịu rước đi, mười bốn tuổi rồi mà không có cái mối nào, mày xem con Hà, con Dinh kém mày mấy tuổi đã có chồng rồi mày vẫn nhởn nhơ lông bông? Thế có chuyện gì đấy?
– Bẩm bu. Nhà có khách, thầy kêu con mời bu với chị Hạnh về ạ.
Bu tỏ ý hơi ngạc nhiên nhưng rồi liền đưa chiếc non mê cho tôi, dặn dò tôi với thằng Tý đẩy lúa về sau, bu với chị về trước. Tôi với thằng Tý chất lúa lên xe thồ rồi lại men theo đường làng đi ra khỏi cánh đồng. Khi tôi với thằng Tý về đến sân cũng có tiếng cười nói xôn xao. Mấy người khách từ trong gian nhà chính bước ra đi về, người nào người nấy áo hoa, khăn xếp nom đến là sang trọng. Tôi khẽ cởi nón mê cúi đầu chào rồi chạy ra sân giếng dội nước cho mát. Đến lúc vào trong nhà, bỗng dưng tôi thấy chị Hạnh khóc, chị vừa khóc vừa tức tưởi nói:
– Con xin thầy bu, đừng gả con đi. Thầy bu cũng biết con thương cậu Phúc…
Chị còn chưa nói hết câu thầy đã rít lên:
– Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Ba ngày nữa nhà người ta sẽ đem trầu cau sang hỏi, người ta lấy chính thất chứ có nạp lẽ đâu mà chị khóc với lóc. Chị xem cái làng này ai sướng hơn chị? Nhà ông Lý giàu nhất ở đây của ăn của để không hết, lấy về là phúc phận của chị đấy, cậu Bảo còn là cháu quan viên. Thầy nói cho chị biết, chuyện này thầy đã quyết, chị đừng có mà làm loạn. Từ xưa tới nay chỉ có chuyện cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy chứ làm gì có chuyện con cãi lời cha mẹ như chị?
Chị Hạnh nghe xong chạy vào buồng đóng sập cửa lại, thầy bu tôi ngồi bên ngoài khẽ thở dài. Tôi rón rén gọi mấy câu nhưng chị Hạnh không mở, chị khóc nức nở. Mãi đến tận chiều khi tôi đang đốn củi nấu cơm chị Hạnh mới bước xuống. Hai mắt chị sưng vù, chị ngồi xuống cạnh tôi thẫn thờ nói:
– Dung, giúp chị một việc.
– Việc gì thế chị?
– Em mang bức thư này gửi đến cậu Phúc giúp chị. Để chị nấu cơm cho, mang mau đi, cầm cả mấy hào này đi mua muối nữa.
Tôi hiểu ý nhận lấy bức thư rồi đi ra cổng. Thầy tôi vẫn nằm trên giường ho sù sụ, bu tôi thì ở phía sau vườn hái rau. Tôi đi qua khẽ nói nhỏ:
– Bẩm thầy, con đi mua ít muối ạ.
– Ừ đi nhanh đi, thằng Tý đâu ra đấm lưng cho thầy một chút.
Nghe thầy nói vậy tôi liền ba chân bốn cẳng chạy ra đầu làng. Tôi biết chị Hạnh và cậu Phúc thương nhau từ lâu. Mấy lần chị kể với tôi, chỉ cần qua tang thầy cậu, bu con cậu sẽ mang trầu cau sang rước chị về. Tính ra, nhà cậu Phúc mới là môn đăng hộ đối với nhà tôi vì cả hai nhà đều nghèo rớt mồng tơi. Thầy tôi trước kia làm thầy đồ, nhưng bệnh nên cáo lão lui về. Mẹ tôi làm nông nhưng lại chẳng có đất đai, đồng lúa thực chất là được ông Lý cho mượn để trồng trọt. Nhà ông Lý giàu lắm, ở cái vùng này không ai giàu hơn ông, đất đai nhà ông rộng bao la bát ngát, người làm cũng ngót cả mấy trăm. Ông Lý có ba bà vợ, cậu Bảo là con của người vợ cả, là cháu ngoại quan viên. Đấy là tôi biết loáng thoáng như vậy chứ còn chi tiết thế nào tôi không rõ.
Khi tôi đến nhà cậu Phúc thấy hai bu con cậu đang xếp trứng vào giỏ. Thầy cậu mất hai năm trước vì bệnh tật. Nhìn thấy tôi cậu liền nói:
Tôi lắc đầu đưa thư cho cậu sau đó chào hai bu con cậu rồi chạy ra chợ mua muối rồi lại chạy về. Buổi tối hôm ấy ăn cơm xong, thầy bu tôi ngồi bàn chuyện cho chị Hạnh. Thấy chị nguôi nguôi thầy bu cũng có vẻ yên tâm, tối bu còn mua cho chị mấy cái bánh rán khiến tôi với thằng Tý ghen tỵ ra mặt. Chị Hạnh là niềm tự hào của thầy bu tôi, chị năm vừa tròn mười bảy, thực ra cái tuổi này hơi muộn để lấy chồng nhưng riêng chị Hạnh thì nếu có lấy mọi người vẫn cứ tiêng tiếc. Ở cái làng Liễu Mai này chị nổi tiếng xinh đẹp nhất vùng lại tề gia nội trợ, công dung ngôn hạnh thứ gì cũng có. Cái chuyện chị thương cậu Phúc thầy bu tôi biết, nhưng chẳng ai cấm đoán chị. Dạo trước tôi còn nghe bu nói đợi chị Hạnh đi lấy cậu Phúc bu tôi sẽ tìm cho tôi một mối. Ai dè hôm nay thầy bu lại định gả chị Hạnh cho cậu Bảo nhà ông Lý. Nhưng tôi biết kể cả thầy bu có thương chị Hạnh cỡ nào thì cũng khó mà từ chối. Nhà ông Lý vừa giàu có, lại có thân có thế đừng nói là một chị Hạnh, đến mười chị Hạnh ông đã muốn cũng phải chấp nhận.
– Dung.
Tiếng chị Hạnh nghèn nghẹn cất lên.
– Dạ.
– Nghèo là một cái tội đúng không?
Tôi chẳng biết đáp lại gì, câu hỏi này đâu cần có câu trả lời. Nó là rõ ràng rồi, nhất là đã nghèo còn mang phận nữ nhi. Chị Hạnh đưa tay quệt nước mắt rồi quay vào trong tường. Ở bên kia buồng thầy tôi lại ho, bệnh của thầy đến nay vẫn không thuyên giảm ngược lại ngày càng nặng. Tiền nong trong nhà cắt thuốc cho thầy giờ cũng kiệt quệ. Bu tôi ngoài ngày làm đồng, hết mùa lúa lại đi theo mấy đám dân làng sang tận làng khác để mò cua bắt ốc bán kiếm tiền. Mấy năm trước tôi với thằng Tý còn được thầy dạy cho con chữ, nhưng đến năm nay thầy yếu không còn dạy nổi. Nhà cũng không có tiền cho thằng Tý lên huyện để học. Thầy tôi lắm lúc ngồi trong buồng lại thở dài rồi nói với bu:
– Cô Diệp nhà xã trưởng ấy thế mà được lên kinh thành học. Người ta phận nữ nhi còn được học hành đàng hoàng vậy mà thằng Tý nhà mình lại phải ở nhà đi cắt lúa với bu nó. Cũng tại tôi bệnh tật, để cho bu nó, cho mấy đứa con phải khổ.
Mỗi lần thầy nói xong, bu lại ra giếng ngồi lặng lẽ. Ở nhà này xét ra tôi lại được học nhiều nhất. Chị Hạnh từ bé chỉ học để biết chút ít còn suốt ngày quanh quẩn ở nhà lo việc đồng áng. Thấy chị khóc mà tôi xót hết cả lòng, từ nhỏ chị vất vả cùng bu vất vả bươn trải, việc gì nặng chị cũng nhận làm, có gì ngon cũng nhường cho tôi với thằng Tý. Tôi thương chị, nhưng không biết an ủi thế nào cho phải.